Sunday, May 31, 2020

Điểm Qua Một Số Nhạc Sư, Nhạc Sĩ Vang Bóng Một Thời – Nguyễn Vĩnh Bảo

Điểm Qua Một Số Nhạc Sư, Nhạc Sĩ Vang Bóng Một Thời – Nguyễn Vĩnh Bảo
  • Ông Nguyễn Văn Kỳ (Chín Kỳ), vợ là bà Hai Quạ, một danh ca vào thập niên 1935 cùng thời với một số danh ca khác như:
  • Bà Tám Song, (phu nhân ông giáo Lý Văn Đồ),
  • Bà Hồ Thị Bửu (Bà Mười Ba), phu nhân nhạc sư Phạm Văn Nghi, giáo sư Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn,
  • Bà Tư Cầu Mồng gà, ái nữ nhạc sư Năm Tịnh (Cần đước),
  • Bà Ba Vàm Lẻo, (Bạc Liêu),
  • Bà Hồ Thuyết Loan, (Mười Tân Châu),
  • Cô Ngọc Ánh….
Ông Nguyễn Văn Kỳ (Chín Kỳ) 
Sở trường của ông Chín Kỳ là cây đàn Tranh. Nắm vững nhiều bài bản, với phong cách đàn là tài tử Nam bộ. Môn sinh của ông phần đông thuộc thượng lưu trí thức như:
  • Cố Bác Sĩ Nguyễn Văn Nhã, (thân phụ của nữ Luật Sư Nguyễn Phước Đại),
  • Cố Bác Sĩ Nguyễn Văn Bửu, giàm đốc Bịnh Viện Nhi Đồng Sài Gòn,
  • Cố tham tá (Commis) Bùi Văn Hai, tùng sự tại Bộ Ngoại Giao,
  • những ái nữ của cố Bác Sĩ Phan Văn Đệ, giám đốc Bịnh Viện Chợ Rẫy (Hôpital Lalung Bonnaire) Chợ lớn.
Là con người bình dị, vui tính, dễ mến, nhưng đôi khi cũng hóm hỉnh, không bí hiểm dấu nghề, lúc nào cũng sẵn sàng xan xẻ sự hiểu biết của minh với mọi người, ai cần bản gi chạy đến hỏi thì ông đọc miệng cho chép để mang về học và sau đó trở lại đàn cho ông nghe để góp ý.
Xin mở dấu ngoặc tại đây để nói lên cái hóm hỉnh của ông. 
Thập niên 1954, hằng tháng ít nhứt cũng là hai tối thứ bảy, Bác Sĩ Nguyễn Văn Bửu tổ chức đàn ca tại tư gia.
Giàn đờn gồm có nhạc sư Nguyễn Văn Kỳ (Chín Kỳ) (Tranh), Cao Hoài Sang (Tỳ Bà), Nguyễn Văn Thinh (Kìm), Lê Văn An (Tranh), Bảy Phuông (Cò), Bùi Văn Hai (Tỳ Bà), và tôi là Vĩnh Bảo (Kìm, Tranh, Gáo).
Ca: Bà Hai Quạ (phu nhân ông Chín Kỳ), Bà Hồ Thị Bửu (Bà Mười Ba), Hồ Tuyết Loan (Mười Tân Châu).
Thính giả phần đông là bạn bè của ông, có địa vị cao trong xã hội.
Một hôm, Bác Sĩ Bửu căn dặn ông Chín Kỳ chọn giùm cô ca sĩ nào ca hay nhứt. Thế là ông Chín Kỳ mời cô Ngọc Đáng. Cô nầy ca hay, nhưng không đẹp gái, da ngâm, và ốm như con khô hố.
Theo thông lệ, cơm tối xong mới tới cái màn đàn ca.
Hôm ấy, tại bàn ăn, Bác Sĩ Bửu vói nói với ông Chín Kỳ: “Bộ hết người ca rồi sao mà anh lại chọn cô ca si nầy không có ngực”.
Ông Chín Kỳ nhanh miệng phản phé “Bác sĩ dặn tôi kiếm ca chớ nào có dặn kiếm vú”. Mọi người trong bàn ăn cười rộ lên.
Năm 1956, tôi mời nhạc sư Nguyễn Văn Kỳ (Chín Kỳ) vào dạy môn đàn Tranh. Dạy được khoảng 4 tháng, thì ông bị cảm nặng. Vì là Thầy dạy đàn Tranh cho các con gái mình, nên khi hay tin, Bác Sĩ Phan Văn Đệ, giám đốc Bịnh Viện Chợ Rẩy, liền cho xe rước ông về nhà riêng ở đường Trần Hoàng Quân, Chợ Lớn săn sóc và chữa trị. Ông Chín Kỳ vốn là người tế nhị, cảm thấy ngại làm rộn người khác, nên qua ngày thứ thấy kha khá trong người, lúc 4 giờ sáng thừa lúc mọi trong nhà đang ngon giấc, ông lén mở cửa ra kêu xe cyclo chở thẳng vê nhà ở Hòa Hưng. Đêm khuya sương gió, ông bị trúng lạnh, nên khi về đến nhà thì năm vùi. Tôi có đến thăm và hỏi sao không ở nhà Bác Sĩ Đệ cho dứt bịnh hay về, thì ông nói hai ông Bà Đệ rất là tử tế, ông đâm ra ngại. Về nhà đuợc 5 ngày thì ông qua đời, để lại đứa con gái 7 tuổi, về sau ông bà Phạm Văn Nghi (giáo sư đàn Tranh và đàn Cò) ôm về nuôi, dạy cho ca hát múa. Cái buồn khó quên của tôi là ông chết trong khi chưa kịp lãnh một xu lương tiền dạy đàn của nhà trường.
Bà Hai Quạ, phu nhân Ô. Chín Kỳ.
Kể về Ô. Chín Kỳ thiết nghĩ cũng nên nói sơ qua về Bà Hai Quạ để các bạn nghe chơi cho vui, đồng thời giúp cho các bạn khi đàn, chẳng nên xem thường những thính giả lãng hay nặng tai..
Một sáng của năm 1938, ở Xóm Gà tại nhà Ô. Hai Én (tư chức hãng Descours & Cabaud). Ô. Hai Én đàn Guitare, anh Ba Cân (làm việc Phòng Thông Tin Pháp AFP) đàn Kìm, và tôi đàn Gáo. Bà Hai Quạ ca. Bà hỏi tôi đàn bản gì cho Bà ca.
Tôi nói là đàn Bản Phụng Cầu Hoàng.
Bà hỏi tới hỏi lui “bản gì, bản gì” mãi.
Tôi nói: Bà lãng tai quá mà ca cái nỗi gì?
Bà phất tay, ra hiệu “đàn đi, tôi ca”.
Ba chúng tôi bèn vào đàn, Bà ca rất hay, đúng giọng, đúng hơi, đúng nhịp. Tôi hỏi Bà: Tại sao lúc tôi nói, tai Bà không nghe, mà khi đàn thì Bà lại ca được. Bà trả lời: “Tiếng người nói không nghe, nhưng tiếng đàn thì nghe rất rõ”.
Ông Nguyễn Văn Thinh (Thầy Giáo Thinh) 
Ông Thinh, sinh năm 1908 (Mậu Thân) tại Bình Hàng, tổng Phong Nẫm, tỉnh Sa Đéc, tốt nghiệp Trường Sư Phạm (École Normale) Sài Gòn, giáo viên từ năm 1928 đến năm 1959, biệt phái về Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ năm 1960. giữ chức giám học. Ông sử dụng đàn Kìm (Nguyệt), Tranh và Tỳ Bà. Ngoài đời, từ năm 1945, ông nằm trong nhóm Lão Thành Nhạc Tài tử Nam bộ gồm có Quý Ông:
  • Cao Hoài Sang.
  • Nguyễn Văn Kỳ (Chín Kỳ),
  • Lê Văn An,
  • Bác Sĩ Nguyễn Văn Bửu,
  • Bùi Văn Hai (Tham tá) (Commis) Bộ Ngoại giao,
  • ca sĩ Bà Hồ Thị Bửu (Bà Mười Ba, phu nhân Giáo Sư Phạm Văn Nghi)
  • và tôi là Nguyễn Vĩnh Bảo.
Ô. Nguyễn Văn Thinh, năm 14 tuổi, học lớp nhứt trường Tiểu Học Thủ Dầu Một. Thời điểm nầy học đàn với ông Mười (thầy đàn tên tuổi ở Thủ Dầu Một), sau đó với Cụ Tám Hạnh ở đường Faucault (Lý Trần Quán và nay là Thạch Thị Thanh) Tân định, và Cụ Sáu Thới (thân phụ của nhạc sĩ Tư Bường). Khoảng năm 1930, ông tham gia vào Ban Tài Tử Cao Hoài Diêu, một trong những ban nổi tiếng nhứt ở miền Đông.
Năm 1938, trình diễn tại Société Philarmonique (nay là Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ), số 112 đường Nguyễn Du, Quận 1. Ban nhạc gồm có Quý Ông:
  • Nguyễn Văn Thinh (đàn Kìm)
  • Châu Văn Sáu (ông Ba Laitière) (đàn Tranh)
  • Tám Đuổi (đàn Cò)
  • Ba Đồng ( đàn Cò)
  • Cụ Sáu Thới (thổi Tiêu)
  • Tư Bường (con Cụ Sáu Thới) (đàn Bầu)
  • Tư Kiên (đàn Tam)
  • Bác Sĩ Châu (đàn Tỳ bà)
  • Bác Sĩ Nguyễn văn Nhã (thân phụ Luật Sư Nguyễn Phước Đại) (đàn Tranh)
CA: các Bà:
  • Tư Cần đước,
  • Bà Hai Quạ (phu nhân nhạc sư Chín Kỳ)
  • Bà Ba Nhơn.
Ô. Nguyễn Văn Thinh là nhà giáo xuất thân từ trường sư phạm (École normale) SàiGòn. Ông sử dụng đàn Kìm, Tranh và Tỳ bà. Bài bản nhiều và căn bản. Anh em của ông toàn là tiến sĩ, bác sĩ, họa sĩ, phu nhân của ông là nữ-hộ-sanh và là chủ nhà Bảo Sanh Ngọc Lành ở hẻm đường Audouit (Cao Thắng), còn nhà thi quay mặt ra đường Testard (nay là Trân Quý Cáp, Trần Cao Vân). Là nhà giáo, trước đây âm nhạc là thú vui môn giải trí của ông, và không dạy hay truyền bá lại cho cho ai. 
Năm 1958, ông sắp về hưu, tôi đứng ra vận động cho ông được lưu dụng để Trường mời về đảm nhiệm chức giám học thay cho Giáo Sư Nguyễn Hữu Ba. Ông Thinh làm việc từ năm 1959, và nghỉ hưu năm 1964.
Sau 30-04-1975, mặc dù tuổi cao, ông cộng tác với Viện âm nhạc, số 2 đường Nguyễn Quý Khoách, Tân Định, qua đời vào tuổi 86 tại Sàigòn, và an táng tại quê nhà Sađéc.
Ông Cao Hoài Sang
Sanh ngày 11-09-1901 tại làng Thái Bình, tỉnh Tây Ninh.
Thân phụ của Ông là CAO HOÀI ÂN, thân mẫu là HỒ THỊ LỰ.
Ông là công chức cao cấp trào Pháp thuộc (Tham tá Sở Quan thuế – Commis des Doaunes & Régies)
Ông và 2 em:
  • Ô. Cao đức Trọng (Thiên Phong TIẾP ĐẠO – Hiệp Thiên Đài),
  • Cao thị Cường (Thiên Phong Nữ Giáo sư – Cửu Trùng Đài),
Ông Cao hoài Sang (Thiên Phong THƯỢNG SANH – Hiệp Thiên Đài). Ông chơi đàn Tỳ Bà, thuộc nhiều bài bản, và soạn lời ca rất có giá trị cho Quyển dạy đàn Tranh do 3 ông: Nguyễn văn Kỳ (Chín Kỳ), Bác sĩ Nguyễn văn Bửu và Bùi văn Hai biên soạn và xuất bản.
Ngày 14-05-1957, Ông thay mặt Phạm Hộ Pháp (Phạm Công Tắc) về Tòa Thánh Tây Ninh cầm giềng mối Đạo. Ông ngọa bịnh và qua đời ngày 21-04-1971 tại tư gia số 36/24 đường Cô Giang, hưởng thọ 71 tuổi.
Từ ngày 14-05-1957 về Tòa Thánh Tây Ninh đến ngày quy thiên, tính ra là 14 năm thiếu 20 ngày.
Ông Lê Văn An (Năm An)
Ông An tư chức cảng Nhà Rồng (Messageries Maritimes) Khánh Hội, chuyên về đàn Tranh, bài bản nhiều, tương tợ như ông Thinh. Khoảng năm 1960 ông có dạy năm tháng tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn.
Ông Phạm Văn Nghi (Tư Nghi)
Ông Nghi, thư ký Quận Gò Vấp. Phu nhân là danh ca Hồ Thị Bửu (tục danh Bà Mười Ba, chị Bà Mười bốn, phu nhân Ô. Nguyễn Văn Lượng, chủ nhà thuốc Nhành Mai sản xuất cao đơn huờn tán, nổi danh nhứt là thuốc dán con rắn và thuốc trị ghẻ ngứa). Ông Nghi sử dụng nhiều loại nhạc khí như: Tranh, Kìm, Cò, Gáo. Bài bản nhiều, và cơ bản.
Hai Ông Bà không con, nên ông bà nuôi lủ khủ 7, 8 trẻ khoảng 9, 10 tuổi, dạy cho chúng đàn ca múa hát, trong đó có cô Ngọc Dung, trước đây nằm trong nhóm Hoa Sim (Phạm thúy-Hoan, Ngọc Dung, Phương-Oanh). Cô Ngọc-Dung từ lâu dạy đàn Tranh tại California, Hoa Kỳ. Tại Trường nhạc, Ô. Tư Nghi dạy đàn Tranh và đàn Cò, còn Bà thì dạy ca. Ông bà qua đời khoảng 15 năm tại Định Quán.
Cụ Trần Văn Triều (Bảy Triều)
Sanh trưởng tại chợ giữa Mỹ Tho, Cụ là thân phụ của Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê và nghệ sĩ Trần Văn Trạch. Chính Cụ đã sáng chế ra dây Tố-Lan cho đàn Kìm (Nguyệt) – tương tợ như dây Hò nhì và Bắc Hò nhì – để diển tả bản Văn thiên Tường.
Cách lên dây Tố Lan: 
  • Dây trơn (open string): Dây to (Tồn) (sol), dây nhỏ (công) (fa).
  • chủ âm: (fundamental note): Dây nhỏ bấm phím 1, khảy chung với dây to trơn là đồng âm (unisson) (Hò-Liêu) (Sol-sol).
Dây Tố Lan cung bực tương tợ như dây Hò nhì, nhưng dây Hò nhì 2 dây to và nhỏ lên như sau:
Cách lên dây Hò nhì:
  • Dây trơn (open string): dây to (Xề) (Ré), dây nhỏ (công) (fa).
  • chủ âm: Dây nhỏ bấm phím 1, khảy chung với dây to trơn là (xàng-liêu) (Do-sol).
Tại sao là tên Tố Lan?
(nơi đây, xin bạn Trần Văn Khê cho tôi được tóm lược lời kể lại của Giáo Sư Hồ Hữu Tường như sau): Cụ Bảy Triều và cụ Nguyễn An Ninh học cùng lớp tại trường Bổn Quốc (Chasseloup Laubat) (nay là Lê Quý Đôn). Ngày xưa tại Sài gòn có nhiều trường như: Huỳnh khương Ninh, Nguyễn xích Hồng, Nguyễn phan Long, Lê bá Cang, Chấn Thanh, Nguyễn văn Khuê, Général De Gaulle, Lanzarotte, Lycéum Paul Doumer. Nhưng chỉ có hai trường khó xin cho con cái vào học là Trường Bổn Quốc và Trường Taberd. Trường Bổn Quốc thực chất là dành cho con Tây hay dân Tây học (chỉ có gia đình giàu, có vi cánh mới vận động cho con được vào). Học sinh Trường Bổn Quốc, ngày chủ nhựt nghỉ, học sinh đi dạo ngoài đường phố, bị bắt buộc phải đội kết và mang phù hiệu, nhìn trông vừa đẹp vừa oai, còn học sinh Trường Taberd thì áo dài đen. Phần đông nữ sinh Trường Áo tím (École des Jeunes Filles) (nay là Trường Gia Long) ưa nhìn và làm quen với học sinh Trường Bổn Quốc (bởi nghĩ rằng mấy cậu ấm nầy là con nhà giàu, gia đình danh giá) hơn là học sinh Trường Taberd mà họ gọi là “con Quạ”.
Hai Cụ Nguyễn an Ninh và Bảy Triều ai cũng có một bạn gái. Cụ Nguyễn An Ninh là cô Chín Phòng, học sinh Trường Áo trắng (Saint Paul ), Cụ Bảy Triều thì cô Tố Lan, học sinh Trường Áo tím. Cô Tố-Lan biết đàn lẫn ca, nên đối với cụ Bảy Triều, cô vừa là tri âm vừa là tri kỷ. Học tới năm thứ 4, chuẩn bị thi bằng Thành Chung (Diplôme d’Études Primaires Supérieures Indochinoises) – viết tắt là DEPSI –, thì thình lình Cụ Bảy Triều hay tin người yêu qua đời. Phải chăng vì buồn mà xao lãng việc học, nên năm ấy cụ thi rớt.
Về nhà, ví mình như Bá Nha bị mất đi Tử Kỳ, nên Cụ lấy đàn Kìm ra vừa đàn vừa đặt lời ca cho bài Tứ Đại Oán nói về người yêu. Bài ca đặt chưa xong thì vì có việc gấp phải đi, nên Cụ treo cây đàn trở lại trên vách. Vừa đi vừa sáng tác, nên khi về tới nhà, bởi sợ quên, nên cụ vói lấy cây đàn Kìm để viết tiếp lời ca. Nhưng không ngờ cây đàn bị tuột dây to (nốt Tồn), Cụ không buồn chỉnh lại, cứ để vậy mà đàn, nhưng không ngờ cái dây nầy nó tạo cho Cụ cái hào hứng lạ thường, nên Cụ giữ dây nầy luôn và đặt cho nó cái tên là Tố-Lan.
Ngón đàn Kìm của cụ Bảy Triều tươi mát ngọt ngào mùi mẫn, làm xoáy tim người nghe, nên có tiếng đồn rằng “ai mà chưa được dịp nghe Cụ Bày Triều đàn Kìm trên dây Tố-Lan thì kể như người ấy còn thiếu trong việc nghe nhạc Việt nam”.
Ông Hồng Tấn Phát (Hai Phát)
Người gốc Trà Vinh, nghiện á-phiện, điêu luyện trên 3 nhạc khí như Đàn Tam, đàn Cò, và đàn Violon. Chẳng những giỏi bên tài tử Nam Bộ, ông còn giỏi về nhạc lễ, nhứt là đường roi (đánh trống). Ngoài tính cách giòn tan, lại còn thêm cao siêu về tiết tấu (rythme). Môn đệ của ông là hai danh cầm Hai Thơm (Violon) và Văn Vĩ (Guitare). 
Đàn tam là loại đàn ba dây nylon. Thùng đàn hình chữ nhật dài 18 phân, ngang 14 phân, dày 10 phân. Một bên bịt bằng da trăn hay da con kỳ đà, một bên để trống, cần đàn dài nhưng lại không có phím. Âm thanh của đàn Tam tương tợ âm thanh đàn Banjo; nhưng khác hơn Banjo, âm thanh của đàn tam đã cứng ngắc, lại kém dư âm. Giá dùng nó để tả tiếng nấc của người Chinh Phu trong phòng the gối chiếc thì không gì đúng hơn.
Những ai từng nghe bản Lưu Thủy Trường – Hai Phát đàn Tam – Vĩnh Bảo đàn Tranh 21 dây trong băng Nam Bình hai[1] thì sẽ ngạc nhiên thấy dưới đầu 4 ngón tay thần dịu của ông, cung bậc trở thành phân minh chững chạc, âm vang tròn trịa phong phú như bất cứ loại đàn dây nào có phím. Đó là những đoạn chuyển biến khoan thai; nhưng khi chạy chữ nhanh (vélocité) thì âm thanh dồn dập như thác đổ, nhịp điệu gút mắc, chứng tỏ một tài năng và sự điêu luyện đã đến mức tột đỉnh. Nếu chạy chữ trên cây đàn Vĩ cầm (Violon) đòi hỏi phải có thính giác mẫn tiếp, ngón đàn chính xác thế nào, thì chạy chữ trên đàn Tam cũng như vậy, mà còn cao hơn thế nữa, vì Vĩ cầm với 4 dây âm hưởng hơn, âm thanh phát ra dễ hơn, nghe rõ hơn. Đàn cò: lối đàn của ông Hai Phát là kéo cung dài; đàn mực thước đạo mạo thật là sâu sắc theo thế hệ cổ.
Một buổi sáng vào hạ tuần tháng 11 năm 1972, từ Tòa Thánh Tây Ninh về, ông cùng nhạc sĩ Bảy Hàm đến thăm tôi (Vĩnh Bảo). Lần này gặp lại, tôi thấy ông yếu đi nhiều, hai chân sưng to lên, lở loét, bên ngoài băng vải. Sau nửa giờ thăm hỏi, tôi mang đàn ra để cùng đàn và thâu thanh chơi. Ông đàn Cò, Bảy Hàm đàn Kìm, tôi đàn Tranh, hòa tấu bản Tây Thi Vắn. Lúc nầy ông lên dây đàn không còn chính xác như xưa, khiến tôi phải điều chỉnh giúp ông. Hòa tấu tới câu 8 thì ông Hai Phát đàn lộn câu lẫn sai nhịp. Ông Bảy Hàm yêu cầu tôi xóa đi để đàn lại. Nhưng ông Hai Phát và tôi không đồng ý. Ông Hai Phát nói: “Mặc kệ, đàn trúng trật hay dở không là vấn đề. Lần nầy đến thăm Vĩnh Bảo để nói chuyện và hòa đàn chơi và xem như gặp nhau lần chót để rồi về Trà Vinh chết. Trước khi nhắm mắt, điều mà tôi mãn nguyện là được Vĩnh Bảo mời đàn cho 2 cuốn băng Nam Bình I và II, lưu lại cho hậu thế tiếng đàn của một nhạc sĩ nhiều truân chuyên và bất hạnh. Đây là lời trối trăn, mười ngày sau đó, tôi được báo cho biết là Ông đã qua đời. Vì hay tin trễ, tôi không dự đuợc đám tang Ông. Tuy nhiên nhóm Duy Lân cùng một số nhạc sĩ đã xuống Trà Vinh lo ma chay cho ông và tiễn ông đến phần mộ.
Ông Huỳnh Văn Sâm (Sáu Tửng)
Người gốc Gò Công, nghiện á-phiện, thân phụ của tay trống có hạng Huỳnh Anh và nữ ca sĩ Bạch Huệ. Cái tên Huỳnh văn Sâm, nhứt là cái tên Sáu Tửng, thì không xa lạ gì đối nhạc sư nhạc sĩ miền Nam lẩn Trung và Bắc, kể ca những người yêu nhạc. Nhiều nhạc sĩ đàn Kìm ảnh hưởng đến lối đàn của ông và đàn giông giống ông.
Sở trường của ông là cây đàn Kìm và Xến. Đàn Kìm, đàn Xến, thay vì tay trái bấm dây đủ 4 ngón (trỏ, giữa, áp út và út) như vậy mới nhấn được chữ đàn có gân, chuyền chạy chữ mới nhanh. Đằng nầy ông chỉ sử dụng 2 ngón (trỏ và giữa), lướt một cách nhanh nhẹn, lưu loát trên phím đàn không thua gì người sử 4 ngón.
Tôi quen ông vào năm 1930, lúc ấy ông đàn Kìm chánh cho gánh Hồng Nhựt hát tại Cao Lãnh (quê của tôi) và tôi được dịp nghe ông đàn Kìm trên dây Hò Ba cho chị Hai Thân và chị Sáu Liềng (danh ca Cao Lãnh) ca, và dây Bắc Oán cho Anh Bé ở Nha Mân (Cái Tàu Hạ – đồng hương với danh ca Tám Thưa -) ca Vọng cổ và Tây Thi hơi Quảng. Thời điểm nầy tôi không thấy nhạc sĩ đàn Kìm nào sử dụng hai loại dây Hò Ba và Bắc Oán nầy, và riêng tôi, tôi cho rằng ông Sáu Tửng là người sáng chế. Năm 1935, xuyên qua dĩa nhựa Béka, tôi có nghe ông độc tấu Tây Thi Hơi Quảng đàn Kìm trên dây Bắc Oán.
Từ năm 1928, ông luôn luôn là tay đàn Kìm chánh cho nhiều gánh hát Cải lương như: Văn Hí Ban, Võ Hí Ban, Phước Cương, Trần Đắt, Hồng Nhựt, Thanh Niên, Phụng Hảo, đàn thu rất nhiều dĩa nhựa như Béka, Pathé, Asia, Hoành sơn, Hồng Hoa, Việt Hải, Tri âm, Kim Khánh…. Tuồng hát nào mà Cô Bảy Phùng Há có vai, thì đàn Kìm nhứt định phải là Sáu Tửng, Cô mới chịu, y hệt như ca sĩ Thành Công, ca thì phải có Hai Long đệm đàn Guitare-mando.
Thập niên 1940, ông ra Bắc dạy đàn Kìm.
Năm 1955, ông Ba Quan (Chủ tiệm hột xoàn Ba Quan Chợ cũ), mời ông, Duy Lân, Tám Thưa, Việt Hùng, Cô Tư Bé, và nhạc sĩ Nguyễn thế Huyện (Tư Huyện) (đàn Cò và Violon) sang Pháp làm dĩa nhựa mang nhãn hiệu Kim Khánh. 
Năm 1960, tối ông đàn cho gánh hát, trưa quay về Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ để cùng hai nhạc sĩ Ba Dư (đàn Tranh), Chín Trích (đàn Cò) đệm cho học sinh lớp Sân Khấu ca diễn. Lối đàn Kìm và Xến của ông rất là độc đáo. Tiéng đàn phát ra nghe rất anh hùng và tự tin. Chữ đàn sắp xếp sắc sảo, câu cú tròn vành rõ nghĩa, hơi nào ra hơi nấy, tiết tấu mắc mỏ, mùi, dễ gợi cảm cho người cùng đàn. Trong hòa tấu, lối đàn rất là sôi động, ra vô, quăng bắt của ông rất là mạch lạc, tạo hào hứng cho người cùng đàn. Có những lúc đang đàn, ông đơn phương ngưng nghỉ, rồi một lát sau đó, bất thần nhào đại vô, làm cho người cùng đàn giựt mình, có khi bị rơi đàì. Mỗi lần có dịp hòa đàn với ông, tôi luôn bắt gặp nơi ông có mốt số câu đàn mới, lạ và hay. Có lần ông tâm sự với tôi: “Về đêm, sau vãn hát, mọi người lo đi ngủ, còn tôi thì sau khi kéo vài điếu (ông nghiện á phiện) tôi ôm đàn Kìm, chế ra nhửng câu đàn mới”. Cái sợ nhứt của tôi là đàn vào đêm thanh vắng, chữ đàn ma nhấn chưa chín, tai mình nghe rõ mồn một. Không như Vĩnh Bảo có cách ghi ra giấy, mổi khi sáng tác ra câu nào thì tôi ôm đàn, đàn đi đàn lại cho thật thuộc câu nấy, nếu không thì ngày mai lai quên mất. Băng Nam Bình I, qua nhửng hòa tấu: Ngũ Đối Hạ, Lưu Thủy Trường, 6 câu Vọng cổ nhịp 32 (Sáu Từng (Kìm), Chín Trích (Cò), Vĩnh Bảo (Tranh), người nghe có thể nhận thấy lối đàn độc đáo của ông Sáu Tửng.
Năm 1938 tôi có dịp đàn 20 câu vọng cổ nhịp 16 vô dĩa nhựa Béka (Năm Nghĩa (Trà Ôn) đàn Tranh, Ba Cân (Xóm Gà) đàn Kìm, tôi đàn Gáo, Cô Ba Thiệt (chị ca sĩ Năm Cần thơ) ca).
Thường khi 20 câu vọng cổ nhịp 16 gói gọn trong 2 dĩa. Mỗi mặt quy định là 3 phút (không dư một giây).
  • Dĩa 1, mặt A: Rao, và câu 1, 2, 3 và 4, mặt B: câu 5, 6, 7, 8, 9, 10.
  • Dĩa 2, mặt A: câu 11, 12, 13, 14, 15 câu, mặt B: 16, 17, 18, 19, 20.
Phần đông nhạc sĩ phải đàn đi đàn lại nhiều mới xong một mặt dĩa. Riêng ông Sáu Tửng, ông canh trường tống (tempo) rất chính xac. Chỉ một keo là ăn tiền. Ông sống nghèo tại hẻm Taberd (Nguyễn Du). Có lần tôi đề nghị ông để tôi nhờ bác sĩ quen thân (Bác Sĩ Phạm kim Tương) giúp ông cai á phiện. Ông đáp lại tôi bằng một câu xanh rờn: “Vĩnh Bảo phải biết, Sáu Tửng sống là để hút và đàn”. Không bao giờ tôi quên được lần cuối cùng găp ông tại nhà may Nguyễn Văn Phú ở đường d’Ormay Sài Gòn vào năm 1980. Đêm ấy có tổ chức đàn ca tận trên lầu bốn. Thính giả phần đông là cao tuổi và tri âm. Tay đờn thì có nhạc sĩ Thanh Tuyền đàn Kìm, Tư Huyện đàn Cò và violon, tôi đàn Tranh, 2 Cô Thanh Trang và Thanh Hoa ca. Sở dỉ không mời ông Sáu Tửng vì anh em ngại cho sức khỏe của ông.
Nhưng bất ngờ ông tự động đến, vạnh bên là cô ca sĩ Huệ Nhi dìu ông lên lầu. Gặp ông tôi rất mừng bởi có tay đàn ưng ý. Nhưng vì thương và lo cho sức khỏe của ông, tôi trách ông đến làm chi. Trước mặt mọi người ông nói: Dù không đựoc mời, nhưng tối cố gắng đến cốt là để nghe Vĩnh Bảo đàn. Tôi đỡ lời: Anh Sáu, anh có lạ gì với tiếng đàn của tôi? Bắt đầu đàn, ông ôm đàn Kìm rao trước, Tranh, violon cùng rao theo, cô Thanh Trang nói lối. Khi vào Vọng cổ, Ông ngưng đàn, nghẻo đầu tựa vào vành đàn, nhắm mắt nghe. Tôi thầm nghĩ rằng từ đây sẽ không còn dịp nghe tiếng đàn Sáu Tửng hay cùng hòa đàn với ông nữa. Đúng vậy, một tuần sau nghe tin ông qua đời ….
Tôi quen với ông từ năm 1930 tại Cao Lãnh. Những dịp theo gánh lên hát ở Nam vang vào năm 1935, 1936, ông đến nhà tôi gần như hằng đêm sau khi vãn hát. Giữa ông và tôi có nhiều kỷ niệm khó quên.
______________
[1] Băng Nam Bình 1 và 2 mang tên “Tiếng Đàn Tranh” do Nguyễn công Bình và Vĩnh Bảo thực hiện, phát hành vào năm 1969.Nguyễn Vĩnh Bảo

Nguồn: tvvn.org 

Thursday, May 28, 2020

YÊU THƯƠNG THUỐC TIÊN CHỮA BỆNH


Có thể bạn chưa tin nhưng nghiên cứu mới tại Mỹ cho thấy điều mà tế bào ung thư sợ nhất không phải là hóa trị hay bất kỳ loại thuốc trị ung thư nào. Sau khoảng thời gian tiếp xúc với nhiều bệnh nhân từ nhiều quốc gia trên thế giới, Tiến Sĩ David Hawkins – một bác sĩ rất nổi tiếng tại Mỹ cho biết, chỉ cần nhìn thấy bệnh nhân là ông biết người đó vì sao bị bệnh. Bởi trên cơ thể người bệnh không xuất hiện chữ “yêu”, thay vào đó là “khổ, hận, phiền muộn”. Điều này có thể khiến nhiều người trong chúng ta không tin nhưng đây là kết luận hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học. Sau 20 năm nghiên cứu về cơ và vận động học, Tiến Sĩ Hawkins đã phát hiện ra “ý nghĩa của thang bậc chỉ số rung động trong cơ thể con người từ 1 đến 1000”. Tần số rung động chính là từ trường mà mọi người thường hay nói. Theo đó, những người có suy nghĩ tiêu cực thường rất hay bị bệnh. Đó là những người có chỉ số rung động dưới 200.

Rất nhiều người bị bệnh vì không được yêu, ở họ chỉ thấy nỗi khổ và phiền muộn. Từ góc độ y học ông cho rằng, ý niệm có ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe con người. Tiến Sĩ Hawkins đã từng làm bệnh án cho hàng triệu người, các chủng loại người khác nhau trên toàn thế giới, tất cả đều cho một đáp án giống nhau. Chỉ cần tần số rung động thấp hơn 200 là người đó sẽ bị bệnh. Trên 200 sẽ không bị bệnh, những suy nghĩ có tần số rung động trên 200 gồm có: – quan tâm đến người khác, – giàu lòng từ bi, nhân ái, hướng thiện, – bao dung, độ lượng, v.v. Đây đều là những đức tính có tần số rung động rất cao, đạt đến mức 400 – 500. – Mặt khác, người có tính căm ghét, phẫn nộ, hay chỉ trích, trách móc, đố kị, đòi hỏi người khác, luôn tư lợi cá nhân, ích kỷ, không màng đến cảm nhận của người khác sẽ có tần số rung động rất thấp. Tần số rung động thấp là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như ung thư, tim v.v. Lý giải cho điều này, tiến sĩ Hawkin cho biết những người hay oán giận, chỉ trích, hận thù người khác, tần số của họ chỉ là 30, 40. Trong quá trình trách móc người khác sẽ làm tiêu hao rất nhiều năng lượng của họ vì thế tần số rung động sẽ giảm thấp hơn 200, những người này có nguy cơ bị mắc rất nhiều loại bệnh. Chỉ số rung động cao nhất là 1000, thấp nhất là 1. Tiến sĩ Hawkin cho biết trong cuộc đời của mình, ông chưa gặp ai có tần số rung động đạt ở mức cao nhất, 1000. Những người mà ông ấn tượng nhất cũng chỉ đạt mức 700. Năng lượng trong cơ thể họ rất dồi dào. Khi những người này xuất hiện, họ sẽ làm ảnh hưởng đến từ trường của cả khu vực xung quanh. 
Lấy ví dụ, như khi bà tu sĩ Teresa lên nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình, không khí cả hội trường rất tốt, tần số rung động rất cao, từ trường của bà làm cho cả hội trường đều cảm nhận được năng lượng tràn ngập sự tốt đẹp và cảm động từ bà. Khi người có năng lượng cao xuất hiện, từ trường của họ sẽ làm cho vạn vật trở lên tốt đẹp hơn. Còn với người có suy nghĩ tiêu cực, không chỉ làm tổn hại chính họ mà còn làm cho từ trường xung quanh cũng bị xấu đi. Một trường hợp cụ thể nhất về tác động của tình yêu với các tế bào ung thư chính là nghệ sĩ chơi đàn Violoncelle Sean của Nhật Bản. Khi bị bệnh ung thư, ông đã không ngừng chiến đấu với bệnh tật nhưng xem ra tình trạng ngày một nặng hơn. Cuối cùng, ông quyết định thay đổi tâm trạng và chuyển sang yêu từng tế bào ung thư trong cơ thể mình. Ông lạc quan với cuộc sống, mọi việc ông đều luôn thấy vui vẻ và biết ơn các tế bào ung thư. Ông thấy cảm giác này rất tuyệt. Sau đó, ông đã quyết định yêu mọi thứ trong cuộc sống, bao gồm cả mỗi con người và mỗi sự việc. Kết quả hết sức bất ngờ và nằm ngoài sức tưởng tượng của tất cả mọi người, toàn bộ các tế bào ung thư đã không còn nữa. Sau này, ông trở thành bác sĩ trị liệu nổi tiếng tại Nhật Bản. 
Đây chính là bản chất của cuộc sống: Tình Yêu.

Các nhà khoa học cho biết, căn nguyên của bệnh tật là do trong cơ thể người bệnh thiếu tình yêu thương. Bệnh tật bị đẩy lùi một cách vô điều kiện là nhờ ‘yêu và được yêu’. 

(Nguồn : tvvn.org)  Sưu Tầm 

Wednesday, May 27, 2020

BỐN THỂ LOẠI VĂN CHƯƠNG



Lưu Thủy Hương



Horror – crime – thriller – mystery là những khái niệm văn chương mà người Việt Nam hay nhầm lẫn. Một người giỏi tiếng Anh hiểu rất rõ chữ thrill, khi xem một bộ phim thriller vẫn có thể bảo, đó là phim kinh dị. Một nhà phê bình văn học lâu năm đọc một câu chuyện hoang đường đầy hiểm họa cũng có thể giới thiệu, đó là một cuốn truyện trinh thám. Những nhầm lẫn ngộ nhận này, thực ra chẳng gây ra tai họa lớn lao gì đối với độc giả, ngoài chuyện họ muốn xem phim gay cấn mà xem phải phim ma, muốn mua một cuốn truyện có ân oán phân minh lại mua trúng một cuốn truyện hoang tưởng thật giả lẫn lộn.
Ranh giới giữa horror – crime – thriller – mystery thật ra cũng không rõ ràng, đôi lúc nó lại rất mông lung. Người viết có thể xóa bỏ cả ranh giới để thể loại này xen lẫn vào thể loại kia. Trong phim ảnh, thriller rất gần với horror, nên người Việt vẫn có thể dịch phim thriller là phim kinh dị. Và trong văn chương, thriller là một dòng chảy khởi hành từ crime, ở đây người Việt dịch thriller là tiểu thuyết hình sự hay trinh thám, hên thì trúng, xui thì trật. Tôi cũng chưa tìm ra tài liệu tiếng Đức nào phân tích thật rõ ràng, khúc chiết những điểm khác nhau giữa bốn khái niệm này, ngoài một vài bài viết rời rạc của các giảng viên dạy thực hành văn chương. Các tài liệu trong thư viện cũng chỉ định nghĩa các khái niệm này riêng lẽ. Có lẽ như vậy là đủ.
Horror 
Horror là một thể loại văn học lâu đời nhất (so với crime và thriller). Nó có mầm mống từ trước công nguyên trong các tác phẩm của Homer như Ilias, Odyssee. Trải qua nhiều thế kỷ kiến tạo, đến thế kỷ 17, nó thành hình rõ nét qua các bóng ma trong Hamlet, Macbeth của Shakespeare và chỉ thực sự bùng nổ trong những câu chuyện Ma Cà Rồng (Vampire) ở thế kỷ thứ 19. 
Horror tiếng Latin horrere có nghĩa là “dựng tóc gáy”, loại truyện gây sốc, gây kinh hãi, gây khiếp đảm, thậm chí nó kích hoạt cả cảm giác thù hận và kinh tởm. Các chủ đề chính mà horror thường khai thác là ma quỷ, giết người, tự sát, tra tấn, hành quyết, điên loạn, xác sống, thảm họa… Văn học horror là cách tác giả – như một nhà tâm lý học – tìm đến giới hạn mức chịu đựng của con người, khai thác chiều sâu tăm tối của tâm hồn, phân giải mức độ cuồng loạn điên rồ của những phản ứng, để mô tả phần nào khái niệm địa ngục. Một địa ngục bên trong tâm thức thông qua hình tượng những kẻ thủ ác man rợ. Một địa ngục bên ngoài tâm thức, trong đời sống thường nhật, thông qua hình tượng ma quỷ. 
Thế mạnh của horror là nó có khả năng tấn công cấp kỳ và mãnh liệt vào cảm xúc người đọc hơn bất kỳ thể loại văn học nào khác. Nó đẩy độc giả vào trạng thái trực diện với cái chết, tạo dựng nỗi sợ hãi khôn cùng về cuộc sống tối tăm sau cái chết, vẽ ra khuôn mặt độc ác ghê rợn của những kẻ đã chết. “Chết”. Hầu hết các tác phẩm horror đều mang tính chết chóc. Và – sự trừng phạt, bóng tối, bạo lực, hủy diệt, hành hình, đầu rơi, máu đổ, đói khát… là những thứ nguyên liệu yêu thích của horror. 
Bên cạnh giá trị văn chương và giải trí, giá trị lớn nhất của dòng văn học horror là, nó đã góp phần hình thành một thể loại văn học hiện đại rất quan trọng: thể loại truyện ngắn – cùng với cái tên lừng danh Edgar Allan Poe 
Trong tiếng Việt, horror được dịch là truyện kinh dị. 

Crime 
Crime là một loại tiểu thuyết về tội phạm. Những thử nghiệm đầu tiên về thể loại crime được ghi nhận thành công là của Friedrich Schiller, thế kỷ thứ 18. Thoạt đầu nó chỉ được xem là loại truyện bình dân dành cho đối tượng độc giả không có nhu cầu thẩm mỹ văn chương cao cấp. Đến thế kỷ 19 – 20, crime trở thành thể loại văn học được yêu thích nhất ở châu Âu, khởi đầu với những ngòi bút tài hoa người Anh: Arthur Conan Doyle (Sherlock Holmes), Agatha Christie (Hercule Poirot), Ian Lancaster Fleming (James Bond 007), Colin Forbes (Tweed), James Hadley Chase… Cho đến ngày nay, crime đã liên tục phát triển thành nhiều nhánh văn học mới lạ (whodunit, roman noir, gangster ballads, thriller, mystery…) để đạt được số doanh thu thương mại mà không một thể loại văn học nào sánh nổi. 
Crime là câu chuyện về thế giới tội phạm và những hoạt động săn đuổi tội phạm. Nó xoay quanh những vấn đề phạm pháp trong xã hội như cướp của, tống tiền, chiếm đoạt tài sản, mưu sát, án mạng, bắt cóc, buôn người, buôn vũ khí, buôn á phiện… Tình tiết được thiết kế theo kiểu bậc thang xoắn ốc đẩy cảm xúc người đọc lên dần đến chỗ hồi hộp căng thẳng. Nhân vật trung tâm của crime thường được tô vẽ như hình ảnh một người hùng mang vẻ đẹp công lý. Người hùng đó có thể là một thám tử, một cảnh sát, một thanh tra cảnh sát, một điệp viên, một (cựu) quân nhân… mà đôi khi cũng là một anh chàng hảo hớn nào đó hay một nhân chứng tình cờ (như trong các tác phẩm của James Hadley Chase). Nhưng dù là ai đi nữa, nhân vật trung tâm của crime nếu không biết cách sử dụng cơ bắp hay sử dụng vũ khí thành thạo thì phải là kẻ khôn ngoan bản lĩnh, biết cách đặt vấn đề và lý giải vấn đề để đưa câu chuyện đến một kết cuộc hoàn hảo. Kết cuộc đó chính là cao trào của cuốn truyện, là thời điểm cái ác bị lôi ra ánh sáng, kẻ tội phạm bị trừng phạt. 
Crime có thể dịch ra tiếng Việt là truyện hình sự, tội phạm hay trinh thám… tùy vào nội dung của tác phẩm. 
Đọc trinh thám hình sự hay thì cũng nhàn nhã như đọc ngôn tình dỏm, bởi trinh thám hình sự cũng tìm cách thỏa mãn sự chờ đợi của độc giả, cũng ve vuốt niềm tin vào cuộc sống của con người, cũng nuông chiều sự lười biếng của kẻ thích hưởng thụ văn chương. Nghĩa là, nó luôn thò bàn tay mềm mại dẫn dắt người đọc đi đến kết cuộc hoan lạc. 
Thriller 
Thriller là nhánh văn học phát triển từ crime. Một loại truyện hồi hộp nhưng không rùng rợn. Một thứ văn chương chủ yếu sử dụng kỹ thuật miêu tả để kéo căng dây thần kinh người đọc. Ở châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng, nó thuộc vào thể loại văn học đương đại được ưa chuộng nhất. Theo thống kê Studie Büchermonitor Deutschland – 2018, một phần hai dân Đức thường xuyên đọc thriller (dân số 83 triệu). Dạo một vòng quanh các hiệu sách ở thành phố Berlin cũng dễ thấy, trên các kệ sách bestseller, thriller luôn có khuynh hướng lấn áp tất cả các thể loại sách giải trí khác. 
Khác với crime, thriller là thứ văn chương xảo quyệt và tinh ranh. 
Nó kích thích người đọc phải làm việc cùng tác giả rồi bỏ mặc người đọc ở đoạn cuối với một đống câu hỏi và sự ngỡ ngàng (đôi lúc còn là thất vọng, phẫn nộ). Nó phóng túng đến độ không phụ thuộc vào bất kỳ nguyên tắc hay quy ước nào, kể cả tính thrill. Có những loại thriller chẳng hề thrill mà rạo rực như erotikthriller, mà buồn ngủ như politthriller… Nó không là chính nó và cũng không là một cái gì khác. Không như truyện trinh thám hình sự, thriller luôn tìm cách chống đối phương thức tải đạo cổ điển. Nó có thể kín đáo chứa đựng giá trị đạo đức nhưng tuyệt nhiên không bao giờ phô diễn đạo đức. Ngược lại, nó luôn tìm cách phơi bày mặt trái của đạo đức, mặt trái của những giá trị chuẩn mực. 
Thriller là nơi cái thiện – cái ác lẫn lộn, là nơi người săn đuổi tội phạm trở thành kẻ bị tội phạm săn đuổi, là nơi cái kết cuộc trở thành cái bắt đầu (của một tội ác, một thảm họa). Thriller lôi những cái chết oan khuất ra khỏi bóng tối, vạch trần tội ác núp bóng đạo đức chính nghĩa, chỉ trích sự yếu kém sa đọa của luật pháp, tố cáo bộ mặt bất lương của công quyền… mà không nhằm vào mục đích truy tìm hay trừng phạt kẻ phạm tội, không nhằm phục vụ cho niềm tin vào công lý, không thỏa mãn nhu cầu giải quyết ân oán. Thriller chỉ cốt tạo ra hiểm hoạ, sự căng thẳng, sự kinh hoàng… và nhất là sự đe doạ. Không có một tác phẩm thriller nào thiếu vắng sự đe doạ. Trong khi ở crime nhân vật trung tâm luôn nắm toàn bộ quy luật và quyền kiểm soát câu chuyện, thì ở thriller sự đe dọa mới là thứ nắm chắc quy luật và quyền kiểm soát. Từ đó, sự đe dọa trong thriller tạo ra cho người đọc một cảm giác sợ hãi bất an về một xã hội đáng sợ đầy bất an. Vì vậy mà nó rất nguy hiểm đối với chế độ độc tài. 
Viết cho đúng nghĩa thriller không chỉ đụng nhằm những thành trì giáo điều ngụy tạo, mà còn kích động tâm lý bất ổn của xã hội, và chắc chắn là – ở Việt Nam – một tác phẩm như vậy sẽ không có cơ hội được phát hành. Trên văn đàn quốc nội, hiện tại và tương lai vẫn (và sẽ) không có được tác phẩm thriller mang nhãn hiệu Việt Nam. 
Nói cách khác, thriller chỉ có thể phát triển ở những nước, những môi trường có tự do ngôn luận và tự do tưởng tượng. 
Thriller trên thị trường sách Việt Nam sau năm 1975 
Sau 1975, thriller được vinh dự xếp vào dòng văn học phản động, tàn dư của “Mỹ Ngụy”. Nó mất mười lăm năm đi cải tạo, mười lăm năm lẩn trốn tủi nhục, mười lăm năm tơi tả trong tiệm ve chai. Cho đến cuối thập niên 80, thị trường sách ở miền Nam bỗng đánh dấu sự trở lại rầm rộ của tác giả crime – thriller người Anh: James Hadley Chase. Đó là thời kỳ sau đại hội Đảng lần thứ VI (1986). Miền Bắc ngây ngất hoan hỉ trước lời kêu gọi “đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật, tạo cơ sở tư tưởng cho xu hướng dân chủ hóa trong văn học được khơi dòng và phát triển mạnh mẽ”, tưng bừng đón mừng các tác phẩm ái tình, dâm thư cổ điển của Trung Quốc như Hồng Lâu Mộng, Kim Bình Mai. Miền Nam nhân cơ hội được cởi trói văn hóa lại âm thầm mở đường cho văn học hiện đại Âu – Mỹ trở lại đất Sài Gòn. Khi đó, James Hadley Chase vừa qua đời (1985) để lại một gia tài đồ sộ với 96 đầu tiểu thuyết crime – thriller – gangster, trong đó có 36 tác phẩm được dựng thành phim. Khoảng 15 tác phẩm của Chase được tung ra thị trường miền Nam (đa phần đã được dịch từ trước 1975), tuy không làm dịu được cơn đói sách bi thương của giới sĩ phu Nam Kỳ nhưng chúng cũng gây ra một bầu không khí hưng phấn trong giới người đọc trẻ tuổi. Những cái tên thật quen thuộc: Cả thế gian trong túi – The World In My Pocket, Cạm Bẫy – Strictly for Cash, Dã Tràng Xe Cát – You’ve got it Coming, Gã Hippi Trên Đường – There’s a Hippie on the Highway… 
Tiểu thuyết của James H. Chase thường không dày, in chữ nhỏ thì khoảng dưới hai trăm trang, nhưng nó có muôn vàn tình huống đa dạng và cực kỳ gay cấn, căng thẳng. Nhiều đánh giá mới cho rằng, Chase cố ý từ bỏ quy tắc crime, phát triển mạnh tính chất thriller. Truyện của Chase thường không có nhân vật chính là người hùng mang vẻ đẹp công lý. Nhiều nhân vật chính của Chase rất phản diện: tham lam, bội bạc, lưu manh, vô đạo đức. Những cái kết cuộc cũng không làm sáng tỏ vấn đề mà lại rất buồn, rất bất công – đôi lúc còn nhẫn tâm. Nó làm người ta bàng hoàng và chịu khó suy nghĩ. Tôi yêu thích truyện James H. Chase cũng vì lẽ này. Vì lẽ ông luôn kín đáo chuyển tải giá trị đạo đức nhưng không bao giờ phô diễn đạo đức. Cảm ơn Chase! 
Đến đầu thập niên 90, một tác giả thriller lừng danh người Mỹ xuất hiện trên thị trường sách miền Nam, gây nên cơn bão hâm mộ và cuồng nhiệt khác. Cơn bão Sidney Sheldon. Sách của Sidney Sheldon in không đủ bán. Sinh viên và học sinh ở Sài Gòn thời đó thường phải ghi tên chờ ở tiệm cho thuê sách, mang sách về nhà đọc qua đêm rồi ngày mai trả lại. Với phong cách văn chương hiện đại, lối hành văn mạch lạc, trong sáng, tốc độ nhanh, diễn biến kỳ tình, kết cuộc linh hoạt – Sheldon đã dẫn những người đọc trẻ miền Nam vào một thế giới văn chương hoàn toàn khác. Nó kỳ thú và phóng khoáng lạ thường. Những cái tên thật là khó quên trong 18 tác phẩm của Sheldon được dịch ra tiếng Việt: Nếu Còn Có Ngày Mai – If Tomorrow Comes, Ký Ức Lúc Nửa Đêm – Memories of Midnight, Thiên Thần Nổi Giận – Rage of Angels, Cát Bụi Thời Gian – The Sands of Time… 
Nối tiếp theo Sheldon là hai tác giả thriller người Mỹ khác: John Grisham và Harold Robbins. Truyện của Grisham quá nặng về luật pháp và công việc tòa án mà thiếu sự biến hóa sinh động, truyện của Robbins thì quá đậm dục tính mà thiếu sự hồi hộp căng thẳng nên cả hai chỉ hấp dẫn độc giả Việt Nam được vài cuốn đầu rồi bị làn sóng video với những bộ phim Hồng Kông đánh bại. 
Các tác giả đến sau Grisham và Robbins dường như cũng có cùng số phận, truyện của họ không tạo được một trào lưu dịch và trào lưu đọc lâu dài như của Chase và Sheldon. Có thể kể ra những tác giả và tác phẩm quen thuộc hiện nay trên thị trường sách Việt Nam: Jeffery Deaver (Sát Nhân Mạng), Maxime Chattam (Linh Hồn Ác), Tami Hoag (Giết Người Đưa Thư, Người Làm Chứng), Harlan Coben (Đừng Nói Một Ai), Michael Connelly (Việc Máu), Kōji Suzuki (Vòng Tròn Ác Nghiệt, Vòng Xoáy Chết), Ryu Murakami (Xuyên Thấu, Thử Vai)… 
Một điểm chung ở các tác phẩm dịch ra tiếng Việt này là những lời giới thiệu: “The International Bestseller”, “The New York Times Bestseller”,  mà không có một sự phân loại sách theo thể loại. Điều này cho thấy sự lúng túng của các dịch giả và nhà xuất bản ở Việt Nam, bởi vì chính họ khi dịch, khi phát hành sách cũng không biết nên xếp những cuốn sách này vào loại gì. 
Dường như ở Việt Nam, người ta chỉ biết đến ba cái tên: hình sự, trinh thám và kinh dị. 
Có nên dịch chữ thriller ra tiếng Việt 
Chúng ta có thể dịch chữ thriller ra tiếng Việt. Với một số lượng rất lớn các nhà văn gốc Việt sống ở Mỹ và Úc, họ giỏi cả hai ngôn ngữ, việc dịch một chữ thriller ra tiếng Việt quá dễ dàng. 
Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, không nên dịch. Nếu chúng ta dịch chữ thriller ra tiếng Việt, chúng ta sẽ vướng vào chuyện oái oăm như người Đức khi họ dịch chữ thriller ra tiếng Đức. 
Tiếng Đức rất gần với tiếng Anh, dịch thriller là spannung (căng thẳng, hồi hộp) cũng hợp lý. Nhưng câu hỏi của nhiều độc giả người Đức đặt ra là, nếu gọi thriller là spannung thì chẳng lẽ những thể loại truyện khác không cần spannung. Dĩ nhiên, đặc điểm chính của thriller là tạo tối đa sự căng thẳng hồi hộp, nhưng có loại truyện câu khách nào mà không cần căng thẳng, hồi hộp? Ngay cả tiểu thuyết ngôn tình, truyện cổ tích, hay cả dâm thư cũng vẫn căng thẳng, hồi hộp, nếu không thì có ai thèm đọc. Chính horror còn lạm dụng sự căng thẳng hồi hộp hơn cả thriller. Còn crime, nó cũng là đối thủ cạnh tranh khốc liệt với thriller trong việc tạo yếu tố căng thẳng hồi hộp. Bởi vậy mà trong các nhà sách của Đức, trên kệ sách phân loại có chữ spannung thì ngoài thriller ra người ta còn xếp cả horror, crime lên đó. Tuy nhiên, tất cả các cuốn sách nằm trên kệ spannung này, mặt bìa sách đều do nhà xuất bản in rõ là thriller hay crime mà không hề in là spannung. Cứ như chữ spannung gây nên cảm giác thiếu chuyên nghiệp. 
Không chỉ những tác phẩm tiếng Anh dịch ra tiếng Đức đã được tác giả xếp loại thriller cần phải ghi là thriller, mà, các tác phẩm của tác giả người Đức, viết bằng tiếng Đức cũng được trang trọng in lên mặt sách chữ thriller. Cứ như thriller là thứ sách sang trọng danh giá hơn spannung. 
Đọc đến đây, bạn đã thấy rối rắm chưa? 
Trong thư viện còn rối rắm hơn. Vách kệ sách phân loại đề lẫn lộn chữ spannung và thriller. Và, những cuốn sách nằm trên kệ, khi thì được quản thủ thư viện dán nhãn spannung, khi thì dán nhãn thriller. Bản thân những nhân viên thư viện cũng không đọc qua cuốn sách đó, nên việc phân loại đúng theo ngôn ngữ Đức, không theo như nhà xuất bản in, làm họ lúng túng. 
Bởi vậy mà khi đi mua sách hay đi mượn sách thư viện, tôi thấy, chuyện dịch chữ thriller ra tiếng Đức là không cần thiết, tự nhiên vấn đề trở nên ngớ ngẩn, phiền toái. Có những chữ tiếng Anh đã thành ngôn ngữ quốc tế, thiết nghĩ, chẳng cần phải dịch ra tiếng khác, như: bestseller, internet, facebook… 
Nhưng chẳng lẽ vì vậy mà thriller ở Việt Nam không được phân loại và không có một chỗ đứng riêng biệt trong lòng độc giả? Nhân câu hỏi này, tôi muốn giới thiệu một sự sáng tạo tài tình của những người trí thức miền Nam trong việc phân loại sách. Sự sáng tạo này có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc đời viết văn của tôi và có có ảnh hưởng sâu đậm trong vùng ký ức của những độc giả bây giờ đã ở tuổi 60. Khi nhắc đến nó sẽ có hàng vạn người thấy xúc động từ trong tâm khảm, bâng khuâng thương nhớ một tuổi thơ trong sáng an lành. Tôi trân trọng nói về Tủ Sách Tuổi Hoa của mục sư Chân Tín. Ở đây có một sự phân loại rõ ràng bằng ký hiệu mà các độc giả nhí và phụ huynh đều thuộc làu làu: 
Hoa xanh: tình cảm nhẹ nhàng 
Hoa đỏ: trinh thám phiêu lưu 
Hoa tím: tình yêu tuổi mới lớn 
Dĩ nhiên bây giờ chúng ta không thể thêm “hoa đen” cho loại truyện horror hay “hoa trắng” cho thriller, vì Tủ Sách Tuổi Hoa là văn hiệu thành danh chỉ dành cho trẻ em. Nhưng vẫn có thể nghĩ đến: lá xanh, lá đỏ, lá đen, lá tím, lá vàng… hay nơ xanh, nơ đỏ, nơ vàng (chỉ xin đừng dùng cờ, dùng sao). 
Những thuận lợi và khó khăn của tác giả người Việt khi viết thriller – Kinh nghiệm cá nhân 
Để có được sự căng thẳng, đe dọa không nằm ngoài tính logic, thriller không chỉ đòi hỏi óc tưởng tượng, vốn văn chương mà còn đòi hỏi kiến thức đầy đặn về y khoa, pháp lý, hành chánh, chính trị… và nhất là vốn thực tế. Tôi gọi đó là sự tìm tòi và học hỏi không ngừng của tác giả. 
Để có được một bầu không khí căng thẳng, đe dọa thật đậm đặc, chính bản thân người viết phải sống ảo trong vùng đất đó, phải chịu đựng đầy đủ những cảm xúc rùng rợn trong câu chuyện. Tôi gọi đó là sự hy sinh của chính tác giả.
Năm 2010, tôi bắt đầu thử sức ở thể loại thriller. Thoạt đầu chỉ là những truyện ngắn mang tính hồi hộp và một chút xíu kinh dị, được vài trang web nhận đăng. Nhưng tới truyện ngắn “Làng Thổ Phỉ” (còn gọi là “Kẻ Săn Quạ”) thì tôi nhận được ít cảm thông mà nhiều ác cảm. Có lẽ, vì lúc này tư tưởng thriller của tôi đã chuyển dần sang mystery (một thể loại kết hợp giữa giả tưởng và kinh dị). Thời gian viết truyện “Làng Thổ Phỉ” từng là khoảng thời gian đáng sợ nhất trong cuộc đời viết văn của tôi. Một tháng trời sau đó, tôi vẫn không sao ăn thịt được, không dám ở nhà một mình khi trời tối. Khi viết, tôi phải sống trong chính khung cảnh đó, nghe được những tiếng động ám ảnh, ngửi đươc mùi vị gớm ghiếc của cái chết, nhìn thấy sự mục nát, thối rữa. Sau này, khi tiếp tục mở rộng “Làng Thổ Phỉ” ra thành tiểu thuyết Bầu Giàn Bí Đất, hàng đêm ngồi trước màn hình tôi cũng phải sống trong mối đe dọa và sự sợ hãi thường trực. Các nhà văn trên thế giới khi viết thriller, họ cũng phải nghe được tiếng bước chân của kẻ sát nhân, ngửi được mùi máu tanh, sờ tay vào cái chết lạnh lẽo. Đối với người Việt, nói thẳng ra điều này, dường như khó nhận được cảm thông nghiêm túc.
Năm 2012, giữa ngổn ngang thất vọng và tuyệt vọng, tôi nhận ra thất bại của chính mình. Horror đã sản sinh ra thể loại truyện ngắn, nhưng truyện ngắn lại khó thích hợp với thể loại thriller, vì bố cục và tiết tấu của truyện ngắn thường phải cô đọng, nhanh và dồn dập. Nhiều người phê bình truyện ngắn của tôi trong thời gian này thường dài hơn mức bình thường. Đó cũng là vì đặc tính thriller, nó luôn muốn kéo dài sự căng thẳng và hồi hộp, nó luôn muốn vượt qua những giới hạn và ràng buộc. Và nó biến truyện ngắn thành truyện dài. 
Sáu năm sau đó, tôi dành thời gian thử nghiệm cuốn tiểu thuyết psychothriller đầu tay và đặt tên nó là Bờ Bên Kia. Đối với tôi – một người đọc và yêu thích thể loại thriller từ suốt ba mươi năm – Bờ Bên Kia là một cuốn tiểu thuyết psychothriller đúng nghĩa văn chương nghiêm túc “căng thẳng, hồi hộp và có đủ chiều sâu tâm lý”. Tuy nhiên ở vị trí người viết, tôi phải chấp nhận sự ra đời lặng lẽ buồn tẻ của nó để kiên trì đi tiếp con đường văn chương của mình. 
Dẫu vậy tôi vẫn mong, một lúc nào đó người đọc và người viết Việt Nam sẽ nhìn nhận thể loại thriller một cách cởi mở và hiểu biết hơn. Trong văn chương Việt, thriller là một vùng không gian còn để trống hoàn toàn. Trên thực tế, nó thích hợp với miền đất trải qua nhiều biến động chết chóc và một hiện tại đầy oan khuất. Về kỹ thuật, nó đòi hỏi sự đầu tư, học hỏi và sức chịu đựng can trường của tác giả. Thriller thật sự là một trong những thử thách nặng ký nhất hiện nay cho những tay viết có bản lãnh ở Việt Nam. Giá trị của nó sẽ dễ dàng vượt qua những loại tiểu thuyết diễm tình sướt mướt, tự truyện đầm đìa dục tính, hay những thử nghiệm siêu đẳng tối đen nhằm vào giấc mộng Kafka tái sinh. 
Mystery 
Mystery là một thể loại văn chương rất mới và lạ. 
Nó không chỉ mới lạ với độc giả Việt Nam mà còn mới lạ với cả độc giả Âu – Mỹ thế hệ lớn tuổi. Tôi làm quen với nó từ hơn sáu năm nay nhờ vào những cuốn tiểu thuyết trên kệ sách của con tôi, dù trước đó rất lâu tôi đã biết đến tên tuổi Dan Brown. Mystery thực sự lôi cuốn người cầm bút vì biên độ mở vô tận của nó. 
Trên thực tế, mystery đã xuất hiện từ cuối thập niên 90 trong các bộ phim truyền hình Mỹ (như The X-Files), đến năm 2000 được Dan Brown đưa vào văn chương (các tác phẩm như Illuminati, Sakrileg) đã rất thành công.
Khác với science fiction, một thể loại thường đẩy trí tưởng tượng hướng về tương lai, mystery có khuynh hướng đưa trí tưởng tượng lùi lại một vùng quá khứ u tối ảm đạm. Văn chương mystery đưa người đọc ra khỏi vùng hiện thực, đẩy họ vào một thế giới giả tạo, vô chính phủ, phi luật pháp, hoàn toàn mơ hồ… mà bí ẩn của câu truyện có cội nguồn từ một biến cố lịch sử hay từ một quá khứ xa xưa nào đó (trong tiền sử). Tuy nhiên trong thực tế sáng tác, mystery vẫn là thể loại không đòi hỏi bất kỳ giới hạn tưởng tượng nào cũng như không có bất kỳ ràng buộc khuôn mẫu nào. Nó có thể pha trộn ít hay nhiều các thuật ngữ hình sự (crime), kỳ ảo (fantasy), khoa học viễn tưởng (science fiction), giả sử (hay lịch sử), gay cấn (thriller) và đặc biệt là kinh dị (horror). Trong nhà sách châu Âu, mystery thường được xếp vào loại thriller – horror. 
Nhưng mystery thì khác với horror. Trong khi những hình tượng ma quỷ và người đội mồ ở horror chỉ nhằm mục đích gây sốc, gây kinh hãi, gây khiếp đảm, kích hoạt cảm giác thù hận và kinh tởm – thì sự trở lại của người chết trong mystery luôn mang một thông điệp nào đó. Thông thường, những người quá cố trong mystery trở về là để cảnh báo một thảm họa sắp xảy ra, để làm sáng tỏ cái chết oan khốc của họ và để nói với người ở lại lời yêu thương từ tạ. Mystery đẹp như khúc nhạc buồn bã và bí ẩn của thế giới tâm linh. Loại văn chương này không mang tính giải trí thông thường mà nó còn ngấm ngầm chuyển tải một thông điệp nghiêm túc như tình yêu, tôn giáo, xã hội… và cả chính trị.
Năm 2014, hai tác phẩm gây chú ý trên văn đàn châu Âu, đều dẫn người đọc đến dãy Alpen bí hiểm. Cả hai tác giả người Đức và Bắc Ái Nhĩ Lan không hẹn mà cùng nhau mô tả một ngôi làng miền núi với bầu không khí mù sương ảm đạm, khung cảnh ma quái. Những con người kỳ dị bị thế giới văn minh của loài người bỏ quên, họ sống biệt lập trong một xứ xở vô chính phủ và phi luật pháp của riêng họ. 
Das finstere Tal (Thung Lũng Bóng Tối) của Thomas Willmann là cuốn tiểu thuyết bi kịch làng quê được chọn vào loại bestseller của Đức, được dựng thành phim tham gia festival Berlin. Cả mấy tháng trời trước festival, Berlin ngợp trong quảng cáo. Phim rất hay, nhận được một đống giải thưởng của châu Âu nhưng lại không đủ sức bước lên thảm đỏ Oscar. Tiểu thuyết cũng rất hay. Nhưng tôi thấy tiếc. Giá mà tác giả đừng bám theo lối mòn của loại tiểu thuyết bi kịch đã quá cũ kỹ mà đẩy nó sang lối rẽ mystery thì nó đã thay đổi được tầm vóc. Bởi vì khung cảnh, con người và những ân oán của Thung Lũng Bóng Tối rất là bí ẩn. Bởi vì ngôi làng miền núi đó có một biến cố bi thảm trong quá khứ. Nó hội đủ tính chất cần có của một tác phẩm mystery: một ảm ảnh kinh dị, một diễn tiến bí ẩn và một yếu tố lịch sử. Nó có thể trở thành một tác phẩm mystery hiện đại, chỉ thiếu thông điệp của thế giới bên kia. 
The Returned của Seth Patrick cũng là một thành công trên phim trường. Ngay khi chưa thành sách, năm 2012, nó đã được đưa lên màn ảnh truyền hình Pháp với cái tên Les Revenants. Năm 2015, hãng truyền hình Mỹ cho dựng lại bộ phim với cái tên gốc The Returned, gồm 16 tập chính và nhiều tập nối tiếp. Nhưng cái độc đáo thực sự của The Returned là ở tính chất văn chương. Cuốn tiểu thuyết mystery hoàn hảo này dày gần 500 trang, là một nỗi ám ảnh của loài người. Nó ám ảnh ghê rợn đến độ đọc một lần mà nhiều năm sau đó vẫn không quên được. Mỗi khi tôi ngồi vào bàn viết, nó cứ xuất hiện, tìm cách len lỏi vào từng nhân vật, từng bối cảnh. Thằng bé bị giết chết cách đây 35 năm, đột ngột quay trở về, đi lang thang ngơ ngẩn trong thành phố. Chú rể chết vì tai nạn xe hơi trong ngày cưới, quay về đòi lại người yêu. Tên tội đồ giết người hàng loạt đội mồ trồi dậy và tiếp tục gây án. Những dằn vặt, đau khổ trong mối quan hệ tình cảm âm dương, những cảm xúc yêu thương dở dang giữa hai thế giới. Tất cả đều buồn bã và đầy nuối tiếc. 
Hoặc là bạn không thích mystery, từ chối nó ngay từ những trang đầu tiên. Hoặc là bạn sẽ vô tình thả trí tưởng tượng của mình vào không gian mystery, và bạn sẽ bị nó giam giữ. 

Phải dịch mystery ra tiếng Việt như thế nào 
Đó là một câu đố. Theo nghĩa đen, mystery là huyền ảo, kỳ bí hay thần bí. Nhưng đối với cá nhân tôi, những chữ tiếng Việt này gợi lên một cảm giác rất xa lạ vì chúng hoàn toàn không nói lên tính chất của dòng văn học mystery. Công thức đơn giản nhất của mystery gồm ba chất liệu kinh dị + kỳ ảo + yếu tố lịch sử khởi nguồn, nên sẽ rất khó tìm cho nó một cái tên Việt Nam với đầy đủ ý nghĩa. 
Trên văn đàn Đức, người ta cũng giữ nguyên cái tên tiếng Anh là mystery chứ không ai dịch ra tiếng Đức là geheimnis hay rätsel. 
Cho đến bây giờ, văn đàn Việt Nam còn chưa có một tác phẩm mystery nào và số truyện mystery nước ngoài được dịch ra tiếng Việt cũng còn rất hạn chế. Nên tôi tạm thời dành câu đố này cho thời gian. 
----------------------------------------------- 
(Ghi chú: để tránh rối rắm khi đọc, các danh từ tiếng Đức ở đây không được viết hoa.)


 (Nguồn: Văn Việt)   

Friday, May 22, 2020

CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ


Ý Ngôn


Hồi ở trại tị nạn tôi chỉ muốn đi Mỹ, nhưng vì không nằm trong diện ưu tiên nào cả, tôi đã bị phái đoàn Mỹ từ chối ngay trong kỳ phỏng vấn đầu tiên. Nhưng tôi chỉ thích đi Mỹ, tôi nhất định chờ Mỹ "hốt rác". (Người tị nạn nào bị hai phái đoàn từ chối, sẽ được Mỹ nhận cho đi định cư vì lý do nhân đạo, dân trong trại nói vui là được Mỹ "hốt rác"). Cùng đi chung tàu với tôi có ba thằng con trai độc thân, cũng cùng hoàn cảnh như nhau: không thân nhân ở trại, chẳng có họ hàng ở ngoại quốc, không tiền bạc và chung một chí hướng "chỉ thích đi Mỹ".
Thằng Thành quê ở Bến Tre, tuổi nhỏ nhất. Hồi đó nó đã mười tám, vừa lên đảo không biết quan hệ với ai hồi nào mà lẹ thiệt, tự động sụt tuổi xuống còn mười bốn. Nó nói như vậy cho có vẻ nhi đồng một chút, vả lại để sang Mỹ đi học dễ dàng hơn (?). Thằng Hoàng người Cần Thơ, tuổi ngang với tôi, vừa lên trại một tháng là vướng ngay cái bịnh sốt rét quái ác, có lần nửa đêm khuya nó làm cử, báo hại tôi phải chạy vắt giò lên cổ qua trạm thông tin nhờ gọi xe cấp cứu đưa nó lên bệnh xá. Vậy mà cái thằng chịu chơi thiệt, ngày hôm sau mặt mày còn xanh như tàu lá, gặp phái đoàn Úc, nó tìm cách nói ấm ớ hội tề để được "đá". Lúc bước ra khỏi phòng, nó cười tươi rói nói "đá rồi". Tôi thầm nghĩ: "tao cũng chịu mầy luôn, sốt rét gần chầu diêm vương, vậy mà cũng ráng chờ đi Mỹ cho bằng được mới nghe".
         
Ba đứa tôi sống chung với nhau thật đầm ấm. Thằng Thành lo việc cơm nước, cái này dễ ợt, chỉ bắt nồi cơm, khui thịt hộp là xong. Thằng Hoàng đi lãnh rau cải tươi và đồ hộp, kiêm thêm việc xách nước. Còn tôi bon chen được một chân trên văn phòng ban Đại Diện trại. Sáng xách ô đi chiều xách ô về, quần áo chỉnh tề chẳng khác chi một thầy thông, thầy phán. Chả thế mà đồng bào mỗi khi có việc cần nhờ đến, đều nói chuyện với tôi lịch sự đáo để. Nhiều em gái thật xinh đẹp, gọi tôi bằng anh ngọt sớt làm tôi cứ ngẩn ngơ con cá vàng. Ấy vậy mà hai thằng em ở chung nhà chẳng coi tôi ra gì cả. Khi nào tôi đi kiếm quần áo cũ ở phòng xã hội về mặc thử nhắm nhía, tụi nó châm chọc. "Thằng Tân diện lắm, bởi hàng ngày nó phải tiếp xúc với nhiều người, mà nhất là người đẹp. Nó là dân có chức có tước trong barrack nầy mà". Rồi như sợ tôi không hiểu cái nghĩa "có chức", tụi nó nói lái lại ngay tại chỗ: "có chức, cứt chó". Rồi cười ầm ĩ cả lên.
Tuy vậy tánh tình ba đứa tụi tôi không giống nhau mấy. Thằng Thành còn nhỏ tuổi ham chơi, suốt ngày chỉ thấy đi rừng, đi suối, đi biển. Thằng Hoàng hiền hậu lại chăm chỉ hạt bột, chỉ lo học Anh văn và hình như lúc nào cũng bận viết thơ về Việt Nam. Riêng tôi lười biếng, chỉ khoái đọc báo. Tôi lại còn một tật xấu lâu đời khác nữa là thích ngồi quán cà phê, quán nghèo trại tị nạn đèn dầu lù mù, mưa rỉ rả, thật không có gì thú vị hơn.
           
Rồi thời gian trôi qua, cái gì đến cũng đến. Có chí thì nên, có công chờ Mỹ thì có ngày cũng được Mỹ chiếu cố. Chúng tôi lần lượt lên đường đi định cư. Hôm chia tay thật buồn, thằng Hoàng hát vọng cổ, nó rơm rớm nước mắt. Nó khóc vì cảm động, vì buồn hay là vì uống rượu rồi sanh tật khóc, chỉ có trời mới biết. Thẳng Thành luôn miệng: "Sang Mỹ rồi tụi mình tìm cách về ở chung với nhau, về ở Cali nhe anh Tân!..."
Tôi cũng quên kể là chúng tôi muốn về ở California đến chết được. Chẳng biết cái xứ đó có gì hấp dẫn đến như vậy. Thằng Hoàng thì thích cái khí hậu ôn hoà, mùa đông không lạnh mà mùa hè thì không nóng quá. Thằng Thành  thì mê cái "Tiểu Sài Gòn", anh Tân nè! Nhìn vào quảng cáo mấy nhà hàng ăn mà phát thèm. Đủ món, đủ vị, chẳng thiếu thứ chi. Cái thằng này! Chắc bộ mày sang Mỹ chỉ để ăn thức ăn Việt Nam thôi hay sao?      
Riêng tôi, tôi yêu California vì nhiều lẽ. Bắt nguồn từ một ngày nào đó rất xa, hồi tôi còn nhỏ lắm mà tôi không nhớ khoảng mấy tuổi. Một lần đọc trên tạp chí "Thế giới tự do" một bài báo nói về phố Tàu Cựu Kim Sơn. Hồi ấy tôi còn quá nhỏ và trí nhớ thì quá tồi để nhớ bài báo ấy nói gì. Chỉ biết nơi thành phố đó có một chiếc cầu treo rất nổi tiếng trên thế giới, cầu Golden Gate.
Hồi đó đứa trẻ thơ cứ mơ ước một ngày nào có dịp đặt chân đến bên chiếc cầu đó. Ngày nay, ước mơ tưởng chừng như không bao giờ có được của tôi đã thành sự thật. Nhưng nay tôi không còn thấy chiếc cầu đó đẹp và vĩ đại như ngày xưa còn bé nữa.
Người phỏng vấn hỏi tôi muốn về đâu trên đất Mỹ, tôi nói California. Bà ta lắc đầu, đông quá rồi. Anh chàng thông dịch bồi thêm: "Anh không có họ hàng hay bạn bè gì ở đâu sao?". Nghe vậy tôi nói: "Có, tôi có người bà con trước kia ở Honolulu, nhưng giờ không biết ông ta ở đâu". Người đàn bà Mỹ ghi vào hồ sơ của tôi: Prefer Honolulu, Hawaii. Thế là tôi được đưa về định cư nơi thành phố du lịch đó.

Tôi và Hoàng rời trại tị nạn cùng một lúc, thằng Thành đi chuyến sau. Hoàng về một thành phố mà cái tên nghe rất xa lạ ở tiểu bang North Carolina. Chúng tôi được đưa sang trại chuyển tiếp Singapore. Ở đó một tuần lễ, tôi và nó có đi chơi phố mấy bận. Hoàng cũng khá chu đáo, tìm đâu ra được máy chụp hình. Không có tiền nhưng giỏi chạy chọt được cuộn phim. Cứ bấm lia lịa. Nó bảo để kỷ niệm đoạn đời đã qua. "Có bao giờ chúng mình trở lại chốn này đâu hả Tân?".
Trên chuyến hành trình sang Mỹ, chúng tôi ghé lại Hongkong ngủ một đêm. Buổi tối, tôi và Hoàng đi lang thang quanh những khu phố gần khách sạn. Tôi cảm thấy hơi sung sướng một chút khi thấy ước mơ trong đời của mình nay đã toại nguyện. Trời Hồng Kông mưa bụi bay bay, tôi thấy nhớ nhà thật nhiều và thương cho gia đình còn ở Việt Nam dễ sợ.
Chúng tôi ghé qua phi trường Tokyo để đổi chuyến bay. Ở đó Hoàng có chụp cho tôi một tấm ảnh, lấy hậu cảnh là những chiếc phi cơ 747 khổng lồ. Lần này tôi và Hoàng thật sự chia tay. Nó và đoàn người đi vào lục địa Mỹ đi trước, trong một chuyến bay khác. Họ đi cả, trả về yên lặng một góc của phòng đợi nơi phi trường. Tôi ngồi co ro chờ chuyến bay đưa về thành phố của mình. Một người đàn ông làm việc ở restaurant đem đến cho tôi một hộp thức ăn và một ly nước. Tôi cám ơn và nói ông tử tế quá.
 
Lúc phi cơ sắp sửa đáp xuống phi trường Honolulu lòng tôi hồi hộp chi lạ. Tôi thật hoang mang, không biết người bảo trợ của mình ra sao, Mỹ trắng hay Mỹ đen? Hiền lành hay hung tợn?. Chỉ thấy  trong giấy ghi là bà Garcia Vila. Lúc bước khỏi phi cơ, tôi cỏ ý tìm xem có ai đến gặp mình không. Người sponsor của tôi đâu, sao không đến đón tôi kìa? Tôi ở đó gần một tiếng đồng hồ thì được một người đàn ông làm việc ở hội thiện nguyện U.S.C.C. đón tôi về. Ông ta đưa tôi về hội để làm một số thủ tục giấy tờ linh tinh. Tôi nói với ông ta tôi muốn gặp người sponsor của mình, bà Vila. Ông chỉ về phía một người đàn bà Phi Luật Tân đang trả lời điện thoại ở một cái bàn giấy đàng xa. "Đó, bà Vila đó!". Tôi thất vọng quá chừng, cái thất vọng vì sự thật chẳng giống một chút nào với trí tưởng tượng của mình. Nhưng cũng chẳng sao, tôi đã quá lớn để cần có một người bảo trợ. Vấn đề hiện tại là tìm một chỗ cho tôi trú ngụ. Người đàn ông không biết gởi tôi cho ai bây giờ.
Thời may có vợ chồng Thiện, là người quen tôi hồi còn ở trại tị nạn, cũng định cư ở Hawaii. Hôm ấy hắn có việc cần đến hội bảo trợ, tình cờ gặp lại chúng tôi thật mừng rỡ. Tôi theo vợ chồng Thiện về nhà của hắn, như vậy bài toán "chỗ tạm trú" cũng được giải quyết một cách ổn thỏa.
     
Vợ chồng Thiện sang Mỹ với đứa con trai và hai thằng em. Tụi nó mướn một apartment hai phòng ngủ trong một chung cư cao mười tầng. Tôi dọn vào ở chung phòng với thằng em của Thiện. Cũng xong thôi.
Những ngày đầu ở Mỹ tôi rất yêu đời, tôi nghĩ mọi việc đều sẽ dễ dàng. Tôi sẽ đi học đỗ đạt, đi làm và sẽ có nhiều tiền. Lúc nào tôi cũng tưởng đất Mỹ như là thiên đàng. Thuở đó, tôi rất siêng năng viết thơ, tôi viết thơ thường xuyên gởi về Việt Nam. Tôi kể tỉ mỉ cho gia đình tôi mọi chuyện, từ chuyện học hành, nhà cửa, cái ăn cái uống. Tôi cũng kể về mấy ông mấy bà Mỹ ở gần nhà tôi nữa. Thật là lẩm ca lẩm cẩm.
Tuần nào tôi cũng liên lạc điện thoại với Hoàng. Thằng Thành đã đi định cư. Nó ở với sponsor người Mỹ ở Michigan. Coi bộ nó dễ dàng thích hợp với đời sống mới.
Nhà chúng tôi ở lầu sáu. Mỗi sáng khi đi học, tôi thường gặp một số Mít tị nạn, họ nói chuyện ồn ào. Chẳng bao lâu chúng tôi quen nhau cả. Độc thân thì thích đi chơi với độc thân. Người nào có đôi có cặp thường tìm đến với nhau hơn. Vợ chồng Thiện thường hay giao du với vợ chồng anh Tiến ở lầu hai, vợ chồng Mạnh ở lầu bảy. Chúng tôi cũng cùng trạc tuổi với nhau cả.
Bởi Thiện thích nhậu nên cuối tuần thường hay tụ tập bạn bè uống rượu. Khi đã ngà ngà thì cả bọn đàn ông kéo nhau đi ăn cháo, đi đánh bi da. Đôi khi còn kéo vào bar uống rượu tiếp. Trong bọn có anh Tư là hay rủ đi bar nhất. Cái ông này vợ con bị kẹt lại ở Việt Nam, nên coi như single. Và bởi cái tật hảo ngọt nên tạo ra một trận đánh ghen khá buồn cười.

Thời kỳ tôi ở Hawaii là thời gian thần tiên nhất . Hưởng trợ cấp xã hội, tôi không phải lo âu nhiều về vấn đề tiền bạc. Buổi sáng cắp sách đến trường, buổi trưa đi tắm biển, thật chẳng có gì sung sướng hơn. Thiện đi học buổi sáng,  buổi chiều ở nhà giữ con cho vợ cắp sách đến trường. Hai vợ chồng trẻ sống thật đầm ấm. Thằng con chưa đầy hai tuổi, mới vừa biết đi chập chững và bắt đầu nói bập bẹ. Một hôm hai vợ chồng có việc đi phố, nhờ tôi trông chừng thằng bé. Thằng nhỏ ngủ dậy, tè ướt cả tả. Tôi lười biếng cứ để thằng nhỏ "cuổng trời" chơi một mình. Tôi và Ngọc, em trai Thiện, loay hoay trong phòng nghe dĩa nhạc mới mua. Chừng chợt nhớ thằng bé một mình ngoài phòng khách, tôi lật đật chạy ra thì... hởi ôi! thằng nhỏ làm một đống và đang đùa giỡn trây trét tùm lum trên mặt thảm. Tôi vừa tắm cho thằng bé mà vừa cười. Thằng Ngọc lo giặt thảm, xong xuôi còn lấy đồ hong tóc, hong thảm cho mau khô. Tôi có sáng kiến độc đáo, dùng dầu thơm khử mùi hôi. Tôi xịt cả lọ dầu thơm mới vừa mua, từ trong ra ngoài. Lúc vợ chồng Thiện trở về, vừa bước vào nhà là  mở miệng khen "thơm quá". "Chà, chú Tân hôm nay giỏi quá! tắm rửa con tui sạch sẽ, lại còn xức dầu thơm, thơm ngát". Tôi và thằng Ngọc chạy vào phòng, cười lăng chiêng, cười đến vỡ cả bụng.
     
Một buổi trưa trời mưa lâm râm tôi nằm nhà không đi tắm biển. Chị Mạnh từ lầu bảy xuống mượn cuộn băng nhạc. Tôi đang nằm trùm mền kín mít thì chị ta gõ cửa. Tôi nói vọng ra: cứ vào.
 "Cái ông này cứ ngủ hoài".
Tôi trả lời: "Ngủ hồi nào đâu? tôi nằm nhắm mắt để đó. Mà trời đất như vầy, không ngủ thì làm cái gì bây giờ?".
 Bà ta la ong óng: "Đâu, cuồn băng nhạc đâu?".
 "Ở trên đầu tủ đó".
"Ông làm ơn bước lại lấy coi có được không? Cứ nằm đó mà úm hoài, bộ tối hôm qua làm overtime dữ lắm hả cha". Rồi chị cười hăng hắc.
Tôi chợt nhớ một cảnh trong phim "Tứ quái Sài Gòn", buổi sáng người đẹp Thẩm Thuý Hằng mở cửa phòng  mời các vua chọc cười ra ăn sáng. Chàng Tùng Lâm thấy người đẹp hấp dẫn quá, đứng dậy không được. Tôi bỗng bắt chước hài hước, tôi nói với chị ta:
"Cuộn băng nhạc nằm trơ trơ chỗ đó mà bà không thấy sao? Tôi đứng dậy không được".
Tôi bỗng phạm một lỗi trầm trọng là khêu gợi tánh tò mò của một người đàn bà.
"Sao ông đứng dậy không được? Bộ ông xếch xi hả?".
Chị ta nhìn tôi cười mĩm chi. Tôi cười biểu đồng tình. Thình lình chị ta đến kéo cái mền của tôi ra. Tôi cố tình giữ lại. Đôi bên cứ giằng co gần rách cái mền. Cái bà này nhất định đòi coi của tôi cho bằng được. Vừa kéo cái mền mà vừa la ơi ới. Sau cùng tôi chịu thua nhẹ tay để lơi cái mền ra. Chị ta có hơi thất vọng khi thấy tôi có mặc quần, ngoe nguẩy đi đến đầu tủ lấy cuộn băng nhạc. Lúc chị bước ra khỏi, tôi nhẹ tay khoá cửa phòng. Chợt cười khan.

Một hôm tôi nhận được thiệp cưới của Hoàng, ngạc nhiên quá đỗi. Nó bảo cưới vợ cho rồi vì đời sống ở đây có nhiều lúc buồn chán quá. Thằng Thành cũng thưa dần thư từ. Chừng dọn nhà vài  lần, chúng tôi hết liên lạc với nhau. Lời nguyện ước cùng về California chung sống chắc không bao giờ thực hiện được.
Sống ở Honolulu tôi chỉ mong có ngày được sang Cali. Có lẽ tâm lý người ta thường hay đứng núi này trông núi nọ chăng. Vậy mà khi xa Hawaii rồi, tôi vẫn thỉnh thoảng nhớ về cái thành phố dễ thương đó. Ở Mỹ được một năm thì tôi liên lạc được với một người bạn ở Cali. Tôi liền mua vé máy bay mà không cần suy nghĩ. Hôm ra phi trường, lúc ấy nhằm ban đêm, nên đông đủ bạn bè ra đưa tiễn. "Ông Tân qua mainland nhớ điện thoại về cho tui nhe". Cái giọng bà Mạnh lúc nào cũng sang sảng. Khi phi cơ cất cánh, tôi thấy có một chút xúc động. Thật ra tôi có rất nhiều cảm tình với thành phố sponsor đó. Trời Hawaii lúc nào cũng xanh, cũng trong. Gió mát quanh năm. Nhiều bãi biển thơ mộng. Mùa mưa thì nhiều như mưa rừng Ban Mê Thuộc. Tôi chợt ước ao có ngày trúng số độc đắc sẽ về đó sống. Hoặc khi đến tuổi già sẽ về đó dưỡng lão. Tôi yêu vô cùng mấy cây me chưa ở đó,  nó gợi cho tôi nhớ hàng me trên con đường Bà Huyện Thanh Quan năm nào. Về đó nhất định tôi sẽ trồng ổi, vì ở quê nhà, má tôi có trồng mấy cây ổi ở sau vườn. Tôi cũng sẽ trồng thêm một cây phượng vĩ, để hàng năm cứ vào mùa hè, sẽ trổ hoa đỏ thắm trời, để tôi tưởng như ngày nào còn bé tung tăng trên con đường Tống Phước Hoà, mà giờ đây đã nghìn trùng xa thẳm.

Nhà cửa ở California thật đắt đỏ, nhất là ở vùng "Thung lũng hoa vàng" này. Gia đình thằng bạn mướn một căn bốn phòng ngủ, nhưng ở đến bảy người lớn và bốn đứa con nít. Nay cộng thêm tôi, chẳn  một chục mười hai. Tôi và hai thằng em của bạn phải ngủ ở phòng khách. Tính tôi dễ dãi, lại sống lăn lốc ở Việt Nam quen rồi, nay ngủ thế nào cũng xong. Duy có một điều hơi bất tiện là tất cả mọi sinh hoạt trong gia đình đều diễn ra ở "living room" cả. Chỉ việc cái điện thoại và cái ti vi cũng làm cho tôi điên cái đầu.
Hằng đêm tôi phải chờ cho đến khi "vãn hát" (nghĩa là không còn ai xem tivi nữa) thì mới có quyền ôm mùng mền chiếu gối ra cắm dùi. Có hôm đã sửa soạn sẵn sàng thì có khách đến. Tôi phải đi quanh quẩn tìm một xó nào đó ngồi chờ thời, và luôn tiện ngồi đọc báo cho qua thời gian. Gặp lúc khách có nhiều tâm sự, đọc đến hết tờ báo, đọc đi đọc lại mấy cái tin xe cán chó mà vẫn chưa nghe họ nói tiếng "bye". Cái điện thoại cũng làm tôi nhức đầu không ít. Cứ mỗi khi lim dim mắt phượng thì   nó lại ré lên inh ỏi. Và tôi lại có dịp lập đi lập lại một câu cũ rích cũ mèm: "xin ông, xin bà vui lòng chờ ở đầu giây một chút xíu... ".

Minh là con trai mà cũng nhiều chuyện như con gái, mười bảy tuổi, học lớp 11 và mới bắt đầu yêu. Hằng đêm, khi cả nhà yên giấc thì chàng ta rón rén ra phòng khách nói điện thoại. Cậu em này cũng lịch sự đáo để, chỉ nói vừa đủ nghe để khỏi làm phiền hàng xóm đang cần sự yên lặng nghỉ ngơi. Khổ nổi, giữa đêm khuya khoắt, thính giác tôi lại khá bén nhạy thành ra dù có bịt hai lổ tai lại, tôi cũng nghe rõ mồn một những gì hai đứa con nít tập sự yêu đương đang thì thầm với nhau. Cho đến khi hai người chúc ngủ ngon tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Buổi sáng cũng khổ không kém, năm giờ rưởi vợ chồng thằng bạn sửa soạn đi làm, mùi xào nấu thức ăn, mùi cà phê thơm lừng. Và y như sáng nào như sáng nào, tiếng ông chồng thúc giục cái tính cà rề của bà vợ, lời cào nhàu của chị vợ về những chuyện không đâu.
Bảy giờ là lúc Minh và Lâm sửa soạn đi học. Hai anh em vóc dáng vừa trạc nhau. Minh mới có bồ, thích chưng diện nên hay mượn quần áo của Lâm thay đổi. Vì vậy đôi khi hai anh em hay tranh giành cãi cọ, làm tôi nhớ đến mấy bà chị của tôi khi xưa một cách lạ lùng. Chị Hai tôi tánh tình kỹ lưỡng, quần áo lúc nào cũng ủi thẳng nếp và tuyệt đối không chịu mặc chung chạ với đồ của ai khác. Chị Ba thì ốm mà cao nên không có vấn đề gì phiền, quần áo của chị không ai mặc được mà chị cũng không mặc vừa quần áo của người khác. Chị Tư thì tánh tình cẩu thả, lúc thức sớm đi học, thường mượn tạm quần áo của chị Hai để thay đổi không khí. Hồi ấy chị Hai tôi đã hai mươi tuổi rồi, vậy mà khi biết mình bị con nhỏ em cuỗm đở cái quần, cái áo đã soạn sẵn từ đêm, chị tôi tru tréo khóc kể ầm ỉ cả lên như con nít. Má tôi cứ la hoài về cái tật của chị, mà càng rầy chị càng khóc, như thể má tôi binh em mà ghét bỏ chị vậy.
Minh và Lâm đi rồi thì tới hai thằng nhóc. Đạt, học lớp năm, nhưng đã có nhiều bạn. Sáng nào đám xây lố cố cũng tụ tập lại làm bài trước khi đến trường, thật ra chúng cóp bài lẫn nhau. Rồi ăn uống, cộng thêm cái ti vi chẳng khác chi cái chợ chồm hổm.
 
Tôi ở đó độ một tháng thì tìm được việc làm trong một hãng điện tử. Tôi mua một chiếc xe cũ và tìm chỗ khác dọn đi. Thấy rao vặt trên một tờ báo quảng cáo thương mại: "Cần roommate trai share chung phòng. Điều kiện dễ dàng, có thể dọn vào ở ngay". Tôi liền điện thoại và đi đến xem qua cho rõ sự tình.
Bà chủ nhà tự giới thiệu là Chị Năm, và chỉ tôi xem phòng. "Hắn" đã đi làm, ca swing shift. Phòng trông có vẻ ngăn nắp và sạch sẽ. Tôi vừa ý ngay. Thế là tôi dọn vào nhà mới chiều hôm đó.
Nửa đêm thằng ở chung phòng đi làm về. Hắn chợt nhận ra có sự hiện diện của một người lạ. Anh chàng nhẹ đến cạnh giường để xem tôi là ai. Dáng điệu chàng ta thật tức cười. Nhưng thay vì ngồi dậy chào hỏi làm quen, tôi lại lờ đi giả bộ như đang say ngủ. Buổi sáng tôi đi làm thì hắn vẫn còn mơ màng giấc điệp.

Phải đợi đến cuối tuần chúng tôi mới gặp nhau. Sáng sớm thứ bảy, tôi vẫn còn nằm trên giường dù đã dậy từ lâu rồi (tôi vẫn thích nằm nướng mỗi sáng weekend, nghe nhạc hoặc nghĩ ngợi về một vùng xa xăm, hoặc một câu chuyện tưởng tượng nào đó), hắn tự giới thiệu tên Tâm.  "Còn anh tên chi?". Giọng nói cũng dễ mến. Tân. Có phải Lê Trọng Tân? Tôi chưa kịp hỏi sao "you" biết vậy, hắn nói hôm qua tôi thấy cái tên của anh ở đâu đó.
Tâm người nhỏ thó, da hơi đen nhưng được cái mặt mày sáng sủa. Tuổi thì nhỏ hơn tôi nhiều, tôi đoán vậy chớ không biết chính xác.
Tâm sửa soạn thức ăn sáng và nhân tiện mời tôi dùng bữa. Thái độ của hắn có vẻ chân tình. Tôi nhận lời để cho có vẻ thân mật. Bánh mì, trứng chiên và một trái bắp. Anh chị Năm chủ nhà khen Tâm rất chịu khó nấu nướng, biết làm nhiều món ngon và lau chùi bếp núc sạch còn hơn đàn bà con gái. Tâm có vẻ ngượng khi nghe người khác nói đến mình. Nụ cười của nó thật đẹp. Hàm răng trắng đều không một chút bợn. (Tôi luôn ao ước giá mình có được một hàm răng đẹp như vậy).
Tôi mời Tâm đi uống cà phê để trả lễ bữa ăn sáng. Buổi sáng cuối tuần, quán đầy nghẹt con trai và khói thuốc lá. Tiếng cười nói át cả tiếng nhạc. Sao chẳng khác chi khung cảnh một quán cà phê ở Việt Nam thuở nào.
Càng ngày tình bạn giữa tôi và Tâm càng gắn bó nhau hơn. Tôi thương nhất ở cái tính hiền dịu và chịu đựng của nó. Càng ở lâu càng thấy Tâm là người con rất hiếu thảo. Tiền bạc có bao nhiêu đều gởi về Việt Nam cho gia đình.
Tôi thường xuyên ăn mì gói và rất ghét vô bếp, Tâm đề nghị ăn cơm chung với nó. Tôi chỉ chờ có vậy và lãnh phần rửa chén. Mỗi chiều khi tôi đi làm về, cơm nước đã sẵn sàng. Phần cơm để sáng mai đi làm đem theo cũng đã có. Tâm chu đáo như một người đàn bà.
 
Tôi quen  Kim Quế lúc gia nhập ca đoàn ở nhà thờ. Nàng không đẹp lắm nhưng dáng điệu thật đài các. Lúc đầu tôi không có ý làm quen vì mặc cảm nghèo mà lại lớn tuổi quá rồi. Nhưng lần nào nhìn trộm Kim Quế tôi cũng bắt gặp một ánh mắt mời gọi . Và nụ cười của nàng thì đầy vẻ trìu mến.
Tôi không vội ra về mà đứng tần ngần ở parking. Lúc Kim Quế bước lên xe nàng bất chợt nhìn tôi và đôi môi như mấp máy lời chào tạm biệt. Tôi cảm thấy xao xuyến khôn chừng. Tôi nhìn dõi theo cho đến khi chiếc xe khuất bóng. Em gái nàng cũng xinh, em trai nàng cũng xinh. Nhà nàng chắc giàu có? Mà sao con cái nhà giàu lúc nào cũng xinh đẹp, cũng thông minh, cũng lịch sự cả vậy?
Tuần sau tôi tìm cách đứng sát Kim Quế, nhưng còn ngần ngại chưa dám ngõ lời làm quen. Lúc nàng nhìn tôi, tôi bối rối đến quên lời hát. Lúc ra về  tôi mạnh dạn theo nàng ra tận cổng. Kim Quế không nhút nhát như tôi nghĩ, nàng giới thiệu mẹ và mấy đứa em. Bà mẹ đứng tuổi mà còn đẹp, trông trẻ như mấy chị em. "Hôm nào tiện mời cậu Tân ghé nhà chơi". Tôi lí nhí nói dạ, chắc để hôm nào có dịp. Tôi không chờ đợi cái ngày đó quá lâu. Tôi đến nhà nàng vào một chiều thứ bảy. Kim Quế tiếp chuyện tôi một cách rất thân mật. Nàng dẫn tôi đi khắp nhà. Nàng chỉ cho tôi xem mấy loại hoa ở ngoài vườn. Hoa nào nàng thích nhất và hoa nào nàng thích nhì. Nàng dẫn tôi đến bên hồ cá, chỉ cho tôi xem con cá nào nàng thương, con cá nào nàng ghét. Nàng líu lo như  một con chim non, nàng thanh khiết như một đóa hoa vừa hé nụ trong buổi sớm mai mùa xuân. Tôi sung sướng lây cái đầm ấm của gia đình nàng, và cảm thấy như mình trẻ lại mười mấy tuổi.

Lúc trở về nhà tôi leo lên giường của thằng Tâm, nằm kề bên nó và kể cho nó nghe chuyện của nàng. Tội nói nhà nàng ai cũng đẹp cũng xinh. Nàng đẹp, em gái nàng đẹp, em trai nàng đẹp, ông già, bà già cũng đẹp. Con mèo của nàng cũng đẹp.
Thằng Tâm quay mặt lại nhìn tôi, cái môi nó trề ra trông xấu dễ sợ.
Từ dạo ấy tôi thường hay đến nhà Kim Quế. Tôi yêu đời như một đứa con trai vừa mới lớn. Tôi thường nhớ đến cái áo nào nàng mặc, đôi hoa tai màu gì, chiếc giày nàng ra làm sao. Mỗi tối tôi thường nghĩ đến nàng, và thật hạnh phúc làm sao nếu được ôm chặc nàng trong vòng tay mà ngủ.
Tôi biết Kim Quế có rất nhiều cảm tình với tôi, nhưng không rõ nàng có yêu tôi chưa. Có thể. Hoặc là tôi phải chờ một thời gian thì tình yêu sẽ đến từ từ. Một hôm tôi xin phép đưa nàng đi xem chớp bóng. Tôi muốn xem ở rạp chiếu bóng lộ thiên, nàng không phản đối. Tôi đánh bạo nắm tay nàng mân mê. Nàng ngã đầu vào vai tôi nói chuyện thì thầm một cách rất tình tứ.
Lúc trở về nhà thằng Tâm nói có người nào ở Hawaii gọi anh mấy bận. Tôi biết ngay là Thiện.
"Sao anh đi đâu chơi lâu dữ vậy?"
Tôi nói tôi và nàng đi xem phim chớp bóng rạp hát lộ thiên ở chợ trời.
"Phim gì? Có hay không?"
"Có lẽ hay!"
Thằng Tâm nói tôi cũng chịu anh luôn, hoặc là hay hoặc là dở. Có lẽ hay là sao?
Tôi cũng  chợt cười với câu trả lời của mình, nói lấp láp.
"Có lẽ hay là bởi thiên hạ rủ nhau đi coi đông quá. Mà tao có coi con khỉ gì đâu"
Thằng Tâm lắc đầu:
"Bộ làm ăn ngay cả trong xe sao cha nội"
"Cái thằng ăn nói tầm bậy, người ta con nhà lành". Rồi tôi õng ẹo: "đừng anh! đừng anh!"
Thằng Tâm chê tôi diễu dở quá và bỏ đi chỗ khác. Tôi lên giường ngủ và cứ nhớ đến cái áo nàng mặc bỏ lơi một nút không cài. Cái cổ trắng ngần có đeo một sợi dây chuyền cùng chiếc thánh giá nhỏ xíu. Tôi mơ màng như đang úp mặt vào chỗ chiếc thánh giá đó. Tôi giật mình không dám nghĩ xa hơn nữa vì sợ phạm phải vào một điều răn của Chúa.

Một buổi tối thứ bảy tôi có hẹn đưa Kim Quế đi dự dạ vũ. Lúc đến nơi em nàng cho biết nàng đã đi rồi. Tôi không hiểu sao nàng  không chờ tôi kìa. Và tôi thật hụt hẫng khi thấy Kim Quế đang nhảy với một người đàn ông mà tôi chưa từng gặp. Tôi làm bộ tỉnh và nàng thì coi như chẳng có gì xảy ra. Đêm đó nàng vui cười và ăn nói dịu dàng với người đàn ông kia mà trước đây tôi tưởng thái độ này nàng chỉ dành cho riêng tôi. Tôi nhảy với nàng một bản mà lòng chẳng thấy hứng thú chút nào. Kim Quế và người đàn ông đó ra về khi cuộc vui chưa tàn. Tôi bước ra ngoài đứng lặng nhìn trong bóng tối. Họ dìu nhau lên một chiếc BMW mới tinh chưa có bảng số. Người  đàn  ông đó tôi cũng chẳng buồn biết tên. Tôi trở vào vũ trường, thiên hạ vẫn đang nhảy nhót cuồng loạn mà lòng tôi thì lạnh ngắt.
Từ đó tôi ít khi tới nhà Kim Quế,  mà cũng không còn mơ đến cái cổ trắng với chiếc thánh giá nhỏ xíu. Tôi biết tôi không phải là người sẽ phạm vào điều răn của Chúa.

Một hôm gần Tết nguyên đán, tôi cao hứng mua sơn về sơn phết lại nhà cửa. Tôi lau chùi nhà tắm, nhà bếp và tất cả cửa kính. Tôi mua hai chậu cây cảnh chưng nơi phòng khách. Tôi còn mua một cây táo và một cây cam trồng nơi sân vườn phía sau nhà. Trời hãy còn lạnh, tôi loay hoay đào xới để trồng cây thì thằng Tâm bước ra ngoài bình phẩm.
"Ở với anh cả năm trời chưa thấy anh cầm tới cái máy hút bụi. Bữa nay lại đi sơn phết nhà cửa, đi trồng cây. Dưng không mà động thổ là điềm báo anh sắp dời chỗ ở đó".
Tôi không chú ý lời nó nói mà nhanh tay làm cho xong.
"Lạnh gần chết, mày không ra tiếp mà ở đó nói dông nói dài. Động thổ là điềm báo sắp dời đi. Chà, mày học coi bói hồi nào vậy? Không, anh không đi đâu cả, sẽ ở đây với chú suốt đời".
Thằng Tâm đáp lại lời diễu cợt của tôi.
"Anh tin tôi đi, anh không ở đây lâu mà hưởng trái".

Tết ở xứ người chẳng có gì vui. Cũng dưa hấu, bánh tét, bánh chưng mà sao tôi cảm thấy như có gì còn thiếu. Buổi tối cuối tuần tôi đi uống cà phê có nhạc sống với một người bạn. Đám con nít ở nhà gầy một sòng "bầu của cá cọp". Thẳng Tâm thì đánh bài xì dách với mấy người lớn. Đánh bài 21 theo kiểu Việt Nam chớ không chơi theo lối Mỹ ở mấy casino. Quán cà phê đêm giao thừa chật ních người. Nhạc xuân làm tôi nhớ nhà quá đỗi. Mười hai giờ đêm người ta khui sâm banh hoà với tiếng pháo và tiếng múa lân ghi âm từ một băng nhạc, làm tôi chợt nghĩ không biết giờ này ở Việt Nam người ta ăn Tết ra sao. Xưa kia dù bôn ba đâu đâu, cứ dịp Tết là tôi trở về nhà chung vui với gia đình. Giờ đây không biết bao giờ tôi mới có dịp trở lại hưởng xuân nơi mái ấm gia đình.

Lúc tôi trở về nhà thì cái sòng bài xì dách vẫn còn. Thằng Tâm đang làm cái và đang lúc đen, thua gần sạch cả tiền. Tôi bước đến cầm bài dùm nó lấy hên. Ban đầu18, có lý hơn bài của nó nhiều. Nhưng chẳng may bài nhà con đều lớn cả. Một tụ xì, một tụ 18, ba tụ được 20. Tôi cầm thêm dùm nó một ván nữa. Tôi dở lên một lá Tây, nhưng lá kia lại là một thằng 4. Tôi đưa tay rút một lá. Thằng già. Cả sòng bài cười rộ như vỡ chợ. Tôi nói xui quá và bỏ vào phòng ngủ.
Tôi khó ngủ mở một băng nhạc xuân. Tiếng pháo xen cùng tiếng múa lân càng làm tôi ray rứt. Tôi tắt máy hát và cố tìm giấc ngủ. Ngoài phòng khách thỉnh thoảng vẳng  vào tiếng cười nói vang rân. Tôi biết thằng Tâm đang bị hoắc.

Ngày đầu xuân, tôi và Tâm đi ăn sáng. Tâm rất vui cho biết gia đình nó sắp sang. Đang chờ chuyến bay. Ba nó bịnh nhiều và mong sớm được sang đây trị bịnh. Giọng Tâm rất hiền khi nhắc về ba nó.
"Ba em thương em lắm. Hồi lúc em mười tuổi, có lần mẹ em bảo đi súc chiếc lục bình cổ để chưng hoa trên bàn thờ. Cứ mỗi ngày rằm và ngày mồng một âm lịch, mẹ em mua hoa huệ trắng về cúng Phật. Anh Tân có biết hoa huệ không? Hôm đó em rủi làm bể chiếc lục bình quý, em sợ quá bỏ chạy sang nhà hàng xóm không dám về. Buổi trưa ba em đi tìm về nhà ăn cơm. Ông không la rầy em một tiếng nào cả. Em vẫn nhớ hoài cái chuyện này. Và khi nào nhớ tới chiếc lục bình cổ, em thấy thương ba em lắm".
Tôi xúc động ứa nước mắt nghe thằng Tâm kể chuyện. Tôi cũng thương ba, thương má tôi quá chừng.

Một buổi chiều đi làm về tôi thấy thằng Tâm ngồi khóc. Tôi hỏi có chuyện gì vậy, sao chú mày không đi làm?. Tâm đưa lá thư đang cầm trên tay cho tôi xem. Mẹ vả hai đứa em nó đã sang Thái Lan. Ba Tâm đã chết trửớc ngày lên máy bay. Lúc gần chết ông già nôn nóng, chỉ mong sớm được rời Việt Nam để được sang Mỹ chữa bệnh. Và nhất là được gặp lại thằng con yêu quý. Nhưng ngày đó không bao giờ đến. Thằng Tâm ngồi khóc thúc thích.

Mẹ Tâm sang trước nhưng hai em nó phải chuyển sang Phi Luật Tân để học Anh văn. Thằng Tâm càu nhàu... thật là kỳ quái! Hôm đón mẹ Tâm ở phi trường tôi cũng có đi. Lúc hành khách trên phi cơ bước ra, lòng tôi xúc động tưởng chừng như đang đón chính người mẹ của mình. Một người đàn bà mặc áo dài màu lam, trên tay xách cái túi ny long trắng với hàng chữ ICM. Thằng Tâm mừng rỡ kêu Má! Má! Người mẹ chợt nhìn thấy thằng con trai sau bao năm xa cách đang nhảy cững  lên vì mừng. Hai mẹ con vẫy tay chào mừng dù không nghe được sau làn kính cửa lối đi ra. Hình ảnh đó làm tôi ứa nước mắt.

Trên đoạn đường về nhà, thằng Tâm tía lia hỏi chuyện má nó. Nào là bác Ba, chú Tám, dì Bảy. Chuyện trong xóm nó ai còn ai mất. Nó còn hỏi tới cái nhà dột mấy chỗ, cây dừa và cây vú  sửa nó trồng ở bờ sông đến nay đã bao lớn. Mẹ nó nói chuyện hiền queo cái điệu của một người đàn bà ở nhà quê.
"Cây vú sửa con trồng nay đã lớn, trái rất sai và rất ngọt, nhưng lũ trẻ hàng xóm phá quá, nhà mình không giữ nổi. Khi nào ăn vú sửa, ba cũng nhắc tới con luôn, ai cũng nhớ cây này là của con trồng".

Tôi đưa Tâm và mẹ nó về nhà một người bà con của Tâm ở tạm nơi đó, khi  nào hai em của nó ở trại sang sẽ mướn  nhà  apartment hai phòng ngủ. Tôi trở về nhà, trong lòng buồn vui lẫn lộn. Đêm hôm ấy tôi thật khó ngủ, tôi nhớ thằng Tâm rất nhiều. Tôi nhớ ngày tôi mới dọn về đây ở, nó rón rén đến bên giường nhìn trộm người nào đây. Tôi thấy  tội nghiệp cho nó cái hôm nó ngồi khóc khi hay tin ba nó chết  trước ngày sang Mỹ đoàn tụ với đứa con. Buổi sáng này khi thấy nó kêu má, má, tôi lại tội nghiệp cho tôi quá chừng. Biết tới khi nào thì tôi sẽ nhảy cững lên mừng anh em cha mẹ đoàn tụ một nhà đây.

Từ ngày ấy tôi cảm thấy buồn bã và chỉ muốn đi về một vùng đất khác. Vợ chồng Thiện có mở một nhà hàng bên Honolulu, điện thoại cho tôi mấy lần bảo tôi về giúp hắn một tay. Cho đến đầu hè, khi   cây táo và cây cam của tôi trồng ngoài vườn sau bắt đầu xanh tốt thì tôi quyết định trở về lại Hawaii.
Lúc thu xếp hành lý tôi cảm thấy thật buồn. Tôi độc thân không mua sắm nhiều, nhưng sau mấy năm đồ đạc cũng lỉnh ca lỉnh kỉnh. Tôi không muốn bỏ những vật của mình, nhưng mang theo làm sao cho tiện. Trước hết, tôi soạn bỏ sách vở, thư từ. Thiệp chúc tết, thiệp cưới bỏ trước, rồi thư của bạn bè ở Mỹ, ở Úc, ở các nước khác. Tôi bỏ luôn xấp thư Việt Nam vì có bao giờ tôi đọc lần thứ hai đâu. Tôi soạn bỏ một số quần áo cũ. Lúc vứt bộ quần áo tôi may hồi còn ở Việt Nam, mà tôi mặc khi đi vượt biên. Tôi bỗng cảm thấy buồn vô hạn. Một nỗi buồn không diễn tả được. Tôi cúi xuống lượm trở lại bộ quần áo cũ nát và xấp thư Việt Nam mà từ lâu tôi vẫn còn giữ.

Hồi tôi học lớp đệ ngũ có làm một bài luận.  Hãy bình giải lời nói sau đây: "Bất cứ một cuộc chia ly nào, dù là cuộc chia ly người ta mong muốn nhất, cũng làm cho người ta cảm thấy buồn".
Hồi đó tôi làm bài luận dưới điểm trung bình. Chưa chắc gì giờ đây làm trở lại bài luận ấy tôi sẽ được điểm khá. Nhưng tôi thấy tôi hiểu đề tài nói gì. Nếu tôi làm thầy giáo, tôi sẽ cho học trò làm bài luận như sau: Hãy nói cảm tưởng của em về câu nói sau đây: "Trong đời sống có nhiều chuyện người ta cố quên đi mà sao vẫn cứ nhớ. Và có nhiều chuyện đã quên bẵng đi rồi sao vẫn cứ buồn".
Trở về lại Hawaii, chắc hẳn bạn bè cũ sẽ hỏi tôi sang Cali mấy năm trời làm được những gì. Nghề cũng không, chữ cũng không, tiền không mà tình cũng không. Bốn không. Nhưng tôi sẽ nói tôi còn có được một điều. Tôi còn được một chút gì để nhớ.


Truyện ngắn này đăng lần đầu trên VĂN, số 53, tháng 11-1986
(Bản sửa chữa)