Sunday, September 18, 2016

ĐÊM ÂM PHỦ



Ngô Nguyên Dũng




Dọn bàn ăn xong, Thành kéo Tân vào nhà bếp, móc túi dúi vào tay Tân vài tờ giấy bạc, nói:
- Tớ nhờ cậu dẫn hai thằng lỏi đi chơi đêm nay.
Tân gạt tay Thành ra, trợn mắt hỏi:
- Đi đâu mà cần nhiều tiền thế này, cha nội?
Thành cười hềnh hệch, giọng trơn như thoa mỡ:
- Đi chơi gái chứ còn đi đâu nữa. Tớ bận mẹ thằng cu, nếu không cũng đi theo rồi. Tội nghiệp, chúng nó mới được sổ cũi, phải cho chúng biết mùi vị ái tình xứ tư bản này chứ!
Tân phì cười, đút tiền vào túi. Thành đưa điếu cày cho Tân, mời mọc:
- Cậu làm thử một hơi cho biết!
Tân lắc đầu nguầy nguậy:
- Tôi không biết hút thuốc Lào, nhưng nếu cậu có thuốc lá, cho tôi một điếu.
Thành nhún vai, chỉ bao thuốc đặt trên bàn gần cánh cửa mở toát, điểm trên môi nụ cười đểu, hai mắt nhíu lại trêu ghẹo:
- Cậu làm như gái còn trinh không bằng. Chơi đi, hút đi, say đi, sống đi! Tớ chán cách sống chừng mực của cậu lắm rồi, giống như uống mà không say, đánh phé mà không được phép tố láng...
Tân chen vào:
- ... phùa giữa chừng chợt nghe máy điện thoại reo!
Thành vỗ "bốp" vào vai Tân, tán đồng:
- Đúng, đúng đấy.

Nói xong, anh mở hộp diêm, xoè lửa cho Tân châm điếu thuốc. Gió đêm mang hương tường vi rót đầy căn bếp hẹp. Đêm hè tô màu xanh lên khung trời phía sau toà cao ốc đối diện. Tân thấy lấp lánh những chấm sao rời rạc. Nhìn những khung kính sáng đèn ở gần và những vì sao lẻ bạn ở xa, tâm hồn anh chợt mọc lên niềm khát khao kỳ lạ. Một niềm vui chưa định nghĩa được, một mất mát không nguyên do hay một ước vọng thầm kín nào ẩn dấu bấy lâu tận đáy lòng mà Tân không biết. Anh phà khói vào khung cửa mở ra ngoài đêm mênh mông, hỏi khẽ:
- Thắng và Cường là bà con như thế nào với cậu?
- Thắng là em chú bác, Cường là bạn của Thắng. Bố của Thắng là một người đa tài, vẽ tranh, viết văn, làm thơ. Ông ta chỉ có cái tội...
Thành ngập ngừng. Tân hỏi tới:
- Tội gì?
- Tội không theo đảng.

Xong, Thành thở "khì" như vừa trút gánh nặng. Hơi thở anh đẫm mùi thuốc lào, nồng và khét. Chờ một lát như để cho Tân cân nhắc trọng lượng của lời nói, Thành cất tiếng chậm rãi như người làm xiếc tẩn mẫn lừ ra giữa môi từng lưỡi lam bén ngót:
- Ông ta không theo mà cũng không cần lách, ly dị với đảng tức khắc nhân vụ Nhân Văn Giai Phẩm sau khi viết một bài chống đối những quái thai do đảng sản sinh.
- Ông ta không bị gì sao ?
- Mười lăm năm tù. Ở tù ra, ông mở quán rượu và vẽ bảng hiệu cho mấy tiệm hớt tóc, sửa xe đạp. Quán rượu là nơi để ông thù tạc với giới văn nghệ miền Bắc, là cuốn rốn nối liền với văn chương. Còn cái lý tưởng ban đầu của ông dành cho đảng đã bị chính đảng hãm hiếp, bêu đầu, mổ bụng, chôn sống từ thời cải cách ruộng đất rồi. Y như một ả hát chèo sắp hết thời cậu ạ. Đêm đêm dồi phấn tô môi, lên sân khấu đóng tuồng, đến khi màn hạ, rửa mặt soi gương mới ngỡ ngàng. Rổ hoa, mắt loét, má nhăn, vú xệ. Toàn một bọn đào kép trơ trẽn.
Tân góp lời:
- Sao cậu không ví chúng nó như một bọn điếm già?
- Hay đấy! Những con điếm bị khách hàng chơi Nga, Tàu dùi hoa dập liễu, chán chê xong vất nằm phơi bụng ra đấy, bèo nhèo một đống chả đứa nào dám mó vào.
Tân cười híp mắt, cái đầu lắc lư, hai vai rung rinh. Dù đã quá quen với lối ví von tượng hình, cường điệu hoá của Thành, vậy mà mỗi lần nghe Thành bốc đồng nguyền rủa chế độ, Tân vẫn không thể nín cười.
Thành chép miệng, giấu tiếng thở dài, hừm một cái:
- Cuối năm nay, hai thằng nhóc hết hạn hợp đồng lao động, phải trở về nước.
Tân hỏi thẳng:
- Chúng nó có muốn xin tị nạn không?
Đôi mắt Thành lim dim như cặp mắt cắc kè mệt mỏi hứng cái nóng sa mạc. Anh lắc đầu nhẹ:
- Không đứa nào đề cập tới chuyện đó. Tớ cũng không hỏi, nhưng qua cách nói chuyện, tớ thấy thằng Thắng có vẻ nặng tình gia đình. Còn thằng Cường như thế nào, tớ không biết. Đôi lúc tớ đâm ra ngờ vực, vì dường như sự chọn lựa nào cũng không đúng.
Tân thêm vào:
- Đã gọi là chọn lựa thì phải chịu mất mác chứ, mà mất mác lại không có trọng lượng, dài ngắn hay sâu cạn để mình so sánh. Cậu nghĩ xem, trên đời này lúc nào cũng có ít nhất hai lý lẽ thuận nghịch để cho mình chọn một.
Thành gật gù:
- Đúng, và tớ luôn luôn tôn trọng sự quyết định của người khác. Tớ chỉ muốn...muốn...
Thành lặp bặp vài giây, cười hề hề rồi tiếp:
- ... bọn thằng Thắng, thằng Cường nếm qua mùi vị ái tình gái Tây phương, để về nước nói phét với bạn bè mà không xấu hổ. Không lẽ về nhà chỉ kể chuyện bị bọn cai thợ ức hiếp  và đập lộn với lũ "phủi" kỳ thị người da màu sao?. Tối nay tớ nhờ cậu làm chị vú  hướng dẫn hai thằng em tới khu đèn màu xả láng một phen.
- Cậu yên chí. Tôi đã từng đi thông dịch cho đồng hương tại toà án, toà hành chánh, ty cảnh sát...lần này lại thêm một kinh nghiệm cho đời thêm thú vị.
- Ừ, sống đi, yêu đi, ăn tục nói phét đi!
Thành lặp lại câu nói khi nãy, mặt vênh váo như vừa nghiệm ra một triết lý mới. Tân dụi điếu thuốc vào đĩa gạt tàn, đứng lên.



Tối thứ bảy, đường phố loáng ánh đèn ngược xuôi. Xa lộ chuyển động như con trăn trườn  mình dưới ánh trăng soi, vẫy nhịp nhàng lấp lánh. Đã lâu rồi, Tân ít có dịp đi chơi đêm. Đúng hơn, anh không còn hứng thú nhập vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Những tối từ chỗ làm trở về nhà trọ,  Tân lặng lẽ hâm lại thức ăn nấu sẵn từ cuối tuần trước, lặng lẽ ngồi ăn trước khung kính truyền hình vặn nhỏ, lặng lẽ đọc những tờ thư nhận được trong ngày, và lặng lẽ tắt đèn, nằm nghiêng chờ giấc ngủ. Trò chơi lặng lẽ ấy dần dà nẩy mầm vi khuẩn, thành chứng bệnh mới mà Tân giễu cợt  gọi là "hội chứng lười biếng". Cơn bệnh quái ác này cứ níu chân giam Tân trong bốn bức tường nhà trọ. Người anh càng lúc càng xanh xao uể oải. Tinh thần anh càng ngày càng trì trệ hao mòn. Bộ máy đời sống chỉ làm việc cho những nhu cầu cần thiết nhất.

