Saturday, January 16, 2016

NGÀY THÁNG KHÔNG RỜI



                                                                                  LÝ HÙNG HÀ



Khi Sang nhảy xuống khỏi chiếc xe đò chật ních người thì chiều cũng vừa sụp xuống. Hắn đi lùi lại tránh đám bụi mù dấy lên từ cái đống sắt ọp ẹp còn di động được về phía chợ quận với đầy tiếng ồn. Sang gở mũ vải đập lung tung vào người để phủi bụi vừa  đưa mắt nhìn quanh. Không thấy Hồng.

Những đợt nắng còn sót lại váng vất trên đồi cây đàng xa ở bên kia con sông. Xóm nhà hai bên đường cũng im lìm như mấy đứa trẻ đang ngồi mãi miết cạnh mấy đoạn tre tươi. Có lẽ tụi nó làm đồ thủ công cho trường để bán qua ban Thương Nghiệp. Khu cửa hàng quốc doanh của huyện đã đóng cửa nghỉ, chỉ còn vài cô gái ngồi trước bực thềm chỉ trỏ vào chiếc xe đò vừa chạy qua và quay sang nhìn Sang. Hình như họ có chút thích thú khi thấy Sang nhảy khỏi chiếc xe đang chạy mà không bị ngã. Và có lẽ cũng do cái khuôn mặt nửa quen nửa lạ của Sang giữa buổi chiều ở cái huyện miền núi thế này.
Hắn chợt thấy trong bóng dáng ấy một khuôn mặt và đôi mắt nào ngờ ngợ nhưng không nhớ ra người nào cả. Sang đi ngược về hướng nhà của Tấn, bởi đã chắc là hiên nhà Đào vắng hoe, không có ai ngồi đợi.

Những lần trước, khi thả mình khỏi chiếc xe đang chạy, qua đám bụi mờ ấy thì đã thấy Hồng đứng đó, trước hiên nhà với Đào. Chiếc áo sơ mi màu kaki tóc xoả . Nụ cười với hai má phính răng đều. Huyện miền núi này, ngày chỉ một chuyến xe lên rồi xuống. Giờ giấc không mấy khi khác nhau, trừ lúc xe bị chết máy dọc đường hay bị lật nhào ở ngọn đèo  bên kia, vài ba lần một năm trong mùa mưa tháng chín tháng mười.
Hay là cô nàng không nhận được mẫu giấy cùng lời nhắn miệng của mình nên bỏ về Tam Kỳ rồi cũng nên. Hắn chợt nghe buồn với ý tưởng này. Sang quay nhìn phía chợ, nhìn con lộ dốc dẫn xuống đồng bằng về một thành phố cũ, nơi hắn có quá nhiều kỷ niệm, rồi thở dài.

Vừa bước vào nhà Tấn, Sang đã thấy bạn ngồi đó, tay ôm cây đàn. Tấn reo nhỏ ủa xuống hồi nào vậy, trên đó mưa à. Mới vừa xuống. Trời cũng mưa và mấy cái máy cưa cũng bị bể rồi. Trời đất, sao lại bể. Cây ngã phản tàng, sém chết cả bọn. Có cà phê gì không Tấn ? Mới xuống Tam Kỳ lấy lên đó. Bảo Cúc nó pha cho.

Sang bước ra sau nhà tìm lu nước rửa mặt, vừa bảo Cúc nấu nước. Cúc nói nhỏ, em mới thấy cô Hồng với cô Đào trước nhà đó anh Sang. Vậy à, anh tưởng bả về dưới rồi chớ. Đâu được. Tháng này trường thi đua dữ lắm, cô thầy không ai được về hết trọi. Còn tụi em lao động đừ điếc. Sang giúp cô bé soạn mấy cái ly ra vừa gợi chuyện. Thi đua cái gì vậy Cúc. Dạ thi văn nghệ nè, thi sản xuất để gây quỹ yểm trợ chiến sĩ chống tụi bành trướng Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, và tụi quấy rối Pol Pot ở biên giới phía Nam. Con bé nói một lèo làm Sang giật mình. Hắn quay nhìn khuôn mặt non nớt ấy và chợt thấy xót xa. Không biết nó có thể kể một câu chuyện cổ tích bằng những câu trơn tru như vậy chăng.

Sang yên lặng bưng hai ly cà phê ra bàn ngoài. Tấn vừa đàn vừa hát gì đó có câu:

Nhưng em thương anh thương anh nên đón nhận gia tài 
Nhưng em thương anh ta cùng gom sức mới 
Nhưng em thương anh cho tủi hờn đi xuống...cho niềm kiêu hãnh vươn lên...

Sang đã nghe bài hát này nhiều lần trước đây, khi lâu lâu được về thành phố từ một hẻm núi nào đó của tỉnh Quảng Nam. Với bộ đồ trận mấy ngày không thay, lê la ở mấy quán cà phê của Hội An, Tam Kỳ, Đà Nẵng. Nhưng đây là lần đầu tiên hắn mới nghe bạn hát.
Tấn ngưng đàn, đưa tay sửa lại cái phin cà phê hỏi đã gặp Hồng chưa. Chưa. Nhảy xuống xe là vô đây liền. Mấy tuần nay không có cà phê, thèm dễ sợ. Cưa bị bể, trời mưa, cả bọn đâu có việc gì làm. Nằm dài người trong rừng hoài phát chán.

Sang vừa nói vừa móc mấy điếu thuốc nhàu nát đựng trong túi nylon nhỏ, loại thuốc điếu địa phương, phẩm chất ngang hàng với thuốc rê, chỉ tiện khỏi tốn công vấn. Tấn hỏi thuốc hả, rồi lấy trong túi áo ngực ra một gói Vàm Cỏ mới tinh, chưa bóc. Ở đâu mà quý thế này. Nguyên gói. Mấy em ở cửa hàng quốc doanh trả công đó. Em cho tới một cây lận. Hút cho qua thời buổi này. Ờ, thời buổi khó khăn. Mà công gì vậy ? Tao vẽ lớn cho em hai tấm hình chụp đâu hồi còn đi học ...À mầy còn nhớ Chi Lan chớ ? Trước học ở Trần Cao Vân. Nó nhớ mày mà.
Chi Lan hả ? Phải mặc áo bông ngồi kia không ? Tấn chồm người dòm về phía cửa hàng theo tay bạn. Ừ, chính thị.

Chi Lan, một trong mười mấy bông hoa hiếm hoi của một trường trung học, gần hơn ba ngàn đực rựa, cách đây gần bảy tám năm trước. Lan học ban C. Văn chương lướt thướt. Anh văn và Triết lý ởm ờ. Chạy lấp sấp trên hành lang mỗi lần trường làm bích báo. Lan dưới gốc phượng với chúng bạn cùng lớp bàn về tiểu thuyết của E. Hemingway, là đứa con gái đứng giới thiệu chương trình trong đêm văn nghệ cuối năm, năm cuối cùng của bậc trung học.
Sau đó là gì nữa nhỉ ? Sang thấy mù mờ. Trí nhớ như mỏi mệt khi phải đi ngược lại từng ấy thời gian. Bảy tám năm gì đó. Chẳng đứa nào biết đứa nào, làm gì ? ở đâu ? Trừ vài chục đứa lục tục khăn gói vào "Trung tâm 1 nhập ngũ"  từ sau cái năm 72 ấy. Mùa hè đỏ lửa. Mấy chục thằng của cái trường mấy ngàn học sinh được chia ra từng tốp để vào mấy khoá Sĩ Quan Trừ Bị, với những mãnh bằng Tú Tài mới tinh và sách vở. Thủ Đức chật, ra bớt Đồng Đế. Gặp nhau vài phút ở sân bắn, trên đường di hành. Đường trường xa con chó nó tha con gà. Hay trên bãi tập, nói thật vội với nhau vài câu, rồi tiếp tục -bò-lết-chạy-một-hai-ba-bốn-khỏe-khỏe .

Ra trường, đứa chết đứa tàn tật. Thằng nào còn sống với lổ chổ vết đạn trên da thịt thì cắm đầu mà bước. Cuộc chiến vẫn còn dài.
Cho đến mùa xuân ấy  -1975-  những thằng sống sót lại gặp nhau một lần nữa. Trại cải tạo. Lần này thì ê chề và thê thảm. Thằng mệt nhoài ở đầu truông hỏi thằng ngất ngư ở sườn dốc. Bữa nay gỗ nặng không mày . Vẫn như hôm qua. Bốn đòn tám đứa, con ạ.

Sang dời phin cà phê khuấy đường. Không sửa. Hắn uống một ngụm nhỏ, quay hỏi bạn. Còn thấy bọn thằng Sự qua đây không. Tụi nó xuống hết dưới  kia rồi. Cả toán tù chuyển qua làm tre...Bữa hắn đi tao có đưa gói thuốc rê và mười đồng bạc. Tao chỉ có vậy.
Ừ, thì chỉ có vậy, chứ đứa nào có hơn đứa nào. Sang lẩm bẩm với chính mình rồi chợt nhớ về thằng bạn cũ, cùng những ngày tù chung của cả bọn. Những Sự, Tâm, Tấn, Dưỡng, Anh...vào tù từ tháng ba năm ấy.
Súng vất ở cầu Câu Lâu, ở dọc đường Hải Vân, Quế Sơn. Về Đà Nẵng nhìn thành phố thay đổi đến dị hợm. Sang đã đi lang thang trong phố, nhìn súng chất đống trước chùa Tỉnh Hội, nhìn bờ sông ngổn ngang những tàn tích của đỗ vỡ. Bên kia sông, ở bờ biển, là một nghĩa địa bất ngờ, tanh tưởi với nhiều xác người chưa chôn kịp. Hắn gặp Sự, với câu hỏi: Mình thua rồi hả mày ?

Hai đứa dắt nhau vào quán cà phê ngồi thừ người cả buổi, không nói với nhau lời nào. Mấy hôm sau trình diện đi " cải tạo" mà không biết Saigon và các xếp lớn sẽ ra sao. Mãi một tháng sau, cái trại tù Tiên Lãnh một hôm chợt chộn rộn. Bọn cảnh vệ, cán bộ gọi nhau ơi ới để ăn mừng. Saigon thất thủ.
Tù binh từng đứa nhìn nhau thẩn thờ, quên đói. Thằng Tấn kéo Sang vào một góc khuất nói nhỏ, vậy là xong. Tụi mình hết mong được trao trả tù binh như hồi trước làm ở Thạch Hãn.

Ba năm sau, với một cánh tay gãy của Tiến vì gỗ đè, mấy cơn sốt rừng và làn da tái mét cho mỗi đứa, thì cũng có vài đứa trong bọn được thả về. Nhiều đứa, như Sự, thì ở lại. Và số khác, thì không bao giờ về lại được  nữa.

Sang về sau Tấn mấy tháng, khi mùa mưa lại vừa trút nước xuống những dãy núi hun hút của tỉnh Quảng Nam èo uột. Hắn từ chối đi về vùng kinh tế mới mà cũng không được phép ở lại Đà Nẵng, nên lên Trà Mi làm gỗ được coi là tốt nhất.
Những thớt gỗ lần này cũng làm hắn mệt đừ nhưng đầu óc đỡ phải bận bịu bởi chuỗi ngôn ngữ mới cứ rêu rao suốt ngày từ mấy cái loa gắn ở cột đèn đường. Vả lại, vẻ hoang dại của núi rừng lần này không giống như hồi còn ở trại tù. Hắn có thể tìm được vài phút thảnh thơi và cả chút tự do cho chính hắn, sau khi những thân cây được hạ xong.
Thường vào buổi chiều, cũng nhảy từ chiếc xe tải gỗ, ra suối tắm gội bì bõm và nghe mùi lan rừng trong gió. Đứa bạn làm chung đã pha xong ấm cà phê ngồi đợi ở chiếc bàn gỗ trước căn lều lợp lá. Mà cả bọn ba đứa chỉ tốn một ngày là làm xong. Ở đó, giữa núi rừng trùng điệp, hắn có thể hát những bài hát cũ hắn thích tự ngày nào.

Sang quay người uống thêm hớp cà phê và đốt điếu thuốc khác. Tiếng đàn của Tấn chợt đổi, nhịp nhanh hơn theo bài hát mới, giống như từ mấy ống loa trên cột đèn làm Sang nhăn mặt. Hắn nhìn ra phía ngoài trời đã chiều hơn. Vài người băng qua con lộ đi về phía cửa hàng. Mấy cô gái ở đó đứng dậy vuốt lại quần áo. Sang thấy Lan nhìn về căn nhà Tấn. Tấn nói mấy thằng ấy là công an huyện
đang tán tỉnh mấy em ở cửa hàng đó.
Tấn ngưng đàn, đặt cây đàn dựa vào mặt bàn thấp để mồi điếu thuốc từ tay Sang. Sang dòm tay bạn thấy những ngón dài và thon giống bàn tay con gái. Hèn gì nó vẻ đẹp và nổi tiếng từ hồi còn ở trung học. Sang lật tay của chính mình rồi mĩm cười. Mười ngón chai cứng, đen và đầy sẹo. Hồi xưa bị bà già chửi mãi, hễ đụng thứ gì hư thứ ấy. Vậy mà đúng. Cái máy cưa bị bể tới lần thứ ba. Hết vốn.

- Mày ăn cơm nước gì chưa ?
- Ăn ở Trà Mi xong. Chưa đói.
- Nếu đói thì luộc mì, hai anh em tao ăn xong rồi.

Hai anh em. Tấn và Cúc. Đứa lớn cách đứa sau mười mấy tuổi. Cúc ra đời như một ơn mưa móc của trời đất, như một an ủi hiếm hoi dành cho đôi vợ chồng như là hiếm muộn, một ân sủng cho cả quãng tuổi thơ lẻ lỏi của Tấn - đứa anh trai - Cúc mang nụ cười âm thanh sinh động phả vào gia đình vốn thiếu vắng những thứ ấy trong khoảng thời gian dài.
Lớn lên, đứa anh vào lính. Mỗi lần về phép đều mang quà chật một ba lô cho cô em gái. Những năm Tấn ở tù, đứa bé gái lúc nào cũng đòi theo cha mẹ lên núi thăm anh với món thịt kho tự tay nấu. Ăn xong còn bắt phải khen ngon.
Khi Tấn về, với lý lịch bị bôi đen, cả gia đình không còn lý do ở lại thành phố. Dắt díu nhau về đây, huyện lỵ heo hút này, cày xới lại mãnh vườn cũ của tổ tiên, dựng lại mái nhà trên nền cũ vốn hoang phế nhiều năm. Chút của cải mang về cạn dần mà đời sống không hề khá nỗi. Cha mẹ Tấn phải vào rừng làm củi. Tấn trong vòng kiềm tỏa của công an phải ở nhà thường nhật, chạy chuyển hàng trên đường Tam Kỳ-Tiên Phước bằng chiếc xe Honda. Mỗi tháng hắn lên núi đón mẹ về rồi phụ cha thả bè củi theo sông Tiên về miền dưới.

Vừa lúc ấy, người con gái áo hồng đang bước tới bực thềm gọi nhỏ anh Tấn. Ủa Chi Lan. Vào chơi. Lan nhìn Sang với vẻ ngượng ngập nhưng vẫn bước vào. Tấn kéo thêm chiếc ghế thấp cho bạn. Sao bữa nay rãnh vậy. Không có hàng nhập kho nên cả bọn ngồi chơi suốt cả buổi chiều nay. Tấn nhìn qua Sang nói hai người biết nhau mà. Sang nãy giờ vẫn không nói gì thoáng nhìn Lan, cả hai cùng bối rối. Phải anh Sang hồi trước ở Trần Cao Vân không. Vâng, ban A chứ không phải bạn C . Lan cười vì biết Sang muốn nói tới loại học sinh ban văn chương ở bậc trung học, mà hồi ấy thường bị gọi  là những kẻ "có hồn" lắm.

Từ hồi về đây làm, để coi, hơn bảy tháng, Lan có thấy anh một lần, hồi chiều lại thấy anh nhảy xuống xe, cứ ngờ ngợ không dám gọi. Lâu quá rồi, ai cũng thay đổi cả. Tôi cũng đâu ngờ Lan về làm đây.
- Anh bây giờ làm gỗ ở Trà Mi phải không ?
- Đúng rồi, sao Lan biết.
- Còn biết chuyện anh với chị Hồng nữa kìa.
Tấn chợt xen vào, ở cái phố núi chút xíu này, chuyện gì lại không biết. Như chuyện công an với cửa hàng cũng vậy. Không có Lan à , cô gái cải với Tấn, bằng cớ là tui đang ngồi ở đây và họ ở bên kia.

Tiếng "tui" thoát ra từ miệng Lan, được nhấn mạnh, âm thanh làm Sang chợt cười. Hắn nhớ Hồng vẫn thường dùng chữ ấy mỗi lúc nàng giận hắn. Con gái thường có nhiều điểm giống nhau. Tui thế này. Tui thế nọ. Tuần trước nhận được mẩu giấy Hồng gởi lên từ tay một người quen buôn bán trên đường này. Tấm giấy chỉ vỏn vẹn mấy chữ. Tui sẽ về Tam Kỳ một mình nếu ông bạn cứ ở hoài trên ấy. Chỉ có vậy nhưng thiệt ra đầy hâm dọa, kiểu đàn bà. Nhiều lần Hồng đã kể với hắn về nhiều gã đàn ông khác đang tán tỉnh nàng. Đám đàn ông này luôn có nhiều lợi điểm hơn hắn. Họ là gã đồng nghiệp của Hồng, là gã hiệu phó, là lão giám đốc lâm trường ở kế cận ngôi trường nằm dưới đoạn đường dốc ấy. Lão giám đốc mỗi lần xuống chơi Tam Kỳ bằng chiếc xe gắn máy bóng loáng, đều ghé nhà Hồng với túi tiêu sọ, những thanh quế lâu năm làm quà tặng. Giá một kg quế hay tiêu bằng cả chục tháng lương của một công nhân trung cấp, cở như chức giáo viên cấp hai của Hồng.

Sang biết Hồng yêu mình và cần mình. Cũng như hắn yêu và cần nàng vậy. Cần một người để trò chuyện, để san sẻ. Không ai trong đám đồng nghiệp gần gũi ấy làm nàng rung động. Và cũng không  ai ở cái huyện miền núi này có cùng một tia nhìn với Hồng. Những ngày mưa, cơn mưa núi dai dẳng che mờ hết cái thung lũng này, che mờ hết dãy núi cao vây bọc chung quanh nó và giòng sông. Anh coi, em làm gì đây ? Nằm ngữa nằm sấp trong căn nhà tập thể ấy vừa nhai khoai vừa đọc thơ Tố Hữu à ? Đó là ngôn ngữ bình thường của Hồng là vậy. Nếu có anh, mình sẽ về Tam Kỳ, thây kệ nó những phê bình kiểm điểm, hai đứa ngồi ở một góc quán quen, hai cà phê, hút thuốc - nếu cần - rồi tha hồ chuyện vãn mơ tưởng. Hoặc Sang hát cho em nghe bài hát cũ của thời nào còn đi học...Thà như thế còn hơn ngồi nhìn mưa mà nhớ về những buồn lòng. Nhớ mẹ tảo tần trên con đường Hà Lam Việt An  buôn từng chục bạc . Chen lấn giành giựt một chỗ đứng trên chiếc xe đò với bạn hàng và lơ xe, hối lộ tên công an kiểm soát từng gói thuốc lá. Như thế, cứ đều đặn mỗi ngày, mỗi ngày...Còn anh Hai, bốn năm rồi chưa về. Trại cải tạo vẫn còn đông nghẹt. Những thớt gỗ từ bên kia rặng núi Răng Cưa của Quảng Ngãi, vẫn nặng, vẫn phải đều đặn mang về mỗi ngày...Cũng in hệt như anh hồi năm ngoái, phải không anh Sang ?

Ở những lần ấy, Sang đã ngồi yên lặng nhìn bạn mà không nói gì. Hắn không muốn nói với Hồng về những điều khác kinh khủng hơn là những thớt gỗ nặng từ bên rặng núi Răng Cưa.

Người con gái lại yêu cầu Tấn đàn. Biểu Sang nó đàn cho mà nghe. Anh sắp phải đi coi hàng. Ờ phải rồi. Ngày xưa anh Sang đàn hay lắm mà. Nổi tiếng ở Trần Cao Vân. Sang vất điếu thuốc ra sân trống. Hồi đó đến giờ tôi không còn đờn địch gì hết. Tay bây giờ là cầm máy cưa và kéo dây cáp mệt nghỉ. Thôi mà. Anh chơi lại bản gì hồi đó con Vân hát dịp cuối năm đó. Nhớ hông ? Chịu thôi. Lâu quá rồi làm sao nhớ được ai đã hát hò bài gì. Tôi chỉ nhớ Lan là người giới thiệu chương trình trong đêm ấy.
- Và anh là một trong mấy "đờn sĩ" đại tài.
Cả bọn ba cùng cười vì câu pha trò dí dỏm. Lan tiếp, sau đó anh đi lính phải không. Và không đợi Sang trả lời Lan đổi giọng kể lể. Lan thấy anh mặc đồ lính một lần nè, Lan cố gọi nhưng hồi ấy anh không nghe. Sau này có thêm một lần nữa nhưng lại không gọi được.
- Vì đang đi chơi với bồ. Tấn chen vào.
- Không phải. Vì đang ngồi trong xe đò từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng, mà anh Sang thì đứng dưới đường cùng mấy người lính khác...Lan nhớ, lúc ấy là hết mùa hè, Lan phải đón máy bay vào Saigon.
- Bộ đi thi hoa hậu chắc ?
- Sao anh Tấn cứ chọc Lan hoài vậy. Cô gái la lớn bất bình.
- Xin lỗi anh chỉ đùa. Nói xong Tấn đi vào nhà sau, để hai người bạn ngồi lại với một khoảng trống hơi khó chịu.

Sang với tay tính lấy điếu thuốc nhưng lúng túng chạm phải cây đàn. Hắn không biết làm gì nên ôm lấy. Lan sửa lại dáng ngồi  khi Sang bắt đầu đụng nhẹ vào mấy sợi dây đàn. Âm thanh của bài hát hắn vẫn thích:

Gọi nắng lên vai em gầy đường xa áo bay...
Gọi nắng trong cơn mưa chiều loài hoa nắng rơi...

Bài hát của thời học trò. Bài hát của hai đứa. Hắn và Hồng.

Lan ngồi bên hát theo nho nhỏ, đôi mắt nhìn sâu vào vòm cây tối đen trước hiên nhà. Tiếng hát bình thản thêm ngón tay gõ vào mặt bàn và tay kia chống vào cằm ở cái dáng tự nhiên nhất...Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau...Cho đến âm thanh cuối cùng kết thúc bài ca.
Sang lại dạo đàn, lại bắt đầu cho một khúc nhạc khác. Lâu rồi, hắn không hề cầm lại loại nhạc cụ này. Nhưng chiều nay tự dưng cảm hứng khi bên cạnh có một người bạn cũ, như là đồng điệu, có khoảng thời gian nào đó cùng một mái trường, có cùng vài kỷ niệm. Đêm văn nghệ cuối năm thời trung học.

Lan vẫn hát theo, giọng nhỏ. Có lúc như trầm xuống thấp không nghe được. Âm thanh như lan man nhắc nhở một thuở nào mới đây nhưng cũng thật xa xôi. Đã qua rồi thời nào êm đềm cũ. Thời tóc bay và mộng ước đầu đời. Sau cơn bão cảnh vật thân quen trở nên lạ hẫng. Làm gì còn hạnh phúc cùng với dáng vẻ mỹ miều của nó. Hay còn một dáng của tả tơi. Hạnh phúc bây giờ chợt sần sùi như mấy ký khoai người ta xếp hàng mua mỗi đầu tháng. Hay nặng nhọc như chiếc xe đò chạy bằng than củi phì phò leo lên đoạn đèo dốc chiều nay.

Chiều nay, ai biết, như đã bao lần rồi tôi cũng về từ một hẻm núi. Vẫn với y phục bê bết thế này, đứng nhìn nắng thoi thóp ở cuối trời, nhìn chặng đường vừa bỏ lại sau lưng. Trà Mi hay Quế Sơn hay Bồng Miêu Thường Đức. Những dấu chấm đỏ trên bản đồ ngày trước, tuy khác nhau mà vẫn giống trong mắt nhìn. Những đồi cỏ tranh hay sườn non lặng lẽ vây quanh lấy độc đạo như vòng tay ôm nghiệt ngã không rời. 

Chiều nay tôi lại vừa chạy trốn cơn mưa núi, chạy trốn thác ngầm ùa ập của khu rừng nhiệt đới như người ta quẩn quanh chạy trốn những buồn lòng. Cái không gian ẩm thấp khói sương làm lòng chùng xuống như sợi dây phơi lại đem tấm mền ướt ra căng. Về ngồi đây ly cà phê bạn bè khúc hát, lại giống bao lần, chút nồng ấm nhỏ nhoi mà hẳn sẽ nhớ mãi trong đời hoài lận đận.

Bóng của Tấn chợt hiện ra ở khung cửa, làm dấu bảo đừng hát. Cả ba người ngồi nhìn nhau yên lặng. Gì vậy. Tấn chỉ qua phía bên kia đường, khoảng sân trống của cửa hàng quốc doanh. Coi chừng tụi nó. Tấn nói khẽ. Bên kia đám người tản mát. Họ đi ngang qua căn nhà, nhìn chăm chăm và nói với nhau những lời gì không nghe rõ. Kệ họ, Lan vuốt tóc hỏi nãy giờ anh Tấn đi đâu. Anh qua coi lại hàng mai chở xuống Tam Kỳ. Có nhắn gởi gì không. Lan cười. Có. Một ổ bánh mì ba cuội. Tấn quay qua Sang. Còn mày, có xuống dưới đó cà phê sửa đá hay không. Chưa biết. Vậy đừng mong tao bỏ bịch nylon mang lên, nghe con.

Lan đứng dậy nói thôi em về. Tối nay có ciné ở bãi chợ đó, Lan biết chưa. Rồi, anh Tấn. Hồi nãy mấy anh công an qua rủ cửa hàng đi coi đó. Nên Lan qua đây. Đứa con gái nói như một phân trần cho thái độ của mình trước hai người bạn. Một phân trần như là một cần thiết.
Hay là Lan dẫn dùm Sang đi coi. Hắn ở Trà Mi mấy tháng nay, chơi toàn là khỉ. Lan đã ra tới khoảng sân, nói vọng vào, thôi, Lan không dám đâu, chị Hồng đánh chết.

Chờ cho Lan đi khuất, Tấn hỏi nãy giờ mày nói gì với nó. Không nói gì hết, mày hỏi kỳ. Tấn cười con nhỏ dễ thương, nó hỏi mày hoài à. Tại mầy không biết. Thôi Tấn. Tao nghèo nên không ham.
Thì đứa nào chẳng nghèo nếu không là công an là cán bộ. Nhưng mày cũng thấy mình có cái gì khác với tụi nó chứ.

Sang yên lặng. Sự so sánh ấy đã cũ rồi và ai cũng biết. Sang đứng dậy nhét chiếc mũ vải vào túi quần. Mày tính đi đâu vậy. Tao qua trường học tìm Hồng. Nhớ về sớm trình giấy tạm trú, hoặc để lại đây lát nữa tao đi báo. Vậy tiện hơn. Sang trao tấm giấy cho bạn. Đó là giấy hộ thân duy nhất mà hắn có. Giấy phóng thích. Tờ giấy xài một năm nên đã cũ mèm. Ngày nhận tấm giấy ở cổng trại Kỳ Sơn, Sang đã không ngờ là chuyện có thật. Hồi sáng sớm được lệnh khỏi đi cõng gỗ, chỉ lao động gần trại. Mười giờ cảnh vệ dắt ra cổng. Sang không có dịp chào bạn bè lấy một lời. Hắn lãnh phần lương khô , với phương tiện tự túc, băng qua đèo Hố Ngãi, hai ngày sau về tới Đà Nẵng.

Sang bước ra sân. Trời đã tối. Mấy đứa trẻ đang kéo nhau về phía sân chợ coi chiếu bóng. Nếu không có tiếng kêu réo thì mấy cái bóng di động trông giống như bóng ma nhoà với ánh trăng non đầu tháng. Qua cửa hàng, dáng một cô gái ngồi một mình trên bực thềm vắng, hai tay bó gối. Có lẽ là Lan.
- Đi coi ciné hả anh Sang ?
Hắn chợt lúng túng, không biết trả lời thế nào. Có thể Tấn đã nói thật, nhưng dầu gì cũng không là điều hắn trông đợi.
- Lan không đi sao ?
Lan đứng dậy, hai tay vòng trước ngực bước lần ra khỏi thềm. Lan đợi tụi bạn tắm xong, đến lượt mình, rồi đi ngủ. Sang nhìn kỹ người con gái. Lan cũng có mái tóc giống Hồng, dài và gợn, xoả trước trán. Lan có biết phim gì không. Tình cảm xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô. Chán mớ đời. Lan đã coi rồi à ?  Một lần. Hồi mới về đây. Hồi trước đó Lan làm gì. Không làm gì cả. Năm 75 trường đóng cửa, Lan bỏ về Saigon báo đời ông bà già hết mấy năm. Đi làm đập Phú Ninh không công, muốn khùng.

Câu chuyện của hai người đi ngược về thời cũ. Lan xong tú tài vào Saigon học văn khoa.  Sang ra Thủ Đức về Huế. Sư đoàn 1. Bị thương, về Quảng Nam làm Địa Phương Quân. Có bữa đứng lớ ngớ trên quốc lộ 1 gần cầu Bà Rén và Lan thoáng thấy một lần. Sự tình cờ ấy chỉ đứa con gái biết một mình, như một mình thảng thốt khi chợt thấy Sang đón xe đò ở bến xe huyện này mấy tháng trước , trong một ngày mưa giông.
Lan đã không dám gọi, nhưng kỷ niệm chợt ùa về như những đám mây đen trôi đầy trên thung lũng.

Và chiều nay, thêm một lần nữa...ngôi trường cũ...dãy hành lang dài thẳng tắp, những gốc phượng đỏ ối vào đầu hè. Đêm văn nghệ cuối năm, cái khoảnh khắc rạo rực mà buồn bã. Đứa con trai học trên một lớp, ít nói nhất trong ban văn nghệ trường lúc nào cũng huyên thiên như cái chợ. Sau đó đứa con trai vào lính. Mất hút. Vắng mặt cả trong buổi tiễn đưa của nhà trường sau đêm ấy. Không còn ở sân trường, đường phố hay trước hiên nhà. Đời sống với trăm ngàn ngõ ngách đưa mỗi người về một phương diệu vợi. Đầu này là súng đạn nỗi chết hiểm nguy. Đầu kia là sách vở là thi cử là đời con gái với vòng rào luân lý cấm cản. Mấy năm có gặp. Tình cờ. Đã gọi và đã yên lặng. Mấy năm, cũng có vài biến động nhỏ trong tình cảm của đứa con gái, những cảm xúc hững hờ. Những xa xôi nào thời gian cũng xếp lại cho những lo toan trước mắt. Sân trường đại học mới mẻ và Saigon cũng quá ồn ào với người con gái trọ học . Lan không còn biết nhiều về đứa con trai. Không có gạch nối nào giữa hai người để dò tìm, hỏi tới.
Hình như đứa con trai có ít bạn bè. Vắng mặt hay chìm khuất giữa những đám đông. Thường một mình trên sân trường. Luôn một mình bên hiên nhà vắng, với cây đàn hay sách báo gì đó mà nhiều lần Lan thấy khi có dịp ngang qua.
Sau này, mỗi dịp hè trở về, lại thấy hiên nhà càng vắng hơn. Đứa con trai với bộ đồ lính, cùng những người lính khác trên đoạn đường hừng hực nắng cháy, và cũng như từ lâu nay, hắn không biết gì về người con gái cả.

Mãi tới khi về làm ở cái huyện miền núi này, cùng lúc thoáng gặp Sang, cảm xúc thời nào cũng xô về ồ ạt. Và qua Tấn, Lan lại biết nhiều điều về Sang. Lại biết thêm một người nữa. Hồng. Không biết đã có bao nhiêu Hồng trong suốt một quá khứ dài của đứa con trai ấy nhỉ. Lan tự hỏi chính mình.

Cuối cùng chuyện trò giữa hai người cũng hết. Sang kiếu từ mà không nói hắn sẽ đi đâu. Dù vậy, Lan cũng biết. Ngôi trường có cô giáo tên Hồng nằm cuối đoạn dốc dưới kia. Với ý tưởng ấy, thốt nhiên Lan thấy một nỗi buồn như nghẹn ứ cổ họng. Lan quay vội vào ngồi lại bên bực thềm tối. Nhìn theo.

Có lẽ đây là nỗi buồn sâu xa nhất từ ngày nào Lan biết về đứa con trai . Cảm giác như người ta vừa tìm lại vật gì thân yêu bị thất lạc mà nay đã không còn nguyên vẹn được như thời nào xưa cũ.


Lý Hùng Hà



----------
Nguồn: VĂN
Số 28, tháng 10-1984


No comments:

Post a Comment