Monday, October 30, 2017

MẬU THÂN




Vũ Phương Nam



Tuổi niên thiếu của tôi trãi dài trên những bãi cát trắng miền biển. Thị xã Vũng Tàu nhỏ bé như...đi dăm phút đã về chốn cũ. Những ngày ngâm mình dưới làn nước ấm, tầm mắt nhìn mãi ra chân trời mù khơi. Con đường dẫn lên ngọn hải đăng dốc đứng ở núi nhỏ. Con đường quanh co vòng núi lớn, qua những ngôi chùa cheo leo trên sườn núi, Bạch Dinh của toàn quyền Pháp xa xưa. Từ bãi trước với những rặng phi lao, qua Bãi Dâu, về Thích Ca Phật Đài, xuống Bến Đá và chợ Bến Đình... Tuổi nhỏ tôi chỉ biết vui chơi và đùa nghịch.

Gia đình tôi di cư vào Nam từ 1954 khi tôi còn được bế trên tay. Bên nội tôi tất cả đều ở lại miền Bắc. Bên ngoại tôi thì vào Nam từ trước 54. Gia đình ông bà ngoại tôi ở Sài Gòn. Ông có một văn phòng xuất nhập cảng ở đường Pasteur, đối diện bên hông trường kỹ thuật Cao Thắng. Căn phố ông ngoại tôi mướn ở tầng trệt, phía ngoài làm văn phòng, phía trong làm nhà ở. Căn phố chỉ có chiều sâu, bít bùng như một đường hầm, không có cửa sổ, chỉ có nhà bếp ở cuối là đâm sâu ra một đường hẻm lầy lội, khu nhà ổ chuột của dân lao động.

Một năm đôi ba lần, tôi theo bố mẹ lên Sài Gòn chơi, thăm ông bà ngoại và các dì, cậu của tôi. Con đường quốc lộ 15 nối liền Vũng Tàu-Sài Gòn khá tốt, đi bằng xe đò nhỏ chưa đến hai tiếng đã tới. Trong đầu óc một thiếu niên mới lớn như tôi, Sài Gòn lúc đó quả là một thành phố vĩ đại vô cùng, so với cái thị xã nhỏ bé tôi đang ở. Phố Nguyễn Huệ, Lê Lợi...đồ sộ với nhà lầu và xe cộ nườm nượp như mắc cửi, tôi có muốn băng qua đường còn chưa dám đi một mình. Những ngày ở nhà ông ngoại tôi, trong khi bố mẹ tôi bận nói chuyện, tôi thường một mình dạo quanh khu phố. Tôi hay thả bộ qua chợ bán thú vật ở phố Hàm Nghi. Những khi có tiền còm trong túi, tôi hay chui vào rạp hát Nam Việt ở góc Huỳnh Thúc Kháng coi phim chưởng, hoặc lang thang quanh mấy xe đẩy bán quà vặt. Những miếng lòng bò, những cuốn bò bía,  những ly nước mía vắt một chút cam. Nhưng tôi khoái nhất cái món bột chiên, có tiền thì thêm một trứng vịt, không thì bột chiên không cũng khoái khẩu lắm rồi. Chưa có lần nào lên Sài Gòn mà tôi bỏ qua món này.

Đó là những năm tôi khoảng chín mười tuổi, tôi chỉ dám dạo quanh khu phố gần nhà và ăn quà vặt dọc đường. Sau này lúc mười hai mười ba tuổi, tôi từ từ đi xa hơn. Tôi thả xuống Lê Lợi, góc Nguyễn Huệ, có cái bùng binh thỉnh thoảng phun nước mù mịt. Ngó xéo qua bên kia là toà nhà Quốc Hội, bên này là Toà Đô Chính, kèm hai bên là hai rạp hát lớn , Rex và Eden. Sau này tôi đã biết vào Rex coi xi nê, dù phải trả thêm chút tiền, nhưng có máy lạnh cũng đã hơn. Những khi tài chánh eo hẹp, tôi chỉ dám dạo chơi. Nhà sách Khai Trí người ra vào tấp nập,  tôi chỉ ghé mắt một chút rồi bỏ đi, sách vở với tôi lúc đó không có gì hấp dẫn. Có khi tôi thả xuống Tự Do, có nhà hàng La Pagode, cửa kính trong suốt, trong đó những công tử Sài Gòn áo eo quần loe ngồi nhâm nhi cà phê, thả khói thuốc mù mịt, ngẫm nghĩ sự đời, hoặc phóng tầm mắt ra ngoài nhìn thiên hạ qua lại. Trong cái ý nghĩ non nớt của tôi lúc đó, Pagode muốn vào chắc phải nhiều tiền, vì không khí trông có vẻ sang trọng, mấy người bồi quần đen áo trắng, cổ thắt nơ, trông rất ư là lịch sự.

Đó là nói về những chuyến đi bình thường trong một năm. Nhưng vào dịp Tết, năm nào cũng vậy, bố mẹ tôi cũng lên Sài Gòn để chúc Tết ông bà ngoại tôi kèm theo một ít quà biếu. Và năm nào tôi cũng được tháp tùng, thường thì trước Tết vài ba ngày và trở lại Vũng Tàu ngày 30 để ăn Tết. Cho đến năm tôi được mười bốn tuổi, bố mẹ tôi quyết định cho tôi đi Sài Gòn một mình, mang quà về biếu ông bà ngoại và ở lại ăn Tết luôn, đến ra giêng mới trở về Vũng Tàu đi học lại. Có lẽ bố mẹ nghĩ tôi đã đủ lớn để cáng đáng một chuyện nhỏ như vậy. Riêng tôi, tôi chẳng có một ý nghĩ gì về sợ sệt khi phải đi một mình.
Ngày 29 Tết tôi chuẩn bị lên đường, cũng tay xách nách mang. Một cặp bánh chưng nấu ở nhà từ mấy hôm trước, một số bánh mứt và chai rượu Hennessy cổ lùn. Bố tôi đưa tôi ra tận bến xe đò, dặn dò tài xế một cách cẩn thận cho tôi xuống đường Hiền Vương, để tôi có thể đón taxi hoặc xích lô về Pasteur. Khúc này thì tôi nhớ vì Hiền Vương chỉ qua Đa Kao một khúc. Bố tôi còn cẩn thận dặn đi dặn lại phải nói gì khi đưa quà cho ông bà ngoại. Tôi phải dùng chữ biếu, chứ không phải cho. Khi một người vai nhỏ cho quà một người vai lớn phải dùng chữ biếu thay vì chữ cho, tôi được dạy dỗ như vậy từ nhỏ.

Chiếc xe tôi đi, được gọi là xe đò nhỏ, là một chiếc Citroen biến cải. Xe thật sự nhỏ xíu, tiêu chuẩn chỉ chở bốn người, vậy mà chủ xe làm thêm một băng ghế phía sau và nhét thêm người phía trước, cuối cùng xe chở tất cả chín người. Ngồi trên xe gần hai tiếng, tôi tê cả cặp đùi. Dù vậy, trời vào xuân phơi phới, nắng xuân ấm áp. Xe qua cầu Cây Khế, đến Bà Rịa, tôi ngoái cổ nhìn qua cửa kính, Núi Lớn với đài ra đa mờ dần phía sau. Xe tiếp tục trực chỉ Sài Gòn, những mái nhà tranh ẩn hiện dưới mấy hàng dừa, những đồng ruộng bát ngát lùi dần về phía sau.
Được khoảng một tiếng đồng hồ, xe đến Long  Thành. Tài xế ngừng lại bên một sạp bán trái cây cho hành khách nào muốn mua làm quà cho thân nhân. Những chùm chôm chôm đỏ thắm, những trái sầu riêng nứt nẻ thơm phức, những trái măng cụt chất đống, những trái mít căng phồng vàng rực. Tiếng rao hàng lãnh lót mời chào...mía ghim, cơm sườn, nước dừa, nem Thủ Đức, bánh tét, bánh phồng tôm...
Sau khi hành khách mua xong quà, xe tiếp tục lên đường. Trước khi vào Biên Hoà, xe chạy qua vườn cao su Long Thành, những hàng cây thẳng tấp ngút ngàn phía xa. Những vườn cây ăn trái trĩu nặng. Những cây mít thân xù xì lủng lẳng những chùm trái vàng  tươi. Qua khỏi Long Thành, xe đụng phải cổng  căn cứ Long Bình, quẹo trái vào xa lộ Đại Hàn, Thủ Đức. Đến Hàng Xanh, một số hành khách xuống và xe tiếp tục vào thành phố. Trạm thứ hai, thêm một số hành xuống Đa Kao, sau đó xe ghé Hiền Vương và tôi xuống đây trong khi xe tiếp tục vào bến xe trong Chợ Lớn.

Tôi xách giỏ quà chĩu nặng, đứng nép vào lề đường đón xe. Bố mẹ tôi dặn đi xích lô hay taxi cũng được, nhưng phải trả giá, chỉ khoảng một trăm đồng thôi. Thấy tôi đứng lớ ngớ, một chiếc xe tắc xi trờ  tới, gã tài xế hỏi:
- Đi đâu?
- Cho tui về Pasteur góc Hàm Nghi.
Gã với tay mở cửa: "lên đi"
Tôi ngập ngừng: "bao nhiêu?"
- Hai trăm
Tôi trả lời không suy nghĩ, một trăm thì đi. Gã đóng cửa xe cái rầm rồi bỏ đi. Tôi đợi thêm một lát thì có chiếc xe xích lô đạp chạy ngang, tôi đưa tay vẫy. Gã tài xế đạp xe, với chiếc áo ca rô phanh ngực, chiếc quần đùi đen bạc phếch, mồ hôi nhễ nhại trên mặt, vội vàng đưa tay kéo cái thắng ở dưới háng, cái bánh xe lết xềnh xệch trên mặt đường nhựa và chiếc xe dừng hẳn lại.
Tôi chưa đợi gã hoàn hồn đã vội nói:
- Cho tui về Pasteur góc Hàm Nghi, một trăm đồng thì đi.
Gã ngập ngừng một chút rồi nói:
- Thôi lên đi, gần Tết rồi sao cũng được.
Tôi xách giỏ đồ leo lên xe, ngồi thỏm trong cái nệm xe nhún nhún. Tôi nói số nhà rồi dựa lưng nhìn xe cộ lao qua vùng vụt. Chiếc xe nhủi nhủi tới trước theo đà đạp.

Nửa tiếng sau xe tới nơi. Tôi bước xuống xích lô, tần ngần trước hai cánh cửa sắt. Phố xá im lặng. Sinh hoạt hằng ngày như ngưng đọng lại đón Tết. Tôi đưa tay đập cửa rầm rầm. Ông ngoại tôi ra mở cửa, giọng vồ vã:
- Ủa thằng cháu của ông đấy hả?
- Dạ!
Ông đưa tay xách giỏ đồ:
- Cháu đem cái gì cho ông vậy. Thôi, vào đây cái đã. Cháu đi một mình hả?
- Dạ!
Ông dẫn tôi ra tuốt sau bếp, nơi có được một chút ánh sáng thiên nhiên từ trên trời chiếu xuống.
Tôi ngập ngừng, chuẩn bị nói những cái gì tôi sẽ phải nói.
- Thưa ông bà...bố mẹ cháu mắc bận không đi được, có...nhờ cháu mang ít quà về...biếu ông bà.
Bà tôi ngồi gần đó cười mĩm:
- Thằng bố mày, cháu phải nói là bố mẹ cháu sai cháu chứ không phải nhờ, nghe chưa.
Tôi dạ lí nhí cho qua chuyện.

Đêm ba mươi Tết. Đêm trừ tịch. Đèn Sài Gòn quá sáng để thấy được đêm đen ngòm của bầu trời không trăng sao. Tôi vẫn thích thức khuya để đón giao thừa, cái đón háo hức đầu năm mới. Cái thích nhất là được ăn sau khi cúng xong. Ít nhất cũng có món gà luộc và xôi chè, có khi còn thêm món lòng gà xào với nắm đông cô và su hào. Thêm vào đó là tiếng pháo. Tiếng đì đùng hằng loạt làm lòng tôi rộn rã, báo hiệu một mùa xuân mới.

Nhưng tiếng pháo năm đó, năm Mậu Thân, đã xen lẫn tiếng súng, xen lẫn máu và nước mắt.

Đêm thiêng liêng đã trở thành đêm kinh hoàng. Ngay lúc đó, chưa ai hay biết tai họa đang đổ xuống. Những cửa tiệm của người Tàu từ những nhà cao tầng với hàng chục thước pháo tiếp tục nổ đì đùng. Hoà ước ngưng bắn trở thành tờ giấy lộn, che đậy cho một mưu đồ đen tối.
Đêm hôm đó, sau khi đón giao thừa xong, bằng tiếng pháo và tiếng súng, chúng tôi đi ngủ mà vẫn chưa biết chuyện gì đã xảy ra, vì ở khu tôi đang ở vẫn yên tĩnh. Chỉ đến sáng hôm sau, chúng tôi mới biết được qua đài phát thanh, là Việt Cộng đã xâm nhập vào thành phố, và tấn công hầu hết các cơ quan chánh quyền.
Năm giờ sáng, tôi đã thức giấc, một phần vì lạ nhà, một phần vì trong nhà đang bàn tán xông xao về biến cố đêm qua. Tôi cảm thấy đói bụng cồn cào, dù cho chiến sự có phần căng thẳng, đó chỉ là thói quen vào lứa tuổi của tôi vào lúc đó. Mặc dù trong nhà chưa chuẩn bị buổi ăn sáng, tôi vẫn không thể chờ đợi được. Tôi nói với ông ngoại:
- Ông à! Cháu đói bụng rồi.
Ông tôi bật cười vỗ đầu tôi.
- Thằng bố mày, đúng là thanh niên đang lớn. Thôi, để ông dẫn cháu đi ăn hủ tiếu.
Bà ngoại tôi đang ngồi kẻ cặp lông mày cong vút, nghe vậy nói với theo:
- Ông ghé qua chợ Cũ xem có gà qué gì thì mua vài con, lộn xộn như vậy, không khéo lại ăn Tết với dưa hành củ kiệu. Khổ thân thằng cháu lần đầu tiên lên ăn Tết với ông bà.
- Được, để tôi lo.

Ông thay quần áo rồi dẫn tôi đi. Sáng mùng một Tết, tiếng nổ đì đùng xa xa, tiếng súng hay tiếng pháo? Trên lề đường xác pháo đón giao thừa hôm qua ngập đỏ. Chiến tranh đã đổ ập xuống thành phố. Chỉ cách nhà ông ngoại tôi vài ba căn là một tiệm hủ tiếu. Nói chung cả dãy phố, ở tầng trệt đều buôn bán. Ông dẫn tôi vào tiệm.
- Cháu vào đây ăn với ông, tiệm này nấu cũng được.
Bên trong vắng ngắt. Có lẽ vì còn hơi sớm và vì tình hình chiến sự hiện thời. Vách tường lát gạch men trắng toát. Những chiếc bàn kê dọc hai bên tường cũng trãi khăn màu trắng. Trên mỗi bàn có hai cái ống tre bóng lưỡng đựng đủa và thìa. Một chai xì dầu, một lọ tiêu, và một hủ ớt đỏ tươi xắt lát ngâm dấm.
- Cháu muốn ăn hủ tiếu gì? Bò kho, Nam Vang, thập cẩm? Ông ngoại tôi hỏi.
- Dạ...gì cũng được. Tôi ngập ngừng đáp, vì món nào nghe cũng hấp dẫn hết.
- Thôi để ông gọi cho cháu nhé.
Ông tôi ngoắc người bồi bàn lại: "Chú cho hai tô hủ tiếu thập cẩm". Trong khi chờ đợi, nhà hàng mang ra nào bánh bao, xíu mại, giò cháo quẩy, bánh ngọt, nước trà...sắp đầy bàn.
Một lát, hai tô hủ tiếu được bưng ra, khói bốc lên ngào ngạt. Tôi nuốt nước bọt ừng ực. Cái tô kiểu trắng ngà có mạ vàng quanh mép, chung quanh là những nhánh hoa nằm vắt ngang. Bên trong, sóng sánh nước dùng trong vắt, những sợi hủ tiếu trắng ngần, trên mặt một vài lát xà lách xanh xanh ôm gọn những lát gan, thịt heo, tôm lột xắt mỏng, và một vài cọng hẹ. Tôi với tay lấy hủ ớt, gắp một vài khoanh bỏ vào tô, điểm thêm vài nét chấm phá. Tôi thọc đôi đũa xuống đáy tô bắt đầu trộn, miệng thì nói: "Cháu mời ông xơi ạ!". Ông ngoại tôi cũng lay hoay trộn xới. "Ừ, ăn đi cháu, có muốn ăn thêm cái gì trên bàn này thì cứ tự nhiên". Dạ. Tôi nhìn tô hủ tiếu và ước lượng sức của mình. Tôi thầm nghĩ, tô cỡ này chỉ để cho dân Sài Gòn, với tôi, đủ để trán bao tử. Tôi thò tay vào đĩa, nhón một cái giò cháo quẩy, xé nhỏ trộn chung vào tô hủ tiếu. Tôi lùa hết tô hủ tiếu chưa đầy năm phút. Cái vị ngọt còn đang phảng phất trên đầu lưỡi, trong cổ họng. Tôi lấy bình trà rót ra hai ly, cầm một ly lên nhấp nhấp. Ông ngoại tôi vẫn còn nửa tô chưa ăn xong. Tôi nhìn dĩa cháo quẩy, còn một cái. Tôi thấy bụng mình còn lưng lửng, tôi nhón  cái thứ hai, vừa ăn vừa uống nước trà, coi như món tráng miệng, trong khi chờ ông tôi ăn cho xong.
Sau khi ăn xong, ông ngoại tôi hỏi:
- Cháu ăn nó chưa?
- Dạ cũng đỡ đỡ.
Ông tôi kêu bồi tính tiền và hối tôi đi. "Thôi, ông cháu mình đi mua gà cho bà, không khéo lại không có gì ăn ba bữa Tết."

Ông dẫn tôi đi về phía đường Hàm Nghi, quẹo trái qua phía chợ Cũ. Mấy cửa hàng bán heo quay, vịt quay đóng cửa im lìm. Rau cỏ, trái cây, cũng không thấy ai bán. Ông cháu đi xuống một ngã tư nữa thì thấy một bà xẩm bày xuống lề đường mấy con gà đã làm lông sẵn. Khi ông cháu đến nơi, chỉ còn một con cuối cùng, hỏi ra thì giá đắt gấp ba lần ngày thường. Ông ngoại tôi còn đang phân vân, thì có một bà ghé vào. Người đàn bà trạc ngũ tuần, đầu tóc bới cao, son phấn loè loẹt. Bà mặc một chiếc áo dài kiểu bà Ngô Đình Nhu hở một khoảng ngực khá rộng. Chiếc áo dài màu tím than có thêu con chim phượng phía trước, con chim ngóng cổ lên trời đúng vào cái chỗ khe rãnh giữa cặp ngực thổn thện của bà. Bà chu cặp môi son đỏ chót:
- Ông không mua thì chị bán cho tôi đi. Bà ta xăm xăm giơ tay định cầm con gà. Ông ngoại tôi mới quay sang bà ta.
- Bà này kỳ cục quá! Sao bà biết tôi không mua. Ông ngoại tôi vội đưa tiền và lấy con gà. Đó là con gà duy nhất trong những ngày tôi ăn Tết giữa Sài Gòn. Ăn  Tết giữa thành phố chiến tranh.

Lệnh cấm đốt pháo đã có hiệu lực, chỉ còn tiếng súng nổ đì đùng khắp nơi. Tiếp theo đó là lệnh giới nghiêm 24/24. Đường xá vắng ngắt, thỉnh thoảng chỉ có một vài chiếc xe nhà binh chạy vội vã. Ai cũng co rút trong nhà. Tôi chỉ biết ngồi co ro trước cái  tivi theo dõi tin tức chiến sự diễn ra hằng ngày. Những toà nhà bị pháo kích, những khu phố bị đốt cháy. Xác người phơi đầy đường, xác những người Việt bị giết bởi những người Việt. Hình ảnh tướng Loan dùng súng bắn vào đầu tên Việt Cộng, máu phun có vòi. Khu Hàng Xanh với những cụm khói màu đen bốc lên ngùn ngụt. Những cơ quan chính quyền bị tấn công.

Tôi nhớ những dĩa bột chiên và rạp hát Nam Việt mà đành bó gối ngồi nhà. Tiền lì xì tôi xếp gọn trong túi mà không biết làm gì. Chiều mùng hai Tết, giao tranh vẫn còn tiếp diễn. Tôi hé cửa nhìn ra ngoài đường, phố xá vẫn vắng lặng. Góc đường Hàm Nghi và Pasteur có vài người cảnh sát dã chiến cầm súng M16 chống cạnh sườn chỉa thẳng lên trời, đi qua đi lại bên chiếc xe Jeep có cần ăng ten dài sọc.
Khu phố tôi đang ở tương đối yên tĩnh. Tiếng súng tôi có nghe được cũng từ xa vọng lại. Thình lình có một chiếc xích lô đạp đi lại từ hướng bùng binh chợ Bến Thành, theo đường Hàm Nghi. Tới ngã tư Pasteur thì bị cảnh sát chận lại. Người thanh niên đạp xích lô có làn đã sạm nắng. Chiếc quần đùi đen và cái áo ca rô sọc bạc phếch làm gương mặt càng thêm khắc khổ. Chiếc xích lô bị chận lại có lẽ vì vì phạm lệnh giới nghiêm. Mấy người cảnh sát lục soát khắp nơi, mùi xe, nệm xe, khám phá ra một bọc giấy dầu gói vuông vức. Người đạp xích lô lập tức bị còng tay đẩy lên xe Jeep. Có lẽ đó là một gói chất nổ plastic. Tôi tưởng tượng nếu cái gói giấy đó đi đến nơi đến chốn không biết có thêm bao nhiêu người nữa bị chết oan uổng.

Tôi tiếp tục ăn cái Tết buồn tẻ và trong nỗi lo âu. Khi nào những bộ quần áo kaki đen và súng AK tràn ngập trong khu tôi đang ở?
Sau khi ăn hết con gà trong ngày mồng một Tết, chúng tôi chỉ ăn uống ngày ba bữa với dưa hành tôm khô củ kiệu. Tình hình dần dần lắng dịu. Âm mưu thôn tỉnh miền Nam vào năm đó của Việt cộng hoàn toàn thất bại. Đã có bao nhiêu người chết oan vì một quyết định sai lầm. Vì sao lúc đó tôi chưa có một khái niệm gì về một chủ nghĩa. Khi tôi sinh ra đã có chiến tranh, một cuộc chiến triền miên. Tôi cho rằng chiến tranh là một điều tự nhiên, phải có. Tôi không bao giờ nghĩ rằng lại có những xứ sở không có chiến tranh, ở đó mọi người đều sống yên vui hạnh phúc.

Đã qua hai chu kỳ mười hai con giáp. Năm Mậu Thân trở lại. Biến cố Mậu Thân hầu như bị quên lãng, nhất là đối với những người tha hương, đang quay cuồng với nhịp sống mới. Với tôi, mỗi lần Tết đến, tôi vẫn không quên được hình ảnh của năm đó. Tôi nhớ rõ nhất, hình ảnh của một phóng viên ngoại quốc quay được, cảnh một người mẹ nằm vật vã trên lề đường bên cạnh xác đứa con nhỏ, ngực loang đầy máu. Gương mặt người mẹ hằn lên nét thống khổ và kinh hoàng. Phía sau là dãy nhà lá lợp tôn khu lao động, khói bốc lên cuồn cuộn, lửa đỏ ngập trời. Đứa trẻ chết đi cho một chủ nghĩa, vẫn không hiểu tại sao. Người mẹ đau khổ cũng không hiểu tại sao. Và tôi, tôi cũng không hiểu tại sao.



Vũ Phương Nam




---------
Nguồn:   VĂN
Giai phẩm Xuân Quý Dậu
Số 126-127, tháng 12-1992 và tháng 1-1993











No comments:

Post a Comment