Im lặng một lát, Thắng mới rụt rè lên tiếng:
- Có xa đây không anh?
- Chừng hai mươi phút chạy xe. Đáng lẽ mình tới chỗ gần nhà cũng được, nhưng anh chở hai cậu đến nơi này một lần cho biết.
Giọng Cường hớn hở:
- Chỗ đặc biệt hở anh?
- Ừ, vì có nhiều gái ngoại quốc.
- Thế à? Mà em thấy bọn da đen ghê ghê thế nào ấy!
Cường kéo dài hai tiếng "ghê ghê" làm Tân bật cười. Thắng gắt:
- Đâu ai bắt mày chọn gái da đen. Tao chỉ yêu nhất người mình, thon gọn vừa tầm. Cái gì ở đây cũng to, cũng nhiều, cũng thển thộn đến phát sợ.
Cường tán đồng:
- Mày nói đúng. Ngực gì mà như hai trái bưởi. Mông to như hai cái thúng. Nhưng mà thú thật, gái da trắng cũng có khối đứa xinh. Da mơn mởn như đào non. Mắt xanh lẳng lơ như mèo cái. Tóc vàng óng  mướt như tài tử đóng phim. Em nói đúng không anh Tân?
Tân gật gù:
- Đúng, nhưng phái nữ Tây phương chỉ quyến rũ mượt mà cho tới ba mươi tuổi, sau đó là hết thời. Bọn nó chóng già hơn gái mình nhiều.
Thắng kêu lên:
- Anh Tân nói đúng hết ý.
Rồi anh se sẽ cất tiếng ngâm, giọng Bắc ẻo lả đĩ thoã:
Ra đường thiếp hãy còn son...ứ...ư...Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng...ừ.
Cường chắc lưỡi:
- Ca dao Việt Nam mình nghe sướng rên người. Quê hương bọn "phủi" làm gì có, phải không anh?
Tân gật đầu "ừ" vỗ nhịp lẹp  bẹp vào tay lái, tiếp giọng ngâm:
Ước gì anh lấy được nàng ...ứ...ư...Để anh mua gạch Bát Tràng về xây. Xây dọc rồi lại ...ứ...xây ngang. Xây hồ bán nguyệt cho nàng...ừ...rửa chân.
Thắng và Cường đồng loạt vỗ tay reo:
- Như thế mới gọi là tình.
Tân hứng chí ba hoa thêm:
- Tình cảm của người mình rộng rãi, phức tạp lắm các cậu ạ. Cũng là tình yêu đấy mà khi đã thành vợ chồng, lại khang khác vì có thêm cái nghĩa. Giữa cha mẹ và con cái, ông bà và cháu chắt, không gọi là tình yêu nữa mà là tình thương. Chữ "thương" nhiều khi nghe mặn mà, nồng nàn hơn chữ "yêu" ngàn lần, vì có sự thẹn thùng làm tăng mức độ tỏ tình. Không như bọn Tây phương, thứ tình gì cũng chỉ dùng độc nhất chữ "yêu", nếu yêu ít hơn thì phun ra chữ "thích". Lý lẽ của trái tim được định nghĩa rành rẽ tới độ trắng trợn, tàn nhẫn.
Thắng đập nhẹ vào vai Tân:
- Anh viết văn được đấy.
- Không ham. Viết văn là một nghề bạc bẽo. Không có thằng viết văn nào có hạnh phúc cả, dù đoạt mười giải thưởng văn chương đi nữa .
Cường trố mắt nhìn:
- Tại sao? Em nghe nói được giải thưởng văn chương ở đây nhiều tiền lắm mà.
Tân cười khẩy:
- Vì một lẽ rất dễ hiểu, nếu kẻ nào có một đời sống hạnh phúc, chẳng cần sờ tới giấy viết làm gì. Chúng nó bất hạnh vì mãi đi tìm chân lý của cuộc đời, của văn chương, một thứ chân lý không tưởng.
Thắng nhỏ giọng chen vào câu chuyện:
- Em nghe bố em nói, viết văn làm thơ là một cái "nghiệp", không phải chỉ muốn mà thành văn sĩ hay thi sĩ được. Ở Việt Nam mình bây giờ, muốn làm chuyện văn chương phải có đảng đứng che trước mặt và cái hội nhà văn làm bình phong sau lưng mới sống nổi. Chả có đứa nào được tự do sáng tác. Nhất nhất đều có chỉ thị, có kế hoạch hẳn hoi. Rập một khuôn, y một kiểu như trong tuồng Tàu anh ạ. Ông thiện và ông ác, ông nóng và ông tĩnh được vẽ mặt định tính trước. Đứa nào gàn bướng múa bút hả? Cho đi chỗ khác chơi. Tù ra, chỉ còn cách về quê chăn vịt hay mở quán bán rượu, hèn mọn như thế cho đến chết.

Cuộc đối thoại đột ngột ngỡ ngàng đông cứng. Mỗi câu nói của Thắng là mỗi giọt cường toan rơi xuống chăn nệm êm ả của đời sống Tây phương, cháy xém từng mảng tả tơi. Câu chuyện ngưng lắng một đỗi. Tân mới nhỏ nhẹ cất tiếng:
-  Nghe anh Thành kể lại, bố của Thắng đang hành nghề bán rượu và kẻ bảng hiệu, đúng không?
Giọng Thắng sắc như dao cạo:
- Bố em là văn sĩ kiêm họa sĩ, còn bán rượu và kẻ bảng hiệu  chỉ là sở thích.
- Khác nhau chỗ nào?
- Cái đam mê nuôi cái đầu và trái tim, còn sở thích làm đầy cái bụng đói.
Cường lập lại vỏn vẹn một chữ "đói", âm thanh rơi vào không gian dịu mát, lùng bùng vô vọng như đồng xu ném xuống đại dương sâu mù.
- Cũng vì đói mà thế hệ chúng em mất nhân cách. Nguyên cả nước đi làm đĩ chỉ vì cái bao tử lép. Bọn nhà văn đánh đĩ bằng ngòi bút. Các đảng viên, lớn cũng như bé, đánh đĩ bằng lương tri. Con gái lớn lên, vô công rỗi nghề, đi bán trôn nuôi miệng. Còn bọn công nhân xuất khẩu chúng em sang Đông Âu bán dâm sức lao động cho các đàn anh vĩ đại. Cuộc đời làm thuê ở tạm ê chề, nhục nhã lắm anh ơi, nhưng ít ra cũng còn có chút tiền gửi về nhà và dành dụm làm vốn sau này khi hồi hương.
Thắng nỉ non kể lể, thất vọng nhiều hơn là kết tội. Cường ngồi như hoá gỗ, ngậm tăm một lúc mới chìa bao thuốc ra phía sau cho Thắng.
- Này hút đi cho bớt lắm lời.
Rồi quay sang Tân, Cường hỏi:
- Em châm cho anh một điếu nhé!
Tân lắc đầu:
- Không, cám ơn. Tôi hút nhờ khói thuốc của hai cậu đủ rồi.
Cường bật lửa châm điếu thuốc, rít một hơi căng ngực, phì phà nhả khói vào lòng xe chật. Tân kéo hé cửa cho thoáng. Tiếng động bên ngoài rậm rật theo vào như ám ảnh nào đuổi cuồng sau lưng. Cuộc nội chiến bầm dập trong quá khứ. Mối xung đột vô nghĩa chỉ vì hai ý thức hệ ngoại nhập. Và mới đây là cái chết đột ngột của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu. Sụp đổ như những tham vọng xếp bằng con cờ Domino. Cháy nát như ngôi nhà giấy.


Tân bẻ tay lái, rẽ theo hướng chỉ vào trung tâm thành phố, thấp giọng:
- Khu đèn màu ở đây thường ở sau nhà ga. Tại các thành phố ven biển thì nằm gần bến tàu. Không giống như bên mình, làm điếm ở đây là một nghề chính thức, có đăng ký và đóng thuế thất nghiệp cũng như hưu trí đàng hoàng. Mỗi tháng đều được bác sĩ khám bệnh kỹ càng.
Cường chặc lưỡi:
- Hay nhỉ!
Tân cười khẩy:
- Hay thật đấy. Có như vậy mới tránh được tệ đoan đứng đường và ma cô, cũng như ngăn được các chứng bệnh truyền nhiễm. Mà có ngăn được hoàn toàn đâu. Xem kìa!
Tân giơ tay chỉ vào mấy bóng đàn bà nhấp nhô tối sáng ven đường. Anh giảm tốc độ. Một khuôn mặt tô son trát phấn trồi ra vũng  đèn yếu, nhoẻn cười nhìn vào lòng xe. Ngực và mông ưỡn ẹo. Chân và gót giày uốn éo. Tóc vàng và da trắng hổn hển. Tân đạp ga chạy thẳng, bỏ người đàn bà ngỡ ngàng đứng giơ hai tay lên trời trong kính chiếu hậu.
Thắng nói khẽ:
- Chúng nó bạo quá hở anh ?
- Hoàn cảnh bọn này đáng thương hơn lũ điếm có đăng ký trong khu đèn màu nhiều. Phần đông vì số mệnh đưa đẩy sa vào cái nghề tồi tệ này.
Cường chợt hỏi:
- Sao anh Tân biết nhiều về bọn nó thế?
- Các cậu nghi tôi nói phét chứ gì? Không đâu, mấy điều vừa kể do tôi xem trên truyền hình và đọc sách báo... Tới rồi, bên kia đường.

Tân tắt máy, mở cửa bước xuống, vươn vai vài cái. Cả bọn lúp xúp băng qua lòng đường trống như ba con mèo hoang. Lần nào bước qua hàng rào sắt có treo tấm bảng "Người vị thành niên, cấm vào", tim Tân đều đập mạnh. Cả nhịp tim của Thắng và Cường cũng đóng mở rối loạn. Trước mặt họ, sau hàng song sắt, hiện ra một thế giới khác. Một quãng đường chênh vênh đèn màu. Hàng hiên hai bên chia ngăn lót kính, tù mù bên trong là những khối thịt hớ hênh đứng ngồi gần như bất động. Tân có cảm tưởng  đang ngắm những căn phòng búp bê, mà anh, Thắng và Cường là những kẻ đi tìm mua những hạnh phúc giả hiệu.
Cường thầm thì:
- Trông giống chợ buôn nô lệ thời trung cổ quá anh ạ!
Thắng cười rù rì:
- Mấy con lợn này to phát khiếp. Mà đùi chúng nó trông ngon lành như một khúc giò lụa.
Cường rên rỉ:
 - Tao đang bủn rủn tay chân đây mà mày nhắc tới món ăn, rõ khỉ!
Thắng vẫn lải nhải:
- Ai nói với mày? Anh Tân ơi, em ngắm chúng nó mà liên tưởng tới hàng bán thịt lợn. Thịt mông, thịt đùi, thịt bụng, đều có đủ. Không giống như hiệu thực phẩm quốc doanh bên nhà, trống hốc trơ trẽn  với những khuôn mặt công nhân viên khó đăm đăm như táo bón lâu ngày.
Cường ngắt lời Thắng:
- Con  bé này xinh ra phết.
Tân đề nghị:
- Tụi mình lượn một vòng, xem hết mặt hàng rồi quyết định sau, nhé!
Cường nhanh miệng "phải đấy phải đấy", trong khi Thắng lặng thinh như hến. Cả ba chắp tay sau lưng, nhàn tản dạo một lượt qua các ô kính đựng đầy màu sắc. Tân thấy mình như đang lạc vào cảnh giới không có những tranh chấp quyền lực và những tham vọng thường tình của con người. Anh để ý ngắm những người đàn ông khác. Nét mặt họ thư thái gần như mất cảm tính. Dáng đi sẽ sàng như sợ, chỉ một bước chân sai, sẽ làm kinh động ảo tưởng hạnh phúc cận kề trong tầm tay. Lời hối thúc của Thành lại vang vọng trong trí Tân: "Sống đi, chơi đi, say đi, buông thả đi!" Tân rủa thầm: "Mẹ họ, chỉ giỏi cái miệng, còn mình thì suốt ngày ru rú ở nhà bám đáy quần vợ!"
Cường xô nhẹ vai Tân, thầm thì:
- Anh Tân, em chọn con bé này!
Tân "hử"  một tiếng, nhếch mắt ngắm. "Con bé" là một thiếu phụ trẻ, tóc vàng, trang điểm đậm, mặc trên người vỏn vẹn bộ áo lót lụa xám, vớ thưa dài tới giữa đùi, dây nhợ móc chằng  chịt vào nịt bụng. Tân nhún vai:
- Được đấy. Còn Thắng chọn ai?
Thắng bối rối ra mặt, lắp bắp:
 - Em...em...chưa biết.
Cường đề nghị xỏ lá:
- Thôi mày chọn con bé ngồi bên cạnh để anh Tân ngã giá một lượt cho tiện.
- Nó có hơi béo không ?
Con bé ngồi bên cạnh hơi béo thật, nhưng có khuôn mặt xinh và mái tóc nhuộm đen ửng màu đèn xanh bóng như vỏ con cánh cam.
Cường giục:
- Nếu mày thích đứa khác thì bảo anh Tân biết, phần tao xem như xong.
Thắng rùn  vai rụt cổ:
  - Tao thấy đứa nào cũng thế thôi... Ừ, chịu đấy!
Tân gằn giọng:
- Dứt khoát chưa ?
Hai cái miệng đồng thanh:
- Nhất trí.

Tân tủm tỉm tới gõ lên khung kính. Con bé tóc vàng đẩy hé cửa, nhếch môi hỏi:
 - Tao có thể giúp mày chuyện gì?
Tự nhiên Tân mất bình tĩnh, anh trơ mắt nhìn trân tráo một hồi lâu mới thốt nên lời:
- Tao hỏi giùm cho hai người bạn. Bao nhiêu?
Con bé cho giá, không quên kèm theo câu:  "...với bọc cao su."
Tân mắng thầm Thành, đồ đểu, đưa thiếu hai chục bạc.
- Này, đứa trước đứa sau, không có được một lượt đâu đấy!
Tân xua tay:
- Ậy, cho mày một đứa thôi, còn thằng  kia chọn cô bạn tóc đen ngồi sau lưng mày đấy!
Tân vừa nói vừa trỏ vào con bé tóc đen. Nghe được loáng thoáng, cô ta nhổm mông bước tới vắt người qua bệ cửa, cặp mi giả kéo ghịt mí mắt, trông mơ màng như người say thuốc. Giọng cô ta đặc sệt dục cảm:
 - Chào anh bạn yêu quý!
Tân hất mặt về phía Thắng và Cường, giọng chắc nịch:
 - Để tao gọi hai thằng bạn tới nhé!
Cặp mi cong nhọc nhằn nghếch lên:
- Ủa, còn mày?
- Hôm nay tao kiêng thịt.
Hai chiếc mặt nạ ngờ nghệch nhìn Tân, lên tiếng cùng lượt:
 - Hả?
Tân không đáp, giơ tay ngoắt Thắng và Cường. Anh chia đôi món tiền Thành đưa cho hai người. Thắng dẫy nẩy, không chịu nhận. Tân gắt:
 - Làm gì cứ như cắm cọc vào bãi cứt trâu vậy? Của anh Thành đãi hai cậu. Vào là đưa tiền ngay, không thôi nó đạp ra cửa. Cứ thong thả, anh đợi ngoài này.
Vừa lúc cánh cửa hông xệch mở. Tân nhìn theo bộ mặt "khẩn trương" của Thắng và đực thộn của Cường, giục hơi lớn tiếng:
 - Vào đi!

Rồi anh đổi giọng thì thầm khi cánh cửa khép lại: " ...chơi đi, phóng túng đi, phung phá đi, đi đi!" Anh đút tay vào túi quần, cong lưng lê chân băng qua vĩa hè bên kia đường, đứng dựa vào tường, đầu ngoặt vào nửa vùng bóng tối mái hiên đêm. Anh suy nghĩ lan man. Về một chốn nào đã bắt đầu tiều tụy trong trí nhớ. Về những bức tường đổ sụp, nhưng vẫn còn đấy vô số rào ngăn trong tư tưởng. Giữa Đông và Tây. Giữa Nam với Bắc. Giữa thịnh mãn và nghèo khốn. Qua kẽ mắt hé và tâm tư hỗn tạp, Tân nhận ra cảnh tượng chung quanh bập bềnh, vụn vỡ màu sắc như lối về âm phủ của những linh hồn tội lỗi, mà mỗi căn phòng trưng bày xác thịt  là một ngục thất a tỳ. Những thân thể gợi cảm kia chỉ là mớ ảo ảnh hiện hình để trừng trị những tham vọng không đáy. Chỉ một va chạm nhẹ, thịt da kia sẽ rã tan thành hư không. Tân hét thầm, chủ nghĩa ơi, lòng sợ hãi ơi, bạo lực ơi...hãy xô ngã những bức tường luận lý đã mất ý nghĩa từ bấy lâu nay. Tiếng hét nội tâm gầm gừ  như mặt đất vừa  chấn động, nứt ra vô số vực sâu, khiến Tân rùng mình nổi gai.

