Wednesday, November 25, 2015

ĐI BIỂN MỘT MÌNH


Mùa hè năm ấy tôi được nhà trường đề cử đọc diễn văn trong dịp lễ phát phần thưởng cuối niên học. Vừa bước lên sân khấu, tôi đã thấy một cặp mắt ngó mình châm bẫm. Lúc bước xuống người ấy còn dõi theo và đôi môi chợt cười mĩm. Tối hôm đó, trước khi ngủ tôi có nhớ đến đôi mắt và nụ cười nửa miệng của người đàn ông ngồi ở hàng ghế đầu đó một chút xíu. Nhưng tôi quên không để ý cấp bậc trên bâu áo nhà binh của chàng.

Mấy hôm sau trong khi tôi và Kim Hoàng, bạn đồng nghiệp cũng là bạn ở trọ chung nhà, sửa soạn hành lý về quê nghỉ hè thì chàng đến. Người tài xế thắng gấp, chiếc xe lê bánh trên sân cát kêu ken két. Chàng mặc đồ dân sự, trông có vẻ...hiền hơn. Tôi làm bộ mải mê xếp quần áo không để ý. Chàng bước xuống xe, tiến về phía cửa sổ chỗ tôi đang đứng. Chàng nói chào người đẹp. Tôi chưng hửng với lối ăn nói này. Tôi chưa kịp có phản ứng gì thì chàng nói thêm, hôm đó cô Thuý Vân nói chuyện hay quá. Tôi ngạc nhiên hỏi...sao ông biết tên tui. Chàng nói tại vì tôi muốn biết. Cái kiểu nhún vai của chàng thật dễ ghét làm sao. Tôi không biết tên ông là gì, cứ gọi ông và xưng tui cũng được chứ ?
Chàng rút bao thuốc lá trong túi, lấy một điếu châm lửa hút. Chàng nói ở đây ai cũng gọi tôi bằng ông. Chàng nhìn thẳng vào mặt tôi và xuống giọng một cách tình tứ. Nhưng tôi thích Thuý Vân gọi tôi bằng anh hơn. Hàm răng trắng đều. Cái miệng chàng đẹp làm sao.

Kim Hoàng tằng hắng một tiếng, như nhắc chừng trong nhà này còn có sự hiện diện của cô ta. Con nhỏ làm bộ hỏi Thuý Vân có thấy hộp phấn của mình để đâu không. Tôi chắc chắn một trăm phần trăm tự nảy giờ con nhỏ nghe hết lời đối thoại giữa tôi với chàng. Coi bộ nó cũng muốn nhảy vào vòng chiến.
Chàng không nói, nhìn quanh quất trước sân nhà. Chàng nhìn mấy buội hoa ở hàng hiên. Chàng nhìn mấy con chim đang hót ríu rít trên cành như đang rủ nhau về tổ ấm tối rồi. Kim Hoàng nói chẳng lẽ ông cứ đứng bên ngoài khung cửa hoài sao. Con nhỏ tự động mở cửa mời chàng vào. Nó tự giới thiệu, tôi tên Kim Hoàng, mời ông ngồi ghế. Con nhỏ tài lanh dữ. Tôi ghét ai gọi tôi chỉ Hoàng không không, nghe giống tên con trai. Tôi cũng chúa ghét ai viết tên tôi thiếu chữ G . Chàng bật cười, đàn bà có nhiều chi tiết lỉnh kỉnh quá nhỉ. Tôi tên Nguyễn Văn Tuấn, nhưng thường bỏ bớt chữ Văn, cứ gọi Nguyễn Tuấn cho nó tiện. Con nhỏ bỗng cười hăng hắc, tôi cũng bắt chước cười theo nó, một cách gượng gạo.
Chàng không chịu ngồi ghế  mà bước đến nhìn bức ảnh tôi treo trên tường. Tấm hình này tôi chụp mấy năm về trước. Tay chống cằm, đôi mắt mơ màng theo sự chỉ dẫn của ông thợ chụp hình. Kim Hoàng thường trêu ghẹo, người đẹp hôm ấy chắc bị đau răng.
Kim Hoàng đi xuống bếp pha nước chanh mời chàng. Coi bộ con nhỏ chịu chàng dữ. Chàng nói Thuý Vân có giọng nói thật truyền cảm, chắc là dạy môn Văn. Tôi mà làm học trò chắc là chết mê chết mệt cô giáo. Kim Hoàng từ dưới bếp bước lên tay bưng ly nước . Thuý Vân dạy Lý Hoá, còn em mới dạy Việt Văn. Trời ơi con nhỏ xưng em với chàng cái miệng ngọt sớt.

Bỗng dưng chàng mời đi ăn cơm tối. Thật bất ngờ. Kim Hoàng ra dấu bảo nhận lời . Tôi nói ông mời thật đúng lúc, hai đứa tôi chưa ăn cơm.
Tôi trang điểm qua loa sợ chàng chờ lâu. Tôi mặc áo gấm lá tre màu xanh da trời, đôi hoa tai rất to màu trắng, chuỗi ngọc trai và xách bóp đầm màu trắng. Vừa bước ra, chàng nhìn như thể tôi vừa lột xác. Chàng bảo người tài xế ra băng sau ngồi, để chàng tự lái. Chàng đưa chúng tôi đến một quán ăn cạnh bờ sông. Trên đường đi tôi có cảm tưởng thiên hạ nhìn ngắm mình dữ lắm. Chàng lựa một bàn cạnh cửa sổ. Gió ban đêm dìu dịu thật dễ chịu. Chàng đưa thực đơn, bảo tôi chọn món. Tôi trả lại nói ông chọn món gì cũng được. Chàng ghé sát nói đừng gọi tôi bằng ông. Giọng chàng tình dữ, làm như tôi là bồ của chàng không bằng. Chàng hỏi hai cô có muốn uống bia không. Kim Hoàng hào hứng, hai người cụng ly.
Trong suốt bữa ăn , chàng chỉ nói chút ít và hình như chàng có điều lo nghĩ. Chàng kể lại một vài trận đánh lớn trong đời. Giọng chàng có lúc hăng say, có lúc hơi tếu. Chàng có nhắc sơ qua về thời thơ  ấu ở Vĩnh Long. Tôi nói quê tôi ở Sa Đéc, khít một bên vách với quê chàng đó.
Trên đường về, chàng hỏi hai đứa tôi ăn có ngon không. Có muốn tuần sau trở lại ăn một lần nữa không. Tôi nói ngày mai tôi về quê nghỉ hè rồi. À ra thế, chàng hỏi khi nào thì Thuý Vân trở qua đây lại. Tôi nói tháng sau trở qua gác thi tú tài.
Chàng chỉ ngồi trên xe không bước xuống đưa tôi tận cửa như tôi muốn. Tôi đứng tựa cửa nhìn chàng de xe cho tới khi đi khuất.

Kim Hoàng nói lúc bồ ngồi xe Jeep, trông bồ sang như một bà tướng. Tôi nói thiệt vậy sao nhỏ. Tôi bước đến trước gương lớn, ỏng ẹo ngắm dung nhan. Tôi xoay người qua, trở người lại ngắm nghía chính mình. Cô Thuý Vân đẹp nhất trường tỉnh lỵ Mỹ Tho chớ bộ. Kim Hoàng nói nhưng dáng bồ hơi gầy, mông nhỏ mà bộ ngực lại to quá cỡ thợ mộc. Mũi cao nhưng cánh mũi hơi thô một chút. Tôi nói vừa thôi chớ nhỏ. Bồ tả người đẹp mà đọc lên chỉ toàn điểm xấu.
Kim Hoàng nói bồ đẹp thật sự chớ. Ai cũng công nhận bồ đẹp. Thầy Huân nói cặp môi bồ đỏ thẫm lại ươn ướt, tình lắm đó nhe. Quỷ thần ơi, bộ mấy người đem nhan sắc của tôi ra bình phẩm hả ? Con nhỏ chối bai bãi đâu có đâu có.
Tôi vào phòng tắm rửa mặt và thay đồ ngủ. Lúc lên giường  nằm tôi nói chàng coi vậy mà hiền queo. Kim Hoàng nói coi chừng lầm đó nhe em. Chàng nổi tiếng đào hoa ở đây ai mà không biết. Bồ cũng biết chàng nữa sao, tôi hỏi. Tui thương thầm trộm nhớ ổng từ lâu rồi, con nhỏ pha một chút hài hước, bỗng dưng tối nay thằng chả đem xác lại nộp cho bà. Nghe vậy tôi không nhịn được cười. Thôi để nhường lại cho bồ đó. Con nhỏ giận lẫy, không thèm nữa đâu.

Mấy hôm hè chẳng có gì thú vị. Nhà ba má tôi vắng hoe. Ngày nào tôi cũng trông thư, nhưng chẳng ma nào gởi cho tôi cả. Tôi có nhớ chàng một chút, thỉnh thoảng. Đôi lúc tôi nghĩ sao chàng đến tìm mình. Chàng đào hoa lắm kia mà. Giờ này chàng đang làm gì. Chàng có nhớ đến mình không hay là đang cặp kè một ả nào đó, rồi cũng đưa vào quán, rồi ăn rồi uống. Rồi gì nữa nhỉ. Tôi chấm dứt suy nghĩ ngay chỗ đó. Tự nghĩ mình với chàng đã là gì đâu.
Trở lại Mỹ Tho buổi trưa, buổi chiều đã thấy mặt chàng. Kim Hoàng trêu ghẹo, coi bộ hai người mê nhau rồi nhe. Chàng đưa tôi lại quán ăn cũ, cũng những thức ăn lần trước do chàng tự chọn. Nhưng thái độ chàng thân mật hơn, chàng kể tôi nghe nhiều chuyện lý thú. Tôi chợt thấy mình đã xưng em và gọi chàng bằng anh.

Chàng thường đến gặp tôi vào cuối tuần, lúc đi ăn lúc đi xem chớp bóng. Có lúc chàng đưa tôi về vùng quê câu cá. Đôi khi chúng tôi chỉ ngồi trên xe chạy loanh quanh thành phố, không ghé lại một chỗ nào cả, rồi về. Một hôm, chàng bất ngờ ngõ lời cầu hôn. Tôi thật bối rối. Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện này cả.
Tôi hỏi ý kiến Kim Hoàng. Con nhỏ làm ra vẻ thầy đời. Chúng mình đã hai mươi bốn rồi còn gì nữa. Lấn bấn mà già tới nơi. Bồ chưa  quyết định là vì bồ chưa cảm thấy yêu anh Tuấn lắm phải không. Không hẳn vậy, mình cũng không hiểu rõ mình. Lập gia đình lúc này, còn hơi sớm. Nhưng ông bà già cứ mong mình lấy chồng. Ai cũng được. Miễn là lấy chồng. Má mình sao cứ sợ cho cái tuổi Dần của mình. Biết vậy, hồi trước bà đẻ mình sớm một chút hoặc trễ một chút có hơn không. Đừng nói nhảm nữa bà ơi. Kim Hoàng nói, đàn ông hay đàn bà , ở một cái tuổi nào đó, cần lập gia đình, đôi bên thấy nhau tạm được thì cứ lấy nhau. Rồi đâu cũng vào đó. Rồi thành chồng thành vợ. Rồi sinh con đẻ cái. Tôi chận lời, thôi đủ rồi nhỏ. Ngày mai mình sẽ cho chàng biết mình nhận lời.

Hai tuần sau  chúng tôi làm lễ hỏi. Bà chị tôi kề tai hỏi nhỏ, bộ kẹt rồi hả cưng. Cái điệu tôi làm đám cưới gấp còn hơn ma rượt ông vải, ai mà không nghĩ tôi mang bầu.
Trước ngày cưới hai tuần, chàng đưa tôi lên Sài Gòn mua sắm đồ cưới cùng nhiều món linh tinh khác. Chúng tôi dự định mướn khách sạn ngủ lại đêm. Buổi chiều khi ăn cơm xong, chàng hỏi em có còn trinh tiết không. Tôi có hơi bất ngờ với câu hỏi này, mặc dù đối với tôi điều này không có nghĩa gì cả. Tự dưng tôi muốn về ngay Mỹ Tho. Tôi cứ nằng nặc đòi về cho bằng được. Suốt đoạn đường chàng cứ càu nhàu, em thật kỳ quặc, anh chẳng hiểu gì cả.
Từ hôm đó tôi cảm thấy có điều gì hụt hẫng  trong tôi, mà chính tôi cũng không hiểu được. Càng gần đến ngày cưới, tôi bỗng có ý định đình hoãn cuộc hôn lễ. Tôi đem việc này nói với Kim Hoàng. Con nhỏ la bài hãi. Bộ bồ điên rồi hả. Biết bao cô gái mơ được lấy ông Tuấn, sao tự dưng giở chứng vậy. Tôi cười trừ. Giỡn một chút cho vui vậy thôi. Đồ quỷ. Rồi tôi và nó ôm nhau cười.

Tôi về nhà cha mẹ làm lễ cưới. Tôi không cảm thấy nôn nao, cũng không hồi hộp, cũng không  vui không buồn. Kim Hoàng là cô dâu phụ, theo nhắc tôi từng chút một. Ngày hôm ấy tôi như một diễn viên, làm đúng những gì đạo diễn chỉ bảo. Duy có lúc bước ra khỏi nhà lên xe hoa. Giây phút ấy tôi thấy cảm động làm sao. Má tôi khóc tấm tức. Lúc nhìn Dì Năm, vú nuôi tôi từ nhỏ khóc mếu máo, tôi không nhịn được bật cười khúc khích.
Chiều hôm ấy, một buổi tiệc cưới thật lớn, quan khách là các người có tiền bạc và quyền thế trong thị xã. Tôi thay đổi xiêm y  ba lần. Ai cũng trầm trồ cô dâu đẹp quá. Có nhiều người còn kéo tôi đến gần, nhìn ngắm vòng chuỗi kim cương sáng lấp lánh trên ngực.
Sau tiệc cưới họ hàng nhà gái trở về ngay. Lúc sắp sửa lên xe, ba má tôi dặn dò, thôi ba má về, hai con ở lại thương yêu đùm bọc nhau. Tôi cảm động ứa nước mắt. Thương cha mẹ quá chừng.

Tiệc tàn, chúng tôi đưa nhau trở về nhà. Tôi cảm thấy hơi cô đơn một chút. Vừa bước vào phòng chàng ôm chầm lấy tôi hôn lấy hôn để. Người chàng nồng nặc mùi rượu. Tối nay chàng quá vui, uống rất nhiều. Tôi cởi giày chàng ra, rồi áp mặt vào ngực chàng. Chàng siết cứng lấy tôi. Hôn như mưa vào tóc vào mặt. Tôi cảm thấy người nóng ran, với tay định tắt đèn, chàng bảo đừng, cứ để vậy.
Tôi cúi xuống hôn lên ngực chàng. Dưới ánh đèn, thân hình chàng thật quyến rũ. Chốc sau, chàng ngủ vùi, hơi thở nồng mùi rượu.
 Tôi đứng dậy bước đến ngồi bên bàn phấn.  chải lại mái tóc đầy keo. Lấy gòn chùi những vết phấn trên mặt. Tôi có cảm tưởng bứt rứt, muốn đi tắm. Nước lạnh làm tôi tỉnh người, tôi thấy thật dễ chịu.
Lọ hoa hồng vẫn còn sắc thắm, tỏa hương thơm dìu dịu. Hai chữ song hỷ bằng đồng, treo nơi cửa, gió nhẹ thổi kêu leng keng. Tôi chưa muốn ngủ, tò mò mở những món quà xem họ tặng những gì. Nhưng không thấy thú vị, đành thôi. Tôi nghĩ từ hôm nay mình không còn là con gái nữa. Mình đã có gia đình. Từ nay cuộc đời mình sẽ trói buộc suốt đời vào người đàn ông đang nằm ngủ say vùi đằng kia. Tôi chợt khóc, tôi cũng chẳng hiểu vì sao.

Nhà có một anh tài xế, một anh tà lọt sai việc vặt và một chị bếp. Nhưng chàng thích tự tay tôi nấu nướng hơn. Nhưng tôi ghét chàng hay chê mặn chê ngọt, trong lúc chàng chẳng một lời với chị bếp, dù đôi khi chị nấu dở khẹc.
Một hôm đi dạy cả ngày, tôi mệt đừ. Hôm đó tôi làm món cá chiên tươi dầm nước mắm. Tôi nghĩ rất tuyệt. Ngờ đâu cũng bị chàng chê mùi hơi tanh. Tôi tức mình chạy lại tủ lạnh đứng khóc. Chàng không nói lấy xe bỏ đi mất. Tôi buồn quá định đến rủ Kim Hoàng đi xem bói, nhưng ngại trời mưa lớn nên thôi. Chị bếp không biết có nên dọn mâm cơm đem cất, hay cứ để vậy. Đứng xớ rớ rồi bỏ lên võng nằm ca vọng cổ. Trời mưa hoài làm tôi buồn muốn thúi ruột.

Chàng trở về bảo chị bếp sao không dọn mâm cơm đi. Rồi tỉnh bơ đọc báo làm như chẳng có việc gì xảy ra. Tôi tức điên người trằn trọc không ngủ được. Tôi lấy cái gối chận phía giữa làm ranh giới phân hai chàng và tôi. Lúc gần sáng chợt nhận ra chàng đang ôm cứng. Tôi cố đẩy chàng ra nhưng không được, đành buông xuôi để chàng một mình độc diễn.
Buổi sáng chàng không đưa tôi thẳng đến trường mà lại đưa vào một quán ăn. Còn giận chàng nên định bụng đóng vai câm điếc . Chàng hỏi muốn ăn gì, tôi chẳng thèm trả lời. Chàng tự động gọi cho tôi cơm tấm bì sườn ( chắc muốn đền bữa cơm chiều qua ) . Tôi nói với người hầu bàn, không, cho tôi một tô phở tái. Chàng cười cười. Tôi tức muốn cành hông. Muốn cắn muốn nhéo chàng cho hả giận. Tô phở nóng bốc mùi thơm phức. Tôi ăn một cách ngon lành, tôi tự nhiên bưng tô lên húp nước lèo. Đôi lúc tôi thích như vậy. Thấy thoải mái.
Chàng nói nhìn em ăn mà phát thèm. Lần sau nếu có giận nhớ ăn cơm no rồi hãy khóc. Chàng không xin lỗi mà cứ trêu tức tôi hoài. Tôi trở lại vai tuồng câm điếc. Chàng huýt gió một điệu nhạc nghe lạ hoắc.
Tôi đến trường trễ gần mười  phút. Học trò được dịp phá phách ồn ào như cái chợ. Tôi gọi hai đứa lên trả bài. Không đứa nào thuộc. Tôi nói mấy em làm cô chán quá, nhưng tôi tha không cho điểm xấu vào sổ đầu bài.

Tôi mang thai vào lúc chiến sự trở nên sôi động. Khi cái bụng của tôi mấp mô thì cộng sản về thành. Chúng bắt chàng dẫn đi mất, tôi ra khỏi nhà không kịp lấy quần áo.
Tôi trở về nhà cha mẹ, lòng hoang mang không biết chàng sống chết ra sao. Những ngày sau đó là những ngày buồn bã nhất trong đời của tôi. Tôi cứ khóc hoài. Má tôi theo an ủi, mày mang thai mà cứ khóc, mai mốt sanh con mặt mày buồn thiu.

Một buổi sáng tôi thấy đau bụng và có triệu chứng khác lạ. Tôi cho mẹ tôi hay. Bà lẳng lặng xếp vào giỏ xách cái bình thủy đựng nước nóng, một cái ly, một cái muỗng , một hộp sữa, tả lót và vài món linh tinh khác. Rồi bà đưa tôi đến nhà bảo sanh, không xa nhà tôi lắm.
Tôi nhớ lúc còn bé, có lần nghe mẹ hát ru con. Đàn ông đi biển có đôi. Đàn bà đi biển mồ côi một mình. Tôi không hiểu hỏi vì sao. Mẹ tôi vỗ đầu cười nói. Con nhỏ này dốt quá. Người ta ví đàn bà lúc sanh đẻ, cũng nguy hiểm như đàn ông lúc đi biển vậy. Giờ tôi sắp đi biển. Tôi không sợ nguy hiểm, nhưng tôi sợ phải đi biển một mình.
Tôi ước gì có chàng ở đây. Để tôi nhìn vẻ mặt lo âu của chàng. Để tôi được nắm cánh tay rắn chắc của chàng mà yên tâm hơn. Tuấn ơi ! Giờ này anh đang ở đâu. Anh có biết anh sắp làm cha.
Tôi úp mặt xuống gối, cố dấu giọt nước mắt vừa trào ra.

Mẹ tôi ra phía trước bệnh viện mua một ít quà bánh . Tôi không đói nhưng cố ăn một chút cho bà vui. Trời tối mẹ tôi về nhà vì bệnh xá không còn chỗ cho thân nhân thăm nuôi nghỉ ngơi. Nhìn bà cầm nón lá bước ra về, lòng tôi như se thắt lại.

Bên cạnh giường tôi là một thiếu phụ còn rất trẻ. Vẻ mặt hai vợ chồng non choẹt. Tôi đoán chừng hai mươi. Họ nói chuyện ồn ào về mùa lúa, mùa dưa. Rồi hội hè đình đám. Cả bên nội bên ngoại đứa trẻ đều đến thăm. Một người đàn bà, mà tôi đoán là bà ngoại đứa trẻ, nói với thiếu phụ. Con nhỏ này tuổi Mẹo, sinh giờ Hợi, tốt lắm đó.
Tôi không biết giờ Hợi là giờ nào. Nhìn khắp phòng xem mấy giờ rồi, nhưng ở đây người ta không có treo đồng hồ.
Tôi nhớ ba tôi ngày trước, mỗi khi anh em chúng tôi ra đời, ông đều giữ tấm lịch ngày hôm đó. Có ghi rõ ngày tây ngày ta, giờ tốt giờ xấu. Những việc nên làm, những điều nên tránh. Bất chợt tôi muốn biết hôm nay là ngày mấy. Nhưng trong nhà thương không có treo lịch Tam Tông Miếu.
Tôi không tin dị đoan nhưng cũng có lần theo Kim Hoàng đi lấy số tử vi. Thầy bói nói mệnh tôi vô chính diệu, nhưng nhờ cách tam không, phú quý khả kỳ. Giờ nghĩ lại thấy có phần đúng. Tôi có bao giờ nghĩ rằng cuộc đời phú quý của tôi chỉ trong một sớm một chiều đâu.

Người đàn ông đứng kế giường tôi bắt đầu nựng con. Anh ta nói với vợ, cái mặt con nhỏ giống y chang em, nhưng cái  miệng giống anh, bàn tay bàn chân giống anh. Rồi anh ta chu cái miệng nói đã đớt. Con mèo con, con mèo mày kêu...meo meo.
Tôi bỗng thèm khát thật sự cái hạnh phúc ở sát cạnh tôi, mà tôi không có được. Tôi thèm được có chàng ở đây. Để tôi nói, anh ơi lấy dùm em ly nước, để tôi nói anh ơi đuổi muỗi cho con, để tôi nói anh ơi thay tả con dùm em đi.

Tuấn ơi khi nào anh mới về để nói với em con mình nó giống ai.

Tôi đau bụng nhiều khi có y tá trực đến thăm. Người ta đưa tôi lên phòng sanh. Tôi kêu đau quá, cô mụ an ủi rán một chút nữa đi cô. Tôi cảm thấy đau đến chết được  khi cô đỡ la lên con trai con trai.

Nước mắt tôi chợt trào cùng với tiếng khóc chào đời của thằng bé.



Ý NGÔN








------------------------------------------------------------------------
Biên tập lại truyện ngắn cùng tên, đăng lần đầu trên VĂN  số 50  tháng 8-1986

Tuesday, November 24, 2015

GIÓ NGƯỢC CHIỀU


Tôi quen Lợi khi mới vào college. Tôi học chung với nó hai lớp. Lợi đến làm quen với tôi trước. Nó tìm cách ngồi cạnh tôi. Sau này có lần nó nói thấy tôi có vẻ hiền lành dễ thương.

Lợi cũng khá đẹp trai. Mũi cao, trán rộng, môi son. Cặp mắt sáng với đôi kính cận làm tăng vẻ con nhà học thức. Chiều cao trung bình, đối với tôi, ngoại hình như vậy quá ổn, dù tướng đi của nó hơi xấu.

Từ khi mới lớn, tôi cũng được nhiều người khen đẹp trai. Nhưng tôi hơi ốm so với chiều cao. Nét mặt nhìn kỹ có nhiều chỗ thô tháp. Giọng nói thì dở quá. Tôi thường có mặc cảm không tốt với giọng nói tiếng cười của mình. Có lẽ vì vậy tôi thường có cảm tình với người nào có giọng nói ấm áp truyền cảm, dù đôi khi người đó rất xấu.

Lợi thường đến đón tôi đi học. Tôi cũng có xe riêng nhưng thường đi chung với nó. Tôi thích được đưa đón. Lợi trái lại, thích đưa đón người khác. Thật ra nó là người năng động. Nó làm gì cũng hăng say lẹ làng. Lợi bằng tuổi tôi, nhưng lúc nào cũng có vẻ từng trãi. Thỉnh thoảng nó chê tôi hiền quá. Sao bạn không nói thẳng là tôi khù khờ. Nó cười trừ.

Trong cuộc đời học sinh, tôi chưa bao giờ đứng hạng nhất. Dù rằng tôi không phải là đứa ngu si đần độn gì cả. Ngược lại, đôi khi tôi cũng tự hào về mình. Tôi nhớ lúc lên mười , tôi đã ham đọc truyện thiếu nhi và bắt đầu mê kiếm hiệp. Mười lăm tuổi tôi đã bắt đầu viết lách lai rai gởi bài đăng ở mấy tạp chí con nít.

Nhưng khi vào Trung học, tôi chỉ là một học sinh tầm thường. Tôi học không đều, những môn nào tôi thích, tôi học khá. Môn nào tôi không thích, tôi chỉ học thờ ơ cho có lệ. Lý do tôi học dở, một phần cũng vì tôi hay buồn bất tử. Những khi buồn tôi không còn thiết tha đến gì cả.

Tôi bắt đầu biết đến khoái cảm nhục dục khi học lớp Bảy. Thuở ấy tôi vừa mười ba. Một buổi tối nghe mấy chú lính nói chuyện với nhau, họ nói chuyện tục, họ kể về mấy chuyện làm tình. Tôi còn nhớ rõ, buổi tối hôm ấy, lần đầu tiên biết được người đàn ông làm tình với người đàn bà như thế nào. Tâm trạng của tôi lúc đó rất kỳ cục. Tôi có cảm giác nhơ nhớp, ghê tởm.

Người yêu tôi đầu tiên có lẽ là Trương, thằng bạn học ngồi kế cận năm lớp Bảy. Người yêu tôi chớ không phải người tôi yêu. Tình yêu của nó chỉ một chiều. Trương lớn hơn tôi hai tuổi, nó si mê tôi một cách say đắm lạ lùng. Sau này, mãi về sau này tôi vẫn không hiểu sao nó mê tôi đến như vậy. Nó là một đứa con trai bình thường . Ý tôi muốn nói, nó không phải là người đồng tính luyến ái hay gì cả. Không, không phải như vậy.

Trong khi Trương càng lúc càng tỏ ra quyến luyến tôi hơn, thì tôi có cảm giác ...sợ nó. Tôi dần tránh xa Trương. Nó buồn bã khi thấy tôi thay đổi. Có nhiều buổi tối, Trương và mấy đứa bạn cùng lớp đến  đứng trước cổng nhà tôi. Tôi nghe tụi nó nói chuyện huyện thiên, nhưng tôi tránh không gặp mặt.
Sắp đến hè năm đó, tôi không còn nhớ tôi có cử chỉ như thế nào. Trương nhìn tôi bằng một cặp mắt hết sức buồn bã. Nó viết vào một mãnh giấy nhỏ và dùng dây thun ném về chỗ tôi ngồi. Trương nói sắp chia tay rồi sao có hành động như vậy.

Mùa tựu trường đến, tôi và Trương không còn đi chơi với nhau nữa. Nó đã quên tôi rồi. Nó trở về đời sống bình thường. Năm lớp Mười một, Trương cặp bồ với một đứa con gái cùng lớp.
Sau này nó lấy vợ, nó lấy một người nào đó, không phải cô bồ năm xưa.

Chắc nó không còn nhớ đến tôi. Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn thỉnh thoảng nhớ về nó. Tôi không yêu Trương. Tôi chưa bao giờ yêu Trương. Nhưng kỷ niệm về một người yêu mình say đắm làm tôi khó quên. Tôi sung sướng được có một đứa con trai yêu mình.

 Trong khi Trương trở về đời sống bình thường, thì tôi lớn lên trong một đời sống...bất bình thường. Mười lăm tuổi, tôi bắt đầu mê mấy anh chàng tài tử đẹp trai. Năm mười bảy, tôi mê một tên bạn cùng lớp. Năm mười tám, tôi thất tình một thằng bạn học khác. Thuở ấy, tôi gần phát khùng. Tôi giữ kín các mối tình một chiều đó tận đáy lòng. Tôi cố gắng kềm hãm cảm xúc. Nhưng càng đè nén bao nhiêu, tôi càng khổ sở bấy nhiêu.

Đó là lý do của những cơn buồn khơi khơi của tôi. Đó là lý do khiến tôi thờ ơ với việc học hành thi cử. Đó là lý do khiến tôi càng ngày càng đâm ra thờ ơ với tất cả mọi việc trên cõi đời này.

Lợi học rất giỏi, nó rất ham học. Nó mê học hơn mê gái. Mộng của nó là theo đuổi ngành Luật, dù sang đây tuổi của nó có hơi muộn màng. Lợi thường nói, trong khi nó không đủ thời giờ học bài, thì tôi lại có quá nhiều giờ rỗi rãnh. Tôi cũng thường theo Lợi vào thư viện, nhưng chỉ học bài làm bài vừa đủ. Còn thì ưa đọc sách báo vớ vẩn. Có nhiều buổi chiều, tôi ngồi dưới mấy gốc cây trong sân trường, ngó ông đi qua bà đi lại hằng giờ không biết chán.

Ngoài giờ học, tôi và Lợi có làm thêm ở phòng ăn của trường. Nơi đây tôi quen Thuý. Nàng có vẻ chịu tôi dữ. Nàng thường quanh quẩn những nơi có sự hiện diện của tôi, thư viện, cafeteria chẳng hạn. Nhưng tôi đáp lại tình nàng bằng một thái độ lạnh nhạt. Tôi không hiểu sao Thuý lại thích tôi, trong khi tôi lạnh như nước đá cục.

Phượng là bạn thân của Thuý, ăn nói rất bạo dạn. Có lần Phượng hỏi Lợi, trước mặt tôi, có phải anh Lợi không giống mấy người khác phải không. Tôi ngượng đến đỏ mặt, Lợi tỉnh bơ. Nó chẳng hiểu lời ám chỉ xa xôi của con bé. Nghĩ cho cùng, nó thản nhiên vì nó đâu có phải như vậy.

Một hôm, sau khi thi final xong, Lợi muốn đi chơi xa  sau bao ngày học hành miệt mài. Tôi đề nghị đi casino ở Reno. Lợi đồng ý, dù hai đứa chẳng mấy thích các trò chơi đen đỏ.

Qua khỏi Sacramento khoảng ba mươi phút lái xe, đường bị kẹt vì tuyết xuống. Lần đầu tiên nhìn tuyết rơi, tôi reo vui nói với Lợi. Những hạt tuyết nhỏ bé rơi rơi có hình cánh hoa y chang trong hình vẽ. Lợi bước ra ngoài xem xét tình hình. Sau đó nó trở về xe, tôi tựa đầu lên vai Lợi, nghe niềm vui đang xôn xao dậy sóng trong lòng.
Sau khi xe cào tuyết dẹp  đường, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Đến Reno lúc nửa đêm, chúng tôi tìm mướn khách sạn. Sau khi ăn tối, tôi giả vờ mệt mỏi và than buồn ngủ. Tôi chỉ muốn kéo Lợi về phòng trọ.

Phòng chúng tôi có hai giường, nhưng tôi nhào vào giường của Lợi ngủ chung với nó. Lợi ngủ để mình trần. Nhìn nó mà tôi thèm muốn phát khùng. Trước  đây tôi đã nhiều lần ngắm lén nó rồi, những khi tụi tôi tắm chung với nhau.

Hai đứa nói chuyện bâng quơ. Lợi sẽ chuyển qua một trường khác để hoàn tất chương trình cử nhân. Nó chọn một trường lớn, danh tiếng ở một thành phố khác. Nó thuyết phục tôi tiếp tục việc học. Tôi trả lời ởm ờ, để xem, cái đó cũng còn tuỳ hoàn cảnh.

Tôi bắt đầu đưa tay xoa nhẹ lưng của Lợi. Nó uốn éo thân mình khi tôi đưa mũi cọ vào gáy của nó. Lợi kể tôi nghe về đứa con gái nó vừa quen. Nó nói cô nàng cũng khá thông minh . Nó kể tôi nghe những lần nó và cô gái đó đi chơi. Nó nói nàng thật tuyệt vời trong phòng the. Tôi cảm thấy đau đớn. Tôi ghen tức với đứa con gái tôi chưa từng gặp mặt.

Lợi ngồi dậy bật đèn, lôi từ trong ví của nó hình con bé đó cho tôi xem. Tôi đau khổ thú thật tôi yêu nó từ bao lâu nay. Lợi có vẻ hơi bất ngờ khi bị tôi tỏ tình. Nó nói không, không, Giang yêu Thuý lắm kia mà. Giang có người yêu, Thuý đó, Thuý đó.

Lợi nằm im quay mặt sang hướng khác. Chốc sau nó nhảy sang giường bên cạnh ngủ một mình. Tôi nhìn ra bên ngoài, tuyết rơi nhẹ nhàng bay bay trắng xoá. Lòng tôi buồn và lạnh như mùa đông.

Buổi sáng  lúc thức dậy, Lợi có vẻ ngượng. Tôi làm tỉnh. Sau khi tắm rửa xong, hai đứa dẫn nhau đi ăn sáng. Rồi chúng tôi lên xe trở về, không đánh bài đánh bạc gì cả. Tôi để Lợi lái xe, tôi kéo ghế thấp xuống, cố dỗ giấc ngủ.

Tuần sau tôi gọi điện thoại, Lợi trả lời nhát gừng. Sau đó nó có đến nhà đưa mấy tấm hình chụp hôm đi chơi ở  Reno. Lúc ấy tôi đi vắng. Sau này tôi nghĩ nó cố ý tránh mặt. Tôi có trở lại nhà Lợi một lần rủ nó đi xem chớp bóng. Nó từ chối, viện cớ loanh quanh. Tôi nói, tôi hiểu. Tôi cũng hiểu tình bạn giữa hai chúng tôi coi như đã hết.

Khoá học mùa xuân trở lại, Lợi chuyển sang một trường khác. Tôi vẫn còn ở lại ngôi trường cũ...đau đớn biết mình đã xa một người bạn. Tôi cố gắng lấy mấy lớp sau cùng để hoàn tất chương trình hai năm. Hôm tốt nghiệp, Lợi có dự. Nó nhìn tôi và có vẻ muốn nói một điều gì đó. Tôi làm bộ tảng lờ nói chuyện với Thuý. Tôi cố làm ra vẻ vui cười ngoài mặt mà trong lòng thì héo queo như một đóa hoa tàn.

Kể từ đó, tôi không còn gặp lại Lợi nữa.




NGUYỄN THẠCH GIANG

1987


Thursday, November 12, 2015

NHƯ DẠO ẤY, NHƯ BÂY GIỜ



Mẹ tôi nhỏ hơn cha tôi mười bốn tuổi. Thuở nhỏ, tôi nghĩ khoảng cách ấy quá lớn, quá xa. Giờ đây, nhìn một cô dâu mười tám, chú rể ba mươi hai, tôi thấy không có gì quá đáng.

Nếu đem ra chấm điểm từng món trên gương mặt của mẹ tôi, bà không được một điểm nào cả. Nhưng nhìn chung, bà rất duyên dáng. Bà có nụ cười rất tươi, rất hiền. Đôi mắt có vẻ hơi buồn. Và dáng điệu lúc nào cũng có vẻ buồn buồn. Hình như bà thường chất chứa nỗi buồn. Tích lũy từng nỗi buồn này đến nỗi buồn khác.

Cha tôi làm việc tại Ty Giáo Dục Long An. Mẹ tôi chỉ ở nhà, lo cơm nước và săn sóc con cái.  Tôi ra đời lúc tổng thống Ngô Đình Diệm  vừa lên nắm chánh quyền. Cha mẹ tôi có năm người con. Anh Luân, chị Hằng, tôi và hai em Minh, Lâm.
Khi tôi lên mười, cha tôi đổi về làm việc ở Cần Thơ, cũng là quê ngoại.
Mẹ tôi cất nhà trên đất vườn của bà ngoại. Ông ngoại tôi qua đời khi cha mẹ tôi chưa lấy nhau. Ông vốn là Hương Cả trong làng. Nhà ông ngoại xưa cổ, nhưng rất lớn. Nhà có tủ cẩn xa cừ, có bàn ghế bằng gỗ quý. Có bộ ngựa gõ rất dầy, có lu mái đầm bự, có cối xay bột bằng đá, có liểng cẩn ốc xa cừ với hàng chữ nho.

Ông bà ngoại có hai người con. Cậu Hai và mẹ. Cậu Hai chết sớm. Cậu chết lúc sắp sửa cưới vợ. Nhân tình của cậu lúc đó mang thai ba tháng. Lúc sanh ra chị Diệu, con gái cậu Hai, mẹ chị Diệu giao cho bà ngoại nuôi. Ngoại đặt tên Diệu, ngoại nói con gái thì phải dịu, dịu dàng. Bà ngoại của tôi là bà nội chị Diệu. Mẹ chị Diệu bỏ đi mất biệt. Không trở lại. Không ai biết mẹ chị Diệu ở đâu. Cũng không ai đi tìm.
Bà ngoại nuôi chị Diệu như mẹ nuôi con. Thuở nhỏ, chị Diệu hay gọi bà nội ...má. Mẹ tôi thấy vậy rầy, không cho gọi như vậy. Bà ngoại nói kệ nó con. Tội nghiệp con Diệu, nó không có mẹ có cha.

Nhà của bà ngoại cất hướng mặt về con sông ở trước vườn. Lúc cất nhà, cha tôi lại muốn hướng mặt tiền về phía con đường cái ở sau vườn. Thành ra nhà của ba má tôi đâu đít với căn nhà bà ngoại. Từ căn bếp nhà tôi sẽ trông thấy căn bếp nhà bà ngoại. Hai nhà cách nhau một vuông đất nhỏ.

Chị Diệu lớn hơn tôi sáu tuổi. Lúc tôi về ở quê ngoại, chị Diệu học lớp Đệ Tứ trường tư thục. Nhà bà ngoại không có đồng hồ, đúng ra, có một cái rất xưa, từ thời ông ngoại còn sống. Cái đồng hồ ấy đã hư, vẫn còn treo trên tường. Chỉ để trang trí, không phải để xem giờ.
Chị Diệu xem giờ bằng cách xem bóng nắng. Buổi sáng, hễ nắng rọi đến bộ trường kỹ thì chị đi học. Buổi chiều, hễ nắng rọi đến thềm đá trước nhà thì chị đi là vừa. Tôi phục lắm, về nhà khoe với cha. Ba ơi! Nhà bà ngoại không có đồng hồ, chị Diệu xem giờ bằng cách xem bóng nắng. Cha tôi đố lại, Ba đố con, hôm nào trời mưa không có nắng, làm sao chị Diệu biết giờ mà đi học.
Tôi suy nghĩ hoài mà không biết câu trả lời. Tôi chạy đi hỏi chị Diệu. Chị không nói. Chị lại...đố em đó. Chị Diệu làm tôi tức ghê nơi.

Buổi chiều tôi thường chạy sang nhà bà ngoại. Lẩn quẩn dưới bếp, chơi với chị Diệu. Hễ chị lặt rau, tôi lặt rau tiếp chị. Chị Diệu nấu cơm, tôi đi xúc gạo.  Chị Diệu làm cá, tôi đi rửa nồi.  Tôi thường ăn cơm chiều ở nhà bà ngoại. Tôi chạy về khoe, chị Diệu nấu cơm khéo. Ba tôi nhạo, tại con đi ăn chực, nên thấy ngon.
Mỗi khi vo gạo, chị Diệu thường lấy nước cơm vo rửa mặt. Chị nói, để cho da mặt được mịn, được trắng...như nước cơm vo. Thỉnh thoảng, chị lấy trứng gà luộc, bóc vỏ, lăn da mặt để hút mụn.
Tôi chạy về nhà hỏi mẹ. Má ơi! Trứng gà luộc trị được mụn phải không má. Mẹ tôi nói, con Diệu bắt đầu biết xí xọn rồi đó.
Nhà bà ngoại chụm củi.  Mỗi khi nấu ăn xong, chị Diệu thường gắp than cháy đỏ, bỏ vào cái nồi đất nhốt lại. Hôm sau đem ra dùng lại được. Buổi chiều, trong khi nấu ăn, mẹ tôi thường ngắm khói bếp nhà ngoại chầm chậm bay lên. Mẹ tôi biết chị Diệu cũng đang nấu cơm. Khi nào có món gì ngon, từ căn bếp bên này, mẹ tôi gọi vọng sang căn bếp nhà ngoại, Diệu ơi! Qua đây bưng cái này về cho nội nè.
Có lẽ, cứ nhìn sang nhà ngoại trở thành một thói quen. Cho nên, hôm nào không thấy khói từ bếp nhà ngoại tỏa ra, mẹ tôi như thấy thiếu thốn một cái gì đó. Và nếu tôi nói hôm nay nhà ngoại ăn cơm nguội, mẹ tôi cũng không thấy yên tâm. Thế nào bà cũng bước sang xem xét sự tình.

Chị Diệu có một tấm hình của cha và mẹ chị chụp chung. Có lần, chị cho tôi xem. Chị hỏi, em thấy chị giống ai. Chị giống mẹ chị nhiều hơn phải không. Tấm hình nhỏ xíu. Tôi không nhìn rõ mặt cậu Hai và mặt mẹ chị Diệu. Tôi hỏi mẹ, chị Diệu nói chỉ giống mẹ chỉ hệt khuôn phải không má. Nó giống cậu Hai chớ, bà ngoại nuôi nó mà. Hễ ai nuôi thì giống người đó.
Tôi chạy sang nói với chị Diệu, má em nói chị giống cậu Hai nhiều hơn. Chị Diệu gõ đầu tôi, cái con nhỏ này, chuyện gì cũng chạy về học lại với cô Ba. Em Nguyệt mà còn nhiều chuyện, chị nghỉ chơi với em luôn. Sợ chị Diệu buồn, tôi không dám nói cho mẹ tôi nghe chị Diệu có bồ. Anh Khanh là người yêu của chị Diệu. Mỗi tối anh Khanh thường đến chơi. Anh Khanh biết đàn mandoline. Anh Khanh dạy chị Diệu hát bài Sơn Nữ Ca. Hai người thường nói chuyện tâm tình dưới gốc cây mận, trước nhà bà ngoại.

Khi chị Diệu thi đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp, có hai đám đến dạm hỏi. Chỗ quen biết với ba. Nhưng chị Diệu chỉ thương anh Khanh mà thôi, chị nói với bà ngoại, dạ thưa nội, con còn nhỏ, con chưa muốn lập gia đình.
Anh Khanh nghe tin chị Diệu được nhiều chỗ ngắm nghía, anh nhờ người lớn tuổi đến nhà hỏi bà ngoại cưới chị Diệu. Bà ngoại vô tình, cứ tưởng chị Diệu chưa muốn lấy chồng. Ngoại thoái thác, cháu tôi còn nhỏ, nó còn đi học. Chị Diệu từ trong buồng bước ra, dạ thưa nội, con thương anh Khanh, con muốn lấy chồng.
Năm đó chị Diệu vừa mười tám. Hôm đám cưới, mẹ ở trong bếp giả giọng chị Diệu, dạ thưa nội, con muốn lấy chồng. Ai cũng cười, nhưng chị Diệu không mắc cở.
Bà ngoại gã chị Diệu, nhưng giao điều kiện, bắt rể. Ngoại sợ chị Diệu còn nhỏ dại, không biết làm dâu.
Chị Diệu mang thai ba tháng thì anh Khanh nhập ngũ. Lúc chị Diệu sanh con đầu lòng, anh Khanh đổi ra miền Trung. Con chị Diệu đầy tháng, anh  về dẫn chị Diệu đi theo. Bà ngoại nhớ lắm, nhưng sao giữ chị lại được. Ngoại nói với mẹ, nuôi nó từ lúc mới đẻ, giờ vắng nó thấy nhớ lắm.

Chị Diệu theo chồng, nhà bà ngoại vắng vẻ chi lạ. Mẹ bảo anh Luân sang ngủ nhà ngoại. Mẹ sợ, ngoại lớn tuổi ở một mình, rủi có chuyện gì đêm hôm không ai biết. Chiều nào, mẹ cũng sang nhà ngoại chơi tới tối mới về.
Một hôm trời mưa gió, ngoại ra vườn cắt lá chuối, không may bị trợt té. Ngoại nằm liệt giường mấy tháng. Mẹ buồn lo. Mẹ săn sóc thuốc thang. Nhưng mẹ không giữ được ngoại ở lại với đời. Tôi chịu tang bà  ngoại năm ấy lúc  mới vừa mười bốn.

Mấy tháng sau đó, mẹ tôi cho mấy anh học trò trong quê thuê ở trọ căn nhà của ngoại. Trong số ấy, có anh Tài tuy là dân ở ruộng nhưng mặt mày tướng bộ tao nhã. Anh lại biết đàn ca. Chị Hằng của tôi có vẻ thích anh Tài lắm.
Chị Hằng nay đã mười bảy tuổi rồi. Đã là một cô thiếu nữ nhiều mộng mơ. Đã thích trang điểm, quần áo lượt là. Chị lại thích đàn ca múa hát.
Dạo đó, thành phố tôi ở có hai tiệm chụp hình nỗi tiếng. Tiệm Phương Đông và tiệm Phương Nam. Chị Hằng là thân chủ của hai tiệm trên. Chị rất mê chụp hình. Chị chụp đủ kiểu. Tháng nào cũng đi chụp hình. Có bao nhiêu tiền đều đi chụp hình.
Tiệm Phương Đông có chụp cho chị một tấm hình rất đẹp. Hình chị ôm cây đàn ghi ta, rọi lớn chưng trước cửa tiệm. Một hôm cha tôi đi ngang trông thấy. Ông vào bảo chủ tiệm cất tấm hình đó đi. Ông không thích thiên hạ, đi ngang qua lại nhìn hình con gái ông như vậy. Lúc tôi và chị Hằng đến, ông thợ than ông già khó tánh quá trời. Cũng may, cha tôi không nhìn thấy tấm hình nhỏ của tôi chưng ở trong. Hình tôi giả làm cô gái Nhật Bản, mặc áo kimono và che dù. Còn chị Hằng thì giả làm cô gái miền sơn cước, vận xà rông, búi tóc và mang kiềng.

Chị Hằng yêu anh Tài lúc nào tôi chẳng biết. Hễ có dịp là chị chạy sang nhà ngoại tò tí với anh Tài. Chị Hằng là cô gái trẻ mới lớn, lại rất bạo dạn. Cho nên dù cha mẹ tôi có nghiêm khắc cách mấy, chị cứ tìm cách đi chơi với anh Tài hoài.
Mỗi lần chị Hằng vắng nhà tôi rất khổ tâm. Mẹ tôi cứ ra vào trông ngóng. Cha thì cứ hậm hừ, hậm hực. Không khí trong nhà thật khó thở. Một hôm chị đi chơi đến khuya vẫn chưa về. Mẹ tôi không ngủ được, bà cầm cây roi mây nhịp lên bàn phát sợ.
Chị Hằng mở cửa rón rén bước vào. Mẹ tôi lớn tiếng, Hằng lại đây biểu, đi đâu giờ này mới về. Chị Hằng làm ra vẻ tự nhiên, dạ con đi xem chớp bóng với bạn con. Cha tôi hỏi đi xem gì mà tới giờ này mới về. Chị nói dạ...hai tuồng nhập một. Cha tôi cầm cái gáo dừa gõ lên bàn một cái bốp. Cái gáo dừa  bể làm hai. Bả tỉnh bơ. Thiệt tình tôi chưa thấy ai to gan như bà chị của tôi.

Một buổi trưa trời mưa lất phất. Tôi may áo nhưng không biết cách ráp cổ. Vừa định nhờ chị Hằng làm giúp, thì chị lại chạy sang nhà ngoại. Tôi làm hoài không được, tức mình chạy đi tìm chị Hằng. Nhà ngoại vắng te. Mấy anh học trò đi chơi đâu cả. Tôi rón rén bước vào. Chợt nghe tiếng chị Hằng khóc thút thít trong buồng. Tôi nhẹ đến gần, ghé mắt nhìn trộm. Anh Tài đang dỗ ngon, dỗ ngọt chị Hằng. Cả hai vừa mới ân ái xong, thân thể còn để trần, chưa kịp mặc quần áo.
Tôi chạy một mạch về nhà. Trống ngực đánh thình thịch. Chị Hằng đã đi quá xa. Chị đang trong cơn mê, không còn giữ gìn gì nữa. Suốt cả buổi chiều hôm ấy, tôi thật bàng hoàng lo sợ. Tôi sợ cha mẹ biết được thì thật là khổ . Tôi sợ rủi chị Hằng mang bầu thì biết làm sao đây.

Chắc là cha mẹ tôi cũng nhìn thấy hở một chút là chị Hằng chạy sang nhà ngoại. Ông bà lấy nhà lại, không cho mấy anh học trò ở trọ nữa. Hôm anh Tài dọn đi, chị Hằng có vẻ hơi buồn. Chị lặng thinh không nói gì cả.
Nhưng đâu ai ngờ đôi trai gái kia toan tính điều gì. Chị Hằng thật là gan. Một buổi chiều kia, cha tôi đi làm về hay tin chị Hằng bỏ nhà đi theo anh Tài. Chị để lại một bức thư. Không biết chị viết gì. Mẹ tôi đọc chỉ biết kêu trời.
Tôi không nhớ chiều hôm ấy cha tôi có ăn cơm không. Tôi chỉ còn nhớ, lúc ấy trời chạng vạng tối, cha tôi ngồi hút thuốc. Mưa ngoài trời lất phất. Cóc nhái ểnh ương xúm nhau kêu vang rầu thúi ruột.
Tôi nghĩ cha tôi khóc, tôi chờ đợi cha tôi khóc.
Không. Cha tôi không khóc. Nhưng nhìn vào gương mặt của người, một nỗi đau đớn không gì diễn tả được.

Anh Luân thi rớt vào đại học, nhập ngũ khoá 3/69 Thủ Đức. Anh Tài cũng bị lệnh động viên chi phối, nhập ngũ cùng khoá với anh Luân. Chị Hằng ôm gói trở về nhà. Và dĩ nhiên, cha mẹ tôi tha thứ. Và chị em tôi lại sống vui vẻ với nhau như chẳng có gì xảy ra.
Anh Luân ra trường, được đổi về miền Trung. Mỗi năm anh đi phép một lần. Và một chiều kia, cũng trời mưa lất phất. Có một người lính đến nhà mang theo điện tín báo tin anh Luân tử trận. Năm ấy anh vừa mới hai mươi ba tuổi đời. Hai năm tuổi lính.

Cha tôi khóc. Đây là lần thứ nhất trong đời , tôi thấy cha tôi khóc.

***

Thấm thoát mà tôi xa quê đã mười năm. Ngày tôi đi mẹ vừa sáu mươi. Lúc đó mẹ vẫn còn khỏe mạnh, vẫn còn làm công chuyện nhà lắc xắc. Mẹ nay đã bảy mươi. Em Lâm gửi thư qua cho biết, mẹ vẫn còn làm công chuyện nhà lắc xắc như dạo nào.

Vợ chồng em Minh của tôi đã sang Mỹ, do gia đình bên vợ bảo lãnh. Hôm nó qua, chị Hằng ở Úc có sang thăm.  Gặp nhau mấy chị em mừng quá trời. Thằng Minh kể, hôm tiễn nó ra phi trường, má tôi khóc, thằng Lâm khóc như mưa. Nghe nó kể, tôi không cầm được nước mắt. Lúc cha tôi bệnh nặng, chỉ một mình em Lâm gần gũi. Tội nghiệp, em hết lòng lo lắng, ân cần săn sóc người.

Mẹ ơi! Những năm sống xa quê, con nhớ nhiều nhất là khói bếp nhà ngoại chầm chậm bay lên trong chiều mưa lất phất. Con nhớ lời mẹ nói, con Diệu làm gì mà giờ này chưa chịu bắt nồi cơm.
Nếu cha tôi còn sống, tôi sẽ khoe với cha, tôi đã biết làm sao chị Diệu biết giờ đi học những hôm trời mưa. Dễ ợt như vậy mà sao ngày xưa tôi không nghĩ ra.
Và khi nào gặp lại chị Diệu, tôi sẽ hỏi chị có còn giữ tấm hình của cha và mẹ chị không.
Hỏi thì hỏi vậy. Chớ tôi biết chắc rằng, chị Diệu luôn giữ tấm hình đó.

Như dạo ấy, như bây giờ.




Ý NGÔN








----------------------------------------------------------------------

Biên tập lại từ một truyện ngắn cùng tên, đăng lần đầu trên VĂN  số 87 tháng 9-1989


Wednesday, November 4, 2015

CHIM XA RỪNG



Ý Ngôn



Chim xa rừng thương cây nhớ cội 
Người xa người tội lắm người ơi
Ca dao



Cơn mưa muộn bỗng đâu kéo về thành phố. Cái xứ này mưa nắng thật bất thường. Kim Anh bị cảm, lổ mũi nghẹt cứng thật khó chịu. Nàng ngồi trên giường ôm cái gối vào lòng, ngó ra ngoài thầm trù ẻo rủa xả cơn mưa bất tử. Nàng nói tại cơn mưa ngoài tầm dự báo thời tiết nên nàng lãnh đủ. Thu Cúc từ ngoài bước vào, nói một câu trật chìa trật bàn đạp trật đường rầy xe lửa. Trời mưa dễ thương ghê. Mình thích buổi chiều ngồi ngắm mưa rơi lất phất ngoài trời. Buồn buồn làm sao. Nhớ nhà dễ sợ. Nhớ Việt Nam dễ sợ.

Thu Cúc khoe băng nhạc nàng vừa mua. Hay không thể tưởng tượng. Lời mở đầu thật tuyệt, để mình hát thử bồ nghe. Nàng để tape nhạc vào máy, gương mặt mơ mộng theo điệu nhạc mở đầu. Cô ca sĩ nói nhõng nhẽo:

" ...Nước mắt em lặng lẽ rơi theo những giọt mưa ngoài song cửa. Chúng ta đã qua một đoạn đời, và anh sẽ chẳng bao giờ còn trở lại nơi này. Chỉ còn em với những buội hoa dại bên đường. Và đêm. Đêm một mình. Đêm dài như không bao giờ qua..." 

Kim Anh cắt ngang. Thôi chị ơi. Có hát thì hát. Nói lãi nhãi nghe mệt óc.
Thu Cúc hờn dỗi tắt máy. Lời mở đầu hay như vậy, bồ không biết thưởng thức. Tại bồ chưa trãi qua tâm trạng đó . Tui vái cho một ngày kia bồ thất tình, bồ sẽ cảm thấy hay. Nhớ lời tui nói nhe, khi nào thất tình, nghe lại lời nói đầu của cuộn băng nhạc này, sẽ thấy thấm thía tận xương tủy. Ừa, mà bồ cũng trùng tên với ca sĩ hát băng nhạc này đó. Kim Anh, Mùa Thu Lá Bay.
Kim Anh trề môi. Ai đời như bồ, mua băng nhạc thích lời giới thiệu .
Kệ tui.
Mua sách, lựa hình bìa in màu đẹp, cách trình bày đẹp.
Kệ tui.
Ai đời như bồ, ăn cá thích ăn cái đầu, ăn gà ưa gậm cái cẳng.
Kệ tui. Vậy mà cũng có người thương thì thôi.
Kim Anh chới với. Nàng tấn công ba chiêu. Thu Cúc chẳng hề hấn gì. Địch thủ giở tuyệt chiêu, nàng cứng họng.
Kim Anh đánh trống lãng. Thiệt là ghét cái chứng sổ mũi. Nàng đứng dậy ra phòng khách rót nước uống thuốc. Lúc trở vào nằm vật xuống giường rên hừ hừ. Kim Anh nói Thu Cúc ơi khi bịnh tui thích được rên hừ hừ. Thấy nhẹ nỗi đau chút đỉnh. Thu Cúc ơi khi bịnh tui thích tui mê tui ghiền được có người ngồi bên mép giường nói chuyện với tui. Tui cần, tui thiệt là cần bồ ngồi đây nắm tay tui, sờ trán tui, bóp tay bóp chân cho tui. Tui thèm được nhõng nhẽo lắm bồ ơi.
Thu Cúc đứng dậy nói để mình đi lấy muổng cạo gió nhe. Kim Anh uốn éo thân mình khi Thu Cúc đưa cái muổng thiếc cạo cạo lưng nàng, như người ta cạo nhớt con cá trê. Nàng nhõng nhẽo, nhẹ nhẹ tay một chút đi bồ. Thu Cúc nói cạo mạnh mới ra gió. Kim Anh nói đau quá thôi không cạo nữa đâu. Bồ đấm lưng cho tui đi. Nàng nghĩ đến đôi bàn tay của con nhỏ có những ngón thon dài, mềm dịu  có móng nhọn lú lú xinh xinh.
Kim Anh nói Thu Cúc à, bồ đẹp ngầm bồ có biết không.
Đẹp ngầm là đẹp làm sao. Thu Cúc hỏi vặn lại.
Một người đẹp ngầm là vẻ đẹp bị che khuất. Chẳng hạn cái vẻ đẹp bị quần áo rườm rà che phủ. Chẳng hạn như bồ nhìn phớt qua chẳng thấy . Nhưng bồ có một vẻ đẹp ngầm. Bàn tay bàn chân thật đẹp. Làn da trắng mịn, thân mình mát rượi. Bồ thiệt là đẹp khi không bận quần áo.
Thu Cúc dãy nãy. Thôi đừng có ăn nói khùng điên.
Kim Anh nỗi hứng ẩu, nói nữa. Da thịt bồ không một vết sẹo, dù là vết sẹo nhỏ.
Thu Cúc mím môi. Thịt mình hiền lắm, vết cắt mau kéo da non chẳng hề có thẹo.
Kim Anh nói ờ ờ thịt  bồ hiền lắm, hiền như thịt Đường Tăng. Thịt mình dữ như quỷ, mình chỉ là loài yêu quái. Lúc nào cũng muốn ăn thịt bồ. Ăn được một miếng thịt của người đẹp, sống được một ngàn năm.
Thu Cúc la ré. Ăn nói khùng điên hoài.

Gần nhà bà Ba có một căn nhà chỉ toàn đàn ông con trai. Ông nào cũng đến tuổi muốn vợ. Hôm nào đi bộ ngang, Thu Cúc luống cuống như sắp sửa bị bắt cóc. Kim Anh chì hơn, nàng coi đàn ông như pha. Nàng chẳng bao giờ để ý ai trong "căn nhà màu tím" đó. Nhưng nàng được ( hay bị) một anh chàng thầm thương trộm nhớ. Thu Cúc cũng được một anh khác chớp đèn. Thế là bà Ba có dịp bắt nhịp cầu thông cảm. Theo sự sắp xếp trước, chiều thứ bảy bà Ba sẽ dẫn hai ông nhà trai đến ra mắt hai cô tiểu thư nhà này.
Thu Cúc có vẻ ngượng nghịu. Nàng ngồi làm thinh, cắn cắn móng tay (cái tật lâu đời của nàng) . Nàng ngó trộm người đàn ông ngồi trước mặt. Nàng có hơi bối rối khi nghĩ rằng người này muốn hỏi cưới mình làm vợ. Cái người đàn ông này nàng vẫn thường gặp mỗi khi đi bộ ngang nhà. Lần nào nhìn nàng anh ta cũng khẽ gật đầu chào miệng cười mĩm.

Thu Cúc ăn cơm qua loa và lên giường ngủ sớm. Nàng buồn buồn trong bụng. Con nhỏ Kim Anh chiều này ăn nói nhiều câu thật lố bịch. Nàng mở nhạc nho nhỏ. Đầu óc nghĩ miên man chuyện khác. Dưng không bà Ba mang đến cho nàng một người đàn ông. Rồi đây nàng sẽ lấy chồng. Chẳng lẽ sống như vầy hoài sao. Tuổi thanh xuân ngày một trôi qua. Mới ngày nào mà giờ đây...già khú đế.
Nàng nghĩ đến người đàn ông ban chiều. Hắn mặc áo bỏ lơi một nút không cài. Bờ ngực trắng ngần có đeo một sợi dây chuyền . Nàng chợt thở dài, không biết người chồng của mình sau này ra sao.
Kim Anh bước vào phòng mang theo ly nước. Nàng thường đem nước uống thức ăn vào phòng ngủ. Thu Cúc rất ghét điều đó.
Kim Anh bước đến nhìn Thu Cúc. Ủa ngủ sớm vậy nhỏ. Hay là mơ tới cái ông hồi chiều. Coi ổng cũng được chớ. Ổng cũng đáng mặt theo xách giỏ cho bồ đi chợ. Kim Anh nói rồi cười ngặt nghẻo một mình.

***

Hùng là cháu gọi bà Ba bằng dì. Một hôm chàng đến tìm bà Ba, gặp lúc bà đang chơi bài với Thu Cúc. Hôm ấy Kim Anh đi vắng. Thu Cúc chơi một mình. Hùng ngồi cạnh nàng, chỉ nàng nhiều cây bài cao. Hai người có vẻ hợp. Gặp nhau lần đầu, họ chịu ngay. Sau đó hai người chơi chung một tụ. Nàng để chàng cầm bài, ra ngồi bên cạnh.
Kim Anh bước vô nhà, vừa đi vừa nói nhức đầu quá nhức đầu gần chết. Thấy Thu Cúc đang ngồi bên cạnh một người đàn ông xa lạ, lăng xăng xếp bài chia bài, chung tiền thối tiền. Thu Cúc à, bồ thật là xuất sắc trong vai trò tỳ nữ.
Con nhỏ trề trề cái môi cười cười thiệt dễ ghét. Kim Anh đi te te vô phòng, nằm vật xuống giường. Đôi tai nghe ngóng. Chẳng thấy động tĩnh gì cả. Nó đang chạy theo một hình bóng xa lạ. Sao nó không vào đây thăm hỏi mình và rủ mình ra chơi bài cho vui. Kim Anh tức tối, định bụng sẽ không thèm nói chuyện với Thu Cúc chừng vài ba bữa. Cho tới khi nào nó theo năn nỉ mình mới thôi. Nằm hồi lâu mà vẫn không thấy Thu Cúc, Kim Anh bước ra tìm.
Thật bất ngờ khi nghe Hồng Mỹ nói cô Thu Cúc đi với chú Hùng tập lái xe. Sao nó dễ dàng đi với một người mới vừa quen?
Kim Anh có cảm giác như một người bị bỏ rơi. Trời đã sụp tối, Thu Cúc vẫn chưa về. Kim Anh nói lảm nhảm tập lái xe kiểu gì trời tối mịt như vầy. Tập làm sao được với chiếc xe xì po mắc dịch của tên tướng cướp đó.
Lúc Thu Cúc trở về, nàng hờn dỗi không thèm hỏi một câu. Con nhỏ xí xọn, anh Hùng thật có kinh nghiệm, ảnh chỉ mình từng chút thật cặn kẽ. Kim Anh tức tối, ờ ờ thằng chả quả thật có nhiều kinh nghiệm.

Từ hôm đó Hùng thường đến nhà chơi. Thu Cúc rơi vào vòng tay chàng thiệt là nhanh, thiệt là dễ dàng.
Một tối Hùng, Thu Cúc và Kim Anh đi vũ trường. Kim Anh mặc sơ mi trắng, quần sậm màu, thắt cà vạt lụa đỏ. Lối thắt cà vạt làm duyên của mấy cô gái, cột buông lơi thả trước ngực. Kim Anh thích lối ăn mặc như vậy.
Kim Anh nói nhỏ với Thu Cúc, cho tui mượn kép của bồ nhảy một bản xì lô mùi mùi  nhe. Thu Cúc cười ré, kép của tui bồ mượn lúc nào cũng được.

Buổi tối lúc đi ngủ Kim Anh nói rù rì, Thu Cúc à, hai đứa mình thân nhau mấy năm trời nay. Chia sẻ từng niềm vui nỗi buồn. Chia sẻ từng miếng cơm manh áo. Hai đứa mình chia sẻ nhau đủ thứ. Tối này mình cùng chia sẻ một người tình. Hai đứa mình có chung một người tình. Thu Cúc la lớn, đồ mắc dịch, lúc nào cũng ưa ăn nói khùng điên.

Thu Cúc và Hùng càng ngày càng quấn quít. Nàng yêu chàng say sưa, yêu đắm đuối, yêu như chưa bao giờ được yêu. Nàng đi chơi lu bù với Hùng. Lúc đầu đi đâu cũng có Kim Anh đi cùng. Dần dần nàng bỏ Kim Anh ở nhà, xé lẻ đi chơi một mình. Kim Anh cảm thấy như đang bị đẩy ra khỏi cuộc chơi một cách từ từ.
Thu Cúc càng yêu Hùng bao nhiêu,  Kim Anh ghét chàng bấy nhiêu. Một buổi trưa thứ bảy, Thu Cúc có hẹn đi chơi với Hùng, nàng ăn diện thật kỹ. Kim Anh nói châm chọc:
Cỡ này bồ đi chơi tầm bậy tầm bạ dữ lắm nhe.
Con nhỏ đỏng đảnh. Tui có đi chơi tầm bậy tầm bạ là ở đâu kìa. Tui có tầm bậy tầm bạ là với ai kìa. Còn đối với bồ tui vẫn đàng hoàng.
Kim Anh tê buốt như bị ngâm mình trong nước đá. Không còn lời nào độc ác hơn. Nàng trợn mắt, dậm chân.
-Ăn nói gì kỳ cục vậy, cho bồ nói lại đó.
Nhưng người đẹp chẳng để ý, lật đật bước ra như con gà mắc đẻ. Vừa đi vừa ngó lui xem có vật gì vướng ở chân. Kim Anh đứng tựa cửa ngó theo. Đôi giày mới, cái áo đầm mới. Xí xọn thì thôi.
Thu Cúc mở cửa xe (con nhỏ đã có xe, có bằng lái), nhẹ cúi mặt xuống rồi bất chợt hất mạnh mái tóc ra đàng sau. Cái kiểu làm điệu của mấy đứa con gái có mái  tóc che lủ phủ trước mặt.
Kim Anh vẫn còn đứng tựa cửa ngó theo, cho đến khi Thu Cúc đi khuất.  Nàng có cảm tưởng hai người đang xa dần...xa dần.

Kim Anh muốn biết Thu Cúc có gì chưa với Hùng. Sao lúc rày bả mê cái thằng đó quá xá cỡ. Bả mê bả lú đố ai cản được. Trời gầm cũng không nhả. Lúc rày hai tụi nó dính đeo như hai con chó đang mắc lẹo. Kim Anh thầm nghĩ, phải dụ nó kể mình nghe. Phải dụ ngọt nó kể mình biết.
Buổi tối Kim Anh thủ thỉ. Nhỏ ơi, tới nhà chàng hoài, coi chừng mang bầu trước khi làm đám cưới.
Thu Cúc tình thật. Mình có uống thuốc ngừa.
Kim Anh tá hỏa tam tinh. Nàng như vừa bị trời đánh. Thôi rồi! "Con ong đã tỏ đường đi lối về". Hèn gì có lần bả nói cái thằng mắc dịch đó khen bả có cái vú tuyệt đẹp. Nàng nhẹ ngồi dậy quan sát con nhỏ bạn. Nàng có cảm tưởng Thu Cúc là một người khác, không phải là Thu Cúc ngày xưa nữa.
Con nhỏ nằm ngủ thản nhiên hết sức (hay là nó đang mơ mộng gì đây). Bờ ngực phập phòng sau làn áo mỏng. Kim Anh thở dài. Con nhỏ có cặp vú đẹp làm sao!  Nó tuy ốm nhưng có ngực có đít. Thu Cúc nằm im. Nàng vẫn còn đẹp, vẫn ngoan hiền như một đứa con gái nhà lành.
Kim Anh thấy tỉnh táo hẳn. Nàng không thể nào ngủ được. Mấy con số màu đỏ của chiếc đồng hồ điện tử để trên bàn ngủ, càng nỗi bật trong bóng đêm. Thời gian nặng nề trôi qua. Kim Anh cảm thấy như khó thở. Nàng lẫm bẫm, mình thiệt ngu ngốc vậy mà hay chê nó khờ.

Kim Anh thức trắng một đêm...cho tới sáng. Thu Cúc thức dậy sửa soạn đi làm, nàng vẫn còn nằm im trên giường. Lúc bước ra Thu Cúc hỏi ủa sao Kim Anh không đi làm. Nàng rầu rĩ, không, không,  tui ở nhà. Đi làm không nỗi.
Nàng chợp mắt được một lát, lúc tỉnh giấc, đầu nhức như bưng. Kim Anh cảm thấy người mệt mỏi. Trong lòng buồn bã đến chết được. Nằm trong phòng một mình, buổi trưa trời êm vắng. Nàng cứ ngó mấy cành lá phía sau vườn nhẹ đong đưa trong gió...cho đến khi ánh nắng bên ngoài dịu dần.
Nàng ngó bức ảnh treo trên tường. Nàng và Thu Cúc nắm tay nhau ở bãi biển trại Galang. Tóc con nhỏ dài tha thước bay bay trong gió.
Nàng nhớ có lần nói với Thu Cúc, một buổi chiều khi hai đứa nắm tay dắt díu nhau lên ngôi chùa trên chót vót sườn đồi. Rồi đây tụi mình sẽ đi định cư. Không biết hai đứa còn được nắm tay trong tay cho đến bao giờ.
Kim Anh còn nhớ, tối hôm đó, nàng đã kể cho Thu Cúc nghe rất nhiều về cuộc đời của nàng. Những ngày thơ ấu trong gia đình. Những tình cảm ngày mới lớn.
Kim Anh nói tôi không có tình nhân. Tôi chưa có tình nhân. Tôi có rất nhiều bạn. Tôi thường thương bạn bè như thương tình nhân. Cuộc đời tôi trãi qua nhiều giai đoạn. Mỗi một giai đoạn tôi có một số bạn. Tụi bạn đến rồi đi. Mỗi lần chia tay, tôi như bị mất mát một cái gì đó.

Buổi chiều Thu Cúc đi làm về, hỏi Kim Anh bị bệnh hả. Có sao không. Kim Anh nói tui cảm thấy hơi mệt - và nàng cười nói dí dỏm - nhưng tui không chết đâu bồ đừng sợ.
Thu Cúc điện thoại cho Hùng. Anh đi đâu mà ở sở em gọi mấy lần không gặp. Chà, nhõng nhẽo dữ. Tội nghiệp ghê. Tiếng thằng chả bên kia đầu dây, cái quần hơi dài một tí, em đến lên lai dùm nhe.
Thu Cúc lật đật đi đến nhà Hùng không kịp ăn cơm. Kim Anh nghĩ thầm cũng may mình không mượn nó cạo gió. Rủi bả từ chối vì bận đi lên lai quần cho chàng thì mình có nước cho chết luôn.

***

Thu Cúc cho biết nàng sắp làm đám cưới với Hùng. Rồi đây mình sẽ xa nhau. Nếu có giận hờn gì xin bỏ qua. Kim Anh nói bồ hiểu tôi, tôi hiểu bồ. Mình thương nhau hơn chị em ruột thịt, làm sao có thể giận hờn gì cho được. Thu Cúc nói tôi cũng đã an phận một đời, bồ cũng kiếm một ông nào đó cho rồi.
Kim Anh chỉ im lặng.

Tiệc cưới được tổ chức tại một nhà hàng Tàu. Nhà trai có máu văn nghệ, có mướn một ban nhạc Việt Nam giúp vui. Sau phần cắt bánh cưới, đèn trong phòng chợt tối. Chú rễ dìu cô dâu một điệu paso-doble. Mọi người vỗ tay tán thưởng. Ban nhạc chơi một điệu khác, nhiều thực khách đưa nhau ra sàn nhảy, từng cặp từng cặp.
Kim Anh đứng im lặng trong bóng tối, ngó Hùng đang dìu Thu Cúc. Tụi nó cũng xứng đôi vừa lứa lắm đó chớ.
Cô ca sĩ trên bục cao cất tiếng hát:

Yêu nhau cho nhau nụ cười. Thương nhau cho nhau cuộc đời.
Mà đời không biết đợi...để tình nhân kết đôi.

Có một anh chàng đến gần Kim Anh gợi chuyện, nhưng nàng không nhận ra là ai. Chàng ta nói Thu Cúc có chồng rồi, Kim Anh cũng kiếm một người đi chứ. Cô phải làm quen, giao thiệp người này người nọ để tạo cơ hội (lời ông nói chán bỏ mẹ) .
Kim Anh nói người ta có thể sống mà không lấy chồng lấy vợ có được không. Anh chàng trả lời, được chớ được chớ có sao đâu ( nghe yếu xìu)  nói xong bỏ đi mất.

Từ ngày Thu Cúc lấy chồng dọn ra ở riêng, Kim Anh thường lủi thủi một mình trong phòng. Hồng Mỹ được dịp vô phòng hỏi cô Kim Anh cái này cái nọ. Nó hỏi lung tung. Cô ở một mình có buồn không. Cô có thường đến nhà cô Thu Cúc chơi không.
Một hôm Hồng Mỹ tình cờ thấy số điện thoại của Hùng trên vách. Con nhỏ Thu Cúc một bữa nào đó đã ghi: Hùng khùng 555-2780. Nó chê người ta khùng mà nó mê như điên. Hồng Mỹ hỏi Hùng nào vậy, có phải chồng cô Thu Cúc. Kim Anh cười ngắt ngoẻo. Nàng với lấy điện thoại, bấm chọc ghẹo. Từ bên kia đầu dây, tiếng Thu Cúc alo, alo, nhưng Kim Anh im lặng không trả lời. Nàng nói với Hồng Mỹ bả đang chiên cá, bả nói đồ quỷ ở đâu gọi điện thoại phá hoài.
Hồng Mỹ bước đến ngó bức hình Kim Anh treo trên vách. Hình chụp lúc Kim Anh còn nhỏ, nàng hớt tóc theo kiểu con trai và mặc đồ con trai. Hồng Mỹ nói từ lúc bé, cô đã thích mặc quần áo con trai rồi phải không. Kim Anh cười xoà, lúc đó cô còn bé tỉ tẹo biết gỉ đâu. Không hiểu sao má cô cho cô ăn bận như vậy.
Hồng Mỹ bước đến giường nói sao cái gối này cô Thu Cúc không đem theo.. Kim Anh lắc đầu, nó có cái gối cưới đẹp hơn. Nó bỏ cái gối này lại đây, cô lấy làm gối ôm. Mỗi tối ôm vào lòng mà ngủ.
Hồng Mỹ thấy cái áo của Thu Cúc treo phất phơ, nó tò mò. Sao cô Thu Cúc bỏ lại đây, sao cổ không đem theo. Nó mặc dơ bỏ lại, cô tịch thâu luôn.
Kim Anh bước lại lấy cái áo săm soi. Nàng cầm một sợi tóc từ trong áo kéo ra. Coi tóc của con nhỏ, dài thậm thược. Nàng đưa chiếc áo lên mũi ngửi, lúc nào bả cũng xài dầu thơm. Đã mấy tháng mà cũng còn mùi thơm thoang thoảng.
Hồng Mỹ nói nhưng áo của cô Thu Cúc cô mặc đâu có vừa. Kim Anh nói lấy treo phất phơ đi ra đi vô ngó chơi chớ không mặc.

Buổi chiều đi học về, Hồng Mỹ nghe ba nói với mẹ, cô Kim Anh dọn đi rồi. Cổ nói một tiếng là dọn đồ đi liền. Thấy cổ cũng tội nghiệp. Căn phòng sơn sửa lại cho Hồng Mỹ, thôi không cho ai thuê nữa.
Hồng Mỹ lật đật chạy vô phòng xem xét. Căn phòng trống trơn. Chú Ba đang sơn lại. Chú nhẹ đưa cọ lăn qua chỗ cô Thu Cúc viết số điện thoại chú Hùng.
Chú đưa cọ lăn qua lần thứ nhì. Không còn một dấu vết gì cả.


Thung Lũng Hoa Vàng  
1987


-----------------------------------------------------

 Biên tập lại và đổi nhan đề  truyện ngắn " Kiếp Nào Có Yêu Nhau"
 Đăng lần đầu tiên trên VĂN  số 62- tháng 8- 1987