Saturday, March 25, 2017

NGÀN LẺ MỘT SẮC THÁI




Nguyễn Thạch Giang


Ê Nhái mấy giờ mày mới đi làm. Hai giờ, làm tới mười giờ tối. Bữa nay tao lãnh lương, mày về sớm làm món gì nhậu, tao về ghé mua thùng bia kêu thêm thằng Tý tụi mình lai rai. Thằng Hợi đứng lên bước qua giường thằng Nhái, mày đang coi phim Séc hả, tối ngày coi ba cái đó. Có một em mới về nhập bọn tụi con Liên, bướm mới, nhìn bốc lắm, thằng Tý có đi qua rồi, một triệu suốt đêm. Giờ này tụi nó hay ngồi ở quán chị Thanh, mày rửa mặt tao với mày xuống đó chơi. Cái quán không có bảng hiệu cũng chẳng thấy chị Thanh, sao ai cũng kêu là quán chị Thanh. Ai biết, tao cũng như mầy mới về ở xóm này có mấy tháng. Chị Thuý chưa chồng phải không. Chị cũng đẹp mà hiền, kẹt tiền cho ghi sổ thoải mái, ai gặp chỉ cũng có phước.

Thằng Hợi và thằng Nhái kéo cửa bước vô, không thấy đám con Liên định trở ra, bất chợt nhìn chị Thuý thấy như vậy kỳ quá hai đứa kéo ghế ngồi xuống. Buổi sáng còn sớm chưa muốn ăn, suốt ngày làm ở nhà hàng thấy gì cũng ngán, về nhà ăn cơm nguội vậy mà ngon. Thằng Tôm thấy trai thì ỏng ẹo bước tới hỏi hai anh dùng chi. Không biết nó làm gì mà lúc nào cũng thấy đi chơi cà nhõng, lần nào bước vô cái quán không tên này là thấy nó lăng xăng đi tới đi lui.
Ê Tôm hồi trước mày ở dưới quê phải không.
Rồi sao. Thằng Tôm chu cái miệng, đôi mắt chớp chớp như đào cải lương. Bộ tướng tui quê mùa lắm hay sao cha.
Không phải, mình cũng là dân dưới quê, lên đây thấy dễ sống, dễ kiếm tiền, giàu nghèo ai cũng như ai. Muốn hỏi vậy chớ sống ở thành phố này, điều gì làm Tôm thích nhứt.
Thằng Tôm múa tay múa chân ỏng ẹo. Sống ở thành phố này, điều mà mình thích nhứt là được làm bóng.
Vậy mà tao tưởng mày bóng từ lúc mới đẻ chớ.
Thằng Tôm ngoe nguẩy đi tới chỗ chị Thuý. Đám con Liên kéo cửa bước vô, thằng Hợi nói nhỏ, đó, con nhỏ mặc áo bông xanh, nó tên Nguyệt. Thằng Nhái đưa mắt nhìn, thấy em cũng duyên, đi ngoài đường đố ai biết em làm "gái". Con nhỏ có làn da trắng bóc, mặc áo ngắn để lộ hình xăm nơi cái eo. Thằng Nhái lâu lâu lén đưa mắt nhìn chỗ đó. Không hiểu sao nó bị cuốn hút bởi cái hình xăm mờ mờ ảo ảo khi ẩn khi hiện. Đám con gái ăn uống cười nói vô tư. Con nhỏ có hình xăm thấy thằng con trai cứ nhìn mình hoài liền nở nụ cười mĩm.  Thằng Nhái thấy có cảm tình liền, không như mấy đứa con gái khác, thấy mình nhìn là ngó lơ. Nó định bụng hôm nào có một triệu sẽ rủ em đi chơi sáng đêm cho đã.

Thằng Hứng kéo cửa bước vô đi cùng một người đàn ông bụng hơi bự, tuổi không dưới sáu mươi mà đầu tóc thì đen thui, nhìn vô biết ngay tóc nhuộm. Thằng Hứng không ngó tới ai đi xăm xăm tới chỗ chị Thuý, chào bà chủ xinh đẹp mà vẫn còn độc thân, xin giới thiệu với chị, anh Thân, ông anh họ.
Thằng Tôm tức mình nói anh Hứng đâu cần la làng cho mọi người biết là chị Thuý vẫn còn độc thân. Rồi nó kề tai chị Thuý nói nhỏ vừa đủ cho thằng Hứng cùng nghe, bữa nào chị qua Mỹ rước ông Tây về coi có ai còn chê chị ế nữa không. Thuý đưa tay nhéo thằng Tôm một cái thiệt mạnh, chị không thích lấy chồng Tây, chỉ thích người Việt thôi.
Người đàn ông bụng bự đi theo Thằng Hứng giờ cười cười lên tiếng, lâu ngày về đây thấy vui quá, đi chỗ nào cũng thấy ăn nhậu ì xèo. Cái điệu nói chuyện của ông này chắc là Việt kiều, nhưng nói thiệt, đi ngoài đường đố ai biết, y chang chú ba lúa. Tui đi nhậu thấy mấy đứa bán kẹo hát hay quá, hỏi có đứa nào biết đoạn tấu hài Bán Kẹo Kéo của Tú Trinh và Phi Thoàn, tui treo giải thưởng mười triệu, vậy mà đi mười quán cũng chẳng đứa nào biết.
Đứa con gái có hình xâm chỗ cái eo lên tiếng:
- Chú ơi, chú nói ai biết chú thưởng mười triệu phải không.
Người đàn ông bụng bự cười hề hề, trời ơi bộ tui già lắm sao mà kêu bằng chú. Ông đưa hai bàn tay che miệng nói nhỏ nhỏ:
-  (Cái này là giống y chang kịch bản, Tú Trinh gọi Phi Thoàn bằng chú.)
- Vậy con gọi chú bằng anh nhe.
- Giỏi quá, thuộc kịch bản rồi đó, để anh đóng vai của Phi Thoàn, em đóng vai của Tú Trinh nhe, rồi, diễn đi...em.
Cả quán xúm lại coi diễn hài, hai bà bếp cũng chạy lên coi. Cô gái đứng giữa quán, xoay qua trở lại lấy điệu bộ y như diễn viên thứ thiệt.

" Ai ăn kẹo kéo...hôn ?
 Ngọt như đường cát mát như đường phèn, ăn vô ngọt ngoài ngọt trong
 Ông Tây mà lấy bà Đầm
 Nghe tôi kéo kẹo rầm rầm chạy ra
 Bà nào chồng bỏ chồng chê, ăn phải kẹo kéo chồng mê tới già
 Bà nào gầy yếu ốm mòn, ăn phải kẹo kéo mập tròn như cái lu
 Bà nào con mắt tèm nhem, ăn phải kẹo kéo... nó sáng như đèn xe hơi...
 Kẹo kéo...đây."

Mọi người vỗ tay rần rần, cô gái có hình xâm miệng cười chúm chím. Thình lình có tiếng xe bóp kèn inh ỏi ngoài cửa. Ông bụng bự và thằng Hứng chạy ra rồi hai người leo lên xe đi mất. Thằng Tôm cười ha hả, rồi, em bán kẹo bị chú bụng bự mở hàng thiếu chịu. Cô gái có hình xâm chợt ứa nước mắt, nói như muốn khóc, sao người ta có thể đùa giỡn trên lòng thành thật của mình. Thằng Nhái thấy tội nghiệp quá, muốn tới dộng thằng Tôm một cái cho bỏ ghét.

Thằng Nhái khui chai bia đưa lên miệng nốc một hơi dài khoan khoái, từ sáng tới giờ lúc nào cũng nhớ tới đứa con gái tên Nguyệt. Hình như ai tên Nguyệt cũng khổ. Mà sao con Nguyệt lại biết cái đoạn tấu hài bán kẹo kéo đó. Cũng giỏi, mình thì mới nghe qua lần đầu, mà cũng đâu có gì hay mà cái ông bụng bự lại thích treo thưởng tới mười triệu. Thấy con Nguyệt khóc thiệt tội. Đã dạn dày sương gió mà cũng khóc nữa sao, hôm nào gặp lại cứ chửi thẳng vào mặt cái thằng cha ba xạo chạy làng.
Mày nghĩ cái gì vậy Nhái, sao hôm nay mặt mày buồn xo làm thinh không nói chuyện.
Mày có ngủ với con Nguyệt rồi phải không Tý.
Ừ, em đã lắm, làm gì cũng cho. Vú của em săn cứng vừa bàn tay, không có nhảo nhẹt chảy xệ như của con Liên, của con Lành thì bự quá, nhìn thì phê mà bóp thì không đã, tướng tá nhỏ con mà ham chi bôm bự quá. Thằng Nhái muốn hỏi trên người con Nguyệt còn hình xăm nào nữa không. Nhưng thôi, nó sẽ tự tìm biết.
Thằng Hợi từ nhà dưới bưng lên thêm một dĩa thịt gà xào, nó thích nấu ăn, đặc biệt là làm đồ nhậu.
Ê Tý mày ở bên đó bao nhiêu một tháng, hay là dọn về đây ở chung với tụi tao, cái phòng này hai đứa hai triệu, có thêm mày bà chủ lấy hai triệu rưởi. Thằng Tý ngó vòng quanh, ở ba đứa hơi chật, mà tao ở bên đó quen rồi, bà chủ nấu cơm luôn cũng tiện.
Làm chai bia cuối này là tao dông, bữa khác gặp lại, về nhà ngủ sớm ngày mai đi cày tiếp.

Thằng Nhái để cho thằng Hợi dọn đẹp, nó theo thằng Tý bước ra đường. Nó đi dọc theo con hẻm, ngang chỗ tụi con Nguyệt ở trọ, ngó chừng xem có ai không. Cửa đóng im lìm, đèn bên trong tối mờ mờ. Giờ này chắc tụi nó còn đang vui đùa ở mấy con phố đèn xanh đèn đỏ ngoài kia, không xa mấy con hẻm lầy lội xóm trọ bình dân này.
Thằng Nhái cứ nhớ đến cái bụng trắng có hình xăm của con Nguyệt, nó nghĩ  đến cái mông tròn vun cao mà muốn đặt bàn tay lên xoa nhẹ, nó mơ tưởng  đến cặp vú mà cứ muốn úp mặt vào đó hít thở mùi đàn bà. Nó cảm thấy quá hưng phấn, thằng nhỏ dựng đứng độn  lên một cục. Nó dừng lại rút bao thuốc lá làm một điếu, đứng nhìn người đàn bà bán cháo vịt bên lề đường. Chị ta mập mạp cặp vú  thiệt bự, mỗi lần đứng lên ngồi xuống hai cái vú lúc lắc. Nó nhìn xuống phía dưới, thấy mẹ, chỗ đó rịn nước thấm ra ngoài quần. Nó vội bước đi, cái quần chật cọ xát thằng nhỏ ngóc đầu lên hoài không chịu ngồi yên một chỗ. Nó kéo vạt áo cố che lại chỗ đó, kệ mẹ, bóng đêm mờ mờ đâu ai để ý.
Thằng Nhái băng qua đường, đi vào con hẻm  tới nhà chị Bông gõ cửa. Chị Bông chồng chết hay không có chồng chẳng biết, chị có một thằng con trai đang đi lao động ở Đài Loan. Chị làm ở cửa hàng điện máy, sống một mình trong căn nhà nhỏ cuối hẻm. Thằng Nhái biết chị qua sự mách lẻo của thằng Tý, nó nói chị dễ lắm lúc nào cũng sẵn sàng.
Chị Bông mở cửa, mừng rỡ thấy thằng Nhái, sao lâu quá không thấy lại chơi. Úi trời  mùi rượu nặc nồng,  vô đây không có ai ở nhà. Chị khép vội cửa và bước đến vặn nhỏ ngọn đèn, chị ôm thằng Nhái nói hứng lắm phải không. Chị cúi  xuống cởi quần của nó, úp mặt vào chỗ đó với tất cả ham mê. Thằng Nhái khẽ rên nhỏ nhỏ, chị Bông tuột quần của chị ra chờ đợi. Nhưng thằng  Nhái không muốn làm chuyện đó, của chị hơi khô làm nó hơi bị đau. Nó đưa tay kéo đầu chị ấn xuống phía dưới. Nó khẽ rên nhẹ rùng mình trút hết khoái cảm. Chị Bông bước tới lấy cái khăn nhỏ đưa cho nó. Thằng Nhái lau sơ rồi kéo quần bước ra ngoài. Hai người không nói gì. Nó lẳng lặng bước chân về nhà trọ, đi ngang nhà con Nguyệt ngó vào. Vẫn còn ngọn đèn chong mờ mờ. Giờ này mấy con bướm đêm chắc còn lãng vãng  khu đèn màu.

Thằng Nhái đứng đầu hẽm  chờ con Nguyệt, nó thấy nhớ người ta lắm. Nguyệt đi ngang nó nắm tay kéo lại, nói chuyện chút coi làm gì mà gấp dữ vậy. Bữa đó ở đâu mà biết cái đoạn tấu hài Bán Kẹo Kéo hay quá vậy, em diễn còn hay hơn mấy đứa đi thi " Mơ cùng danh hài".  Thiệt hả, hồi nhỏ ở nhà ông già thích lắm mở băng nghe hoài, riết em  thuộc, em cũng biết hát.  Nguyệt ngó nó cười cười, mà  anh Nhái bữa nay có chuyện gì mà vui quá vậy. Mình tên Hoàng. Em thích kêu anh là anh Nhái, anh biết con nhái có cái gì ngộ không. Cái gì. Cái kiểu ngồi của nó, giống như người ta đang chỗng khu. Thằng Nhái cười hê hê,  ừm  giống thiệt, bữa nào anh chỗng khu cho em coi nhe. Coi mà có tiền không. Có, giờ trong túi anh có ba trăm cho em hết nè. Thằng  Nhái kéo con Nguyệt, mình đi vô chỗ này nói chuyện. Hai đứa dẫn nhau tới chỗ cuối hẽm,  không người qua lại. Chỗ này khuất lại không có ánh đèn đường. Thằng Nhái ôm con Nguyệt, cúi mặt hôn lên cổ con nhỏ, thích em quá, nó ôm cứng người ta, hơi thở nhanh dồn dập. Chìu anh một chút anh thương, con Nguyệt ngó quanh, ở đây hả. Chút xíu hà, mau lắm, giờ này đâu có ai. Nó nhẹ kéo quần ấn mạnh. Hai đứa ôm chặc. Bữa nào ngủ với anh suốt đêm nhe. Dạ, con nhỏ rướn người hôn nhẹ thằng Nhái rồi lầm lủi bước về nhà.

Thằng Nhái có hẹn với con Nguyệt tối nay sẽ ngủ qua đêm.  Đã thủ sẵn hai triệu trong túi rồi, mướn phòng  cở bốn trăm là cùng.  Mới vừa lãnh lương hồi chiều, nó rạo rực suốt cả tuần, ngày nào cũng mơ tưởng tới cái thân hình mát rười rượi của em. Con nhỏ thiệt dễ thương, nói năng dịu dàng nhỏ nhẹ lại sẵn lòng chìu chuộng. Nó thích có người vợ như vậy. Nó nghĩ nếu con Nguyệt mà chịu thì nó cũng dám cưới làm vợ lắm chớ. Chẳng lẽ đi làm gái rồi suốt đời không lấy chồng. Mà nó có dẫn vợ về quê thì cũng đâu có ai biết. Mà dân nhà giàu đại gia thì còn sợ thiên hạ dị nghị dèm pha này nọ, chớ nó chỉ là thằng nhân công lông bông đụng gì làm nấy ai mà để ý chi.
Nó đi súc miệng chà răng cẩn thận, có thủ mấy cục kẹo ngậm cho thơm miệng. Nó mua hai bọc cao su, sợ con nhỏ bắt mang áo mưa. Nó cười thầm, người ta đêm bảy ngày ba  còn mình tệ tệ cũng được năm cái. Tối nay nó sẽ thử mấy kiểu trên phim coi khác lạ ra sao với mấy kiểu bình thường. Chắc là con Nguyệt sẽ không từ chối, không chừng nó còn chỉ cho mình làm đúng cách nữa là đằng khác.

Thằng Nhái thay bộ đồ mới mua, kiểu Hàn Quốc không quên xịt một chút dầu thơm cho người thơm thơm. Nó đứng đầu hẽm  hút thuốc chờ đợi, mưa nhẹ lất phất, phố đã lên đèn. Từ đàng xa  đã thấy tụi con Liên. Không thấy Nguyệt nó vờ hỏi Nguyệt đâu. Liên nói bị bắt tối hôm qua, không một chút xúc động. Chuyện thường tình của loài bướm đêm. Mấy cô nàng vội bước đi không một chút bận tâm.  Cũng mắt xanh môi đỏ, cũng quần ngắn áo hở, cũng thơm ngát mùi nước hoa. Khi thành phố lên đèn mấy con thiêu thân lại tìm đến vui chơi thâu đêm.
Thằng Nhái mạnh tay bún điếu thuốc hút dở bay bỗng trên không rồi rớt xuống vũng  nước mưa kêu cái xèo.
Đù má.
Nó lê bước tiến về khu phố nơi mấy người đàn ông đang cụng ly dô dô trăm phần trăm. Tối nay nó cũng không say không về.


Tháng 03-2017






 












Tuesday, March 14, 2017

THỜI GIAN



Nguyễn Thạch Giang


Có lần tình cờ nghe ca sĩ Sơn Tuyền hát bài gì có câu: "Ai, ai bảo thời gian không biến đổi, khi thề nguyền trăm năm mãi yêu tôi hỡi người ơi ". Lúc đầu tôi tưởng tên bài hát là " Ai bảo thời gian không biến đổi ",  sau này mới biết đó là bài hát " Sầu lẻ bóng 2 " của nhạc sĩ Anh Bằng.

Lâu lâu buồn buồn tôi hay nghe lại bài hát này, thấy hình như ai đó đang trách mình:

"Người ơi mấy ai ngờ, ra đi rồi là hết
 Ra đi là vùi chôn tất cả
 Chôn vùi đôi hình bóng nhân tình sớm tối bên nhau
 Những đêm tâm sự tay gối đầu..."

Từ lâu tôi vẫn nghĩ trong đời có nhiều điều không biến đổi với thời gian. Giờ đây đang ở vào tuổi tóc có nhiều sợi bạc, cuộc đời trãi qua không biết bao nhiêu cuộc bể dâu, sao trong lòng lại hoang mang:   "Ai, ai bảo thời gian không biến đổi".
 Đâu rồi những tin yêu cao đẹp thời trai trẻ ?

Có một lần đang đi trên đường, một cô gái trẻ hỏi tôi có phone không, tôi trả lời không và vội vã đi đến trạm xe buýt. Suốt ngày hôm đó (và mãi đến tận giờ) trong lòng vẫn còn điều ái náy. Không hẳn vì đã từ chối ( vì không muốn gặp phiền phức mà trước đây mình đã gặp phải ), mà bởi vì chợt thấy mình thay đổi nhiều quá. Hồi nhỏ thấy người ta khổ biết tội nghiệp, giờ có người mượn phone không cho, điều gì đã khiến tôi trở nên lạnh lùng vô cảm đến như vậy ? Cuộc đời ? Không hẳn, mà tôi cũng không muốn đổ lỗi cho cuộc đời.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài hát "Đêm Thấy Ta là Thác Đổ " có viết:

Đời ta hết mang điều mới lạ
Tôi đã sống rất ơ hờ
Đời tôi có đôi lần khép cửa
Rồi bên vết thương tôi quỳ
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia

Có khi tôi chợt nhận ra mình đã sống rất ơ hờ. Đâu phải bởi đời tôi hết mong điều mới lạ, mà sao tôi lại nhiều lần khép cửa ?  Hồi nhỏ, đọc sách đọc truyện Tàu, thấy có nói đến chuyện loài thú vật phải tu luyện một ngàn năm mới được làm con người. Xem ra, được làm người là điều quý nhất trong tất cả sinh vật trên trái đất này. Vậy mà tôi đã phung phí cả tuổi trẻ của mình. Nếu được trở về quá khứ để chỉnh sửa lại cuộc đời, chắc là tôi phải xoá hết làm lại từ đầu. Nhưng chuyện này chỉ có trên phim ảnh, tôi cũng biết vậy, giờ đây có than khóc thì cũng đã muộn rồi. Thôi thì còn lại những ngày tháng ít ỏi trong cuộc đời, ráng mà sống cho tử tế.

 Lúc còn nhỏ tôi sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, hằng năm cứ vào mùa nước lên, tôi hay theo anh chị đi câu cá ở những bờ ruộng ngập nước. Thời đó tôi mê câu cá lắm, cứ lén cha lén mẹ đi câu một mình. Vậy mà khi lớn lên tôi hoàn toàn không còn hứng thú, không một chút nào. Nhiều khi tự hỏi lòng, sao vậy? Có nhiều người bạn bên Mỹ,  ở Việt Nam chưa bao giờ đi câu, giờ lại thức đêm thức hôm đi câu không biết chán.

Lúc trẻ tôi cũng mê nhiều thứ lắm, chẳng hạn như mê nuôi gà tre, mê nuôi chim bồ câu, mê nuôi cá lia thia, cá cảnh. Vậy mà lớn lên, hết thích. Ngay cả tình yêu, yêu tha thiết một người nào đó rồi theo ngày tháng cũng phôi pha. Chỉ có đam mê cờ bạc là tôi không bỏ được, nhiều lần từ bỏ rồi cũng ngựa quen đường cũ. Nhiều lúc tự nghĩ thầm, sao đam mê nào cũng đến với mình một thời gian ngắn ngủi, còn cái đam mê cờ bạc nó bám cứng lấy mình như bị ma ám. Có một lần tôi ở riết tại sòng bài không còn biết ngày giờ là gì nữa, tới chừng về nhà thấy dáng điệu của mẹ buồn làm sao, đôi mắt bà thẩn thờ nhìn thằng con, đứa con mà gia đình rất thương yêu, đứa con mà lúc trẻ rất ngoan, giờ đây lớn lên vướng vào con đường nghiện ngập.

Tôi không có trí nhớ tốt lắm, cũng giống như nhiều người, theo năm tháng đã quên dần những chuyện đã qua, nhiều người quen lâu ngày không gặp lại, quên bẳng  không nhận ra. Và cũng giống như một số người già, chuyện hiện tại thì quên, lại nhớ những chuyện đâu đâu mấy mươi năm về trước. Hồi tôi học lớp nhứt (lớp 5 ngày nay), người bạn rất thân ngồi cạnh, ngày nào cũng ghé qua nhà tôi để cùng nhau tới trường. Tôi nhớ bạn tên là Châu Hoàng Liên, nhớ rõ cả tên lẫn họ (có lẽ là người duy nhất tôi nhớ đầy đủ họ tên trong số những bạn học trường tiểu học ngày đó ). Hồi đó còn quá nhỏ để biết là bạn có một cái tên rất đẹp, tôi còn nhớ bạn nói mẹ bạn buôn bán cá ngoài chợ và không biết chữ. Học trò ngày ấy phải mặc đồng phục áo sơ mi trắng,  và trên túi áo có kết phù hiệu bằng vải, đại khái trường nam tiểu học...gì gì đó. Mẹ bạn không biết chữ nên đã kết lộn ngược phù hiệu. Đã hơn năm mươi năm qua rồi, tôi chưa hề gặp lại không biết bạn trôi nỗi ra sao, và tôi sẽ cảm động biết bao  khi bạn biết tôi là ai khi đọc những giòng chữ này.

Tôi đi vượt biên trên một con thuyền nhỏ trôi giạt đến Indonesia. Buổi sáng sớm trời quang mây tạnh, leo lên khoang thuyền nhìn ra bên ngoài, vô số hòn đảo nhỏ nhỏ với hàng dừa cao vút. Hạnh phúc khi biết mình đã đến nơi an toàn. Sau đó chúng tôi được cảnh sát lai dắt con thuyền cặp bến cảng của thị trấn. Ở đó tôi thấy xác một vài con tàu với hàng chữ tiếng Việt. Có một chiếc nhỏ xíu như ghe chở hành khách đi trên sông còn nguyên chữ Bến Tre ở bên hông, vậy mà cũng vượt đại dương đến được vùng xa lắc này. Cảm giác đầu tiên của tôi là người dân ở đây rất lịch sự, và hầu như thuyền nhân Việt Nam nào đến được Indonésia (hay Philipines) không bị nạn hải tặc.
Ở Nam Dương được sáu tháng thì tôi được chuyển đến Singapore để chờ đi Mỹ. Mỗi ngày được phát năm đồng tiền Sing, tôi và người bạn Việt gốc Hoa quen ở trại, dẫn nhau đi thăm phố phường Tân Gia Ba. Tự nhiên người đi trước chỉ dẫn người đi sau, khi lên xe bus bằng cửa trước và xuống cửa sau. Luật lệ Singapore phạt rất nặng người xả rác nơi công cộng, nhỏ như miếng kẹo cao su cũng phải bỏ vào túi đem về nhà chớ không được quăng bậy bạ. Lần đầu đến Singapore tôi có cảm giác thành phố hơi buồn vì không thấy nhiều người đi lại.

Ở Singapore một tuần thì tôi được đi định cư ở Mỹ trên một chuyến bay mà hầu như tất cả hành khách đều là người Việt tỵ nạn. Phi cơ ghé qua Hongkong...ngủ lại một đêm đồng thời bốc thêm một số người tỵ nạn ở đó. Tôi theo anh bạn người Hoa dạo phố cho biết,  thấy cũng chẳng khác gì khu phố người Hoa ở Việt Nam là bao nhiêu.
Ngày hôm sau chúng tôi đáp phi cơ đi Mỹ, ngồi cạnh tôi là một cặp vợ chồng người Việt tỵ nạn còn trẻ với một đứa con nhỏ. Hai người ăn mặc lịch sự, người vợ xinh đẹp trắng trẻo điệu đàng với những móng tay sơn đỏ. Nói chuyện một hồi  thì dễ dàng nhận ra họ là những người miền Bắc chưa từng sống ở miền Nam. Đến phi trường Tokyo Nhật Bản thì đoàn người tách ra đổi chuyến bay tuỳ theo thành phố sẽ đến. Chỉ có một mình tôi là về Honolulu, tiểu bang Hawaii. Trời tháng ba, lúc ấy tôi chỉ mặc một chiếc áo sơ mi mỏng manh nhưng không cảm thấy lạnh. Nhìn bộ dạng của tôi, chắc ai cũng biết là một người Việt tỵ nạn không tiền. Buổi tối người đàn ông làm trong quán ăn nhanh ở  phi trường mang đến cho tôi một hộp cơm và một ly nước. Tôi rất cảm khái  chuyện ấy . ..một đẳng cấp của một nền văn hoá khi so sánh về những bực bội khi hành lý bị rạch tìm đồ tốt  ăn cắp, hay đôi khi tỏ ý khinh rẽ khi phải kẹp tiền vào giấy hộ chiếu.

Một ngày cuối tháng tư, chính xác là ngày 29 tháng tư , tôi đi khám răng tại phòng mạch của một ông nha sĩ người gốc Hongkong. Cô nhân viên phụ tá người Việt biết nói tiếng Hoa, ghé tai tôi nói nhỏ, tối nay là Đêm Không Ngủ. Cô nói tiếng Việt giọng Bắc, lại biết tiếng Hoa, không khó để đoán là cô ra đi từ Hải Phòng hay một vùng nào gần đó. Đêm không ngủ vì ngày mai là ngày 30 tháng tư. Cho tôi người miền Nam hay cho cô người miền Bắc. Chắc cả hai, vì  cô cũng như ai, cũng vượt biên để đến sống ở xứ Cờ Hoa này.

Tôi đến thành phố Pleiku để làm việc và sinh sống vào khoảng  đầu năm 1973. Lúc ấy mọi người đang chuẩn bị đón tết nguyên đán. Thời đó nhiều người cũng vào núi chặt cành đào về chưng tết, nhưng đào núi chỉ le hoe vài nụ nhỏ xíu, nhưng lúc đó cũng  là hàng quý, hàng hiếm.
Đúng ra nhiệm sở của tôi là ở quận Thanh An ( nghe nói tên cũ là Lệ Thanh ), cách thị xã Pleiku khoảng năm mươi cây số. Trên đường từ thị xã Pleiku đến Thanh An có đi ngang qua một đồn điền trà của người Pháp ở xã Bàu  Cạn. Trà ở đây được đóng hộp và xuất thẳng về Pháp. Trà được xắt miếng vuông nhỏ, và nước trà có màu hồng hồng không như màu vàng xanh của loại trà Tàu thường thấy.
Người dân ở Thanh An ( và nói chung cả tỉnh Pleiku) là người tứ xứ được đưa lên theo chính sách Dinh Điền thời chánh phủ Ngô Đình Diệm. Phần đông là người xứ Quảng, nhưng một cảm nhận của tôi là họ sống với nhau rất hoà thuận, giúp đỡ lẫn nhau. Ở đó tôi thấy có một tập tục hơi lạ mà chẳng thấy ở nơi khác, ông Tư có người con trưởng tên Thành, ai cũng gọi ông là ông Thành mặc dù ông tên Tư.
Thị trấn Thanh An rất nhỏ, cũng có nhà lồng chợ buôn bán lèo tèo đến trưa là hết. Có một quán ăn mà bà chủ quán là người miền Nam, nghe đâu dân Kiến Hoà Bến Tre gì đó, ( lúc trước tôi còn nhớ tên, giờ cố nhớ mà không tài nào ! ) không hiểu sao trôi nổi  lạc loài đến cái quận miền núi này, lính nhiều hơn dân. Trong khu phố chợ có một tiệm bán tạp hoá nhỏ nhỏ, mà người chủ là một cán binh Cộng Sản hồi chánh. Tôi có gặp qua và có nói chuyện, người miền Bắc, không biết sau cái ngày binh biến ấy số phận ông ra sao.

Khi nào về chơi ở thị xã Pleiku thì tôi ở nhà gần toà hành chánh, gần quán cà phê nổi tiếng Dinh Điền. Từ đó đi xuống con phố chánh  tập trung hàng quán không xa mấy, nơi có rạp hát Diệp Kính ( mà con cháu giờ sống ở San Jose, Ca ).
Khi sống ở Pleiku tôi có đôi lần xuống Quy Nhơn bằng đường bộ. Đường rất tốt có qua hai cái đèo rất đẹp là đèo Mang Yang và đèo An Khê. Lúc qua đèo An Khê, từ trên cao nhìn xuống phía xa dưới kia, đường quanh co uốn lượn rất hùng vĩ nên thơ, và điều đặc biệt không cảm thấy sợ, cảm thấy an toàn không có gì nguy hiểm. Ngang qua An Khê, có một bảng bên đường ghi nhớ công của những người lính công binh Đại Hàn, đã giúp xây dựng quốc lộ.

Tôi đã rời xa Thanh An và Pleiku từ dạo tháng ba mùa chính chiến ấy. Chưa lần nào trở lại. Không biết những người bạn ở cái chi khu Thanh An ngày ấy giờ ra sao ? Ai còn ai mất ? Ai  chịu đựng   được cơn địa chấn của cuộc đời.
Sống ở Pleiku chỉ có hai năm, nhưng tôi có  rất nhiều kỷ niệm. Giờ lẩm cẩm dài dòng kể ra, vì tôi muốn ghi lại một vài  kỷ niệm trong đời, mà giờ đây đã quên rất nhiều. Những khu vườn trồng cà phê mà khi trổ hoa thơm ngát cả một khoảng đường. Những địa danh bắt đầu bằng chữ Lệ giờ chắc mang một cái tên khác, nào là Lệ Trung, Lệ Thanh, Lệ Kim, Lệ Ngọc, Lệ Minh. Chắc ít ai biết rằng chữ Lệ ấy có dính dáng đến cái tên của một người đàn bà quyền lực lừng lẫy một thời, mà gần đây báo chí có nhắc đến Quyền lực Bà Rồng.

Ba tôi rất thích đọc báo nếu không nói là ghiền. Phận sự của tôi là hằng ngày đi mua báo cho ba. Tôi nhớ nhật báo Đuốc Nhà Nam (hay Thần Chung ?) ở mục bình luận chính trị thời sự ở trang nhất, phía trên luôn luôn  có một khẩu  hiệu: "Có cứng mới đứng đầu gió".
Má tôi có một người bạn mà tôi gọi Bác Hai. Chồng bác chết sớm, bác một mình tần tảo nuôi mười người con. Sau năm 75 con bác đi tứ phương, rồi dần dần cũng tụ về Mỹ. Về già bác vô sống trong chùa, làm công quả và vui với kinh kệ. Có lần bác nói với tôi: "Bác rất giỏi chịu đựng và dai sức". Bác nay đã qua đời, khi nào nhớ tới bác, tôi tự  nhủ lòng: "Ráng mà noi gương bác Hai, ráng mà chịu đựng và tập cho dai sức."

Trong một chương trình Talk Show  của mình, Việt Thảo có hỏi ca sỹ  Như Quỳnh: " Có một ước mơ nào trong đời mà Như Quỳnh chưa đạt được". Như Quỳnh ngậm ngùi nói ước mong tha thiết nhất  là được một lần khoát áo cô dâu mà không có,  ngày đó đã qua rồi, mãi mãi...qua rồi và không bao giờ có.
Theo ý Việt Thảo, ngày đó chưa đến chớ không phải là không đến.

Khi được hỏi điều gì của đối thủ khiến bạn nể trọng. Ông Donald Trump nói bà Hillary Clinton là một phụ nữ kiên cường,  không bao giờ bỏ cuộc,  không bao giờ chịu rút lui. Một chiến binh chiến đấu hết mình để đạt được mục đích.

Tôi cũng có một ước mơ. Có thể tôi sẽ không bao giờ nhìn thấy ước mơ của mình thành sự thật. Mặc dầu tôi cũng biết mình là một người thất bại toàn tập, nhưng đối với tôi, từ bỏ ước mơ là một điều tôi không bao giờ muốn.




Tháng 03-2017










Wednesday, March 1, 2017

DUYÊN PHẬN



Nguyễn Thạch Giang



Trời mưa rỉ rả suốt ngày, buổi trưa quán im lìm không có một người khách. Hai bà bếp mỗi người một kiểu dựa lưng vào ghế vừa ngồi vừa ngủ...được lúc nào hay lúc đó. Anh chàng phục vụ thì lủi vô góc ôm cái phone. Buồn tình Thuý bước lên lầu trùm mền nghe nhạc sến. Nàng bước đến cửa sổ nhìn ra bên ngoài, góc phố quen thuộc tưởng như mãi không rời xa. Dưng không bà già bảo gửi giấy tờ làm hồ sơ bảo lãnh. Hồi nào tới giờ không tính chuyện đi, từng tuổi này qua đó làm gì ?

Đang mơ màng suy nghĩ vẫn vơ, thằng Tôm ở đâu lù lù xuất hiện làm Thuý giật mình. Nhà này nó ra vào tự nhiên. Chị Thuý bữa nay nghe ngâm thơ nữa à ! Mày đừng vừa nói vừa trề môi xấu lắm. Phòng ngủ của chị mười năm chưa thấy bóng đàn ông, ngoại trừ mày là người đàn ông chỉ được cái tên. Thằng Tôm bước đến bên Thuý nắm tay lắc lắc, đừng kêu mày tao với em. Báo chị một tin vui, hồi sáng này em thấy anh Dân. Ảnh ngồi xe ôm với một cái túi xách bự, chắc là ở ngoài quê mới vô.
Thuý bước đến ngồi xuống ghế sofa,  mỗi lần nhắc đến người đàn ông đó là tâm hồn xao động. Thằng Tôm quá biết chị Thúy thương anh Dân, thương thiệt là nhiều không biết để đâu cho hết mà ngày qua tháng lại vẫn chưa có được một vòng tay ôm. Nhìn chị Thuý đôi mắt đượm buồn ngó mưa rơi, thằng Tôm bước đến gần tìm cách an ủi.
Em thấy anh Dân cũng hiền, là người đàng hoàng tử tế mà lại chưa vợ. Nếu chị thật lòng thương ảnh thì tìm cách tiến tới, chớ hai người cứ ngồi một chỗ hoài thì biết đến bao giờ mới mở được cánh cửa thiên đàng. Chị à, ngày xưa Đường Tăng còn chưa thoát được vòng vây của yêu nữ. Nếu chị không mồi chài giăng bẫy thì làm sao mà tóm được con mồi.
 Em cưng ơi, chị không phải là yêu nữ mà cũng không có pháp thuật. Nhưng chị nói thiệt với em, chị thà là ôm gối ngủ một mình...chớ không giăng lưới quăng bắt một tình yêu mơ hồ.

Thằng Tôm chợt đứng lên, thôi đi má ơi, hơi giống tiểu thuyết ngôn tình. Hai người cười nắc nẻ.
Rồi trời mưa trời gió Tôm đi đâu đây.
Hồi sáng tới giờ chạy bở hơi tai mà không đào đâu ra được mười triệu. Ngày mai em đi Thái Lan.
Với bạn trai?
Em mới vừa quen, đẹp như người mẫu nội y, rủ đi đâu cũng đi không hề từ chối.
Chị cũng chịu em luôn, có bao nhiêu tiền cũng đem cho trai ăn.
Thằng Tôm cười hì hì, vậy mà vui, ở đời có qua có lại. Chị có biết bà Tám nhà ở xóm Cống Quỳnh không ? Biết. Hồi nào tới giờ em có kẹt tiền thì hỏi bả. Mười triệu trong vòng một tháng trả mười một. Bữa nay bả nói không cho vay, có đồ đem thế thì được. Em năn nỉ bà dì cả buổi trời mượn chiếc cà rá hột xoàn đem cầm. Bà Tám làm khó đòi giấy rì xíp. Ở đâu mà có hoá đơn với lại rì xíp. Cái miệng đã xấu mà bày đặt nói tiếng anh. Thằng Tôm móc trong túi lấy chiếc cà rá ra khoe, của đứa cháu mua từ bên Mỹ tặng bà dì. Chị thấy có đẹp không ? Để gần ánh đèn chiếu lấp lánh, gì chớ ban đêm không dám đeo đi ngoài đường. Chị làm ơn làm phước giúp em lần này, trong vòng một tháng em sẽ trả lại, người ta tính lời bao nhiêu em trả chị bấy nhiêu.

Có tiếng người ở dưới lầu, trời ơi quán xá gì mà vắng teo. Bà chủ ơi! Bà chủ xinh đẹp ơi xuống đây chơi.

Ai hình như tiếng thằng Tuấn. Thuý bước lại tủ lấy tiền đưa thằng Tôm. Nè, cho Tôm mượn năm trăm đô, khi nào trả lại cũng được. Chiếc cà rá em đem lại trả bà dì, chị Thuý không lấy tiền lời tiền lãi gì đâu.
Cám ơn chị nhiều, biết là hỏi chị thế nào cũng được. Tôm qua Thái Lan, chị thích gì Tôm mua tặng chị.

Ủa có thằng Tôm ở đây nữa, phòng ngủ của chị Thuý là chỉ chú em mày được phép bước vào. Thằng Tuấn vừa nói vừa vịn vai thằng Tôm. Chú Tôm đẹp trai nhất xóm này, mà người lúc nào cũng thơm thoang thoảng.
Thằng Tôm nghe khen thì khoái mặc dù đôi lúc nó nói thằng Tuấn ăn nói nham nhở.

Ông Tuấn, sao có khi tui nghe có người gọi ông là Tứng, rồi bây giờ nghe mấy em gọi ông là anh Hứng, anh Hứng.

Hồi lúc mới đẻ mình đã đẹp rồi nên ông già đặt tên Tuấn, nghĩa là tuấn tú bảnh trai. Không biết lúc làm giấy khai sanh nói thế nào mà viết thành ra Tứng. Hồi nhỏ đi học tụi bạn gọi mình là thằng Tửng. Lớn lên gái bu quá trời, Tứng dần dần biến thành Hứng hồi nào không hay. Gái nào cũng thích kêu mình là anh Hứng, anh Hứng. Hê hê, người sao tên vậy, hê hê.

Khu phố này riết rồi thành khu phố ăn uống, xéo bên kia đường vừa mở quán phở đuôi bò. Nghe đâu ông chủ là Việt kiều Cali, phở nấu kiểu Mỹ giá mắc bỏ mẹ. Vậy mà quán đông không có chỗ ngồi, hồi sáng mình mới làm một tô đặc biệt bảy mươi lăm ngàn. Chị Thuý có thử qua chưa ?
Chưa.
Vậy để em đãi chị một tô, mặc dù mình cũng bán quán nhưng cũng phải thử qua cho biết, coi ngon lạ bổ rẻ ra sao mà thiên hạ xếp hàng đứng đợi, phải không chị. À chú em Tôm đẹp trai, thằng Tuấn vừa nói vừa bóp bóp vai thằng Tôm, em có rãnh chạy qua mua ba tô, cho chị Thuý với hai anh em mình cùng ăn cho vui. Em cưng dễ thương.
Em Tôm được anh Tuấn bóp vai thì hồn xiêu phách lạc lật đật chạy đi mua. Anh Tuấn bao nhưng em Tôm trả tiền. Thuý nhìn theo cái dáng điệu lính quýnh của nó mà cười thầm trong bụng, mới vừa năn nỉ ỷ ôi mượn được mười triệu, chưa kịp bước ra khỏi cửa mẻ hết hai trăm ngàn.


Có một ông đạo mở cửa bước vô, không biết ông theo đạo gì, mặc áo dài màu lam đầu cạo trọc. Chú ơi, ông đạo ơi, ở đây không có bán cơm chay. Dạ không, tui không có đi tu, tui ăn mặn. Tui có việc đi ngang đây, trời mưa lớn quá xin phép bà chủ cho tui ngồi đụt mưa một chút rồi tui còn phải đi dìa coi chừng hai đứa con còn nhỏ.
Mọi người im lặng thấy có vẻ hơi bị hố.

Tui ở tận dưới miệt Tri Tôn núi Cấm. Hồi nhỏ nhà nghèo vô chùa làm công quả ăn cơm chùa. Sư thầy  có quần áo cũ cho gì mặc nấy, riết rồi quen mặc áo lam từ đó cho đến giờ. Nhà tui đơn chiếc chỉ có hai mẹ con, tui làm công ai mướn gì làm đó, sống đắp đỗi qua ngày.
Má tui chết mấy năm rồi. Lúc bả chết trong túi tui không có lấy một đồng. Vậy mà lúc bả chết rồi, tui bây giờ lúc nào cũng có tiền, chắc nhờ má phù hộ độ trì cho con, nhắc lại thấy nhớ bả làm sao ! Thấy tội nghiệp má tui quá chừng. Lúc về già bà hơi quên, khi nhớ khi không, có lần bà đi lạc không biết đường về, người quen phải đưa về dùm. Mỗi chiều đi làm dìa, việc đầu tiên là tui chạy đi coi má còn ở nhà không. Sợ bả đi lạc. Hoàn cảnh đơn chiếc cũng khổ. Má tui lúc già yếu ít nói, làm thinh ngủ hoài. Có nhiều khi nửa đêm thức giấc, thấy má tui nằm im re  tui hết hồn, đứng nhìn chờ thấy bà thở mới yên tâm trở vô ngủ tiếp.

Việc làm khi có khi không, làm bữa nào ăn bữa đó vậy mà một hôm tui vừa đi làm về tới nhà, có hai đứa nhỏ bộ dạng thất thểu đi ngang  té quỵ. Người tụi nó xơ xác đầy ghẻ, hai đứa ho sù sụ thấy thiệt là thảm thương. Tui lật đật đưa vô nhà thương cấp cứu. Sau này mới biết cha mẹ tụi nó chết bất thình lình, bỏ lại hai chị em bơ vơ không bà con không nơi nương tựa. Cha mẹ tụi nó là người có học thức, ở đâu trôi giạt về đây chớ không phải người xứ nầy.  Vì tui là người đưa nó vô nhà thương nên phải lãnh tụi nó về. Tui không biết tính sao, định đưa lên xã giao cho mấy ổng giải quyết. Hai đứa nó ôm chưn tui cứng ngắt, nhìn đôi mắt buồn bã của tụi nó tui thấy tội nghiệp quá không đành lòng. Tui nói nhà ông nghèo lắm con có chịu ở với ông không. Thằng nhỏ chỉ biết gật đầu, con chị khôn hơn vừa nói vừa khóc ông ơi làm ơn cứu chúng con, làm ơn cứu chúng con.

Rồi đâu cũng vào đó, thêm hai miệng ăn cũng chẳng tốn kém gì. Vậy chớ nhờ có hai đứa nó hủ hỉ quanh quẩn trong nhà cũng đỡ quạnh hiu. Lúc má tui yếu quá cũng nhờ hai đứa nó giúp một tay một chân. Má tui chết hai đứa nó cũng để tang cho bà, khóc còn nhiều hơn tui. Mình đâu có tính chuyện nuôi con nuôi, tự nhiên ông trời mang tới. Vậy chớ bây giờ đi đâu thấy nhớ lắm lẹ lẹ dìa.

Hai đứa có khai sanh đàng hoàng, đứa nào cũng tên Hiếu. Thằng con trai tên là Lê Trung Hiếu, con gái tên  Lê Thị  Thanh Hiếu. Thằng con trai bữa nay mười tuổi  rồi, học giỏi lắm, hạng nhứt lớp. Con chị mười ba, vậy chớ cao lớn như con người ta mười lăm mười sáu. Da trắng mũi cao tóc dài chấm đít, hai chị em đi ra đường ngó như con nhà  giàu. Đứa con gái càng lớn càng đẹp, chiều nào cũng có mấy đứa trai làng tụ tập trước nhà dòm ngó chọc ghẹo. Tui ra đuổi tụi nó cũng không chịu đi. Tui thấy coi bộ không xong, tui nói  con còn nhỏ mà để chi tóc dài thậm thượt, cắt tóc ngắn  cho gọn. Nó cũng nghe lời, con tui tui nói cái gì tụi nó cũng nghe, không bao giờ cãi.

Tưởng cắt tóc ngắn cho giống con nít, cho xấu bớt, vậy mà không xấu, cũng còn đẹp. Quần áo tui mua cho mỗi đứa một bộ, để dành đi đây đi đó. Ở nhà chỉ mặc đồ cũ của người ta cho, cái thì rộng cái thì chật, cái thì dài thòng cái thì cụt ngủn. Vậy mà mặc vô không thấy xấu. Con nhỏ có cái đẹp trời sanh.

Đẹp trời xanh ?

Thằng Tuấn lên tiếng hỏi. Nảy giờ mọi người làm thinh nghe ông đạo núi Cấm kể chuyện hay quá. Hai bà bếp phía sau cũng chạy ra ngồi nghe.

Trời sanh ra đẹp, đẹp trời sanh.

À à hiểu rồi, đẹp trời cho, trời cho đẹp. Sắc đẹp không cần dao kéo.

Ông đạo ơi, chú ơi ! Con trai học giỏi, con gái thì đẹp, chắc mai mốt chú được nhờ.

Người đàn ông cười mĩm, đôi mắt nhìn xa xăm.

Học giỏi đi làm phải lên thành phố chớ đâu có ở dưới quê. Rồi tụi nó đủ lông đủ cánh  sẽ  bay nhảy tứ phương.  Giàu sang thì vợ con nhờ chớ mình không dám mong.

Người đàn ông móc túi lấy xấp tiền ra đếm. Đôi bàn tay mân mê những tờ giấy bạc còn mới, xong bỏ vào túi trở lại. Ông ngập ngừng:

Hôm nay tui lặn lội lên đây là vì có hẹn với bà chủ quán Bồng Lai ở ngã tư cuối đường. Bà làm ăn thất bại, tiền bạc sa sút, ông chồng bỗng dưng mê gái bỏ bê nhà cửa quán xá tiệm tùng. Cách đây ba tháng bà có về đám tang người thân ở vùng núi Cấm. Không biết cơ duyên nào đưa đẩy gặp tui, không biết bà nghe ai nói, hỏi vậy chớ có phải tui có cây Ngãi khiến người bỏ đi cũng phải quay về. Tui tình thiệt kể rõ nguồn cơn. Số là một hôm đi trong núi, thấy có một cây nhỏ nhỏ như cây rau thơm mọc trong vách đá. Cây có bông màu tim tím, ông bướm bay lượn dập dìu. Thấy ngộ tui bứng đem về nhà. Bà chủ quán cơm gần nhà qua chơi thấy thích, dặn tui vô núi tìm cho bà một cây. Từ ngày có cây Ngãi đó quán cơm của bà đông khách, bà thưởng tui ba triệu còn dặn hễ vô núi có thấy thì mang về cho bả.

Bà Bồng Lai chuộc  cây Ngãi  của tui để dành ở sau vườn, còn dặn tui mang lên cho bà một cây nữa. Dè đâu hai vợ chồng làm lành, bữa nay dẫn đi du lịch mấy ngày mới về. Hay là như vầy nè, cô chủ ơi, cô cứ giữ cây Ngãi nầy đi, tui đặt tên nó là cây rù quến, sẽ giúp cô buôn may bán đắt, ong  bướm kéo tới dập dìu. Cô cho tui một dĩa cơm ăn dằn bụng là được rồi, cơm nhiều ít thịt cũng được.

Ở đây có cơm tấm bì sườn, cơm gà xào xả ớt, cơm gà rô ti, cơm xào đồ biển, chú muốn thứ nào?

Đang đói bụng mà nghe món nào cũng ngon, thôi cô cho tui cơm xào đồ biển, uống đá trà.

Thuý quay qua nhìn Tuấn, em trai có muốn chuộc cây Ngãi rù quến đó không ? Ong bướm dập dìu.

Thôi chị ơi, gái bu em không biết làm sao mà tránh, rước cái cây rù quến đó về chắc chết.

Thuý nói với ông chú đang ăn ngon lành:
Chú ơi, dĩa cơm này cháu không tính tiền, còn cái cây rù quến này cháu giữ ở đây, khi nào chú có dịp ghé qua lấy lại mang cho người ta, chú đừng ngại gì hết, nảy giờ nghe chú kể chuyện hay quá.

Tui cám ơn cô, ở đây ai cũng vui cũng tốt. Người đàn ông trầm ngâm giây lát, cô chủ ơi, ở đời có nhiều cái duyên đưa tới mình không biết trước. Tự nhiên hôm nay tui tạt vô đây mà không ghé chỗ nào khác, cô cứ giữ cái cây rù quến đó đi coi như một lời chúc lành của tui. Người đàn ông của cô sẽ mãi không rời xa.

Thuý cố gắng không bật khóc. Lời chúc phúc đó thật sự đánh nàng gục ngã.


Thuý nằm trùm mền vừa nghe nhạc vừa coi phim. Hết phim hành động tới phim kinh dị, hết nhạc sến   xoay qua nhạc sang. Mưa vẫn còn mưa rỉ rả bên ngoài, thích nhất là ngủ trong nệm ấm khi ngoài trời mưa gió. Trằn trọc nhớ chuyện đâu đâu. Nhớ đến người đàn ông ban chiều, tướng tá điệu bộ quê mùa mà sao biết nói nhiều điều thâm thuý.
Thuý nghe mơ hồ hình như có tiếng gõ cửa, hình như có ai gọi tên mình. Thuý chạy xuống lầu, nàng sững sờ khi thấy người đàn ông không đợi mình mẩy ướt mê.

Ối trời, anh Dân.

Anh ở ngoài quê mới vô hồi sáng nay, có hẹn với chú Tư tối nay về nhà chú ở tạm vài bữa rồi  kiếm chỗ ở trọ. Nãy giờ gọi chú hoài không được, lang thang từ sáng tới giờ, hết người này tới người khác kêu nhậu. Từ chối không được, uống nhiều say quá lại mắc mưa, người thấy lạnh run khó chịu. Thuý làm ơn cho anh vô thay đồ ngồi chờ một chút nhe.
Được mà, được mà đâu có gì. Để em nấu chút cháu thịt cho anh ăn uống thuốc.

Thấy anh có vẻ mệt, anh có muốn cạo gió không. Chắc thôi không cần, Thúy cho mượn chai dầu nóng, sao anh thấy lạnh quá. Anh Dân thoa dầu lên trán, lên cổ lên bụng, rồi tự nhiên nhờ Thuý thoa lên bờ vai, sóng lưng. Thuý ngồi bên cạnh bàn tay xoa nhẹ người thương mà lòng lâng lâng một cảm xúc khó tả.
Anh Dân cứ nằm trên giường em mà nghỉ, đừng ngại gì hết, chắc anh bị cảm lạnh, uống thêm một viên thuốc nữa nhe. Em chơi một lần  hai viên đâu có sao. Dân cầm ly nước uống thuốc, xong nằm xuống trùm mền. Thuý muốn nói chuyện, nhưng anh mệt quá say quá, nằm chút xíu là ngủ vùi.

Thuý bước đến tắt đèn, leo lên Sofa nằm ngủ. Trong lòng vẫn còn cảm giác lâng lâng khó tả. Không bao giờ dám mơ đến ngày người đàn ông này nằm ngủ trên giường của mình. Cảm xúc khi xoa nhẹ bàn tay lên tấm lưng trần, một hơi hướm đàn ông chưa từng biết như vẫn còn lảng vảng quanh đây.

Thuý nhớ đến lời ông đạo nói ban chiều, ở đời có nhiều cái duyên tự tìm đến. Và nàng thầm cầu mong người đàn ông của mình sẽ mãi không rời xa.


Tháng  03-2017