Monday, August 26, 2019


 TRẦN ĐÌNH SƠN - NGƯỜI NỐI QUÁ KHỨ VỚI HIỆN TẠI



Trần Đình Sơn là một nhà cổ học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là các triều hậu Lê, Trịnh-Nguyễn. Ông còn là nhà nghiên cứu Phật học và là một cư sĩ đạo tâm.

Tình bạn vong niên và niềm đam mê chung với cổ vật

Trần Đình Sơn từ tuổi niên thiếu đã say mê cổ vật, và khi trưởng thành, niềm say mê ấy đưa ông đến với thế giới của "người xưa" như một tri âm, tri kỷ.
Năm 1968, khi vào Sài Gòn học lúc 18 tuổi, Trần Đình Sơn gặp và mau chóng được lòng cụ Vương Hồng Sển, trở thành người bạn vong niên "ruột" của cụ. Tình bạn thâm giao này được xem là hy hữu này trong giới cổ ngoạn Sài Gòn thuở ấy.
Lúc mới chuyển từ Huế vào Sài Gòn, theo học Đại học Luật, lần đầu tiên Trần Đình Sơn tìm đến Vân Đường Phủ, mang theo hai cổ vật gia bảo để ra mắt cụ Vương Hồng Sển. Ông kể lúc đầu mới gặp, cụ tưởng ông mang đồ cổ đến gạ bán nên chỉ hỏi giá cả để mua chứ không trao đổi giải thích nhiều. Thất vọng và cảm thấy bị xem thường, trước khi từ giã, ông thưa với cụ: "Cháu nghĩ cụ có đôi mắt ngọc để phân biệt đồ xưa vật quý nhưng rất tiếc cụ không xem được người". Tưởng nói cho đã rồi một đi không quay lại, ai ngờ chính câu nói của đứa học trò xứ Huế lúc đó đã làm cho vị học giả cao niên ngạc nhiên rồi thay đổi thái độ và giữ ông lại để tâm tình.


Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn. Ảnh: HH

Từ đó về sau, ông thường lui tới thăm viếng để cụ hướng dẫn cho kinh nghiệm thực tế về đồ cổ, bổ sung kiến thức về phong tục tập quán của người dân miền Nam... Ngược lại, Trần Đình Sơn thỉnh thoảng giải thích cho cụ phong tục tập quán ở Huế, lễ nghi triều đình, nếp sống của những gia đình quyền quý xưa hoặc đọc giúp một vài niên hiệu, câu thơ trên đồ sứ cổ.
Giao tình một trẻ một già cách nhau gần 40 năm, nay ông nghiệm lại thấy nhân duyên ấy lâu dài cũng nhờ cụ Vương có mắt nhìn người, có tấm lòng muốn truyền trao cho lớp hậu sinh những điều tâm đắc về cổ ngoạn, đặc biệt là đồ sứ thời Lê Nguyễn.
Cổ vật thuộc về thế giới của "người xưa", ẩn chứa nhiều thông điệp vượt thời gian, không phải ai cũng có thể cảm nhận và  hiểu, nhưng ở Trần Đình Sơn dường như có mối giao cảm đặc biệt. Dưới lớp men sứ hay hình vẽ trên cổ vật, ông "đọc" hay giải mã được nhiều điều kỳ thú.
Cổ vật nói chung bao gồm nhiều thể loại, thời đại, xuất xứ... khác nhau, ông phân tích. Rất khó có người am hiểu sâu sắc được nhiều lãnh vực. Ông tự nhận mình chỉ có duyên với loại đồ sứ ký kiểu thời Lê Nguyễn, đơn giản vì được sinh trưởng tại cố đô Huế, được nuôi dưỡng trong môi trường đậm đặc chất liệu cổ điển, tuổi thiếu niên thường rong chơi trong cố cung, lăng tẩm, chùa chiền... Thời đó triều Nguyễn mới cáo chung nên trong các di tích, vẫn còn rất nhiều cổ vật trang trí.
Nếp sống của người Huế còn giữ gìn kiểu cách xưa của ông bà. Chính những con người "tiền triều" đó đã chỉ dạy giải thích cho Trần Đình Sơn nhiều điều về Huế thuở vàng son. Nay nghiệm lại ông thấy chính những bài học truyền khẩu đã giúp cho mình giao cảm được với người muôn năm cũ, nhập tâm để có thể giải mã được những điều kỳ thú ẩn chứa trong cổ vật.
Đi tìm những nét đẹp trong phong tục của người xưa
Chọn "Những nét đan thanh" làm đề tài cho cuốn sách đầu tay về cổ vật, cũng như một triển lãm chuyên về đồ uống trà của người Việt nhiều thế kỷ trước, ông muốn giới thiệu đến những người ham thích cổ ngoạn những điển tích, thơ văn thường gặp trên các loại hình đồ cổ. Điều  đó giúp cho họ có căn bản, hứng thú để tiến xa hơn.
Bản thân ông bước đầu sưu tầm đồ cổ cũng được cụ Vương Hồng Sển hướng dẫn và khích lệ nhiều về thú chơi chén dĩa trà ký kiểu. Ông góp nhặt thành một bộ sưu tập tương đối phong phú, mang một không khí "trà đạo" Việt thanh thoát, tinh tế thấm đẫm chất thiền của những nho sĩ, ẩn sĩ đạt tới cảnh giới của sự thanh bình.
Tự nhận "biết mình không có tài hoa để sáng tác thơ văn", nhưng tập tản mạn "Cao Sơn lưu thủy ngộ tri âm"của ông lại nặng lòng cố sự, có nhiều cảm xúc trước cảnh "vật đổi sao dời", phác họa những thú vui tao nhã, những nét văn hóa phong tục xưa... với chất "văn" rất đẹp trong câu chữ.  Ngoài những tác phẩm chuyên đề về cổ ngoạn, ông cũng cộng tác với một số tạp chí để công bố những bài nghiên cứu về lịch sử, mỹ thuật, tín ngưỡng hay những tạp văn ngẫu hứng. Cứ một, hai năm gom lại in thành một tuyển tập.
Năm 2009, Trần Đình Sơn lại cho ra mắt cuốn sách gây chú ý và ấn tượng trong giới nghiên cứu cổ vật văn hóa nghệ thuật VN - "Thưởng ngoạn đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn 1802-1945". Cả một triều đại thịnh - suy, văn hóa ẩm thực cung đình, phong cách trang trí nội thất, thư phòng trong cung vua, phủ chúa và cả giới bình dân qua hình ảnh những đồ sứ cổ được ông giải mã.
Điều ông tâm đắc nhất là công bố việc phát hiện những bài thơ Nôm độc đáo của vua Gia Long. Những món đồ sứ sản xuất tại Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Đức thông qua con đường truyền giáo và thương mại đã đi vào cung đình Huế. Điều đó giúp cho chúng ta hiểu thêm về tâm tình của vị vua khai sáng triều Nguyễn, chứng minh sự giao lưu văn hóa mỹ thuật của nước ta với các nước phương Tây. Triều đình không chỉ gửi kiểu đặt làm đồ sứ bên Trung Quốc mà còn đặt làm đồ sứ ở các nước châu Âu.
Nặng lòng với Thăng Long
Là Phó ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo VN, đặc trách nghiên cứu về văn hóa - lịch sử, kiến trúc Phật giáo, trong buổi nói chuyện tại Viện Goethe ở Paris tháng 4-2004 do Hội thân hữu Pháp - Việt mời, ông đã nêu lên những "nghi vấn" về cổ vật phát lộ trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long liên quan tới "cổ tự" - chùa trong hoàng cung. Ông cho biết, Lý Công Uẩn được nhà chùa nuôi dưỡng từ thuở thơ ấu, khôn lớn lại may mắn được các bậc cao tăng đương thời rèn luyện, dạy dỗ, đặc biệt là Thiền sư Vạn Hạnh. Do đó khi khai sáng triều Lý, ông xác lập một triều đại quân chủ Phật giáo để định hướng xây dựng, phát triển đất nước theo tư tưởng Phật giáo.
Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa xã hội, nhà vua cho xây dựng nhiều chùa tháp to lớn tại kinh đô Thăng Long và khắp các địa phương. Nhờ đó dần dần hình thành nếp sống, tình cảm tốt đẹp trong quần chúng mang đậm sắc thái văn hóa Việtkhác với văn hóa Trung Quốc bị chi phối nặng nề bởi tư tưởng Tống Nho. Rất tiếc việc làm theo lý tưởng vì hạnh phúc của số đông, lấy nguyện vọng của quần chúng làm nguyện vọng của mình của vị quân vương về sau bị các Nho sỹ đứng trên lập trường Nho giáo thiển cận phê phán.
Sử quan Lê Văn Hưu viết trong "Đại Việt sử ký toàn thư" rằng: "Ngay sau khi lên ngôi, và dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã hạ chiếu xây dựng tám cảnh chùa ở phủ Thiên Đức. Trong Hoàng thành lập chùa Hưng Thiên, ngoài thành lập chùa Thắng Nghiêm". Như vậy kinh đô Thăng Long từ thời đầu đã có nhiều chùa chiền to lớn". Nếu đối chiều các cổ vật bằng đá, đất nung... được khai quật, phát hiện trước đây tại các di tích Phật giáo thời Lý - Trần với các hiện vật được khai quật khảo cổ trong phạm vi Hoàng thành Thăng Long năm 2002-2003 thì thấy chúng rất giống nhau về chất liệu, biểu tượng, hoa văn trang trí chứng tỏ thời Lý - Trần cung điện và chùa chiền được triều đình chủ trương xây dựng quy mô lớn như nhau.
Điều này khiến cho sứ thần Lê Văn Hưu từng nhận xét: "Lý Thái Tổ lên ngôi mới được hai năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám ngôi chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm Tăng sỹ hơn một ngàn người ở Kinh Đô... Thái Tổ làm gương như thế chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa bằng đá, điện thờ Phật lộng lẫy hơn cung vua".
Nhờ cuộc khai quật khảo cổ học năm 2002-2003, chúng ta may mắn tiếp cận được nhiều loại hình cổ vật qua các triều  đại. Nhìn ngắm di sản của tiền nhân truyền lại, ông không khỏi trăn trở:
* Làm sao khôi phục được An Nam tứ đại khí, từng là niềm hãnh diện của dân tộc, biểu tượng của văn hóa mỹ thuật Đại Việt đã bị giặc phương Bắc, phương Tây xâm lăng phá hoại: tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh.
* Làm sao giải mã được ý nghĩa chính xác các biểu tượng, hoa văn, văn tự... trên các loại hình cổ vật đã được khai quật để chúng ta hiểu được định hướng của tổ tiên trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt .
* Tại sao những thành tựu về kiến trúc, mỹ thuật trang trí trải qua các triều đại độc lập tự chủ Lý, Trần, Lê càng ngày càng bị mai một. Hoặc nếu gần đây được trùng tu tôn tạo cũng dần dần lai tạp trở thành "nửa ta nửa Tàu" hoặc "nửa Tây nửa ta" mà nếu không kịp thời chấn chỉnh, có thể đất nước chúng ta đang bị xâm lăng văn hóa mặc dù nhiều người vẫn hô hào trở về với truyền thống dân tộc!
Tủ sách - niềm tự hào của gia đình ông. Ảnh: HH
Vật sẽ tìm đến với người ưa thích
Trần Đình Sơn sinh ra trong một gia đình "danh gia vọng tộc" ở Huế, ông cố là Trần Đình Bá, Phó bảng, Tổng đốc Nghệ An, Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn, rất ham mê sách nên đã để lại gia tài cho người cháu nội đời thứ 3 là tủ sách Phước Trang nổi tiếng thời bấy giờ. Kho sách tại gia nổi tiếng ở TP.HCM hiện thời với những cuốn sách Hán Nôm và sách quốc ngữ, ngoại ngữ .
"Kho sách" tại gia của ông với hơn 7.000 cuốn toàn sách quý hiếm rất nổi tiếng ở TP.HCM, song ông cho rằng ở thành phố này còn nhiều tủ sách gia đình quý hiếm, phong phú hơn nữa, nhưng có thể vì nhiều lý do mà chủ nhân chưa chịu trình làng khiến ít người biết. Riêng tủ sách của gia đình ông có nhiều tài liệu lịch sử, văn học, tôn giáo bằng chữ Hán Nôm của tiền nhân để lại. Cụ Vương Hồng Sển cũng tặng ông thêm một số sách quý hiếm thời Đông Dương.
Trần Đình Sơn không được đào tạo chuyên ngành Hán Nôm, mà chỉ theo truyền thống gia đình học hỏi và ham mê từ thưở nhỏ. Sau này ông học thêm qua thơ văn trên đồ sứ cổ hoặc một các bản kinh sách Phật giáo. Ngày nay ngôn ngữ đó cũng là một thứ "cổ vật" - phi vật thể, rất ít người còn ham mê theo đuổi, do đó ông ước mong di sản Hán Nôm của tiền nhân để lại được phiên dịch càng nhiều càng tốt, giúp cho các thế hệ trẻ tìm hiểu lịch sử, văn hóa truyền thống đầy đủ, chính xác hơn.
Là người có tín ngưỡng Phật giáo, ông tin tưởng điều gì đủ nhân, duyên thì sẽ được thành tựu. Ông thường nói với các bạn trẻ rằng: người xưa có dạy "vật thường tìm đến với người ưa thích nó", thế nên ai chú ý sưu tầm các loại cổ vật Việt Nam, tìm hiểu đến nơi đến chốn sẽ phát hiện được những thông điệp của người xưa gửi gắm qua thơ văn, điển tích thể hiện trên các vật dụng sinh hoạt, bổ sung cho việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa nước nhà.

Hoài Hương (Tuần Việt Nam)

No comments:

Post a Comment