Thursday, November 12, 2015

NHƯ DẠO ẤY, NHƯ BÂY GIỜ



Mẹ tôi nhỏ hơn cha tôi mười bốn tuổi. Thuở nhỏ, tôi nghĩ khoảng cách ấy quá lớn, quá xa. Giờ đây, nhìn một cô dâu mười tám, chú rể ba mươi hai, tôi thấy không có gì quá đáng.

Nếu đem ra chấm điểm từng món trên gương mặt của mẹ tôi, bà không được một điểm nào cả. Nhưng nhìn chung, bà rất duyên dáng. Bà có nụ cười rất tươi, rất hiền. Đôi mắt có vẻ hơi buồn. Và dáng điệu lúc nào cũng có vẻ buồn buồn. Hình như bà thường chất chứa nỗi buồn. Tích lũy từng nỗi buồn này đến nỗi buồn khác.

Cha tôi làm việc tại Ty Giáo Dục Long An. Mẹ tôi chỉ ở nhà, lo cơm nước và săn sóc con cái.  Tôi ra đời lúc tổng thống Ngô Đình Diệm  vừa lên nắm chánh quyền. Cha mẹ tôi có năm người con. Anh Luân, chị Hằng, tôi và hai em Minh, Lâm.
Khi tôi lên mười, cha tôi đổi về làm việc ở Cần Thơ, cũng là quê ngoại.
Mẹ tôi cất nhà trên đất vườn của bà ngoại. Ông ngoại tôi qua đời khi cha mẹ tôi chưa lấy nhau. Ông vốn là Hương Cả trong làng. Nhà ông ngoại xưa cổ, nhưng rất lớn. Nhà có tủ cẩn xa cừ, có bàn ghế bằng gỗ quý. Có bộ ngựa gõ rất dầy, có lu mái đầm bự, có cối xay bột bằng đá, có liểng cẩn ốc xa cừ với hàng chữ nho.

Ông bà ngoại có hai người con. Cậu Hai và mẹ. Cậu Hai chết sớm. Cậu chết lúc sắp sửa cưới vợ. Nhân tình của cậu lúc đó mang thai ba tháng. Lúc sanh ra chị Diệu, con gái cậu Hai, mẹ chị Diệu giao cho bà ngoại nuôi. Ngoại đặt tên Diệu, ngoại nói con gái thì phải dịu, dịu dàng. Bà ngoại của tôi là bà nội chị Diệu. Mẹ chị Diệu bỏ đi mất biệt. Không trở lại. Không ai biết mẹ chị Diệu ở đâu. Cũng không ai đi tìm.
Bà ngoại nuôi chị Diệu như mẹ nuôi con. Thuở nhỏ, chị Diệu hay gọi bà nội ...má. Mẹ tôi thấy vậy rầy, không cho gọi như vậy. Bà ngoại nói kệ nó con. Tội nghiệp con Diệu, nó không có mẹ có cha.

Nhà của bà ngoại cất hướng mặt về con sông ở trước vườn. Lúc cất nhà, cha tôi lại muốn hướng mặt tiền về phía con đường cái ở sau vườn. Thành ra nhà của ba má tôi đâu đít với căn nhà bà ngoại. Từ căn bếp nhà tôi sẽ trông thấy căn bếp nhà bà ngoại. Hai nhà cách nhau một vuông đất nhỏ.

Chị Diệu lớn hơn tôi sáu tuổi. Lúc tôi về ở quê ngoại, chị Diệu học lớp Đệ Tứ trường tư thục. Nhà bà ngoại không có đồng hồ, đúng ra, có một cái rất xưa, từ thời ông ngoại còn sống. Cái đồng hồ ấy đã hư, vẫn còn treo trên tường. Chỉ để trang trí, không phải để xem giờ.
Chị Diệu xem giờ bằng cách xem bóng nắng. Buổi sáng, hễ nắng rọi đến bộ trường kỹ thì chị đi học. Buổi chiều, hễ nắng rọi đến thềm đá trước nhà thì chị đi là vừa. Tôi phục lắm, về nhà khoe với cha. Ba ơi! Nhà bà ngoại không có đồng hồ, chị Diệu xem giờ bằng cách xem bóng nắng. Cha tôi đố lại, Ba đố con, hôm nào trời mưa không có nắng, làm sao chị Diệu biết giờ mà đi học.
Tôi suy nghĩ hoài mà không biết câu trả lời. Tôi chạy đi hỏi chị Diệu. Chị không nói. Chị lại...đố em đó. Chị Diệu làm tôi tức ghê nơi.

Buổi chiều tôi thường chạy sang nhà bà ngoại. Lẩn quẩn dưới bếp, chơi với chị Diệu. Hễ chị lặt rau, tôi lặt rau tiếp chị. Chị Diệu nấu cơm, tôi đi xúc gạo.  Chị Diệu làm cá, tôi đi rửa nồi.  Tôi thường ăn cơm chiều ở nhà bà ngoại. Tôi chạy về khoe, chị Diệu nấu cơm khéo. Ba tôi nhạo, tại con đi ăn chực, nên thấy ngon.
Mỗi khi vo gạo, chị Diệu thường lấy nước cơm vo rửa mặt. Chị nói, để cho da mặt được mịn, được trắng...như nước cơm vo. Thỉnh thoảng, chị lấy trứng gà luộc, bóc vỏ, lăn da mặt để hút mụn.
Tôi chạy về nhà hỏi mẹ. Má ơi! Trứng gà luộc trị được mụn phải không má. Mẹ tôi nói, con Diệu bắt đầu biết xí xọn rồi đó.
Nhà bà ngoại chụm củi.  Mỗi khi nấu ăn xong, chị Diệu thường gắp than cháy đỏ, bỏ vào cái nồi đất nhốt lại. Hôm sau đem ra dùng lại được. Buổi chiều, trong khi nấu ăn, mẹ tôi thường ngắm khói bếp nhà ngoại chầm chậm bay lên. Mẹ tôi biết chị Diệu cũng đang nấu cơm. Khi nào có món gì ngon, từ căn bếp bên này, mẹ tôi gọi vọng sang căn bếp nhà ngoại, Diệu ơi! Qua đây bưng cái này về cho nội nè.
Có lẽ, cứ nhìn sang nhà ngoại trở thành một thói quen. Cho nên, hôm nào không thấy khói từ bếp nhà ngoại tỏa ra, mẹ tôi như thấy thiếu thốn một cái gì đó. Và nếu tôi nói hôm nay nhà ngoại ăn cơm nguội, mẹ tôi cũng không thấy yên tâm. Thế nào bà cũng bước sang xem xét sự tình.

Chị Diệu có một tấm hình của cha và mẹ chị chụp chung. Có lần, chị cho tôi xem. Chị hỏi, em thấy chị giống ai. Chị giống mẹ chị nhiều hơn phải không. Tấm hình nhỏ xíu. Tôi không nhìn rõ mặt cậu Hai và mặt mẹ chị Diệu. Tôi hỏi mẹ, chị Diệu nói chỉ giống mẹ chỉ hệt khuôn phải không má. Nó giống cậu Hai chớ, bà ngoại nuôi nó mà. Hễ ai nuôi thì giống người đó.
Tôi chạy sang nói với chị Diệu, má em nói chị giống cậu Hai nhiều hơn. Chị Diệu gõ đầu tôi, cái con nhỏ này, chuyện gì cũng chạy về học lại với cô Ba. Em Nguyệt mà còn nhiều chuyện, chị nghỉ chơi với em luôn. Sợ chị Diệu buồn, tôi không dám nói cho mẹ tôi nghe chị Diệu có bồ. Anh Khanh là người yêu của chị Diệu. Mỗi tối anh Khanh thường đến chơi. Anh Khanh biết đàn mandoline. Anh Khanh dạy chị Diệu hát bài Sơn Nữ Ca. Hai người thường nói chuyện tâm tình dưới gốc cây mận, trước nhà bà ngoại.

Khi chị Diệu thi đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp, có hai đám đến dạm hỏi. Chỗ quen biết với ba. Nhưng chị Diệu chỉ thương anh Khanh mà thôi, chị nói với bà ngoại, dạ thưa nội, con còn nhỏ, con chưa muốn lập gia đình.
Anh Khanh nghe tin chị Diệu được nhiều chỗ ngắm nghía, anh nhờ người lớn tuổi đến nhà hỏi bà ngoại cưới chị Diệu. Bà ngoại vô tình, cứ tưởng chị Diệu chưa muốn lấy chồng. Ngoại thoái thác, cháu tôi còn nhỏ, nó còn đi học. Chị Diệu từ trong buồng bước ra, dạ thưa nội, con thương anh Khanh, con muốn lấy chồng.
Năm đó chị Diệu vừa mười tám. Hôm đám cưới, mẹ ở trong bếp giả giọng chị Diệu, dạ thưa nội, con muốn lấy chồng. Ai cũng cười, nhưng chị Diệu không mắc cở.
Bà ngoại gã chị Diệu, nhưng giao điều kiện, bắt rể. Ngoại sợ chị Diệu còn nhỏ dại, không biết làm dâu.
Chị Diệu mang thai ba tháng thì anh Khanh nhập ngũ. Lúc chị Diệu sanh con đầu lòng, anh Khanh đổi ra miền Trung. Con chị Diệu đầy tháng, anh  về dẫn chị Diệu đi theo. Bà ngoại nhớ lắm, nhưng sao giữ chị lại được. Ngoại nói với mẹ, nuôi nó từ lúc mới đẻ, giờ vắng nó thấy nhớ lắm.

