Sunday, September 11, 2016
NGƯỜI ĐÀN BÀ MÙ Ở BẮC KINH
Nguyễn Hữu Trí
Như cái máy, tôi đưa tờ báo lên che đầu. Tôi chạy một mạch băng qua đường vào cái quán nước bình dân ở đầu con hẽm. Mưa đổ thình lình khiến mọi người nhốn nháo tìm nơi trú ẩn. Tôi đưa mắt liếc nhanh một vòng chừng một chục chiếc bàn chật ních khách ăn. Chỉ còn lại một chiếc ghế trống nơi cái bàn nhỏ trong góc phòng. Từ đàng xa, một phần vì ánh đèn không đủ sáng của quán ăn, một phần vì mắt kiếng nhoè nhoẹt hơi nước, tôi chỉ thấy lờ mờ hai người đang ngồi ở đó. Tiến lại gần hơn một chút, tôi nhận ra đó là một phụ nữ và một đứa bé trai chừng sáu bảy tuổi. Cả hai ngồi im lặng giữa khung cảnh ồn ào của quán ăn. Đứa bé đôi mắt lim dim có vẻ mệt mỏi. Người đàn bà thì nhìn thẳng vào khoảng trống không trước mặt. Gương mặt hơi rám nắng của bà an lành và bình thản như một kẻ đang tham thiền. Lối phục sức của họ khá chừng mực, không sang không hèn. Tôi đến xin phép ngồi xuống chiếc ghế còn trống. Người đàn bà giựt mình nhưng mắt vẫn nhìn xa vắng. Bà nói rất nhanh, giọng trong trẻo khác thường:
-Xin ông cứ tự nhiên.
Tôi cũng hơi sửng sốt khi nhận ra cặp mắt trắng dã của người phụ nữ. Cố tật suy nghĩ vẫn vơ nhanh tay túm lấy tôi. Những ý nghĩ thầm kín đó như đang chất vấn đấng cao xanh: Tại sao có thể như vậy được ? Tại sao một gương mặt xinh xắn như vậy lại phải chịu cảnh mù loà ? Cặp mắt to tròn kia nếu sáng láng chắc chắn sẽ thu hút cả vũ trụ và càn khôn.
Tôi ngồi xuống ghế, xoay người lại làm dấu gọi người phổ ky đang nhìn tôi từ đàng xa. Tôi cần ăn một chút gì để làm dịu cái đói đang cồn cào trong bụng. Tôi đi lang thang từ sáng đến giờ quên cả tiếng kêu thảm thiết của cái bao tử xẹp lép của mình. Ngồi chờ thức ăn, tôi định giở tờ báo ra xem tiếp. Cùng lúc ấy, giọng nói trong như pha lê của người phụ nữ mù lại vang lên. Bà ấy bắt chuyện với tôi tuy đôi mắt vô minh vẫn nhìn xa xôi vào quãng không gian nhỏ hẹp trước mắt.
-Tôi thành thật xin lỗi ông, nhưng ông đã làm cho tôi suýt gọi tên anh ấy. Thật khó có hai người giống nhau đến như vậy. Người phụ nữ ngừng lại có vẻ đang chờ đợi một câu đáp lễ nào đó.
Nhưng tôi đang ngạc nhiên không hiểu nổi làm cách nào bà có thể nhận được diện mạo của tôi. Dĩ nhiên tôi bắt buộc phải hỏi:
- Xin lỗi bà. Nhưng bà làm sao trông thấy tôi cho được ?
- Tôi biết, đối với những người còn đôi mắt nguyên vẹn thì đây là một điều khó hiểu. Nhưng đối với những kẻ mù loà như tôi thì được cái Trời thương ban cho tôi một giác quan thứ sáu rất bén nhạy. Chỉ cần nghe giọng nói và cảm nhận những cử chỉ của ông, tôi có thể "thấy" ngay là ông rất giống anh ấy.
Chỉ một phút qua, người phụ nữ đã lập lại hai chữ "anh ấy" đến hai lần rồi. Điều đó khơi dậy óc tò mò nơi tôi. Tôi chưa kịp định bụng có nên hỏi thêm hay không thì người phụ nữ đã e dè hỏi tiếp:
- Nếu tôi không lầm thì ông là khách từ phương xa đến ?
Người phụ nữ đưa tay sờ soạn kéo chiếc ghế của đứa bé lại gần bà. Thằng bé dúi đầu vào lòng người phụ nữ và rơi nhanh vào một giấc ngủ hồn nhiên. Sự dè dặt nơi người đàn bà trước mặt tôi hình như cũng vừa biến mất. Đầu cúi hơi thấp và đôi mắt hướng xuống mặt bàn, bà bắt đầu kể mà không cần một lời giáo đầu nào. Bà cũng không cần biết người đối diện có muốn nghe câu chuyện của bà hay không. Hình như bà đã chờ đợi cơ hội này từ lâu lắm vì đã dấu kín tâm tư cho tới ngày hôm nay.
Hoặc giả bà đã đọc được những câu hỏi đang lởn vởn trong đầu óc tôi.
Từ bao giờ bà đã bị mất ánh sáng ? Bà cư ngụ ở đâu ? Bà làm gì để sinh sống ? Đứa bé này có phải là con của bà hay không và cha nó ở đâu ? Có thật là cái giác quan mãnh liệt kia đã giúp bà "nghe" được tất cả những câu hỏi chưa thốt ra đó hay không. Riêng đối với tôi, ở nơi xa lạ này, tự dưng được nghe một câu chuyện "tâm tình trao gởi" quả thật là một dịp may khó tìm. Bà kể không chút ngại ngùng như cho một cố tri vừa gặp lại sau một thời gian dài vắng bóng.
Anh ấy ra đời ở Hương Cảng và đã trãi qua một thời thơ ấu vô cùng buồn thảm.
Cha anh làm nghề tài xế lam lũ đầu tắt mặt tối nhưng vẫn không nuôi nổi bảy tám miệng ăn trong gia đình. Sống trong cảnh đói lạnh là chuyện thường tình đối với họ. Điểm đặc biệt là ngay từ khi mới biết đi biết nói, anh là người thương yêu anh chị em mình một cách khác thường. Anh sẵn sàng nhường nhịn mọi thứ cho những người xung quanh. Vậy mà trớ trêu thay ! Khi muốn bớt một miệng ăn trong gia đình, anh lại là đứa bé bị cha mẹ chọn đem cho một người cô giàu có. Người cô này hiếm muộn nên đã xin một đứa cháu làm con nuôi. Mới ba bốn tuổi đầu, anh ấy đã phải rời xa những
người thân yêu nhất đời. Đau đớn nhất là phải chịu dứt tình mẫu tử, thiếu vắng hơi hướm nồng nàn của mẹ từ ngày chưa hưởng trọn niềm vui gần mẹ.
Anh đã úp mặt xuống đất khóc than xin ở lại nhà. Cha mẹ anh cũng đau lòng không ít nhưng trước đó họ đã mất một đứa con chỉ vì thiếu ăn và thiếu thuốc chữa chạy khi đứa bé ấy lâm trọng bệnh. Họ không muốn "tử biệt" thêm một đứa thứ hai nên đành bấm bụng chọn cảnh "sinh ly" với hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp lại con. Cuối cùng anh ấy phải khăn gói lên đường về ở với người cô tận bên Đài Bắc.
Mười mấy năm lớn lên xa cha mẹ và anh em, anh ấy chỉ được theo cô về thăm nhà một đôi lần. Dù được người cô tận tình nuôi nấng và dạy bảo, cái tâm trạng lạc lõng đơn côi lúc nào cũng đeo đuổi theo anh suốt thời thơ ấu và thanh niên. Đến khi vào đại học thì đó là lúc anh không còn thuận thảo với cha mẹ nuôi nữa. Tuy không bao giờ quên ơn dưỡng dục của cha mẹ nuôi, anh cũng không thể chiều ý hai ông bà. Số là cô dượng anh ấy có một công ty xuất nhập cảng đồ sộ và muốn anh theo học ngành kinh doanh để sau này trông coi cơ nghiệp đó và giúp họ trở thành những người giàu có nhất nước, hoặc nhất nhì thế giới càng hay.
Ngược với ý muốn của họ, anh ấy lại mê văn chương thi phú trên hết mọi thứ. Anh ấy là người biết rõ số phận của lớp cùng đinh trong xã hội này hẫm hiu đến độ nào. Vậy mà tiền của bạc vàng đối với ảnh chỉ là những vật phù phiếm đứng hàng thứ yếu trong đời. Thật ra, cha mẹ nuôi của anh ấy đã bắt đầu thất vọng ngay từ khi thấy những bài thơ đầu tiên của anh ấy xuất hiện trên những tờ báo học trò. Rồi sau đó, khi anh ấy sắp từ giả ghế nhà trường trung học, một vị giáo sư yêu thơ của anh đã tận tình giúp anh xuất bản tập thơ đầu tay. Từ đó nhanh như chớp mắt, tên tuổi anh đã vang lừng khắp nước. Và cũng chẳng mấy chốc, thơ của anh được phát hành ở Hương Cảng, đưa lén vào Hoa Lục, rồi dần dà được dịch ra nhiều thứ tiếng. Người ta chiêm ngưỡng thơ anh vì những tư tưởng lạ
lùng trong đó. Người ta phổ nhạc những bài thơ tình vượt thời gian và không gian của anh.
Có điều đáng ngại (hay đáng buồn ?) là danh tiếng của một nhà thơ siêu đẳng trên thực tế chẳng đem lại cho anh giàu sang phú quý gì. Sau khi không thuyết phục được anh, cô dượng anh không tiếp tục nuôi anh ăn học nữa. Vậy là anh ấy kéo lê cuộc sống của một sinh viên nghèo ở bậc đại học cho đến ngày giật lấy mãnh bằng cử nhân văn chương. Sau đó anh dứt khoát ra đời làm nghề dạy học. Lúc ấy, cha mẹ nuôi của anh tìm anh và bắt buộc anh hằng tháng phải đưa cho ông bà một số tiền kiếm được mặc dầu nó chẳng nhiều nhỏi gì đối với họ. Phải chăng họ còn tức giận anh và chỉ muốn trừng phạt anh vì đã cãi lời họ. Anh kính cẩn đền đáp công đức cù lao của họ, không một tiếng kêu than. Anh tiếp tục sống đạm bạc để gửi số tiền dành dụm còn lại về cho cha mẹ ruột nuôi nấng đàn em.
Anh đi dạy được mấy năm, nhưng sau một vụ hè nọ người ta không thấy anh trở lại trường. Và cũng từ đó, tại khắp Đài Bắc và nhiều nơi khác tin tức cho hay nhà thơ yêu dấu của họ mất tích. Nhưng rồi một thời gian sau thiên hạ cũng quên lãng dần và không còn bận tâm tới vụ này nữa. Và dĩ nhiên người ta không còn thấy xuất hiện những bài thơ ký tên anh. Sự thật là anh ấy đã cùng một người bạn con nhà giàu rủ nhau sang Hoa Lục với một mục đích được dấu kín. Họ đã phải nhọc công từ Hương Cảng tìm đường xin giấy tờ vào Thượng Hải.
Lúc bấy giờ tôi là một thành viên trong đoàn văn công của thành phố Thượng Hải, là nơi tôi đã ra đời và lớn lên. Chắc ông không tài nào đoán được tôi đã từng giữ vai tuồng nào trong đoàn văn nghệ đó đâu. Tôi không dám hợm mình tự khoe nhưng sự thật tôi là một nghệ sĩ cột trụ của đoàn. Tôi rất trội trong tất cả các bộ môn ca, vũ, kịch và biểu diễn nhào lộn. Chắc ông cũng từng được xem cái màn cả chục người cùng đi trên một chiếc xe đạp chạy trên sân khấu chứ ? Tôi nắm một địa vị chủ chốt trong màn biểu diễn đó. Nhà nước rất cưng tôi và số người mến mộ tôi nhiều không kể xiết.
Đặc biệt tôi đã đóng vai một phụ nữ mù kéo lê cuộc sống gian truân dưới thời phong kiến trước kia.
Nhờ Trời thương ban cho tôi biệt tài diễn xuất cho nên vai tuồng nọ đã làm nhiều lớp khán giả phẩn uất và xúc động đến rơi lệ. Tôi đương nhiên trở thành "Người đàn bà mù của Thượng Hải" .
Tôi đã phải giả làm người phụ nữ mù ấy suốt mấy năm trời. Một đêm nọ, sau khi tấm màn nhung hạ xuống lần cuối cùng, tôi bước ra sân khấu chào tạm biệt khán giả. Tôi nghe tiếng vỗ tay tán thưởng rầm trời, nhưng thình lình mắt tôi hoa lên rồi mờ hẳn đi và cảnh tượng trước mắt tôi cũng lui dần vào bóng tối. Người ta đưa tôi vào bệnh viện và tìm cho tôi các bậc danh y, nhưng sau nhiều cố gắng, tất cả đều bỏ cuộc đành trao cho tôi bóng tối miên trường. Thế giới mù loà của tôi kể từ đó chẳng khác nào chiếc sân khấu trống lạnh đằng sau tấm màn nhung không một ánh đèn hiu hắt.
À...nhưng tôi quên kể cho ông nghe là chúng tôi đã gặp nhau hơn hai năm trước khi xảy ra vụ này. Thật ra, khi tai nạn khủng khiếp đó đến với tôi, anh ấy đã rời xa Thượng Hải rồi. Đêm cuối cùng gần nhau anh ấy có hứa sẽ trở lại tìm tôi. Những tiếng thì thầm nọ tôi còn nhớ rõ như vừa mới nghe hôm qua: "Em nên nhớ rằng em là người yêu duy nhất của anh. Anh sẽ tìm cách tiến thân trong một thời gian ngắn nhất và sẽ trở về với em".
Anh ấy ra đi rồi tôi mới biết mình đã cấn thai đứa nhỏ này. Nghĩa là anh ấy đã lao vào đời tôi như một mũi tên, để lại trong tôi một giọt máu đào, rồi vụt bay đi như một cánh chim của bốn phương trời. Tôi tin anh ấy yêu tôi bằng cả tấm lòng nên tôi quyết tâm chờ đợi. Ở một phương trời xa lạ nào đó, người yêu của tôi nào biết rằng anh ấy có một đứa con khôi ngô và ngoan ngoãn như thế này, phải không ông ? Anh ấy cũng chẳng biết là tôi đã phấn đấu cùng quẫn như thế nào đứa bé này mới có mặt trên cõi đời hôm nay. Tôi chẳng màng chi tiếng đời dị nghị nhưng lệnh của nhà nước mới là điều khiến tôi bận tâm. Họ buộc tôi phải phá thai vì đoàn ca kịch nọ không thể thiếu tôi đóng vai người đàn bà mù.
Tôi kịch liệt phản đối đề nghị của ban quản đốc. Cuối cùng họ đã nhượng bộ và cho tôi nghỉ phép nửa năm. Sau khi sinh cháu bé này tôi trở lại làm việc nhưng chẳng mấy vui. Số là trong thời gian tôi nghỉ phép, đoàn ca kịch đã tìm được một thiếu nữ khác thay thế tôi. Cô ấy hao hao giống tôi nhưng dĩ nhiên là trẻ trung và mạnh khỏe hơn nhiều. Phải công nhận người thiếu nữ nọ là một nghệ sĩ tài ba nên chẳng mấy chốc cô đã tiến lên ngôi vị khá cao. Các giới phê bình và hâm mộ bắt đầu sắp cô đồng hạng với tôi. Chúng tôi thay phiên nhau đóng vai người phụ nữ mù trong vở ca kịch kia.
Bỗng dưng Thượng Hải có tới hai phụ nữ "mù" nỗi tiếng chớ không phải một như trước kia. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, ban quản đốc bắt đầu tỏ thái độ lạnh nhạt đối với tôi. Tuy tuổi đời và tuổi nghệ thuật của tôi chưa có là bao nhưng tôi đem áp dụng ngay cái mà người đời thường gọi là "luật đào thải".
Tôi làm đơn xin ra khỏi đoàn về nhà ăn bám mẹ tôi. Cũng may trước kia cha tôi có cất dấu và về sau để lại một gia tài bí mật nho nhỏ cho bà. Nhờ vậy mà tôi đỡ lo nuôi mình và nuôi con. Vả lại vào thời điểm ấy trong cuộc đời bắt đầu chuyển hướng của tôi chỉ có anh ấy là đáng kể. Kỳ dư không còn một thứ gì khác trên thế gian này có giá trị vượt trội đối với tôi, kể cả sự nghiệp cầm ca mà tôi từng ấp ủ suốt bao nhiêu năm trời.
Trong thời gian trở lại làm việc sau khi sinh nở, một đêm kia sau giờ trình diễn, có một người lạ mặt tìm gặp tôi ở hậu trường. Người đàn ông đó tự giới thiệu là một người bạn của anh ấy. Ông ta trao cho tôi một lá thư viết vội của anh ấy gửi cho tôi. Ngoài ra ông ta cũng đưa cho tôi một xấp giấy, bảo rằng đó là mấy chục bài thơ mới nhất của anh. Tới lúc bấy giờ anh ấy và tôi đã xa nhau gần hai năm trời đăng đẳng. Được tin anh ấy đang ở Bắc Kinh tôi mừng vô kể và nỗi nhớ quay quắt trong tôi vơi cạn phần nào. Người đàn ông nọ cần đi gấp nên không thể chờ tôi hồi âm. Về nhà đọc thư tôi mới vỡ lẽ ra rằng trong thư không ghi địa chỉ anh ấy. Đại để anh viết rằng Bắc Kinh không xa
Thượng Hải là bao nhưng thời gian chưa thuận tiện để anh ấy trở lại tìm tôi. Anh muốn nhắc cho tôi nhớ rằng anh vẫn giữ trọn mối tình son sắt cho tôi và vẫn còn mơ một ngày về không xa.