 Anh mở trừng mắt khi nghe tiếng người gọi rối:
 - Ê, ê, anh bạn tới đây cho hỏi cái này!
 Con bé tóc đen đi với Thắng lúc nãy mở cửa, réo hối hả, tay vẫy như lá rung. Tân chạy sang, hấp tấp hỏi:
 - Chuyện gì vậy?
 Năm ngón tay móng nhọn  đưa lên che hờ cặp môi màu dâu Tây, thấp giọng:
- Thằng bạn của mày, nó làm sao ấy!
 - Làm sao là sao?
- Nó không chịu cởi quần ra, cứ ngồi đó hút thuốc lá.
Tân ngớ mặt, không nói nên lời.
- Tao có ra dấu bảo nó cởi quần, mà dường như nó không hiểu, nhìn tao trừng trừng như thôi miên vậy. Mày nói với nó giùm tao được không?
Tân hỏi một câu đần độn:
- Nói cái gì?
Con bé không đáp, giơ cánh tay tròn lẳng, kéo  thốc Tân tới trước, đẩy vào ngục thất a tỳ ngồm ngộp màu đèn đỏ. Cạnh chiếc giường lót nệm bọc sa-teng láng bóng. Thắng đang ngồi trong ghế da, dáng điệu vô tư  như một nhà sư, điếu thuốc kẹp trong tay, nét mặt bình thản tới độ ngu muội. Con bé trỏ nhà sư lạc đường xuống âm phủ, nói như kết tội:
 - Mày xem đó, nó ngồi như vậy hơn năm phút rồi. Mày bảo nó muốn làm thì cởi quần làm nhanh lên, tao còn tiếp đứa khác nữa chứ.
Tân tới vỗ vai Thắng, nói thẳng:
 - Nó bảo cậu tụt quần ra đấy, hiểu không?
Thắng ngước mặt, đáp tỉnh:
 - Gượm đã nào. Anh nói với nó  chờ em hút xong điếu thuốc này đã. Làm gì  mà giục giã  như ăn cướp thế này? Điếm Hà Nội  có bao giờ  như thế đâu, chúng nó tình tứ hơn nhiều.
Tân vỗ về:
 - Con béo này là điếm tư bản, không phải điếm xã hội chủ nghĩa, tình tứ để chết đói à?
- Gượm tí, thúc quá làm sao mà có hứng nỗi!
- Kỹ nghệ bán thịt lợn ở đây làm việc tính theo năng xuất, lao động nhiều lãnh nhiều, thì giờ là tiền bạc. Con này như vậy là dễ thương đấy, gặp đứa mất dạy, nó tống cậu ra cửa từ lâu rồi.
Con bé tóc đen đã bắt đầu mất kiên nhẫn, gay gắt hỏi:
 - Tụi mày nói cái gì mà lâu thế? Nếu bạn mày không chịu làm  thì mày thế cũng được!
Tân há hốc miệng, nuốt nước bọt, hai mắt trợn tròn. Thắng hỏi  nhanh như nuốt trộng  chữ:
 - Nó nói cái gì thế?
Tân ú ớ mắc nghẹn một hồi mới phun ra chữ:
 - Nó bảo...bảo...nếu cậu không muốn thì để tôi...tôi...thay thế.
- Con bé này hay nhỉ? Điếm tư bản lạ nhỉ?
Làu bàu xong, Thắng duỗi người đứng dậy, trước khi đi ra, còn vất lại một câu:
 - Anh Tân đừng kể lại cho Cường nghe nhé! Nó mà biết được, trêu em đến xấu hổ mất thôi!




Ngô Nguyên Dũng



-----------------
Nguồn : Văn, Giai phẩm xuân Nhâm Thân
Số 114-115, tháng 12-1991 và tháng 1-1992

















No comments:

Post a Comment