Chị Diệu theo chồng, nhà bà ngoại vắng vẻ chi lạ. Mẹ bảo anh Luân sang ngủ nhà ngoại. Mẹ sợ, ngoại lớn tuổi ở một mình, rủi có chuyện gì đêm hôm không ai biết. Chiều nào, mẹ cũng sang nhà ngoại chơi tới tối mới về.
Một hôm trời mưa gió, ngoại ra vườn cắt lá chuối, không may bị trợt té. Ngoại nằm liệt giường mấy tháng. Mẹ buồn lo. Mẹ săn sóc thuốc thang. Nhưng mẹ không giữ được ngoại ở lại với đời. Tôi chịu tang bà  ngoại năm ấy lúc  mới vừa mười bốn.

Mấy tháng sau đó, mẹ tôi cho mấy anh học trò trong quê thuê ở trọ căn nhà của ngoại. Trong số ấy, có anh Tài tuy là dân ở ruộng nhưng mặt mày tướng bộ tao nhã. Anh lại biết đàn ca. Chị Hằng của tôi có vẻ thích anh Tài lắm.
Chị Hằng nay đã mười bảy tuổi rồi. Đã là một cô thiếu nữ nhiều mộng mơ. Đã thích trang điểm, quần áo lượt là. Chị lại thích đàn ca múa hát.
Dạo đó, thành phố tôi ở có hai tiệm chụp hình nỗi tiếng. Tiệm Phương Đông và tiệm Phương Nam. Chị Hằng là thân chủ của hai tiệm trên. Chị rất mê chụp hình. Chị chụp đủ kiểu. Tháng nào cũng đi chụp hình. Có bao nhiêu tiền đều đi chụp hình.
Tiệm Phương Đông có chụp cho chị một tấm hình rất đẹp. Hình chị ôm cây đàn ghi ta, rọi lớn chưng trước cửa tiệm. Một hôm cha tôi đi ngang trông thấy. Ông vào bảo chủ tiệm cất tấm hình đó đi. Ông không thích thiên hạ, đi ngang qua lại nhìn hình con gái ông như vậy. Lúc tôi và chị Hằng đến, ông thợ than ông già khó tánh quá trời. Cũng may, cha tôi không nhìn thấy tấm hình nhỏ của tôi chưng ở trong. Hình tôi giả làm cô gái Nhật Bản, mặc áo kimono và che dù. Còn chị Hằng thì giả làm cô gái miền sơn cước, vận xà rông, búi tóc và mang kiềng.

Chị Hằng yêu anh Tài lúc nào tôi chẳng biết. Hễ có dịp là chị chạy sang nhà ngoại tò tí với anh Tài. Chị Hằng là cô gái trẻ mới lớn, lại rất bạo dạn. Cho nên dù cha mẹ tôi có nghiêm khắc cách mấy, chị cứ tìm cách đi chơi với anh Tài hoài.
Mỗi lần chị Hằng vắng nhà tôi rất khổ tâm. Mẹ tôi cứ ra vào trông ngóng. Cha thì cứ hậm hừ, hậm hực. Không khí trong nhà thật khó thở. Một hôm chị đi chơi đến khuya vẫn chưa về. Mẹ tôi không ngủ được, bà cầm cây roi mây nhịp lên bàn phát sợ.
Chị Hằng mở cửa rón rén bước vào. Mẹ tôi lớn tiếng, Hằng lại đây biểu, đi đâu giờ này mới về. Chị Hằng làm ra vẻ tự nhiên, dạ con đi xem chớp bóng với bạn con. Cha tôi hỏi đi xem gì mà tới giờ này mới về. Chị nói dạ...hai tuồng nhập một. Cha tôi cầm cái gáo dừa gõ lên bàn một cái bốp. Cái gáo dừa  bể làm hai. Bả tỉnh bơ. Thiệt tình tôi chưa thấy ai to gan như bà chị của tôi.

Một buổi trưa trời mưa lất phất. Tôi may áo nhưng không biết cách ráp cổ. Vừa định nhờ chị Hằng làm giúp, thì chị lại chạy sang nhà ngoại. Tôi làm hoài không được, tức mình chạy đi tìm chị Hằng. Nhà ngoại vắng te. Mấy anh học trò đi chơi đâu cả. Tôi rón rén bước vào. Chợt nghe tiếng chị Hằng khóc thút thít trong buồng. Tôi nhẹ đến gần, ghé mắt nhìn trộm. Anh Tài đang dỗ ngon, dỗ ngọt chị Hằng. Cả hai vừa mới ân ái xong, thân thể còn để trần, chưa kịp mặc quần áo.
Tôi chạy một mạch về nhà. Trống ngực đánh thình thịch. Chị Hằng đã đi quá xa. Chị đang trong cơn mê, không còn giữ gìn gì nữa. Suốt cả buổi chiều hôm ấy, tôi thật bàng hoàng lo sợ. Tôi sợ cha mẹ biết được thì thật là khổ . Tôi sợ rủi chị Hằng mang bầu thì biết làm sao đây.

Chắc là cha mẹ tôi cũng nhìn thấy hở một chút là chị Hằng chạy sang nhà ngoại. Ông bà lấy nhà lại, không cho mấy anh học trò ở trọ nữa. Hôm anh Tài dọn đi, chị Hằng có vẻ hơi buồn. Chị lặng thinh không nói gì cả.
Nhưng đâu ai ngờ đôi trai gái kia toan tính điều gì. Chị Hằng thật là gan. Một buổi chiều kia, cha tôi đi làm về hay tin chị Hằng bỏ nhà đi theo anh Tài. Chị để lại một bức thư. Không biết chị viết gì. Mẹ tôi đọc chỉ biết kêu trời.
Tôi không nhớ chiều hôm ấy cha tôi có ăn cơm không. Tôi chỉ còn nhớ, lúc ấy trời chạng vạng tối, cha tôi ngồi hút thuốc. Mưa ngoài trời lất phất. Cóc nhái ểnh ương xúm nhau kêu vang rầu thúi ruột.
Tôi nghĩ cha tôi khóc, tôi chờ đợi cha tôi khóc.
Không. Cha tôi không khóc. Nhưng nhìn vào gương mặt của người, một nỗi đau đớn không gì diễn tả được.

Anh Luân thi rớt vào đại học, nhập ngũ khoá 3/69 Thủ Đức. Anh Tài cũng bị lệnh động viên chi phối, nhập ngũ cùng khoá với anh Luân. Chị Hằng ôm gói trở về nhà. Và dĩ nhiên, cha mẹ tôi tha thứ. Và chị em tôi lại sống vui vẻ với nhau như chẳng có gì xảy ra.
Anh Luân ra trường, được đổi về miền Trung. Mỗi năm anh đi phép một lần. Và một chiều kia, cũng trời mưa lất phất. Có một người lính đến nhà mang theo điện tín báo tin anh Luân tử trận. Năm ấy anh vừa mới hai mươi ba tuổi đời. Hai năm tuổi lính.

Cha tôi khóc. Đây là lần thứ nhất trong đời , tôi thấy cha tôi khóc.

***

Thấm thoát mà tôi xa quê đã mười năm. Ngày tôi đi mẹ vừa sáu mươi. Lúc đó mẹ vẫn còn khỏe mạnh, vẫn còn làm công chuyện nhà lắc xắc. Mẹ nay đã bảy mươi. Em Lâm gửi thư qua cho biết, mẹ vẫn còn làm công chuyện nhà lắc xắc như dạo nào.

Vợ chồng em Minh của tôi đã sang Mỹ, do gia đình bên vợ bảo lãnh. Hôm nó qua, chị Hằng ở Úc có sang thăm.  Gặp nhau mấy chị em mừng quá trời. Thằng Minh kể, hôm tiễn nó ra phi trường, má tôi khóc, thằng Lâm khóc như mưa. Nghe nó kể, tôi không cầm được nước mắt. Lúc cha tôi bệnh nặng, chỉ một mình em Lâm gần gũi. Tội nghiệp, em hết lòng lo lắng, ân cần săn sóc người.

Mẹ ơi! Những năm sống xa quê, con nhớ nhiều nhất là khói bếp nhà ngoại chầm chậm bay lên trong chiều mưa lất phất. Con nhớ lời mẹ nói, con Diệu làm gì mà giờ này chưa chịu bắt nồi cơm.
Nếu cha tôi còn sống, tôi sẽ khoe với cha, tôi đã biết làm sao chị Diệu biết giờ đi học những hôm trời mưa. Dễ ợt như vậy mà sao ngày xưa tôi không nghĩ ra.
Và khi nào gặp lại chị Diệu, tôi sẽ hỏi chị có còn giữ tấm hình của cha và mẹ chị không.
Hỏi thì hỏi vậy. Chớ tôi biết chắc rằng, chị Diệu luôn giữ tấm hình đó.

Như dạo ấy, như bây giờ.




Ý NGÔN








----------------------------------------------------------------------

Biên tập lại từ một truyện ngắn cùng tên, đăng lần đầu trên VĂN  số 87 tháng 9-1989


No comments:

Post a Comment