Thursday, April 30, 2020
NỖI NHỚ
Ý Ngôn
Lúc tôi còn nhỏ, khi nào cha mẹ dẫn đi tỉnh xa thăm họ hàng, được chừng vài ngày là tôi đòi về. Tôi nhớ nhà.
Không biết tôi nhớ cái gì nhiều nhứt. Cái divan ở gian nhà trước tôi và ông anh kế hay ngủ hằng đêm. Hay là cái bàn thờ ông bà nội có bộ lư đồng to tướng, đặt trên chiếc tủ cẩn xa cừ. Hay là tôi nhớ cái chuồng gà, cạnh nhà bếp. Tôi không rõ, tôi chỉ biết đại khái là tôi nhớ nhà. Tôi đòi về.
Tôi còn nhớ rõ, năm tôi học lớp đệ thất, chị Hai tôi dẫn đi thăm người cậu ở Châu Đốc, đi chơi cảnh núi Sam, vậy mà tôi cũng không thấy vui. Tôi mê mấy trò chơi với tụi bạn cùng xóm hơn. Vừa về đến nhà, việc đầu tiên của tôi là chạy vô chuồng gà xem con gà mái tre của tôi đẻ được mấy trứng. Xong tôi cho gà ăn, rồi đi lấy vợt chạy ra cống vớt lăng quăng. Thuở đó tôi mê nuôi cá lắm. Tôi nuôi cá xiêm, cá phướn. Tôi còn nuôi loại cá cảnh như cá thia thia vàng, cá hoà lan, cá ông tiên.
Đi học về là tôi rong chơi cùng chúng bạn hàng xóm cả ngày. Chơi bắt rượt, bắt trốn, đá banh, ném banh. Chủ nhật thì đi câu cá, đi bắn chim, đi tắm sông. Tuổi trẻ của tôi có rất nhiều đam mê. Tôi đã sống một cách trọn vẹn cho tuổi trẻ.
Khi tôi lớn hơn một chút, đi đâu xa tôi không còn đòi về nữa. Tôi đã dần dần... hết cái bịnh nhớ nhà.
Mà hình như trái lại, tôi đâm ra mê những thành phố xa lạ. Năm tôi thi đậu Trung học đệ nhất cấp, thuở ấy vừa mười lăm, tôi và anh chị đi Sài Gòn thăm người chú. Tôi được đi sở thú xem khỉ, xem cọp và... chụp hình (dĩ nhiên). Được đi ra phố Sài Gòn mua sắm, đi xem chớp bóng, đi ăn uống ở Chợ Lớn. Tôi ở chơi một tuần lễ, tới chừng về nhà, tôi nhớ Sài Gòn, tôi mê Sài Gòn tới ba bốn bữa mới hết nhớ, mới trở lại đời sống bình thường.
Khi tôi xong trung học, bắt đầu xa nhà để... du học (ở Sài Gòn), tôi không còn nhớ nhà... để đòi về bất tử nữa. Sau này, khi đi làm việc ở Pleiku, tôi không còn bị cái nỗi nhớ... nhà ray rứt. Tôi nghĩ mình đã thành người lớn. Và từ đó, tôi có một ý nghĩ rằng con người, càng lớn lên, càng già đi và nhất là khi sống xa nhà đã lâu... sẽ dần dần không còn nhớ nhà nữa.
Lúc mới sang Mỹ, tôi hì hục chạy đua với cái xã hội mình mới vừa nhập hộ khẩu. Vì là dân mới tới, chân ướt chân ráo, nên tôi không có thì giờ nhớ nhà, nhớ quê hương. Vả lại xứ Mỹ lúc đó đối với tôi còn quá mới, quá hấp dẫn, nên tôi chỉ lo ăn uống, hít thở và sống với cái xã hội này. Đâu có thì giờ nhớ tới cái xã hội mình vừa ba giò bốn cẳng chạy cho nhanh ra khỏi.
Nhưng than ôi! Sau khi ở Mỹ được 5 năm, sau khi đã hiểu Mỹ được gần hết, sau khi đã đủ thời gian thâm niên để nộp đơn xin nhập tịch làm công dân Mỹ... tôi bỗng đôi lúc đâm ra nhớ nhà. Cái nhà mà tôi đã sống thật trọn vẹn thời thơ ấu. Cái này mới thiệt là ngộ!
Khi rời xa Việt Nam, tôi không nghĩ sẽ trở về lại quê hương sinh sống. Hoặc ít ra là không biết sẽ đến bao giờ. Tôi tin chắc cũng có nhiều người Việt Nam khác mang một tâm trạng như tôi. Nhớ nhà, nhớ quê hương, thì người ta nhớ dữ lắm. Nhưng mà chừng nào sẽ trở lại quê nhà đây? Không biết.
Tôi có một tánh lạ, hễ không nhắc thì thôi, tôi không nhớ. Không nhắc tới ngày về thì tôi không nôn nao, tôi có thể sống bình thản ngày này sang tháng nọ. Nhưng tánh của tôi hơi kỳ, khi nào tôi nhớ nhà, tôi muốn về, cái nỗi nhớ trong tôi tăng trưởng rất mau lẹ. Ngày hôm trước, ý nghĩ về thăm nhà vừa thoáng qua, ngày hôm sau đã thấy tôi có mặt với gia đình.
Những năm sống xa quê hương, thỉnh thoảng đọc những bài viết về quê nhà của một vài tác giả, mà quê hương của họ cũng gần quê tôi, khung cảnh, làng mạc, ruộng đồng, cách ăn nếp ở thật gần gũi với tôi. Tôi nghe như đang sống lại thời xa xưa nào đó.
Có một lần đọc một bài viết của một người quê ở Cao Lãnh. Anh ta kể rằng, ở Mỹ anh sống rất nhiều nơi. Một hôm đi ngang San Jose (thành phố tôi đang ở, phía Bắc bang California), anh thấy có một loại hoa dại nở vàng ối khắp sườn đồi. Anh nhớ đến loài hoa điên điển, khi mùa nước lên, cũng nở vàng ối khắp vùng Đồng Tháp Mười. Anh bật khóc và ở lại thành phố này, chọn làm quê hương thứ hai.
Quê tôi ở Sa Đéc, và tôi cũng có nhiều lần thấy cây điên điển. Đó là một loại cây mọc trong vùng ruộng ngập nước nhiều như vùng Đồng Tháp Mười. Người dân quê hay cắm cây điên điển dọc theo bờ ruộng, để làm gì tôi không biết. Chỉ thấy đến mùa nước rút, họ lấy cây điên điển phơi khô làm củi chụm. Bông điên điển ăn được, có thể ăn sống như loại rau ăn sống, thỉnh thoảng người ta còn trộn chung với giá để đổ bánh xèo.
Tôi không phải là người yêu hoa, mặc dù trong phòng ngủ của tôi có chưng một lọ hoa giả và một chậu cây cảnh (thật). Tôi không rành về các loại hoa. Thỉnh thoảng đọc báo thấy có tác giả nói đến loại hoa dã yên thảo, phong lữ thảo, hoa linh lan. Nói tên tôi không hình dung được đó là hoa gì, dù vậy tôi nghĩ tôi cũng có thấy qua rồi.
Ở xứ Mỹ tôi thấy có rất nhiều loại hoa, nhiều hơn ở Việt Nam. Và hầu hết những loại hoa ở Việt Nam có, ở Mỹ đều có. Duy chỉ có hoa Huệ trắng là tôi chưa thấy. Hoa Huệ đối với tôi có một kỷ nệm êm đềm. Mỗi ngày rằm và đầu tháng âm lịch, mẹ tôi thường hay mua hoa sen và hoa huệ về cúng Phật. Mẹ tôi thường bảo tôi thay những hoa đã tàn trên bàn thờ và chưng những hoa mới mua ở chợ về. Mẹ tôi thường nói, chưng bông huệ thấy có vẻ cao sang thanh thoát, hoa huệ còn có mùi thơm thoảng thoảng thật dễ chịu.
Còn có một loại hoa khác gây cho tôi một nỗi nhớ đó là hoa ô môi. Khi nào ra hoa, cây ô môi rụng hết lá, cành đầy hoa có màu hồng nhạt. Ở xa trông thật đẹp. Hoa ô môi đẹp chẳng thua gì hoa anh đào ở xứ này.
Nhưng tôi nhớ hoa ô môi không phải vì nó đẹp, mà vì cạnh nhà tôi có trồng một cây ô môi. Đó là một hình ảnh rất thân quen từ nhiều ngày tháng. Mà lạ thiệt, lúc tôi còn ở quê nhà, tôi chẳng thấy cây ô môi đó có gì đặc biệt, ngoại trừ những trái đen dài treo tòn teng trên cây như những cây cù ngoéo. Vậy mà sang đây, thỉnh thoảng tôi ưa nhớ về cây ô môi đó mới chết! Có một lần nhìn hàng cây ở bên kia đường trổ hoa, tôi đi hỏi mọi người trong nhà là cây gì, chẳng ai biết. Chừng đi hỏi con bé con bà chủ nhà, bị nó hỏi lại:
- Chú hỏi làm chi vậy chú?
Tôi nói bâng quơ, trông giống như cây ô môi. Dĩ nhiên con bé nhỏ đó làm gì biết được cây ô môi là cây gì. Cái tên nghe cũng thấy lạ. Mẹ con bé nói một câu lãng nhách:
- Chú ở nhà quê hay ăn ô môi, chớ người Sài Gòn đâu có thích. Trái ô môi vừa có vị chát, vừa cứng, ăn nhiều dễ bị táo bón, lại nhả xác mất công.
Tôi thì cũng chẳng thích ăn trái ô môi. Nhưng mấy đứa trẻ hàng xóm hay ăn, thấy nó ăn thì mình bắt chước ăn theo. Nhất là lúc ấy tôi hay đi chơi với con nhỏ Bé Ba, cây ô môi là của nhà nó. Mấy chị em nó hay ăn, nên tôi cũng ăn theo cho giống người ta. Mấy chị em nó hay chơi chuyền chuyền hoặc đánh búng bằng hột ô môi, lâu lâu tôi cũng nhào vô chơi... cho có bạn. Thuở nhỏ, ngoài việc đi chơi các trò chơi với tụi bạn trai, tôi thỉnh thoảng cũng chơi với tụi con gái như bắt trốn, nhảy dây, chơi cò cò...
Tôi với con nhỏ Bé Ba đó có một kỷ niệm. Số là lúc tôi mười ba tuổi và đang học lớp Đệ Lục, một hôm tôi và hai thằng bạn rủ con Bé Ba và hai đứa bạn gái của nó đi vô vườn của bạn tôi ở Bình Tiên chơi. Nhà bạn tôi ở miệt vườn, có trồng nhiều loại trái cây như cam, xoài, mận, ổi, có đào ao nuôi cá. Trong vườn có nuôi gà, vịt, heo... Chúng tôi sáu đứa, ba đứa con trai ba đứa con gái được dịp vui đùa thỏa thích. Bọn con trai thì lội xuống mương bắt cá, bắt cua. Tụi con gái thì đi hái rau, nấu cơm làm cá. Cá chúng tôi bắt được chỉ là loại cá lụn vụn, vài ba con cá lòng tong, đôi ba con cá rô, cá mè vinh, mấy con tôm. Vậy mà kho xả ớt ngon đáo để. Bạn tôi đãi chúng tôi món nhà quê, bông so đũa xào với tóp mỡ và hành lá, cải trời luộc chấm nước cá kho. Trời mưa bên ngoài lành lạnh, chúng tôi ăn cơm thật ngon. Chúng tôi ở đến chiều mới lên xe đạp trở về nhà.
Đường đất trơn trợt, tôi và con Bé Ba bị té xe đạp mấy lần. Mặt mày, mình mẩy dính đầy bùn đất. Bé Ba bị dây sên xe đạp móc rách quần. Trông nó mà tội nghiệp. Nó sợ về nhà sẽ bị đòn.
Quả đúng như vậy. Buổi chiều hôm đó về nhà, con Bé Ba bị đòn năm roi mây vô đít. Nghe nó khóc mà tôi điếng hồn. Nhưng nó bị đòn không phải vì cái quần bị rách mà bởi cái miệng nhiều chuyện của thím Tư hàng xóm nói qua nói lại. Thím nói con nhỏ mới có bây lớn mà đã đi theo trai. Thím còn nói cái thằng đó (tôi) mới bây lớn mà biết dẫn gái đi vô vườn. Báo hại tôi cũng bị đòn luôn.
Má tôi giận thím Tư, bèn đè tôi ra mà đánh. Thiệt là kỳ. Tôi nói con xin lỗi má, con không dám vậy nữa. Mà thiệt tình, đã hơn hai chục năm qua, tôi không biết mình đã phạm lỗi gì.
Những kỷ niệm của tôi với con Bé Ba hàng xóm có chừng ấy. Hè năm đó nó lại thi rớt vô Đệ Thất trường công một lần nữa, má nó gởi nó theo học may với một người bà con ở tỉnh khác. Sau này tôi nghe tin nó lấy chồng sớm, không còn trở về quê cũ nữa.
Cách đây mấy tháng, má tôi gởi thơ qua hỏi tôi còn nhớ con Bé Ba không? Cái con nhỏ lối xóm mà hồi trước con dẫn nó đi vô vườn ở Bình Tiên đó. Khi không bà già nhắc tới cái vụ này. Trời đất! Hơn hai mươi năm qua rồi vậy mà cái nỗi... oan cứ đeo đuổi tôi hoài. Má tôi nói Bé Ba bây giờ con cái lũ khũ, trở về đây sống. Có sang nhà chơi, có xem hình con chụp gởi về. Bé Ba khen con thấy trẻ quá trời, mà đẹp trai hơn hồi nhỏ.
Đọc thơ của bà già, tôi bèn chạy đi xem kiếng. Nhăn mặt cười và tự nghĩ, ừ mình cũng còn trẻ và đẹp.
