Friday, April 15, 2016
NGUYỄN BỈNH KHIÊM
NHỮNG GƯƠNG MẶT ĐẸP NHẤT
TRONG LỊCH SỬ THI CA VIỆT NAM
NGUYỄN BỈNH KHIÊM
(1491-1585)
Nguyễn Hưng Quốc
Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà triết học lớn, nhà đạo đức lớn hơn là nhà thơ lớn, mặc dù, về phương diện thơ, từ trước đến nay, ông vẫn được xem là tác giả lớn nhất của thế kỷ 16 và của cả thế kỷ 17. Cũng không lạ: suốt thời gian dài dằng dặc này, thơ Việt Nam bị khủng hoảng nghiêm trọng. Những người cầm bút cố tìm kiếm những phương thức thể hiện mới và trên thực tế, họ đã thành công ở một số lãnh vực có ý nghĩa với sự xuất hiện càng lúc càng nhiều của thể truyện ký, truyện kỳ; với sự phát triển của các thể vãn, thể ngâm và đặc biệt, thể thơ trào phúng; với sự ra đời của thể thơ lục bát và thơ song thất lục bát.
Song tất cả những đóng góp trên đều thuộc phạm vi thể loại và hình thức. Thơ là cái gì cao hơn thể loại và hình thức. Vẽ được vòng tròn chưa hẳn vẽ được vầng trăng. Suốt thế kỷ 16 và thế kỷ 17, không có ai có được một trí tưởng tượng thực sự phong phú, một cảm hứng thực sự dào dạt, một cảm xúc thực sự tinh tế và một khả năng xử dụng ngôn ngữ thực sự tài hoa, những điều kiện thiết yếu để tạo thành những bài thơ tuyệt tác.
Sinh năm 1491, mất năm 1585, thọ 95 tuổi, cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm vắt ngang qua gần trọn thế kỷ 16, thế kỷ của loạn lạc và của tang thương, thế kỷ của sấm sét và của giông bão, thế kỷ của ùn ùn mây và chập chùng bóng tối.
Đọc thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, người ta thấy thấp thoáng vẻ âm u của những hoàng hôn bất tận, những tiếng kêu van não nùng của những trận gió lạc loài. Đây đó, loé lên một vài tia nắng hanh, nhưng là thứ nắng quái, bừng lên rồi tắt, ngay cả khi nó đang tỏa sáng, người ta cũng thấy nó se sắt thê lương thế nào.
Nổi tiếng học giỏi nhưng mãi đến năm 45 tuổi, thời Mạc Đăng Doanh, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới đi thi và đậu trạng nguyên (1535). Làm quan được tám năm, ngao ngán trước sự thối nát của triều đình, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ đàn hặc, xin chém mười tám tên lộng thần nhưng vua Mạc không chấp thuận, ông cáo quan về ở ẩn (1542).
Hình như ít lâu sau, vua Mạc lại mời ông ra làm quan trở lại. Mãi đến năm ngoài bảy mươi tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới về hẳn ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương, quê quán ông. Tại đây, ông mở trường dạy học, học trò nhiều người nổi tiếng như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ...Ông dựng am Bạch Vân, lấy đạo hiệu là Bạch Vân Cư Sĩ.
Trước, lúc tại triều, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được nhà Mạc phong tước Trình Công nên dân gian thường có thói quen gọi ông là Trạng Trình.
Dù đang làm quan hay đã về ở ẩn, uy vọng của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với xã hội cũng rất lớn. Tục truyền, ông giỏi về thuật bói toán. Không phải chỉ có vua Mạc mà cả chúa Trịnh lẫn chúa Nguyễn cũng thường vấn kế ông. Người xưa kể lại, ông từng khuyên Trịnh Kiểm đừng truất phế vua Lê, phải tôn vua Lê mới có chính nghĩa bảo vệ quyền lực của mình. "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản" .
Giữa Trịnh Kiểm và Nguyễn Hoàng có mâu thuẫn gay gắt, ông lại khuyên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hoá để lập nghiệp lâu dài (Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân).
Nhà Mạc bị Trịnh Kiểm đánh tan tác, phải chạy ra khỏi thành Thăng Long, Nguyễn Bỉnh Khiêm bày kế họ Mạc: phải chạy lên Cao Bằng, đất Cao Bằng tuy nhỏ nhưng có thể kéo dài cơ nghiệp được vài đời (Cao Bằng tuy tiểu, khả diên sổ thế).
Chưa biết những câu chuyện trên là thực hay chỉ là huyền thoại. Có điều, trong danh sách tác phẩm Nguyễn Bỉnh Khiêm, có hai tập sấm ký: Trình Quốc Công Sấm Ký và Trình Tiên Sinh Quốc Ngữ. Hình như hiện nay, đang có một số người muốn dựa theo sấm ký của Nguyễn Bỉnh Khiêm để tiên đoán thời cơ phục quốc. Chờ xem.
Ngoài một số ít bài và văn tế, tác phẩm chủ yếu của Nguyễn Bỉnh Khiêm là thơ. Có hai tập:
Bạch Vân Am Thi Tập bằng chữ Hán gồm khoảng 1000 bài (hiện nay mới tìm được khoảng 700)
Và Bạch Vân Quốc Ngữ Thi Tập bằng chữ Nôm gồm khoảng 170 bài, trong đó, có khoảng 30 bài trùng với thơ Nôm của Nguyễn Trãi, có lẽ đó người xưa chép nhầm.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có nhiều suy tưởng về thơ. Quan niệm về thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm trước sau vẫn nằm trong khuôn khổ truyền thống "Văn dĩ tái đạo" (viết văn để chở đạo) và "Thi ngôn chí" (làm thơ để nói chí) của người xưa. Không mới. Tuy nhiên, để hiểu Nguyễn Bỉnh Khiêm, có lẽ cần phải đọc lại lời tựa Bạch Vân Am Thi Tập do chính Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:
" Ôi, nói tâm là nói về cái chỗ mà chí đạt tới vậy, mà thơ lại là để nói chí.
Có kẻ chí để ở đạo đức, có kẻ chí để ở công danh, có kẻ chí để ở sự nhàn dật. Tôi lúc nhỏ chịu sự dạy dỗ của gia đình, lớn lên bước vào giới sĩ phu, lúc về già chỉ thích nhàn dật, lấy cảnh núi non sông nước làm vui, rất là vụng về trong nghề thơ. Tuy nhiên, cái bệnh yêu thơ lâu ngày tích lại chưa chừa được khỏi vậy. Mỗi khi được thư thả lại dậy hứng mà ngâm vịnh, hoặc là ca tụng cảnh đẹp đẻ của sơn thủy, hoặc là tô vẽ nét thanh tú của hoa trúc, hoặc là tức cảnh mà ngụ ý, hoặc là tức sự mà tự thuật, thảy thảy đều ghi lại thành thơ nói về chí, được tất cả một nghìn bài, biên tập thành sách, tự đặt tên là tập thơ Am Bạch Vân.
Cái tội mà kẻ học trò già này để lại cố nhiên là không thể chối cãi được, mong các bậc quân tử về sau tha thứ cho."
(Bản dịch của Đinh Gia Khánh)
Một nghìn bài thơ chữ Hán. Một số lượng không nhỏ. Nguyễn Bỉnh Khiêm tự nhận là mình "mắc bệnh nghiện thơ".
Lão cuồng huống hựu đam thi tích
Phong nguyệt song giai nhập phẩm đề
(Kẻ già ngông cuồng này lại có bệnh nghiện thơ
Cảnh đẹp gió trăng thường đưa vào đề tài phẩm bình).
"Nghiện" thơ thực chất là "nghiện" cái đẹp của trời đất:
Thi tá oanh hoa thiên thủ hữu
( Thơ mược được cảnh chim Oanh và hoa cỏ thì nghìn bài cũng có ).
Có điều, sống trong thời đại nhiễu nhương, bị dằn dặt trong tâm trạng bế tắc, khác với Trần Nhân Tông và Nguyễn Trãi thời trước; khác với Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh sau này, Nguyễn Bỉnh Khiêm không mấy tin tưởng vào tác dụng của thơ văn:
Khởi vị nhất thi năng khước địch
(Há bảo một bài thơ có thể đẩy lùi quân địch).
Thơ chỉ làm cho người ta si cuồng trong mộng ảo:
Bàng nhân mạc tiếu cuồng si khách
Chỉ yếu ngâm đa lão cánh si
(Người bên cạnh chớ cười khách si cuồng
Chớ cần ngâm thơ nhiều càng già lại càng si).
Mong lắm thay đó chỉ là một cách nói.
Kết thúc bài Cảm Hứng, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết mấy dòng cảm động:
Thừa nhàn thác vịnh ngâm
Nhất nhất tự ngôn chí
Cô lậu quả kiến văn
Di tiểu tiếu thiết xuý
Chỉ vị thi thành tích
Cảm vân thi tích sử
Tương thử mạc tương bí.
(Thừa cảnh nhàn, gửi gấm vào ngâm vịnh
Lời lời là để nói về chí
Kém cỏi quê mùa, ít kiến văn
Vụng trộm mà cổ xuý chỉ để lại lời chê cười
Chỉ vì đối với thơ đã trót nghiện ngập
Đâu dám nói rằng thơ tức sử
Nhắn nhủ bậc quân tử sau này
Tha thứ mà đừng khinh bỉ nhau).
"Đâu dám nói rằng thơ tức sử" (Cảm vân thi tức sử ). Một lời nói khiêm.
Sự thực ngược lại: thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm trước hết là bức phác họa của một thời kỳ tang tóc. Nhà Lê băng hoại, họ Mạc thoán ngôi (1527), rồi họ Trịnh, với danh nghĩa phù Lê dần dần lạm quyền, rồi mâu thuẫn giữa họ Trịnh và họ Nguyễn phát sinh. Chiến tranh triền miên. "Khắp nơi chỗ nào cũng máu chảy thành sông, xương chất thành núi" ( Xuyên huyết sơn bài tuỳ xứ hữu). Chiến tranh lan vào tận đế đô (Nghịch tặc xương cuồng phạm đế kinh). Có những trận đánh cả hai bên đều chết hơn một nửa (Hồ chiến giao tranh bán sát thương). Ở đâu gươm giáo cũng bày ra tua tủa trước mắt (Lạc lạc can qua mãn mục tiền). Loạn lạc, dân chúng tan tác khắp bốn phương (Kinh loạn, dân đa tán tứ phương). Gặp năm đói, đi đâu, trôi giạt đến đâu, cái đói vẫn sừng sững chắn ngang, bít kín mọi niềm hy vọng (Thử tuế hựu ca cơ cận ách. Lưu ly hà địa khả dung thân). Rồi nạn cướp của giết người hoành hành (Nhượng đoạt phi kỷ hoá. Hiếp dụ phi kỷ sắc). Dân chúng thống khổ lại cực kỳ thống khổ: vô số nông phu đói lã, kêu khóc thảm thiết ngay trên đồng ruộng của mình (Lao bần nông phu thán. Cơ tích điền dã khốc) ...
Đứng trước những cảnh thương tâm như thế, lòng Nguyễn Bỉnh Khiêm xót xa vô hạn. (Thâm mẫn tiểu dân ly đống nỗi). Ông ao ước:
Y cựu kiền khôn nhất thái hoà
(Xoay lại càn khôn buổi thái hoà)
Ông mơ tưởng làm một cái gì thật lớn lao và có ích:
Ngã kim dục triển phù điêu thủ
Vãn đắc quan hà cựu đế thành
(Ta đây muốn thi thố thủ đoạn nâng đỡ vận nước ngả nghiêng
Kéo lại giang sơn, đế kinh vững vàng như cũ)
Qua thơ chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm, người ta thấy có lúc hình như ông đã già lắm rồi, ông vẫn còn hăng hái cầm quân ra trận:
Xã tắc điên nguy xuất lực phù
Lão lai mị đạn hiệu tri khu
(Xã tắc nguy ngập điên đảo, ra sức phù trì
Tuổi già chẳng ngại, gắng gỏi ruổi rong).
Không có tài liệu nào ghi chép lại sự nghiệp quân sự của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngờ là trong lãnh vực này, ông không phải là người xuất sắc. Bao năm làm quan dưới triều Mạc, ông không giúp được họ Mạc thoát khỏi thế chênh vênh và càng ngày càng điêu đứng. Ông cũng không ngăn chận được Mạc Đăng Dung làm một công việc hèn hạ và nhục nhã nhất trong lịch sử dân tộc : ra cửa ải, tự trói mình phục tội trước giặc Minh, dâng năm động ở Yên Quảng và nhận chức An Nam Đô Thống Sứ, lệ thuộc Quảng Tây phiên ty.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà nhiều lần Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:
Nguy thỉ hoằng tế quý phi tài
(Muốn cứu nước buổi nguy nan, thẹn mình không có tài)
Đệ tàm lão chuyết vị năng binh
( Chỉ thẹn già yếu vụng về, không thạo việc binh)
Quý phạp mưu du tán cật nhung
(Thẹn mình kém mưu mô tham tán việc binh).
Điều làm người ta đến nay vẫn không ngớt băn khoăn là: tại sao Nguyễn Bỉnh Khiêm lại cộng tác với nhà Mạc, một triều đại vừa bất lực, vừa thối nát lại vừa đê hạ? Đã có nhiều giả thuyết, giả thuyết nào cũng là một phỏng đoán vu vơ: Nguyễn Bỉnh Khiêm vâng lời mẹ; Nguyễn Bỉnh Khiêm chiều ý bạn; Nguyễn Bỉnh Khiêm nể tình Mạc Đăng Dung là người đồng hương; Nguyễn Bỉnh Khiêm ra làm quan vì đời sống khốn khó, vì tình thế bức bách...Riêng trong thơ mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm hoàn toàn im lặng, không một lần giải thích. Bí ẩn chắc còn lâu.
Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có ba nội dung chủ yếu: ca ngợi cuộc đời ẩn dật, vạch trần sự đen bạc của nhân tình thế thái và cổ xuý những tư tưởng triết học xuất phát từ Dịch lý như sự tương sinh tương khắc. Quá trình biến dịch và tuần hoàn của vụ trụ, quy luật âm suy dương trưởng, và tạo hoá cơ giảm. Thể hiện ba nội dung trên, bất cứ lúc nào, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nhắm tới mục đích nhất định: trực tiếp hay gián tiếp khuyên răn người đời thoát ly ra ngoài vòng ganh đua, giảm bớt sự bon chen, sống một cách bình đạm và tự tại an nhiên. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc nào cũng có tính chất giáo huấn rõ rệt.
Tư tưởng triết học của Nguyễn Bỉnh Khiêm không có gì mới mẻ. Các luận điểm của ông đều bắt nguồn từ Kinh Dịch và Lý học. Ông coi vũ trụ và lịch sử luôn luôn biến đổi trong vận hành tuần hoàn: Vạn vật có âm có dương, âm qua thì dương lại. Cứ thế, vĩnh viễn như thế:
Tái nhất âm hề phục nhất dương
Tuần hoàn vãn phục lý chi thường
(Vừa một âm qua lại chi thường
Tuần hoàn đi lại lẽ là thường).
Thế giới tự nhiên như thế, thế giới con người như thế. Có doanh (đầy) và có hư (vơi). Có lành và có dữ. Có phúc và có họa. Có vinh và có nhục. Xã hội là nơi hội tụ ngổn ngang của những điều mâu thuẫn và nhờ sự mâu thuẫn ấy, nó tiến hoá hoài hoài:
-Thế gian biến cải vũng nên đồi
Mặn nhạt chua cay lẫn ngọt bùi...
- Vùng nọ ghê khi làm bãi cát
Đồi kia có thuở trụt hòn doi
Khôn ngoan mới biết thăng thời giáng
Dại dột nào hay tiểu có dài
- Thoi nhật nguyệt đưa thắm thoắt
Cái phồn hoa khá lạt phai
Hoa càng khoe nở hoa nên rữa
Nước chứa cho đầy nước ắt vơi
Mới biết doanh hư đà có số
Ai từng dời được đạo trời.
Dựa theo quy luật vận hành của vũ trụ, Nguyễn Bỉnh Khiêm tự tin có thể tiên đoán được những việc mai sau:
Bát quái tượng suy thiên vãng nhục
Sổ thanh quyên nghiệm thế hưng suy
(Suy từ tượng của tám quẻ, biết sự vãng phục cả trời
Nghiệm qua vài tiếng quyên, hiểu lẽ hưng vong ở đời).
Lúc nào là thời điểm chính xác từ " loạn" chuyển qua "trị", từ suy chuyển qua hưng, từ vơi chuyển qua đầy, từ họa chuyển sang phúc ? Trả lời câu hỏi cụ thể ấy, coi bộ ông Trạng Trình không phải không có lúc sai lầm. Trong nhiều bài thơ được sáng tác lúc tòng chinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm phấn khởi tin tưởng:
- Thử hành tố triển an biên sách
Chỉ nhật xâm cương thủ bỉ hung
(Chuyến đi này bày sẵn kế sách vỗ an bờ cõi
Hẹn ngày bắt bọn hung tàn kia trả đất lại cho ta)
- Thử hành hảo triển an biên sách
Hưu đạo đa niên úng họa trùng
(Chuyến đi này hãy bày kế vỗ an bờ cõi
Đừng nói rằng nhiều năm ôm chiếc lọng hoa).
Sự thực vượt ra ngoài mọi mơ ước của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bờ cõi vẫn khói lửa. Vua Mạc không tiêu diệt được các lực lượng phản kháng. Không những thế, đến năm 1592 vua Mạc phải bỏ thành Thăng Long mà chạy. Năm 1688 thì bị xoá tên vĩnh viễn trong danh sách các vương triều. Chiến tranh cũng không chấm dứt. Chiến tranh giữa nhà Lê với nhà Mạc kéo dài gần 50 năm (1546-1592). Sau một thời gian ngắn ngủi tạm thời yên ổn, chiến tranh giữa họ Trịnh và họ Nguyễn lại bùng nổ và kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ nữa.
Phần có giá trị hơn trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm là những bài viết về nhân tình thế thái. Trong lịch sử văn học Việt Nam, có hai người viết nhiều và viết hay về nhân tình thế thái: Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Công Trứ. Nguyễn Bỉnh Khiêm là người bi quan. Cuộc đời, dưới mắt ông, đầy màu sắc tối:
Được thời thân thích chen chân đến
Thất thế, hương lư ngoảnh mặt đi
Thớt có tanh tao ruồi mới tới
Gang không mật mỡ kiến bò chi.
Ngay trong những quan hệ tình cảm của con người, yếu tố quyết định vẫn là danh và lợi:
Còn bạc còn tiền còn đệ tử
Hết cơm hết gạo hết ông tôi.
Đạo đức mờ, nhân nghĩa khuất, của cải vật chất lên ngôi:
Đời nay nhân nghĩa tựa vàng mười
Có của thì hơn hết mọi lời
Trước đến, tay không, không thốt hỏi
Sau vào, gánh nặng, lại vui cười.
Nguyễn Bỉnh Khiêm có hai câu thơ hay, sâu sắc, buốt nhói, thẳng thắn, có ý nghĩa như một sự tổng kết những sự thực phũ phàng của đời sống:
Người, của, lấy cân ta thử nhắc
Mới hay rằng của nặng hơn người.
Tôi không đếm nổi trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có bao nhiêu đoạn hao hao như trên. Nhiều. Thật nhiều. Ý, cứ phảng phất như nhau: phê phán thói đen bạc và ham chuộng danh lợi của người đời. Cảm xúc cũng phảng phất giống nhau: một chút phẩn nộ cộng một chút cay đắng và cộng rất nhiều, cơ man những nỗi buồn tê tái.
Đứng về phương diện văn học, hay nhất trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm là những bài ca ngợi cuộc đời nhàn cư. Nguyễn Bỉnh Khiêm không có cái hào sảng, phóng khoáng và say đắm của Nguyễn Trãi, không có cái trong sáng u nhàn của Chu An, nhưng cũng không có cái buồn tênh u uất như Nguyễn Du sau này. Tâm hồn Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi tưởng tượng, có lẽ hiền lành và đôn hậu lắm.
Nhiều lúc, Nguyễn Bỉnh Khiêm tự nhận mình ngông cuồng (Lão lai tự tiếu thái sơ cuồng). Tuy nhiên, trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, tính chất ngông cuồng rất mờ nhạt, ngay cả một chút ngang tàng cũng không rõ nét.
Trong đề tài ca ngợi cuộc đời nhàn cư của Nguyễn Bỉnh Khiêm, người ta có thể chia ra thành hai chùm lớn: chùm thơ viết về thiên nhiên và chùm thơ viết về sinh hoạt của người ở ẩn. Ở cả hai loại, chủ đề chính vẫn là một : đề cao phong cách sống nhàn, vô sự vô ưu, tìm thú vui trong vẻ đẹp của trời đất.
Biệt hữu giá ban chân lạc thú
Thánh phong, minh nguyệt tuý ngâm biên
(Riêng chiếm một cảnh thú vui chân thật này
Bên cảnh trăng trong gió mát say rượu và ngâm thơ)
Thời trước, có lẽ không có ai viết nhiều về thiên nhiên như Nguyễn Bỉnh Khiêm. Dưới ngòi bút ông, bất cứ cảnh vật nào cũng có thể ngân lên thành thơ, đọng lại thành thơ. Thơ tả cảnh nhật, nguyệt, sương, lộ, giang hà, sơn, thủy, phượng, hạc...Đã đành. Đó là những đề tài quen thuộc, đã thành công thức một thời. Nguyễn Bỉnh Khiêm còn làm thơ dễ dàng về những cảnh vật ít chất thơ hơn: trâu, bò, ve, kiến, gà, vịt...nhà cửa, giường chiếu, mâm bát, quạt chổi...khế, chuối, xoan, dâm bụt, tía tô...
Phần lớn các loại thơ vịnh cảnh và vịnh vật này đều khô và sáo. Nói chung, thơ phong cảnh của Nguyễn Bỉnh Khiêm không đẹp bằng thơ Nguyễn Trãi, không nên thơ bằng thơ Nguyễn Du và cũng không tinh tế như thơ Nguyễn Khuyến. Hiếm hoi lắm người ta mới bắt gặp trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm vài câu tả cảnh hay :
Hoa nở luống hay tin gió
Đàm thanh còn thấy dáng trăng.
Nhìn hoa nở đủ biết gió xuân đã tới. Ngó xuống nước đầm trong vắt thấy được hình dáng một vầng trăng. Cách nhìn kể cũng nhiều thơ mộng.
Nguyễn Bỉnh Khiêm thành công hơn ở chùm thơ tả sinh hoạt của người ở ẩn. Ngôn ngữ của ông sinh động hẳn, lấp lánh màu sắc, xôn xao tâm sự. Mấy câu thơ sau đây có cách diễn tả mới, khá độc đáo so với thời ấy:
Lếu láo câu thơ cũ rích
Khề khà chén rượu hăng xì
Trăng thanh gió mát là tương thức
Nước biếc non xanh ấy cố tri.
Cái tư thế ngồi vắt chân chữ ngũ và nghêu ngao hát ở đoạn thơ này có cái gì nghênh ngang, rất lạ:
Nép mình qua trước chốn xôn xao
Mấy sự bên tai gió thổi phào
Cửa trúc vỗ tay cười khúc khích
Hiên mai vắt cẳng hát nghêu ngao.
Tôi yêu cái cuộc sống nhàn đạm của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Khát, uống chè mai hơn ngọt ngọt
Sốt, kề hiên nguyệt, gió hiu hiu
Giang sơn tám bức là tranh vẽ
Phong cảnh tư mùa ấy gấm thêu
Thong thả: hôm khuya nằm, sớm thức.
Bài thơ chữ Nôm hoàn chỉnh nhất của Nguyễn Bỉnh Khiêm có lẽ là bài thơ sau đây, tứ thơ phiêu dạt, diễn đạt hàm súc, ngôn ngữ sáng trong:
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dù ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, vai trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm là vai trò của một chuyển tiếp: Ông đẩy mạnh việc dùng chữ Nôm trong sáng tác. So với thơ Nguyễn Trãi và thơ Lê Thánh Tông, ngôn ngữ tiếng Việt trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng bước thuần phục dần, lưu loát hơn và dễ hiểu hơn.
Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là nhà thơ lớn, nhưng dù sao, ông cũng là một bóng cây lồng lộng cao ngất trong cái cõi đồng bằng quạnh quẽ của nền văn học Việt Nam giai đoạn từ đầu thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 17. Không có ông, cõi đồng bằng ấy dễ chừng đã là cõi lãng quên.
Nguyễn Hưng Quốc
--------------------------
Nguồn: VĂN, Số 83, tháng 5-1989
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment