Saturday, May 28, 2016

MỘT THÁP NHÌN TỪ XA



                                                                                  ALIFA    RIFAAT




Alifa Rifaat là quả phụ của một viên chức cảnh sát Ai Cập vào tuổi lục tuần. Thuộc giới trung lưu và lập gia đình sớm, bà không có dịp theo đuổi đại học và không thông một ngoại ngữ nào. Trừ những dịp hành hương ở Á Rập Saude, bà cũng chưa bao giờ ra khỏi nước. Có lẽ vì vậy nên Alifa Rifaat khác hẳn với trường phái nữ "văn minh" Beirut (Ghada Samman, Leila Balbaaki, Hanan Shayk) hay  cấp tiến Ai Cập (Nawal al Saddawi ) : không ly khai truyền thống, không phóng đãng cá nhân, không giải phóng tập thể. Có lẽ nhờ thế nên Alifa Rifaat tiêu biểu hơn cho đại chúng thì thầm, những người đàn bà Trung Đông bị giới hạn bởi tấm màn che cửa, tấm màn che bếp nếu không nói đến tấm màn che mặt. Cái tiếng kêu đôi khi có táo bạo của Bà bao giờ cũng nằm trong khuôn khổ của lễ giáo và tập tục. Alifa Rifaat có lẽ là tiếng thở dài của đám đông những người đàn bà còn quen vấn khăn.



Qua đôi mắt hé mở nàng nhìn chồng. Nằm nghiêng bên  phía  phải, thân hình hắn quận vào người nàng, đầu hắn để dựa vào bên vai. Như mọi lần vào những lúc ấy, nàng có cảm tưởng hắn ở một nơi nào hoàn toàn khác lạ, một thế giới nàng đã bị đuổi ra. Chỉ nhận thức lơ mơ những động tác của thân người đàn ông, nàng quay đầu sang phía kia, ngước mắt để trên trần và tìm ra một cái màng nhện mới. Nàng tự bảo, lại phải lấy cây chổi cán dài ra để mà phủi nó đi.

Khi họ vừa mới lấy nhau nàng từng thử cho chồng hiểu cái rạo rực trong người mình để giữ hắn tiếp tục lâu hơn một chút. Nhưng lúc đầu, e thẹn và ý thức  những điều cấm kỵ không cho phép nàng cởi mở. Về sau này, nhiều lúc thấy mình gần đến được bờ cái cảm giác mà những chị bạn có chồng đôi lúc thì thầm thố lộ, đã có lần nàng đủ can đảm bộc lộ. Những lúc đó, nàng tưởng chỉ cần thêm một động tác nữa thôi cũng đủ đáp ứng được đủ để hai người hiểu nhau trong những lượt sau. Những mỗi bận, khi nàng dồn dập van xin hắn kéo dài thì hắn lại - như cố tình để mà trừng trị hay sao đó - hối hả mang động tác đến chỗ ngừng. Những lần nàng muốn kéo dài nhịp điệu đều vô ích, hắn bao giờ cũng cản lại. Lần cuối cùng mà nàng thử, vào phút giây thật gần gũi đó, nàng đã cắm móng tay vào lưng hắn, giữ người chồng lại ở trong thân làm hắn hét to, đẩy vội nàng và tuột người ra :
"Mụ điên rồi hay sao ? Muốn giết tôi hả ?"

Cái xấu hổ lần đó như một vết chàm ghi sâu vào trong óc, làm mỗi bận nhớ đến nàng vẫn còn nóng bừng trên mặt. Từ đó, nàng nhận lấy vai trò tiêu cực, có khi tự hỏi mình : "hay là lỗi tại ta. Có khi đòi hỏi của mình quá đáng và chính mình chẳng biết cách chiều chuộng cho đúng phép."
Đã có lần, hắn lộ ý cho biết hắn từng liên hệ với những người đàn bà khác và thỉnh thoảng nàng nghi ngờ rằng vẫn còn những chuyện qua lại bên ngoài. Nàng ngạc nhiên khi thấy ngay điều đó cũng chẳng làm mình bận tâm nữa.

Tâm tư nàng bỗng dưng bị cắt quãng bởi những động tác của chồng dồn dập hơn. Nàng quay sang nhìn hắn đang cố gắng trong cái thế giới riêng của hắn. Mắt hắn nhắm nghiền, bờ môi trệ xuống và mím vào thô kệch với lằn gân trên cổ nổi hằn lên. Nàng cảm thấy bàn tay hắn đặt vào đùi mình, nắm lấy phía trên đầu gối để đẩy dạng ra một bên trong lúc động tác hắn càng lúc càng gấp mạnh. Nàng nhìn bàn chân mình giờ đang chỉa thẳng vào mạng nhện và để ý đến lúc đầu ngón chân cần phải cắt lại móng.

Như thường lệ vào giờ này nàng nghe tiếng gọi cầu kinh buổi trưa phất qua mành cửa sổ kéo mình về thực tại. Hắn thả đùi nàng ra với một tiếng hừ và lập tức rút người ra ngay. Với lấy cái khăn nhỏ dưới gối, hắn bọc lấy mình xoay lưng lại và quay ra ngủ.
Nàng đứng dậy, lò cò vào phòng tắm và ngồi trên bồn nước rửa mình. Đã từ lâu, nàng không còn cảm thấy cái thúc đẩy tự mình hoàn tất nốt hành động như trong những năm đầu hôn phối. Dưới vòi sen, nàng phô bên phải thân hình cho làn nước ấm chạy rồi phô bên trái trong khi lâm râm cầu nguyện chứng tin (1) . Quấn bộ tóc đang rũ nước vào chiếc khăn lông, nàng kẹp vào dưới hai bên nách một chiếc khác và ra khỏi phòng tắm. Trong buồng ngủ nàng thay chiếc áo chùm dài và với lấy tấm thảm cầu kinh để trên nóc tủ, nàng đóng lại cửa phòng ở sau lưng.

Tiếng nhạc pop từ buồng Mahmond vẳng ra khi nàng ra đến phòng khách. Nàng mĩm cười, hình dung con đang nằm duỗi trên giường tay cầm quyển sách học. Thằng bé, chẳng hiểu làm thế nào mà tập trung nổi với cái tiếng ồn ào. Đóng cửa phòng khách lại, nàng trải  cái thảm nhỏ ra, và bắt đầu cầu nguyện. Xong bốn lượt rakaas (2) , nàng ngồi xuống bên góc thảm và lẩm nhẩm đếm lời tôn vinh Thượng Đế, ba lần lập lại trên mỗi đốt ngón tay. Bây giờ vào lúc cuối mùa thu và buổi cầu vào lúc mặt trời lặn lại sắp đến. Chỉ chốc lát là lại được cầu nguyện  một lần. Năm buổi cầu kinh thường nhật như là những dấu chấm phẩy cho đời nàng có ý nghĩa trong ngày. Mỗi buổi cầu lại có một đặc tính riêng, như thức ăn có những hương vị khác nhau. Nàng cuộn tấm thảm lại và bước ra phía ngoài lan can nhỏ.

Phủi bụi trên chiếc ghế ngoài hàng hiên, nàng đặt người xuống và nhìn xuống đường từ tầng thứ sáu. Tiếng xe buýt, xe nhà inh ỏi, tiếng mời chào của những người bán dạo xen lẫn vào tiếng radio kèn cựa từ những nhà kế cận phát ra. Từng đám khói phun ra từ đằng sau xe cộ mọc lên mù mờ che lấp ngọn tháp cao đơn độc còn thấy được giữa hai chung cư cao ốc. Ngọn tháp một mình này, một trong hai ngọn của đền Sultan  Hasan (3) , với đằng sau lưng một khúc nhỏ của cổ thành, là tất cả những gì còn sót lại của quang cảnh Cairo  cũ mà dạo trước từ lan can nàng nhìn thấy. Những khu phố Cairo ngày  trước với đền chùa và nóc tháp trùng điệp, dựa vào lưng những ngọn đồi Mokattam và cổ thành Mohammad Ali.

Trước ngày cưới nàng từng mơ ước  có một căn nhà với một mảnh vườn nhỏ ở một vùng ngoại ô yên tĩnh như là Maadi hay Helwan. Lúc biết chồng mỗi ngày sẽ phải mất nhiều thì giờ di chuyển để đến chỗ làm  trong trung tâm thành phố, nàng đành chấp nhận cái chung cư đang ở này, cũng nhờ quang cảnh. Rồi  thời gian qua, cao ốc mọc lên  tứ phía, cái quang cảnh đó càng ngày càng thu hẹp lại. Sẽ có lúc cái tháp  một mình này sẽ bị một ngôi nhà mới nào đó che khuất mất.

Thấy đã sắp đến giờ cầu nguyện buổi chiều, nàng bỏ lan can vào bếp để pha cà phê cho chồng. Đổ đầy nước vào cái ấm đồng nhỏ, nàng cho thêm một thìa đầy đường và một thìa đầy cà phê. Đợi đến lúc vừa sắp sửa sôi nàng nhấc nó lên khỏi bếp và đặt vào khay bên cạnh cái tách, vì hắn thích được thấy cà phê rót ra từ trong ấm trước mặt mình. Nhưng chồng nàng không ngồi yên trên giường hút thuốc như thường lệ. Dáng điệu co quắp kỳ lạ của thân hình hắn cho biết ngay có chuyện bất thường.
Nàng đến gần, nhìn vào cặp mắt đang mở trừng vào khoảng không và đột nhiên cảm thấy mùi của cái chết hiện diện trong gian phòng. Ra khỏi phòng, nàng đặt khay cà phê trong phòng khách trước khi sang buồng con. Nó ngẫng đầu lên khi thấy mẹ vào, tắt ngay radio và đứng dậy :
"Có chuyện gì vậy mẹ ?"
"Cha con..."
"Ồng lại có cơn mới ?"
Nàng gật đầu. "Con xuống nhà hàng xóm điện thoại cho bác sĩ Ramzi. Bảo ông đến gấp".

Nàng trở ra phòng khách và tự rót cà phê ra tách cho mình uống. Sự bình thản trong người làm chính nàng ngạc nhiên.



Alfa Rifaat



(1) "Chỉ có một đấng tối cao là Thượng Đế và Mohammad là sứ giả  của Ngài "  là  chứng tin căn bản của đạo Hồi, được dùng đến thường nhật. Hồi giáo đòi hỏi phải rửa sạch tay chân trước khi cầu nguyện và tắm gội toàn thân sau mỗi lần giao hợp, theo một quy thức đã định : tay phải, chân phải rồi phần phải của thân trước phần trái ...

(2) Rakaas là những động tác phải thi hành  trong buổi cầu nguyện như quỳ, lạy, vái...Số Rakaas tuỳ  theo buổi cầu ban sáng, trưa, chiều hay mặt trời lặn mọc mà thay đổi. Vào lúc cuối buổi cầu, tín đồ tôn vinh  thượng đế bằng cách đọc lên một số trong hằng trăm tên gọi của ngài.

(3) Tháp trong kiến trúc của đền Hồi  có công dụng để phát ra lời kêu gọi thập phương  vào giờ cầu nguyện. Đền Sultan Hasan hình chữ thập xây vào thế kỷ thứ 14  có hai ngọn tháp song song cao nhất trong vô số đền  của thành Cairo. Cổ thành Cairo dựa vào lưng đồi  Mokattam ở hữu ngạn sông Nile có từ lâu và được Mohammad Ali tu chỉnh vào đầu thế kỷ thứ 19.



ĐỖ KH.  Dịch


-------------------
Nguồn : Văn, số 83, tháng 5-1989



Thursday, May 26, 2016

NẮNG CHIỀU



                                                                         HUỲNH HỮU CỬU



Nắng chiều. Cái nắng có vẻ đẹp lạ lùng ở vào thời gian cũng lạ lùng. Đẹp một màu vàng rất dịu mắt tuy vẫn rực rỡ sắc sảo bên cạnh những chỗ có bóng tối hơi xam xám. Và cái đẹp ấy lung linh, chập chờn, mãnh mai như một cánh bướm. Nắng chiều ở vào thời gian rất đặc biệt và mang một sắc thái đặc biệt nên khi nhìn thấy ánh nắng ấy, người ta biết ngay là trời đã về chiều, mặt trời sắp lặn.

Có ai một buổi trưa nào đó nằm lim dim trên một bộ ván rồi mơ màng ngủ quên đi lúc nào không biết hay không ? Ngủ quên cho đến lúc bỗng giật mình thức dậy mở mắt ra không biết mình đang nằm tại đâu và thời gian lúc ấy là mấy giờ, buổi trưa, buổi chiều hay là buổi sáng ? Cái tình trạng lửng lơ mơ hồ ấy có thể làm cho vài người hoảng hốt lên một tí. Tôi cũng bị như vậy nhưng dần dần cho là rất thú vị, chỉ mong những phút như thế kéo dài mãi ra để hưởng cho thật lâu cái trạng thái "phi không gian phi thời gian" hiếm có ấy, tưởng tượng như là đang được xuất thần trong một cơn thiền định.
 
Nhưng cái cảm giác kỳ lạ hay hay ấy có được bao lâu đâu. Chỉ trong vài giây ngắn ngủi, ta liền bị kéo  trở về thực tại. Mặc dầu không muốn suy nghĩ vội, cái trí óc hay biền biệt cố hữu đã vươn dậy bắt người ta phải quan sát, phân tách, nhận định. Nhìn lên vách thấy có mấy tấm hình của người thân, của vợ con và thấy có tấm lịch của mình treo lủng lẳng, người ta liền tự bảo :"Đúng rồi, đây là phòng khách nhà mình chứ đâu. Mình nằm chơi ở phòng khách rồi ngủ quên đi chứ gì ! Nhưng mà mấy giờ rồi nhỉ ? Nhìn lên phía cửa sổ bỗng thấy có một vạt nắng len vào ngời sáng ở góc vách, ánh nắng lóng lánh màu vàng ấm và hơi nhuộm đỏ. Người ta liền nghĩ ra :"À, chiều rồi ! Ánh nắng ấy là ánh nắng chiều, chắc cũng đã vào khoảng năm giờ hơn ! "

Cũng có ai đó sau một trận đau ốm nằm mê man nhiều ngày rồi một hôm bỗng từ từ mở được đôi mắt ra nhìn lên gian phòng. Người ta tự hỏi đây là đâu ? Mình đang làm gì ở đây ? Căn phòng lạ hoắc và thời gian lúc ấy cũng không biết là vào lúc nào. Sau một hồi định thần lại, người ta có thể sực nhớ ra là đã bị đau và người nhà đã đưa vào bệnh viện. Nhưng giờ khắc thì sao ? Không có đồng hồ, không có ai để hỏi, vậy làm sao biết được ? Xin thưa : có một chi tiết giúp ta nhận định ra ngay, đó chính là ánh nắng chiều. Nếu nhìn ra ngoài cửa sổ thấy có ánh nắng màu vàng ửng như lòng đỏ trứng gà hay như vỏ cam chín thì đó là vào buổi chiều, lúc mặt trời sắp chìm xuống mặt đất.

Đấy, nắng chiều đặc biệt như vậy đấy. Người đầu tiên chỉ cho tôi biết điều ấy là họa sĩ Vương Quốc Đạt, người họa sĩ có phong thái như một giáo sư đại học, ở trong một căn nhà nhỏ trên đường Tô Hiến Thành, Chí Hoà Saigon, mà tôi đã từng không ngại trời mưa ngập lụt, buổi tối lái chiếc Austin đến học vẽ.

Họa sĩ Vương Quốc Đạt nói ánh nắng buổi sáng màu vàng chanh còn ánh nắng buổi chiều màu vàng cam. Diễn tả buổi mai ánh nắng trong trẻo tươi mát thì dùng màu vàng chanh, tỉ dụ như Lemon Yellow, còn buổi chiều ánh nắng gay gắt nóng hơn phải pha thêm màu đỏ. Thường là như vậy, nhưng cũng có khi ánh nắng buổi chiều chỉ là một màu trắng nhợt nhạt. Một bức tranh vẽ cảnh lúc ấy thì làm sao diễn tả cho được là trời đã xế chiều, ngày sắp hết ?
Họa sĩ Nguyên Khai bảo rằng ánh nắng buổi mai sáng sủa, đầy sinh khí, còn buổi chiều thì tuy có ánh nắng đang le lói đấy và mặt trời đang ở cùng một độ cao trên chân trời như buổi mai đấy mà ánh sáng lại yếu ớt hơn, giống như ta đang có cái bóng điện 100 oát mà bây giờ bỗng có bàn tay phù thủy nào đổi ra chỉ còn có 50 oát thôi vậy. Nhưng mà tại sao nắng chiều lại yếu hẳn đi như thế nhỉ. Hay là tại vì Dương đã đến lúc suy tàn và Âm đến hồi hưng thịnh, ánh sáng bị hút dần đi đâu mất và bóng tối đã lởn vởn thẩm thấu dần trong không gian ?
Đọc sách của thiền giả Nghiêm Xuân Hồng thấy viết rằng cái nắng quái buổi xế chiều ấy "đã đượm một vẻ trầm tư như biết rằng sắp có một làn gió hư vô thổi đến." Có lẽ thế.

Khi nói về nắng chiều thì phải nói đến một vấn đề khác có lên hệ là "chiều lên" hay "chiều xuống". Một tác giả Tây Phương nào đã cắt nghĩa rõ là nắng chiều, bóng chiều hay bóng đêm chỉ có thể đi lên chứ không thể đi xuống được. Nghiệm ra cũng có lý. Buổi chiều khi mặt trời còn ở trên cao, ánh nắng có thể chiếu được xuống chỗ thấp, xuống tận mặt đất. Nhưng khi mặt trời xuống dần thì những tia nắng càng lúc càng chếch đi để rồi rơi khỏi mặt đất và bỏ cho mặt đất chìm dần trong bóng tối, trong lúc ấy thì chỉ còn những mái nhà, những ngọn cây hứng được ánh nắng.  Rồi một lát sau nữa, tất cả các mái nhà, các lùm cây bị bóng tối nhô lên xâm chiếm, chỉ còn những đám mây trên cao hay những đỉnh núi đằng xa mới được chiếu sáng mà thôi. Nghĩa là ánh nắng chiều đã thật sự từ dưới đất đi dần lên, đuổi theo sau là bóng đêm, và buổi sáng thì cả một sự đảo ngược lại.
Vậy nói bóng chiều dâng lên , bóng đêm tràn lên đúng với thực tế hơn là nói bóng đêm "rơi xuống" , màn đêm "buông xuống" !

Nhưng mà phân tách chơi vậy thôi chứ các nhà văn nhà thơ có thể nhìn một cách khác, cảm một cách khác. Và khi họ muốn, thì như là với một cái phất của một chiếc đủa thần, nắng chiều, bóng chiều hay là bóng đêm vẫn có thể từ trên trời cao thả xuống, rũ xuống được như thường !
Và khi chiều về, khi ánh nắng chiều còn nhuộm vàng cả không gian, còn trải vàng lên mái nhà, lên luống đất, xin đừng thắc mắc làm chi, xin hãy ra sân nhìn ngắm và giơ tay hứng lấy, ôm lấy những tia nắng chót. Xin đừng ở mãi trong phòng, xin hoãn lại các việc pha trà, đọc báo hay xem tivi lại chốc nữa. Bởi vì bên ngoài nắng chiều đẹp lắm, và cũng vì nắng chiều sắp tắt rồi.
Nắng chiều đẹp lắm nhưng mong manh sắp tan vỡ như một cái bọt nước. Và đã vàng yếu như một người bệnh đang thoi thóp sắp qua thế giới bên kia.
Xin hãy bước ra ngoài để cùng sống với nắng chiều trong những giây phút chót, để nhỏ một giọt lệ tiễn đưa nắng chiều, và cũng để suy tư ít nhiều về thân phận...



Huỳnh Hữu Cửu







-----------------------------------

Nguồn : Văn, số 60, tháng 6-1987

Thursday, May 19, 2016

CUỘC PHÁN XÉT CUỐI CÙNG



                                                      KAREL  CAPEK


Đậu tiến sĩ triết học lúc còn trẻ (1917) ở Prague với luận án về thực dụng chủ nghĩa. Khi ra đời Capek  (1880-1938) thực tế trong hành động (in truyện, điều khiển sân khấu ở Czech, giúp đỡ những tổ chức tự do, dân chủ ) và triết lý trong tác phẩm (phê phán xã hội dựa trên những yếu tố trừu tượng, truyện - nhìn-từ-ba-phía).
Kịch nổi tiếng của Capek R.V.R nói về một xã hội tương lai trong đó người máy được sản xuất ra để làm tất cả công việc tay chân.
Người máy (robot, tiếng Ba Lan : làm, đã trở thành tiếng quốc tế) nổi dậy chống lại chủ nhân loài  người của chúng và tiêu diệt họ. Cuối vở kịch người máy nhận chân rằng chúng cần được phát triển tâm hồn, trước đây vì không có tâm hồn cho nên chúng mới tiêu hủy loài người .
Capek chết vào ngày Giáng Sinh 1938 vì bệnh tim.
Truyện "Cuộc phán xét cuối cùng" được viết bằng giọng văn giản dị nhưng đặt một vấn đề triết học rất cao, mỗi người là một cá thể toàn vẹn không ai có thể xử hắn được, kể cả Thượng Đế.


                                                          Nguyễn Văn Sâm


Tên đa sát nổi tiếng tàn ác Kugler, bị nhiều lệnh tầm nả và bị nguyên cả đội cảnh sát, thám tử săn đuổi đã thề không để cho bị tóm. Hắn không bị tóm thật, ít ra cũng không bị bắt sống. Hành động sát  nhân sau cùng của hắn là bắn người cảnh sát đã cố gắng tóm cổ hắn. Người cảnh sát chết thiệt đó, nhưng trước đấy đã nả nguyên cả tràng bảy viên đạn vào người Kugler. Trong số bảy viên này có ba viên chí tử. Cái chết của Kugler đến mau đến nổi hắn không cảm thấy đau đớn. Và do đó có vẻ như Kugler đã thoát khỏi lưới pháp luật trần thế.

Khi thoát khỏi xác, hồn hắn đáng lý phải ngạc nhiên trước cảnh tượng của thế giới tiếp theo - thế giới trong không gian, màu xám xịt và đìu hiu tuyệt đối - đàng này lại không vậy. Một người đã từng bị giam ở hai lục địa, nhìn lên kiếp kế tiếp, chỉ đơn thuần như một chỗ mới mà thôi. Kugler tính đối đầu, trang bị chỉ với một chút can đảm, như hắn đã từng có ở thế giới trước.
Rốt cuộc, sự phán xét sau cùng không thể tránh được cũng xét về trường hợp của Kugler.

Thiên giới luôn ở trong trạng thái khẩn trương. Kugler được mang đến một toà án đặc biệt có ba quan toà, không như đối với trường hợp của hắn trước đây, trước một bồi thẩm đoàn. Phòng xử án cũng thiết trí đơn sơ gần giống như phòng xử dưới trần thế, ngoại trừ một điều: không có thủ tục thề của người chứng. Tuy nhiên sau này lý do của chuyện đó sẽ trở nên rõ ràng.
Quan toà gồm toàn những vị già nua khả kính, những bộ mặt nghiêm khắc chán ngắt. Kugler giữ đúng phép với thủ tục buồn nản thông thường : Ferdinand Kugler, vô nghề nghiệp, sanh ngày đó, tháng đó, chết... Ở điểm này rõ ràng là Kugler không biết ngày chết của hắn, tức thời hắn ta nhận thấy đó là một thiếu sót tai hại trong ánh mắt mấy ông quan toà ; tinh thần cộng tác của hắn nguội lạnh ngay từ đó.
Ông quan toà chủ tọa hỏi :
- Anh thấy mình có tội hay vô tội ?
Kugler trả lời bướng bỉnh :
- Vô tội.
Ông quan toà thở dài.
- Mời người chứng thứ nhứt.
Đối diện với Kugler hiện ra  một người vô cùng thanh nhã, trang nghiêm, có râu, mặc trang phục xanh rắc những ngôi sao bằng vàng.
Khi ông ta vào các quan toà đứng dậy. Ngay cả Kugler cũng đứng dậy, miễn cưỡng nhưng  tự động. Chỉ khi cái ông thanh nhã đó an tọa, mấy ông quan toà mới ngồi xuống.

"Nhân chứng" ông toà chủ tọa nói : "Thượng Đế toàn năng, toà này thỉnh Ngài  tới đây để nghe Ngài cho biết về trường hợp của Kugler Ferdinand. Vì Ngài là sự thật tối thượng , Ngài không cần phải thề. Tuy nhiên để cho cuộc xử được dễ dàng, chúng tôi chỉ xin Ngài cho biết những điều cần thiết hơn  là đi vào chi tiết - trừ phi những điều này có giá trị cho cuộc xử.
Và anh, Kugler, anh không được ngắt lời nhân chứng - ông ta biết hết cả mọi sự, do đó anh đừng tìm cách chối,  vô ích."

Bây giờ, xin nhân chứng vui lòng bắt đầu.
Nói như thế xong, ông toà chủ tọa lấy mắt kiếng ra rồi ngồi dựa thoải mái vô cái băng ghế trước mặt, rõ ràng là trong tư thế sửa soạn đón nhận những điều nói thật dài của nhân chứng. Ông toà già nhất trong nhóm co rút mình lại, ngủ.
Thiên thần giữ sổ sách mở quyển sổ sách đời...
Thượng Đế, nhân chứng, ho nhẹ và bắt đầu:

- Vâng, Kugler Ferdinand, con một người  nhân công, là một đứa hư hỏng cứng đầu cứng cổ ngay từ lúc còn nhỏ tý. Nó rất thương mẹ nó, nhưng không thể chứng tỏ được điều đó khiến nó trở thành bất trị và hay gây sự.
Bạn trẻ, anh làm phiền tất cả mọi người ! Anh có nhớ anh đã cắn ngón tay cái của cha anh khi ông ta đánh vào đít của anh không ? Lúc đó anh ăn cắp một cái bông hồng trong vườn của ông thơ ký văn khố.
- Bông hồng đó để tặng Irma,  con gái lão thâu thuế.
- Ta biết, lúc đó Irma bảy tuổi. Anh có biết về sau cô ta như thế nào không ?
- Không, tôi không biết.
- Cô ta thành hôn với Oscar, đứa con trai ông chủ xưởng. Nhưng cô ta bị sang bệnh phong tình rồi chết vì sanh non.
Anh còn nhớ Rydy Zaruba chứ ?
- Anh ta sau này ra sao vậy ?
- Coi nào, anh ta gia nhập hải quân, rồi mất vì một tai nạn ở Bombay. Anh và hắn trước đó là hai đứa hư hỏng nhất ở thành phố anh ở. Kugler Ferdinand đã trộm cắp khi chưa đẩy mười tuổi, và là một thằng nói láo quen nết, lại chơi với bạn hư hỏng ; già Griblle chẳng hạn, thằng ghiền rượu và lười biếng, chỉ sống bằng của Phước thiện. Tuy nhiên Kugler chia xẻ nhiều thức ăn của nó cho Griblle.

Ông quan toà chủ tịch giơ tay ra hiệu  như là phần lớn  những chuyện này không cần thiết,  nhưng Kugler đã hỏi một cách ngập ngừng :
- Và...chuyện gì đã xảy ra cho cô con gái của ông ta ?
- Mary à ? Thượng Đế hỏi. Cô ta hạ giá trị của mình một cách không ngờ. Cô lấy chồng lúc 14 tuổi, lúc 20 tuổi cô mất, khi hấp hối cô vẫn còn nhớ đến anh.
Lúc anh 14 tuổi anh gần như một thằng ghiền rượu và thường bỏ nhà đi hoang. Cha anh chết vì phiền muộn lo âu. Mẹ anh mù loà vì khóc lóc. Gia đình anh mất phẩm giá vì anh. Cô chị anh, cô chị đẹp đẽ  Matha của anh không bao giờ lấy chồng được, không một chàng trẻ tuổi nào lai vãng  hay gọi đến nhà của một thằng ăn cắp. Cô ta vẫn còn sống đơn độc trong sự nghèo khổ, may thuê vá mướn đêm nào cũng khuya lơ khuya lắc. Sự thiếu thốn đã làm cô ta mất sức, những khách hàng của cô đã làm cho lòng tự cao của cô bị thương tổn.
- Bây giờ thì chị tôi đang làm gì ?
- Chính giây phút nầy, cô ta đang mua chỉ ở tiệm Wolfe. Anh còn nhớ tiệm này chớ ? Một lần, khi anh sáu tuổi anh mua một cục đạn chai màu ở đó. Cũng trong ngày hôm đó anh làm mất tiêu không tìm thấy được. Anh có nhớ là anh đã khóc giãy, giận dữ như thế nào không ?
Kugler hỏi một cách nóng nảy :
- Cục đạn đó sao vậy ?
- Ừ ! Nó lăn xuống rãnh, chui nằm dưới một ống cống.
 Sau ba mươi năm, bây giờ nó vẫn còn ở đó.
Chính lúc này đây, dưới trần đang mưa, và cục đạn của anh đang lạnh lẽo  trong đó.
Kugler cúi  đầu xuống, hắn bị điều tiết lộ đó hạ đo ván.

Nhưng  ông toà chủ tọa đã sửa lại mắt kiếng ngay ngắn trên sóng mũi và nói ngọt ngào :
- Nhân chứng ! Chúng ta nên trở về  xử vụ án. Anh ta có bị cáo buộc về tội giết người không ?
Với câu hỏi này nhân chứng gật đầu.
- Anh ta giết chín người cả thảy. Lần đầu tiên trong một cuộc đấu khẩu, và chính trong lúc ngồi tù về cái tội nầy mà anh trở nên hoàn toàn hư hỏng. Nạn nhân thứ hai là cô tình nhân không chung thủy của anh. Vì tội này anh ta bị xử tử hình, nhưng đã trốn thoát. Người thứ ba là một ông già mà anh ta đã cướp giựt. Người thứ tư là một người gác đêm.
- Bộ ông ta chết sao ? Kugler hỏi.
- Ông ta chết sau  ba ngày chịu đựng đau đớn vô cùng tận, Thượng Đế đáp, để lại sáu đứa con. Nạn nhân thứ năm và thứ sáu là một cặp vợ chồng già. Anh ta giết họ bằng một cái rìu mà chỉ tìm được có mười sáu đồng, mặc dù họ có hai mươi ngàn dấu ở chỗ khác.
Kugler nhảy dựng lên. Ở đâu vậy ?
- Trong cái nệm rơm, Thượng Đế nói, trong một cái túi vải dấu trong nệm đó là chỗ họ dấu, tất cả số tiền họ dành dụm được từ lòng tham lam và chắc mót từ đồng từ cắc. Người thứ bảy anh ta giết ở Mỹ, một người đồng hương với anh ta, một người di cư chưa thích ứng với hoàn cảnh mới, không bạn bè thân thuộc.
"Thì ra tiền đó ở trong nệm" Kugler lẩm bẩm trong sự ngạc nhiên tột độ.
- Vâng, Thượng Đế tiếp, người thứ tám chỉ là một người tình cờ Kugler gặp phải  trong khi cố gắng trốn chạy cảnh sát. Lúc này thì Kugler đã bị sưng vỏ xương và đã điên cuồng vì đau đớn. Bạn trẻ, anh đã chịu đựng kinh khủng. Người thứ chín cũng là người chót là người cảnh sát đã giết Kugler đúng ngay lúc Kugler bắn ông ta.

- Tại sao bị cáo phạm tội giết người ? Ông toà chủ tọa hỏi.
- Như những lý do của người khác thôi, Thượng Đế đáp, giận quá hay cần tiền bạc, cả chủ tâm hay tình cờ. Có lần thì giết chơi vậy thôi, có lần thì cần thiết. Tuy nhiên, anh ta rất hào sảng và thường hay giúp đỡ người khác. Anh ta tử tế với phụ nữ, nhẹ nhàng với thú vật và giữ chữ tín.
Tôi có cần nói lên những hành động tốt của anh ta không nhỉ ?
- Cám ơn lắm, ông toà chủ tọa đáp, nhưng điều đó không cần thiết. Bị cáo có điều gì nói để tự biện hộ không ?
- Không. Kugler đáp với sự dửng dưng hoàn toàn.

Toà nghị án, ông toà chủ tọa tuyên bố, rồi cả ba ông đi vào chỉ còn lại Thượng Đế và Kugler trong phòng xử.
- Họ là ai vậy ? Kugler hỏi hất đầu về phía những người vừa đi vào đó.
Thượng Đế đáp:
- Cũng là người như anh vậy. Họ là quan toà ở hạ giới, cho nên bây giờ họ làm quan toà ở đây.
Kugler cắn móng tay. Tôi nghĩ rằng...tôi muốn nói, tôi không bao giờ nghĩ tới chuyện này. Nhưng tôi thấy ngài phán xét mới phải, bởi vì...
- Bởi vì ta là Thượng Đế, người trang nghiêm tiếp lời hắn ta, nhưng bởi vì vậy, anh không thấy sao ? Vì ta biết tất cả mọi sự, ta không thể phán xét được. Không được mà.
Ờ ! Này, anh biết ai tố cáo anh lần này không ?
- Không, tôi không biết, Kugler ngạc nhiên.
- Lucy, cô gái hầu bàn đó. Cô ta hành động vì ghen tuông.
- Xin lỗi Ngài, Kugler đánh liều, nhưng Ngài đã bỏ quên cái thằng hỏng nên thân, vô tích sự Feddy  mà tôi bắn ở Chicago.
- Không đâu, Thượng Đế đáp. Nó lành sau đó và tới bây giờ vẫn còn sống. Tôi biết nó là một tên điềm chỉ, nhưng mà nó là một người rất tốt và rất mực yêu thích trẻ con. Anh đừng nghĩ rằng một người nào đó là hoàn toàn vô tích sự.
- Nhưng mà tôi vẫn không hiểu tại sao Ngài lại không làm ông toà ? Kugler nói một cách ngập ngừng.
- Bởi vì điều hiểu biết của ta vô cùng vô tận. Nếu ông toà biết tất cả mọi chuyện, ta nhấn mạnh, tất cả mọi chuyện, thì các ổng cũng hiểu tất cả mọi chuyện. Họ sẽ thương tâm. Họ sẽ không ngồi xử được.
Tôi cũng vậy nữa, không xử được. Như chuyện nầy, họ chỉ biết về tội lỗi của người, ta biết tất cả về người, toàn diện, toàn thể Kugler. Và đó là lý do tại sao ta không thể phán quyết.
- Nhưng tại sao họ...những người đã từng phán quyết ở hạ giới, lại phán quyết ?
- Bởi vì người thuộc về người. Như ngươi thấy đó, ta chỉ là nhân chứng thôi, án được người quyết định, ngay cả trên thượng giới. Tin ta đi, Kugler, đó là cách phải vậy thôi. Con người không đáng được những phán quyết thiêng liêng. Con người chỉ đáng được phán quyết bởi những người khác.


Lúc đó thì ba ông toà đã trở lại sau khi nghị án. Bằng một giọng nặng nề, ông toà chủ tọa tuyên án:
Vi phạm tội giết người gia trọng, ngộ sát, cướp của, khinh thường luật pháp, mang vũ khí bất hợp pháp,  và ăn cắp một cái bông hồng.
Kugler Ferdinand bị xử chung thân trong địa ngục.
Án lệnh được thi hành tức khắc.

Trường hợp kế tiếp. Torranca Frank. Bị cáo có mặt ở toà không ?


KAREL CAPEK

Nguyễn Văn Sâm   dịch





--------------------------
Nguồn : Văn, số 62, tháng 8-1987





                                                       

Wednesday, May 18, 2016

MODAN GEISHAS



                                                                VŨ QUỲNH N.H.


Buổi tối, ngõ hẻm mù mờ trong ánh đèn đường, vài ba tiệm còn mở cửa. Ngồi mãi tận trong góc nhìn ra ngoài đợi chờ, cái hẹn tình cờ sáng nay bây giờ tôi mới thấy hối tiếc. Tiệm ăn lèo tèo vài người khách ra vô, ban ngày bù đầu làm việc, ban đêm họ chui vào hộp đêm say sưa ngà ngà chén thù chén tạc, những người đàn ông công chức mệt mỏi. Không một cặp trai gái ngoài cô bồi bàn độ chừng mười sáu mười bảy tuổi đâu đó. Tóc ngắn ngang vai, mắt một mí húp chụp như người vừa mới thức giấc sau cơn ngủ.

- Cho xin tô Miso thịt và một chai biru !
Kể ra bia Nhật cũng không đến nỗi tệ, từ khi Đức viếng thăm Hokkaido vào năm 1880, họ đã thấy mầm triển vọng trong tương lai.
- Arigato gozaimazu !
Tôi bập bẹ lần nữa vài câu mới học được, đủ dùng cho những du khách mới qua đây lần đầu tiên.
- Hai !
Cô gái cúi thấp đầu lễ phép quay đi. Những bước chân ngắn dính chụm vào nhau không rời khỏi mặt đất. Dáng dấp quen thuộc của người đàn bà Nhật thời xa xưa, bó chặc trong bộ Kimono mà bây giờ gần như rất hiếm thấy. Chẳng lạ, áo Kimono mặc vào đã  khó mà cởi ra cũng không dễ gì. Hai ba loại áo lót trong, mười bốn thứ phụ tùng khác nhau chưa kể cột thắt ba mươi loại nút. Mặc vào tốn ít nhất một tiếng chưa kể nếu là gấm thật thì cũng tốn trên dưới nửa triệu Yen. Dần dà ít người đủ sức mua, và nếu có thì họ cũng bỏ dần bớt những lần vải nặng nề che kín thân thể đi. Kimono thường thấy ở những tỉnh nhỏ, Kamakura - ngoại ô thành phố Tokyo, Kyoto - văn hoá với chùa chiền. Giỗ, Tết, đám cưới hay Kaburi-sân khấu. Quần áo văn hoá nước nào cũng có vẻ đẹp riêng. Việt Nam thì có áo dài
tha thướt hằng năm vào mùa thi hoa hậu Long Beach khiến tôi đôi lúc phải ghen thầm với mấy cô gái Việt duyên dáng. Thì bảo là mặc cảm cũng đúng đi, vai thõng, ngực eo chẳng có, thì làm gì có nét đẹp thuần tuý gái Á Đông. Không tóc thề xoả vai, cream rinse, conditioner bao nhiêu tóc vẫn quăn chẳng mượt mà. Sarong hở rốn sợ lạnh bụng, muốn trùm veil như đàn bà Ả Rập chỉ hở được cặp mắt thì vẫn là một mí. Cho nên cứ quần bò với áo thun mặc mãi rồi cũng quen.

Cửa xịch mở, Seiko từ ngoài đi vào lịch sự chào tôi. Nó cúi khom đầu xuống, tôi đưa tay thừa thải quên hẳn phong tục. Cho đỡ ngượng, tôi vẫy tay ra dấu gọi thêm tô mì cho Seiko.
- Hôm nay mày đã quen giờ giấc bên này chưa ? Seiko hỏi.
- Thật ra chỉ cần một ngày ngủ bù là bắt kịp. Tôi cười, nước mờ mắt vì vừa nuốt kịp cái ngáp dài. Tôi đưa tay ra dấu mời Seiko ngồi.
Quen biết Seiko Nagayama cũng chỉ là một cái duyên tình cờ. Mấy tháng trước đây Seiko được hãng gửi qua Mỹ. Thấy gái Á Đông một mình xa xứ nên tôi có thiện cảm rồi dần dà trở nên bạn thân. Dẫn Seiko đi  thăm kỹ nghệ gắn máy xe ở thành phố Detroit không thua gì kỹ nghệ gắn máy xe bằng robot ở Fujisawa. Người Á Đông lịch sự, trầm trồ khen ngợi dù chỉ là một sự giả dối vô thưởng vô phạt. Xứ lạ quê người, tuy vậy Seiko vẫn có cái hãnh diện riêng về văn hoá của mình. Dù sao cũng là con cháu Izagani, Thần Mặt Trời và Hoàng Tộc.
Không hiểu biết thì thôi chứ một khi đã hiểu rồi thì tôi cũng phải so sánh. Ừ, thì đây cũng dòng giống Con Rồng Cháu Tiên, cũng Công Tằng Tôn Nữ chẳng thua ai. Hai văn hoá tuy có sự khác biệt, nhưng vẫn giống hơn những nước khác. Da vàng vẫn thấy gần gủi với da vàng. Dù đôi lúc máy kỳ thị trong người bộc phát, có lẽ tại sinh trưởng ở một nước chiến tranh nghèo đói, nên thấy ai hơn mình cũng đâm ra ghen ghét. Nhật Bản tụi bây chỉ toàn lũ ăn cá sống.

Có lần Seiko thắc mắc hỏi tôi.
- Phụ nữ Việt Nam tụi bay nghĩ gì về đàn bà Nhật ?
- Biết cách chiều chuộng đàn ông. Tôi trả lời.
- Tại sao lại hạ thấp phụ nữ của nước tao như vậy ?
- Không, ngược lại tao nghĩ đó là cái nhìn tốt ý. Tôi nói thành thật.
- Mày nghĩ như vậy à ? Seiko vẫn không tin.

Người đàn bà biết tìm được sự khoái lạc cho chính bản thân mình dĩ nhiên phải là người biết cách chiều chuộng người khác. Phụ nữ Á Đông đa số đóng vai thụ động trên phương diện ân ái vì sợ bị coi là thứ dâm đãng, ngược lại đàn bà Nhật thì khác.
Mà thật vậy, các cụ khi xưa vẫn hay có câu ca tụng một lối sống lý tưởng ở đời. Đó là "Ở nhà Tây, ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật". Đến như những mẫu đăng quảng cáo trên mấy tạp chí Việt ngữ cũng đề "Kỹ thuật làm tình xứ Anh Đào" sách cho mấy cô sắp bước chân vào ngưỡng cửa hôn nhân. Thì gái Nhật và thẩm mỹ viện không ai chỉ trích, chứ nếu là phụ nữ giới khác thì sẽ bị thiên hạ bàn tán con này sửa mắt cho thành hai mí, con kia bơm vú ...
Tôi chăm chú nhìn Seiko, thì đây gái Nhật đang ngồi đối diện trước mặt bằng da bằng thịt. Exotic, tôi chưa thấy ở nó. Cũng chỉ là một đầu, hai tay hai chân như bất  cứ ai. Nghĩ đến, tôi thấy bất công cho phụ nữ Việt Nam, giỏi  lắm được đăng lên báo cho mấy anh Việt kiều về thăm nhà một công hai chuyện.
"Người con gái thuần tuý Việt Nam- no artificial.
Chiều chồng và thương con- bare foot and pregnant.
Đảm đang công việc nội trợ- household goods".
Quảng cáo như quảng cáo một món đồ phụ tùng tay chân.

Nhưng, hiện giờ ở đây lèo tèo vài ba người khách, và bà  Geisha già bằng tuổi mẹ tôi, tỏ ra hơi có chút thất vọng. Geisha , người phụ nữ đa tài, lâu lâu có người gọi là Geiko, nghĩa nôm na là giỏi. Những ưu điểm mà đa số đàn ông ít khi tìm thấy ở vợ mình.
Muốn làm Modan Geisha thật ra chẳng phải dễ. Họ khác những phụ nữ thường vì họ được dạy dỗ từ thuở nhỏ gọi là Maiko từ những Geisha nhiều năm kinh nghiệm đi trước truyền lại. Nhiều người không biết rõ, thường nghĩ Geisha thuộc vào hàng đĩ sang vì thật sự muốn gần họ không phải rẻ. Cầm kỳ thi họa không thua bất cứ ai, và ca hát họ cũng vượt trên thiên hạ. Nói cho đúng, ai cũng đều là một Geisha, chỉ khác nhau từ môi trường sinh trưởng. Từ nhỏ ai cũng đều bị huấn luyện vào khuôn khổ, phép tắc của gia đình. Một Geisha được dạy dỗ theo nhu cầu đời sống của xã hội và văn hoá.
Bởi thế bên Nhật, nghe đến chữ Geisha ít người vợ nào dám hé môi cấm cản chồng. Họ đâu đứng đường đeo túi đầm trong thủ sẵn bao phòng ngừa. Gần họ chẳng phải lo bị bệnh phong tình hay bị bệnh AIDS.
Cũng có loại Geisha tên Makura Geisha "Geisha chăn gối" hay tìm thấy ở những khách sạn sang trọng. Họ cũng bôi phấn trắng trên mặt, búi tóc cao mặc Kimono. Thay vì rót trà xanh thì lại thay thế bằng whisky hay sake, rồi cặp kè ngã nghiêng cười với khách đi xa, lâu lâu có dịp bỏ vợ con ở nhà.

Thì đây là Narita mù mờ chẳng phải Tokyo ánh sáng về đêm. Không thành phố hai tầng, xe điện ngầm chật chội đẩy nhau chen chúc vào những giờ làm việc hay tan sở. Về đêm lại càng buồn tẻ, những cô gái đứng đường cũng chả mấy ai. Chỉ vẫn là cô gái Nhật mắt một mí và tô mì Nhật nhạt nhẻo  điểm vài lát thịt luộc. Tôi ráng nuốt cho qua cơn đói. Những món cá sống tập mãi không quen. Có phần thua người ngoại quốc, chịu khó ngồi cầm đũa gắp Sushi chấm mustard nhấm nháp sake cho bớt mùi tanh. Món ăn gì cũng phảng phất mùi rong biển  tanh tanh nên tôi không thích. Dù rằng những món ăn được trưng bày trong cửa kính trước quán trông vào đều hấp dẫn. Một trong những kỷ nghệ làm bằng sáp đèn cầy mà Nhật nổi tiếng.

Seiko ăn mì trông ngon lành, húp nước đến gần cạn.
- Mày qua đây lần đầu thấy bên này ra sao ? Seiko ngước mặt lên hỏi.
- Cảnh đẹp và thơ mộng, tao thích.
- Không, tao muốn hỏi sự khác biệt giữa nước mày và bên này như thế nào.
Seiko vẫn có tính tò mò. Thích so bì để cuối cùng hãnh diện coi nước mình là trên hết.
Tôi húp thêm tí nước dùng vào cho ấm bụng. Nhạt phèo ! Tôi nhủ thầm. Ờ, nước mày sạch hơn nhiều.
Tôi đang tìm câu trả lời. Nước Việt Nam tôi không hình dung được, so bì lại càng khó hơn. Nhắm mắt, mở mắt, cây dừa nước nào cũng giống nhau. Nước biển nơi đâu cũng mặn.

Hiroshima nhà chọc trời, đèn néon về đêm như ngôi sao, sáng cả một thành phố. Xe cộ đua nhau chạy vùn  vụt. Đâu ai nhìn vào  đoán rằng cách đây bốn mươi lăm năm  về trước thành phố này đã một lần bị xoá tên khỏi bản đồ thế giới. Nhưng khi bụi bom nguyên tử vừa phủ xuống thì công trình tái thiết đã bắt đầu. Bức tường ô nhục dựng lên để rồi hai mươi tám năm sau sụp đổ. Mười sáu năm, nước tôi có Việt kiều lũ lượt về thăm quê hương. Những cô gái bước chân vào nghề làm đĩ, những đứa trẻ bu quanh xin tiền, và thiên hạ vẫn xếp hàng chờ đợi giấy ra đi. Thì cũng chỉ mới mười sáu năm.

Ngày đầu tới đây tôi ngủ li bì. Món ăn Nhật tôi chưa quen và mọi thứ bày bán ngoài đường phố đều đắt ngoài sức tưởng tượng. Nhưng nước Nhật sạch, tối tân và  lịch sự tương đối có phần hơn Âu châu. Cầu tiêu công cộng nơi nào cũng thế, đứng lên ngồi xuống nước giật tự động.
Seiko quay qua rủ tôi:
- Cuối tuần này mình lấy xe lửa lên Tokyo chơi đi. Narita nhỏ không có gì để giải trí.
- Lấy Shinkansen-bullet train và Tokyo by night ?
Tôi nháy mắt hỏi lại. Một trong những loại xe lửa chạy nhanh nhất thế giới và thành phố ăn chơi chẳng thua bất cứ một nước nào.
- Ừ, Tokyo by night ! Seiko mĩm cười.

Seiko  Nagayama có dáng dấp trung bình gái Nhật. Mắt hơi xếch không thẩm mỹ viện. Sóng mũi thẳng và cặp môi hồng chúm chím có duyên. Chân nó ngắn, tướng đi hai hàng kết quả của lối bồng bế ngang eo từ lúc tấm bé. Seiko thuộc loại women lib, thích tranh đua vật lộn với cuộc sống mới của nền  kỹ nghệ đang thời phát triển, qua bao năm dài tái thiết từ sau đệ nhị thế chiến. Về phần học thức, Seiko là mẫu người đàn bà Nhật hiếm có. Tại vậy nên tình duyên hơi lận đận, chữ tai với chữ tài đều cùng vần ở cuộc sống  mà người đàn ông  vẫn còn được coi  là trên hết. Có lẽ vậy nên bản tính Seiko có phần hơi ngang ngược, bất cần đời của một người bị nhiều chuyện không may xảy ra mà vẫn thành công được.
Tuy vậy đôi lúc Seiko cũng hay tâm sự:
- Mày không biết nhiều lúc tao chán ngấy cuộc sống hiện tại. Phụ nữ bị chèn ép một cách bất công.
- Mày muốn ám chỉ bọn đàn ông ?
- Không. Cả một văn hoá và cả một xã hội. Seiko thở dài.

Seiko Nagayama điển hình cho giới phụ nữ của thập niên 90 loại Modan Garu,  mà nhiều người cho rằng bị mất đi bản chất của một phụ nữ Á Đông. Chữ nôm na mà những bà mẹ chồng thường dùng là thứ gái nổi loạn. Không phải chỉ riêng gì mình nó mà không biết bao nhiêu người bị xã hội kết án là thành phần mất gốc, dù hành động của họ không gì ngoài bù đắp thêm sự phong phú cho lịch sử loài người. Chính những phụ nữ như Seiko mới là người có tinh thần Yamato Damashii của một người Nhật thật là Nhật. Một loại " Esprit Gaulois" của giới trẻ biết tiến thân.
- Nếu tao mà ly dị vào khoảng thế kỷ 13 đâu đó thì chắc có nước lên chùa Tokeiji để sống.
- Tại sao ? Tôi ngạc nhiên.
- Ừ, thì chùa đó chỉ toàn đàn bà bị chồng bỏ  họ hàng không ai dám chứa,  hay những nàng dâu bị mẹ chồng ngược đãi. Nếu sống trên đó đúng ba năm, một thứ legal separation đó mà. Seiko cười nói tiếp, thì họ có quyền được cho ly dị.
- Nước tao không có loại chùa như vậy hay có mà tao chưa bao giờ nghe đến. Cho nên cái cảnh mẹ chồng nàng dâu , cứ hết đời này đến đời sau vẫn còn mãi tái diễn như các chương trình "re-run" trên truyền hình.
Seiko thở dài.
- Tội nghiệp thằng chồng tao, nó không có chùa nào để tu. Tao ly dị nó, cả gia đình nhà nó và cả giòng  họ bên tao đều mang tao lên án.
- Mày còn đỡ, bà chị tao bị chồng bỏ để theo gái vậy mà gia đình không bênh vực lại còn trách là không biết giữ chồng.
- Bởi vì con người vẫn chưa dám chấp nhận  được sự đổi mới.
- Seiko ngẫng mặt lên nhìn.
- Đúng không mày ?
- Thời gian vẫn thắng con người. Tôi trả lời.

Chồng chúa vợ tôi cái đó cũ rồi. Narita  vẫn có phần nghiêng về xưa. Niko Nagayama, anh Seiko ở chung cùng nhà, tôi tình cờ được gặp hôm bước chân  xuống phi trường quốc tế Narita . Hôm đó có vợ chồng Niko  đến cùng. Yoko, người mảnh  mai, chỉ biết đứng sau chồng cười chào khách. Nguyên lộ trình từ phi trường về nhà, tôi không thấy Yoko nói câu nào. Nhà Niko thuộc thành phần trung lưu, chồng kỹ sư vợ giáo viên trường làng cũng dư dả sống. Nhà nhỏ nhưng gọn gàng ngăn nắp. Những cánh cửa gổ dán giấy shoji hình sông núi không loè loẹt trông mát mắt.
Dân Nhật sống tằn tiện mà Yoko đúng là một Geisha nội trợ. Người đàn bà Nhật của những cung phụng không đòi hỏi. Đón chồng về cũng lịch sự như chào khách qua đường. Không một cử chỉ âu yếm hoặc một đụng chạm nhẹ nhàng của những cặp vợ chồng thời nay dù tuổi họ chỉ trên dưới bốn mươi.
Tôi đứng quan sát cảnh Yoko treo áo cho chồng, cúi  khom người xếp giày dép ngăn nắp đâu vào đấy như mường  tượng thuở  xa xưa, khi tôi chưa sinh ra đời.

Flashback- nghe đâu phụ nữ đa số như vậy. Đời ông tôi có vợ lẽ nàng hầu lôi thôi trăm chuyện. Qua đến đời cha có phần kính nể vợ.  Mẹ  tôi xoay sở làm ăn áp phe hụi hè nên tiền vào vẫn hơn đồng lương công chức của chồng. Đến đời tôi tương đối nhẹ thở, việc nội trợ không cần phải lo lắng. Bên này ai cũng đều đi làm mới có đủ tiền mua nhà tậu xe và trả nợ. Chồng vợ bận bịu ngang nhau, chồng rửa chén lo công việc nhà không gì lạ để phải cười. Đồ ăn hộp, tivi dinner và nút bấm microwave. Tình mẫu tử mang nặng đẻ đau, lâu lâu mấy bà mẹ thương xót con thì chỉ biết thở dài, rủa thầm trong bụng trách thời vận đổi thay. Than quá sợ cuối tuần con dâu nó không chở đi shopping thì phiền. Thân già lại không thạo tiếng, lấy xe bus nhỡ lộn đường biết đâu mò về nhà. "Ôi, thì cũng tại mất nước".

- Tối nay chắc tao không về nhà ông anh đâu. Seiko nhìn đồng hồ đeo trên khuỷu tay. Về khuya hàng xóm dị nghị mất công.
- Thì mày ngủ lại với tao đâu có sao. Tôi rủ.
- Ngày mai sáng sớm tao về cũng còn kịp. Seiko lại tính toán giờ giấc cho tiện việc đi lại. Về sớm tao lo thu xếp quần áo để đi Tokyo. Có mày đi cùng thằng anh tao đỡ kỳ kèo mà hàng xóm cũng khỏi dị nghị. Mày cũng hiểu, Tokyo không phải là chốn cho phụ nữ đi chơi một mình.
- Thì tuỳ mày. Tôi nhún vai hơi khó chịu. Anh mày kỳ kèo thì đã sao. Vợ nó nó lo, chứ con em cũng ngoài ba mươi tuổi  đầu, đã một lần ly dị cơ mà. Cha mẹ dạy dỗ, có trách nhiệm với con cái đến một tuổi nào thì hết. Tuổi đó chẳng lẽ thiên hạ nói vào mặt đồ con nhà vô giáo dục hay sao. Nếu có làm đĩ thì bất quá chửi mày con đĩ, chứ cha mẹ nào dạy con làm đĩ bao giờ.
- Phải chi mày ở nhà tao thì vui biết mấy. Tự dưng đòi dọn ra khách sạn ở chi cho tốn tiền. Seiko trách tôi.
- Ở ngoài tiện việc đi lại hơn. Vả lại mày đi nguyên ngày tao ngồi nhà nhìn mấy cây bonsai chán chết. Tôi phân trần. Tao ở Minsuku  cũng rẻ. Gần ngay chợ, sáng dậy có người làm sẵn cơm cho ăn, tối ngủ sàn tatami, thế mới học hỏi được phong tục tập quán của nước mày. Tôi cười.

Ở nhà Seiko tôi ở được. Có điều cứ phải lo tự nhắc nhở mình tháo bỏ giày ra trước khi vào nhà. Phong tục người ta mình không theo cũng  kỳ. Người ta sợ ma treo bùa trước cửa, kẻ sợ đất cát làm ô nhiểm hạnh phúc gia đình. Không tin thì ít ra tôn trọng. Đi chơi mà cứ phải bị vào khuôn khổ phép tắc thì tôi thấy khó chịu, thà dọn ra ngoài ở mà thoải mái và tự do hơn.

Có một điều tôi chưa quen là nhìn cảnh chồng người ngồi chồm hổm, trần truồng xối nước ào ào  ở phòng tắm không cửa che. Nếu là bãi biển khỏa thân, hay soputando- hồ tắm công cộng  hoặc Beppy - thị trấn của những suối nước nóng thiên nhiên. Thiên hạ ngồi trần truồng kỳ cọ cho nhau thì càng vui, tắm một ngày hai ba bốn lần chưa chắc gì đã đủ. Đằng này bàn thờ Shinto đối diện ngay cửa ra vào, ngoài nhà những vật dụng nhân tạo được chế biến theo cảnh thiên nhiên.. Có những cầu Bắc ngang hồ nước nhỏ, rừng cây bonsai và đàn cá vàng lội xung quanh. Nhìn vào cảm giác của một sơn thủy rộng bao la. Tự nhiên đâu đó thập thò bộ mông  trần truồng lấm tấm nước  từ bể đá xối ào ào.
Mỗi lần nhìn Niko tắm là tôi liên tưởng ngay đến đô vật Sumo. Cột khăn lụa đằng trước che bộ phận sinh dục, như mấy anh thể thao baseball, đằng sau khăn lụa chạy dài vào kẻ hở  như một loại quần tắm  đang bị cấm mặc ở vài tiểu bang nước Mỹ  như Florida chẳng hạn. Đôi khi làm tôi thắc mắc không biết nhà vẽ kiểu nào sáng tạo ra bộ quần áo tắm, đã lấy ý từ đâu.

Phòng tắm nhỏ như khán đài Dohyo , Niko đưa tay ra sau kỳ cọ lưng như nhà đô vật  Sumo  đang ném muối ra sau lưng trừ ma quỷ. Hai chân banh ra, họ ngồi xổm, nhìn nhau chờ đợi như hai con rắn đang thôi miên lẫn nhau. Đôi khi lâu đến gần năm phút, trước khi sửa soạn hất đối thủ ra khỏi khán đài. Môn thể thao này tôi hoàn mù tịt nên kiến thức non kém không đánh giá được cái hay của nó. Tôi chỉ phục lối ngồi xổm của họ. Người Việt Nam ngồi xổm cũng nhiều, nhưng nặng trên hai trăm pounds  mà ngồi lâu được như vậy thì thật chẳng phải dễ làm. Tôi có cái tướng đi đứng như đàn ông, vậy mà ngồi xổm tôi không làm được. Cái thú "Joie de vivre" của tôi là đọc sách  mỗi khi đi cầu. Khổ nỗi, cầu  tiêu bên Nhật xây theo lối chôn sâu dưới đất. Lần đầu tiên dùng, tôi không biết mình nên ngồi xoay mặt vào trong hay xoay ra ngoài.  Kế đến  phải lo khỏi bị té ngữa  ra đàng sau. Ngồi một phút thử, tôi ngồi được,  qua đó phải dang  tay áp vào tường  cho có thế, tay chân nào để còn cầm sách báo.
Than thở với Seiko, nó lăn ra cười bảo:
- Mày ở Nhật lâu rồi sẽ hết bị bịnh trĩ. Càng thích có gì mà càu nhàu.

- Mình đi Tokyo, tao dẫn mày đến Kabuki-Cho, vào hộp đêm  disco xem gái nhảy cởi truồng. Seiko hăng say rủ.
- Kabuki-Cho ? Tôi chưa kịp hỏi hết câu Seiko đã vội giơ tay ra dấu khe khẽ.
- Mày muốn học cách chiều chuộng người yêu  thì nên vào chỗ này xem. Đây không phải Chippe "N" Dales, nhưng đàn bà có mặt không phải là không có. Seiko giải thích, tôi thú vị ngồi nghe.
- Giá vào cửa hơi đắt nhưng tiền nào của nấy. Có ghế salon bằng da êm ái, một người một ghế, ánh đèn màu chớp nháy theo điệu nhạc. Những cô gái nhẩy rất đẹp, đa số độ chừng mười lăm mười sáu tuổi. Hai đầu vú  chụp hai cái nón, giống như nón lá nước mày, lua  tua vài sợi dây kim tuyến. Mỗi lần họ đi động, những sợi dây óng ánh từ đèn màu chiếu vào trông rất ngoạn mục.
Seiko kéo tôi lại gần thủ thỉ vào tai. Ở dưới tụi nó để trống, không có đến một sợi kim tuyến. Tụi nó nhảy múa theo những  kiểu làm tình, hai ba chục kiểu gì đâu đó, hoà cùng điệu nhạc, trong lúc thiên hạ ngồi  nhắm nháp rượu thưởng thức.
- Chắc mấy tên đực rựa tha hồ sờ mó. Tôi hỏi chơi, ai ngờ nó tưởng thật lắc đầu nguầy nguậy.
- Không được đâu. Đôi khi tụi nó đứng ngay trước mặt, lắc qua lắc lại, hai đầu vú  nẩy lên như chong chóng, nhưng luật lệ cấm không cho đụng chạm nên chả ai dám. Đụng vào là có người mời ra cửa ngay. Họa may nếu họ tự động ngồi vào lòng khách thì may ra còn gỡ gạc được đôi chút.
- Nếu vậy mấy anh buồn chết. Tôi nghĩ đến những hộp đêm mù mịt khói thuốc với những bảng hiệu " Live girls- Nude Nude Nude", và những tờ giấy một đồng được nhét vội vã vào quần lót.
- Buồn cái nỗi gì. Môi Seiko trề ra. Mày không biết, mấy tên đàn ông nước tao, nó càng mặc suit  thắt cà vạt bao nhiêu, ban ngày dương oai la hét, đứng điều động công nhân, không lộ một tí tình cảm  gì, ban đêm tụi nó bỏ vợ con ở nhà, chui đầu vào Kabuki-Cho. Tụm ba tụm năm cười nức nẻ, ôm gái vào lòng sờ soạng và nốc rượu không biết mệt.
- Bên tao không có Kabuki- Cho nhưng có karaoke bars. Tôi nói
Gái bia ôm đâu được luật lệ bảo vệ, nghĩ như vậy nên sự ghen tức làm tinh thần dân tộc bùng lên. Thì tính xấu, mùi kỳ thị như mùi dầu Nhị Thiên Đường da vàng, cà ri Ấn Độ của cả một nền văn hoá, làm sao một sáng một chiều gội bỏ được. Hơi đâu giải thích cho Seiko biết làm gì.
- Sao mày rành Kabuki- Cho vậy ? Bộ hay đến đó lắm hay sao? Tôi tò mò.
- Đâu, chỉ đúng có một lần. Đi cùng với chồng. Thật buồn cười ! Seiko đưa tay che miệng. Tao nhìn mấy cô tourist Mỹ, mặt hết đỏ rồi đổi qua xám như đèn đường, cạnh mấy ông chồng đang há hốc mồm xem.
- Nhưng đàn bà con gái vào một mình kỳ chết. Hay mình làm dân tourist, tôi cho Seiko  ý kiến.
Chỉ cần mặc quần bò, áo T-shirt đề chữ "Born in the U.S.A." Đằng trước, hình Bruce Springsteen đằng sau. Vì dù sao, tôi với Seiko đều dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính. Tourist ở những chỗ như vậy đàn bà ra vô ít người để ý. Đường Pigale bên Tây xe tour bus đậu chật vỉa hè, thiên hạ đàn ông đàn bà dập dìu qua lại ngắm poster cởi truồng. Đến mãi tận Bois de Boulogne cũng vẫn có tour bus  chạy ngang.
- Kỳ này cần gì  phải làm tourist. Bên này có Lady's Night , $1 dollar Margarita, có đàn ông mặc string bikini lủng lẳng dollars dính đầy quần. Vừa được đụng vào mà cũng được hôn. Vậy mình vào xem gái nhẩy không được hay  sao ? Seiko lý luận khiến tôi bật cười.

Người cuối cùng rời khỏi quán là hai chúng tôi. Cô bồi bàn đưa tay che miệng ngáp, cử chỉ đuổi khéo khách, đến giờ đóng cửa xin làm ơn trả tiền.
Trời về khuya, Seiko vội vàng theo tôi về Minshuku.
Giờ cũng trễ, ngày mai nó còn dậy sớm trước khi mọi người tỉnh giấc.

Narita vẫn có phần nghiêng về xưa.




Vũ Quỳnh N.H.



----------------------
Nguồn : Văn, số 117, tháng 3-1992



Friday, May 6, 2016

ÂM DƯƠNG



                                                                             NGUYỄN VĂN SÂM



Chị Nhàn thành khẩn cụm đầu ba cây nhang vô ngọn đèn dầu đương tỏa khói đen lên ngùn ngụt, nhang bắt lửa thành ngọn bùng lên, chị nhè nhẹ khum bàn tay quạt quạt dập tắt ngọn lửa rồi cắm vô một cái ly đựng cát để trên bàn thờ đã dọn xong. Vài chén chè đậu trắng, chén thì mẻ sứt mà chè thì nằm chong chênh qua khỏi mức nửa chén, được cố ý để thật cách xa nhau cho có phong cách bữa giỗ, hai dĩa thịt gà xé phai từ nửa con gà mua chịu từ người bạn hàng quen thuộc mấy chục năm nay. Chị đã cắt thiệt nhiều bắp cải, thêm nửa cái bắp chuối hột mới bẻ ngoài sau nhà, dĩa thịt gà coi cũng bắt mắt, tươm tất và khêu gợi.

Cúng, ừ thì cúng, nhưng cái vẻ nghèo nàn của việc cúng kiếng so với bao lần trước đã đoạt mất ở chị cái tâm trạng sung sướng nhè nhẹ của người làm một công việc phục vụ ông bà, không đem đến cho chị cảm giác thông thường của phút tương giao với người khuất mặt nữa.
Khói nhang bay mùi thơm thơm khiến vui vui nhớ đến những lần Tết nào đó đã bay hút trong thời gian tươi đẹp vô cùng của quá khứ, những cái Tết háo hức bồn chồn khoe áo mới, được phép làm chuyện ngày thường bị cấm đoán. Những ngày chị - lúc đó là đứa trẻ quá nhỏ - thấy mình quan trọng hơn, được mọi người quan tâm và không một mảy may trách nhiệm. Bây giờ cũng cái thời gian đó, Tết, biết bao là trách nhiệm và không còn được một ai quan tâm.

Đứa con gái hủ hỉ mấy năm nay đã chết vì phong đòn gánh khi lượm sắt vụn cho kế hoạch nhỏ bị sắt gạch đứt tay, rồi bỏ qua luôn sau khi được đắp sơ sài bằng mấy cọng thuốc rê. Một mình thui thủi sớm bửng ra đi tối mịt mới về, chè cháo cơm nước đường chợ, ngon dở tuỳ theo việc buôn bán thành công hay thất bại trong ngày.
Chị Nhàn lấy tay mặt đè đè lên chỗ vú bên tay trái. Chị không đụng chỗ thịt mềm mềm từng làm hướng cho bao cặp mắt ngày xưa, chỉ nghe nhói nhói đau đau phía bên dưới trái tim, tình trạng như muốn báo động những trục trặc chi chi đó nhưng chưa khám phá được. Chị nín thở chờ cơn đau trôi qua. Quái, lần nầy hơi dài hơn những lần trước. Một sự thông báo không được vui lòng chào đón lắm.

Chị chắp tay trước ngực trước " ly hương" , vái ông bà và vong hồn cha về dương thế thăm con cháu và hưởng bữa cúng. Chị hơi khựng lại một giây. Ông bà thì không cần tên đã đành, cha mẹ nhớ tên nhưng lại quên bửng tên ông già chồng. Chị vừa vái vừa suy nghĩ mông lung, nghe nói người nào chết lâu quá rồi thì được đi đầu thai không thể về dương thế nữa. Mà phải như vậy mới được, nếu không đi đầu thai thì làm sao con cháu nhớ hết tên ông bà mà giỗ quảy. Mẹ mình chắc cũng xong rồi, bả chết khi mới sanh mình ra, bây giờ đã hơn ba chục năm rồi còn gì. Tuy vậy chị Nhàn vẫn đọc tên mẹ, rồi chị vái tên cha. Nhớ tới người cha chồng chị muốn vái luôn nhưng hơi bối rối. Ông già ảnh chết cả năm nay rồi chắc là về được. Mà kẹt quá trí nhớ hồi này lú lẫn tên ổng cũng không nhớ ra. Chị vừa nhắm mắt lại vừa trợn trừng mắt dưới mi để tập trung trí não lục lại tất cả ngõ ngách của trí nhớ cái tên ông già ít nhất có một vài lần chị thấy.
Thôi chịu, chị lấy ba cây nhang khác, bật hột quẹt đốt. Hột quẹt cây quá cụt mà thuốc hơi mềm, chị chụm ba bốn cây làm một quẹt thiệt mạnh, nghe một tiếng cháy xè rồi tắt. Chị liệng mấy cây diêm mắc dịch đó xuống đất, bóc mấy cây diêm khác...Ngọn lửa liếm nhang lần nầy thiệt mau. Chị chấp nhang giữa hai tay vái. "Hương hồn cha chồng tôi sống khôn thác thiêng về dương thế trong bữa cúng rước ông bà Tết năm nay."
Chị cắm nhang vô ly cát lần nữa. Chị mĩm cười. Vái dở vậy không biết vong hồn ổng về được không. Lú lẫn quá.

Chị khum mình xá xá. Nghe đau nhức khó chịu, chỗ xương sống ngang hông. Chỗ này thì nhức hoài. Chứng này hành hạ mấy người đàn bà đẻ nhiều. Mình đẻ có ba đứa, đâu có nhiều nhỏi gì, chắc là
mấy năm gần đây cực khổ thiếu thốn quá nên mình mẩy báo động đòi bồi dưỡng.
Chị vừa như mĩm cười với ý nghĩa mình mới đặt ra vừa nắm nắm tay vòng qua sau lưng đấm đấm chỗ đau. Cái đau bên ngoài lâu nay làm tạm quên cái đau bên trong vẫn âm ỉ hiện diện. Khổ quá, cái mòi rệu rạo như răng bà già thấy được bất cứ  chỗ nào của thân thể. Gì mà không có chỗ nào còn coi được, chỗ nào cũng có chuyện này chuyện kia, không đau hông thì đau xương sống, không đau chỗ tim phổi thì đau chỗ thận, bàng quang. Như chình mắm nêm là đây, ông bà mình ngày xưa nói lẩm rẩm không căn cứ trên khoa học khoa hiếc gì hết vậy mà trúng quá xá, thân thể không còn là niềm hãnh diện của mình nữa mà đã thành một tội vạ, một gánh nặng phiền muộn.

Chị ngó lên bàn thờ, nảy giờ mà tàn nhang không rớt xuống, cong cong gần tròn một vòng, nhưng than của cọng vẫn được lớp tro nhang bao bọc như khi chưa được đốt. Lớp cát trong ly vẫn còn mới tinh chưa bị phủ mặt như những lần cúng kiến trước đây. Người ta nói đó là điềm báo ông bà về. Chị thốt nhiên đưa tay kéo áo quần cho ngay ngắn chỉnh tề. Ông bà khuất mặt khuất mày nhưng đã hiện diện trong nhà này, đang hưởng thức cúng kiến của mình, không thể xốc xếch được. Chị lật đật đi mở tủ kiếm mấy cái ly nhỏ nhỏ rót nước lạnh để trên bàn.
"Xin ông bà cha mẹ tha lỗi cho, đáng lẽ phải có chút rượu làm lễ nhưng lúc này khó kiếm lại mắc quá."

Chị đứng thẳng trước bàn thờ kiểu như một người hầu hạ ông bà đương dùng tiệc. Bỗng nhiên chị thấy mình xẻn lẻn ngang, ai đời van vái xin lỗi ông bà mà nói chuyện mắc quá không mua nổi. Cái khó nó bó cái khôn là vậy. Đời mạc pháp, thiên hạ sống trong túng cùng. Ước gì ảnh về được  thăm mình.  Ước gì giấy tờ của ảnh làm mau hơn để mình được bay ra khỏi chỗ này sớm. Nếu sớm hơn mấy năm thì con nhỏ đâu tới nỗi bỏ thây trong trạm y tế tức tưởi như vậy. Ước gì mình trúng số độc đắc được một lần, lúc này ngày nào cũng xổ, cũng có người trúng, mình nhịn ăn mua bao nhiêu lần, mỗi lần cả chục tấm, cũng đều như không, trật lất trật lơ.

Như là có bóng người. Hai người chứ không phải một. Từ chỗ bàn thờ thoáng mau lại cửa rồi trở vô.
Chị định thần nhìn kỹ nhưng không thấy gì. Có lẹt đẹt vài tiếng pháo  nổ xa xa, tiếng nổ cũng không lớn như ngày xưa, như là không đủ thuốc hay họ quấn giấy không được chặt.
Ngoài đường nắng đã lên, tiếng người nói hoà với tiếng dép kéo lê trên mặt đường. Một cảm giác mâu thuẩn hiện lên trong lòng chị, vừa muốn ông bà về chứng kiến cảnh nghèo của mình để thỏa mãn sự vái van lại vừa sợ ma. Có thể hai cái bóng vừa thấy là có thiệt chớ không phải nhìn lầm. Chị chợt rùng mình, như có một bàn tay lạnh buốt rờ lên đầu chị, chị hắt hơi.

Cảm rồi, chị nói thầm, Tết gió độc hơn ngày thường. Tết là ngày giao hòa  của năm mới cũ, Tết cũng là giai đoạn giao thoa của âm-dương nên trong gió có phảng phất hơi âm, ai yếu bóng vía thường bị cảm. Chị đi vô buồng trong lấy thêm cái áo mặc tròng lên, nói lầm thầm ma quở kiểu này chắc hết ăn Tết. Ngó chỗ tay áo bị rách sờn mà lòng quặn xuống. Ngó quanh quất trong nhà để ước lượng những gì đáng tiền mà mình có, rồi ngó lên mấy cây nhang trong cái lư hương, một lần nữa chị lại ước ao ông bà phù hộ cho mình trúng số để thoát  khỏi  cảnh bần hàn.

- Anh chờ tôi với, mình đi chung cho vui.
- Sao anh coi bộ gấp vậy, mà tới bây giờ mới ra.
- Tôi có biết gì đâu, tưởng giấy tờ cũng như mọi khi nên chần chờ, té ra ngày tư ngày tết trên kia, ở đây mình được tự do đi lại. Khổ quá, không ai nói gì với mình nên cứ lẩn quẩn trong đó, tới chừng lưa thưa còn có mấy móng tôi mới sực biết bỏ ra, thời may gặp được anh.
- Ở đây cái tình còn ít hơn trên kia nữa, vì ai cũng biết rằng là chỗ tạm trú để chờ lịnh đi lên đó-dưới hình dạng này hay hình dạng kia. Lo lắng cho mình nên không ai buồn ngó ngàng gì tới người khác.
- Dửng dưng với vấn đề của kẻ khác là yếu tính của con người dầu nó ở đâu và dưới hình dạng nào.
- Không có cái lo nào hơn cái lo liên quan tới mình.
                
-Tôi  có lộc ăn rồi anh biết không, nghe mùi hương thì biết có người mời nhưng phải nghe họ vái tên mình , mình mới biết phải về chỗ của ai. Con gái tôi đó. Ừ, mà con dâu anh chớ ai.
- Tôi cũng có nghe mùi hương nhưng còn thắc mắc vì không thấy nhắc tới tên.
- Chắc nó quên tên ông già chồng nó rồi. Anh đi với tôi cho có bạn. Ba ngày này âm dương giao hoà, mình đi không cần giấy phép, miễn là chập tối phải về là được. Họ sợ tối mình làm hại người dương.
- Phải, biết bao nhiêu anh chị lợi dụng khí âm của mình làm chuyện phá làng phá xóm rồi. Nhưng ngày thường mặc dầu có nhang, có tên kêu vẫn đi không được à ? 
- Ngày thường phải cần giấy, nếu con cháu không hài tên mình ra thì càng khó nữa. Rằm tháng Bảy cũng là ngày Tự Do. Nói chung ở đây cái nạn thư lại bàn giấy vẫn không khác gì trên kia.
- Tôi không biết khi họ hỏi căn cước tôi phải làm sao. Hỏi căn cước một con ma, xin lỗi anh, là bắt con ma đó phải è ạch  mang tấm mộ bia nặng dàn trời tới đưa ra trình.
- Chế độ thư lại bàn giấy làm khổ dân ấy mong nó qua cho rồi.

- Mình đi thăm con Nhàn nghe.
- Ừ, rồi mình chịu khó một chút thăm thằng quỷ đó với tụi nhỏ. Tội nghiệp. Đáng lẽ bỏ lúng tụi nó. "Quên hết" như bài học họ giảng cho mình hằng tháng mà sao tôi cứ xót xa. Hồi xưa khổ sở với tụi nó biết bao nhiêu, bây giờ cắt bỏ cái rụp chuyện đâu có dễ.
- Mà cũng có tụi làm được. Tụi nó phơi phới. Ngay cả bà con cật ruột trên kia bây giờ họ cũng không thèm nhìn.
- Số này ít thôi. Ảnh hưởng của môi trường sống một thời khoản lâu dài đâu phải vì mấy  cái bài giảng đó mà bị gạt bỏ tất cả.
- Phải có một thứ thuốc lú để quên tình cảm còn sót lại với người bên kia, cũng như thuốc lú cho mấy con ma, -tôi cũng vậy nữa- xin lỗi, trước khi cho đi đầu thai.
- Chắc họ có nhưng không cần đem ra xài lúc này. Ai nhiều tình cảm thiệt thòi rán chịu. Khổ sinh ra từ trong lòng, ai còn tình cảm lúc này chỉ mang thêm khổ mà thôi. Ngăn chận cái khổ của mình là chuyện mình phải tự lo, họ đâu cần lo. Thuốc lú họ lo cung cấp là vì nếu không quên thì con người dính dây chùm rễ mớ với nhau, lộn tùng phèo hết, sanh con rồi mới sanh cha, sanh cháu giữ nhà rồi mới sanh ông.
- Ơ mà thuốc lú cũng đâu có phải hoàn toàn hiệu nghiệm.
- Vài trường hợp họ trơ trất với cái món thuốc lú đó. Lên lại họ đâu cần học. Mấy người mà ông gì đó nói "Sanh nhi tri" đó, họ đã học ở đời trước rồi.
- Ừ hé, hồi trước ở Linh Xuân Thôn Thủ Đức, tôi biết có thằng nhỏ chưa từng thấy nhà máy xay lúa, nó mới có bốn tuổi mà máy móc trục trặc gì nói với nó , nó có thể chỉ chỗ nào phải sửa, phần nào phải thay.
- Mấy người thần đồng cũng vậy. Lên mà không bị lú thì học một biết mười, cũng như người thường học ôn, hay dò lại thôi.
- Ờ, gần tới chỗ giao điểm rồi. Nếu cần anh nắm tay tôi. Ở đây cả chục năm, mỗi năm đi qua đây hai ba lần, tôi biết chỗ này nó tới cả cây số, mở mắt ra không thấy gì mà cay lắm. Ai có giấy phép thì cứ nghe tiếng gió mà đi, khi hết nghe tiếng gió mở mắt  ra thấy cảnh quen ngày xưa là tới. Ai không có phép thì trời khiến họ cứ xà quần, thơ thẩn trong chỗ tối đen đó tới chừng họ bị dẫn về, phạt.
- Lạ há. Hai miền phân cách nhau bằng chỗ đệm tối bưng. Kêu là chốn u minh là đúng quá rồi. Để cho ở trên kia không đi lạc xuống đây. Tay anh đâu ? 
- Đây. Vậy mà họ đi lạc hoài. Có người mới tới chỗ tối này thôi rồi dương khí mạnh kéo họ về. Người ta kêu là chết giấc, chết giả, có biết gì đâu. Tỉnh dậy cũng như thường. Vùng này tối om mà.
- Tôi muốn nói đi lọt vùng tối này kìa, vô chỗ của mình ở đó, mà trở về được há !
- Có hoài, đời xưa ở bên Tàu có ông Lâm Tự Kỳ, lạc xuống, họ cho về nên viết cuốn Hồi Dương Nhơn Quả, kể lại chuyện xử phạt dưới này. Tiếc là hồi đó tôi đọc mà không tin.
- Ở bên mình có ông Thủ Hườn, ông ta nguyên làm chức Thủ Bạ đời Minh Mạng, có người dẫn xuống, ông ta thấy mọi chuyện  ớn xương sống, nên về cất cái nhà trên chiếc bè đậu ở ngã ba sông 
để cho những người lỡ con nước phải nghỉ tạm lại trên sông có chỗ tạm trú và có thức ăn. Ông ta bố thí hết gia tài của mình ở chỗ Nhà Bè đó.
- Lạ há, đã phân chia vùng rồi, lại có chỗ tối làm trái độn  mà còn có người đi lạc ha !
- Ừ ! Chuyện trời đất  đâu phải luôn luôn xảy ra như vậy. Lâu lâu cũng có cái trật chìa  như người đẻ một trăm trứng, như cá lia thia sống ở bẹ dừa trên ngọn cây. Chuyện lạc vùng đâu phải không thể không có. Mấy cái chuyện lạc thiên thai, Từ Thức gặp tiên nữ là chuyện lạc lên vùng trên. Vùng trên còn lạc lên được thì vùng dưới lẽ nào lại không.
- Anh muốn nói mấy cái chuyện trong Liêu Trai Chí Dị chứ gì ?
- Ờ, cái ông họ Bồ ghi chuyện mấy con ma nữ đi lạc, thỉnh thoảng cũng ghi lại chuyện người đi lạc xuống đây.
- Hay là được dẫn xuống đây cũng vậy mà thôi.

- Tới nơi rồi, anh thấy mùi tanh tanh như máu trong gió không. Đó là mùi ích kỷ của lòng người đó. Trong mùi tanh tanh anh nghe thấy mùi thui thúi,  đó là mùi tự cao tự đại của họ...Mở mắt ra đi.
- Kỳ thật. Hồi cha sanh mẹ đẻ tới năm ngoái nghĩa là cũng sáu mươi năm tôi đâu nghe cái mùi đó. Bây giờ mới đi có trót năm về lại nghe mùi nầy.
- Ở trong đó thét nó quen đi. Cũng như người ngồi trong cầu tiêu dơ, ban đầu còn nghe mùi, ngồi một lúc thì nghe bình thường. Người ở vùng  chợ Gò Vấp không nghe mùi hôi thúi , nhưng ai đi xe lửa, khi xe chạy tới gần đều nghe cái mùi thum thủm. Con nít nhỏ mới xổ lòng mẹ cứ khóc hoài không nín vì ban đầu nó không chịu được cái mùi tanh tanh thúi thúi  của đời. 
 - Ừ ! Sao có mùi thơm dìu dịu mà nghe từng cơn từng cơn ở đây vậy.
- Đó là mùi uất hận của người ngây thơ vô tội bị đè nén oan ức.
- Vậy thì quen nghe mùi mình sẽ biết ngay chuyện gì đã xảy ra.
- Ừ ! Vậy mới là ma, biết vanh  vách như ma xó, thiên hạ nói hoài. Chỉ cần nhướng mắt lên là anh có thể thấy thiên hạ dấu vàng ở đâu, tấm giấy số nào trúng độc đắc, ai sẽ đắc cử tổng thống ở nước nào.

Thôi, vô nhà con mình. Anh thấy mấy cây nhang trên ly hương cúng gần tàn mà không rụng không. Giấy phép đi đường của mình đó.

Chị Nhàn vẫn đứng trước bàn thờ nhưng nhìn về phía cái bàn có để tấm hình của chồng, người chồng hiền lành mĩm cười. Ông già Nhân đang đứng ngắm nghía hình con mình, chị Nhàn đi xuyên qua mình ông. Chị cảm thấy một luồng lạnh chạy dọc theo chiều đứng của thân thể. Chị rùng mình. Chị cầm tấm hình lên, đưa gần mặt mình, như là hôn, rồi để xuống.
Hai giọt nước mắt trào ra, lăn gần tới sóng mũi, chị đưa tay quẹt. Ông già Nghĩa nắm tay con như muốn dẫn đi ra cửa để chỉ trỏ gì đó, nhưng tay ông nắm vào thì ông bóp vào khoảng không. Ông thấy con mình ngó về phía bàn thờ thì chạy về đó đứng xuyên qua phía bên này bàn, chấm tay vô ly nước trước mặt viết mấy chữ.
Chị Nhàn vẫn không thấy gì. Nghe tiếng pháo nổ, chị ngó ra ngoài. Ông già Nghĩa bước tới kê miệng vào tai chị dặn dò, nhưng chị vẫn như không cần chú ý, bước ra phía trước cửa ngó mong ra đường. Một lần nữa ông nắm tay con và kêu bạn mình cùng nắm để dẫn chị ra khỏi nhà, thì chị hắt hơi một cái rồi quày quả trở vô. Ông già Nhân lật đật móc ra một tấm giấy và một cây viết đưa cho già Nghĩa. Ông này viết vội vàng mấy chữ, đưa tới trước mặt con.
Chị Nhàn không ngó mà cúi xuống sửa sửa lại nếp áo, nếp quần mình. Ông già Nghĩa nhìn con thất vọng, quay lại thì không thấy bạn mình đâu nữa. Chừng một phút sau già Nhân mới hiện lên thì thầm:
- Tôi đi qua tới bển, thấy thằng chó đó đương ăn uống bĩ bàng với một con khác, giận quá gõ đầu nó mấy cái. Tôi cũng có đưa tay vô quậy quậy vô hai ly rượu tụi nó...Làm thì làm vậy chứ mình là khoảng không mà, có làm gì được ai.
Hai bóng ma buồn bã ngó chung quanh một lần cuối rồi nắm tay nhau lặn xuống đất.

Trên bàn thờ tàn nhang bây giờ đồng loạt rớt xuống lả tả phủ đầy mặt cát trong "ly hương" , lấm tấm điểm mấy chén chè cùng hai dĩa thịt gà xé phai cạnh đó.
Buông một tiếng thở dài, chị Nhàn cầm lên từng chén chè đưa ra ngoài thổi thổi nói nho nhỏ:
Cúng thì cúng, vái thì vái, chớ làm sao ông bà có thể giúp mình trúng số được. Âm dương cách trở làm sao tương thông . Giáng phước giáng họa cho nhau chỉ có mình và người đời chung quanh mình mà thôi, không quỷ thần ông bà nào vô đó được. Thôi mai không ăn Tết, lăn ra ngoài chạy mánh kiếm được đồng nào hay đồng nấy, vậy mà chắc.

Bên ngoài chiều đã xuống, tiếng pháo nổ càng lúc càng nhiều hơn, nhưng vẫn là những tiếng lẹt đẹt xì hơi.



Nguyễn Văn Sâm




---------------------------
Nguồn : VĂN - Giai Phẩm Xuân Quý Dậu
              Số 126-127 Tháng 12-1992 và tháng 1-1993