Monday, October 30, 2017

MẬU THÂN




Vũ Phương Nam



Tuổi niên thiếu của tôi trãi dài trên những bãi cát trắng miền biển. Thị xã Vũng Tàu nhỏ bé như...đi dăm phút đã về chốn cũ. Những ngày ngâm mình dưới làn nước ấm, tầm mắt nhìn mãi ra chân trời mù khơi. Con đường dẫn lên ngọn hải đăng dốc đứng ở núi nhỏ. Con đường quanh co vòng núi lớn, qua những ngôi chùa cheo leo trên sườn núi, Bạch Dinh của toàn quyền Pháp xa xưa. Từ bãi trước với những rặng phi lao, qua Bãi Dâu, về Thích Ca Phật Đài, xuống Bến Đá và chợ Bến Đình... Tuổi nhỏ tôi chỉ biết vui chơi và đùa nghịch.

Gia đình tôi di cư vào Nam từ 1954 khi tôi còn được bế trên tay. Bên nội tôi tất cả đều ở lại miền Bắc. Bên ngoại tôi thì vào Nam từ trước 54. Gia đình ông bà ngoại tôi ở Sài Gòn. Ông có một văn phòng xuất nhập cảng ở đường Pasteur, đối diện bên hông trường kỹ thuật Cao Thắng. Căn phố ông ngoại tôi mướn ở tầng trệt, phía ngoài làm văn phòng, phía trong làm nhà ở. Căn phố chỉ có chiều sâu, bít bùng như một đường hầm, không có cửa sổ, chỉ có nhà bếp ở cuối là đâm sâu ra một đường hẻm lầy lội, khu nhà ổ chuột của dân lao động.

Một năm đôi ba lần, tôi theo bố mẹ lên Sài Gòn chơi, thăm ông bà ngoại và các dì, cậu của tôi. Con đường quốc lộ 15 nối liền Vũng Tàu-Sài Gòn khá tốt, đi bằng xe đò nhỏ chưa đến hai tiếng đã tới. Trong đầu óc một thiếu niên mới lớn như tôi, Sài Gòn lúc đó quả là một thành phố vĩ đại vô cùng, so với cái thị xã nhỏ bé tôi đang ở. Phố Nguyễn Huệ, Lê Lợi...đồ sộ với nhà lầu và xe cộ nườm nượp như mắc cửi, tôi có muốn băng qua đường còn chưa dám đi một mình. Những ngày ở nhà ông ngoại tôi, trong khi bố mẹ tôi bận nói chuyện, tôi thường một mình dạo quanh khu phố. Tôi hay thả bộ qua chợ bán thú vật ở phố Hàm Nghi. Những khi có tiền còm trong túi, tôi hay chui vào rạp hát Nam Việt ở góc Huỳnh Thúc Kháng coi phim chưởng, hoặc lang thang quanh mấy xe đẩy bán quà vặt. Những miếng lòng bò, những cuốn bò bía,  những ly nước mía vắt một chút cam. Nhưng tôi khoái nhất cái món bột chiên, có tiền thì thêm một trứng vịt, không thì bột chiên không cũng khoái khẩu lắm rồi. Chưa có lần nào lên Sài Gòn mà tôi bỏ qua món này.

Đó là những năm tôi khoảng chín mười tuổi, tôi chỉ dám dạo quanh khu phố gần nhà và ăn quà vặt dọc đường. Sau này lúc mười hai mười ba tuổi, tôi từ từ đi xa hơn. Tôi thả xuống Lê Lợi, góc Nguyễn Huệ, có cái bùng binh thỉnh thoảng phun nước mù mịt. Ngó xéo qua bên kia là toà nhà Quốc Hội, bên này là Toà Đô Chính, kèm hai bên là hai rạp hát lớn , Rex và Eden. Sau này tôi đã biết vào Rex coi xi nê, dù phải trả thêm chút tiền, nhưng có máy lạnh cũng đã hơn. Những khi tài chánh eo hẹp, tôi chỉ dám dạo chơi. Nhà sách Khai Trí người ra vào tấp nập,  tôi chỉ ghé mắt một chút rồi bỏ đi, sách vở với tôi lúc đó không có gì hấp dẫn. Có khi tôi thả xuống Tự Do, có nhà hàng La Pagode, cửa kính trong suốt, trong đó những công tử Sài Gòn áo eo quần loe ngồi nhâm nhi cà phê, thả khói thuốc mù mịt, ngẫm nghĩ sự đời, hoặc phóng tầm mắt ra ngoài nhìn thiên hạ qua lại. Trong cái ý nghĩ non nớt của tôi lúc đó, Pagode muốn vào chắc phải nhiều tiền, vì không khí trông có vẻ sang trọng, mấy người bồi quần đen áo trắng, cổ thắt nơ, trông rất ư là lịch sự.

Đó là nói về những chuyến đi bình thường trong một năm. Nhưng vào dịp Tết, năm nào cũng vậy, bố mẹ tôi cũng lên Sài Gòn để chúc Tết ông bà ngoại tôi kèm theo một ít quà biếu. Và năm nào tôi cũng được tháp tùng, thường thì trước Tết vài ba ngày và trở lại Vũng Tàu ngày 30 để ăn Tết. Cho đến năm tôi được mười bốn tuổi, bố mẹ tôi quyết định cho tôi đi Sài Gòn một mình, mang quà về biếu ông bà ngoại và ở lại ăn Tết luôn, đến ra giêng mới trở về Vũng Tàu đi học lại. Có lẽ bố mẹ nghĩ tôi đã đủ lớn để cáng đáng một chuyện nhỏ như vậy. Riêng tôi, tôi chẳng có một ý nghĩ gì về sợ sệt khi phải đi một mình.
Ngày 29 Tết tôi chuẩn bị lên đường, cũng tay xách nách mang. Một cặp bánh chưng nấu ở nhà từ mấy hôm trước, một số bánh mứt và chai rượu Hennessy cổ lùn. Bố tôi đưa tôi ra tận bến xe đò, dặn dò tài xế một cách cẩn thận cho tôi xuống đường Hiền Vương, để tôi có thể đón taxi hoặc xích lô về Pasteur. Khúc này thì tôi nhớ vì Hiền Vương chỉ qua Đa Kao một khúc. Bố tôi còn cẩn thận dặn đi dặn lại phải nói gì khi đưa quà cho ông bà ngoại. Tôi phải dùng chữ biếu, chứ không phải cho. Khi một người vai nhỏ cho quà một người vai lớn phải dùng chữ biếu thay vì chữ cho, tôi được dạy dỗ như vậy từ nhỏ.

Chiếc xe tôi đi, được gọi là xe đò nhỏ, là một chiếc Citroen biến cải. Xe thật sự nhỏ xíu, tiêu chuẩn chỉ chở bốn người, vậy mà chủ xe làm thêm một băng ghế phía sau và nhét thêm người phía trước, cuối cùng xe chở tất cả chín người. Ngồi trên xe gần hai tiếng, tôi tê cả cặp đùi. Dù vậy, trời vào xuân phơi phới, nắng xuân ấm áp. Xe qua cầu Cây Khế, đến Bà Rịa, tôi ngoái cổ nhìn qua cửa kính, Núi Lớn với đài ra đa mờ dần phía sau. Xe tiếp tục trực chỉ Sài Gòn, những mái nhà tranh ẩn hiện dưới mấy hàng dừa, những đồng ruộng bát ngát lùi dần về phía sau.
Được khoảng một tiếng đồng hồ, xe đến Long  Thành. Tài xế ngừng lại bên một sạp bán trái cây cho hành khách nào muốn mua làm quà cho thân nhân. Những chùm chôm chôm đỏ thắm, những trái sầu riêng nứt nẻ thơm phức, những trái măng cụt chất đống, những trái mít căng phồng vàng rực. Tiếng rao hàng lãnh lót mời chào...mía ghim, cơm sườn, nước dừa, nem Thủ Đức, bánh tét, bánh phồng tôm...
Sau khi hành khách mua xong quà, xe tiếp tục lên đường. Trước khi vào Biên Hoà, xe chạy qua vườn cao su Long Thành, những hàng cây thẳng tấp ngút ngàn phía xa. Những vườn cây ăn trái trĩu nặng. Những cây mít thân xù xì lủng lẳng những chùm trái vàng  tươi. Qua khỏi Long Thành, xe đụng phải cổng  căn cứ Long Bình, quẹo trái vào xa lộ Đại Hàn, Thủ Đức. Đến Hàng Xanh, một số hành khách xuống và xe tiếp tục vào thành phố. Trạm thứ hai, thêm một số hành xuống Đa Kao, sau đó xe ghé Hiền Vương và tôi xuống đây trong khi xe tiếp tục vào bến xe trong Chợ Lớn.

Tôi xách giỏ quà chĩu nặng, đứng nép vào lề đường đón xe. Bố mẹ tôi dặn đi xích lô hay taxi cũng được, nhưng phải trả giá, chỉ khoảng một trăm đồng thôi. Thấy tôi đứng lớ ngớ, một chiếc xe tắc xi trờ  tới, gã tài xế hỏi:
- Đi đâu?
- Cho tui về Pasteur góc Hàm Nghi.
Gã với tay mở cửa: "lên đi"
Tôi ngập ngừng: "bao nhiêu?"
- Hai trăm
Tôi trả lời không suy nghĩ, một trăm thì đi. Gã đóng cửa xe cái rầm rồi bỏ đi. Tôi đợi thêm một lát thì có chiếc xe xích lô đạp chạy ngang, tôi đưa tay vẫy. Gã tài xế đạp xe, với chiếc áo ca rô phanh ngực, chiếc quần đùi đen bạc phếch, mồ hôi nhễ nhại trên mặt, vội vàng đưa tay kéo cái thắng ở dưới háng, cái bánh xe lết xềnh xệch trên mặt đường nhựa và chiếc xe dừng hẳn lại.
Tôi chưa đợi gã hoàn hồn đã vội nói:
- Cho tui về Pasteur góc Hàm Nghi, một trăm đồng thì đi.
Gã ngập ngừng một chút rồi nói:
- Thôi lên đi, gần Tết rồi sao cũng được.
Tôi xách giỏ đồ leo lên xe, ngồi thỏm trong cái nệm xe nhún nhún. Tôi nói số nhà rồi dựa lưng nhìn xe cộ lao qua vùng vụt. Chiếc xe nhủi nhủi tới trước theo đà đạp.

Nửa tiếng sau xe tới nơi. Tôi bước xuống xích lô, tần ngần trước hai cánh cửa sắt. Phố xá im lặng. Sinh hoạt hằng ngày như ngưng đọng lại đón Tết. Tôi đưa tay đập cửa rầm rầm. Ông ngoại tôi ra mở cửa, giọng vồ vã:
- Ủa thằng cháu của ông đấy hả?
- Dạ!
Ông đưa tay xách giỏ đồ:
- Cháu đem cái gì cho ông vậy. Thôi, vào đây cái đã. Cháu đi một mình hả?
- Dạ!
Ông dẫn tôi ra tuốt sau bếp, nơi có được một chút ánh sáng thiên nhiên từ trên trời chiếu xuống.
Tôi ngập ngừng, chuẩn bị nói những cái gì tôi sẽ phải nói.
- Thưa ông bà...bố mẹ cháu mắc bận không đi được, có...nhờ cháu mang ít quà về...biếu ông bà.
Bà tôi ngồi gần đó cười mĩm:
- Thằng bố mày, cháu phải nói là bố mẹ cháu sai cháu chứ không phải nhờ, nghe chưa.
Tôi dạ lí nhí cho qua chuyện.

Đêm ba mươi Tết. Đêm trừ tịch. Đèn Sài Gòn quá sáng để thấy được đêm đen ngòm của bầu trời không trăng sao. Tôi vẫn thích thức khuya để đón giao thừa, cái đón háo hức đầu năm mới. Cái thích nhất là được ăn sau khi cúng xong. Ít nhất cũng có món gà luộc và xôi chè, có khi còn thêm món lòng gà xào với nắm đông cô và su hào. Thêm vào đó là tiếng pháo. Tiếng đì đùng hằng loạt làm lòng tôi rộn rã, báo hiệu một mùa xuân mới.

Nhưng tiếng pháo năm đó, năm Mậu Thân, đã xen lẫn tiếng súng, xen lẫn máu và nước mắt.

Đêm thiêng liêng đã trở thành đêm kinh hoàng. Ngay lúc đó, chưa ai hay biết tai họa đang đổ xuống. Những cửa tiệm của người Tàu từ những nhà cao tầng với hàng chục thước pháo tiếp tục nổ đì đùng. Hoà ước ngưng bắn trở thành tờ giấy lộn, che đậy cho một mưu đồ đen tối.
Đêm hôm đó, sau khi đón giao thừa xong, bằng tiếng pháo và tiếng súng, chúng tôi đi ngủ mà vẫn chưa biết chuyện gì đã xảy ra, vì ở khu tôi đang ở vẫn yên tĩnh. Chỉ đến sáng hôm sau, chúng tôi mới biết được qua đài phát thanh, là Việt Cộng đã xâm nhập vào thành phố, và tấn công hầu hết các cơ quan chánh quyền.
Năm giờ sáng, tôi đã thức giấc, một phần vì lạ nhà, một phần vì trong nhà đang bàn tán xông xao về biến cố đêm qua. Tôi cảm thấy đói bụng cồn cào, dù cho chiến sự có phần căng thẳng, đó chỉ là thói quen vào lứa tuổi của tôi vào lúc đó. Mặc dù trong nhà chưa chuẩn bị buổi ăn sáng, tôi vẫn không thể chờ đợi được. Tôi nói với ông ngoại:
- Ông à! Cháu đói bụng rồi.
Ông tôi bật cười vỗ đầu tôi.
- Thằng bố mày, đúng là thanh niên đang lớn. Thôi, để ông dẫn cháu đi ăn hủ tiếu.
Bà ngoại tôi đang ngồi kẻ cặp lông mày cong vút, nghe vậy nói với theo:
- Ông ghé qua chợ Cũ xem có gà qué gì thì mua vài con, lộn xộn như vậy, không khéo lại ăn Tết với dưa hành củ kiệu. Khổ thân thằng cháu lần đầu tiên lên ăn Tết với ông bà.
- Được, để tôi lo.

Ông thay quần áo rồi dẫn tôi đi. Sáng mùng một Tết, tiếng nổ đì đùng xa xa, tiếng súng hay tiếng pháo? Trên lề đường xác pháo đón giao thừa hôm qua ngập đỏ. Chiến tranh đã đổ ập xuống thành phố. Chỉ cách nhà ông ngoại tôi vài ba căn là một tiệm hủ tiếu. Nói chung cả dãy phố, ở tầng trệt đều buôn bán. Ông dẫn tôi vào tiệm.
- Cháu vào đây ăn với ông, tiệm này nấu cũng được.
Bên trong vắng ngắt. Có lẽ vì còn hơi sớm và vì tình hình chiến sự hiện thời. Vách tường lát gạch men trắng toát. Những chiếc bàn kê dọc hai bên tường cũng trãi khăn màu trắng. Trên mỗi bàn có hai cái ống tre bóng lưỡng đựng đủa và thìa. Một chai xì dầu, một lọ tiêu, và một hủ ớt đỏ tươi xắt lát ngâm dấm.
- Cháu muốn ăn hủ tiếu gì? Bò kho, Nam Vang, thập cẩm? Ông ngoại tôi hỏi.
- Dạ...gì cũng được. Tôi ngập ngừng đáp, vì món nào nghe cũng hấp dẫn hết.
- Thôi để ông gọi cho cháu nhé.
Ông tôi ngoắc người bồi bàn lại: "Chú cho hai tô hủ tiếu thập cẩm". Trong khi chờ đợi, nhà hàng mang ra nào bánh bao, xíu mại, giò cháo quẩy, bánh ngọt, nước trà...sắp đầy bàn.
Một lát, hai tô hủ tiếu được bưng ra, khói bốc lên ngào ngạt. Tôi nuốt nước bọt ừng ực. Cái tô kiểu trắng ngà có mạ vàng quanh mép, chung quanh là những nhánh hoa nằm vắt ngang. Bên trong, sóng sánh nước dùng trong vắt, những sợi hủ tiếu trắng ngần, trên mặt một vài lát xà lách xanh xanh ôm gọn những lát gan, thịt heo, tôm lột xắt mỏng, và một vài cọng hẹ. Tôi với tay lấy hủ ớt, gắp một vài khoanh bỏ vào tô, điểm thêm vài nét chấm phá. Tôi thọc đôi đũa xuống đáy tô bắt đầu trộn, miệng thì nói: "Cháu mời ông xơi ạ!". Ông ngoại tôi cũng lay hoay trộn xới. "Ừ, ăn đi cháu, có muốn ăn thêm cái gì trên bàn này thì cứ tự nhiên". Dạ. Tôi nhìn tô hủ tiếu và ước lượng sức của mình. Tôi thầm nghĩ, tô cỡ này chỉ để cho dân Sài Gòn, với tôi, đủ để trán bao tử. Tôi thò tay vào đĩa, nhón một cái giò cháo quẩy, xé nhỏ trộn chung vào tô hủ tiếu. Tôi lùa hết tô hủ tiếu chưa đầy năm phút. Cái vị ngọt còn đang phảng phất trên đầu lưỡi, trong cổ họng. Tôi lấy bình trà rót ra hai ly, cầm một ly lên nhấp nhấp. Ông ngoại tôi vẫn còn nửa tô chưa ăn xong. Tôi nhìn dĩa cháo quẩy, còn một cái. Tôi thấy bụng mình còn lưng lửng, tôi nhón  cái thứ hai, vừa ăn vừa uống nước trà, coi như món tráng miệng, trong khi chờ ông tôi ăn cho xong.
Sau khi ăn xong, ông ngoại tôi hỏi:
- Cháu ăn nó chưa?
- Dạ cũng đỡ đỡ.
Ông tôi kêu bồi tính tiền và hối tôi đi. "Thôi, ông cháu mình đi mua gà cho bà, không khéo lại không có gì ăn ba bữa Tết."

Ông dẫn tôi đi về phía đường Hàm Nghi, quẹo trái qua phía chợ Cũ. Mấy cửa hàng bán heo quay, vịt quay đóng cửa im lìm. Rau cỏ, trái cây, cũng không thấy ai bán. Ông cháu đi xuống một ngã tư nữa thì thấy một bà xẩm bày xuống lề đường mấy con gà đã làm lông sẵn. Khi ông cháu đến nơi, chỉ còn một con cuối cùng, hỏi ra thì giá đắt gấp ba lần ngày thường. Ông ngoại tôi còn đang phân vân, thì có một bà ghé vào. Người đàn bà trạc ngũ tuần, đầu tóc bới cao, son phấn loè loẹt. Bà mặc một chiếc áo dài kiểu bà Ngô Đình Nhu hở một khoảng ngực khá rộng. Chiếc áo dài màu tím than có thêu con chim phượng phía trước, con chim ngóng cổ lên trời đúng vào cái chỗ khe rãnh giữa cặp ngực thổn thện của bà. Bà chu cặp môi son đỏ chót:
- Ông không mua thì chị bán cho tôi đi. Bà ta xăm xăm giơ tay định cầm con gà. Ông ngoại tôi mới quay sang bà ta.
- Bà này kỳ cục quá! Sao bà biết tôi không mua. Ông ngoại tôi vội đưa tiền và lấy con gà. Đó là con gà duy nhất trong những ngày tôi ăn Tết giữa Sài Gòn. Ăn  Tết giữa thành phố chiến tranh.

Lệnh cấm đốt pháo đã có hiệu lực, chỉ còn tiếng súng nổ đì đùng khắp nơi. Tiếp theo đó là lệnh giới nghiêm 24/24. Đường xá vắng ngắt, thỉnh thoảng chỉ có một vài chiếc xe nhà binh chạy vội vã. Ai cũng co rút trong nhà. Tôi chỉ biết ngồi co ro trước cái  tivi theo dõi tin tức chiến sự diễn ra hằng ngày. Những toà nhà bị pháo kích, những khu phố bị đốt cháy. Xác người phơi đầy đường, xác những người Việt bị giết bởi những người Việt. Hình ảnh tướng Loan dùng súng bắn vào đầu tên Việt Cộng, máu phun có vòi. Khu Hàng Xanh với những cụm khói màu đen bốc lên ngùn ngụt. Những cơ quan chính quyền bị tấn công.

Tôi nhớ những dĩa bột chiên và rạp hát Nam Việt mà đành bó gối ngồi nhà. Tiền lì xì tôi xếp gọn trong túi mà không biết làm gì. Chiều mùng hai Tết, giao tranh vẫn còn tiếp diễn. Tôi hé cửa nhìn ra ngoài đường, phố xá vẫn vắng lặng. Góc đường Hàm Nghi và Pasteur có vài người cảnh sát dã chiến cầm súng M16 chống cạnh sườn chỉa thẳng lên trời, đi qua đi lại bên chiếc xe Jeep có cần ăng ten dài sọc.
Khu phố tôi đang ở tương đối yên tĩnh. Tiếng súng tôi có nghe được cũng từ xa vọng lại. Thình lình có một chiếc xích lô đạp đi lại từ hướng bùng binh chợ Bến Thành, theo đường Hàm Nghi. Tới ngã tư Pasteur thì bị cảnh sát chận lại. Người thanh niên đạp xích lô có làn đã sạm nắng. Chiếc quần đùi đen và cái áo ca rô sọc bạc phếch làm gương mặt càng thêm khắc khổ. Chiếc xích lô bị chận lại có lẽ vì vì phạm lệnh giới nghiêm. Mấy người cảnh sát lục soát khắp nơi, mùi xe, nệm xe, khám phá ra một bọc giấy dầu gói vuông vức. Người đạp xích lô lập tức bị còng tay đẩy lên xe Jeep. Có lẽ đó là một gói chất nổ plastic. Tôi tưởng tượng nếu cái gói giấy đó đi đến nơi đến chốn không biết có thêm bao nhiêu người nữa bị chết oan uổng.

Tôi tiếp tục ăn cái Tết buồn tẻ và trong nỗi lo âu. Khi nào những bộ quần áo kaki đen và súng AK tràn ngập trong khu tôi đang ở?
Sau khi ăn hết con gà trong ngày mồng một Tết, chúng tôi chỉ ăn uống ngày ba bữa với dưa hành tôm khô củ kiệu. Tình hình dần dần lắng dịu. Âm mưu thôn tỉnh miền Nam vào năm đó của Việt cộng hoàn toàn thất bại. Đã có bao nhiêu người chết oan vì một quyết định sai lầm. Vì sao lúc đó tôi chưa có một khái niệm gì về một chủ nghĩa. Khi tôi sinh ra đã có chiến tranh, một cuộc chiến triền miên. Tôi cho rằng chiến tranh là một điều tự nhiên, phải có. Tôi không bao giờ nghĩ rằng lại có những xứ sở không có chiến tranh, ở đó mọi người đều sống yên vui hạnh phúc.

Đã qua hai chu kỳ mười hai con giáp. Năm Mậu Thân trở lại. Biến cố Mậu Thân hầu như bị quên lãng, nhất là đối với những người tha hương, đang quay cuồng với nhịp sống mới. Với tôi, mỗi lần Tết đến, tôi vẫn không quên được hình ảnh của năm đó. Tôi nhớ rõ nhất, hình ảnh của một phóng viên ngoại quốc quay được, cảnh một người mẹ nằm vật vã trên lề đường bên cạnh xác đứa con nhỏ, ngực loang đầy máu. Gương mặt người mẹ hằn lên nét thống khổ và kinh hoàng. Phía sau là dãy nhà lá lợp tôn khu lao động, khói bốc lên cuồn cuộn, lửa đỏ ngập trời. Đứa trẻ chết đi cho một chủ nghĩa, vẫn không hiểu tại sao. Người mẹ đau khổ cũng không hiểu tại sao. Và tôi, tôi cũng không hiểu tại sao.



Vũ Phương Nam




---------
Nguồn:   VĂN
Giai phẩm Xuân Quý Dậu
Số 126-127, tháng 12-1992 và tháng 1-1993











Saturday, October 28, 2017

ĐÔI BẠN



Ngô Du Trung


Tao không biết làm gì, thịt con gà nuôi bấy lâu đãi mày một bữa nhậu, gọi là mừng mầy đã sớm giác ngộ, lao động tốt, học tập tốt, nên được "Cách mạng" khoan hồng cho về đoàn tụ với gia đình.
Nghe cái giọng đúng bài bản của bạn, Kha nổi cáu văng tục:
- Đù má, giác cái con khỉ. Mày học ở đâu mà nói năng đúng điệu một thằng răng đen mã tấu thế?
Thân mĩm cười nhìn thoáng qua Thương rồi trả lời Kha:
- Đùa chơi vậy thôi, đừng có nóng. Tao cũng không tin cái trò cải tạo tư tưởng của chúng.
Giọng Kha vẫn còn bực dọc:
- Tao biết tụi mầy ngại, nhưng cái quân cộng sản đó chẳng cải tạo được ai. Mà cải tạo gì? Nó bịp cả thế giới bằng trò chơi chữ. Học tập cải tạo! Mẹ kiếp! Tao cam đoan là thằng nào được hân hạnh đi "học tập" một lần rồi thì cả đời hễ nghe nói tới hai tiếng học tập là xanh mặt.
Thương tự nãy giờ ngồi im lặng, đưa tay đẩy ly rượu đế đến trước mặt Kha:
- Thôi uống cái đã. Rượu bây giờ họ pha loạn xạ đủ thứ, chắc không ngon, nhưng có còn hơn không.
Kha nâng ly lên hớp một ngụm, nhăn mặt vì mùi alcohol nồng quá. Anh đặt ly rượu xuống bàn trợn mắt nhìn Thân ngữa cổ tu một hơi hết phần rượu trong ly rồi khà một tiếng lớn y như một bợm nhậu thứ thiệt.
- Mày cũng biết uống rượu nữa à? Sao "tiến bộ" thế?
Thương cười hô hố:
- Nhà tu hành của chúng ta kỳ này phá giới, trà rượu, thuốc lá đủ cả, chỉ thiếu cái món kia thôi.
Thân giã lã:
- Thì cũng đại khái cho biết với đời. Thôi ăn đi, ăn rồi kể cho tụi tao nghe mày "học" cái giống gì trong đó.

Kha cầm đũa gắp một miếng thịt gà đưa lên miệng. Mùi thịt gà bóp lá chanh thơm nồng nàn nơi đầu lưỡi. Đã lâu lắm Kha mới được ăn thịt. Nhớ lại những cơn đói triền miên trong tù, mỗi bữa ăn chỉ vỏn vẹn một chén cơm lưng với nửa lon guigoz canh lỏng bỏng mấy cọng rau muống già, thành thử anh tù nào cũng cho thật nhiều muối vào để ăn xong còn uống được vài lon nước. Sau mỗi bữa cơm, bước đi bụng cứ kêu lịch bịch.
Nuốt xong miếng thịt gà, tu một ngụm rượu, đặt ly xuống bàn Kha nói với bạn:
- Học cái gì? Đầu tiên là học...đói. Đói triền miên. Đói đến độ thấy cái gì cũng muốn cho vào miệng, đầu óc lúc nào cũng loay hoay với cái ăn. Mẹ! Ai muốn nói gì thì nói, phê bình thế nào thì phê, nhưng cứ thử ăn đói vài năm đi rồi biết. Tụi mầy thấy tao to con như vầy mà mỗi bữa chỉ có lưng chén cơm với chút canh rau muống thì chịu sao thấu, mà ăn xong còn phải đi lao động chứ không phải nằm duỗi cẳng ra đó đâu. Hồi đầu mới vô, đói quá tụi tao hái rau sam, rau lang, cải trời luộc ăn phụ thêm. Bọn quản giáo thấy được, nó tịch thu tất cả mọi dụng cụ nấu nướng, rồi tập trung tù lại xỉ vả, chửi bới đủ điều. Nó bảo tụi tao làm như vậy là bêu xấu Cách Mạng. Nó nói Cách Mạng không phải là không có đủ gạo, nhưng cho tù ăn thiếu một chút là để tù thấy được giá trị của lao động, của của cải. Rồi nó bảo tụi tao quen thói làm tay sai, bóc lột nhân dân, giờ mới đói một chút mà đã quýnh quáng lên rồi. Tiên sư, nó chửi bới mà cũng có đường lối chính sách nữa...
Thương nói chen vào:
- Mà ăn đói trường kỳ như vậy bao tử có quen đi không mày?
- Quen? Chẳng có bao tử nào mà quen với cái đói được hết, lần đói nào cũng xót như nhau.
Thân hỏi:
- Mày lao động gì trong đó?
- Cuốc đất trồng mì, lên rừng lấy gỗ về đốt than, chặt cây, cắt tranh về lợp nhà. Hầm bà lằng đủ thứ hết. Vừa ăn đói vừa lao động khổ sai như vậy thì cực thật nhưng việc hành hạ thể xác đó chưa khiếp bằng cái khủng bố tinh thần. Nói bất cứ chuyện trên trời dưới đất gì rồi cuối cùng nó cũng kết luận rằng tụi tao là những thằng bán nước, tay sai đế quốc, có nợ máu với nhân dân.

Kha dừng lại, hai tay mân mê ly rượu đế trước mặt. Hai người bạn ngồi im lặng. Kha uống cạn ly rượu rồi tiếp:
- Còn cái trò làm nhục tù nữa. Tụi mày biết không, hôm nào đau không thể đi lao động bên ngoài được, khai bệnh ở nhà thì nó bắt đi hốt phân pha nước tưới rau...
Thân hỏi:
- Phân gì?
- Còn phân gì nữa. Phân người! Nó cho như vậy là làm việc nhẹ. Tụi mày thử tưởng tượng coi, đau mà phải chui xuống mấy cái nhà cầu dã chiến hốt mớ phân còn ...tươi rói đi pha với nước tưới cho hết  mấy chục luống rau chung quanh trại thì nội cái mùi thúi không thôi cũng đủ chết người rồi. Đã vậy khi rau cải lên tươi tốt, tù xin được thu hoạch, nó không cho, đợi đến khi rau ngồng, già úa rồi nó bắt hái đem vô nấu canh. Cái thứ rau đó đem cho heo ăn, heo nó còn chê.
Ngừng lại đốt điếu thuốc, hít một hơi dài, Kha nói tiếp:
- Tao ớn nhất là màn học tập chính trị dù trong thời gian đó không phải lao động gì cả. Sáng sáng tụ tập ở hội trường nghe thằng cán bộ ba hoa về một đề tài, đại khái như: "Xã hội chủ nghĩa tiên tiến ưu việt", "Ngụy quân, Ngụy quyền: công cụ của đế quốc"...vv... Rồi nó ra bốn năm câu hỏi tuỳ đề tài dài hay ngắn đem về nhà thảo luận. Thường một câu hỏi phải thảo luận ít nhất là một buổi. Mỗi nhà có một thằng cán bộ quản giáo phụ trách. Nó ngồi chình ình giữa nhà theo dõi từng ly từng tý, săm soi từng cử động nhỏ, từng cái nghiêng người, cái cười mĩm, bắt bẻ từng lời từng chữ khi tù phát biểu ý kiến. Tao nhớ có lần một anh tù phởn chí sao đó mà dở giọng văn hoa, gọi Nha Trang miền Thuỳ dương cát trắng.
Thằng cán bộ quản giáo sưng mặt lên xỉa xói: "Anh nói xấu Cách mạng hả? Anh nói Cách Mạng về biến Nha Trang thành một vùng cát trắng không trồng tỉa được gì hả? "
Mà nếu mày sợ bị hố không nói năng gì cả, chỉ ngồi ỳ ra đó chờ hết giờ cũng không được. Nó sẽ bảo mày còn tư tưởng phản động, chống đối ngầm, không thành khẩn thú nhận tội lỗi...v...v... Mà hễ nó "phát hiện" ra một cái lỗi của mày y như là có vô số những tội tày đình khác kèm theo...
Thương mĩm cười:
- Thì cũng phát biểu nhưng phát biểu đại khái thôi, kiểu con voi có cái vòi...
- Nó sẽ bảo mày phát biểu chung chung, không có chất lượng, không chịu đào sâu, như vậy cũng là chưa thành khẩn, còn có tư tưởng chống đối, còn muốn bám theo chân đế quốc...
- Thương nhăn mặt:
- Mẹ kiếp! Sao mà khó thế.
- Đại khái việc học tập cải tạo như vậy đó, vừa hành hạ thể xác, vừa khủng bố tinh thần. Thôi để tao kể cho nghe một chuyện vui. Trong trại tao có một thằng chính trị viên mà tao gọi là thằng nhuốm máu nhân dân.
- Thân cắt ngang:
- Thằng nhuốm máu nhân dân?
- Ừ! Vì mỗi lần tập hợp tù lại, câu đầu tiên của nó luôn luôn là: "Các anh là những người cỏ tội, bàn tay các anh đã từng nhuốm máu nhân dân".
Thương vỗ đùi khoái trá:
- Mày đúng là tên phản động. Nhưng nhậu tiếp đi, lâu lâu mới có một bữa thịt gà, đừng...e lệ.
- Thân phụ họa:
- Ừ! Ăn mạnh đi mày.
Kha vui vẻ đáp:
- E lệ khỉ gì, có lẽ tại chúng "cải tạo" tao kỹ quá, giờ thấy miếng ăn đâm ra dè xẻng, sợ hết. Mà tụi mày cũng ăn đi chứ. Rồi xoay qua Thân, Kha tiếp:
- Lâu nay mày làm cái nghề ngỗng gì?
- Tao đăng ký làm công nhân đường sắt, được vài tháng nó khám phá ra ông già tao là ngụy quyền bèn đuổi cổ tao về. Giờ đang thất nghiệp.
- Còn mày? Kha hỏi Thương.
Thương vừa nhai thịt gà vừa trả lời, giọng diễu cợt:
- Còn làm gì nữa? Không công nhân viên tiên tiến thì cũng nông dân...hậu tiến. Tao phụ ông già làm ruộng.
- Mày vậy là mồ yên mã đẹp rồi. Còn thằng Thân này, ông anh tao còn phát được một miếng rẫy kha khá, mày muốn tao chia cho một nửa.
Thân nâng ly lên mời bạn:
- Muốn đứt đuôi con nòng nọc đi chứ. Thôi mình cạn ly rồi thanh toán cho hết mấy miếng thịt này.

Thân theo Kha làm rẫy từ đó. Sáng sáng họ vác cuốc, vác rựa, mang theo một lon guigoz cơm lên rừng cuốc đất. Khu rẫy đã được khai thác từ năm ngoái nên họ cũng đỡ vất vả phần nào.
Kha đã trãi qua một thời gian ở tù, quen với công việc nặng nhọc thì không nói làm gì, nhưng Thân vốn là "thư sinh mặt trắng", Kha không ngờ bạn mình làm việc rất siêng năng mà sức chịu đựng lại dẻo dai vô cùng.

Bên cạnh rẫy có con sông nhỏ, mỗi trưa Kha và Thân thường ra rửa ráy, trốn nắng và ăn trưa. Kha lại sắm một chiếc cần câu, hôm nào khỏe Kha đào mớ trùng làm mồi câu cá trắng. Nhưng thời buổi khó khăn cá dường như cũng hiếm, họa hoằn lắm Kha mới câu được vài con nho nhỏ. Một buổi trưa Thân nằm nghỉ trên một nhánh ba nhô ra sát mặt sông, hai chân thòng xuống nước, thỉnh thoảng buông  chân đạp mạnh làm nước văng tung toé. Kha đang ngồi câu bên cạnh la chói lói:
- Mầy đạp ầm ầm lên như vậy tao câu làm sao được, thằng ông nội.
Thân cười:
- Thôi dẹp đi, nghỉ cho khỏe chút còn có sức mà cuốc.

Kha quăng cần tìm một thân cây nằm nghỉ. Gió sông thổi mát lạnh. Kha nằm ngữa lên nhìn vòm cây lá trên cao. Những tia nắng mặt trời lấp lánh qua khe lá. Mấy con chim nhỏ đang đuổi bắt nhau kêu ríu rít. Một chú sóc dọ dẫm bò từ ngọn cây xuống. Đến một chảng ba, nó dừng lại dí mũi vào thân cây linh cảm một hiểm nguy đang rình rập, rồi bất chợt xoay mình phóng ngược trở lên. Kha nằm lẳng lặng theo dõi con sóc chạy tới chạy lui lăng quăng, mơ màng nhớ lại những ngày thơ ấu theo lũ bạn ra đồng đào bắt những con chuột mập ú đem thui, mỡ chảy đầm đìa. Những đêm trăng bát ngát mấy anh em Kha nô đùa đuổi bắt nhau quanh mấy đụn rơm, hay nằm dưới gốc cây sung già nhìn trăng lên và hít thở cái không khí thoảng thoảng mùi thơm của hoa chanh hoa bưởi. Những buổi sáng thả trâu ra đồng cho thợ cày rơi nằm dài trên đám cỏ non còn đẫm ướt  sương đêm, nhìn bầu trời chỉ còn lác đác mấy vì sao mà mơ về một phương trời nào xa lạ. Và căn nhà nhỏ với cái cổng có cây đuối    thật to uốn công thành hình vòng cung  trông thật đẹp mắt. Khu vườn trũng thấp, vào mùa đông nước đọng lại như một cái ao nhỏ, đêm đêm nằm nghe tiếng ễnh ương kêu buồn bã lạ thường...

Kha Bùi ngùi nhớ đến dự tính ra đi của mình. Bất chợt Kha hỏi bạn:
- Ê! Thân, mày đi không?
Bị hỏi bất ngờ, Thân ngơ ngác:
- Đi đâu?
- Vượt biên!
Thân ngồi ngay người dậy ngó bạn:
- Mày tính đi à?
- Ừ, bạn ông anh tao có tàu. Hai anh em tao lo phần bãi, dầu, thức ăn. Thằng Thương sẽ đi với tao. Nếu mày muốn, tao kéo đi luôn. Tao định nói với mày lâu rồi nhưng chưa có dịp.
Thân không nói gì, trở lại thế nằm cũ, hai chân đong đưa trong giòng nước mát lạnh. Hồi lâu Thân nói:
- Chắc tao không đi được. Gia đình tao...Thân ngập ngừng rồi đổi hướng...ra ngoài đó được cái có tự do nhưng lại mất quê hương.
Kha ngậm ngùi:
- Tao thật tình cũng không muốn đi. Tao chỉ muốn lên rừng đánh tiếp. Nhưng mấy năm nay ông anh tao lội nát hết mấy dãy núi này tìm kháng chiến mà có thấy quái gì đâu. Còn cứ sống mãi như thế này thật là bi đát. Tao không nói đến chuyện khổ cực. Gia đình tao vốn nghèo, tao đã quen với những chuyện nặng nhọc như vầy từ nhỏ. Vả lại đất nước nào sau chiến tranh mà lại không có những khó khăn, nhân dân phải thắt lưng buộc bụng để tái  thiết lại quốc gia là chuyện dĩ nhiên. Tao biết vậy chứ, nhưng họ không muốn vậy. Mày thấy không, mỗi ngày tao đều phải trình diện công an xã, không được đi đâu xa. Vắng tao một ngày là tụi nó cho người lãng vãng chung quanh nhà dòm ngó...

Kha dừng lại, ngồi dậy chạy đi lục túi áo móc trên một cành cây gần bờ sông tìm gói thuốc. Đốt một điếu cho mình, trao gói thuốc cho bạn xong trở về chỗ nằm.
- Mẹ, nó canh tao như canh...một con vợ lăng loàn. Độ rày bà già tao lại thúc tao lấy vợ. Ui chao, một thân tao lo còn chưa xong lo gì đến vợ. Nhưng chuyện này làm tao suy nghĩ. Tao có lấy vợ, có con thì con tao cũng là thằng con ngụy. Rồi cả đời chúng nó cũng chẳng ngóc đầu lên được, mẹ kiếp, hồi ở trong tù suốt ngày nó ra rả chửi bọn tao là những thằng có tội với tổ quốc với nhân dân. Tao có tội gì với tổ quốc với nhân dân? Nếu có tội thì tao chỉ có tội với đảng Cộng Sản thôi. Mà như vậy thì nó trả thù tao được rồi, sao lại trả thù đến con cháu tao.

Thân nằm im lặng, hai chân vẫn thòng xuống nước. Buổi trưa bên bờ sông vắng, không gian thật êm đền. Một cơn gió nhẹ thổi qua làm mấy cành khô rơi xuống mặt sông, rồi lừ đừ trôi xuôi theo giòng nước.
Một lát sau Thân nhỏm người dậy, ném điếu thuốc hút dở xuống sông rồi nói với bạn:
- Tao có lạ gì. Tao không được làm công nhân tiên tiến cũng vì ông già tao là "ngụy quyền". Chừng nào mày đi?
- Chưa biết chắc được, chưa đủ dầu.
Thân nhắc bạn:
- Sắp đến mùa biển động. Tao nghe nói vùng biển giữa mình với Phi mùa mưa nguy hiểm lắm. Mày phải coi chừng.
Kha đáp:
- Tao biết. Cũng nhờ vậy mà tụi nó lơ là chuyện canh gác. Ông anh tao mấy tuần nay vớ đâu được cuốn Exodus đọc xong chàng bắt chước kiểu Do Thái qua mặt lính gác Anh, tối tối bỏ mấy thùng dầu vô bao bố chở phây phây ngang qua đồn công an, coi ớn thấy mẹ.
Thân cười:
- Có khi chơi liều như vậy mà lại an toàn. Thôi hôm nay mình nghỉ sớm một bữa, về rủ thằng Thương đi kiếm cái gì nhậu.
Kha đứng dậy với tay lấy chiếc áo khoác vào người rồi hỏi bạn:
- Mày vẫn nhất định không đi?
Thân trầm ngâm một chút rồi đáp gọn:
- Không!

Nửa năm sau, một đêm trời tối đen và mưa bay bay, Kha đến gọi cửa nhà Thân. Cánh cửa hé mở, Thân thò đầu ra nhìn. Kha thì thầm:
- Tao đây, ra ngoài này.
Thân lách mình bước ra ngoài. Như đã đoán được chuyện gì, Thân hỏi bạn, giọng xúc động:
- Đi phải không?
Kha đáp:
- Ừ!
Hai người đứng nép dưới hiên nhà, im lặng nhìn vào trời đêm âm u. Những giọt mưa rơi trên lá mấy cây mãng cầu trồng quanh nhà kêu lách tách, đều đặn. Có tiếng chó sủa vu vơ nơi đầu xóm. Hồi lâu Kha đưa tay cầm chặc tay bạn, nói nhỏ:
- Thôi tao đi, ở lại cẩn thận.
Giọng Thân lẫn vào cơn mưa:
- Chúc mày may mắn. Vĩnh biệt.

Kha buông tay bạn ra rồi xoay người bước đi. Mưa vẫn còn rơi. Đi được một quãng, Kha quay đầu nhìn lại. Ánh đèn nhà bạn vẫn còn le lói hắt một vệt sáng run rẩy qua làn mưa mỏng. Kha ngước mắt nhìn lên trời đêm tối đen mênh mông. Nước mắt anh pha với nước mưa chảy vào môi anh mằn mặn. Kha nén tiếng thở dài rồi lầm lủi bước đi dưới cơn mưa đang bắt đầu nặng hạt.


Ngô Du Trung



---------------
Nguồn:  VĂN
Số 81, tháng 03-1989




_

Sunday, October 22, 2017

NÀNG KIỀU ĂN TẾT




Nguyễn Thạch Giang



Ông Phú và vợ đứng ngắm chiếc xe Camry mới vừa mua, đó là quà Tết của ông dành cho bà. Mấy năm nay công ty xuất khẩu thủy sản của ông ăn nên làm ra tiền vô như nước. Có thể nói công ty Phú Lộc của ông là công ty thuỷ sản lớn nhất ở thành phố này. Phú Lộc là tên ghép của hai vợ chồng, ông tên Phú bà tên Lộc. Ông vẫn tự hào cái tên Phú của mình, vừa sanh ra đời đã có số giàu, còn bà thì luôn nói nhờ cái tên Lộc, cuộc đời luôn có số...hưởng.
Chỉ còn mươi ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán, ông bận rộn cả ngày nào lương thưởng công nhân, nào quà cáp nào tiệc tùng cuối năm. Ông căn dặn bà vợ đôi điều rồi lật đật bước ra xe tài xế đang chờ.
Bà Phú Lộc ngắm chiếc xe đã con mắt rồi đứng ngắm căn biệt thự mới vừa xây xong cho kịp Tết mà trong lòng luôn hãnh diện. Căn nhà cũ cũng còn tốt nhưng ông cho đập bỏ xây mới toàn bộ. Xây biệt thự. Giờ người có tiền ai cũng ở nhà biệt thự.  Ông muốn cái biệt thự của ông phải đẹp-độc-lạ. Ông muốn dân trong thành phố này ai đi ngang nhìn cũng phải trầm trồ. Ông đã bỏ công lên tận Sài Gòn  nhờ chuyên viên vẽ kiểu, nội thất trong nhà đều dùng hàng cao cấp. Giờ có tiền, phải biết hưởng...

Ngắm xe mới, ngắm nhà mới chán chê bà Phú Lộc bước vào trong nhà đứng trước gương ngắm mình. Bà mới vừa đi căng da mặt. Giàu - Sang- giờ bà muốn Đẹp. Bà muốn mỗi khi bà bước ra đường thiên hạ phải ngó bà tròn con mắt thèm muốn, miệng khen bà đẹp mà trong lòng thầm ganh tỵ. Lúc trước bà ra đường, người này trầm trồ cái áo đầm hàng hiệu, người kia suýt soa chiếc nhẫn hạt xoàn lấp lánh, giờ bà muốn người ta trầm trồ cái nhan sắc của mình. Đã là đàn bà thì ai cũng mơ là người đàn bà đẹp.

Bà đứng trước gương xoay qua trở lại, tự ngắm rồi tự sướng với cái nhan sắc "người mẫu diễn viên" của mình. Chợt thấy chị Năm là người giúp việc đang đứng lau chùi bàn ghế gần đó, bà kêu chị lại để khoe cái gương mặt mới vừa đi thẩm mỹ. Bà muốn chị hết lời ca tụng như mấy người quen bà đã ca tụng. Nhưng cái chị người làm này thiệt thà quá, nhìn sắc đẹp của người ta mà nói chắc tốn nhiều tiền. Bà Phú Lộc cười dòn mà không giận. Nói cũng phải, cái nhan sắc này đã tốn biết bao nhiêu là tiền! Cái làn da trắng mịn Hàn Quốc này đâu phải rẻ.  Còn đôi mắt Phạm Băng Băng đôi môi Thẩm Thuý Hằng chiếc mũi Thanh Nga vòng eo con gái nữa chi. Chưa kể đến cặp ngực núi lửa và cái mông Kim Đà Sà. Kệ, ai nói gì kệ họ, chỉ là ghen ăn tức ở. Bà bỏ ra nhiều tiền để làm đẹp, nếu người ta không thấy mình đẹp thì họ cũng thấy mình giàu.

 Ông bà Phú Lộc chỉ có hai người con gái, cả hai cô đều tên Kiều, do ông nội đặt, vì cô Kiều sanh ra khi tivi đang chiếu bộ phim Tam Quốc, ai mà không biết hai chị em Đại Kiều và Tiểu Kiều là hai cô tiểu thơ nổi tiếng xinh đẹp, tài hoa cầm kỳ thi họa. Hai cô Kiều nhà này, cô chị Diễm Kiều đặt theo tên của một cô kịch sĩ nổi tiếng thời đó, cô em Thiên Kiều đặt theo tên một cô tiểu thơ trong một tuồng cải lương mà bà rất mê. Cô Diễm Kiều cũng tốt nghiệp đại học du lịch năm rồi, giờ ở nhà chưa định đi làm. Cô em Thiên Kiều cũng là sinh viên năm thứ hai đại học dân lập. Đi học để có bằng cấp với người ta chớ cũng không cần thiết kiếm việc làm. Trời đã sinh mình ra làm con nhà giàu, mai mốt cũng sẽ lấy chồng con nhà giàu, cuộc đời tiếp tục ...giàu ...ngày tối chỉ việc ăn ở không đi làm từ thiện.

Cô Diễm Kiều hôm nay có hẹn với anh Phong nhà báo. Anh Phong nổi tiếng là nhà thơ, nhà văn và bây giờ là nhà báo. Cô có việc cần nhờ anh. Từ lâu cô nổi tiếng xinh đẹp con nhà giàu. Tết này cô muốn là người nổi tiếng, cô muốn có tên có hình mình trên mặt báo, cả báo in và báo mạng.
Cô đã trang điểm mặc đồ đẹp xịt dầu thơm xong từ lâu chờ khách đến. Cô nóng lòng muốn làm người nổi tiếng Tết này. Nhà thơ nhà văn nhà báo đúng hẹn bấm chuông đứng chờ ngoài cửa. Cô bước lên lầu để chị người làm ra mở cửa. Cô để khách đến nhà ngồi chờ dăm ba phút, cô mới trên lầu nhẹ nhàng uyển chuyển từ từ bước xuống. Vậy mới giống phim Hồng Kông, vậy mới sang... vậy mới giống con gái nhà giàu.

Ông nhà báo nảy giờ choáng ngộp với bề ngoài nửa Tây nửa Ta nửa Tàu của cái biệt thự "Phú Lộc", giờ bước vào trong thấy có hơi hoa mắt nhức đầu chóng mặt với màu sắc xanh xanh đỏ đỏ cùng bàn ghế nửa gỗ nửa nệm đông tây cổ kim hoà điệu. Cái xứ này sao nhà giàu với nhà nghèo không cùng suy nghĩ, lạ nhỉ?
Cô Diễm Kiều sau một hồi quanh co khoe cha khoe mẹ khoe tài sản khoe bằng cấp khoe lung tung khoe đủ thứ. Nói chung cô gì cũng có chỉ thiếu tin và hình của mình trên mặt báo. Cô muốn nổi tiếng.  Ông " nhà thơ nhà văn nhà báo" nghe qua  không ngạc nhiên tí nào. Thời buổi này, hễ người có tiền là họ muốn có tiếng. Cũng dễ thôi. Có tiền mua tiên cũng được kia mà.

Là người chuyên nghiệp trong nghề, ông nhà báo hỏi cô gái con nhà giàu muốn hình xuất hiện ở trang trước trang trong hay trang quảng cáo. Cô Diễm Kiều giả bộ suy nghĩ rồi nói trang nào cũng được, trang văn nghệ đi em biết làm thơ.
Ông nhà báo nói vậy thì tốt quá! Tôi sẽ đăng một bài thơ cùng hình của nàng thơ Diễm Kiều.
Cô Diễm Kiều nói em thấy nhà thơ thì phải có bút hiệu cho kêu cho nổi đọc lên là biết nhà thơ không lẫn với ai được. Cô trầm ngâm suy nghĩ cho cái bút hiệu, cô hỏi anh nhà báo:
- Anh ơi! Em thấy đàn ông tên Kiều nổi tiếng ai cũng biết là Bằng Kiều, rồi mới đây có cái ông Kiều gì đó, nổi tiếng lắm, nổi nhứt là cái vụ 72 mí lại 27, à à nhớ rồi ông Hoàng Kiều. Còn đàn bà con gái, sao em không thấy ai tên Kiều mà nổi tiếng.
Ông nhà báo định nói, có chớ, đàn bà tên Kiều mà nổi tiếng thì chắc không ai qua được cô Thuý Kiều. Nhưng anh ta kịp thời sì tốp, chỗ này không phải là toà soạn báo lá cải.

Cô Diễm Kiều ngập ngừng hơi e ngại:
- Em thấy đời bây giờ người ta hay đặt tên nửa Tây nửa Ta, em muốn lấy tên của bà tổng thống Mỹ ghép với tên mình cho nó oách, em thích đặt bút hiệu của mình là " Lo Ra Kiều " được không anh.
Anh nhà báo không biết bà tổng thống Mỹ nào tên Lo Ra, hỏi vậy chớ chữ đó viết ra sao.
- Em đánh vần theo kiểu Việt Nam nhe, en lờ, a, u, e rờ, a.
Anh nhà báo bật cười, chắc em muốn nói đến bà "Lô Ra Búuch". Người Anh nói tiếng Anh giọng Ăng Lê, người Mỹ nói tiếng Anh giọng Mỹ, còn mình người Việt, nói tiếng Anh giọng Việt Nam. Lo Ra Kiều, hay,  cái tên nghe hay, không sợ đụng hàng.

Cô Diễm Kiều cảm thấy sướng, sướng quá ... nhà thơ "Lo Ra Kiều"  sắp được đăng bài kèm hình lên báo xuân, cô  hỏi anh nhà báo vậy thì em phải tốn bao nhiêu hả anh.
Anh nhà báo nhìn xung quanh, nghĩ bụng  nhà giàu thì tính tiền theo nhà giàu, giờ sắp Tết phải tính tiền theo giá Tết, anh nói thách người ta kỳ kèo bớt chút đỉnh là vừa, mười triệu.
Cô Diễm Kiều mĩm cười, cám ơn anh giúp đỡ, tiền bạc không thành vấn đề, em có sẵn nhiều bài thơ, để em đưa anh chọn.
- Tôi sẽ lựa chọn một vài bài và chắc là phải thêm bớt sửa đổi cho nó hoàn chỉnh. Trước khi bắt đầu mình phải có một hợp đồng, vì là chuyện nhỏ nên chỉ làm hợp đồng miệng.
- Dạ, em đồng ý trăm phần trăm,  xin anh cứ nói.
- Trước hết cô đặt tiền cọc hai triệu, tôi sẽ lựa một vài bài thơ mà tôi thấy nó phù hợp với con người của cô, một cô con  gái con nhà giàu vừa sang vừa đẹp. Ngày xưa người ta "sang giàu", đời bây giờ "sang chảnh". Đây là ý tưởng của tôi, xin được cầu chứng bản quyền,
" Một người con gái  sang chảnh là người con gái có tâm tánh con chuồn chuồn. Khi vui nó đậu khi buồn nó bay".
 Nếu vì lẽ gì cô hủy hợp đồng, cô sẽ mất tiền đặt cọc. Và theo đúng luật giang hồ, cô không được đưa người nào khác làm bài thơ "Con chuồn chuồn" theo cái ý của tôi.
- Dạ, em biết, xin anh tin em, em sẽ theo đúng cái "Luật giang hồ" khồng hề lẻn đi đêm với người khác.
- Vậy thì tốt quá! Tôi muốn người đọc nhìn hình của cô đầy ấn tượng, bức ảnh của cô sẽ được photoshop cho thật hoàn hảo với hình xâm con chuồn chuồn. Xin lỗi, cô có hình xâm nào trên người không?
- Dạ không, em sợ đau, mà xâm chỗ nào anh?
Cô lấy tay sờ bộ ngực, có vẻ như là chỗ nào cũng được nhưng đừng xâm chỗ này.
- Có lẽ xâm trên bờ vai, nhưng nếu cô sợ đau, mình sẽ làm xâm giả, nghĩa là chỉ vẽ lên để chụp hình xong rồi rửa bỏ. Như vậy rất tiện, mà xâm giả đẹp hơn xâm thiệt.
- Dạ em thích vậy, xâm giả đi anh, khỏi mất công năn nỉ bà già.
- Tôi sẽ tìm cho cô người làm chuyện đó, cô phải chịu chi phí, tôi nghĩ vừa xâm vừa chụp hình không hơn hai triệu.
- Dạ, em đồng ý, cám ơn anh, mọi sự trông nhờ anh.

Chờ cho ông " nhà thơ nhà văn nhà báo " đi khỏi, cô Diễm Kiều nhảy cững  lên sung sướng. Đã quá! Đã quá! Ba má ơi! Tết này con sẽ nổi tiếng, rồi đây cả cái thị trấn này sẽ biết con là nhà thơ nữ "Lo Ra Kiều", một cô gái vừa trẻ vừa đẹp, vừa sang vừa chảnh... như con chuồn chuồn, "Khi vui nó đậu, mà khi buồn thì nó ...bye" ...he he .

Cô  chị đã lo  xong phần ăn Tết,  còn phần cô em Thiên Kiều thì sao? cô hai mươi hai tuổi nhưng chưa có bạn trai, nếu cô muốn có người tình thì cũng dễ thôi, nhưng cô chưa muốn, cô không thích ràng buộc với ai vào lúc này. Nhưng Tết này, cô muốn khi cô bước ra ngoài, luôn luôn có một đứa con trai bảnh bao đi bên cạnh. Cô muốn khi cô đi phố, tụi con trai con gái sẽ đưa mắt nhìn đầy thèm muốn. Chỉ là người tình để chơi Tết, xong thì đường ai nấy đi. Hết Tết là hết tình, giống như qua Tết thì người ta vứt bỏ mấy cành đào cành mai vậy mà.

Cạnh nhà cô là nhà bà Hai, anh em lớn nhỏ cả gia đình từ lâu sống bên Mỹ. Tết này họ  về chơi đông vui ăn uống  nhậu nhẹt ì xèo. Cô thấy thấp thoáng mấy đứa con trai, tuy không bảnh bao như người mẫu diễn viên, tuy họ cũng mặc quần đùi áo thun mang dép lê ra ngồi quán cà phê đầu đường. Nhưng cách ăn nói, cách đi đứng của họ có cái gì khang khác không lẫn với đám trai làng ở đây.
Cô để ý, mỗi khi cô đùa giỡn với  con chó nhỏ trước sân nhà, là ba bốn tên con trai nhà bên nhìn hau háu. Buổi tối, khi cô đứng ngoài ban công, nhìn sang bên kia thế nào cũng bắt gặp ba bốn cái mặt con trai đang " bỏ ống nhòm" . Cô cắc cớ, để đèn mờ mờ mặc đồ ngủ mỏng tanh đứng lên cúi xuống cho người ta nhìn...chảy nước miếng. He he.

Cũng không lâu để câu được con mồi, một buổi chiều không biết vô tình hay cố ý, mấy anh chàng chơi banh một hồi bèn thảy banh sang sân nhà cô. Cô bước đến lượm và ngồi ghế xích đu chờ người sang lấy. Anh chàng mặt mày tướng tá coi cũng được sang xin trái banh về, rồi kiếm chuyện hỏi han linh tinh rồi xin trả ơn bằng một chầu ăn sáng. Ô kê, tốt thôi. Đúng kế hoạch,

Có mấy người bà con đến thăm,   cô Hai đem mấy chiếc nhẫn kim cương mới mua ra khoe. Cả  nhà xúm lại coi viên kim cương lớn bự một carat nhưng là kim cương nhân tạo.
- Kim cương giả?
- Kim cương nhân tạo chớ không phải giả.
- ???
- Nó cũng là hột xoàn, nhưng hột xoàn làm trong phòng thí nghiệm.
Rồi cô đưa chiếc cà rá gần ánh đèn, nó chiếu lấp lánh, kim cương nhân tạo đẹp hơn kim cương thiên nhiên.
- Nhưng chiếc vỏ cà rá này là đồ thiệt, vỏ Hồng Kông, mấy cái hột xoàn tấm xung quanh là hột xoàn thiệt. Cái vỏ chiếc cà rá này mua một ngàn hai trăm đô, còn cái hột một "k" mua cũng  ba trăm chớ đâu có rẻ. Tui một chiếc ổng một chiếc.
Thằng Thành là cháu kêu cô Hai bằng Dì. Nhà nó trên Sài Gòn, nó đang học năm thứ tư đại học, mấy hôm nay về đây chơi, ở lại " ăn Tết " với gia đình  dì Hai. Nảy giờ nó chộn rộn, muốn hỏi mượn dượng Hai chiếc nhẫn hạt xoàn đeo đi chơi với người đẹp con đại gia, nó có hẹn với cô Thiên Kiều đi ăn trưa nay.

Thằng  Thành mặc quần jean hiệu "ông Địa" mặc áo thun " con cá sấu" đeo nhẫn kim cương  một "k"  nó nói với Thiên Kiều nó tên Jack ( cho giống giống với mấy anh em con dì Hai).
Hai người dẫn nhau vào quán cà phê sân vườn, vừa bước vào ai cũng ngó. Mấy ngày nay Thiên Kiều cứ đinh ninh nó là anh chàng Việt kiều con cô Hai.
Thiên Kiều hỏi nó Tết này có định đi đâu chơi không? Còn nàng thì định ra Phú Quốc chơi vì mới đọc báo thấy nói đến "Chùa ông Dũng" ở ngoài đó, nàng tò mò muốn ra đó coi nó to lạ đẹp cở  nào. Nhưng trong nhà không ai chịu đi.
Thằng  Thành không bỏ lỡ cơ hội, vậy mình xúm nhau tổ chức đi chung cho vui, để tui rủ thêm người cho đông vui.
Thiên Kiều đồng ý ngay, hẹn mùng hai Tết sẽ mướn xe thuê bao đi cùng.
Thành đưa bàn tay nhìn  đồng hồ coi giờ nhưng  thật ra chỉ là muốn khoe chiếc nhẫn. Chiếc cà rá chiếu lấp lánh khiến Thiên Kiều chú ý, nàng không ngăn được sự tò mò:
- Anh Jack mua chiếc nhẫn này bên Mỹ.
- Của dì Hai mua cho.
- Vậy anh không phải con cô Hai? Anh không phải Việt kiều?
- Không, anh là cháu kêu bằng  dì, nhà anh ở Sài Gòn, Tết này về đây chơi, ở ăn Tết với mấy anh chị. Anh cũng có giấy tờ bảo lãnh rồi, cũng mới vừa làm, chắc chừng mười năm nữa sẽ đi.

Có một cái gì hụt hẫng hiện rõ trên gương mặt Thiên Kiều, cô không dấu nỗi vẻ thất vọng. Thôi cha nội ơi, ông làm ơn ""Back to the future" cho con nhờ. Ông Việt kiều ở "thì tương lai" ơi! ông làm ơn trở về "người đàn ông thì hiện tại" cho nó lành. Vỡ kế hoạch! vậy là Tết này khộng có người tình đi bên cạnh. Cũng may biết sớm, chớ đầu năm đầu tháng mà gặp kiểu  này, chắc là xui cả năm.
Nàng móc điện thoại ra xem rồi nói ý da!  Em có việc phải đi trước, anh ngồi đây chơi về sau nha.
Cô đứng lên vội bước đi, điệu bộ dáng vẻ không có gì giống lúc ban đầu. Thằng Thành cay cú nghĩ  cái vụ đi Phú Quốc kể như xù. Cũng mau thiệt, con gái gì mà "đểu" còn hơn con trai.

Nhìn cô bước đi trong ánh nắng xuân, dáng đi như người mẫu, cái túi xách  hàng hiệu, nhưng cái áo đầm hàng nhái. Nó ngó xuống bàn tay của mình, chiếc nhẫn kim cương lấp lánh, cái vỏ đồ thiệt mà cái ruột thì đồ giả.

Hôm nay đã là 28 ta, phố phường nhà cửa người người đâu đâu cũng rộn ràng chuẩn bị đón Tết. Tết! Tết đến rồi!


NTG



Đăng lần đầu trên báo Trẻ, Giai phẩm Xuân Mậu Tuất 2018

















Wednesday, October 18, 2017

ĐOÁ HOA NỞ MUỘN





Nguyễn Thạch Giang


Cô Lệ Ngọc sanh năm Nhâm Dần, tính đến nay cô cũng đã năm mươi lăm tuổi rồi, nhưng cô vẫn chưa chồng. Chắc tại cô tuổi con cọp cao số, (ông bà xưa nói vậy), người đàn bà cao số là người sẽ muộn đường chồng con?
Cái năm "giải phóng" cô mới mười ba, cô đã lớn lên trong một thời kỳ nhiễu nhương chưa từng thấy, mọi thứ trong xã hội bỗng chốc thay đổi lộn tùng phèo. Cha cô vốn là sĩ quan cảnh sát phải đi tù "cải tạo". Gia đình cô may mắn không bị mất nhà, cô may mắn vẫn còn được cắp sách đến trường. Nhưng thời đó đi học là đi đến trường chứ chữ nghĩa chẳng nhét vô đầu óc được bao nhiêu, mà học cũng chẳng biết để làm gì.

Rồi cô cũng lớn dần theo năm tháng, lẽ ra đó là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời...lại là những năm tháng dài buồn chán. Nhà nào cũng chỉ lo đến miếng ăn, người nào cũng lo tìm đường thoát khỏi vùng trời mình đang sống. Vừa đến tuổi chớm vào đường yêu, quanh đi quẩn lại cô chẳng tìm được đứa con trai nào để cặp bồ. Bạn học trong lớp, bạn bè lối xóm, hôm nay thấy mặt thì biết nó còn đó, ngày mai thì không chắc nó còn đó không.
Lúc cô hai mươi tám tuổi, có một anh chàng người cùng xóm, cũng trạc tuổi cô, nhờ người mai mối đến nhà hỏi cưới cô làm vợ. Cô thấy anh ta cũng được, không mang tiếng điều chi. Cô thấy gia đình anh ta cũng được, ai cũng lo làm ăn lương thiện. Cô nghĩ nay mình cũng đã lớn tuổi, thôi ưng đại anh ta cho rồi. Chuyện hôn nhân của cô chưa đi tới đâu thì đùng một cái, cả thành phố nhốn nháo tin tù cải tạo được Mỹ bốc. Khi ba cô chính thức nộp đơn đi Mỹ theo diện H.O., cô không dám uống thuốc liều bỏ cha bỏ mẹ ở lại lấy chồng. Thôi thì chắc duyên số chưa tới, trời đã định như vậy rồi.

Cô đến Mỹ lúc vừa ba mươi, chưa già lắm để có được một người đàn ông cho cuộc đời. Cô không đẹp nhưng không xấu, (mà người đàn bà dù có xấu thì cũng vẫn kiếm được chồng), không hiểu sao cô không gặp được ai, cô cũng không cần thiết lắm quơ đại một ông nào đó làm chồng cho có với người ta.

 Ngày tháng dần qua... cô đã năm mươi lăm. Cô đã quen với cảnh sớm tối đi về lủi thủi một mình.

Có lần cô nghe mẹ kể người yêu đầu tiên của cha tên Lệ Hoa. Cha rất yêu người con gái ấy, (nhưng không hiểu sao duyên nợ hai người không thành, đôi lúc cha tỏ ra ân hận vì nghĩ mình là người phụ bạc). Cái tên của cô hình như có dính dáng một chút gì đó đến mối tình đầu của ông. Mẹ cô có đôi lần đổ thừa tại ông già đem cái giọt lệ tình năm xưa cho cô ôm, nên đường tình duyên của cô nhiều lận đận. Cô không nghĩ vậy mà cũng không buồn cha mình.
Qua Mỹ cái tên Lệ Ngọc của cô có hơi khó gọi hay sao mà bạn người Mỹ làm chung sở đều kêu cô là Lệ, cô Lệ Ngọc giờ thành cô Lệ. Thôi thì...ráng mà ôm cái giọt lệ tình đó cho hết cuộc đời.
 
Sang Mỹ mấy tháng, vừa có bằng lái xe thì cô được người quen giới thiệu vô làm công nhân lắp ráp trong hãng điện tử. Cô học thi lấy thêm bằng nail, làm thêm buổi chiều và cuối tuần. Cô chịu khó cày hai job từ ngày sang Mỹ cho đến giờ, cũng đã hơn hai mươi năm. Cuộc sống từ từ trôi qua ngày này đến ngày khác một cách êm đềm, người ngoài nhìn vào thấy cuộc đời của cô như vậy tốt lắm rồi còn mong gì hơn.
Ai đến nhà cô chơi cũng trầm trồ ước ao được sống như cô độc thân vậy mà sướng. Chị Minh lúc nào cũng than phiền mấy đứa con, "con là nợ vợ là oan gia". Lúc tụi nó còn nhỏ thì tối ngày đưa đón, lớn thì lo đủ thứ...tiền học tiền quần áo tiền cà phê thuốc lá. Giờ tụi nó trưởng thành mạnh đứa nào nấy bung, có chuyện gì cần nhờ thiệt là khó. Anh chị Hoàng thì cằn nhằn đứa con gái, vừa bán nhà dọn về ở chung với con, vừa tiết kiệm tiền vừa trông chừng cháu ngoại. Nhưng chắc phải dọn ra, xứ này nhà ai nấy ở, nhà của nó làm gì cũng phải hỏi ý nó, mua cái bàn cái ghế, nhỏ như chậu hoa cũng phải hỏi ý nó, nó chịu thì mới được phép mang về. Chị Hồng thì luôn càm ràm ông chồng, ổng nhậu nhẹt cờ bạc tối ngày, nhà cửa con cái một mình tui lo, lâu lâu trả một đống nợ ổng vay. Thiệt từ lúc lấy chồng cho tới giờ con lớn đại mà sao mà không có ngày nào không lo, ở độc thân như em vậy mà sướng.
Hình như mọi người ai cũng nghĩ cô Lệ Ngọc cứ ở một mình vậy cho khỏe.

Năm vừa rồi Lệ Ngọc bị mất việc ở hãng điện tử, nàng không vội tìm việc khác, sẵn dịp nghỉ một thời gian cho khỏe, làm nail lai rai đủ sống rồi. Căn nhà nàng đang ở là của nàng, trả gần xong còn vài năm nữa là hết nợ ngân hàng. Hồi đó làm gan mua đại, lúc nhà còn rẻ, vậy mà có chớ giờ giá nhà lên cao quá sao mua nổi. Nàng ở với cha mẹ cùng thằng cháu kêu bằng cô. Mẹ nó chết sớm, cha nó giao cho ông nội bà nội nuôi dùm. Cô hai Lệ Ngọc thương nó như con, năm nay nó hai mươi mốt tuổi rồi, đang học năm thứ tư đại học.

Không đi làm hãng, có nhiều thì giờ rãnh rỗi chị Minh lối xóm thường hay rủ Lệ Ngọc đi chùa, ngày rằm hay ngày mùng một đầu tháng lên chùa làm công quả ăn cơm chay. Tại đây Lệ Ngọc quen anh Quang khi anh lên chùa làm lễ cúng thất cho vợ. Vợ anh vừa mới qua đời, nhìn người đàn ông đầu quấn khăn tang đội sớ, quỳ lạy đọc kinh Lệ Ngọc vừa thấy có cảm tình vừa thấy hơi tội nghiệp.
Lúc xong lễ ngồi ăn cơm chay, anh Quang ngồi gần bên hỏi Lệ Ngọc vậy chớ thằng con trai cô đâu sao hôm nay không thấy.
Lệ Ngọc mĩm cười nói dạ thằng đó là cháu, không phải con, nàng định nói nàng vẫn còn độc thân, nhưng thôi, khi nào người ta hỏi hẳn nói. Nhưng người ta không hỏi.

Cô Khánh và một số người hay lên chùa làm công quả, lâu lâu chừng đôi ba tháng tổ chức buổi đi rải tro cốt người quá cố ngoài biển. Cô đứng ra thuê bao một chiếc tàu nhỏ, loại chở khách du lịch đi vòng quanh vịnh ngắm cảnh. Thường lễ rải tro cốt có sư thầy trên chùa đi theo làm lễ tụng niệm, có hoa và bánh trái mấy cô đem theo cúng kiến. Ai có nhu cầu thì ghi tên tham dự, các cô thì phụ trách phần rải tro cốt mấy người không có thân nhân. Chị Minh rủ Lệ Ngọc đi theo, hôm đó chị cần rải tro cốt một người bà con sống cô đơn không vợ con anh em ở Mỹ. Hai người đến nhà cô Khánh, đi chung xe van to cho tiện vì đi ra biển Santa Cruz cô Minh không biết đường, mà đường đèo cheo leo khó lái. Trên xe có thầy trụ trì chùa Thắng Duyên đi theo tụng kinh làm lễ, cha con anh Quang cũng đi quá giang chung xe. Hôm nay anh đi ra biển rải tro cốt người vợ quá cố của anh. Lệ Ngọc hỏi anh Quang hôm nay anh nghỉ làm? Anh cười nói tôi nghỉ hưu rồi, sáu mươi bảy tuổi rồi, tuổi con cọp, Canh Dần. Ngọc muốn nói em cũng tuổi con cọp nhưng hơi ngại. Thấy anh cũng còn trẻ, chừng sáu mươi. Anh Quang cười xoà, bây giờ tôi thấy già nhiều chớ lúc trước ai cũng khen trẻ. Chắc từ lúc bả mất, lo đủ thứ. Mới vừa nghỉ hưu bả đổ bịnh, cũng may ở nhà không đi làm có thời giờ săn sóc. Bà xã tôi bịnh có sáu tháng thì mất, đâu có ngờ mau như vậy. Anh Quang trầm ngâm buồn bã, Lệ Ngọc bối rối không biết nói gì an ủi người đàn ông vừa quen.

Buổi tối hôm đó Lệ Ngọc cứ nhớ đến người đàn ông tuổi con cọp, tự dưng trùng hợp tự dưng thấy thích người ta. Thấy ảnh cũng còn trẻ, cứ tưởng lớn hơn mình vài tuổi. Lệ Ngọc lấy phone xem hình chụp hồi ban sáng, cứ xem tới xem lui tấm hình chụp chung người ta đứng bên cạnh. Rồi nhớ đến từng cử chỉ lời nói của người ta.

Thằng Dũng là cháu mà Lệ Ngọc nuôi nó từ nhỏ, thương nó như con. Nó cũng thương cô Hai và coi cô như người mẹ. Mấy hôm nay thấy cô Hai có vẻ buồn buồn hay rút vô phòng cả ngày không nói chuyện với ai. Cô mới vừa cho nó biết cô đã đến văn phòng luật sư làm di chúc để lại căn nhà này cho nó. Nó nghe mà không thấy vui, thấy cô buồn nó cũng buồn theo. Nó nghĩ người ta già gần chết mới lập di chúc, chớ còn cô...còn trẻ quá mà.

Lúc cả nhà vừa ăn cơm xong, có mặt ông nội bà nội, nó ngập ngừng sau cùng cũng nói.
- Con còn trẻ sau này tự lo tự sống được rồi. Cô Hai để dành tiền sống dưỡng già. Trong nhà ai cũng thương cô Hai, con thương cô như thương mẹ...cô đừng chết sớm nhe cô Hai.
Cha mẹ cô Lệ Ngọc nghe vậy không ngăn được giòng  nước mắt. Ông bước đến gần nói với đứa con gái.
- Ba má rất thương con, lúc nào cũng thương con, con thương ai ba má không bao giờ cấm cản. Ba má đã già sống nay chết mai, ba má lúc nào cũng mong con có gia đình có người bạn đời hủ hỉ lúc tuổi già, được như vậy  ba má mới yên tâm mà  theo ông theo bà.
Cô Lệ Ngọc làm thinh không nói gì nước mắt tuôn trào. Thằng Dũng bước ra ngồi ngoài hàng ba khi thấy ông nội bà nội nó khóc, đây là một tình cảnh rất khó khăn nó phải chứng kiến.

Thằng Dũng hỏi thăm địa chỉ nó tự  tìm đến nhà bác Quang. Nó nghĩ chỉ có người đàn ông này mới  có thể làm cho cô Hai của nó hết cái bịnh buồn.  Lúc nó đến bác Quang đang lăng xăng trông chừng hai đứa cháu, một đứa cháu nội một đứa cháu ngoại. Thằng Dũng đẻ ở Mỹ nói tiếng Việt không rành. Sau một hồi ấp a ấp úng nó nói cô Hai của nó thương bác, mấy ngày nay không thấy bác cô buồn sanh bịnh, bác làm ơn đến nhà nói chuyện với cô Hai để cô từ từ qua cơn buồn.
Cái điệu nói ngay nói thẳng của thằng Dũng làm anh Quang bật cười, (anh thầm nghĩ trong bụng vậy sao, thiệt vậy sao?), nhìn vẻ mặt nghiêm trọng của thằng nhỏ anh thấy có hơi chút cảm động, anh nói để cuối tuần cha mẹ mấy đứa này ở nhà anh sẽ đến, giờ bác phải làm babysit cháu ơi!

Thằng Dũng đứng trước cửa nhà chờ bác Quang, nó thấy chiếc xe Camry màu trắng từ từ tấp vào lề dừng lại, nó mừng rỡ chạy đến đón. Bác Quang nói xin lỗi, bác đến trễ vì xe của bác tự dưng bị hư, bác nhờ đứa con đưa đi dùm.
Cô Lệ Ngọc nãy giờ lăng xăng pha cà phê, hai người dẫn nhau ra sau vườn xem mấy cây rau thơm, mấy cây ớt cô mới trồng. Cô hái cho anh Quang một bịch chanh, cây chanh sai trái ăn không hết.
Anh Quang hỏi cha thằng Dũng giờ ở đâu, thấy nó cũng dễ thương, nó có vẻ thương cô Ngọc lắm
" Cha nó giờ có vợ khác ở cách đây khoảng một tiếng đi xe. Nó ở với ông nội bà nội quen rồi, không muốn về ở với ba, mà năm tới nó chuyển trường đi học xa rồi."
"Thấy nó ngoan dễ thương mà nói tiếng Việt cũng giỏi".
"Nhờ nó ở chung với em từ nhỏ, ông nội bà nội lúc trước coi phim bộ suốt ngày nên nó biết tiếng Việt, mà biết nói thôi chớ không biết chữ. Hồi trước đi ăn nhà hàng Việt Nam sao thấy nó có một món gọi hoài, sau nó thú thiệt, nó có biết đọc menu đâu mà lựa món".
Anh Quang nhớ tới hôm nó đến nhà, ấp a ấp úng nói cô con thương bác. Quang chợt mĩm cười, Lệ Ngọc đâu biết anh đang nghĩ gì nhưng nụ cười mĩm của anh làm cô bồi hồi sung sướng.
Anh Quang nói thầy trên chùa Hồng Danh có tổ chức một buổi văn nghệ có phần ăn tối tại nhà hàng, nhằm gây quỹ mua xe lăn xe lắc giúp đỡ người tàn tật bên Việt Nam, cô Ngọc có muốn đi không tôi có vé. Ngọc nói tiền vé bao nhiêu để em trả lại cho anh.

Thằng Dũng đưa bác Quang về sẵn dịp nó mời bác đi ăn phở. Cô Hai Lệ Ngọc thì khỏi nói, đương nhiên đi cùng. Hôm nay cô vui luôn miệng khen quán này phở ăn ngon quá, cô còn mua hai phần "to go" đem về cho ba má. Thằng Dũng nhìn cô tươi vui mà khoái trong bụng, nó đã tìm được đúng thầy đúng thuốc chữa cái bịnh "buồn" của cô Hai.

Hôm nay cô Lệ Ngọc có hẹn với anh  Quang đi coi văn nghệ chùa gây quỹ từ thiện. Cô mặc chiếc áo đầm màu xanh lông két có gắn kim tuyến chớp chớp, cô mang giày cao gót đeo bông tòn teng như con gái. Cha mẹ cô ngồi nhìn con gái của mình lúc rày yêu đời xí xọn nhí nha nhí nhảnh. Người đàn bà đang yêu có khác. Cở  này hai người hay dẫn nhau đi ăn  đi mua sắm đi chơi chỗ này chỗ kia, tối thì ôm cái phone tâm tình. Coi bộ cái thằng đó cũng chịu con nhỏ, cầu trời cho nó có chỗ yên thân yên phận.

Lệ Ngọc nhờ thằng Dũng tìm người, cô muốn xây thêm một cái phòng có nhà tắm phía sau vườn, có lối đi riêng phía bên hông nhà, kiểu người ta xây thêm phòng cho mướn. Cha mẹ cô không hề thắc mắc, cũng tự hiểu cô đang tính chuyện lấy chồng ra riêng.
Cha thằng Dũng một hôm ghé nhà thăm ông bà sẵn dịp cho nó ít tiền, thấy thợ làm nhà phía sau vườn hỏi ủa bộ chị Hai xây thêm phòng cho mướn hả. Ông bà nói nó xây phòng mai mốt lấy chồng ra riêng. Cậu em cười ngất, chị Hai lấy chồng? Cái này ngộ à nghen, thiệt không ba? Mày hỏi chị mày sao hỏi tao. Chị Hai Lệ Ngọc không nói mặt ửng hồng sung sướng.

Mấy cha con kéo nhau ra xem cái "Túp lều lý tưởng" của cô Hai Ngọc. Ba thằng Dũng khen phòng tắm, rộng và sang như nhà triệu đô. Vừa tắm vừa nhìn ra phong cảnh đồi núi phía xa xa, đêm có trăng hai ông bà ngâm mình trong bồn tắm tay cầm ly rượu đỏ thì y như trong phim. Nó cười ngất khi ngồi thử trên cầu tiêu, ai vẽ kiểu cho chị vậy, mới từng thấy vừa ngồi ỉa vừa ngắm cảnh. Chị có đứng ngoài nhìn thử rồi, đâu thấy gì, cùng lắm người ta thấy mình đang đọc báo.

Cái hôm ăn tân gia, anh Quang có dẫn hai đứa con và mấy đứa cháu đến dự. Ăn uống ì xèo đông vui, thằng Dũng uống bia hát karaoke tiếng Việt. Hai người này coi bộ cũng muốn công khai tình cảm.
Thỉnh thoảng anh Quang có đến chơi, tự động đi cửa hông vô "nhà" của cô Ngọc. Cô Ngọc không nói lẳng lặng đi ra nhà sau gặp anh Quang, hai người này lớn rồi mà hẹn hò lấp ló như mèo ăn vụng.
Một buổi tối khi cô Ngọc và cha mẹ đang ngồi coi tivi thì anh Quang đến. Nhìn cái điệu bộ lăng xăng đi tới đi lui như gà mắc đẻ của cô con gái, ông cha hiểu ý, nhìn ra sau vườn thì đúng y chang, chàng vừa đến ngồi chờ. Ông nói với bà vợ thôi vô phòng coi rồi đi ngủ.
Ông vén màn nhìn ra ngoài, cô con gái yêu của ông đang cùng người tình đang ngắm mấy đóa hoa nở muộn. Hồi sáng này, cô Ngọc cứ tấm tắc khen mấy bụi hoa, cuối Thu mà vẫn còn ra hoa thiệt là đẹp.
Hai người bước đến ghế xích đu vừa ngắm trăng vừa uống rượu, chà chà con gái tôi bữa nay uống rượu đỏ. Người đàn bà đang yêu. Bởi vì tình yêu đến muộn quá nên cô nàng "Yêu như chưa từng được yêu".

Ông cha tò mò nhìn hai người, họ không ôm ấp hôn hít như người trẻ thời bây giờ. Rồi chút nữa đây ai về nhà nấy, ông cảm thấy thương đứa con gái của mình, tội nghiệp con tôi, sao không ai mở lời cho một đám cưới. Ông có một quyết định, ông nắm tay bà vợ lắc lắc, bà à ! Vợ ông đang mải coi phim thời sự quay nước Ấn Độ, bà à...chuẩn bị, chuẩn bị ăn đám cưới. Đám cưới ai? Thì đám cưới con gái bà chớ đám cưới ai.


Tháng Mười, 2017