Ở hải ngoại, thỉnh thoảng tôi cũng nhớ về cô bạn năm xưa. Nhưng thật tình mà nói, tôi nhớ cây ô môi nhiều hơn. Vì chiều chiều, trời êm thanh vắng, tôi thường ngồi trước hiên nhà ngó sang hàng xóm, và dĩ nhiên ngó cây ô môi.
Có nhiều buổi tối khó ngủ, tôi hay đem mấy tuồng cải lương ra nghe. Tôi thích vở tuồng "Tuyệt tình ca". Tôi thích nghe lại đoạn nghệ sĩ Út Trà Ôn hát mấy câu vọng cổ, nghe ngọt ngào sao!
"Cứ mỗi lần thấy bông ô môi điểm hồng trong gió chướng. Cứ mỗi lần nghe tiếng quếch bánh phồng rộn rã. Cứ mỗi lần về Vĩnh Long, ngang qua xã Tân Ngãi, chợ Trường An..."
Nghe đoạn này, lòng tôi xôn xao dậy lên một nỗi nhớ lạ lùng.
Ba tôi làm công chức ty bưu điện, trong thời gian làm việc người được thuyên chuyển qua nhiều tỉnh khác nhau. Vì vậy anh chị em tôi mỗi người được sanh ra ở một chỗ khác nhau. Khi tôi lên chín tuổi, cha tôi đổi về Sa Đéc, vốn là quê nội, chúng tôi ở luôn đấy cho đến khi người về hưu. Tuy giấy khai sinh ghi là tôi sanh đẻ tại Long Xuyên, nhưng tôi cứ nhận mình là dân Sa Đéc.
Nhà chúng tôi ở cách phố chợ không xa, chỉ khoảng mười phút đi bộ. Lúc chúng tôi mới dọn về, khu ấy chưa có điện và chưa có nước máy. Anh chị em chúng tôi thường phải xách nước từ con sông nhỏ trước nhà để xài. Có nhiều đêm mưa, tiếng ếch nhái kêu vang, lại đốt đèn dầu lù mù, chẳng khác nào vùng quê. Nhưng đồng hoá tôi với dân quê tôi không chịu đâu, thường tự coi mình là dân ở chợ.
Phía trước nhà và phía sau nhà có một vuông đất nho nhỏ, cha tôi cho trồng đủ thứ cây ăn trái. Mỗi thứ một ít. Cạnh nhà bếp còn cất một cái chuồng gà, chuồng nuôi heo nữa chứ.
Ở Mỹ thỉnh thoảng đọc báo tiếng Việt, có một vài tác giả tả về cảnh sống ở Việt Nam, đôi lúc gây cho tôi một nỗi nhớ da diết. Chỉ là những cái rất tầm thường trong đời sống thường nhật mà thôi. Chẳng hạn có một lần tôi đọc thấy nói về cái tô đá có vẽ hình con gà trống xanh. Chỉ kể lại một cách tầm thường như vậy mả sao tôi thấy gần gũi ghê! Có một lần khác, tác giả kể về khu vườn sau cơn mưa, những cây chuối ra lá xanh tươi. Gợi cho tôi nhớ đến ngày xưa, lúc còn nhỏ tôi thường hay ra vườn quan sát mấy cây chuối. Mùa nắng, mấy bụi chuối không tăng trưởng và cành lá xơ xác. Mưa vừa xuống, chuối bắt đầu ra lá mới, nhảy con, và cho trái. Trước khi trổ buồng, cây chuối ra một lá nhỏ. Cứ nhìn thấy lá nhỏ, tôi biết cây chuối sắp trổ buồng. Khi chuối trổ hoa phải canh chừng cắt bỏ phần bắp chuối ở dưới, để trái chuối được mập, được tốt. Trong nhà tôi, chỉ có tôi là lo ba cái vụ này. Bắp chuối lá xiêm và chuối hột có thể ăn sống hoặc luộc chín. Bắp chuối già, chuối cao thì không thấy ai ăn. Tôi còn có một phận sự khác là khi chuối chín bói trên cây, đốn xuống và đem giú trong lu mái đầm. Khi chuối chín, cắt ra từng nải, rửa sạch rồi đem cúng trên bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà. Người ta chỉ cúng chuối lá xiêm, chuối cau mà thôi. Còn chuối già, chuối ngự thì không. Tôi chẳng biết tại sao.
Cạnh nhà bếp, má tôi có trồng hai cây ổi tám tháng. Tại sao gọi là ổi tám tháng tôi cũng chẳng rõ. Hoa ổi màu trắng, mọc thành từng chùm. Ổi rất sai trái, khi chín ruột màu đỏ và có mùi rất thơm. Ổi nhiều ăn không hết, mẹ tôi thường nấu thành mứt ổi để dành ăn sáng với bánh mì.
Khi trái ổi vừa già gọi là ổi chua, ăn đã hết chát, có mùi vị chua chua ngọt ngọt. Khi thăm trái ổi đã chua hay chưa, mấy chị tôi thường lấy móng tay bấm nhẹ vào trái ổi để biết. Thành ra từ lúc trái ổi sắp chua cho đến lúc trở nên chua, có chừng năm sáu dấu móng tay ở trên ấy.
Ở Mỹ có một lần tôi dùng móng tay bấm nhẹ vào trái táo ở trên cây sau vườn. Đứa con gái nhỏ con bà chủ nhà, nói thỉnh thoảng cháu thấy chú dùng móng tay bấm vào mấy trái táo trên cây chi vậy. Tôi sung sướng nói với cô bé, để biết trái táo đã chua hay chưa. Cô bé nhún vai, thật là Mỹ. Cháu chỉ cần nhìn bằng mắt cũng biết trái táo chín hay chưa. Trong khi tôi nói chua mà cô bé lại nói chín. Trời đất! Làm sao tôi có thể giải thích cho cô bé hiểu rằng ngày xưa... ngày xưa mấy chị tôi hay dùng móng tay bấm vào mấy trái ổi trên cây.
Cha mẹ tôi cưới nhau được một năm thì bắt đầu sinh con. Tôi có tám anh chị em tất cả. Bốn trai bốn gái đồng đều. Cứ người trước lớn hơn người sau hai tuổi. Khi cha mẹ tôi sanh người con thứ bảy, có lẽ không muốn có con nữa nên đặt cho nó thứ út. Không ngờ sáu năm sau, cha mẹ tôi lại có thêm một người con nữa, thành ra, thằng Út trở thành Út lớn, và Út thiệt trở thành Út nhỏ.
