Thursday, November 28, 2019

XẤU DÂY NHƯNG TỐT CỦ



Nguyễn Thạch Giang
 
Chiều thứ sáu mới vừa lãnh lương, tôi tắm rửa sạch sẽ mặc đồ đẹp xách xe đi... tìm vui. Cuộc đời ở xứ này vui nhứt là cuối tuần. Tôi ghé quán kiếm gì ăn dằn bụng, trước khi lao vào cuộc vui (có khi kéo dài tới sáng). Gặp chị Bạch Lê đang ngồi ăn một mình, tôi xáp lại ngồi chung tán láo cho vui.
   
Tôi quen chị Bạch Lê lâu rồi, chắc cũng hơn mười năm về trước, lúc đó chị mới vừa ly dị chồng, chị buồn đi chơi lang thang gặp tôi. Tôi với chị hạp tình hạp tánh hạp đủ thứ. Chị giống tôi ở chỗ sống hôm nào biết hôm đó, còn ngày mai... tính sau. Kiểu người mà dân ở đây nói là sống "from paycheck to paycheck". Tôi độc thân không nói làm chi, bà này có hai con vậy mà cũng "kệ", ly dị xong thằng con trai theo cha về ở với bà nội, đứa con gái theo mẹ về nhà ông bà ngoại, má chị nuôi con chị giùm, bà nói mày lông bông cái thân lo chưa xong, con nhỏ theo mày lớn lên có nước đi "móc bọc".
Chị Bạch Lê làm nail, nhà chị mấy anh em đều làm nail, má chị nói không có cái nghề nào dễ như làm nail, chỉ nội tiền tip ăn không hết. Mấy anh mấy chị của chị ai cũng có tiệm, chỉ mình chị là đi làm công. Chị làm đủ tiền xài là được rồi chớ không mong làm giàu làm có gì với ai. Chị của chị là chủ tiệm nên chị ỷ y, muốn làm thì làm muốn nghỉ thì nghỉ, vui làm, buồn... nghỉ đi chơi. Má chị nói, mày làm cho người ta chắc bị đuổi lâu rồi.
                       
Ăn xong tôi rủ chị Bạch Lê lên sòng bài chơi, mấy tuần nay tôi không có đi lên đó nên giờ thấy nhớ... ông tây bà đầm. Lúc trước tôi hay chơi xập xám bảy lá, giờ thì mê baccarat mau ăn mau thua. Chị Bạch Lê thì đánh poker 3 lá, chị mê bonus có khi hên đặt mười đồng trúng năm trăm. Đánh tới nửa đêm thì tôi với chị thua sạch túi, xui quá, lâu lắm mới tới sòng bài mà cũng còn... xui. Tôi rủ chị tới nhà anh Tình ngủ sáng về. Tôi gọi điện thoại cho anh Tình, anh okay, cửa nhà anh lúc nào cũng rộng mở. Anh sống với đứa con gái chừng mười sáu tuổi. Hai cha con ở trong căn nhà nhỏ hai phòng ngủ, vợ anh bỗng dưng mê người tình tóc vàng mắt xanh dẫn nhau đi về nơi xa lắm. Anh kể tôi nghe, anh nói anh năn nỉ chị hết lời mà chị vẫn bỏ đi... theo tiếng gọi của cái gì không biết.
Tôi mê cờ bạc, giờ thua hết tiền thấy đói bụng, anh luộc mì gói cho tôi và chị Bạch Lê ăn. Mì gói anh làm ngon hơn mì ngoài tiệm, anh để thêm chút giá, cho thêm hành, bò viên, thịt bằm, ngon hết biết. Tôi nói tôi và chị Bạch Lê ngủ trên ghế sofa, phiền anh cho mượn cái mền mỏng là được rồi. Anh hỏi hai người nằm ngủ như vậy có được không. Tôi nói được, ngủ tới sáng không hề có gì xảy ra. Chị Bạch Lê gõ đầu tôi, ai mà không biết mày là thái giám.
Thỉnh thoảng tôi cũng nằm ngủ trên ghế sofa, nhưng thường ngủ một mình, tối nay ngủ "hai mình". Hai người nằm xoay ngược đầu nhau, nghĩa là bàn chân của người này sẽ đưa ngay mặt của người kia. Mặc dù tôi không bị hôi chân, hôi mùi vớ nhưng cũng lịch sự đi rửa chân cho thơm trước khi ngủ. Tôi nhắc khéo chị Bạch Lê, chị nói chân tao thơm như vầy mà mày cũng bắt tao đi rửa.
                       
Nằm chút xíu là chị Bạch Lê ngáy khò khò, lần đầu  mới thấy đàn bà ngủ cũng ngáy. Tôi trằn trọc ngủ không được, không phải vì lạ nhà hay vì có người đàn bà nằm cạnh bên, chắc tại vì thua hết tiền, suy nghĩ không biết lấy gì xài hai tuần sắp tới đây. Anh Tình cũng khó ngủ rọ rạy suốt đêm, chút xíu là nghe anh đi vô nhà tắm, chút xíu là anh đi ra tủ lạnh rót sửa uống. Cha này già mà còn uống sửa. Đi ngang tò mò đưa mắt nhìn, chắc là hồi nào tới giờ anh chưa từng thấy trai gái nằm ngủ chung trên ghế sofa như thế này.
Buổi sáng thức dậy rủ nhau đi ăn. Anh Tình ghé vô quán "Phở 75" , tôi không chịu nói thôi mình vô quán "Phở 54" đi. Anh Tình ngạc nhiên:
- Ủa sao vậy? Lúc trước mày ca tụng quán này dữ lắm mà, mày từng làm ở đây phải không?
- Bữa trước tui đi ăn, ổng bả miệng lưỡi khen tui lúc rày thấy có vẻ bảnh bao hơn hồi đó. Tưởng sao, mình móc tiền trả ổng cũng lấy, chưa từng thấy ông chủ quán nào như cha này, ai đời, người làm cũ của mình tới ăn mà cũng thò tay lấy tiền.  
Anh Tình cười dòn không nói gì, chắc là anh nghĩ không có gì sai trái khi ông chủ cũ tính tiền ăn của người làm cũ. Chị Bạch Lê nói theo cho tôi vui. "Ừa, cha này hơi kẹo". (Tôi thích chị Bạch Lê ở chỗ đó, biết cách nói vuốt đuôi cho người ta vui). Tôi sẵn dịp kể cho anh Tình nghe chuyện trước đây có thời tôi đi làm quán phở.

Hồi đó mới qua, tui kiếm việc gì làm tạm kiếm tiền mua xe. Thấy quán phở của "ông 75" đang cần người làm, tui vô xin đại dù chưa có kinh nghiệm bưng bê. Lúc đó cũng có một thằng mới qua cở tuổi tui vô xin việc làm. Ông chủ mướn cả hai. Ổng nói tui mặt mày sáng sủa đẹp trai hơn thằng kia, cho tui đứng phía trước lấy order, thằng kia làm dưới bếp rửa chén.

Anh Tình tròn mắt, mày đẹp trai?

Thì đẹp hơn thằng đó. (Có thể nói cách khác là tui xấu ít hơn nó).
       
Mà anh có biết tại sao là "Phở 75" không. Khách nào vô cũng nghe ổng khoe cái sự tích ngày xưa ổng tới Mỹ chỉ với chiếc quần xà lỏn. Ổng nói hôm 30 tháng tư tôi đi ra bến tàu, thấy người ta chen lấn xuống tàu tìm đường di tản, tôi chẳng biết ất giáp gì thấy người ta đi, mình đi theo. Tới Mỹ không tiền bạc, không chữ nghĩa, có nghề phụ bếp quán phở nên xin vô quán phở làm. Được một thời gian học được nghề, có chút vốn hai vợ chồng nhảy ra mở quán. Người ta thì "Phở Tàu Bay", "Phở 54", "Phở 79", mình qua đây năm 75, thôi lấy tên quán là "Phở 75" làm kỷ niệm cho con cháu nhớ đời.
Người ta nói "có gan làm giàu", thiệt đúng. Vợ chồng tôi mà không liều mạng làm gan mở quán thì tôi làm sao có tiền mua xe "mẹc xơ đéc" (ở đây người ta nói mơ xí đì, cha này qua đây đã lâu mà cũng cứ còn mẹc xơ đéc. Biết mà, nhìn quán khách đông nườm nượp, ai không biết vợ chồng ông tối nào cũng chong đèn đếm tiền mệt nghỉ. Chồng thì mê xe, vợ thì mê hột xoàn. Ngồi tính tiền quán phở mà bà đeo vàng đỏ tay, lâu lâu đưa bàn tay lên ngắm hạt xoàn. Bà nói trong đời chị mê nhất là hạt xoàn, ngồi ngắm nó lấp lánh sắc màu hàng giờ không biết chán).

Rồi sao mày nghỉ làm?
 
Làm đâu được chừng ba tháng, có   thằng cha con mẹ nào khó chịu, "complain" với ông chủ là tui lấy order mà cái mặt sao mà buồn quá, không khi nào thấy nó cười.
 
Anh Tình với chị Bạch Lê cười ha hả. Ai có đi làm waiter nhà hàng thì biết, có nhiều quý ông quý bà khách hàng thượng đế thật là dễ ghét. Quán đông ồn ào, mình đứng chờ cả buổi cũng chưa lựa được món ăn, mình bỏ đi kêu lại mắng vô mặt sao không đứng chờ. Hôm nào xui xẻo, gặp ngài thượng đế như vậy mà biểu tui cười.

Rồi mày bị ổng đuổi?
 
Không, chưa đuổi, cho thằng dưới bếp lên lấy order, tui đổi chỗ của nó xuống bếp rửa chén. Làm được chừng ba tháng thì bị đuổi vì tui rửa chén sạch quá.
               
Anh Tình cười dòn, chị Bạch Lê thì hiểu tôi bị đuổi vì rửa chén lâu quá. Tôi rất ghét ai rửa chén không sạch. Tôi đã từng thấy cô người làm rửa ly trong quán cà phê, cô nàng nhúng cái ly dơ vô bồn chứa nước xà bông, cô lấy ra nhúng vô bồn nước sạch, xong, cô rửa cái ly chớp nhoáng chưa đầy một phút. Nhìn cô rửa ly mà tôi thấy ớn chè đậu. Nhưng ở nhà hàng quán ăn thì người ta cần người làm cho nhanh cho lẹ, chén bát nhìn có vẻ hơi sạch là được rồi cần chi phải sạch bóng.  Hôm cho tôi nghỉ  ông kêu tôi lên nói văn hoa, anh nghĩ là chú mày nên tìm việc gì khác mà làm, chứ cái việc rửa chén anh thấy chú mày không thích hợp. (Đâu cần phải ăn nói lịch sự quá vậy cha).
 
Kỳ lãnh lương sau tôi rủ chị Bạch Lê tới nhà anh Tình "nhậu". Tôi lãnh phần đứng bếp lo mồi. Tôi làm món lẩu bò, món này dễ nhất trên đời, hầm xương lấy nước ngọt bỏ vô nồi lẩu. Chuẩn bị thịt bò, tôm lột vỏ, cá phi lê, mực, con chém chép, rau sống xà lách, bánh trán, luộc chút bún, xong, dễ ẹc. Trong khi chờ tôi chuẩn bị bữa nhậu,  chị Bạch Lê và anh Tình ngồi hát karaoke. Chị Bạch Lê rất mê hát, hồi nhỏ chị từng mơ lớn lên làm ca sĩ. Chị nói nếu ở Việt Nam, chị sẽ đi thi hát "Solo cùng Bolero". Có lần má chị hỏi tôi có biết Bạch Lê hát cải lương hồ quảng không. Ca sĩ thì họa may tôi biết chớ nghệ sĩ hát cải lương thì tôi chịu.  Má chị nói lúc bà mang bầu coi cải lương tuồng "Bao Công xử án Quách Hoè", cô đào Bạch Lê đóng vai "Quách Hải Thọ" thiệt là hay xuất sắc. Cho nên đẻ chị ra bà đặt tên chị là Bạch Lê, mong chị sau này sẽ nổi tiếng như cô đào hát cải lương. Nhưng chị Bạch Lê không thích hát cải lương, chị thích hát tân nhạc, mà thích nhất là nhạc Bolero.
     
Ăn xong hai người kéo nhau ra hát tiếp, bỏ tôi một mình dọn dẹp. Chị Bạch Lê hát anh Tình ngồi kế bên, lâu lâu giả bộ say rượu đặt bàn tay lên đùi của chị Bạch Lê. Chị Bạch Lê miệng thì hát mắt ngó màn hình nhưng cũng biết có người đặt bàn tay lộn chỗ lên đùi của mình, chị nhẹ nhàng đẩy  bàn tay lông lá ra chỗ khác. Tôi vừa rửa chén vừa liếc nhìn trộm hai người, thấy tức cười không nhịn được hỏi anh Tình đang mơ gì đó.
Chị Bạch Lê hỏi tôi nghe chị hát có hay không, chị muốn làm một cái "cờ líp" bỏ lên YouTube cho thiên hạ lé mắt chơi.  Mình tự quay "cờ líp", tự hát, rồi tự bỏ lên YouTube kiểu như ca sĩ "Lệ Rơi" năm xưa, mình sẽ nổi tiếng mà không tốn tiền.
Tôi thấy nhan sắc của chị Bạch Lê chỉ trên trung bình một chút xíu, còn giọng hát thì cũng na ná như trăm ngàn giọng hát đang tràn ngập trên YouTube, tôi thành thật góp ý cùng chị.

Nếu giọng hát của mình không có gì đặc biệt nổi trội, thì phần "hình" mình làm sao cho gây được sự chú ý của thiên hạ. Chị định hát bài gì?

Chị đang thích bài "Người tình không đến"

Bài hát này thì tôi biết, đang "hot", từ ca sỉ hải ngoại cho đến ca sỉ trong nước, từ ca sỉ ngôi sao cho đến ca sỉ hát đường phố bán kẹo kéo xúm nhau hát bài này.

Chị có áo dài không?

Có một cái nhưng không có quần

Anh Tình ôm bụng cười khùng khục, chắc anh cũng biết cái vụ cô ca sĩ Mỹ mặc áo dài Việt Nam mà không mặc quần.

Bữa nay mập, cái quần mặc hỏng vừa.
 
Vậy thôi mặc váy cũng được, mình sẽ quay cảnh chị ra sân ga đón người tình mà người tình không đến. Chị buồn bã quay trở về, gió lộng thổi tung tà áo,  tui muốn bắt chước cảnh  cô đào hát bóng có tấm hình nổi tiếng  gió thổi bay tung váy.
 
Thẩm Thuý Hằng phải không?
 
Không phải, cô đào này người Mỹ  tui quên tên mất rồi, anh Tình có nhớ là ai không?
 
Anh Tình làm thinh, cha này không đọc báo, tấm hình nổi tiếng cả thế giới vậy mà cũng  không biết.

Để tăng phần "gợi cảm" chị sẽ mặc áo hơi mỏng đi trong mưa gió. Gió thổi tung tà áo và mưa sẽ làm chị... ướt.

Ướt ít ít thôi nhe, chị sợ ướt nhiều quá bỏ lên YouTube con chị thấy nó la.

Cũng khổ, đời xưa con cái sợ cha mẹ la, đời bây giờ cha mẹ sợ con la.

Tuần sau tôi và chị Bạch Lê đến nhà anh Tình để ghi hình cho cái "cờ líp" bài hát "Người tình không đến" của chị Bạch Lê. Dẫn nhau ra sân ga chờ xe lửa tới làm hậu cảnh sao thấy phiền phức quá, thôi lấy cảnh vòng vòng khu nhà anh Tình cũng được .  Đây là lần đầu làm thử coi xem sao, ghi hình bằng cái iPhone đời mới của anh Tình.  Nếu thành công, lần sau sẽ tính tiếp.
Để làm cảnh mưa tôi lấy vòi nước tưới cỏ của anh Tình tạo cảnh mưa rơi lất phất, cũng tạm ổn. Tạo cảnh gió thì dùng quạt máy để gần cho gió thổi tung tà áo. Anh Tình lom khom cầm cây quạt, tôi cầm cái phone quay qua trở lại cố gắng ghi hình sao cho thật hấp dẫn cảnh chị Bạch Lê bị gió thổi "tốc váy". Nhưng tiếc quá!  gió của cây quạt không đủ mạnh thành ra gió  thổi  mà không thổi tung được cái gì, thôi kệ,  tạm thời chấp nhận như vậy đi.
Lồng tiếng hát và đưa lên YouTube cả anh Tình và tôi không biết cách làm, cái vụ này để hỏi thăm người nào biết nhờ  họ làm dùm.

Mấy ngày sau anh Tình gọi phone cho tôi "thành thật khai báo", tối tối anh lấy cái phone mở cái "cờ líp" coi cảnh chị Bạch Lê đi trong mưa gió. Coi tới coi lui cảnh chị bị  mưa làm ướt áo, gió thổi tung váy, anh tưởng tượng hơi nhiều anh bị "dựng cột buồm". Nghe qua tôi không nhịn được bật cười khùng khục. Cha nội ơi! Tui coi phim người ta cởi tuốt tuồn tuột còn chưa thấy gì, anh chỉ mới tưởng tượng thôi mà cũng dựng đứng được cột buồm, tài thiệt.

Anh Tình bỗng mê chị Bạch Lê, anh mê chị lộ hẳn ra ngoài, người quen ai cũng biết. Chị Bạch Lê cũng biết, có lần tôi ởm ờ thử coi chị trả lời ra sao. Chị nói hai con chị đã lớn, giờ mà ngồi ôm con mọn chắc chị làm không được. Đó có phải là câu trả lời cho lời tỏ tình của anh Tình?
Tôi không chắc lắm, đôi lúc tôi cũng không hiểu rõ lắm con người của chị. Nhìn thoáng qua có thể đánh giá chị sai, ai cũng nghĩ chị là một người sống hời hợt, vui đâu trút đó, không chuyện gì ra chuyện gì. Nhưng gần gủi chị lâu ngày, sẽ thấy chị coi vậy chớ không phải vậy.
Chồng cũ của chị đã có vợ khác, cô vợ trẻ đẹp có tài làm business, hai vợ chồng có một tiệm liquor thấy cũng lớn. Hôm ông bà ăn tân gia mừng nhà mới, chị rủ tôi đi theo chơi cho vui, sẵn dịp coi mắt ổng. Lúc về tôi thấy chị có vẻ buồn buồn, tôi giả bộ chọc quê nói chồng cũ của chị mời chị tới để chị thấy tiếc rẻ là đã bỏ ổng.
Chị Bạch Lê nhìn tôi cười mĩm.
"Chị không bao giờ hối tiếc là mình đã buông tay một người nào đó"
Chị Bạch Lê bắt chước người ta nói một câu kiểu cọ, nhưng tôi hiểu thấm thía hai chữ "buông tay".

Tôi thấy anh Tình ngày càng "Tương tư nàng ca sĩ" càng lậm. Tôi nghĩ kiểu người như chị Bạch Lê đâu có hợp với anh. Tôi nói gần nói xa, lấy chị anh sẽ nhức đầu dài dài. Anh Tình trầm ngâm nói anh chấp nhận nhức đầu. Nghe anh nói cũng tội.
Bả chê anh xấu. Xấu banh nhà.
(Nhan sắc của anh Tình như vậy mà chị chê xấu... xấu banh nhà, cái nhan sắc của tôi, không biết nó xấu... banh cái gì đây).
Anh Tình bước đến kính soi gương.
Anh như vầy cũng đâu đến nổi xấu lắm. Bả chê tao xấu thì mày nói tao tuy xấu nhưng là người lương thiện, chăm chỉ làm ăn thương vợ thương con và nhứt là không mang tiếng tứ đổ tường.
Mấy cái đó thì chỉ biết
Thì mày lựa lời nói tốt cho tao
Tui nói anh tuy xấu dây nhưng tốt củ.

Anh Tình khoái chí bật cười khùng khục.

Chị Bạch Lê nghe tôi nói anh Tình tuy bề ngoài xấu xí nhưng bên trong cũng  có cái tốt... tốt không ngờ. Chị cười khùng khục. Không biết có phải vì vậy hay không mà chị không còn ngó lơ lời tỏ tình của anh Tình nữa. Một hôm anh Tình khoái chí điện thoại cho tôi biết là chị Bạch Lê không còn hất tay anh ra khi anh vô tình để lên đùi chị.

Tôi có việc đi xa khoảng một tháng, chừng trở về nghe tin chị Bạch Lê dọn về ở chung với anh Tình. Tôi gọi điện thoại chúc mừng hai ông bà. Chị nói ở chung chớ không làm đám cưới. Vậy cho dễ tính.
Tiệc ra mắt đãi trong nhà hàng buffet, chị Bạch Lê và  anh Tình mặc đẹp không thua gì cô dâu chú rể. Nhà trai nhà gái đông đủ xúm nhau chụp hình đủ kiểu. Anh Tình kéo tôi lại chụp một tấm hình làm kỷ niệm. Tôi nói thôi anh ơi, tui xấu xí không thích chụp hình. Anh nói mày đâu xấu bằng tao, xấu banh nhà. Tôi chợt nhớ lời nói chơi hôm trước, anh tuy xấu nhưng xấu dây mà tốt củ.
Tôi ôm bụng cười một mình.























Saturday, November 16, 2019

KHÁI HƯNG: CẬU ẤM LÀM VĂN CHƯƠNG


Khúc Hải Linh

Trong bát tú của Tự lực văn đoàn ngoài ba anh em ruột Nhất Linh, còn lại năm người không cùng dòng tộc. Trong số ấy có một người nhiều tuổi nhất là Khái Hưng.
Khái Hưng là con quan Tuần phủ Trần Mỹ, cử nhân Hán học, từng có thơ in trên Nam Phong, quê làng Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Cụ Tuần có 5 người vợ. Bà cả sinh được ba trai một gái. Người con trai đầu Trần Xuân là thương tá nhưng mất sớm, đã đôn Khái Hưng lên thành con trưởng trong gia đình, là anh của Trần Tiêu và Trần Thị Ngọc.
Sinh năm 1895, thuở nhỏ Khái Hưng tên là Trần Dư (Giư). Chỉ vì thích tính cách của vị tướng đời Trần là Trần Khánh Giư, nên ông tự thêm chữ Khánh làm đệm thành Trần Khánh Giư. Ông tháo rời các chữ cái trong hai chữ Khánh Giư ra, rồi ghép lại thành bút danh Khái Hưng. Hồi nhỏ ông học chữ Hán, sau mới chuyển sang học chữ Tây, trường Anbe Sarô. Lấy bằng tú tài phần một ban cổ điển, ông về Ninh Giang mở đại lý bán dầu hỏa. Đây là phố phủ chứa nhiều hình mẫu số phận con người mà sau này ông xây dựng nên cuốn tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa mang tên Thoát ly gây tiếng vang. Ông say mê thể thao, mê quần vợt, bơi ếch rất tài, thích đi bộ. Sau ra Hà Nội dạy học tại trường tư thục Thăng Long, tham gia viết cho tờ Văn học của anh em ông Dương Bá Trạc và Dương Tụ Quán. Cũng trong khoảng thời gian 1930 đến 1932, Nhất Linh từ Pháp về nước và cũng dạy tại trường này. Nhất Linh để ý tới một bài khảo luận ngắn trên báo Văn học, ký tên Bán Than, rất có cảm tình. Về sau mới biết bài ký đó là của Khái Hưng người cùng trường và là một người kín đáo, dễ mến và tin cậy. Nhất Linh cũng thấy Khái Hưng có những khả năng hiếm có về văn chương, có đủ điều kiện và thế lực ra làm quan, mà từ chối để sống cuộc sống bình thường. Nhất Linh kết bạn với Khái Hưng và mau chóng trở thành một cặp tác giả nổi tiếng.
Trong văn chương của Khái Hưng có hai phần: Văn học cổ điển và văn học Âu châu cấp tiến. Vốn là người học hành căn bản lại từng trải cho nên văn ông vừa bao quát không khí mới mẻ, lại vẫn giữ được nét truyền thống phương Đông trữ tình lãng mạn.
Khái Hưng lấy vợ là con gái vị Thượng thư, từng đậu cử nhân triều Nguyễn, từng là Tổng đốc Bắc Ninh. Bà tên là Lê Thị Hòa, biệt hiệu Nhã Khanh. Ngày vu quy, nhà gái còn cho vợ chồng Khái Hưng hơn 50 mẫu ruộng ở miền Quế Phương, chợ Cồn – Nam Định để làm vốn. Con nhà quan, lại thông thạo Hán văn, viết chữ nho rất đẹp, bà tâm đầu ý hợp với chồng, thường đàm đạo văn chương. Khi sáng tác nếu có chương đoạn nào viết về các bà phái thượng lưu, Khái Hưng thường hỏi thêm ý kiến vợ cho cẩn thận. Có lần Khái Hưng viết truyện Bông cúc huyền có đoạn “đôi ủng đan bằng kim tuyến” bị vợ chê là sai, bởi kim tuyến không thể đan được, phải sửa. Vợ chồng sống với nhau thuận hòa, rất thương yêu như vậy nhưng Khái Hưng không có con. Nhất Linh đã cho người con trai của mình là Nguyễn Tường Triệu làm con nuôi Khái Hưng, và sau này đổi tên là Trần Khánh Triệu. Vì thế, Khái Hưng được con gọi là “papa tòa báo” để phân biệt với “cậu Nhà Bè” là Nhất Linh, cha đẻ…
Văn chương Khái Hưng chủ yếu là tiểu thuyết, mà ái tình là đề tài chính. Hầu như tác phẩm của ông thường xoáy vào chủ đề: đề cao tình yêu tự do, chống lễ giáo phong kiến, một phần cải cách xã hội. 
Nói như Vũ Ngọc Phan thì Khái Hưng là văn sĩ của thanh niên Việt Nam, cũng như Alfed de Musset là thi sĩ của thanh niên Pháp thuở xưa.
Khái Hưng rất hiểu tâm lý phụ nữ, cả tuổi trẻ và tuổi già. Trong truyện của ông phần kết bao giờ cũng gây cảm giác bâng khuâng, man mác cho bạn đọc. Vũ Ngọc Phan nhận xét: Khái Hưng viết truyện ngắn tuyệt hay, linh hoạt và cảm người ta hơn là truyện dài. Vì nó vui tươi và rộng mở. Khái Hưng quan sát tinh tế và dùng ngòi bút tài tình. Truyện ngắn Khái Hưng có một đặc biệt là ông tìm ra ý nghĩa của mọi việc trên đời, dùng ngôn ngữ giản dị trong sáng ghi lại, làm cho người ta cảm nhận chứ không gò ép cám dỗ người ta bằng lý trí.
Là một người từng trải, tài hoa, Khái Hưng viết đủ các thể loại, mà đều gây ấn tượng. Là một người thông minh, nhạy cảm, Khái Hưng từng làm cho mọi người bất ngờ. Năm 1933, một lần cùng anh em tòa báo đi lễ chùa ở Bắc Ninh, Khái Hưng đã xúc động trước con người và phong cách, để rồi ít lâu sau ông cho ra đời tiểu thuyết, hay còn gọi là một bản tình trường thật độc đáo: Hồn bướm mơ tiên. Đây là tác phẩm đầu tay của Khái Hưng, cũng là tác phẩm đầu tiên của Tự lực văn đoàn. Câu chuyện tình xảy ra ở chốn chùa chiền, đã cuốn hút thanh niên vào tình ái lý tưởng, với đủ tâm trạng, cung bậc.
Khái Hưng là nhà văn của thanh niên trí thức thành thị. Mọi góc cạnh cuộc đời, mọi tình huống đời sống đều thành tác phẩm. Nửa chừng xuân là chuyện về con người và gia đình bị kẹp vào luân lý, lễ giáo, nên tình yêu giữa Lộc và Mai phải lìa nhau. Gánh hàng hoa là tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp ngây thơ, hết lòng yêu chồng của cô gái quê trẻ đẹp tên Liên nhưng lại chịu nhiều bất hạnh. Đời mưa gió lại là một câu chuyện tình rùng rợn giữa anh giáo Chương và cô gái giang hồ tên Tuyết. Trống mái kể chuyện yêu đương giữa Hiền cô gái Hà thành và chàng Vọi thanh niên ngư dân. Mỗi người có vẻ đẹp riêng bù đắp cho nhau cùng tận hưởng những giờ phút tuyệt vời giữa thiên nhiên phóng khoáng.
Khái Hưng có cái nhìn cuộc đời đầy khám phá, tìm tòi sáng tạo. Chỉ một lần đi thăm cảnh một ngôi chùa, có những ngôi tháp cổ kính đầy huyền bí, vậy mà sau đó ông đã tạo ra bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết lịch sử Tiêu Sơn tráng sĩ, gồm 50 chương, có 81 nhân vật với một không gian rộng dài, đồ sộ. Ban đầu cuốn sách được đăng tải từng kỳ trên báo Phong hóa năm 1934, rồi in thành sách năm 1935, từng gây bao tranh luận, tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu văn học sử một thời…
Tuy là con quan, nhưng ngay từ tấm bé Khái Hưng đã phải chịu cảnh hành hạ của bà dì ghẻ khắc ghiệt, nên để lại trong ký ức ông những nỗi xót xa. Từ vốn sống ấy về sau ông viết nên hai cuốn tiểu thuyết Thoát ly và Thừa tự…
Thực vậy, Thoát ly là tấn bi kịch chuyện gì ghẻ con chồng trong những gia đình phong kiến.
Thoát ly được lấy bối cảnh từ phố phủ Ninh Giang, thời Khái Hưng còn làm đại lý dầu hoả. Ngày ấy phố phủ có nhiều hạng người: Quan thì có quan Phủ, quan Đốc, quan Chủ, quan Huấn và quan Phán đầu tòa. Kế đến xã hội mô phạm của các nhà giáo, bọn tổ tôm một đồng, xã hội trưởng phố rất hách dịch đối với những nhà buôn nhỏ và quá lễ phép nhiều khi khúm núm nữa đối với những bề trên. ấy là chưa kể một xã hội khách trọ tả pí lù, chiếm đến một phần tư dân số… và xã hội tài xế, khách hàng rất trung thành và rất hào phóng.
Chính ở cái phố phủ ấy, đội xếp có thể tự do tung hoành cùng quản phố bắt giải lên phủ bất cứ người nữ sinh nào đang đêm nói chuyện với nhân tình trong sân trường. Hồng mồ côi mẹ khi 6 tuổi, và từ khi là thiếu nữ cô đã bị cha lạnh lùng, dì ghẻ cay độc đay nghiến. Hai con người ấy về hùa với nhau để ruồng rẫy đánh đập cô… Đang học trường Nữ sư phạm, Hồng bị cha và dì ghẻ gọi về Ninh Giang, bắt nhuộm răng đen và tước đoạt các nhân quyền, kể cả quyền hôn nhân. Hồng bị dì ghẻ tìm mọi cách phá đám các mối tình của cô, rồi gả ép cô cho đứa cháu của mình, đó là một tên lêu lổng và dốt nát…
Số phận con người bị đẩy dồn đến cùng đường, Hồng phải thốt lên chua xót: Làm gì cũng được, kể cả gái giang hồ, nhưng đừng ở trong gia đình có một người dì ghẻ như dì ghẻ của tôi!
Để chuyển tải nội dung Khái Hưng viết bằng kỹ thuật tinh xảo, bố cục truyện giản dị khéo léo nên rất hấp dẫn người đọc. Tình tiết truyện thưa ít, động tác nhân vật ngắn gọn. Nhân vật trong truyện thường có tác phong cử chỉ thanh thoát, lời nói hóm hỉnh duyên dáng, hoa lệ của tầng lớp trí thức. Ông không quen tả nhân vật tâm trạng căng cứng tàn ác, đen tối,  hay tả nỗi niềm bâng khuâng êm dịu thầm kín… Văn ông có chất thơ, giàu trí tưởng tượng, bay bướm, có hình ảnh nhạc điệu, hợp với truyện tâm lý. Có nhiều trang viết đẹp như tranh, tươi mát cảnh làng quê Việt Nam, ví như truyện Gia đình, có đoạn tả thế này: Những cây cau thân thẳng và mảnh toả từng buồng hoa vàng xuống một mùi thơm phảng phất, thanh thanh của hoa chè: hai hương vị của nơi thôn dã.
TrongTrống mái, là những câu văn chứa chất hội họa: Mặt trời vừa mọc và ẩn sau đám mây tím trái ngang trên làn nước đủ màu, từ màu lam sẫm, lam nhạt ngoài xa cho đến các màu hồng, màu vàng ở gần bờ. Trên nền trời sắc da cam chói lọi, những vạch đỏ thẫm xòe ra như bộ nan quạt là bằng ngọc lựu…
Là một trong những người sáng lập Tự lực văn đoàn, cũng là một trong những cây bút chính của nhóm, ông viết cho tờ Phong hóa, Ngày nay, thường giữ mục Câu chuyện hàng tuần. Thời kỳ đầu, Tự lực văn đoàn có 6 người, Khái Hưng đã giới thiệu người em là Trần Tiêu, giáo viên trường huyện, đang viết tiểu thuyết Con trâu gia nhập, được anh em trong đoàn nhất trí thành Thất tinh – 7 ngôi sao.
Về sau theo đề nghị của Nhất Linh, kết nạp thêm Xuân Diệu thành bát tú. Vậy là trong bát tú ấy, có ba anh em nhà Nhất Linh, và hai anh em Khái Hưng.
Theo Trần Khánh Triệu (Nguyễn Tường Triệu) kể, thì Khái Hưng thường viết văn sáng sớm, hoặc về khuya. Nếu trời lạnh, ông xếp bằng trên ghế mây, trước hết gây cảm hứng bằng cách ngâm nga vài câu chèo cổ hay trống quân, rồi nhả khói thuốc thành vòng tròn trên trần nhà. Khái Hưng dùng bút máy ngòi vàng loại Watermann, giấy dùng pelure dày để sáng tác. Khái Hưng yêu con vật nhưng lại thích mèo, ghét chó, vì ông cho rằng chó là loài nịnh bợ, bị đá vào mồm mà nó vẫn ve vẩy đuôi, hí hởn, lè lưỡi liếm ngoen ngoét. Còn mèo thái độ dứt khoát, ai yêu nó, nó âu yếm, ai trêu nó, nó cào hoặc gầm gừ.
Có thể nói trong Tự lực văn đoàn, Khái Hưng là nhà văn viết nhiều nhất. Tính từ năm 1934 đến 1942, ông đã xuất bản trên hai mươi cuốn sách, gồm 12 truyện dài, 5 truyện ngắn, 3 vở kịch, 4 tập truyện thiếu nhi. Ngoài ra viết chung với Nhất Linh ba tiểu thuyết nổi tiếng: Anh phải sống, Gánh hàng hoa, Đời mưa gió, đã làm cho tên tuổi ông sáng lên và chiếm được tình cảm của bạn đọc, nhất là bạn đọc thanh niên. Tú Mỡ kể rằng, khi viết chung Đời mưa gió, hai người thường gặp nhau vào tối thứ bảy tại tòa soạn – số 80 phố Quán Thánh. Họ bàn nhau xem số này cho Chương và Tuyết làm gì, gặp nhau ở đâu. Rồi phân công thay nhau chấp bút cho kịp bài lên mặt báo. Tiểu thuyết Đời mưa gió đăng dần trên báo Phong hóa trước, sau mới in thành sách.
Khái Hưng còn là một dịch giả rất lão luyện. Bài Tình tuyệt vọng ông dịch từ thơ của Félex Arvers rất nổi tiếng:
Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay.
Mấy chục năm qua, đã có biết bao bài nghiên cứu về văn chương Khái Hưng. Chỉ một cuốn sách “Khái Hưng nhà tiểu thuyết xuất sắc” có tới ba chục bài viết của gần ba chục tác giả: Vũ Ngọc Phan, Trần Khánh Triệu, Dương Nghiễm Mậu, Hồ Hữu Tường, Vu Gia, Nguyễn Vỹ… nghiên cứu đánh giá.
Vu Gia trong bài: Khái Hưng- nhà tiểu thuyết xuất sắc, cho rằng kết cấu tiểu thuyết của ông đạt đến mức điêu luyện tinh vi.
Trương Chính trong Dưới mắt tôi, ca ngợi Khái Hưng có lối văn giản dị thanh tao, bóng bẩy nhưng trong sáng, nhịp nhàng nhưng không mất vẻ tự nhiên. Nhiều câu văn phảng phất âm điệu thơm tho, thấm vào hồn ta như mùi hương đượm… Ông có thể thu một cảnh bằng vài nét đơn sơ, nhưng mềm mại, nhưng trong trẻo và tình tứ. Ông kết tinh được cả cái hồn thơ man mác bao trùm cảnh vật và ghi được màu sắc rất hay biến đổi bằng một ngòi bút điêu luyện… Vào hồi 1933 một quyển như Hồn bướm mơ tiên là một hòn châu báu. (Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 24 B- NXB KHXH – 1997)
Còn đây: Với Khái Hưng, đó là một nhà tiểu thuyết có biệt tài, và người ta có thể gọi ông là nhà văn của thanh niên. ông rất am hiểu tính tình tuổi trẻ. Phần đồng thanh niên trí thức việt Nam là những độc giả trung thành của ông và phụ nữ chiếm số đông nhất (Nhà văn hiện đại, tập 2 – NXB KHXH, 1989).
Có lẽ ít người biết Khái Hưng từng tham dự Đại hội văn hóa cứu quốc (tháng 10/1946 – KHL chú). Sự việc này đã đăng trên báo Tiền phong số 22: Khi thấy Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi bắt tay Khái Hưng đến dự thính Đại hội văn hóa cứu quốc thì có đồng chí sung sướng đến rơi nước mắt và viết “Trong cử chỉ ấy, phải nhận là có một chút huyênh hoang của cả hai bên, ai cũng muốn tỏ ra mình quân tử”. Trong cuốn “Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại 1930-1945”, tác giả Vũ Đức Phúc phê phán là cái nhìn hết sức lẫn lộn.
Trong Đại chiến thế giới thứ hai, Khái Hưng tham gia hoạt động chính trị, có chân trong đảng Đại Việt dân chính, nên bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam. Ban đầu giam tại Sở Liêm phóng, sau vài ba tháng thì bị đưa đi trại An Trí ở Vụ Bản. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (tháng 3 năm 1945) mới được thả.
Ông cùng Hoàng Đạo, Nguyễn Tường Bách cho ra tờ Ngày nay kỷ nguyên mới.
Về cái chết của Khái Hưng, có nhiều nguồn nói ông mất ngày 19/12/1946. Chúng tôi đọc bài “Papa tòa báo” của Trần Khánh Triệu, con nuôi Khái Hưng mới biết rằng sau tết Đinh Hợi, ông còn về với gia đình: “Rồi tết qua đi trong chán nản, kinh hoàng. Sau tết một thời gian tàu Pháp chạy dọc theo sông Hông bắn phá dữ dội, trong làng đang rục rịch tản cư thì bất chợt papa trở về…”. Qua đoạn hồi ký này có thể khẳng định, tài liệu viết Khải Hưng mất tại huyện Xuân Trường, Nam Định ngày 19/12/1946 là không chính xác.
Người đời sau chẳng ai nhớ có một cậu ấm Trần Dư, con quan tuần phủ, nhưng người ta ghi mãi trong lòng một nhà văn Khái Hưng.
Khúc Hải Linh
Nguồn: Tạp chí Cửa Biển

CÁC TÁC PHẨM CỦA KHÁI HƯNG
Tiểu thuyết:
  • Hồn bướm mơ tiên (1933) – Link mua sách: http://www.hangcao.info/san-pham/hon-buom-mo-tien/
  • Đời mưa gió (cùng Nhất Linh, 1933)
  • Nửa chừng xuân (1934)
  • Gánh hàng hoa (cùng Nhất Linh, 1934)
  • Trống mái (1936)
  • Gia đình (1936)
  • Tiêu sơn tráng sĩ (1937)
  • Thoát ly (1938)
  • Hạnh (1938)
  • Đẹp (1940)
  • Thanh Đức (1942)
  • Băn khoăn
Truyện ngắn:


  • Anh phải sống (cùng Nhất Linh, 1934)
  • Tiếng suối reo (1935)
  • Đợi chờ (1940)
  • Cái ve (1944)
(Trích từ Book Hunter)  

Thursday, October 31, 2019

Bố, Và Mẹ, Và Phở


Khôi An 
Bố, Và Mẹ, Và Phở – Khôi An

Tiệm phở Kim Long, 2 giờ chiều thứ Bảy, khá thoải mái. Không có khách đứng chờ đầy trước cửa, không có người ngồi san sát, ăn uống rộn ràng, và không có cái huyên náo chóng mặt của những giờ ăn trưa.
Vắt chanh vào tô phở đang bốc khói, tôi chợt nhớ là đã lâu lắm tôi mới trở lại đây.
Thời mới lớn ở Sài Gòn, tôi được dạy rằng con gái không nên đi ăn tiệm một mình, và ý nghĩ đó đã theo tôi một thời gian dài… Sau ba mươi năm sống, làm việc ở Mỹ, và đi nhiều nơi trên thế giới, tôi đã học được sự dạn dĩ và tự tin của người Tây phương. Tôi nghiệm ra rằng, có những điều tôi coi là “chân lý” khi xưa thật ra chỉ là những ràng buộc hay quan niệm lỗi thời, nhất là những “luật lệ” dành cho phái nữ.
Cho nên, hôm nay khi đi ngang quán, nhớ ra rằng từ sáng tới giờ mình đã làm xong nhiều việc trừ việc tiếp năng lượng cho cơ thể, tôi chỉ ngần ngại vài phút, rồi ghé vào.
Nhưng, khi tô phở bưng ra, tôi bỗng thấy thiếu thốn quá. Bởi vì chỉ có mình tôi ngồi đây…
*
Bố tôi thích văn chương, và thích ăn phở. Tôi thừa hưởng của Bố cả hai điểm này. Tôi nghe nói có nhiều người ghiền phở, có thể ăn phở thay cơm cả tuần lễ. Bố và tôi thì không tới “đẳng cấp” đó, nhưng nếu phải ăn phở liên tiếp mấy ngày chắc tôi sẽ không thấy khổ sở, khó khăn gì lắm.
Mẹ tôi thì lại không thích phở. Thời tôi bắt đầu biết nghĩ, cũng là lúc cả nước chìm trong cơn họa đói kém, tôi thường tự hỏi có phải Mẹ tôi nói vậy để nhường miếng ăn cho chồng con không (thưở đó, hầu hết các bà mẹ Việt Nam đều chẳng thích ăn gì cả.) Chứ – theo tôi, ai mà không thích ăn phở!
Từ mấy chục năm trước, nhà văn Thạch Lam đã viết rằng thưởng thức phở ngon là “một nghệ thuật đáng kính”. Nhưng, viết để ca tụng phở, để đưa phở lên ngôi thì chắc không ai vượt được nhà văn Vũ Bằng.
Đối với ông Vũ, tô phở vừa là một bức tranh lộng lẫy “Một nhúm bánh phở; một ít hành hoa thái nhỏ, điểm mấy ngọn rau thơm xanh biêng biếc; mấy nhát gừng màu vàng thái mướt như tơ; mấy miếng ớt mỏng vừa đỏ màu hoa hiên vừa đỏ sẫm như hoa lựu… ba bốn thứ màu sắc đó cho ta cái cảm giác được ngắm một bức họa lập thể…” Vừa là một kết hợp tuyệt diệu của hương và vị “Nước dùng nóng lắm đấy, nóng bỏng rẫy lên, nhưng ăn phở có như thế mới ngon. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái cay của hạt tiêu, cay cái cay của ớt; thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái thơm của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu cái thơm của thịt bò tươi và mềm… rồi thì hòa hợp tất cả những vị đó lại, nước dùng ngọt cứ lừ đi, ngọt một cách hiền lành, êm dịu, ngọt một cách thành thực, thiên nhiên, không có chất gì là hóa học…..” (*)
Khi đọc rằng mùi phở có “sức huyền bí quyến rũ”, tôi hết sức đồng ý với ông Vũ. Nhưng khác với năm 1952 thời mà ông nói rằng người giàu hay nghèo đều có thể thưởng thức phở, trong những năm cuối thập niên bảy mươi và đầu tám mươi, phở đã trở thành món ăn rất xa xỉ và xa vời đối với rất nhiều người Việt.
Sau chiến tranh, chính quyền Hà Nội vơ vét tài nguyên cả nước để trả nợ cho các nước đàn anh, Việt Nam bị Hoa Kỳ cấm vận, và chính sách “hợp tác xã” ngu dốt, bất công làm cho nông dân không muốn sản xuất. Ba vấn đề dồn dập đã xô cả nước vào cảnh đói, nhất là ở những thành phố nơi thực phẩm không tới được như Sài gòn. Gia đình tôi còn thuộc một “giai cấp” được liệt kê rõ trong câu thành ngữ mới “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo: nhà nghèo”, cho nên thiếu thốn là chuyện đương nhiên.
Thời đó, Sài gòn xác xơ. Những con đường đông vui, nhộn nhịp ngày trước chỉ còn lại vài hàng quán lèo tèo, ngơ ngác. Nhưng ở đầu đường nhà tôi vẫn còn một xe phở, người trong xóm gọi là phở chú Lưu.
Xe phở trông đặc biệt quyến rũ vào buổi tối. Có lẽ, ngọn đèn néon treo lơ lửng trước quầy đem lại chút ấm áp cho góc phố buồn hiu. Có lẽ, ánh sáng của ngọn đèn và cái tối ở chung quanh càng làm cho chiếc tủ kính nhỏ thêm rực rỡ, nổi bật miếng thịt bò tái đỏ óng, và những cục bò viên nâu hồng, mũm mĩm.
Thời đó, ở nhà tôi chỉ có ai bị đau nặng mới được ăn phở. Những lúc đó tôi thường tình nguyện đi mua, để được ngắm chú Lưu làm phở. Chú lật tấm lá chuối xanh nõn che trên rổ bánh phở, hé ra những sợi phở to bản, trắng mươn mướt. Bốc một nhúm bánh bỏ vào cái rổ có cán dài. Múa tay nhúng rổ vào nồi nước đang sôi. Đảo qua, đảo lại, rồi nhấc lên, xóc xóc mấy cái. Đập đập vào thành nồi cho ráo rồi đổ bánh vào tô. Nhón hai lát thịt chín nâu nhạt xếp lên trên. Nhẹ tay nâng cục thịt tái ra khỏi tủ kính, lia dao thái vài miếng mỏng tanh bày bên cạnh. Rải lên mặt tô ít hành hoa xanh biếc. Lật nắp thùng nước lèo. Một làn khói bay lên, tỏa mùi hồi, quế, xương bò mùi hương phở – nồng ấm, quyến rũ. Một tay cầm tô, một tay cầm cái muôi lớn, khoát nhẹ cho những sao mỡ vàng óng chạy dạt ra. Múc một muôi nước, đảo tay đúng một vòng, nước chan vào tô vừa hết… Từng bước, chính xác, nhịp nhàng, Tác Phẩm Phở được hoàn thành bằng đôi tay dẻo như múa của chú Lưu trước sự say sưa theo dõi của tôi.
Bây giờ, đôi khi mấy đứa con tôi bỏ phí thức ăn, tôi vẫn nhắc “Hồi nhỏ, chỉ khi nào Mẹ hay các cô bị đau dữ lắm mới được ăn phở…” Mà, tội nghiệp, lúc mạnh khỏe thì thèm chứ lúc đau ốm, đắng miệng, ăn đâu thấy ngon. Húp vài muỗng, nhăn mặt, đẩy qua một bên. Tô phở được đậy lại, để dành cho người ốm, từ sáng tới chiều.
Niềm vui chính của tôi lúc đó là quanh quẩn trên căn gác nhỏ đầy sách của Bố, tha thẩn thăm viếng từ quyển này sang quyển khác. Có những đêm đã khuya, Bố lên gác gặp tôi vẫn đang ngồi ở đó. Bố rót cho tôi một ly trà làm bằng một công thức lá, hạt do ông tự nghiên cứu, ngâm nước sôi trong lon Guigoz. Ấp hai tay hai bên ly trà nóng, tôi ngồi xếp bằng bên cạnh Bố, thưởng thức cái ấm áp, gần gũi giữa hai Bố con trong đêm im vắng.
Tôi yêu cái hạnh phúc thinh lặng, nhẹ nhàng. Ở bên nhau, không nói hay làm điều gì quan trọng nhưng lòng rung lên một niềm trìu mến. Những khoảnh khắc như thế lưu lại trong tôi rất lâu, êm đềm và sâu lắng. Vì thế, tôi thích theo Bố đi dạo phố. Hai Bố con đi lòng vòng, có khi ghé vào tiệm sách, đứng đọc một lúc rồi về. Chỉ có thế, nhưng tôi thấy vui vẻ, bình an khi đi bên Bố trong đám đông người.
Hồi đó, trong cảnh đói khổ, chứng kiến biết bao nhiêu điều nát lòng ở chung quanh, tôi nghĩ rằng mình còn có cái lót dạ dày là may mắn rồi. “Miếng ăn là miếng tồi tàn”, tôi hiểu và nhớ lời cha mẹ dạy. Tôi không than phiền khi đói và không tỏ ra thèm thuồng món gì. Ít ra, là tôi nghĩ như thế.
Nhưng, có lẽ vì Bố là Bố của tôi nên ông biết tôi rõ hơn. 
Một buổi tối, Bố dắt tôi đi ra phố. Đến đầu đường, ông dừng lại, bảo tôi “Con ăn phở nhé.” Tôi ngạc nhiên, tròn mắt nhìn Bố. Hôm đó tôi không bị đau, cũng không làm được điều gì đặc biệt. Phải mất cả mấy phút tôi mới hiểu là Bố muốn tôi được ăn phở, chỉ vậy thôi.
Bố gọi cho tôi một tô phở tái có cả bò viên, món mà tôi rất thích. Và ông ngồi bên cạnh, chờ tôi ăn. Được thuởng thức cả một tô phở dĩ nhiên là sung sướng, nhưng điều lạ là tới giờ tôi không còn nhớ hương vị tô phở đó mê ly cỡ nào. Tôi chỉ nhớ cảm giác thật hạnh phúc và đặc biệt, giống như tôi là vô cùng quan trọng đối với Bố, giống như tôi là con cưng nhất của Bố.
*
Bây giờ – mấy chục năm sau, tôi đã hiểu rằng ngày đó Bố không có đủ tiền để đãi cả sáu đứa con cùng một lúc. Tôi đoán rằng Bố đã lặng lẽ để dành tiền, đến khi vừa đủ, Bố dắt một đứa đi ăn. Có thể không phải đứa nào cũng ăn phở. Có lẽ Bố chọn cho mỗi đứa một món. Vì, Bố biết tính các con của Bố.
Khi Bố Mẹ tôi qua Mỹ đoàn tụ, tôi đã có thể mời Bố Mẹ đi ăn nhiều món ngon ở vùng Bắc Cali. Dần dần, tôi đã tin rằng Mẹ tôi thật sự không thích phở (bà chỉ thích ăn ngọt, thí dụ như các loại chè và đậu hũ nước đường có nhiều gừng.) Và Mẹ tôi cũng thật sự không thích đi ăn tiệm, cho nên chúng tôi chỉ đem các món đến nhà biếu Mẹ. Chỉ có Bố là thích đi ăn tiệm với chúng tôi. Và trong các tiệm phở, Bố thích nhất là phở Kim Long.
Cách đây khoảng sáu năm, Bố tôi bắt đầu bị lẫn. Dấu hiệu đầu tiên là Bố không phản đối gì khi tôi và cô em kế hè nhau dọn phòng Bố, vất hết báo cũ mà Bố sưu tập, chất đống dưới sàn. Hôm đó, tôi cũng hơi lấy làm lạ, nhưng chỉ nghĩ Bố không còn quan tâm tới sách báo nhiều nữa vì đã lớn tuổi rồi. (Sau đó, tôi mới học được rằng khi một người bỗng dưng đổi tính nết rõ rệt, từ nhiều cá tính sang quá dễ dàng hay ngược lại, thì rất có thể là óc có vấn đề.) Lúc đó, tôi không ngờ rằng khi tôi hí hửng “giải tỏa” đống báo cũ cũng là lúc sự minh mẫn của Bố đang bị tuổi già lấy đi. Giống như những tờ báo tôi đã vất ra khỏi nhà, sự minh mẫn đó không bao giờ trở lại.
Hình chụp quang tuyến cho thấy trong đầu Bố có nước, nhưng bác sĩ không thể xác nhận đó là nguyên nhân cho sự suy yếu của não bộ hay vì bệnh Alzheimer. Bệnh Alzheimer thì không chữa được, khoang não có nước thì có thể giải phẫu nhưng kết quả không chắc chắn. Hơn nữa, ở tuổi của Bố tôi, giải phẫu óc là một mạo hiểm quá lớn. Cho nên, chúng tôi chỉ biết theo dõi những thay đổi trong đầu óc Bố, đến từng bước, từ từ, lạnh lùng.
Thời gian đầu, Bố có một tính mới là rất thích đi xe hơi. Nhìn thấy xe hơi của bất cứ ai là ông muốn leo lên và khi lên rồi thì không chịu xuống. Vì thế, mỗi cuối tuần tôi đều lại chở Bố đi xe hơi cho thỏa thích. Tôi chở Bố đi chợ, đi công viên, và dĩ nhiên đi ăn phở.
Lúc đầu, hai Bố con mỗi người một tô. Dần dần, Bố ăn uống không được gọn gàng như trước cho nên tôi không ăn, chỉ ngồi canh Bố. Những lúc đó tôi thường nhớ lại tô phở duy nhất đi ăn riêng với Bố. Ngày xưa, Bố ngồi bên cạnh, vui vẻ chờ tôi ăn. Ngày nay, tôi cũng ngồi chờ Bố ăn nhưng trong lòng man mác nghẹn ngào. Tôi nghĩ đến chu kỳ của đời người. Bệnh tật làm cho người già trở thành trẻ thơ, nhưng chăm sóc người già khó hơn rất nhiều. Bởi vì, khi ở bên trẻ thơ, nhìn chúng lớn như một cây non tươi đẹp, lòng mình hăng hái với những dự tính tương lai. Ngược lại, sự lụi tàn của cha mẹ già luôn đem lại nhiều xót xa, tiếc nuối.
Tuy vậy, mỗi lần đi ăn với Bố, tôi đều tự nhắc rằng ngày hôm nay là một món quà của thời gian, và tôi nên trân trọng từng giây phút. Bởi vì, ở tình trạng của Bố, có thể tuần sau món quà đó không đến nữa.
Điều tôi nghĩ đã thành sự thật. Những buổi đi chơi đơn giản đó đã chấm dứt khoảng hơn sáu tháng nay. Tôi vẫn đến thăm Bố cuối tuần, nhưng gần đây Bố không còn thích đi đâu và ông không còn tự ăn được nữa.
Cho nên, đã lâu lắm, tôi mới trở lại tiệm Kim Long. Chỉ một mình.
*
Rồi ký ức tôi lại lang thang về với một bữa ăn mới gần đây…
Mùa lễ Giáng Sinh năm ngoái, tôi ghé phòng nội trú của con trai, giúp cháu dọn đồ về nhà giữa hai khóa học. Hai cậu bạn ở chung phòng đã lên máy bay từ sớm, để lại căn phòng như thành phố sau cơn bão. Bản năng Mẹ nổi lên, tôi nhất định dọn dẹp trước khi rời phòng. 
Khi căn phòng trở nên sạch sẽ thì cũng đã tới giờ ăn chiều. “Hay là con dắt mẹ vô cafeteria – chỗ con thường ăn, để mẹ thử cho biết?” Vừa nói tôi vừa mỉm cười tựa như đang nói giỡn. Bởi vì, tôi muốn dọn đường cho con không thấy khó xử, nếu nó muốn từ chối. Tôi đọc rằng con nít bên Mỹ vừa mới lớn đã không muốn đi chung với cha mẹ, sợ bạn bè nghĩ là mình không “ngon lành”, không “cool”. Tôi nghe nói con trai càng không thích đi với mẹ, bởi vì, trong mắt bạn bè, hình ảnh đó rất “con nít”, rất không “tạo ấn tượng”, nói chung là rất “nhà quê”.
Vì vậy, tôi cảm thấy vui và hơi ngạc nhiên khi con trai tôi gật đầu không chút ngần ngại.
Cafeteria lớn và đẹp với đủ loại thức ăn được sắp xếp rất mỹ thuật. Không khí nhộn nhịp của đám sinh viên vừa xong khóa học, thoải mái và háo hức làm cho tôi thấy thật rõ cái hạnh phúc ngời ngời của những người trẻ may mắn…
Có những điều đẹp đẽ và sâu sắc đến với chúng ta một cách tình cờ trong đời.
Khi dắt tôi đi ăn, chắc Bố không nghĩ điều gì xa xôi hơn là đãi đứa con gái nhỏ một “chầu phở”. Nhưng, hành động đó không những trở thành một kỷ niệm sâu đậm mà còn cho tôi một bài học quý báu khi làm mẹ. Rằng, thỉnh thoảng chúng ta nên dành thì giờ đi chơi và trò chuyện với từng đứa con. Trong lúc đó, ta cho con tất cả sự quan tâm, chú ý, và ngược lại. Những khoảnh khắc đó sẽ trở nên những kỷ niệm rỡ ràng, sẽ đem lại một cảm xúc trìu mến, bình an, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, và sẽ tồn tại rất lâu.
Ngày hôm đó, ngồi đối diện với con ở cafeteria, tôi cảm được bài học đó thật là rõ nét. Và cũng trong lúc đó, những ký ức với Bố Mẹ bỗng dưng trở về, quấn quít với niềm vui xen lẫn chút tự hào về đứa con trai bé bỏng ngày nào nay đang trở thành người lớn. Người lớn đủ để sải những bước nhanh nhẹn và tự tin trong sân trường bên cạnh bà mẹ nhỏ bé, xuềnh xoàng trong bộ quần jean áo thun và mái tóc cột ngược lên.
Tôi biết bữa ăn với con trai sẽ được cộng thêm vào rương kỷ niệm của tôi, bên cạnh lần đi ăn phở với Bố.
Thời gian rất vô tình, cho nên điều duy nhất chúng ta có thể làm là chú ý, trân quý, và thưởng thức những cảnh đẹp, những hương thơm, những thương mến, và những nụ cười trên con đường đời mà ai cũng đi qua. Xin đừng hối hả .
Khôi An

-----
Nguồn: tvvn.org  

Tuesday, October 22, 2019

MA QUỶ TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM



Trần Minh Thương
Có thể nói ngay rằng ma, quỷ là những từ khá phổ biến trong ngôn ngữ của các dân tộc. Mặc dù vậy, để đi tìm định nghĩa cho nó không phải là việc dễ dàng. Ma quỷ thuộc thế giới tâm linh của con người, vì thế, khu biệt rõ ràng khái niệm của các từ này là điều gần như không thể.
  1. Đi tìm một khái niệm về ma, quỷ
1.1. Ma quỷ trong từ điển
Từ điển Hán Việt của Nguyễn Văn Khôn viết, ma: ma, quỷ [trang 572]; quỷ: Ma, quỷ. Nham hiểm, quỷ quyệt. Mưu hại người [trang 764].
Gần với ma, quỷ còn có tinh: loài yêu quái, quỷ thần [trang 867]
Việt Nam tự điển của nhóm Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ soạn và hiệu đính, thì ma có ba nghĩa:
Thứ nhất, ma là hồn người chết không được cúng giỗ, không nơi nương tựa, hiện ra phá quấy người sống.
Thứ hai, ma tức là ý xấu, phần vô hình trong con người giục làm bậy.
Thứ ba, dùng chỉ lễ chôn cất người chết: đám ma.
Các loại ma được tự điển liệt kê gồm: Ma gà: Thứ ma hay theo những cô gái đẹp (theo quan niệm của dân tộc Tày – Nùng)/ Ma xó: theo tục người Mường, khi có người chết, đem dựng đứng ở xó nhà, sau thành ma/ Mai lai: thứ người ban đêm hóa ma đi ăn phần người khác./ Ma men: người say chết thành ma thường hay lôi cuốn người khác say sưa tới chết/ Ma cà rồng: thứ ma thường hay nhập vào đi hút máu người khác/ Ma thần vòng: ma những người thắt cổ chết (sau giục người khác tự tử chết như họ)/ Ma trành: ma cọp dữ, thường tìm dẫn cọp bắt ăn người khác để nó được đầu thai, …
Cũng theo Việt Nam tự điển thì với tư cách danh từ quỷ là hồn kẻ tiểu nhân, kẻ dữ, hung ác, hoặc người chết oan hiện ra. Còn với chức năng tính từ thì quỷ chỉ sự tinh nghịch, sâu sắc: Mưu thần chước quỷ, …
Các loại quỷ thường được dùng trong lời ăn tiếng nói như quỷ sứ, quỷ sa tăngquỷ nhập tràng, quỷ truyền kiếp, quỷ kiếm sầu, … Tự điển Tiếng Anhthì: ma là ghost, còn quỷ là devil.
Thường thì hai chữ ma quỷ hay được dùng chung như từ kép.
Yêu là loài tinh quái, thú hay cây cối sống lâu năm biết hiện hình người và giả người để phá quấy thiên hạ.
1.2. Ma quỷ trong dân gian
Trong truyền khẩu dân gian, ma thường được miêu tả là một dạng người (hiếm khi đề cập tới ma động vật), mà thường có màu “trắng bạc”, “cái bóng lờ mờ”, “nửa trong suốt”, hay “tựa như sương mù”, “đống đen thùi lùi”, “đầu tóc bù xù, rũ rượi”, …
Ma chỉ là hình bóng, là linh hồn của người đã khuất, đúng như câu “hồn ma bóng quế”, nên khó thể xác định rõ hình dáng của nó. Thêm nữa, ma hay bay lơ lửng, chân không chấm đất, không có bóng, tới lui nhẹ nhàng như làn gió lạnh thoảng qua. Ma không có cơ thể sống như con người. Xã hội của ma theo nhiều người là “âm phủ” còn chỗ ở của ma là cái mộ (sống cái nhà thác cái mồ). Ma cũng có thể vương vất ở những nơi tăm tối, vắng vẻ nơi có liên quan đến khi họ còn sống.
Dân gian cho rằng thì chỉ có người có “duyên” với linh hồn đó mới có thể nhìn thấy ma hoặc người có khả năng đặc biệt như các nhà ngoại cảm mới “giao tiếp” được với ma quỷ.
Nhiều người cho rằng ma có khả năng biết tất cả nhưng gì người sống nghĩ, có khả năng biết được các việc đã, đang và sắp xảy ra, hoặc có khả năng tác động lên thể xác, lời nói của người sống như hiện tượng lên đồng, tác động lên cảm quan người sống như dắt người sống đi lạc vào bụi, xúi người sống ăn đất mà tưởng ăn bánh hoặc ma có thể tác động lên vật chất như tạo ra tiếng động, rung cây, xô lệch bàn ghế …
Trong dân gian Trung Quốc, ma không có bóng và không được phản chiếu lên gương. Ngoài ra, đa số ma còn sợ ánh sáng Mặt Trời và các thần thánh. Do đó người ta thường dùng các loại bùa và dấu hiệu như bát quái, thánh giá, máu chó, tỏi, củ hành, cây dâu, cây đồng đình, vôi bột, cây xương rồng … để trừ ma. Nhưng không ai giải thích được vì sao ma sợ các thứ đó mà không sợ thứ khác, …
Quỷ thuộc loại “đầu đội trời, chân đạp đất”, được hình dung gắn cho một người nào đó có tính quỷ quyệt, nham hiểm, xấu xa, vì thế quỷ … thật hơn ma và cũng chẳng khiến người ta sợ hãi bằng sợ ma!
1.3. Ma quỷ theo tôn giáo
Kinh Bát Đại Nhơn Giác có câu nói: Tồi phục tứ ma, xuất ấm giới ngục. Nói bốn loại ma đó là: Phiền não ma, ngũ ấm ma, thiên ma và tử ma. Bốn loại ma này, làm chướng ngại cho người tu hành rất lớn.
Phiền não ma là ma trong tâm của mỗi người. Chính nó là nguyên nhân gây ra cho người ta phải đau khổ triền miên. Ngũ ấm ma gồm có: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Tại sao gọi 5 thứ nầy là ma? Vì 5 thứ nầy không thật có mà người ta cố chấp cho là thật có, rồi từ đó mà tạo nghiệp thọ khổ nên gọi nó là ma. Thiên ma là loại ma vương ở cõi trời Dục giới. Chúng có khả năng biến hóa khuấy phá nhiễu loạn làm trở ngại sự tiến đạo của hành giả. Loại ma nầy, khuấy phá Phật khi Phật sắp thành đạo. Vì bọn chúng không muốn cho ai thoát khỏi ngũ dục. Chúng thấy ai tu hành tinh tấn, không còn mê đắm ngũ dục lạc thế gian, thì chúng thường hay khuấy phá. Tử ma là ma chết. Con người sau khi chết thành loài ma quái yêu tinh khuấy nhiễu làm người ta sợ hãi sanh bệnh v.v… Hoặc người đang tinh tấn tu hành, bỗng bị vô thường xảy đến bệnh hoạn hay tai nạn rồi ngã ra chết làm trở ngại dở dang sự tu hành đó cũng thuộc về tử ma.
Nói tóm lại, bốn loại ma nầy, lực dụng của chúng đều làm chướng ngại lớn trên bước đường tu tiến của hành giả, vì bọn chúng làm cho người tu hành khó được giải thoát.
Quỷ xuất phát từ tiếng Hán Gwei(鬼), dùng để gọi linh thể của những người đã chết. Theo quan điểm của người phương Đông, sau khi chết đi, linh hồn của con sẽ đầu thai chuyển thế vào kiếp khác. Nhưng vì một lý do nào đó, linh hồn không thể đầu thai mà vẫn lưu lai trên thế giới vật chất thì được gọi là quỷ.
Đạo Phật, và cả đạo Hindu, đều quan niệm rằng: mọi sinh vật qua quá trình khổ tu và tuân theo các drama (pháp) đều đạt được thần thông. Nếu theo phe thiện thì được gọi là thần, nếu là ác thì gọi quỷ. Tuy nhiên, không có sự phân biệt rõ ràng giữa thần và quỷ.Trong Phật giáo có nhắc đến một số loại quỷ: Atula, Yaksha (Dạ Xoa), La Sát… Quỷ cũng là một phần trong lục đạo luân hồi giống như người và súc vật. Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, các vị bồ tát cũng có lúc hiện thân thành Quỷ tùy theo chúng sinh cần được giáo hóa.
Trong Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, …, tiếp thu những lời dạy của nhà tiên tri Abraham, do đó khái niệm về quỷ có phần tương tự nhau: Quỷ (devil) là các thiên thần lạc lối (fallen angels). Ngày thứ 6 của tuần đầu tiên trên thế giới, một thiên thần tên là lucifer đã nổi dậy cùng 1/3 thiên thần khác để giành quyền thống trị với thượng đế. Cuộc nổi dậy đã bị đánh bại bởi các thiên thần thiện, dẫn đầu là michael. Sau đó, lucifer và số thiên thần nổi dậy đã bị đuổi khỏi thiên đàng và phải sống dưới địa ngục(hell). Lucifer trở thành vua quỷ (Satan)
1.4. Ma quỷ trong quan niệm của các nhà khoa học
Tất nhiên đây là vấn đề thuộc về chuyện “tin hay không tin”, sức hấp dẫn của nó đã được nhiều nhà khoa học, các nhà tâm lý, các nhà văn hóa, … chú ý nghiên cứu. Nhiều ý kiến luận giải đã đưa ra. Song không phải tất cả những ý kiến ấy đều đồng thuận. Trong phạm vi bài viết của mình, chúng tôi chỉ dẫn lại một số quan niệm nhằm khẳng định rằng: dù muốn nói “không có ma” thì ma vẫn có, chỉ có điều nhìn nhận nó ở góc độ nào mà thôi!
Không đề cập đến ma quỷ, nhưng qua Cơ sở văn hóa Việt Nam, viện sĩ Trần Ngọc Thêm khẳng định: “Chết tức là cơ thể chuyển từ trạng thái động trở thành tĩnh, cho nên theo triết lý âm dương thì hồn đi từ cõi Dương (Dương gian, Dương thế) sang cõi Âm (Âm ti, Âm phủ). Đó là một “thế giới bên kia. Niềm tin rằng chết là về với tổ tiên nơi chín suối (cửu tuyền), tin rằng tuy ở nơi chín suối nhưng ông bà tổ tiên vẫn thường xuyên đi về thăm nom, phù hộ cho con cháu là cơ sở hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nó có mặt ở nhiều dân tộc Đông Nam Á và là nét đặc thù của vùng văn hóa này. Ở người Việt, nó gần như trở thành một thứ tôn giáo (nhiều nơi gọi là đạo Ông Bà), ngay cả những gia đình không tin thần thánh cũng đặt bàn thờ tổ tiên ở trong nhà”.
Nguyễn Đăng Duy viết: “có phần thiêng liêng trong ý thức con người, và niềm tin tâm thức cũng là niềm tin thiêng liêng. (…). Mọi biểu tượng thiêng liêng đều chứ đựng những giá trị cao cả và giá trị thẩm mỹ. ( Văn hóa tâm linh – Nguyễn Đăng Duy, Nxb Hà Nội, 1996)
GS.TS Trần Lâm Biền – nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa truyền thống cho rằng: “Chuyện ma quỷ chỉ là do con người không thể giải thích được tại sao có ma, đó là do con người yếu vía, sợ hãi trước những “thế lực siêu nhiên”, nó không có thực nhưng được dân gian hư cấu mà ra, tức là ma quỷ chỉ do con người tưởng tượng mà ra. Nếu người có thẩm quyền, trí tuệ lên tiếng dẹp bỏ chuyện ma quỷ nói trên sẽ tự nhiên mà mất đi theo thời gian”
  1. Ma quỷ trong văn học Việt Nam
Cũng như các nền văn học, văn hóa khác trên thế giới, hiện tượng ma quỷ, yếu tố ma quỷ, nhân vật ma quỷ, hình tượng ma quỷ, … cũng xuất hiện phổ biến trong văn học Việt Nam Từ những câu chuyện, những giai thoại, thành ngữ, tục ngữ ca dao, … đến văn học thành văn với hơn 1000 năm phát triển, “ma quỷ” thường xuyên góp mặt và để lại nhiều dấu ấn trong tâm thức người đọc, người nghe, …
2.1. Ma quỷ trong văn học dân gian
2.1.1. Ma quỷ trong truyền thuyết, cổ tích, giai thoại, …
Lĩnh Nam chích quái là tập sách ghi chép lại những truyền thuyết và truyện cổ dân gian, “xuất hiện rất sớm, có lẽ từ thời Trần” (Lời giới thiệu Lĩnh Nam chích quái, Đinh Gia Khánh chủ biên, Nxb Văn học, 1990). Theo đó, một số truyện dân gian đã có hình ảnh yêu tinh ma quái. Lạc Long Quân trước khi gặp nàng Âu Cơ đã giúp dân diệt trừ Ngư tinh, Mộc tinh, Hồ tinh, … để cứu dân. Truyện Rùa Vàng, ghi nhận hình ảnh thần Kim Quy giúp An Dương Vương diệt trừ gà tinh để dựng Cổ Loa Thành.
Bên cạnh đó còn rất nhiều chuyện mang yếu tố hoang đường, kỳ bí, … nhưng nó nằm ngoài phạm vi của bài viết nên chúng tôi không đề cập ở đây.
Trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (5 tập), Nguyễn Đổng Chi dành hẳn phần IV (ông phân truyện cổ tích Việt Nam thành 10 loại) để kể truyện “Thần tiên, ma quỷ, phù phép”. Ngoài ra, khảo sát những phần khác, chúng tôi thấy, yếu tố ma quỷ vẫn xuất hiện, chẳng hạn như Người cưới ma (Ở phần IX: Tình yêu và nghĩa vụ), …; Thạch Sanh chém chằn tinhSự tích cây huyết dụ, Tinh con chuột, Cô gái với hai cục bướu, … đều thấp thoáng bóng dáng của ma quỷ, yêu tinh, … tham gia vào.
Do khuôn khổ hạn chế chúng tôi chỉ đề cập hai truyện cổ tiêu biểu:
Sự tích cây nêu ngày tết là cuộc xung đột quyết liệt giữa quỷ và người. Cuối cùng người được Phật giúp đã thắng được quỷ, đuổi chúng ra tận biển Đông. Nhân vật quỷ trong truyện gần như là hình ảnh ẩn dụ chỉ con người nham hiểm, độc ác, giàu có, tham lam, quỷ quyệt, … cuối cùng đã bị trừng trị.
Truyện Con ma báo thù, kể ngày xưa ở Gia Định có một tên cướp bị án tử hình. Hắn chạy vạy đút tiền cho quan xử án để thoát chết. Quan án tên Đặng nhận tiền rồi, nhưng không lo cho hắn. Hắn bị chém. Quan Đặng cũng tìm cách đổi về kinh đô. Hồn ma của hắn hiện lên giúp một ông Cử trong Nam ra thi Hội. Ma và người cùng lội suối trèo đèo, cốt là để hồn ma nhờ người nọ chỉ nhà quan Đặng cho nó báo thù. Hồn ma đã bắt con quan Đặng trở nên điên loạn, quan Đặng gần tán gia bại sản, …
Thể loại truyện cười, dân gian kể chuyện thầy pháp đi cúng đuổi ma ở làng bên, khi thầy về, bị bà vợ giả làm ma trơi, chọc thầy, thầy quăng cả oản xôi, tay nãi, bỏ chạy mà mồm vẫn “Úm ba la! Úm ba la, ma đuổi thầy!”
Về giai thoại, chúng tôi tìm thấy trong Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển V trang 217 có chép như sau: Tương truyền ngày trước người con gái nhà giàu, tuổi cập kê, mê người học trò họ Nguyễn, mà người học trò thì người nhà nghèo, không dám nhờ mối lái nói việc kết hôn, vì thế người con gái mắc bệnh tương tư trầm trọng rồi chết; cha mẹ cô rất đỗi thương tiếc, không nỡ chôn vội, bèn làm cái rạp sau nhà làm chỗ quàn; vì cô gái đã chết, cậu học trò bèn thắt cổ chết ở cạnh chỗ quàn, người ta quàn chung họ lại với nhau. Do đấy âm khí kết tụ lâu ngày thành yêu tinh. Sau đó cha mẹ cô gái ấy đều chết, không ai chôn cất thành ra chỗ quàn xác 2 người, cây cối mọc lên như rừng, yêu khí càng ngày càng thịnh, người ta khó chịu, bèn gọi chỗ ấy là xứ Song Ma (Đôi Ma), để bảo nhau xa tránh. Sau quân Tây Sơn đánh chiếm cứ khu vực này cho thiêu hủy nhà quàn, yêu quái mới hết hẳn”.  Vàm Đôi Ma, sông Đôi Ma hiện thuộc địa phận huyện Bến Lức, tỉnh Long An
Người dân vùng Tiền Giang, nơi nghĩa quân Trương Công Định làm căn cứ đánh Pháp còn truyền rằng sau khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, tại Đám lá tối trời, nơi có những con rạch bần mọc um tùm, chen lẫn là những rừng dừa nước ngút ngàn, những đêm thanh vắng, người ta thường nghe những tiếng giáo gươm khua, tiếng người đi đi lại lại rầm rập như tiếng của nghĩa quân ngày trước, … Người cao niên cho rằng đấy là âm hồn của các liệt sĩ đã hy sinh vì nước, vẫn một lòng một dạ quyết tập rèn võ nghệ …, đánh Tây đến cùng!
2.1.2. Ma quỷ trong tục ngữ, ca dao
Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, từ ma, quỷ, ma quỷ được dân gian dùng khá phổ biến. Với nhiều nét nghĩa đa dạng chứ không chỉ dừng lại trong nội hàm của từ điển.
Chỉ người lười tắm gội, với cách nói so sánh: Bẩn như ma lem. Khi gia cảnh có người chết, dù chu đáo thế nào chăng nữa, tang gia thường bối rối nên dễ để xảy ra những sơ suất khiến người ta chê bai nên có câu “ma chê cưới trách”, bởi biết sao làm vừa được lòng người! Họ sẵn sàng lấy chuyện đám ma nhà giàu ra để so sánh: Ăn cơm không rau như đám ma nhà giàu không nhạc. Liên quan đến kèn trống trong đám ma, giới tài tử truyền nhau: Rủng rỉnh đám ma, là đà đám cúng, nghĩa là theo họ “làm công” cho đám ma sẽ có … tiền, còn đi “phục vụ” đám cúng thì tha hồ mà … say xỉn!
Ma cũ ăn hiếp ma mới: câu thành ngữ vừa mang nghĩa thực trong tập tục. Khi cúng người mới chết (ma mới) người ta để chén cơm cúng và cả đôi đũa, còn hai chén cúng ma cũ, mỗi chén chỉ một chiếc đũa mà thôi. Có vậy, ma mới (là ông, bà, … của gia chủ) mới ăn kịp…! Khi di quan, tục rải vàng mả cũng là để ma cũ có cái mà xài, không níu kéo quan tài người mới chết lại! Nghĩa phát sinh của thành ngữ này thì không dừng ở đó, nó còn dùng để ám chỉ cảnh “người cũ ăn hiếp người mới” trong cùng một cơ quan, đơn vị, …
Ma bắt coi mặt người ta: tương tự như câu trên, nó có hai nét nghĩa: ma chỉ có thể “bắt” người sợ nó, còn ai “mạnh” hơn, nó cũng khôn mà dùng cách “tránh voi chẳng xấu mặt nào!”, hàm ý có lẽ còn dùng để nói đến những mối quan hệ giữa người với người trong một tập thể, cộng đồng, chỉ có điều là người tốt hay người xấu mà thôi!
Liên quan đến tập tục ngày trước, dân gian có câu ma quàn, cưới chịu để miêu tả những người có gia cảnh khó khăn, túng thiếu, khi người thân chết không có tiền mổ bò, làm heo đãi dân làng, đành nhờ một vài người thân khiêng xác người chết đi chôn, như vậy gọi là ma quàn, …
Để chỉ cảnh hoang vu, mông quạnh người ta nói nơi ấy là chốn ma thiêng nước độc, có khi đưa cả địa danh vào một cách hẳn hoi: Cọp Khánh Hòa ma Bình Thuận, đồng bằng Nam Bộ ngày đầu khẩn hoang ai mà chẳng thuộc câu: Chèo ghe sợ sấu cắn chưng chân/ Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma, …
Dùng phê phán hạng người hay đàng điếm, không đứng đắn có thành ngữ ma chê quỷ chọc, nhắc nhở con người phải biết thích nghi cho đúng lúc, hay chê tính “ba phải” a dua cũng được, dân gian nói: Đi với Bụt mặc áo cà sa đi với ma mặc áo giấy!
Xã hội ngày trước có những người chuyên làm nghề trừ tà yểm quỷ, ở trên chúng tôi đã nhắc đến chuyện thầy pháp sợ … ma trơi! Trong ca dao, dân gian dùng “ma” để cảnh báo chuyện trái khoáy trong đời. Bởi đó, như là điều hiển nhiên: Nhiều thầy lắm ma, nhiều cha con khó lấy chồng. Hình ảnh những tay pháp sư, bói ra ma quét nhà ra rác, xuất hiện trong tiếng cười mỉa mai:
Sống thì thầy cứu người ta
Đến khi thầy ốm chẳng ma cứu thầy
Thế là một bài học được đưa ra kịp thời:
Ốm đau chạy chữa thuốc thang
Đừng đi coi bói mua vàng cúng ma
Trời cao bể rộng bao la
Việc gì mà phải cầu ma cầu tà
Với nét nghĩa dùng ma để chỉ một đối tượng nào đó được nhắc đến, bằng giọng điệu cười cợt châm biếm, ta gặp những hình ảnh của kẻ “ăn không ngồi rồi” chờ … hưởng thụ, cuối cùng không được như ý, người trong cuộc bật thành tiếng:
Bực mình chẳng muốn nói ra
Muốn đi ăn cỗ giỗ chẳng ma nào mời
Chân tướng của người vô tích sự:
Đi đâu lả cả là cà
Như chim lạc tổ như ma lạc mồ
Kẻ cầm quyền trị dân hay đi đêm thì có khác gì là người của thế giới cõi âm:
Ban ngày quan lớn như thần
Ban đêm quan lớn tần mần như ma
Không chỉ có cường quyền áp bức bị lên án, nhân dân lao động sẵn sàng vạch mặt chỉ tên những kẻ “miệng nam mô mà bụng một bồ dao găm”, loài quỷ ma mặc áo cà sa che mắt thế gian:
No ra bụt đói ra ma
Đó là cái thói người ta thường tình
Tưởng là chùa rách Phật vàng
Hay đâu chùa rách chứa đàn quỷ ma
Lên án kẻ quỷ quyệt, lừa phỉnh, còn đó lời thơ:
Cái cân có quỷ có ma
Gạo vào một lối, gạo ra một đường
Thẻ tôi ba mươi sáu ký rõ ràng
Về nhà khảo lại chỉ còn ba mươi
Đọc câu ca trên hẳn trong mỗi chúng ta đều nhớ đến câu chuyện cổ tích về Cái cân thủy ngân ma quái của hai vợ chồng xảo quyệt nọ! Tất nhiên cái giá mà họ phải trả cho việc làm bất chính kia cũng không phải nhỏ chút nào!
Tiếng lòng của người bình dân cất lên trên cánh đồng, thửa ruộng, than cho hoàn cảnh của mình:
Có con mà gả chồng xa
Ba phần ruộng xéo chẳng ma nào cày
Bởi có chồng thì phải theo chồng, bao đời nay vẫn thế, người phụ nữ biện bạch: Sống quê cha, ma quê chồng, biết làm sao khác hơn được.
Ma được xem là đối tượng của thế giới bên kia, như trong câu ca:
Chính chuyên chết cũng ra ma
Lẳng lơ chết cũng khiêng ra ngoài đồng
Từ sự chê trách phường mặt người dạ ma, đến cách so sánh để cho người đời thấy được nổi khổ của chuyện không hòa hợp mà ai đó chẳng may gặp phải:
Chồng già vợ trẻ như hoa
Vợ già, chồng trẻ như ma lạc mồ
Hay:
Khốn nạn thay nhạn ở với ruồi
Tiên ở với cú, người cười với ma
Thân anh như ngọc như ngà
Vợ anh ở nhà như thể ma trơi, …
Đừng về với nó anh ơi!
Vợ anh nửa người mà lại nửa ma
2.2. Ma quỷ trong văn học trung đại
Nói đến ma quỷ trong văn học Việt Nam trung đại chúng ta nghĩ ngay đến thể loại truyền kỳ. Truyền kỳ là một loại truyện ngắn, có nguồn gốc từ Trung Hoa, dùng yếu tố kỳ ảo làm phương thức nghệ thuật để phản ánh cuộc sống. Các motif kỳ ảo thường gặp trong truyền kỳ là nằm mộng đi xuống âm phủ, người lấy ma, người lấy tiên, hàng phục yêu quái, luân hồi báo ứng, tu luyện thành tiên, thi thố pháp thuật, kêu mưa gọi gió, biến hóa khôn lường, …
Ở Việt Nam thời trung đại, thể loại này để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng: Thánh Tông di cảo, (tương truyền của Lê Thánh Tông, thế kỷ XV); Công Dư tiệp ký (Vũ Phương Đề, thế kỷ XVI); Truyền kỳ tân phả (Đoàn Thị Điểm, thế kỷ XVIII); Tân truyền kỳ lục (Phạm Quý Thích, thế kỷ XIX); …
Với hàng trăm truyện có sự tham gia của các yếu tố kỳ quái, hoang đường, … một số tiêu đề có thể kể đến: Chuyện Chức Phán sự đền Tản Viên, Chuyện yêu quái ở Xương Giang; Chuyện tướng Dạ Xoa (Truyền kỳ mạn lục – Nguyễn Dữ); Dì ghẻ bị quả báo; Khách chôn của (Nam thiên trân dị tập – Khuyết danh); Ma trành; Ma thắt cổ; Hài cốt nữ hiệp dưới gốc hồng mai (Vân nang tiểu sử – Phạm Đình Dục); Biết chuyện kiếp trước (Thoái thực ký văn – Trương Quốc Dụng); Thác oan (Vũ trung tùy bút – Phạm Đình Hổ); Kim quy hiến kế giết yêu tinhLiệt nữ giấu kín vết nhơ, … (Tân đính Lĩnh Nam chích quái – Gia Cát thị);Điềm báo trước; Nhớ được ba kiếp; Yêu quái trên cây; Đánh nhau với quỷ, … (Lan Trì kiến văn lục – Vũ Trinh, thế kỷ XIX); …
Để minh chứng, chúng tôi dẫn lại lời ở cuối Chuyện cây gạo (Truyền kỳ mạn lục), Nguyễn Dữ nhận xét: Than ôi, cái giống ma quỷ, tuy từ xưa không phải cái nạn đáng lo cho người thiên hạ, được kẻ thất phu đa dục thì thường khi mắc phải. Trung Ngộ là một gã lái buôn không có trí thức, không đủ trách vậy. Vị đạo nhân kia vì người trừ hại, công đức lớn lao; nhà bình luận sau này phải nên biết đến. Không nên lấy cớ huyễn thuật mà cho là chuyện nhảm, bảo rằng dị đoan mà dìm mất cái hay, ngõ hầu mới hợp cái ý nghĩa “người quân tử trung hậu đối với người khác”.
Riêng người viết bài này thì cho rằng: thông qua chuyện nói về ma nhưng kỳ thực đó là chuyện con người. Ma làm sao có được những hành động và lời nói như trong truyện. Nếu người ta mà như nàng Nhị Khanh thì có khác gì là ma quỷ! Thật đúng như nhận định: Truyền kỳ Việt Nam mang đậm yếu tố hiện thực và chất nhân văn. (trang 80, Ngữ Văn 10, tập 2, Trần Đình Sử tổng chủ biên)
Bên cạnh truyện truyền kỳ, các truyện thơ Nôm cả bình dân lẫn bác học, yếu tố ma quái, thần kỳ cũng không ít lần góp mặt. Trong truyện thơ Phạm Công, Cúc Hoa, hình ảnh hồn ma bóng quế của Cúc Hoa hiện về chăm sóc cho Nghi Xuân, Tấn Lực, rồi chỉ đường cho hai con đi tìm cha và ngoại đã gây xúc động qua biết bao thế hệ độc giả, … Truyện thơ Nôm Bạch Viên Tôn Các dù không phải là chuyện ma quái nhưng nó cũng không kém phần ly kỳ bởi Bạch viên cởi bỏ lốt vượn, hóa thành thiếu nữ xinh đẹp, để kết duyên cùng chàng Nho sinh Tôn Các, sinh được hai con trai. Nhưng Bạch viên phải tuân lệnh Thiên đình, mãn số ở trần gian, từ giã chồng con về cõi tiên, …
Kiệt tác Đoạn trường tân thanh, Tố Như đã xây dựng nhân vật Đạm Tiên bằng hình ảnh:
Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay thác xuống làm ma không chồng
Bóng ma ấy luôn ám ảnh Thúy Kiều, kể từ khi cả hai hội ngộ ở bãi tha ma cho đến khi nàng thoát khỏi kiếp đoạn trường.
Đào Duy Anh trong Từ điển truyện Kiều viết: theo tín ngưỡng xưa, hồn người chết vẫn còn trên thế gian này gọi là ma, nếu không được thờ cúng thì hay quấy phá người sống. Ông giải thích thêm: Theo Phật giáo, người có tình dục là theo ác ma xúi giục bắt đi theo những con đường nguy hiểm.
Ma đưa lối quỷ đưa đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi
Có trường hợp dùng trong tổ hợp từ đặc biệt để diễn tả sự … mất mát, Tú Bà thốt lên:
Màu hồ đã mất đi rồi
Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma
Đến Văn tế thập loại chúng sinh, ma được hiểu là những cô hồn oan thác, … cần có nơi nương tựa, cần được bao dung:
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người
Đó là những con người bạc mệnh, bất hạnh:
Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc,
Quỷ không đầu đứng khóc đêm mưa
Cho hay thành bại là cơ
Mà cô hồn biết bao giờ cho tan
Và kết thúc trong ước nguyện siêu thoát về cùng với đất Phật
Gặp phải lúc đi đường lỡ bước
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?
Bản dịch Chinh phụ ngâm khúc của Đoàn Thị Điểm cũng thấp thoáng … bóng ma:
Hồn sĩ tử gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Công chúa Ngọc Hân khi khóc vua Quang Trung đã nguyện để “hồn phách” theo cùng chồng:
Vậy nên nấn ná đòi khi,
Hình tuy còn ở, phách thì đã theo
(Ai tư vãn)
Thế kỷ XIX, ở Nam Bộ, cụ Đồ Chiểu trong tác phẩm Lục Vân Tiên, ngoài việc xây dựng các nhân vật thầy bói, thầy pháp trổ tài ba hoa để lừa lấy sạch bạc tiền của công tử họ Lục, khi chàng từ trường thi hồi quê và khóc thương mẹ đến mù lòa, nhà thơ còn trực tiếp viết những dòng thơ với nội dung tả cách trừ khử phép thuật của binh hùng Cốt Đột, gần cuối tác phẩm đó:
Một mình nhắm trận xông vô
Thấy người Cốt Ðột biến đồ yêu ma
Vội vàng trở ngựa lui ra
Truyền đem máu chó đều thoa ngọn cờ
Ba quân gươm giáo đều giơ
Yêu ma xem thấy một giờ vỡ tan
Tuồng cổ San Hậu gây ấn tượng cho người xem từ những năm giữa thế kỷ XIX đến tận thời hiện đại. Đáng chú ý hơn là việc tác giả xây dựng hình tượng của bóng ma Khương Linh Tá, khi bị Tạ Ôn Đình chém đầu rơi khỏi cổ, đã hiện hồn về làm ngọn đuốc soi đường để Kim Lân ẵm ấu chúa vượt vòng vây Tạ tặc về đến San Hậu thành bình an, …
Về câu đối trong văn học Việt Nam trung đại, chúng tôi giới thiệu câu đối liên quan đến từ “quỷ”. Khi Mạc Đỉnh Chi vâng lệnh vua Trần đi sứ sang Bắc quốc, thấy ông mồm rộng, mũi tẹt, trán dô, người Nguyên tiếp sứ bộ ta bằng giọng khinh bỉ với vế xuất: Ly, Mỵ, Võng, Lưỡng tứ tiểu quỷ (Các chữ ly 魑, mỵ 魅; võng 魍; lưỡng 魎 là bốn con quỷ nhỏ. Bốn chữ này đều có bộ quỷ 鬼). Câu đối còn hàm ý mỉa mai dáng mạo của trạng nguyên nước Việt.
Không chờ lâu, Mạc Đỉnh Chi đối lại ngay: Cầm , sắt , tỳ , bà , bát đại vương.
Có tám chữ vương 王 lớn ở trên và cũng là ba loại nhạc khí cổ. Hàm ý còn bật lên từ chỗ các người coi ta là tiểu quỷ nhưng ta lại chính là đại vươngđấy! Thật là ăn miếng trả miếng, chữ chọi tuyệt vời.
Hồ Xuân Hương, ngoài tài năng thơ ca, bà còn trổ tài viết câu đối:
Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương bồng quỷ tới;
Sáng mồng một tết, lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ bế xuân vào.
Một câu đối khác không dùng từ ma, tiếng quỷ nhưng lại liên quan đến tục trừ ma quỷ. Ngày cuối năm, vào thời cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Tú Xương hạ bút:
Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
Nhân tình trắng thế lại bôi vôi
Hình ảnh bôi vôi miêu tả tục lệ ngày xưa, khi tết đến, xuân về, người ta thường rắc vôi bột trước nhà, ngoài sân thành hình cánh cung, cái nỏ, giáo mác, … để chống ma quỷ! Gắn liền với tục này là câu chuyện “Sự tích cây nêu ngày tết” đã kể ở trên.
Điểm như vậy mới thấy hồn ma của Cúc Hoa, hồn ma của Khương Linh Tá, … hiện về làm những việc nhân nghĩa và trung liệt. Hồn ma trong Văn chiêu hồn thật đáng xót thương, nó chẳng hại ai lại cần được con người cảm thông, chia sẻ, … Có lẽ chiều sâu của văn hóa Việt Nam là sự bao dung, lòng vị tha, nhân hậu, … Điều đó biểu hiện ngay cả trong hình tượng của ma quỷ – loài mà trong tâm thức nhiều người chỉ toàn kẻ ác độc.
2.3. Ma quỷ trong văn học hiện đại
2.3.1. Ma quỷ trong văn học từ đầu thế kỷ XX đến 1945
Chúng tôi theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử văn học Việt Nam, cho rằng văn học Việt Nam hiện đại bắt đầu từ đầu thế kỷ XX đến nay. Trong văn học hiện đại Việt Nam lúc manh nha, “ma” đã xuất hiện trong cả các tác phẩm trong Nam lẫn ngoài Bắc. “Ma” thỉnh thoảng “ghé thăm” trong các bộ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, của Nguyễn Bửu Mọc, Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu, …
Khi nó đến yếu tố thần kỳ, không thể không nhắc đến Phan Kế Bính với Nam Hải Dị nhân. Nhưng nói ma với đúng nghĩa mà đề tài bài viết đặt ra thì ký ức của nhà biên khảo Vương Hồng Sển trong Sài gòn năm xưa không thể không trích dẫn:
Sau trận giặc 1782, theo Trịnh Hoài Đức thuật lại, số binh sĩ và thường dân Tàu bị chết đâm chết lụi kể trên số muôn, thậm chí thây ma lớp nằm chật đất, ngổn ngang từ vàm Bến Nghé đến tận kinh Chợ Lớn, lớp khác bị chuồi xuống nước, xác ma da, thằng chỗng kẹo lềnh một khúc sông, làm cho ngót ba bốn tháng trường, dân nghe nhắc mà ớn xương sống không dám rớ đến miếng xương thịt cá!
Ở một đoạn khác, cụ Vương viết về hình ảnh của danh tướng Lê Văn Duyệt:
(…) Cứ ngày mồng sáu tháng giêng, thì Tả quân làm lễ “xuất binh”(muốn gọi “ra binh”, “hành binh” đều được). (…) Lễ này diễn ra để thị oai với các nước lân bang (Cao Miên, Xiêm La…) vừa để võ an dân tâm, vì thuở ấy dân tình chất phác vẫn tin tưởng quỷ thần và hiểu rằng đầu năm có diễn oai lực binh quân làm vậy thì trong xứ suốt năm dân sẽ được bình an vô bịnh, bởi tà ma quỷ mỵ đều khiếp sợ oai võ của Tả quân.
Quá trình hiện đại hóa, văn học Việt Nam phát triển với tốc độ “một năm ở xứ ta bằng ba mươi năm xứ người” (ý của Vũ Ngọc Phan), từ những năm 1930 – 1945 văn học Việt Nam phân hóa thành nhiều xu hướng: văn học lãng mạn với phong trào Thơ Mới và nhóm Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, xu hướng văn học hiện thực, xu hướng văn học cách mạng.
Nói đến ma trong Thơ Mới, người đọc không lạ các thi phẩm: Trút linh hồn; Say chết đêm nay (Hàn Mạc Tử); Sọ người (Bích Khê); Đêm đông xem truyện quỷ; Nửa truyện Hồ ly (Vũ Hoàng Chương); Rằm tháng bảy; Đám ma (Anh Thơ); Đưa ma; Đám chết nghèo (Tế Hanh); Chiều mưa trên mộ địa (Phan Văn Dật); Đám ma đi (Lan Sơn); v.v…
Sẽ là thiếu xót nếu không dừng lại với thơ của Đinh Hùng. Nhà thơ sinh năm 1920 mất 1967, quê ở Hà Tây này tạo dấu ấn riêng của mình trong phong trào Thơ Mới bằng cách dùng những hồn ma để biểu đạt tâm cảm:
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm đáy mộ sâu
(…)
Ta gởi bài thơ cho anh linh
Hỡi người trong mộ có rùng mình
Nắm xương khô lạnh còn ân ái?
Bộ ngực bi thương vẫn gợn tình
(Gửi người dưới mộ)
Ở Tìm bóng tử thần, nhà thơ bộc bạch:
Trời ơi! Đây nguyệt vô biên
Trong lòng người đẹp nằm quên dưới mồ
Ta cười trong suốt trang thơ
Gặp hồn em đó ngỡ là yêu ma
Đúng là giữa hư và thật, giữa người và ma, dường như ở ngòi bút Đinh Hùng không còn là ranh giới nữa.
Thương ôi! Thơ lạc hồn phong nhã
Ta đi gọi bóng ma sầu trong núi hoang vu,
(Thoát duyên trần cấu)
Gần như bài thơ nào của tác giả này viết trong thời kỳ của Thơ Mới đều có bóng của yêu ma, quỷ quái, … Những bài thơ Lạc hồn ca; Cầu hồn; hay Mê hồn ca, …, là minh chứng xác thực.
Trường hợp của Chế Lan Viên với những bóng ma Hời luôn ám ảnh trong tập Điêu tàn cũng xứng đáng được chọn làm điển hình cho nội dung bài viết. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh cho rằng: “Điêu tàn dựng lên một thế giới đầy sọ người cùng xương máu và yêu ma”.
Rồi lấy ra một khớp xương rợn trắng
Nút bao dòng huyết đẫm khí tanh hôi
Nơi khác, chàng trai khi ấy mới 17 tuổi đã kêu lên: Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi.  Đến Cái sọ người vẫn là hình tượng rợn người:
Mi nhớ đến cảnh pháp trường ghê rợn
Sọ muôn người lần lượt đuổi nhau rơi?
Hay mi nhớ những đêm mơ rùng rợn
Hồn mi bay trong đám lửa ma trơi?
Đến đây, một lần nữa chúng tôi mượn lời của Hoài Thanh thay phần tiểu kết về chuyện ma quỷ trong Thơ Mới: Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa thế kỷ XX, nó (tức ma quỷ – người viết mượn để diễn ý) đứng sừng sững như một cái tháp Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật.
Chuyện ma quái hấp dẫn nhất trên các trang nhật báo lúc bấy giờ là tác phẩm của những cây bút chuyên viết truyện đường rừng: Thế Lữ, Lan Khai, Tchuya (Đái Đức Tuấn), và “yêu ngôn” của Nguyễn Tuân, … Qua các truyện ngắn, tiểu thuyết cùng thời, chúng ta nhận ra khá nhiều tác phẩm có hình ảnh của ma quỷ, chí ít cũng là sử dụng tiếng ấy trong lời trần thuật hay phát ngôn của nhân vật.
Thế Lữ, ngoài một nhà thơ mới trứ danh, góp phần khẳng định vị thế của Thơ Mới,  ông còn là tác giả của gần 40 truyện vừa, truyện ngắn khác. Truyện kinh dị có: Vàng và máuBên đường Thiên Lôi, truyện trinh thám: Lê Phong và Mai Hương, Gói thuốc lá, Đòn hẹn, Tay đại bợm…, và truyện lãng mạn núi rừng với Gió trăng ngàn, Trại Bồ Tùng Linh.
Tập Vàng và máu (1934), với Vàng và máu; Một đêm trăng; Con châu chấu tre; Ma xuống thang gác, được đánh giá cao ở lối kể chuyện hấp dẫn, li kỳ, gây tò mò và xúc động cho độc giả, xây dựng giản dị, có kết giải, lối văn gọn gàng, thanh thoát, trí tưởng tượng và khiếu phân tích phong phú, những đoạn tả cảnh vừa tỷ mỉ lại rùng rợn mà có thi vị là tác phẩm tiêu biểu và thành công nhất của ông ở thể loại kinh dị, đã trở thành một hiện tượng mới lạ ngay từ khi ra đời và để lại dư âm đến nhiều năm sau. Phan Trọng Thưởng đánh giá Thế Lữ là “tác giả đạt đến đỉnh cao nghệ thuật” của loại truyện ly kỳ rùng rợn, Lê Huy Oanh gọi đây là “một trong những tác phẩm thuộc loại truyện rùng rợn có giá trị lớn trong kho tàng tiểu thuyết Việt Nam”.
Trong lịch sử văn học hiện đại Việt Nam trước Cách mạng, Lan Khai được xem là một cây bút sung mãn, một nhà văn “đường rừng” sáng giá. Tác phẩm có Tiếng gọi của rừng thẳm (1939); Suối đàn (1941); Truyện đường rừng (tập truyện, 1940) … Từ điển Văn học (bộ mới) nhận định: Ở mảng truyện đường rừng, Lan Khai thường miêu tả rất kỹ, nhiều khi rề rà…, rồi sau đó mới để cho các sự kiện xảy ra, tạo cho tác phẩm một không khí hoang đường, căng thẳng từ đầu đến cuối.
Một nhà văn nữa chuyên viết về ma quỷ là Tachy – Đái Đức Tuấn. Tác phẩm tiêu biểu: Thần hổ (1937); Linh hồn hay xác thịt (1938); Kho vàng Sầm Sơn (1940); Ai hát giữa rừng khuya (1942). Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, cho rằng: Cái giống ma ở hai tập tiểu thuyết thần quái của Tchya là ma trành và cái loại thần trong đó là thần Hổ, những con hổ đã ăn thịt hơn trăm người, trong tai nổi lên hơn trăm tia máu đỏ, nghe được ngàn dặm, và nếu có chạm mình vào lá cũng không quên. Vị thần Hổ đây là con hổ xám, hổ vàng, và khi họp hội đồng cơ mật dưới gốc một đại thụ, vị thần Hổ thường trút bỏ bộ lông trắng, biến thành một ông già đầu râu tóc bạc đường bệ. Bị hổ vồ là có số, những kẻ bị giống mãnh thú ấy xơi đã có tên trong quyển sổ do thần Hổ giữ. Thật là một sự định mệnh, không sao trốn thoát được(…) Bọn ma Trành phải hầu hạ Thần Hổ rất là khổ sở, cho nên muốn có kẻ thế chân mình bọn họ phải dun dủi những kẻ có số bị bổ vồ vào nanh vuốt thần Hổ để họ được sống cái đời ma độc lập, gần gụi với gia đình, với họ mạc. Peng Slao trong Thần Hổ chính là một cô ma trành, sau thoát được sự hầu hạ thần Hổ. Và Vũ Ngọc Phan trích dẫn từ văn bản của Tchya: Em chết dưới vuốt nhọn của thần Hổ xám. Rồi em hóa ra Ma trành. Anh có biết thế nào là Ma trành ? Ma trành là những thứ ma bất đắc kỳ tử, hoặc bị hổ ăn, hoặc bị dìm đuối hoặc vì thắt cổ, hoặc vì bị chẹt xe, vân vân. Những thứ ma đều bị nhốt vào vòng oan nghiệt. Cái nghiệt trường của họ xui ra vậy. Chết như thế thì linh hồn vất vưởng bị đầy đọa không đi đầu thai được mà không được tự do. Muốn thoát khỏi vòng kìm hãm, cũng phải tìm kẻ thế cho mình. Nếu không thì mãi mãi, mình sẽ phải làm ma trành, đói khát, khổ sở.
Đến đây, người viết cảm thấy có lỗi khi chưa đề cập đến tác phẩm Chùa Đàn của Nguyễn Tuân. Chùa Đàn là truyện ma quỉ được viết vào năm 1945, một số nhà phê bình coi như tác phẩm đặc sắc nhất, có thể nói đã đạt tới tột đỉnh của nghệ thuật cũng Nguyễn. Tóm tắt câu chuyện như sau: Tại ấp (đồn điền) Mê Thảo, chủ ấp là Lãnh Út còn trẻ, vợ bị chết trong một tai nạn xe lửa. Quá đau buồn trước cái chết của vợ, Lãnh Út đâm thù oán cơ khí, máy móc, bỏ cả công việc làm ăn, uống rượu sáng đêm và ngày càng gàn dở.
Mọi công việc trong ấp bấy giờ do Bá Nhỡ quán xuyến. Bá chịu ơn Lãnh Út nên hết sức trung thành, nhờ vậy mà ấp Mê Thảo mới tồn tại. Bá có tài đàn, bữa rượu nào của Lãnh Út cũng có Bá ngồi hầu, bình văn, ngâm thơ, dịch tích Tây Hán, Đông Chu, …
Ngày giỗ vợ, Lãnh khóc, cho đào cả tửu phần lên uống. Sau ngày ấy, Lãnh càng thê thảm, ngày đêm ngôi như nhà sư nhập định. Bỏ rượu cả năm, rồi trong đêm mưa, Lãnh Út lại đòi rượu và nhớ đàn hát. Lãnh sai Bá Nhỡ đi tìm cô Tơ – một danh ca, mời cô về để vui say. Từ ngày ông Chánh Thủ chồng cô mất, cô Tơ đã giải nghệ. Cô không nhận lời với cớ là không có người đàn cho xứng. Bá dạo đàn cho cô nghe, cô Tơ khâm phục và nói thật cô đã thề với Tổ bỏ ca hát, hơn nữa ai cầm đến cây đàn đáy của chồng cô sẽ gặp tai biến hay vong mạng. Đàn làm bằng nắp ván quan tài của cô gái đồng trinh, có yểm bùa gì đấy. Bá Nhỡ đòi xem đàn, nhưng khi đến gần thì có tiếng nổ, dây đàn đứt.
Về nhà trằn trọc mãi, Bá đến xin cô Tơ cho được đánh đàn và chịu mọi oan khiên. Cậu Lãnh Út cũng đến để cầm chầu. Bá đàn, cô Tơ hát nghe nhức nhối, ngậm ngùi. Bá nhận ra mình đang chết dần, mười đầu ngón tay chảy máu, quần áo dài đỏ như vóc đai hồng, mỗi tiếng đàn là một miếng thịt nẩy ra. Bỗng đàn đứt, có tiếng cười trên bàn thờ Chánh Thủ. Bá Nhỡ gục xuống đàn lạnh ngắt, cô Tơ òa khóc, đỡ xác và vuốt mắt cho Bá. Chiếc đàn nổ tung. Lãnh Út ngủ ngồi cạnh xác đến sáng hôm sau, Lãnh đưa thi thể Bá về Mê Thảo. Chôn cất Bá Nhỡ xong, Lãnh Út thề bỏ rượu, bỏ đàn hát.
Một năm sau, chùa Đàn mọc lên ở ấp, cô Tơ lo kệ kinh. Lãnh Út bán ấp nhưng giữ lại hai mẫu nơi dựng chùa.
Để tránh lan man, dài dòng chúng tôi mượn lời của nhà giáo Hoàng Như Mai nhận xét về Chùa Đàn, rằng: “. . . Tất nhiên, Chùa Đàn là một hiện tượng độc đáo và phức tạp. Đọc Chùa Đàn phải thấy Lãnh Út,. . . Bá Nhỡ hay Cô Tơ, những nhân vật tài hoa nghệ sĩ ấy, tất cả đều là Nguyễn Tuân”
Để lý giải vì sao Nguyễn Tuân đến với … ma quỷ, chúng tôi dẫn lời của Nguyễn Đăng Mạnh khi nhận xét về tập Yêu ngôn của Nguyễn Tuân, do ông tuyển chọn, để lý giải và cũng để kết thúc phần ma trong văn học lãng mạn Việt Nam trước 1945: “Nguyễn Tuân tìm vào thế giới yêu ma có lẽ còn do một yêu cầu khác. Con người này luôn thèm khát những cảm giác mới lạ và mãnh liệt. . . . những cảm giác ấy, Nguyễn Tuân không thể tìm được trong cái môi trường vẫn vây bọc lấy ông trong cuộc sống hàng ngày mà ông chỉ thấy là lèm nhèm, lẹt đẹt và xám xịt”.
Dòng văn học hiện thực Việt Nam, tuy không dựng cốt truyện hay nhân vật ma quái, nhưng Vũ Trọng trong Bộ răng vàng, Bà lão lòa, … đều dùng những tiếng ma quỷ để trần thuật. Chúng ta không thể quên được chân dung của Thị Nở (Chí Phèo) khi Nam Cao so sánh ngoại hình của thị với thành ngữ quen thuộc ma chê quỷ hờn, ở nhiều truyện ngắn khác, từ ma, ma quỷ, …, cũng rất hay xuất hiện trong lời văn miêu tả của nhà văn này. Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, … đều không dưới một vài lần dùng ma quỷ để ám chỉ tính cách con người, …
2.3.2. Ma quỷ trong văn học 1945 – 1975
Một trong những đặc điểm cơ bản của văn học 1945 – 1975 là Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
Khuynh hướng sử thi đòi hỏi người cầm bút nhìn con người và cuộc đời không chỉ bằng con mắt của cá nhân mình mà chủ yếu bằng con mắt có tầm bao quát của lịch sử, dân tộc và thời đại. Cảm hứng lãng mạn là cảm hứng khẳng định cái tôi đầy tình cảm, cảm xúc và hướng tới lí tưởng. Cảm hường lãng mạn trong văn học từ năm 1945 – 1975 chủ yếu được thể hiện trong việc khẳng định phương diện lí tưởng của cuộc sống mới và vẻ đẹp của con người mới, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Chính vì thế, yếu tố ma quỷ được dùng để nói đến tập tục trong dân gian, hay chỉ người … chết, thế thôi.
Trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài ta gặp hình ảnh “cúng ma”, đấy là tập tục của đồng bào dân tộc Mông. Cha con thống lý Pá Tra lợi dụng vào đó để trói buộc những người nghèo buộc họ làm nô lệ suốt đời cho nhà nó.
Kim Lân miêu tả nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu trong Vợ nhặt như sau: Những gia đình từ vùng Nam Định, Thái Bình đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp liều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây ma nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.
Ông già Nam Bộ Sơn Nam cũng để lại ấn tượng đặc biệt khi viết về những hồn ma bị sấu ăn thịt trong tập truyện Hương rừng Cà Mau. Hãy đọc lại lời khấn của nhân vật Năm Hên cầu cho oan hồn siêu thoát, khi chuẩn bị ra tay bắt sấu dữ:
Hồn ở đâu đây?
Hồn ơi! Hồn hỡi!
Xa cây xa cối,
Xa cội xa nhành,
Ðầu bãi cuối gành,
Hùm tha, sấu bắt,
Bởi vì thắt ngặt,
Manh áo chén cơm,
U Minh đỏ ngòm,
Rừng tràm xanh biếc!
Ta thương ta tiếc,
Lập đàn giải oan…
Tiếng như khóc lóc, nài nỉ. Tiếng như phẫn nộ, bi ai. Ghê rợn nhứt là khi thấy ông đi ra khỏi mé rừng, áo rách vai, tóc rối nùi, mắt đỏ ngầu, bó nhang cháy đỏ quơ qua quơ lại trên tay.
Ma cũng gần như vắng bóng trong thơ ca Cách mạng, có chăng cũng chỉ là hình ảnh liên quan đến cái chết, với chức năng gợi lên tình yêu thương hoặc lòng căm thù giặc sâu sắc:
Mới đến đầu ao tin sét đánh
Giặc giết em rồi, dưới gốc thông
(Núi đôi – Vũ Cao)
Hay:
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có phần xương thịt của em tôi
(Quê hương – Giang Nam)
Tóm lại, trong dòng văn học mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn yếu tố ma quỷ có xuất hiện trong các tác phẩm, nhưng không nhiều. Chủ yếu nó được các nhà văn, nhà thơ dùng làm phương tiện để đối sánh với bản chất xấu xa trong con người (thường dùng để xây dựng chân dung các nhân vật phản diện) mà thôi! Truyện kỳ quái, huyền ảo, hay những câu thơ đầy xác, máu, sọ người, … dường như không xuất hiện trên văn đàn chính thống.
2.3.3. Ma quỷ trong văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới
Sẽ thiếu sót nếu đã đề cập văn học Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ các tác phẩm rất ít khi nói đến chuyện tâm linh, ma quỷ, thì ở văn học thời đổi mới, con người tâm linh là một trong số các biểu hiện của quan niệm nghệ thuật về con người.
Ngoài những tác phẩm như Mãnh đất lắm người nhiều ma được Nguyễn Khắc Trường ẩn dụ chỉ những việc làm xấu xa, những “lệ làng” kỳ quái do những con người đội lốt ma quỷ gây ra, thì Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Nguyễn Minh Châu đã để cho nhân vật Quỳ tự nói thầm với anh linh các tử sĩ, …
Phan Đức Thuận có truyện ngắn Quỷ sống cũng chứa đựng nhiều tình tiết ly kỳ. Ma quỷ là từ phổ biến trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Võ Thị Hảo, …. nhưng có lẽ gây tiếng vang mạnh mẽ trong thời gian qua là Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, …
Vấn đề này rất phức tạp và còn nhiều luồng ý kiến trái chiều, chúng tôi hy vọng sẽ đề cập sâu hơn ở dịp khác.
  1. Kết luận
Chưa biết trong thực tế ra sao, ma có thật hay không? Nhưng trong văn học, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, gần ta nhất là Trung Quốc với những bộ tiểu thuyết ma quái, thần kỳ đã trở thành kiệt tác, mẫu mực: Tây du ký (Ngô Thừa Ân), Liêu trai chí dị (Bồ Tùng Linh), …
Ma quỷ hiện hữu trong đời sống tâm linh của con người. Chừng nào còn những hiện tượng kỳ bí trong đời sống mà con người chưa thể giải thích được, chừng ấy sẽ còn … ma quỷ! Văn học là tiếng nói từ trái tim tình cảm, là nơi bộc lộ cảm xúc, … như vậy văn học và ma quỷ có điểm tương đồng, và tất nhiên là nó “tựa vào nhau” cùng tồn tại, phát triển.
Người ta xếp Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò để thấy rằng ma còn tinh nghịch, phiền phức, rắc rối hơn cả học trò nhưng chưa thấy chứng cớ nào về sự tinh nghịch của ma hơn sự tinh nghịch của con người.
Chỉ có con người là có khả năng biến thành quỷ dữ để giết con người chứ không có quỷ biến thành Phật để diệt quỷ. Chỉ có con người là tạo ra ma để dọa con người nhưng chưa thấy ma tạo ra con người để dọa ma.
Trong văn mạch ấy, xin được kết thúc bằng câu chuyện trong Cổ học tinh hoa của Trung Quốc vừa để hầu mong bạn đọc gần xa xem như đó là tâm tư của tác giả bài viết này, vừa để chúng ta cùng nhìn thấy sự tương đồng trong văn học nói riêng và văn hóa nói chung giữa các dân tộc trên thế giới:
MA NÓI CHUYỆN
Có người trốn tránh quân thù nghịch, đi ẩn núp ở chốn núi thẳm hang cùng.
Một đêm, gió mát trăng thanh, người ấy bỗng thấy con ma vẩn vơ, quanh quẩn dưới gốc cây dương liễu, sợ quá anh ta nằm phục xuống, không dám trở dậy. Ma thấy thế, nó đến tận nơi, bảo:
– Sao không ra đây mà chơi?
Người kia run rẩy trả lời: Thưa, con sợ lắm!
Ma nói: Sao anh gàn thế! Việc chi mà sợ! Kể ra nếu đáng sợ thì chỉ có giống người mới đáng sợ hơn cả. Anh nghĩ lại xem, vì ai mà anh đảo điên cơ cực thế này! Vì đồng loại của anh hay vì tôi? Vì người hay vì ma?
Ma nói xong, cười rồi biến mất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Đào Duy Anh,Từ điển Truyện Kiều, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989.
  2. Phan Kế Bính,Nam hải dị nhân, Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 1988.
  3. Nguyễn Huệ Chi(chủ biên), Truyện truyền kỳ Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999
  4. Lê Văn Đức,Việt Nam tự điển, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970
  5. Đỗ Đức Hiểu – Nguyễn Huệ Chi – Phùng Văn Tửu – Trần Hữu Tá(chủ biên), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2003.
  6. Nguyễn Văn Khôn,Hán Việt từ điển, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1960.
  7. Nguyễn Văn Ngọc – Trần Lê Nhân,Cổ học tinh hoa, (quyển hạ), Sách giáo khoa Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, 1970.
  8. Hoàng Ngọc Phách – Kiều Thu Hoạch(sưu tầm và biên soạn), Giai thoại văn học Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 2001.
  9. Hoàng Phê,Từ điển Tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1994.
  10. Trần Ngọc Thêm,Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999.
  11. Nguyễn Khắc Thuần,Việt sử giai thoại, (8 tập), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997.
Nguồn: www.vanchuongviet.org 
(từ Book Hunter)