Friday, January 22, 2016

CHƠI GIỮA MÙA TRĂNG



                                                                   HÀN MẠC TỬ



(Trích Đoạn )



Chị tôi và tôi đồng cầm mái chèo con nhẹ nhàng lùa những dòng vàng trôi trên mặt nước .
Chị tôi cười nả nớt, tiếng cười trong như thủy tinh và thanh khiết lạ thường. Luôn luôn cứ hỏi và đố tôi cho kỳ được : 
Này chị đố em nhé, trăng mọc dưới nước hay mọc trên trời. Và chúng mình đi thuyền trên trời hay dưới nước.
Tôi ngước mắt ngó lên trời rồi ngó xuống nước và cùng cười đáp lại: Cả hai chị ạ. 
Sướng quá, thích quá, chao ôi, hai chị em lại thỉnh thoảng rú lên cười làm náo động luồng tinh khí của hạo nhiên.

Vây chúng tôi bằng ánh sáng, bằng huyền diệu, chưa đủ, Ngưu Lang Chức Nữ, chúa của đêm Trung Thu còn sai gió thu mang lại gần chúng tôi một thứ mùi gì ngào ngạt như mùi băng phiến, trong ấy biết đâu lại không phảng phất những tiếng kêu rên của thương nhớ xa xưa...

Thuyền đi êm ái quá, chúng tôi cứ ngờ là đi trong vũng chiêm bao, và say sưa, và ngây ngất vì ánh sáng, hai chị em như đê mê, không còn biết là có mình và nhận mình là ai nữa.
Huyền ảo khởi sự. Mỗi phút trăng lên mỗi cao, khí hậu cũng tăng sức ôn hoà lên mấy độ. Và trí tuệ, và mộng, và thơ, và nước, và thuyền dâng lên, đồng dâng lên như khói...
Ở thượng tầng không khí, sông Ngân Hà trinh bạch đương đắm chìm các ngôi sao đi lạc đường. Chị tôi bỗng reo to lên: 
Đã gần tới sông Ngân rồi! Chèo mau lên em! Ta cho thuyền đậu ở bến Hàn Giang!

Đi trong thuyền, chúng tôi có cái cảm tưởng lý thú là đương chở một thuyền hào quang, một thuyền châu ngọc, vì luôn luôn có những vì tinh tú hình như rơi rụng xuống thuyền...
Trên kia, phải rồi, trên kia, in hình có một vì tiên nữ đang kêu thuyền để quá giang...

Thình lình vùng trời mộng của chúng tôi bớt vẻ sáng lạng. Chị tôi liền chỉ tay về phía bến đò thôn Chua Mo (1)  và bảo tôi rằng : 
Thôi rồi, Trí ơi! Con trăng nó bị vướng trên cành trúc kia kìa, thấy không ? Nó gỡ mãi mà không sao thoát được, biết làm thế nào, hở Trí ?

Tôi cười.
Hay là chị em ta cho thuyền đỗ vào bến này , rồi ta trèo lên động cát với tay gỡ hộ cho trăng thoát nạn.
Hai chị em liền dấu thuyền trong một buội hoa lau bông vàng phơi phới, rồi cùng lạc vào một đường lối rất lạ, chân dẫm lên cát mà cứ ngỡ là bước trên phiến lụa.
Nước suối chảy ở hang đá trắng, tinh khiết như mạch nước ngọc tuyền, chồm lên những vừng lá, hễ trông đến là kinh hãi vì ngó giống con bạch hoa xà như tạc. 

Sao đêm nay kiều diễm như bức tranh linh động thế này ? Tôi muốn hỏi xem chị tôi có thấy ngọt ngào trong cổ họng như vừa uống xong một ngụm nước lạnh , mát đến tê hết cả lưỡi và hàm răng. Chị tôi làm thinh. Mà từng lá trăng rơi lên xiêm áo như những mãnh nhạc vàng.
Động là một thứ hòn non bằng cát, trắng quá, trắng hơn da thịt của người tiên, hơn lụa bạch, hơn phẩm giá của tiết trinh. Một màu trắng mà tôi cứ muốn lăn lộn điên cuồng, muốn kề môi hôn, hay áp má lên để hưởng sức mát rượi dịu dàng của cát.

Hai chị em đồng dang tay níu áo gượng vào nhau dấn bước lên cao. Thỉnh thoảng mỏi hai đầu gối quá, cả chị liền em đồng ngã lăn ra. Lại một dịp cho tiếng cười của chị tôi được nở ra, dòn tan trong không khí. Lên tới đỉnh là hao mòn đi một ít. Nhưng mà ngợp quá, sáng quá, hùng trí làm sao ?
Đây có phải là nước Nhược non Bồng, động phủ thần tiên ngày xưa còn sót lại ? Nhìn xuống cát cố tìm dấu tích gì lưu lại một vết chân của Đào Nguyên Tiên nữ, nhưng tấm cát phẳng lơ như lụa căng, trinh bạch làm sao.

Bất tri thử địa qui hà xứ
Tu tựu Đào nguyên vấn chủ nhân ? 

Bây giờ chúng tôi đang ở giữa mùa trăng, mở mắt ra cũng không thấy rõ đâu là chín phương trời, mười phương Phật nữa. Cả không gian đều chập chờn những màu sắc phiếu diễu đến nỗi đôi đồng tử của chị tôi và tôi lờ đi vì chói lói...
Ở chỗ nào cũng có trăng, có ánh sáng cả, tưởng chừng như bầu thế giới chở chúng tôi đây cũng đang ngập lụt trong trăng và đang trôi nỗi bềnh bồng đến một địa cầu nào khác.

Ánh sáng tràn trề, ánh sáng tràn lan, chị tôi và tôi đều ngã vạt áo ra bọc lấy, như bọc lấy châu báu.

Tôi bỗng thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khôi, tươi tốt và oai nghi như pho tượng Đức Bà Maria là bực tinh truyền chí thánh. Tôi muốn sốt sắng quỳ lạy mong ơn cứu chữa. Nhưng trời ơi, sao đêm nay chị tôi đẹp đẽ đến thế này. Nước da của chị đã trắng, mà vận áo quần bằng hàng trắng nữa, trông thanh sạch quá đi.

Tôi nắm tay chị tôi dặc lia lịa và hỏi một câu hỏi tức cười làm sao : Có phải chị không hở chị ? 
Tôi run run khi tôi có cái ý nghĩ chị tôi là một nàng Ngọc Nữ, một hồn ma, hay một yêu tinh. Nhưng tôi lại phì cười và vội reo lên: 

A ha, chị Lễ ơi, chị là trăng, mà em đây cũng là trăng nữa.

Ngó lại, chị và tôi, quả nhiên là trăng thiệt...





(1)  Chua Mo : một làng ở hải khẩu tỉnh Quảng Ngãi.



-----------------------------

Nguồn : Thi Nhân Việt Nam - Trần Thanh Mại 



Saturday, January 16, 2016

NGÀY THÁNG KHÔNG RỜI



                                                                                  LÝ HÙNG HÀ



Khi Sang nhảy xuống khỏi chiếc xe đò chật ních người thì chiều cũng vừa sụp xuống. Hắn đi lùi lại tránh đám bụi mù dấy lên từ cái đống sắt ọp ẹp còn di động được về phía chợ quận với đầy tiếng ồn. Sang gở mũ vải đập lung tung vào người để phủi bụi vừa  đưa mắt nhìn quanh. Không thấy Hồng.

Những đợt nắng còn sót lại váng vất trên đồi cây đàng xa ở bên kia con sông. Xóm nhà hai bên đường cũng im lìm như mấy đứa trẻ đang ngồi mãi miết cạnh mấy đoạn tre tươi. Có lẽ tụi nó làm đồ thủ công cho trường để bán qua ban Thương Nghiệp. Khu cửa hàng quốc doanh của huyện đã đóng cửa nghỉ, chỉ còn vài cô gái ngồi trước bực thềm chỉ trỏ vào chiếc xe đò vừa chạy qua và quay sang nhìn Sang. Hình như họ có chút thích thú khi thấy Sang nhảy khỏi chiếc xe đang chạy mà không bị ngã. Và có lẽ cũng do cái khuôn mặt nửa quen nửa lạ của Sang giữa buổi chiều ở cái huyện miền núi thế này.
Hắn chợt thấy trong bóng dáng ấy một khuôn mặt và đôi mắt nào ngờ ngợ nhưng không nhớ ra người nào cả. Sang đi ngược về hướng nhà của Tấn, bởi đã chắc là hiên nhà Đào vắng hoe, không có ai ngồi đợi.