Lúc ở trại tỵ nạn ở Indonesia, phỏng vấn viên người Mỹ nhìn và lý lịch của tôi, ông thắc mắc liền (ông này thiệt là nghề!). Ông ta hỏi tôi, tại sao anh em cứ mỗi người cách nhau hai năm, duy chỉ có Út lớn cách Út nhỏ đến sáu năm. Tôi có hơi bất ngờ với câu hỏi này. Vả lại, cái chuyện đó họa chăng cha mẹ tôi biết, chớ làm sao tôi biết được. Tôi ấp úng nói đại. Tại vì khi sanh thằng Út lớn, cha mẹ tôi thấy nhà cũng khá đông rồi, nên sì tốp lại, khoá sổ. Nên đặt cho nó thứ út. Dè đâu, sau này đẻ thêm thằng Út nhỏ. Nó ra đời ngoài dự tính của mọi người. Không biết cô thông dịch đã dịch sang tiếng Anh như thế nào, tôi thấy ông Mỹ cười cười gật đầu. Có vẻ như lời tôi nói cũng có lý.
Hễ con trai thì cha tôi đặt tên bằng tên một loài chim, con gái thì mang tên loài hoa. Chị hai tôi tên Huệ, chị ba tôi tên Phượng, chị tư tên Liên. Anh năm tên (phượng) hoàng, Út lớn tên (đà) điểu, còn tôi tên (chim) sáo. Cha tôi kể, lúc gần sanh tôi, ông hàng xóm có nuôi một con chim sáo, vả lại tôi thứ sáu, thành ra cha tôi đặt tôi tên Sáo cho tiện việc sổ sách.
Tôi bắt đầu để ý đến cái tên của mình, hôm đi dò kết quả thi tuyển vào lớp đệ thất trường công. Thằng bạn thân của tôi vốn văn chương chữ nghĩa, lại có tật hay sửa lưng. Nó nói chữ Sáo phải viết chữ u mới đúng. Người ta tên Sáu chớ có ai tên Sáo đâu. Cũng vì cái tật hay sửa lưng này nên nó bị ông thầy dạy anh văn làm quê một trận. Một hôm thầy viết chữ color lên bảng, nó làm ra vẻ hay chữ. Thưa thầy, thầy viết chữ color thiếu chữ u. Ông thầy giận xanh mặt, quay lại nói với nó. Anh ngu lắm, anh biết một mà chẳng biết hai.
Có một lần, lúc tôi mười một tuổi, tự dưng tôi đem cái tên của tôi ra mà phân bì. Sao ba má đặt tên cho anh Năm và Út lớn con chim bự, còn con chim của con nhỏ xíu. Ba má tôi cười quá trời. Khi nào có bạn bè hay họ hàng đến thăm, mẹ tôi đem chuyện này ra kể. Tôi bị chọc quê quá xá cở. Một hôm tôi nổi cáu giở ngón nghề ra, vừa la vừa khóc. Vừa đánh trống vừa la làng. Từ đó mọi người mới tha cho tôi... cái vụ con chim nhỏ, con chim lớn.
Thằng Út nhỏ thì không mang tên một loài chim. Có lẽ vì cách khoảng lâu quá, cha tôi không còn thích tên chim nữa. Cha tôi đặt cho nó tên một loài hoa. Hoa (vạn) thọ. Chắc người muốn nó sống dai, sống lâu trăm tuổi. Con nhỏ em gái kế tôi mang tên của loài hoa trà mi. Theo tôi nghĩ, trong mấy chị em gái, tên của Trà Mi đẹp nhất. Em lại đẹp hơn hết trong nhà. Một hôm, lúc đó tôi đang học lớp đệ tứ hay đệ tam gì đó. Tôi nghĩ được một câu, mà tôi cho là rất hay. Đợi đến giờ ăn cơm, tôi đem ra trình diễn. Tôi nói, trời đã ban cho Trà Mi một sắc đẹp, ba má lại đặt cho Trà Mi một cái tên cũng đẹp.
Chị Ba tôi trề môi, anh Năm bắt chước người ta đóng phim diễu, làm bộ sặc, cơm nước văng tùm lum. Út lớn làm bộ ngây thơ, em nghe câu nói này hơi quen quen, hình như trong tuồng cải lương nào đó.
Anh chị em tôi trông rất giống nhau. Lại mặc quần áo giống, ra đường người lạ khó phân biệt. Anh em lại hay đi chơi chung với nhau, tình thân thật là thắm thiết. Tôi còn nhớ rõ, lúc chị Hai tôi thất tình, chị khóc hu hu ba bốn bữa. Tôi đâm ra ghét người tình phụ của chị. Gặp anh ngoài đường, tôi làm bộ nhổ nước miếng, không thèm ngó. Chị Ba tôi thi tú tài ba keo chẳng đậu, trong nhà buồn so. Hôm Út lớn lãnh phần thưởng hạng nhất, nhìn em bước lên sân khấu, tôi cũng hãnh diện, nở mặt nở mày.
Hồi tôi học lớp đệ thất, đệ lục, thường được thầy giáo dạy quốc văn cho viết chánh tả. Có hai bài văn mà tôi rất thích, trãi qua nhiều năm rồi tôi vẫn còn nhớ. Đó là trích đoạn văn của Thạch Lam và của Hàn Mạc Tử. Đoạn tả cảnh một buổi chiều ở thôn quê của nhà văn Thạch Lam gây cho tôi một nỗi buồn man mác, lời mở đầu như sau:
"Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ vang ra từng tiếng một để kêu gọi chiều về, chiều, chiều rồi... "
Và bài "Chơi giữa mùa trăng" của Hàn Mạc Tử. Tôi còn nhớ bài chánh tả với đoạn mở đầu như sau:
"Chị tôi và tôi đồng cầm mái chèo con nhẹ nhàng lùa những dòng vàng trôi trên mặt nước... vây chúng tôi bằng ánh sáng, bằng huyền diệu, chưa đủ, chúa của đêm Trung Thu còn sai gió thu mang đến một mùi thoang thoảng như mùi băng phiến. Trên kia, hình như một vì tiên nữ đang kêu đò để quá giang... "
Tôi thích áng văn này không chỉ vì lời lẽ đẹp như thơ. Mà còn vì là cảnh đi chơi trong đêm trăng của hai chị em. Tác giả kể lại với tất cả trìu mến... tình chị em. Nếu đôi tình nhân đi chơi trong đêm trăng, thì đó là sự thường. Ở đây, lại là hai chị em. Mà lại rất tương đắc, chính điều này đã đem đến cho tôi một rung cảm dài lâu.
Trong nhà tôi hình như ai cũng viết chữ đẹp, ngoại trừ ra tôi. Hồi tôi học lớp ba, mới vừa đổi sang trường mới, tụi bạn mới xúm lại xem thằng này ăn học ra sao. Lời phê đầu tiên của ông thầy, trời ơi! chữ viết gì mà tệ quá vậy. Còn hơn chữ bác sĩ.
Tại lúc đó tôi còn nhỏ, tôi không biết trả lời. Trong khi tôi thuận tay trái, thầy cô cứ bắt phải viết bằng tay mặt, hỏi sao tôi viết chữ không xấu cho được.
Trong nhà, tôi lại không có tài cán gì cả. Chị Hai, chị Ba tôi đàn mandoline rất nghề. Chị Tư thêu thùa, vẽ rất đẹp. Anh Năm, Út nhỏ, Út lớn đều biết đàn guitar. Còn Trà Mi thì hát rất hay. Tôi mê giọng ca của Trà Mi nhất.
Mỗi khi ru con ngủ, mẹ tôi ngâm "đưa em" nghe rất mùi. Tôi thích những câu mẹ tôi hát chẳng hạn như:
"Thôi thôi buông áo em ra
Để em đi bán, kẻo hoa em tàn
Hoa tàn, thời mặc hoa tàn
Lâu lâu gặp nàng, nắm áo lại chơi"
Chị Hai, chị Ba dỗ em cũng hát ru. Tới khi Trà Mi dỗ cháu, cô nàng chỉ hát tân nhạc, hát vọng cổ.
Khi xưa, tôi mê giọng hát của em tôi lắm. Và cứ nghĩ rằng em tôi hát hay không thua gì ca sĩ. Lúc Trà Mi học lớp đệ tứ, em có đi dự thi tân nhạc một lần. Do trường trung học và Ty Thông tin Văn hoá phối hợp tổ chức. Năm đó người ta lập ra giải thưởng ca hát để khuyến khích mầm non văn nghệ, không phải là buổi tuyển lựa ca sĩ. Trà Mi được vào vòng chung kết, em hát bài "Hai mùa mưa".
Bài hát "Hai mùa mưa" năm đó được mùa. Có đến năm thí sinh hát bài này. Bốn nữ thí sinh và một nam thí sinh cũng... Hai mùa mưa.
Trà Mi mặc áo dài trắng và trang điểm giản dị. Dầu vậy, lúc bước ra sân khấu, tôi thấy em tôi đẹp quá. Lúc em diễn tả, bàn tay đưa vào ngực, tôi thấy thật là dễ thương. Lúc em cười mĩm, tôi thấy thật là duyên dáng. Tôi là "fan" số một của em.
Nhưng Trà Mi chỉ hát hay đối với tôi thôi. Còn đối với quý vị giám khảo, tài ca hát đó chỉ được giải khuyến khích. Cậy mà lúc về nhà, anh Năm còn nói Trà Mi được giải khuyến khích là nhờ đẹp. Nói cho đúng hơn, là nhờ thầy Đạo dạy âm nhạc cho điểm có hơi thiên vị một chút.
Em Trà Mi chỉ cười cười, đâu ai dễ dàng chọc quê được em tôi.
Ở Mỹ tôi tìm mua băng nhạc có bài hát "Hai mùa mưa" mà chẳng thấy. Có lẽ bài hát này không được ưa chuộng nữa. Ở hải ngoại có rất nhiều trung tâm sản xuất băng nhạc. Nhiều bài hát cứ được hát đi hát lại hoài, vậy mà tôi chẳng thấy bản "Hai mùa mưa". Tôi nhớ khi xưa ở quê nhà, ca sĩ Trang Mỹ Dung hát bản này ăn khách lắm mà.
Một hôm tôi và thằng bạn vào một tiệm bán tạp hoá của người Việt Nam. Tôi lại chỗ để đống băng nhạc cũ, những băng nhạc sản xuất ở Việt Nam từ trước năm 1975. Những cuốn băng nhạc này bìa in lại xấu xí, giá rẻ nên chủ tiệm không săn sóc ân cần, bỏ một đống cạnh hàng rau cải. Lại không thấy danh sách bài hát. Mỗi khi đi lục lạo, tìm kiếm bài hát mình ưa thích tôi rầu ghê. Không phải tôi sợ mất thì giờ, hay là sợ thiên hạ chê mình chuộng đồ rẻ tiền. Nhưng cái kiểu vừa lựa băng nhạc, vừa phải xê qua xích lại tránh chỗ cho người ta mua bầu mua bí, tôi hết hứng.
Tôi và người bạn dẫn nhau đi uống cà phê ở một quán gần đó. Tôi ít khi tâm sự với ai, vì sợ họ không thông cảm được. Bửa đó, thằng bạn tôi dò đúng tần số. Nó nói bài hát ấy có nhiều kỷ niệm với ông lắm phải không. Người yêu ông hát bài đó phải không.
Tôi bật cười. Không. Đứa em gái của tôi hát bài đó. Ngày xưa tôi không thấy bài hát ấy có gì đặc biệt. Ngày nay thỉnh thoảng tôi thấy mờ mờ dáng dấp cái hôm em bước lên sân khấu. Tôi cố công tìm mua lại một kỷ niệm... vậy mà tìm hoài chẳng thấy ai bán.
Thằng bạn nhìn tôi. Ông có vẻ thương em quá nhỉ.
Tôi nói ông à, lúc tôi mới lớn, tôi yêu lung tung. Đụng ai tôi cũng yêu. Rớ tới người nào tôi trồng cây si ngay chỗ đó. Ngày xưa tôi từng si mê một người, vậy mà giờ đây gặp lại, lòng tôi dửng dưng. Tình yêu trai gái dễ bị nguội lạnh theo năm tháng, còn tình thương anh em, tuy không sôi nổi mà bền vững với thời gian.
Thằng bạn tôi bật cười. Ông ăn nói có vẻ văn chương quá nhỉ. Tôi thì sống thực tế. Anh em tôi tuy đông nhưng chẳng nhờ vả được gì. Lâu lâu gặp nhau, cãi lộn như bầm bầu. Ông anh cả tôi giàu có, nhưng bà chị dâu bủn xỉn, bả chỉ biết lo cho gia đình bên bả mà thôi. Con nhỏ em gái tôi khá giả, nhưng tôi không ưa thằng em rể. Người ta thường nói:
"Giàu cha, giàu mẹ còn ham
Giàu anh, giàu chị ai làm nấy ăn".
Tôi thấy thằng bạn có hơi lạc đề, còn tôi thì... lạc lõng.
Hát tân nhạc, Trà Mi còn thích hát dân ca, hát vọng cổ. Bài hát "Gánh nước đêm trăng" tôi nghe em hát đến thuộc lòng.
"Hò ơ... tôi tưởng cái giếng sâu tôi nối sợi dây dài
Ai ngờ giếng cạn... tôi tiếc hoài sợi dây"
Còn một bài hát khác làm tôi nhức nhối không kém, đó là bài "Lý con sáo". Ngày xưa, cứ mỗi lần nghe em hát:
"Ai đưa... ai đưa con sáo sang sông
Mà sao... con sáo sổ lồng bay xa"
Tôi thấy nhột nhạt, vì một lẽ rất giản dị, tôi tên Sáo. Có lần tôi nói với em:
- Trà Mi hát tân nhạc hay hơn, hát vọng cổ nghe buồn... ngủ muốn chết. Với lại, bài hát này đâu có hay.
Em tôi ngây thơ, em thích bài hát này, hay như vậy, mà anh không cảm được hay sao.
Lần khác nghe em hát "Lý con sáo", em vừa cất tiếng ải đưa, ải đưa... con sáo sang sông. Tôi liền nói, đâu có ai đưa, con sáo còn ở nhà nè. Em tôi bật cười khúc khích. Từ đó, tôi không nghe em hát bài ấy nữa.
Ngày xưa, Út nhỏ là hay bị tôi sai vặt nhiều nhất. Chắc có lẽ em nể tôi làm lớn, làm anh nên ngoan ngoãn để tôi sai khiến. Cỏ nhiều buổi sáng, tôi thường mượn em đi mua hù tiếu và cà phê đá. Thường thường, tôi ăn hủ tiếu phần cái, phần nước cho em. Em bỏ cơm nguội vô ăn một cách ngon lành.
Những năm tháng dài ở hải ngoại, lâu lâu nhớ lại hình ảnh em Út nhỏ của tôi, một tay cầm cái tô, một tay cầm cái ca bằng nhựa đựng cà phê, lòng tôi buồn man mác. Nhớ tới em ăn cơm nguội với nước lèo, tôi cảm thấy chua xót. Đây là điều ân hận lớn nhất của tôi đã đối xử với em như vậy. Nếu được đi ngược lại thời gian, tôi sẽ sớt tô hủ tiếu làm hai. Một nửa cho tôi và một nửa cho em.
Có một lần mẹ tôi gởi thư sang cho biết Út nhỏ đòi cưới vợ. Trời đất, nó mới hai mươi hai tuổi mà cưới vợ cái nỗi gì. Hình đám cưới có gởi sang cho tôi xem, nhân tiện giới thiệu đứa em dâu luôn thể. Cả nhà tôi diện đồ đẹp, ai cũng cười tươi rói. Cưới vợ xang, Út nhỏ theo vợ về quê làm ruộng ở tận làng Tân Phú Trung, cách nhà tôi khoảng mười cây số. Em Út nhỏ của tôi giờ đây cam phận một nông dân, cày sâu cuốc bẫm. Thỉnh thoảng bơi xuồng ra nhà cha mẹ tôi, sẵn dịp mua sắm đồ dùng cần thiết.
Trà Mi nay cũng đã lập gia đình. Có một đứa con khoảng ba tuổi, nghe đâu đời sống cũng vất vả, một nắng hai sương. Thỉnh thoảng em cũng có gởi thư cho tôi, có khi vui có khi buồn. Đôi khi em cũng văn chương chữ nghĩa đầy mình. Lâu lâu em nhắc tôi gởi hình về nhà, em viết như sau:
"Lâu quá sao anh không gởi hình về nhà, má nhớ anh lắm đó. Con em đã biết đi, biết nói rành rẽ. Nhìn hình anh nó biết nói cậu Sáo. Nỏ là niềm an ủi của em lúc này. Khi măng non đã nẩy mầm rồi, dù mưa gió thế nào, cũng vẫn lớn khôn thôi, phải không anh".
Hồi lúc mới sang Mỹ, đi đâu chơi tôi cũng chụp hình... để gởi về Việt Nam. Tôi viết thư thường xuyên. Những năm đầu tiên, tôi hay kể về đời sống ở Mỹ. Những năm sau, tôi ưa nhắc lại chuyện xưa tích cũ. Có lần tôi khoe với mẹ, ở Mỹ thứ gì cũng có. Lâu lâu tôi đi chợ mua cá lóc về kho tộ... để nhớ má. Tôi nói, ngày xưa má kho cá lóc ngon lắm và con hay ăn ruột và đùm trứng. Khi nào lên mâm cơm, hễ có trứng cá lóc là con thò đũa gắp trước. Cũng vì cái tật ham ăn đồ ngon này mà con bị cô Tư rầy cho một trận. Một hôm sang nhà cô Tư ăn cơm, con quen thói, đưa đũa gắp trứng cá lóc. Cô Tư rầy, nói con nít nhỏ ăn uống như vậy vô phép.
Chị Ba tôi gởi thư qua nói mẹ tôi đọc thư khóc mấy bữa... vì nhớ. Chị tôi khen tôi có trí nhớ dài và viết thư hay quá. Nhưng từ đấy tôi tởn, ít dám nhắc đến chuyện ngày xưa. Tôi thấy hình như, càng già mẹ tôi càng lo âu vẩn vơ, càng già mẹ tôi càng nhớ đứa con xa xứ càng nhiều.
Trà Mi giờ đây chắc không còn ca hát, bởi phải dậy đi làm từ năm giờ sáng cho đến khi chiều tối mới về đến nhà. Có nhiều khi tôi tự hỏi, không biết lúc dỗ con ngủ, em tôi có hát bài "Lý con sáo". Và tôi bỗng cảm thấy buồn ray rứt khi nghĩ rằng chính mình là người đang hát bài dân ca đó. "Đâu có ai đưa con sáo sang sông, mà sao nó cũng sổ lồng bay xa".
Khi tôi trở về làng xưa thì cha mẹ tôi đều đã qua đời. Tôi tính nhẩm, đã ba mươi lăm năm. Hôm tôi lìa xứ vừa mới ba mươi tuổi, giờ đây đã đến tuổi về hưu. Ôi! Cuộc đời nhanh như một cơn gió thoảng.
Căn nhà cũ của cha mẹ tôi vẫn còn dù nó đã cũ. Gia đình em Trà Mi và Út lớn về đây sinh sống. Anh em tôi vẫn còn đầy đủ, và giờ đây, cháu nội, cháu ngoại đầy đàn.
Gặp lại nhau anh em tôi mừng chảy nước mắt. Nói chuyện cả đêm mà vẫn chưa hết chuyện. Lạ một điều, lúc nhỏ em Trà Mi giống mẹ, càng lớn càng giống cha. Út lớn thì giống hệt tôi, từ tướng đi cho đến giọng nói tiếng cười.
Tin tôi trở về quê cũ sống dưỡng già, bà con lối xóm đến thăm viếng đông nghẹt mấy ngày liền. Tiếng là người từ Mỹ về, họ hỏi thăm lung tung, và dưới mắt họ, tôi là người biết đủ thứ, và dĩ nhiên... có rất nhiều tiền. Tôi có đem về rất nhiều quà cáp, cho mỗi người một ít... vậy mà cũng chẳng thấm vào đâu.
Một buổi sáng, tôi đến thăm Thiện, nhân dịp mời hắn dự đám giỗ cha tôi. Thiện là bạn thân tôi hồi nhỏ, và tình thân càng khắng khít hơn sau ngày đất nước rơi vào tay Cộng sản. Thuở ấy, hai đứa tôi bôn ba tìm đường đào thoát, tôi thì may mắn đi trót lọt, còn Thiện thì đi năm lần bảy lượt mà vẫn không rời khỏi được cái vùng đất này.
Nhà Thiện nằm phía bên kia bờ sông của dòng sông Sa Đéc thơ mộng. Đến nhà Thiện phải đi qua cây cầu sắt, mà lúc nhỏ tôi thường tò mò đứng nhìn người ta xoay ngang phần giữa chiếc cầu, để tàu bè lớn có thể đi ngang được. Cho nên, cầu sắt còn có một cái tên khác là cầu quay.
Hơn ba mươi năm qua, căn nhà của Thiện có vẻ không thay đổi bao nhiêu, ngoại trừ chiếc hàng rào dây kẽm gái nay được thay thế bằng một chiếc hàng rào gỗ. Cũng mấy buội dâm bụt ở lối đi, bên cạnh những chậu hoa vành vành, hoa lài. Lúc tôi dựng chiếc xe đạp ở gốc cây mận, Thiện mở cửa, đón tôi vào nhà.
Thằng con lớn của Thiện bước đến chào hỏi. Tôi hỏi bạn được mấy đứa. Bốn. Thiện nhìn tôi cười buồn, hỏi lại, còn phần ông thì sao. Tôi nói tôi chỉ có hai đứa con, một trai một gái nay đã lập gia đình. Chắc tụi nó định cư luôn ở xứ Mỹ, không về đâu.
Thiện rót nước trà mời tôi. Đôi mắt mơ màng theo khói thuốc lá bay tản mạn, bạn hỏi tôi:
- Còn ông, sao ông trở về đây sống?
Tôi mượn ý một câu thơ cổ trả lời:
- Cóc chết ba năm, quay đầu về núi.
- Thật tình là ông quan tâm đến đất nước này lắm hay sao?
Tôi nói:
- Tôi đã cống hiến tất cả tài năng và tuổi trẻ cho xứ người. Tôi đã không sống được cho quê hương đất nước, giờ tôi thèm được chết cho mãnh đất mà tôi đã sinh ra và lớn lên.
Thái độ khinh khỉnh của Thiện thật dễ ghẻt, giọng nói của nó càng khó ưa:
- Tiếc quá! Ở cái tuổi gần đất xa trời này, thì dù có sống hay chết cũng chẳng ăn nhằm gì tới ai.
Tôi phân trần với bạn, như là đang năn nỉ nó:
- Tội nghiệp tôi quá ông ơi! Sống ở xứ người là điều vạn bất đắc dĩ. Lúc tôi rời bỏ quê hương, tôi đã lìa bỏ cha mẹ, anh em, làng xóm. Giờ trở về xứ, tôi đã bỏ lại một phần nắm ruột của mình ở quê người. Từ lúc vợ tôi qua đời, ý nghĩ trở lại quê nhà dưỡng lão càng mãnh liệt ở trong tôi. Đứa con lớn của tôi có ý ngăn cản, vì nó sợ tôi về đây thiếu thốn đủ thứ tiện nghi. Nhưng mà lạ lùng ghê ông ơi! Xa quê đã mấy mươi năm, vậy mà trở về không thấy bỡ ngỡ một chút nào. Nó cũng giống như ngày xưa lúc tôi còn trẻ, lúc đi Sài Gòn học xa nhà, lâu lâu trở về thăm gia đình vậy.
Bạn tôi có vẻ đăm chiêu như đang nghĩ ngợi một điều gì đó. Hắn rít một hơi thuốc lá và nói:
- Cuộc đời tôi từng thành công mà cũng từng thất bại. Thuở còn trẻ tôi rất hăng hái, nhiệt tình. Và tôi thường không chịu thua bất cứ một cái gì. Tôi thường nói hễ muốn là phải được. Thuở ấy tôi không nghĩ là tôi sẽ thất bại. Vậy mà, như ông thấy, tôi đã thua. Tôi đã tìm đủ mọi cách mà cũng không đi khỏi được cái xứ này. Ngày xưa, cứ mỗi lần vượt biên hụt, cứ mỗi lần bị bắt vào tù, tôi cay đắng như đang uống một chén thuốc độc. Tôi ganh tức với người ta đang bay nhảy khắp năm châu bốn bể. Tôi cảm thấy như bị thua thiệt. Tôi cố gắng hết sức để ra khỏi xứ này, để khỏi có mặc cảm là mình thua người ta. Nhưng ông trời đã giao cho tôi một bài học quá khó.
Nhưng tôi thua ai thì thua tôi không tức. Nhưng thua ông, tôi tức lắm. Để nhớ lại coi nào, mình quen nhau từ năm lớp mấy, ông còn nhớ không. Hình như năm đệ Tứ thì phải, lúc tôi từ Mỹ Tho đổi về đây. Ngày ấy, tôi là một học sinh đứng nhất tất cả mọi môn học, kể cả âm nhạc và thể dục thể thao. Thật tình mà nói, lúc đầu tôi coi ông đâu có ra gì. Vậy mà Tết năm đó, ông được tụi con gái xúm nhau khen ngợi về một bài thơ đăng trên báo xuân của nhà trường. Tôi bắt đầu chú ý đến ông, và tự nhủ rằng tôi còn hơn ông rất nhiều mặt.
Trong khi tôi đậu tú tài hạng ưu thì ông cũng đậu, dù chỉ đậu vớt. Rồi ông cũng vào đại học, trường đại học không thi tuyển. Vậy mà rồi ông cũng tốt nghiệp. Ở cái tỉnh nhỏ này, ông cũng có giá. Và dưới mắt nhiều bạn học cùng lớp, ông thật may mắn.
Thuở đó, hình như tôi có điều ganh tỵ với ông, dù rằng tôi luôn tự coi mình còn đứng hơn ở nhiều mặt. Cho đến ngày mà ông ra khỏi đất nước, còn tôi thì cứ vào tù ra khám. Cho đến một ngày mà tôi phải chịu thua, về đây sống ẩn dật.
Ông à! Từ nhiều năm qua, tôi đóng cửa không tiếp khách. Mà cũng chẳng có ai đến thăm viếng. Cuộc đời cho tôi trôi qua một cách buồn bã. Lòng không còn biết vui biết buồn. Tôi đang đi dần đến khoảng cuối cuộc đời mà mối hận trong lòng không quên.
Tôi rót trà, cho bạn và cho tôi. Tôi an ủi:
- Tôi hiểu ông hơn ai cả. Thật tình tôi rất thông cảm với nỗi "thất chí" của ông. Ngày xưa, dưới mắt bạn bè, ông là một ngôi sao sáng nhiều đứa thèm muốn được bằng ông. Đâu ai ngờ rằng cuộc đời đưa ông vào ngõ cụt như vậy. Thật ra thế hệ của chúng mình chịu đựng rất nhiều. Những năm ở hải ngoại tôi đã chứng kiến nhiều nghịch cảnh. Tôi cũng hiểu nỗi khổ của người ở trong nước. Mà ông có biết ở đời này, tôi sợ điều gì nhất không. Tôi sợ bị "đổi đời". Tôi sợ lắm. Có những ngày yên ấm cùng vợ con ở Mỹ, vậy mà có nhiều đêm tôi thấy bất an. Hình như có một nỗi sợ gì tiềm tàng trong máu huyết của tôi. Tôi sợ... bỗng chốc một sớm một chiều cuộc sống của mình bị thay đổi hoàn toàn. Nỗi ám ảnh "đổi đời" này kéo dài rất nhiều năm. Cho đến khi sức khỏe tôi bắt đầu suy yếu. Tội chợt nhận ra mình bị mất trí nhớ khá nhiều. Tôi bắt đầu quay sang lo sợ với bệnh tật. Tôi lại mất ngủ. Và từ đó tôi mang thêm một nỗi lo âu khác, tôi sợ bị bệnh ung thư.
Đó, tôi cứ bị hết nỗi lo sợ này đến nỗi lo sợ khác. Dần dần tôi cảm thấy rằng, tất cả mọi sự trên cõi đời này đều không có gì là chắc chắn. Cho đến khi vợ tôi qua đời một cách bất thình lình. Tôi không còn lo âu vẩn vơ nữa, vì nỗi lo đã quá sức chịu đựng của tôi rồi. Tôi nghĩ, giờ mình có chết thì cũng chẳng có gì hối tiếc.
Có nhiều đêm tôi thường nghĩ, cuộc đời mình có thật là nhiều biến cố. Trãi qua một cuộc bể dâu, điều gì còn lại? Sáng nay, lúc dựng chiếc xe đạp vào gốc mận trước nhà ông, tôi có cảm giác giống như ngày xưa tôi thường đến rủ ông đi học. Ông à! Trải qua một cuộc bể dâu, điều còn lại có phải là tình bạn của chúng mình, từ lúc trẻ cho đến lúc già.
Bạn tôi không nói, gương mặt có hơi lộ vẻ xúc động. Tôi đứng lên kiếu từ ra về, không quên nhắc bạn ngày mai đến nhà tôi dự đám giỗ cha tôi. Bạn tôi không từ chối mà cũng không nhận lời. Nhưng qua vẻ mặt, tôi nghĩ ngày mai hắn sẽ đến.
Tôi về đến nhà thì vừa lúc cơm trưa. Em Út nhỏ của tôi cùng vợ và mấy đứa con từ trong ruộng ra thăm. Đứa con gái lớn của Út nhỏ sắp lấy chồng. Em tôi giới thiệu thằng rể tương lai và bảo lấy chai thuốc ra hỏi tôi cách dùng. Chai thuốc rất lạ với cái tên của hãng bào chế thương mại. Tôi nói với thằng cháu rể:
- Bác không biết, chớ bộ bác sĩ không dặn gì sao?
Thằng cháu chưa kịp trả lời, em Út nhỏ của tôi nói:
- Bác sĩ mới ra trường, dở ẹc. Rồi nó xoay qua nói với thằng rể. Nè, có gì không biết hỏi bác Sáu nhe.
Tôi bật cười. Em tôi nghĩ rằng người ở Mỹ thì cái gì cũng biết. Tôi nói với nó:
- Bác sĩ dặn sao thì làm theo vậy. Bác sĩ dặn thì đúng đó.
Lúc ăn cơm, chị Ba tôi bảo thằng cháu để dành cái trứng cá lóc cho tôi. Tôi bật cười, cháu cứ ăn, cậu không còn thích. Mấy chục năm qua rồi, sao chị còn nhớ là em ưa ăn trứng cá lóc. Chị Ba tôi nhắc lại, hồi đó ở bên Mỹ cậu có viết thư về, nhắc cái vụ này, báo hại má đọc thư khóc hết ba bốn bữa.
Cơm nước xong, tôi bước lên nhà trên chuyện vãn cùng mấy đứa cháu. Từ lúc ở Mỹ tôi không còn thói quen ngủ trưa. Tôi bước đến chiếc bàn học đặt cạnh cửa sổ. Chiếc bàn bu-rô này của cha tôi, bằng gỗ bằng lăng, mấy chục năm mà chưa suy suyển. Tôi lục lạo trong chồng sách mới xuất bản của mấy đứa cháu, còn sót lại hai quyển tiểu thuyết của tôi mua ngày xưa. Quyển "Đẹp" của tác giả Khái Hưng, ở trang đầu tôi có ghi: Mua ngày... ở tiệm sách Cẩm Long. Hồi đó tội mới học lớp đệ ngũ. Đây là quyển tiểu thuyết tâm lý mà tôi rất thích. Tôi còn nhớ, ngày xưa, tôi mê mẫn lời đối thoại trong quyển này lắm.
Tôi nghe tiếng lao xao của mấy đứa trẻ ngoài khung cửa. Mấy đứa con gái nhỏ đang hái trái trứng cá. Tổn vén màn nhìn trộm, một đứa con gái bắt gặp gương mặt của tôi, rủ nhau chạy về nhà. Tôi muốn nói, các cháu cứ tự nhiên hái trái trứng cá, ông không làm gì đâu.
Ngày xưa, lúc tôi còn trẻ, ở chỗ đó cũng có một cây trứng cá. Không ai trồng, tự nó mọc lên, mấy đứa nhỏ nói là do chim ỉa. Hạt không bị tiêu hoá, gặp mưa, nên mọc tươi tốt. Cha tôi thấy vậy nên cứ để cho mát. Ngày trước, có những buổi trưa ngồi học bài, tôi thường nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm trộm mấy đứa con nít hái trái trứng cá. Tôi thường nhìn thấy có nhiều trái chín đỏ ẩn trong tàn lá, nhưng không bước đến gần chỉ trỏ, vì khi thấy tôi, mấy đứa con gái nhỏ hoảng sợ ù té chạy về nhà.
Chiếc đồng hồ báo thức reo inh ỏi. Tôi lật đật ngồi bật dậy, và như một cái máy tôi chạy vội vào nhà tắm rửa mặt. Như thường lệ, lúc chờ cho máy xe đủ ấm, tôi pha cà phê nhâm nhi một cách vội vàng. Lúc bước ra không quên mang theo túi đựng thức ăn trưa, đã chuẩn bị sẵn để trong tủ lạnh.
Buốt sáng hôm ấy, tay thì lo làm mà đầu óc tôi cứ nhớ về giấc mộng đêm qua. Buổi trưa, lúc xếp hàng chờ hâm thức ăn, tôi chán nản bước đến mua một ly cà phê và một cái bánh ngọt ở máy.
Người bạn ngồi gần thấy vậy hỏi:
- Sao ông ăn chỉ có thế thôi à? Hình như ông có điều gì suy nghĩ.
Tôi sung sướng nói với bạn:
- Hồi đêm này tôi nằm mơ thấy về Việt Nam. Lúc đó tôi đã về hưu. Cha mẹ tôi đều đã qua đời. Xóm làng cũ thay đổi rất nhiều. Anh chị em tôi thì ai cũng già. Căn nhà cũ của cha mẹ tôi cũng còn. Tất cả mọi vật thì rất cũ kỹ. Tôi thì rất già, vậy mà lúc nhìn mấy đứa trẻ hái trái trứng cá bên ngoài khung cửa sổ, tâm trạng tôi cũng vẫn còn xanh tươi như ngày xưa còn trẻ.
Tôi quá xúc động ôm mặt khóc. Đây là lần đầu tiên tôi khóc kể từ khi sống xa quê hương.
Truyện ngắn này đăng lần đầu trên VĂN số 75, tháng 9-1988
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment