Friday, October 26, 2018

RIÊNG TƯ



Nguyễn Xuân Quang


Người đàn ông dẫn con vào khám bệnh. Đã mấy năm rồi, ông ta mỗi lần con cái bị bệnh tật đều đưa chúng đến gặp Nguyễn, chưa một lần chàng gặp người mẹ đem con đến khám bệnh. Nhiều lần chàng muốn hỏi về người vợ của ông ta, nhưng chàng lại ngại sợ mình khơi dậy cái đau đớn, cái vết thương lòng nơi người đàn ông. Chàng nghĩ người đàn ông biết lái xe, và có lẽ qua đây rồi thương vợ, lo cho con nên gánh vác bớt chuyện gia đình cho vợ.
Nhiều lần chàng đi chợ với vợ, gặp người đàn ông có lần đi với con, có lần chỉ đi một mình mua thức ăn trông đảm đang như một bà nội trợ giỏi, cân nhắc lựa từng bó rau, lật qua lật lại lựa từng con cá... Có lần khám bệnh chàng còn ngửi thấy mùi dầu mỡ, mùi hành tỏi, mùi chiên xào, mùi khói nấu nướng ám vào người, vào quần áo của ông ta. Người đàn ông đã qua đây khá lâu rồi, nhưng nét mặt vẫn còn mang khuôn mặt tỵ nạn, khác với một số người khác có thể đã đến Hoa Kỳ cùng một thời với ông ta, giờ đã mang những khuôn mặt phè phỡn, bầu bĩnh, những khuôn mặt mỡ màng và căng máu, những vết nhăn tình dục dưới mắt phủ phê, những khuôn mặt có nét huênh hoang tự đại, gian và dâm... Ông ta vẫn còn mang khuôn mặt người đàn ông Việt Nam tỵ nạn, trông rất khốn khổ, thảm hại. Hai gò má nhô cao, hốc hác, mắt lõm sâu, môi thâm tái. Đầy những nét ưu tư buồn lo, đầy những nét âu sầu khổ ải, đầy những nét tủi nhục hận thù, đầy những nét rượu chè cà phê thuốc lá. Thấp thoáng cái nét macho Á đông son vàng tơi tả, lem nhem lem luốc, phảng phất những nét lui cui  lạc loài... Những khuôn mặt tỵ nạn đàn ông đi bên cạnh những khuôn mặt nữ giới đã lột mặt, face lift, đã đắp vá tu sửa... trông thật thảm thê, thật khốn khổ khốn nạn.

- Chào bác sĩ. Bác sĩ coi hộ cho cháu xem sao, dạo này cháu bị bịnh gì mà cứ than mệt, ngủ lăn ngủ lóc, bạ đâu nằm vật ra đó.

Nguyễn ngồi xuống ghế hỏi bệnh. Con bệnh từ chối không có bệnh chứng gì cả, không nóng sốt, không ho hen, không nhảy mũi hắt hơi, không ói mửa, tiêu chảy, táo bón, không ngứa ngáy nổi mụn, nổi mận ở da.
Chàng nhìn ngày sinh tháng đẻ, người con gái mới chưa đầy 16 tuổi. Chàng khám bệnh không thấy gì ngoài cái rã rượi, mệt mỏi.

- Em chăm học quá phải không? Thức đêm thức hôm nhiều quá chứ gì?
- Not much.
- Kinh có đều không?
- What do you mean "kin"?

Người con gái không nói tiếng Việt nhưng hiểu.

- Menstruation.
- Oh! Last month.
- Every month?
- Yes.
- How's about this month?
- Not yet.

Người con gái không biết hoặc không chịu nói tiếng Việt, hoặc cố ý nói tiếng Mỹ vì không muốn cho người cha biết chuyện.

- Cháu có bệnh gì không bác sĩ?
- Tôi chẳng thấy gì cả. Bác khuyên cháu học vừa phải thôi, phải để dành sức để lên đại học, học cho tới tận ngọn tận ngành của những chuyên khoa mình thích. Bác khuyên cháu chú trọng đến phần thể dục và phần thực hành, nghỉ hè phải lăn ra sống với đời nữa. Phần lớn tuổi trẻ Việt Nam, học giỏi nhưng không có sức, không sống với đời nên giỏi về học vấn kỹ thuật, nhưng kém về kinh bang tế thế. Mai mốt lớn thêm tí nữa, mùa hè bác ghi tên cho cháu vào chương trình trao đổi sinh viên với các quốc gia khác, nhất là tới các quốc gia nghèo mà còn chú trọng đến đạo lý, để cho tầm mắt cháu mở rộng thêm ra...
Phải tạo ra một thế hệ trẻ không thể bị cộng sản bịp và tư bản lừa.
- Tôi cũng bảo cháu luôn.
- Tôi viết cho cháu cái toa thuốc bổ, hôm nay cho cháu thử máu, thử nước tiểu xem có gì lạ không.
- I don't want to have blood test done.
- Fine, let's get some urine, first.

Người con gái đi lấy nước tiểu. Người cha đi ra theo. Nguyễn khám người bệnh tiếp. Chàng bảo người cha chờ ở ngoài, sai người y tá thử nước tiểu.
Người y tá cầm cái ly nước tiểu của người con gái vừa đưa cho:
- Thử theo thường lệ hả bác sĩ?
- Không, cô thử thai cho tôi luôn.
Khi khám xong người bệnh, người y tá đưa kết quả thử bầu cho chàng quyết định.
- Có vẻ positive bác sĩ!
Nguyễn liếc nhanh:
- Cho tôi gặp riêng cô bé thôi.

Để người con gái ngồi xuống ghế đợi một lúc, cho tới khi chàng viết xong cái hồ sơ bệnh lý.
- I want to discuss with you.
- What?
- Did you have sex?
- Yes, what's wrong?
- Nothing is wrong with sex, the question is that you are still very young and you have to know how to avoid the bitter taste of sex. Sex has side effects too.
Chàng ngừng nói để cho những lời nói của mình thấm vào đầu đứa con gái. Nhưng nó táp lại chàng:
- I know that.
- Good! Your urine test was positive.
- What do you mean?
- That means probably you've got pregnant.
- Probably?
- Yes, probably.
- You are not sure?
Yeah, urine test is not 100% accurate, if you want I have to do blood test or I have to do pelvic exam.
- I hate blood test.
- So, do you want a pelvic exam? Do you know a pelvic exam is?
- Yup.

Người con gái ngồi nhìn xuống chân, mặt sưng lên, một lúc sau ngửng mặt lên.
- Okay. You can do pelvic exam.
- I have to get a consent from your father.
- Why?
- Because you are a minor.
- I don't want him to know anything.
- Sorry, without his consent I cannot do it.
- So, what do you want to do?
- As I said. I will do blood test or I can refer you to an OB - Gyn, a women doctor.
- No, I want to know now. I don't want to get anything else.
- So, you have to decide which way to go. I don't have time. Go out and think about it, and let my nurse know your decision.

Nguyễn mở cửa đuổi con bệnh ra rồi dập cửa lại hơi bực mình vì cái cách đối đáp mất dạy của đứa con gái.
Một lúc sau người y tá cho chàng biết người con gái muốn khám thai.
- Cô cho mời ông bố vào.
Người đàn ông như đoán được điều gì quan trọng.
- Mời bác ngồi.
Nguyễn lựa lời để khỏi làm người đàn ông kinh hoàng.
- Tôi muốn xin phép bác để khám bệnh phụ nữ cho cháu, theo luật định cháu còn vị thành niên phải có phép của cha mẹ.
- ...
- Còn không tôi phải gởi cháu đi một bác sĩ sản phụ khoa.
- Hồi xưa bác sĩ cũng là bác sĩ chuyên khoa về ngành đó mà.
- Vâng, bây giờ tôi chỉ chăm sóc những vấn đề phụ nữ thông thường thôi, qua đây phải hành nghề theo đúng luật lệ hạn định ở đây, hy vọng cháu cũng chẳng có cái gì rắc rối.
- Tôi chỉ ngại đến vái vụ...trinh tiết của cháu?

Nguyễn không dám nhìn thẳng vào mặt người đàn ông. Cố gắng vận dụng ba tấc lưỡi để làm êm dịu bớt cái sự thật.
- Tôi khám xem sao, nếu còn tôi sẽ không khám bên trong, nhưng ở Mỹ này, cái sự mất còn chẳng ăn nhằm gì đối với tương lai hạnh phúc của người con gái.
Nguyễn biết người đàn ông đang chết điếng quên cả việc trả lời cho chàng biết có bằng lòng ưng thuận cho chàng khám hay không.
- Bác ra ngoài ngồi chơi rồi cho tôi biết sau, tôi phải qua phòng bên xem người bệnh khác.
- Tôi sợ cháu còn khám...
Nguyễn nói vừa đủ nghe và cố ý làm ra vẻ như không có gì quan trọng:
- Cháu bảo với tôi cháu đã có sex  rồi.
- Vậy sao?
Người đàn ông tắc họng. Một lúc lâu nói như bào chữa: "Cháu chỉ đi học rồi về nhà, đi đâu tôi cũng đưa cháu đi".
Người đàn ông nói xong chợt thấy mình ngây ngô, thở dài.
- Ở đây trẻ con có sex, trẻ con có bầu là một vấn đề trọng đại, cái chính là làm sao cho các cháu nó hiểu hơn là cấm đoán.
Người đàn ông lại thở dài:
- Bác sĩ khám cho cháu cũng được.
Nói rồi người cha đứng dậy bỏ đi ra ngoài như đi trốn một sự thật trước mắt.
Nguyễn bỏ qua phòng bên khám một người bệnh khác, khi sửa soạn con bệnh xong, người y tá mời chàng qua khám cho người con gái.

Thoáng nhìn bề ngoài, chàng chẳng cần nhìn cái màng trinh cũng biết rằng người con gái đã không còn gì.
Khám không có gì khó khăn, cái dạ con đã to bằng quả cam Sunkist California thứ thượng hảo hạng.

- What do you find out?
- About two or three month pregnancy.
- Really?
- You didn't use contraception?
- No.
- Why?
- I don't like it.
- So...
- What I have to do now?
- Discuss the problem with your father.
- I don't want to talk to my father. He is an old fashioned guy...
- How about your boyfriend.
- I don't know who is the father, I have a lot of boyfriends.
- How about your mom?
- She is considered a dead person...
- Welll...you have to find some ways...
- I don't want anybody to know about this, this is a confidential business, right?

Nguyễn chới với không muốn xác nhận ngay  với con bé, chàng mang máng nhớ cái luật privacy act của California, né tránh:
- Of course, I don't let anybody know but I think I have to inform your father.
- No, I don't want him to know, do I have the right to handle my life myself?
- I did talk to your father to get his consent to do the examine, so I think I have to let him know the result of the exam. That's fair.
- No, I will check with my counselor, I will sue you if you don't do as I say.

Nguyễn giật mình, con nhóc con này nói có vẻ hỗn láo nhưng nói rất có lý, sơ hở là vác chiếu ra toà  với nó ngay, nó có lú thì...thầy chú mắt xanh...nhà nó khôn.
Nguyễn bỏ đi rửa tay rồi trở về bàn giấy ngồi thừ người ra. Cuối cùng để cho yên tâm, chàng nhấc ống điện thoại lên gọi cho luật sư riêng của mình để tham khảo ý kiến. Luật sư khuyên chàng phải nghe theo lời đứa con gái  không được nói cho bố mẹ biết,  nếu không nó sẽ đi kiện, nhất là một khi đã có lời yêu cầu xin giữ kín chuyện riêng tư.

Nguyễn trở qua phòng khám bệnh, người con gái mặt vác lên như cái mảnh sành cong.
- Okay, I will refer you to social service agency located on 17th street in Santa Ana, they will take care of you.
- I can handle it by myself.
- I know, but my duty is to refer you there.

Nguyễn viết cái địa chỉ và số phone rồi đưa cho người con gái, dặn người con gái phải liên lạc ngay với văn phòng chăm sóc thiếu nhi mang bầu. Cẩn thận hơn chàng gọi phone lên Sở Xã Hội, chính mình gởi chuyển con bệnh, lấy cả tên người nhân viên, viết rành mạch mọi chi tiết xuống hồ sơ bệnh lý.
Gọi điện thoại xong chàng ngồi ỳ trong phòng, nơm nớp lo ngại người cha đòi gặp mình, nếu giáp mặt chàng không biết phải nói sao. Nói dối, nhất định chàng không muốn nói, ở Mỹ mười mấy năm rồi, chàng không thể nào tập được tính nói quanh sự thật, bóp méo hay bẻ cong  sự thật. Chẳng lẽ chàng lại nói dối với người bệnh đã theo chàng sáu bảy năm nay, ông ta coi như một phần trong gia đình chàng. Nói dối người cha chàng còn mặt mũi nào nhìn lại ông ta nữa, nhưng bây giờ nói sự thật, luật sư khuyên không nên nói. Không biết mình phải nói làm sao, nói rõ cho người cha biết, con nhỏ đó và những cố vấn của nó sẽ đưa chàng ra toà.

Hôm nay quả là ngày xui xẻo, khám bệnh vừa khó nghĩ vừa bị lỗ vốn. Ở Mỹ hành nghề bác sĩ, nhiều khi khám bệnh bị lỗ vốn là chuyện thường. Khám bệnh bảo hiểm nhiều lúc lỗ vốn càng to vì vấn đề tiền đầu tiền đuôi, có kẻ còn trả check không tiền bảo chứng. Còn khám bệnh Medical mất cả chì lẫn chài là chuyện đương nhiên. Khám con bé gái vừa rồi mất cả giờ đồng hồ,  tốn áo giấy, gối giấy, giấy trải giường, găng tay, mỏ vịt, thuốc thử thai... tiền nhà tiền cửa, tiền điện nước, tiền bảo hiểm bất động sản, tiền bảo hiểm hành nghề, tiền điện thoại, tiền lương y tá, nhân viên hành chánh, vân vân và vân vân.... Nhiều lắm chính phủ trả được hơn hai chục đô la, mà tiền tham vấn luật sư qua điện thoại tối thiểu mất năm chục bạc. Ai bảo hành nghề bác sĩ ở Mỹ không lổ vốn? Vì nhân đạo bác ái ư? Nhân đạo bác ái cho một con bé tuổi chưa ra hoa mà đã có trái, đã từng mở miệng ra dọa đưa mình ra toà ư?

May mắn người đàn ông không đòi gặp chàng, lẳng lặng ra xe bỏ về. Có lẽ và dĩ nhiên ông ta còn ngượng ngập, còn xấu hổ hơn chàng. Nguyễn thở dài. Chắc chắn ông ta đã hiểu biết chuyện gì xảy ra cho con gái mình rồi. Ít ra ông vẫn còn mang trái tim và nét mặt khốn khổ của người di tản tang thương.
Cả buổi chiều, chàng vẫn thấy ngài ngại, lo sợ người đàn ông gọi điện thoại lại, cứ mỗi lần chuông điện thoại reo, chàng lại hồi hộp.
Lúc hết bệnh ngồi không, chàng nghĩ vẫn vơ không biết con bé sẽ định đoạt số phận cái bào thai ra sao, chắc nó sẽ nghe theo lời phù thủy mắt xanh của nó.
Có tiếng người y tá nói trong interphone:
- Thưa bác sĩ có điện thoại.
Nguyễn chần chờ rồi đưa tay để lên ống điện thoại.



Nguyễn Xuân Quang



----------------
Nguồn: VĂN, số 71, tháng 5-1988












Sunday, October 21, 2018

CÔ DÂU 68 TUỔI



Nguyễn Thạch Giang


Trưa nay tôi đến phi trường San Jose đón chị Mỹ Lệ, chị từ Virginia sang chơi, đây là lần đầu tiên chị đến vùng vịnh Cựu Kim Sơn nổi tiếng này. Chị Mỹ Lệ có họ hàng với tôi, ông nội của chị là anh bà ngoại tôi. Má tôi và ba chị là bà con cô cậu. Chị bằng tuổi tôi nhưng vì "vai lớn" nên tôi phải gọi chị.
Vừa gặp mặt, chị vỗ vai tôi vừa nói vừa cười: "Ngôn đây hả? Sao bây giờ trông lạ quá vậy, nhớ hồi xưa đẹp trai lắm mà!". Tôi bật cười, "Bây giờ thì già nua xấu xí quá phải không chị? Phần chị thì em thấy chị cũng vẫn vậy, không thay đổi mấy, lâu ngày gặp lại em nhận ra chị ngay. Đâu hồi gặp chị lần cuối là năm 78, từ đó tới giờ mới gặp lại, mới đó mà đã bốn mươi năm rồi, lẹ thiệt!".
                   
Nhà ba má tôi ở dưới quê miệt vườn miền Tây, còn ba má chị Mỹ Lệ thì ở Sài Gòn, nhà ở đường Võ Tánh gần rạp hát Quốc Thanh. Lâu lâu có dịp đi Sài Gòn, tôi ở trọ nhà chị Mỹ Lệ, chỗ đó khu thị tứ, đi đâu cũng tiện. Chị Mỹ Lệ có năm anh em, anh Thuận là trai lớn rồi đến chị Mỹ Liên, chị Mỹ Lan, chị Mỹ Lệ và thằng Thành là em trai út. Trong nhà tôi thân với chị Mỹ Lệ nhất, vì cùng lứa tuổi lại học bằng lớp ngang nhau, chị Mỹ Lệ lại vui vẻ, chuyện vui chuyện buồn gì cũng không để trong bụng, chị kể lại thêm mắm thêm muối vui vui tếu tếu ai cũng cười.
Chị Mỹ Lệ không có chồng, nói một cách chính xác hơn là chưa có chồng. Đường tình duyên của chị có hơi lận đận, mặc dù chị là người xinh đẹp nhất trong mấy chị em. Dáng chị dong dỏng cao, chị cao 1m58, thời đó cao như vậy là cũng có hạng lắm rồi. Chị mặc áo dài hay áo đầm gì thấy cũng đẹp. Tôi có một tấm hình chụp chung với chị ở sở thú, lâu lâu xem lại ai cũng khen hồi trẻ chị Mỹ Lệ đẹp quá!
   
 Nhưng đường tình duyên của chị không được suôn sẻ, hồi xưa chị hay đổ thừa tại chị tuổi con cọp lại sanh nhằm năm "Canh", canh dần, số canh cô mồ quả, số hiếm muộn đường chồng con. Chị tin lắm, tin lời thầy bói lắm, thầy nói chị lập gia đình trễ thì tốt, có chồng sớm sợ phải khóc chồng. Dưới khoé mắt chị có một nốt ruồi nhỏ, đúng ra chỉ là một vết tàn nhang nhỏ, không biết chị nghe ai nói, đó là nốt ruồi "thương phu trích lệ", nốt ruồi hứng giọt nước mắt khóc chồng, chị đi phá. Năm đó chị mới mười sáu, có người chỉ cách cho chị, lấy cây kim chích vào chỗ tàn nhang cho nó chảy máu, xong bôi vôi ăn trầu lên chỗ đó. Chị làm theo cách người ta chỉ, mặt mày sưng đỏ mấy hôm liền. Nhưng chị không sợ, gặp ai cũng khoe là vừa phá nốt ruồi không đau đớn gì cả, vài bữa là nó lành chỉ để lại một vết vẹo nhỏ mờ mờ.
                   
Nhưng cái số của chị là cái số phải khóc chồng, chị nói thầy đã phán như vậy rồi mà.  Người yêu của chị là anh Tài, trung uý biệt động quân, đơn vị của anh đóng quân đâu ngoài Pleiku. Hai người sắp sửa làm đám cưới, đùng một cái Việt cộng tấn công Tây nguyên, tháng ba năm 75 quân đoàn 2 phải di tản chiến thuật. Bạn cùng đơn vị chạy về được Sài Gòn, báo tin anh Tài không ai thấy đâu chắc đã chết mất xác. Chị khóc bù lu bù loa mấy tháng trời. Khóc cho số phận người yêu, khóc cho thân phận hẫm hiu của mình.
Nhưng anh Tài không chết, anh bị bắt làm tù binh. Sau này biết tin, chị nói ông này đi tù mà cũng dành đi trước, người ta tháng tư mới vô tù, ổng tháng ba đã bị nhốt.
       
Anh Tài ở tù cải tạo hơn năm năm thì được thả, sau đó anh có đi tìm chị Mỹ Lệ. Đến nơi thấy nhà đóng cửa im lìm, hỏi thăm hàng xóm người ta nói gia đình đó di tản sang Mỹ cả rồi. Anh buồn tình về quê và sau đó thì lấy vợ. Thật ra hôm 30 tháng tư chỉ có anh Thuận và chị Mỹ Liên đi được mà thôi, chị Mỹ Lệ và ba má chị kẹt ở lại. Mấy năm sau chị Mỹ Lan và thằng Thành đi vượt biên cũng đến được Mỹ. Ba má chị được chị Mỹ Liên làm giấy tờ bảo lãnh đến Mỹ trước, chị ở lại sống lang thang bụi đời chờ ba má chị làm giấy tờ lãnh chị qua sau. Chị nói chờ đi Mỹ, chờ tới đầu bạc mới tới phiên mình. Người ta đi Mỹ từ mấy đời tám hoảnh, mình thì ngày nào cũng chờ được phỏng vấn, tới chừng tới được cái xứ này thì già khụ không biết làm gì ăn mà sống đây.
             
Buổi tối cả nhà dẫn nhau đi ăn, chị Mỹ Lệ kể chuyện suốt, một mình chị nói mọi người ngồi nghe. Chị kể về những ngày ở Việt Nam chờ đi Mỹ, ngày đó lang thang vậy mà vui, một mình không ai kềm kẹp mặc sức quậy. "Mình cũng có mấy ông bồ đó chớ, ông nào cũng te tua, nhưng thời đó ai mà không te tua. Nhưng không tiến tới được không phải vì nghèo mà bởi vì chờ đi Mỹ, sợ làm đám cưới giấy tờ rắc rối kẹt ở lại. Bà Mỹ Liên gởi thư nói mày yêu thì cứ việc yêu mà cưới thì...khoan. Lần lửa ngày qua ngày, tình cũ tình mới lần lượt bỏ đi, có phải tại cái số không, không tin không được."

Ăn xong về nhà xúm lại nghe chị Mỹ Lệ kể tiếp chuyện đời chị từ ngày sang Mỹ.

"Năm 98 chị mới được sang Mỹ, lúc đó đã 48 tuổi rồi, già thì chưa già lắm, nhưng muộn màng quá rồi phải không em. Lúc đó ba má chị còn sống, ở chung với chị Mỹ Liên. Bả khó tánh lắm, chị sợ bả còn hơn sợ má chị. Mình mới qua tiếng Anh tiếng u đâu biết gì, đơn từ này nọ đều nhờ thằng con của chỉ làm giúp. Bả trợn mắt, mày biết trước sau gì cũng qua Mỹ, ở bển không lo học tiếng Anh."
Chị Mỹ Lệ nhìn tôi phân trần.

"Ai mà không biết vậy, nhưng ngó coi, mười người đi Mỹ, mấy người lo đi học tiếng Anh? Ai cũng nói, qua Mỹ dễ học hơn, mà ở bển đi học cũng tốn kém lắm, chừng qua đây... ngày tối lo đi cày trả nợ."
"Chị không thích cái tên Lệ của mình, lệ là nước mắt phải không em, chị nhứt định đổi tên. Lúc thi nhập tịch, ông giám khảo hỏi chị có muốn đổi tên không, chị nói tôi muốn lấy tên Brigitte. Ông Mỹ hỏi lại...  tên gì. Chắc ông này không có coi phim Pháp, chớ người Việt mình ai mà không biết cô đào lừng danh Brigitte Bardot. Ông tròn mắt hỏi lại, tên gì? Chị thấy rắc rối quá nói thôi khỏi, tôi giữ cái tên cúng cơm mắc dịch của mình."

Tôi cười dòn, nói một câu lượm được trong báo (có vẻ hơi cải lương), người ta nói nếu mình không có cái mình thích, thì thôi hãy thích cái mình có.

"Chị đi làm nail, Mỹ nó kêu tên chị đâu có được, có bà khách lớn tuổi, biểu chị viết cái tên của chị cho bả coi, bả nói ồ: "Mai Ly". Từ đó ai cũng kêu chị là Mai Ly, chị thấy cái tên đó cũng đẹp.
     
"Hồi lúc mới qua chị đi làm trong hãng điện tử, làm linh tinh đủ thứ việc, con nhỏ leader người Việt sai mình còn hơn sai người làm, mình ai biểu đâu làm đó không bao giờ dám cãi, vậy mà có đợt lay off mình có tên đi trước. Lớn tuổi rồi tính làm hãng tà tà dưỡng già mà cũng không xong, thôi đi học nail tha phương cầu thực. Chị đi xuyên bang một phần cũng bởi chị Mỹ Liên khó tánh quá! Chị với bả không hạp, khắc khẩu. Mới qua mình được thằng con chỉ cho chiếc xe cũ làm chân, chiếc Toyota Corolla đời vua Bảo Đại tắm mưa cởi truồng, bữa đó trời mưa nó dở chứng không chịu nổ máy, chị khều bả hỏi mượn tiền sửa. Bả trợn mắt, mày đi làm cũng phải để dành trong túi chút đỉnh, ra đường lỡ có đạp bánh phồng bánh tráng có tiền mà đền cho người ta. Xứ này không ai lo cho ai."

Chị Mỹ Lệ và tôi cùng cười xoà. Chị kể tiếp.
 
"Em biết tánh chị mà, trong nhà chỉ có chị với thằng Thành là ăn chơi bạt mạng, nó bửa nay có vợ con biết lo chút đỉnh rồi, chỉ còn chị lông bông. Đi làm quanh năm suốt tháng vậy chớ lần nào về Cali  chơi, mấy đứa cháu mua vé máy bay cho chị lại cho tiền xài. Hôm đám cưới con gái chị Mỹ Lan, mấy bà xúm nhau diện, bà nào cũng đeo hột xoàn cục cục, chỉ có mình chị đeo đồ giả. Lúc đó má chị còn sống,thấy vậy cho chị sợi dây chuyền cùng chiếc cà rá, vậy mà hôm trước túng tiền chị cũng bán mất mẹ nó rồi. Định bụng bữa nào có tiền sắm lại chiếc khác, về đây chị Mỹ Liên dòm ngó rồi bả hỏi không biết đường trả lời. Nhắc lại thấy nhớ bà già quá! Bà còn sống chắc cũng xá dài đứa con gái cưng này.  
Chị Mỹ Liên lâu lâu la chị. Mầy không biết lo, mai mốt già rồi khổ. Chị cũng biết vậy, nhưng ai có trãi  qua cuộc đời độc thân toàn tập mới hiểu. Người ta có vợ chồng con cái thì họ lo, còn mình...sớm tối đi về hẫm hiu một mình. Đôi lúc buồn quá chị cũng buông xuôi phó mặc cho cuộc đời đưa đẩy tới đâu thì tới."

***
 
Chị Mỹ Lệ có hẹn với mấy bà bạn cùng nhau rủ đi chơi, mấy người này sống ở vùng này tự hồi nào tới giờ, nay ai cũng tới tuổi nghỉ hưu nên có nhiều thì giờ rỗi rãnh. Anh Trường là người anh họ của bạn chị Mỹ Lệ, hôm nay anh tình nguyện đưa mấy bà đi viếng thành phố San Francisco nổi tiếng này.
 
Sáng sớm chị Mỹ Lệ đã sửa soạn chờ sẵn, chị mặc quần bó như mấy cô gái trẻ, áo bông hoa theo đúng mốt thời trang bây giờ. Trông chị trẻ hơn nhiều so với tuổi 68. Chị lúc nào cũng thích mặc đẹp và có hơi chút kiểu cọ, tôi còn nhớ trước đây (trước năm 75), chị có một cái quần Tây, phía ngoài "phẹc mơ tuya" có kết mấy cái nút cách điệu, cái nút thiệt bự lúc đi ngoài đường ai cũng ngó vô chỗ đó. Thời bây giờ con gái mặc áo hở lưng là chuyện thường, vậy mà thời trước chị Mỹ Lệ cũng có một cái. Lúc tôi lên Sài Gòn trọ học, có một lần vào đêm Noel tôi  ghé qua nhà chị chơi,  chị nhờ tôi chở chị đi ngắm phố phường. Sài Gòn đêm Noel đông nghẹt người, hai chị em đèo nhau trên chiếc xe Honda cùng giòng người ngược xuôi tấp nập. Chị mặc cái áo hở lưng, mô đen hạng nhứt thời đó, lâu lâu bị tụi con trai chạy gần bên sờ vô lưng chị một cái, mỗi lần bị sờ lưng, chị la một tiếng lớn làm tôi giật mình mà lại tức cười. Thiệt mấy người này đúng là dân Sè Goòng.
                 
Buổi tối chị về tôi hỏi hôm nay chị đi chơi có vui không. Chị nói đi lang thang phố Tàu coi cẩm thạch, coi chơi chớ không có mua, sau đó đi ra cầu Golden Gate chụp hình. Chị khoe tôi tấm hình chị chụp rất đẹp với phông nền phía xa là chiếc cầu treo nổi tiếng. Chị móc bóp khoe tôi viên ngọc trai "người ta" mua tặng chị lúc đi chơi ngoài bến tàu. (Người ta ở đây là người đàn ông goá vợ chở chị và mấy bà bạn đi chơi sáng nay).  Loại ngọc trai vẫn còn nằm trong con trai được đóng hộp, khi nào mình mua người bán sẽ khui cái hộp, lấy con trai ra cạy miệng nó lấy viên ngọc trước mặt mình. Viên ngọc  to hay nhỏ xấu hay đẹp tuỳ hên xui. Thật ra giá trị viên ngọc trai này không lớn, chỉ khoảng mấy chục đồng thôi, đây cũng chỉ là một kiểu "giúp vui" du khách trong mấy khu du lịch miền biển này.

Chị Mỹ Lệ có vẻ sung sướng với món quà. Chị nói không hiểu sao mình vẫn thích nhận quà từ đàn ông, khi đó mình có một cảm giác lâng lâng khó tả, giống như mình được họ đặc biệt quan tâm. Chị  nói chị cũng rất thích người đàn ông có cử chỉ cùng lời nói ngọt ngào, "ngày xưa chị  đã từng bị một người đàn ông đốn ngã chỉ bởi ông ta bẻ cái bánh một nửa đưa cho mình". Chị nhìn tôi rồi nói:

" Em à!  có lẽ đó là một khuyết điểm lớn nhất của chị."

Tôi nhìn vẻ mặt mơ màng của chị Mỹ Lệ, ở từng tuổi này mà chị vẫn có thể bị đốn ngã  bởi nửa cái bánh của một người đàn ông? Nếu quả thật đó là một khuyết điểm của con người chị, thì cái khuyết điểm đó cũng là một khuyết điểm dễ thương.

"Em còn nhớ anh Tài không? Ông xã hụt của chị đó?"

"Nhớ, ảnh ở Mỹ phải không chị?"

"Ảnh ở Santa Ana chớ đâu, bữa chị với chị Mỹ Liên đi chợ gặp ảnh, ổng mừng quá chạy tới ôm chị. Có vợ con ổng đi theo, ổng nói "vợ lớn" của tui nè, con gái của ổng nói ba con nhắc "má hai" hoài, bữa nay mới gặp thấy "má hai" thiệt đẹp".

"Vợ hụt" chớ vợ thiệt chắc ổng đã ngủm cù đèo. Chị Mỹ Lệ cười dòn. Nhiều lúc chị ngẫm nghĩ, cái số của chị không mắc nợ với ai nhiều khi vậy mà tốt, (chắc chị muốn nói tới cái số...mà thầy bói nói),  thời đó chiến tranh, người ta chết biết bao nhiêu, vậy mà mấy ông bồ nhà binh của chị ông nào cũng còn sống qua đây hết trơn.

"Em còn nhớ anh Hùng, trung uý hải quân, có lần chị với em ra tìm ảnh ở ngoài Vũng Tàu không? Ảnh ở New York, nghe tin chị qua có tới thăm, lúc ra về còn để lại bao thơ cho chị năm trăm mua quần áo".

"Chị  đi ra Vũng Tàu thăm "bồ" rủ em đi theo để trong nhà không nghi. Em nhớ hoài lần đó chị không có tiền, đem bán sợi dây chuyền, về nhà nói đi ngoài đường bị chúng giựt."

Chị Mỹ Lệ cười khúc khích. "Thiệt tình, hồi đó còn con gái sao mà gan như vậy hỏng biết! Không có tiền dám đi bán sợi dây chuyền của bà già mua cho, còn đặt điều nói dóc ra đường bị giựt. Má chị mua sợi khác cho chị, nói con đeo đi ra đường cẩn thận. Ba chị nói bữa vô tiệm vàng Kim Vinh thấy có sợi dây chuyền giống hệt sợi dây chuyền của con Mỹ Lệ."

Chị Mỹ Lệ cười rung rinh cái ghế ngồi, chị nhớ lại thời con gái oanh liệt của mình. "Chắc ba chị biết, nhắc lại thấy nhớ ông già bà già quá!".


oOo


Sáng hôm sau anh Trường đến đón chị Mỹ Lệ đi ăn sáng, sau đó kéo nhau ra bãi biển chỗ thành phố ngày trước tài tử Clint Eastwood từng làm thị trưởng. Buổi tối về nhà chị Mỹ Lệ hết lời ca tụng người đàn ông goá vợ này.

"Ảnh ăn nói ngọt ngào mà có vẻ hợp tánh chị, hai người nói chuyện hợp rơ lắm, chị kể chuyện ảnh cười suốt, khen chị nói chuyện có duyên.  Đôi lúc chị bắt gặp ánh mắt của ảnh nhìn chị trìu  mến."

Tôi hỏi anh Trường có nói gì về gia cảnh của anh không, ảnh có quan tâm tới đời sống của chị không.

"Ảnh nói vợ ảnh chết đã ba năm, giờ ảnh ở một mình, con cái có vợ có chồng đều ra riêng, mà tụi nó lại ở xa, lâu lâu về thăm anh một lần. Ảnh hỏi  chị không định nghỉ hưu sao, không chồng con làm chi cho nhiều, hưởng đời đi chớ, quỷ thời gian đâu còn bao nhiêu. Chị nói tuổi này mà còn đi làm đôi lúc thấy cũng oải lắm. Nhưng ở nhà thì buồn, về đây ở thì sinh hoạt  đắt đỏ quá! Tiền nhà mắc quá! Ảnh cười nói, về đây ở ảnh cho chị share phòng, lấy giá tượng trưng."

"Như vậy là ảnh mở lời rồi đó"

"Ảnh sanh năm 1947, tuổi con heo, lớn hơn chị ba tuổi. Chị  nói  anh tuổi Hợi, em tuổi Dần, ở chung nhà sợ...kỵ. Em biết ảnh trả lời sao không, ảnh nói: 'Dần Thân Tỵ Hợi tứ hành xung. Chun vô mùng ở trỏng luôn'. "

Tôi cười dòn, rồi, như vậy là ảnh chịu chị quá rồi. Ảnh tấn công tới tấp, cũng mau thiệt, mới có mấy ngày. Nếu chị thấy được thì tiến tới luôn cho rồi, làm bạn già sớm tối có nhau. Mà chị có muốn lập gia đình không? Hay chị thích ở vậy, chị thích cuộc sống hiện tại, chị thích đi làm hoài không tính nghỉ hưu sao?

"Đi làm nail là để kiếm cơm sống qua ngày, chị đâu có thích cái nghề đó mà chị cũng không có khéo tay"

"Chị biết làm móng bột không? Chị biết làm đủ thứ hay chỉ làm tay chân nước?"

"Chị biết làm đủ hết, nhưng chị làm móng bột chậm lắm, mà có khi không được đẹp, hên xui tuỳ bữa. Chị cũng biết nhổ chân mày, nhổ bikini cho mấy con khách, wax lông ngực đàn ông. Nhưng chị ít làm lắm, kẹt lắm chị mới làm, có mấy ông khách lông nhiều nhổ bị chảy máu, chị sợ. Giờ lớn tuổi  chị chỉ làm tay chân nước, làm chút chút cho đỡ buồn tuổi già. Con nhỏ chủ tiệm cũng rất tốt với chị, chị muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ, nó không nói gì, nó thấy chị lớn tuổi coi như cô bác trong nhà."

"Chị ở chung nhà với chủ?"

"Chị mướn nhà ở chung với mấy người thợ làm nail. Mà thợ nail thì nay vầy mai khác, tụi nó còn trẻ bay nhảy lung tung. Hiện tại chị ở chung nhà với một thằng thợ trẻ và một con nhỏ thợ. Hai đứa này dễ thương lắm, lúc trước cuối tuần chị hay đi theo tụi nó vô quán bar chơi, nếu không thì tụ tập đánh bài xập xám ăn chi."

"Chị biết đánh xập xám ăn chi?"

"Theo tụi nó chơi riết biết, mà cũng không rành, chị hùn để cho nó đánh, chị ở vòng ngoài lo cà phê, luộc mì gói"

"Chị đúng là tứ đổ tường, tường nào cũng dựa, chị enjoy cuộc đời như vậy, bởi vậy chị đâu chịu về sống với chị Mỹ Liên"

Chị Mỹ Lệ cười xoà. Em biết chị mà, hồi nào tới giờ... thích vui vẻ. Nhưng chị đang lo chưa biết tính  sao, hai đứa ở chung nhà sắp dọn đi, chị một mình gánh căn nhà sao nỗi.  Mà về ở với chị Mỹ Liên  kể như đời tàn trong ngõ hẹp. Suốt ngày cứ lo tập thể dục dưỡng sinh không thôi thì đi chùa. Từng tuổi này ai mà không uống thuốc, có người uống ba bốn thứ chưa thấy gì, cao máu cao mỡ tiểu đường. Ổng bả mới bị cholesterol cao, không dám ăn đồ biển, bữa chị mua một phần bò bít tếch tính đem về nhà chia chỉ ăn phân nửa, ảnh đứng gần thấy vậy la lớn "chết chết chết" làm chị hết hồn. Ăn thịt bò ngon quá...chết sớm.

"Vậy là ý trời đã định,  chị về "sống thử" với anh Trường một thời gian xem sao"

"Không, sống thiệt chớ không sống thử. Chị ghét đàn ông cứ lửng lơ con cá vàng, yêu thì yêu nhiều nhưng cưới thì để từ từ. Chị tính hễ anh Trường mà ngõ lời, chị nói phải làm đám cưới đàng hoàng tui mới chịu"

"Hoan hô chị hai tay, rồi, nhứt định lần nầy chị sẽ mặc áo cô dâu nhe"

Chị Mỹ Lệ cười dòn, cũng vui, ai có ngờ 68 tuổi đời mới được một lần bước lên xe hoa. Ba chị hồi lúc còn sống cứ nói hoài, thằng nào xui lắm mới gặp mày. Anh Trường có nhà cửa đàng hoàng lại không vướng bận vợ con, đi đâu mà tìm phải không em. Nhưng chị còn sợ ảnh ởm ờ, nhất định lần này phải níu chặc không để vuột khỏi tầm tay. Chị hài hước, em biết chỗ nào chỉ dùm chị chuộc lá bùa yêu.

Hôm chị Mỹ Lệ trở về lại Virginia anh Trường đến đưa chị ra phi trường. Nhìn anh lăng xăng tôi nghĩ  đám cưới chị Mỹ Lệ cũng sắp đến gần. Tôi lấy cái phone gửi text cho chị.

"Chị Mỹ Lệ ơi! Em thấy chị khỏi cần chuộc lá bùa yêu. Chị hãy lo sửa soạn áo cưới để lên xe hoa." 



Nguyễn Thạch Giang




-------------
Tác giả có nhuận sắc lại truyện ngắn này đăng lần đầu trên "Giai phẩm xuân Kỷ Hợi của tuần báo Trẻ, tháng 01/2019 "