Những lần trước, khi thả mình khỏi chiếc xe đang chạy, qua đám bụi mờ ấy thì đã thấy Hồng đứng đó, trước hiên nhà với Đào. Chiếc áo sơ mi màu kaki tóc xoả . Nụ cười với hai má phính răng đều. Huyện miền núi này, ngày chỉ một chuyến xe lên rồi xuống. Giờ giấc không mấy khi khác nhau, trừ lúc xe bị chết máy dọc đường hay bị lật nhào ở ngọn đèo  bên kia, vài ba lần một năm trong mùa mưa tháng chín tháng mười.
Hay là cô nàng không nhận được mẫu giấy cùng lời nhắn miệng của mình nên bỏ về Tam Kỳ rồi cũng nên. Hắn chợt nghe buồn với ý tưởng này. Sang quay nhìn phía chợ, nhìn con lộ dốc dẫn xuống đồng bằng về một thành phố cũ, nơi hắn có quá nhiều kỷ niệm, rồi thở dài.

Vừa bước vào nhà Tấn, Sang đã thấy bạn ngồi đó, tay ôm cây đàn. Tấn reo nhỏ ủa xuống hồi nào vậy, trên đó mưa à. Mới vừa xuống. Trời cũng mưa và mấy cái máy cưa cũng bị bể rồi. Trời đất, sao lại bể. Cây ngã phản tàng, sém chết cả bọn. Có cà phê gì không Tấn ? Mới xuống Tam Kỳ lấy lên đó. Bảo Cúc nó pha cho.

Sang bước ra sau nhà tìm lu nước rửa mặt, vừa bảo Cúc nấu nước. Cúc nói nhỏ, em mới thấy cô Hồng với cô Đào trước nhà đó anh Sang. Vậy à, anh tưởng bả về dưới rồi chớ. Đâu được. Tháng này trường thi đua dữ lắm, cô thầy không ai được về hết trọi. Còn tụi em lao động đừ điếc. Sang giúp cô bé soạn mấy cái ly ra vừa gợi chuyện. Thi đua cái gì vậy Cúc. Dạ thi văn nghệ nè, thi sản xuất để gây quỹ yểm trợ chiến sĩ chống tụi bành trướng Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, và tụi quấy rối Pol Pot ở biên giới phía Nam. Con bé nói một lèo làm Sang giật mình. Hắn quay nhìn khuôn mặt non nớt ấy và chợt thấy xót xa. Không biết nó có thể kể một câu chuyện cổ tích bằng những câu trơn tru như vậy chăng.

Sang yên lặng bưng hai ly cà phê ra bàn ngoài. Tấn vừa đàn vừa hát gì đó có câu:

Nhưng em thương anh thương anh nên đón nhận gia tài 
Nhưng em thương anh ta cùng gom sức mới 
Nhưng em thương anh cho tủi hờn đi xuống...cho niềm kiêu hãnh vươn lên...

Sang đã nghe bài hát này nhiều lần trước đây, khi lâu lâu được về thành phố từ một hẻm núi nào đó của tỉnh Quảng Nam. Với bộ đồ trận mấy ngày không thay, lê la ở mấy quán cà phê của Hội An, Tam Kỳ, Đà Nẵng. Nhưng đây là lần đầu tiên hắn mới nghe bạn hát.
Tấn ngưng đàn, đưa tay sửa lại cái phin cà phê hỏi đã gặp Hồng chưa. Chưa. Nhảy xuống xe là vô đây liền. Mấy tuần nay không có cà phê, thèm dễ sợ. Cưa bị bể, trời mưa, cả bọn đâu có việc gì làm. Nằm dài người trong rừng hoài phát chán.

Sang vừa nói vừa móc mấy điếu thuốc nhàu nát đựng trong túi nylon nhỏ, loại thuốc điếu địa phương, phẩm chất ngang hàng với thuốc rê, chỉ tiện khỏi tốn công vấn. Tấn hỏi thuốc hả, rồi lấy trong túi áo ngực ra một gói Vàm Cỏ mới tinh, chưa bóc. Ở đâu mà quý thế này. Nguyên gói. Mấy em ở cửa hàng quốc doanh trả công đó. Em cho tới một cây lận. Hút cho qua thời buổi này. Ờ, thời buổi khó khăn. Mà công gì vậy ? Tao vẽ lớn cho em hai tấm hình chụp đâu hồi còn đi học ...À mầy còn nhớ Chi Lan chớ ? Trước học ở Trần Cao Vân. Nó nhớ mày mà.
Chi Lan hả ? Phải mặc áo bông ngồi kia không ? Tấn chồm người dòm về phía cửa hàng theo tay bạn. Ừ, chính thị.

Chi Lan, một trong mười mấy bông hoa hiếm hoi của một trường trung học, gần hơn ba ngàn đực rựa, cách đây gần bảy tám năm trước. Lan học ban C. Văn chương lướt thướt. Anh văn và Triết lý ởm ờ. Chạy lấp sấp trên hành lang mỗi lần trường làm bích báo. Lan dưới gốc phượng với chúng bạn cùng lớp bàn về tiểu thuyết của E. Hemingway, là đứa con gái đứng giới thiệu chương trình trong đêm văn nghệ cuối năm, năm cuối cùng của bậc trung học.
Sau đó là gì nữa nhỉ ? Sang thấy mù mờ. Trí nhớ như mỏi mệt khi phải đi ngược lại từng ấy thời gian. Bảy tám năm gì đó. Chẳng đứa nào biết đứa nào, làm gì ? ở đâu ? Trừ vài chục đứa lục tục khăn gói vào "Trung tâm 1 nhập ngũ"  từ sau cái năm 72 ấy. Mùa hè đỏ lửa. Mấy chục thằng của cái trường mấy ngàn học sinh được chia ra từng tốp để vào mấy khoá Sĩ Quan Trừ Bị, với những mãnh bằng Tú Tài mới tinh và sách vở. Thủ Đức chật, ra bớt Đồng Đế. Gặp nhau vài phút ở sân bắn, trên đường di hành. Đường trường xa con chó nó tha con gà. Hay trên bãi tập, nói thật vội với nhau vài câu, rồi tiếp tục -bò-lết-chạy-một-hai-ba-bốn-khỏe-khỏe .

Ra trường, đứa chết đứa tàn tật. Thằng nào còn sống với lổ chổ vết đạn trên da thịt thì cắm đầu mà bước. Cuộc chiến vẫn còn dài.
Cho đến mùa xuân ấy  -1975-  những thằng sống sót lại gặp nhau một lần nữa. Trại cải tạo. Lần này thì ê chề và thê thảm. Thằng mệt nhoài ở đầu truông hỏi thằng ngất ngư ở sườn dốc. Bữa nay gỗ nặng không mày . Vẫn như hôm qua. Bốn đòn tám đứa, con ạ.

Sang dời phin cà phê khuấy đường. Không sửa. Hắn uống một ngụm nhỏ, quay hỏi bạn. Còn thấy bọn thằng Sự qua đây không. Tụi nó xuống hết dưới  kia rồi. Cả toán tù chuyển qua làm tre...Bữa hắn đi tao có đưa gói thuốc rê và mười đồng bạc. Tao chỉ có vậy.
Ừ, thì chỉ có vậy, chứ đứa nào có hơn đứa nào. Sang lẩm bẩm với chính mình rồi chợt nhớ về thằng bạn cũ, cùng những ngày tù chung của cả bọn. Những Sự, Tâm, Tấn, Dưỡng, Anh...vào tù từ tháng ba năm ấy.
Súng vất ở cầu Câu Lâu, ở dọc đường Hải Vân, Quế Sơn. Về Đà Nẵng nhìn thành phố thay đổi đến dị hợm. Sang đã đi lang thang trong phố, nhìn súng chất đống trước chùa Tỉnh Hội, nhìn bờ sông ngổn ngang những tàn tích của đỗ vỡ. Bên kia sông, ở bờ biển, là một nghĩa địa bất ngờ, tanh tưởi với nhiều xác người chưa chôn kịp. Hắn gặp Sự, với câu hỏi: Mình thua rồi hả mày ?

Hai đứa dắt nhau vào quán cà phê ngồi thừ người cả buổi, không nói với nhau lời nào. Mấy hôm sau trình diện đi " cải tạo" mà không biết Saigon và các xếp lớn sẽ ra sao. Mãi một tháng sau, cái trại tù Tiên Lãnh một hôm chợt chộn rộn. Bọn cảnh vệ, cán bộ gọi nhau ơi ới để ăn mừng. Saigon thất thủ.
Tù binh từng đứa nhìn nhau thẩn thờ, quên đói. Thằng Tấn kéo Sang vào một góc khuất nói nhỏ, vậy là xong. Tụi mình hết mong được trao trả tù binh như hồi trước làm ở Thạch Hãn.

Ba năm sau, với một cánh tay gãy của Tiến vì gỗ đè, mấy cơn sốt rừng và làn da tái mét cho mỗi đứa, thì cũng có vài đứa trong bọn được thả về. Nhiều đứa, như Sự, thì ở lại. Và số khác, thì không bao giờ về lại được  nữa.

Sang về sau Tấn mấy tháng, khi mùa mưa lại vừa trút nước xuống những dãy núi hun hút của tỉnh Quảng Nam èo uột. Hắn từ chối đi về vùng kinh tế mới mà cũng không được phép ở lại Đà Nẵng, nên lên Trà Mi làm gỗ được coi là tốt nhất.
Những thớt gỗ lần này cũng làm hắn mệt đừ nhưng đầu óc đỡ phải bận bịu bởi chuỗi ngôn ngữ mới cứ rêu rao suốt ngày từ mấy cái loa gắn ở cột đèn đường. Vả lại, vẻ hoang dại của núi rừng lần này không giống như hồi còn ở trại tù. Hắn có thể tìm được vài phút thảnh thơi và cả chút tự do cho chính hắn, sau khi những thân cây được hạ xong.
Thường vào buổi chiều, cũng nhảy từ chiếc xe tải gỗ, ra suối tắm gội bì bõm và nghe mùi lan rừng trong gió. Đứa bạn làm chung đã pha xong ấm cà phê ngồi đợi ở chiếc bàn gỗ trước căn lều lợp lá. Mà cả bọn ba đứa chỉ tốn một ngày là làm xong. Ở đó, giữa núi rừng trùng điệp, hắn có thể hát những bài hát cũ hắn thích tự ngày nào.

Sang quay người uống thêm hớp cà phê và đốt điếu thuốc khác. Tiếng đàn của Tấn chợt đổi, nhịp nhanh hơn theo bài hát mới, giống như từ mấy ống loa trên cột đèn làm Sang nhăn mặt. Hắn nhìn ra phía ngoài trời đã chiều hơn. Vài người băng qua con lộ đi về phía cửa hàng. Mấy cô gái ở đó đứng dậy vuốt lại quần áo. Sang thấy Lan nhìn về căn nhà Tấn. Tấn nói mấy thằng ấy là công an huyện
đang tán tỉnh mấy em ở cửa hàng đó.
Tấn ngưng đàn, đặt cây đàn dựa vào mặt bàn thấp để mồi điếu thuốc từ tay Sang. Sang dòm tay bạn thấy những ngón dài và thon giống bàn tay con gái. Hèn gì nó vẻ đẹp và nổi tiếng từ hồi còn ở trung học. Sang lật tay của chính mình rồi mĩm cười. Mười ngón chai cứng, đen và đầy sẹo. Hồi xưa bị bà già chửi mãi, hễ đụng thứ gì hư thứ ấy. Vậy mà đúng. Cái máy cưa bị bể tới lần thứ ba. Hết vốn.

- Mày ăn cơm nước gì chưa ?
- Ăn ở Trà Mi xong. Chưa đói.
- Nếu đói thì luộc mì, hai anh em tao ăn xong rồi.

Hai anh em. Tấn và Cúc. Đứa lớn cách đứa sau mười mấy tuổi. Cúc ra đời như một ơn mưa móc của trời đất, như một an ủi hiếm hoi dành cho đôi vợ chồng như là hiếm muộn, một ân sủng cho cả quãng tuổi thơ lẻ lỏi của Tấn - đứa anh trai - Cúc mang nụ cười âm thanh sinh động phả vào gia đình vốn thiếu vắng những thứ ấy trong khoảng thời gian dài.
Lớn lên, đứa anh vào lính. Mỗi lần về phép đều mang quà chật một ba lô cho cô em gái. Những năm Tấn ở tù, đứa bé gái lúc nào cũng đòi theo cha mẹ lên núi thăm anh với món thịt kho tự tay nấu. Ăn xong còn bắt phải khen ngon.
Khi Tấn về, với lý lịch bị bôi đen, cả gia đình không còn lý do ở lại thành phố. Dắt díu nhau về đây, huyện lỵ heo hút này, cày xới lại mãnh vườn cũ của tổ tiên, dựng lại mái nhà trên nền cũ vốn hoang phế nhiều năm. Chút của cải mang về cạn dần mà đời sống không hề khá nỗi. Cha mẹ Tấn phải vào rừng làm củi. Tấn trong vòng kiềm tỏa của công an phải ở nhà thường nhật, chạy chuyển hàng trên đường Tam Kỳ-Tiên Phước bằng chiếc xe Honda. Mỗi tháng hắn lên núi đón mẹ về rồi phụ cha thả bè củi theo sông Tiên về miền dưới.

Vừa lúc ấy, người con gái áo hồng đang bước tới bực thềm gọi nhỏ anh Tấn. Ủa Chi Lan. Vào chơi. Lan nhìn Sang với vẻ ngượng ngập nhưng vẫn bước vào. Tấn kéo thêm chiếc ghế thấp cho bạn. Sao bữa nay rãnh vậy. Không có hàng nhập kho nên cả bọn ngồi chơi suốt cả buổi chiều nay. Tấn nhìn qua Sang nói hai người biết nhau mà. Sang nãy giờ vẫn không nói gì thoáng nhìn Lan, cả hai cùng bối rối. Phải anh Sang hồi trước ở Trần Cao Vân không. Vâng, ban A chứ không phải bạn C . Lan cười vì biết Sang muốn nói tới loại học sinh ban văn chương ở bậc trung học, mà hồi ấy thường bị gọi  là những kẻ "có hồn" lắm.

Từ hồi về đây làm, để coi, hơn bảy tháng, Lan có thấy anh một lần, hồi chiều lại thấy anh nhảy xuống xe, cứ ngờ ngợ không dám gọi. Lâu quá rồi, ai cũng thay đổi cả. Tôi cũng đâu ngờ Lan về làm đây.
- Anh bây giờ làm gỗ ở Trà Mi phải không ?
- Đúng rồi, sao Lan biết.
- Còn biết chuyện anh với chị Hồng nữa kìa.
Tấn chợt xen vào, ở cái phố núi chút xíu này, chuyện gì lại không biết. Như chuyện công an với cửa hàng cũng vậy. Không có Lan à , cô gái cải với Tấn, bằng cớ là tui đang ngồi ở đây và họ ở bên kia.

Tiếng "tui" thoát ra từ miệng Lan, được nhấn mạnh, âm thanh làm Sang chợt cười. Hắn nhớ Hồng vẫn thường dùng chữ ấy mỗi lúc nàng giận hắn. Con gái thường có nhiều điểm giống nhau. Tui thế này. Tui thế nọ. Tuần trước nhận được mẩu giấy Hồng gởi lên từ tay một người quen buôn bán trên đường này. Tấm giấy chỉ vỏn vẹn mấy chữ. Tui sẽ về Tam Kỳ một mình nếu ông bạn cứ ở hoài trên ấy. Chỉ có vậy nhưng thiệt ra đầy hâm dọa, kiểu đàn bà. Nhiều lần Hồng đã kể với hắn về nhiều gã đàn ông khác đang tán tỉnh nàng. Đám đàn ông này luôn có nhiều lợi điểm hơn hắn. Họ là gã đồng nghiệp của Hồng, là gã hiệu phó, là lão giám đốc lâm trường ở kế cận ngôi trường nằm dưới đoạn đường dốc ấy. Lão giám đốc mỗi lần xuống chơi Tam Kỳ bằng chiếc xe gắn máy bóng loáng, đều ghé nhà Hồng với túi tiêu sọ, những thanh quế lâu năm làm quà tặng. Giá một kg quế hay tiêu bằng cả chục tháng lương của một công nhân trung cấp, cở như chức giáo viên cấp hai của Hồng.

Sang biết Hồng yêu mình và cần mình. Cũng như hắn yêu và cần nàng vậy. Cần một người để trò chuyện, để san sẻ. Không ai trong đám đồng nghiệp gần gũi ấy làm nàng rung động. Và cũng không  ai ở cái huyện miền núi này có cùng một tia nhìn với Hồng. Những ngày mưa, cơn mưa núi dai dẳng che mờ hết cái thung lũng này, che mờ hết dãy núi cao vây bọc chung quanh nó và giòng sông. Anh coi, em làm gì đây ? Nằm ngữa nằm sấp trong căn nhà tập thể ấy vừa nhai khoai vừa đọc thơ Tố Hữu à ? Đó là ngôn ngữ bình thường của Hồng là vậy. Nếu có anh, mình sẽ về Tam Kỳ, thây kệ nó những phê bình kiểm điểm, hai đứa ngồi ở một góc quán quen, hai cà phê, hút thuốc - nếu cần - rồi tha hồ chuyện vãn mơ tưởng. Hoặc Sang hát cho em nghe bài hát cũ của thời nào còn đi học...Thà như thế còn hơn ngồi nhìn mưa mà nhớ về những buồn lòng. Nhớ mẹ tảo tần trên con đường Hà Lam Việt An  buôn từng chục bạc . Chen lấn giành giựt một chỗ đứng trên chiếc xe đò với bạn hàng và lơ xe, hối lộ tên công an kiểm soát từng gói thuốc lá. Như thế, cứ đều đặn mỗi ngày, mỗi ngày...Còn anh Hai, bốn năm rồi chưa về. Trại cải tạo vẫn còn đông nghẹt. Những thớt gỗ từ bên kia rặng núi Răng Cưa của Quảng Ngãi, vẫn nặng, vẫn phải đều đặn mang về mỗi ngày...Cũng in hệt như anh hồi năm ngoái, phải không anh Sang ?

Ở những lần ấy, Sang đã ngồi yên lặng nhìn bạn mà không nói gì. Hắn không muốn nói với Hồng về những điều khác kinh khủng hơn là những thớt gỗ nặng từ bên rặng núi Răng Cưa.

Người con gái lại yêu cầu Tấn đàn. Biểu Sang nó đàn cho mà nghe. Anh sắp phải đi coi hàng. Ờ phải rồi. Ngày xưa anh Sang đàn hay lắm mà. Nổi tiếng ở Trần Cao Vân. Sang vất điếu thuốc ra sân trống. Hồi đó đến giờ tôi không còn đờn địch gì hết. Tay bây giờ là cầm máy cưa và kéo dây cáp mệt nghỉ. Thôi mà. Anh chơi lại bản gì hồi đó con Vân hát dịp cuối năm đó. Nhớ hông ? Chịu thôi. Lâu quá rồi làm sao nhớ được ai đã hát hò bài gì. Tôi chỉ nhớ Lan là người giới thiệu chương trình trong đêm ấy.
- Và anh là một trong mấy "đờn sĩ" đại tài.
Cả bọn ba cùng cười vì câu pha trò dí dỏm. Lan tiếp, sau đó anh đi lính phải không. Và không đợi Sang trả lời Lan đổi giọng kể lể. Lan thấy anh mặc đồ lính một lần nè, Lan cố gọi nhưng hồi ấy anh không nghe. Sau này có thêm một lần nữa nhưng lại không gọi được.
- Vì đang đi chơi với bồ. Tấn chen vào.
- Không phải. Vì đang ngồi trong xe đò từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng, mà anh Sang thì đứng dưới đường cùng mấy người lính khác...Lan nhớ, lúc ấy là hết mùa hè, Lan phải đón máy bay vào Saigon.
- Bộ đi thi hoa hậu chắc ?
- Sao anh Tấn cứ chọc Lan hoài vậy. Cô gái la lớn bất bình.
- Xin lỗi anh chỉ đùa. Nói xong Tấn đi vào nhà sau, để hai người bạn ngồi lại với một khoảng trống hơi khó chịu.

Sang với tay tính lấy điếu thuốc nhưng lúng túng chạm phải cây đàn. Hắn không biết làm gì nên ôm lấy. Lan sửa lại dáng ngồi  khi Sang bắt đầu đụng nhẹ vào mấy sợi dây đàn. Âm thanh của bài hát hắn vẫn thích:

Gọi nắng lên vai em gầy đường xa áo bay...
Gọi nắng trong cơn mưa chiều loài hoa nắng rơi...

Bài hát của thời học trò. Bài hát của hai đứa. Hắn và Hồng.

Lan ngồi bên hát theo nho nhỏ, đôi mắt nhìn sâu vào vòm cây tối đen trước hiên nhà. Tiếng hát bình thản thêm ngón tay gõ vào mặt bàn và tay kia chống vào cằm ở cái dáng tự nhiên nhất...Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau...Cho đến âm thanh cuối cùng kết thúc bài ca.
Sang lại dạo đàn, lại bắt đầu cho một khúc nhạc khác. Lâu rồi, hắn không hề cầm lại loại nhạc cụ này. Nhưng chiều nay tự dưng cảm hứng khi bên cạnh có một người bạn cũ, như là đồng điệu, có khoảng thời gian nào đó cùng một mái trường, có cùng vài kỷ niệm. Đêm văn nghệ cuối năm thời trung học.

Lan vẫn hát theo, giọng nhỏ. Có lúc như trầm xuống thấp không nghe được. Âm thanh như lan man nhắc nhở một thuở nào mới đây nhưng cũng thật xa xôi. Đã qua rồi thời nào êm đềm cũ. Thời tóc bay và mộng ước đầu đời. Sau cơn bão cảnh vật thân quen trở nên lạ hẫng. Làm gì còn hạnh phúc cùng với dáng vẻ mỹ miều của nó. Hay còn một dáng của tả tơi. Hạnh phúc bây giờ chợt sần sùi như mấy ký khoai người ta xếp hàng mua mỗi đầu tháng. Hay nặng nhọc như chiếc xe đò chạy bằng than củi phì phò leo lên đoạn đèo dốc chiều nay.

Chiều nay, ai biết, như đã bao lần rồi tôi cũng về từ một hẻm núi. Vẫn với y phục bê bết thế này, đứng nhìn nắng thoi thóp ở cuối trời, nhìn chặng đường vừa bỏ lại sau lưng. Trà Mi hay Quế Sơn hay Bồng Miêu Thường Đức. Những dấu chấm đỏ trên bản đồ ngày trước, tuy khác nhau mà vẫn giống trong mắt nhìn. Những đồi cỏ tranh hay sườn non lặng lẽ vây quanh lấy độc đạo như vòng tay ôm nghiệt ngã không rời. 

Chiều nay tôi lại vừa chạy trốn cơn mưa núi, chạy trốn thác ngầm ùa ập của khu rừng nhiệt đới như người ta quẩn quanh chạy trốn những buồn lòng. Cái không gian ẩm thấp khói sương làm lòng chùng xuống như sợi dây phơi lại đem tấm mền ướt ra căng. Về ngồi đây ly cà phê bạn bè khúc hát, lại giống bao lần, chút nồng ấm nhỏ nhoi mà hẳn sẽ nhớ mãi trong đời hoài lận đận.

Bóng của Tấn chợt hiện ra ở khung cửa, làm dấu bảo đừng hát. Cả ba người ngồi nhìn nhau yên lặng. Gì vậy. Tấn chỉ qua phía bên kia đường, khoảng sân trống của cửa hàng quốc doanh. Coi chừng tụi nó. Tấn nói khẽ. Bên kia đám người tản mát. Họ đi ngang qua căn nhà, nhìn chăm chăm và nói với nhau những lời gì không nghe rõ. Kệ họ, Lan vuốt tóc hỏi nãy giờ anh Tấn đi đâu. Anh qua coi lại hàng mai chở xuống Tam Kỳ. Có nhắn gởi gì không. Lan cười. Có. Một ổ bánh mì ba cuội. Tấn quay qua Sang. Còn mày, có xuống dưới đó cà phê sửa đá hay không. Chưa biết. Vậy đừng mong tao bỏ bịch nylon mang lên, nghe con.

Lan đứng dậy nói thôi em về. Tối nay có ciné ở bãi chợ đó, Lan biết chưa. Rồi, anh Tấn. Hồi nãy mấy anh công an qua rủ cửa hàng đi coi đó. Nên Lan qua đây. Đứa con gái nói như một phân trần cho thái độ của mình trước hai người bạn. Một phân trần như là một cần thiết.
Hay là Lan dẫn dùm Sang đi coi. Hắn ở Trà Mi mấy tháng nay, chơi toàn là khỉ. Lan đã ra tới khoảng sân, nói vọng vào, thôi, Lan không dám đâu, chị Hồng đánh chết.

Chờ cho Lan đi khuất, Tấn hỏi nãy giờ mày nói gì với nó. Không nói gì hết, mày hỏi kỳ. Tấn cười con nhỏ dễ thương, nó hỏi mày hoài à. Tại mầy không biết. Thôi Tấn. Tao nghèo nên không ham.
Thì đứa nào chẳng nghèo nếu không là công an là cán bộ. Nhưng mày cũng thấy mình có cái gì khác với tụi nó chứ.

Sang yên lặng. Sự so sánh ấy đã cũ rồi và ai cũng biết. Sang đứng dậy nhét chiếc mũ vải vào túi quần. Mày tính đi đâu vậy. Tao qua trường học tìm Hồng. Nhớ về sớm trình giấy tạm trú, hoặc để lại đây lát nữa tao đi báo. Vậy tiện hơn. Sang trao tấm giấy cho bạn. Đó là giấy hộ thân duy nhất mà hắn có. Giấy phóng thích. Tờ giấy xài một năm nên đã cũ mèm. Ngày nhận tấm giấy ở cổng trại Kỳ Sơn, Sang đã không ngờ là chuyện có thật. Hồi sáng sớm được lệnh khỏi đi cõng gỗ, chỉ lao động gần trại. Mười giờ cảnh vệ dắt ra cổng. Sang không có dịp chào bạn bè lấy một lời. Hắn lãnh phần lương khô , với phương tiện tự túc, băng qua đèo Hố Ngãi, hai ngày sau về tới Đà Nẵng.

Sang bước ra sân. Trời đã tối. Mấy đứa trẻ đang kéo nhau về phía sân chợ coi chiếu bóng. Nếu không có tiếng kêu réo thì mấy cái bóng di động trông giống như bóng ma nhoà với ánh trăng non đầu tháng. Qua cửa hàng, dáng một cô gái ngồi một mình trên bực thềm vắng, hai tay bó gối. Có lẽ là Lan.
- Đi coi ciné hả anh Sang ?
Hắn chợt lúng túng, không biết trả lời thế nào. Có thể Tấn đã nói thật, nhưng dầu gì cũng không là điều hắn trông đợi.
- Lan không đi sao ?
Lan đứng dậy, hai tay vòng trước ngực bước lần ra khỏi thềm. Lan đợi tụi bạn tắm xong, đến lượt mình, rồi đi ngủ. Sang nhìn kỹ người con gái. Lan cũng có mái tóc giống Hồng, dài và gợn, xoả trước trán. Lan có biết phim gì không. Tình cảm xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô. Chán mớ đời. Lan đã coi rồi à ?  Một lần. Hồi mới về đây. Hồi trước đó Lan làm gì. Không làm gì cả. Năm 75 trường đóng cửa, Lan bỏ về Saigon báo đời ông bà già hết mấy năm. Đi làm đập Phú Ninh không công, muốn khùng.

Câu chuyện của hai người đi ngược về thời cũ. Lan xong tú tài vào Saigon học văn khoa.  Sang ra Thủ Đức về Huế. Sư đoàn 1. Bị thương, về Quảng Nam làm Địa Phương Quân. Có bữa đứng lớ ngớ trên quốc lộ 1 gần cầu Bà Rén và Lan thoáng thấy một lần. Sự tình cờ ấy chỉ đứa con gái biết một mình, như một mình thảng thốt khi chợt thấy Sang đón xe đò ở bến xe huyện này mấy tháng trước , trong một ngày mưa giông.
Lan đã không dám gọi, nhưng kỷ niệm chợt ùa về như những đám mây đen trôi đầy trên thung lũng.

Và chiều nay, thêm một lần nữa...ngôi trường cũ...dãy hành lang dài thẳng tắp, những gốc phượng đỏ ối vào đầu hè. Đêm văn nghệ cuối năm, cái khoảnh khắc rạo rực mà buồn bã. Đứa con trai học trên một lớp, ít nói nhất trong ban văn nghệ trường lúc nào cũng huyên thiên như cái chợ. Sau đó đứa con trai vào lính. Mất hút. Vắng mặt cả trong buổi tiễn đưa của nhà trường sau đêm ấy. Không còn ở sân trường, đường phố hay trước hiên nhà. Đời sống với trăm ngàn ngõ ngách đưa mỗi người về một phương diệu vợi. Đầu này là súng đạn nỗi chết hiểm nguy. Đầu kia là sách vở là thi cử là đời con gái với vòng rào luân lý cấm cản. Mấy năm có gặp. Tình cờ. Đã gọi và đã yên lặng. Mấy năm, cũng có vài biến động nhỏ trong tình cảm của đứa con gái, những cảm xúc hững hờ. Những xa xôi nào thời gian cũng xếp lại cho những lo toan trước mắt. Sân trường đại học mới mẻ và Saigon cũng quá ồn ào với người con gái trọ học . Lan không còn biết nhiều về đứa con trai. Không có gạch nối nào giữa hai người để dò tìm, hỏi tới.
Hình như đứa con trai có ít bạn bè. Vắng mặt hay chìm khuất giữa những đám đông. Thường một mình trên sân trường. Luôn một mình bên hiên nhà vắng, với cây đàn hay sách báo gì đó mà nhiều lần Lan thấy khi có dịp ngang qua.
Sau này, mỗi dịp hè trở về, lại thấy hiên nhà càng vắng hơn. Đứa con trai với bộ đồ lính, cùng những người lính khác trên đoạn đường hừng hực nắng cháy, và cũng như từ lâu nay, hắn không biết gì về người con gái cả.

Mãi tới khi về làm ở cái huyện miền núi này, cùng lúc thoáng gặp Sang, cảm xúc thời nào cũng xô về ồ ạt. Và qua Tấn, Lan lại biết nhiều điều về Sang. Lại biết thêm một người nữa. Hồng. Không biết đã có bao nhiêu Hồng trong suốt một quá khứ dài của đứa con trai ấy nhỉ. Lan tự hỏi chính mình.

Cuối cùng chuyện trò giữa hai người cũng hết. Sang kiếu từ mà không nói hắn sẽ đi đâu. Dù vậy, Lan cũng biết. Ngôi trường có cô giáo tên Hồng nằm cuối đoạn dốc dưới kia. Với ý tưởng ấy, thốt nhiên Lan thấy một nỗi buồn như nghẹn ứ cổ họng. Lan quay vội vào ngồi lại bên bực thềm tối. Nhìn theo.

Có lẽ đây là nỗi buồn sâu xa nhất từ ngày nào Lan biết về đứa con trai . Cảm giác như người ta vừa tìm lại vật gì thân yêu bị thất lạc mà nay đã không còn nguyên vẹn được như thời nào xưa cũ.


Lý Hùng Hà



----------
Nguồn: VĂN
Số 28, tháng 10-1984


Friday, January 15, 2016

MÙA HÈ QUÊ TÔI


                                                                        HỒ TRƯỜNG AN





Thắm thoát mà tôi đã sống năm năm trên đất Pháp.

Tôi đặt chân lên đất Pháp vào đầu xuân năm 1977. Trãi qua đầu mùa xuân cho đến cuối hè ở vùng Alsace (miền Đông Bắc nước Pháp, tiếp giáp biên thuỳ nước Thuỵ Sĩ). Tôi đã trãi qua năm mùa xuân, năm mùa hè tha hương.
Nhưng chính ở vùng Champagne với đồng bằng, thung lũng, hồ lam, sông biếc, tôi mới thưởng thức cái tươi mát của mùa xuân, cái ấm áp nồng mặn của mùa hè.

Patrice ơi ! Mùa xuân trên đất Pháp năm nay khởi sự vào hạ tuần tháng Tư. Trước hết là những cây Lê, cây Anh Đào trong vườn Patrice nở đầy hoa trắng. Cây Lê cây Táo, cây Anh Đào một khi trổ hoa thì cành nó hầu như không có lá, hoặc có chăng nữa thì lá non quá ít, hoa thịnh phóng át tất cả màu sắc của lá đi. Hoa Lê, hoa Táo đều màu trắng, còn riêng hoa Anh Đào thì hồng có, trắng có.
Khu vườn của Patrice bây giờ đẹp vô cùng. Muôn tía ngàn hồng chen màu cỏ non xanh biếc. Hoa Mẫu Đơn tươi thắm quá, tưng bừng phô sắc đỏ hường trong sân. Hoa Cúc vàng, hoa Vạn Thọ hoa Pensée dệt gấm vàng chen đỏ tím trong vườn. Và kìa, men theo lối đi là những khóm Uất Kim Hương đỏ tía, vàng tươi. Hoa Linh Lan li ti trắng. Hoa Dã Yên Thảo và hoa Phong Lữ Thảo đủ màu, hoàng yến, hồng phấn, hồng đào, thiên thanh, tím ngát.

Mùa xuân êm ái trôi qua. Mùa hè đến với ánh nắng vàng cháy.

Trưa hôm qua, trời đẹp, hơi oi bức một chút, Patrice có nhã ý mời bọn Việt Kiều chúng tôi đến chơi quả cầu sắt ở bãi cỏ bên hông nhà. Chiếc bàn tròn lót cẩm thạch trắng đặt dưới gốc cây soan hoa tím, có sô nước đá, có vài thứ rượu , vài thứ bánh và mồi nhắm.
Ôi thời gian cuối xuân sang đầu hè thật là êm đềm thi vị. Thời gian lười biếng trôi qua. Giấc mơ quen thuộc hay giấc mơ xa lạ nào đó dịu dàng kéo về trong lúc tôi thả người trong chiếc ghế bành, làm tôi có cảm tưởng mình làm chủ được thời gian, thắp sáng hiện tại của chính mình. Tôi có thể nhấm nháp từng ngụm rượu, có cảm tưởng mình hớp cái phong vị nhàn rỗi của mùa hè.

Ai không thích chơi trò cầu sắt thì có thể ngồi nghe nhạc, loại dân ca rất xưa, nhưng phần hoà âm rất mới do Nana Mouskouri trình diễn...Chúng tôi vốn thích dân ca của xứ sở mình nên tâm hồn dễ thâm nhập vào dân ca mọi nước.

Tôi ngồi bên ly rượu ngọt mơ màng xa xôi.

Hiện giờ bên quê hương tôi, hè đã bắt đầu rồi. Đây là mùa hoa Phượng thắm, mùa hoa Soan hồng, mùa hoa Giấy tím. Xứ sở tôi thuộc vùng nhiệt đới ít hoa lắm, Patrice ạ ! Nhưng tôi rất hãnh diện về hoa Sen của xứ sở tôi. Phải chăng óc địa phương của tôi to lắm hay sao, nhưng suốt đời tôi chưa từng thấy hoa nào đẹp hơn hoa Sen, dù Sen trắng hay Sen hồng, loại Phù Cừ hay loại Tây Vực.
Có một cuốn sách nào đó nói về hoa Sen, nhưng lại in hình hoa Súng. Hoa Súng xứ sở tôi cũng đẹp nữa, nhưng hoa ấy không thơm.
Patrice ơi ! Hoa Sen thường nở trong ao đầm, mọc từ bùn lầy hôi tanh mà vẫn giữ mùi hương cao quý và thanh khiết lạ lùng. 
Ca dao xứ tôi có câu rằng : 

Trong đầm gì đẹp bằng Sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Sen trắng đã đẹp như thế, cao quý về phẩm chất như thế, nhưng tôi còn thích Sen hồng nữa, Patrice ạ. Các cô thôn nữ quê tôi vốn thích màu sen hồng nên khi họ may quần lãnh đen óng ả, họ thường cặp lưng bằng lụa hoặc nhiễu màu cánh sen. Đôi khi họ còn cặp lụa màu đọt chuối, nhưng mà màu lá sen non há không phải là màu lục nõn của đọt chuối hay sao? Theo tôi, một cái ao hoặc cái đầm đã có thả Sen trắng thì phải trồng dậm thêm Sen hồng thì cái ao, cái đầm mới có vẻ nên thơ hơn.

Patrice cứ tưởng tượng đi, trong một buổi chiều vàng ấm áp và tạnh ráo, mãnh ao đầm ở miền quê trổ đầy Sen trắng lẫn Sen hồng, sắc hoa sáng rực trên màu lá, rọi bóng vào gương nước xanh trong. Cảnh đó đẹp biết bao ! Giờ chỉ còn sống chập chờn trong ký ức những kẻ lưu vong như tôi. Không hiểu sao khi nghĩ về quê hương, tôi lại liên tưởng tới hoa Sen. Tôi không sao giải thích được sự liên tưởng đó. Nhưng từ trong thâm tâm, tôi biết rằng tôi giữ mãi tình hoài hương cho tới ngày tôi nhắm mắt. Và trong góc kín tâm hồn tôi, hình bóng quê nhà sáng chói mãi như màu sen trắng sen hồng làm rực rỡ cả một khung trời thôn quê mùa hạ.

Lá Sen giống như lá khoai môn, to rộng hơn, cọng sen lấm tấm gai. Khi ta bẻ đôi ra thì cọng bày ngó sen trắng muốt. Cọng luôn luôn kết dính bằng loại tơ mịn dẫu ngó bị tách ra làm hai.
Truyện Kiều có câu rất trữ tình:

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

Hoa Sen gồm những cánh hoa thuôn thuôn phớt nhẹ một lớp phấn tuyết nhung mỏng mịn. Những cánh đó ôm lấy một cái gương tròn màu hoàng yến với những tua nhụy dài lấm tấm. Khi cánh hoa đã rụng, gương sen bắt đầu điểm hột nõn nà, cắn ra thì thấy rịn chất sữa thơm béo béo.

Hoa Sen dùng để cúng Phật. Hoa Sen tượng trưng cho đạo Phật, đi vào trong kinh điển Phật giáo, bởi đó mới có kinh " Diệu Pháp Liên Hoa" mà tiếng Pháp dịch là "Le Sutra du Lotus" .
Hoa Sen tượng trưng cho sự tinh khiết, sự mầu nhiệm thiêng liêng trong cõi Hoa Tạng Huyền Môn nào đó, nhưng mà hỡi Patrice, nó mở cho riêng tôi một khung trời, một mái nhà, một tình yêu, mà lịch sử tai ương đã cuốn đi, và tôi lạc mất nó.

Và còn thú vị hơn nữa, quê tôi vào mùa hè còn có hoa Phù Dung.
Như trong cuốn Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần hay trong cuốn " Nàng Á Cơ trong chậu úp" của bà Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội thì hoa Phù Dung còn có tên gọi là Phù Cừ hay một loại sen trắng, một thứ hoa mọc dưới nước.

Hoa Phù Dung quê tôi là một thứ hoa giống như hoa Bông vải, nở lớn như cái bát, hoa gồm nhiều cánh mỏng như lụa the. Ngộ nghĩnh làm sao, màu hoa lúc sáng tinh sương có màu trắng như lụa cẩm châu, mỏng như the, như voan. Hoa phô màu trắng giữa lúc sương mai ướp mát thảo mộc. Vậy mà khi hoàng hôn xế bóng, hoa đổi ra màu hồng dịu.
Hồi thuở tôi mười tuổi, tôi đã gặp cây Phù Dung ở một ngôi vườn hoang phế. Tôi đem cuốc xuổng bứng một gốc về trồng ở sân nhà, nhưng dù tôi có chăm bón, tưới nước cho thế mấy, cây Phù Dung vẫn chết.

Dù hoa Phù Dung không có hương thơm, nhưng tôi rất yêu nó vì nó chào đời với cái đẹp trong ngọc trắng ngà, nhưng khi chết thì ửng lên một màu hồng dịu rất tình tứ. Bông hoa đó chỉ thích sưởi ánh nắng ấm áp, và không bao giờ thích bóng đêm mực xạ hay ánh trăng lạnh lẽo.

Trên đất Pháp tôi chưa bao giờ gặp hoa Ti Gôn. Đó là loại dây hoa bò khắp hàng rào. Lá hoa Ti Gôn hình trái tim, hoa bé li ti cũng hình tim. Hoa trắng có, hồng có ...đã đem vào bài thơ của T.T.K.H. những tâm sự thê thiết:

Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi

Hoa Ti Gôn nhờ bài thơ kia đã làm cho biết bao cô nữ sinh vẽ vời trang điểm cho tập lưu bút, tập nhật ký, tập chép thơ tiền chiến. Nó còn được thêu lên mặt gối, trên chiếc khăn tay.

Riêng tôi, vào mùa hè trên quê hương tôi, nếu tôi say ngắm cái đẹp của hoa Sen trắng, hoa Sen hồng, nếu tôi yêu mến được sắc trắng của hoa Phù Dung buổi sáng và sắc hồng của hoa Phù Dung buổi chiều, thì tôi yêu hoa Ti Gôn qua cái đẹp xinh tươi của hoa, cái mềm mại của lá, cái duyên dáng của vòi quấn vào hàng rào song sắt, vào lùm buộc, cành khô.
Tuyệt nhiên tôi không thấy sự liên lạc gì giữa hoa Ti Gôn và bài thơ " Hai sắc hoa Ti Gôn" của T.T.K.H. Thì ra, thuở đó tôi yêu đời, lòng sẵn sàng rung động trước cái đẹp của đất trời nói chung, của hoa cỏ nói riêng.

Mùa hè trên đất Pháp, nếu xuôi về miền Nam, tôi mới thấy các thứ hoa Bông Phấn, Ngọc Trâm, Trúc Đào. Bông Phấn có tên Pháp là Belle de Nuit. Tôi chỉ tưởng rằng hoa Bông phấn loé ra hình sao ở phía đầu với các màu vàng nhạt, thiên thanh, hồng phấn, hồng hạnh...đâu cần gì đợi tới đêm mới nở, mà dưới ánh nắng hè, nó vẫn nở tưng bừng. Hỏi ra thì vào ban đêm, hoa Hồng Phấn mới ngát hương, cũng giống như hoa Dạ Hương vậy.

Hoa Ngọc Trâm màu hỏa hoàng lộn chấm đỏ hoặc màu trắng lộn chấm vàng, giống như chiếc trâm giắt tóc của các thiên cổ mỹ nhân nước Tàu, giờ đây cũng đang thịnh phóng ở miền Nam nước Pháp. Hoa thật đẹp, hoa giống như hoa Ngọc Trâm miền Nam xứ tôi. Cả hoa Trúc Đào trắng, hoa Trúc Đào hồng nữa, lộng lẫy chẳng kém gì Trúc Đào xứ tôi. Thế mà tôi vẫn còn thấy thứ hoa kia không thân mật với tâm tình tôi. Có lẽ tại bối cảnh, cái môi trường của hoa không phải là cái miền đất dĩ vãng mà tâm tư tôi gắn bó, mà giấc mộng xanh của tôi buộc chặc hay chăng ?
Có phải chăng trong đáy sâu của tâm hồn tôi luôn luôn vọng lên câu: " Đây không phải là đất quê nhà" nên tôi không cảm thấy yêu mến hoa trên xứ sở của Patrice ?

Xứ sở tôi thuộc miền nhiệt đới, thật sự chỉ có hai mùa mưa nắng. Tuy nhiên từ tháng Tư dương lịch cứ cho là mùa hạ, ngoài hoa Sen, hoa Soan, hoa Phượng, còn có hoa Đại trắng, hoa Bằng Lăng tím, rực cả vùng sân, cả góc vườn.
Và thú vị quá Patrice ơi ! Mùa hạ quê tôi còn có hoa Hoàng Điệp màu gạch non, hoa Chuối Nước màu vàng điểm chấm đỏ. Hoa Móng Tay hường lợt, hoặc trắng. Hoa Ngãi tím lấm tấm.

Sau những cơn mưa, trong vườn tôi còn bát ngát mùi Nguyệt Quế, Dạ Lý, Dạ Lan, Hoàng Lan, Ngọc Lan, Bạch Ngọc, Sơn Chi...
Cánh Ngọc Lan nuột nà, bông Nguyệt Quế trắng phau như tuyết. Hoa Bạch Ngọc, hoa Sơn Chi thuộc loại hoa Lài cũng trong Ngọc trắng ngà. Có người còn gọi hoa Bạch Ngọc là hoa Lài trâu, còn gọi hoa Sơn Chi là hoa Vành Vành. Hai loại hoa này cũng khá thơm, nhưng mùi hương vẫn không thân mật như hoa cam, hoa bưởi về đêm, Patrice ạ. 

Tôi biết lắm, vùng Champagne mà hiện giờ chúng ta đang ở, rất lộng lẫy về mùa xuân. Tuần rồi, Patrice cùng tôi, vào một xế chúa nhật, lên đồi Montgueux nhìn xuống những ruộng lúa mì trãi nhung xanh mướt mượt mà. Những ruộng Cải dầu hoa vàng như dải lụa tằm. Những ruộng bắp tua tủa lá non rập rờn trong gió. Những ruộng Cải Đường bát ngát lượn quanh chân đồi...
Và hơn nữa, trong rừng, hoa dại -vàng đỏ trắng- dệt gấm từng vùng, mở hội triển lãm cho mùa xuân.

Quê hương của Patrice đẹp lắm. Nhưng mà từ ba năm nay tôi tạm dung ở đây, nó vẫn chưa đi sâu vào hồn tôi để dựng nên một thiên đường tuổi mộng nào. Xứ sở của Patrice có nhiều hoa hơn xứ sở tôi. Nhưng hoa có hương thì quá ít.

Giờ đây ở bãi cỏ, người chơi quả cầu sắt cười nói xôn xao. Dĩa nhạc bắt đầu qua bản "Mariez vous, belles" qua giọng hát ngọt ngào trong trẻo của Nana Mouskouri.

" Nous quittons les Pâques, nous sommes  au printemps
Les vignes sont belles, les blés vont grainant "

Ở bên kia bán cầu, quê hương tôi giờ đây đang mùa gieo mạ trên các thửa ruộng đã dọn đất, đã cày, đã bừa xong. Trong khi đó ở đây nho đã trổ đọt xanh tươi trong các ruộng nho, lúa mì cũng đã kết gié rồi.

Ký ức và dòng liên tưởng đưa tôi về nhà quê nội của tôi bên dòng rạch Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Mưa tuôn nước vào ruộng , rồi tràn ra sông. Sông bắt đầu ngầu đục phù sa. Bây giờ đã hết mùa cá Cơm, cá Lòng tong, cá Linh, cá Rói. Trọn những mùa xuân bên quê nhà, tôi ăn nhiều thứ cá lụn vụn kho tương, kho sả ớt, kèm với dưa leo, giá, rau sống, không hề biết chán.
Mùi cá kho đượm gia vị bát ngát trong căn bếp hoàng hôn. Mẹ tôi nghèo lắm, chỉ có thể nuôi lũ con bằng những món ăn thanh đạm. Nhưng nhờ khéo tay, khéo chế biến mà chúng tôi có những bữa ăn ngon lành.
Tôi biết dùng ngôn ngữ nào để diễn đạt tấm lòng thương con của mẹ tôi, như cha tôi đã ca tụng bà nội tôi: 

Mẹ chúng tôi với nghề nông vất vả
Nuôi dạy con nồng mặn nghĩa tình người
Con lớn lên bằng chén cơm khứa cá
Hồn trông cây nhân ái mãi xanh tươi

Mùa hạ là mùa chị em tôi đi câu cá Mè Vinh, bắt cá Mang Rỗ. Loại cá Mè Vinh này lớn bằng bàn tay, kho măng với cà chua, rau cần, có thể ăn với bún, rau ghém, điểm lất phất những lá rau răm, rau húng và ớt đỏ xắt mỏng. Cá Mang Rỗ vào tháng Năm béo hơn cá Mang Rỗ vào mùa xuân khi cái tết vừa qua.
Chúng tôi còn qua cồn bắt ốc gạo, bắt hến. Ốc gạo có con lớn cỡ ngón tay, luộc với lá sả, lá bưởi, lá ổi nên thịt ốc thơm lắm, chấm với nước mắm chanh ớt rất ngon. Đôi khi chúng tôi cuốn thịt ốc trong bánh tráng với rau sống, giá, dừa nạo, bún trắng, từng cuốn dài để chấm với nước mắm giã tỏi ớt. Riêng hến thì mẹ tôi dùng nấu canh rau dền, bồ ngót, mồng tơi, tập tàng, rồi nêm bằng nước mắm ruốc và ớt bột.

Thật sự món ngon nhất ở quê tôi là món cá Chái, một thứ cá có nhiều xương như cá Duồng, nhưng thịt béo hơn, có nhiều trứng hơn. Trứng cá Chái ngon hơn trứng cá Lóc xa. Cá Chái nấu mẵn ( tức là nấu ngót ) ngon hơn cá Mè Vinh, cá Mang Rỗ nhiều.
Món cá Chái nấu ngót ăn với bún, rau xắt ghém là món ăn của nhà giàu vì cá Chái khó bắt, nhất là khi cá Chái đang mang chùm trứng.

Cổ nhân thường nói, thảo mộc mùa xuân ra hoa, mùa hè kết trái. Câu đó chẳng biết có đúng  không, chứ mùa hè ở quê tôi là mùa mận, xoài. Đu đủ hay mít thì hầu như có suốt hai mùa hè cộng với mùa thu, là mùa mưa ở miền Nam.
Vì ở vùng đất phù sa sông Cửu, vườn của tôi không trồng được măng cụt, bòn bon như ở vùng đất Long Thành Long Khánh, lái Thiêu. Vườn tôi có những cây mít Tố nữ, mít ráo mít ướt. Xoài voi, xoài cát, xoài ang ca. Đó là những trái có mùi thơm. Hương chúng ngát suốt ngày suốt đêm. Từ lúc bình minh sương xuống đầm đìa trên lá cỏ, tới lúc hoàng hôn đỏ rực ráng chiều, và suốt năm canh, trong bóng đêm hay dưới ánh trăng. Hương lan trong sương, hương lãng vãng trong tiếng ve rền rền. Trời càng nóng, hương như đậm đặc hẳn lên. Hương hoa ngát mùi phấn, hương trái ngát mùi mật.

Mùa hè ở xứ tôi còn có dưa gang. Dưa gang không ngọt, phải ăn kèm với đường cát trắng hay đường cát mỡ gà. Nhưng mà khi chín, trái dưa gang nứt nẻ ra, phải bó lại bằng rơm hoặc mo cau. Ấy vậy mà mùi hương của nó vẫn tuôn ra bát ngát cả một mãnh ruộng chiều hè.

Bà Ngoại tôi thường hái xoài chín hườm, đu đủ chín bói rồi giú trong lu gạo, khạp nếp, khạp đậu. Khi trái vừa chín tới là Ngoại xếp trên bộ ván gõ, có trãi chiếu để bạn hàng mua về bán lẻ ở chợ. Mít ráo ăn ngon, nhưng mít ướt Ngoại cũng không bỏ. Ngoại làm bánh phồng mít, mứt confiture mít, kẹo mỉt...với mít ướt.

Trong các thập niên 50-60-70 , người thị dân thích ăn mít, đu đủ, xoài chín trộn nước đá. Cách trình bày một dĩa đu đủ gọt vỏ, xắt từng miếng vuông, chất trên chiếc bàn xinh xắn và trắng muốt. Màu đu đủ vàng làm nổi bật lên những phiến nước đá sáng lóng lánh như pha lê.
Riêng tôi, tôi thích gở mít ra từng múi ăn liền, và đu đủ hoặc xoài, khi bổ ra, cạp ăn tại chỗ mới thú vị. Ăn xong rồi uống một ly nước đá lạnh cũng thú. Nhưng giá mà có một tô nước mưa ngâm với bí đao thì mới cảm thấy gan ruột mình thấm cái mát lâu hơn.

Bà Ngoại tôi hễ cứ vào giữa hè là nghĩ tới việc giải nhiệt cho hai đứa cháu cưng là chị tôi và tôi.
Mùa hè nào hai con mắt của chúng tôi cứ đổ ghèn, mình mẩy nổi rôm sẩy...Có lẽ tại hai chị em tôi ăn kem, uống nước đá, ăn xoài nhiều quá.
Ngoại mở nắp chiếc quả sơn son lấy ra hai cục nhựa trôm ngâm vào nước mưa. Nhựa cây trôm gặp nước nở to ra, trám nguyên lòng chiếc chén sứ. Ngoại bỏ vào chén những cục đường phèn. Đó là món giải lao, giải khát, giải nhiệt.
Ở vùng tôi không có dây Sương Sâm, ngoại tôi lấy lá Vành Vành vò nát rồi lọc lấy nước, để cho đông đặc lại, thơm hơn cả Sương Sâm, nhưng không cứng và chắc bằng Sương Sâm.
Lại nữa, trong vườn có Mía Lao, Rau Má, rau Mã Đề, cỏ Tranh (lấy rễ). Ngoại dùng Mía Lao, Rau Má, rau Mã Đề, rễ Tranh để nấu sâm thang. Đó là thứ nước uống giải nhiệt. Những thứ rau có tánh giải nhiệt là Cao Kỷ, Bồ Ngót, Khổ Qua, Mồng Tơi...nấu canh rất ngon.
Rau Muống, rau Lang, bông Bí luộc chấm mắm nêm ăn há không mát ruột, mát tỳ vị hay sao ? 

Làm sao tôi quên được hình ảnh của bà ngoại mỗi khi mùa hè tới, dù thời gian ngoại còn sinh tiền đã trãi qua bốn mươi năm rồi.

Mùa hè còn tặng cho chị em tôi món dưa ngó sen để chấm nước cá kho, thịt kho, mắm kho. Tặng cua đồng nấu riêu theo kiểu người Bắc, tặng ốc Lát, ốc Bươu để trộn gỏi với khế xắt mỏng hoặc để nấu bún ốc.
Tối tối, mẹ thường rang hạt sen để vừa ăn vừa uống trà huế, đôi khi mẹ đãi cho lũ con thứ chè hột sen nấu với đường phèn. Ăn vào là mát ruột, mát tỳ, mát vị suốt ngày.

Nhóm chơi quả cầu sắt tạm ngưng, trở vào giải khát. Bia rót ra ly thủy tinh vàng ấm như hổ phách. Có người dùng cognac, whisky, cùng các thứ khác pha cocktail...Ngày cuối tuần ở đây sao bình yên, nhàn nhã quá.

Quê tôi, trước khi tôi bỏ đi, đã chìm trong cuộc nội chiến đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại. Chỗ tôi ở thuộc vùng xôi đậu, người dân hứng chịu biết bao tai ương của các cuộc chạm súng giữa đôi bên Quốc Cộng. Tôi phải bỏ nơi chôn nhau cắt rún, lên Saigon vào năm 1961.
Dẫu trong đất nước Việt Nam, vậy mà tôi thương nhớ quê cũ quay quắt. Giờ đây, quê nhà, tổ quốc cũng xa, đất tạm dung dù có nhiều hoa về mùa xuân, nhiều rượu, nhiều món ăn thơm ngon, nhưng cớ sao tôi vẫn chưa thấy hồn mình thấm vào từng khung cảnh, từng nhịp sống nơi đây.

Hồi ở Saigon, để hoài niệm quê xưa, tôi dành trước nhà một khoảng đất trống để trồng cây Trứng Cá, một khóm Bạch Ngọc, một bụi Dạ Lý, một gốc Chanh, một gốc Hoàng Lan.
Rồi tôi khoát áo kaki, đi vào đời  lính, Lê mòn gót giày saut khắp miền Đông, quân khu 3.
Tôi đã cảm khái thân thế người bạn qua thân thế mình bằng bốn câu thơ:

Áo trận mười năm quên cố quán
Tóc da dần khét nắng trăm miền
Đem thân luân lạc yêu đời lính
Ôm súng nhiều hơn ôm vợ hiền

Cũng ở vùng Champagne này, để hoài niệm hình bóng quê xưa, tôi trồng một bồn hoa Vạn Thọ ở bao lơn, cùng rau Húng, rau Ngò. Lá Vạn Thọ có lần tôi trộn với thịt gà, ngon không kém rau Râm.

Nhưng mà Patrice à, bắt đầu giữa thu là bồn chậu đều trống trơn. Xứ Pháp thuộc vùng ôn đới, chỉ có thể trồng rau trong hai mùa xuân, hạ. Bắt đầu cuối thu tôi lại tương tư nắng ở quê nhà, cùng rau húng rau quế.
Và đêm đêm, khi tôi nghĩ về quê hương, về bông Sen, và chân dung mẹ tôi, nước mắt tôi trào ra.

Suốt một năm ròng gần như xa cách kiều bào, tôi xuống hẳn tinh thần. Thế rồi một đêm nọ Patrice ơi,  tôi chiêm bao thấy mình được trở về đầm xưa, tắm giữa nước trong, hái bông sen đỏ.
Tỉnh dậy, tôi không sao dỗ giấc.

Và rồi tôi bắt đầu thực hiện cho mình một bàn thờ Phật. Một anh bạn ở Paris mời tôi trở lại nhà dùng cơm, đãi cho tôi một thứ cá lụn vụn kho sả ớt, ngon không thua cá linh, cá rói bên nhà.
Trước khi về anh còn tặng tôi bức tranh mộc bản do người Tây Tạng vẽ. Hình vẽ cảnh Đức Phật Cồ Đàm diễn Pháp cho các đệ tử của Ngài và Chư Thiên đến nghe.
Nét vẽ sao mà mộc mạc trên nền giấy màu ngà do người Tây Tạng biến chế.

Tôi có thể ngắm lại từng hình toà sen trong tranh. Giữa niềm sùng bái, tôi còn tìm lại một hình bóng cũ của một bông hoa hiếm quý, sống mãi thắm mãi trong thế giới nội tâm, Patrice ạ ! Bởi đó, trên chuyến trở về Troyes, tôi mường tượng lại từng chi tiết của khóm sen, từng hình ảnh của bông sen, trên từng chặng đường mà tôi đã sống, đã đi qua, đã cảm xúc ngậm ngùi.

Biết làm sao khác hơn khi ở xứ lạ quê người mà muốn đi tìm kiếm, chắc mót từng kỷ niệm. Thế nhưng, như Patrice thấy, từ ba tháng qua, tôi đã trở lại thế giới kiều bào tôi. Tôi hồi sinh. Tôi phục sinh. Tôi thăng hoa. Tôi hoan lạc.

Bóng tối, ám ảnh, ác mộng đã cuốn theo mùa đông năm ngoái.

Tôi có cảm tưởng mình đang đối diện với cuộc đời, với tổ quốc. Quê nhà, bông sen, bà mẹ dù chưa gặp lại nhưng tôi vẫn tin ngày tôi trở về không còn xa lắm đâu. Patrice.



Hồ Trường An

1986






-----------------------------------
Nguồn: VĂN.   Số 53-tháng 11/1986