Tôi thẩn thờ đọc những bài thơ mới của anh, giựt mình thấy anh đã hoàn toàn thay đổi chủ đề và giọng điệu. Ngoại trừ một bài viết để tặng riêng tôi, không còn những bài thơ trữ tình ca ngợi tình yêu lãng mạn như xưa. Rõ ràng là đã có một cơn lột xác tận cùng xương tủy. Trước mắt tôi là những giòng thơ hùng tráng ca ngợi tự do, dân chủ và hoà bình. Bên tai tôi khi đọc lên là những lời thơ kịch liệt chống đối chế độ và đòi lại những quyền cơ bản của con người. Thể tài có thay đổi nhưng phẩm chất trong thơ anh vẫn thế, vẫn có giá trị vô song.
Sau lần đó, tinh thần tôi lên cao đôi chút. Tuy vắng bóng anh ấy nhưng tôi trộm nghĩ rằng trước hết anh là một nhà thơ nên rất cần sống một đời thơ. Ai lại nỡ "bắt nhốt" thi sĩ bao giờ, phải không ông ?
À...tí nữa tôi lại quên kể cho ông nghe một chi tiết khác trong cuộc đời anh ấy. Nói chuyện "cầm tù" thi sĩ tôi mới nhớ ra rằng tôi bỏ sót chuyện anh ấy đã một lần bị cha mẹ nuôi toan "quản thúc" anh kiểu đó. Mặc dầu bỏ mặc anh với cuộc sống tự lập nhưng sau khi anh tốt nghiệp đại học và nỗi tiếng là một nhà thơ lớn, cha mẹ nuôi của anh đã thay đổi thái độ. Thật ra họ chẳng ưa thích gì cái trò "thơ thẩn" của anh, song dĩ nhiên họ cũng nở mặt nở mày trước những thành công rạng rỡ của anh trong lĩnh vực này.
Hai ông bà vốn quen biết nhiều người trong giới doanh thương ở Đài Bắc. Một trong các gia đình đó cũng giàu có như họ đã bằng lòng gã con gái cho anh ấy, dĩ nhiên là do cha mẹ anh ấy nhờ mai mối hỏi han. Tôi chưa bao giờ mở miệng hỏi anh về mối tình kia hoặc cuộc đời vợ chồng sau đó anh có hạnh phúc không. Tôi không biết anh quyết định lập gia đình chỉ vì muốn làm tròn bổn phận một đứa con hiếu thảo, hay là anh ấy thật tình yêu quý thiếu nữ nọ. Tôi chỉ biết rằng người thiếu nữ kia rất yêu văn chương của anh và hai người có với nhau một đứa con trai. Nghĩa là đứa bé đang ngồi ngủ ở đây lại có một thằng anh cùng cha khác mẹ ở một nơi xa xôi vời vợi và chưa biết bao giờ chúng mới được gặp nhau. Mà tôi cũng chẳng biết anh ấy có hứa hẹn một ngày nào quay lại với họ hay không.
Sau khi thôi việc ở đoàn ca kịch, tôi ru rú trong xó nhà với mẹ tôi suốt mấy tháng liền. Bỗng một hôm từ trong cửa sổ tôi vô tình nhìn lên mấy cụm mây đang trôi lơ lững giữa bầu trời trong xanh. Tôi tự nhủ, mây là vật vô tri mà còn biết lặn lội tìm nhau huống hồ tôi là người có tâm hồn sao lại không biết đi tìm người. Tôi quyết định đi tìm anh ấy với bất cứ giá nào. Tôi khăn gói sẵn sàng nhưng chưa kịp lên đường thì đã xảy ra vụ lộn xộn ở Quảng trường Thiên An Môn. Tôi đành hoãn lại chuyến đi, nhưng ngay sau khi tình hình lắng dịu tôi sang Bắc Kinh ngay. Và hơn hai năm nay tôi đã lùng kiếm anh ấy khắp thành phố này nhưng chưa được cái may mắn gặp lại người yêu.
Người đàn bà mù ngưng kể câu chuyện ở đó. Bà quờ quạng đưa tay chỉ lên mặt bàn:
- Xin lỗi, mời ông dùng kẻo nguội.
Tôi quay lại nhìn đĩa thức ăn người phổ ky mang lên lúc nào tôi không hay. Thằng bé cựa mình, ư ư mấy tiếng, trở đầu úp má lên lòng mẹ ngủ tiếp. Người đàn bà hơi rụt rè:
- Ông đến Bắc Kinh có công việc ?
Tự nhiên tôi không cảm thấy khó chịu trước câu hỏi tò mò kia. Ngược lại, tôi thấy rất thoải mái trước mặt người phụ nữ xa lạ này.
- Thưa không. Tôi đến đây vì có một người quen ở đây.
- Quý hoá quá! Chắc ông đã vui mừng gặp bạn ông rồi chứ ?
- Thưa thật với bà, tôi chưa gặp. Và chắc là tôi sẽ không gặp.
- Xin lỗi ông, nhưng điều ông vừa nói nghe lạ tai quá !
- Tôi tự nhủ thế nào bà cũng nghĩ như vậy. Tuy nhiên, nếu bà cho phép, tôi cũng xin kể vắn tắt câu chuyện về "cô ấy".
Tôi ngước mắt lên dò dẫm phản ứng của người phụ nữ mù. Tôi bắt gặp khuôn mặt thanh tú, đầu hơi cúi, hai mắt khép lại một thoáng và đôi riềm mi cười rung rung ưng thuận. Tính tôi không phải bạ ai cũng đem chuyện thầm kín riêng tư của mình ra kể. Nhưng người đàn bà trước mặt tôi dường như có một sức hút thần bí nào đó khiến tôi như bị một cơn lốc tình cảm cuốn phăng. Và tôi đã trao gửi chuyện lòng cho bà ta một cách gần như vô lý.
Cô ấy bước ra khỏi cuộc đời tôi không một lần ngoảnh mặt lại. Và lý do tại sao thì chỉ có đấng cao xanh và một mình cô ấy biết mà thôi. Bà có thể tưởng tượng nổi hay không chứ ? Chỉ còn một tuần nữa là tới ngày cưới của chúng tôi. Vậy mà tự dưng cô ấy biến mất tăm dạng không một lời nhắn gửi...như...như cái gì bà nhỉ ? Tạm gọi như một làn khói nhoà tan vào một vùng trời bát ngát. Chính gia đình cô ấy cũng không biết cô đi đâu. Mãi về sau nhờ một sự tình cờ chúng tôi mới khám phá ra là cô ấy đã đi tu, hiến dâng cuộc đời cho Chúa Cứu Thế. Dĩ nhiên là tôi đau khổ vì tôi yêu cô ấy thật tình. Nhưng điều đã dằn vặt tôi nặng nề nhất chính là vì tôi chẳng hiểu đầu đuôi mô tê gì ráo. Tôi bắt đầu đi tìm câu trả lời. Trong khi tôi xôn xao đi tìm sự thật thì dường như cô ấy thản nhiên cho rằng giải thích hành động của cô là điều không cần thiết. Tôi chỉ đoán già đoán non vậy thôi chứ làm sao tôi biết được cô ấy nghĩ gì.
Một thời gian sau tôi đành cúi đầu thần phục định mệnh. Tôi bỏ cuộc nhưng cùng lúc ấy tôi đã tự tạo cho mình một thói quen khá kỳ lạ. Cô ấy được nhà Dòng gửi đi làm công tác xã hội ở nhiều nơi. Sau khi dọ hỏi, tôi luôn luôn tìm đến nơi cô ấy đang phục vụ. Tôi đã đi khắp, từ Âu Châu sang Á nhưng cốt không gặp mặt người yêu. Tôi chỉ muốn nhìn xem phong cảnh nơi người yêu tôi đang sống xinh đẹp như thế nào. Mục đích của tôi chỉ có như vậy thôi. Có thể đó cũng là một cái cớ để tôi đi du lịch đó đây. Nhưng đồng thời tôi đã vô tình cảm thấy vui thích trong cái công việc chạy theo một bóng mờ mờ ảo ảo. Tôi nghe nói cô ấy đang làm việc tại một viện dưỡng lão ở Bắc Kinh này nên tôi đã vội vàng đến đây. Và dĩ nhiên tôi sẽ không tìm gặp cô ấy nữa vì một lý do rất giản dị. Tôi đã bỏ cuộc từ lâu lắm rồi.
Người đàn bà mù đột nhiên cắt ngang câu chuyện của tôi. Giọng bà đầy nhiệt tình của kẻ yêu đời.
- Xin lỗi ông, nhưng tôi không muốn nghe thêm vì chừng đó cũng đủ để tôi hoàn toàn không đồng ý với ông. Tôi trộm nghĩ ông đã sai lầm khi quyết định bỏ cuộc không tiếp tục tìm gặp người yêu. Ông bỏ cuộc tức là ông không thật tình yêu thương cô ấy. Trong tình yêu, ông cần phải vị tha. Hơn nữa, cuộc đời này quá đẹp, tại sao ông sớm bỏ cuộc ? Tôi không thể nào chấp nhận lối suy nghĩ của ông.
- ----
- Tôi xin lỗi đã bộc bạch ý nghĩ chân thành của mình một cách đường đột như vậy. Chúng ta chỉ là hai kẻ lạ tình cờ gặp nhau một buổi chiều mưa nơi hai đốm nhỏ rí trên mặt đất bao la này. Rồi tự dưng đem chuyện tâm tình kể cho nhau nghe. Ông có nghĩ rẳng chúng ta vô tình hành động như vậy chỉ vì muốn trút bớt nỗi niềm đơn độc đầy ắp trong tâm hồn chúng ta hay không? Nhưng thôi...tôi xin nói thẳng với ông rằng tôi rất tự hào là tôi chưa bỏ cuộc. Tôi yêu thương cuộc đời này bất chấp những điều đen tối. Vả lại hình ảnh của anh ấy lúc nào cũng đậm đà trong trí nhớ tôi. Và tôi tự hứa sẽ mãi mãi đi tìm cho đến khi nào tôi gục ngã mới thôi.
Người đàn bà mù đánh thức đứa bé và chậm rãi đứng dậy kiếu từ tôi. Bất thình lình bà nói giọng nhỏ nhẹ :
- Tôi có vài điều muốn thưa với ông. Nếu không có gì bất tiện tôi xin được gặp lại ông ở đây vào chiều mai. Xin trân trọng chào ông.
Tôi ngỡ ngàng nhìn theo đứa bé dắt người đàn bà mù ra khỏi quán. Tôi quay lại nhìn đĩa đồ ăn đã nguội ngắt từ lâu. Một lớp mỡ trắng phếu đọng lại sền sệt trên mấy miếng thịt và cọng rau trong đĩa. Tôi rót cho mình một tách trà nóng và uống cạn một hơi. Tôi trả tiền cho người phổ ky và bước ra mái hiên quán nước chưa biết đi đâu. Phía dưới chân tôi, một dòng nước mưa nho nhỏ chảy quanh dọc theo bậc thềm mòn lở. Bỗng dưng tôi tưởng tượng ra một dòng sông lớn, nước trôi cuồn cuộn. Giữa những bọt bèo trong dòng sông nọ, tôi chợt thấy đang loi ngoi bóng dáng của người đàn bà mù và đứa bé và của chính tôi.
Chiều hôm sau tôi trở lại quán nước nọ. Vào bên trong, tôi không thấy người đàn bà và đứa bé đâu cả. Tôi không hiểu tại sao nhưng tôi đang sốt ruột mong gặp lại họ. Chờ mãi không thấy, tôi trở ra ngoài. Đang nhìn quanh quất thì hai mẹ con một người ăn mày tiến lại gần tôi. Tôi suýt buộc miệng la lên khi nhận ra đây chính là người đàn bà mù với đứa bé mà tôi vừa trò chuyện hôm qua. Nhưng hôm nay, bà ấy đeo kiếng đen, tay cầm một chiếc gậy gỗ khẳng khiu. Cả hai mẹ con ăn mặc rách rưới bẩn thỉu. Người đàn bà hạ thấp giọng xin gặp tôi nơi gốc cây cổ thụ ở sâu bên trong con hẽm. Thằng bé nhanh chân dắt mẹ đi về hướng đã hẹn. Tôi rảo bước theo giữ một khoảng cách khá xa. Tôi vừa đến dưới gốc cây thì người phụ nữ đã nói một mạch vừa đủ cho một mình tôi nghe:
- Thưa ông, trước hết tôi xin lỗi đã nói dối ông một điều. Toàn thể câu chuyện tôi kể cho ông nghe hôm qua đều là sự thật, ngoại trừ một điều, tôi không hề bị mù như tôi đã nói với ông. Suốt thời gian còn đóng vai người mù, hằng đêm khi bức màn nhung buông xuống lần cuối cùng, tôi cứ nơm nớp lo sợ là mình sẽ bị mù thật. Nhưng nhờ Trời tôi vẫn còn đôi mắt nguyên vẹn. Giờ đây, tôi chỉ giả mù và làm người ăn xin để đi dò la tin tức anh ấy mà thôi. Chắc ông cũng đồng ý với tôi là tất cả mọi người trong thiên hạ đều phải tự đeo cho mình một chiếc mặt nạ nào đó để sống với đời, phải không ông ? Riêng tôi, tôi đã chọn cho mình chiếc mặt nạ rất khiêm tốn và hiền lành như ông trông thấy đó. Nhưng thôi...tôi không nên dài dòng thêm nữa. Tôi xin đường đột nhờ ông một việc mà tôi đoán là không vượt quá khả năng của ông. Đây là mấy chục bài thơ mới của anh ấy chưa xuất bản lần nào.
Tôi xin hứa sẽ không làm phiền ông trừ phi tối cần thiết. Lý do khiến tôi nhờ vả ông chuyện này chính tôi cũng không rõ, nhưng tôi xin ghi nhớ ơn ông suốt đời.
Tôi đưa tay cầm lấy xấp giấy trong cái bọc ny long người đàn bà chìa ra cho tôi sau khi đã nhìn kỹ chung quanh. Đồng thời tôi rút ra một miếng giấy nhỏ trong túi áo, ghi vội địa chỉ và dúi vào tay người phụ nữ "giả mù" . Tôi hành động như một người máy không ý thức được mình đang làm gì. Người phụ nữ nhìn thẳng vào mắt tôi nhưng tôi không biết là dưới lớp kính màu đen kia bà có giả mù hay không. Có một điều tôi không thể nào lầm lẫn là bà có đôi mắt buồn và đẹp nhất thế gian này.
Người phụ nữ nói nhanh :
- Chúng ta đứng đây lâu e không tiện. Xin cho tôi nói với ông một lời cuối: tôi tự nguyện sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Xin chào tạm biệt ông và một lần nữa xin chân thành cảm tạ tấm lòng độ lượng của ông.
Người phụ nữ đưa tay vỗ nhẹ lên vai đứa bé bảo nó dắt đi. Tôi đứng đó nhìn theo hai kẻ ăn xin "chuyên nghiệp". Tôi đứng đó như đang bị trời tròng !
Mấy ngày sau, tôi rời Bắc Kinh khi đã xem khá đủ phong cảnh nơi người yêu tôi đang sống cuộc đời khổ hạnh của cô và là nơi có một người phụ nữ "giả mù" lặn lội đi tìm người yêu. Trở về Mỹ, mấy tháng sau tôi cho in xong tập thơ của thi sĩ Trung Hoa nọ. Đồng thời, tôi cũng phát hành tập thơ của riêng tôi mặc dầu đem so với người đứng cùng đội ngũ với mình, tôi thấy thơ tôi dở ẹc !
Gần một năm đã trôi qua. Một buổi chiều đi làm về, tôi nhận được một bức thư gửi đi từ Thượng Hải. Tôi mừng như gặp mẹ chợ về vì đoán biết ngay là thư của ai. Tôi đâu có quen biết ai khác ở Hoa Lục ngoài người đàn bà "giả mù" xa lạ kia đâu. Mở thư ra, tôi giật nẩy mình khi thấy tấm hình một người đàn ông trông giống tôi quá sức tưởng tượng. Và một tấm hình thứ nhì chụp một mộ bia có khắc tên tuổi người trong mộ. Bức thư chỉ vỏn vẹn mấy giòng và không ghi địa chỉ người gửi.
"Thưa ông.
Tôi đã tìm gặp được người yêu của tôi rồi. Anh ấy tham gia phong trào đòi dân chủ và đã chết một cách bí mật. Anh ấy đi rồi nhưng tôi biết chắc là thơ của anh sẽ tồn tại muôn đời.
Kính thư.
Người đàn bà mù ở Bắc Kinh."
Tôi thẩn thờ nhìn bức thư quá ngắn trong tay mình. Trên đó tôi chợt thấy mấy chữ bị hoen nước. Tôi mường tượng đến những giọt nước mắt âm thầm rơi xuống trang thư từ một đôi mắt đẹp nhất trần gian.
Tiếng người nữ tiếp viên phi hành phát ra từ máy khuếch âm cho biết máy bay sắp đáp xuống phi trường Thượng Hải. Nhìn ra cửa kính phi cơ, tôi thấy những đám mây bềnh bồng trắng xoá bay bay đi tìm nhau. Tôi ung dung mở xách tay rút ra một tập thơ của tôi. Trên trang có nhan đề tôi cẩn trọng viết mấy giòng trao tặng:
"Gửi người đàn bà mù của Thượng Hải,
Tôi yêu em vì em đã yêu cuộc đời và con người với tất cả tấm lòng.
Tôi xin hứa sẽ không bao giờ bỏ cuộc."
Nguyễn Hữu Trí
--------------------
Nguồn:
Văn, Giai phẩm xuân Quý Dậu
Số 126-127 tháng 12-1992 và tháng 1-1993
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment