NGÀY XA TAM KỲ - MẤT ĐÀ NẲNG
Võ Văn Lượng
Ngày 10.03.75 hai quận Tiên Phước và Hậu Đức bị VC tấn công và tràn ngập... Mất !
Tiên Phước, một quận lỵ miền núi mà tôi đã có một thời kỳ đã lên làm Phó Quận Trưởng quận lỵ này. Tôi nhớ đến những nhân viên quận đã có thời cùng làm việc với tôi. Không biết giờ này họ ra sao ? Có ai chạy thoát không, số phận họ sẽ ra sao nếu không thoát được. Và còn những người lính, người dân tôi quen tôi biết nữa… Tôi không dám nghĩ đến những khốn cùng như hồi Tết Mậu thân ở Huế.
Quận lỵ Hậu Đức nằm cao hơn và sâu hơn trong núi. Đúng là một quận lỵ đèo heo hút gió sớm chiều mây bay sương phủ đúng nghĩa. Từ Tiên Phước phải băng qua một ngọn đèo, có tên là đèo Le để đến Hậu Đức. Tôi có lên quận Hậu Đức hai lần bằng trực thăng. Lần đầu, từ Tiên Phước tôi theo trực thăng lên Hậu Đức và ngủ lại một đêm với anh Phó quận Thái Công Phú (ĐS16) trong Chi khu Hậu Đức trên một ngọn đồi cao, lúc đó Thiếu tá Lý văn Sơn đang là quận trưởng. Lần thứ hai, vừa sau Tết, theo một ngươi bạn làm việc cho Usaid đi trực thăng từ Đà Nẳng vào ghé Tiên Phước bốc tôi theo trực thăng lên Hậu Đức chơi trong công tác không ảnh của anh. Đến Hậu Đức trong đầu tôi luôn có ý nghĩ nếu VC đánh thì Hậu Đức sẽ mất dễ dàng vì quận… quá lẻ loi và đơn độc . Giờ nghe Hậu Đức mất tôi không ngạc nhiên.
10.03: các trường học ở Tam Kỳ đã đóng cửa nhưng sinh hoạt ở Tam Kỳ vẫn còn vẻ bình thường dù dân chúng cũng đã chộn rộn lao nhao chạy ra Đà Nẳng. Tôi không nhớ anh Thiệu, Phó Tỉnh Trưởng và các anh Trưởng Ty Cư, Tạo, Nghĩa, Chính (Ty Xã hội) và Gia đình anh Quý và các anh khóa 19 mới ra nhận nhiệm sở Quảng tín không lâu, đã ra Đà nẳng lúc nào ? Anh Trình Ty Thuế vụ cũng vù mất rồi vì gia đình anh đang ở Đà nẳng. Tôi làm ở Trung tâm Chuẩn Chi không có xe hơi. Tôi liên lạc với anh Sanh, Quản đốc Trung tâm Cải huấn hẹn ngày cùng anh ra Đà Nẳng.
Thứ bảy 15.03 tôi cùng anh Sanh thẳng ra Đà Nẳng. Đây là lần cuối tôi đi cùng anh. Từ ngày đó tôi không còn một tin tức nào của anh cả. Quản đốc TT Cải Huấn thì cũng khó tránh nguy hiểm với chế độ mới. Trên đường tôi chỉ thấy xe các loại lũ lượt chạy ra hướng Đà Nẳng. Lưa thưa vài chiếc chạy ngược chiều. Ra Đà Nẳng, tôi cũng nghĩ như những lần trước, chiều chúa nhật còn phải trở lại Tam Kỳ để sáng thứ hai chào cờ. Tôi chỉ đem theo chút ít đồ dùng còn để lại tất cả, cũng không nghĩ mình rồi sẽ đi luôn vĩnh biệt không còn trở lại.
Gia đình má và hai em tôi cũng đã từ Huế chạy vào được Đà Nẳng. Một người em trong quân đội là pháo binh đi đề lô cho 56/3BB xin nghỉ ba ngày phép ra Huế đưa ba tôi vào Đà nẳng trước và đã mua được vé Air VN cho ông vào Nha trang. Tôi tìm được gia đình đang tá túc trong nhà người cháu trong xứ đạo Thanh Bồ Đức Lợi. Tức tốc tôi đưa tất cả theo xe GMC quân đội chở dân chúng lên phi trường Đà Nẳng để di dân vào Nam lập nghiệp . Nhưng lính không quân gác cổng không cho ai vào trừ những người lính không quân và gia đình của họ. Điều này đã tạo ra hiềm khich cho các quân binh chủng khác nhất là trong giai đoạn hổn quan hổn lính lúc đó nên sau này nghe kể có sự xung đột bằng súng và có người chết là chuyện phải đến. Tại cổng vào tôi gặp Đại tá Nguyễn Hữu Duệ, Tình trưởng Thừa Thiên. Ông nói với tôi: “ Ngay tôi tụi nó cũng không cho vào!”. Sau đó tôi thấy anh Thiệu, Phó Tỉnh trưởng xếp của tôi từ trong phi trường đi ra. Anh nói anh em và dân Quảng tín vừa đi xong. Tôi nhớ hôm đó là chiều chúa nhật 16.03. Sau này tôi biết đó là chuyến bay cuối cùng ra đi đàng hoàng, nhờ các anh Hành chánh đứng ra sắp xếp rất trật tự.
Hàng xe dài nằm ngoài cổng phi trường chờ thêm một ngày và một đêm nữa. Không ai dám rời xe. Rồi. Tan hàng mọi người hết hy vọng lên được phi cơ. Gia đình tôi quay lại Thanh Bồ Đức Lợi.
23.03.75 Tam Kỳ mất… 24.03: Tiểu khu Quảng Tín rút chạy về Đà Nẳng.
Anh Thiệu, Quý, Trí đến tá túc nhà anh Oanh,Trưởng Ty Công Chánh Quảng Tín. Tôi cũng ngày ngày lại tìm các anh xem có tin gì mới không. Thành phố Đà Nẳng giờ rất hổn độn, người tỵ nạn từ Quảng Trị, Huế tụ vào, từ Quảng Ngải, Quảng Tín, Quảng Nam đổ ra, thêm lính tráng lạc đơn vị lang thang trên các đường phố. Thành phố Đà Nẳng tràn ngập người và người. Di chuyển xe hơi khó khăn, tôi đưa chiếc xe Nhật hai bánh của em tôi cho anh Thiệu xử dụng. Sau này anh Quý chạy chiếc xe này và bị cướp dí súng lấy mất.
Anh Thiệu đi họp với giới chức từ Saigon ra cho biết sẽ có 7 chiếc tàu thủy và 21 chiếc phi cơ sẽ lập cầu hải vận và không vận đưa đồng bào vào nam lập nghiệp. Chờ. Chờ. Không thấy gì. Tuyệt vọng. Mạnh ai nấy thoát. Dân chúng ra các bến tàu để tìm cách ra khỏi Đà Nẳng... Tôi còn gia đình mẹ và các em, không phương tiện cũng không quen đường xá Đà Nẳng nên cũng chờ những chuyến tàu như hồi 54 ra đi từ miền Bắc. Em trai tôi trong quân đội, cũng ở quanh đâu đây, giờ cũng không biết ra sao. Tôi lang thang trên các ngã đường . Gặp nhân viên gặp các bạn họ hỏi xem tình hình. Tôi cũng như họ. Không biết gì! Thành phố quá hổn độn, ồn ào tiếng xe cộ và tiếng súng vu vơ. Tôi có cảm tưởng mọi người như con kiến bò quanh miệng chén không lối thoát. Một buổi trưa tôi thấy anh Trương Minh Hòa, làm việc ở Huế cùng khóa với tôi lái xe jeep màu trắng rất hốt hoảng đưa vợ con và gia đình ra bến Tàu. Chúng tôi vẩy tay chào, xe vẫn chạy đi. Mãi sau này mới hay tin anh cũng qua được Mỹ theo diện HO.
Tôi cũng tìm đến hai người bạn thân Hành chánh đang làm viêc tại Đà Nẳng để dò xem đường đi. Anh Ngữ cùng khóa đang làm Phó quận nhì và anh Diêu Xương Thủ (ĐS 13) đang làm Phó quận 3. Anh Thủ không đi được và bị đưa vào TT Cải Huấn một thời gian ngắn, sau được thả vì bệnh nặng, ung thư gan. Về nhà thời gian ngắn, anh mất. Anh Ngữ, trưa 27.03. ( hay 28 ?) tôi còn gặp anh tại nhà đường Nguyễn thị Giang. Anh bảo tôi chờ anh và anh cũng đi không trở lại. Tôi nghĩ hoàn cảnh không cho phép anh còn thì giờ để quay trở lại. Anh đã vào được Saigon trước ngày mất Đà Nẳng. Sau này cũng nhờ chương trình HO anh đến Mỹ.
26.03: Đà nẳng đã lên cơn sốt. Các kho gạo gần thương cảng đã bị dân chúng vào cướp bóc.
Chiều 28.03 tình cờ tôi gặp anh Trần Ngoc Thanh (Tài chánh). Tôi không nhớ vì sao và ở đâu tôi gặp anh. Anh rủ tôi cùng anh đến gặp “ bò lục” Tỉnh trưởng Đào Mộng Xuân ở nhà ai đó tôi cũng không nhớ. Anh Thanh có bà con với ông Xuân. Hai người chỉ nói với nhau chuyện nhà cũng không nói chuyện chạy. Ông Xuân hỏi tôi qua loa vài ba câu chiếu lệ… Mãi năm 80 đi biểu tình 30 tháng 4 ở Ottawa tôi gặp lại ông trong nhóm Toronto lên. Nghe ông là Chủ Tịch hội Cựu Quân nhân ở đó. Những năm sau tôi gặp lai anh Thanh tại Montreal lúc anh qua thăm người bà con ở đây. Rồi cũng vài năm sau nghe anh mất vì bệnh.
Chiều 29.03. Đang trên lầu nhà người bạn, tôi nghe tiếng la ó dưới đường (Tôi quên tên đường vì tôi không mấy nhớ tên đường ở Đà nẳng). Nhìn xuống đường, đoàn xe VC đang tiến vào thành phố Đà nẳng. Tôi thấy lạnh người. Xe dẫn đầu cắm cờ MTGPMN và cờ Phật giáo. Một nhà sư ngồi trước và người lái xe chắc là sĩ quan CS. Hai bên đường đã có một số dân chúng cầm cờ Phật giáo và cờ MTGPMN chào mừng quân đội CS. Tôi không can đảm nhìn đoàn quân. Tôi ngồi bệt xuông nền nhà, tựa lưng vào tường, nước mắt chảy dài… Nổi đau đang trào qua những giọt nước mắt nóng!
29.03.75. ngày thứ bảy. Đà nẳng mất. Thứ bảy tối lễ Thánh Thủy vọng Chúa Phục Sinh của người Công giáo. Một Tuần Thánh diễn lại cuộc thương khó của Chúa đã qua, nhưng chúng tôi thì đang bắt đầu. Buổi tối trong căn nhà tạm trú, ngoài gia đinh tôi còn thêm vài gia đình bà con khác, cũng từ Huế chạy vào. Mọi người đều ngủ sớm nhưng chắc không một ai ngủ được. Trong bóng đêm, im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng và ai cũng cảm thấy những ngày đen tối của cuộc sống bắt đầu. Tôi nghe tiếng khóc rưng rức của vài người bà con trong bóng đêm mịt mù. Tôi nằm im, suy nghĩ mông lung. Tôi cũng đang nuốt nước mắt. Tôi nghe tiếng mẹ tôi cứ thở dài não ruột. Cũng không biết lúc này người em tôi, thiếu úy pháo binh đang đi làm đề lô cho Trung đoàn 56/3 BB đang ở đâu? Sau 30.04 tôi biết tin em tôi đã về được Saigon trước lúc Đà Nẳng mất. Hôm đó, em tôi theo đơn vị thiết giáp BB vào quận Thăng Bình, Quảng Tín. Đến tối có lệnh di chuyển ra vùng biển. Sau đó, theo đơn vị lội ra tàu lớn. Em tôi kể, lên tàu, nghe có Tướng Ngô Quang Trưởng cũng có mặt trên tàu. Em tôi thấy Đại tá Tỉnh trưởng Quảng Trị, măc áo thun trắng, quần treilis….
Hai ngày sau, tôi lại nhà anh Oanh để gặp các anh Thiệu, Trí, Quý. Vừa vào nhà, gặp bà giúp việc, chưa kịp hỏi bà đã la to: “ Đi ! Đi ngay ! Đi ngay, hồi đêm xe đã đến bắt đi ba người rồi !”. Tôi quày ra ngay không kịp chào, không kịp hỏi. Tôi tự hỏi nếu bà này không là dân nằm vùng thì ai vào đây mà chỉ điểm cho người ta biết anh Thiệu, Phó Tỉnh Trưởng, Trí Phó Quận Trưởng và Quý là Quản đốc Tu Nghiệp tỉnh Quảng tín ?!
Ông Trưởng Công an khu Thanh Bồ Đức Lợi hỏi tôi làm gì. Tôi làm chuẩn chi là tiền. Ông nói tôi xem có khóa học nào trong Phường khóm thì đi học. Tôi đã đi học 12 ngày với Trung sĩ Cảnh sát và Liên toán trưởng Nhân Dân Tự Vệ. Sáng đi trưa về, chiều đi tối về. Xong khóa học, tôi theo lớp học đi dự lễ Mừng Chiến Thắng của Thành phố Đà nẳng. Tôi gặp anh Oanh, Trưởng Ty Công Chánh Quảng Tín. Chúng tôi nhìn nhau, thinh lặng , không ai nói với ai lời nào, ngậm ngùi.
Nắm tờ giấy chứng nhận học tập 12 ngày, tôi vào Saigon… Tháng 06. 79 tôi mang tên người Hoa lên tàu sắt qua Hongkong. Tháng 09.79, Canada đã rộng mở tay đón tôi, một người tỵ nạn Cộng sản.
Võ Văn Lượng
Dịp 30 tháng 4 năm 2019.
No comments:
Post a Comment