Monday, March 7, 2016
LÊ THÁNH TÔNG
NHỮNG GƯƠNG MẶT ĐẸP NHẤT
TRONG LỊCH SỬ THI CA VIỆT NAM
LÊ THÁNH TÔNG
1442-1497
NGUYỄN HƯNG QUỐC
Trong nền văn học Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỷ 15, Lê Thánh Tông là nhà thơ ưu tú nhất, tuy nhiên, thành thật mà nói, ông không phải là nhà thơ có tài. Trong sự nghiệp văn học của Lê Thánh Tông, những hoạt động của ông quan trọng hơn tác phẩm của ông. Trong tác phẩm của Lê Thánh Tông, những cống hiến về phương diện ngôn ngữ học quan trọng hơn những cống hiến về phương diện mỹ học.
Tên thật Lê Tư Thành, sinh năm 1442, lên ngôi năm 1460, Lê Thánh Tông là vị vua thứ tư của nhà Lê và là vị vua xuất sắc, thông minh, uyên bác, có tài kinh bang tế thế hơn cả. Có thể coi triều đại Lê Thánh Tông là thời hoàng kim của chế độ phong kiến tại Việt Nam nói chung. Kinh tế phát triển mạnh. Cơ chế nhà nước được xác lập vững vàng. Văn hoá được coi trọng. Nền giáo dục đi vào nền nếp. Suốt 38 năm Lê Thánh Tông trị vì, trật tự xã hội hầu như luôn luôn ổn định, đời sống dân chúng bình yên và no ấm.
Trong một bài thơ, Lê Thánh Tông viết:
Biên manh cửu lạc thừa bình hoá
Tứ thập dư niên bất thức binh.
Có người dịch:
Hoà bình hưởng mãi dân vui vẻ
Hơn bốn mươi năm sống dễ dàng.
Nguyễn Trọng Ý, một hội viên của hội Tao Đàn, ca ngợi Lê Thánh Tông:
Tham thiên, lượng địa, thần công điệu
(Ngang với trời đất, công thánh thần mầu nhiệm.)
Nhưng chính cái ý thức chính trị quá sắc sảo của Lê Thánh Tông đã làm hại hồn thơ của Lê Thánh Tông. Thơ ông hiếm khi là tiếng nói hồn nhiên trong trẻo của tâm tư. Xuất phát từ nguyên lý "văn dĩ tải đạo" của Nho gia, Lê Thánh Tông quan niệm văn thơ phải có chức năng phục vụ đạo đức, trước hết là đạo đức của người làm vua và đạo đức của người làm tôi. Vua thì phải là vua hiền. Tôi thì phải là tôi trung. Trong bài tựa tập "Quỳnh uyển cửu ca" bằng chữ Hán, tác phẩm mở đầu của hội Tao Đàn, Lê Thánh Tông viết:
" Ta nhân lúc muôn việc được rỗi, nửa ngày được nhàn, thường xem các sách, vui thích lục nghệ, mọi sự huyện náo lắng xuống, ngọn đèn sáng thơm thọ, thị dục ít, tinh thần trong sạch, ở yên, hứng cao, mới phấn khởi nghĩ đến khuôn phép lớn của thánh đế minh vương, lòng cẩn thận của người lương bật. Gọi chàng "giấy", họ "bút", thượng khách "mực", trọng thần "nghiên đá", bảo đi bảo lại rằng: "Chân tình ta phát triển ra, có anh khí dào dạt, thành cách ngôn hay, các người có thể giúp ta ghi chép được không ?".
Tác phẩm của Lê Thánh Tông còn lại khá nhiều:
Về Văn, có Dụ Khuyến Học, phú Lam Sơ Lương Thuỷ và Liệt Truyện Tạp Chí (chữ Hán).
Về Thơ, có chín tập chép trong Thiên Nam Dư Hạ Tập (chữ Hán) và nhiều bài thơ Nôm chép trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập...
Thơ Lê Thánh Tông tập trung trong ba loại đề tài rõ rệt: một là ca ngợi các bậc "thánh đế minh quân", trong đó có mình, chủ yếu là bản thân mình; hai là khen tặng những người "lương bật" hết lòng trung nghĩa với vua, với nước, và ba là, ngâm vịnh những cảnh sắc thiên nhiên trên quê hương.
Trong hai loại đề tài đầu, thơ Lê Thánh Tông bình thường, thậm chí tầm thường. Lê Thánh Tông là một anh quân. Điều đó hiển nhiên. Nhưng có điều, vị anh quân này khá tự đắc. Có lúc sự tự đắc được diễn tả một cách thành thật và dễ thương:
Lòng vì thiên hạ những sơ âu
Thay việc trời dám trễ đâu,
Trống dời canh, còn đọc sách
Chiêng xế bóng, chửa thôi chầu.
Nhân khi cơ biến, xem người biết,
Chứa thuở kinh quyền, xét nhẽ mầu...
Tuy nhiên, phần lớn, sự tự đắc về vai trò "thiên tử" của Lê Thánh Tông quá lộ liễu, đượm màu sắc "khẩu khí", nghe vừa kênh kiệu lại vừa giả tạo, đặc biệt những khi Lê Thánh Tông gửi gắm lòng tự đắc ấy vào những cảnh, vật bình thường trong cuộc sống dưới những đề thơ kiểu
Vịnh Người Thợ Cạo :
Kẻ trọng tam đồ hay bá gáy
Người cao nhất phẩm cũng cầm tai
Vịnh Thằng Mõ:
Trẻ già thảy thảy đều nghe lệnh
Làng nước ai ai cứ phải lời
Vịnh Người Đánh Giậm:
Cán lọng giữa trời người đứng đó
Vòng cung đạp đất thấy ai đâu
Vịnh Người Ăn Mày:
Bệ ngọc tôi từng đứng chắp tay
Nam Bắc Đông Tây đều tới cửa
Vịnh Cái Chổi:
Một tay vùng vẫy trời tung gió
Bốn cõi tung hoành đất sạch gai...
Không có bài thơ nào thuộc loại khẩu khí ấy của Lê Thánh Tông có thể gọi được là thơ. Tất cả đều nghèo nàn trong ý tưởng, nhạt nhẽo trong cảm xúc và khấp khểnh trong việc ví von. Tất cả đều trở thành bằng chứng cho một khuynh hướng sáng tác thất bại. May, sau Lê Thánh Tông, ít người dùng lại lối thơ này.
Những bài thơ khen tặng các bậc lương tướng, trung thần, hiếu tử và nghĩa sĩ của Lê Thánh Tông không vượt ra ngoài những quy phạm đạo đức đã có sẵn. Thiếu cảm xúc, ngôn ngữ loại thơ này thường khô cứng và khuôn sáo.
Họa hoằn lắm mới có bài thơ cảm động:
Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.
Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ
Làn nước chi cho lụy đến nàng.
Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt,
Giải oan lọ mượn đến đàn tràng.
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,
Khá trách chàng Trương khéo phụ phàng.
Lê Thánh Tông chỉ viết có một câu về Nguyễn Trãi, nhưng là một câu khen ngợi cực kỳ nồng nhiệt: " Ức trai tâm thượng quang Khuê tảo" ( Lòng Ức Trai rạng rỡ như sao Khuê ). Trong lịch sử, Lê Thánh Tông là người đầu tiên thông cảm và giải tỏa nỗi oan ức của Nguyễn Trãi. Giữa Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông có mối quan hệ bất ngờ nhưng sâu sắc. Mấy tháng trước khi bị tru di, Nguyễn Trãi đã cứu bà Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ Lê Thánh Tông, lúc bà bị bà Phi Nguyễn Thị Anh tìm cách ám hại. Sau này, lên ngôi vua, Lê Thánh Tông đã rửa oan cho Nguyễn Trãi và ra lệnh cho Trần Khắc Kiệm sưu tập tất cả những di cảo của Nguyễn Trãi.
Trong sự nghiệp thơ của Lê Thánh Tông, khá hơn cả là những bài thơ viết về thiên nhiên. Ở một số bài, ông chứng tỏ một năng lực quan sát tinh tế:
Bãi thẳm ngàn xa cảnh vắng teo,
Đèo Ngang lợi bể nước trong veo.
Thà là cúi xuống, cây đòi sụt,
Xô xát trông lên, sóng muốn trèo.
Lảnh đầu nằm chim vững tổ
Lanh chanh cuối vụng cá ngong triều.
Cuộc cờ kim cổ chừng bao nả,
Non nước trông qua vẫn bấy nhiêu.
Bài thơ sau đây có bốn câu giữa đẹp:
Ngẫm sự trần duyên khéo nực cười,
Sắc không, tuy Bụt, hãy lòng người.
Chày kình một tiếng tan niềm tục,
Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời.
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi.
Nào nào cực lạc là đâu tá ?
Cực lạc là đây chín rõ mười.
Bài thơ hay nhất của Lê Thánh Tông, theo tôi, là bài Vịnh Làng Chế:
Bóng ác non đoài, ban xế xế
Bỗng đâu đã tới miền Tam Chế.
Mênh mông khóm nước nhuộm màu lam
Chân ngất đỉnh non lồng bóng quế
Chợ họp bên sông gẫm có nhiều
Thuyền bày trên đất xem nhiều thể
Cảnh vật bằng này họa có hai
Vì dân khoan giản bên tô thuế
( Bóng ác non đoài: mặt trời ở dãy núi phía Tây
Ban: buổi
Bóng quế: bóng trăng
Gẫm: xét thấy
Có nhiều: có từng phiên, buổi
Khoan giản: nới rộng chính sách và giảm bớt những phiền hà. )
Nói chung, Lê Thánh Tông không phải là người giàu tưởng tượng hay giàu cảm xúc. Ông không có những tứ thơ đột xuất, bay bổng, không có những hình tượng sáng tạo, kỳ thú và cũng ít có những cảm hứng dạt dào, nên thơ. Hầu như ông làm thơ phần lớn là bằng trí tuệ , với một mục đích rõ ràng. Nếu có một lúc nào đó, ông chợt bâng khuâng trước vẻ đẹp hùng vĩ hay thơ mộng của thiên nhiên thì giây phút bâng khuâng ấy cũng quá ngắn ngủi. Ông vội vã trở về với vị thế làm vua của mình. Với ý thức khẳng định vai trò của một thiên tử và với ý thức nhắc nhở bổn phận của kẻ làm tôi.
Chính những ý thức thực dụng ấy khiến cho thơ ông, trăm bài như một, đều có hai câu cuối giống nhau: vụng về. Ở một số bài, những câu thơ tưởng chừng như sắp bùng lên, rực sáng, mở ra một thế giới tinh khôi của tưởng tượng và bát ngát những rung cảm thẩm mỹ, thế nhưng, đến hai câu cuối nó bất ngờ vụt tắt, quẩn lại trong những nguyên lý quen thuộc, không còn âm vang nữa. Có lẽ đây là một kinh nghiệm quý.
Thơ có thể cưu mang những ý thức chính trị, ý thức đạo đức, song tất cả đều phải được thể hiện trong một cảm xúc thơ. Thiếu cảm xúc thơ, tất cả những gì gửi gấm trong thơ đều trở thành trơ trụi, khô khốc, gượng gạo, chết dí trên trang giấy và chắc chắn thơ sẽ bị nghiêng ngả sang lãnh vực của vè, của các loại diễn ca.
Nhận định như trên không phải là một cách xoá nhoà tên tuổi của Lê Thánh Tông. Nói đến lịch sử văn học Việt Nam, người ta không thể không nhắc đến vai trò của Lê Thánh Tông. Sự cống hiến của Lê Thánh Tông cực kỳ lớn lao ở khía cạnh sinh hoạt văn học và ngôn ngữ học.
Trước thế kỷ 20, có thể nói, chưa bao giờ văn học Việt Nam lại sôi nổi nhộn nhịp như dưới thời Lê Thánh Tông. Từ sự say mê tha thiết đối với văn học, Lê Thánh Tông không ngừng khuyến khích mọi người tham gia sáng tác văn học.
Trong Kiến Văn Tiểu Lục, mục Thiên Chương, Lê Quý Đôn nhận định:
"Triều Hồng Đức, văn giáo phát đạt, các quan về hàng võ phải đọc sách, không phải các viên quan lớn như Lê Hoàng Dục, Lê Niệm, mà cả những người không có tiếng ở thời ấy cũng có những câu đề vịnh thanh tân có thể truyền tụng."
Qua những tác phẩm còn lại, người ta tính dưới thời Lê Thánh Tông có khoảng hơn bảy mươi tác giả về thơ và về văn. So với các giai đoạn trước, con số này khá cao. Việc làm có ý nghĩa nhất của Lê Thánh Tông là đã quyết định thành lập Hội Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú vào năm 1494 quy tụ 28 người, hầu hết là các văn thân trong triều, do chính Lê Thánh Tông làm Tao Đàn Nguyên Soái, Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận làm Phó Nguyên Soái và Lương Thế Vinh làm Sái Phu.
Đây là hình thức hội Tao Đàn đầu tiên tại Việt Nam và mãi đến đầu thế kỷ 20, ở nước ta cũng chỉ có thêm một hội Tao Đàn thứ hai nữa là Chiêu Anh Các của Mạc Thiên Tích (1736).
Hội Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú chỉ hoạt động trong thời gian ngắn ngửi vào ba năm cuối đời của Lê Thánh Tông, tuy nhiên, nó đã gây một sinh khí mới trong nền văn học lúc bấy giờ, góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác chung cho cả nước. Kết quả rực rỡ nhất là thơ Nôm được phát triển mạnh. Mặc dù không có những tác phẩm xuất sắc, song có một điều ai cũng công nhận: so với ngôn ngữ trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi, ngôn ngữ trong thơ Nôm của Lê Thánh Tông và những tác giả cùng thời đã bắt đầu định hình, về từ vựng, trong sáng hơn, về cú pháp, chặt chẻ hơn, về cách diễn đạt, mềm mại và uyển chuyển hơn. Có khả năng biểu hiện được những cảm xúc tinh tế của con người cũng như có khả năng khắc họa được những cảnh sắc muôn màu muôn vẻ của thiên nhiên.
Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, tập thơ Nôm của Lê Thánh Tông và các cận thần, hiện nay còn lại 328 bài, người ta bắt gặp một số bài có âm hưởng rất gần với thơ cận đại :
Mai gầy, liễu guộc cỏ le te,
Biết chạy đi đâu hỡi nắng hè?
Đâu lá võ vàng con bươm bướm,
Ấp cây gầy guộc cái ve ve...
Một sự đánh giá công bình nhất: sự thuần thục của ngôn ngữ thi ca Việt Nam hiện nay có nguồn gốc sâu xa từ tấm lòng ưu ái và những hoạt động, những chính sách về văn học đầy nhiệt tình của vua Lê Thánh Tông thuở ấy.
Nguyễn Hưng Quốc
--------------------------
Nguồn : VĂN, số 81, tháng 3-1989
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment