Monday, August 26, 2019


 TRẦN ĐÌNH SƠN - NGƯỜI NỐI QUÁ KHỨ VỚI HIỆN TẠI



Trần Đình Sơn là một nhà cổ học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là các triều hậu Lê, Trịnh-Nguyễn. Ông còn là nhà nghiên cứu Phật học và là một cư sĩ đạo tâm.

Tình bạn vong niên và niềm đam mê chung với cổ vật

Trần Đình Sơn từ tuổi niên thiếu đã say mê cổ vật, và khi trưởng thành, niềm say mê ấy đưa ông đến với thế giới của "người xưa" như một tri âm, tri kỷ.
Năm 1968, khi vào Sài Gòn học lúc 18 tuổi, Trần Đình Sơn gặp và mau chóng được lòng cụ Vương Hồng Sển, trở thành người bạn vong niên "ruột" của cụ. Tình bạn thâm giao này được xem là hy hữu này trong giới cổ ngoạn Sài Gòn thuở ấy.
Lúc mới chuyển từ Huế vào Sài Gòn, theo học Đại học Luật, lần đầu tiên Trần Đình Sơn tìm đến Vân Đường Phủ, mang theo hai cổ vật gia bảo để ra mắt cụ Vương Hồng Sển. Ông kể lúc đầu mới gặp, cụ tưởng ông mang đồ cổ đến gạ bán nên chỉ hỏi giá cả để mua chứ không trao đổi giải thích nhiều. Thất vọng và cảm thấy bị xem thường, trước khi từ giã, ông thưa với cụ: "Cháu nghĩ cụ có đôi mắt ngọc để phân biệt đồ xưa vật quý nhưng rất tiếc cụ không xem được người". Tưởng nói cho đã rồi một đi không quay lại, ai ngờ chính câu nói của đứa học trò xứ Huế lúc đó đã làm cho vị học giả cao niên ngạc nhiên rồi thay đổi thái độ và giữ ông lại để tâm tình.


Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn. Ảnh: HH

Từ đó về sau, ông thường lui tới thăm viếng để cụ hướng dẫn cho kinh nghiệm thực tế về đồ cổ, bổ sung kiến thức về phong tục tập quán của người dân miền Nam... Ngược lại, Trần Đình Sơn thỉnh thoảng giải thích cho cụ phong tục tập quán ở Huế, lễ nghi triều đình, nếp sống của những gia đình quyền quý xưa hoặc đọc giúp một vài niên hiệu, câu thơ trên đồ sứ cổ.
Giao tình một trẻ một già cách nhau gần 40 năm, nay ông nghiệm lại thấy nhân duyên ấy lâu dài cũng nhờ cụ Vương có mắt nhìn người, có tấm lòng muốn truyền trao cho lớp hậu sinh những điều tâm đắc về cổ ngoạn, đặc biệt là đồ sứ thời Lê Nguyễn.
Cổ vật thuộc về thế giới của "người xưa", ẩn chứa nhiều thông điệp vượt thời gian, không phải ai cũng có thể cảm nhận và  hiểu, nhưng ở Trần Đình Sơn dường như có mối giao cảm đặc biệt. Dưới lớp men sứ hay hình vẽ trên cổ vật, ông "đọc" hay giải mã được nhiều điều kỳ thú.
Cổ vật nói chung bao gồm nhiều thể loại, thời đại, xuất xứ... khác nhau, ông phân tích. Rất khó có người am hiểu sâu sắc được nhiều lãnh vực. Ông tự nhận mình chỉ có duyên với loại đồ sứ ký kiểu thời Lê Nguyễn, đơn giản vì được sinh trưởng tại cố đô Huế, được nuôi dưỡng trong môi trường đậm đặc chất liệu cổ điển, tuổi thiếu niên thường rong chơi trong cố cung, lăng tẩm, chùa chiền... Thời đó triều Nguyễn mới cáo chung nên trong các di tích, vẫn còn rất nhiều cổ vật trang trí.
Nếp sống của người Huế còn giữ gìn kiểu cách xưa của ông bà. Chính những con người "tiền triều" đó đã chỉ dạy giải thích cho Trần Đình Sơn nhiều điều về Huế thuở vàng son. Nay nghiệm lại ông thấy chính những bài học truyền khẩu đã giúp cho mình giao cảm được với người muôn năm cũ, nhập tâm để có thể giải mã được những điều kỳ thú ẩn chứa trong cổ vật.
Đi tìm những nét đẹp trong phong tục của người xưa
Chọn "Những nét đan thanh" làm đề tài cho cuốn sách đầu tay về cổ vật, cũng như một triển lãm chuyên về đồ uống trà của người Việt nhiều thế kỷ trước, ông muốn giới thiệu đến những người ham thích cổ ngoạn những điển tích, thơ văn thường gặp trên các loại hình đồ cổ. Điều  đó giúp cho họ có căn bản, hứng thú để tiến xa hơn.
Bản thân ông bước đầu sưu tầm đồ cổ cũng được cụ Vương Hồng Sển hướng dẫn và khích lệ nhiều về thú chơi chén dĩa trà ký kiểu. Ông góp nhặt thành một bộ sưu tập tương đối phong phú, mang một không khí "trà đạo" Việt thanh thoát, tinh tế thấm đẫm chất thiền của những nho sĩ, ẩn sĩ đạt tới cảnh giới của sự thanh bình.
Tự nhận "biết mình không có tài hoa để sáng tác thơ văn", nhưng tập tản mạn "Cao Sơn lưu thủy ngộ tri âm"của ông lại nặng lòng cố sự, có nhiều cảm xúc trước cảnh "vật đổi sao dời", phác họa những thú vui tao nhã, những nét văn hóa phong tục xưa... với chất "văn" rất đẹp trong câu chữ.  Ngoài những tác phẩm chuyên đề về cổ ngoạn, ông cũng cộng tác với một số tạp chí để công bố những bài nghiên cứu về lịch sử, mỹ thuật, tín ngưỡng hay những tạp văn ngẫu hứng. Cứ một, hai năm gom lại in thành một tuyển tập.
Năm 2009, Trần Đình Sơn lại cho ra mắt cuốn sách gây chú ý và ấn tượng trong giới nghiên cứu cổ vật văn hóa nghệ thuật VN - "Thưởng ngoạn đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn 1802-1945". Cả một triều đại thịnh - suy, văn hóa ẩm thực cung đình, phong cách trang trí nội thất, thư phòng trong cung vua, phủ chúa và cả giới bình dân qua hình ảnh những đồ sứ cổ được ông giải mã.
Điều ông tâm đắc nhất là công bố việc phát hiện những bài thơ Nôm độc đáo của vua Gia Long. Những món đồ sứ sản xuất tại Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Đức thông qua con đường truyền giáo và thương mại đã đi vào cung đình Huế. Điều đó giúp cho chúng ta hiểu thêm về tâm tình của vị vua khai sáng triều Nguyễn, chứng minh sự giao lưu văn hóa mỹ thuật của nước ta với các nước phương Tây. Triều đình không chỉ gửi kiểu đặt làm đồ sứ bên Trung Quốc mà còn đặt làm đồ sứ ở các nước châu Âu.
Nặng lòng với Thăng Long
Là Phó ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo VN, đặc trách nghiên cứu về văn hóa - lịch sử, kiến trúc Phật giáo, trong buổi nói chuyện tại Viện Goethe ở Paris tháng 4-2004 do Hội thân hữu Pháp - Việt mời, ông đã nêu lên những "nghi vấn" về cổ vật phát lộ trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long liên quan tới "cổ tự" - chùa trong hoàng cung. Ông cho biết, Lý Công Uẩn được nhà chùa nuôi dưỡng từ thuở thơ ấu, khôn lớn lại may mắn được các bậc cao tăng đương thời rèn luyện, dạy dỗ, đặc biệt là Thiền sư Vạn Hạnh. Do đó khi khai sáng triều Lý, ông xác lập một triều đại quân chủ Phật giáo để định hướng xây dựng, phát triển đất nước theo tư tưởng Phật giáo.
Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa xã hội, nhà vua cho xây dựng nhiều chùa tháp to lớn tại kinh đô Thăng Long và khắp các địa phương. Nhờ đó dần dần hình thành nếp sống, tình cảm tốt đẹp trong quần chúng mang đậm sắc thái văn hóa Việtkhác với văn hóa Trung Quốc bị chi phối nặng nề bởi tư tưởng Tống Nho. Rất tiếc việc làm theo lý tưởng vì hạnh phúc của số đông, lấy nguyện vọng của quần chúng làm nguyện vọng của mình của vị quân vương về sau bị các Nho sỹ đứng trên lập trường Nho giáo thiển cận phê phán.
Sử quan Lê Văn Hưu viết trong "Đại Việt sử ký toàn thư" rằng: "Ngay sau khi lên ngôi, và dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã hạ chiếu xây dựng tám cảnh chùa ở phủ Thiên Đức. Trong Hoàng thành lập chùa Hưng Thiên, ngoài thành lập chùa Thắng Nghiêm". Như vậy kinh đô Thăng Long từ thời đầu đã có nhiều chùa chiền to lớn". Nếu đối chiều các cổ vật bằng đá, đất nung... được khai quật, phát hiện trước đây tại các di tích Phật giáo thời Lý - Trần với các hiện vật được khai quật khảo cổ trong phạm vi Hoàng thành Thăng Long năm 2002-2003 thì thấy chúng rất giống nhau về chất liệu, biểu tượng, hoa văn trang trí chứng tỏ thời Lý - Trần cung điện và chùa chiền được triều đình chủ trương xây dựng quy mô lớn như nhau.
Điều này khiến cho sứ thần Lê Văn Hưu từng nhận xét: "Lý Thái Tổ lên ngôi mới được hai năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám ngôi chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm Tăng sỹ hơn một ngàn người ở Kinh Đô... Thái Tổ làm gương như thế chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa bằng đá, điện thờ Phật lộng lẫy hơn cung vua".
Nhờ cuộc khai quật khảo cổ học năm 2002-2003, chúng ta may mắn tiếp cận được nhiều loại hình cổ vật qua các triều  đại. Nhìn ngắm di sản của tiền nhân truyền lại, ông không khỏi trăn trở:
* Làm sao khôi phục được An Nam tứ đại khí, từng là niềm hãnh diện của dân tộc, biểu tượng của văn hóa mỹ thuật Đại Việt đã bị giặc phương Bắc, phương Tây xâm lăng phá hoại: tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh.
* Làm sao giải mã được ý nghĩa chính xác các biểu tượng, hoa văn, văn tự... trên các loại hình cổ vật đã được khai quật để chúng ta hiểu được định hướng của tổ tiên trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt .
* Tại sao những thành tựu về kiến trúc, mỹ thuật trang trí trải qua các triều đại độc lập tự chủ Lý, Trần, Lê càng ngày càng bị mai một. Hoặc nếu gần đây được trùng tu tôn tạo cũng dần dần lai tạp trở thành "nửa ta nửa Tàu" hoặc "nửa Tây nửa ta" mà nếu không kịp thời chấn chỉnh, có thể đất nước chúng ta đang bị xâm lăng văn hóa mặc dù nhiều người vẫn hô hào trở về với truyền thống dân tộc!
Tủ sách - niềm tự hào của gia đình ông. Ảnh: HH
Vật sẽ tìm đến với người ưa thích
Trần Đình Sơn sinh ra trong một gia đình "danh gia vọng tộc" ở Huế, ông cố là Trần Đình Bá, Phó bảng, Tổng đốc Nghệ An, Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn, rất ham mê sách nên đã để lại gia tài cho người cháu nội đời thứ 3 là tủ sách Phước Trang nổi tiếng thời bấy giờ. Kho sách tại gia nổi tiếng ở TP.HCM hiện thời với những cuốn sách Hán Nôm và sách quốc ngữ, ngoại ngữ .
"Kho sách" tại gia của ông với hơn 7.000 cuốn toàn sách quý hiếm rất nổi tiếng ở TP.HCM, song ông cho rằng ở thành phố này còn nhiều tủ sách gia đình quý hiếm, phong phú hơn nữa, nhưng có thể vì nhiều lý do mà chủ nhân chưa chịu trình làng khiến ít người biết. Riêng tủ sách của gia đình ông có nhiều tài liệu lịch sử, văn học, tôn giáo bằng chữ Hán Nôm của tiền nhân để lại. Cụ Vương Hồng Sển cũng tặng ông thêm một số sách quý hiếm thời Đông Dương.
Trần Đình Sơn không được đào tạo chuyên ngành Hán Nôm, mà chỉ theo truyền thống gia đình học hỏi và ham mê từ thưở nhỏ. Sau này ông học thêm qua thơ văn trên đồ sứ cổ hoặc một các bản kinh sách Phật giáo. Ngày nay ngôn ngữ đó cũng là một thứ "cổ vật" - phi vật thể, rất ít người còn ham mê theo đuổi, do đó ông ước mong di sản Hán Nôm của tiền nhân để lại được phiên dịch càng nhiều càng tốt, giúp cho các thế hệ trẻ tìm hiểu lịch sử, văn hóa truyền thống đầy đủ, chính xác hơn.
Là người có tín ngưỡng Phật giáo, ông tin tưởng điều gì đủ nhân, duyên thì sẽ được thành tựu. Ông thường nói với các bạn trẻ rằng: người xưa có dạy "vật thường tìm đến với người ưa thích nó", thế nên ai chú ý sưu tầm các loại cổ vật Việt Nam, tìm hiểu đến nơi đến chốn sẽ phát hiện được những thông điệp của người xưa gửi gắm qua thơ văn, điển tích thể hiện trên các vật dụng sinh hoạt, bổ sung cho việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa nước nhà.

Hoài Hương (Tuần Việt Nam)

Những người giết Giáo sư Nguyễn văn Bông bây giờ ở đâu?

Khánh Linh
Gần 12 giờ trưa Thứ Tư 10/11/1971, chiếc xe chở Giáo Sư Nguyễn Văn Bông vừa từ đường Trần Quốc Toản quẹo phải vào đường Cao Thắng, chạy chậm lại để ngừng đèn đỏ ngay ngã tư trước khi quẹo trái vô đường Phan Thanh Giản.
Xe vừa ngừng, một thanh niên chạy đến gần và ném xuống gầm xe của Giáo sư Bông một chiếc cặp trong đựng mìn chống tăng MK6 (1). Sau đó anh ta băng qua đường và nhảy lên một xe Honda 90 có người đã nổ máy chờ sẵn, xe vọt luôn vào một con hẻm. Lựu đạn nổ, Giáo Sư Bông và người cận vệ của ông thiệt mạng.(2)
Nguyễn văn Bông bị ám sát
Nguyễn văn Bông bị ám sát
Những sát thủ
Chiếc xe gắn máy biến nhanh vào một con hẻm trên đường Cao Thắng. Do đã tập luyện thuần thục trước khi ra tay, chỉ trong vòng ba phút xe đã ra đến đầu hẻm phía bên kia và biến mất trên đường Trần Quốc Toản.
Người lái xe, và cũng là người điều khiển vụ ám sát là Vũ Quang Hùng, sinh viên năm thứ ba Đại học Khoa Học Saigon và là thành viên của tổ trinh sát vũ trang của Ban An Ninh T4. Người ngồi sau xe honda là Lê Văn Châu, trung úy quân đội VNCH nhưng đồng thời cũng là cơ sở của An Ninh T4. Người cung cấp sáu trái lựu đạn MK6 cho hung thủ là Nguyễn Hữu Thái, kiến trúc sư, cựu chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, lúc đó đang là trung úy chiến tranh tâm lý tại Sài Gòn.
Ngay sau khi vụ ám sát xảy ra, Hùng và Châu được đưa ra bưng để tránh mũi dùi điều tra của chính quyền, và họ chỉ trở về Sài Gòn sau ngày 30 tháng 4, 1975.
Lê Văn Châu về làm việc ở Báo Tuổi Trẻ. Còn Vũ Quang Hùng được đưa về làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 3, nhưng sau đó không lâu Hùng nhảy sang lãnh vực báo chí.
Hùng sanh năm 1945 tại Nam Định, bắt đầu viết báo từ 1964, và cho đến nay đã kinh qua các chức vụ phó tổng biên tập báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, tổng biên tập tạp chí Người Du Lịch, và biên tập viên Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh
Tháng 7/2004, Vũ Quang Hùng dưới tên nhà báo lão thành Quang Hùng xuất bản tập sách “Phóng Sự Điều Tra” trong đó ghi lại những kinh nghiệm mà Hùng đã “đúc kết, học hỏi, thậm chí va chạm trong suốt 40 năm làm báo”.
“Chiến công” của Vũ Quang Hùng đã được chính ông ta kể lại trong một bài đăng trên tạp chí Đứng Dậy của Linh Mục Chân Tín năm 1976. Đến tháng 4/2000, trong dịp kỷ niệm 25 năm ngày chiến thắng 30 tháng 4 nhà báo chuyên về các đề tài tình báo Nam Thi của báo Thanh Niên cũng kể lại chuyện này, trong đó có ghi rõ vai trò trợ giúp đắc lực của Nguyễn Hữu Thái.
Biệt động thành hay sinh viên tranh đấu?
Giáo sư Nguyễn văn Bông
Vào thời điểm tham gia vụ ám sát Giáo sư Bông, Nguyễn Hữu Thái chỉ mới là cơ sở của An ninh T4 chứ chưa phải là thành viên chính thức. Sau này Thái được bổ về tổ điệp báo A10 vào những năm gần 1975 khi An ninh T4 cần gây dựng thêm nhiều cơ sở để đáp ứng với tình hình sôi động.
An ninh T4 là tổ chức phụ trách hoạt động an ninh chính trị nội thành Sài Gòn trong chiến tranh. Tất cả những lệnh ám sát trong thời gian này đều phát ra từ người chỉ huy trực tiếp lúc ấy là Thái Doãn Mẫn, sau này là đại tá phó giám đốc công an Thành Phố Hồ Chí Minh.
Sáng ngày 30/04/1975, sau khi nghe tin bộ đội đang vào Sài Gòn, Thái cùng với ký giả Nguyễn Vạn Hồng và giáo sư Huỳng Văn Tòng băng xanh đỏ trên cánh tay chạy ra đường Hồng Thập Tự đón dẫn đường đoàn xe tăng đang tiến vào Dinh Độc Lập.
Tại đây, Thái là người chạy theo anh bộ đội xe tăng Bùi Quang Thận lên nóc dinh Dinh Độc Lập để cắm cờ (Thận không biết sử dụng thang máy và đã bị ngã khi tông vào cửa kính vì chưa bao giờ nhìn thấy cửa kính). Thái cũng có công giúp thâu băng lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh tại đài Phát thanh Sài Gòn. Lần này, Thái và Tòng có dịp chứng tỏ sự quan trọng của mình khi được xưng danh tánh trước khi giới thiệu Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng. Sau này Nguyễn Hữu Thái luôn tìm cách che giấu những hoạt động cho An ninh T4 của mình, chỉ luôn tự nhận mình thuộc thành phần thứ ba hoặc là một thành phần của lực lượng sinh viên tranh đấu.
Chính phóng viên đài BBC cũng đã bị lừa khi họ cho rằng Thái “không phải là người ở phía bên kia, mà đã từng tham gia phong trào đấu tranh sinh viên ở Sài Gòn”.
Trong buổi phỏng vấn ngày 19/05/2005 với BBC về một cuốn sách nhỏ do Nguyễn Hữu Thái viết, trong đó kể lại những chuyện xảy ra tại dinh Độc lập và đài Phát thanh Sài Gòn vào ngày 30/04/1975, Thái cho phóng viên BBC biết cuốn sách của Thái đã không được phép xuất bản tại Việt Nam vì những chuyện Thái kể không phù hợp với những chi tiết của phiên bản chính thức về những chuyện xảy ra trong Dinh Độc Lập sáng ngày hôm ấy.
Cái vinh quang của người chiến thắng không thể nào lại có thể chia sẻ với một kẻ cứ ngỡ rằng sẽ có một chỗ cho thành phần thứ ba. Và quả thật là vì không có chỗ cho một thành phần như vậy, nên Thái đành phải trở về sống bằng nghề kiến trúc và dạy học của mình.
Ngoài ra Thái cũng trở thành nhà nghiên cứu Phật giáo. Trong kỳ hội thảo quốc tế “Phật giáo trong thời đại mới, cơ hội và thách thức” vào tháng 7/2006 tại Việt Nam, Nguyễn Hữu Thái, lúc này đang dạy học tại Hoa Kỳ, đã trình bày đề tài: “Đột phá mới trong truyền bá Phật giáo ở phương Tây.”
Vụ mưu sát Giáo sư Bông năm 1968
Nhà báo Nam Thi của Thanh Niên trong các số báo đã nêu trên cũng xác nhận hai người chịu trách nhiệm về vụ ám sát hụt Giáo sư Bông vào tháng 8/1968 chính là luật sư Đỗ Hữu Cảnh và công nhân Trần Văn Hoành. Vũ khí dùng trong vụ ám sát không thành này là một trái nổ C4 nặng 4kg đựng trong một chiếc cặp học sinh.. Giáo Sư Bông may mắn thoát chết trong vụ này do vừa đi sang một phòng khác lúc mìn phát nổ.
Sau 1975 Hoành trở thành sĩ quan an ninh trong ngành công an, còn Cảnh thì cũng như trường hợp của Thái, ông ta nổi lên như một sinh viên tranh đấu ở Sài Gòn nhưng thật sự lại là thành viên tổ vũ trang tuyên truyền của công vận, và sau này là thành viên tổ điệp báo A10 của An ninh T4.
Năm 2005 khi người dân Sài Gòn xôn xao về việc thanh lý những hậu quả của vụ Epco – Minh Phụng, người dân được biết đến tên một người đứng tên làm giám đốc cho nhiều công ty của Liên Khui Thìn. Đó là Đỗ Hữu Cảnh.
Cảnh đã đứng tên làm giám đốc công ty sản xuất – thương mại – xây dựng – dịch vụ Hồng Long lập năm 1995, và công ty cổ phần xây dựng – kinh doanh nhà Hồng Hà năm 2003. Con trai Cảnh là Đỗ Trường Sơn thì làm giám đốc của ba công ty khác: công ty cổ phần Đông Dương thành lập năm 2001, công ty tin học Công nghệ mới năm 2000, và công ty tư vấn – thiết kế – kiến trúc – xây dựng Đông Dương năm 2002.
Tất cả 5 công ty trên toạ lạc tại toà nhà số 282 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Hầu hết vốn tạo dựng những công ty này là của Tăng Minh Phụng và Liên Khui Thìn.
Sau khi tòa án tuyên bố tịch biên tài sản của Liên Khui Thìn và cơ quan thi hành án đã kê biên hơn 100,000 thước đất dự án của công ty Hồng Long, Đỗ Hữu Cảnh vẫn tiếp tục rao bán những khoảnh đất này cho hơn 500 người mua. Việc lường gạt này đưa đến những vụ kiện tụng trong đó nhiều người mua đã kéo đến thể hiện sự tức giận tại nhà riêng của Đỗ Hữu Cảnh ở số 166C đường Thích Quảng Đức, phường 4, quận Phú Nhuận. Đến lúc đó nhiều người mới bật ngửa ra khi được biết kẻ làm ăn lươn lẹo và lường gạt này lại là một luật sư.
Tháng giêng năm nay (2007), có một văn phòng luật sư mới được phép hành nghề tại thành phố HCM. Đó là văn phòng luật sư Hồng Lạc, địa chỉ 451/2 Hai Bà Trưng, Phường 08, Quận 3,TP HCM, dưới tên Luật Sư Đỗ Hữu Cảnh.
Khánh Linh

Wednesday, August 21, 2019

NGÃ RẼ BÊN SÔNG



Đoàn Văn Xuyên


Dòng sông dài gần hai ngàn dặm, chảy qua những miền đất xanh tươi, qua những cõi người đã có thời huy hoàng: Đức, Áo, Tiệp, Hung, Nam, Lỗ, Bảo, Nga rồi đổ vào Hắc Hải. Giòng sông như mạch máu khổng lồ nuôi dưỡng ruộng vườn, muông thú, và tình người rào rạt hai bên bờ qua suốt lịch sử thăng trầm của Âu Châu. Hảo thấy những thành phố tráng lệ hai bên bờ Vienne, Budapest, Belgrade... Âm nhạc dặt dìu ngoài đường phố; những cô gái quê giặt lụa bên giòng sông cuồn cuộn sóng khi chưa về, mặt trời lặn trên cánh đồng xanh. Không khí ngào ngạt hương thơm...
Rồi hai bên bờ sông bỗng mọc lên những hàng dừa. Nước sông chở đầy phù sa. Hảo thấy mình sống ngọt ngào, ào ạt như gió khơi hai miền thế giới. Hai dòng sông quyện vào nhau, nhịp nhàng. Bóng người chập chờn soi xuống dòng sông.
 
Hảo từ từ mở mắt. Giấc mơ của nàng vừa khép lại. Mi mắt như cánh bướm, mong manh hơn giấc mơ vừa tỉnh. Thế giới hiện ra rõ nét. Mọi vật vẫn còn đó, nhưng nàng có cảm tưởng vừa đi một chuyến xa. Thiện vẫn ngồi đó đọc tờ báo hàng ngày. Thiện đang đọc phần quảng cáo vỏ xe. Thiện ít đọc sách, chỉ đọc báo và tạp chí, và thâu nhặt những đơn vị kiến thức rời rạc về cuộc sống chung quanh từ đó. Từ ngày quen nhau, Hảo chưa thấy Thiện đọc một quyển tiểu thuyết hoặc một bài thơ, hoặc một quyển khảo luận ngoài lãnh vực nghề nghiệp chuyên môn của Thiện.
Hảo nhìn quanh, ghi nhận thế giới hàng ngày của nàng: cái áo dài may tuần trước vẫn nằm im trong tủ. Cành hoa vẫn nằm trong bình nhỏ trên bàn. Trong chậu rửa chén bát vẫn nằm im từ buổi ăn đêm qua. Như vậy là lần lửa một việc, vì tối qua là đến phiên Thiện rửa chén.
Hảo nhìn bâng khuâng ra ngoài cửa sổ. Buổi chiều mùa hè sắp dứt. Góc trời phía Tây thành phố San Francisco ửng hồng. Mặt Hảo có vẻ mơ màng. Các lớp vỏ miệt mài của thời gian được bóc ra từng lớp. Hảo trông trẻ hơn, và dễ tổn thương như một người thành thực, và rất tin cậy.
Hảo là một cô gái Việt Nam tuổi tác không rõ rệt. Trên hai mươi, dưới ba mươi. Nàng có vẻ đẹp nẩy nở của một người con gái Việt lớn lên tại Mỹ. Bốn năm nội trú tại trường đại học ăn uống theo kiểu Mỹ khiến người đẫy đà thêm. Hơn hai năm đi giày cao gót bưng rượu và thức ăn tại một nhà hàng Mỹ đông khách khiến hông nàng nở to. Cá tính nàng đã thành hình. Xương sọ ngừng phát triển. Nàng đẹp và không còn thay đổi nữa. Vẻ đẹp đó trên gương mặt sẽ còn mãi. Còn vẻ đẹp của người nàng có lẽ bền, vì cá tính nàng bây giờ đang mạnh mẽ, trừ phi tuổi già đến, trừ phi nàng mập ra vì đẻ con, vì lười biếng, hoặc vì quá nhàm chán cuộc sống hàng ngày.

Hảo chồm dậy, vứt quyển sách du lịch lên chiếc bàn nhỏ đầu giường. Một tiếng kêu khô khan. Thiện quay lại:

"Bực mình gì đó bạn?"

"Không có gì Thiện"

Thiện nhún vai, quay lại tờ báo đang đọc dở. Hảo bỗng cảm thấy bực mình, không hiểu tại sao. Nàng nhìn quanh, rồi tiến về phía bếp.

"Thiện rửa bát đi chớ. Để em dọn bửa tối"

Rồi giọng Hảo nhẹ nhàng hơn "Thiện muốn ăn gì tối nay để con nhỏ đầu bếp này làm".
   
"Món gì đại khái thôi. Tối nay phải soạn đồ đạc cho đủ. Sáng mai đi sớm không có thì giờ check lại đâu Hảo à"
   
"Hảo soạn xong rồi, Thiện cẩn thận quá. Qua đó nếu có thiếu gì thì mua. Tối nay mình phải ăn mừng món gì đặc biệt. Lần đầu tiên trong đời hai đứa được đi du lịch Âu Châu."

Thiện đẹp trai và đậm người, hơi thấp. Thiện rời Việt Nam qua Mỹ du học sớm, khi vừa xong trung học. Thiện mạnh về thể lực. Chậm Chạp, cẩn thận! Hảo thỉnh thoảng vẫn gọi đùa Thiện là "anh kỹ sư Vọi của Hảo". Thiện khi biết được nhân vật "anh Vọi" của tiểu thuyết thời Tự Lực Văn Đoàn thì có vẻ giận. Hảo xin lỗi rồi lại đùa. Lâu dần thành quen. Thiện để yên. Thiện không giận ai được lâu, mà cũng không giận được nhiều. Không hẳn vì điềm đạm, tự chế, mà là vì không tha thiết, không bùng nổ được. Ngay cả trong sự giận dữ, Thiện cũng ngập ngừng, không dứt khoát. Thiện thích nói "Để anh nghĩ xem đã". Rồi Thiện cũng nghĩ đại khái thôi, không đi đến quyết định rõ rệt. Hảo thỉnh thoảng bực tức vì thấy trong sự chậm chạp lưỡng lự  của Thiện có một cái gì phẳng, thụ động, như một phiến đá. Hảo càng bực tức hơn vì Thiện cũng có vẻ khó lay chuyển như một phiến đá. Hảo thấy tim Thiện đỏ hồng bơm máu mạnh mẽ, mà không chứa một giấc mơ, không nồng nàn sôi nổi. Sự thắm thiết thì có, trong tình yêu chậm chạp, cẩn thận, và kiên trì của Thiện.

Thiện nâng ly. Hai người cụng ly.

"Ăn mừng hay là tán tỉnh. Ăn mừng thì phải uống Champagne chớ Thiện"

"Có một chai Champagne ngon, tuần rồi mình uống mất rồi. Drambuie anh nghĩ cũng hợp lắm, vì anh cũng muốn tán Hảo tối nay".

Hảo ngạc nhiên vì Thiện không phải là một người lãng mạn hoặc dí dỏm lắm để có thể dễ dàng nói những câu như vừa rồi. Có lẽ rượu làm Thiện bạo hơn.
Rượu ngọt. Hảo cảm thấy ngây ngất. Nàng cảm thấy hơi mệt, nhưng hài lòng vì món cua nhồi hạt tiêu, học được thời đi làm nhà hàng, có vẻ thành công. Hảo nhìn ánh nến lung linh trên bàn, nhìn ra thảnh phố đã lên đèn trong bóng đêm. Nàng cảm thấy vui.

"Hảo này"

"Gì Thiện"

"Thiện mong là sau chuyến đi này, về mình sẽ nói chuyện"

"Chuyện gì Thiện"

"Thì Hảo biết đấy"

Hảo nhìn Thiện im lặng. Rất lâu. Rồi đưa tay với qua chiếc bàn ăn. Ngón tay Hảo chạy phớt trên môi Thiện:
   
"Hảo hứa sẽ cho anh câu trả lời dứt khoát"
   
"Mong Hảo sẽ đồng ý. Mình sống với nhau như vậy đã hơn một năm rồi. Anh nghĩ mình có thể thành vợ chồng được rồi. Anh yêu Hảo. Anh trung thành với Hảo, sẽ ở bên Hảo mãi".

Hảo cảm động.

"Mình đã hiểu nhau nhiều phải không anh?"

"Phải. Những thói quen nhỏ, những sở thích lạ thường của Hảo, anh hiểu và chịu được hết".

"Còn những giấc mơ của Hảo, Thiện hiểu được không?"

"Ít có ai hiểu nhau tới mức đó. Hơn nữa, anh nghĩ không cần hiểu tới mức đó. Vì chính Hảo cũng không hiểu được giấc mơ của Hảo đâu mà. Những giấc mơ đó rồi cũng sẽ hết khi mình già đi. Đời sống vợ chồng sẽ bận rộn với sinh kế và con cái, không còn thì giờ nữa để mà mơ mộng".

Hảo nhìn Thiện, Thiện là một người tốt, lịch thiệp, hợp với đời sống mới, luôn luôn chiều Hảo. Đáng tin cậy. Nhưng Thiện chậm chạp, thiếu óc tưởng tượng. Hảo vẫn chưa rõ tại sao nàng lại sống với Thiện được. Có lẽ Hảo coi Thiện như một người bạn. Hảo vẫn bắt gặp mình ao ước gặp một người mạnh mẽ, lãng mạn. Thiện quá hiền. Hảo yêu Thiện theo thói quen và nhiều lúc bực mình vì Thiện quá chiều nàng và không hề cãi nhau với nàng. Bất đồng ý kiến thì có, nhưng sau đó Thiện lại nhường, hoặc nhún vai coi là không quan trọng. Hảo nép vào Thiện, cố khơi dậy một giấc mơ nào đó trong Thiện, tìm nơi Thiện một con người nào đó chưa có dịp lộ ra, nhưng không gặp. Thiện vẫn đều đặn, bình thường, và lịch thiệp. Và Hảo lại tự trách mình đòi hỏi Thiện nhiều quá. Nàng cố nghĩ là hôn nhân bền dưỡng phải dựa trên tình bạn và sự hài lòng, nhường nhịn và thực tế. Mọi giấc mơ đều nguy hiểm. Sự đều đặn bình thường là một đức tính của đời sống không sóng gió.
Khi mới quen, Thiện theo đuổi nàng rất lâu, rất kiên tâm. Và một hôm, cảm động vì lòng kiên tâm đó, Hảo cho là mình yêu Thiện và từ đó hai người sống với nhau. Tình yêu chậm chạp và kiên trì của Thiện như nước chảy lâu trên đá, vẫn làm Hảo cảm động, nhưng chưa thật sung sướng. Thiện vẫn thúc nàng làm đám cưới. Nhưng Hảo thoái thác. Nàng sợ là mình chỉ yêu Thiện vì tình bạn, vì thói quen, và vì sự cảm động. Hảo cũng chưa biết rõ Thiện mạnh hay yếu, vì trong cuộc sống thường của hai người chưa có lần thử thách. Hảo sống trong sự bất an, chưa chắc chắn lắm về nàng, về Thiện, về cuộc đời. Nàng còn trẻ và tự lập. Lòng còn đầy ắp những giấc mơ. Tình bạn đối với nàng dường như chưa đủ. Và thói quen, nàng có cảm tưởng là bức tường ngăn nàng hiểu rõ nàng hơn, hoặc buộc nàng không cho thoát ra để bay lên cao hơn đến gần cảnh giới của những giấc mơ hoặc những thực tại của một đời sống khác nàng có thể được sống.

Hảo đặt chiếc va li xuống và mĩm một nụ cười chiến thắng:

 "Như vậy là xong. Mai chỉ việc ra phi trường thôi".

Thiện gật gù.
 
"Hoan hô Hảo. Nhưng coi lại checklist chưa?"
 
Hảo dựa người vào thành giường, móc tờ giấy trong túi áo đưa lên đọc.

"Checklist đây. Đủ hết. Quần áo. Giày. Vớ. Son phấn. Cắt móng tay. Thuốc say sóng. Ống nhòm. Máy ảnh. Phim... đủ cả, không thiếu thứ gì".

"Khăn mặt, bàn chải răng nữa. Rồi còn thuốc bổ, thuốc ngừa thai, dầu khuynh diệp. Hảo, đừng quên nhé"

"Thiện quên không nhắc nồi niêu chén dĩa nữa. Coi như dọn nhà cho đầy đủ mọi thứ"

"Đừng bực mình chứ bạn. À Hảo này, Hảo sure là chuyến tàu trên sông Danube vẫn theo ngày giờ đã định chứ?"

"Sure chứ. Đó là cao điểm của chuyến đi mà". Hảo với tay lấy một quyển sách du lịch để đầu giường.
"Nầy Thiện thấy không. Từ Vienne mình đi xe lửa, lên tàu tại đây. Giờ giấc theo bảng này. Đi một ngày trên sông. Thăm nước Áo. Sau đó mình đi Venise, Florence, rồi mới đi ngược về phía Tây Bắc, qua Thụy Sĩ và Pháp".

"Đi nhiều nơi quá. Anh nghe đã thấy mệt rồi".

Hảo không nói gì, tiếp tục đọc quyển sách, quyển sách du lịch nàng đã đọc đi đọc lại, không biết bao nhiêu lần. Hơi rượu bữa ăn tối bây giờ ngấm, làm Hảo lười biếng, mơ màng.

Căn phòng ngập tiếng nhạc. Self Control. Laura Brannigan hát. Cả căn phòng như biến thành một trái tim lớn, đập thình thịch theo tiếng nhạc. Thiện tập thể dục. Đẹp. Lượn đi lượn lại như một con báo.

Con báo đó yêu Hảo. Mặc quần áo, khoát lên người một lớp deodorant và mouthwash. Tối thứ sáu con báo đưa Hảo đi ăn, rồi đi xi nê hoặc nghe nhạc, cười theo những trò khôi hài của chị Disc Jockey trên đường Van Ness. Thân thể trai gái trên sàn nhảy mướt mồ hôi. Tay vỗ theo nhịp. Đầu nhấp nhô. Nhạc truyền vào đế giày, vào lưng ghế, vào người. Chủ nhật con báo đó ăn sáng, đánh răng, rồi ngồi coi football, đợi ngày thứ hai.

      Hảo đưa mắt nhìn ra ngoài trời. Bầu trời đêm lồng lộng ánh đèn San Francisco và gió. Nàng nghe tiếng xe Street car nghiến trên đường sắt trên khúc quanh cuối đường Judah nơi gió mỗi mùa đông về lạnh buốt làm lề đường khô cứng kêu vang dưới bước giày của những người đi một mình. Bây giờ là mùa hè, lề đường chắc mát rợi tiếng vui đùa.
Đồ đạc trong phòng thưa thớt và đắt tiền. Cả căn phòng có một vẻ u nhã, khắc kỷ, nhưng đầy dấu hiệu của một đời sống thoải mái và tự mãn. Phần lớn là dấu vết của nàng. Cái thế giới đó chính nàng   góp phần lớn tạo ra, bây giờ nhìn như căn phòng của một người quen không thân lắm: tranh Lê Bá Đặng, đồ gốm Ý Đại Lợi, đồ gỗ Đài Loan và Bắc Âu; những món trang trí từ nhiều nền văn hoá khác nhau. Tất cả được hoà điệu theo một trật tự riêng, được nối lại bằng một sợi dây là bàn tay và cặp mắt của nàng: màn cửa, khăn trải bàn, gạch lót, màu sơn tường... Hảo ngạc nhiên, như một con chim bất ngờ nhìn thấy chiếc lồng son thường ngày bao bọc.

Trên giường Hảo với tay qua Thiện. Thiện kéo nàng lại gần. Hai thân thể quen thuộc tìm đến nhau. Trong sự hoan lạc nửa tỉnh nửa mơ màng, Thiện hỏi:

"Hảo đang nghĩ gì vậy?"

"Hảo đang mơ"

Thiện mĩm cười, cái cười thoải mái, cái cười của thân thể khi hài lòng.
 Sau bữa ăn no, bên ánh lửa trại:

"Thiện có mơ không?"

"Thỉnh thoảng"

"Lúc nào?"

Thiện ngẫm nghĩ một chút, rồi nói chậm rãi:

"Lúc xuống tinh thần. Thất vọng. Buồn. Hảo đừng mơ nhiều quá. Yểu người đi".

"Hảo nghĩ ngược lại. Hảo tìm sức mạnh nơi những giấc mơ. Không có những giấc mơ chắc Hảo không còn gì"
"Thấy dòng sông Danube, thấy dòng Cửu Long, thấy thành phố Vienne"

"Hảo mơ nhiều quá, dễ thất vọng. Sông Cửu Long thì hai bên nghèo xác xơ. Sông Danube thì bây giờ hai bên bờ sông là vùng kỹ nghệ, đầy những nhà máy, đường xá và xe cộ. Âu Châu chật ních người. Còn gì nữa đâu Hảo?".

Hôm đó là ngày cuối tháng Tư, Hảo thấy buồn vô hạn. Nàng nghĩ đến chuyện ly tán đã qua. Nghĩ đến thành phố Sài Gòn ngày nàng còn nhỏ. Chiều đến, Hảo nhìn ra ngoài trời. Mặt trời lặn trên biển. Đỏ rực như quạt hồng một góc trời. Hảo muốn ra biển chơi. Nàng rủ Thiện.
 
"Đợi anh một chút. Có cần đi lắm không Hảo?"

Hảo đợi. Cái gì cũng phải cần nói rồi mới làm sao. Thiện chậm chạp tắt TV, đứng dậy thay quần áo, bước đi bước lại trong phòng. Chải đầu. Đi giày. Vuốt lại quần áo cho thẳng. Hảo bỗng cảm thấy bực bội.

"Sao anh không mau thêm chút nữa?"

"Vội vàng có lợi gì đâu Hảo?"

Hảo nổi giận thực sự. Nàng cảm thấy một sự khoan khoái đóng sầm cánh cứa lại sau lưng:

"Thôi anh ở nhà coi tivi đi. Đàn ông gì mà ù lì quá vậy?"

Hôm đó Hảo xin lỗi Thiện và thấy buồn. Thấy Hảo buồn, Thiện nhắc đi nhắc lại là chàng không phiền câu nói nặng trong lúc tức giận của Hảo, do đó Hảo không nên buồn. Hảo vẫn buồn, vì nàng biết nàng buồn vì lý do không phải như Thiện nghĩ.

"Này Thiện, Thiện thích đi đâu nhất?"

"Paris, ngồi quán cà phê trên đại lộ Champs Elysees. Thăm Khải Hoàn Môn, các bảo tàng viện..."

Im lặng.

"Tại sao Hảo thích sông Danube thế?"

Hảo không trả lời mà nhìn ra ngoài bầu trời sao của thành phố San Francisco. Rồi Hảo nói, giọng nhẹ nhàng tươi mát:

"Hồi bé em thỉnh thoảng đọc sách Pháp, đúng ra là xem hình. Em còn nhớ những màu sắc tươi sáng. Đồng cỏ nào cũng xanh mướt. Con đường quanh có chạy vào làng. Con bò sữa sạch sẽ đứng gậm cỏ an nhàn. Góc phố trong làng có một xe bán cà rem. Các đứa bé ăn mặc tươm tất rủ nhau qua đường. Một người đàn bà đẩy một chiếc xe chứa một đứa bé kháu khỉ ý. Một người đàn ông đứng lại giúp một bà già tóc trắng qua đường.
"Còn dòng sông nào cũng xanh biếc, sạch như mơ, hai bên có những lâu đài sương phủ. Chiều về thôn nữ giặt lụa ven sông. Lớn lên đọc Le Grand Meaulnes, nghe Thái Thanh hát lời Việt bản Dòng Sông Xanh. Em sống với dòng sông đó trong tâm tưởng từ nhỏ. Dòng sông ngày đó chảy về cõi thiên thai. Em muốn bây giờ đến coi, tìm lại giấc mơ ngày xưa. Em nghĩ là dòng sông vẫn còn đó, vẫn còn đợi em. Dĩ nhiên, thời gian mang lại bao nhiêu là thay đổi. Nhưng có lẽ còn kịp phần nào. Để vài chục năm nữa, sẽ mất hẳn. Nếu không vì dòng sông thay đổi thì cũng vì thời gian xoá đi giấc mơ ngày nhỏ. Em tìm dòng sông cũng như có một thanh niên đã tìm một mỹ nhân nơi một lâu đài kỳ bí. Em nhớ đến một bài thơ cũ, của ông thầy dạy Anh văn em hồi nhỏ tại Sài Gòn:

"Cửa cao thoắt hiện một giai nhân
Trang phục xưa u diễm bội phần
Những tưởng kiếp xưa nào đã gặp
Nay về trêu cợt mộng thanh

   "Sinh trưởng trong Nam, em không biết sông Đà, cũng không biết sông Tương. Nhưng em vẫn có cảm tưởng chúng chảy trong người em. Có cảm tưởng đã nhìn thấy sông Cửu Long. Nước phù sa và hàng dừa hai bên sông. Tất cả những dòng sông đó chảy hoà vào nhau, cùng ra biển".

Hảo với tay tìm Thiện.

"Bây giờ anh hiểu tại sao Hảo muốn đi tàu trên sông Danube rồi chứ?"

Thiện không trả lời. Bàn tay Thiện không đáp ứng. Thiện đã ngủ say.

Đêm hôm đó có lúc hai người chợt thức giấc. Họ yêu nhau. Trong sự nồng nàn, có một chút chua xót nhẹ nhàng. Hảo nhắm mắt lại. Nàng quên mất Thiện bên cạnh. Sự giận dữ và thất vọng trong nàng tan biến. Nàng chỉ cảm thấy một sự xao xuyến khiến tim nàng chuyển động một cách khó nhọc. Thiện cảm thấy Hảo xa dần, trôi dạt trong giấc mơ nào đó của nàng. Chàng nghe Hảo thở dài. Trong giây phút lãng đãng của tình âu yếm, Thiện không rõ đó là tiếng thở dài hoan lạc hay tiếng một giấc mơ về thở thật buồn.
Hảo thấy một dòng sông cuồn cuộn chảy, như một tấm màn lụa xanh biếc đến từ trời, rồi sông biến thành biển từ trên cao rớt xuống người nàng. Nước sông rồi biến thành một cánh đồng xanh. Nàng thấy một con nai tuổi còn tơ chạy trên cánh đồng. Rồi một con báo hiện ra, mặt tươi cười. Rồi hàng rào mọc lên tua tủa bao vây. Con nai chạy hoảng hốt, mắt nó nhìn ra xa. Bên kia hàng rào, cánh đồng trải đến tận chân trời lãng đãng mây.

Dưới bầu trời quang đãng, chiếc tàu đậu choán một khoảng không gian. Trông đồ sộ  nhưng không thô bạo. Có lẽ vì nó màu trắng mà lại có một vệt sơn đỏ chạy dài theo thành tàu, khiến nó có vẻ như một món đồ chơi, như một niềm vui hồn nhiên. Một cơn gió nhẹ thổi dọc theo bến sông, lay động lá cờ trên cao.
Hảo đứng lại, vuốt tóc cho khỏi rối, và sững người nhìn quang cảnh trước mặt. Chiếc tàu như chờ đợi, như đậu đó vì nàng. Mời gọi, thúc dục leo lên một chuyến đi xa, xuôi theo sông nước, quên tháng ngày.

"Đi mau lên Hảo"

"Đợi em chút nữa Thiện, nhìn kìa, đẹp không anh?"

Thiện ậm ừ không rõ rệt.

"Anh chụp cho Hảo vài tấm hình đi"

Thiện chụp hình cho Hảo. Hảo tung tăng chạy lên xuống cầu đá bến tàu, xoay mình tìm đủ mọi góc cạnh. Trong bóng mát, ngoài khoảng trống, nheo mắt nhìn mặt trời buổi sáng cười thẳng vào ống kính. Hảo thấy yêu đời, yêu tất cả mọi người, yêu Thiện, yêu sự chậm chạp và kiên nhẫn của Thiện với chiếc máy hình.

Khi tàu ra đến gần giữa sông thì nắng bắt đầu gắt. Tàu đi qua một vùng kỹ nghệ ngoại ô thành phố. Thiện nhìn quang cảnh hai bên bờ. Ống khói nhà máy in trên nền trời. Những cao ốc ở xa. Xe cộ chạy tấp nập. Đây là cuối thế kỷ hai mươi. Nước Áo đã chuyển mình. Không có gì khác với nhiều thành phố kỹ nghệ ven sông Thiện đã đi qua. Người ta có thể nghĩ đây là St Louis ở Missouri, hoặc là Cần Thơ. Chỉ thiếu xe và building còn thì nước sông đục ngầu, nhấp nhô rẽ sóng hai bên mạn tàu. Thiện thấy lòng vui vui. Thiện nắm tay vào thành tàu đu người lên như tập thể dục, ngữa  cổ hít không khí mát lạnh vào lòng. Thiện quay qua Hảo:

"Giống như Bắc Mỹ Thuận há Hảo?"

Hảo không trả lời.

"Hảo biết Bắc Mỹ Thuận không ?"

Hảo lắc đầu có vẻ không hài lòng. Thiện hơi ngạc nhiên, nhưng không hiểu tại sao. Thiện tiếp tục câu chuyện.

"Hồi học Đệ Tam ở Sài Gòn anh theo một anh bạn về quê anh ấy chơi một tuần. Quê nội ở Long Xuyên, quê ngoại ở Cần Thơ. Phải qua đò Bắc Mỹ Thuận, qua sông Cửu Long."
"Này Hảo này, sông này có cá sấu không?"
"Sao Hảo không nói gì vậy? Hảo có khỏe không?"

"Hảo bình thường thôi anh. Xin lỗi Thiện. Hảo mãi coi quang cảnh trên bờ nên không để ý anh nói gì"

"Ồ không sao. Anh cứ tưởng..."

Hai người im lặng. Thiện tiến vào trong khoảng tàu mua nước uống. Hảo đứng im nhìn lên nền trời một lát, rồi chạy lại sắc tay trên ghế ngồi, lấy ra một tấm bản đồ.

"Nước đây Hảo, Hảo tìm gì thế?"

"Đây vẫn còn là vùng tỉnh thành. Sông chưa ra đến miền quê. Theo bản đồ thì có lẽ còn cả tiếng nữa"
Thiện bỗng hiểu Hảo muốn gì. Thiện im lặng.

Tàu cứ đi, sóng đánh vào mạn tàu. Âu Châu hiện ra hai bên bờ sông. Từ Mỹ qua Âu Châu, thế giới nhỏ đi một chút về diện tích và kích thước, khiến mọi vật xinh xắn, ấm cúng, gần gủi với người. Mắt người có thể từ từ quan sát mọi thứ mà không bị tấn công ào ạt bởi khối lượng của vật giới. Các cảm quan do đó chi tiết hơn. Từ kích thước ly nước uống đến trạm xăng ven sông, dãy phố buôn bán, vỉa hè, cao ốc. Âu Châu nhỏ đi một chút, và sặc sỡ hơn: màu vôi, sơn, quần áo. Nhưng cũng cũ kỹ hơn: màu thời gian, rêu phong, tường đá, gạch ngói, mặt người...
Rồi tàu đi tới một khúc sông khác. Bây giờ vùng đồng quê hiện ra mát mắt. Thiện có cảm tưởng có một sự thay đổi nơi Hảo. Một sự thay đổi rất tế nhị, như một người chuyển sức nặng từ chân này sang chân kia cho đỡ mỏi. Mặt Hảo có một vẻ êm vắng, giống như vui, giống như buồn. Hảo nhìn những làng mạc nhỏ hai bên sông. Hảo nhìn những cột điện, những bảng quảng cáo gần bờ. Hảo nhìn thấy làng mạc, đang biến thành thành phố, thấy những thành phố chạy dần vào trong xa, nơi chân đồi, nhường chỗ cho làng mạc.
Tàu đi qua một cái đập nước. Tàu chui vào một kiến trúc giống như một ngăn kéo lớn. Bốn bề đóng kín. Nước được bơm ra, tàu hạ thấp theo mực nước. Thiện có vẻ thích thú, quay qua nói chuyện với Hảo. Sự tù túng giữa bốn bức tường rêu phủ bao quanh tàu khiến Hảo cảm thấy ngột ngạt, nàng do đó đón nhận sự thích thú của Thiện như một lối thoát. Nàng vui vẻ nói chuyện. Đó là câu chuyện giữa hai kỹ sư, hai người được huấn luyện về kỹ thuật theo khảo hướng Tây phương, cùng ngưỡng mộ sự chính xác, cùng nhìn thấy những tương quan trừu tượng có tính cách cơ phận giữa các khối vật chất cụ thể, cùng quan tâm đến hiệu năng, tỷ lệ giữa công và quả. Có lúc Hảo cảm thấy hai người không còn là một cặp thanh niên thanh nữ, mà giống như hai người đàn ông, hoặc hai người phái tính không rõ rệt, loại người được gọi là chuyên nghiệp trong ngành kỹ thuật của những vùng phát triển mạnh trong xã hội, nặng lòng hướng về đời sống con người của thế kỷ 21. Tuy nhiên, ngoài những nét tương đồng trong cách thái thẩm định con tàu trong ngăn đập nước, hai người dường như nhìn vào những điểm khác nhau trong nội dung câu chuyện.
Trong khi Thiện thích thú nói về khối lượng và vật liệu và áp suất và sức nặng, đè, đẩy, nâng đỡ, lấn ép nhau, những quan tâm thông thường của một kỹ sư công chánh, thì Hảo được huấn luyện về cơ khí, thì cứ nghĩ đến những guồng máy chuyển động các bộ phận của ngăn nước trong đập. Sự hoà điệu của các cơ phận, cấu trúc đơn giản nhưng hiệu năng, giảm thiểu được sự thất thoát của năng lực, diễn ra trong óc Hảo, trơn tru, nhịp nhàng. Câu chuyện của Thiện như phiến đá, câu chuyện của Hảo như nước chảy. Khoảng cách giữa hai câu chuyện khiến Thiện và Hảo dần dần nguội đi. Các câu đối thoại thưa dần. Các ý kiến lỏng lẻo và rời rạc.

Đến một điểm nào đó ở phần cuối câu chuyện, khi cường độ của cảm quan yếu đi, khi những ấn tượng phải dần, một cảm nghĩ mới hé lên trong người Hảo. Nàng nhận ra câu chuyện như một chiếc phao. Chiếc phao đang chìm. Hảo như một con cá mắc cạn trên phiến đá. Hảo thấy mình vừa bị tấn công bởi một đời sống khác với dòng sông. Câu chuyện vừa qua là sự lấn lướt của kỷ thuật và thói quen, là bóng mà của đời sống mà nàng đã cố quay lưng lại. Đó là đời sống của San Francisco của công việc, của cuộc sống chung với Thiện... Còn nơi đây, lúc này, là một thế giới khác, là dòng sông của nàng, là buổi chiều mặt trời lặn trên cánh đồng xanh, là hoa thơm ngào ngạt trên tóc người trẩy hội vui bên dòng nước. Sự gián đoạn của giấc mơ vì bóng ma mạnh mẽ của cuộc sống nàng sống tại Mỹ khiến Hảo bàng hoàng. Nàng cảm thấy thất vọng và yếu đuối. Hảo thấy bốn bức tường quanh tàu như nhà tù, kín gió, ngộp thở. Tiếng người ngân vang như trong hầm sâu.

"Hảo làm sao vậy? Thiện thấy mặt Hảo xanh mướt"

"Không sao đâu Thiện. Không có gì"

Đến đúng  lúc đó thì cửa ngăn nước trước mũi tàu mở ra. Tàu tiến vào một khúc sông mới có mực nước thấp hơn. Hảo như được giải thoát. Sông chảy cuồn cuộn, sóng nhấp nhô, gió rạt rào trên sông rộng. Quang cảnh bờ sông đã bắt đầu đổi khác.
Trên đồi xanh, nhà sặc sỡ đủ màu với mái nghiêng, thấp nhọn, cửa tò vò cao, thành tường quanh có rêu phủ. Xa hơn nữa là lâu đài ẩn sau rặng cây. Hảo cảm thấy mùi cỏ hai bên lối đi dẫn vào sân đá lách cách tiếng vó ngựa. Nàng ngồi xuống trên hàng  ghế ngoài  ở cuối tàu, ngữa đầu dựa vào lưng ghế. Trời xanh, nhưng gắt ánh nắng. Hảo nhắm mắt lại. Nàng nhìn thấy một vùng không gian mẩu đỏ hồng, cảm thấy nắng ấm trên mi mắt, trên đôi gò má. Hảo tưởng tượng ra đôi tai nàng ửng hồng dưới ánh nắng, phơn phớt lông tơ. Một cảm giác say say ngây ngất xâm chiếm người nàng.

Rồi trời trở lại. Gió ẩm ướt đầy hơi nước. Mưa xuống. Nước mưa về với nước sông cuồn cuộn, hoà vào dòng sông làm dòng sông phồng lên, tràn lên bờ, tràn ngược lên nguồn, lên rừng. Mưa khắp nơi. Trên sông, trong thành phố. Trên rừng. Trên Đà Lạt. Mưa Đà Lạt là mưa núi mưa rừng. Mù mịt, rồi ngớt dần vào buổi chiều, với tiếng sấm sét đuổi nhau trên đồi xa. Mưa ở một phần hoang dã của Đà Lạt. Mưa trên con đường đất đỏ lầy lội ở khu nhà biệt thự tường trắng có lối đi đầy hoa. Mưa rơi xuống lòng người thiếu nữ mới chớm yêu đương, ngẩn ngơ nghe tiếng sấm ì ầm ngoài xa như tiếng gọi phiêu lưu u ám. Người thiếu nữ nhìn trời mưa như đã từ hàng trăm năm. Trời đất không bao giờ cũ. Mưa sẽ rơi như vậy đến muôn đời. Thiếu nữ là một cô gái mới chừng 15 tuổi, mắt còn tròn, đen nhánh, tóc còn thẳng xoả vai, trắng trẻo, má ửng hồng, ngực chớm tê vì những khát khao vừa nhú. 
Cô gái nhỏ đứng nhìn người thanh niên tuổi ngoài hai mươi từ thành phố về chơi. Người thanh niên yêu đời, tươi cười có đôi lần thoáng thấy cô gái nhà bên kia đường đứng nhìn mình. Mắt thanh niên bình thản, chỉ thấy một đứa bé gái giống như các đứa bé khác ở thành phố chiều chiều rủ nhau chơi nhảy dây, giải banh.   
    Cô gái nhỏ thường đứng hàng giờ tìm bóng thanh niên thấp thoáng trong khu vườn nhà đối diện. Thiếu phụ lớn tuổi hơn người  thanh niên, mặc đồ đen, mặt trắng xanh như người bệnh ở trong nhà quá lâu. Thấp thoáng hai người cười đùa bước ra lối đi, đưa mắt nhìn về phía đường cái. Cô gái đưa tay lên chùi vội lớp son vụng về lần đầu tiên tô thứ trên môi.
Rồi mưa xuống mờ mịt, gió lồng lộng từ rừng núi đi về. Những vũng nước nơi các ổ gà đất đỏ sủi 
tăm, vết bánh xe taxi lầy lội. Con dốc đường Duy Tân ra phía bờ hồ trơn trợt. Cô gái nhỏ bước đi, cõi lòng tan nát. Bờ hồ phẳng lặng, trắng xoá dưới mưa. Sáng hôm đó người thanh niên ra về. Thiếu phụ đứng dưới mưa chào từ giã. Thanh niên bỏ chiếc va li nhỏ vào xe rồi leo lên, đóng cửa xe, quay kính xuống chào thiếu phụ. Bên kia đường, cô gái nhỏ nghẹn ngào muốn tiến ra giơ tay vẫy chào, nhưng không dám. Cô gái biết mình đang khóc nhưng không đưa tay chùi nước mắt vì nước mưa chan hoà trên mặt. Môi thoáng một vị mặn, không rõ của nước mắt hay dư vị của núi rừng. 


"Dậy đi Hảo, trời mưa"

Hảo giật mình choàng tỉnh, thấy Thiện đang lay vai nàng và thấy mưa rơi trên mặt. Hảo theo Thiện rảo bước vào dưới mái che trên boong tàu. Thiện ân cần.

"Hảo đang ngủ thì mưa... Hình như Hảo nằm mơ, và khóc trong giấc ngủ. Hảo có làm sao không? Hảo mơ thấy gì vậy?"

"Không, Hảo không sao. Hảo cũng quên không nhớ giấc mơ ra sao. Chắc mơ hồi nhỏ nghịch bị bố đánh đòn rồi khóc nhè."

Thiện cười xoà. Hai người đứng nhìn mưa, Hảo bàng hoàng. Gió thổi mưa bụi đến bám trên tóc nàng.  Thiện kéo Hảo vào sâu hơn dưới mái che cho gió khỏi tạt mưa ướt. Nhưng Hảo lại tiến ra, đến chỗ biên giới của mưa bụi và nơi khô ráo. Hảo ưỡn ngực hít mưa vào lòng. Tóc bay lồng lộng, Hảo nhìn sững ra sông, nhìn về miền đất con người hai bên bờ mờ mịt sau màn mưa. Nước mưa hoà với nước sông như muôn vạn người ríu rít trở về nhà, rồi gối đầu lên nhau cùng trôi ra biển.


Khi tàu ghé vào một thành phố nhỏ thì trời đã tạnh mưa. Thành phố nằm bên một khúc quanh của dòng sông. Hoa nở khắp nơi. Bên kia dãy phố sầm uất ven sông là nhà cửa thoai thoải trên sườn đồi. Cả thành phố bị bao phủ bởi sự buồn bã khắc khổ của một lâu đài sừng sững trên một ngọn đồi cạnh thành phố, nhìn ra khúc quanh của dòng sông. Sự tương phản giữa những vườn hoa đón chào ven sông và khối tường đá u uất lạnh lùng trên đồi khiến Hảo cảm thấy một sự băn khoăn khó định nghĩa.

"Lên bờ làm gì em, sao không về Vienne luôn"

"Hảo muốn ghé thăm tỉnh cho biết. Hảo muốn ghé lâu đài kia"

"Không có gì ở đây cả. Tỉnh này không có tên tuổi gì trong sách hướng dẫn du lịch. Anh nghĩ lâu đài kia cũng không có gì đặc biệt. Mình có định ghé đây đâu"

"Đi du lịch phải có chút phiêu lưu trong đó. Nếu cái gì cũng chắc thì mất thú"

"Anh sợ muộn giờ. Lỡ chuyến tàu này phải đợi chuyến kế tiếp, hoặc phải đi xe lửa thì đêm mới về đến thành phố. Tối nay mình đã đặt chỗ sẵn ở Vienne rồi. Ăn tối rồi đi nghe nhạc"

"Thì tối mai đi ăn rồi  nghe nhạc ở Vienne cũng được vậy"

"Tuỳ Hảo, sao cũng được"

"Thôi được rồi, nếu Thiện muốn, bây giờ mình ở đây, đợi tàu chạy vậy."

"Mình lại cãi nhau rồi. Thiện sorry... Hảo đúng... không, thật đó mà. Thiện muốn lên bờ lúc này. Đi thăm tỉnh."

"Thiện chắc không?"

"Dĩ nhiên"

Người đàn bà nhìn sững Hảo. Cái nhìn như một cái gì đen và to ập đến. Người đàn bà xấu xí và to lớn. Trông như một mụ phù thủy đứng tại ngưỡng cửa của một lâu đài trên vách núi. Sừng sững hét vào khoảng không gian quạ bay đầy trời xung quanh. Hảo bất giác lùi lại sợ hãi, chiếc máy hình đưa lên ngực như để tự vệ. Người đàn bà nói to, một chuỗi âm thanh tức giận ùa ra từ cổ họng. Bà ta tiến lại Hảo, chiếc dù nhỏ trên tay bà xỉa xói như một lưỡi dao. Hảo lùi lại nữa, ấp úng bằng tiếng Anh.

"Tôi không hiểu bà nói gì"
 
Người đàn bả dường như hiểu. Bà ta nói tiếng Anh bằng một giọng nặng nề. Thứ tiếng Anh không đúng văn phạm mà các thủy thủ thường dùng tại các hải cảng lớn.

"Cô muốn gì? Cô chụp hình nhà tôi làm gì?"

"Tôi xem... tôi là khách du lịch... nhà bà trông rất lạ..."

Người đàn bà nhổ nước bọt xuống đất và thốt ra một tràng tiếng địa phương, rồi xoay qua tiếng Anh, mắt nhìn chòng chọc vào Hảo:

"Cô đi khỏi đây ngay. Nơi đây là nhà riêng. Đây không phải là nước Mỹ... tiền bạc... chụp hình... "

Đúng lúc đó Thiện chạy tới. Hảo nắm tay Thiện bỏ đi.

"Chuyện gì vậy Hảo. Đang đi ngoài phố quay qua quay lại mất dấu. Thiện tìm muốn hụt hơi. Bà già đó muốn gì?"

Hảo lắc đầu, không trả lời.


Đoàn Văn Xuyên


 ------------

Nguồn: VĂN, số 57, tháng 3-1987








Friday, August 16, 2019

CHUYỆN TÌNH CỦA CHÚ NĂM


Ý Ngôn


Chú Năm bước đến hàng bán cá mua hai con cá rô phi, nhờ người bán làm sạch và chiên dòn. Có một người đàn bà cũng đang đứng chờ chiên cá như chú, chị nói:
- Bữa nay thứ tư họ thay dầu mới, cá chiên nóng về ăn với nước mắm tỏi ớt ngon lắm.
Chú Năm mĩm cười không nói gì, chú đâu biết pha nước mắm tỏi ớt, hồi trước lúc vợ chú còn sống chuyện bếp núc một tay bà lo. Vợ chú chết hai năm nay, chú không biết nấu ăn lại không thích vô bếp, cứ ra tiệm mua thức ăn người ta làm sẵn mang về, ở thành phố này thì có rất nhiều tiệm bán thức ăn Việt, rất tiện.
Chú có hai đứa con, một trai một gái. Đứa con gái lớn vừa lấy chồng, theo chồng sống ở tiểu bang khác. Thằng con trai mới học xong mùa hè vừa rồi, xin được chỗ làm lương cũng khá, nhưng hơi cực, ngày làm mười tiếng lâu lâu phải đi công tác xa cả tuần mới về.
Hai cha con chú ăn uống cũng dễ, nhà có gì ăn đó, nếu không thì luộc mì gói cũng xong. Thằng con chú đi làm bận bịu cả ngày, nó thường ăn ở ngoài, thỉnh thoảng mua đồ ăn đem về cho chú.
Từ ngày bà xã thình lình bỏ chú ra đi, chú cảm thấy căn nhà sao mà trống vắng buồn tênh. Chú tìm việc gì làm cho khuây khỏa, chú ra sau vườn nhổ cỏ trồng rau, nếu không thì thả bộ lang thang mấy khu mua bán của người Việt, nghe người ta nói tiếng Việt lao xao cũng thấy đỡ buồn.
   
Sáng nay thứ tư, nhớ lời người đàn bà chú gặp tuần trước, thứ tư người ta thay dầu mới, chú đến chợ mua cá rô phi chiên dòn. Chú định bụng nếu gặp người đàn bà đó, chú sẽ nhờ chị ta chỉ cách pha nước mắm tỏi ớt. Đến nơi, có lẽ còn hơi sớm, chợ ít người, hàng bán cá chẳng thấy ai mua, chú không phải chờ lâu xách hai con cá vừa chiên xong nóng hôi hổi ra về. Ra cửa chú thấy người đàn bà đó đang đứng chờ người nhà đến đón, chú xáp lại nói chuyện.
- Dễ lắm, anh rót nước mắm sống vô chén, pha chút nước lạnh, bỏ đường, nặn chanh, cho vô ớt bằm, tỏi bằm. Nếm vừa ăn là được, tuỳ người thích ăn ngọt thì thêm chút đường.
- Pha nước mắm mà nhiều công đoạn quá vậy?
Chị cười xoà. "Bả đâu?"
- Bả bỏ đi hai năm rồi.
Chị im lặng mím môi, chắc là chị nghĩ ông này bị vợ bỏ. Chú Năm không buồn đính chánh câu nói lấp lửng của mình.
- Cô chờ người đến đón?
- Dạ, chờ thằng cháu.
- Có phải cô tên Sáu? Hôm trước tôi nghe người nhà cô kêu chị Sáu.
- Tôi tên Nguyệt, thứ sáu nên người trong nhà kêu theo thứ chớ không kêu tên.
- Tôi cũng vậy, tôi tên Minh nhưng người quen đều kêu theo thứ, nhiều người tưởng tôi tên Năm.
- Anh đã nghỉ hưu?
Chú Năm cười xoà chỉ mái tóc của mình, tóc bạc hết cô không thấy sao, vài tháng nữa là bảy chục rồi.
- Thấy anh cũng còn trẻ, về Việt Nam người ta tưởng chừng sáu chục.
Chú Năm cười hề hề, lúc này xuống dốc thấy mau già chớ lúc trước tôi trông trẻ lắm, ai thấy cũng khen.
- Cô chắc còn đi làm?
- Dạ, tôi còn trẻ mà, anh thấy tôi chừng bao nhiêu tuổi?
- Sáu chục.
- Sáu mươi hai rồi đó.
- Chắc cô mới qua?
- Dạ cũng được ba năm rồi, lúc tôi qua má tôi yếu nhiều, bệnh già thôi, tôi qua kịp lúc săn sóc bà già trong những ngày cuối đời của bà. Chớ lúc trước bà ở nhà lủi thủi một mình tội lắm, ai cũng đi làm. Má tôi chết hơn sáu tháng rồi, nhiều người quen thấy tôi săn sóc người già tốt, họ kêu tôi giúp. Tôi hiện đi làm hai chỗ, tôi có bằng lái xe nhưng còn hơi nhát không dám lái, đi đâu cũng nhờ đưa đón nhiều lúc cũng bất tiện.
Chị cười hì hì... Thằng cháu chị đến đón, chú Năm trở vô chợ mua ớt, tỏi, đường, nước mắm, nhà chú lâu nay chẳng ai nấu nướng nên trong bếp trống lỏng chẳng có gì. Tự nhiên chú thấy vui vui yêu đời, chú tập tành làm bếp.

Sáng thứ tư là chú Năm thấy rộn ràng muốn đi chợ, chú thấy nhớ cô Sáu, chú muốn gặp cô nói ba điều bốn chuyện. Mới gặp nhau sao thấy hạp, nói chuyện hoài không muốn dứt. Hình như cô không có chồng, cái kiểu cô nói chuyện có thể đoán cô là người có một mình ên.
Đến nơi chú Năm đến hàng bán cá trước, không thấy "người ta" chú đi lòng vòng gian hàng bán đồ khô, nhưng chú không mua thứ gì rồi bước qua khu bán rau cải. Chú mua mấy trái dưa leo cùng một bó rau muống. Rau muống luộc thì chú biết cách làm không cần ai chỉ. Đảo quanh mấy vòng cũng không thấy "người ta", chú đến quầy trả tiền rồi bước ra. Hôm nay chú không mua cá, thằng con chú không thích ăn cá, hồi nhỏ nó ăn cá he mắc xương giờ thấy cá nó sợ. Chú vô tiệm bán thức ăn làm sẵn gần bên mua một phần canh chua tôm và một phần thịt sườn ram mang về. Chú Năm chợt thấy "người ta" bước vô chợ, chú đã đề máy xe nhưng lưỡng lự chưa muốn đi, chú tắt máy xe bước vô chợ.

Chú đi qua hàng đồ khô mua lung tung, đến hàng rau cải mua lung tung mặc dầu không biết mua về để làm gì. "Người ta" gặp chú mừng rỡ vui ra mặt, chú thì mừng trong bụng kiếm chuyện đi theo "người ta" hỏi nầy hỏi nọ hỏi kia. Chú nói hồi nãy chú qua tiệm "Food Togo" mua thịt sườn ram, thằng con tôi rất thích ăn món này. Cô Sáu nói dễ làm lắm để tôi chỉ anh làm. Chú Năm liền mua mấy pound thịt sườn non, "để tôi làm thử, làm không xong hôm nào cô đến nhà tôi chỉ tôi làm nhe".
Bước ra ngoài cô Sáu nói anh về trước, hôm nay tôi đi xe bus, không ai đưa đón.
- Nếu cô không ngại để tôi đưa cô về, nhà cô ở đâu?
Cô Sáu nhìn người đàn ông mới vừa quen, "thấy" ông ta có vẻ là người đàng hoàng tử tế.
- Tôi thì không ngại, chỉ sợ vợ ông ghen.
- Vợ tôi không ghen, nhưng con nhỏ con gái tôi ưa "ghen" dùm cho má nó. Tôi mà quen bà nào, nó theo dòm ngó, nhưng bữa nay nó có chồng đi ở xa rồi, mà giờ chắc lo giữ chồng không còn lo giữ ông già nữa.
Cô Sáu cười khúc khích đi theo chú Năm ra xe. Lúc đến ngã tư đèn đỏ, chú Năm chỉ căn nhà mái ngói đỏ xéo bên kia đường, "nhà có cây chanh phía trước là nhà tôi đó". Cô Sáu nói ở đây chanh sai trái thấy ham, giờ thấy cây chanh mới nhớ hồi nãy quên mua. Chú Năm nghe vậy quay đầu xe lại, nói vậy vô nhà tôi hái về ăn, khỏi mua.
Cô Sáu nhìn căn nhà to lớn nghĩ bụng vậy mà ở có hai cha con. Nhà em mình chút xíu ở bảy tám người lớn. Hái chanh xong chú Năm mời cô vô nhà chơi cho biết. Cô Sáu sẵn dịp chỉ chú Năm làm món sườn ram. Hai người vô bếp, cô Sáu để chú tự làm, cô đứng gần bên chỉ cách. Làm xong chú hâm cơm nguội mời cô sẵn dịp dùng bữa. Cô Sáu tự nhiên không khách sáo, hai người tâm đắc như là quen nhau từ thuở nào. Trong phòng ăn có treo tấm hình gia đình chụp hai vợ chồng cùng hai đứa con. Cô Sáu khen vợ anh đẹp quá. Chú Năm buồn bã nói vậy mà bả đành đoạn bỏ tôi đi. Chú chỉ về phía bàn thờ gần đó, bả ngồi đó hai năm rồi, phát bịnh có sáu tháng thì mất.
   
Lúc đưa cô Sáu về chú Năm hỏi xin số phone, để khi nấu nướng có cần gì gọi nhờ cô chỉ, hoặc là đi chợ chú qua nhà chở cô đi chung để cô "cố vấn" chú mua thứ gì, nấu món gì vừa nhanh vừa dễ nấu. Mỗi cuối tuần cô Sáu hay đi chợ trời, cô rủ chú Năm đi theo chơi cho biết. Cô thích vô đó mua trái cây và rau cải, vừa ngon lại vừa rẻ. Chú Năm đi theo coi người ta mua bán đồ cũ thấy cũng vui.
Cô Sáu là người dưới quê miền Tây, hồi nào tới giờ không có chồng sống với cha mẹ anh em. Cô mới vừa qua Mỹ, ở vào cái tuổi người ta chuẩn bị nghỉ hưu thì mình mọi việc chỉ ở khởi đầu. Nhưng cô không buồn, bằng lòng với cái "trời đã định" cho mình. Chú Năm goá vợ, mấy năm nay chú thình lình bị rơi vào một cơn hụt hẫng buồn hiu. Nhiều lúc ở nhà một mình chú chợt thèm có ai đó đi ra đi vào lảng vảng gần bên. Đi đó đi đây với người đàn bà vừa quen, chị này có gì cũng nói chú nghe, về nhà thấy nhớ  thấy trống trãi chỉ mong tới lúc được gặp.
Chú Năm tập cô Sáu lái xe cho  quen đường và không còn sợ. Mỗi ngày chú đến nhà cô đậu xe bên lề đường, vô ngồi trong xe của cô. Khi cô lái, có người ngồi kề  bên cô thấy tự tin hơn và không sợ. Chừng một tuần thì cô tự lái đi một mình, cô cám ơn chú Năm rối rít.
Rồi thì qua lại tới lui, mỗi khi đi chợ cô gọi chú Năm. Một tuần cô đi chợ ba lần, chợ trời mua rau cải trái cây, chợ thực phẩm Á Đông và Costco mua đồ linh tinh xài trong nhà. Chú Năm nhiều thì giờ rãnh rỗi, tình nguyện đưa đón cô đi đây đi đó chớ ở nhà một mình buồn thúi ruột. Cô Sáu trả công đến nhà chú tập chú nấu nướng, cô vui mà chú cũng vui, nấu xong hai người ngồi ăn như hai vợ chồng. Thằng con chú Năm thỉnh thoảng gặp ba nó dẫn đàn bà về nhà, nó nói với chị nó cở này ba có bồ.

Có lần cô Sáu kể chú Năm nghe, hồi lúc cô còn ở Việt Nam, lúc gần đi Mỹ có xuống Bạc Liêu chỗ ông cha Diệp cầu nguyện.
- Em cầu nguyện điều gì? (lúc này hai người xưng anh em).
Cô Sáu cười không nói nhưng cô kể:
- Bận về ghé vô chợ Cần Thơ nghỉ ăn trưa. Em đi vô chợ tính kiếm mua một ít trái cây, có một ông già ngồi coi bói, em đi ngang ổng nói cô ơi coi bói không cô, tôi thấy đường hậu vận cô tốt lắm. Em đi vô quán ăn suy nghĩ thấy ông tội nghiệp, trở ra cho ông một ít tiền. Ông cầm tay em nói cuối đời em sẽ gặp người tốt thương yêu lo cho em, em sẽ  không còn cô đơn cô độc một thân một mình nữa.
- Em có tin không?
Cô Sáu nhìn xa xăm đôi mắt mơ màng.
- Từng tuổi này mình đâu có mong  gì nữa, nhưng chuyện tình cảm nhiều khi tránh cũng không được.

Chú Năm trằn trọc không ngủ được, cứ nhớ đến lời cô Sáu nói ban chiều. Thấy thương cô quá! Nhiều lúc thấy tội nghiệp. Nhưng chú chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bước thêm bước nữa. Cuộc đời giờ chỉ lấy niềm vui bên con cháu.
Thằng con trai chú hơi khó tánh, trong nhà nó giữ ngăn nắp sạch sẽ. Nó là thằng con ngoan thương cha thương mẹ. Chú Năm hơi ngán nó, không hiểu sao chú cứ ngài ngại nó không đồng ý chú đi thêm bước nữa. Chú không dám dẫn cô Sáu về khi nào có nó ở nhà. Hồi còn trẻ đi chơi với bồ sợ cha mẹ la, giờ bảy chục tuổi không dám dẫn đàn bà về nhà... sợ con la.
Một buổi chiều lúc hai cha con ngồi ăn cơm, chú nói với nó:
- Con cũng biết hồi nào tới giờ ba rất thương cái gia đình này. Má con không may mất sớm, giờ ba chỉ còn hai con, ba cũng đã lớn tuổi  không còn sống  bao lâu, ba không muốn làm bất cứ điều gì khiến cho gia đình mình không vui, nếu hai con không thích ba sẽ ở vậy cho đến hết cuộc đời còn lại.
Thằng con nghe cha nói như vậy nó ứa nước mắt, tội nghiệp cha nó quá, thương cha nó quá.
- Con và chị con rất thương ba, hồi nhỏ con hay đòi mua cái này cái nọ mà không biết gia đình mình không khá giả gì. Lớn lên con hiểu chuyện thấy ngày đó mình thật là có lỗi. Giờ ba đã già, con không muốn đòi hỏi ở ba điều gì cả.  Từ lúc má chết, đôi lúc thấy ba cô đơn buồn bả con thương ba lắm mà không biết làm sao. Giờ nếu ba gặp được người nào vừa ý, con và chị con rất mừng, chúng con mong ba luôn vui và hạnh phúc trong những ngày cuối đời.
Thằng con trai khóc, ba nó cũng khóc.















Tuesday, August 6, 2019

DẠ MỘ KHÚC



 Thuyên Huy


Để nhớ HTN - người lẻ loi mang theo những gì muốn nói nhưng chưa nói được  xuống lòng mộ lạnh.



    Giữa tháng giêng, cuối hạ, buổi sáng, trời vẫn nắng như những ngày  đầu mùa, vài ba cơn gió bắc gay gắt nóng hậm hực tụ nhau về rồi lửng thửng bỏ đi không chào không hỏi, chủ nhật, nghĩa trang Altona vắng tanh, không bao nhiêu người thăm, dọc theo mấy hàng mộ bia, cùng kích thước vuông, lớn cở hai gang tay, cùng loại đá, đặt nằm thẳng, cách đều nhau, trên cái đồng cỏ xanh trải đầy xác hoa phượng tím , sâu hút phía trong cùng, lác đác đôi ba người đứng ngồi ở cuối đường. Ngồi đó lâu rồi, trước mộ, nói là mộ nhưng ở đây, mộ là những khoảnh đất xanh cỏ, bằng phẳng, tro cốt chôn bên dưới, chính giữa phía trên, người ta đặt một cái bình đựng hoa bằng sứ đen, mộ nào cũng như mộ nào, chỉ khác nhau ở chỗ là hàng chữ khắc trên bia và loại hoa cắm trong bình, Đạm chưa nói được trọn những gì mình muốn nói, hơn năm năm gặp lại nơi xứ người, cùng cảnh đời lẻ loi, vui buồn có nhau, vậy mà cuối cùng, ngày anh Huỳnh mất, Đạm đã không tiễn anh lần đi sau cùng, không như lần tiễn nhau tại một góc quán cà phê, ở chợ Nancy, đêm chờ khuya ra biển, hẹn ngày gặp lại, tay vuốt nhẹ mộ bia, khắc vỏn vẹn tên người và ngày sinh ngày chết, chợt dưng Đạm nức nghẹn, thì thầm, rấm rứt khóc “vậy mà em đã thất hẹn với anh rồi”. 

    Tuần trước, trưa thứ sáu, khi đến phụ anh điền một số giấy tờ, để tái xin trợ cấp tiền thuê nhà hàng tuần, nộp cho văn phòng “Nhà Cửa” của chính phủ tiểu bang, anh cho biết bệnh tình, từ tim tới phổi, từ đầu gối tới bàn chân, vốn đều trải qua hơn một lần giải phẩu, xem ra tệ hơn, mấy ngày nay anh trông rã rời, mệt mỏi và không đi đứng lâu được, cũng như thường ngày, hai anh em ngồi nhìn ra trời bên kia sông, nói qua hỏi lại chuyện chợ búa chuyện tin tức thường ngày, anh cười mà buồn rười rượi “không biết còn chịu được bao lâu nữa”, ra về, Đạm hẹn ngày mai, thứ bảy, đến cắt đám cỏ đã lên cao ở sân trước, rộng chừng đủ cho hai chiếc xe hơi đậu, lần này anh ngồi dựa vào tường nhìn theo, không còn đủ sức đứng lên ra tới cửa như mọi khi, đám bồ câu hoang chờ ăn thường ngày, không đủ kiên nhẩn, bỏ bay đi từ lâu vì cũng đã nhiều ngày, anh không rải gạo khô dư cho bọn chúng. Mây bất chợt kéo về xám xịch và chùng xuống thấp bên kia sông, trời có chút gió mát muộn, chắc sắp mưa, xe ra khỏi ngã tư đường, nhìn từ kính chiếu hậu, cửa nhà anh Huỳnh không thấy mở. 

    Đi loanh quanh tìm mua vài thứ lặt vặt, nhìn người qua kẻ lại ở khu thương mại gần nhà cho đở buồn, về đến nhà, nhận điện thoại của vợ chồng người bạn quen thân từ trên Wollongong kêu xuống, nhắn một hai lên gấp, giúp giùm ai đó một số giấy tờ để sáng thứ hai họ kịp ra tòa, tìm chuyến bay qua mạng điện tử, Đạm đi chuyến bay Jetstar sáng sớm thứ bảy vì vé hạ giá chuyến trễ trong ngày không còn nữa. Tối lại, Đạm gọi điện thoại cho anh Huỳnh biết không tới được ngày mai như đã hẹn, vì phải lên Sydney vài ngày, khi về lại sẽ cho anh hay và không quên nhắc anh nhớ uống đủ thuốc như thường lệ. Không như lấy lần trước, vì có một vài trục trặc, chờ xong xuôi, Đạm ở lại Wolongong thêm mấy ngày, trưa hôm về Melbourne, tới nhà, vội gọi điện thoại cho anh Huỳnh ngay mấy lần mà không được, nên gọi cho cô Hương, người đã sống gá nghĩa vợ chồng với anh một hai năm qua, cô có nhà riêng trên miệt Coburg, nhưng anh Huỳnh thường ở nhà mình, đi đi về về một tuần hai ba ngày, một căn vi la nhỏ đầu dãy trong khu nhà của chính phủ cấp cho người già cả ở Seddon,  Đạm gặp chị đôi ba lần, chuyện anh chị như thế nào, anh Huỳnh chưa lần nào nói tới, biết thì biết vậy thôi, Đạm cũng chưa lần hỏi, Đạm buột miệng, chết nghẹn “trời ơi” khi chị cho biết anh chết rạng sáng chủ nhật, trên đường từ nhà chị tới bệnh viện St Vincent, bỏ điện thoại xuống bàn, Đạm ngồi bất động, nhìn ra bên kia sông, theo nhau chút mây xám đong đưa hửng hờ xuống thấp rồi thật thấp, không khóc nhưng nước mắt cứ tuôn dài trên mặt. 

                                            *

     Hôm cùng thiếu tá Huỳnh, quận trưởng, đi qua bàn vài chuyện với bên quận Bình Lâm về, ngồi ăn trưa ở một quán cơm trong chợ quận Lạc Tánh, không mấy người qua người lại, chợ vắng tanh, lâu lâu mới thấy vài anh lính nghĩa quân, thượng có kinh có, súng khoát hờ trên vai, nhìn lên nhìn xuống, thả bộ tán gẫu về hướng chi khu, chim rừng đậu từng đám trên nóc gọi nhau ồn ào cả chợ, trời nắng và nắng nóng, cũng như thường lệ, từ ngày đổi về quận Tánh Linh, Bình Tuy, làm việc với thiếu tá Huỳnh sau tết, đầu năm 1974, cho tới giờ, ông ít khi nào hỏi han gì về chuyện hành chánh văn phòng, trừ khi cần có chữ ký của ông cho công văn nào đó, ký tên mà miệng lúc nào cũng bảo Đạm “mọi thứ ông phó cứ tự quyết định, không cần phải chờ tôi”, ông vui tánh và ít nói, bình dân, giúp người nên trong quận chẳng ai phiền hà than vản, lính tráng thì coi như con cháu anh em, lầm lỗi gì nặng lắm ông mới rầy rà chút đỉnh rồi thôi, không nhắc tới, trước đây không biết sao, an ninh trong cả quận giờ tạm gọi là khả quan, quân du kích thỉnh thoảng phối họp với quân chính quy Bắc việt đánh phá nhiều lần, nhất là sau mùa hè đỏ lửa nhưng chưa chiếm giữ được gì, lính quận, có chết có bị thương nhưng chưa đến nổi tản cư, hồi cư như mấy tỉnh cao nguyên, ăn xong, trên đường chở Đạm qua văn phòng quận, ông cười cười, nửa đùa nửa thật “tình hình này cả nước, xem ra cũng găng lắm chứ không dễ như mình tưởng đâu, thôi ông phó về Sài Gòn nghỉ phép vài ngày đi cho đở buồn”. 

    Đạm nhận chuông, đứng chờ ngoài cổng rào, thấy người lạ, cô con gái chừng khoảng mười chín hai mươi, khá đẹp, bước ra cửa nhìn rồi quay nói gì đó với ai trong nhà, ở một góc vườn trước, xác phượng rụng ngập đỏ bầm một khoảng sân, Sài Gòn bây giờ là những ngày cuối hè, cũng còn nghe tiếng ve nấn ná và rã mệt đâu đó, trời sắp giữa trưa, không nhiều nắng, cô gái chậm bước ra cổng gật đầu chào mời vào. Vào nhà, Đạm giới thiệu mình và trao lại lá thư của ông gởi cho gia đình, cầm lấy thư, bà thiếu tá Huỳnh hối hả gọi vào trong “ Nhã Quyên, Nhã Tuyền ơi, ra đây con chào anh Đạm nè, ông phó quận của ba ngoài Tánh Linh về đó”, bẽn lẽn ngồi xuống bên cạnh, bà thiếu tá nhìn hai cô con gái, cô lớn, Nhã Quyên, là cô ra mở cổng hồi nãy, tựu trường năm nay vào năm thứ nhất dược, cô nhỏ, Nhã Tuyền, lên đệ nhị ở Gia Long, bà hỏi Đạm đứ thứ chuyện, cười nói luôn miệng, từ ba mẹ dưới Mỹ Tho tới chuyện ngoài Tánh Linh, đầu câu cứ “một ông phó hai ông phó”, Đạm chỉ biết cười trừ, bỡ ngỡ lúc đầu, trước lạ sau quen, quen thân quen thiết hồi nào không ai biết, anh anh em em rộn ràng trong nhà vườn trước sân, sau đó, suốt hai ba ngày còn lại ở Sài Gòn, chiều nào Đạm cũng đến ăn cơm chiều với ba mẹ con bà thiếu tá Huỳnh như đã hứa. Buổi sáng, hôm trở lên Tánh Linh, hai chị em đưa Đạm ra tận bến xe, nhắc lần sau có về, nhớ đến nhà, ở lâu hơn lần này, xe rời bến, khuất cuối đường, nhìn lại sau, chợt dưng Đạm thấy lòng mình như có chút gì nhung nhung nhớ nhớ.

    Tình hình chiến trận xem ra có vẻ sôi động hơn trước, Bắc quân xe người, ùn ùn, rầm rập vượt đường mòn “HCM”, tràn qua tam biên, bủa vây kìm hảm cao nguyên, các tỉnh dọc biển còn có chút dễ thở hơn nhưng không biết được bao lâu. Buổi chiều, tại văn phòng quận, sau buổi họp nghe mấy anh trong ủy ban Phượng hoàng quận báo cáo tình hình “ta địch” xong, Đạm qua chi khu ăn cơm tối với thiếu tá Huỳnh, bây giờ là những ngày vào đông, trời lành lạnh mang theo hơi gió biển, đêm xuống mau hơn mọi khi, ngồi bên nhau, một lần nữa, thiếu tá Huỳnh cười cười, nhắc lại câu hỏi mà ông đã hỏi hôm Đạm từ Sài Gòn trở ra “ông phó thấy con Nhã Quyên thế nào, cũng được hả”, không đợi Đạm trả lời, ông gục gặt đầu tiếp “hy vọng mình còn làm việc chung ở đây lâu hơn, nếu không có gì trở ngại, có ngày nào đó mình cùng về Sài Gòn một chuyến, chắc là vui lắm”, hiểu ý ông, thêm một lần Đạm chợt nhớ Sài Gòn, Đạm không nói gì thêm ngoài tiếng “dạ” rất nhẹ. Có tiếng súng nổ liên hồi phía cuối hàng rào phòng thủ chi khu, tiếng chân người dồn dập chạy tới chạy lui ngoài cổng, anh lính cận vệ quen, tay cầm súng, mặt đăm đăm đẩy cửa vào cho biết chi khu bị tấn công rồi đứng yên chờ lệnh, thiếu tá Huỳnh đứng dậy, anh lính đưa khẩu súng M16 cho Đạm, ba người bước nhanh ra ngoài, rồi mất dạng giữa tốp lính địa phương quân, nghĩa quân chừng mười mấy người súng ống chờ tự nãy giờ, có tiếng đạn pháo kích của quân Bắc việt rớt đâu đó phía bên phố chợ,  súng nổ nhiều và nghe gần hơn, lửa cháy lập lòe trong màn đêm tối đen và đen thăm thẳm. 

     Cuối tháng ba, những ngày giữa tháng tư năm 1975, vùng Một, rồi vùng Hai, các tỉnh cao nguyên, tới Phú Yên, Qui Nhơn Khánh Hòa, xuống Ninh Thuận lần lượt bỏ trống vào tay quân Bắc việt, Bình Tuy cũng không khá hơn, đường quốc lộ Một về Sài Gòn bị cắt đứt, người hàng hàng lớp lớp chạy giặc tràn xuống ngả Hàm Tân ra biển xuôi Nam. Theo dòng người, bằng đường bộ thiếu tá Huỳnh, Đạm cùng một số sĩ quan trẻ của chi khu, bỏ Tánh Linh đi, xuống tới Hàm Tân giữa khuya đêm trước ngày có lệnh buông súng đầu hàng từ Sài Gòn, bờ biển Hàm Tân người đông như kiến, ghe tàu đánh cá đèn tối mù mờ cả một vùng, chiếc nào chiếc nấy đầy ắp, lính tráng dân thường, trẻ già lớn bé, chòng chành sóng vỗ chen nhau bỏ bờ ra khơi, người còn lại trên đường gọi nhau nhắn nhau ơi ới, át cả tiếng súng tiếng đạn đại bác từng chập dọa nạt đuổi theo, cứ vậy lẳng lặng nhấp nhô trên sóng biển âm u. Quá giữa khuya, trời bổng dưng nổi gió, gió gào gió thét, mây đen một màu ma quái, mưa bất chợt trút xuống như thác, bão nổi lên gầm gừ, che kín người và nước, người nhìn người, hớt hãi lo sợ, đoàn tàu nối nhau cố bám sát dọc theo bờ, vì chở quá đông, nhiều chiếc đã lật ngang, lật úp, mất hút giữa những con sóng cao hơn nhà, chiếc có thiếu tá Huỳnh và Đạm, không may đã cùng chung số phận trong đám tàu đó, tàu họ chìm, người chìm theo, người còn lại từ các chiếc tàu khác muốn cứu cũng không làm sao mà cứu, biển cứ lồng lộng đen ngòm, nhìn lại, thở dài, đoàn ghe tàu cứ đi, trời vẫn mưa, bão vẫn vậy cho tới rạng sáng. Đạm nằm bất tỉnh trên tấm ván nắp đậy hầm chứa cá nhấp nhô ẩn hiện, được một chiếc ghe nhỏ, hư hết một máy, chở ít người, lẻ loi phía sau cứu, có phần muộn nhưng cuối cùng cũng tấp vào được bờ Long Hải, Phước Tuy, rạng sáng ngày 30 tháng 4, đành thôi, ngồi thừ người trên bải cát, nhìn ra biển nước mênh mông, nước mắt mặn pha chút nước biển trên môi, tim đau nhói, Đạm rươm rướm khóc “thiếu tá ơi thiếu tá”. 

                                                    *

    Đem mớ bánh ba-tê-sô giao cho tiệm cà phê quen ngay góc đường như mỗi sáng xong, đẩy cái xe đạp cũ, người dì họ cho mượn làm chân, có mà chạy đi chạy lại kiếm sống chờ thời, xuống lề đường, sau ngày ở tù về, ở Mỹ Tho bị làng xã hạch hỏi dòm ngó quá, nên bỏ lên Sài Gòn tìm chốn dung thân, mặc dù phải rày đây mai đó, lang thang bến xe bến tàu, may gặp lại chị Trang, có sạp bán vải trên đường Lê Lợi trước đây, vốn quen nhau vì là khách hàng thường xuyên trong những ngày còn đi học, giờ chị mở tiệm làm bánh ngọt Tây tại nhà, ở cuối hẽm ngã tư Cao Thắng - Phan Thanh Giản, nhận làm người đi giao bánh cho mấy tiệm cà phê còn mở cửa, nên tạm yên thân, có chút đồng ra đồng vô, bữa cơm bữa bánh mì, cũng cảm thấy hạnh phúc lắm rồi, đội cái nón kết xám bạc màu lên, định đạp đi thì chiếc xích lô trờ tới bỏ khách xuống chặn ngang, Đạm cầm ghi đông chờ, người đạp xe xích lô giở nón khỏi mặt nhìn lên nhỏ nhẹ “cám ơn”, Đạm buông xe đạp ngã xuống đường, cùng lúc cả hai, há hốc buột miệng “thiếu tá, ông phó”, Đạm nắm tay thiếu tá Huỳnh, hai người ngồi đại xuống bờ lề xi măng, nghèn nghẹn. 

    Đêm tàu chìm, thiếu tá Huỳnh được một chiếc tàu khác, chở không đông người lắm, lính nhiều hơn dân, cứu lên, nhưng không may, chiếc này máy bị hư sau đó, thả lềnh bềnh ngược chiều gió bão cuốn trôi tấp vào bờ Phước Tỉnh chiều 30 tháng 4, ngồi thở dốc trên đám cát phủ màu rong úa, nhìn ra xa chập chùng biển dữ, thiếu tá Huỳnh thì thầm “ông phó ơi ông phó”, nhờ nhà này miếng cơm nhà kia miếng cháo, mấy ngày sau, thiếu tá Huỳnh quá giang đám xe hàng từ miền trung vào về đến Sài Gòn, căn nhà vẫn còn, cả nhà ôm nhau, đóng cửa kín lại khóc ròng, khóc mà sợ người bên hàng xóm nghe. Trước ngày có lệnh gọi công chức quân nhân VNCH trình diện, tập trung đi tù, tình hình phường khóm vẫn còn nhập nhằng mới cũ, nên chưa đến nổi cùng đường, bà thiếu tá thay chồng, chạy về Long An, gặp người bạn cũ, cùng dạy ở trường tiểu học Mộc Hóa trước khi bà nghỉ dạy, có chồng cũng là sĩ quan làm việc dưới tiểu khu Sa Đéc, hỏi thăm liệu còn đường nào ra đi không, lên xuống vài lần, cả gia đình thiếu tá Huỳnh quyết định theo vợ chồng người bạn cô giáo đi chuyến tàu của người em bà con của bà này ở Trà Vinh. 

    Ngày đi, chạng vạng chiều, từng nhóm nhỏ được mấy người tổ chức đón từ một số nhà tạm trốn quanh chợ Trà Vinh, đưa xuống tàu trót lọt, trong đó có nhóm bà thiếu tá Huỳnh, hai cô con gái và bà bạn cô giáo, xui xẻo đi sau cùng, chiếc xe lam chở nhóm thiếu tá Huỳnh, người chồng cô giáo bạn và ba người thanh niên khác, bị đám công an đi đâu đó về ngang chận xét hỏi, rồi đem về nhà tù tỉnh nhốt vì tội vượt biên, dưới bải biển, đêm xuống tối mịt, chờ cũng đã lâu, sợ bị bể, nên tàu lớn đành phải ra khơi, có người khóc có người than, có người lâm râm cầu nguyện, trời vẫn đen một màu đen rùng rợn. Hơn một ngày đêm ròng rã trên biển nước mênh mông, sườn phía hông tàu sau bị nứt, dây kéo máy bơm cũng bị đứt, máy nóng quá không chạy được nữa, tàu quay vòng loanh quanh, nhấp nhô hụp lặn, nước bắt đầu vô ngập các hầm khoan dưới, người lôi kéo nhau lên sàn, la hét, tàu bể ra, gần một trăm, ai nấy gào khóc, bám víu cái gì cứ bám để mà sống nhưng không ai biết sẽ kéo dài bao lâu giữa biển cả mênh mông, sóng phủ sóng chập chùng, từng người một xa nhau dần và trời lặng thinh, đâu đó chút mây tan, rớt xuống vài ba vạt ánh trăng thiểu nảo, cũng may, một số người chừng mười mấy, còn bập bềnh trên nước được chiếc tàu chở hàng lớn Nhật, trên đường từ Tân Gia Ba về ngang, cứu lên đưa về tạm trú ở Okinawa. 

    Sau gần ba tháng tù, nhờ có mớ giấy tờ giả, hai người, chồng cô giáo và thiếu tá Huỳnh được thả, về Sài Gòn thì căn nhà của ông đã bị tịch thu làm trụ sở ủy ban nhân dân phường, vợ con chưa biết đi đứng ra sao, không thể về quê cũ vì ở đó ai cũng biết ông, đầu đường xó chợ vài ngày, ông đành tìm tới nhà trung sĩ Thưởng ở bên Rạch Cát, người tài xế theo ông từ ngày còn ở tiểu đoàn, trung sĩ Thưởng cũng cùng đi với ông bỏ Tánh Linh, nhưng lạc mất nhau không biết khi nào, vợ chồng trung sĩ Thưởng mừng rơi nước mắt, một “ông thầy hai ông thầy”, vợ chồng nhờ “ăn chia ăn chịu” gì đó với đám phường khóm trong việc buôn bán chợ trời, trung sĩ Thưởng chạy chọt cho thiếu tá Huỳnh tạm có tên trong sổ hộ khẩu, cơm nước tuy không nhiều nhưng họ lo mọi thứ, không lâu, ông quyết định đi đạp xich lô, dù cho vợ chồng trung sĩ Thưởng cản ngăn ngày này qua ngày nọ.

    Thiếu tá Huỳnh, ngưng ở đó, lấy khăn lau chút mồ hôi của nắng Sài Gòn vừa lên, nhìn mông lung, dường như muốn nói thêm nhưng lại thôi, ông nhìn Đạm chờ, cũng như ông, anh kể lại chuyện đêm chìm tàu và những ngày “ăn bờ ngủ bụi” sau ngày ở tù về, bổng dưng nhớ lại, Đạm chợt buột miệng hỏi “còn bà và hai cô”, thiếu tá Huỳnh bóp chặt hai bàn tay, nghiến môi “còn đâu nữa mà hỏi, chết giữa biển rồi”, hai người bật khóc, đám bộ đội mặt mày trắng bạch thiếu nắng, ngồi trên chiếc xe jeep cũ của cảnh sát VNCH chạy ngang qua, quay đầu lại nhìn, nói với nhau gì đó.

    Những ngày sau đó, cứ hai ba hôm, chiều chiều, Đạm đạp xe đạp qua thăm thiếu tá Huỳnh bên Rạch Cát, gặp lại Đạm trung sĩ Thưởng mừng mà muốn khóc, nhắc hoài chuyện cũ, qua anh, Đạm mới biết là bà thiếu tá và Nhã Quyên, Nhã Tuyền đã chết ngoài biển đêm vượt biên, tin do người bạn cô giáo, viết thư cho chồng là người sĩ quan bị bắt và nhốt cùng khám ở Trà Vinh biết, bà là một trong mười mấy người được tàu hàng vớt đưa về Nhật. Đêm cuối tháng ba, gần sáu bảy tháng sau, Đạm đưa thiếu tá Huỳnh cùng gia đình anh trung sĩ Thưởng vượt biên, ngồi bên ông lần sau cùng, giọt cà phê cuối cùng không ai cạn, bỏ lửng, tiễn nhau hy vọng có ngày gặp lại đâu đó nếu trời còn thương.

                                              *

      Đạm không ngăn được nước mắt khi gặp lại thiếu tá Huỳnh ở chùa Quang Minh, hôm theo anh bạn tới đó ăn cơm chay cho biết, sau lễ cầu siêu, không hỏi Đạm cũng đã biết lý do, không ai ngờ được, mừng không biết là bao nhiêu, chuyện trước chuyện sau rưng rưng, cũng như lần hai người ngồi bên lề đường Phan Thanh Giản năm xưa, hỏi nhau nói nhau không hết, ông hiện sống một mình và ở cũng gần đây. Đạm đưa ông về, nhà ông ở là một căn vi la nhỏ trong dãy nhà chính phủ cất dành cho người già, ông ở thui thủi một mình, sống nhờ vào tiền trợ cấp, trong nhà trống trơn, chỉ có cái giường ngủ, cái tủ gỗ cũ nứt nẻ vài chỗ, cái bàn viết nhỏ kê bên cửa sổ ngó ra đường, ba bốn cái ghế ngồi, không cái nào giống cái nào, cũng rách bươm không thua bộ sa lông bằng vải đen bạc màu, dán băng keo đầu này đầu kia, chằng chịt, ngồi lõm xuống tận đáy và cái tủ lạnh nhỏ, đứng khiêm nhượng trong nhà bếp, trên đầu tủ, là bàn thờ nhỏ, tấm hình bà và hai cô con gái đen trắng để sau lưng cái ly làm lư hương, bên cạnh là bình bông đen, ít khi thấy hoa tươi, vậy đó, ông lặng lẽ ra vào, theo tháng ngày quanh quẩn, nhưng chưa thấy ông buồn và than phiền gì cả, thiếu tá Huỳnh, xuất thân từ sĩ quan thời Pháp, tiếng Pháp khỏi nói nhưng không nói được tiếng Anh nhiều, nhưng vẫn hỏi thăm hỏi lom được ông già Bill nhà bên cạnh bằng “ngôn ngữ tay chân” sáng nắng trong chiều mưa xám. Bạn bè, cựu sĩ quan có, bác sĩ dược sĩ có, công chức cũ có cũng đến thăm đôi ba lần, nhưng ai nấy còn lo phần mình, không thường trở lại, năm khi mười họa mới tạt ngang. 

    Tháng ngày sau đó, cũng đơn độc như ông, hể tới cuối tuần, thứ bảy chủ nhật là Đạm tới, nhà ông, so tuổi tác thì thiếu tá Huỳnh lớn như cha nhưng quen rồi, Đạm cứ gọi là anh, khi thì mang theo mớ đồ ăn mua ở chợ mình, khi thì đem bánh ngọt của ai đó ở chỗ làm cho đến, hai người chia nhau ăn chút cho vui, thỉnh thoảng cũng ra chợ ăn phở này phở kia, với chút tiền còn dư lại trong tuần, cứ như vậy anh em an ủi nhau, chia sẻ buồn vui ngọt bùi của đời người nơi xứ lạ, ngày thường, khi cần đi ngân hàng, bệnh viện hay văn phòng chính phủ về chuyện gì đó, ông gọi một tiếng, Đạm tạm bỏ sở làm, vài tiếng đồng hồ đến đưa ông đi làm ngay. Ông hút thuốc nhiều, Đạm không dám cản, còn gì khác hơn đâu, một hôm ông bị nghẽn tim, ngã quỵ trong nhà, xe cứu thương hụ còi chở ông vào bệnh viện, suốt mười ngày trong đó, chiều nào Đạm cũng vô thăm ở tới khuya, bệnh khỏi về lại nhà, ông bỏ thuốc, chưa xong lại phải trở vào vì cứ khó thở hoài, giờ sang qua tới phổi, cuối cùng, tim phổi được giải phẩu hai ba lần, thuốc uống cả chục thứ đủ loại mỗi ngày, trời còn thương, những lần tái khám sau đó, bác sĩ cho biết bệnh không còn đáng ngại nữa, ông xem ra khỏe và tươi tắn hơn trước. Chừng nửa năm sau, không biết ở đâu và làm thế nào, ông quen với cô Hương, góa chồng, người gá nghĩa vợ chồng với ông, cô có hai ba người con, đã lớn, đã lập gia đình ở riêng, cô còn đi làm ở một công ty may mặc đồ mẫu, không giàu nhưng tạm dư giả, Đạm mừng cho ông, ít ra cũng còn chút gì vui mà sống, ông không ở với cô mà vẫn ở nhà mình, đi về hai ba ngày trong tuần. Chuyện ông với cô Hương, Đạm chưa bao giờ nhắc tới, coi như biết rồi, chỉ có một lần, trưa chủ nhật, trời mưa lớn, bây giờ là những ngày lập đông, gió lạnh thật lạnh, loay hoay nấu mì ăn, Đạm vô ý hỏi sao ông không về ở trên đó với cô Hương cho khỏe, ông cười lắc đầu “dù sao trên đó cũng là nhà của người ta, nhà mình dù nghèo nhưng là của mình”.

                                                   *

    Trời chớm thu, khắp nghĩa trang Altona, đường ngoài đường trong cây trở mình rụng lá, sáng chủ nhật, vắng người, đâu đó đôi ba con bướm lẻ bạn, ngập ngừng vờn quanh mấy chiếc lá rụng sớm, lả tả bay theo chiều gió hắt hiu, man mác lạnh, ngồi chờ người phụ trách việc chăm sóc mộ phần như đã có hẹn từ tuần trước, sau khi có sự đồng ý của ông giám đốc, Đạm đặt tấm hình chụp gia đình thiếu tá Huỳnh, tấm hình tìm ra được từ trong xấp hồ sơ bệnh tình của ông mà anh còn giữ, trên tấm mộ bia, giữa khoảnh cỏ, chết lặng. Phần giữa mộ được đào lên, trống một khoảng, cầm cái hủ đựng tro cốt thiếu tá Huỳnh lên đưa cho Đạm, người làm của nghĩa trang đứng thụt lùi lại phía sau chờ, Đạm xếp tấm hình bỏ vào, mân mê một hồi lâu rồi đặt xuống, người làm của nghĩa trang từ nãy giờ lẳng lặng chờ, giờ cũng lẳng lặng lấp đất lại, không nói tiếng nào, mặt buồn xo. Một chút nắng rực lên phía trên đồi, trời hâm hấp giữa trưa, người thăm mộ bắt đầu đông dần, có tiếng ai đó đọc kinh lâm râm và tiếng ai đó khóc nho nhỏ ở mấy hàng mộ gần bên, cắm bó hoa chi chit nhỏ vàng, không biết tên, mua từ sạp bán hoa ngoài cổng vào bình, nước mắt chảy dài xuống mặt, Đạm nghèn nghẹn khóc theo “thôi em về, hẹn anh lần tới, em nói cho anh nghe nhiều hơn chuyện em chưa kịp nói về cái tên Nhã Quyên”.



Thuyên Huy

Đầu mùa thu 2017

Mượn chút phần đời của một người có thật, tình tiết, bối cảnh và những gì còn lại của chuyện được viết bằng tưởng tượng


 (Ảnh: Từ Google)



------------


Nguồn: hoainiemtayninh.blogspot.com