Friday, May 22, 2020
CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ
Ý Ngôn
Hồi ở trại tị nạn tôi chỉ muốn đi Mỹ, nhưng vì không nằm trong diện ưu tiên nào cả, tôi đã bị phái đoàn Mỹ từ chối ngay trong kỳ phỏng vấn đầu tiên. Nhưng tôi chỉ thích đi Mỹ, tôi nhất định chờ Mỹ "hốt rác". (Người tị nạn nào bị hai phái đoàn từ chối, sẽ được Mỹ nhận cho đi định cư vì lý do nhân đạo, dân trong trại nói vui là được Mỹ "hốt rác"). Cùng đi chung tàu với tôi có ba thằng con trai độc thân, cũng cùng hoàn cảnh như nhau: không thân nhân ở trại, chẳng có họ hàng ở ngoại quốc, không tiền bạc và chung một chí hướng "chỉ thích đi Mỹ".
Thằng Thành quê ở Bến Tre, tuổi nhỏ nhất. Hồi đó nó đã mười tám, vừa lên đảo không biết quan hệ với ai hồi nào mà lẹ thiệt, tự động sụt tuổi xuống còn mười bốn. Nó nói như vậy cho có vẻ nhi đồng một chút, vả lại để sang Mỹ đi học dễ dàng hơn (?). Thằng Hoàng người Cần Thơ, tuổi ngang với tôi, vừa lên trại một tháng là vướng ngay cái bịnh sốt rét quái ác, có lần nửa đêm khuya nó làm cử, báo hại tôi phải chạy vắt giò lên cổ qua trạm thông tin nhờ gọi xe cấp cứu đưa nó lên bệnh xá. Vậy mà cái thằng chịu chơi thiệt, ngày hôm sau mặt mày còn xanh như tàu lá, gặp phái đoàn Úc, nó tìm cách nói ấm ớ hội tề để được "đá". Lúc bước ra khỏi phòng, nó cười tươi rói nói "đá rồi". Tôi thầm nghĩ: "tao cũng chịu mầy luôn, sốt rét gần chầu diêm vương, vậy mà cũng ráng chờ đi Mỹ cho bằng được mới nghe".
Ba đứa tôi sống chung với nhau thật đầm ấm. Thằng Thành lo việc cơm nước, cái này dễ ợt, chỉ bắt nồi cơm, khui thịt hộp là xong. Thằng Hoàng đi lãnh rau cải tươi và đồ hộp, kiêm thêm việc xách nước. Còn tôi bon chen được một chân trên văn phòng ban Đại Diện trại. Sáng xách ô đi chiều xách ô về, quần áo chỉnh tề chẳng khác chi một thầy thông, thầy phán. Chả thế mà đồng bào mỗi khi có việc cần nhờ đến, đều nói chuyện với tôi lịch sự đáo để. Nhiều em gái thật xinh đẹp, gọi tôi bằng anh ngọt sớt làm tôi cứ ngẩn ngơ con cá vàng. Ấy vậy mà hai thằng em ở chung nhà chẳng coi tôi ra gì cả. Khi nào tôi đi kiếm quần áo cũ ở phòng xã hội về mặc thử nhắm nhía, tụi nó châm chọc. "Thằng Tân diện lắm, bởi hàng ngày nó phải tiếp xúc với nhiều người, mà nhất là người đẹp. Nó là dân có chức có tước trong barrack nầy mà". Rồi như sợ tôi không hiểu cái nghĩa "có chức", tụi nó nói lái lại ngay tại chỗ: "có chức, cứt chó". Rồi cười ầm ĩ cả lên.
Tuy vậy tánh tình ba đứa tụi tôi không giống nhau mấy. Thằng Thành còn nhỏ tuổi ham chơi, suốt ngày chỉ thấy đi rừng, đi suối, đi biển. Thằng Hoàng hiền hậu lại chăm chỉ hạt bột, chỉ lo học Anh văn và hình như lúc nào cũng bận viết thơ về Việt Nam. Riêng tôi lười biếng, chỉ khoái đọc báo. Tôi lại còn một tật xấu lâu đời khác nữa là thích ngồi quán cà phê, quán nghèo trại tị nạn đèn dầu lù mù, mưa rỉ rả, thật không có gì thú vị hơn.
Rồi thời gian trôi qua, cái gì đến cũng đến. Có chí thì nên, có công chờ Mỹ thì có ngày cũng được Mỹ chiếu cố. Chúng tôi lần lượt lên đường đi định cư. Hôm chia tay thật buồn, thằng Hoàng hát vọng cổ, nó rơm rớm nước mắt. Nó khóc vì cảm động, vì buồn hay là vì uống rượu rồi sanh tật khóc, chỉ có trời mới biết. Thẳng Thành luôn miệng: "Sang Mỹ rồi tụi mình tìm cách về ở chung với nhau, về ở Cali nhe anh Tân!..."
Tôi cũng quên kể là chúng tôi muốn về ở California đến chết được. Chẳng biết cái xứ đó có gì hấp dẫn đến như vậy. Thằng Hoàng thì thích cái khí hậu ôn hoà, mùa đông không lạnh mà mùa hè thì không nóng quá. Thằng Thành thì mê cái "Tiểu Sài Gòn", anh Tân nè! Nhìn vào quảng cáo mấy nhà hàng ăn mà phát thèm. Đủ món, đủ vị, chẳng thiếu thứ chi. Cái thằng này! Chắc bộ mày sang Mỹ chỉ để ăn thức ăn Việt Nam thôi hay sao?
Riêng tôi, tôi yêu California vì nhiều lẽ. Bắt nguồn từ một ngày nào đó rất xa, hồi tôi còn nhỏ lắm mà tôi không nhớ khoảng mấy tuổi. Một lần đọc trên tạp chí "Thế giới tự do" một bài báo nói về phố Tàu Cựu Kim Sơn. Hồi ấy tôi còn quá nhỏ và trí nhớ thì quá tồi để nhớ bài báo ấy nói gì. Chỉ biết nơi thành phố đó có một chiếc cầu treo rất nổi tiếng trên thế giới, cầu Golden Gate.
Hồi đó đứa trẻ thơ cứ mơ ước một ngày nào có dịp đặt chân đến bên chiếc cầu đó. Ngày nay, ước mơ tưởng chừng như không bao giờ có được của tôi đã thành sự thật. Nhưng nay tôi không còn thấy chiếc cầu đó đẹp và vĩ đại như ngày xưa còn bé nữa.
Người phỏng vấn hỏi tôi muốn về đâu trên đất Mỹ, tôi nói California. Bà ta lắc đầu, đông quá rồi. Anh chàng thông dịch bồi thêm: "Anh không có họ hàng hay bạn bè gì ở đâu sao?". Nghe vậy tôi nói: "Có, tôi có người bà con trước kia ở Honolulu, nhưng giờ không biết ông ta ở đâu". Người đàn bà Mỹ ghi vào hồ sơ của tôi: Prefer Honolulu, Hawaii. Thế là tôi được đưa về định cư nơi thành phố du lịch đó.
Tôi và Hoàng rời trại tị nạn cùng một lúc, thằng Thành đi chuyến sau. Hoàng về một thành phố mà cái tên nghe rất xa lạ ở tiểu bang North Carolina. Chúng tôi được đưa sang trại chuyển tiếp Singapore. Ở đó một tuần lễ, tôi và nó có đi chơi phố mấy bận. Hoàng cũng khá chu đáo, tìm đâu ra được máy chụp hình. Không có tiền nhưng giỏi chạy chọt được cuộn phim. Cứ bấm lia lịa. Nó bảo để kỷ niệm đoạn đời đã qua. "Có bao giờ chúng mình trở lại chốn này đâu hả Tân?".
Trên chuyến hành trình sang Mỹ, chúng tôi ghé lại Hongkong ngủ một đêm. Buổi tối, tôi và Hoàng đi lang thang quanh những khu phố gần khách sạn. Tôi cảm thấy hơi sung sướng một chút khi thấy ước mơ trong đời của mình nay đã toại nguyện. Trời Hồng Kông mưa bụi bay bay, tôi thấy nhớ nhà thật nhiều và thương cho gia đình còn ở Việt Nam dễ sợ.
Chúng tôi ghé qua phi trường Tokyo để đổi chuyến bay. Ở đó Hoàng có chụp cho tôi một tấm ảnh, lấy hậu cảnh là những chiếc phi cơ 747 khổng lồ. Lần này tôi và Hoàng thật sự chia tay. Nó và đoàn người đi vào lục địa Mỹ đi trước, trong một chuyến bay khác. Họ đi cả, trả về yên lặng một góc của phòng đợi nơi phi trường. Tôi ngồi co ro chờ chuyến bay đưa về thành phố của mình. Một người đàn ông làm việc ở restaurant đem đến cho tôi một hộp thức ăn và một ly nước. Tôi cám ơn và nói ông tử tế quá.
Lúc phi cơ sắp sửa đáp xuống phi trường Honolulu lòng tôi hồi hộp chi lạ. Tôi thật hoang mang, không biết người bảo trợ của mình ra sao, Mỹ trắng hay Mỹ đen? Hiền lành hay hung tợn?. Chỉ thấy trong giấy ghi là bà Garcia Vila. Lúc bước khỏi phi cơ, tôi cỏ ý tìm xem có ai đến gặp mình không. Người sponsor của tôi đâu, sao không đến đón tôi kìa? Tôi ở đó gần một tiếng đồng hồ thì được một người đàn ông làm việc ở hội thiện nguyện U.S.C.C. đón tôi về. Ông ta đưa tôi về hội để làm một số thủ tục giấy tờ linh tinh. Tôi nói với ông ta tôi muốn gặp người sponsor của mình, bà Vila. Ông chỉ về phía một người đàn bà Phi Luật Tân đang trả lời điện thoại ở một cái bàn giấy đàng xa. "Đó, bà Vila đó!". Tôi thất vọng quá chừng, cái thất vọng vì sự thật chẳng giống một chút nào với trí tưởng tượng của mình. Nhưng cũng chẳng sao, tôi đã quá lớn để cần có một người bảo trợ. Vấn đề hiện tại là tìm một chỗ cho tôi trú ngụ. Người đàn ông không biết gởi tôi cho ai bây giờ.
Thời may có vợ chồng Thiện, là người quen tôi hồi còn ở trại tị nạn, cũng định cư ở Hawaii. Hôm ấy hắn có việc cần đến hội bảo trợ, tình cờ gặp lại chúng tôi thật mừng rỡ. Tôi theo vợ chồng Thiện về nhà của hắn, như vậy bài toán "chỗ tạm trú" cũng được giải quyết một cách ổn thỏa.
Vợ chồng Thiện sang Mỹ với đứa con trai và hai thằng em. Tụi nó mướn một apartment hai phòng ngủ trong một chung cư cao mười tầng. Tôi dọn vào ở chung phòng với thằng em của Thiện. Cũng xong thôi.
Những ngày đầu ở Mỹ tôi rất yêu đời, tôi nghĩ mọi việc đều sẽ dễ dàng. Tôi sẽ đi học đỗ đạt, đi làm và sẽ có nhiều tiền. Lúc nào tôi cũng tưởng đất Mỹ như là thiên đàng. Thuở đó, tôi rất siêng năng viết thơ, tôi viết thơ thường xuyên gởi về Việt Nam. Tôi kể tỉ mỉ cho gia đình tôi mọi chuyện, từ chuyện học hành, nhà cửa, cái ăn cái uống. Tôi cũng kể về mấy ông mấy bà Mỹ ở gần nhà tôi nữa. Thật là lẩm ca lẩm cẩm.
Tuần nào tôi cũng liên lạc điện thoại với Hoàng. Thằng Thành đã đi định cư. Nó ở với sponsor người Mỹ ở Michigan. Coi bộ nó dễ dàng thích hợp với đời sống mới.
Nhà chúng tôi ở lầu sáu. Mỗi sáng khi đi học, tôi thường gặp một số Mít tị nạn, họ nói chuyện ồn ào. Chẳng bao lâu chúng tôi quen nhau cả. Độc thân thì thích đi chơi với độc thân. Người nào có đôi có cặp thường tìm đến với nhau hơn. Vợ chồng Thiện thường hay giao du với vợ chồng anh Tiến ở lầu hai, vợ chồng Mạnh ở lầu bảy. Chúng tôi cũng cùng trạc tuổi với nhau cả.
Bởi Thiện thích nhậu nên cuối tuần thường hay tụ tập bạn bè uống rượu. Khi đã ngà ngà thì cả bọn đàn ông kéo nhau đi ăn cháo, đi đánh bi da. Đôi khi còn kéo vào bar uống rượu tiếp. Trong bọn có anh Tư là hay rủ đi bar nhất. Cái ông này vợ con bị kẹt lại ở Việt Nam, nên coi như single. Và bởi cái tật hảo ngọt nên tạo ra một trận đánh ghen khá buồn cười.
Thời kỳ tôi ở Hawaii là thời gian thần tiên nhất . Hưởng trợ cấp xã hội, tôi không phải lo âu nhiều về vấn đề tiền bạc. Buổi sáng cắp sách đến trường, buổi trưa đi tắm biển, thật chẳng có gì sung sướng hơn. Thiện đi học buổi sáng, buổi chiều ở nhà giữ con cho vợ cắp sách đến trường. Hai vợ chồng trẻ sống thật đầm ấm. Thằng con chưa đầy hai tuổi, mới vừa biết đi chập chững và bắt đầu nói bập bẹ. Một hôm hai vợ chồng có việc đi phố, nhờ tôi trông chừng thằng bé. Thằng nhỏ ngủ dậy, tè ướt cả tả. Tôi lười biếng cứ để thằng nhỏ "cuổng trời" chơi một mình. Tôi và Ngọc, em trai Thiện, loay hoay trong phòng nghe dĩa nhạc mới mua. Chừng chợt nhớ thằng bé một mình ngoài phòng khách, tôi lật đật chạy ra thì... hởi ôi! thằng nhỏ làm một đống và đang đùa giỡn trây trét tùm lum trên mặt thảm. Tôi vừa tắm cho thằng bé mà vừa cười. Thằng Ngọc lo giặt thảm, xong xuôi còn lấy đồ hong tóc, hong thảm cho mau khô. Tôi có sáng kiến độc đáo, dùng dầu thơm khử mùi hôi. Tôi xịt cả lọ dầu thơm mới vừa mua, từ trong ra ngoài. Lúc vợ chồng Thiện trở về, vừa bước vào nhà là mở miệng khen "thơm quá". "Chà, chú Tân hôm nay giỏi quá! tắm rửa con tui sạch sẽ, lại còn xức dầu thơm, thơm ngát". Tôi và thằng Ngọc chạy vào phòng, cười lăng chiêng, cười đến vỡ cả bụng.
Một buổi trưa trời mưa lâm râm tôi nằm nhà không đi tắm biển. Chị Mạnh từ lầu bảy xuống mượn cuộn băng nhạc. Tôi đang nằm trùm mền kín mít thì chị ta gõ cửa. Tôi nói vọng ra: cứ vào.
"Cái ông này cứ ngủ hoài".
Tôi trả lời: "Ngủ hồi nào đâu? tôi nằm nhắm mắt để đó. Mà trời đất như vầy, không ngủ thì làm cái gì bây giờ?".
Bà ta la ong óng: "Đâu, cuồn băng nhạc đâu?".
"Ở trên đầu tủ đó".
"Ông làm ơn bước lại lấy coi có được không? Cứ nằm đó mà úm hoài, bộ tối hôm qua làm overtime dữ lắm hả cha". Rồi chị cười hăng hắc.
Tôi chợt nhớ một cảnh trong phim "Tứ quái Sài Gòn", buổi sáng người đẹp Thẩm Thuý Hằng mở cửa phòng mời các vua chọc cười ra ăn sáng. Chàng Tùng Lâm thấy người đẹp hấp dẫn quá, đứng dậy không được. Tôi bỗng bắt chước hài hước, tôi nói với chị ta:
"Cuộn băng nhạc nằm trơ trơ chỗ đó mà bà không thấy sao? Tôi đứng dậy không được".
Tôi bỗng phạm một lỗi trầm trọng là khêu gợi tánh tò mò của một người đàn bà.
"Sao ông đứng dậy không được? Bộ ông xếch xi hả?".
Chị ta nhìn tôi cười mĩm chi. Tôi cười biểu đồng tình. Thình lình chị ta đến kéo cái mền của tôi ra. Tôi cố tình giữ lại. Đôi bên cứ giằng co gần rách cái mền. Cái bà này nhất định đòi coi của tôi cho bằng được. Vừa kéo cái mền mà vừa la ơi ới. Sau cùng tôi chịu thua nhẹ tay để lơi cái mền ra. Chị ta có hơi thất vọng khi thấy tôi có mặc quần, ngoe nguẩy đi đến đầu tủ lấy cuộn băng nhạc. Lúc chị bước ra khỏi, tôi nhẹ tay khoá cửa phòng. Chợt cười khan.
Một hôm tôi nhận được thiệp cưới của Hoàng, ngạc nhiên quá đỗi. Nó bảo cưới vợ cho rồi vì đời sống ở đây có nhiều lúc buồn chán quá. Thằng Thành cũng thưa dần thư từ. Chừng dọn nhà vài lần, chúng tôi hết liên lạc với nhau. Lời nguyện ước cùng về California chung sống chắc không bao giờ thực hiện được.
Sống ở Honolulu tôi chỉ mong có ngày được sang Cali. Có lẽ tâm lý người ta thường hay đứng núi này trông núi nọ chăng. Vậy mà khi xa Hawaii rồi, tôi vẫn thỉnh thoảng nhớ về cái thành phố dễ thương đó. Ở Mỹ được một năm thì tôi liên lạc được với một người bạn ở Cali. Tôi liền mua vé máy bay mà không cần suy nghĩ. Hôm ra phi trường, lúc ấy nhằm ban đêm, nên đông đủ bạn bè ra đưa tiễn. "Ông Tân qua mainland nhớ điện thoại về cho tui nhe". Cái giọng bà Mạnh lúc nào cũng sang sảng. Khi phi cơ cất cánh, tôi thấy có một chút xúc động. Thật ra tôi có rất nhiều cảm tình với thành phố sponsor đó. Trời Hawaii lúc nào cũng xanh, cũng trong. Gió mát quanh năm. Nhiều bãi biển thơ mộng. Mùa mưa thì nhiều như mưa rừng Ban Mê Thuộc. Tôi chợt ước ao có ngày trúng số độc đắc sẽ về đó sống. Hoặc khi đến tuổi già sẽ về đó dưỡng lão. Tôi yêu vô cùng mấy cây me chưa ở đó, nó gợi cho tôi nhớ hàng me trên con đường Bà Huyện Thanh Quan năm nào. Về đó nhất định tôi sẽ trồng ổi, vì ở quê nhà, má tôi có trồng mấy cây ổi ở sau vườn. Tôi cũng sẽ trồng thêm một cây phượng vĩ, để hàng năm cứ vào mùa hè, sẽ trổ hoa đỏ thắm trời, để tôi tưởng như ngày nào còn bé tung tăng trên con đường Tống Phước Hoà, mà giờ đây đã nghìn trùng xa thẳm.
Nhà cửa ở California thật đắt đỏ, nhất là ở vùng "Thung lũng hoa vàng" này. Gia đình thằng bạn mướn một căn bốn phòng ngủ, nhưng ở đến bảy người lớn và bốn đứa con nít. Nay cộng thêm tôi, chẳn một chục mười hai. Tôi và hai thằng em của bạn phải ngủ ở phòng khách. Tính tôi dễ dãi, lại sống lăn lốc ở Việt Nam quen rồi, nay ngủ thế nào cũng xong. Duy có một điều hơi bất tiện là tất cả mọi sinh hoạt trong gia đình đều diễn ra ở "living room" cả. Chỉ việc cái điện thoại và cái ti vi cũng làm cho tôi điên cái đầu.
Hằng đêm tôi phải chờ cho đến khi "vãn hát" (nghĩa là không còn ai xem tivi nữa) thì mới có quyền ôm mùng mền chiếu gối ra cắm dùi. Có hôm đã sửa soạn sẵn sàng thì có khách đến. Tôi phải đi quanh quẩn tìm một xó nào đó ngồi chờ thời, và luôn tiện ngồi đọc báo cho qua thời gian. Gặp lúc khách có nhiều tâm sự, đọc đến hết tờ báo, đọc đi đọc lại mấy cái tin xe cán chó mà vẫn chưa nghe họ nói tiếng "bye". Cái điện thoại cũng làm tôi nhức đầu không ít. Cứ mỗi khi lim dim mắt phượng thì nó lại ré lên inh ỏi. Và tôi lại có dịp lập đi lập lại một câu cũ rích cũ mèm: "xin ông, xin bà vui lòng chờ ở đầu giây một chút xíu... ".
Minh là con trai mà cũng nhiều chuyện như con gái, mười bảy tuổi, học lớp 11 và mới bắt đầu yêu. Hằng đêm, khi cả nhà yên giấc thì chàng ta rón rén ra phòng khách nói điện thoại. Cậu em này cũng lịch sự đáo để, chỉ nói vừa đủ nghe để khỏi làm phiền hàng xóm đang cần sự yên lặng nghỉ ngơi. Khổ nổi, giữa đêm khuya khoắt, thính giác tôi lại khá bén nhạy thành ra dù có bịt hai lổ tai lại, tôi cũng nghe rõ mồn một những gì hai đứa con nít tập sự yêu đương đang thì thầm với nhau. Cho đến khi hai người chúc ngủ ngon tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Buổi sáng cũng khổ không kém, năm giờ rưởi vợ chồng thằng bạn sửa soạn đi làm, mùi xào nấu thức ăn, mùi cà phê thơm lừng. Và y như sáng nào như sáng nào, tiếng ông chồng thúc giục cái tính cà rề của bà vợ, lời cào nhàu của chị vợ về những chuyện không đâu.
Bảy giờ là lúc Minh và Lâm sửa soạn đi học. Hai anh em vóc dáng vừa trạc nhau. Minh mới có bồ, thích chưng diện nên hay mượn quần áo của Lâm thay đổi. Vì vậy đôi khi hai anh em hay tranh giành cãi cọ, làm tôi nhớ đến mấy bà chị của tôi khi xưa một cách lạ lùng. Chị Hai tôi tánh tình kỹ lưỡng, quần áo lúc nào cũng ủi thẳng nếp và tuyệt đối không chịu mặc chung chạ với đồ của ai khác. Chị Ba thì ốm mà cao nên không có vấn đề gì phiền, quần áo của chị không ai mặc được mà chị cũng không mặc vừa quần áo của người khác. Chị Tư thì tánh tình cẩu thả, lúc thức sớm đi học, thường mượn tạm quần áo của chị Hai để thay đổi không khí. Hồi ấy chị Hai tôi đã hai mươi tuổi rồi, vậy mà khi biết mình bị con nhỏ em cuỗm đở cái quần, cái áo đã soạn sẵn từ đêm, chị tôi tru tréo khóc kể ầm ỉ cả lên như con nít. Má tôi cứ la hoài về cái tật của chị, mà càng rầy chị càng khóc, như thể má tôi binh em mà ghét bỏ chị vậy.
Minh và Lâm đi rồi thì tới hai thằng nhóc. Đạt, học lớp năm, nhưng đã có nhiều bạn. Sáng nào đám xây lố cố cũng tụ tập lại làm bài trước khi đến trường, thật ra chúng cóp bài lẫn nhau. Rồi ăn uống, cộng thêm cái ti vi chẳng khác chi cái chợ chồm hổm.
Tôi ở đó độ một tháng thì tìm được việc làm trong một hãng điện tử. Tôi mua một chiếc xe cũ và tìm chỗ khác dọn đi. Thấy rao vặt trên một tờ báo quảng cáo thương mại: "Cần roommate trai share chung phòng. Điều kiện dễ dàng, có thể dọn vào ở ngay". Tôi liền điện thoại và đi đến xem qua cho rõ sự tình.
Bà chủ nhà tự giới thiệu là Chị Năm, và chỉ tôi xem phòng. "Hắn" đã đi làm, ca swing shift. Phòng trông có vẻ ngăn nắp và sạch sẽ. Tôi vừa ý ngay. Thế là tôi dọn vào nhà mới chiều hôm đó.
Nửa đêm thằng ở chung phòng đi làm về. Hắn chợt nhận ra có sự hiện diện của một người lạ. Anh chàng nhẹ đến cạnh giường để xem tôi là ai. Dáng điệu chàng ta thật tức cười. Nhưng thay vì ngồi dậy chào hỏi làm quen, tôi lại lờ đi giả bộ như đang say ngủ. Buổi sáng tôi đi làm thì hắn vẫn còn mơ màng giấc điệp.
Phải đợi đến cuối tuần chúng tôi mới gặp nhau. Sáng sớm thứ bảy, tôi vẫn còn nằm trên giường dù đã dậy từ lâu rồi (tôi vẫn thích nằm nướng mỗi sáng weekend, nghe nhạc hoặc nghĩ ngợi về một vùng xa xăm, hoặc một câu chuyện tưởng tượng nào đó), hắn tự giới thiệu tên Tâm. "Còn anh tên chi?". Giọng nói cũng dễ mến. Tân. Có phải Lê Trọng Tân? Tôi chưa kịp hỏi sao "you" biết vậy, hắn nói hôm qua tôi thấy cái tên của anh ở đâu đó.
Tâm người nhỏ thó, da hơi đen nhưng được cái mặt mày sáng sủa. Tuổi thì nhỏ hơn tôi nhiều, tôi đoán vậy chớ không biết chính xác.
Tâm sửa soạn thức ăn sáng và nhân tiện mời tôi dùng bữa. Thái độ của hắn có vẻ chân tình. Tôi nhận lời để cho có vẻ thân mật. Bánh mì, trứng chiên và một trái bắp. Anh chị Năm chủ nhà khen Tâm rất chịu khó nấu nướng, biết làm nhiều món ngon và lau chùi bếp núc sạch còn hơn đàn bà con gái. Tâm có vẻ ngượng khi nghe người khác nói đến mình. Nụ cười của nó thật đẹp. Hàm răng trắng đều không một chút bợn. (Tôi luôn ao ước giá mình có được một hàm răng đẹp như vậy).
Tôi mời Tâm đi uống cà phê để trả lễ bữa ăn sáng. Buổi sáng cuối tuần, quán đầy nghẹt con trai và khói thuốc lá. Tiếng cười nói át cả tiếng nhạc. Sao chẳng khác chi khung cảnh một quán cà phê ở Việt Nam thuở nào.
Càng ngày tình bạn giữa tôi và Tâm càng gắn bó nhau hơn. Tôi thương nhất ở cái tính hiền dịu và chịu đựng của nó. Càng ở lâu càng thấy Tâm là người con rất hiếu thảo. Tiền bạc có bao nhiêu đều gởi về Việt Nam cho gia đình.
Tôi thường xuyên ăn mì gói và rất ghét vô bếp, Tâm đề nghị ăn cơm chung với nó. Tôi chỉ chờ có vậy và lãnh phần rửa chén. Mỗi chiều khi tôi đi làm về, cơm nước đã sẵn sàng. Phần cơm để sáng mai đi làm đem theo cũng đã có. Tâm chu đáo như một người đàn bà.
Tôi quen Kim Quế lúc gia nhập ca đoàn ở nhà thờ. Nàng không đẹp lắm nhưng dáng điệu thật đài các. Lúc đầu tôi không có ý làm quen vì mặc cảm nghèo mà lại lớn tuổi quá rồi. Nhưng lần nào nhìn trộm Kim Quế tôi cũng bắt gặp một ánh mắt mời gọi . Và nụ cười của nàng thì đầy vẻ trìu mến.
Tôi không vội ra về mà đứng tần ngần ở parking. Lúc Kim Quế bước lên xe nàng bất chợt nhìn tôi và đôi môi như mấp máy lời chào tạm biệt. Tôi cảm thấy xao xuyến khôn chừng. Tôi nhìn dõi theo cho đến khi chiếc xe khuất bóng. Em gái nàng cũng xinh, em trai nàng cũng xinh. Nhà nàng chắc giàu có? Mà sao con cái nhà giàu lúc nào cũng xinh đẹp, cũng thông minh, cũng lịch sự cả vậy?
Tuần sau tôi tìm cách đứng sát Kim Quế, nhưng còn ngần ngại chưa dám ngõ lời làm quen. Lúc nàng nhìn tôi, tôi bối rối đến quên lời hát. Lúc ra về tôi mạnh dạn theo nàng ra tận cổng. Kim Quế không nhút nhát như tôi nghĩ, nàng giới thiệu mẹ và mấy đứa em. Bà mẹ đứng tuổi mà còn đẹp, trông trẻ như mấy chị em. "Hôm nào tiện mời cậu Tân ghé nhà chơi". Tôi lí nhí nói dạ, chắc để hôm nào có dịp. Tôi không chờ đợi cái ngày đó quá lâu. Tôi đến nhà nàng vào một chiều thứ bảy. Kim Quế tiếp chuyện tôi một cách rất thân mật. Nàng dẫn tôi đi khắp nhà. Nàng chỉ cho tôi xem mấy loại hoa ở ngoài vườn. Hoa nào nàng thích nhất và hoa nào nàng thích nhì. Nàng dẫn tôi đến bên hồ cá, chỉ cho tôi xem con cá nào nàng thương, con cá nào nàng ghét. Nàng líu lo như một con chim non, nàng thanh khiết như một đóa hoa vừa hé nụ trong buổi sớm mai mùa xuân. Tôi sung sướng lây cái đầm ấm của gia đình nàng, và cảm thấy như mình trẻ lại mười mấy tuổi.
Lúc trở về nhà tôi leo lên giường của thằng Tâm, nằm kề bên nó và kể cho nó nghe chuyện của nàng. Tội nói nhà nàng ai cũng đẹp cũng xinh. Nàng đẹp, em gái nàng đẹp, em trai nàng đẹp, ông già, bà già cũng đẹp. Con mèo của nàng cũng đẹp.
Thằng Tâm quay mặt lại nhìn tôi, cái môi nó trề ra trông xấu dễ sợ.
Từ dạo ấy tôi thường hay đến nhà Kim Quế. Tôi yêu đời như một đứa con trai vừa mới lớn. Tôi thường nhớ đến cái áo nào nàng mặc, đôi hoa tai màu gì, chiếc giày nàng ra làm sao. Mỗi tối tôi thường nghĩ đến nàng, và thật hạnh phúc làm sao nếu được ôm chặc nàng trong vòng tay mà ngủ.
Tôi biết Kim Quế có rất nhiều cảm tình với tôi, nhưng không rõ nàng có yêu tôi chưa. Có thể. Hoặc là tôi phải chờ một thời gian thì tình yêu sẽ đến từ từ. Một hôm tôi xin phép đưa nàng đi xem chớp bóng. Tôi muốn xem ở rạp chiếu bóng lộ thiên, nàng không phản đối. Tôi đánh bạo nắm tay nàng mân mê. Nàng ngã đầu vào vai tôi nói chuyện thì thầm một cách rất tình tứ.
Lúc trở về nhà thằng Tâm nói có người nào ở Hawaii gọi anh mấy bận. Tôi biết ngay là Thiện.
"Sao anh đi đâu chơi lâu dữ vậy?"
Tôi nói tôi và nàng đi xem phim chớp bóng rạp hát lộ thiên ở chợ trời.
"Phim gì? Có hay không?"
"Có lẽ hay!"
Thằng Tâm nói tôi cũng chịu anh luôn, hoặc là hay hoặc là dở. Có lẽ hay là sao?
Tôi cũng chợt cười với câu trả lời của mình, nói lấp láp.
"Có lẽ hay là bởi thiên hạ rủ nhau đi coi đông quá. Mà tao có coi con khỉ gì đâu"
Thằng Tâm lắc đầu:
"Bộ làm ăn ngay cả trong xe sao cha nội"
"Cái thằng ăn nói tầm bậy, người ta con nhà lành". Rồi tôi õng ẹo: "đừng anh! đừng anh!"
Thằng Tâm chê tôi diễu dở quá và bỏ đi chỗ khác. Tôi lên giường ngủ và cứ nhớ đến cái áo nàng mặc bỏ lơi một nút không cài. Cái cổ trắng ngần có đeo một sợi dây chuyền cùng chiếc thánh giá nhỏ xíu. Tôi mơ màng như đang úp mặt vào chỗ chiếc thánh giá đó. Tôi giật mình không dám nghĩ xa hơn nữa vì sợ phạm phải vào một điều răn của Chúa.
Một buổi tối thứ bảy tôi có hẹn đưa Kim Quế đi dự dạ vũ. Lúc đến nơi em nàng cho biết nàng đã đi rồi. Tôi không hiểu sao nàng không chờ tôi kìa. Và tôi thật hụt hẫng khi thấy Kim Quế đang nhảy với một người đàn ông mà tôi chưa từng gặp. Tôi làm bộ tỉnh và nàng thì coi như chẳng có gì xảy ra. Đêm đó nàng vui cười và ăn nói dịu dàng với người đàn ông kia mà trước đây tôi tưởng thái độ này nàng chỉ dành cho riêng tôi. Tôi nhảy với nàng một bản mà lòng chẳng thấy hứng thú chút nào. Kim Quế và người đàn ông đó ra về khi cuộc vui chưa tàn. Tôi bước ra ngoài đứng lặng nhìn trong bóng tối. Họ dìu nhau lên một chiếc BMW mới tinh chưa có bảng số. Người đàn ông đó tôi cũng chẳng buồn biết tên. Tôi trở vào vũ trường, thiên hạ vẫn đang nhảy nhót cuồng loạn mà lòng tôi thì lạnh ngắt.
Từ đó tôi ít khi tới nhà Kim Quế, mà cũng không còn mơ đến cái cổ trắng với chiếc thánh giá nhỏ xíu. Tôi biết tôi không phải là người sẽ phạm vào điều răn của Chúa.
Một hôm gần Tết nguyên đán, tôi cao hứng mua sơn về sơn phết lại nhà cửa. Tôi lau chùi nhà tắm, nhà bếp và tất cả cửa kính. Tôi mua hai chậu cây cảnh chưng nơi phòng khách. Tôi còn mua một cây táo và một cây cam trồng nơi sân vườn phía sau nhà. Trời hãy còn lạnh, tôi loay hoay đào xới để trồng cây thì thằng Tâm bước ra ngoài bình phẩm.
"Ở với anh cả năm trời chưa thấy anh cầm tới cái máy hút bụi. Bữa nay lại đi sơn phết nhà cửa, đi trồng cây. Dưng không mà động thổ là điềm báo anh sắp dời chỗ ở đó".
Tôi không chú ý lời nó nói mà nhanh tay làm cho xong.
"Lạnh gần chết, mày không ra tiếp mà ở đó nói dông nói dài. Động thổ là điềm báo sắp dời đi. Chà, mày học coi bói hồi nào vậy? Không, anh không đi đâu cả, sẽ ở đây với chú suốt đời".
Thằng Tâm đáp lại lời diễu cợt của tôi.
"Anh tin tôi đi, anh không ở đây lâu mà hưởng trái".
Tết ở xứ người chẳng có gì vui. Cũng dưa hấu, bánh tét, bánh chưng mà sao tôi cảm thấy như có gì còn thiếu. Buổi tối cuối tuần tôi đi uống cà phê có nhạc sống với một người bạn. Đám con nít ở nhà gầy một sòng "bầu của cá cọp". Thẳng Tâm thì đánh bài xì dách với mấy người lớn. Đánh bài 21 theo kiểu Việt Nam chớ không chơi theo lối Mỹ ở mấy casino. Quán cà phê đêm giao thừa chật ních người. Nhạc xuân làm tôi nhớ nhà quá đỗi. Mười hai giờ đêm người ta khui sâm banh hoà với tiếng pháo và tiếng múa lân ghi âm từ một băng nhạc, làm tôi chợt nghĩ không biết giờ này ở Việt Nam người ta ăn Tết ra sao. Xưa kia dù bôn ba đâu đâu, cứ dịp Tết là tôi trở về nhà chung vui với gia đình. Giờ đây không biết bao giờ tôi mới có dịp trở lại hưởng xuân nơi mái ấm gia đình.
Lúc tôi trở về nhà thì cái sòng bài xì dách vẫn còn. Thằng Tâm đang làm cái và đang lúc đen, thua gần sạch cả tiền. Tôi bước đến cầm bài dùm nó lấy hên. Ban đầu18, có lý hơn bài của nó nhiều. Nhưng chẳng may bài nhà con đều lớn cả. Một tụ xì, một tụ 18, ba tụ được 20. Tôi cầm thêm dùm nó một ván nữa. Tôi dở lên một lá Tây, nhưng lá kia lại là một thằng 4. Tôi đưa tay rút một lá. Thằng già. Cả sòng bài cười rộ như vỡ chợ. Tôi nói xui quá và bỏ vào phòng ngủ.
Tôi khó ngủ mở một băng nhạc xuân. Tiếng pháo xen cùng tiếng múa lân càng làm tôi ray rứt. Tôi tắt máy hát và cố tìm giấc ngủ. Ngoài phòng khách thỉnh thoảng vẳng vào tiếng cười nói vang rân. Tôi biết thằng Tâm đang bị hoắc.
Ngày đầu xuân, tôi và Tâm đi ăn sáng. Tâm rất vui cho biết gia đình nó sắp sang. Đang chờ chuyến bay. Ba nó bịnh nhiều và mong sớm được sang đây trị bịnh. Giọng Tâm rất hiền khi nhắc về ba nó.
"Ba em thương em lắm. Hồi lúc em mười tuổi, có lần mẹ em bảo đi súc chiếc lục bình cổ để chưng hoa trên bàn thờ. Cứ mỗi ngày rằm và ngày mồng một âm lịch, mẹ em mua hoa huệ trắng về cúng Phật. Anh Tân có biết hoa huệ không? Hôm đó em rủi làm bể chiếc lục bình quý, em sợ quá bỏ chạy sang nhà hàng xóm không dám về. Buổi trưa ba em đi tìm về nhà ăn cơm. Ông không la rầy em một tiếng nào cả. Em vẫn nhớ hoài cái chuyện này. Và khi nào nhớ tới chiếc lục bình cổ, em thấy thương ba em lắm".
Tôi xúc động ứa nước mắt nghe thằng Tâm kể chuyện. Tôi cũng thương ba, thương má tôi quá chừng.
Một buổi chiều đi làm về tôi thấy thằng Tâm ngồi khóc. Tôi hỏi có chuyện gì vậy, sao chú mày không đi làm?. Tâm đưa lá thư đang cầm trên tay cho tôi xem. Mẹ vả hai đứa em nó đã sang Thái Lan. Ba Tâm đã chết trửớc ngày lên máy bay. Lúc gần chết ông già nôn nóng, chỉ mong sớm được rời Việt Nam để được sang Mỹ chữa bệnh. Và nhất là được gặp lại thằng con yêu quý. Nhưng ngày đó không bao giờ đến. Thằng Tâm ngồi khóc thúc thích.
Mẹ Tâm sang trước nhưng hai em nó phải chuyển sang Phi Luật Tân để học Anh văn. Thằng Tâm càu nhàu... thật là kỳ quái! Hôm đón mẹ Tâm ở phi trường tôi cũng có đi. Lúc hành khách trên phi cơ bước ra, lòng tôi xúc động tưởng chừng như đang đón chính người mẹ của mình. Một người đàn bà mặc áo dài màu lam, trên tay xách cái túi ny long trắng với hàng chữ ICM. Thằng Tâm mừng rỡ kêu Má! Má! Người mẹ chợt nhìn thấy thằng con trai sau bao năm xa cách đang nhảy cững lên vì mừng. Hai mẹ con vẫy tay chào mừng dù không nghe được sau làn kính cửa lối đi ra. Hình ảnh đó làm tôi ứa nước mắt.
Trên đoạn đường về nhà, thằng Tâm tía lia hỏi chuyện má nó. Nào là bác Ba, chú Tám, dì Bảy. Chuyện trong xóm nó ai còn ai mất. Nó còn hỏi tới cái nhà dột mấy chỗ, cây dừa và cây vú sửa nó trồng ở bờ sông đến nay đã bao lớn. Mẹ nó nói chuyện hiền queo cái điệu của một người đàn bà ở nhà quê.
"Cây vú sửa con trồng nay đã lớn, trái rất sai và rất ngọt, nhưng lũ trẻ hàng xóm phá quá, nhà mình không giữ nổi. Khi nào ăn vú sửa, ba cũng nhắc tới con luôn, ai cũng nhớ cây này là của con trồng".
Tôi đưa Tâm và mẹ nó về nhà một người bà con của Tâm ở tạm nơi đó, khi nào hai em của nó ở trại sang sẽ mướn nhà apartment hai phòng ngủ. Tôi trở về nhà, trong lòng buồn vui lẫn lộn. Đêm hôm ấy tôi thật khó ngủ, tôi nhớ thằng Tâm rất nhiều. Tôi nhớ ngày tôi mới dọn về đây ở, nó rón rén đến bên giường nhìn trộm người nào đây. Tôi thấy tội nghiệp cho nó cái hôm nó ngồi khóc khi hay tin ba nó chết trước ngày sang Mỹ đoàn tụ với đứa con. Buổi sáng này khi thấy nó kêu má, má, tôi lại tội nghiệp cho tôi quá chừng. Biết tới khi nào thì tôi sẽ nhảy cững lên mừng anh em cha mẹ đoàn tụ một nhà đây.
Từ ngày ấy tôi cảm thấy buồn bã và chỉ muốn đi về một vùng đất khác. Vợ chồng Thiện có mở một nhà hàng bên Honolulu, điện thoại cho tôi mấy lần bảo tôi về giúp hắn một tay. Cho đến đầu hè, khi cây táo và cây cam của tôi trồng ngoài vườn sau bắt đầu xanh tốt thì tôi quyết định trở về lại Hawaii.
Lúc thu xếp hành lý tôi cảm thấy thật buồn. Tôi độc thân không mua sắm nhiều, nhưng sau mấy năm đồ đạc cũng lỉnh ca lỉnh kỉnh. Tôi không muốn bỏ những vật của mình, nhưng mang theo làm sao cho tiện. Trước hết, tôi soạn bỏ sách vở, thư từ. Thiệp chúc tết, thiệp cưới bỏ trước, rồi thư của bạn bè ở Mỹ, ở Úc, ở các nước khác. Tôi bỏ luôn xấp thư Việt Nam vì có bao giờ tôi đọc lần thứ hai đâu. Tôi soạn bỏ một số quần áo cũ. Lúc vứt bộ quần áo tôi may hồi còn ở Việt Nam, mà tôi mặc khi đi vượt biên. Tôi bỗng cảm thấy buồn vô hạn. Một nỗi buồn không diễn tả được. Tôi cúi xuống lượm trở lại bộ quần áo cũ nát và xấp thư Việt Nam mà từ lâu tôi vẫn còn giữ.
Hồi tôi học lớp đệ ngũ có làm một bài luận. Hãy bình giải lời nói sau đây: "Bất cứ một cuộc chia ly nào, dù là cuộc chia ly người ta mong muốn nhất, cũng làm cho người ta cảm thấy buồn".
Hồi đó tôi làm bài luận dưới điểm trung bình. Chưa chắc gì giờ đây làm trở lại bài luận ấy tôi sẽ được điểm khá. Nhưng tôi thấy tôi hiểu đề tài nói gì. Nếu tôi làm thầy giáo, tôi sẽ cho học trò làm bài luận như sau: Hãy nói cảm tưởng của em về câu nói sau đây: "Trong đời sống có nhiều chuyện người ta cố quên đi mà sao vẫn cứ nhớ. Và có nhiều chuyện đã quên bẵng đi rồi sao vẫn cứ buồn".
Trở về lại Hawaii, chắc hẳn bạn bè cũ sẽ hỏi tôi sang Cali mấy năm trời làm được những gì. Nghề cũng không, chữ cũng không, tiền không mà tình cũng không. Bốn không. Nhưng tôi sẽ nói tôi còn có được một điều. Tôi còn được một chút gì để nhớ.
Truyện ngắn này đăng lần đầu trên VĂN, số 53, tháng 11-1986
(Bản sửa chữa)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment