Cuộc phỏng vấn cuối cùng với báo chí Việt Nam của Nhạc sĩ Vũ Trường Kỳ
TRẦN NGỌC THIỆN
Thực hiện từ 12 giờ 15 đến 14:30 ngày 23/2/2009 tại Coffee Cup
(Số 6 Công Trường Quốc Tế Hồ Con Rùa Võ Văn Tần, thành phố Ho Chi Minh - Saigon).
Nhạc sĩ Trường Kỳ
(1946 – 22.3.2009)
PV: Ông có thể phác họa đôi nét về bản thân?
NS Vũ Trường Kỳ: Tôi sinh năm 1946 tại Hà Nội. Năm 1954 theo gia đình di cư vào Sài Gòn. Từ 1958–1965 học trường Lasan Taberd, sau đó đổ tú tài. Năm 1965 khi Mỹ đổ quân ô ạt vào miền Nam, tôi học thêm tiếng Anh. Bắt đầu viết báo từ năm 1963 đến 1975 trên các tờ Kịch ảnh, Màn ảnh và tờ Hồng (chuyên về nhạc trẻ), từng viết một số phóng sự xã hội về giới trẻ. Tôi cũng từng học accordéon 3 năm với nhạc sĩ Vũ Lung.
PV: Làn gió nhạc trẻ , nhạc kích động phương Tây thổi vào Sài Gòn từ khi nào, những ban nhạc trẻ đầu tiên ở miền Nam trước năm 1975?
NS Vũ Trường Kỳ: Cuối 1950 đầu 1960 xuất hiện ban kích động nhạc CBC, hiện vẫn hoạt động ở Houston, Texas (vũ trường gia đình mini club) gồm - Tùng Linh (guitar lead), Đức Hiền (guitar bass), Phát (guitar accord), Bích Loan (keyboard vocal), Marie Louise (vợ Tùng Linh, vocal), Bích Liên (chị Bích Loan) và Tùng Vân (em Tùng Linh - trống).
Sau đó có thêm ban nhạc Rocking Stars gồm Trung Lang (guitar bass), Trung Phương (guitar lead), Thanh Tòng (saxo), Nhơn (guitar accord) và ca sĩ Elvis Phương.
Ban nhạc Black Caps với Thanh Tuấn tức Paolo Tuấn (guitar bass) nhưng đình đám nhất là ban nhạc Tây – ta kết hợp Les Vampires gồm Đức Huy, De Pollack (người Đức – trống), Jacky (Pháp), Thái Vampires (guitar lead).
Sau năm 1963 xuất hiện thêm Les Faucons Noirs, The Teddy Bears - Les Penitents, đến năm 1965-1966 có The Spotlights, The Peanut’s Company, năm 1967-1969 ra đời các ban nhạc “Hippie” Shotguns của Ngọc Chánh, The Enterprise, từ 1969-1971 hai ca sĩ trẻ Khánh Hà và Anh Tú lập ban nhạc Uptigh ... Ngoài ra còn một số ban nhạc trẻ khác như Rock Hà Nội, Rumba Cửu Long, Jason Gibbs.
PV: Để khuyến khích phong trào nhạc trẻ Sài Gòn, ông đã chuyển ngữ các tình khúc nhạc trẻ phương Tây nào, ngoài ông còn những ai?
NS Vũ Trường Kỳ: Một số ca khúc phương Tây do tôi chuyển ngữ gồm Mùa tình yêu (Le Temps de L'amour) do Thanh Lan và Julie Quang hát; Rồi mai đây (Lo Mucho Te Quiero - 1972) do Minh Xuân - Minh Phúc thể hiện; Khi ta 20 (All I have to do is Dream); Thú yêu thương (Godfather); Yêu nhau đi (Besame Mucho) do Elvis Phương hát; Điện thoại tới anh(Telephones - moi); Tiếng chuông đêm Noel ( Jingle Bells -1972), Chuông ngân vang, Đêm Noel, Biết đến thuở nào (viết chung với Tùng Giang ); Cuộc tình xưa ...
Tôi sáng tác và chuyển ngữ các ca khúc phương Tây đến nay khoảng trên dưới 50 bài. Tình khúc Thú yêu thương ban đầu tôi đặt tựa là Thú đau thương, nhưng do trùng một bài hát cùng tên nên tôi chọn là Thú yêu thương. Ngoài tôi còn có các nhạc sĩ chuyển ngữ các tình khúc phương Tây cũng rất thành công như các anh Jo Marcel, Vũ Xuân Hùng, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, v.v.
PV: Được biết ông còn là một người dẫn chương trình rất có duyên, một nhà văn, một cây bút phóng sự xã hội ?
NS Vũ Trường Kỳ: Ngoài công việc phụ trách biên tập chương trình ca nhạc “Hippies a gogo (diễn thứ bảy và chủ nhật hàng tuần) tại Chez Jo Marcel số 67 Nguyễn Huệ, đến năm 1968 tôi chuyển qua biên tập ở phòng trà Queen Bee, năm 1969-1971 tôi lại sang phòng trà Ritz, trong thời gian này tôi cùng Jo Marcel và Tùng Giang. Suốt các năm từ 1972-1975 tôi đứng ra tổ chức Đại hội nhạc trẻ ở Thảo cầm viên được gọi là Pop Festival, giúp đỡ nạn nhân bão lụt.
Trước đó, năm 1965 tôi từng làm MC các chương trình ca nhạc ở trường Lasan Taberd. Năm 1971 tôi viết cuốn sách có tựa Thế giới nhạc trẻ và năm 1972 viết cuốn Tuổi choai choai, nhà xuất bản Hiện Đại in ấn và phát hành. Hai tác phẩm này sau được chuyển thành phim, diễn viên Nữ chính là Minh Lý, công chiếu đầu tiên ở rạp Eden, hai phim đều do Jo Marcel làm đạo diễn.
Ngoài ra tôi từng viết một số phóng sự xã hội về giới trẻ ở Sài Gòn. Đến nay tôi đã xuất bản 7 tuyển tập nhạc sĩ ở hải ngoại gồm 400 trang, tập hợp tất cả nhạc sĩ hải ngoại, xuất bản Một thời nhạc trẻ (năm 2000).
PV: Bí quyết để chuyển ngữ ca khúc? Thông thường ông chuyển ngữ bằng cách nào để vẫn bảo tồn được cái thần của ca khúc?
NS Vũ Trường Kỳ: Trước tiên phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, tôi may mắn biết được tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha, một chút tiếng Ý. Có 3 cách chuyển ngữ. 1) Dịch không sát nghĩa. 2) Nắm vững nội dung, dịch sát 50%-80% so với tác phẩm gốc. 3) Dịch sát nghĩa từng câu, từng chữ. Tôi và một số đồng nghiệp cùng thời đều chọn cách chuyển ngữ thứ hai.
PV: Về Việt Nam nhiều lần ... nhưng không thấy ông xuất hiện trên một tờ báo nào trong nước, vì sao? Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng có thay đổi gì không, thưa ông?
NS Vũ Trường Kỳ: Tính tôi rất ngại tiếp xúc các nhà báo, nhiều lần tôi đã từ chối một số lời đề nghị xin phỏng vấn ở một vài tờ báo lớn. Anh (tác giả bài viết) may mắn là nhà báo trong nước duy nhất từ trước đến nay tôi dành thời gian khá lâu để trả lời phỏng vấn đấy (cười). Sài Gòn nhìn chung có nhiều thay đổi về kiến trúc và hạ tầng cơ sở ... nhưng tình trạng giao thông quá hỗn loạn.
PV: Một câu hỏi cuối: Ở nước ngoài ông làm gì? Dự định sắp tới của ông?
NS Vũ Trường Kỳ: Năm 1979 tôi xuất cảnh qua Nhật Bản đến năm 1980 thì sang Toronto – Canada và định cư đến ngày hôm nay. Ở nước ngoài tôi cộng tác cho các tờ Thời báo (Canada ); Trẻ Dallas; Trẻ Nam California; Thế giới nghệ sĩ (Houston); tờ Thầm mỹ ở Toronto (của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cường); Văn nghệ thời báo (Florida); Tiếng Việt tuần san Melbourne (Úc) về các lĩnh vực trò chuyện với văn nghệ sĩ, ca nhạc, phóng sự về ẩm thực và du lịch. Ngoài ra tôi còn phụ trách ca nhạc hàng tuần cho đài V.O.A (chuyên mục Nghệ sĩ & Cuộc sống) suốt 15 năm qua.
Tôi đang viết dở quyển sách về ẩm thực có tựa Sống để mà ăn ... và tôi bắt đầu đếm ngược thời gian để chỉ còn 2 năm nữa tôi và bà xã sẽ về sống ở Việt Nam mỗi năm 6 tháng mùa đông vì nghĩ đến cái lạnh ở Canada tôi thực sự cảm thấy mất đi nữa cuộc đời.
PV: Xin cám ơn ông.
No comments:
Post a Comment