Wednesday, March 23, 2016

TỐI THỨ NĂM



                                                                NGUYỄN  KỲ  PHONG



Tôi đến thăm Hạnh vào một tối Thứ Năm, khi trời bắt đầu chuyển mưa. Những cơn mưa rào bất thường của đầu xuân. Ban đầu Hạnh ngần ngại, không muốn tôi đến - nhất là vào tối Thứ Năm - nhưng khi nghe tôi năn nỉ, nói là tôi chỉ đến, kiếm một chút gì đó để ăn rồi về, nàng miễn cưởng nhận lời. Buổi chiều khi về đến nhà, nhìn vào đống nồi chén trong bếp, và cái tủ lạnh trống trơn, đói, nhưng tôi không muốn làm cơm (phải đi chợ, tìm chỗ đậu xe, xếp hàng trả tiền, làm cơm rồi ăn một mình, thà nhịn đói còn hơn! Tôi khẳng định). Nhớ đến Hạnh, tôi gọi nàng, hơn một tháng rồi tôi chỉ liên lạc bằng điện thoại chứ chưa gặp nàng.

Từ ngoài, qua khung cửa sổ, tôi thấy Hạnh ngồi bất động coi tivi. Tối Thứ Năm là một tối mà nàng không thể nào không coi tivi: Đó là đêm đài truyền hình có những vở kịch xã hội nàng rất mê. Nàng không muốn tôi đến thăm nàng tối nay vì tôi vẫn thường chọc nàng về những vở bi hài kịch "xà bông bột" - soap opera - đó. Có lần tôi thấy nàng khóc vì một vở kịch đã làm cho nàng xúc động. Tôi nhìn nàng, không hiểu được tại sao lại có một người lại dễ bị xúc động như vậy. " Đó chỉ là một vở kịch. Hơn nữa, tình cảm chỉ là sự diễn xuất của một thái độ đối với một người, ở một hoàn cảnh đặc biệt nào đó... Tại sao em dễ bị xúc động như vậy ? ", tôi nói với Hạnh. Và nàng giận tôi. Không cho tôi ngồi gần khi nàng "thưởng thức" những vở kịch đó. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do đã làm cho chúng tôi không còn yêu nhau- như là đôi vợ chồng.

Tôi và Hạnh đã ly dị nhau gần hai năm, sau khi lấy nhau hơn bốn năm, đó là một cuộc ly dị rất êm đẹp: Không con, không có nhiều tài sản để tranh giành, và nhất là không có những lỗi lầm nào để oán trách nhau. "Incompatibility" - không hợp nhau- đó là lý do chánh mà tôi và Hạnh đã ưng thuận đề trên tờ đơn xin ly dị. Tôi và Hạnh vẫn gặp nhau thường xuyên trong thời gian ly thân và sau khi đã ly dị, để thăm hỏi, giúp nhau. Nàng lấy cái nhà, tôi lấy chiếc xe và một ít tiền. Tôi mướn một căn phòng ở gần nhà Hạnh để có thể tới lui khi nàng cần tôi (thay bình điện, bình nước xe của nàng vào mùa đông, kiểm soát cái máy lạnh vào mùa hè, và những việc khác có dính dáng tới "dầu mở" ! ). Và nàng cũng đến thăm tôi, thỉnh thoảng nấu cho tôi một tuần đồ ăn. Không giống như lúc còn lấy nhau, chúng tôi ít cải vả nhau hơn. "Mình hợp với nhau như là bạn hơn là vợ chồng" , Hạnh nói với tôi nhiều lần sau khi thôi nhau. Tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng  chính Hạnh đã biết điều đó từ khi quen nhau. Và ở nàng, tôi cũng thấy một cái gì rất ủy mị về tình cảm, ngay cả trong thái độ hằng ngày của nàng.

... Những tối Thứ Năm, mùa xuân, và có mưa như đêm nay, Hạnh thường ngồi xem kịch trên truyền hình, hít mũi sụt sùi, tay cầm khăn giấy. Mới nhìn khó biết được nàng đang khóc hay là đang bị sổ mũi (vì nàng bị dị ứng với phấn hoa của mùa xuân). Trong đêm, tiếng hít mũi, tiếng động của mưa rào từng cơn, và sự yên lặng tuyệt đối của nàng, làm cho người ngồi kế bên thấy như bị kẹt, không thoát ra được trong cái thế giới tình cảm đang được diễn xuất trên màn ảnh. Và nàng rất im lặng khi xem những vở kịch.

Sau bữa ăn, tôi pha một ly cà phê cho tôi và một ly sữa nóng cho Hạnh, đến ngồi gần nàng. Sao ? em chọn được loại xà bông nào chưa ? , tôi hỏi nàng sau vở kịch (tôi vẫn thường chọc Hạnh như vậy, sau khi đã giải thích cho nàng biết lý do tại sao người ta gọi đó là "soap opera" . Trước đây, những hãng xà bông thường mua trọn quyền quảng cáo trên chương trình nầy để thu hút những bà, những cô nội trợ, thế nên trong suốt vở kịch chỉ toàn là quảng cáo xà bông!).

"Buồn quá anh ơi ! " Không đế ý đến câu pha trò của tôi, Hạnh nói.
"Vở kịch ?" Tôi hỏi.
"Ờ, vở kịch. Vở kịch đó làm em buồn."
"Vở kịch nó "nói" ra làm sao? " Tôi cố gắng không chọc nàng.
" Về chuyện một đôi vợ chồng khi ly dị rồi mới biết được là cả hai vẫn còn yêu nhau. Vì khi xa rồi, họ mới thấy được cái hiện hữu của nhau. Nhưng cả hai không nói ra vì sợ người kia không giao cảm được với ý nghĩ của mình."
"Em vẫn còn yêu anh?" Tôi ngạc nhiên và hỏi nàng một cách rất thành thật.
"Không, em buồn vì em muốn nói với anh là sẽ lấy chồng vào tháng tám này. Tự nhiên em thấy buồn khi nghĩ về anh. Những ý nghĩ này chưa bao giờ đến với em trước đây. Có lẽ em sẽ không còn có anh được nữa. Dù rằng, "có anh" ở đây không nằm trong nghĩa như một người chồng hay là một tình nhân, mà như là một người bạn. Nhưng anh lại không phải là một người bạn trong một ý nghĩa thông thường. Mình có một quen thuộc nào đó làm cho em gần anh hơn. Chỉ khi mất nhau rồi mình mới thấy cái hiện hữu của nhau. Anh hiểu không anh ? ". Hạnh ngồi nhìn ra cửa sổ, nói với tôi nghe với một giọng rất nhỏ.


Tôi ngồi yên lặng bên Hạnh. Việc Hạnh đi lấy chồng bất ngờ cũng làm tôi bị xúc động một chút. Tôi mất Hạnh như một người vợ sau khi ly dị; tôi sẽ mất nàng như một người bạn khi nàng lấy chồng. Rồi tôi sẽ không còn ghé qua nhà nàng để "kiếm cái gì đó ăn rồi về". Tôi sẽ không còn chọc nàng về những "vở kịch xà bông bột" đã làm cho nàng khóc thút thít. Cái buồn sẽ hiện rõ hơn khi nàng vắng mặt trong đời sống hằng ngày của tôi. Tôi rất ngạc nhiên về những ý nghĩ mà Hạnh vừa nói với tôi. Chưa bao giờ nàng "triết lý" như vậy ! Tôi nhìn nàng, trong lòng dâng lên một tình cảm thật thấm thía của tôi đối với nàng trong giây phút đó. Đây là một tình cảm thật lạ, tôi chưa bao giờ kinh nghiệm một tình cảm như vậy. Dù trong suốt thời gian lấy nhau.

" Anh tặng em cái gì khi em đi lấy chồng ? ". Hạnh hỏi đùa, hình như để phá sự yên lặng. Qua làn giấy mỏng của cái khăn nàng đang giữ chặc trên mũi, giọng nàng khàn khàn như một người sắp khóc.
Tôi không trả lời, nhích người ngồi gần Hạnh hơn. Bàn tay của nàng thật lạnh khi tôi nắm.

Có một thời gian lúc đang quen nhau, tôi đã nói cho Hạnh nghe nhiều về những ý nghĩ của tôi về tình yêu, về sự ly dị, về liên hệ của những đôi tình nhân. Không nhất thiết là chỉ về liên hệ của tôi với Hạnh, tôi nói về liên hệ của nam và nữ một cách tổng quát. Tôi nói với Hạnh, tình yêu, đối với tôi, chỉ là một khách thể. Và mình không bao giờ thành công trong việc nắm giữ được khách thể. Tôi muốn nói, mình không yêu một tình yêu; mình yêu một người. Bất cứ một người nào, miễn họ làm cho mình yêu được. Sự khác biệt giữa yêu một tình yêu, và yêu một người, tôi nói với Hạnh, là khi yêu một tình yêu, mình thần tượng hoá chính tình cảm của mình; khi yêu một người, mình chỉ thần tượng hoá tình cảm của người đó. Yêu một người thì giai đoạn, là muốn thỏa mãn; yêu một tình yêu thì vĩnh cửu , là những đam mê (điều đó giải thích ở tuổi nào người ta cũng biết yêu, không phải ở một người, mà là một tình yêu). Kẻ si tình yêu một tình yêu, người đa tình yêu một người tình. Và như vậy, sự ly dị chỉ xảy ra đối với những đòi vợ chồng nằm trong trường hợp yêu một người tình, chứ không phải yêu một tình yêu. Ly dị là sự phủ nhận một thần tượng tình cảm. Đơn giản như vậy.

Hạnh có vẻ không đồng ý với tôi về những lý thuyết tình cảm mà tôi đã nói cho nàng nghe. Nàng đồng ý với tôi về điểm mình yêu một người chứ mình không yêu một tình yêu. Nhưng, nàng hỏi tôi hai điều: thứ nhất, khi yêu một người, mình muốn thỏa mãn người đó. Nhưng làm sao biết được người đó thỏa mãn ? Thứ hai, "mình có thể ly dị - phủ nhận tình cảm của một người - nhưng có thể nào mình phủ nhận sự hiện hữu của người đó ? Có thể nào mình nhìn người đó đi khỏi đời mình, và không bao giờ buồn ? Chúng tôi chưa bao giờ kết thúc tranh luận về cái "lý thuyết" nầy.

Có một lúc tôi bỏ đi rất xa, rất lâu. Tôi không giận Hạnh gì hết. Ngược lại tôi nhớ Hạnh, và vẫn giữ liên lạc thường xuyên. Tôi không phủ nhận tình cảm của tôi đối với Hạnh trong thời gian đó. Tôi chỉ phủ nhận một sự thương nhớ của hai người tình nhân.

Rồi tôi lấy Hạnh, không thần tượng hoá một tình yêu, chỉ thần tượng hoá một người. Cả tôi và Hạnh không đặt lại vấn đề của những gì tôi nghĩ về tình yêu. Tôi lấy Hạnh và Hạnh đã làm cho tôi yêu nàng. Đôi vợ chồng thần tượng hoá lẫn nhau cho đến khi không còn được nữa. Và chúng tôi thật lịch sự với nhau khi ly dị. Lịch sự hơn là lần đầu tiên tôi mời, và Hạnh nhận, một bản nhạc tình. Chúng tôi không có vẻ gì buồn trong đời sống riêng tư của mỗi đứa sau khi ly dị.

" Tại sao kỳ vậy anh. Em không buồn khi nghĩ về anh trước đây. Tự nhiên em buồn khi biết không còn gần anh được. Dù rằng em đang chắc chắn - ít ra là em đang chắc chắn - người chồng mới sẽ làm em vui ". Hạnh hỏi.
" Đó là cái hữu thể tự hư vô, em hiểu không." Tôi nói với nàng để thấy nàng nhìn tôi như một cái gì đó rất trừu tượng.
Ly dị là một phủ nhận về tình cảm như tôi đã nghĩ. Nhưng phủ nhận - nghĩ là không có - và không có thật là hai hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau. Hoàn cảnh trước có thể không làm tôi buồn; hoàn cảnh thứ nhì làm tôi buồn thật. Không gần Hạnh được nữa sẽ là sự thật. Hạnh có ý nghĩa khi nàng vắng bóng. Tôi ngồi đó, nói cho Hạnh nghe về những đêm Thứ Năm, có mưa xuân như vầy, và tôi sẽ không còn gần được nàng nữa. Tôi nói với nàng tôi sẽ nhớ những đêm như đêm nay, và thú nhận với nàng tôi là một diễn viên đóng vai tình cảm rất dở. Tôi không giả bộ được là tôi không buồn khi mất nàng. Tôi ngồi thật gần Hạnh, nghe những giọt mưa đập vào khung cửa kính tạo ra những âm thanh hổn độn, rời rạc. Nhưng cái hổn độn rất hoà điệu với tình cảm của tôi đang có. Trong đêm, tưởng chừng như chỉ có tôi và những tiếng động của mưa (vì chắc chắn tôi sẽ mất Hạnh), và không còn ai nữa.

"Anh, em muốn hỏi nh anh nghe chuyện nầy"
"Nói"
"Lúc mới quen nhau, anh có nói với em về hai trạng thái của tình yêu. Yêu một tình yêu, và yêu một người. Đối với anh, anh chỉ tin vào chuyện yêu một người. Anh thần tượng hoá tình cảm của một người nào đó để yêu họ. Em nghĩ anh sai rồi. Trong trạng thái tình yêu mà anh tin tưởng, thứ nhất, anh quên là chính tình cảm anh cũng tham dự vào sự liên hệ, thứ hai, anh không thần tượng hoá một người rồi sau đó anh yêu họ ; anh yêu, rồi anh mới thần tượng hoá một người. Cái thứ tự này rất quan trọng. Vì ở thứ tự đầu tiên, anh chấp nhận một khách thể mà không quan tâm gì đến chính tình cảm của anh. Và đó là một thất bại. Cũng như nếu anh nghĩ tại vì con người biết khóc thành ra họ là một động vật tình cảm. Không, chính vì con người là một động vật tình cảm thế nên họ mới biết khóc.
Cái lý thuyết yêu một người, yêu một thân xác, là trật, là một sự thất bại. Trong lối yêu này, qua dục vọng, qua những đòi hỏi của thân xác, anh - và cũng chính ở em - muốn ôm một người, muốn thỏa mãn và được thỏa mãn. Nhưng khi dục vọng đã được thỏa mãn rồi, trong giây phút đó, chỉ có một mình mình kinh nghiệm được cái thỏa mãn, chứ không bao giờ cái thỏa mãn ở đối tượng mà mình muốn thỏa mãn. Đó là một thất bại. Đó là một thất bại nguyên thủy của lối yêu một người như anh nói. Anh hiểu không, anh hiểu không ?"

Bây giờ Hạnh mới nói cho tôi nghe. Tôi muốn hỏi tại sao nàng không nói điều này từ lâu nay, nhưng thôi. Quá trễ cho một liên hệ. Tôi đã sai, lầm. Tôi chỉ nghĩ đến cái khách thể tình cảm nhưng còn cái chủ thể tình cảm của chính tôi thì sao ? Hay là tình yêu là một thất bại ? Hoàn toàn ? Dù yêu cách nào đi nữa. Yêu một tình yêu hay yêu một người.

"Anh về". Tôi nói với nàng khi những tiếng mưa bắt đầu nghe rõ hơn.
"Ờ, anh về. Trời mưa như vầy mà anh không có áo mưa, dù gì hết sao ? " Nàng cằn nhằn với giọng của một người vợ.
" Hay là em cho anh mượn áo mưa của em ? ". Không đợi tôi trả lời nàng nói tiếp.
Tôi nhìn Hạnh khi nghe nàng nói câu đó. Nàng cưng nhìn tôi. Trong một tích tắc của thời gian , giữa hai cái nhìn, tôi xúc động, biết rằng nàng đang tội nghiệp cho tôi sẽ bị ướt mưa. Không, nàng không muốn cho mình mượn áo mưa. Nàng chỉ lỡ lời, nàng không muốn tôi trở lại đây nữa, tôi nói với chính mình.

" Hôn em, và đọc cho em một câu thơ để em ngủ ngon trong một đêm mưa như vầy đi anh." Hạnh nói khi tôi đứng ở ngoài cánh cửa.
" Em ngủ ngon. Mong em và ông chồng tương lai hoà thuận."
Xin giấc ngủ mi xanh vào yến tiệc
Khi mùa trăng công chúa mộng hoang đường
Tôi vòng tay, xiết mạnh đôi vai khi đọc cho nàng nghe hai câu của một nhà thơ mà nàng thích.
"Anh cưng ngủ ngon. Chạy thật nhanh ra xe, để khỏi bị ướt mưa." Nàng nói.

Tôi không cần phải phủ nhận một tình cảm, tôi không còn một tình cảm nào nữa để phủ nhận. Tôi không cần phải thần tượng hoá một tình cảm, tình cảm này tự nó là một thần tượng rồi.
Từ bực thềm nhà Hạnh ra xe, tôi không nghe lời nàng, chạy thật nhanh để khỏi bị ướt mưa. Tôi muốn đi thật chậm, để những hạt mưa có đủ thì giờ thấm vào áo, quần của tôi. Để cho da thịt tôi thấy được cái lạnh của một cơn mưa rào đầu xuân.
Tiếng nổ của máy xe nghe sụt sùi như muốn khóc.



Nguyễn Kỳ Phong


--------------------
Nguồn : VĂN, Số 99, tháng 9-1990



Tuesday, March 22, 2016

GÓI CÁ KHÔ



                                                                           ĐẶNG  MAI  LAN



Sự vật đã đập vào thị giác của Trâm mạnh mẽ nhất là cây thông đứng sừng sững ở một góc nhà, được kết đầy màu sắc của sợi dây kim tuyến và những trái cầu thủy tinh mỏng, óng ánh lung linh bởi hàng loạt những bóng đèn chớp tắt vội vàng được đan dấu bên dưới các nhánh lá, tạo cho căn phòng một vẻ rực rỡ, vui mắt. Chiếc bàn hình bầu dục gần đó phủ khăn trắng muốt. Những chén dĩa, ly tách được xếp bày khéo léo. Có hoa tươi, giá nến với những ngọn nến hồng thật ấm cúng và thơ mộng, mà Trâm chỉ được nhìn thấy trong phim ảnh... Trái với những dự đoán của Trâm, ngôi nhà quá sang trọng và nàng đã tần ngần nơi ngưởng cửa không biết là có nên bước vào hay không. Trước mặt Trâm là một khoảng trống rộng rãi, hứa hẹn cho một buổi khiêu vũ vì máy móc, dàn nhạc cũng đã được đặt sẵn.

Trâm ngó xuống đôi giày cũ của mình và ngước lên nhỏ nhẹ nói với người đàn ông chủ nhân của ngôi nhà:
- Thưa ông, như tôi đã trình bày ngay lúc đầu, tôi xin gửi lại gói quà cho ông, tôi phải về có công việc.
- Ồ ! Cô vội vàng quá! Mời cô vào ngồi chơi chút đã. Tôi cũng muốn biết tình hình quê nhà lúc này ra sao.
Ông ta bước vào và Trâm cũng miễn cưỡng bước theo. Những bước chân dè dặt, khe khẻ như một chú mèo vì Trâm ngại ngùng quá với cái nền bóng loáng như gương.

Gói quà được gói vuông vức,  được cột chặc chẻ bằng những sợi cước mà phải dùng đến kéo người đàn ông mới có thể mở ra. Qua những lớp giấy vàng là một bao ny long dầy đục, ẩn hiện bên trong những con cá khô đen, bàng bạc một màu muối trắng...và người đàn ông chợt dừng tay vội vàng như vừa chạm phải một luồng điện cực mạnh. Ông ta gói gói cá vào lại bao giấy và cẩn thận hơn, đẩy nó cuối sát mép bàn.
Không hiểu ông ta đã không ngửi được mùi cá muối, hay sợ những hạt muối từ chiếc bao ny lông cũ kỹ đó sẽ tuôn kẻ rơi ra làm vấy dơ chiếc khăn tròn bằng đăng ten đặt dưới chậu kiểng chiếm gần hết diện tích của mặt bàn . Trâm cũng bị lây bởi luồng điện vô hình đó. Nàng không hấp tấp, co giật tay chân nhưng nàng sững sờ... Trâm nghe trong lòng như vừa mất mát, vỡ rơi một điều gì đó...

- Tôi nghĩ mãi vẫn không nhớ ra cô, chắc có lẽ cô về khu xóm tôi sau nầy ?
- Dạ không, tôi chỉ là bạn của một người hàng xóm của ông là chị Thuỷ. Biết tôi đi đoàn tụ với gia đình, lại ở cùng một tỉnh với ông, nên qua chị Thuỷ, cụ nhà nhờ tôi giúp mang sang cho ông.
Người đàn ông mời Trâm một tách trà. Thứ trà kiểu như trà gói Lipton nhưng ông ta giải thích là một thứ cây cỏ gì đó, và bằng một cái tên xa lạ mà Trâm cũng chẳng buồn chú ý, tìm hiểu.
Trâm dùng hết tách trà...và những câu hỏi...về thời tiết, nắng mưa, giá cả, sinh hoạt, chế độ chính quyền..."quê nhà" ... nơi người đàn ông, chỉ chừng ấy rồi chấm dứt. Chẳng còn gì thêm, vừa đủ trong tầm mức lịch sự.

Trâm xin phép được về và đứng lên ra cửa. Nhưng khi vừa dợm đứng lên thì vợ của ông ta bước vào. Một người đàn bà xinh đẹp từ vóc dáng đến cách ăn mặc, trang sức. Người chồng nói một tràng tiếng Pháp với vợ mà Trâm chỉ hiểu lờ mờ là ông ta đang giới thiệu nàng là em của Quỳnh. Và cái gì nữa nàng không hiểu được ngoài hai chữ "Chérie" mà ông ta gọi vợ. Trâm lớn lên vào thời mà người Mỹ rầm rộ đến Việt Nam, nên hợp thời hợp thế, Trâm chọn Anh văn làm sinh ngữ chính. Nhưng từ ngữ "chérie" đó nàng đã đọc rất nhiều trong những tiểu thuyết mà cốt truyện được lồng trong bối cảnh thời Pháp thuộc, hoặc những hí họa về những cặp uyên ương đỏm đáng.

Người vợ tíu tít khi biết Trâm từ Việt Nam mới sang. Bà muốn nàng lưu lại đôi phút nhưng Trâm kiếu từ. Nàng cảm thấy chán ngán và càng chán ngán hơn khi nghe mẫu đối thoại của cặp vợ chồng khi nàng đi ra cửa.
- Không hiểu gửi làm gì cho phiền hà người ta. Nấu nướng hôi cửa hôi nhà chịu chi nỗi.
- Ờ, thì vất vào, đợi đến mùa hè nướng ngoài sân cũng được. Bộ anh tưởng cá này ở đây rẻ lắm hay sao.
May mà bà ta có chút máu tham công tiếc của, nếu không, mấy con cá khô có lẽ đã vào thùng rác rồi. Trâm nghĩ và cảm thấy ngậm ngùi... Tại sao họ lại không nói tiếng Pháp như lúc đầu.

Nụ cười đẹp của người vợ, thái độ lạnh nhạt dửng dưng của người chồng mất hút sau cánh cửa đóng sập. Trâm bước đi với cái lạnh se sắt thịt da và bất ngờ bầu trời bỗng dưng sáng trắng, theo sau là một cơn mưa tuyết mỏng manh rơi xuống dịu dàng. Lần đầu tiên Trâm thấy tuyết rơi nên nàng đổi ý, không băng qua đường đến trạm bus để đón xe về nhà mà đi thẳng. Chỉ có năm trạm ngừng thì có bao xa, ở Việt Nam mình còn đi bộ nhiều hơn thế nữa kia mà. Trâm không muốn về nhà sớm và nàng cứ thong thả đắm mình trong những cụm hoa trắng nõn nà rớt từ thinh không, mơn trớn.

Trâm nghĩ đến chị Quỳnh, nếu thấy Trâm lang thang như thế này, chắc chị sẽ nghĩ là Trâm thất tình. Nhớ về người ở lại bên kia, hoặc là Trâm hão huyền, lãng mạng... Thất tình và thất vọng không giống nhau nhưng cũng dẫn đưa đến một trạng thái khó chịu từ tâm linh. Và hảo huyền thì cũng đúng lắm chứ ! Nàng đã chẳng ôm ấp một niềm vui tưởng đâu ai cũng giống mình nên hăm hở, khệ nệ ôm một món quà không thích hợp, để chỉ mang đến những bực mình, phiền lòng cho người nhận đó sao ! Đúng hay không đúng cho việc làm của Trâm chiều nay ? Trâm cảm thấy giận mình và giận luôn cho cô bạn ở Việt Nam. Hai đứa đúng là nhanh nhẩu đoản.
Nhưng khi nhớ đến Thuỷ, lòng nàng lại chùng xuống. Hình ảnh, vóc dáng của bà cụ đối diện nhà Thuỷ lại hiện ra. Những lời nói thật thà, chất phát đượm nồng tình nghĩa của bà còn vang vọng bên tai nàng.
- Cô giúp tôi nghe cô, thằng Hai tôi nó thích ăn thứ cá khô này lắm, khi trời lạnh tôi vẫn nướng cho nó ăn với cơm nóng, có khi làm gỏi với rau sống dưa chuột. Bên đó trời lạnh, chắc hẳn là nó nhớ món ăn quê nhà... Có mấy con khô này, chắc là nó mừng lắm cô à !
Làm sao mà Trâm có thể từ chối được và làm sao Trâm biết được những điều gì vừa mới xảy ra.

Khi Trâm về đến nhà thì hai bàn tay nàng lạnh cóng vì không có găng tay. Và không như những người sống đã lâu nơi đây, như bà chủ khi nãy, làn da bà căng phồng và ửng đỏ trong khí lạnh. Còn nàng, nắng gió nhiệt đới còn đây, màu da rám đen của nàng đã trở nên tái ngắt...nhăn nheo. Trâm rùng mình, như có những cơn lốc xoáy giữa những toà nhà cao ngất lúc nàng bước vào khu chung cư. Hai môi nàng run lập cập. Lạnh thật ! Chị Quỳnh đã cẩn thận lấy cho Trâm cái áo dầy nhất của chị, vậy mà nàng vẫn không chịu nỗi.
Đến bao giờ mình sẽ quen được phong thổ nơi đây ? Sẽ nhả hết cái nắng lam lủ quê nhà, sẽ mập mạp, mơn mởn như chị Quỳnh, đẹp như bà chủ nhà... Và mình như thế nào nữa khi hoàn toàn thoát xác, khi được bao bọc bằng những nhung lụa tiện nghi. Có giống người đàn ông đó không ? Mình sẽ chối từ, quên luôn những món ăn đạm bạc quê hương đã nuôi mình khôn lớn ? Thời gian và đời sống sẽ dễ dàng thay đổi, dễ dàng xoá nhoà đến thế sao ? Đột nhiên, Trâm ứa nước mắt. Gói cá khô và chủ nhân ông đã biến mất trong tư tưởng. Ý nghĩ về sự đổi thay chợt hiện ra một khuôn mặt, khuôn mặt rõ nét buồn bã của Cường... Cường và Trâm yêu nhau, tự nhiên như những trái cây đến mùa phải chín. Cường cũng đang chờ đợi để lên đường đoàn tụ với người anh du học đã lâu ở Đức giống như Trâm. Nhưng Trâm đã may mắn hơn Cường. Những ngày cuối cùng còn ở Việt Nam, họ đã gặp nhau thường hơn và gã con trai đã tránh mỗi khi Trâm thốt lên những lời hứa hẹn về một tương lai.
Cường nói:
- Thôi Trâm, Trâm hãy vui vẻ mà đi và để thời gian lên tiếng. Cường tin tưởng rất nhiều nơi Trâm, nhưng qua những gì Cường được nhận biết từ lớp người đi trước, có cả bạn bè thân thuộc... Những mãnh thuyền đời đã tan tác khi hội nhập trong làn sóng quá mênh mông của một đại dương vật chất phồn thịnh quê người đã khiến Cường nghi hoặc. Sớm muộn gì thì Cường cũng sẽ đi và cũng sẽ gặp lại Trâm thôi, nếu như có định mệnh và duyên số.. Trâm đừng nói gì thêm, sẽ nặng lòng ray rức nếu như mai này Trâm sẽ...
Trâm và Cường đã chia tay nhau. Len lỏi trong nỗi xót xa của sự chia ly là một dấu hỏi đậm nét buồn rầu.

Dằn lòng cho trôi tan cơn cảm xúc, Trâm mới mở cửa bước vào nhà. Chị Quỳnh đang loay hoay với một đống chén bát, dao nĩa, những vật dụng làm bánh lỉnh kỉnh. Cái bánh hai tầng với những hoa trái bằng kem, hương nhụy là những viên kẹo tròn trĩnh bọc đường đủ màu thật đẹp mắt, mời mọc. Quỳnh ngẫng lên khi thấy Trâm về:
- Sao mày đi lâu vậy, có gặp người ta không ?
- Có chứ !
- Họ nói gì không ?
- Cám ơn đại khái.
Quỳnh nhìn Trâm đăm đăm, trong cách trả lời của Trâm dường như có gì khác lạ, không ổn. Vì Quỳnh phải làm bánh hộ cho người bạn nên mới để Trâm đi một mình chiều nay. Vả lại, con đường từ nhà đến nơi cư ngụ của cặp vợ chồng kia cũng không xa. Trâm không phải đổi xe và cũng nên tập Trâm đi đây đi đó một mình cho quen, nên Quỳnh đã không đi cùng với em. Con nhỏ đi đã lâu, lại còn có vẻ buồn buồn ngơ ngẫn. Sao vậy nhỉ ?

Tránh không nhìn chị, Trâm đến bàn rót ly nước uống, nhưng mắt nàng chạm phải lọ ruốc, thịt chà bông mẹ đã làm gửi cho Quỳnh. Cái đầu hay suy tư, ví von của Trâm lại chao động.
- Chị đã ăn thử ruốc của mẹ làm chưa chị Quỳnh ?
- Bộ mày chưa thấy tao ăn sao ? Tao mà ăn thả ga thì ba ngày hết nhẵn. Tao muốn để dành để ngắm vì thương mẹ quá. Tội nghiệp mẹ đã ngồi xé từng thớ thịt...
- Vậy sao ?

Thêm một lần nữa Quỳnh lại dương to mắt ngồi nhìn Trâm, nhưng Trâm đã biến mất sau cánh cửa bếp. Quỳnh kêu to, vọng theo:
- Mày sửa soạn đi là vừa nghe Trâm, tao rửa chén xong là mình đi liền.
Quỳnh đã dẹp sạch sẽ xong dưới bếp mà Trâm vẫn còn thừ người trong lòng ghế. Cái áo đầm mà Quỳnh đã lựa chọn cho Trâm cũng còn lăn lóc ở góc giường.
- Sao mày không thay đồ đi. Vui lắm, mày sẽ thấy bà bạn tao thật khéo léo và vui vẻ. Có "gout" ăn mặc cũng như décorer nhà cửa...còn mấy người bạn khác...
Trâm thở dài dịu dàng ngắt lời chị:
- Thôi, chị đi một mình đi, em ngại quá. Em còn xa lạ lắm, chắc không hợp với những cuộc vui ở đây.
- Trời đất, vậy mày làm gì ở nhà cho hết đêm nay ?
- Em viết thư !
Quỳnh bực dọc quay đi. Nàng biết là Trâm rất bướng bỉnh, đã không muốn là không có gì ép buộc. Trầm nghe tiếng chị càu nhàu - Cũng chỉ từng đó nhớ thương, thương nhớ mà viết mãi, viết hoài không chán, để xem còn chăm chỉ đến bao giờ.
Chị Quỳnh vẫn cười mím môi khi thấy Trâm kiếm giấy viết thư. Chị nói, trước chị cũng như Trâm,
mới qua còn nóng máy nên hăng say lắm. Mãi rồi chẳng còn gì để nói, mọi việc biến thành nhàm và trở thành lười lúc nào không hay. Bữa nay chị không cười, Trâm biết chị giận lắm nhưng cũng đành thôi.

Trâm cắn môi nhìn xuống bãi cỏ bên dưới. Tuyết đã phủ đầy, trắng hết những mái nhà phía xa luôn cả nóc nhà thờ của khu phố. Trâm không có đạo để đến nhà thờ đêm nay như những con chiên tề tựu chúc mừng Sinh Nhật Chúa và nàng cũng không biết mình sẽ làm gì cho hết buổi tối này. Viết thư chăng ? Cho ai đây ? Mẹ của Trâm gầy gò tóc bạc, Thuỷ vô tư tốt bụng hiền lành, hay Cường và những vòng tròn khói thuốc băn khoăn !

Cường ơi, hy vọng rằng những điều Trâm đã thấy mà Cường đã nghĩ đến chỉ là một phần đúng của chín mươi chín phần sai.

Đặng Mai Lan


--------------------------
Nguồn: VĂN, Giai phẩm xuân Quý Dậu
Số 126-127 tháng 12-1992 và tháng 1-1993




Monday, March 21, 2016

BÔNG JAMAICA


                                                                    HUỲNH  HỮU  CỬU





                                                                   Tặng  Hồ Trường An




Bãi biển Acapulco, Mễ Tây Cơ, một chiều hè.
Phong cảnh gần như ở Vũng Tàu: cát trắng, hàng dừa xanh...nhưng bãi biển dài hơn, ngoài biển nhiều thuyền máy kéo người trượt nước chạy ngang dọc. Chúng tôi -nhà tôi và tôi- đi dạo ngắm nhìn trời mây một chập thấy đói, bèn vào một tiệm ăn Mễ trên đường Miguel Aleman dọc theo bãi biển. Sau khi lựa trong thực đơn mỗi người một món ăn Mễ, chúng tôi nhìn xuống chỗ ghi những thức uống thì thấy một món giải khát có tên rất lạ: Jamaica.
Tôi ngẫng đầu lên hỏi người bồi bàn duy nhất của tiệm ăn, người Mễ, có lẽ cũng là chủ tiệm:
- Jamaica là gì vậy ông ?
Người bồi bàn cắt nghĩa, giọng tiếng Anh không được hay lắm, nhưng phát âm chữ J thành chữ H theo đúng lối của người Mễ:
- Jamaica là một loại bông.
- Một loại bông? Nhưng đây là nước uống mà !
- Dạ thưa người ta lấy bông đó làm nước uống.
- Hay quá vậy ! Bông đó tên tiếng Anh là gì ông biết không ?
- Thưa không. Tôi cũng không biết tả bông ấy ra sao. Xin lỗi tôi không rành tiếng Anh lắm.

Nhà tôi và tôi vốn thích các loại bông hoa cây kiểng, nghe nói bông Jamaica nên tò mò muốn biết, bèn gọi mỗi người một ly Jamaica uống thử.
Một lát sau, người bồi bàn bưng hai ly Jamaica lớn ra cho chúng tôi. Nước Jamaica màu đỏ, không đậm lắm, rất tươi, hơi ngã sang màu tím như là màu trái lựu chín hay là màu của thứ nước uống gọi là Hawaiian Punch. Ly nước đỏ mà trong suốt, cho thấy cả bề sâu và người ta có thể nhìn xuyên qua bên kia ly thấy các hình ảnh chập chờn như là nhìn qua một lớp giấy bóng màu đỏ thường dùng để gói bánh kẹo. Chúng tôi uống thử. Nước Jamaica ngọt, có vị chua  như có để vài giọt chanh, và có mùi thơm mát của một thứ rau thơm là lạ.

Bông Jamaica ra sao mà nước Jamaica đẹp như thế này ? Có lẽ bông Jamaica tươi còn đẹp hơn nữa, chúng tôi nghĩ vậy, và muốn biết hình dáng của bông ra sao, cây bông bao lớn, tên khoa học là gì v.v...Chúng tôi định bụng thế nào cũng phải tìm cho ra thứ bông có thể dùng làm nước uống này của xứ Mễ.
Vài hôm sau, chúng tôi đi xe buýt lên Mexico City. Dọc đường, chúng tôi ghé lại viếng Taxco, một thành phố cổ xưa với những ngôi nhà thờ kiểu Tây Ban Nha thế kỷ thứ mười tám nằm trên một vùng đồi núi thật cao như Đà Lạt. Chính ở nơi đây chúng tôi lại thấy Jamaica. Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi đi dạo xem các gian hàng nơi chợ nhóm lộ thiên để coi người địa phương ở đó mua bán những thổ sản, lâm sản gì, thì thấy trong một cái quán nhỏ có bày bán Jamaica. Vừa thấy cái bình thủy tinh lớn cở một vòng ôm đựng đầy chất nước màu đỏ tím nằm giữa dám ly cốc là tôi đoán biết ngay đó là Jamaica. Và hình như là có bông Jamaica nữa kìa : ở ngay bên dưới, trên một cái kệ có một thúng đựng đầy bông khô màu đỏ, quăn queo nhăn nhíu không còn nhìn ra hình dạng, cái nào cái nấy chỉ lớn hơn ngón tay út một chút.
Tôi bước lại cầm vài bông rồi hỏi bà hàng nước:
- Thưa bà, có phải bông Jamaica đây không ?
Bà hàng, hai mắt bỗng sáng rực lên trên khuôn mặt đen đúa với lưỡng huyền cao của người da đỏ, liếng thoắng trả lời bằng tiếng Mễ:
- Si! Si! Jamaica !
Chúng tôi mừng quá, mua hai ly Jamaica lớn giúp cho bà hàng rồi xin vài bông Jamaica khô bỏ túi. Vì bà hàng không nói được tiếng Anh và những người buôn bán quanh đó cũng không ai biết rành tiếng Anh cả nên chúng tôi không hỏi thêm được gì về bông Jamaica. Tuy nhiên đã có bông Jamaica trong tay rồi  thì đi hỏi chắc không khó lắm.

Về đến Cali, việc đầu tiên của tôi là mở quyển tự điển Spanish-English ra tra xem Jamaica là gì, nhưng có lẽ vì quyển tự điển của tôi nhỏ quá nên chỉ nói về xứ Jamaica là một xứ nhỏ nằm trên một hòn đảo ngoài biển Caribbean thôi. Tôi mở thêm vài cuốn tự điển Anh ngữ lớn hơn cũng chẳng có quyển nào cắt nghĩa Jamaica là một loại bông cả. Chúng tôi ở nhà có vài quyển sách nói về bông hoa, trong đó có quyển What flower is that ? của Stirling Macahoy là quyển lớn nhứt, đầy đủ nhứt. Quyển này có 1600 hình màu chụp đủ các loại bông cùng tên khoa học, tên thông thường của mỗi thứ nhưng tuyệt nhiên bông Jamaica thì không thấy nói đến.

Tôi nhớ đến bộ sách Cây Cỏ Miền Nam của giáo sư Phạm Hoàng Hộ và nghĩ rằng trong bộ sách ấy chắc có. Bộ sách này gồm hai quyển dầy đồ sộ liệt kê tới hơn 5.300 loại bông hoa cây lá, mỗi loại đều có kèm hình vẽ rất đẹp, rất công phu. Nhưng chỉ tiếc một điều là các loại bông hoa này sắp theo tên khoa học bằng tiếng La Tinh mà tôi thì chỉ biết có mỗi một cái tên Jamaica thông thường thôi mà lại là tên ở bên Mễ đem về nữa thì làm sao mà tìm cho ra được. Xem ở phần sách dẫn (index) mà tôi có một bản sao, không thấy ghi chữ Jamaica. Dù sao chúng tôi cũng không ngã lòng. Nhà tôi vào sở gặp người Mễ nào cũng hỏi về bông Jamaica, còn tôi lúc nào cũng có một bông Jamaica khô ép vào trong quyển sổ tay mang theo bên mình như là một nhà nghiên cứu thảo mộc chuyên nghiệp. Chúng tôi biết rằng đi tìm một vật gì hay một chuyện gì thì có khi phải kiên nhẫn chờ rất lâu, có khi vài tháng, vài năm cũng không biết chừng, như tìm tên của một bản nhạc hay tên tác giả của một câu danh ngôn hay nào đó chẳng hạn.

Bẵng đi một thời gian vài tháng, trong lúc đó có lẽ nhờ sự tìm kiếm vẫn âm thầm hoạt động trong tìm thức, nên một hôm lái xe ngang một tiệm chạp phô người Mễ, tôi bỗng nảy ra cái ý là tại sao mình không vào các tiệm đó mà hỏi, vì nơi đó có bán đủ các loại thực phẩm và các loại hoa quả cùng các loại đậu khô của Mễ Tây Cơ. Phải rồi, tại sao mình không vào đó để hỏi, chính mình trước đây cũng đã có lần vào một tiệm Mễ để hỏi về tên của một thứ đậu rồi mà (đậu ngự Lima Bean).
Nghĩ vậy, tôi liền vào một tiệm tên là La Placita ở đường 1st Street, Santa Ana, gần quán bánh cuốn Tây Hồ, cầm theo trên tay một bông Jamaica, trong lòng chứa chan hy vọng. Vừa vào hỏi anh thanh niên người Mễ đứng ở quày tiền, thì may mắn làm sao, , anh ấy nói: "Bông Jamaica hả?  Chúng tôi có bán, đựng trong bịch nhỏ để trên kệ đàng kia kìa.". Anh ấy còn nói thêm: "Và ông muốn biết tiếng Anh là gì thì hình như là có ghi ngoài bịch nữa đấy".

Mừng quá tôi bước qua dãy kệ nơi có treo đầy những túi, những bịch đựng bông khô, ớt khô, tiêu khô, hột ngò khô đủ loại, và đây rồi, có bông Jamaica đây rồi, có cả tên tiếng Anh nữa các bạn ơi. "Hibiscus Flower !" Hóa ra Jamaica là một loại Bụp ! Bụp thì quen biết quá rồi, ở Việt Nam đâu còn ai lạ gì với cái cảnh trưa nắng chang chang nhìn ra sân thấy bông Bụp hoặc đỏ hoặc hồng treo lủng lẳng trên hàng rào Bụp lá xanh um. Ở Cali đây cũng không thiếu gì Bụp, còn nói gì ở Hạ Uy Di là đất của Bụp, đi đâu cụng thấy Bụp, và bông Bụp đã trở thành State Flower của quần đảo thiên đường ấy. Nhưng loại Bụp Jamaica này chắc hẳn là một loại khác.

À mà còn thêm một khám phá mới nữa. Hôm đó ngoài các bịch bông Jamaica khô bày bán trong tiệm, tôi còn thấy có bán những gói Instant Jamaica tức là bông Jamaica đã tán nhỏ trộn sẵn với đường để mua về nhà pha nước uống liền ! Thật là đầy đủ cả lại tối tân nữa, nào dè ở ngay tại Cali này mà có đủ các thứ sản phẩm của Mễ Tây Cơ như thế. Vậy mà lâu nay không biết, chạy loanh quanh mãi.

Sau khi ở tiệm chạp phô Mễ Tây Cơ ra, tôi về thẳng nhà ôm theo vài bịch Jamaica khô và vài gói Instant Jamaica. Tôi khoe với nhà tôi: "Đã tìm được thủ phạm rồi đây nè ! Thủ phạm là một loại Bụp !" . Rồi chúng tôi, một người pha Instant Jamaica ra uống, còn người kia mang quyển Sunset New Western Garden Book ra lật tìm chữ hibiscus để coi Jamaica là loại Hibiscus nào, vì có nhiều loại Hibiscus. Tôi quên không nói là trước khi đến tiệm chạp phô Mễ hỏi về bông Jamaica, tôi đã ghé vào một cái Nursery tức là nơi bán cây kiểng để hỏi. Tuy nhiên nơi đó không ai biết Jamaica là gì cả, mặc dầu tôi có mang cái bông khô đưa ra cho người ta xem, thành ra rốt cuộc hôm đó tôi thấy trong tiệm Nursery có quyển Sunset New Western Garden Book hay hay bèn mua để dành tra cứu.

Quyển này nói về 1,200 loại cây, có cả hình vẽ, nhưng ở phần sách dẫn cũng không thấy có ghi chữ Jamaica, do đó mua về tôi chỉ coi qua rồi cất vào tủ sách mà thôi.
Bây giờ đã biết Jamaica còn có tên là Hibiscus thì giở quyển Sunset New Western Garden Book ra xem lại chắc thế nào cũng có. Quả nhiên lật đến chữ Hibiscus thì thấy nói ở vùng Cali và Hạ Uy Di có năm loại Hibiscus, và may mắn quá, một trong năm loại ấy, loại Hibiscus Sabdariffa có tên là Jamaica Flower nữa !
Tấm màn bí mật đã vén lên ! Trong quyển sách có vẽ một bông Bụp loại khác, nhưng có tả rõ về loại Bụp Jamaica. Bụp Jamaica trồng không phải để lấy bông mà là để lấy cái phần dưới của những cánh bông gọi là cái đài (calyx). Chính cái đài này màu đỏ, còn các cánh bông màu vàng, ở giữa đỏ, và những cái đài đỏ này phơi khô thì gọi là Jamaica Flower. Jamaica Flower dùng làm nước chấm (sauce), thạch (jelly) hoặc làm nước trà nóng hay nước giải khát uống lạnh. Đọc xong tôi mới vỡ lẽ ra rằng những cái gọi là bông Jamaica khô tôi cầm trong tay, thật ra chỉ là những cái đài của loại bông ấy.

Ngày hôm sau, chúng tôi đến nhà B.S. Phạm Văn Hoàng mượn bộ Cây Cỏ Miền Nam của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ (B.S. Hoàng là em ruột giáo sư Phạm Hoàng Hộ) để tra thêm coi ở Việt Nam có loại Bụp này không. Chúng tôi lật đến chữ Hibiscus Sabdariffa thì mừng quá reo lên: "Đây rồi! Có chữ Jamaica nữa nè !". Và có cả tên Việt Nam mới ly kỳ nữa chứ ! Các bạn có đoán biết tên Việt Nam của Jamaica là gì không ? Là Bụp Giấm. Bụp Giấm trồng để lấy chất chua trong đài thế cho giấm.
Hình vẽ cho thấy bông Bụp Giấm giống như một bông Bụp thường lúc sắp nở, hình cái loa, nhưng chỉ lớn hơn ngón tay cái một chút, lá thon dài, cạnh có răng. Không nói rõ mọc hay trồng ở Tỉnh nào hay vùng nào ở Việt Nam.

Tìm được tên họ cùng các chi tiết khác của bông Jamaica tôi thở phào, coi như toại nguyện. Tuy nhiên nhà tôi liền bảo: Nhưng em biết đối với anh thì chưa phải là hết đâu. Rồi đây anh sẽ còn tìm nữa cho tới khi nào anh gặp được và đem về trồng ở sau vườn mới thôi.
Có lẽ nhà tôi nói đúng đấy, vì như trường hợp cây mộc qua (Quince), sau khi đến chơi nhà một người bạn ở Melbourne thấy cây ấy có bông đỏ đẹp quá như là bông đào, nên về đến Cali tôi kiếm mua cho kỳ được hai chậu để chưng Tết năm rồi.
Vả lại với bông Jamaica kỳ này, đây chỉ là mới thấy tên thấy hình, còn trên tay tôi thì lại là một bông khô mang về từ Mễ Tây Cơ, biết có phải cái bông ấy là bông nói trong sách hay không. Nhưng dù sao, dù chưa quả quyết được một trăm phần trăm, chúng tôi cũng rất vui mừng đã theo dõi và có thể nói là tìm được tông tích của một loài bông đã gặp ở Acapulco, một loài bông đã đánh dấu một chuyến du lịch khó quên của chúng tôi.


Huỳnh Hữu Cửu

1988



--------------------

Nguồn: Văn, số 77, tháng 11-1988

Friday, March 11, 2016

CHÉO ÁO CON BẠN VÀNG



                                                                                   KIỆT  TẤN



Tôi từ Vĩnh Long qua Mỹ Tho trọ học lớp Đệ Nhị, chuẩn bị thi Tú Tài một. Qua Tết, từ bến xe sau trường Nguyễn Đình Chiểu tôi dời nhà trọ về bến đò cạnh bờ sông Định Tường, bên kia sông là chùa Vĩnh Tràng. Tại bến sông này tôi si tình một cô gái mười lăm ngập ngừng mười sáu tuổi tên Hoa, và được nàng đáp lại tình tôi.
Lần đầu tiên hái nụ hôn đầu đời trên môi người yêu trước hàng ba nhà nàng, ra về cả tuần lễ sau hễ nằm xuống nhắm mắt là tôi cứ thấy mình cất người lên bay bỗng la đà khiến tôi phát chóng mặt rên  ư ử ...
Một tối tôi dắt nàng đi coi hát bóng, ra về tôi ngủ trên ghế bố lộ thiên bị trúng gió sanh bịnh. Hoa nấu cháo lá dứa lén đưa cho thằng Bút bưng về cho tôi ăn với hột vịt muối và ngậm xí muội nàng cho, tôi dần dần bình phục.

Ba ngày sau tôi đã ngồi dậy được. Tôi nhớ Hoa quá cỡ.
Vịt tàu xuống tắm ao sen
Hèn lâu Qua chẳng đặng gặp mặt em lần nào.
Sau khi ăn xong tô cháo trắng với hột vịt muối, tôi nhớ nàng chịu hết nỗi. Trời tối rồi, biết làm sao đây ? Chẳng lẽ tôi tự động rửa tô rồi đem trả cho nàng ? Thằng Bút đã ra ngồi ở cột đèn để nghe ra dô  trong xóm vọng ra tuồng cải lương trực tiếp truyền thanh mỗi tối thứ bảy. Hay là tôi ra ngồi cột đèn với nó ? Thời may, nàng xuất hiện,
Chiều chiều ra đứng hàng ba
Quần đen áo trắng nết na dịu dàng.
Tôi vái cho thằng nhỏ khóc. Tôi vái cho em nàng khóc. Nàng có đưa võng nó cũng không chịu nín. Như con chó mực bữa trước sủa hoài rồi nhăn răng ra cho nàng sợ ôm níu lấy tôi. Thằng lỏi cũng vậy. Nó khóc muốn lòi rún, dỗ hoài không chịu nín, má nàng biểu thôi con bồng em ra hàng ba dỗ cho nó  mát. Tôi ngồi ở cột đèn rình sẵn ngó thấy
Đèn ai leo lét trên non
Giống hình con bạn ngọc ẵm con xuống tàu.
Bốn mắt nhìn nhau chẳng nói một câu. Sướng ran ! Bồi hồi ! Ngơ ngẩn !

Tính tới tính lui, tính xuôi tính ngược, tôi thấy kế hoạch đó có vẻ phiêu lưu quá. Rủi thằng nhỏ không chịu khóc dai, má nàng không biểu nàng bồng em ra hàng ba hứng mát, nàng không hay tôi chờ đợi để đi ra, tôi ngồi một hồi trúng gió lăn ra bất tỉnh nhân sự thì lại còn mệt hơn bây giờ. Nhưng nhớ quá ! Hay là thây kệ,
Chết tôi tôi chịu
Xin đừng bận bịu bớ điệu chung tình...

Không được ! Ca dao cho dù thấm thía cách mấy cũng không giải quyết được lòng tôi thương nhớ nàng. Tôi muốn được nắm tay nàng. Tôi muốn được nhìn mặt người thương. Tôi ngồi dậy, thay quần áo rồi xếp cái áo mưa cặp nách, tuột xuống thang gác, ló đầu ra cửa ngó dáo dác rồi bước xuống đường, đi về phía nhà nàng.

Tới trước nhà nàng, chậm bước liếc vào thấy cửa khép hờ, tôi tiếp tục đi thẳng độ chừng mười lăm thước rồi quẹo xuống bờ sông...tự tử ? Không ! Tôi bước lên một nhịp cầu ván dẫn ra nơi trút bầu tâm sự khá xa ngoài sông, lúc nào cũng có nước cuốn sạch sẽ, dù lớn hay ròng. Khác với lối kiến trúc ở cầu Bà Điều (nơi lần đầu tiên tôi ngó thấy con chim ra ràng của yêu nữ khiến tôi chút nữa lọt xuống sông !) cầu này phân biệt nam nữ, mỗi bên ngăn ra bốn căn, có ván thấp che phía trước. Bên nữ quay mặt về phía sàn nước nhà Hoa, bên nam đâu lưng lại...như vậy mới kẹt ! Tôi tính xuống đây giả bộ ngồi giải quyết một cách nghiêm chỉnh, nếu thời may Hoa đi ra sàn nước làm công chuyện lặt vặt tôi sẽ được nhìn thấy nàng cho đỡ nhớ. Trời sáng trăng, gần tới ngày rằm. Tôi choàng áo mưa vào che cho bớt gió và đứng xớ rớ bên ngoài gió lóng nhóng. Vị nam quan khách duy nhứt ngồi trong cầu bập bập thuốc lá chắc không khỏi lấy làm thắc mắc. Một hồi y ta đi lên, tôi thở dài nhẹ nhỏm. Chỉ còn lại mình tôi đứng trên cầu nghe nước chảy và tiếng hát cải lương từ trên xóm bến đò vọng xuống văng vẳng.

Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi, nhện chờ mối ai ? 

Nhện chờ mối ai tôi không rõ, nhưng còn tôi, tôi chờ nàng. Một hồi quả nhiên thấy nàng đi ra sàn nước. Tôi mừng quýnh đưa tay ra ngoắc. Nàng lui cui bên lu nước rồi có tiếng xối nước. Nàng rửa chân ? Có lẽ vì vậy nàng cúi mặt, không nhìn thấy tôi. Tôi vẫy vẫy. Ngoắc ngoắc. Nàng ngẫng đầu ngó lên mặt trăng đang chiếu sáng trên sông rồi đi vào. Tôi thất vọng hết sức. Tôi đứng lớ quớ, không  biết tính làm sao. Gió trên sông thốc lên, lạnh hăng hăng. Tôi mới hết bịnh, rùng mình ớn lạnh. Một hồi không thấy ai lên xuống ở cầu, có lẽ vì đêm đã muộn, tôi làm sao đổi qua phía bên nữ cho không bị án khuất. Thời may biết đâu nàng lại trở ra sàn nước lần nữa và nhìn thấy tôi. Phía bên nữ không có ai. Tôi đứng hồi lâu mỏi cẳng nên ngồi xuống bực chắn trước cầu. Chờ. Ngóng. Mà nào thấy đâu bóng người yêu dấu ! Tôi thua buồn ngó lơ đãng sau phía bên kia bờ Vĩnh Tràng. Tôi quấn chặc áo mưa cho đủ ấm. Vượt lên trên các khối đen hình thù bất định bên dưới là một vài thân cau mảnh khảnh. Gió lay lắc, ngọn cau quờ quạng như những bàn tay đen gầy vẫy ngoắc mặt trăng vòi vọi trên cao, cao tít mù, cao biệt vụt. Như tôi đã vẫy gọi nàng mà nàng không hề hay biết. Một cụm mây đen
lớn từ đâu vụt trờ tới che khuất mặt trăng. Trên sông vụt đen tối, nghe tiếng con cá từ dưới sâu trồi lên ăn mống. Trăng đã khuất, ngọn cau vẫy ngoắc vô vọng cũng như tôi.
Đêm khuya ra đứng giữa trời
Giơ tay ngoắc nguyệt, nguyệt dời phương nao ?

Quanh mình tôi tăm tối. Trên xóm bến đò vọng xuống tiếng ca vọng cổ truyền thanh khi xa khi gần theo ngọn gió đong đưa. Lẫn trong tiếng ca mùi mẫn chợt nghe có âm thanh khác lạ, "cắc...thình ! cắc...thình ! "...tôi đã có nghe âm thanh quen thuộc này ở đâu đó, như nó nằm sẵn từ lâu trong mạch máu...cắc...thình !...như tiếng tim tôi đập. Hình như là...đúng rồi ở bờ sông, không ở bờ rạch, con rạch Bình Thuỷ ...cắc...tiếng chày khỏ trên miệng cối, thình...tiếng chày nện xuống lòng gạo, trước sân nhà Dì Ba tôi, khi tôi về thăm Dì ở Bình Thuỷ, lúc còn nhỏ xíu, có tiếng chày giã gạo, nhịp đôi, nhịp ba, lẫn lộn với mùi lá dừa cháy thơm bất hủ, trên ngọn lửa chiếc bánh phồng trở mình lắc rắc.

Từ bên Vĩnh Tràng tiếp tục dội sang, khuếch âm trên mặt nước...cắc...thình ! ...cắc...thình ! ...tiếng chày giả gạo rất khoan thai, không phải giả chày đôi, không phải giả chày ba, mà chỉ giả có một mình. Có phải là tiếng chày của anh chàng si tình nào đó, như tôi, nửa đêm chợt nhớ người yêu, mang cối ra sân ngoài giả gạo, mong người yêu nghe thấu, bước ra cho mình gặp mặt. Người ngọc  đã đến, người ngọc chưa đến, người ngọc sẽ đến, người ngọc sẽ không bao giờ đến ? Người ngọc đã ra đi, người ngọc còn ngoái đầu nuối tiếc, người ngọc sẽ không bao giờ trở lại ? Không biết ! Nhưng vầng ngọc thỏ đã trở lại. Đám mây đen đã qua hết, trời bỗng bừng lên xanh thẳm lắng trong ngăn ngắt mà sao lòng mình vẫn không nguôi phiền não.

Sáng trăng giả gạo sàn ngoài
Cám bay phưởng phất nhớ người xứ xa...

Cắc...thình ! ...cắc...thình ! ...Gió khuya thổi lạnh. Tôi rùng mình đứng dậy, lòng buồn bã.

Trong lúc cắt đứt dây chuông tôi vì cảm xúc quá nên té gục trên cửa cổng. Chừng tỉnh lại thấy bốn bề  vắng ngắt, nên ngậm ngùi lặng lẽ ra về...Đêm qua nằm trên gác trọ, tôi bần thần nhớ lại những câu ca trong tuồng "Hoa rơi cửa Phật" , khi Điệp trở lại chùa thăm Lan lúc Lan hấp hối, và than thở với Hoà Thượng trụ trì. Lúc ở bờ sông thua buồn trở về gác trọ, tôi mang một tâm trạng tương tợ như Điệp, khi trước đó Điệp tới trước cổng chùa giựt dây chuông kêu tiểu Lan ra mở cổng, tiểu Lan từ chối không cho Điệp gặp mặt, và Lan ...đành cắt đứt dây chuông. Nhưng vốn lì hơn Điệp nên tôi đã trở lại, không phải trở lại chùa mà trở lại hàng ba nhà nàng ngay tờ mờ sáng hôm sau để hẹn gặp nàng xế trưa nay ở chùa. Không phải chùa của tiểu Lan mà là chùa Vĩnh Tràng (nếu tiếp tục kiểu này chắc tôi điên mất !).

Tôi căng lại sợi dây sên của chiếc xe đạp. Tôi bồn chồn quá, nuốt cơm không vô. Cứ ra vào thấp thỏm. Nàng làm gì lâu lắc quá ! Không lẽ nàng đã quên hẹn ? Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé ! Không ! Đâu có được. Em hẹn là em phải đến, đừng nghe lời ông thi sĩ lẩm cẩm nọ. Em không thấy sao, em không có hẹn mà đêm qua anh vẫn đến như thường và ngồi chong ngóc ở giữa sông chờ em ngất ngư.
Vừa ngước lên thấy nàng đạp chiếc xe xanh từ từ lướt ngang nhà trọ (dữ hôn), tôi vội vàng đạp xe theo. Sợ có người ngó thấy nghi ngờ, tôi quẹo ra đường lớn rồi đạp nhanh đánh vòng ngang tiệm chụp hình Cảnh Trung, tới trước ở dốc cầu chờ nàng. Khi tới, nàng thoáng liếc nhanh rồi từ từ lướt qua mặt tôi. Tôi tà tà đổ dốc theo sau, trực chỉ chùa Vĩnh Tràng.

Khi vừa ngồi xuống bên cạnh cái mã đá, tôi liền thò tay ôm ngang eo ếch nàng, tay kia choàng quanh nàng ghì siết, môi đặt lên má nàng hun đánh chụt một tiếng và hít một hơi dài. Đã ghiền hết sức. Tôi lầm thầm:
-Anh nhớ em quá ! Em có nhớ anh không ?
Nàng khe khẽ gật đầu. Tôi gặng hỏi :
-Em có nhớ anh không ?
Nàng đáp nhỏ xíu:
-Có...em cũng nhớ anh lắm. Anh này kỳ quá ! ...

Có kỳ quá cũng thây kệ. Miễn em nói vậy là đủ rồi. Nàng hỏi thăm, tôi đáp qua loa về bịnh tình của mình, nói giờ anh đã khỏe. Tôi bắt sang chuyện khác, nhắc lại đêm coi hát bóng. Tôi mân mê vòng eo nàng nói rằng anh đã hôn bàn tay anh cả đêm, sau khi vãn hát. Nàng lúc lắc đầu, tóc phất phơ quẹt vào mũi tôi nhột nhột.
-Anh này kỳ quá !...em không chịu đâu.
Nàng ngắt lên lưng bàn tay tôi. Nàng vẫn mặc áo lá gói kín như thường lệ. Tôi mân mê chút hông còn để hở trống cho đỡ ghiền. Nàng thở dài.
Sóng tình dường đã xiêu xiêu
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi

Tôi mân mê lần xuống thấp, ướm thử. Co giản, nới được, không thắt gút như mọi bận. Tim tôi đập mạnh. Tôi luồn tay. Nàng chận giữ tay tôi lại, đè cứng. Tôi vói tay kia gở tay nàng ra, rồi bàn tay nọ tiến lên, sát trên làn da mịn màng. Đầu tôi bưng bưng. Bàn tay tôi nâng lên, dở ra, mắt liếc nhìn như tia chớp...cỏ non lơ thơ nằm êm xuôi trên gò trinh nữ, xuôi xuôi một chiều, dễ thương vô cùng, mơn mởn tuyệt diệu, dễ thương như tóc măng đầu đời trên mỏ ác của trẻ sơ sinh vừa được mẹ hiền vuốt cho tóc nằm xuôi xuống...Tim tôi đứng sững chết cứng theo tia nhìn mướt trên gò trinh nữ, rồi hồi sinh trở lại đập dồn dập, ồn ào, lớn hơn cả tiếng nện khua trên chiếc mỏ lớn nhứt trong chùa.

Nàng vùng vẫy rút bàn tay ra khỏi tay tôi, rồi nắm bàn tay đang sục sạo của tôi kéo ra dằn co. Tôi cố sức rấn bàn tay xuống. Hoa thốt lên: "Đừng anh ! Đau ! ..." Tôi đã trở thành người điếc, hết còn nghe thấy gì ngoài tiếng đập của tim mình. Bàn tay rướn tới. Hoa chụp luôn bàn tay còn lại của nàng lên cổ tay tôi rồi cố sức dùng cả hai tay nàng để kéo ra...vùng vẫy...thảng thốt. Đừng anh ! ...Tội nghiệp em !
Tôi chưa kịp nghe...Anh! Tội nghiệp em! Đầu nàng lúc lắc, tóc lất phất phủ vào mặt tôi...tội nghiệp em ! Có tiếng nghẹn nấc...tiếng Hoa nấc khóc...tôi chợt bừng tĩnh.

Mặt trăng từ trên đỉnh tột cao vụt sa xuống non đoài sức hút nguyệt lặn chợt cuốn phăng hết triều sóng dục tình cuồng nộ băng ra thật xa ngoài đại dương xa tít mù xa...mất hút...Kiệt ! Kiệt ! Tôi thầm gọi tên mình trong đầu để tự lay tỉnh . Kiệt ! Kiệt ! ...

Vai Hoa run run. Rồi đôi vai nhỏ run lên từng chập. Hoa buông lỏng hết hai tay, nàng thả bàn tay tôi ra, rồi ôm cứng lấy tôi khóc thúc thít. Tôi chới với như vừa trợt té, đầu óc như lù mù không rõ rệt chuyện gì đã xảy ra, ngất ngư như người say rượu , ngơ ngác.
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê
Rốn vờn chẳng tiện dứt về chỉu khôn
Nhưng rồi bàn tay tôi đã tự động rút về như con trăng vụt lặn. Máy móc, không chủ định. Chợt nhớ tuổi nàng, mười lăm ngập ngừng mười sáu. Tuổi mới lớn. Hoa bướm ngập ngừng, cỏ non lần lửa. Tôi cúi xuống hôn lên mái tóc nàng, tay vịnh vòng eo.
Chàng sượng chưa nện cầu lam
Sợ lần khân quá e sàm sở chăng ? 
Thở dài. Tôi thở dài.

Tôi nâng mặt Hoa lên, nước mắt nàng còn nhỏ giọt. Tôi bồi hồi, nàng cúi mặt, tóc rũ thuỳ mỵ.
Sượng sùng giữ ý rụt rè 
Kẻ nhìn rõ mặt, người e cúi đầu
Tôi hỏi em có giận anh không. Nàng lắc đầu. Tôi hỏi em có hờn anh không. Nàng lắc đầu. Tôi hỏi gì nàng cũng lắc đầu. Tôi hỏi gì nàng cũng không nói. Trong chùa tiếng chuông vọng ra ngân nga. Trầm lắng, tĩnh mịch. Tôi nâng mặt Hoa lên, lấy tay quẹt nước mắt cho nàng. Hoa hít mũi như đứa nhỏ vừa nín khóc, còn nấc nhẹ tủi thân.
Bể khơi không lấp cho đầy
Lệ tình thắm ướt biết ngày nào khô ?
Tôi đặt hai ngón tay cái lên mi mắt bụp nhẹ của nàng ve vuốt, mân mê lông mày mềm mượt. Tôi cạ môi mình lên môi nàng, như đêm đầu hẹn nàng ở hàng ba - lờ mờ, vẫn chưa biết hôn bằng lưỡi.

Hai đứa ôm nhau không biết nói gì, không biết nghĩ gì. Có vẻ như chờ đợi, mà không biết chờ đợi gì. Nhưng thời khắc đâu có đợi chờ chúng tôi. Ánh tà dương yếu dần trên đọt chuối xanh non mơn mởn. Nắng đậu trên vành tai của Hoa, ửng vàng tơ măng mọc mỹ miều trên vành cong rồi xuyên suốt, tưởng chừng vành tai của nàng trong veo như pha lê, như ngọc bích. Hoa sửa lại chéo áo, kéo hai vạt xuống che đậy chỗ trống ở hông.
Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu
Tôi lại thở dài. Hoa cũng thở dài.
Tà tà bóng ngã về Tây
Dặm xa thờ thẩn dang tay ra về...

Ba bốn bữa rày anh có bụng trông
Kẻ lên người xuống cũng không thấy nàng
Bốn bữa rồi tôi không gặp được mặt Hoa, trong bụng lo lắng. Bửa ở chùa về thằng Bút phải một lần nữa đẹp bỏ tông đơ để đấm lưng cho "Hoàng tử lưng gù", buổi tối vừa đấm lưng vừa chuyện vãn, nó cho biết hồi chiều về tới nhà, Hoa bị la vì má nàng bắt đầu ngờ vực nàng có bồ bịch, dù không nhất quyết là tôi. Và Hoa đã khóc lóc. Lòng tôi xốn xang.
Ước gì ngoài biển có cầu
Anh ra đó phải đoạn sầu cho em
Nó nói thêm là má nàng dặn Mân phải đặc biệt canh chừng cô em họ nhỏ bé của mình. Tôi lại yên bụng.

Nhưng rồi bây giờ tôi lại lo lắng vì bặt luôn bốn bữa nay không thấy nàng ra quét lá me ở hàng ba nữa. Tôi lấy ruột xe Huê Kỳ làm phao thả ra giữa sông cũng không thấy nàng lai vãng ở sàn nước. Tối nào tôi cũng lăn trở không yên như con trùng bị bất thần bỏ trên mặt đất nóng.
Đêm nằm lưng chẳng dính giường
Mong cho mau sáng ra đường gặp em
Tôi lại đề cử sứ giả vội sang vườn Thuý dò la. Nó ngại bị má nàng tra hỏi bất tử vì lần đi rồi trả tô trả muổng, bị bà già bắt gặp, nó ấm ứ. May nhờ thằng Mân nhảy ra đỡ đạn, nó nói trớ là nó cho thằng Bút mượn tô  bây giờ đem trả.

Tôi dụ khị lần sau lên Sài Gòn hớt tóc, tôi sẽ mua cho nó loại thuốc ép tóc thứ tốt không cháy tóc, thằng Bút mới chịu đi. Tuy vậy tôi hồ nghi là nó đã biết rồi, nhưng còn làm bộ để nẹo tôi đền đáp chút thạnh tình. Lẽ ra nó cám ơn tôi mới phải, vì nhờ tôi mà bây giờ nó luyện thêm được nghề sửa lưng đấm bóp. Nó đi một chập về cho biết...Hoa bị ấm đầu, bể nghể. Tôi lại thấy lòng xốn xang, cắn rứt. Có phải vì tôi mà nàng bị đau lưng trúng gió ? Tôi lấy làm khổ tâm, xót dạ. Thà tôi đừng có "không tin dở hộp ra coi" . Con nít người ta mới mười lăm mười sáu tuổi đầu. Thiệt là bất nhơn !

Đêm nay trời nóng, tôi lại nằm lăn trở trên ghế bố kê ở ngoài trời. Lại thương, lại nhớ.
Nằm buồn mơ tưởng hình dong 
Con dao lá trúc cắt lòng đôi ta
Tôi vò đầu rối trí, không biết làm sao để bảo vệ nàng, không biết làm sao để cứu vãn tình thế. Lo sợ nàng bị má cấm không cho ra ngoài quét lá me ở hàng ba nữa, lo sợ nàng bị má cấm không cho ra rửa chưn ở sàn nước nữa, lo sợ nàng sẽ không hò hẹn với tôi ở chùa Vĩnh Tràng nữa, lo sợ nàng bất thần dọn nhà đi mất. Lo sợ...lo sợ...
Tôi thiếp đi trong chuổi mơ đứt đoạn có nàng ra đi, có nàng trở về. Có nàng rất xa, có nàng rất gần, nhưng tôi không thể nào với tới. Tôi mê ú ớ...
Canh chầy mơ tưởng tương tư
Chiêm bao thấy bậu, dậy rờ chiếu không !

Tiếng xe đẩy lụp cụp làm tôi thức giấc. Mở mắt, trời tờ mờ sáng. Định thần, có vật gì tròn vo trên nóc mùng. Ngồi nhổm dậy sờ: trái cây. Nàng đã tới ! Phải. Hoa đã nhẹ bước chiêm bao tới và lén bỏ trái cây lên nóc mùng của tôi.
Mặc dù cha đánh mẹ treo
Đứt dây rớt xuống cũng theo chung tình.
Tôi hồi hộp bước xuống với lấy trái cây trên nóc mùng. Trái vú sữa bạch ngọc mà tôi hằng ao ước ! Ngó sang hàng ba, không có ai, trời còn tờ mờ tối. Tôi chun trở vô mùng, nằm soãi người ngửa trên ghế bố.
Ấp trái vú sửa lên mũi hít mạnh, tưởng chừng như còn ngửi được mùi hương bàn tay nàng đọng lại. Dời trái vú sửa bạch ngọc từ lâu tôi thèm khát lên môi cạ cạ , tôi vụt sống lại nguyên vẹn cảm giác hoang đường. Môi tôi cạ lên môi nàng ngay buổi hò hẹn đầu tiên. Tôi khép mắt lại, sướng rụng rời, rên ư ử. Lưng tôi không vụt bốc lên bay la đà như mọi bận. Lần này tôi bay bổng thật sự ! Với trái vú sửa bạch ngọc trên môi, tôi từ từ bay ra giữa dòng sông, rồi bay đánh vòng thật chậm về phía sàn nước nhà nàng. Chợt nghe tiếng nàng ru em từ trong nhà vẳng ra buồn buồn, nho nhỏ. Ầu ơ...

Cây me trước cửa một bửa cây me tàn
Bao nhiêu lá rụng...em thương chàng...bấy nhiêu.

Tôi lượn mình cất lên phơi phới, bay la đà băng qua dòng sông gờn gợn, qua tới bên kia chùa Vĩnh Tràng cổ kính, nghe tiếng chuông chùa vời vợi, nghe tiếng giả gạo ngùi ngùi, rồi tha thiết đảo vòng trở lại đầu sông, tôi ôm chặc trái vú sửa bạch ngọc lên tim mình âu yếm, đưa lòng bàn tay mặt lên môi hôn đắm đuối, rồi đưa cổ tay lên miệng mình cắn mạnh, máu đỏ vọt ra, răng nanh vụt biến mất, máu đỏ khô giọt giọt dài dài xuống mặt nước nao nao. Tôi bay về gần tới nhà nàng chợt nghe trái tim đập yếu dần...yếu dần...
Tôi lao chao sa từ từ xuống dòng phù sa như chiếc lá me rụng lất phất, còn nghe tiếng của nàng, tiếng của Hoa ru em ngọt ngào văng vẳng...ầu ơ...

Gió đưa bụi cúc ngã bụi sả tàu
Nương theo chéo áo con bạn vàng...
Dầu sanh dầu tử...mình nàng ...mà thôi...



Kiệt Tấn
1987



-------------------------
Nguồn: VĂN, Số 62, tháng 8-1987















Monday, March 7, 2016

LÊ THÁNH TÔNG



                                                          NHỮNG GƯƠNG MẶT ĐẸP NHẤT
                                                          TRONG LỊCH SỬ THI CA VIỆT NAM


                                                          LÊ   THÁNH   TÔNG
                                                          1442-1497



    

                                                                                     NGUYỄN HƯNG QUỐC





Trong nền văn học Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỷ 15, Lê Thánh Tông là nhà thơ ưu tú nhất, tuy nhiên, thành thật mà nói, ông không phải là nhà thơ có tài. Trong sự nghiệp văn học của Lê Thánh Tông, những hoạt động của ông quan trọng hơn tác phẩm của ông. Trong tác phẩm của Lê Thánh Tông, những cống hiến về phương diện ngôn ngữ học quan trọng hơn những cống hiến về phương diện mỹ học.

Tên thật Lê Tư Thành, sinh năm 1442, lên ngôi năm 1460, Lê Thánh Tông là vị vua thứ tư của nhà Lê và là vị vua xuất sắc, thông minh, uyên bác, có tài kinh bang tế thế hơn cả. Có thể coi triều đại Lê Thánh Tông là thời hoàng kim của chế độ phong kiến tại Việt Nam nói chung. Kinh tế phát triển mạnh. Cơ chế nhà nước được xác lập vững vàng. Văn hoá được coi trọng. Nền giáo dục đi vào nền nếp. Suốt 38 năm Lê Thánh Tông trị vì, trật tự xã hội hầu như luôn luôn ổn định, đời sống dân chúng bình yên và no ấm.
Trong một bài thơ, Lê Thánh Tông viết:
Biên manh cửu lạc thừa bình hoá 
Tứ thập dư niên bất thức binh.
Có người dịch:
Hoà bình hưởng mãi dân vui vẻ
Hơn bốn mươi năm sống dễ dàng.

Nguyễn Trọng Ý, một hội viên của hội Tao Đàn, ca ngợi Lê Thánh Tông:
Tham thiên, lượng địa, thần công điệu
(Ngang với trời đất, công thánh thần mầu nhiệm.)

Nhưng chính cái ý thức chính trị quá sắc sảo của Lê Thánh Tông đã làm hại hồn thơ của Lê Thánh Tông. Thơ ông hiếm khi là tiếng nói hồn nhiên trong trẻo của tâm tư. Xuất phát từ nguyên lý "văn dĩ tải đạo" của Nho gia, Lê Thánh Tông quan niệm văn thơ phải có chức năng phục vụ đạo đức, trước hết là đạo đức của người làm vua và đạo đức của người làm tôi. Vua thì phải là vua hiền. Tôi thì phải là tôi trung. Trong bài tựa tập "Quỳnh uyển cửu ca" bằng chữ Hán, tác phẩm mở đầu của hội Tao Đàn, Lê Thánh Tông viết:
" Ta nhân lúc muôn việc được rỗi, nửa ngày được nhàn, thường xem các sách, vui thích lục nghệ, mọi sự huyện náo lắng xuống, ngọn đèn sáng thơm thọ, thị dục ít, tinh thần trong sạch, ở yên, hứng cao, mới phấn khởi nghĩ đến khuôn phép lớn của thánh đế minh vương, lòng cẩn thận của người lương bật. Gọi chàng "giấy", họ "bút", thượng khách "mực", trọng thần "nghiên đá", bảo đi bảo lại rằng: "Chân tình ta phát triển ra, có anh khí dào dạt, thành cách ngôn hay, các người có thể giúp ta ghi chép được không ?".
Tác phẩm của Lê Thánh Tông còn lại khá nhiều:
Về Văn, có Dụ Khuyến Học, phú Lam Sơ Lương Thuỷ và Liệt Truyện Tạp Chí (chữ Hán).
Về Thơ, có chín tập chép trong Thiên Nam Dư Hạ Tập (chữ Hán) và nhiều bài thơ Nôm chép trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập...

Thơ Lê Thánh Tông tập trung trong ba loại đề tài rõ rệt: một là ca ngợi các bậc "thánh đế minh quân", trong đó có mình, chủ yếu là bản thân mình; hai là khen tặng những người "lương bật" hết lòng trung nghĩa với vua, với nước, và ba là, ngâm vịnh những cảnh sắc thiên nhiên trên quê hương.

Trong hai loại đề tài đầu, thơ Lê Thánh Tông bình thường, thậm chí tầm thường. Lê Thánh Tông là một anh quân. Điều đó hiển nhiên. Nhưng có điều, vị anh quân này khá tự đắc. Có lúc sự tự đắc được diễn tả một cách thành thật và dễ thương:

Lòng vì thiên hạ những sơ âu
Thay việc trời dám trễ đâu,
Trống dời canh, còn đọc sách
Chiêng xế bóng, chửa thôi chầu.
Nhân khi cơ biến, xem người biết,
Chứa thuở kinh quyền, xét nhẽ mầu...

Tuy nhiên, phần lớn, sự tự đắc về vai trò "thiên tử" của Lê Thánh Tông quá lộ liễu, đượm màu sắc "khẩu khí", nghe vừa kênh kiệu lại vừa giả tạo, đặc biệt những khi Lê Thánh Tông gửi gắm lòng tự đắc ấy vào những cảnh, vật bình thường trong cuộc sống dưới những đề thơ kiểu
Vịnh Người Thợ Cạo :
Kẻ trọng tam đồ hay bá gáy
Người cao nhất phẩm cũng cầm tai
Vịnh Thằng Mõ:
Trẻ già thảy thảy đều nghe lệnh
Làng nước ai ai cứ phải lời
Vịnh Người  Đánh Giậm:
Cán lọng giữa trời người đứng đó
Vòng cung đạp đất thấy ai đâu
Vịnh Người Ăn Mày:

Bệ ngọc tôi từng đứng chắp tay
Nam Bắc Đông Tây đều tới cửa
Vịnh Cái Chổi:
Một tay vùng vẫy trời tung gió
Bốn cõi tung hoành đất sạch gai...
Không có bài thơ nào thuộc loại khẩu khí ấy của Lê Thánh Tông có thể gọi được là thơ. Tất cả đều nghèo nàn trong ý tưởng, nhạt nhẽo trong cảm xúc và khấp khểnh trong việc ví von. Tất cả đều trở thành bằng chứng cho một khuynh hướng sáng tác thất bại. May, sau Lê Thánh Tông, ít người dùng lại lối thơ này.
Những bài thơ khen tặng các bậc lương tướng, trung thần, hiếu tử và nghĩa sĩ của Lê Thánh Tông không vượt ra ngoài những quy phạm đạo đức đã có sẵn. Thiếu cảm xúc, ngôn ngữ loại thơ này thường khô cứng và khuôn sáo.
Họa hoằn lắm mới có bài thơ cảm động:

Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.
Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ
Làn nước chi cho lụy đến nàng.
Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt, 
Giải oan lọ mượn đến đàn tràng.
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,
Khá trách chàng Trương khéo phụ phàng.

Lê Thánh Tông chỉ viết có một câu về Nguyễn Trãi, nhưng là một câu khen ngợi cực kỳ nồng nhiệt: " Ức trai tâm thượng quang Khuê tảo" ( Lòng Ức Trai rạng rỡ như sao Khuê ). Trong lịch sử, Lê Thánh Tông là người đầu tiên thông cảm và giải tỏa nỗi oan ức của Nguyễn Trãi. Giữa Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông có mối quan hệ bất ngờ nhưng sâu sắc. Mấy tháng trước khi bị tru di, Nguyễn Trãi đã cứu bà Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ Lê Thánh Tông, lúc bà bị bà Phi Nguyễn Thị Anh tìm cách ám hại. Sau này, lên ngôi vua, Lê Thánh Tông đã rửa oan cho Nguyễn Trãi và ra lệnh cho Trần Khắc Kiệm sưu tập tất cả những di cảo của Nguyễn Trãi.

Trong sự nghiệp thơ của Lê Thánh Tông, khá hơn cả là những bài thơ viết về thiên nhiên. Ở một số bài, ông chứng tỏ một năng lực quan sát tinh tế:

Bãi thẳm ngàn xa cảnh vắng teo,
Đèo Ngang lợi bể nước trong veo.
Thà là cúi xuống, cây đòi sụt,
Xô xát trông lên, sóng muốn trèo.
Lảnh đầu nằm chim vững tổ
Lanh chanh cuối vụng cá ngong triều.
Cuộc cờ kim cổ chừng bao nả, 
Non nước trông qua vẫn bấy nhiêu.

Bài thơ sau đây có bốn câu giữa đẹp:

Ngẫm sự trần duyên khéo nực cười, 
Sắc không, tuy Bụt, hãy lòng người.
Chày kình một tiếng tan niềm tục,
Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời.
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi.
Nào nào cực lạc là đâu tá ? 
Cực lạc là đây chín rõ mười.

Bài thơ hay nhất của Lê Thánh Tông, theo tôi, là bài Vịnh Làng Chế:

Bóng ác non đoài, ban xế xế
Bỗng đâu đã tới miền Tam Chế.
Mênh mông khóm nước nhuộm màu lam
Chân ngất đỉnh non lồng bóng quế
Chợ họp bên sông gẫm có nhiều 
Thuyền bày trên đất xem nhiều thể
Cảnh vật bằng này họa có hai
Vì dân khoan giản bên tô thuế 

( Bóng ác non đoài: mặt trời ở dãy núi phía Tây
Ban: buổi
Bóng quế: bóng trăng
Gẫm: xét thấy
Có nhiều: có từng phiên, buổi
Khoan giản: nới rộng chính sách và giảm bớt những phiền hà. )

Nói chung, Lê Thánh Tông không phải là người giàu tưởng tượng hay giàu cảm xúc. Ông không có những tứ thơ đột xuất, bay bổng, không có những hình tượng sáng tạo, kỳ thú và cũng ít có những cảm hứng dạt dào, nên thơ. Hầu như ông làm thơ phần lớn là bằng trí tuệ , với một mục đích rõ ràng. Nếu có một lúc nào đó, ông chợt bâng khuâng trước vẻ đẹp hùng vĩ hay thơ mộng của thiên nhiên thì giây phút bâng khuâng ấy cũng quá ngắn ngủi. Ông vội vã trở về với vị thế làm vua của mình. Với ý thức khẳng định vai trò của một thiên tử và với ý thức nhắc nhở bổn phận của kẻ làm tôi.
Chính những ý thức thực dụng ấy khiến cho thơ ông, trăm bài như một, đều có hai câu cuối giống nhau: vụng về. Ở một số bài, những câu thơ tưởng chừng như sắp bùng lên, rực sáng, mở ra một thế giới tinh khôi của tưởng tượng và bát ngát những rung cảm thẩm mỹ, thế nhưng, đến hai câu cuối nó bất ngờ vụt tắt, quẩn lại trong những nguyên lý quen thuộc, không còn âm vang nữa. Có lẽ đây là một kinh nghiệm quý.
Thơ có thể cưu mang những ý thức chính trị, ý thức đạo đức, song tất cả đều phải được thể hiện trong một cảm xúc thơ. Thiếu cảm xúc thơ, tất cả những gì gửi gấm trong thơ đều trở thành trơ trụi, khô khốc, gượng gạo, chết dí trên trang giấy và chắc chắn thơ sẽ bị nghiêng ngả sang lãnh vực của vè, của các loại diễn ca.

Nhận định như trên không phải là một cách xoá nhoà tên tuổi của Lê Thánh Tông. Nói đến lịch sử văn học Việt Nam, người ta không thể không nhắc đến vai trò của Lê Thánh Tông. Sự cống hiến của Lê Thánh Tông cực kỳ lớn lao ở khía cạnh sinh hoạt văn học và ngôn ngữ học.
Trước thế kỷ 20, có thể nói, chưa bao giờ văn học Việt Nam lại sôi nổi nhộn nhịp như dưới thời Lê Thánh Tông. Từ sự say mê tha thiết đối với văn học, Lê Thánh Tông không ngừng khuyến khích mọi người tham gia sáng tác văn học.
Trong Kiến Văn Tiểu Lục, mục Thiên Chương, Lê Quý Đôn nhận định:
"Triều Hồng Đức, văn giáo phát đạt, các quan về hàng võ phải đọc sách, không phải các viên quan lớn như Lê Hoàng Dục, Lê Niệm, mà cả những người không có tiếng ở thời ấy cũng có những câu đề vịnh thanh tân có thể truyền tụng."
Qua những tác phẩm còn lại, người ta tính dưới thời Lê Thánh Tông có khoảng hơn bảy mươi tác giả về thơ và về văn. So với các giai đoạn trước, con số này khá cao. Việc làm có ý nghĩa nhất của Lê Thánh Tông là đã quyết định thành lập Hội Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú  vào năm 1494 quy tụ 28 người, hầu hết là các văn thân trong triều, do chính Lê Thánh Tông làm Tao Đàn Nguyên Soái, Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận làm Phó Nguyên Soái và Lương Thế Vinh làm Sái Phu.
Đây là hình thức hội Tao Đàn đầu tiên tại Việt Nam và mãi đến đầu thế kỷ 20, ở nước ta cũng chỉ có thêm một hội Tao Đàn thứ hai nữa là Chiêu Anh Các của Mạc Thiên Tích (1736).
Hội Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú chỉ hoạt động trong thời gian ngắn ngửi vào ba năm cuối đời của Lê Thánh Tông, tuy nhiên, nó đã gây một sinh khí mới trong nền văn học lúc bấy giờ, góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác chung cho cả nước. Kết quả rực rỡ nhất là thơ Nôm được phát triển mạnh. Mặc dù không có những tác phẩm xuất sắc, song có một điều ai cũng công nhận: so với ngôn ngữ trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi, ngôn ngữ trong thơ Nôm của Lê Thánh Tông và những tác giả cùng thời đã bắt đầu định hình, về từ vựng, trong sáng hơn, về cú pháp, chặt chẻ hơn, về cách diễn đạt, mềm mại và uyển chuyển hơn. Có khả năng biểu hiện được những cảm xúc tinh tế của con người cũng như có khả năng khắc họa được những cảnh sắc muôn màu  muôn vẻ của thiên nhiên.
Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, tập thơ Nôm của Lê Thánh Tông và các cận thần, hiện nay còn lại 328 bài, người ta bắt gặp một số bài có âm hưởng rất gần với thơ cận đại :

Mai gầy, liễu guộc cỏ le te,
Biết chạy đi đâu hỡi nắng hè?
Đâu lá võ vàng con bươm bướm,
Ấp cây gầy guộc cái ve ve...

Một sự đánh giá công bình nhất: sự thuần thục của ngôn ngữ thi ca Việt Nam hiện nay có nguồn gốc sâu xa từ tấm lòng ưu ái và những hoạt động, những chính sách về văn học đầy nhiệt tình của vua Lê Thánh Tông thuở ấy.



Nguyễn Hưng Quốc





--------------------------
Nguồn : VĂN, số 81, tháng 3-1989









Wednesday, March 2, 2016

QUẾ LÀ AI



                                                                                        TRÂN  SA




Bạch Hồng. Sáng hôm nay tôi ngồi mãi để nghe tiếng chim hót. Không biết chúng nói cái gì với nhau hay với ai mà cứ huyên thuyên mãi như vậy từ sớm. Hình như những con chim sẻ màu xám nâu này không hề biết buồn. Âm thanh của chúng khi nào cũng trong trẻo, vui vẻ và ngây thơ. Giữa những tiếng hót ngắn của se sẻ, tôi có nghe được một tiếng chim lạ. Nó hót, "chuýt-chìu, chuýt chuýt chuýt chuýt." Tiếng hót như đi vút qua theo đường bay, mạnh mẽ, lã lướt. Tôi chồm người ra tìm nhìn con chim lạ. Nó đã bay mất. Tôi chúm môi, bắt chước huýt theo tiếng chim rồi cười một mình. 
Nhìn từ cửa sổ, cây hồng trắng của tôi đã nở ra vài đóa hoa. Tí nữa tôi sẽ ra vun đất và tưới nước cho hoa, trước khi mặt trời lên quá cao. Yêu một đóa hoa, là yêu cả đất, nước và ánh nắng đã nuôi dưỡng cho hoa. Cũng như yêu một người là yêu tất cả những gì người ấy yêu thương.



Mấy hôm nay trời nóng bức không chịu nổi. Mỗi ngày tắm một lần mà mình mẩy vẫn cứ rít rát khó chịu. Chiều đi làm về phải nhớ ghé mua thêm phấn thơm. Lại sẽ đi làm trễ nữa rồi. Sáng nay dậy trễ, nhất định là không đủ thì giờ để tắm gội. Năm bảy năm về trước sao tôi dậy sớm tài thế. Sáu giờ sáng đã nhảy vào phòng tắm vặn vòi sen xối ào ào. Đến sở khi nào cũng sạch sẻ thơm tho và tóc mới gội sấy bềnh bồng. Lúc ấy áo quần lúc nào cũng thẳng thớm lượt là. Hai ba tuần lại đi mua sắm đồ mới ở các boutique sang trọng. Bạn Canadian trong sở vừa khen tặng vừa có phần ganh tỵ, "Bồ chẳng phải là một trong những boat people, phải không ?". Thời ấy qua rồi. Bây giờ tôi chẳng còn muốn chứng
minh một điều gì hết. Bây giờ tôi chỉ chưng diện theo hứng.

Tôi đánh răng. Nhúng khăn trong nước ấm để lau mặt. Không có thì giờ tắm, tôi lấy khăn ướt lau khắp mình cho sạch mát. Rồi rửa ráy phía dưới. Đàn bà con gái phải rửa ráy dưới đó trung bình mỗi ngày hai lần. Một đứa bạn gái có dạy khơi khơi, "Trước và sau khi làm tình, đều phải tắm rửa cho sạch sẽ". Nó không biết hai năm nay tôi chưa gần đàn ông. Bảy tám năm nay tôi chỉ gần có hai người. Mỗi người chỉ vài ba lần và người này cách người kia đến ba bốn năm. Hôm trước bà bác sĩ J. hỏi tôi có muốn dùng thuốc ngừa thai không. Tôi nói, "không cần, có gần đàn ông đâu mà dùng thuốc." Bà ta trợn mắt. Bà bác sĩ ơi, đối với Tây Mỹ, tôi là đứa đàn bà cù lần thiếu sex, nhưng đối với một số người thích bảo tồn văn hoá Việt Nam kiểu cực đoan tôi lại thuộc loại cà chớn rồi. Vì tôi độc thân mà đã biết dăm ba người đàn ông, có ăn ở với họ mà không cưới hỏi đàng hoàng.

Khi cởi áo ngủ để thay vào chiếc váy ngắn màu trắng và áo sơ mi lụa màu tím nhạt, tôi ngắm mình trong gương. Phần mặt và cổ rám nắng nhưng từ ngực trở xuống trắng nõn. Ngực còn tròn đầy, chưa đến nỗi nào cả. Hai núm ngực nhô ra khiêu khích, chưa từng cho con bú. Tôi nhớ một đứa bạn khác than van, "cho bú đau thấy mồ. Mình thiếu sữa, thằng con thì cứ nhai nhai muốn nát hai cái vú. Mỗi ngày nó nhai hai ba tiếng đồng hồ, chết luôn !" "Nhưng mà có con thì thương lắm". Tôi chưa biết được cái cảm giác thương dịu dàng đó. Có lúc tôi cũng thèm có đứa con.
Tôi thích cái bụng mình phẳng thật phẳng. Thế nào cũng phải sit up, bơi lội, chơi bóng bàn nhiều hơn.
Những ý nghĩ lung tung ấy xẹt qua xẹt lại trong đầu tôi trong vòng mấy phút của khoảng thời gian vệ sinh thân thể và thay đổi quần áo.


Bạch Hồng thân yêu. Hôm nay tôi nhớ cái nốt ruồi son trên ngón tay út của Bạch Hồng. Đừng có cười tại sao tôi vẫn còn nhớ cái điểm son nhỏ xíu ấy dù đã rất lâu rồi mình chưa hề gặp lại nhau. Tôi nhớ một buổi trưa chúng ta ngồi dưới cây hoàng hậu. Bạch Hồng mặc áo bà ba màu trắng dịu và hoa hoàng hậu màu tím ngát xung quanh. Tôi cầm tay Bạch Hồng lên và nhìn thấy một nốt ruồi son đỏ thắm ở ngón tay út xinh xắn của Bạch Hồng. Tôi muốn hôn nhẹ cái ngón tay út ấy nhưng lại sợ làm Bạch Hồng giận. Nên tôi chỉ dám úp mặt mình lên lòng bàn tay của Bạch Hồng thôi.
Vậy mà Bạch Hồng cũng giận và từ chối không gặp tôi bao giờ nữa. Mười lăm năm rồi, có lẽ Bạch Hồng không còn nhớ ?
Tôi thì vẫn nhớ rất rõ. Những buổi chiều liên tiếp đến tìm Bạch Hồng. Mẹ luôn luôn trả lời Bạch Hồng không có nhà. Có chiều tôi vừa nghe mẹ nói thế vừa ngước lên nhìn thấy bóng Bạch Hồng đứng lấp ló nửa mặt sau cánh cửa sổ màu nâu viền bóng tối trong màu chiều xam xám, buồn buồn. Có chiều tôi đi ra cổng, đứng yên lặng dưới vòm bông giấy xum xuê và nhìn lên phòng Bạch Hồng. Tôi đứng đó từ chiều tối đến đêm khuya. Cái bóng Bạch Hồng mảnh mai nhẹ nhàng đi qua lại dưới ánh sáng trắng của đèn néon và ánh trăng, đẹp như một điệu múa chầm chậm không nhạc đệm. Có lúc tôi cảm thấy muốn khóc vì cái đẹp ấy. Có lúc tôi run rẩy đưa tay lên như là xin. Rồi Bạch Hồng biến mất. Chỉ còn màu trăng bạc lấp lánh trên những chiếc lá im lặng và bất động.
  

Tôi lái xe chầm chậm phía sau chiếc vận tải có vẽ hình ba chai sữa. Phía bên phải xe vùn vụt chạy tới,  không đổi lane được. Tôi tháo giày ra, vừa mát chân vừa tránh khỏi bị mùi. Có một anh bạn ưa bàn chuyện văn hoá nghệ thuật nhưng ít thích rửa chân thay vớ. Một buổi tối tôi và đám bạn đang ngồi nói chuyện, anh đến chơi, tháo giày để ở cửa đàng hoàng và vào bàn nhập bọn uống trà với tụi tôi. Anh kể chuyện rất hay, nhưng tôi phải rời bàn tới một góc phòng ngồi chơi với đám con nít đang trang hoàng vẽ vời cho mấy con vịt sành, vì không thể nào chịu nổi mùi hôi rất nặng nề từ gầm bàn bốc lên.
Chiếc vận tải chạy rù rì. Tôi chợt nhớ lại giấc mơ quái đản đêm qua. Trong giấc mơ, tôi bị V. đè xuống, ghì chặc hai cánh tay tôi bằng hai cánh tay lực lưỡng của hắn. Mặt mũi hắn thô xấu, da cứng sần, miệng cười rất gợi dục. Hắn chiếm đoạt tôi dễ dàng. Tôi không chống cự gì hết, lúc sau lại hưởng ứng nữa là khác. Tôi đã có cảm giác thỏa mãn. Tinh thần không bị tổn thương gì cả. Chuyện xảy ra rất nhanh. Nhanh đến độ buồn cười. Không ai vuốt ve âu yếm ai. Không tình yêu. Và V. tan biến ngay lập tức trong giấc ngủ tối đen. Kỳ cục thật, tôi và V. không hề có quan hệ gì, chỉ thuần tuý bạn làm ăn buôn bán. Tôi không bao giờ nghĩ ngợi mơ tưởng gì đến V. Hắn bình thường . Về mọi mặt không có gì thu hút, hấp dẫn. Chỉ vì chiều hôm qua đến văn phòng hắn ký hợp đồng cho một vụ hùn hạp, tôi nhìn thấy tấm ảnh V. và vợ hắn đứng ôm nhau cười sặc sụa trên bãi biển ? Tấm ảnh treo trên một góc tường, gần đống giấy tờ bừa bãi. Tôi chỉ nhìn thoáng qua, nghĩ thầm cái mặt V. sao mà thô tục, môi hắn dày và chu ra làm như đang hôn, kiểu cách nham nhở. Có vậy thôi ?


Rồi tôi nghĩ đến Quế. Đến buổi trưa ngày xưa dưới cây hoàng hậu. Anh dịu dàng nâng tay tôi lên, ngắm như ngắm một viên ngọc  quý. Anh mĩm cười nhìn cái nốt ruồi son rồi nhẹ nhàng lật ngữa bàn tay tôi, chạm mặt lên đó. Những cọng râu lún phún của Quế đụng xót lòng tay tôi. Cảm giác kỳ lạ ấy làm tôi sợ hãi. Tôi giật tay lại. Quế ngạc nhiên, bối rối. Anh hỏi :
"Sao vậy ?"
"Hồng không thích như vậy. Hồng không thích anh làm như vậy tí nào !" tôi đáp, không nhìn anh.
"Giận hở ?"
"Không có giận. Nhưng từ nay về sau đừng có như vậy".
"Xin lỗi nghe".
"Không lỗi phải gì hết."

Tôi ngồi im không nói gì nữa cho tới khi Quế ra về. Mặt Quế buồn thiu. Mặt Quế, tôi chỉ còn nhớ mang máng. Mắt đen, mũi cao, miệng rộng, khi cười rất tươi. Nét thanh tú, nghệ sĩ. Chỉ có nước da hơi xanh như người thường phải thức quá khuya.
Từ đó tôi trốn Quế. Bởi vì sau bữa trưa ấy, tôi bắt gặp mình thỉnh thoảng cứ nhìn xuống bàn tay và cứ bị ám ảnh bởi cái cảm giác xót và ấm mà môi cằm của Quế đã tạo ra. Tôi bị xáo trộn giữa sợ và thích. Tôi chỉ mới mười tám tuổi mà. Tôi chưa từng đụng chạm như thế với đàn ông. Quế thì đã là đàn ông, đã có những kinh nghiệm với đàn bà, thế nào Quế cũng đưa tôi vào chuyện "tội lỗi" ấy. Tôi phải tránh như thế, nếu không tôi sẽ sa ngã mất. Tôi biết tôi sẽ rất yếu đuối trước Quế. Tôi chưa sẵn sàng mà. Mẹ thì cứ dặn lui dặn tới, "cẩn thận nghe con. Đừng có nghĩ đến những chuyện bậy bạ. Phải học cho xong đại học đã".

Không gặp Quế nữa nhưng tôi có nhớ Quế nhiều lắm. Có đêm tôi để môi lên lòng bàn tay và ôn lại những ngày tháng của tôi và Quế. Tôi nhớ giọng ấm dịu của anh. Tôi không biết giải thích thế nào cho anh hiểu tại sao tôi phải tránh. Và chưa kịp giải thích thì Quế đã đi mất. Từ trưa hôm ấy đến ngày 28 tháng tư 1975, chỉ có một trăm ngày.
Bạn trai cùng phòng của Quế đưa lại cho tôi những gì Quế dặn. Cái dù Quế mượn tôi một ngày mưa, mấy cuốn sách, một bức tranh vẽ thật mềm mại thơ mộng hình ảnh cô gái tóc dài đứng trên lầu, tóc và áo nhuộm màu trăng bạc lạnh trong trời đêm xanh đen thăm thẳm, một bức vẽ chân dung Dostoyevsky, một bức vẽ mắt và râu của Nietzsche. Hai bức sau Quế dùng màu đen, đỏ thật nóng, thật dữ dội.
Tôi khóc lặng lẽ. Tôi trách Quế, trách tôi.


Bạch Hồng yêu dấu. Chiều hôm nay tôi đi bộ trong nắng chiều nhàn nhạt suy nghĩ về nụ cười. Có khi tôi ước chi mình chỉ cười chứ không biết khóc và không cần nói ; và nụ cười kia có khả năng diễn đạt hết tất cả mọi tâm tình của tôi đối với nhân loại và vũ trụ. Có khi tôi lại biết rằng mình chỉ là một hạt bụi và hạt bụi thì không muốn tỏ bày gì hơn ngoài hành động làm hạt bụi thế thôi.
Và có khi, như bây giờ đây, tôi thấy mình có phần điên rồ khi giữ mãi một tình yêu chứa đựng quá nhiều ảo giác. Tôi vẫn giữ mãi nụ cười dịu dàng trong sáng hồn nhiên của Bạch Hồng trong trí nhớ, dù tóc tôi bây giờ đã bắt đầu sợi bạc. Không, tôi chẳng còn trẻ nữa như ngày nào đã đạp xe chở Bạch Hồng đi loanh quanh những con đường lá xanh, nghe gió và Bạch Hồng ca hát những nốt Tristesse lãng mạn. Nhưng mà sao chiều hôm nay, những chiều hôm nay, hồn tôi vẫn còn rung lên những cảm giác yêu nhớ mơ màng như thuở còn thơ trẻ. Những cảm giác làm tôi tự càu nhàu xấu hổ. Tôi đâu có còn trẻ. Tôi đâu có còn...
Tôi có còn không ? Một mùa hè cuối cùng ? Tôi có được nhìn  thấy lần nữa không, sự mầu nhiệm của mùa Hạ ? Có được tặng không, màu sắc rực rỡ em, sự quyến rũ em, chất men em, sự sống ? Có được nhắp lần cuối không, cái vị cay nồng của ly rượu tôi tưởng chỉ hề có trong tưởng tượng.


Cái xe vận tải ba bình sửa rốt cuộc cũng quẹo trái trả đường lại cho tôi. Tôi nhấn ga phóng vút. Tôi cảm thấy giận dữ vô cớ.
Quế đi rồi. Gia đình tôi dọn về một chỗ ở khác khi ba tôi đã vào tù cải tạo. Tôi không biết gì về Quế cả. Tôi quên dần Quế đi. Đời tôi bắt đầu xảy ra nhiều chuyện tôi không bao giờ ngờ tới.
Thí dụ như chuyện tôi bị tù cả năm vì tội vượt biên. Ở tù tôi bị ghẻ lở khắp người. Tôi dơ dáy xấu xí ốm o như một con cá ươn đem làm mắm. Tôi lượm từng hạt cơm dưới đất để ăn kẻo uổng. Tôi không có cả giấy vệ sinh để thế băng lót khi có kinh nguyệt. Tôi lầm lì nghi ngờ mọi bạn tù. Tôi khám phá xác một người đản bà treo cổ - bằng vải xé từ quần sa tanh nối lại- trong cầu tiêu. Tôi giận dữ oán ghét con người. Ra tù tôi bị quản thúc kỹ. Gã công an khu vực theo dõi đường đi lối về của tôi. Một đêm, hắn cưỡng hiếp tôi ở vườn sau của nhà tôi khi mẹ tôi vừa đi vắng. Hắn vùi dập đôi môi chưa từng biết hôn ai. Hắn bóp nát đôi vú chưa ai từng chạm đến. Hắn kéo xoạc đôi chân và làm rách toạc tiết trinh của tôi mà không chút thương xót. Rồi hắn cười hà hà, "Em thành đàn bà rồi đó. Em đã biết mùi đời. Nhưng đừng có hé môi, nếu không muốn vào tù ở tiếp."
Tôi không hé môi. Tôi kinh khiếp nhà tù.  Tôi vào phòng trùm chăn run bần bật như kẻ bị sốt rét. Sáng hôm sau tôi ra vườn nhìn lại dấu trầy trụa còn hằn trên đất. Tôi cố tìm những giọt máu thấm trên đất nhưng không còn thấy. Có lẽ chúng không là gì đối với đất.

Thí dụ như tôi bắt đầu đi bán chợ trời. Tôi hiền lành yếu đuối quá so sánh làm sao với dân buôn thứ thiệt. Tôi bị bắt chẹt, lấn áp, lừa đảo. Giọng tôi nhẹ nhàng, êm ái quá. Tôi bị nạt nộ, hâm dọa, chửi rủa. Tôi tập "ngầu" dần. Tôi cũng to tiếng được dần. Tôi cũng biết xăn tay áo chửi thề. Tôi mua bán quần áo cũ, thuốc lá sợi, đồng hồ, thuốc tây...Bất cứ cái gì. Mua một bán hai, ba. Không để ai giựt mối. Tôi cũng có đàn em đàn chị như ai. Tôi cũng lên xe đò liếc mắt đưa tình với tài xế nhờ họ dấu hàng. Tôi cũng biết đưa đẩy hẹn hò với những đòi hỏi trao đổi của công an, tài xế lẫn lơ xe.
Mẹ tôi rơi nước mắt. Bạch Hồng không còn là cô bé lãng mạn mơ mộng hiền lành xưa. Hai mươi mốt tuổi, Bạch Hồng vừa nuôi mẹ, nuôi ba, vừa để dành từng chỉ vàng cất kỹ. Mỗi chỉ vàng là bao nhiêu mồ hôi nước mắt của tôi. Cả ngàn vạn giọt mồ hôi nước mắt thầm lặng ấy vẫn không đủ cho một chỗ ngồi bó gối trên ghe. Cuối cùng tôi phải cầu cứu đến một gã đàn ông từ Pháp về. Gã giàu có, tôi hỏi mượn hai lượng vàng gã không ngần ngại gì hết. Có điều tôi phải giúp vui cho gã suốt hai tháng về thăm quê hương của gã. Tên công an khu vực đã hái chiếc hoa đầu tiên của cành tôi. Tôi nhắm mắt trao gã đàn ông lai Pháp đóa hoa kế tiếp. Gã này mê say ân cần đối với tôi. Tôi có khóc tủi thân nhưng không đau đớn như lần đầu. Tôi làm được hết những việc đó khi nghĩ đến tương lai của tôi và ba mẹ tôi. Tôi cần đưa ba mẹ tôi ra khỏi chốn đày ải này. Lần thăm nuôi cuối cùng, ba tôi nói, "Đi được thì đi đi. Con khác xưa nhiều lắm rồi. Ba đau lòng thấy con càng lúc càng phải phong trần dày dạn như thế này". Tôi cười, "Bắt phong trần  phải phong trần"..mà ba. Ba cũng cười. Miệng chẳng còn bao nhiêu răng. Lúc ấy ba cũng đang bị phù thủng và kiết lỵ.
Nụ cười buồn rầu của ba nhìn mà xót ruột. Ngày xưa ba nâng niu bảo vệ tôi từng ly từng tí. Không ai dám cợt nhã xúc phạm tôi trước đôi mắt lừ đừ nghiêm khắc của ba. Tôi muốn gì được nấy. Tôi hắt hơi một tiếng ba cũng giật mình. Ba chọn từng cuốn sách cho tôi đọc. Ba không để cho bất cứ điều gì có thể làm vẫn đục linh hồn tôi. Ngày xưa, ba thường nhìn tôi lắc đầu cười thật âu yếm, "Cô công chúa của ba ! Ồ, cô công chúa của ba !"

Tôi đi. Hai môi mím chặc không khóc. Mẹ tôi thì khóc suốt ngày. Tôi cởi sợi chuyền vàng trên cổ để lại cho mẹ. Tôi nói, "Mẹ đừng khóc nữa. Ít năm nữa con sẽ đón ba mẹ qua. Con sẽ không sao cả đâu. Mẹ tin con đi !" Tôi sắp đặt ngày mai của chúng tôi chắc chắn, rõ ràng như thế.
Tôi không có ngờ ba năm sau mẹ tôi chết vì bệnh ung thư. Tôi nhận thư báo tin của ba tôi sau một ngày vừa học vừa làm việc mệt nhoài. "Thôi, ba già rồi, già rồi, già quá rồi. Ba mệt mỏi quá, không còn muốn đi đâu, không còn muốn làm gì nữa. Ba ở lại trông mộ cho mẹ con thôi. Con phải hứa với ba là tìm một người vừa ý, lập gia đình, sống hạnh phúc ở bên đó."
Nước mắt tôi rơi đầy trang thư. Đọc xong tôi đưa lá thư lên trời và hét khan cả tiếng. Tôi đập đầu vào tường khóc la thảm thiết. Tôi chẳng còn gì để đợi. Tôi chẳng còn gì để tin. Tôi chẳng còn cái đếch gì trên cõi đời này cả. Ngay bây giờ tôi cũng có thể chết đi mà không có gì nuối tiếc.

Bạch Hồng. Tôi đang đắm chìm trong một thế giới riêng với một hình ảnh hầu như chiếm trọn. Hình ảnh đó, tôi không muốn cho phép bất cứ một thực tế nào làm lung linh nhoà nhạt đi. 
Hôm nay tôi nghe một tiếng nói âm hao mường tượng tiếng nói của Bạch Hồng, hồn tôi xôn xao rộn ràng cảm động. Ôi tôi yêu tôi yêu bất cứ những gì gợi nhớ tới em.
Tại sao khi yêu thương một người, tôi lại có cảm giác yêu hết cả loài người trên trái đất ? Bạch Hồng, có phải em là người đại diện đáng yêu nhất của trần gian đã chọn gửi đến cho tôi ?
Ôi nhớ ! Nỗi nhớ hạnh phúc. Sao mà hạnh phúc gặp lại Bạch Hồng. Có lẽ đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất đời tôi. Tôi có từng mất em đâu. Chúng ta có hề xa nhau đâu. Chúng ta chỉ mới vắng nhau trong một cái chớp mắt. A, một cái chớp mắt đủ làm bạc tóc xanh.


Tôi đậu xe dưới một gốc cây cuối bãi đậu xe. Như thế thì trưa nay ra xe tôi đỡ phải nhổm người lên vì nắng nóng.
Tôi ngước lên tìm xem có nhiều chim trên tàng cây không. Không có gì thơ mộng ở cái hành động này hết. Tôi chỉ ghét những bãi phân chim đủ màu rơi rớt đầy trên xe tôi mỗi ngày. Có bãi phân chim màu trắng trắng hồng hồng, có bãi phân chim màu vàng vàng nâu nâu. Có con không biết ăn cái gì mà lại thải ra phân màu tím ! Tôi đã gọi người cưa bớt mấy cành lớn trên cây nhưng chẳng ăn thua gì. Cứ vài ngày lại phải rửa xe. Bực mình !
Tôi vào sở. Nhân viên đều có mặt đầy đủ. Tất cả vui vẻ chào hỏi tôi. Tôi đã sửa lưng những người quên chào hỏi nhau đầu ngày ở sở. Tôi nói tôi muốn thấy một không khí làm việc nghiêm chỉnh nhưng vui vẻ ở tại đây. Không ai phản đối cả.
Tôi lấy message và đi vào phòng làm việc riêng sau khi rót cho mình một tách càfé đen. Tôi lật calender xem qua những việc cần thiết phải làm trong ngày và những cuộc hẹn. Tôi điện thoại trả lời messages. Tôi biết tôi có một giọng nói vui tươi, tự tin, cứng cỏi.
Khách hàng đến đúng hẹn. Tôi bắt tay, mời họ ngồi. Tôi nói chuyện với khách hàng ngoại quốc một cách vững chãi, đầy sức thuyết phục. Họ ký tên. Tôi khen chữ ký đẹp. Họ cười sung sướng. Tôi bắt tay họ, tiễn họ ra đến cửa, nụ cười trên môi.
Rồi tôi trở lại bàn, nhắp những ngụm càfé đã nguội. Tôi lắc lắc cây bút máy trên tay, đùa với nó một vài giây. Rồi đột nhiên tôi thấy trống rỗng. Trống rỗng tàn bạo. Tôi cầm bút viết nguệch ngoạc trên tờ giấy trắng tinh : Tôi là ai ? Và Quế ? Quế là ai ? Tôi là thực ? Quế là mơ ? Hay ngược lại ? 
Cây bút bỗng nặng khiếp đảm trên những ngón tay. Cả con người tôi bỗng nhiên như chẳng còn chút sức lực nào hết.



Trân  Sa



--------------------
Nguồn : VĂN, Giai phẩm xuân Nhâm Thân, số 114-115 tháng 12-1991 và tháng 1-1992