Monday, April 18, 2016

NGUYỄN XUÂN QUANG


ĐÊM TRĂNG XUÂN UỐNG RƯỢU
TRÊN VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH


                                                                                             Tặng Mai Thảo



Ra đến phi trường Bắc Kinh, Nguyễn và đám du khách đồng hành bật ngữa người ra. Phi cơ bọn chàng đi Hồng Kông đã cất cánh từ hồi sáng rồi. Nhân viên Nha Trung Hoa Quốc Tế Du Lịch Vụ CITS ( China International Travel Service) cho biết bọn chàng bị "mắc cạn" lại Bắc Kinh ít nhất là một ngày. Chuyến bay sắp tới sớm nhất ngày mai mới có. Bọn chàng có thể sẽ phải xé lẻ ra đi từng nhóm nhỏ. Hy vọng có đủ chuyến bay để cả bọn đi được hết ngày hôm sau. Mấy tên Mỹ mặt vốn đã được dân da đỏ con cháu Mông Cổ gọi là bọn mặt "bệch" (pale face) bây giờ trông lại càng thấy nhợt nhạt thêm hơn giữa đám dân da vàng con cháu họ hàng Mông cổ ở đây.
Nha Trung Hoa Quốc Tế Du Lịch Vụ nhận lỗi rất quân tử Tàu. Họ thú lỗi là do nhân viên đảm trách đọc lộn giờ bay. Phát ngôn viên không nói dối quanh, không đổ thừa vì thời tiết nên không có chuyến bay. Ông ta lịch sự, nhã nhặn xin lỗi vì sự sơ xuất ngoài ý muốn này và bảo rằng trong cái xui biết đâu chẳng có cái may. Ông ta xổ nho "Khổng Tử viết" và diện dẫn điển tích Trung Hoa chuyện "Tái ông thất mã" để an ủi mọi người . Ông nói biết đâu trong những giờ kẹt lại Bắc Kinh quý vị lại có dịp được thấy thêm những cái thực, những cái đẹp hiếm có của Trung Quốc mà những du khách khác không bao giờ được thưởng ngoạn. Nha du lịch hứa giúp đám du khách Nguyễn sẽ được hưởng những  tiện nghi và giải trí thỏa đáng theo ý thích trong những giờ bị kẹt lại Bắc Kinh.

Về lại khách sạn, bọn Nguyễn được hứa sẽ cho đi xem thành phố tránh bom nguyên tử nằm ngầm dưới đất thủ đô Bắc Kinh. Đây là chỗ ít ai được viếng thăm ngoại trừ những đặc khách như các vị nguyên thủ quốc gia. Cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon và hiện tổng thống Bush đã từng là hai du khách xuống thăm thành phố ngầm ít ai được đặt chân đến này.
Còn những ai không muốn đi, tối nay được tự do làm những điều mình thích...
Thú thật, họ nói lỡ tàu bay vì nhân viên sở du lịch đọc nhầm chữ Trung Hoa, chữ tác đánh chữ tộ thì Nguyễn cũng cố tin. Nhưng lo vẫn lắng trong đầu. Lo lắng. Không chừng lại một vụ Hậu Thiên An Môn nữa xảy ra. Không chừng.

Nguyễn tìm Martin, người bạn đồng hành Mỹ gốc Pháp đã mất gia phả. Thấy Nguyễn, Martin giơ tay lên trời:
- Oh Mon Dieu ! Oh Me, oh My...ông có tin là họ đọc lộn ngày giờ chuyến bay không ?
Hắn vẫn khoái đá dăm ba câu tiếng Pháp nói theo giọng hamburger Mỹ chẳng ông Tây nào hiểu cả.
- Tin một nửa thôi. Bán tín bán nghi. Không lẽ họ bỏ quên cả hai chục hành khách ?
- Ông biết máy bay đâu có chờ hành khách. Hiếm gì người đi theo danh sách chờ. Tôi nghi chắc có chính biến gì đây.
- Dám lắm. Ông nói làm tôi cũng đâm lo. Tôi muốn ra khỏi đây sớm chừng nào hay chừng ấy.
- Làm gì còn chuyến bay nào khác nữa mà đi. Ông gọi toà Đại sứ Hoa Kỳ hỏi thăm xem sao ?
- Đúng đấy.
Martin đi gọi điện thoại. Trở lại, hắn cho Nguyễn biết quả thật chuyến bay của bọn chàng dự trù đi đã cất cánh từ bảy giờ sáng. Nhân viên ngoại giao nói không có tin tức gì về một chính biến nào cả. Martin vui sống trở lại, hồn nhiên như một đứa trẻ.

- Ông Nguyễn đi xem thành phố ngầm tránh bom nguyên tử dưới thành phố này chứ ?
- Tôi nghĩ nó cũng như những thành phố metro khác.
- Họ nói thành phố ngầm này có thể chứa đến nửa triệu người. Giúp nửa triệu người sống còn qua một cuộc chiến tranh nguyên tử.
- Không hiểu sao tôi thích đi chơi chỗ khác.
- Thế ông có mục đích gì tối nay chưa ?
Nguyễn rủ:
- Nếu ông đi với tôi, chúng mình đến Vạn Lý Trường Thành đêm nay.
- Tụi mình đã lên đó rồi.
- Chúng mình lên đó ban ngày. Tối nay có trăng, tôi muốn lên Vạn Lý Trường Thành ngắm trăng. Chỉ có trăng và chúng mình trên Vạn Lý Trường Thành đêm nay thôi.
- Có vẻ hấp dẫn đấy. Không biết họ có chịu không ?
- Thử xem. Họ đã hứa là thỏa mãn những yêu cầu của mình mà.

Hai người tìm Tony, anh chàng hướng dẫn viên Trung Hoa. Tony đổi tên Mỹ cho người ngoại quốc dễ gọi. Hắn vốn là giáo sư đại học dạy Anh văn. Khi nghe thấy hai người bày tỏ ý định, hắn nói duỗi ra:
- Hai ông nên đi thăm thành phố ngầm dưới thủ đô Bắc Kinh này. Đây là một kỳ quan của Trung Quốc hiện đại. Kỳ công này đọ ngang hàng với Vạn Lý Trường Thành ngày xưa. Thành phố ngầm này là một mạng nhện xa lộ đường hầm rộng khoảng bảy mét rưởi, từ trung tâm công trường Thiên An Môn tỏa ra khắp ngả ngoại ô Bắc Kinh. Trong chín mươi miệng hầm có tới 45 miệng hầm là những trung tâm thương mại, những thương xá nằm chung quanh Thiên An Môn. Mỗi khi tiếng còi báo động hụ lên, miệng hầm mở ra, hàng chục ngàn khách hàng và nhân viên có thể xuống đó trú ẩn. Thời gian chỉ mất tổng cộng có sáu phút. Dưới đó có đủ tiện nghi ăn ở. Lương khô được tích trữ đủ dùng cho cả tháng. Tôi nghĩ đây là dịp hiếm có các ông mới được viếng thăm thành phố ngầm này bỏ qua rất uổng.
- Tôi đã từng sống dưới hầm nhiều rồi. Tôi cũng đã từng đi qua nhiều phố metro trên thế giới rồi.
Hắn gãi đầu.
 Là người Á Châu Nguyễn hiểu rõ thứ ngôn ngữ gãi đầu, gãi tai này, Nguyễn bắt tay móc ngoéo. Tony cười hề hề bỏ đi.

Một lúc sau Tony trở lại cho biết ban đêm không có phương tiện chuyên chở cung cấp cho Nguyễn và Martin đến Vạn Lý Trường Thành. Nguyễn nghĩ đây là một lời từ chối khéo của cơ quan du lịch nhà nước Trung Quốc. Đây cũng có thể là một cách móc túi du khách. Họ muốn chàng và Martin phải trả tiền phương tiện di chuyển. Và đây cũng có thể là đồng làm ăn của Tony. Hắn cố làm ra vẻ khó khăn để moi tiền bỏ túi hoặc chia chác cho bè nhóm.
Nghe thấy không có phương tiện miễn phí Martin muốn rút lui. Nguyễn đề nghị trả tiền taxi. Tony cười hở...hơn mười cái răng. Những cái răng của người Bắc Kinh ( Peking -man) cổ thời. Miệng hắn, một cái bảo tàng viện sống trưng bày răng lợi.

Cuối cùng mọi chuyện cũng được dàn xếp xong. Nguyễn trả tiền bao xe chuyên chở. Chàng cũng phải trả luôn tiền vé lên thăm Vạn Lý Trường Thành. Trả tiền vé loại đặc biệt đi thăm ban đêm. Phải trả cả tiền công người "bạn đường" escort. Chỉ một phần số tiền được ghi vào hoá đơn khách sạn, phần còn lại phải trả tiền mặt. Dĩ nhiên không thể quên tiền bắt tay trà nước.
Lúc chia tay hẹn giờ khởi hành, Nguyễn dặn Martin:
- Nhớ mua hộ nước uống đem lên Trường Thành, giữ hoá đơn tôi sẽ hoàn tiền lại.
- Xong ngay. Yên chí đi.
Hắn cười hề hề.
Lúc khởi hành, chiếc xe chở bọn Nguyễn không phải là taxi nhà nước mà là một loại công xa. Người "bạn đường" không phải là một người đẹp Tô Châu hay người đẹp Tây Thi . Không ai khác hơn là Tony.
Từ Bắc Kinh đến Vạn Lý Trường Thành,  đường đêm thênh thang. Cả hai chiều thỉnh thoảng mới thấy chạy qua chạy lại một vài chiếc xe. Ban đêm chỉ mất hơn nửa giờ lái xe.

Martin, Tony và Nguyễn thong thả leo lên Trường Thành. Trăng đang nằm ở đỉnh tháp canh Trường Thành trên ngọn núi cao. Ánh trăng vàng lụa óng mướt. Gió thổi lồng lộng tươi mát. Đêm nay chỉ có ba người.
Ban ngày, Vạn Lý Trường Thành đông nghẹt người. Người chen lấn người. Nêm cứng. Mùi mồ hôi ngũ vị hương, mùi hơi thở thuốc Bắc nồng nặc cả Vạn Lý Trường Thành. Ban ngày Trường Thành, một dòng sông người. Sóng đầu người lớp lớp nhấp nhô.
Ban đêm leo Trường Thành thoải mái, ít mệt.
- Ông đổ chút năng lượng lấy sức.
Martin đưa cái bình bằng da bò kiểu cao bồi Texas cho Nguyễn. Chàng ngữa cổ uống một ngụm lớn. Martin lúc nào đi đâu cũng mang bình nước chăn bò Texas theo bên mình. Hắn từ chối uống những loại nước "ô trọc" khác. Hắn thường bào chữa, phân bua với mọi người, hắn chỉ uống thứ nước riêng mang theo để tránh chứng tiêu chảy du lịch. Nước hắn uống là thứ nước sát trùng. Đi thăm viếng những vùng còn nhiều dịch bệnh như Trung Quốc phải ăn uống cẩn thận. Tiêu chảy du lịch là chứng thường thấy và làm hại du khách nhất. Ở mỗi quốc gia, chứng tiêu chảy du lịch này có một biệt danh rất hấp dẫn. Đi chơi Trung Quốc coi chừng bị "Thiên An Môn hận". Đi Trung Nam Mỹ châu phải đề phòng chứng "Montezuma báo thù" (Montezuma revenge). Đi Ấn Độ phải ngừa cái "bụng Dehli" (Dehli, thủ đô Ấn Độ, đồng âm với deli, những món ăn mỹ vị. Bụng Dehli cũng có nghĩa là bụng deli, bụng mỹ vị). Đi Nga phải đề cao cảnh giác chứng "Trotsky". Đi Việt Nam phải coi chừng bị chứng...

Tony đánh hơi, hít hít gió:
- Mùi gì thơm quá ?
Martin mời:
- Ông muốn uống thứ " nước cứng" này không ?
Tony cười tít mắt đưa tay đỡ cái bình.
- Tôi hơi khát nước, lúc nãy quên ghé vào quán mua mấy chai nước uống.
Nốc một ngụm lớn, hắn vội vã giựt cái bình ra khỏi miệng để tránh sặc. Hắn cười rũ rượi.
- Ái chà chà ! Rượu ! Rượu ! Rượu !
Cười xong, Tony lại ngửa cổ uống. Lần này hắn uống trang trọng theo phong thái của một kẻ uống rượu quý.
- Uống rượu này phải có đồ nhậu.
Tony không chống đối việc uống rượu trên Trường Thành mà lại có vẻ tán đồng, khuyến khích.

