Điểm Qua Một Số Nhạc Sư, Nhạc Sĩ Vang Bóng Một Thời – Nguyễn Vĩnh Bảo
- Ông Nguyễn Văn Kỳ (Chín Kỳ), vợ là bà Hai Quạ, một danh ca vào thập niên 1935 cùng thời với một số danh ca khác như:
- Bà Tám Song, (phu nhân ông giáo Lý Văn Đồ),
- Bà Hồ Thị Bửu (Bà Mười Ba), phu nhân nhạc sư Phạm Văn Nghi, giáo sư Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn,
- Bà Tư Cầu Mồng gà, ái nữ nhạc sư Năm Tịnh (Cần đước),
- Bà Ba Vàm Lẻo, (Bạc Liêu),
- Bà Hồ Thuyết Loan, (Mười Tân Châu),
- Cô Ngọc Ánh….
Ông Nguyễn Văn Kỳ (Chín Kỳ)
Sở trường của ông Chín Kỳ là cây đàn Tranh. Nắm vững nhiều bài bản, với phong cách đàn là tài tử Nam bộ. Môn sinh của ông phần đông thuộc thượng lưu trí thức như:
- Cố Bác Sĩ Nguyễn Văn Nhã, (thân phụ của nữ Luật Sư Nguyễn Phước Đại),
- Cố Bác Sĩ Nguyễn Văn Bửu, giàm đốc Bịnh Viện Nhi Đồng Sài Gòn,
- Cố tham tá (Commis) Bùi Văn Hai, tùng sự tại Bộ Ngoại Giao,
- những ái nữ của cố Bác Sĩ Phan Văn Đệ, giám đốc Bịnh Viện Chợ Rẫy (Hôpital Lalung Bonnaire) Chợ lớn.
Là con người bình dị, vui tính, dễ mến, nhưng đôi khi cũng hóm hỉnh, không bí hiểm dấu nghề, lúc nào cũng sẵn sàng xan xẻ sự hiểu biết của minh với mọi người, ai cần bản gi chạy đến hỏi thì ông đọc miệng cho chép để mang về học và sau đó trở lại đàn cho ông nghe để góp ý.
Xin mở dấu ngoặc tại đây để nói lên cái hóm hỉnh của ông.
Thập niên 1954, hằng tháng ít nhứt cũng là hai tối thứ bảy, Bác Sĩ Nguyễn Văn Bửu tổ chức đàn ca tại tư gia.
Giàn đờn gồm có nhạc sư Nguyễn Văn Kỳ (Chín Kỳ) (Tranh), Cao Hoài Sang (Tỳ Bà), Nguyễn Văn Thinh (Kìm), Lê Văn An (Tranh), Bảy Phuông (Cò), Bùi Văn Hai (Tỳ Bà), và tôi là Vĩnh Bảo (Kìm, Tranh, Gáo).
Ca: Bà Hai Quạ (phu nhân ông Chín Kỳ), Bà Hồ Thị Bửu (Bà Mười Ba), Hồ Tuyết Loan (Mười Tân Châu).
Thính giả phần đông là bạn bè của ông, có địa vị cao trong xã hội.
Một hôm, Bác Sĩ Bửu căn dặn ông Chín Kỳ chọn giùm cô ca sĩ nào ca hay nhứt. Thế là ông Chín Kỳ mời cô Ngọc Đáng. Cô nầy ca hay, nhưng không đẹp gái, da ngâm, và ốm như con khô hố.
Theo thông lệ, cơm tối xong mới tới cái màn đàn ca.
Hôm ấy, tại bàn ăn, Bác Sĩ Bửu vói nói với ông Chín Kỳ: “Bộ hết người ca rồi sao mà anh lại chọn cô ca si nầy không có ngực”.
Ông Chín Kỳ nhanh miệng phản phé “Bác sĩ dặn tôi kiếm ca chớ nào có dặn kiếm vú”. Mọi người trong bàn ăn cười rộ lên.
Năm 1956, tôi mời nhạc sư Nguyễn Văn Kỳ (Chín Kỳ) vào dạy môn đàn Tranh. Dạy được khoảng 4 tháng, thì ông bị cảm nặng. Vì là Thầy dạy đàn Tranh cho các con gái mình, nên khi hay tin, Bác Sĩ Phan Văn Đệ, giám đốc Bịnh Viện Chợ Rẩy, liền cho xe rước ông về nhà riêng ở đường Trần Hoàng Quân, Chợ Lớn săn sóc và chữa trị. Ông Chín Kỳ vốn là người tế nhị, cảm thấy ngại làm rộn người khác, nên qua ngày thứ thấy kha khá trong người, lúc 4 giờ sáng thừa lúc mọi trong nhà đang ngon giấc, ông lén mở cửa ra kêu xe cyclo chở thẳng vê nhà ở Hòa Hưng. Đêm khuya sương gió, ông bị trúng lạnh, nên khi về đến nhà thì năm vùi. Tôi có đến thăm và hỏi sao không ở nhà Bác Sĩ Đệ cho dứt bịnh hay về, thì ông nói hai ông Bà Đệ rất là tử tế, ông đâm ra ngại. Về nhà đuợc 5 ngày thì ông qua đời, để lại đứa con gái 7 tuổi, về sau ông bà Phạm Văn Nghi (giáo sư đàn Tranh và đàn Cò) ôm về nuôi, dạy cho ca hát múa. Cái buồn khó quên của tôi là ông chết trong khi chưa kịp lãnh một xu lương tiền dạy đàn của nhà trường.
Bà Hai Quạ, phu nhân Ô. Chín Kỳ.
Kể về Ô. Chín Kỳ thiết nghĩ cũng nên nói sơ qua về Bà Hai Quạ để các bạn nghe chơi cho vui, đồng thời giúp cho các bạn khi đàn, chẳng nên xem thường những thính giả lãng hay nặng tai..
Một sáng của năm 1938, ở Xóm Gà tại nhà Ô. Hai Én (tư chức hãng Descours & Cabaud). Ô. Hai Én đàn Guitare, anh Ba Cân (làm việc Phòng Thông Tin Pháp AFP) đàn Kìm, và tôi đàn Gáo. Bà Hai Quạ ca. Bà hỏi tôi đàn bản gì cho Bà ca.
Tôi nói là đàn Bản Phụng Cầu Hoàng.
Bà hỏi tới hỏi lui “bản gì, bản gì” mãi.
Tôi nói: Bà lãng tai quá mà ca cái nỗi gì?
Bà phất tay, ra hiệu “đàn đi, tôi ca”.
Ba chúng tôi bèn vào đàn, Bà ca rất hay, đúng giọng, đúng hơi, đúng nhịp. Tôi hỏi Bà: Tại sao lúc tôi nói, tai Bà không nghe, mà khi đàn thì Bà lại ca được. Bà trả lời: “Tiếng người nói không nghe, nhưng tiếng đàn thì nghe rất rõ”.
Ông Nguyễn Văn Thinh (Thầy Giáo Thinh)
Ông Thinh, sinh năm 1908 (Mậu Thân) tại Bình Hàng, tổng Phong Nẫm, tỉnh Sa Đéc, tốt nghiệp Trường Sư Phạm (École Normale) Sài Gòn, giáo viên từ năm 1928 đến năm 1959, biệt phái về Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ năm 1960. giữ chức giám học. Ông sử dụng đàn Kìm (Nguyệt), Tranh và Tỳ Bà. Ngoài đời, từ năm 1945, ông nằm trong nhóm Lão Thành Nhạc Tài tử Nam bộ gồm có Quý Ông:
- Cao Hoài Sang.
- Nguyễn Văn Kỳ (Chín Kỳ),
- Lê Văn An,
- Bác Sĩ Nguyễn Văn Bửu,
- Bùi Văn Hai (Tham tá) (Commis) Bộ Ngoại giao,
- ca sĩ Bà Hồ Thị Bửu (Bà Mười Ba, phu nhân Giáo Sư Phạm Văn Nghi)
- và tôi là Nguyễn Vĩnh Bảo.
Ô. Nguyễn Văn Thinh, năm 14 tuổi, học lớp nhứt trường Tiểu Học Thủ Dầu Một. Thời điểm nầy học đàn với ông Mười (thầy đàn tên tuổi ở Thủ Dầu Một), sau đó với Cụ Tám Hạnh ở đường Faucault (Lý Trần Quán và nay là Thạch Thị Thanh) Tân định, và Cụ Sáu Thới (thân phụ của nhạc sĩ Tư Bường). Khoảng năm 1930, ông tham gia vào Ban Tài Tử Cao Hoài Diêu, một trong những ban nổi tiếng nhứt ở miền Đông.
Năm 1938, trình diễn tại Société Philarmonique (nay là Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ), số 112 đường Nguyễn Du, Quận 1. Ban nhạc gồm có Quý Ông:
- Nguyễn Văn Thinh (đàn Kìm)
- Châu Văn Sáu (ông Ba Laitière) (đàn Tranh)
- Tám Đuổi (đàn Cò)
- Ba Đồng ( đàn Cò)
- Cụ Sáu Thới (thổi Tiêu)
- Tư Bường (con Cụ Sáu Thới) (đàn Bầu)
- Tư Kiên (đàn Tam)
- Bác Sĩ Châu (đàn Tỳ bà)
- Bác Sĩ Nguyễn văn Nhã (thân phụ Luật Sư Nguyễn Phước Đại) (đàn Tranh)
CA: các Bà:
- Tư Cần đước,
- Bà Hai Quạ (phu nhân nhạc sư Chín Kỳ)
- Bà Ba Nhơn.
Ô. Nguyễn Văn Thinh là nhà giáo xuất thân từ trường sư phạm (École normale) SàiGòn. Ông sử dụng đàn Kìm, Tranh và Tỳ bà. Bài bản nhiều và căn bản. Anh em của ông toàn là tiến sĩ, bác sĩ, họa sĩ, phu nhân của ông là nữ-hộ-sanh và là chủ nhà Bảo Sanh Ngọc Lành ở hẻm đường Audouit (Cao Thắng), còn nhà thi quay mặt ra đường Testard (nay là Trân Quý Cáp, Trần Cao Vân). Là nhà giáo, trước đây âm nhạc là thú vui môn giải trí của ông, và không dạy hay truyền bá lại cho cho ai.
Năm 1958, ông sắp về hưu, tôi đứng ra vận động cho ông được lưu dụng để Trường mời về đảm nhiệm chức giám học thay cho Giáo Sư Nguyễn Hữu Ba. Ông Thinh làm việc từ năm 1959, và nghỉ hưu năm 1964.
Sau 30-04-1975, mặc dù tuổi cao, ông cộng tác với Viện âm nhạc, số 2 đường Nguyễn Quý Khoách, Tân Định, qua đời vào tuổi 86 tại Sàigòn, và an táng tại quê nhà Sađéc.
Ông Cao Hoài Sang
Sanh ngày 11-09-1901 tại làng Thái Bình, tỉnh Tây Ninh.
Thân phụ của Ông là CAO HOÀI ÂN, thân mẫu là HỒ THỊ LỰ.
Ông là công chức cao cấp trào Pháp thuộc (Tham tá Sở Quan thuế – Commis des Doaunes & Régies)
Ông và 2 em:
- Ô. Cao đức Trọng (Thiên Phong TIẾP ĐẠO – Hiệp Thiên Đài),
- Cao thị Cường (Thiên Phong Nữ Giáo sư – Cửu Trùng Đài),
Ông Cao hoài Sang (Thiên Phong THƯỢNG SANH – Hiệp Thiên Đài). Ông chơi đàn Tỳ Bà, thuộc nhiều bài bản, và soạn lời ca rất có giá trị cho Quyển dạy đàn Tranh do 3 ông: Nguyễn văn Kỳ (Chín Kỳ), Bác sĩ Nguyễn văn Bửu và Bùi văn Hai biên soạn và xuất bản.
Ngày 14-05-1957, Ông thay mặt Phạm Hộ Pháp (Phạm Công Tắc) về Tòa Thánh Tây Ninh cầm giềng mối Đạo. Ông ngọa bịnh và qua đời ngày 21-04-1971 tại tư gia số 36/24 đường Cô Giang, hưởng thọ 71 tuổi.
Từ ngày 14-05-1957 về Tòa Thánh Tây Ninh đến ngày quy thiên, tính ra là 14 năm thiếu 20 ngày.
Ông Lê Văn An (Năm An)
Ông An tư chức cảng Nhà Rồng (Messageries Maritimes) Khánh Hội, chuyên về đàn Tranh, bài bản nhiều, tương tợ như ông Thinh. Khoảng năm 1960 ông có dạy năm tháng tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn.
Ông Phạm Văn Nghi (Tư Nghi)
Ông Nghi, thư ký Quận Gò Vấp. Phu nhân là danh ca Hồ Thị Bửu (tục danh Bà Mười Ba, chị Bà Mười bốn, phu nhân Ô. Nguyễn Văn Lượng, chủ nhà thuốc Nhành Mai sản xuất cao đơn huờn tán, nổi danh nhứt là thuốc dán con rắn và thuốc trị ghẻ ngứa). Ông Nghi sử dụng nhiều loại nhạc khí như: Tranh, Kìm, Cò, Gáo. Bài bản nhiều, và cơ bản.
Hai Ông Bà không con, nên ông bà nuôi lủ khủ 7, 8 trẻ khoảng 9, 10 tuổi, dạy cho chúng đàn ca múa hát, trong đó có cô Ngọc Dung, trước đây nằm trong nhóm Hoa Sim (Phạm thúy-Hoan, Ngọc Dung, Phương-Oanh). Cô Ngọc-Dung từ lâu dạy đàn Tranh tại California, Hoa Kỳ. Tại Trường nhạc, Ô. Tư Nghi dạy đàn Tranh và đàn Cò, còn Bà thì dạy ca. Ông bà qua đời khoảng 15 năm tại Định Quán.
Cụ Trần Văn Triều (Bảy Triều)
Sanh trưởng tại chợ giữa Mỹ Tho, Cụ là thân phụ của Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê và nghệ sĩ Trần Văn Trạch. Chính Cụ đã sáng chế ra dây Tố-Lan cho đàn Kìm (Nguyệt) – tương tợ như dây Hò nhì và Bắc Hò nhì – để diển tả bản Văn thiên Tường.
Cách lên dây Tố Lan:
- Dây trơn (open string): Dây to (Tồn) (sol), dây nhỏ (công) (fa).
- chủ âm: (fundamental note): Dây nhỏ bấm phím 1, khảy chung với dây to trơn là đồng âm (unisson) (Hò-Liêu) (Sol-sol).
Dây Tố Lan cung bực tương tợ như dây Hò nhì, nhưng dây Hò nhì 2 dây to và nhỏ lên như sau:
Cách lên dây Hò nhì:
- Dây trơn (open string): dây to (Xề) (Ré), dây nhỏ (công) (fa).
- chủ âm: Dây nhỏ bấm phím 1, khảy chung với dây to trơn là (xàng-liêu) (Do-sol).
Tại sao là tên Tố Lan?
(nơi đây, xin bạn Trần Văn Khê cho tôi được tóm lược lời kể lại của Giáo Sư Hồ Hữu Tường như sau): Cụ Bảy Triều và cụ Nguyễn An Ninh học cùng lớp tại trường Bổn Quốc (Chasseloup Laubat) (nay là Lê Quý Đôn). Ngày xưa tại Sài gòn có nhiều trường như: Huỳnh khương Ninh, Nguyễn xích Hồng, Nguyễn phan Long, Lê bá Cang, Chấn Thanh, Nguyễn văn Khuê, Général De Gaulle, Lanzarotte, Lycéum Paul Doumer. Nhưng chỉ có hai trường khó xin cho con cái vào học là Trường Bổn Quốc và Trường Taberd. Trường Bổn Quốc thực chất là dành cho con Tây hay dân Tây học (chỉ có gia đình giàu, có vi cánh mới vận động cho con được vào). Học sinh Trường Bổn Quốc, ngày chủ nhựt nghỉ, học sinh đi dạo ngoài đường phố, bị bắt buộc phải đội kết và mang phù hiệu, nhìn trông vừa đẹp vừa oai, còn học sinh Trường Taberd thì áo dài đen. Phần đông nữ sinh Trường Áo tím (École des Jeunes Filles) (nay là Trường Gia Long) ưa nhìn và làm quen với học sinh Trường Bổn Quốc (bởi nghĩ rằng mấy cậu ấm nầy là con nhà giàu, gia đình danh giá) hơn là học sinh Trường Taberd mà họ gọi là “con Quạ”.
Hai Cụ Nguyễn an Ninh và Bảy Triều ai cũng có một bạn gái. Cụ Nguyễn An Ninh là cô Chín Phòng, học sinh Trường Áo trắng (Saint Paul ), Cụ Bảy Triều thì cô Tố Lan, học sinh Trường Áo tím. Cô Tố-Lan biết đàn lẫn ca, nên đối với cụ Bảy Triều, cô vừa là tri âm vừa là tri kỷ. Học tới năm thứ 4, chuẩn bị thi bằng Thành Chung (Diplôme d’Études Primaires Supérieures Indochinoises) – viết tắt là DEPSI –, thì thình lình Cụ Bảy Triều hay tin người yêu qua đời. Phải chăng vì buồn mà xao lãng việc học, nên năm ấy cụ thi rớt.
Về nhà, ví mình như Bá Nha bị mất đi Tử Kỳ, nên Cụ lấy đàn Kìm ra vừa đàn vừa đặt lời ca cho bài Tứ Đại Oán nói về người yêu. Bài ca đặt chưa xong thì vì có việc gấp phải đi, nên Cụ treo cây đàn trở lại trên vách. Vừa đi vừa sáng tác, nên khi về tới nhà, bởi sợ quên, nên cụ vói lấy cây đàn Kìm để viết tiếp lời ca. Nhưng không ngờ cây đàn bị tuột dây to (nốt Tồn), Cụ không buồn chỉnh lại, cứ để vậy mà đàn, nhưng không ngờ cái dây nầy nó tạo cho Cụ cái hào hứng lạ thường, nên Cụ giữ dây nầy luôn và đặt cho nó cái tên là Tố-Lan.
Ngón đàn Kìm của cụ Bảy Triều tươi mát ngọt ngào mùi mẫn, làm xoáy tim người nghe, nên có tiếng đồn rằng “ai mà chưa được dịp nghe Cụ Bày Triều đàn Kìm trên dây Tố-Lan thì kể như người ấy còn thiếu trong việc nghe nhạc Việt nam”.
Ông Hồng Tấn Phát (Hai Phát)
Người gốc Trà Vinh, nghiện á-phiện, điêu luyện trên 3 nhạc khí như Đàn Tam, đàn Cò, và đàn Violon. Chẳng những giỏi bên tài tử Nam Bộ, ông còn giỏi về nhạc lễ, nhứt là đường roi (đánh trống). Ngoài tính cách giòn tan, lại còn thêm cao siêu về tiết tấu (rythme). Môn đệ của ông là hai danh cầm Hai Thơm (Violon) và Văn Vĩ (Guitare).
Đàn tam là loại đàn ba dây nylon. Thùng đàn hình chữ nhật dài 18 phân, ngang 14 phân, dày 10 phân. Một bên bịt bằng da trăn hay da con kỳ đà, một bên để trống, cần đàn dài nhưng lại không có phím. Âm thanh của đàn Tam tương tợ âm thanh đàn Banjo; nhưng khác hơn Banjo, âm thanh của đàn tam đã cứng ngắc, lại kém dư âm. Giá dùng nó để tả tiếng nấc của người Chinh Phu trong phòng the gối chiếc thì không gì đúng hơn.
Những ai từng nghe bản Lưu Thủy Trường – Hai Phát đàn Tam – Vĩnh Bảo đàn Tranh 21 dây trong băng Nam Bình hai[1] thì sẽ ngạc nhiên thấy dưới đầu 4 ngón tay thần dịu của ông, cung bậc trở thành phân minh chững chạc, âm vang tròn trịa phong phú như bất cứ loại đàn dây nào có phím. Đó là những đoạn chuyển biến khoan thai; nhưng khi chạy chữ nhanh (vélocité) thì âm thanh dồn dập như thác đổ, nhịp điệu gút mắc, chứng tỏ một tài năng và sự điêu luyện đã đến mức tột đỉnh. Nếu chạy chữ trên cây đàn Vĩ cầm (Violon) đòi hỏi phải có thính giác mẫn tiếp, ngón đàn chính xác thế nào, thì chạy chữ trên đàn Tam cũng như vậy, mà còn cao hơn thế nữa, vì Vĩ cầm với 4 dây âm hưởng hơn, âm thanh phát ra dễ hơn, nghe rõ hơn. Đàn cò: lối đàn của ông Hai Phát là kéo cung dài; đàn mực thước đạo mạo thật là sâu sắc theo thế hệ cổ.
Một buổi sáng vào hạ tuần tháng 11 năm 1972, từ Tòa Thánh Tây Ninh về, ông cùng nhạc sĩ Bảy Hàm đến thăm tôi (Vĩnh Bảo). Lần này gặp lại, tôi thấy ông yếu đi nhiều, hai chân sưng to lên, lở loét, bên ngoài băng vải. Sau nửa giờ thăm hỏi, tôi mang đàn ra để cùng đàn và thâu thanh chơi. Ông đàn Cò, Bảy Hàm đàn Kìm, tôi đàn Tranh, hòa tấu bản Tây Thi Vắn. Lúc nầy ông lên dây đàn không còn chính xác như xưa, khiến tôi phải điều chỉnh giúp ông. Hòa tấu tới câu 8 thì ông Hai Phát đàn lộn câu lẫn sai nhịp. Ông Bảy Hàm yêu cầu tôi xóa đi để đàn lại. Nhưng ông Hai Phát và tôi không đồng ý. Ông Hai Phát nói: “Mặc kệ, đàn trúng trật hay dở không là vấn đề. Lần nầy đến thăm Vĩnh Bảo để nói chuyện và hòa đàn chơi và xem như gặp nhau lần chót để rồi về Trà Vinh chết. Trước khi nhắm mắt, điều mà tôi mãn nguyện là được Vĩnh Bảo mời đàn cho 2 cuốn băng Nam Bình I và II, lưu lại cho hậu thế tiếng đàn của một nhạc sĩ nhiều truân chuyên và bất hạnh. Đây là lời trối trăn, mười ngày sau đó, tôi được báo cho biết là Ông đã qua đời. Vì hay tin trễ, tôi không dự đuợc đám tang Ông. Tuy nhiên nhóm Duy Lân cùng một số nhạc sĩ đã xuống Trà Vinh lo ma chay cho ông và tiễn ông đến phần mộ.
Ông Huỳnh Văn Sâm (Sáu Tửng)
Người gốc Gò Công, nghiện á-phiện, thân phụ của tay trống có hạng Huỳnh Anh và nữ ca sĩ Bạch Huệ. Cái tên Huỳnh văn Sâm, nhứt là cái tên Sáu Tửng, thì không xa lạ gì đối nhạc sư nhạc sĩ miền Nam lẩn Trung và Bắc, kể ca những người yêu nhạc. Nhiều nhạc sĩ đàn Kìm ảnh hưởng đến lối đàn của ông và đàn giông giống ông.
Sở trường của ông là cây đàn Kìm và Xến. Đàn Kìm, đàn Xến, thay vì tay trái bấm dây đủ 4 ngón (trỏ, giữa, áp út và út) như vậy mới nhấn được chữ đàn có gân, chuyền chạy chữ mới nhanh. Đằng nầy ông chỉ sử dụng 2 ngón (trỏ và giữa), lướt một cách nhanh nhẹn, lưu loát trên phím đàn không thua gì người sử 4 ngón.
Tôi quen ông vào năm 1930, lúc ấy ông đàn Kìm chánh cho gánh Hồng Nhựt hát tại Cao Lãnh (quê của tôi) và tôi được dịp nghe ông đàn Kìm trên dây Hò Ba cho chị Hai Thân và chị Sáu Liềng (danh ca Cao Lãnh) ca, và dây Bắc Oán cho Anh Bé ở Nha Mân (Cái Tàu Hạ – đồng hương với danh ca Tám Thưa -) ca Vọng cổ và Tây Thi hơi Quảng. Thời điểm nầy tôi không thấy nhạc sĩ đàn Kìm nào sử dụng hai loại dây Hò Ba và Bắc Oán nầy, và riêng tôi, tôi cho rằng ông Sáu Tửng là người sáng chế. Năm 1935, xuyên qua dĩa nhựa Béka, tôi có nghe ông độc tấu Tây Thi Hơi Quảng đàn Kìm trên dây Bắc Oán.
Từ năm 1928, ông luôn luôn là tay đàn Kìm chánh cho nhiều gánh hát Cải lương như: Văn Hí Ban, Võ Hí Ban, Phước Cương, Trần Đắt, Hồng Nhựt, Thanh Niên, Phụng Hảo, đàn thu rất nhiều dĩa nhựa như Béka, Pathé, Asia, Hoành sơn, Hồng Hoa, Việt Hải, Tri âm, Kim Khánh…. Tuồng hát nào mà Cô Bảy Phùng Há có vai, thì đàn Kìm nhứt định phải là Sáu Tửng, Cô mới chịu, y hệt như ca sĩ Thành Công, ca thì phải có Hai Long đệm đàn Guitare-mando.
Thập niên 1940, ông ra Bắc dạy đàn Kìm.
Năm 1955, ông Ba Quan (Chủ tiệm hột xoàn Ba Quan Chợ cũ), mời ông, Duy Lân, Tám Thưa, Việt Hùng, Cô Tư Bé, và nhạc sĩ Nguyễn thế Huyện (Tư Huyện) (đàn Cò và Violon) sang Pháp làm dĩa nhựa mang nhãn hiệu Kim Khánh.
Năm 1960, tối ông đàn cho gánh hát, trưa quay về Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ để cùng hai nhạc sĩ Ba Dư (đàn Tranh), Chín Trích (đàn Cò) đệm cho học sinh lớp Sân Khấu ca diễn. Lối đàn Kìm và Xến của ông rất là độc đáo. Tiéng đàn phát ra nghe rất anh hùng và tự tin. Chữ đàn sắp xếp sắc sảo, câu cú tròn vành rõ nghĩa, hơi nào ra hơi nấy, tiết tấu mắc mỏ, mùi, dễ gợi cảm cho người cùng đàn. Trong hòa tấu, lối đàn rất là sôi động, ra vô, quăng bắt của ông rất là mạch lạc, tạo hào hứng cho người cùng đàn. Có những lúc đang đàn, ông đơn phương ngưng nghỉ, rồi một lát sau đó, bất thần nhào đại vô, làm cho người cùng đàn giựt mình, có khi bị rơi đàì. Mỗi lần có dịp hòa đàn với ông, tôi luôn bắt gặp nơi ông có mốt số câu đàn mới, lạ và hay. Có lần ông tâm sự với tôi: “Về đêm, sau vãn hát, mọi người lo đi ngủ, còn tôi thì sau khi kéo vài điếu (ông nghiện á phiện) tôi ôm đàn Kìm, chế ra nhửng câu đàn mới”. Cái sợ nhứt của tôi là đàn vào đêm thanh vắng, chữ đàn ma nhấn chưa chín, tai mình nghe rõ mồn một. Không như Vĩnh Bảo có cách ghi ra giấy, mổi khi sáng tác ra câu nào thì tôi ôm đàn, đàn đi đàn lại cho thật thuộc câu nấy, nếu không thì ngày mai lai quên mất. Băng Nam Bình I, qua nhửng hòa tấu: Ngũ Đối Hạ, Lưu Thủy Trường, 6 câu Vọng cổ nhịp 32 (Sáu Từng (Kìm), Chín Trích (Cò), Vĩnh Bảo (Tranh), người nghe có thể nhận thấy lối đàn độc đáo của ông Sáu Tửng.
Năm 1938 tôi có dịp đàn 20 câu vọng cổ nhịp 16 vô dĩa nhựa Béka (Năm Nghĩa (Trà Ôn) đàn Tranh, Ba Cân (Xóm Gà) đàn Kìm, tôi đàn Gáo, Cô Ba Thiệt (chị ca sĩ Năm Cần thơ) ca).
Thường khi 20 câu vọng cổ nhịp 16 gói gọn trong 2 dĩa. Mỗi mặt quy định là 3 phút (không dư một giây).
- Dĩa 1, mặt A: Rao, và câu 1, 2, 3 và 4, mặt B: câu 5, 6, 7, 8, 9, 10.
- Dĩa 2, mặt A: câu 11, 12, 13, 14, 15 câu, mặt B: 16, 17, 18, 19, 20.
Phần đông nhạc sĩ phải đàn đi đàn lại nhiều mới xong một mặt dĩa. Riêng ông Sáu Tửng, ông canh trường tống (tempo) rất chính xac. Chỉ một keo là ăn tiền. Ông sống nghèo tại hẻm Taberd (Nguyễn Du). Có lần tôi đề nghị ông để tôi nhờ bác sĩ quen thân (Bác Sĩ Phạm kim Tương) giúp ông cai á phiện. Ông đáp lại tôi bằng một câu xanh rờn: “Vĩnh Bảo phải biết, Sáu Tửng sống là để hút và đàn”. Không bao giờ tôi quên được lần cuối cùng găp ông tại nhà may Nguyễn Văn Phú ở đường d’Ormay Sài Gòn vào năm 1980. Đêm ấy có tổ chức đàn ca tận trên lầu bốn. Thính giả phần đông là cao tuổi và tri âm. Tay đờn thì có nhạc sĩ Thanh Tuyền đàn Kìm, Tư Huyện đàn Cò và violon, tôi đàn Tranh, 2 Cô Thanh Trang và Thanh Hoa ca. Sở dỉ không mời ông Sáu Tửng vì anh em ngại cho sức khỏe của ông.
Nhưng bất ngờ ông tự động đến, vạnh bên là cô ca sĩ Huệ Nhi dìu ông lên lầu. Gặp ông tôi rất mừng bởi có tay đàn ưng ý. Nhưng vì thương và lo cho sức khỏe của ông, tôi trách ông đến làm chi. Trước mặt mọi người ông nói: Dù không đựoc mời, nhưng tối cố gắng đến cốt là để nghe Vĩnh Bảo đàn. Tôi đỡ lời: Anh Sáu, anh có lạ gì với tiếng đàn của tôi? Bắt đầu đàn, ông ôm đàn Kìm rao trước, Tranh, violon cùng rao theo, cô Thanh Trang nói lối. Khi vào Vọng cổ, Ông ngưng đàn, nghẻo đầu tựa vào vành đàn, nhắm mắt nghe. Tôi thầm nghĩ rằng từ đây sẽ không còn dịp nghe tiếng đàn Sáu Tửng hay cùng hòa đàn với ông nữa. Đúng vậy, một tuần sau nghe tin ông qua đời ….
Tôi quen với ông từ năm 1930 tại Cao Lãnh. Những dịp theo gánh lên hát ở Nam vang vào năm 1935, 1936, ông đến nhà tôi gần như hằng đêm sau khi vãn hát. Giữa ông và tôi có nhiều kỷ niệm khó quên.
______________
[1] Băng Nam Bình 1 và 2 mang tên “Tiếng Đàn Tranh” do Nguyễn công Bình và Vĩnh Bảo thực hiện, phát hành vào năm 1969.Nguyễn Vĩnh Bảo
Nguồn: tvvn.org
No comments:
Post a Comment