Nguyễn Thạch Giang
Có lần tình cờ nghe ca sĩ Sơn Tuyền hát bài gì có câu: "Ai, ai bảo thời gian không biến đổi, khi thề nguyền trăm năm mãi yêu tôi hỡi người ơi ". Lúc đầu tôi tưởng tên bài hát là " Ai bảo thời gian không biến đổi ", sau này mới biết đó là bài hát " Sầu lẻ bóng 2 " của nhạc sĩ Anh Bằng.
Lâu lâu buồn buồn tôi hay nghe lại bài hát này, thấy hình như ai đó đang trách mình:
"Người ơi mấy ai ngờ, ra đi rồi là hết
Ra đi là vùi chôn tất cả
Chôn vùi đôi hình bóng nhân tình sớm tối bên nhau
Những đêm tâm sự tay gối đầu..."
Từ lâu tôi vẫn nghĩ trong đời có nhiều điều không biến đổi với thời gian. Giờ đây đang ở vào tuổi tóc có nhiều sợi bạc, cuộc đời trãi qua không biết bao nhiêu cuộc bể dâu, sao trong lòng lại hoang mang: "Ai, ai bảo thời gian không biến đổi".
Đâu rồi những tin yêu cao đẹp thời trai trẻ ?
Có một lần đang đi trên đường, một cô gái trẻ hỏi tôi có phone không, tôi trả lời không và vội vã đi đến trạm xe buýt. Suốt ngày hôm đó (và mãi đến tận giờ) trong lòng vẫn còn điều ái náy. Không hẳn vì đã từ chối ( vì không muốn gặp phiền phức mà trước đây mình đã gặp phải ), mà bởi vì chợt thấy mình thay đổi nhiều quá. Hồi nhỏ thấy người ta khổ biết tội nghiệp, giờ có người mượn phone không cho, điều gì đã khiến tôi trở nên lạnh lùng vô cảm đến như vậy ? Cuộc đời ? Không hẳn, mà tôi cũng không muốn đổ lỗi cho cuộc đời.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài hát "Đêm Thấy Ta là Thác Đổ " có viết:
Đời ta hết mang điều mới lạ
Tôi đã sống rất ơ hờ
Đời tôi có đôi lần khép cửa
Rồi bên vết thương tôi quỳ
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia
Có khi tôi chợt nhận ra mình đã sống rất ơ hờ. Đâu phải bởi đời tôi hết mong điều mới lạ, mà sao tôi lại nhiều lần khép cửa ? Hồi nhỏ, đọc sách đọc truyện Tàu, thấy có nói đến chuyện loài thú vật phải tu luyện một ngàn năm mới được làm con người. Xem ra, được làm người là điều quý nhất trong tất cả sinh vật trên trái đất này. Vậy mà tôi đã phung phí cả tuổi trẻ của mình. Nếu được trở về quá khứ để chỉnh sửa lại cuộc đời, chắc là tôi phải xoá hết làm lại từ đầu. Nhưng chuyện này chỉ có trên phim ảnh, tôi cũng biết vậy, giờ đây có than khóc thì cũng đã muộn rồi. Thôi thì còn lại những ngày tháng ít ỏi trong cuộc đời, ráng mà sống cho tử tế.
Lúc còn nhỏ tôi sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, hằng năm cứ vào mùa nước lên, tôi hay theo anh chị đi câu cá ở những bờ ruộng ngập nước. Thời đó tôi mê câu cá lắm, cứ lén cha lén mẹ đi câu một mình. Vậy mà khi lớn lên tôi hoàn toàn không còn hứng thú, không một chút nào. Nhiều khi tự hỏi lòng, sao vậy? Có nhiều người bạn bên Mỹ, ở Việt Nam chưa bao giờ đi câu, giờ lại thức đêm thức hôm đi câu không biết chán.
Lúc trẻ tôi cũng mê nhiều thứ lắm, chẳng hạn như mê nuôi gà tre, mê nuôi chim bồ câu, mê nuôi cá lia thia, cá cảnh. Vậy mà lớn lên, hết thích. Ngay cả tình yêu, yêu tha thiết một người nào đó rồi theo ngày tháng cũng phôi pha. Chỉ có đam mê cờ bạc là tôi không bỏ được, nhiều lần từ bỏ rồi cũng ngựa quen đường cũ. Nhiều lúc tự nghĩ thầm, sao đam mê nào cũng đến với mình một thời gian ngắn ngủi, còn cái đam mê cờ bạc nó bám cứng lấy mình như bị ma ám. Có một lần tôi ở riết tại sòng bài không còn biết ngày giờ là gì nữa, tới chừng về nhà thấy dáng điệu của mẹ buồn làm sao, đôi mắt bà thẩn thờ nhìn thằng con, đứa con mà gia đình rất thương yêu, đứa con mà lúc trẻ rất ngoan, giờ đây lớn lên vướng vào con đường nghiện ngập.
Tôi không có trí nhớ tốt lắm, cũng giống như nhiều người, theo năm tháng đã quên dần những chuyện đã qua, nhiều người quen lâu ngày không gặp lại, quên bẳng không nhận ra. Và cũng giống như một số người già, chuyện hiện tại thì quên, lại nhớ những chuyện đâu đâu mấy mươi năm về trước. Hồi tôi học lớp nhứt (lớp 5 ngày nay), người bạn rất thân ngồi cạnh, ngày nào cũng ghé qua nhà tôi để cùng nhau tới trường. Tôi nhớ bạn tên là Châu Hoàng Liên, nhớ rõ cả tên lẫn họ (có lẽ là người duy nhất tôi nhớ đầy đủ họ tên trong số những bạn học trường tiểu học ngày đó ). Hồi đó còn quá nhỏ để biết là bạn có một cái tên rất đẹp, tôi còn nhớ bạn nói mẹ bạn buôn bán cá ngoài chợ và không biết chữ. Học trò ngày ấy phải mặc đồng phục áo sơ mi trắng, và trên túi áo có kết phù hiệu bằng vải, đại khái trường nam tiểu học...gì gì đó. Mẹ bạn không biết chữ nên đã kết lộn ngược phù hiệu. Đã hơn năm mươi năm qua rồi, tôi chưa hề gặp lại không biết bạn trôi nỗi ra sao, và tôi sẽ cảm động biết bao khi bạn biết tôi là ai khi đọc những giòng chữ này.
Tôi đi vượt biên trên một con thuyền nhỏ trôi giạt đến Indonesia. Buổi sáng sớm trời quang mây tạnh, leo lên khoang thuyền nhìn ra bên ngoài, vô số hòn đảo nhỏ nhỏ với hàng dừa cao vút. Hạnh phúc khi biết mình đã đến nơi an toàn. Sau đó chúng tôi được cảnh sát lai dắt con thuyền cặp bến cảng của thị trấn. Ở đó tôi thấy xác một vài con tàu với hàng chữ tiếng Việt. Có một chiếc nhỏ xíu như ghe chở hành khách đi trên sông còn nguyên chữ Bến Tre ở bên hông, vậy mà cũng vượt đại dương đến được vùng xa lắc này. Cảm giác đầu tiên của tôi là người dân ở đây rất lịch sự, và hầu như thuyền nhân Việt Nam nào đến được Indonésia (hay Philipines) không bị nạn hải tặc.
Ở Nam Dương được sáu tháng thì tôi được chuyển đến Singapore để chờ đi Mỹ. Mỗi ngày được phát năm đồng tiền Sing, tôi và người bạn Việt gốc Hoa quen ở trại, dẫn nhau đi thăm phố phường Tân Gia Ba. Tự nhiên người đi trước chỉ dẫn người đi sau, khi lên xe bus bằng cửa trước và xuống cửa sau. Luật lệ Singapore phạt rất nặng người xả rác nơi công cộng, nhỏ như miếng kẹo cao su cũng phải bỏ vào túi đem về nhà chớ không được quăng bậy bạ. Lần đầu đến Singapore tôi có cảm giác thành phố hơi buồn vì không thấy nhiều người đi lại.
Ở Singapore một tuần thì tôi được đi định cư ở Mỹ trên một chuyến bay mà hầu như tất cả hành khách đều là người Việt tỵ nạn. Phi cơ ghé qua Hongkong...ngủ lại một đêm đồng thời bốc thêm một số người tỵ nạn ở đó. Tôi theo anh bạn người Hoa dạo phố cho biết, thấy cũng chẳng khác gì khu phố người Hoa ở Việt Nam là bao nhiêu.
Ngày hôm sau chúng tôi đáp phi cơ đi Mỹ, ngồi cạnh tôi là một cặp vợ chồng người Việt tỵ nạn còn trẻ với một đứa con nhỏ. Hai người ăn mặc lịch sự, người vợ xinh đẹp trắng trẻo điệu đàng với những móng tay sơn đỏ. Nói chuyện một hồi thì dễ dàng nhận ra họ là những người miền Bắc chưa từng sống ở miền Nam. Đến phi trường Tokyo Nhật Bản thì đoàn người tách ra đổi chuyến bay tuỳ theo thành phố sẽ đến. Chỉ có một mình tôi là về Honolulu, tiểu bang Hawaii. Trời tháng ba, lúc ấy tôi chỉ mặc một chiếc áo sơ mi mỏng manh nhưng không cảm thấy lạnh. Nhìn bộ dạng của tôi, chắc ai cũng biết là một người Việt tỵ nạn không tiền. Buổi tối người đàn ông làm trong quán ăn nhanh ở phi trường mang đến cho tôi một hộp cơm và một ly nước. Tôi rất cảm khái chuyện ấy . ..một đẳng cấp của một nền văn hoá khi so sánh về những bực bội khi hành lý bị rạch tìm đồ tốt ăn cắp, hay đôi khi tỏ ý khinh rẽ khi phải kẹp tiền vào giấy hộ chiếu.
Một ngày cuối tháng tư, chính xác là ngày 29 tháng tư , tôi đi khám răng tại phòng mạch của một ông nha sĩ người gốc Hongkong. Cô nhân viên phụ tá người Việt biết nói tiếng Hoa, ghé tai tôi nói nhỏ, tối nay là Đêm Không Ngủ. Cô nói tiếng Việt giọng Bắc, lại biết tiếng Hoa, không khó để đoán là cô ra đi từ Hải Phòng hay một vùng nào gần đó. Đêm không ngủ vì ngày mai là ngày 30 tháng tư. Cho tôi người miền Nam hay cho cô người miền Bắc. Chắc cả hai, vì cô cũng như ai, cũng vượt biên để đến sống ở xứ Cờ Hoa này.
Tôi đến thành phố Pleiku để làm việc và sinh sống vào khoảng đầu năm 1973. Lúc ấy mọi người đang chuẩn bị đón tết nguyên đán. Thời đó nhiều người cũng vào núi chặt cành đào về chưng tết, nhưng đào núi chỉ le hoe vài nụ nhỏ xíu, nhưng lúc đó cũng là hàng quý, hàng hiếm.
Đúng ra nhiệm sở của tôi là ở quận Thanh An ( nghe nói tên cũ là Lệ Thanh ), cách thị xã Pleiku khoảng năm mươi cây số. Trên đường từ thị xã Pleiku đến Thanh An có đi ngang qua một đồn điền trà của người Pháp ở xã Bàu Cạn. Trà ở đây được đóng hộp và xuất thẳng về Pháp. Trà được xắt miếng vuông nhỏ, và nước trà có màu hồng hồng không như màu vàng xanh của loại trà Tàu thường thấy.
Người dân ở Thanh An ( và nói chung cả tỉnh Pleiku) là người tứ xứ được đưa lên theo chính sách Dinh Điền thời chánh phủ Ngô Đình Diệm. Phần đông là người xứ Quảng, nhưng một cảm nhận của tôi là họ sống với nhau rất hoà thuận, giúp đỡ lẫn nhau. Ở đó tôi thấy có một tập tục hơi lạ mà chẳng thấy ở nơi khác, ông Tư có người con trưởng tên Thành, ai cũng gọi ông là ông Thành mặc dù ông tên Tư.
Thị trấn Thanh An rất nhỏ, cũng có nhà lồng chợ buôn bán lèo tèo đến trưa là hết. Có một quán ăn mà bà chủ quán là người miền Nam, nghe đâu dân Kiến Hoà Bến Tre gì đó, ( lúc trước tôi còn nhớ tên, giờ cố nhớ mà không tài nào ! ) không hiểu sao trôi nổi lạc loài đến cái quận miền núi này, lính nhiều hơn dân. Trong khu phố chợ có một tiệm bán tạp hoá nhỏ nhỏ, mà người chủ là một cán binh Cộng Sản hồi chánh. Tôi có gặp qua và có nói chuyện, người miền Bắc, không biết sau cái ngày binh biến ấy số phận ông ra sao.
Khi nào về chơi ở thị xã Pleiku thì tôi ở nhà gần toà hành chánh, gần quán cà phê nổi tiếng Dinh Điền. Từ đó đi xuống con phố chánh tập trung hàng quán không xa mấy, nơi có rạp hát Diệp Kính ( mà con cháu giờ sống ở San Jose, Ca ).
Khi sống ở Pleiku tôi có đôi lần xuống Quy Nhơn bằng đường bộ. Đường rất tốt có qua hai cái đèo rất đẹp là đèo Mang Yang và đèo An Khê. Lúc qua đèo An Khê, từ trên cao nhìn xuống phía xa dưới kia, đường quanh co uốn lượn rất hùng vĩ nên thơ, và điều đặc biệt không cảm thấy sợ, cảm thấy an toàn không có gì nguy hiểm. Ngang qua An Khê, có một bảng bên đường ghi nhớ công của những người lính công binh Đại Hàn, đã giúp xây dựng quốc lộ.
Tôi đã rời xa Thanh An và Pleiku từ dạo tháng ba mùa chính chiến ấy. Chưa lần nào trở lại. Không biết những người bạn ở cái chi khu Thanh An ngày ấy giờ ra sao ? Ai còn ai mất ? Ai chịu đựng được cơn địa chấn của cuộc đời.
Sống ở Pleiku chỉ có hai năm, nhưng tôi có rất nhiều kỷ niệm. Giờ lẩm cẩm dài dòng kể ra, vì tôi muốn ghi lại một vài kỷ niệm trong đời, mà giờ đây đã quên rất nhiều. Những khu vườn trồng cà phê mà khi trổ hoa thơm ngát cả một khoảng đường. Những địa danh bắt đầu bằng chữ Lệ giờ chắc mang một cái tên khác, nào là Lệ Trung, Lệ Thanh, Lệ Kim, Lệ Ngọc, Lệ Minh. Chắc ít ai biết rằng chữ Lệ ấy có dính dáng đến cái tên của một người đàn bà quyền lực lừng lẫy một thời, mà gần đây báo chí có nhắc đến Quyền lực Bà Rồng.
Ba tôi rất thích đọc báo nếu không nói là ghiền. Phận sự của tôi là hằng ngày đi mua báo cho ba. Tôi nhớ nhật báo Đuốc Nhà Nam (hay Thần Chung ?) ở mục bình luận chính trị thời sự ở trang nhất, phía trên luôn luôn có một khẩu hiệu: "Có cứng mới đứng đầu gió".
Má tôi có một người bạn mà tôi gọi Bác Hai. Chồng bác chết sớm, bác một mình tần tảo nuôi mười người con. Sau năm 75 con bác đi tứ phương, rồi dần dần cũng tụ về Mỹ. Về già bác vô sống trong chùa, làm công quả và vui với kinh kệ. Có lần bác nói với tôi: "Bác rất giỏi chịu đựng và dai sức". Bác nay đã qua đời, khi nào nhớ tới bác, tôi tự nhủ lòng: "Ráng mà noi gương bác Hai, ráng mà chịu đựng và tập cho dai sức."
Trong một chương trình Talk Show của mình, Việt Thảo có hỏi ca sỹ Như Quỳnh: " Có một ước mơ nào trong đời mà Như Quỳnh chưa đạt được". Như Quỳnh ngậm ngùi nói ước mong tha thiết nhất là được một lần khoát áo cô dâu mà không có, ngày đó đã qua rồi, mãi mãi...qua rồi và không bao giờ có.
Theo ý Việt Thảo, ngày đó chưa đến chớ không phải là không đến.
Khi được hỏi điều gì của đối thủ khiến bạn nể trọng. Ông Donald Trump nói bà Hillary Clinton là một phụ nữ kiên cường, không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ chịu rút lui. Một chiến binh chiến đấu hết mình để đạt được mục đích.
Tôi cũng có một ước mơ. Có thể tôi sẽ không bao giờ nhìn thấy ước mơ của mình thành sự thật. Mặc dầu tôi cũng biết mình là một người thất bại toàn tập, nhưng đối với tôi, từ bỏ ước mơ là một điều tôi không bao giờ muốn.
Tháng 03-2017
No comments:
Post a Comment