Ba người thả bộ trên nền lát gạch ướt ánh trăng Vạn Lý Trường Thành. Đến một cái tháp canh, Tony đứng lọt vào lổ châu mai, chỉ xuống vùng trời đất mông lung, hắn lại ngứa ngáy nghề nghiệp, giảng giải:
- Hai ông biết không, Trường Thành chạy từ Đông sang Tây dài trên vạn lý, khoảng hơn sáu ngàn cây số ngàn. Trường Thành khởi đầu từ Chiêu Đông ngay biên giới phía Tây Đại Hàn chấm dứt ở Lâm Thao phía cực Tây.
Tony lấy tay vẽ lên mặt thành:
- Trường Thành gồm ba khúc chính. Nó bắt đầu từ phía Đông, khởi điểm là Sơn Hải Quan, sát bờ nước Hoàng Hải, cách tỉnh Chiêu Đông chừng ba dặm. Khúc đầu chạy tới Hoàng Hà, băng qua núi nên xây bằng đá và gạch. Khúc thứ hai là những chiến lũy đắp bằng cây, gỗ và hoàng thổ. Khúc này thoạt đầu phát xuất từ nhánh sông phía đông Hoàng Hà chạy tới đầu tận cùng phía tây của uốn khúc lớn dòng sông rồi từ giao điểm với Hoàng Hà chạy tới Lưỡng Châu. Đây là vòng thành hoàng thổ Ordos và vòng thành sa mạc. Cuối cùng, phía tây, Kia Yu Kuan ( Địa Vũ Quan ?) cửa quan này còn gọi là Ngọc Môn Quan, cửa ngõ của những lam ngọc Ba Tư và ngọc thạch Miến Điện du nhập vào Trung Quốc.

Tony lại chìa tay xin bình rượu. Ngữa cổ, hắn nốc một ngụm.
- Khúc thành phía Đông chúng ta đang đứng đây làm bằng đá và gạch. Móng và chân hai bờ thành xây bằng đá tảng vuông, mỗi cạnh dài một mét hai. Trên móng, xây tường gạch dầy bốn tấc rưỡi, cao chừng tám mét. Khoảng giữa hai vách thành rộng chừng sáu mét, nền đất sét hay đất thịt. Lao công nèn bằng chân hay vồ. Sau đó trên nền thành lát gạch làm đường cho quân lính vận chuyển, cưỡi ngựa. Thành rộng thênh thang, một đội quân xếp hàng mười, hay một hàng kỵ binh năm ngựa có thể duyệt binh thong thả trên mặt thành.

Martin và Nguyễn tản bộ trên Trường Thành nhìn ra khoảng trời rừng núi đêm trăng quanh Trường Thành, im lặng nhấp rượu nghe Tony nói.

- Như hôm trước tôi đã nói, tướng Mông Điềm đã hoàn tất Trường Thành vào năm 214 trước Tây Lịch, sau hơn bảy năm xây cất và nối những đoạn thành đã xây từ những đời trước đó lại thành Vạn Lý Trường Thành.
Theo sử gia Tư Mã Thiên, tướng Mông Điềm chỉ dùng có ba trăm ngàn lao công, gồm những kẻ chiến bại, tù binh, phu mộ, tội phạm...nhưng theo một tài liệu khác thì ông ta đã dùng trên một triệu nhân công.

Ba người dừng lại chỗ cái tháp trên đỉnh núi cao nhất. Từ đó có thể nhìn thấy toàn cảnh Trường Thành. Tony vỗ tay vào thành tháp:

- Trường Thành có đến 2500 tháp canh như thế này. Khoảng cách hai tháp canh bằng chiều dài hai tầm tên bắn. Vì thế chỗ nào trên mặt thành cũng ở trong tầm tên bắn của lính canh, không một chỗ nào an toàn cho giặc leo lên thành.
Các ông thấy không? Tháp canh còn xây rộng ra xa ngoài thành một khoảng để những lính canh có thể bắn được kẻ địch dưới chân thành mà không cần phải nhoài người ra ngoài tháp canh, có thể nguy hại đến tính mạng.

Tony lại xin uống rượu.
- Cứ cách vài tháp canh lại có một tháp trại làm chỗ đồn trú,  đóng quân cho những đội ngũ quân lính phòng thủ. Ngoài ra còn có khoảng chừng trên 1500 những tháp báo hiệu xây cách xa hẳn Trường Thành nằm về phía Bắc thành. Những "đụn khói" này đặt ở những nơi hiểm yếu: trên đỉnh đồi, nơi cổ họng thung lũng, cửa sông, sườn đèo, khe núi...Khi có giặc tới, lính thám báo ở những tháp này ban ngày thì hun khói, ban đêm đốt lửa báo động.
Các ông thấy cái đụn khói kia không ? Tony đưa tay chỉ.

Martin ngồi bệt xuống nền thành dựa lưng vào vách nghỉ thở. Hắn có vẻ như bắt đầu hà tiện rượu. Hắn không còn mời Tony và Nguyễn hào sảng như trước. Hắn biết bình rượu đã cạn.
- Hai ông ngồi đây, tôi chạy xuống dưới kia tìm món nhậu.
Nguyễn tìm chọn một lổ quan sát trên bờ thành khả dĩ từ chỗ đó có thể thấy rõ hết phần Trường Thành còn lại.
Trăng đã lên cao. Mù sa như bị đè xuống khe lũng. Cảnh vật càng hiện rõ thêm. Dòng sông trăng Trường Thành chảy qua đồi, qua lũng, lúc cheo leo trên sườn núi, lúc trườn lên đỉnh cao vời vợi, lúc len lỏi giữa khe đèo, lúc uốn mình rắn ôm dòng nước, lúc bổ nhào xuống vực thẳm. Trường Thành trườn tới, lượn quanh, lộn ngược nương theo thế đất trời. Một con rồng vàng tung bay giữa trời đất đêm trăng xuân.
Tony trở lên đem theo một hủ rượu sành và một món nhậu.
- Tụi chúng cũng đang nhậu dưới kia. Tôi giựt đỡ được hủ rượu và nửa con gà nướng.
Tony trãi rượu thịt trên lá chuối, chỗ trăng sáng nhất. Hắn rót rượu ra những bát sành uống rượu, loại bát những người nông dân Trung Hoa thường dùng.
- Xin mời quý vị.
- Uống cho trăng Vạn Lý Trường Thành đêm nay.
Cả ba nâng cao ly mời trăng trên cao.
- Thịt gà ngon quá!
Martin khen.
- Gà nướng Cái Bang, Beggar's chicken đó.
Nguyễn nhấp một hớp rượu. Rượu cháy dữ dội và nổ bùng trong họng.
- Chà thứ này là nhiên liệu lỏng đốt hỏa tiển "Con Tằm", Silk Worm Trung Quốc đây.
Tony cười khoái chí:
- Thứ Đế này có từ hơn hai ngàn năm vẫn còn lưu truyền lại. Rượu này do một người lao công xây Vạn Lý Trường Thành hồi đó nấu từ những thổ sản địa phương. Một thứ rượu ưa chuộng của những lao công khổ sai cũng như quan quân trấn giữ Trường Thành. Dân dã gọi rượu này là Trường Thành Huyết Lệ Tửu. Phải uống rượu này mới thấu hiểu nỗi lòng người lao công khổ sai xây Trường Thành và thấu hiểu tâm sự người lính thú trấn thủ lưu đồn ngoài biên ải Trường Thành.
- Chắc họ ngâm cả rắn rết, chuột bọ trong này.
- Dĩ nhiên, cái gì ngâm rượu được họ đâu có từ.
Martin trợn mắt, hắn mở chai nước trị tiêu chảy du lịch của mình.
- Nhường hai ông uống đó.
Hắn cố tình xí phần rượu còn lại trong bình da bò Texas.
- Nói đến chuột tôi lại nhớ tới một thứ thuốc cao làm bằng vữa cậy ra từ Vạn Lý Trường Thành rất lưu dụng trong dân gian.  Người ta cạy vữa ra đem tán nhỏ cùng với thai chuột làm thuốc cao. Nếu không tìm ra thai chuột có thể thay bằng dầu. Thuốc cao dùng trị đứt chân, đứt tay, lở lói và phỏng. Bột vữa tán đó, cũng dùng làm thuốc trị đau bụng. Đau bụng vừa phải uống một hoàn bằng hột sen...
Martin lắc đầu. Tony cười hì hì.
Nguyễn nói tránh  chuyện chuột bọ, làm mất khẩu vị :
- Nói tới vữa tôi lại nhớ tới gạch Trường Thành. Có người chơi cổ ngoạn khoe rằng họ có một cái nghiên mực làm bằng gạch Vạn Lý Trường Thành cổ trên hai nghìn năm.
Tony gật gù:
- Đúng đấy. Bọn quan lại phong kiến ngày trước lấy cả gạch Trường Thành làm nồi dọc tẩu thuốc phiện.

Tony uống rượu mềm môi. Rượu làm hắn lì lợm. Cái mặt nạ nghề nghiệp khéo léo xã giao không còn thấy trên mặt Tony. Hắn kể những hoang thoại về Trường Thành. Nào chuyện lúc xây Trường Thành trên trời xuất hiện 18 mặt trời. Nào chuyện con Bạch Mã thần của Tần Thuỷ Hoàng chạy cứ mỗi dậm nó lại dậm chân ba cái, mỗi chỗ nó dậm chân như thế, một cái tháp canh mọc lên. Con Bạch Mã chạy tới đâu các kiến trúc sư cứ theo đường ngựa chạy xây thành. Có một đoạn bụi đất tung bay mất dấu chân ngựa, các kiến trúc sư không để ý tiếp tục xây nên xây nhầm mười dậm mới biết ngựa chạy hướng khác. Hiện nay đoạn tường xây nhầm lạc hướng đó vẫn còn. Đây là bằng chứng cụ thể cho câu truyện trên. Nào chuyện cây gậy thần của Tần Thuỷ Hoàng có thể xẻ núi, chuyển sông, biến đất thành đá để xây Trường Thành. Nào chuyện chỗ Trường Thành xây mãi vẫn bị sập, các pháp sư tâu lên Tần Thuỷ Hoàng xin cho chôn sống một vạn người tế thần linh. Tần Thuỷ Hoàng động lòng từ tâm không muốn đem chôn sống cả vạn người. Về sau quân sư nghĩ ra một kế sai quân đi lùng tìm trong nhân gian bắt một người tên Vạn đem chôn sống tế thần thay cho vạn người...

Martin nhìn Nguyễn cười trong mắt.
Tony đang sống thực với cái hạnh phúc riêng mình. Chẳng còn cần ai nữa. Mặc kệ. Trong ba người, hắn là người hạnh phúc nhất đêm nay.
- Các ông biết không, những lao công khổ sai xây thành đất cát đầy đầu. Dầm mưa, đội sương, cỏ mọc xanh um trên đầu. Những cái đầu xanh cỏ. Một rừng cỏ biết đi...Hơn bốn trăm ngàn người đã bỏ mạng khi xây thành. Xác họ ném vào lòng Trường Thành.
- Có người nói " Vạn Lý Trường Thành, một cái nghĩa địa dài nhất thế giới".

Tony nhai xương gà rau ráu. Martin thấy Tony cắn gẩy cái xương chân gà, rồi mút tủy xương, hắn cau mày đứng dậy.
Martin từ từ cởi áo khoác ngoài. Hắn lắc lư múa mông, cởi bỏ áo sơ mi. Cuối cùng cởi luôn áo lót. Mình trần, ngực đầy lông lá.
Tony há hốc mồm. Miếng xương gà nằm vắt vẻo nửa trong nửa ngoài miệng.
Martin tụt quần dài, chỉ còn cái quần cụt.
- Ông tính thoát y vũ à ?
- Các ông cho phép không ?
Tony xua tay:
- Không được đâu, nhà nước Trung Quốc cho ông vào tù đó.
- Đùa vậy thôi. Các ông tiếp tục nhậu đi. Trường Thành đêm nay trăng đẹp quá. Tôi phải jogging mới được. Đẹp chịu không nổi. Không thể ngồi yên mãi được. Ngồi yên chịu không nổi.
 - Chạy bộ thì chạy nhưng ông phải để lại cái bình nước chăn bò.
Nguyễn đòi uống thứ nước Cognac đựng trong đó.
- Đâu có được. Không có bình nhiên liệu này chạy gì nổi.
- Ông nhớ đừng có chạy quá cái tháp cao trên đỉnh núi kia đó.
Martin chạy lúp xúp đổ dốc.
- Chạy thế kia thì cả năm cũng chưa chạy hết Vạn Lý Trường Thành. Tony cười, rót thêm rượu cho Nguyễn.
- Ông uống thêm rượu đi. Chẳng mấy khi được ngồi uống rượu dưới trăng xuân trên Trường Thành. Ngay tôi cũng không ngờ là đêm nay được ngồi đây uống rượu. Cám ơn các ông đã cho tôi dịp này.
Nguyễn đưa tay bảo ngưng rót rượu:
- Từ từ. Tôi không muốn quá chén, uổng đêm trăng này.
- Để tôi hát cho ông nghe bài truyện ca nàng " Mêng Chiang Nu" .
Bài hát kể chuyện như thế này.

Chồng nàng là một nho sinh bị bắt đi xây Trường Thành. Một đêm kia nàng nằm mơ thấy chồng đói rách, thân tàn ma dại trở về. Chàng báo cho nàng biết vì kiệt sức chàng trượt chân rơi xuống lòng thành nên bị chôn sống. 
Nàng Mêng không tin chồng đã chết. Nàng bỏ nhà mang theo lương thực, quần áo mùa đông đi thăm nuôi chồng. Sau bao năm tháng băng rừng, trèo núi, lội sông, nàng đến được Trường Thành tìm chồng. Những lao công xây thành biết chồng nàng, chỉ chỗ chàng bị chôn sống. Nàng than khóc, cào tường thành tìm nắm xương  chồng. Giông bão nổi lên. Sét đánh sập chỗ tường thành đó. Hàng ngàn bộ xương người hiện ra. Làm sao biết xương nào của chồng mình ? Nàng cắn đầu ngón tay, nhỏ máu xuống đống xương người. Chỉ có xương chồng nhuộm thắm máu nàng. Còn những xương khác không biến đổi. Nàng gói xương chồng định đem về chôn cất.
Ngay lúc ấy Tần Thuỷ Hoàng giá lâm thăm Trường Thành, được tâu cho biết sự việc. Hoàng đế ra lệnh bắt nàng xử trảm vì tội làm sập khúc Trường Thành. Khi gặp nàng, Tần Thuỷ Hoàng ngơ ngẩn vì nhan sắc nàng nên tha chết, nhưng bắt nàng phải làm cung phi.
Nàng chấp thuận, chỉ xin được một trăm ngày để mai táng và để tang chồng. Nàng xin Tần Hoàng Đế tổ chức quốc táng cho chồng bên bờ biển Đông. Ngày chôn cất chồng nàng, Tần Thuỷ Hoàng có mặt. Khi chôn cất xong nàng nhảy xuống biển tự tử.
Tần Thuỷ Hoàng giận tái mặt nhưng cũng phải thốt ra: " Sống trọn kiếp cho tình yêu thật là hiếm có trên cõi đời này. Ngày nay khó có thể tìm được những người chung tình như nàng" .

Ông biết không ? Vì tin dị đoan, chỗ Trường Thành bị sét đánh sụp đổ đó không bao giờ xây kín lại. Đường xe lửa Bắc Kinh- Kalgan sau này chạy xuyên qua Trường Thành tại chỗ đó.
Tony hát. Hắn hát cho hắn. Hắn hát cho những oan hồn uổng tử còn vất vưởng nơi Trường Thành. Hắn hát cho quê hương Trung Quốc. Hắn hát cho trăng xuân Trường Thành đêm nay...hắn hát cho chiến chinh tang tóc ngàn đời ngàn kiếp vô cùng vô tận của loài người.
Hết hát hắn lại ngâm thơ. Tony giờ không còn dịch sang Anh ngữ giảng giải cho Nguyễn nữa. Hắn sống với đêm trăng xuân Trường Thành riêng hắn.
Tony uống say mềm người. Đêm nay hắn là người say nhất trong bọn. Rồi một lúc hắn nằm vật xuống mặt thành. Tony ôm hôn nền Trường Thành. Sau đó hắn ôm mặt khóc. Nức nở. Những giọt nước mắt lóng lánh trăng vàng.

Martin có lẽ đã tấp vào một chỗ nào trên Trường Thành đang ôm hôn bầu rượu.
Nguyễn rót đầy bát rượu, lặng lẽ đứng dậy. Chàng cũng muốn sống một mình với đêm trăng xuân trên Vạn Lý Trường Thành này.
Nguyễn thả bộ trên Trường Thành lênh láng ánh trăng. Dòng trăng Trường Thành tròng trành. Tiếng côn trùng rả rích. Than van. Một vài cụm mây màu máu lênh đênh, bồng bềnh trên tháp canh đỉnh núi xa xa. Mùi hoa thoang thoảng trong gió. Mùi dạ lý hương quê xa.
Bỗng dưng Nguyễn thấy cô đơn lạ lùng. Một thân một mình trên Trường Thành đêm trăng xuân, quê hương xa vạn dậm còn cách ngăn. Chàng móc túi lấy giấy bút.
Chàng đếm bước trên nền Trường Thành. Chắc chàng đã đếm bước hơn vạn lý trên Trường Thành mới làm xong được bốn câu thơ:

Vạn Lý Trường Thành , nguyệt dạ xuân,
Trường Thành Vạn Lý, tuý Tần Vân (1)
Lý hương (2) Vạn Lý Trường Thành ẩm (3),
Vạn Lý Trường Thành, vạn lý thân.

Nguyễn vò viên mãnh giấy viết bài thơ. Chàng lấy hết sức ném xuống dưới Trường Thành. Có tiếng chim vỗ cánh dưới khe lũng. Con chim hốt hoảng giật mình thức giấc đêm trăng. Một lúc sau có tiếng chim hót vút cao. Cành cây lay động. Đầu cành, một nụ hoa xuân mở mắt cười nụ với trăng xuân Trường Thành. Dòng sông trăng xuân Trường Thành sóng sánh...
Nguyễn đổ hết phần rượu còn lại trong bát xuống lõm đá nhỏ trên mặt Trường Thành. Lõm chén thời gian đã hai ngàn năm dư. Chàng cúi xuống uống vũng trăng rượu Trường Thành...

Rượu làm máu trong người sủi tăm. Chao đảo. Những đám mây Tần say lênh đênh. Tuý Tần Vân. Tiếng reo hò vang dậy. Chàng có cảm tưởng mình đang đứng giữa bãi chiến trường ngày nào. Tiếng trống trận vang dội. Ánh trăng Trường Thành lung lay...

"Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt" ...(4)



Nguyễn Xuân Quang


Ghi chú: 

(1) Tần Vân: 
      Mây Tần : mây trên Vạn Lý Trường Thành của Tần Thuỷ Hoàng. Mồ hôi nước mắt và máu của 
      những kẻ bị khổ sai xây Trường Thành hợp cùng với sơn lam chướng khí bốc lên tụ lại thành mây 
      Tần.
      Mây Tần: Nhớ quê hương.
      Tuý: say.
      Tuý Tần Vân
      Mây Tần say

     Mây Tần lênh đênh say trên Vạn Lý Trường Thành.
     Nhìn mây Tần bay thấy chao đảo say say.
     Say rượu mây Tần.
     Uống rượu say tít cung mây Tần.

     Tuý : màu tuý hồng; màu máu bò (sang de boeuf).
     Mây ráng màu máu biểu tượng cho máu đổ thịt rơi, chinh chiến.
     
     Áo chàng đỏ tựa ráng pha
     Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in
     ( Chinh phụ ngâm)

     Tuý Tần Vân:
      Mây Tần màu máu pha làm gợi nhớ đến chiến tranh
      Mây Tần phía quê hương lìa xa kia hãy còn nhuốm màu máu
      Máu và nước mắt còn chảy trên quê hương xa cách

(2) Lý hương: 
      Làng xóm, quê hương
      Hoa dạ lý hương

(3) Trường thành ẩm: 
      Uống rượu trên trường thành
      Uống rượu triền miên dằng dặc như Trường Thành. Uống một giòng Trường Thành rượu.

(4) Đoàn Thị Điểm, Chinh Phụ Ngâm.



-------------------------------
Nguồn: VĂN, Giai phẩm xuân Quý Dậu
              Số 126-127, tháng 12-1992 và tháng 1-1993












Friday, April 15, 2016

NGUYỄN BỈNH KHIÊM



                                                   NHỮNG GƯƠNG MẶT ĐẸP NHẤT
                                                   TRONG LỊCH SỬ THI CA VIỆT NAM



                                                   NGUYỄN BỈNH KHIÊM
                                                             (1491-1585)


                                                                               Nguyễn Hưng Quốc




Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà triết học lớn, nhà đạo đức lớn hơn là nhà thơ lớn, mặc dù, về phương diện thơ, từ trước đến nay, ông vẫn được xem là tác giả lớn nhất của thế kỷ 16 và của cả thế kỷ 17. Cũng không lạ: suốt thời gian dài dằng dặc này, thơ Việt Nam bị khủng hoảng nghiêm trọng. Những người cầm bút cố tìm kiếm những phương thức thể hiện mới và trên thực tế, họ đã thành công ở một số lãnh vực có ý nghĩa với sự xuất hiện càng lúc càng nhiều của thể truyện ký, truyện kỳ; với sự phát triển của các thể vãn, thể ngâm và đặc biệt, thể thơ trào phúng; với sự ra đời của thể thơ lục bát và thơ song thất lục bát.

Song tất cả những đóng góp trên đều thuộc phạm vi thể loại và hình thức. Thơ là cái gì cao hơn thể loại và hình thức. Vẽ được vòng tròn chưa hẳn vẽ được vầng trăng. Suốt thế kỷ 16 và thế kỷ 17, không có ai có được một trí tưởng tượng thực sự phong phú, một cảm hứng thực sự dào dạt, một cảm xúc thực sự tinh tế và một khả năng xử dụng ngôn ngữ thực sự tài hoa, những điều kiện thiết yếu để tạo thành những bài thơ tuyệt tác.

Sinh năm 1491, mất năm 1585, thọ 95 tuổi, cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm vắt ngang qua gần trọn thế kỷ 16, thế kỷ của loạn lạc và của tang thương, thế kỷ của sấm sét và của giông bão, thế kỷ của ùn ùn mây và chập chùng bóng tối.
Đọc thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, người ta thấy thấp thoáng vẻ âm u của những hoàng hôn bất tận, những tiếng kêu van não nùng của những trận gió lạc loài. Đây đó, loé lên một vài tia nắng hanh, nhưng là thứ nắng quái, bừng lên rồi tắt, ngay cả khi nó đang tỏa sáng, người ta cũng thấy nó se sắt thê lương thế nào.

Nổi tiếng học giỏi nhưng mãi đến năm 45 tuổi, thời Mạc Đăng Doanh, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới đi thi và đậu trạng nguyên (1535). Làm quan được tám năm, ngao ngán trước sự thối nát của triều đình, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ đàn hặc, xin chém mười tám tên lộng thần nhưng vua Mạc không chấp thuận, ông cáo quan về ở ẩn (1542).
Hình như ít lâu sau, vua Mạc lại mời ông ra làm quan trở lại. Mãi đến năm ngoài bảy mươi tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới về hẳn ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương, quê quán ông. Tại đây, ông mở trường dạy học, học trò nhiều người nổi tiếng như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ...Ông dựng am Bạch Vân, lấy đạo hiệu là Bạch Vân Cư Sĩ.
Trước, lúc tại triều, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được nhà Mạc phong tước Trình Công nên dân gian thường có thói quen gọi ông là Trạng Trình.

Dù đang làm quan hay đã về ở ẩn, uy vọng của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với xã hội cũng rất lớn. Tục truyền, ông giỏi về thuật bói toán. Không phải chỉ có vua Mạc mà cả chúa Trịnh lẫn chúa Nguyễn cũng thường vấn kế ông. Người xưa kể lại, ông từng khuyên Trịnh Kiểm đừng truất phế vua Lê, phải tôn vua Lê mới có chính nghĩa bảo vệ quyền lực của mình. "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản" . 
Giữa Trịnh Kiểm và Nguyễn Hoàng có mâu thuẫn gay gắt, ông lại khuyên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hoá để lập nghiệp lâu dài (Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân).
Nhà Mạc bị Trịnh Kiểm đánh tan tác, phải chạy ra khỏi thành Thăng Long, Nguyễn Bỉnh Khiêm bày kế họ Mạc: phải chạy lên Cao Bằng, đất Cao Bằng tuy nhỏ nhưng có thể kéo dài cơ nghiệp được vài đời (Cao Bằng tuy tiểu, khả diên sổ thế).

Chưa biết những câu chuyện trên là thực hay chỉ là huyền thoại. Có điều, trong danh sách tác phẩm Nguyễn Bỉnh Khiêm, có hai tập sấm ký: Trình Quốc Công Sấm Ký và Trình Tiên Sinh Quốc Ngữ. Hình như hiện nay, đang có một số người muốn dựa theo sấm ký của Nguyễn Bỉnh Khiêm để tiên đoán thời cơ phục quốc. Chờ xem.

Ngoài một số ít bài và văn tế, tác phẩm chủ yếu của Nguyễn Bỉnh Khiêm là thơ. Có hai tập:
Bạch Vân Am Thi Tập bằng chữ Hán gồm khoảng 1000 bài (hiện nay mới tìm được khoảng 700)
Bạch Vân Quốc Ngữ Thi Tập bằng chữ Nôm gồm khoảng 170 bài, trong đó, có khoảng 30 bài trùng với thơ Nôm của Nguyễn Trãi, có lẽ đó người xưa chép nhầm.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có nhiều suy tưởng về thơ. Quan niệm về thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm trước sau vẫn nằm trong khuôn khổ truyền thống "Văn dĩ tái đạo" (viết văn để chở đạo) và "Thi ngôn chí" (làm thơ để nói chí) của người xưa. Không mới. Tuy nhiên, để hiểu Nguyễn Bỉnh Khiêm, có lẽ cần phải đọc lại lời tựa Bạch Vân Am Thi Tập do chính Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:

" Ôi, nói tâm là nói về cái chỗ mà chí đạt tới vậy, mà thơ lại là để nói chí.
Có kẻ chí để ở đạo đức, có kẻ chí để ở công danh, có kẻ chí để ở sự nhàn dật. Tôi lúc nhỏ chịu sự dạy dỗ của gia đình, lớn lên bước vào giới sĩ phu, lúc về già chỉ thích nhàn dật, lấy cảnh núi non sông nước làm vui, rất là vụng về trong nghề thơ. Tuy nhiên, cái bệnh yêu thơ lâu ngày tích lại chưa chừa được khỏi vậy. Mỗi khi được thư thả lại dậy hứng mà ngâm vịnh, hoặc là ca tụng cảnh đẹp đẻ của sơn thủy, hoặc là tô vẽ nét thanh tú của hoa trúc, hoặc là tức cảnh mà ngụ ý, hoặc là tức sự mà tự thuật, thảy thảy đều ghi lại thành thơ nói về chí, được tất cả một nghìn bài, biên tập thành sách, tự đặt tên là tập thơ Am Bạch Vân.
Cái tội mà kẻ học trò già này để lại cố nhiên là không thể chối cãi được, mong các bậc quân tử về sau tha thứ cho."

(Bản dịch của Đinh Gia Khánh)

Một nghìn bài thơ chữ Hán. Một số lượng không nhỏ. Nguyễn Bỉnh Khiêm tự nhận là mình "mắc  bệnh nghiện thơ".

Lão cuồng huống hựu đam thi tích
Phong nguyệt song giai nhập phẩm đề

(Kẻ già ngông cuồng này lại có bệnh nghiện thơ
Cảnh đẹp gió trăng thường đưa vào đề tài phẩm bình).

"Nghiện" thơ thực chất là "nghiện" cái đẹp của trời đất:

Thi tá oanh hoa thiên thủ hữu

( Thơ mược được cảnh chim Oanh và hoa cỏ thì nghìn bài cũng có ).

Có điều, sống trong thời đại nhiễu nhương, bị dằn dặt trong tâm trạng bế tắc, khác với Trần Nhân Tông và Nguyễn Trãi thời trước; khác với Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh sau này, Nguyễn Bỉnh Khiêm không mấy tin tưởng vào tác dụng của thơ văn:

Khởi vị nhất thi năng khước địch

(Há bảo một bài thơ có thể đẩy lùi quân địch).

Thơ chỉ làm cho người ta si cuồng trong mộng ảo:

Bàng nhân mạc tiếu cuồng si khách
Chỉ yếu ngâm đa lão cánh si

(Người bên cạnh chớ cười khách si cuồng
Chớ cần ngâm thơ nhiều càng già lại càng si).

Mong lắm thay đó chỉ là một cách nói.
Kết thúc bài Cảm Hứng, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết mấy dòng cảm động:

Thừa nhàn thác vịnh ngâm
Nhất nhất tự ngôn chí
Cô lậu quả kiến văn
Di tiểu tiếu thiết xuý
Chỉ vị thi thành tích
Cảm vân thi tích sử
Tương thử mạc tương bí.

(Thừa cảnh nhàn, gửi gấm vào ngâm vịnh
Lời lời là để nói về chí
Kém cỏi quê mùa, ít kiến văn
Vụng trộm mà cổ xuý chỉ để lại lời chê cười
Chỉ vì đối với thơ đã trót nghiện ngập
Đâu dám nói rằng thơ tức sử
Nhắn nhủ bậc quân tử sau này
Tha thứ mà đừng khinh bỉ nhau).

"Đâu dám nói rằng thơ tức sử" (Cảm vân thi tức sử ). Một lời nói khiêm.
Sự thực ngược lại: thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm trước hết là bức phác họa của một thời kỳ tang tóc. Nhà Lê băng hoại, họ Mạc thoán ngôi (1527), rồi họ Trịnh, với danh nghĩa phù Lê dần dần lạm quyền, rồi mâu thuẫn giữa họ Trịnh và họ Nguyễn phát sinh. Chiến tranh triền miên. "Khắp nơi chỗ nào cũng máu chảy thành sông, xương chất thành núi" ( Xuyên huyết sơn bài tuỳ xứ hữu). Chiến tranh lan vào tận đế đô (Nghịch tặc xương cuồng phạm đế kinh). Có những trận đánh cả hai bên đều chết hơn một nửa (Hồ chiến giao tranh bán sát thương). Ở đâu gươm giáo cũng bày ra tua tủa trước mắt (Lạc lạc can qua mãn mục tiền). Loạn lạc, dân chúng tan tác khắp bốn phương (Kinh loạn, dân đa tán tứ phương). Gặp năm đói, đi đâu, trôi giạt đến đâu, cái đói vẫn sừng sững chắn ngang, bít kín mọi niềm hy vọng (Thử tuế hựu ca cơ cận ách. Lưu ly hà địa khả dung thân). Rồi nạn cướp của giết người hoành hành (Nhượng đoạt phi kỷ hoá. Hiếp dụ phi kỷ sắc). Dân chúng thống khổ lại cực kỳ thống khổ: vô số nông phu đói lã, kêu khóc thảm thiết ngay trên đồng ruộng của mình (Lao bần nông phu thán. Cơ tích điền dã khốc) ...

Đứng trước những cảnh thương tâm như thế, lòng Nguyễn Bỉnh Khiêm xót xa vô hạn. (Thâm mẫn tiểu dân ly đống nỗi). Ông ao ước:

Y cựu kiền khôn nhất thái hoà 

(Xoay lại càn khôn buổi thái hoà)

Ông mơ tưởng làm một cái gì thật lớn lao và có ích:

Ngã kim dục triển phù điêu thủ 
Vãn đắc quan hà cựu đế thành

(Ta đây muốn thi thố thủ đoạn nâng đỡ vận nước ngả nghiêng
Kéo lại giang sơn, đế kinh vững vàng như cũ)

Qua thơ chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm, người ta thấy có lúc hình như ông đã già lắm rồi, ông vẫn còn hăng hái cầm quân ra trận:

Xã tắc điên nguy xuất lực phù
Lão lai mị đạn hiệu tri khu

(Xã tắc nguy ngập điên đảo, ra sức phù trì
Tuổi già chẳng ngại, gắng gỏi ruổi rong).

Không có tài liệu nào ghi chép lại sự nghiệp quân sự của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngờ là trong lãnh vực này, ông không phải là người xuất sắc. Bao năm làm quan dưới triều Mạc, ông không giúp được họ Mạc thoát khỏi thế chênh vênh và càng ngày càng điêu đứng. Ông cũng không ngăn chận được Mạc Đăng Dung làm một công việc hèn hạ và nhục nhã nhất trong lịch sử dân tộc : ra cửa ải, tự trói mình phục tội trước giặc Minh, dâng năm động ở Yên Quảng và nhận chức An Nam Đô Thống Sứ, lệ thuộc Quảng Tây phiên ty.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà nhiều lần Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:

Nguy thỉ hoằng tế quý phi tài

(Muốn cứu nước buổi nguy nan, thẹn mình không có tài) 

Đệ tàm lão chuyết vị năng binh

( Chỉ thẹn già yếu vụng về, không thạo việc binh) 

Quý phạp mưu du tán cật nhung

(Thẹn mình kém mưu mô tham tán việc binh).

Điều làm người ta đến nay vẫn không ngớt băn khoăn là: tại sao Nguyễn Bỉnh Khiêm lại cộng tác với nhà Mạc, một triều đại vừa bất lực, vừa thối nát lại vừa đê hạ? Đã có nhiều giả thuyết, giả thuyết nào cũng là một phỏng đoán vu vơ: Nguyễn Bỉnh Khiêm vâng lời mẹ; Nguyễn Bỉnh Khiêm chiều ý bạn; Nguyễn Bỉnh Khiêm nể tình Mạc Đăng Dung là người đồng hương; Nguyễn Bỉnh Khiêm ra làm quan vì đời sống khốn khó, vì tình thế bức bách...Riêng trong thơ mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm hoàn toàn im lặng, không một lần giải thích. Bí ẩn chắc còn lâu.

Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có ba nội dung chủ yếu: ca ngợi cuộc đời ẩn dật, vạch trần sự đen bạc của nhân tình thế thái và cổ xuý những tư tưởng triết học xuất phát từ Dịch lý như sự tương sinh tương khắc. Quá trình biến dịch và tuần hoàn của vụ trụ, quy luật âm suy dương trưởng, và tạo hoá cơ giảm. Thể hiện ba nội dung trên, bất cứ lúc nào, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nhắm tới mục đích nhất định: trực tiếp hay gián tiếp khuyên răn người đời thoát ly ra ngoài vòng ganh đua, giảm bớt sự bon chen, sống một cách bình đạm và tự tại an nhiên. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc nào cũng có tính chất giáo huấn rõ rệt.

Tư tưởng triết học của Nguyễn Bỉnh Khiêm không có gì mới mẻ. Các luận điểm của ông đều bắt nguồn từ Kinh Dịch và Lý học. Ông coi vũ trụ và lịch sử luôn luôn biến đổi trong vận hành tuần hoàn: Vạn vật có âm có dương, âm qua thì dương lại. Cứ thế, vĩnh viễn như thế:

Tái nhất âm hề phục nhất dương
Tuần hoàn vãn phục lý chi thường

(Vừa một âm qua lại chi thường
Tuần hoàn đi lại lẽ là thường).

Thế giới tự nhiên như thế, thế giới con người như thế. Có doanh (đầy) và có hư (vơi). Có lành và có dữ. Có phúc và có họa. Có vinh và có nhục. Xã hội là nơi hội tụ ngổn ngang của những điều mâu thuẫn và nhờ sự mâu thuẫn ấy, nó tiến hoá hoài hoài:

-Thế gian biến cải vũng nên đồi
Mặn nhạt chua cay lẫn ngọt bùi...

- Vùng nọ ghê khi làm bãi cát
Đồi kia có thuở trụt hòn doi
Khôn ngoan mới biết thăng thời giáng
Dại dột nào hay tiểu có dài

- Thoi nhật nguyệt đưa thắm thoắt
Cái phồn hoa khá lạt phai
Hoa càng khoe nở hoa nên rữa
Nước chứa cho đầy nước ắt vơi
Mới biết doanh hư đà có số
Ai từng dời được đạo trời.

Dựa theo quy luật vận hành của vũ trụ, Nguyễn Bỉnh Khiêm tự tin có thể tiên đoán được những việc mai sau:

Bát quái tượng suy thiên vãng nhục
Sổ thanh quyên nghiệm thế hưng suy

(Suy từ tượng của tám quẻ, biết sự vãng phục cả trời
Nghiệm qua vài tiếng quyên, hiểu lẽ hưng vong ở đời). 

Lúc nào là thời điểm chính xác từ " loạn" chuyển qua "trị", từ suy chuyển qua hưng, từ vơi chuyển qua đầy, từ họa chuyển sang phúc ? Trả lời câu hỏi cụ thể ấy, coi bộ ông Trạng Trình không phải không có lúc sai lầm. Trong nhiều bài thơ được sáng tác lúc tòng chinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm phấn khởi tin tưởng:

- Thử hành tố triển an biên sách
Chỉ nhật xâm cương thủ bỉ hung

(Chuyến đi này bày sẵn kế sách vỗ an bờ cõi
Hẹn ngày bắt bọn hung tàn kia trả đất lại cho ta)

- Thử hành hảo triển an biên sách
Hưu đạo đa niên úng họa trùng 

(Chuyến đi này hãy bày kế vỗ an bờ cõi
Đừng nói rằng nhiều năm ôm chiếc lọng hoa).

Sự thực vượt ra ngoài mọi mơ ước của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bờ cõi vẫn khói lửa. Vua Mạc không tiêu diệt được các lực lượng phản kháng. Không những thế, đến năm 1592 vua Mạc phải bỏ thành Thăng Long mà chạy. Năm 1688 thì bị xoá tên vĩnh viễn trong danh sách các vương triều. Chiến tranh cũng không chấm dứt. Chiến tranh giữa nhà Lê với nhà Mạc kéo dài gần 50 năm (1546-1592). Sau một thời gian ngắn ngủi tạm thời yên ổn, chiến tranh giữa họ Trịnh và họ Nguyễn lại bùng nổ và kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ nữa.

Phần có giá trị hơn trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm là những bài viết về nhân tình thế thái. Trong lịch sử văn học Việt Nam, có hai người viết nhiều và viết hay về nhân tình thế thái: Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Công Trứ. Nguyễn Bỉnh Khiêm là người bi quan. Cuộc đời, dưới mắt ông, đầy màu sắc tối:

Được thời thân thích chen chân đến
Thất thế, hương lư ngoảnh mặt đi
Thớt có tanh tao ruồi mới tới
Gang không mật mỡ kiến bò chi.

Ngay trong những quan hệ tình cảm của con người, yếu tố quyết định vẫn là danh và lợi:

Còn bạc còn tiền còn đệ tử
Hết cơm hết gạo hết ông tôi.

Đạo đức mờ, nhân nghĩa khuất, của cải vật chất lên ngôi:

Đời nay nhân nghĩa tựa vàng mười
Có của thì hơn hết mọi lời
Trước đến, tay không, không thốt hỏi
Sau vào, gánh nặng, lại vui cười.

Nguyễn Bỉnh Khiêm có hai câu thơ hay, sâu sắc, buốt nhói, thẳng thắn, có ý nghĩa như một sự tổng kết những sự thực phũ phàng của đời sống:

Người, của, lấy cân ta thử nhắc
Mới hay rằng của nặng hơn người.

Tôi không đếm nổi trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có bao nhiêu đoạn hao hao như trên. Nhiều. Thật nhiều. Ý, cứ phảng phất như nhau: phê phán thói đen bạc và ham chuộng danh lợi của người đời. Cảm xúc cũng phảng phất giống nhau: một chút phẩn nộ cộng một chút cay đắng và cộng rất nhiều, cơ man những nỗi buồn tê tái.

Đứng về phương diện văn học, hay nhất trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm là những bài ca ngợi cuộc đời nhàn cư. Nguyễn Bỉnh Khiêm không có cái hào sảng, phóng khoáng và say đắm của Nguyễn Trãi, không có cái trong sáng u nhàn của Chu An, nhưng cũng không có cái buồn tênh u uất như Nguyễn Du sau này. Tâm hồn Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi tưởng tượng, có lẽ hiền lành và đôn hậu lắm.
Nhiều lúc, Nguyễn Bỉnh Khiêm tự nhận mình ngông cuồng (Lão lai tự tiếu thái sơ cuồng). Tuy nhiên, trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, tính chất ngông cuồng rất mờ nhạt, ngay cả một chút ngang tàng cũng không rõ nét.

Trong đề tài ca ngợi cuộc đời nhàn cư của Nguyễn Bỉnh Khiêm, người ta có thể chia ra thành hai chùm lớn: chùm thơ viết về thiên nhiên và chùm thơ viết về sinh hoạt của người ở ẩn. Ở cả hai loại, chủ đề chính vẫn là một : đề cao phong cách sống nhàn, vô sự vô ưu, tìm thú vui trong vẻ đẹp của trời đất.

Biệt hữu giá ban chân lạc thú
Thánh phong, minh nguyệt tuý ngâm biên

(Riêng chiếm một cảnh thú vui chân thật này
Bên cảnh trăng trong gió mát say rượu và ngâm thơ)

Thời trước, có lẽ không có ai viết nhiều về thiên nhiên như Nguyễn Bỉnh Khiêm. Dưới ngòi bút ông, bất cứ cảnh vật nào cũng có thể ngân lên thành thơ, đọng lại thành thơ. Thơ tả cảnh nhật, nguyệt, sương, lộ, giang hà, sơn, thủy, phượng, hạc...Đã đành. Đó là những đề tài quen thuộc, đã thành công thức một thời. Nguyễn Bỉnh Khiêm còn làm thơ dễ dàng về những cảnh vật ít chất thơ hơn: trâu, bò, ve, kiến, gà, vịt...nhà cửa, giường chiếu, mâm bát, quạt chổi...khế, chuối, xoan, dâm bụt, tía tô...
Phần lớn các loại thơ vịnh cảnh và vịnh vật này đều khô và sáo. Nói chung, thơ phong cảnh của Nguyễn Bỉnh Khiêm không đẹp bằng thơ Nguyễn Trãi, không nên thơ bằng thơ Nguyễn Du và cũng không tinh tế như thơ Nguyễn Khuyến. Hiếm hoi lắm người ta mới bắt gặp trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm vài câu tả cảnh hay :

Hoa nở luống hay tin gió
Đàm thanh còn thấy dáng trăng.

Nhìn hoa nở đủ biết gió xuân đã tới. Ngó xuống nước đầm trong vắt thấy được hình dáng một vầng trăng. Cách nhìn kể cũng nhiều thơ mộng.

Nguyễn Bỉnh Khiêm thành công hơn ở chùm thơ tả sinh hoạt của người ở ẩn. Ngôn ngữ của ông sinh động hẳn, lấp lánh màu sắc, xôn xao tâm sự. Mấy câu thơ sau đây có cách diễn tả mới, khá độc đáo so với thời ấy:

Lếu láo câu thơ cũ rích
Khề khà chén rượu hăng xì
Trăng thanh gió mát là tương thức
Nước biếc non xanh ấy cố tri.

Cái tư thế ngồi vắt chân chữ ngũ và nghêu ngao hát ở đoạn thơ này có cái gì nghênh ngang, rất lạ:

Nép mình qua trước chốn xôn xao
Mấy sự bên tai gió thổi phào
Cửa trúc vỗ tay cười khúc khích
Hiên mai vắt cẳng hát nghêu ngao.

Tôi yêu cái cuộc sống nhàn đạm của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Khát, uống chè mai hơn ngọt ngọt
Sốt, kề hiên nguyệt, gió hiu hiu
Giang sơn tám bức là tranh vẽ
Phong cảnh tư mùa ấy gấm thêu
Thong thả: hôm khuya nằm, sớm thức.

Bài thơ chữ Nôm hoàn chỉnh nhất của Nguyễn Bỉnh Khiêm có lẽ là bài thơ sau đây, tứ thơ phiêu dạt, diễn đạt hàm súc, ngôn ngữ sáng trong:

Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dù ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.


Trong lịch sử văn học Việt Nam, vai trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm là vai trò của một chuyển tiếp: Ông đẩy mạnh việc dùng chữ Nôm trong sáng tác. So với thơ Nguyễn Trãi và thơ Lê Thánh Tông, ngôn ngữ tiếng Việt trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng bước thuần phục dần, lưu loát hơn và dễ hiểu hơn.

Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là nhà thơ lớn, nhưng dù sao, ông cũng là một bóng cây lồng lộng cao ngất trong cái cõi đồng bằng quạnh quẽ của nền văn học Việt Nam giai đoạn từ đầu thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 17. Không có ông, cõi đồng bằng ấy dễ chừng đã là cõi lãng quên.



Nguyễn Hưng Quốc




--------------------------

Nguồn: VĂN, Số 83, tháng 5-1989














Wednesday, April 6, 2016

THU BALTIMORE

   
                                                                       NGUYỄN XUÂN QUANG



Đặng đi dự hội nghị tu nghiệp ở Baltimore vào tuần lễ cuối cùng của tháng mười.
Từ khu đại hội về khách sạn, Đặng ghé lại quầy tiếp khách lấy chìa khoá phòng. Tiếp viên trao cho chàng một bao giấy nhỏ.
- Ông có phong thư.
Phong thư khá dầy. Đặng cau mày. Ai gởi cho mình ? Chàng nắn phong thư. Có vật cứng như miếng bìa mỏng bên trong. Không có tem bưu điện. Tên chàng viết theo thứ tự Mỹ. Không có địa chỉ khách sạn hay số phòng. Ở trên cao góc trái có đề địa chỉ người gởi. Không có tên người gởi. Mặt sau có dán hình ma-trơi-trái-bí-ngô-jack-o-lantern. Trái bí ngô cười toe toét lòi răng sún dán ngay chỗ mở thư để ngăn ngừa người tò mò tọc mạch mở ra xem lén. Ngay dưới có hàng chữ Happy Halloween. Chàng rảo bước về phòng. Trong thang máy, chỉ một mình chàng, Đặng xé vội bao thư. Một tấm vé mời dự party hoá trang Halloween đêm nay tại một ngôi nhà thờ cổ Westminster thuộc Đại học Maryland, Baltimore. Về tới phòng Đặng vẫn còn thắc mắc. Có lúc thắc mắc tới độ khó chịu. Ai đã gởi mời chàng ? Một người mến mộ ? Một ma quái Halloween ? Chàng chưa liên lạc với bất cứ ai từ khi đặt chân đến Baltimore. Chàng ném bao thư lên bàn. Cố coi như không có gì đáng để bận tâm. Đi hay không là do mình, chàng tự nhủ.

Đặng tắm rửa. Thay quần áo. Chàng tiếp tục sống theo chương trình đã vạch sẵn. Mấy ngày nay đi dự đại hội từ mờ sáng đến tối. Buổi trưa chàng chỉ có được hơn tiếng đồng hồ tự do. Chàng thường lấy "đường trời" (skywalk) từ khu hội nghị convention đi ra Nội Cảng ăn trưa. Inner Harbor, khu nổi tiếng đẹp nhất của Baltimore. Hôm nay lễ Halloween, chàng được nghỉ hội buổi chiều. Chàng muốn đi thăm một vài nơi khác. Trước khi rời phòng, Đặng nhét bao thư vào túi.

Đặng băng qua đường đi thăm Johns Hopkins. Khách sạn chàng đang ở, bao quanh bởi những toà giảng đường của Đại Học Johns Hopkins. Ông Johns này không giống như những ông John thường nhân khác. Tên ông có thêm chữ S tận cùng. Chính vì chữ S khác thường đó mà chàng muốn ghé thăm Đại Học Johns Hopkins.
Một khung trời Thu đại học. Những toà nhà cổ kính nằm trong khuôn viên mênh mông. Một rừng Thu sắc. Rừng cây Tô  Trấn Hương (sweetgum), Dương Hồng (dogwood), Thù Du (sumac) lá thu rực lửa. Thu thắm. Thu hồng. Thu son. Rừng sồi, rừng giẻ gai, rừng phong rực rỡ một "màu quan san". Thu hoàng ngọc, thu hổ phách, thu vàng.

Lên một đồi cao, Đặng cởi áo choàng trải xuống thảm lá vàng. Chàng nằm xuống với Thu. Trời thu xanh biếc. Gió thu ném từng đợt confetti-lá-thu-vàng từ trời. Hàng ngàn hàng vạn bướm lá thu phất phới. Trong lòng Đặng sống dậy những mùa thu xưa. Có Thu Hồng. Có Thu Cúc. Có Thu Nguyệt. Có Thu Hằng... Có Thu Quyến Rũ. Có Thu Hát Cho Người. Có Mùa Thu Lá Bay. Có Buồn Tàn Thu. Có Giọt Mưa Thu. Có Lệ Thu...

Đặng chợp mắt với Thu lúc nào không hay biết. Lúc mở mắt ra người đã phủ kín lá vàng. Một thoáng chợp mắt mà đã ngàn thu lá vàng. Đặng trở dậy, để nguyên những chiếc lá vàng còn dính lại trên người, chàng thả bộ trong khuôn viên đại học. Ở một thân cây lớn, họ chàng, người nào đã khắc sâu vào tận lớp mộc bên trong. Có đủ cả các dấu chữ Việt. Một tuổi trẻ Việt Nam nào đó cùng họ với chàng. Đặng thấy hãnh diện lây.

Đặng băng ngang qua vườn điêu khắc ghé vào Bảo Tàng Viện Mỹ Thuật Baltimore thăm khu vườn Giverny của Monet. Chiếc cầu Nhật Bản Bắc ngang qua ao súng, ở đây, giờ này, phản ảnh rực rỡ ánh nắng. Trong khi đó bên ngoài ánh nắng thu đã xế tà.

Thành phố đang vui nhộn với ma quái Halloween, Halloween ngày xưa mang nghĩa là Hallow Eve, buổi tối trước ngày Lễ Các Thánh. Đêm cuối tháng mười. Rồi Halloween thay hình đổi dạng biến thành ngày lễ hoá trang. Một năm con người hoá trang, đeo mặt nạ để sống một ngày với tâm ước của mình. Sống một ngày với tâm bệnh của mình. Sống một ngày với những ước mơ chưa thành. Sống một ngày với những giấc mộng đã vỡ, đã tan. Vui đùa. Vui và đùa.

Chàng vẫy taxi xuống Nội Cảng. Chiếc taxi Halloween trang trí cảnh địa ngục. Tài xế đầu sừng, đuôi dài, nanh xanh, mỏ đỏ.
Đặng xuống bến đổi qua taxi nước (water taxi), đi thăm một vòng Vịnh Chesapeake. Mỗi khi thu về, hàng trăm ngàn du khách từ phương bắc, trở lại vùng vịnh Chesapeake. Những con ngỗng trời Canada đầu đen, cổ khoang, má trắng. Những tiếng kêu rổn rảng vang dội từng trời. Người Mỹ cho rằng ngỗng trời kêu như "bóp còi". Họ bão ngỗng trời Canada honking.

Đặng ghé bến Fell's Point tìm một cái gì lót dạ. Fell' s Point với xóm di dân Polish. Những nàng kiều nữ Ba Lan tự hào là mình "sạch bóng". Sạch như lau chùi. Trong như ngọc, trắng như ngà. Những người đẹp Polish thơm tho hãnh diện mang trên ngực áo hàng chữ:"I am a polished girl".
Đặng tìm đến tiệm Obrycki's Crab House ăn món ghẹ hấp.
Đến vùng vịnh Chesapeake phải ăn ghẹ hấp bằng nước pha dấm tẩm gia vị "old bay", Chesapeake gốc từ tiếng da đỏ Chesapeach có nghĩa là cua tôm. Vịnh Chesapeake , vịnh Cua Tôm, Baltimore thành phố ghẹ. Dân vịnh Chesapeake , dân Maryland hãnh diện với con ghẹ xanh của xứ sở mình.
Ăn xong không còn mục gì khác nữa, trước khi về khách sạn, Đặng quyết định đi qua địa chỉ người mua vé mời chàng. Đi hay không chàng vẫn chưa có ý định dứt khoát. Chắc phải là một địa chỉ kín cổng cao tường. Một địa chỉ "Em ngồi trong khung cửa". Chắc phải thế.

Chàng nhảy lên taxi. Chiếc taxi Halloween trang hoàng thành một chiếc taxi cảnh sát. Xe màu đen trắng in hệt như xe cảnh sát ở quận Cam, Cali. Người tài xế da đen hoá trang thành một nhân viên cảnh sát công lộ. Cảnh phục lôi thôi, lốc thốc. Cả người ghim đầy những giấy phạt vạ vi phạm luật giao thông. Hắn đeo dùi cui nhựa, súng giả đồ chơi trẻ con.
- Happy Halloween.
- Happy Halloween.
- Đi đâu, thưa ông ?
Đặng chìa cái địa chỉ ở góc bì thư. Người tài xế vọt lẹ. Hắn hát nho nhỏ trong miệng. Thích thú. Bí hiểm.
- Bác biết chỗ đó chứ ?
- Ai mà không biết cái địa chỉ nổi tiếng đó. Tôi nhắm mắt cũng chạy được tới nơi.
Hắn bóp cái túi cười. Tiếng cười sằng sặc. Đểu giả. Hắn nhắm mắt lại. Chiếc xe chạy xàng xê, lạng qua lạng lại.
- Hê ! Bác lái cẩn thận. Coi chừng bị cớm thật phạt cho bây giờ.
- Đùa chút, ông đừng để tâm, Halloween mà. Mỗi năm sống đùa giởn với ma quỷ một lần cho bớt đạo đức giả. Thiên hạ mang mặt người sống ma quỷ một đời. Có đứa không dám mang mặt nạ Halloween sống với quỷ một lần. Ma sợ ma. Quỷ sợ quỷ.
- Bác bảo cái địa chỉ đó nổi tiếng ?
- Phải.
- Nổi tiếng về cái gì ?
- Một vụ án mạng. Người tài xế bóp túi cười. Tiếng cười rùng rợn.
- Bác không nói đùa chứ ?
-"Oh man"! Vụ án mạng đó ở đây ai mà không biết.
Hắn chép miệng, tắc lưỡi.
- Ông ở xa mới đến ?
Đặng không trả lời, giả lơ. Chàng biết hắn đã nhận ra chàng là một du khách.
- Oh man, poor man !
Hắn nhe hàm răng trắng hếu. Hàm răng anh Bảy Chà Hynos. Không nghe thấy tiếng cười.
Hắn lái xe chạy vào một khu phố da đen ổ chuột. Những căn nhà gạch đỏ, xây thành từng dãy. Đổ nát, hoang tàn với năm tháng, không tu sửa. Hư sao để vậy. Trên tường chi chít những graffiti. Đặng có cảm tưởng hắn đưa chàng đến một nơi chốn đầy tội ác để rồi ra tay hành động. Không hiểu sao chàng đã tưởng tượng ra cái địa chỉ của người mua vé phải là một địa chỉ khuê các. Một địa chỉ đài trang.
- Ông "cóp" đi đúng đường không đó ?
- Ố, ồ...oh man, tôi đi ngược đường. Cám ơn ông đã nhắc tôi. Đặng biết mình đang gặp một tên taxi lưu manh, chàng cố giữ bình tĩnh. Hắn lái lộn ngược trở lại.
- Làm cảnh sát công lộ mà không thuộc đường sao ?
- Tôi chỉ làm cớm long nhong ngoài đường một năm một lần đêm Halloween thôi. Tôi khoái làm "cóp" từ thuở nhỏ. Đêm Halloween tôi thường hoá trang làm cảnh sát đi "Treat or Trick" xin kẹo .
- Và lớn lên lại làm tài xế taxi.
- Đời nhiều chuyện oái oăm ông nhỉ.
- Nếu còn xa thì thôi, cho tôi về khách sạn.
- Đến nơi rồi.

Hắn dừng lại căn nhà đầu một dãy phố gạch đỏ điêu tàn. Những người da đen ngồi trên tam cấp trước  cửa nhà nhìn ra đường. Họ đang chờ đợi một biến cố để giết thì giờ buồn tênh. Trong những xó, đó đây, từng đám trung niên da đen túm năm tụm ba. Họ châu đầu đang toan tính, âm mưu một chuyện gì. Đứng dựa tường, những nàng con gái da đen, đầu tóc kết bím thành những con rít nhỏ. Môi son, môi tím. Họ hoá trang thành những cô gái đứng đường Halloween ?

- Từ nẩy giờ nói chơi cho vui, ông đừng để ý tới. Bây giờ tôi mới nói sự thật. Thủ phạm vụ án mạng trong căn nhà đó họ chưa tìm ra. Chính tôi là thủ phạm. Ông giữ kín chuyện này nghe. Chính tôi là thủ phạm.
 Hắn bóp túi cười. Tiếng cười quỷ quyệt ma mãnh. Dường như hắn biết từng chỗ trong túi cười. Bóp chỗ nào sẽ phát ra tiếng cười hợp với câu chuyện hắn đang nói lúc đó.

Căn nhà trang hoàng toàn màu đen và màu bí ngô. Trông như một cái tổ chim khổng lồ. Một con chim đen đậu trên miệng ống khói lò sưởi.
- Ông muốn tôi chờ ngoài này chứ ?
- Khỏi cần, có thể tôi ở lại lâu trong đó.
- Á, à ! Ông không ở lâu trong đó đâu. Khủng khiếp lắm. Một vụ án mạng. Đổ máu. Đẫm máu. Bê bết máu. Toè loe toét loét máu. Tùm lum tùm la máu. Nhầy nhụa máu... Á, à  tôi đánh cuộc với ông...
Đặng sẳn giọng:
- Tôi không trả tiền chờ đợi cho ông đâu.
- Không sao. Oh man! Người sẽ biết ơn tôi.
Hắn hát một điệu hát đùa cợt, người lắc lư.

Ra khỏi xe Đặng đọc vội số xe. Chàng nhét số xe vào một xó nhớ trong đầu.
Đặng băng qua đường. Đúng là địa chỉ Vụ Án Mạng Đường Nhà Xác. Đúng là cái Tổ Quạ. The Murders In The Rue Morgue. The Raven. Địa chỉ căn nhà Edgar Allan Poe đã ở. Số 203 North Amity. Đây chính là ngôi nhà người dì Virginia Clemm mà Edgar Allan Poe lúc chưa nổi danh đã tá túc. Chính nơi này ông đã mê người em họ, con gái người dì. Sau đó ông đã cưới nàng làm vợ. Lúc cưới, nàng mới mười ba tuổi. Cũng chính nơi nầy ông viết bài thơ Con Quạ. The Raven.

Cửa trước khoá kín, Đặng đi vòng ra cửa bên. Cửa cũng khoá. Nhìn vào cửa sổ, lờ mờ chàng chỉ thấy tủ rượu. Đặng đã đọc về mấy chai rượu hiện còn giữ trong đó. Hằng năm vào ngày sinh nhật Edgar Allan Poe, từ năm 1949 tới giờ, một kẻ bí mật nào đó đã lén để trên mộ ông một bó hoa hồng và một chai rượu Cognac thượng  hạng. Những chai rượu quý đó còn giữ nguyên si trong tủ kia.
Bó hồng và chai rượu của một đọc giả, một khách ái mộ, một người mộ điệu văn tài Edgar Allan Poe. Mấy chục năm trời tình yêu mến đó vẫn không phai, không sót một năm. Một bó hồng, một chai Cognac, một tấm lòng ngưỡng mộ văn chương.

- Hù...hù...hù...
Đặng giật mình quay lại. Một con khỉ đột. Một con kingkong. Hắn giơ cao con dao cạo. Lưỡi dao đẫm máu. Máu nhểu từng giọt.
- Ông tìm con Đười Ươi ? Hù...hù...hù...
- Tôi...tôi muốn vào thăm ngôi nhà của...
Đặng cố đứng vững trên hai chân.
- Tôi là con Ourang Outang ở đường nhà xác...
Bây giờ chàng mới nhận ra hắn nói giọng da đen.
- Cửa đóng...
- Giờ này đóng cửa rồi. Chỉ mở từ trưa đến ba giờ rưởi chiều thôi. Nếu đã mua vé dạ hội đêm nay mà chưa lấy ở đây, tối có thể lấy ở nhà thờ Westminster ....Hù...hù...hù...
- Cám ơn Ourang Outang.

Đặng quay người, bước nhanh. Chàng đi như chạy. Sau lưng tiếng gầm gừ và tiếng hú con đười ươi thủ phạm vụ Án Mạng Đường Nhà Xác. Chàng có cảm tưởng lưỡi dao cạo sắp chạm vào gáy mình. Rợn người. Nổi gai ốc. May mắn, người tài xế taxi vẫn còn đợi chàng. Đặng mở cửa xe vội nhảy vào.
- Thấy chưa, tôi nói có sai đâu. Ghê lắm, chết người như không !
 Chàng làm tỉnh. Đặng bảo hắn lái về khách sạn.
Trong đám những nàng con gái da đen đứng đường có người đã bỏ đám đông đang đi về phía chàng. Người con gái vẫy gọi. Cô nàng mở nút áo choàng trưng bày hàng họ để chào mời.

Nắng một ngày Thu tàn sớm. Đường phố Halloween ma quái hơn. Kỳ nhân, Dị vật, Ma quỷ đã thấy xuất hiện đó đây.
Về tới khách sạn tên lái taxi tính luôn tiền chờ đợi. Đặng làm lơ. Chàng cúp tiền tip.
Người tiếp viên khách sạn cho chàng biết có người gọi điện thoại nhắc chàng đi dự party đêm nay. Người đó không để lại số điện thoại. Bây giờ Đặng hiểu ra. Một kẻ nào đó đã mua vé qua địa chỉ căn nhà Edgar Allan Poe. Người đó biết chàng thích đọc truyện kỳ bí. Không còn gì suy nghĩ nữa, chàng quyết định đi dự party hoá trang Halloween đêm nay.

Gần nửa đêm, Đặng xuống chờ trước  khách sạn. Vốn đã mang theo chiếc áo field jacket nhà binh cũ, chỉ cần thêm vài thứ phụ tùng chàng đã hoá trang thành một quân nhân.
Chiếc xe quan tài Halloween của hãng du lịch đến đón trễ. Tài xế, một bộ xương người. Chàng bước vào quan tài tìm một chỗ ngồi. Hành khách toàn ma vương, quỷ sứ, đầu trâu mặt ngựa...Ngồi trong quan tài, giờ chàng là một tử sĩ. Chiếc quan tài như từ nhà mồ mới chui ra, đầy mạng nhện, cát bụi bùn đất.
Đường phố giờ thấy nhan nhản ma quái. Chiếc quan tài dừng lại trước một ngôi nhà thờ cổ. Nhà thờ Westminster tọa lạc tại góc đường Fayette và đường Greene, xây trên một nghĩa trang.
Đêm Thu tha ma mờ ảo sa mù. Trên những nấm mồ, bia mộ nghiêng ngả rêu phong, lập loè ánh ma trơi bí ngô. Lưới nhện trắng như bông giăng mắc từ nhà mồ này qua nhà mồ kia. Những con nhện tinh "goá phụ" (black widows) đôi mắt đỏ máu chết người. Những cánh dơi ma cà rồng lao chao trong đêm tối. Những con mắt cú vọ lân tinh rình rập...Tiếng hú oan hồn. Tiếng nhạc yêu ma.

Sát hàng rào, ngay lối vào nổi bật một ngôi mộ trắng. Ngôi mộ ba mặt bia. Một mặt khắc tên Edgar Allan Poe. Hai mặt kia khắc tên người vợ và bà mẹ vợ ông. Trên tường có tấm bảng tưởng nhớ Edgar Allan Poe của một hiệp hội thi văn hữu Pháp. Đây là ngôi mộ mới đời sau này. Ngôi mộ nguyên thủy của Edgar Allan Poe nằm ở sân sau nhà thờ. Ngôi mả đó vẫn còn tấm bia với con quạ đậu dưới nóc mộ bia. Con quạ bây giờ đã gảy mỏ.
 Đây đó những ngôi mả to như những ngôi nhà có cổng sắt hoen rỉ. Nơi đây an nghỉ những anh hùng hào kiệt, những công hầu khanh tướng, những danh gia vọng tộc vang bóng một thời của Baltimore. Người ta cố giữ nguyên những nét hoang tàn của năm tháng. Những ngôi mả trông giống như những nấm mồ vô chủ. Bia đá đã mòn, đã sứt mẻ.

Đột nhiên nóc một ngôi nhà mồ mở bung ra. Cõi chết mở ra. Cửa âm ty mở ngỏ. Âm phủ chào đón.
Những tham dự viên lũ lượt chui xuống đất. Nấp mồ đậy lại. Lòng nhà mồ chật ních. Những ma. Những quỷ. Những quái. Những yêu. Những tinh. Những thú vật người. Những mục súc người. Những sâu bọ người. Những chó má người. Những rắn rết người...những Frankenstein, những Doo dah. Những đú đa đú đởn. Những thần những thánh. Những tiên. Những thần thoại. Những cổ tích....
Chỗ này ma mảnh đang hài tội con người. Chỗ kia ác quỷ đang xét xử tội ác con người . Chỗ khác quái vật đang nguyền rủa cái vô luân, vô đạo đức của con người. Chỗ nọ yêu tinh lên án sự hèn nhát vô bờ vô bến của con người.

 Ngôi nhà thờ xây trên một nghĩa trang đã có từ trước. Xây trên những trụ móng bê tông cà kheo. Nhà thờ "ngồi xổm" trên mặt nghĩa trang. Những trụ móng tránh né những ngôi mả cũ chìa ra thành từng ngăn hình rẻ quạt tương tự như hầm nhà mồ catacomb. Một tiếng sấm gầm. Tiếng mưa gào. Tiếng gió hú. Tiếng chim vỗ cánh. Một con quạ đen phóng lên một thềm mộ cao. Quạ. Quạ. Quạ. Hắn kêu quạ quạ cho tới khi đám ma quái lặng im.
Hắn bắt đầu nói về thân thế và sự nghiệp văn chương Edgar Allan Poe. Hắn kết thúc bằng cái chết bí mật của ông. Edgar Allan Poe chết vào một ngày đầu tháng mười. Hưởng dương bốn mươi tuổi. Người ta tìm thấy ông mê man ở một nơi đầu phiếu. Edgar Allan Poe hôn mê vì ngộ độc rượu ? Hay vì bị đầu độc bởi một người kiểm phiếu ? Ông qua đời sau bốn ngày hôn mê.

Tiếng nhạc cõi chết lạnh người vang lên. Cánh cửa nhà mồ Edgar Allan Poe bật tung ra. Xác chết ngồi dậy. Chiếc trán gồ. Tóc hơi xoăn loà xoà hai bên. Xác chết vỗ đầu, tỉnh ra khỏi hôn mê. Ông lấy giọng rồi đọc thơ:

Once upon a midnight dreary, while I pondered, weak and weary,
Over many a quaint and curious volume of forgotten lore- 
While I nodded, nearly napping, suddenly there came a tapping,
As of some one gently rapping, rapping at my chamber door.
"Tisome visitor", I muttered, "tapping at my chamber door"
Only this and nothing more

..............................
Nameless here for evermore .
.............
This is it and nothing more
.............
Nevermore.

Xác chết diễn ngâm bài thơ The Raven tuyệt vời. Nghe lịm người. Xác chết đóng vai tác giả chui vào lại mộ tối an nghỉ. Cánh cửa ngàn thu khép lại.

Nhạc ma quái macabre trỗi dậy. Dạ vũ bắt đầu. Ma quỷ người ngợm quái thú quay cuồng nhảy múa. Kêu. Gào. Hú. Hét. Rú. Vui đùa cười giỡn. Đặng nhảy với tất cả ma quỷ quái thú thần tiên.

Một tiếng hát thì thầm bên tai chàng.

"Đừng bỏ em một mình! Đừng bỏ em một mình...
Đường về nghĩa trang mênh mông
Đừng bỏ em- Đừng bỏ em một mình! Đừng bỏ em một mình! 
Đường về nghĩa trang lênh đênh..."

Đặng đang ôm trong tay một xác ướp. Chàng đang nhảy với một mummy. Một xác ướp Ai Cập hát tiếng Việt. Chàng ôm xác ướp sát thêm vào người tỏ ý chia xẻ với nàng.
- Happy Halloween.
- Happy Halloween.
- Mummy hát hay lắm.
- Lâu rồi không hát. Đêm nay Halloween, bỗng dưng có hứng thích hát lại bản nhạc đó.
Chấm dứt bản nhạc nhảy, chàng dìu xác ướp ra một góc nhà mồ vắng người. Xác ướp quấn vải liệm chỉ còn chừa hai con mắt, cái miệng. Hai con mắt long lanh. Cặp môi phớt tím. Răng trắng đều. Người thon đẹp. Vải liệm quấn bó sát người nâng bộ ngực no tròn dựng đứng, cong lên. Bộ ngực sừng cong.
- Mummy dùng gì ? Bloody Mary hay Sangria ?
- Lúc này tôi chưa muốn uống mấy thứ đó.
- Đêm nay họ chỉ có bán toàn một thứ nước uống màu máu.
- Nếu có, cho tôi một cốc nước Punch Hawaii cũng được. Không có nước punch, Đặng mua một cốc nước cà chua cho xác ướp. Đôi mắt và cặp môi còn lại trên thân người quấn chặc vải liệm không giúp  Đặng nhận diện ra tung tích xác ướp là ai. Cặp mắt tinh quái. Cặp môi khêu gợi. Hai người nhảy say sưa quấn quýt. Đặng nhiều lúc muốn thôi nhảy ngồi nói chuyện, nhưng xác ướp háo hức như chỉ sống lại có đêm nay thôi. Chàng phải chiều nàng nhảy liên hồi.
- Chúng mình tìm chỗ nào nói chuyện đi.
- Tôi muốn đi dạo.

Đặng tìm người hướng dẫn viên báo cho hắn biết chàng về sớm, khỏi cần hắn chở về khách sạn nữa. Xác ướp lái xe đưa chàng thăm một vòng Baltimore ban đêm rồi dừng ở khu Nội Cảng. Hai người dìu nhau đi quanh bờ nước. Nàng vẫn không thổ lộ một lời.
- Mumy hát cho tôi nghe hết bài hát hồi nãy đi.
- Tôi không thuộc hết.
- Nhớ câu nào hát câu đó.
 Xác ướp dựa sát vào người Đặng, nàng cất tiếng hát:
" Đừng bỏ em một mình. Đừng bỏ em một mình, trời lạnh quá, trời lạnh quá, sao đành bỏ em một mình...Chiều lộng gió, chiều lộng gió..."
Đặng nắm chặc bàn tay xác ướp khen tặng. Chàng cởi chiếc áo field jacket khoác lên người xác ướp. Đêm thu bên sóng nước cũng lạnh và lộng gió như lời bài hát. Lá vàng đêm rụng nhiều. Hai người thả bộ đi hết khu Nội Cảng.
- Ngày xưa ông là quân nhân ?
- Phải.
- Bây giờ người lính vẫn còn sống trong ông ?
- Phải. Mãi mãi. Bao giờ tôi cũng vẫn là một kẻ phấn đấu. Một kẻ chiến đấu. Một kẻ đấu tranh cho quyền sống của con người.
- Ông đưa áo cho tôi mặc, coi chừng bị cảm lạnh đó.
- Chúng mình vào một cái quán nào tìm cái gì ăn. Đi chơi đêm như thế này tôi lại nhớ đến những cái hẻm bán thức ăn khuya của Saigon ngày trước.
- Xác ướp này mà đến những hẻm ấy thì thiên hạ Việt Nam sẽ hoảng hồn hết vía.
- Hình như ở đây có tiệm ăn Việt Nam Cochin, Cô Chín gì đó.
- Sợ tiệm đó giờ này đóng cửa rồi. Để tôi lái xuống Little Italy xem có tiệm ăn nào còn mở cửa không.
Little Italy. Những dãy nhà cổ, có hầm, bậc tam cấp cao, trông như một khu phố Venice cũ nào đó. Nhiều tiệm ăn còn mở cửa.
- Mummy đề nghị tiệm ăn nào không ?
- Không, tuỳ ông.
- Vậy cứ vào tiệm nào đông khách. Một là đông vui, hai là ít khi bị thất vọng về món ăn. Hai người vào một quán ăn đầy ma quái Ý đang vui đùa đàn hát. Một ngư nữ đưa hai người đến một cái bàn trống.
- Buon giorno.
- Ciao, Sirena. Che bella ! Che carina !
- Grazie Mille, signore. Cám ơn ông rất nhiều. Mummy và ông lính có muốn dùng những món ăn chơi đặc biệt hôm nay không ?
- Có món gì vậy ?
- Mùa này có sò tươi rất ngon. Sò mọng nước và ngọt.
- Bây giờ là tháng mấy ?
Đặng hỏi thành tiếng nhưng thật sự ra tự hỏi mình. Chàng vờ ngữa cổ tìm câu trả lời. Chàng làm ra vẻ mình là một kẻ đãng trí thông thái.
- Tháng mười. October. Ngư nữ nói đúng đấy. Sò những tháng tận cùng bẳng chữ R rất ngon. Cô cho chúng tôi một vài phút.
- Ông bà cứ thong thả chọn món ăn, chút nữa tôi trở lại.
Ngư nữ đưa thực đơn rồi bỏ đi.
- Mummy dùng sò nửa vỏ, oysters on the half shell ?
- Chịu, tôi không thích ăn sò sống. Ông thích, cứ gọi.
- Mummy muốn món ba màu cờ Ý không ?
- ?
- Sốt cà chua đỏ, pasta xanh lá cây, phô ma trắng.
- Nhờ ông gọi hộ.
- Mummy tuổi gì nào ?
Xác ướp nghi ngại, Đặng giải thích :
- Tôi muốn hỏi tuổi tử vi tây phương. Chỉ cần ngày tháng. Tử vi tây phương không cần tuổi, không đoán ra được tuổi. Tôi chỉ cần biết là tuổi Ngư Nữ, Bão Bình, Nhân Mã...
Mummy cười mĩm.
- Thật sự ông cần biết tử vi để gọi món ăn sao ?
- Mỗi tuổi có một khẩu vị.
- Để coi, tôi tuổi Hổ Cáp.
- Hổ Cáp là con bò cạp, sinh trong khoảng 22-10 đến 24-11. Vậy thì "Happy birth day".
 Đang mùa sinh nhật, hai mắt xác ướp lung linh.
- Cám ơn ông.
- Hổ cáp có nọc độc chết người. Bò Cạp kỹ ăn, ăn kiểu cách, ăn đúng nghệ thuật bếp núc. Không thích thà nhịn còn hơn. Thức ăn không những hợp vị mà mỗi món ăn phải là một bài thơ, một bức hoạ...Miếng cà rốt thái chỉ, một nét cọ màu. Cọng mùi đong đưa lau lách...
Ngư nữ trở lại. Đặng gọi cho xác ướp món Frutti di mare sốt cà chua đỏ Marinara và gọi cho mình món cá hanh sọc sốt trắng alfresco kèm thêm một chai rượu Ý Chianti nhỏ. Chàng muốn nếm thử cá hanh sọc, striped bass (rockfish), loại cá được chọn làm biểu tượng cho các loài động vật Maryland.

- Nghe ông nói hết cả giận.
- Giận tôi ? Hồi nào ?
- Hồi nãy ông khen ngư nữ đẹp phải không ?
- Phải. Che bella ! Che carina !. Quá đẹp, quá xinh. Đúng là Hổ Cáp.
- Hổ Cáp thì sao ?
- Chết người. Giết người nhưng không hiểm. Không nhỏ mọn.

Ma quỷ Ý vui nhộn. Tiếng vĩ cầm réo rắt. Tiếng hát opera bồng bềnh sóng nước thành Venice. Khi chơi vơi soprano. Khi vời vợi tenor. Khi trầm trầm baritone. Khi trầm thấp basso.
Người bồi trong lớp vỏ con cua Sebastian trong phim hoạt hoạ ngư nữ Mermaid của Disney mang thức ăn ra. Vừa để thức ăn xuống bàn, hắn vừa hát một bài ca Ý với nhiều âm tận cùng bằng âm ô. Cái miệng hát có lúc cũng tròn vo như chữ O.
- Buon appetito.
- Grazie, Granchio, cám ơn con cua.
- Mời Mummy.
- Mời ông.
Đặng nâng ly. Hai người cụng ly.
- Xin chia xẻ cùng nhau những bất hạnh đời người.
- Xin chia xẻ.
Mummy nhón một sợi mì cắn thử.
- Pasta của Mummy ăn được không ?
- Mì họ làm rất ngon, rất tới. Không còn sượng bột, không quá chín sũng.
Nghệ thuật nấu pasta như vầy là đến tuyệt đỉnh rồi. Một tô mì Trung Hoa cũng vậy, mọi yếu tố quyết định ở cọng mì. Hồi trước tôi ghiền ăn mì ở một xe mì đậu dưới một gốc cây bên Tân Định. Tôi hỏi chú Ba bán mì làm sao ông ta có thể làm và trụng những sợi mì tuyệt đến như thế. Ông ta bảo mỗi lần làm mì, ông phải thắp hương cầu xin phù hộ. Cầu nguyện cả thánh thần tiên Phật lẫn ma vương quỷ sứ cô hồn các đảng.
- Người Ý bảo pasta ngon phải hợp với răng. Al dènte.
- Ông có biết ông Cua đó hồi nãy hát bài gì không ?
- Không.
- Tôi không hiểu tiếng Ý nhưng tôi biết ông ta hát bài " Kiss the Girl" mà con cua Sebastian đã hát trong phim Mermaid.
- Uổng quá! Nếu biết, tôi đã làm theo lời ông ta hát rồi.
Xác ướp lườm yêu.
- Lúc nãy còn giận nên không thèm nhắc.
- Mất một dịp bằng vàng.

Nàng ăn rón rén như một con mèo. Nàng sợ thức ăn rơi xuống vải liệm quấn quanh người. Những giãi mì Ý dẹp fettuccine lòng thòng thử thách.
- Mummy cởi băng quấn ra, ăn cho thoải mái.
Nàng cười tinh quái.
- Ông xúi dại tôi. Gió lọt vào là mummy tan thành cát bụi.
- Như thế có nghĩa là Mummy vẫn còn yêu đời.
- Ít ra là đêm nay
- Tại sao chọn làm xác ướp đêm nay ?
- Cả đời, tôi vẫn chỉ là một xác ướp. Người đời không thấy đó thôi.
- Thế hồn đi đâu ?
- Đi bên cạnh cuộc đời.
- Đáng lẽ Mummy phải dùng những món ăn  Kim Tự Tháp hợp miệng hơn.
- Đêm nay ăn gì cũng ngon.
- Món ăn Ai Cập có những món mang tên những phần thân thể phái đẹp rất hấp dẫn như món Fisolis " Người đẹp trong mùng " , Bamia " Những ngón tay ngà", Kadin budu "Đùi tiên nữ"...Mấy món này có thể ăn bằng tay.
- Có món nào tên Người Đẹp Trong Vải Liệm không ?
- Tôi nghĩ là có. Chắc tôi sắp được nếm món đó.

Xí...Tiếng xí kéo dài thườn thược.
Nàng cúi xuống đĩa thức ăn che dấu cảm giác mình.
- Đôi khi cũng cần phải "xí" mới xí được phần "đẹp" !
- Xí xọn.
Nàng cười. Nụ cười tươi nhất kể từ lúc Đặng gặp nàng.
Chàng đề nghị :
- Ăn xong chúng mình bỏ món tráng miệng, về chỗ tôi dùng trà. Phòng tôi đang ở là một cái Suite Victoria. Phòng khách có lò sưởi, chúng mình đốt lửa đêm nay.
- Ông ở một mình mà thuê cả một cái Suite ?
- Người đi dự đại hội đông quá. Trên sáu ngàn người đến từ khắp nơi trên thế giới. Khách sạn ở đây không đủ phòng, ban tổ chức phải lấy cả những suite cho những người ở một mình như tôi.
Đặng nhìn vào mắt xác ướp.
- Dường như đã có một sự an bài, sắp đặt...
- An bài...tôi vẫn sống với an bài.

Ma quỷ Ý có đứa đã quá say. Có kẻ đã hiện ra nguyên hình người. Có tiếng chửi nhau. Có tiếng chai cốc vỡ. Những tiếng than gọi mẹ "Mama ô mamia" sặc mùi phô ma Parmesan.
Hai người rút lui êm. Gió đêm lạnh giá. Lá thu vàng chạy đuổi nhau trên mặt đường. Yêu quái đã rút vào những hang ổ êm ấm.
Về đến khách sạn, Đặng đốt lò sưởi pha trà trong khi xác ướp đi trang điểm lại. Đợi nàng trở ra chàng mới châm nước vào bình trà.
- Ông mang cả khay chén theo nữa sao ?
- Biết trời miền Đông mùa này chuyển lạnh nên đem theo trà uống cho ấm người.
Đặng châm trà mời xác ướp.
- Mummy dùng thử rồi đoán xem là trà gì nào.
Môi nàng giờ tô son đỏ như màu lá thắm mùa thu. Nàng rón rén nhấp trà. Nàng lắc đầu.
- Không được. Phải lau môi son đi. Son làm uổng công pha trà của ông.
Xác ướp rút khăn trong ví ra lau sạch hết môi son. Nàng nhấp trà.
- Trà mạn sen phải không ông.
- Đúng đấy.
- Ngon tuyệt.

Hai người ngồi uống hết tuần trà. Lửa gỗ thông trong lò sưởi reo vui nổ lách tách. Không khí ấm, thơm ngát mùi tinh dầu thông. Xác ướp ngã vào lòng chàng. Đặng cúi xuống hôn thật nồng nàn. Nàng hụt hơi gục xuống ngực chàng, thở.
- Ôm chặc em đi.
Đặng ôm Xác Ướp chặc thêm. Hai mắt nàng tình tứ.
- Mummy còn nhớ trò chơi rồng rắn không nhỉ ?
- Nhớ.
Đặng để tay lên đầu Xác Ướp.
- Xin khúc đầu.
Chàng chờ nàng ưng thuận sẽ mở lớp vải băng quấn. Xác Ướp chợt hiểu. Hốt hoảng. Nàng ngồi thẳng dậy, hất tay Đặng ra. Hai tay bưng giữ đầu, nàng lắc đầu phản đối.
- Không được đâu.
- Phải trả lời theo bài hát chứ. Nào bắt đầu lại. Rồng rắn có nhà không ?
-  không, đi vắng rồi.
- Rồng rắn có nhà không ?
- Không, đi vắng chưa về.
- Rồng rắn có nhà không ?
- Không, đi vắng sắp về.
Đặng hỏi dồn:
- Rồng rắn có nhà không ?
- Có.
- Xin khúc đầu.
Xác Ướp giữ chặc băng quấn đầu, lắc đầu quầy quậy.
- Những xương cùng xẩu.
- Xin khúc giữa.
Hai tay nàng vẫn giữ băng quấn đầu. Bộ ngực sừng cong bỏ ngỏ.
- Những máu cùng me.
- Xin khúc đuôi.
- Tha hồ mà đuổi.
Xác Ướp trốn chạy vào phòng ngủ. Nảng toan đóng cửa lại nhưng không kịp. Đặng đã nắm được khúc đuôi.


Xác Ướp viết mấy chữ để lại trên mặt bàn. Đặng còn ngủ. Nàng lách mình ra ngoài, khoá trái cửa. Trời bên ngoài sương thu dầy đặc. Xác Ướp giờ chỉ còn vải liệm quấn kín từ đầu xuống cổ. Từ cổ trở xuống chân, vải liệm bó thân đã không còn.

Trên lối nàng đi về ngập lá thu vàng.




Nguyễn Xuân Quang



---------------------
Nguồn: VĂN, Giai Phẩm Xuân Nhâm Thân
              Số 114-115, tháng 12-1991 và tháng 1-1992