Sunday, September 18, 2016

ĐÊM ÂM PHỦ



Ngô Nguyên Dũng




Dọn bàn ăn xong, Thành kéo Tân vào nhà bếp, móc túi dúi vào tay Tân vài tờ giấy bạc, nói:
- Tớ nhờ cậu dẫn hai thằng lỏi đi chơi đêm nay.
Tân gạt tay Thành ra, trợn mắt hỏi:
- Đi đâu mà cần nhiều tiền thế này, cha nội?
Thành cười hềnh hệch, giọng trơn như thoa mỡ:
- Đi chơi gái chứ còn đi đâu nữa. Tớ bận mẹ thằng cu, nếu không cũng đi theo rồi. Tội nghiệp, chúng nó mới được sổ cũi, phải cho chúng biết mùi vị ái tình xứ tư bản này chứ!
Tân phì cười, đút tiền vào túi. Thành đưa điếu cày cho Tân, mời mọc:
- Cậu làm thử một hơi cho biết!
Tân lắc đầu nguầy nguậy:
- Tôi không biết hút thuốc Lào, nhưng nếu cậu có thuốc lá, cho tôi một điếu.
Thành nhún vai, chỉ bao thuốc đặt trên bàn gần cánh cửa mở toát, điểm trên môi nụ cười đểu, hai mắt nhíu lại trêu ghẹo:
- Cậu làm như gái còn trinh không bằng. Chơi đi, hút đi, say đi, sống đi! Tớ chán cách sống chừng mực của cậu lắm rồi, giống như uống mà không say, đánh phé mà không được phép tố láng...
Tân chen vào:
- ... phùa giữa chừng chợt nghe máy điện thoại reo!
Thành vỗ "bốp" vào vai Tân, tán đồng:
- Đúng, đúng đấy.

Nói xong, anh mở hộp diêm, xoè lửa cho Tân châm điếu thuốc. Gió đêm mang hương tường vi rót đầy căn bếp hẹp. Đêm hè tô màu xanh lên khung trời phía sau toà cao ốc đối diện. Tân thấy lấp lánh những chấm sao rời rạc. Nhìn những khung kính sáng đèn ở gần và những vì sao lẻ bạn ở xa, tâm hồn anh chợt mọc lên niềm khát khao kỳ lạ. Một niềm vui chưa định nghĩa được, một mất mát không nguyên do hay một ước vọng thầm kín nào ẩn dấu bấy lâu tận đáy lòng mà Tân không biết. Anh phà khói vào khung cửa mở ra ngoài đêm mênh mông, hỏi khẽ:
- Thắng và Cường là bà con như thế nào với cậu?
- Thắng là em chú bác, Cường là bạn của Thắng. Bố của Thắng là một người đa tài, vẽ tranh, viết văn, làm thơ. Ông ta chỉ có cái tội...
Thành ngập ngừng. Tân hỏi tới:
- Tội gì?
- Tội không theo đảng.

Xong, Thành thở "khì" như vừa trút gánh nặng. Hơi thở anh đẫm mùi thuốc lào, nồng và khét. Chờ một lát như để cho Tân cân nhắc trọng lượng của lời nói, Thành cất tiếng chậm rãi như người làm xiếc tẩn mẫn lừ ra giữa môi từng lưỡi lam bén ngót:
- Ông ta không theo mà cũng không cần lách, ly dị với đảng tức khắc nhân vụ Nhân Văn Giai Phẩm sau khi viết một bài chống đối những quái thai do đảng sản sinh.
- Ông ta không bị gì sao ?
- Mười lăm năm tù. Ở tù ra, ông mở quán rượu và vẽ bảng hiệu cho mấy tiệm hớt tóc, sửa xe đạp. Quán rượu là nơi để ông thù tạc với giới văn nghệ miền Bắc, là cuốn rốn nối liền với văn chương. Còn cái lý tưởng ban đầu của ông dành cho đảng đã bị chính đảng hãm hiếp, bêu đầu, mổ bụng, chôn sống từ thời cải cách ruộng đất rồi. Y như một ả hát chèo sắp hết thời cậu ạ. Đêm đêm dồi phấn tô môi, lên sân khấu đóng tuồng, đến khi màn hạ, rửa mặt soi gương mới ngỡ ngàng. Rổ hoa, mắt loét, má nhăn, vú xệ. Toàn một bọn đào kép trơ trẽn.
Tân góp lời:
- Sao cậu không ví chúng nó như một bọn điếm già?
- Hay đấy! Những con điếm bị khách hàng chơi Nga, Tàu dùi hoa dập liễu, chán chê xong vất nằm phơi bụng ra đấy, bèo nhèo một đống chả đứa nào dám mó vào.
Tân cười híp mắt, cái đầu lắc lư, hai vai rung rinh. Dù đã quá quen với lối ví von tượng hình, cường điệu hoá của Thành, vậy mà mỗi lần nghe Thành bốc đồng nguyền rủa chế độ, Tân vẫn không thể nín cười.
Thành chép miệng, giấu tiếng thở dài, hừm một cái:
- Cuối năm nay, hai thằng nhóc hết hạn hợp đồng lao động, phải trở về nước.
Tân hỏi thẳng:
- Chúng nó có muốn xin tị nạn không?
Đôi mắt Thành lim dim như cặp mắt cắc kè mệt mỏi hứng cái nóng sa mạc. Anh lắc đầu nhẹ:
- Không đứa nào đề cập tới chuyện đó. Tớ cũng không hỏi, nhưng qua cách nói chuyện, tớ thấy thằng Thắng có vẻ nặng tình gia đình. Còn thằng Cường như thế nào, tớ không biết. Đôi lúc tớ đâm ra ngờ vực, vì dường như sự chọn lựa nào cũng không đúng.
Tân thêm vào:
- Đã gọi là chọn lựa thì phải chịu mất mác chứ, mà mất mác lại không có trọng lượng, dài ngắn hay sâu cạn để mình so sánh. Cậu nghĩ xem, trên đời này lúc nào cũng có ít nhất hai lý lẽ thuận nghịch để cho mình chọn một.
Thành gật gù:
- Đúng, và tớ luôn luôn tôn trọng sự quyết định của người khác. Tớ chỉ muốn...muốn...
Thành lặp bặp vài giây, cười hề hề rồi tiếp:
- ... bọn thằng Thắng, thằng Cường nếm qua mùi vị ái tình gái Tây phương, để về nước nói phét với bạn bè mà không xấu hổ. Không lẽ về nhà chỉ kể chuyện bị bọn cai thợ ức hiếp  và đập lộn với lũ "phủi" kỳ thị người da màu sao?. Tối nay tớ nhờ cậu làm chị vú  hướng dẫn hai thằng em tới khu đèn màu xả láng một phen.
- Cậu yên chí. Tôi đã từng đi thông dịch cho đồng hương tại toà án, toà hành chánh, ty cảnh sát...lần này lại thêm một kinh nghiệm cho đời thêm thú vị.
- Ừ, sống đi, yêu đi, ăn tục nói phét đi!
Thành lặp lại câu nói khi nãy, mặt vênh váo như vừa nghiệm ra một triết lý mới. Tân dụi điếu thuốc vào đĩa gạt tàn, đứng lên.



Tối thứ bảy, đường phố loáng ánh đèn ngược xuôi. Xa lộ chuyển động như con trăn trườn  mình dưới ánh trăng soi, vẫy nhịp nhàng lấp lánh. Đã lâu rồi, Tân ít có dịp đi chơi đêm. Đúng hơn, anh không còn hứng thú nhập vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Những tối từ chỗ làm trở về nhà trọ,  Tân lặng lẽ hâm lại thức ăn nấu sẵn từ cuối tuần trước, lặng lẽ ngồi ăn trước khung kính truyền hình vặn nhỏ, lặng lẽ đọc những tờ thư nhận được trong ngày, và lặng lẽ tắt đèn, nằm nghiêng chờ giấc ngủ. Trò chơi lặng lẽ ấy dần dà nẩy mầm vi khuẩn, thành chứng bệnh mới mà Tân giễu cợt  gọi là "hội chứng lười biếng". Cơn bệnh quái ác này cứ níu chân giam Tân trong bốn bức tường nhà trọ. Người anh càng lúc càng xanh xao uể oải. Tinh thần anh càng ngày càng trì trệ hao mòn. Bộ máy đời sống chỉ làm việc cho những nhu cầu cần thiết nhất.

Im lặng một lát, Thắng mới rụt rè lên tiếng:
- Có xa đây không anh?
- Chừng hai mươi phút chạy xe. Đáng lẽ mình tới chỗ gần nhà cũng được, nhưng anh chở hai cậu đến nơi này một lần cho biết.
Giọng Cường hớn hở:
- Chỗ đặc biệt hở anh?
- Ừ, vì có nhiều gái ngoại quốc.
- Thế à? Mà em thấy bọn da đen ghê ghê thế nào ấy!
Cường kéo dài hai tiếng "ghê ghê" làm Tân bật cười. Thắng gắt:
- Đâu ai bắt mày chọn gái da đen. Tao chỉ yêu nhất người mình, thon gọn vừa tầm. Cái gì ở đây cũng to, cũng nhiều, cũng thển thộn đến phát sợ.
Cường tán đồng:
- Mày nói đúng. Ngực gì mà như hai trái bưởi. Mông to như hai cái thúng. Nhưng mà thú thật, gái da trắng cũng có khối đứa xinh. Da mơn mởn như đào non. Mắt xanh lẳng lơ như mèo cái. Tóc vàng óng  mướt như tài tử đóng phim. Em nói đúng không anh Tân?
Tân gật gù:
- Đúng, nhưng phái nữ Tây phương chỉ quyến rũ mượt mà cho tới ba mươi tuổi, sau đó là hết thời. Bọn nó chóng già hơn gái mình nhiều.
Thắng kêu lên:
- Anh Tân nói đúng hết ý.
Rồi anh se sẽ cất tiếng ngâm, giọng Bắc ẻo lả đĩ thoã:
Ra đường thiếp hãy còn son...ứ...ư...Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng...ừ.
Cường chắc lưỡi:
- Ca dao Việt Nam mình nghe sướng rên người. Quê hương bọn "phủi" làm gì có, phải không anh?
Tân gật đầu "ừ" vỗ nhịp lẹp  bẹp vào tay lái, tiếp giọng ngâm:
Ước gì anh lấy được nàng ...ứ...ư...Để anh mua gạch Bát Tràng về xây. Xây dọc rồi lại ...ứ...xây ngang. Xây hồ bán nguyệt cho nàng...ừ...rửa chân.
Thắng và Cường đồng loạt vỗ tay reo:
- Như thế mới gọi là tình.
Tân hứng chí ba hoa thêm:
- Tình cảm của người mình rộng rãi, phức tạp lắm các cậu ạ. Cũng là tình yêu đấy mà khi đã thành vợ chồng, lại khang khác vì có thêm cái nghĩa. Giữa cha mẹ và con cái, ông bà và cháu chắt, không gọi là tình yêu nữa mà là tình thương. Chữ "thương" nhiều khi nghe mặn mà, nồng nàn hơn chữ "yêu" ngàn lần, vì có sự thẹn thùng làm tăng mức độ tỏ tình. Không như bọn Tây phương, thứ tình gì cũng chỉ dùng độc nhất chữ "yêu", nếu yêu ít hơn thì phun ra chữ "thích". Lý lẽ của trái tim được định nghĩa rành rẽ tới độ trắng trợn, tàn nhẫn.
Thắng đập nhẹ vào vai Tân:
- Anh viết văn được đấy.
- Không ham. Viết văn là một nghề bạc bẽo. Không có thằng viết văn nào có hạnh phúc cả, dù đoạt mười giải thưởng văn chương đi nữa .
Cường trố mắt nhìn:
- Tại sao? Em nghe nói được giải thưởng văn chương ở đây nhiều tiền lắm mà.
Tân cười khẩy:
- Vì một lẽ rất dễ hiểu, nếu kẻ nào có một đời sống hạnh phúc, chẳng cần sờ tới giấy viết làm gì. Chúng nó bất hạnh vì mãi đi tìm chân lý của cuộc đời, của văn chương, một thứ chân lý không tưởng.
Thắng nhỏ giọng chen vào câu chuyện:
- Em nghe bố em nói, viết văn làm thơ là một cái "nghiệp", không phải chỉ muốn mà thành văn sĩ hay thi sĩ được. Ở Việt Nam mình bây giờ, muốn làm chuyện văn chương phải có đảng đứng che trước mặt và cái hội nhà văn làm bình phong sau lưng mới sống nổi. Chả có đứa nào được tự do sáng tác. Nhất nhất đều có chỉ thị, có kế hoạch hẳn hoi. Rập một khuôn, y một kiểu như trong tuồng Tàu anh ạ. Ông thiện và ông ác, ông nóng và ông tĩnh được vẽ mặt định tính trước. Đứa nào gàn bướng múa bút hả? Cho đi chỗ khác chơi. Tù ra, chỉ còn cách về quê chăn vịt hay mở quán bán rượu, hèn mọn như thế cho đến chết.

Cuộc đối thoại đột ngột ngỡ ngàng đông cứng. Mỗi câu nói của Thắng là mỗi giọt cường toan rơi xuống chăn nệm êm ả của đời sống Tây phương, cháy xém từng mảng tả tơi. Câu chuyện ngưng lắng một đỗi. Tân mới nhỏ nhẹ cất tiếng:
-  Nghe anh Thành kể lại, bố của Thắng đang hành nghề bán rượu và kẻ bảng hiệu, đúng không?
Giọng Thắng sắc như dao cạo:
- Bố em là văn sĩ kiêm họa sĩ, còn bán rượu và kẻ bảng hiệu  chỉ là sở thích.
- Khác nhau chỗ nào?
- Cái đam mê nuôi cái đầu và trái tim, còn sở thích làm đầy cái bụng đói.
Cường lập lại vỏn vẹn một chữ "đói", âm thanh rơi vào không gian dịu mát, lùng bùng vô vọng như đồng xu ném xuống đại dương sâu mù.
- Cũng vì đói mà thế hệ chúng em mất nhân cách. Nguyên cả nước đi làm đĩ chỉ vì cái bao tử lép. Bọn nhà văn đánh đĩ bằng ngòi bút. Các đảng viên, lớn cũng như bé, đánh đĩ bằng lương tri. Con gái lớn lên, vô công rỗi nghề, đi bán trôn nuôi miệng. Còn bọn công nhân xuất khẩu chúng em sang Đông Âu bán dâm sức lao động cho các đàn anh vĩ đại. Cuộc đời làm thuê ở tạm ê chề, nhục nhã lắm anh ơi, nhưng ít ra cũng còn có chút tiền gửi về nhà và dành dụm làm vốn sau này khi hồi hương.
Thắng nỉ non kể lể, thất vọng nhiều hơn là kết tội. Cường ngồi như hoá gỗ, ngậm tăm một lúc mới chìa bao thuốc ra phía sau cho Thắng.
- Này hút đi cho bớt lắm lời.
Rồi quay sang Tân, Cường hỏi:
- Em châm cho anh một điếu nhé!
Tân lắc đầu:
- Không, cám ơn. Tôi hút nhờ khói thuốc của hai cậu đủ rồi.
Cường bật lửa châm điếu thuốc, rít một hơi căng ngực, phì phà nhả khói vào lòng xe chật. Tân kéo hé cửa cho thoáng. Tiếng động bên ngoài rậm rật theo vào như ám ảnh nào đuổi cuồng sau lưng. Cuộc nội chiến bầm dập trong quá khứ. Mối xung đột vô nghĩa chỉ vì hai ý thức hệ ngoại nhập. Và mới đây là cái chết đột ngột của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu. Sụp đổ như những tham vọng xếp bằng con cờ Domino. Cháy nát như ngôi nhà giấy.


Tân bẻ tay lái, rẽ theo hướng chỉ vào trung tâm thành phố, thấp giọng:
- Khu đèn màu ở đây thường ở sau nhà ga. Tại các thành phố ven biển thì nằm gần bến tàu. Không giống như bên mình, làm điếm ở đây là một nghề chính thức, có đăng ký và đóng thuế thất nghiệp cũng như hưu trí đàng hoàng. Mỗi tháng đều được bác sĩ khám bệnh kỹ càng.
Cường chặc lưỡi:
- Hay nhỉ!
Tân cười khẩy:
- Hay thật đấy. Có như vậy mới tránh được tệ đoan đứng đường và ma cô, cũng như ngăn được các chứng bệnh truyền nhiễm. Mà có ngăn được hoàn toàn đâu. Xem kìa!
Tân giơ tay chỉ vào mấy bóng đàn bà nhấp nhô tối sáng ven đường. Anh giảm tốc độ. Một khuôn mặt tô son trát phấn trồi ra vũng  đèn yếu, nhoẻn cười nhìn vào lòng xe. Ngực và mông ưỡn ẹo. Chân và gót giày uốn éo. Tóc vàng và da trắng hổn hển. Tân đạp ga chạy thẳng, bỏ người đàn bà ngỡ ngàng đứng giơ hai tay lên trời trong kính chiếu hậu.
Thắng nói khẽ:
- Chúng nó bạo quá hở anh ?
- Hoàn cảnh bọn này đáng thương hơn lũ điếm có đăng ký trong khu đèn màu nhiều. Phần đông vì số mệnh đưa đẩy sa vào cái nghề tồi tệ này.
Cường chợt hỏi:
- Sao anh Tân biết nhiều về bọn nó thế?
- Các cậu nghi tôi nói phét chứ gì? Không đâu, mấy điều vừa kể do tôi xem trên truyền hình và đọc sách báo... Tới rồi, bên kia đường.

Tân tắt máy, mở cửa bước xuống, vươn vai vài cái. Cả bọn lúp xúp băng qua lòng đường trống như ba con mèo hoang. Lần nào bước qua hàng rào sắt có treo tấm bảng "Người vị thành niên, cấm vào", tim Tân đều đập mạnh. Cả nhịp tim của Thắng và Cường cũng đóng mở rối loạn. Trước mặt họ, sau hàng song sắt, hiện ra một thế giới khác. Một quãng đường chênh vênh đèn màu. Hàng hiên hai bên chia ngăn lót kính, tù mù bên trong là những khối thịt hớ hênh đứng ngồi gần như bất động. Tân có cảm tưởng  đang ngắm những căn phòng búp bê, mà anh, Thắng và Cường là những kẻ đi tìm mua những hạnh phúc giả hiệu.
Cường thầm thì:
- Trông giống chợ buôn nô lệ thời trung cổ quá anh ạ!
Thắng cười rù rì:
- Mấy con lợn này to phát khiếp. Mà đùi chúng nó trông ngon lành như một khúc giò lụa.
Cường rên rỉ:
 - Tao đang bủn rủn tay chân đây mà mày nhắc tới món ăn, rõ khỉ!
Thắng vẫn lải nhải:
- Ai nói với mày? Anh Tân ơi, em ngắm chúng nó mà liên tưởng tới hàng bán thịt lợn. Thịt mông, thịt đùi, thịt bụng, đều có đủ. Không giống như hiệu thực phẩm quốc doanh bên nhà, trống hốc trơ trẽn  với những khuôn mặt công nhân viên khó đăm đăm như táo bón lâu ngày.
Cường ngắt lời Thắng:
- Con  bé này xinh ra phết.
Tân đề nghị:
- Tụi mình lượn một vòng, xem hết mặt hàng rồi quyết định sau, nhé!
Cường nhanh miệng "phải đấy phải đấy", trong khi Thắng lặng thinh như hến. Cả ba chắp tay sau lưng, nhàn tản dạo một lượt qua các ô kính đựng đầy màu sắc. Tân thấy mình như đang lạc vào cảnh giới không có những tranh chấp quyền lực và những tham vọng thường tình của con người. Anh để ý ngắm những người đàn ông khác. Nét mặt họ thư thái gần như mất cảm tính. Dáng đi sẽ sàng như sợ, chỉ một bước chân sai, sẽ làm kinh động ảo tưởng hạnh phúc cận kề trong tầm tay. Lời hối thúc của Thành lại vang vọng trong trí Tân: "Sống đi, chơi đi, say đi, buông thả đi!" Tân rủa thầm: "Mẹ họ, chỉ giỏi cái miệng, còn mình thì suốt ngày ru rú ở nhà bám đáy quần vợ!"
Cường xô nhẹ vai Tân, thầm thì:
- Anh Tân, em chọn con bé này!
Tân "hử"  một tiếng, nhếch mắt ngắm. "Con bé" là một thiếu phụ trẻ, tóc vàng, trang điểm đậm, mặc trên người vỏn vẹn bộ áo lót lụa xám, vớ thưa dài tới giữa đùi, dây nhợ móc chằng  chịt vào nịt bụng. Tân nhún vai:
- Được đấy. Còn Thắng chọn ai?
Thắng bối rối ra mặt, lắp bắp:
 - Em...em...chưa biết.
Cường đề nghị xỏ lá:
- Thôi mày chọn con bé ngồi bên cạnh để anh Tân ngã giá một lượt cho tiện.
- Nó có hơi béo không ?
Con bé ngồi bên cạnh hơi béo thật, nhưng có khuôn mặt xinh và mái tóc nhuộm đen ửng màu đèn xanh bóng như vỏ con cánh cam.
Cường giục:
- Nếu mày thích đứa khác thì bảo anh Tân biết, phần tao xem như xong.
Thắng rùn  vai rụt cổ:
  - Tao thấy đứa nào cũng thế thôi... Ừ, chịu đấy!
Tân gằn giọng:
- Dứt khoát chưa ?
Hai cái miệng đồng thanh:
- Nhất trí.

Tân tủm tỉm tới gõ lên khung kính. Con bé tóc vàng đẩy hé cửa, nhếch môi hỏi:
 - Tao có thể giúp mày chuyện gì?
Tự nhiên Tân mất bình tĩnh, anh trơ mắt nhìn trân tráo một hồi lâu mới thốt nên lời:
- Tao hỏi giùm cho hai người bạn. Bao nhiêu?
Con bé cho giá, không quên kèm theo câu:  "...với bọc cao su."
Tân mắng thầm Thành, đồ đểu, đưa thiếu hai chục bạc.
- Này, đứa trước đứa sau, không có được một lượt đâu đấy!
Tân xua tay:
- Ậy, cho mày một đứa thôi, còn thằng  kia chọn cô bạn tóc đen ngồi sau lưng mày đấy!
Tân vừa nói vừa trỏ vào con bé tóc đen. Nghe được loáng thoáng, cô ta nhổm mông bước tới vắt người qua bệ cửa, cặp mi giả kéo ghịt mí mắt, trông mơ màng như người say thuốc. Giọng cô ta đặc sệt dục cảm:
 - Chào anh bạn yêu quý!
Tân hất mặt về phía Thắng và Cường, giọng chắc nịch:
 - Để tao gọi hai thằng bạn tới nhé!
Cặp mi cong nhọc nhằn nghếch lên:
- Ủa, còn mày?
- Hôm nay tao kiêng thịt.
Hai chiếc mặt nạ ngờ nghệch nhìn Tân, lên tiếng cùng lượt:
 - Hả?
Tân không đáp, giơ tay ngoắt Thắng và Cường. Anh chia đôi món tiền Thành đưa cho hai người. Thắng dẫy nẩy, không chịu nhận. Tân gắt:
 - Làm gì cứ như cắm cọc vào bãi cứt trâu vậy? Của anh Thành đãi hai cậu. Vào là đưa tiền ngay, không thôi nó đạp ra cửa. Cứ thong thả, anh đợi ngoài này.
Vừa lúc cánh cửa hông xệch mở. Tân nhìn theo bộ mặt "khẩn trương" của Thắng và đực thộn của Cường, giục hơi lớn tiếng:
 - Vào đi!

Rồi anh đổi giọng thì thầm khi cánh cửa khép lại: " ...chơi đi, phóng túng đi, phung phá đi, đi đi!" Anh đút tay vào túi quần, cong lưng lê chân băng qua vĩa hè bên kia đường, đứng dựa vào tường, đầu ngoặt vào nửa vùng bóng tối mái hiên đêm. Anh suy nghĩ lan man. Về một chốn nào đã bắt đầu tiều tụy trong trí nhớ. Về những bức tường đổ sụp, nhưng vẫn còn đấy vô số rào ngăn trong tư tưởng. Giữa Đông và Tây. Giữa Nam với Bắc. Giữa thịnh mãn và nghèo khốn. Qua kẽ mắt hé và tâm tư hỗn tạp, Tân nhận ra cảnh tượng chung quanh bập bềnh, vụn vỡ màu sắc như lối về âm phủ của những linh hồn tội lỗi, mà mỗi căn phòng trưng bày xác thịt  là một ngục thất a tỳ. Những thân thể gợi cảm kia chỉ là mớ ảo ảnh hiện hình để trừng trị những tham vọng không đáy. Chỉ một va chạm nhẹ, thịt da kia sẽ rã tan thành hư không. Tân hét thầm, chủ nghĩa ơi, lòng sợ hãi ơi, bạo lực ơi...hãy xô ngã những bức tường luận lý đã mất ý nghĩa từ bấy lâu nay. Tiếng hét nội tâm gầm gừ  như mặt đất vừa  chấn động, nứt ra vô số vực sâu, khiến Tân rùng mình nổi gai.

 Anh mở trừng mắt khi nghe tiếng người gọi rối:
 - Ê, ê, anh bạn tới đây cho hỏi cái này!
 Con bé tóc đen đi với Thắng lúc nãy mở cửa, réo hối hả, tay vẫy như lá rung. Tân chạy sang, hấp tấp hỏi:
 - Chuyện gì vậy?
 Năm ngón tay móng nhọn  đưa lên che hờ cặp môi màu dâu Tây, thấp giọng:
- Thằng bạn của mày, nó làm sao ấy!
 - Làm sao là sao?
- Nó không chịu cởi quần ra, cứ ngồi đó hút thuốc lá.
Tân ngớ mặt, không nói nên lời.
- Tao có ra dấu bảo nó cởi quần, mà dường như nó không hiểu, nhìn tao trừng trừng như thôi miên vậy. Mày nói với nó giùm tao được không?
Tân hỏi một câu đần độn:
- Nói cái gì?
Con bé không đáp, giơ cánh tay tròn lẳng, kéo  thốc Tân tới trước, đẩy vào ngục thất a tỳ ngồm ngộp màu đèn đỏ. Cạnh chiếc giường lót nệm bọc sa-teng láng bóng. Thắng đang ngồi trong ghế da, dáng điệu vô tư  như một nhà sư, điếu thuốc kẹp trong tay, nét mặt bình thản tới độ ngu muội. Con bé trỏ nhà sư lạc đường xuống âm phủ, nói như kết tội:
 - Mày xem đó, nó ngồi như vậy hơn năm phút rồi. Mày bảo nó muốn làm thì cởi quần làm nhanh lên, tao còn tiếp đứa khác nữa chứ.
Tân tới vỗ vai Thắng, nói thẳng:
 - Nó bảo cậu tụt quần ra đấy, hiểu không?
Thắng ngước mặt, đáp tỉnh:
 - Gượm đã nào. Anh nói với nó  chờ em hút xong điếu thuốc này đã. Làm gì  mà giục giã  như ăn cướp thế này? Điếm Hà Nội  có bao giờ  như thế đâu, chúng nó tình tứ hơn nhiều.
Tân vỗ về:
 - Con béo này là điếm tư bản, không phải điếm xã hội chủ nghĩa, tình tứ để chết đói à?
- Gượm tí, thúc quá làm sao mà có hứng nỗi!
- Kỹ nghệ bán thịt lợn ở đây làm việc tính theo năng xuất, lao động nhiều lãnh nhiều, thì giờ là tiền bạc. Con này như vậy là dễ thương đấy, gặp đứa mất dạy, nó tống cậu ra cửa từ lâu rồi.
Con bé tóc đen đã bắt đầu mất kiên nhẫn, gay gắt hỏi:
 - Tụi mày nói cái gì mà lâu thế? Nếu bạn mày không chịu làm  thì mày thế cũng được!
Tân há hốc miệng, nuốt nước bọt, hai mắt trợn tròn. Thắng hỏi  nhanh như nuốt trộng  chữ:
 - Nó nói cái gì thế?
Tân ú ớ mắc nghẹn một hồi mới phun ra chữ:
 - Nó bảo...bảo...nếu cậu không muốn thì để tôi...tôi...thay thế.
- Con bé này hay nhỉ? Điếm tư bản lạ nhỉ?
Làu bàu xong, Thắng duỗi người đứng dậy, trước khi đi ra, còn vất lại một câu:
 - Anh Tân đừng kể lại cho Cường nghe nhé! Nó mà biết được, trêu em đến xấu hổ mất thôi!




Ngô Nguyên Dũng



-----------------
Nguồn : Văn, Giai phẩm xuân Nhâm Thân
Số 114-115, tháng 12-1991 và tháng 1-1992

















Friday, September 16, 2016

NHỮNG CHIM BÁO BÃO





                                                                          Nguyễn Mộng Giác




Năm ngoái, trên tạp chí Văn Học số xuân 1991, tôi có ghi nhận tình trạng sáng tác và xuất bản nhẩn nha uể oải trong sinh hoạt văn chương ở hải ngoại và thử đưa ra  một số nguyên nhân giải thích tình trạng đó. Bài viết được nhiều người trong giới cầm bút chú ý, và cũng như bất cứ đề tài nào, có người đồng ý với tôi, có người không. Một năm sau, đọc lại bài "Góp ý về một cách nhìn...", tôi vẫn giữ lại các ghi nhận và lối giải thích cũ, nhưng thấy thiếu sót nhiều điều quan trọng.
Thấy thiếu sót nhờ đọc được một số tạp chí văn chương và sách văn chương xuất bản trong nước gần đây. Sinh hoạt sáng tác và xuất bản  ở quốc nội  hiện có khá hơn ở hải ngoại không? Xin trả lời ngay: chẳng những không khá hơn, mà còn tệ hơn!

Trên tuần báo Văn Nghệ (của hội Nhà văn Việt Nam, xuất bản ở Hà Nội) số 28 ra ngày 13-7-1991, ông Thi Nguyễn viết trong mụcTin Sách:
"Trước cái biển chữ nghĩa được dịch tùm lum, những cuốn sách có giá trị thực sự, được tính đủ "Đầu vào Đầu ra" đang bị một sự cạnh tranh ghê gớm - sức mua bị giảm nghiêm trọng! Bộ ba tập "Anh em nhà Karamazôp của Dôtxtôiepski ra rải vào ba thời kỳ tiêu biểu cho sự suy giảm đó: tập 1 in 10.000 cuốn, đến tập 2 hạ xuống còn 3.000, chả nhẽ lại không ra trọn bộ nhưng tập 3 chỉ dám in 1.000. Vậy là có nhiều đọc giả chỉ mua tập 1, cùng lắm mua tập 2 rồi thôi. Giá sách đắt lên không đủ tiền mua, hay số tiền ít ỏi dành mua sách lại phải mua cuốn khác hấp dẫn hơn ? Đọc cụ Đốt nặng quá, không hấp dẫn! Thì sang lãnh vực hấp dẫn vậy! Ba tập đầu của bộ Thuỷ Hử, nhà xuất bản dám in tới 1000.000 bản vẫn bán được. Đến Hậu Thuỷ Hử chỉ dám in 7.000 cuốn mà vẫn trầy trật cả năm 1990 đến giờ." Tổng cộng ty phát hành (sách) chỉ nhận từ 30 đến 50 cuốn. Tất nhiên phải trông vào phát hành tư nhân".

Các nhà phát hành tư nhân? Trong một nước cộng sản chủ trương độc quyền chân lý, kiểm soát chặc chẻ sinh hoạt sáng tác,  nghiên cứu và xuất bản như Việt Nam hiện nay mà lại có các nhà phát hành ư? Họ là ai vậy? Cũng báo Văn Nghệ, với một giọng ngậm ngùi nhẫn nhục pha lẫn ganh tỵ mỉa mai, gọi họ là các "đầu nậu" các "lái sách".
Chỉ nửa tháng sau, ban biên tập báo Văn Nghệ dành riêng số 30 (ra ngày 27-7-1991) để đăng nhiều bài về nạn sách ế ẩm. Trong bài "Nạn loạn thư. Hay là..." Trần Nhân Ảnh làm bảng tổng kết tình hình xuất bản trong nước như sau:

"Đợt một: khoảng từ 1986 qua 1988 là sách vụ án (tức sách trinh thám), mà khởi thủy của nó là từ Lâm Đồng. Các nhà xuất bản ở trung ương thời điểm này chưa nhập cuộc; nhưng nhiều địa phương và nhất là ở các ngành có tư liệu  nhiều về các vụ án (ý nói ngành công an) đã xuất bản ào ạt.
Vụ án ư, thì đã làm sao? Ông Đốt viết "Tội ác và Hình phạt", "Anh em nhà Ca-ra-ma-dốp", rồi cả ông Lép Tôn-xtôi, Xây Pu-skin, ông Si-mơ-nông, ông Mác-két, ông Nam Cao...ông nào chả có chuyện trọng án trong tác phẩm?

Đợt hai: 1988-1990 là nạn sách dịch. Không ít những cuốn ở chính nước họ đã bị dư luận rộng rãi đào thải, căm giận bởi chính những yếu tố sa đọa của nó, thì đến ta lại thành trúng quả và ăn khách! Có cuốn dịch rồi, nay được đổi tên dịch giả, đổi cả tên sách để xuất bản lại- y như mới!

Đợt ba: chậm đôi chút, nhưng cũng có thể coi như song hành với đợt hai, là việc tái bản ào ạt không chọn lọc sách tiền chiến và sách thời Mỹ Nguỵ. Đặc biệt sách thời Mỹ Nguỵ được đổi đầu đề và cả ...phóng tác lại. Nhất là loại sách ba tình: Tình báo, Tình yêu, Tình dục. Người ta còn ghi chép lại cốt chuyện, thậm chí đối thoại ở những phim vi-đê-ô rồi chắp vá thành những "thiên tiểu thuyết mới", đến mức thành ngữ "người cầm bút" để chỉ nhà văn đã biến thành "người cầm nút" (nút bấm vi-đê-ô).

Đợt bốn: xem ra cả ba "tình" đều không mặn mà lắm nữa, "văn" không ăn thì đã có "võ"! Ấy là hàng loạt những sách võ hiệp kỳ tình, dã sử lâm ly...Đợt này bắt đầu từ khoảng 1989 và cho đến nay vẫn còn ra chiều tấp nập trên khắp các vỉa hè, quán xá... Ấy là chưa kể đến hàng trăm đầu sách bói toán, tử vi áo bí đủ loại của các bậc "Quỷ cốc tiên sinh" hiện đại...

Sau khi ta thán  nạn "loạn thư", báo Văn Nghệ trang trọng nêu lên những gương tốt. Một tủ sách (đúng ra phải gọi là nhà xuất bản) dũng cảm. Nhà xuất bản địa phương Khánh Hoà cho ra một tủ sách phê bình văn học tuyển chọn và trích dẫn các bài phê bình bình luận văn học của các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam và thế giới về từng chuyên đề, từng tác giả quan trọng, như Aragon, Molière, Schiller, Frank Kafka, Cervantes, Hemingway, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu, La Quán Trung, Homère, Sử Thi Ấn Độ, Thơ Tagore, Shakespeare, Balzac, Victor Hugo, Mỵ Châu Trọng Thuỷ, Đam San, Hồ Xuân Hương, Xuân Diệu, Huy Cận, Ca Dao, Truyện Cười, Nguyễn Đình Chiểu...

Chuyên đề và tác giả được đề cập tới có vẻ nghiêm chỉnh, thuần văn hoá, né tránh chính trị. Loại  sách đó có  bán chạy như các loại văn khác  bìa "tiêu chuẩn" có đủ "Một cậu một cô một  ô tô một nhà lầu" không ?
Hãy nghe Thuý Toàn, tác giả bài "Một tủ sách...dũng cảm " trong Văn nghệ số 30 trả lời:
"Tôi hỏi cô bán sách xem loại sách này tiêu thụ ra sao ? Ít người hỏi đến. Bán chậm lắm! Tôi được trả lời như vậy. Câu trả lời đó không đáng ngạc nhiên trong lúc này, nhưng dù sao cũng thật đáng tiếc! Có cái gì đó còn đáng buồn nữa! Có những người nhiệt tình làm ra loại sách như thế, rõ ràng là cần thiết và có ích. Số lượng chỉ 3000 bản một đầu sách. Vậy mà có cơ sẽ lại chịu số phận của không ít sách nghiêm túc khác: bán giá hạ rồi đưa vào kho đắp chiếu để ít lâu sau đem bán cân!"

Một trong những cuốn sách nghiêm túc từng bị đem bán sale trước khi chịu đắp chiếu và bán ra thị trường ve chai là bộ tuyển tập thơ văn Pasternak dày trên 1000 trang, giá chỉ 6000 đồng (trong đó có cả tiểu thuyết Bác sĩ Jivago được giải Nobel năm 1957). Các biên tập viên báo Văn Nghệ cung cấp cho chúng ta biết một vài con số: tập 3 bộ "Anh em nhà Karamazôp " in 1000 cuốn, sách nghiên cứu văn chương cổ điển  in 3000 bản bán ế. Nhà Tổng phát hành trung ương (cơ quan nhà nước trên danh nghĩa độc quyền phát hành sách báo) chỉ nhận mỗi nhan sách (loại xuất bản trong vòng kiểm soát được của chính quyền) từ 35 đến 50 cuốn.

Những con số ít ỏi này quả thực làm cho tôi vô cùng ngạc nhiên. Không kể làm chi số ấn bản 200.000, 100.000 của những "Thơ Tố Hữu", "Thơ Hồ Chí Minh", "Dưới lá cờ vẻ vang..." của  thời kỳ Đảng và nhà nước còn tóm thâu hết mọi quyền sinh sát, phải trái. Chỉ mới bốn năm trước đây thôi, cuốn tiểu thuyết "Thời xa vắng " của Lê Lựu còn in được tới 30.000 bản, nhờ đề tài truyện là những trăn trở khó khăn của người bộ đội thời hậu chiến. Bốn năm sau, cũng với đề tài đó nhưng được viết sâu hơn, bi thảm hơn, tàn bạo khốc liệt hơn, cuốn "Thân phận của tình yêu" ( vừa được giải thưởng Hội Nhà văn VN cùng với cuốn "Bến không chồng " của Dương Hướng và "Mãnh đất lắm người nhiều ma" của Nguyễn Khắc Trường) của Bảo Ninh chỉ in 2000 bản.

Theo một người cầm bút am tường sinh hoạt báo chí và xuất bản  ở Việt Nam mới đến Hoa Kỳ gần đây cho biết, thì một cuốn sách in được 2000 bản ở quốc nội được xem là ăn khách, bán chạy.

Số ấn bản ngày càng ít ỏi của sách đi ngược với số ấn bản ngày càng tăng của các loại báo đáp đúng thị hiếu bình thường của đại chúng. Cũng theo lời người bạn vừa mới tới Hoa Kỳ nói trên cho biết, thì tờ "Công an thành phố Hồ Chí Minh" nhờ chuyên khai thác các vụ án  và thủ tục xuất cảnh mà có thời in đến nửa triệu số mỗi kỳ. Các " lái báo" hiện sống như những ông hoàng đầy quyền uy ở Sài Gòn. Loại báo như "Kiến Thức Ngày Nay" ra hàng tháng mỗi kỳ in 100.000 số, và ở Sài Gòn  có đến 40 tên báo cùng thuộc loại đó, tức là một tuyển tập gồm  nhiều bài ngắn có hình ảnh hấp dẫn pha trộn một tí sex, một tí tình, một tí bạo lực, một tí chuyện lạ phương xa gợi óc tò mò, một tí mê tín dị đoan.... nghĩa là những kiến thức bình thường cho những cuộc sống bình thường. Không có những suy tưởng đau đầu hỏng kiểu, lại càng không có những lời kêu gọi, những bài hịch xuống đường...

Thuý Toàn than tình trạng đó "thật đáng tiếc", "thật đáng buồn" dù "không đáng ngạc nhiên trong lúc này". Tôi chưa biết rõ Thuý Toàn là ai, nên tạm suy diễn theo hai lối: tiếc và buồn vì cái thời Đảng độc quyền tuyên truyền không còn nữa, hoặc tiếc và buồn vì cụ Dostoievsky cụ Tagore không đủ sức cạnh tranh với La Lan, Từ Tốc. Thuý Toàn không ngạc nhiên vì biết rõ các hiện tượng đáng tiếc, đáng buồn ấy là sản phẩm tất nhiên của một xã hội bắt đầu nền kinh tế thị trường sau một thời kỳ dài thất bại, khốn cùng, và nghẹt thở  vì chính sách độc quyền kinh tế và tư tưởng.

Những hiện tượng hỗn loạn trên thị trường truyền thông ở Việt Nam chắc chắn không khác gì với các nước Đông Âu, Liên Xô, và cả Trung Quốc hiện nay. Báo chí nhà nước ở Bắc Kinh không ngớt than phiền về nạn sách báo video kích thích tình dục và bạo động cùng tiểu thuyết diễm tình từ Hongkong tràn vào Hoa lục - Cùng với công cuộc đổi mới - sản phẩm "tự do" dân Moscow được hưởng sớm sủa hơn hết là những loại  tạp chí như Playboy, Penthouse, Hustler... Đó là cái giá bắt buộc phải trả của một nền kinh tế thị trường, của một nền văn minh tiêu thụ dựa trên thị hiếu đại chúng mà làm đòn bẩy phát triển kinh tế. Trên thế giới, có lẽ chỉ có Singapore là quốc gia duy nhất vừa áp dụng chính sách tự do kinh doanh, vừa áp dụng chính sách kiểm soát văn hoá, cố duy trì một thứ luân lý Khổng Mạnh trong một xã hội kỹ nghệ hoá - nhưng liệu Lý Quang Diệu  duy trì được tình trạng ấy được bao lâu ?

Còn ở các nước kỹ nghệ hoá khác, hễ chấp nhận kinh tế thị trường thì đồng thời phải chấp nhận những hậu quả khó ưa của loại sách báo phim ảnh chạy theo thị hiếu của giới tiêu thụ.

Đáng tiếc, đáng buồn? Mặc! Việt Nam không thể ở ngoài thông lệ, khi nhà nước còn độc quyền tư tưởng, kiểm soát chặc chẻ việc sáng tạo, sản xuất và phân phối văn hoá phẩm theo nhu cầu chính trị, độc quyền ban phát ân huệ cho những người ngoan ngoãn và trừng trị cô lập đàn áp những ai chống đối, thì thơ Hồ Chí Minh, thơ Tố Hữu, thơ Lê Đức Thọ, thơ Sông Hồng in vài trăm nghìn bản là chuyện tất nhiên. Quần chúng không được quyền chọn lựa, chỉ được quyền nhận sách và giả vờ ca tụng cho đẹp lòng bề trên. Nhưng khi nguồn ngoại viện chấm dứt, công khố trống rỗng, quản lý kinh tế và tài chánh tồi tệ gây thâm thũng lạm phát khủng khiếp, chế độ bao cấp phải ngưng thì những người ngoan ngoãn  phải đứng trước một lựa chọn: hoặc phải chịu nghèo đói để vừa lòng bề trên, hoặc phải chạy theo thị hiếu giới tiêu thụ.

 Thế giới chuyển biến từng ngày, chủ nghĩa Cộng Sản không còn chút hào quang nào, thần tượng giả hiệu sụp đổ - thì bề trên hết còn là kẻ đáng sợ. Ngược lại là khác. Vậy thì tại sao không chạy theo thị hiếu đám đông để sống còn trong thời buổi khó khăn này ?

Những gì giới cầm bút ở Việt Nam đang trải  qua, kẻ nô nức chộp cơ hội làm giàu, kẻ ngỡ ngàng luyến tiếc, thì giới cầm bút khắp nơi (nhất là ở các quốc gia tự do dân chủ về tư tưởng và cạnh tranh kinh tế theo luật cung cầu thị trường) đều đã từng trải  qua. Văn nghệ sĩ thay vì chỉ lo làm sao làm vừa lòng bề trên để hưởng bỗng lộc, phải diện đối diện với lương tâm của mình, diện đối diện với quần chúng thưởng ngoạn. "Sức mua"  của giới tiêu thụ là thước đo chính xác để biết người viết thỏa mãn  được yêu cầu của người đọc đến mức độ nào. Thị hiếu của đại chúng không có tốt xấu vì đó là luật đời, là dòng sống. Người xuôi theo dòng bao giờ cũng thuận chiều mát mái hơn kẻ bơi ngược dòng.

Một câu hỏi: Thế thì cái dòng sống của 68 triệu người Việt không "nuốt" nổi 1000 cuốn "Anh em nhà Karamazov" mà lại "ngốn" trọn 100.000 cuốn báo "Kiến thức ngày nay", để đắp chiếu "Bác sĩ Jivago" mà lại nâng niu sách vụ án, là cái dòng sống gì? Trong hay đục? Êm ả bình yên hay chứa đầy sóng ngầm? Nếu cứ lấy theo lẽ bình thường mà xét, thì trong một xã hội hỗn loạn, kinh tế suy sụp, đạo đức xuống dốc, trật tự tan rã như thế thì những tiếng nói của Dostoievsky, của Pasternak, hoặc những lời cảnh tỉnh can đảm của Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Bảo Ninh...phải  được 68 triệu đọc giả đón nhận nồng nhiệt - sách của họ, kịch của họ phải bán chạy như tôm tươi, phải giành giật nhau mà mua mới phải.

Tôi dò hỏi những người mới qua, được biết cả những sách tố cáo chủ nghĩa Cộng Sản, chống đối chính quyền Việt Nam cũng bị thờ ơ. Thế là thế nào? Những tuyệt phẩm của văn chương cổ điển thế giới bị thờ ơ còn hiểu được, vì nó xa vời quá, tinh hoa của nhân loại chắc chắn vẫn còn đó, không lúc này đọc thì lúc khác, chờ no đủ hơn, tâm trí thanh thản hơn ta hãy thưởng thức. Nhưng chuyện nóng hổi trước mắt là cái chủ nghĩa lỗi  thời, cái guồng máy chính quyền rệu rã bất lực trực tiếp gây ra cái nghèo cái khổ cái nhục cho ta, tại sao lại thờ ơ?

 Căn cứ theo số in, thị hiếu của đa số giới thưởng ngoạn Việt Nam  là tìm những món giải trí dễ dãi hấp dẫn chứ không tìm  những món chính trị đau đầu. Một thị hiếu của xã hội tiêu thụ trên một đất nước đang trăn trở về chính trị. Điều đó không bình thường. Điều đó chứng tỏ 68 triệu người Việt ở trong nước (kể cả những người từng một thời bị choáng ngợp vì lá cờ giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội) đang sống trong một cuộc khủng hoảng niềm tin tột độ. Họ không tin vào bất cứ điều gì nữa, họ khổ sở với những lúng túng trăn trở quá nhiều  nên quyết định buông trôi, phó mặc cho bản  năng và dòng sống bên ngoài đưa đến đâu thì đưa. Tình trạng đó chẳng những có hại cho những vận động cứu vãn Việt Nam trong hiện tại, mà còn di hại cho những vận động xây dựng tổ quốc trong tương lai. Người muốn duy trì chế độ Cộng sản than "đáng buồn, đáng tiếc" đã đành, người muốn chế độ đó tan rã để phục hồi tự do, dân chủ và thịnh vượng cho dân tộc cũng không nên mừng.

Những suy nghĩ trên đưa đến câu hỏi thứ hai: Trong tình trạng thị hiếu đám đông gặp khủng hoảng bất thường như thế, người cầm bút nên xuôi dòng hay nên lội ngược?
 Câu hỏi dễ khiến những người đang vùng vẫy cố ngoi lên khỏi dòng cuốn của đời sống khắc nghiệt tại Việt Nam nổi giận, câu hỏi của khán giả đứng an toàn trên bờ. Vâng, thì tôi xin đặt câu hỏi cho những người cầm bút nói chung, khi họ băn khoăn trước một câu hỏi cũng chung chung không kém: Viết cho ai? Biết luồn lách lúc nào cho hợp thời hợp thị hiếu thì lúc nào cũng được đám đông đón rước nồng hậu, danh vọng tiền bạc lúc nào cũng thừa mứa. Chạy theo sau đám đông thì phải an toàn, chẳng những không cô đơn mà còn đông vui náo nhiệt. Người viết theo thị hiếu của  đám đông phải có cái nhạy bén nắm bắt cho được bản năng muôn thuở của con người và ý thích trái chứng thay đổi bất thường của từng giai đoạn. Lại phải nhạy bén chộp đúng thời cơ để với tài năng, thúc đẩy thị hiếu ấy thành thời thượng, thành phong trào. Phải nhạy về thị trường như một nhà kinh doanh lão luyện. Phải có máu con buôn trong huyết quản.

Giới nghệ sĩ mẫn cảm dễ bị cảm xúc lôi cuốn, sống bằng trái tim hơn bằng đầu óc tính toán  nên ít người thành công trong lãnh vực kinh doanh này, may mắn lắm họ chỉ nhận được một phần nhỏ trong  khối lợi to tát do các tay con buôn văn nghệ chuyên nghiệp nhín cho. Vì không có óc kinh doanh nên đa số văn nghệ sĩ đành chọn con đường cô đơn hơn: viết cho mình để hy vọng những lời tâm sự riêng tư mang lại những hồi âm đồng điệu; hoặc tách ra khỏi đám đông, tách ra khỏi dòng sống, quan sát ghi nhận phê  phán nó để hy vọng trở thành "Chim báo bão". Sự lựa chọn đó là kết quả của nhiều khuyết tật: đam mê, thơ ngây, thiếu khả năng hội nhập, thiếu khả năng tác động lên cái dòng sống phức tạp trước mắt. Nói như Bertrand Russell, họ không đủ sức áp đặt quyền lực lên xã hội hiện tại như các chính trị gia, nên đặt hy vọng  quyền lực vào một môi trường ít gay go hơn là đời sống tinh thần và vị lai.

Người cầm bút làm "Chim Báo Bão" ? Chế Lan Viên là một tay phù thủy ngôn ngữ khi dùng hình ảnh đó để vuốt ve tự ái giới cầm bút, để quên đi thân phận "cỏ nội hoa hèn". Cơn bão đã tới, từ lâu, Chế Lan Viên vẫn không hề làm nhiệm vụ người dự báo thời tiết. Cho đến lúc lìa đời, ông chỉ dùng tài thơ và trí tuệ uyên bác của mình khua lên những lời báo động giả. Nhiều người cầm bút khác ở Việt Nam tuy tài  ba và kiến thức kém hơn Chế Lan Viên nhưng họ dám báo động thật. Họ đã xuôi dòng cho an thân, rồi đến một lúc nào đó, giật mình, trăn trở, họ quyết định bơi ngược, làm "Chim Báo Bão" đúng nghĩa.

Có một thời họ được đón nhận nồng nhiệt nhờ họ nói hộ cho đám đông những điều đám đông âm thầm ấp ủ trong lòng không dám nói ra. Thiên hạ đua nhau mua vé xem kịch Lưu Quang Vũ, phim Trần Văn Thuỷ, mua sách của Nguyễn Huy Thiệp, chuyền tay nhau những bản sao bài phát biểu của Dương Thu Hương. Cái thời những lời báo bão tuy còn rụt rè nhưng đã được in thành vài chục nghìn bản, diễn thành vài nghìn xuất trình diễn chiếu phim. Cái thời đó dường như đã qua, dành chỗ cho những cuốn sách tiêu chuẩn "Một cậu một cô một ô tô một nhà lầu". Giấc mơ no đủ giàu sang thay thế được những thao thức muốn xoá bỏ bất công nghèo đói để thực hiện giấc mơ thịnh vượng ?

Đỗ hết tội lỗi lên "thị hiếu" chẳng những không giải quyết được vấn đề, mà còn bất công. Thị hiếu không có tốt xấu, vì nó tự nhiên. Ngược lại, chính những người cầm bút mơ làm "Chim báo bão" phải tự nhìn lại mình, rà lại xem khả năng dự báo thời tiết đã chính xác chưa, tác phẩm của mình bị đám đông thờ ơ vì đâu?
Sẽ có người hỏi lại: Đám đông nào? Câu hỏi hợp lý! Có những đọc giả sẵn sàng bỏ tiền ra mua hàng lô sách vụ án đọc ngấu nghiến giữa hai cuộc thậm thụt làm ăn nhưng nhất định không thèm tò mò tìm biết cái ông râu rậm mắt nhìn lờ đờ điên dại trên bìa sách "Anh em nhà Karamazov" là ai - Sách của Dostoievsky không hợp khẩu vị của họ, và họ có quyền lựa chọn chứ! Họ là dân chợ trời ư? Thì đã sao! Không có dân chợ trời, không có những người cơ hội, không có những "lái" này "lái" nọ, dân Việt sẽ còn khốn khổ đến đâu  trong cái  guồng máy kinh tế tồi tệ mà  nhà nước cố nắm độc quyền. Họ có "Sứ mệnh lịch sử" của họ.

Cũng có những đọc giả gốc miền Nam (Việt Nam Cộng Hoà cũ) ôm nặng nỗi nhục nhằn bại trận, không còn tha thiết gì nữa, không còn tin ai nữa (nhất là những lời của kẻ thắng). Một người bạn của tôi năm 1989 về Sài Gòn hỏi ý kiến một bạn văn khác (còn ở lại) về tiểu thuyết những cây bút như Trần Mạnh Hảo, Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp. Người bạn đó trả lời gắt gỏng: "Việc chúng nó cấu xé nhau, mày để ý làm gì!"
"Chúng ta" , "Chúng nó"... dường như đây là vấn đề chính, là mắc mứu quan trọng, khiến ngay những người cầm bút muốn làm "Chim Báo Bão" cũng lúng túng, nghĩ nửa vời, viết nửa vời. Tôi có cảm tưởng đó khi đọc những bài thơ, những ký, những truyện ngắn truyện dài nhiều ít có tính chân thực, tính phản kháng được xuất bản ở Việt Nam mấy năm gần đây. Không ai phủ nhận được thiện chí và lòng thảnh thực của những người "báo bão" ấy. Sự  giả dối không lọt vào được  nghệ thuật. Họ muốn " giải ảo" khi phát biểu về văn nghệ "phải đạo", cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu tàn nhẫn, kể cả những bạo hành điên loạn của cuộc chiến tranh vừa qua.

Nhưng rõ ràng là họ vẫn hãnh diện là kẻ thắng, và không hề muốn nhường cho ai cái quyền của kẻ thắng. Mười sáu năm đã trôi qua từ ngày Nam Bắc trở thành một nước, nhưng thử đọc hầu hết sách văn chương được xuất bản ở Việt Nam, chúng ta thấy tâm tình của người miền Nam, đời sống của người miền Nam hoàn toàn mờ nhạt, đôi khi méo mó dị hình. Sân khấu vẫn do kẻ thắng độc quyền, dù trên đó diễn hài kịch tô hồng hay diễn bi kịch giải  ảo. Tôi có cảm tưởng những "Chim báo bão" ấy đang nghĩ: "Công nhận chúng ông sai, nhưng chỉ có chúng ông mới được quyền sửa sai. Xê ra, cho chúng ông cứu nước!"

Vì thế văn  chương "báo bão" chỉ phản ảnh được tâm trạng của những người miền Bắc, xã hội miền Bắc trong cuộc khủng hoảng niềm tin trầm trọng này - Người  bạn văn ở Sài Gòn gắt gỏng nói chuyện "chúng ta chúng nó",  vì ngay cả những bạn đồng nghiệp chịu "giải ảo" nhất cũng còn đặt ra ranh giới "chúng ta chúng nó". Văn chương phản kháng chỉ mới là vấn đề của "chúng ta, kẻ thắng trên chiến trường nhưng thất bại thảm hại trong thời bình". Còn kẻ thua trận còn sống nhan nhản  quanh đây, tuy ngày thường gặp nhau vẫn mày tao cà phê thuốc lá, nhưng chỉ là phy  diễn, hoặc  là cái bị bông để đấm khi tức giận vu vơ. Do đó mới có một quy luật bất thành văn: "Điều này chúng ông nói được, nhưng tụi bây không được phép nói". Nguyễn Huy Thiệp viết thế thì được, Doãn Quốc Sỹ viết thế thì đi tù. Phạm Thị Hoài viết thế thì được, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ viết thế là "nọc độc Mỹ Nguỵ " , Nguyễn Duy làm thơ như thế thì không sao, Tô Thuỳ Yên viết thế thì lại đi cải tạo.

Có cái gì đưa đẩy tới niềm kiêu hãnh mặc nhiên và lòng khinh thị đáng ghét đó? Tờ Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam vẫn còn in trang trọng hàng chữ đầu trang bìa  khẩu hiệu: "Vì tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội". Bài vở trên Văn Nghệ chứng tỏ vế sau "vì chủ nghĩa xã hội" đã gượng gạo, bất đắc dĩ lắm rồi. Còn vế đầu "vì tổ quốc" thì vẫn dõng dạc như xưa!

Bất cứ người Việt Nam nào, dù khác nhau về quá khứ, chính kiến,  giai tầng xã hội, dù hiện sống trên quê hương hay phải lưu lạc tha phương cầu thực, đều có chung một nỗi đau khi quê hương lầm than, đồng bào của mình bị đánh đập khinh bỉ nơi xứ người, đều vui mừng khi dân tộc được no ấm, hạnh phúc. Ai cũng thành thực vui buồn theo vận nước, "vì tổ quốc". Không  ai được tự xem chỉ có mình mới độc quyền yêu nước, chỉ có mình (kể cả những lầm lẫn thất bại) mới "vì tổ quốc". Khi đã  chấp nhận được  điều đơn giản ấy, thì không còn những sự thực nửa vời, những giải ảo nửa vời, những báo bão nửa  vời.
Và biết đâu được, số in mỗi tác phẩm văn chương chẳng những tăng gấp đôi, mà còn gấp mười, gấp trăm!



Nguyễn Mộng Giác






------------------------
Nguồn: Văn, Giai phẩm xuân Nhâm Thân
Số 114-115 tháng 12-1991 và tháng 1-1992











Sunday, September 11, 2016

NGƯỜI ĐÀN BÀ MÙ Ở BẮC KINH




                                                                            Nguyễn Hữu Trí

 

Như cái máy, tôi đưa tờ báo lên che đầu. Tôi chạy một mạch băng qua đường vào cái quán nước bình dân ở đầu con hẽm. Mưa đổ thình lình khiến mọi người nhốn nháo tìm nơi trú ẩn. Tôi đưa mắt liếc nhanh một vòng chừng một chục chiếc bàn chật ních khách ăn. Chỉ còn lại một chiếc ghế trống nơi cái bàn nhỏ trong góc phòng. Từ đàng xa, một phần vì ánh đèn không đủ sáng  của quán ăn, một phần vì mắt kiếng nhoè nhoẹt hơi nước, tôi chỉ thấy lờ mờ hai người đang ngồi ở đó. Tiến lại gần hơn một chút, tôi nhận ra đó là một phụ nữ và một đứa bé trai chừng sáu bảy tuổi. Cả hai ngồi im lặng giữa khung cảnh ồn ào của quán ăn. Đứa bé đôi mắt lim dim có vẻ mệt mỏi. Người đàn bà thì nhìn thẳng vào khoảng trống không trước mặt. Gương mặt hơi rám nắng của bà an lành và bình thản như một kẻ đang tham thiền. Lối phục sức của họ khá chừng mực, không sang không hèn. Tôi đến xin phép ngồi xuống chiếc ghế còn trống. Người đàn bà giựt mình nhưng mắt vẫn nhìn xa vắng. Bà nói rất nhanh, giọng trong trẻo khác thường:
-Xin ông cứ tự nhiên.

Tôi cũng hơi sửng sốt khi nhận ra cặp mắt trắng dã của người phụ nữ. Cố tật suy nghĩ vẫn vơ nhanh tay túm lấy tôi. Những ý nghĩ thầm kín đó như đang chất vấn đấng cao xanh: Tại sao có thể như vậy được ? Tại sao một gương mặt xinh xắn như vậy lại phải chịu cảnh mù loà ? Cặp mắt to tròn kia nếu sáng láng chắc chắn sẽ thu hút cả vũ trụ và càn khôn.

Tôi ngồi xuống ghế, xoay người lại làm dấu gọi người phổ ky đang nhìn tôi từ đàng xa. Tôi cần ăn một chút gì để làm dịu cái đói đang cồn cào trong bụng. Tôi đi lang thang từ sáng đến giờ quên cả tiếng kêu thảm  thiết của cái bao tử xẹp lép của mình. Ngồi chờ thức ăn, tôi định giở tờ báo ra xem tiếp. Cùng lúc ấy, giọng nói trong như pha lê của người phụ nữ mù lại vang lên. Bà ấy bắt chuyện với tôi tuy đôi mắt vô minh vẫn nhìn xa xôi vào quãng không gian nhỏ hẹp trước mắt.

-Tôi thành thật xin lỗi ông, nhưng ông đã làm cho tôi suýt gọi tên anh ấy. Thật khó có hai người giống nhau đến như vậy. Người phụ nữ ngừng lại có vẻ đang chờ đợi một câu đáp lễ nào đó.

Nhưng tôi đang ngạc nhiên không hiểu nổi làm cách nào bà có thể nhận được diện mạo của tôi. Dĩ nhiên tôi bắt buộc phải hỏi:
- Xin lỗi bà. Nhưng bà làm sao trông thấy tôi cho được ?
- Tôi biết, đối với những người còn đôi mắt nguyên vẹn thì đây là một điều khó hiểu. Nhưng đối với những kẻ mù loà như tôi thì được cái Trời thương ban cho tôi một giác quan thứ sáu rất bén nhạy. Chỉ cần nghe giọng nói và cảm nhận những cử chỉ của ông, tôi có thể "thấy" ngay là ông rất giống anh ấy.

Chỉ một phút qua, người phụ nữ đã lập lại hai chữ "anh ấy" đến hai lần rồi. Điều đó khơi dậy óc tò mò nơi tôi. Tôi chưa kịp định bụng có nên hỏi thêm hay không thì người phụ nữ đã e dè hỏi tiếp:
- Nếu tôi không lầm thì ông là khách từ phương xa đến ?

Người phụ nữ đưa tay sờ soạn  kéo chiếc ghế của đứa bé lại gần bà. Thằng bé dúi đầu vào lòng người phụ nữ và rơi nhanh vào một giấc ngủ hồn nhiên. Sự dè dặt nơi người đàn bà trước mặt tôi hình như cũng vừa biến mất. Đầu cúi hơi thấp và đôi mắt hướng xuống mặt bàn, bà bắt đầu kể mà không cần một lời giáo đầu nào. Bà cũng không cần biết người đối diện có muốn nghe câu chuyện của bà hay không. Hình như bà đã chờ đợi cơ hội này từ lâu lắm vì đã dấu kín tâm tư cho tới ngày hôm nay.
Hoặc giả bà đã đọc được những câu hỏi đang lởn vởn trong đầu óc tôi.

Từ bao giờ bà đã bị mất ánh sáng ? Bà cư ngụ ở đâu ? Bà làm gì để sinh sống ? Đứa bé này có phải là con của bà hay không và cha nó ở đâu ? Có thật là cái giác quan mãnh liệt kia đã giúp bà "nghe" được tất cả những câu hỏi chưa thốt ra đó hay không. Riêng đối với tôi, ở nơi xa lạ này, tự dưng được nghe một câu chuyện "tâm tình trao gởi" quả thật là một dịp may khó tìm. Bà kể không chút ngại ngùng như cho một cố tri vừa gặp lại sau một thời gian dài vắng bóng.


Anh ấy ra đời ở Hương Cảng và đã trãi qua một thời thơ ấu vô cùng buồn thảm. 
Cha anh làm nghề tài xế lam lũ đầu tắt mặt tối nhưng vẫn không nuôi nổi bảy tám miệng ăn trong gia đình. Sống trong cảnh đói lạnh là chuyện thường tình đối với họ. Điểm đặc biệt là ngay từ khi mới biết đi biết nói, anh là người thương yêu anh chị em mình một cách khác thường. Anh sẵn sàng nhường nhịn mọi thứ cho những người xung quanh. Vậy mà trớ trêu thay ! Khi muốn bớt một miệng ăn trong gia đình, anh lại là đứa bé bị cha mẹ chọn đem cho một người cô giàu có.  Người cô này hiếm muộn nên đã xin một đứa cháu làm con nuôi. Mới ba bốn tuổi đầu, anh ấy đã phải rời xa những 
người thân yêu nhất đời. Đau đớn nhất là phải chịu dứt tình mẫu tử, thiếu vắng hơi hướm nồng nàn của mẹ từ ngày chưa hưởng trọn niềm vui gần mẹ.

 Anh đã úp mặt xuống đất khóc than xin ở lại nhà. Cha mẹ anh cũng đau lòng không ít nhưng trước đó họ đã mất một đứa con chỉ vì thiếu ăn và thiếu thuốc chữa chạy khi đứa bé ấy lâm trọng bệnh. Họ không muốn "tử biệt" thêm một đứa thứ hai nên đành bấm bụng chọn cảnh "sinh ly" với hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp lại con. Cuối cùng anh ấy phải khăn gói lên đường về ở với người cô tận bên Đài Bắc.

Mười mấy năm lớn lên xa cha mẹ và anh em, anh ấy chỉ được theo cô về thăm nhà một đôi lần. Dù được người cô tận tình nuôi nấng và dạy bảo, cái tâm trạng lạc lõng đơn côi lúc nào cũng đeo đuổi theo anh suốt thời thơ ấu và thanh niên. Đến khi vào đại học thì đó là lúc anh không còn thuận thảo với cha mẹ nuôi nữa. Tuy không bao giờ quên ơn dưỡng dục của cha mẹ nuôi, anh cũng không thể chiều ý hai ông bà. Số là cô dượng anh ấy có một công ty xuất nhập cảng đồ sộ  và muốn anh theo học ngành kinh doanh để sau này trông coi cơ nghiệp đó và giúp họ trở thành những người giàu có nhất nước, hoặc nhất nhì thế giới càng hay.

Ngược với ý muốn của họ, anh ấy lại mê văn chương thi phú trên hết mọi thứ. Anh ấy là người biết rõ  số phận của lớp cùng đinh trong xã hội này hẫm  hiu đến độ nào. Vậy mà tiền của bạc vàng đối với ảnh chỉ là những vật phù phiếm đứng hàng thứ yếu trong đời. Thật ra, cha mẹ nuôi  của anh ấy đã bắt đầu thất vọng ngay từ khi thấy những bài thơ  đầu tiên của anh ấy xuất hiện trên những tờ báo học trò. Rồi sau đó, khi anh ấy sắp từ giả ghế nhà trường trung học, một vị giáo sư yêu thơ của anh đã tận tình giúp anh xuất bản tập thơ đầu tay. Từ đó nhanh như chớp mắt, tên tuổi anh đã vang lừng khắp nước. Và cũng chẳng mấy chốc, thơ của anh được phát hành ở Hương Cảng,  đưa lén vào Hoa Lục, rồi dần dà được dịch ra nhiều thứ tiếng. Người ta chiêm ngưỡng thơ anh vì những tư tưởng lạ 
lùng trong đó. Người ta phổ nhạc những bài thơ tình vượt thời gian và không gian của anh. 

Có điều đáng ngại (hay đáng buồn ?) là danh tiếng của một nhà thơ siêu đẳng trên thực tế chẳng đem lại cho anh giàu sang phú quý gì. Sau khi không thuyết phục được anh, cô dượng anh không tiếp tục nuôi anh ăn học nữa. Vậy là anh ấy kéo lê cuộc sống của một sinh viên nghèo ở bậc đại học cho đến ngày giật lấy  mãnh bằng cử nhân văn chương. Sau đó anh dứt khoát ra đời làm nghề dạy học. Lúc ấy, cha mẹ nuôi của anh tìm anh và bắt buộc anh hằng tháng phải đưa cho ông bà  một số tiền kiếm được  mặc dầu nó chẳng nhiều nhỏi  gì đối với họ. Phải chăng họ còn tức giận anh  và chỉ muốn  trừng phạt anh  vì đã cãi lời họ. Anh kính cẩn đền đáp công đức  cù lao của họ, không một tiếng kêu than. Anh tiếp tục sống đạm bạc để gửi số tiền dành dụm còn lại về cho cha mẹ ruột nuôi nấng đàn em.

Anh đi dạy được mấy năm, nhưng sau một vụ hè nọ người ta không thấy anh trở lại trường. Và cũng từ đó, tại khắp Đài Bắc và nhiều nơi khác tin tức cho hay nhà thơ yêu dấu của họ mất tích. Nhưng rồi một thời gian sau thiên hạ cũng quên lãng dần  và không còn bận tâm  tới vụ này nữa. Và dĩ nhiên người ta không còn thấy xuất hiện những bài thơ ký tên anh. Sự thật là anh ấy đã cùng một người bạn con nhà giàu rủ nhau sang Hoa Lục với một mục đích được dấu kín. Họ đã phải nhọc công  từ Hương Cảng tìm đường xin giấy tờ vào Thượng Hải.

Lúc bấy giờ tôi là một thành viên trong đoàn văn công của thành phố Thượng Hải, là nơi tôi đã ra đời và lớn lên. Chắc ông không tài nào đoán được tôi đã từng giữ vai tuồng nào trong đoàn văn nghệ đó đâu. Tôi không dám hợm mình tự khoe nhưng sự thật tôi là một nghệ sĩ cột trụ của đoàn. Tôi rất trội  trong tất cả các bộ môn ca, vũ, kịch và biểu diễn  nhào lộn. Chắc ông cũng từng được xem cái màn cả chục người  cùng đi trên  một chiếc xe đạp chạy trên sân khấu chứ ? Tôi nắm một địa vị chủ chốt trong màn biểu diễn đó. Nhà nước rất cưng tôi và số người mến  mộ tôi nhiều  không kể xiết. 
Đặc biệt tôi đã đóng vai  một phụ nữ mù kéo lê cuộc sống gian truân dưới thời phong kiến trước kia.
Nhờ Trời thương ban cho tôi biệt tài diễn xuất cho nên vai tuồng nọ đã làm nhiều lớp khán giả phẩn uất và xúc động đến rơi lệ. Tôi đương nhiên trở thành "Người  đàn bà mù của Thượng Hải" .

Tôi đã phải giả làm người phụ nữ mù ấy suốt mấy năm trời. Một đêm nọ, sau khi tấm màn nhung hạ xuống lần cuối cùng, tôi bước ra sân khấu chào tạm biệt khán giả. Tôi nghe tiếng vỗ tay tán thưởng  rầm trời,  nhưng thình lình mắt tôi hoa lên rồi mờ hẳn đi và cảnh tượng trước mắt tôi cũng lui dần vào bóng tối. Người ta đưa tôi vào bệnh viện và tìm cho tôi các bậc danh y,  nhưng sau nhiều cố gắng, tất  cả đều bỏ cuộc đành trao cho tôi bóng tối miên trường. Thế giới mù loà của tôi kể từ đó chẳng khác nào chiếc sân khấu trống lạnh  đằng sau tấm màn nhung không một ánh đèn hiu hắt.

À...nhưng tôi quên kể cho ông nghe là chúng tôi đã gặp nhau hơn hai năm trước khi xảy ra vụ này. Thật ra, khi tai nạn khủng khiếp đó đến với tôi, anh ấy đã rời xa Thượng Hải rồi. Đêm cuối cùng gần nhau anh ấy có hứa sẽ trở lại tìm tôi. Những tiếng thì thầm nọ tôi còn nhớ rõ như vừa mới nghe hôm qua: "Em nên nhớ rằng em là người yêu duy nhất của anh. Anh sẽ tìm cách tiến thân trong một thời gian ngắn nhất và sẽ trở về với em". 

Anh ấy ra đi rồi tôi mới biết  mình đã cấn thai  đứa nhỏ này. Nghĩa là anh ấy đã lao vào đời tôi  như một mũi tên, để lại trong tôi một giọt máu đào, rồi vụt bay đi như một cánh chim của bốn phương trời. Tôi tin anh ấy yêu tôi bằng cả tấm lòng nên tôi quyết tâm chờ đợi. Ở một phương trời xa lạ nào đó, người yêu của tôi nào biết rằng anh ấy có một đứa con khôi ngô  và ngoan ngoãn như thế này, phải không ông ? Anh ấy cũng chẳng biết là tôi đã phấn đấu cùng quẫn như thế nào đứa bé này  mới có mặt  trên cõi đời hôm nay. Tôi chẳng màng chi tiếng đời dị nghị nhưng lệnh của nhà nước mới là điều khiến tôi bận tâm. Họ buộc tôi phải phá thai  vì đoàn ca kịch nọ  không thể thiếu tôi đóng vai người đàn bà mù.

Tôi kịch liệt phản đối đề nghị của ban quản đốc. Cuối cùng họ đã nhượng bộ và cho tôi nghỉ phép nửa năm. Sau khi sinh cháu bé này tôi trở lại làm việc nhưng chẳng mấy vui. Số là trong thời gian tôi nghỉ phép, đoàn ca kịch đã tìm được một thiếu nữ khác thay thế tôi. Cô ấy hao hao giống tôi nhưng dĩ nhiên là trẻ trung và mạnh khỏe hơn nhiều. Phải công nhận người thiếu nữ nọ là một nghệ sĩ tài ba nên chẳng mấy chốc cô đã tiến lên ngôi vị khá cao. Các giới phê bình và hâm mộ bắt đầu sắp cô đồng hạng với tôi. Chúng tôi thay phiên nhau đóng vai người phụ nữ mù trong vở ca kịch kia. 

Bỗng dưng Thượng Hải có tới hai phụ nữ "mù" nỗi tiếng chớ không phải một như trước kia. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, ban quản đốc bắt đầu tỏ thái độ lạnh nhạt đối với tôi. Tuy tuổi đời và tuổi nghệ thuật của tôi chưa có là bao nhưng tôi đem áp dụng ngay cái mà người đời thường gọi là "luật đào thải". 
Tôi làm đơn xin ra khỏi đoàn về nhà ăn bám mẹ tôi. Cũng may trước kia cha tôi có cất dấu và về sau để lại  một gia tài bí mật nho nhỏ cho bà. Nhờ vậy mà tôi đỡ lo nuôi mình và nuôi con. Vả lại vào thời điểm ấy trong cuộc đời bắt đầu  chuyển hướng của tôi chỉ có anh ấy là đáng kể. Kỳ dư không còn một thứ gì khác trên thế gian này có giá trị vượt trội đối với tôi, kể cả sự nghiệp cầm ca mà tôi từng ấp ủ  suốt bao nhiêu năm trời.

Trong thời gian trở lại làm việc sau khi sinh nở, một đêm kia sau giờ trình diễn, có một người lạ mặt tìm gặp tôi ở hậu trường. Người đàn ông đó tự giới thiệu là một người bạn của anh ấy. Ông ta trao cho tôi một lá thư viết vội của anh ấy gửi cho tôi. Ngoài ra ông ta cũng đưa cho tôi  một xấp giấy, bảo rằng đó là mấy chục bài thơ mới nhất của anh. Tới lúc bấy giờ anh ấy và tôi đã xa nhau gần hai năm trời đăng đẳng. Được tin anh ấy đang ở Bắc Kinh tôi mừng vô kể và nỗi nhớ quay quắt trong tôi vơi  cạn phần nào. Người đàn ông nọ cần đi gấp nên không thể chờ tôi hồi âm. Về nhà đọc thư tôi mới vỡ lẽ ra rằng trong thư không ghi địa chỉ anh ấy. Đại để anh viết rằng Bắc Kinh không xa 
Thượng Hải là bao nhưng thời gian chưa thuận tiện để anh ấy trở lại tìm tôi. Anh muốn nhắc cho tôi nhớ rằng anh vẫn giữ trọn mối tình son sắt cho tôi  và vẫn còn mơ một ngày về không xa.

Tôi thẩn thờ đọc những bài thơ mới của anh, giựt mình thấy anh đã hoàn toàn thay đổi chủ đề và giọng điệu. Ngoại trừ một bài viết để tặng riêng tôi,  không còn những bài thơ trữ tình ca ngợi tình yêu  lãng mạn như xưa. Rõ ràng là đã có một cơn  lột xác tận cùng xương tủy. Trước mắt tôi là những giòng  thơ hùng tráng ca ngợi tự do, dân chủ và hoà bình. Bên tai tôi khi đọc lên là  những lời thơ kịch liệt chống đối chế độ và đòi lại những quyền cơ bản của con người. Thể tài có thay đổi nhưng phẩm chất trong thơ anh vẫn thế, vẫn có giá trị vô song.

Sau lần đó, tinh thần tôi lên cao đôi chút. Tuy vắng bóng anh ấy nhưng tôi trộm nghĩ rằng trước hết anh là một nhà thơ nên rất cần sống một đời thơ. Ai lại nỡ "bắt nhốt" thi sĩ bao giờ, phải không ông ? 
À...tí nữa tôi lại quên kể cho ông nghe một chi tiết khác trong cuộc đời anh ấy. Nói chuyện "cầm tù" thi sĩ tôi mới nhớ ra rằng tôi bỏ sót chuyện anh ấy đã một lần bị cha mẹ nuôi toan "quản thúc" anh kiểu đó. Mặc dầu bỏ mặc anh với cuộc sống tự lập nhưng sau khi anh tốt nghiệp đại học và nỗi tiếng là một nhà thơ lớn, cha mẹ nuôi của anh đã thay đổi thái độ. Thật ra họ chẳng ưa thích gì cái trò "thơ thẩn" của anh, song dĩ nhiên họ cũng nở mặt nở mày trước những thành công rạng rỡ của anh trong lĩnh vực này. 

Hai ông bà vốn quen biết nhiều người trong giới doanh thương ở  Đài Bắc. Một trong các gia đình đó cũng giàu có như họ đã bằng lòng gã con gái cho anh ấy, dĩ nhiên là do cha mẹ anh ấy nhờ  mai mối hỏi han. Tôi chưa bao giờ mở miệng hỏi anh  về mối tình kia hoặc cuộc đời vợ chồng sau đó anh có hạnh phúc không. Tôi không biết anh quyết định lập gia đình chỉ vì muốn làm tròn bổn phận một đứa con hiếu thảo, hay là anh ấy thật tình yêu quý thiếu nữ nọ. Tôi chỉ biết rằng người thiếu nữ kia rất yêu văn chương của anh và hai người có với nhau một đứa con trai. Nghĩa là đứa bé đang ngồi ngủ ở đây lại có một thằng anh cùng cha khác mẹ ở một nơi xa xôi vời vợi và chưa biết bao giờ chúng mới được gặp nhau. Mà tôi cũng chẳng biết anh ấy có hứa hẹn một ngày nào quay lại với họ hay không.

Sau khi thôi việc ở đoàn ca kịch, tôi ru rú trong xó nhà với mẹ tôi suốt mấy tháng liền. Bỗng một hôm từ trong cửa sổ tôi vô tình nhìn lên  mấy cụm mây đang trôi lơ lững giữa bầu trời trong xanh. Tôi tự nhủ, mây là vật vô tri  mà còn biết lặn lội tìm nhau huống hồ tôi là người có tâm hồn sao lại không biết đi tìm người. Tôi quyết định đi tìm anh ấy với bất cứ giá nào.  Tôi khăn gói sẵn sàng nhưng chưa kịp lên đường thì đã xảy ra vụ lộn xộn ở Quảng trường Thiên An Môn. Tôi đành hoãn lại chuyến đi, nhưng ngay sau khi tình hình lắng dịu tôi sang Bắc Kinh ngay. Và hơn hai năm nay tôi đã lùng kiếm anh ấy khắp thành phố này nhưng chưa được cái may mắn gặp lại người yêu.


Người đàn bà mù ngưng kể câu chuyện ở đó. Bà quờ quạng đưa tay chỉ lên mặt bàn:
- Xin lỗi, mời ông dùng kẻo nguội.
Tôi quay lại nhìn đĩa thức ăn người phổ ky mang lên lúc nào tôi không hay. Thằng bé cựa mình, ư ư mấy tiếng, trở đầu úp má lên lòng mẹ ngủ tiếp. Người đàn bà hơi rụt rè:
- Ông đến Bắc Kinh có công việc ?
Tự nhiên tôi không cảm thấy khó chịu trước câu hỏi tò mò kia. Ngược lại, tôi thấy rất thoải mái trước mặt người phụ nữ xa lạ này.
- Thưa không. Tôi đến đây vì có một người quen ở đây.
- Quý hoá quá! Chắc ông đã vui mừng gặp bạn ông rồi chứ ?
- Thưa thật với bà, tôi chưa gặp. Và chắc là tôi sẽ không gặp.
- Xin lỗi ông, nhưng điều ông vừa nói nghe lạ tai quá !
- Tôi tự nhủ thế nào bà cũng nghĩ như vậy. Tuy nhiên, nếu bà cho phép, tôi cũng xin kể vắn  tắt câu chuyện về "cô ấy".
Tôi ngước mắt lên dò dẫm phản ứng của người phụ nữ mù. Tôi bắt gặp khuôn mặt thanh tú, đầu hơi cúi, hai mắt khép lại một thoáng và đôi riềm mi  cười rung rung ưng thuận. Tính tôi không phải bạ ai cũng đem chuyện thầm kín riêng tư của mình ra kể. Nhưng người đàn bà trước mặt tôi dường như có một sức hút thần bí nào đó khiến tôi như bị một cơn lốc tình cảm cuốn phăng. Và tôi đã trao gửi chuyện lòng cho bà ta một cách gần như vô lý.


Cô ấy bước ra khỏi cuộc đời tôi không một lần ngoảnh mặt lại. Và lý do tại sao thì chỉ có đấng cao xanh và một mình cô ấy biết mà thôi. Bà có thể tưởng tượng nổi hay không chứ ? Chỉ còn một tuần nữa là tới ngày cưới của chúng tôi. Vậy mà tự dưng cô ấy biến mất tăm dạng không một lời nhắn gửi...như...như cái gì bà nhỉ ? Tạm gọi như một làn khói nhoà tan vào một vùng trời bát ngát. Chính gia đình cô ấy cũng không biết cô đi đâu. Mãi về sau nhờ một sự tình cờ chúng tôi mới khám phá ra là cô ấy đã đi tu, hiến dâng cuộc đời cho Chúa Cứu Thế. Dĩ nhiên là tôi đau khổ vì tôi yêu cô ấy thật tình. Nhưng điều đã dằn vặt tôi nặng nề nhất chính là vì tôi chẳng hiểu đầu đuôi mô tê gì ráo. Tôi bắt đầu đi tìm câu trả lời. Trong khi tôi xôn  xao đi tìm sự thật thì dường như cô ấy thản nhiên cho rằng giải  thích hành động của cô là điều không cần thiết. Tôi chỉ đoán già đoán non vậy thôi chứ làm sao tôi biết được cô ấy nghĩ gì.

Một thời gian sau tôi đành   cúi đầu thần phục định mệnh. Tôi bỏ cuộc nhưng cùng lúc ấy tôi đã tự tạo cho mình  một thói quen khá kỳ lạ. Cô ấy được nhà Dòng gửi đi làm công tác xã hội ở nhiều nơi. Sau khi dọ hỏi, tôi luôn luôn tìm đến nơi cô ấy đang phục vụ. Tôi đã đi khắp, từ Âu Châu sang Á nhưng cốt không gặp mặt người yêu. Tôi chỉ muốn nhìn xem phong cảnh nơi người yêu tôi đang sống xinh đẹp như thế nào. Mục đích của tôi chỉ có như vậy thôi. Có thể đó cũng là một cái cớ  để tôi đi du lịch đó đây. Nhưng đồng thời tôi đã vô tình cảm thấy vui thích trong cái công việc chạy theo một bóng mờ mờ ảo ảo. Tôi nghe nói cô ấy đang làm việc tại một viện dưỡng lão ở Bắc Kinh này nên tôi đã vội vàng đến đây. Và dĩ nhiên tôi sẽ không tìm gặp cô ấy nữa vì một lý do rất giản dị. Tôi đã bỏ cuộc từ lâu lắm rồi.
   
Người đàn bà mù đột nhiên cắt ngang câu chuyện của tôi. Giọng bà đầy nhiệt tình của kẻ yêu đời.
- Xin lỗi ông, nhưng tôi không muốn nghe thêm  vì chừng đó cũng đủ  để tôi hoàn toàn không đồng ý với ông. Tôi trộm nghĩ ông đã sai lầm khi quyết định bỏ cuộc không tiếp tục tìm gặp người yêu. Ông bỏ cuộc tức là ông không thật tình yêu thương cô ấy. Trong tình yêu, ông cần phải vị tha. Hơn nữa, cuộc đời này quá đẹp, tại sao ông sớm bỏ cuộc ? Tôi không thể nào chấp nhận lối  suy nghĩ của ông.

- ----

- Tôi xin lỗi đã bộc bạch ý nghĩ chân thành của mình một cách đường đột như vậy. Chúng ta chỉ là hai kẻ lạ tình cờ gặp  nhau một buổi chiều mưa nơi hai đốm nhỏ rí trên mặt đất bao la này. Rồi tự dưng đem chuyện tâm tình  kể cho nhau nghe. Ông có nghĩ rẳng chúng ta vô tình  hành động như vậy chỉ vì muốn trút bớt  nỗi niềm đơn độc  đầy ắp  trong tâm hồn chúng ta hay không? Nhưng thôi...tôi xin nói thẳng với ông rằng tôi rất tự hào  là tôi chưa bỏ cuộc. Tôi yêu thương cuộc đời này bất chấp những điều đen tối. Vả lại hình ảnh của anh ấy lúc nào cũng đậm  đà trong trí nhớ tôi. Và tôi tự hứa sẽ mãi mãi  đi tìm cho đến khi nào  tôi gục ngã mới thôi.


Người đàn bà mù đánh thức đứa bé và chậm rãi đứng dậy kiếu từ tôi. Bất thình lình bà nói giọng nhỏ nhẹ :
- Tôi có vài điều muốn thưa với ông. Nếu không có gì bất tiện tôi xin được gặp lại ông ở đây vào chiều mai. Xin trân trọng chào ông.

Tôi ngỡ ngàng nhìn theo đứa bé dắt người đàn bà mù ra khỏi quán. Tôi quay lại nhìn đĩa đồ ăn đã nguội ngắt từ lâu. Một lớp mỡ trắng phếu đọng lại sền sệt trên mấy miếng thịt và cọng rau trong đĩa. Tôi rót cho mình một tách trà nóng và uống cạn một hơi. Tôi trả tiền cho người phổ ky  và bước ra mái hiên  quán nước  chưa biết đi đâu. Phía dưới chân tôi, một dòng nước mưa nho nhỏ chảy quanh dọc theo bậc thềm mòn lở. Bỗng dưng tôi tưởng tượng ra một dòng sông lớn, nước trôi cuồn cuộn. Giữa những bọt bèo trong dòng  sông nọ, tôi chợt thấy đang loi  ngoi bóng dáng của người đàn bà mù và đứa bé  và của chính tôi.


Chiều hôm sau tôi trở lại quán nước nọ. Vào bên trong, tôi không thấy người đàn bà và đứa bé đâu cả. Tôi không hiểu tại sao nhưng tôi đang sốt ruột mong gặp lại họ. Chờ mãi không thấy, tôi trở ra ngoài. Đang nhìn quanh quất thì hai mẹ con một người ăn mày tiến lại gần tôi. Tôi suýt buộc miệng la lên khi nhận ra đây chính là người đàn bà mù  với đứa bé mà tôi vừa trò chuyện hôm qua. Nhưng hôm nay, bà ấy đeo kiếng đen, tay cầm một chiếc gậy gỗ khẳng  khiu. Cả hai mẹ con ăn mặc rách rưới bẩn  thỉu. Người đàn bà hạ thấp giọng xin gặp tôi nơi gốc cây cổ thụ ở sâu bên trong con hẽm. Thằng bé nhanh chân dắt mẹ đi về hướng đã hẹn. Tôi rảo bước theo giữ một khoảng cách khá xa. Tôi vừa đến dưới gốc cây thì người phụ nữ đã nói một mạch vừa đủ cho một mình tôi nghe:


- Thưa ông, trước hết tôi xin lỗi đã nói dối ông một điều. Toàn thể câu chuyện tôi kể cho ông nghe hôm qua đều là sự thật, ngoại trừ một điều, tôi không hề bị mù như tôi đã nói với ông. Suốt thời gian còn đóng vai người mù, hằng đêm khi bức màn nhung buông xuống lần cuối cùng, tôi cứ nơm nớp lo sợ là mình sẽ bị mù thật. Nhưng nhờ Trời tôi vẫn còn đôi mắt nguyên vẹn. Giờ đây, tôi chỉ giả mù và làm người ăn xin để đi dò la tin tức anh ấy mà thôi. Chắc ông cũng đồng ý với tôi là tất cả mọi người trong thiên hạ đều phải  tự đeo cho mình một chiếc mặt nạ nào đó để sống với đời, phải không ông ? Riêng tôi, tôi đã chọn cho mình chiếc mặt nạ rất khiêm tốn và hiền lành như ông  trông thấy đó. Nhưng thôi...tôi không nên dài dòng thêm nữa. Tôi xin đường đột nhờ ông một việc mà tôi đoán là không vượt quá khả năng của ông. Đây là mấy chục bài thơ mới của anh ấy chưa xuất bản  lần nào.
Tôi xin hứa sẽ không làm phiền ông trừ phi tối cần thiết. Lý do khiến tôi nhờ vả ông chuyện này  chính tôi cũng không rõ, nhưng tôi xin ghi nhớ ơn ông suốt đời.

Tôi đưa tay cầm lấy xấp giấy trong cái bọc ny long người đàn bà chìa ra cho tôi sau khi đã nhìn kỹ chung quanh. Đồng thời tôi rút ra một miếng giấy nhỏ  trong túi áo, ghi vội địa chỉ và dúi vào tay  người phụ nữ "giả mù" . Tôi hành động như một người máy không ý thức được mình đang làm gì. Người phụ nữ nhìn thẳng vào mắt tôi nhưng tôi không biết là dưới lớp kính  màu đen kia bà có giả mù hay không. Có một điều tôi không thể nào lầm lẫn là bà có đôi mắt buồn và đẹp nhất thế gian này.
Người phụ nữ nói nhanh :
- Chúng ta đứng đây lâu e không tiện. Xin cho tôi nói với ông một lời cuối: tôi tự nguyện sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Xin chào tạm biệt ông và một lần nữa xin chân thành cảm tạ tấm lòng độ lượng của ông.

Người phụ nữ đưa tay vỗ nhẹ lên vai đứa bé bảo nó dắt đi. Tôi đứng đó nhìn theo hai kẻ ăn xin "chuyên nghiệp". Tôi đứng đó như đang bị trời tròng !

Mấy ngày sau, tôi rời Bắc Kinh khi đã xem khá đủ phong cảnh nơi người yêu tôi đang sống cuộc đời khổ hạnh của cô và là nơi có một người phụ nữ "giả mù" lặn lội đi tìm người yêu. Trở về Mỹ, mấy tháng sau tôi cho in xong tập thơ của thi sĩ Trung Hoa nọ. Đồng thời, tôi cũng phát hành tập thơ của riêng tôi mặc dầu đem so với người đứng cùng đội ngũ với mình, tôi thấy thơ tôi dở ẹc !

Gần một năm đã trôi qua. Một buổi chiều đi làm về, tôi nhận được một bức thư gửi đi từ Thượng Hải. Tôi mừng như gặp mẹ chợ về vì đoán  biết ngay  là thư của ai. Tôi đâu có quen biết ai khác ở Hoa Lục ngoài người đàn bà "giả mù" xa lạ kia đâu. Mở thư ra, tôi giật nẩy mình khi thấy tấm hình  một người đàn  ông  trông giống tôi quá sức tưởng tượng. Và một tấm hình thứ nhì  chụp một mộ bia có khắc tên tuổi  người  trong mộ. Bức thư chỉ vỏn vẹn mấy giòng  và không ghi địa chỉ người gửi.

"Thưa ông.
Tôi đã tìm gặp được người yêu của tôi rồi. Anh ấy tham gia phong trào đòi dân chủ và đã chết một cách bí mật. Anh ấy đi rồi  nhưng tôi biết chắc là thơ của anh sẽ tồn tại muôn đời.
Kính thư.
Người đàn bà mù ở Bắc Kinh."

Tôi thẩn thờ nhìn bức thư quá ngắn trong tay mình. Trên đó tôi chợt thấy mấy chữ bị hoen nước. Tôi mường  tượng đến những giọt nước mắt  âm thầm rơi xuống trang thư từ một đôi mắt đẹp nhất trần gian.


Tiếng người nữ tiếp viên phi hành phát ra từ máy khuếch âm cho biết máy bay sắp đáp xuống phi trường Thượng Hải. Nhìn ra cửa kính phi cơ, tôi thấy những đám mây bềnh bồng trắng xoá bay bay đi tìm nhau. Tôi ung dung mở xách tay rút ra một tập thơ của tôi. Trên trang có nhan đề  tôi cẩn trọng viết mấy giòng  trao tặng:

"Gửi người đàn  bà mù của Thượng Hải, 
 Tôi yêu em vì em đã yêu cuộc đời và con người với tất cả tấm lòng.
Tôi xin hứa sẽ không bao giờ bỏ cuộc." 




Nguyễn Hữu Trí











--------------------
Nguồn:
Văn, Giai  phẩm xuân Quý Dậu
Số 126-127 tháng 12-1992 và tháng 1-1993