Tuesday, March 22, 2016
GÓI CÁ KHÔ
ĐẶNG MAI LAN
Sự vật đã đập vào thị giác của Trâm mạnh mẽ nhất là cây thông đứng sừng sững ở một góc nhà, được kết đầy màu sắc của sợi dây kim tuyến và những trái cầu thủy tinh mỏng, óng ánh lung linh bởi hàng loạt những bóng đèn chớp tắt vội vàng được đan dấu bên dưới các nhánh lá, tạo cho căn phòng một vẻ rực rỡ, vui mắt. Chiếc bàn hình bầu dục gần đó phủ khăn trắng muốt. Những chén dĩa, ly tách được xếp bày khéo léo. Có hoa tươi, giá nến với những ngọn nến hồng thật ấm cúng và thơ mộng, mà Trâm chỉ được nhìn thấy trong phim ảnh... Trái với những dự đoán của Trâm, ngôi nhà quá sang trọng và nàng đã tần ngần nơi ngưởng cửa không biết là có nên bước vào hay không. Trước mặt Trâm là một khoảng trống rộng rãi, hứa hẹn cho một buổi khiêu vũ vì máy móc, dàn nhạc cũng đã được đặt sẵn.
Trâm ngó xuống đôi giày cũ của mình và ngước lên nhỏ nhẹ nói với người đàn ông chủ nhân của ngôi nhà:
- Thưa ông, như tôi đã trình bày ngay lúc đầu, tôi xin gửi lại gói quà cho ông, tôi phải về có công việc.
- Ồ ! Cô vội vàng quá! Mời cô vào ngồi chơi chút đã. Tôi cũng muốn biết tình hình quê nhà lúc này ra sao.
Ông ta bước vào và Trâm cũng miễn cưỡng bước theo. Những bước chân dè dặt, khe khẻ như một chú mèo vì Trâm ngại ngùng quá với cái nền bóng loáng như gương.
Gói quà được gói vuông vức, được cột chặc chẻ bằng những sợi cước mà phải dùng đến kéo người đàn ông mới có thể mở ra. Qua những lớp giấy vàng là một bao ny long dầy đục, ẩn hiện bên trong những con cá khô đen, bàng bạc một màu muối trắng...và người đàn ông chợt dừng tay vội vàng như vừa chạm phải một luồng điện cực mạnh. Ông ta gói gói cá vào lại bao giấy và cẩn thận hơn, đẩy nó cuối sát mép bàn.
Không hiểu ông ta đã không ngửi được mùi cá muối, hay sợ những hạt muối từ chiếc bao ny lông cũ kỹ đó sẽ tuôn kẻ rơi ra làm vấy dơ chiếc khăn tròn bằng đăng ten đặt dưới chậu kiểng chiếm gần hết diện tích của mặt bàn . Trâm cũng bị lây bởi luồng điện vô hình đó. Nàng không hấp tấp, co giật tay chân nhưng nàng sững sờ... Trâm nghe trong lòng như vừa mất mát, vỡ rơi một điều gì đó...
- Tôi nghĩ mãi vẫn không nhớ ra cô, chắc có lẽ cô về khu xóm tôi sau nầy ?
- Dạ không, tôi chỉ là bạn của một người hàng xóm của ông là chị Thuỷ. Biết tôi đi đoàn tụ với gia đình, lại ở cùng một tỉnh với ông, nên qua chị Thuỷ, cụ nhà nhờ tôi giúp mang sang cho ông.
Người đàn ông mời Trâm một tách trà. Thứ trà kiểu như trà gói Lipton nhưng ông ta giải thích là một thứ cây cỏ gì đó, và bằng một cái tên xa lạ mà Trâm cũng chẳng buồn chú ý, tìm hiểu.
Trâm dùng hết tách trà...và những câu hỏi...về thời tiết, nắng mưa, giá cả, sinh hoạt, chế độ chính quyền..."quê nhà" ... nơi người đàn ông, chỉ chừng ấy rồi chấm dứt. Chẳng còn gì thêm, vừa đủ trong tầm mức lịch sự.
Trâm xin phép được về và đứng lên ra cửa. Nhưng khi vừa dợm đứng lên thì vợ của ông ta bước vào. Một người đàn bà xinh đẹp từ vóc dáng đến cách ăn mặc, trang sức. Người chồng nói một tràng tiếng Pháp với vợ mà Trâm chỉ hiểu lờ mờ là ông ta đang giới thiệu nàng là em của Quỳnh. Và cái gì nữa nàng không hiểu được ngoài hai chữ "Chérie" mà ông ta gọi vợ. Trâm lớn lên vào thời mà người Mỹ rầm rộ đến Việt Nam, nên hợp thời hợp thế, Trâm chọn Anh văn làm sinh ngữ chính. Nhưng từ ngữ "chérie" đó nàng đã đọc rất nhiều trong những tiểu thuyết mà cốt truyện được lồng trong bối cảnh thời Pháp thuộc, hoặc những hí họa về những cặp uyên ương đỏm đáng.
Người vợ tíu tít khi biết Trâm từ Việt Nam mới sang. Bà muốn nàng lưu lại đôi phút nhưng Trâm kiếu từ. Nàng cảm thấy chán ngán và càng chán ngán hơn khi nghe mẫu đối thoại của cặp vợ chồng khi nàng đi ra cửa.
- Không hiểu gửi làm gì cho phiền hà người ta. Nấu nướng hôi cửa hôi nhà chịu chi nỗi.
- Ờ, thì vất vào, đợi đến mùa hè nướng ngoài sân cũng được. Bộ anh tưởng cá này ở đây rẻ lắm hay sao.
May mà bà ta có chút máu tham công tiếc của, nếu không, mấy con cá khô có lẽ đã vào thùng rác rồi. Trâm nghĩ và cảm thấy ngậm ngùi... Tại sao họ lại không nói tiếng Pháp như lúc đầu.
Nụ cười đẹp của người vợ, thái độ lạnh nhạt dửng dưng của người chồng mất hút sau cánh cửa đóng sập. Trâm bước đi với cái lạnh se sắt thịt da và bất ngờ bầu trời bỗng dưng sáng trắng, theo sau là một cơn mưa tuyết mỏng manh rơi xuống dịu dàng. Lần đầu tiên Trâm thấy tuyết rơi nên nàng đổi ý, không băng qua đường đến trạm bus để đón xe về nhà mà đi thẳng. Chỉ có năm trạm ngừng thì có bao xa, ở Việt Nam mình còn đi bộ nhiều hơn thế nữa kia mà. Trâm không muốn về nhà sớm và nàng cứ thong thả đắm mình trong những cụm hoa trắng nõn nà rớt từ thinh không, mơn trớn.
Trâm nghĩ đến chị Quỳnh, nếu thấy Trâm lang thang như thế này, chắc chị sẽ nghĩ là Trâm thất tình. Nhớ về người ở lại bên kia, hoặc là Trâm hão huyền, lãng mạng... Thất tình và thất vọng không giống nhau nhưng cũng dẫn đưa đến một trạng thái khó chịu từ tâm linh. Và hảo huyền thì cũng đúng lắm chứ ! Nàng đã chẳng ôm ấp một niềm vui tưởng đâu ai cũng giống mình nên hăm hở, khệ nệ ôm một món quà không thích hợp, để chỉ mang đến những bực mình, phiền lòng cho người nhận đó sao ! Đúng hay không đúng cho việc làm của Trâm chiều nay ? Trâm cảm thấy giận mình và giận luôn cho cô bạn ở Việt Nam. Hai đứa đúng là nhanh nhẩu đoản.
Nhưng khi nhớ đến Thuỷ, lòng nàng lại chùng xuống. Hình ảnh, vóc dáng của bà cụ đối diện nhà Thuỷ lại hiện ra. Những lời nói thật thà, chất phát đượm nồng tình nghĩa của bà còn vang vọng bên tai nàng.
- Cô giúp tôi nghe cô, thằng Hai tôi nó thích ăn thứ cá khô này lắm, khi trời lạnh tôi vẫn nướng cho nó ăn với cơm nóng, có khi làm gỏi với rau sống dưa chuột. Bên đó trời lạnh, chắc hẳn là nó nhớ món ăn quê nhà... Có mấy con khô này, chắc là nó mừng lắm cô à !
Làm sao mà Trâm có thể từ chối được và làm sao Trâm biết được những điều gì vừa mới xảy ra.
Khi Trâm về đến nhà thì hai bàn tay nàng lạnh cóng vì không có găng tay. Và không như những người sống đã lâu nơi đây, như bà chủ khi nãy, làn da bà căng phồng và ửng đỏ trong khí lạnh. Còn nàng, nắng gió nhiệt đới còn đây, màu da rám đen của nàng đã trở nên tái ngắt...nhăn nheo. Trâm rùng mình, như có những cơn lốc xoáy giữa những toà nhà cao ngất lúc nàng bước vào khu chung cư. Hai môi nàng run lập cập. Lạnh thật ! Chị Quỳnh đã cẩn thận lấy cho Trâm cái áo dầy nhất của chị, vậy mà nàng vẫn không chịu nỗi.
Đến bao giờ mình sẽ quen được phong thổ nơi đây ? Sẽ nhả hết cái nắng lam lủ quê nhà, sẽ mập mạp, mơn mởn như chị Quỳnh, đẹp như bà chủ nhà... Và mình như thế nào nữa khi hoàn toàn thoát xác, khi được bao bọc bằng những nhung lụa tiện nghi. Có giống người đàn ông đó không ? Mình sẽ chối từ, quên luôn những món ăn đạm bạc quê hương đã nuôi mình khôn lớn ? Thời gian và đời sống sẽ dễ dàng thay đổi, dễ dàng xoá nhoà đến thế sao ? Đột nhiên, Trâm ứa nước mắt. Gói cá khô và chủ nhân ông đã biến mất trong tư tưởng. Ý nghĩ về sự đổi thay chợt hiện ra một khuôn mặt, khuôn mặt rõ nét buồn bã của Cường... Cường và Trâm yêu nhau, tự nhiên như những trái cây đến mùa phải chín. Cường cũng đang chờ đợi để lên đường đoàn tụ với người anh du học đã lâu ở Đức giống như Trâm. Nhưng Trâm đã may mắn hơn Cường. Những ngày cuối cùng còn ở Việt Nam, họ đã gặp nhau thường hơn và gã con trai đã tránh mỗi khi Trâm thốt lên những lời hứa hẹn về một tương lai.
Cường nói:
- Thôi Trâm, Trâm hãy vui vẻ mà đi và để thời gian lên tiếng. Cường tin tưởng rất nhiều nơi Trâm, nhưng qua những gì Cường được nhận biết từ lớp người đi trước, có cả bạn bè thân thuộc... Những mãnh thuyền đời đã tan tác khi hội nhập trong làn sóng quá mênh mông của một đại dương vật chất phồn thịnh quê người đã khiến Cường nghi hoặc. Sớm muộn gì thì Cường cũng sẽ đi và cũng sẽ gặp lại Trâm thôi, nếu như có định mệnh và duyên số.. Trâm đừng nói gì thêm, sẽ nặng lòng ray rức nếu như mai này Trâm sẽ...
Trâm và Cường đã chia tay nhau. Len lỏi trong nỗi xót xa của sự chia ly là một dấu hỏi đậm nét buồn rầu.
Dằn lòng cho trôi tan cơn cảm xúc, Trâm mới mở cửa bước vào nhà. Chị Quỳnh đang loay hoay với một đống chén bát, dao nĩa, những vật dụng làm bánh lỉnh kỉnh. Cái bánh hai tầng với những hoa trái bằng kem, hương nhụy là những viên kẹo tròn trĩnh bọc đường đủ màu thật đẹp mắt, mời mọc. Quỳnh ngẫng lên khi thấy Trâm về:
- Sao mày đi lâu vậy, có gặp người ta không ?
- Có chứ !
- Họ nói gì không ?
- Cám ơn đại khái.
Quỳnh nhìn Trâm đăm đăm, trong cách trả lời của Trâm dường như có gì khác lạ, không ổn. Vì Quỳnh phải làm bánh hộ cho người bạn nên mới để Trâm đi một mình chiều nay. Vả lại, con đường từ nhà đến nơi cư ngụ của cặp vợ chồng kia cũng không xa. Trâm không phải đổi xe và cũng nên tập Trâm đi đây đi đó một mình cho quen, nên Quỳnh đã không đi cùng với em. Con nhỏ đi đã lâu, lại còn có vẻ buồn buồn ngơ ngẫn. Sao vậy nhỉ ?
Tránh không nhìn chị, Trâm đến bàn rót ly nước uống, nhưng mắt nàng chạm phải lọ ruốc, thịt chà bông mẹ đã làm gửi cho Quỳnh. Cái đầu hay suy tư, ví von của Trâm lại chao động.
- Chị đã ăn thử ruốc của mẹ làm chưa chị Quỳnh ?
- Bộ mày chưa thấy tao ăn sao ? Tao mà ăn thả ga thì ba ngày hết nhẵn. Tao muốn để dành để ngắm vì thương mẹ quá. Tội nghiệp mẹ đã ngồi xé từng thớ thịt...
- Vậy sao ?
Thêm một lần nữa Quỳnh lại dương to mắt ngồi nhìn Trâm, nhưng Trâm đã biến mất sau cánh cửa bếp. Quỳnh kêu to, vọng theo:
- Mày sửa soạn đi là vừa nghe Trâm, tao rửa chén xong là mình đi liền.
Quỳnh đã dẹp sạch sẽ xong dưới bếp mà Trâm vẫn còn thừ người trong lòng ghế. Cái áo đầm mà Quỳnh đã lựa chọn cho Trâm cũng còn lăn lóc ở góc giường.
- Sao mày không thay đồ đi. Vui lắm, mày sẽ thấy bà bạn tao thật khéo léo và vui vẻ. Có "gout" ăn mặc cũng như décorer nhà cửa...còn mấy người bạn khác...
Trâm thở dài dịu dàng ngắt lời chị:
- Thôi, chị đi một mình đi, em ngại quá. Em còn xa lạ lắm, chắc không hợp với những cuộc vui ở đây.
- Trời đất, vậy mày làm gì ở nhà cho hết đêm nay ?
- Em viết thư !
Quỳnh bực dọc quay đi. Nàng biết là Trâm rất bướng bỉnh, đã không muốn là không có gì ép buộc. Trầm nghe tiếng chị càu nhàu - Cũng chỉ từng đó nhớ thương, thương nhớ mà viết mãi, viết hoài không chán, để xem còn chăm chỉ đến bao giờ.
Chị Quỳnh vẫn cười mím môi khi thấy Trâm kiếm giấy viết thư. Chị nói, trước chị cũng như Trâm,
mới qua còn nóng máy nên hăng say lắm. Mãi rồi chẳng còn gì để nói, mọi việc biến thành nhàm và trở thành lười lúc nào không hay. Bữa nay chị không cười, Trâm biết chị giận lắm nhưng cũng đành thôi.
Trâm cắn môi nhìn xuống bãi cỏ bên dưới. Tuyết đã phủ đầy, trắng hết những mái nhà phía xa luôn cả nóc nhà thờ của khu phố. Trâm không có đạo để đến nhà thờ đêm nay như những con chiên tề tựu chúc mừng Sinh Nhật Chúa và nàng cũng không biết mình sẽ làm gì cho hết buổi tối này. Viết thư chăng ? Cho ai đây ? Mẹ của Trâm gầy gò tóc bạc, Thuỷ vô tư tốt bụng hiền lành, hay Cường và những vòng tròn khói thuốc băn khoăn !
Cường ơi, hy vọng rằng những điều Trâm đã thấy mà Cường đã nghĩ đến chỉ là một phần đúng của chín mươi chín phần sai.
Đặng Mai Lan
--------------------------
Nguồn: VĂN, Giai phẩm xuân Quý Dậu
Số 126-127 tháng 12-1992 và tháng 1-1993
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment