Friday, September 16, 2016
NHỮNG CHIM BÁO BÃO
Nguyễn Mộng Giác
Năm ngoái, trên tạp chí Văn Học số xuân 1991, tôi có ghi nhận tình trạng sáng tác và xuất bản nhẩn nha uể oải trong sinh hoạt văn chương ở hải ngoại và thử đưa ra một số nguyên nhân giải thích tình trạng đó. Bài viết được nhiều người trong giới cầm bút chú ý, và cũng như bất cứ đề tài nào, có người đồng ý với tôi, có người không. Một năm sau, đọc lại bài "Góp ý về một cách nhìn...", tôi vẫn giữ lại các ghi nhận và lối giải thích cũ, nhưng thấy thiếu sót nhiều điều quan trọng.
Thấy thiếu sót nhờ đọc được một số tạp chí văn chương và sách văn chương xuất bản trong nước gần đây. Sinh hoạt sáng tác và xuất bản ở quốc nội hiện có khá hơn ở hải ngoại không? Xin trả lời ngay: chẳng những không khá hơn, mà còn tệ hơn!
Trên tuần báo Văn Nghệ (của hội Nhà văn Việt Nam, xuất bản ở Hà Nội) số 28 ra ngày 13-7-1991, ông Thi Nguyễn viết trong mụcTin Sách:
"Trước cái biển chữ nghĩa được dịch tùm lum, những cuốn sách có giá trị thực sự, được tính đủ "Đầu vào Đầu ra" đang bị một sự cạnh tranh ghê gớm - sức mua bị giảm nghiêm trọng! Bộ ba tập "Anh em nhà Karamazôp của Dôtxtôiepski ra rải vào ba thời kỳ tiêu biểu cho sự suy giảm đó: tập 1 in 10.000 cuốn, đến tập 2 hạ xuống còn 3.000, chả nhẽ lại không ra trọn bộ nhưng tập 3 chỉ dám in 1.000. Vậy là có nhiều đọc giả chỉ mua tập 1, cùng lắm mua tập 2 rồi thôi. Giá sách đắt lên không đủ tiền mua, hay số tiền ít ỏi dành mua sách lại phải mua cuốn khác hấp dẫn hơn ? Đọc cụ Đốt nặng quá, không hấp dẫn! Thì sang lãnh vực hấp dẫn vậy! Ba tập đầu của bộ Thuỷ Hử, nhà xuất bản dám in tới 1000.000 bản vẫn bán được. Đến Hậu Thuỷ Hử chỉ dám in 7.000 cuốn mà vẫn trầy trật cả năm 1990 đến giờ." Tổng cộng ty phát hành (sách) chỉ nhận từ 30 đến 50 cuốn. Tất nhiên phải trông vào phát hành tư nhân".
Các nhà phát hành tư nhân? Trong một nước cộng sản chủ trương độc quyền chân lý, kiểm soát chặc chẻ sinh hoạt sáng tác, nghiên cứu và xuất bản như Việt Nam hiện nay mà lại có các nhà phát hành ư? Họ là ai vậy? Cũng báo Văn Nghệ, với một giọng ngậm ngùi nhẫn nhục pha lẫn ganh tỵ mỉa mai, gọi họ là các "đầu nậu" các "lái sách".
Chỉ nửa tháng sau, ban biên tập báo Văn Nghệ dành riêng số 30 (ra ngày 27-7-1991) để đăng nhiều bài về nạn sách ế ẩm. Trong bài "Nạn loạn thư. Hay là..." Trần Nhân Ảnh làm bảng tổng kết tình hình xuất bản trong nước như sau:
"Đợt một: khoảng từ 1986 qua 1988 là sách vụ án (tức sách trinh thám), mà khởi thủy của nó là từ Lâm Đồng. Các nhà xuất bản ở trung ương thời điểm này chưa nhập cuộc; nhưng nhiều địa phương và nhất là ở các ngành có tư liệu nhiều về các vụ án (ý nói ngành công an) đã xuất bản ào ạt.
Vụ án ư, thì đã làm sao? Ông Đốt viết "Tội ác và Hình phạt", "Anh em nhà Ca-ra-ma-dốp", rồi cả ông Lép Tôn-xtôi, Xây Pu-skin, ông Si-mơ-nông, ông Mác-két, ông Nam Cao...ông nào chả có chuyện trọng án trong tác phẩm?
Đợt hai: 1988-1990 là nạn sách dịch. Không ít những cuốn ở chính nước họ đã bị dư luận rộng rãi đào thải, căm giận bởi chính những yếu tố sa đọa của nó, thì đến ta lại thành trúng quả và ăn khách! Có cuốn dịch rồi, nay được đổi tên dịch giả, đổi cả tên sách để xuất bản lại- y như mới!
Đợt ba: chậm đôi chút, nhưng cũng có thể coi như song hành với đợt hai, là việc tái bản ào ạt không chọn lọc sách tiền chiến và sách thời Mỹ Nguỵ. Đặc biệt sách thời Mỹ Nguỵ được đổi đầu đề và cả ...phóng tác lại. Nhất là loại sách ba tình: Tình báo, Tình yêu, Tình dục. Người ta còn ghi chép lại cốt chuyện, thậm chí đối thoại ở những phim vi-đê-ô rồi chắp vá thành những "thiên tiểu thuyết mới", đến mức thành ngữ "người cầm bút" để chỉ nhà văn đã biến thành "người cầm nút" (nút bấm vi-đê-ô).
Đợt bốn: xem ra cả ba "tình" đều không mặn mà lắm nữa, "văn" không ăn thì đã có "võ"! Ấy là hàng loạt những sách võ hiệp kỳ tình, dã sử lâm ly...Đợt này bắt đầu từ khoảng 1989 và cho đến nay vẫn còn ra chiều tấp nập trên khắp các vỉa hè, quán xá... Ấy là chưa kể đến hàng trăm đầu sách bói toán, tử vi áo bí đủ loại của các bậc "Quỷ cốc tiên sinh" hiện đại...
Sau khi ta thán nạn "loạn thư", báo Văn Nghệ trang trọng nêu lên những gương tốt. Một tủ sách (đúng ra phải gọi là nhà xuất bản) dũng cảm. Nhà xuất bản địa phương Khánh Hoà cho ra một tủ sách phê bình văn học tuyển chọn và trích dẫn các bài phê bình bình luận văn học của các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam và thế giới về từng chuyên đề, từng tác giả quan trọng, như Aragon, Molière, Schiller, Frank Kafka, Cervantes, Hemingway, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu, La Quán Trung, Homère, Sử Thi Ấn Độ, Thơ Tagore, Shakespeare, Balzac, Victor Hugo, Mỵ Châu Trọng Thuỷ, Đam San, Hồ Xuân Hương, Xuân Diệu, Huy Cận, Ca Dao, Truyện Cười, Nguyễn Đình Chiểu...
Chuyên đề và tác giả được đề cập tới có vẻ nghiêm chỉnh, thuần văn hoá, né tránh chính trị. Loại sách đó có bán chạy như các loại văn khác bìa "tiêu chuẩn" có đủ "Một cậu một cô một ô tô một nhà lầu" không ?
Hãy nghe Thuý Toàn, tác giả bài "Một tủ sách...dũng cảm " trong Văn nghệ số 30 trả lời:
"Tôi hỏi cô bán sách xem loại sách này tiêu thụ ra sao ? Ít người hỏi đến. Bán chậm lắm! Tôi được trả lời như vậy. Câu trả lời đó không đáng ngạc nhiên trong lúc này, nhưng dù sao cũng thật đáng tiếc! Có cái gì đó còn đáng buồn nữa! Có những người nhiệt tình làm ra loại sách như thế, rõ ràng là cần thiết và có ích. Số lượng chỉ 3000 bản một đầu sách. Vậy mà có cơ sẽ lại chịu số phận của không ít sách nghiêm túc khác: bán giá hạ rồi đưa vào kho đắp chiếu để ít lâu sau đem bán cân!"
Một trong những cuốn sách nghiêm túc từng bị đem bán sale trước khi chịu đắp chiếu và bán ra thị trường ve chai là bộ tuyển tập thơ văn Pasternak dày trên 1000 trang, giá chỉ 6000 đồng (trong đó có cả tiểu thuyết Bác sĩ Jivago được giải Nobel năm 1957). Các biên tập viên báo Văn Nghệ cung cấp cho chúng ta biết một vài con số: tập 3 bộ "Anh em nhà Karamazôp " in 1000 cuốn, sách nghiên cứu văn chương cổ điển in 3000 bản bán ế. Nhà Tổng phát hành trung ương (cơ quan nhà nước trên danh nghĩa độc quyền phát hành sách báo) chỉ nhận mỗi nhan sách (loại xuất bản trong vòng kiểm soát được của chính quyền) từ 35 đến 50 cuốn.
Những con số ít ỏi này quả thực làm cho tôi vô cùng ngạc nhiên. Không kể làm chi số ấn bản 200.000, 100.000 của những "Thơ Tố Hữu", "Thơ Hồ Chí Minh", "Dưới lá cờ vẻ vang..." của thời kỳ Đảng và nhà nước còn tóm thâu hết mọi quyền sinh sát, phải trái. Chỉ mới bốn năm trước đây thôi, cuốn tiểu thuyết "Thời xa vắng " của Lê Lựu còn in được tới 30.000 bản, nhờ đề tài truyện là những trăn trở khó khăn của người bộ đội thời hậu chiến. Bốn năm sau, cũng với đề tài đó nhưng được viết sâu hơn, bi thảm hơn, tàn bạo khốc liệt hơn, cuốn "Thân phận của tình yêu" ( vừa được giải thưởng Hội Nhà văn VN cùng với cuốn "Bến không chồng " của Dương Hướng và "Mãnh đất lắm người nhiều ma" của Nguyễn Khắc Trường) của Bảo Ninh chỉ in 2000 bản.
Theo một người cầm bút am tường sinh hoạt báo chí và xuất bản ở Việt Nam mới đến Hoa Kỳ gần đây cho biết, thì một cuốn sách in được 2000 bản ở quốc nội được xem là ăn khách, bán chạy.
Số ấn bản ngày càng ít ỏi của sách đi ngược với số ấn bản ngày càng tăng của các loại báo đáp đúng thị hiếu bình thường của đại chúng. Cũng theo lời người bạn vừa mới tới Hoa Kỳ nói trên cho biết, thì tờ "Công an thành phố Hồ Chí Minh" nhờ chuyên khai thác các vụ án và thủ tục xuất cảnh mà có thời in đến nửa triệu số mỗi kỳ. Các " lái báo" hiện sống như những ông hoàng đầy quyền uy ở Sài Gòn. Loại báo như "Kiến Thức Ngày Nay" ra hàng tháng mỗi kỳ in 100.000 số, và ở Sài Gòn có đến 40 tên báo cùng thuộc loại đó, tức là một tuyển tập gồm nhiều bài ngắn có hình ảnh hấp dẫn pha trộn một tí sex, một tí tình, một tí bạo lực, một tí chuyện lạ phương xa gợi óc tò mò, một tí mê tín dị đoan.... nghĩa là những kiến thức bình thường cho những cuộc sống bình thường. Không có những suy tưởng đau đầu hỏng kiểu, lại càng không có những lời kêu gọi, những bài hịch xuống đường...
Thuý Toàn than tình trạng đó "thật đáng tiếc", "thật đáng buồn" dù "không đáng ngạc nhiên trong lúc này". Tôi chưa biết rõ Thuý Toàn là ai, nên tạm suy diễn theo hai lối: tiếc và buồn vì cái thời Đảng độc quyền tuyên truyền không còn nữa, hoặc tiếc và buồn vì cụ Dostoievsky cụ Tagore không đủ sức cạnh tranh với La Lan, Từ Tốc. Thuý Toàn không ngạc nhiên vì biết rõ các hiện tượng đáng tiếc, đáng buồn ấy là sản phẩm tất nhiên của một xã hội bắt đầu nền kinh tế thị trường sau một thời kỳ dài thất bại, khốn cùng, và nghẹt thở vì chính sách độc quyền kinh tế và tư tưởng.
Những hiện tượng hỗn loạn trên thị trường truyền thông ở Việt Nam chắc chắn không khác gì với các nước Đông Âu, Liên Xô, và cả Trung Quốc hiện nay. Báo chí nhà nước ở Bắc Kinh không ngớt than phiền về nạn sách báo video kích thích tình dục và bạo động cùng tiểu thuyết diễm tình từ Hongkong tràn vào Hoa lục - Cùng với công cuộc đổi mới - sản phẩm "tự do" dân Moscow được hưởng sớm sủa hơn hết là những loại tạp chí như Playboy, Penthouse, Hustler... Đó là cái giá bắt buộc phải trả của một nền kinh tế thị trường, của một nền văn minh tiêu thụ dựa trên thị hiếu đại chúng mà làm đòn bẩy phát triển kinh tế. Trên thế giới, có lẽ chỉ có Singapore là quốc gia duy nhất vừa áp dụng chính sách tự do kinh doanh, vừa áp dụng chính sách kiểm soát văn hoá, cố duy trì một thứ luân lý Khổng Mạnh trong một xã hội kỹ nghệ hoá - nhưng liệu Lý Quang Diệu duy trì được tình trạng ấy được bao lâu ?
Còn ở các nước kỹ nghệ hoá khác, hễ chấp nhận kinh tế thị trường thì đồng thời phải chấp nhận những hậu quả khó ưa của loại sách báo phim ảnh chạy theo thị hiếu của giới tiêu thụ.
Đáng tiếc, đáng buồn? Mặc! Việt Nam không thể ở ngoài thông lệ, khi nhà nước còn độc quyền tư tưởng, kiểm soát chặc chẻ việc sáng tạo, sản xuất và phân phối văn hoá phẩm theo nhu cầu chính trị, độc quyền ban phát ân huệ cho những người ngoan ngoãn và trừng trị cô lập đàn áp những ai chống đối, thì thơ Hồ Chí Minh, thơ Tố Hữu, thơ Lê Đức Thọ, thơ Sông Hồng in vài trăm nghìn bản là chuyện tất nhiên. Quần chúng không được quyền chọn lựa, chỉ được quyền nhận sách và giả vờ ca tụng cho đẹp lòng bề trên. Nhưng khi nguồn ngoại viện chấm dứt, công khố trống rỗng, quản lý kinh tế và tài chánh tồi tệ gây thâm thũng lạm phát khủng khiếp, chế độ bao cấp phải ngưng thì những người ngoan ngoãn phải đứng trước một lựa chọn: hoặc phải chịu nghèo đói để vừa lòng bề trên, hoặc phải chạy theo thị hiếu giới tiêu thụ.
Thế giới chuyển biến từng ngày, chủ nghĩa Cộng Sản không còn chút hào quang nào, thần tượng giả hiệu sụp đổ - thì bề trên hết còn là kẻ đáng sợ. Ngược lại là khác. Vậy thì tại sao không chạy theo thị hiếu đám đông để sống còn trong thời buổi khó khăn này ?
Những gì giới cầm bút ở Việt Nam đang trải qua, kẻ nô nức chộp cơ hội làm giàu, kẻ ngỡ ngàng luyến tiếc, thì giới cầm bút khắp nơi (nhất là ở các quốc gia tự do dân chủ về tư tưởng và cạnh tranh kinh tế theo luật cung cầu thị trường) đều đã từng trải qua. Văn nghệ sĩ thay vì chỉ lo làm sao làm vừa lòng bề trên để hưởng bỗng lộc, phải diện đối diện với lương tâm của mình, diện đối diện với quần chúng thưởng ngoạn. "Sức mua" của giới tiêu thụ là thước đo chính xác để biết người viết thỏa mãn được yêu cầu của người đọc đến mức độ nào. Thị hiếu của đại chúng không có tốt xấu vì đó là luật đời, là dòng sống. Người xuôi theo dòng bao giờ cũng thuận chiều mát mái hơn kẻ bơi ngược dòng.
Một câu hỏi: Thế thì cái dòng sống của 68 triệu người Việt không "nuốt" nổi 1000 cuốn "Anh em nhà Karamazov" mà lại "ngốn" trọn 100.000 cuốn báo "Kiến thức ngày nay", để đắp chiếu "Bác sĩ Jivago" mà lại nâng niu sách vụ án, là cái dòng sống gì? Trong hay đục? Êm ả bình yên hay chứa đầy sóng ngầm? Nếu cứ lấy theo lẽ bình thường mà xét, thì trong một xã hội hỗn loạn, kinh tế suy sụp, đạo đức xuống dốc, trật tự tan rã như thế thì những tiếng nói của Dostoievsky, của Pasternak, hoặc những lời cảnh tỉnh can đảm của Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Bảo Ninh...phải được 68 triệu đọc giả đón nhận nồng nhiệt - sách của họ, kịch của họ phải bán chạy như tôm tươi, phải giành giật nhau mà mua mới phải.
Tôi dò hỏi những người mới qua, được biết cả những sách tố cáo chủ nghĩa Cộng Sản, chống đối chính quyền Việt Nam cũng bị thờ ơ. Thế là thế nào? Những tuyệt phẩm của văn chương cổ điển thế giới bị thờ ơ còn hiểu được, vì nó xa vời quá, tinh hoa của nhân loại chắc chắn vẫn còn đó, không lúc này đọc thì lúc khác, chờ no đủ hơn, tâm trí thanh thản hơn ta hãy thưởng thức. Nhưng chuyện nóng hổi trước mắt là cái chủ nghĩa lỗi thời, cái guồng máy chính quyền rệu rã bất lực trực tiếp gây ra cái nghèo cái khổ cái nhục cho ta, tại sao lại thờ ơ?
Căn cứ theo số in, thị hiếu của đa số giới thưởng ngoạn Việt Nam là tìm những món giải trí dễ dãi hấp dẫn chứ không tìm những món chính trị đau đầu. Một thị hiếu của xã hội tiêu thụ trên một đất nước đang trăn trở về chính trị. Điều đó không bình thường. Điều đó chứng tỏ 68 triệu người Việt ở trong nước (kể cả những người từng một thời bị choáng ngợp vì lá cờ giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội) đang sống trong một cuộc khủng hoảng niềm tin tột độ. Họ không tin vào bất cứ điều gì nữa, họ khổ sở với những lúng túng trăn trở quá nhiều nên quyết định buông trôi, phó mặc cho bản năng và dòng sống bên ngoài đưa đến đâu thì đưa. Tình trạng đó chẳng những có hại cho những vận động cứu vãn Việt Nam trong hiện tại, mà còn di hại cho những vận động xây dựng tổ quốc trong tương lai. Người muốn duy trì chế độ Cộng sản than "đáng buồn, đáng tiếc" đã đành, người muốn chế độ đó tan rã để phục hồi tự do, dân chủ và thịnh vượng cho dân tộc cũng không nên mừng.
Những suy nghĩ trên đưa đến câu hỏi thứ hai: Trong tình trạng thị hiếu đám đông gặp khủng hoảng bất thường như thế, người cầm bút nên xuôi dòng hay nên lội ngược?
Câu hỏi dễ khiến những người đang vùng vẫy cố ngoi lên khỏi dòng cuốn của đời sống khắc nghiệt tại Việt Nam nổi giận, câu hỏi của khán giả đứng an toàn trên bờ. Vâng, thì tôi xin đặt câu hỏi cho những người cầm bút nói chung, khi họ băn khoăn trước một câu hỏi cũng chung chung không kém: Viết cho ai? Biết luồn lách lúc nào cho hợp thời hợp thị hiếu thì lúc nào cũng được đám đông đón rước nồng hậu, danh vọng tiền bạc lúc nào cũng thừa mứa. Chạy theo sau đám đông thì phải an toàn, chẳng những không cô đơn mà còn đông vui náo nhiệt. Người viết theo thị hiếu của đám đông phải có cái nhạy bén nắm bắt cho được bản năng muôn thuở của con người và ý thích trái chứng thay đổi bất thường của từng giai đoạn. Lại phải nhạy bén chộp đúng thời cơ để với tài năng, thúc đẩy thị hiếu ấy thành thời thượng, thành phong trào. Phải nhạy về thị trường như một nhà kinh doanh lão luyện. Phải có máu con buôn trong huyết quản.
Giới nghệ sĩ mẫn cảm dễ bị cảm xúc lôi cuốn, sống bằng trái tim hơn bằng đầu óc tính toán nên ít người thành công trong lãnh vực kinh doanh này, may mắn lắm họ chỉ nhận được một phần nhỏ trong khối lợi to tát do các tay con buôn văn nghệ chuyên nghiệp nhín cho. Vì không có óc kinh doanh nên đa số văn nghệ sĩ đành chọn con đường cô đơn hơn: viết cho mình để hy vọng những lời tâm sự riêng tư mang lại những hồi âm đồng điệu; hoặc tách ra khỏi đám đông, tách ra khỏi dòng sống, quan sát ghi nhận phê phán nó để hy vọng trở thành "Chim báo bão". Sự lựa chọn đó là kết quả của nhiều khuyết tật: đam mê, thơ ngây, thiếu khả năng hội nhập, thiếu khả năng tác động lên cái dòng sống phức tạp trước mắt. Nói như Bertrand Russell, họ không đủ sức áp đặt quyền lực lên xã hội hiện tại như các chính trị gia, nên đặt hy vọng quyền lực vào một môi trường ít gay go hơn là đời sống tinh thần và vị lai.
Người cầm bút làm "Chim Báo Bão" ? Chế Lan Viên là một tay phù thủy ngôn ngữ khi dùng hình ảnh đó để vuốt ve tự ái giới cầm bút, để quên đi thân phận "cỏ nội hoa hèn". Cơn bão đã tới, từ lâu, Chế Lan Viên vẫn không hề làm nhiệm vụ người dự báo thời tiết. Cho đến lúc lìa đời, ông chỉ dùng tài thơ và trí tuệ uyên bác của mình khua lên những lời báo động giả. Nhiều người cầm bút khác ở Việt Nam tuy tài ba và kiến thức kém hơn Chế Lan Viên nhưng họ dám báo động thật. Họ đã xuôi dòng cho an thân, rồi đến một lúc nào đó, giật mình, trăn trở, họ quyết định bơi ngược, làm "Chim Báo Bão" đúng nghĩa.
Có một thời họ được đón nhận nồng nhiệt nhờ họ nói hộ cho đám đông những điều đám đông âm thầm ấp ủ trong lòng không dám nói ra. Thiên hạ đua nhau mua vé xem kịch Lưu Quang Vũ, phim Trần Văn Thuỷ, mua sách của Nguyễn Huy Thiệp, chuyền tay nhau những bản sao bài phát biểu của Dương Thu Hương. Cái thời những lời báo bão tuy còn rụt rè nhưng đã được in thành vài chục nghìn bản, diễn thành vài nghìn xuất trình diễn chiếu phim. Cái thời đó dường như đã qua, dành chỗ cho những cuốn sách tiêu chuẩn "Một cậu một cô một ô tô một nhà lầu". Giấc mơ no đủ giàu sang thay thế được những thao thức muốn xoá bỏ bất công nghèo đói để thực hiện giấc mơ thịnh vượng ?
Đỗ hết tội lỗi lên "thị hiếu" chẳng những không giải quyết được vấn đề, mà còn bất công. Thị hiếu không có tốt xấu, vì nó tự nhiên. Ngược lại, chính những người cầm bút mơ làm "Chim báo bão" phải tự nhìn lại mình, rà lại xem khả năng dự báo thời tiết đã chính xác chưa, tác phẩm của mình bị đám đông thờ ơ vì đâu?
Sẽ có người hỏi lại: Đám đông nào? Câu hỏi hợp lý! Có những đọc giả sẵn sàng bỏ tiền ra mua hàng lô sách vụ án đọc ngấu nghiến giữa hai cuộc thậm thụt làm ăn nhưng nhất định không thèm tò mò tìm biết cái ông râu rậm mắt nhìn lờ đờ điên dại trên bìa sách "Anh em nhà Karamazov" là ai - Sách của Dostoievsky không hợp khẩu vị của họ, và họ có quyền lựa chọn chứ! Họ là dân chợ trời ư? Thì đã sao! Không có dân chợ trời, không có những người cơ hội, không có những "lái" này "lái" nọ, dân Việt sẽ còn khốn khổ đến đâu trong cái guồng máy kinh tế tồi tệ mà nhà nước cố nắm độc quyền. Họ có "Sứ mệnh lịch sử" của họ.
Cũng có những đọc giả gốc miền Nam (Việt Nam Cộng Hoà cũ) ôm nặng nỗi nhục nhằn bại trận, không còn tha thiết gì nữa, không còn tin ai nữa (nhất là những lời của kẻ thắng). Một người bạn của tôi năm 1989 về Sài Gòn hỏi ý kiến một bạn văn khác (còn ở lại) về tiểu thuyết những cây bút như Trần Mạnh Hảo, Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp. Người bạn đó trả lời gắt gỏng: "Việc chúng nó cấu xé nhau, mày để ý làm gì!"
"Chúng ta" , "Chúng nó"... dường như đây là vấn đề chính, là mắc mứu quan trọng, khiến ngay những người cầm bút muốn làm "Chim Báo Bão" cũng lúng túng, nghĩ nửa vời, viết nửa vời. Tôi có cảm tưởng đó khi đọc những bài thơ, những ký, những truyện ngắn truyện dài nhiều ít có tính chân thực, tính phản kháng được xuất bản ở Việt Nam mấy năm gần đây. Không ai phủ nhận được thiện chí và lòng thảnh thực của những người "báo bão" ấy. Sự giả dối không lọt vào được nghệ thuật. Họ muốn " giải ảo" khi phát biểu về văn nghệ "phải đạo", cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu tàn nhẫn, kể cả những bạo hành điên loạn của cuộc chiến tranh vừa qua.
Nhưng rõ ràng là họ vẫn hãnh diện là kẻ thắng, và không hề muốn nhường cho ai cái quyền của kẻ thắng. Mười sáu năm đã trôi qua từ ngày Nam Bắc trở thành một nước, nhưng thử đọc hầu hết sách văn chương được xuất bản ở Việt Nam, chúng ta thấy tâm tình của người miền Nam, đời sống của người miền Nam hoàn toàn mờ nhạt, đôi khi méo mó dị hình. Sân khấu vẫn do kẻ thắng độc quyền, dù trên đó diễn hài kịch tô hồng hay diễn bi kịch giải ảo. Tôi có cảm tưởng những "Chim báo bão" ấy đang nghĩ: "Công nhận chúng ông sai, nhưng chỉ có chúng ông mới được quyền sửa sai. Xê ra, cho chúng ông cứu nước!"
Vì thế văn chương "báo bão" chỉ phản ảnh được tâm trạng của những người miền Bắc, xã hội miền Bắc trong cuộc khủng hoảng niềm tin trầm trọng này - Người bạn văn ở Sài Gòn gắt gỏng nói chuyện "chúng ta chúng nó", vì ngay cả những bạn đồng nghiệp chịu "giải ảo" nhất cũng còn đặt ra ranh giới "chúng ta chúng nó". Văn chương phản kháng chỉ mới là vấn đề của "chúng ta, kẻ thắng trên chiến trường nhưng thất bại thảm hại trong thời bình". Còn kẻ thua trận còn sống nhan nhản quanh đây, tuy ngày thường gặp nhau vẫn mày tao cà phê thuốc lá, nhưng chỉ là phy diễn, hoặc là cái bị bông để đấm khi tức giận vu vơ. Do đó mới có một quy luật bất thành văn: "Điều này chúng ông nói được, nhưng tụi bây không được phép nói". Nguyễn Huy Thiệp viết thế thì được, Doãn Quốc Sỹ viết thế thì đi tù. Phạm Thị Hoài viết thế thì được, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ viết thế là "nọc độc Mỹ Nguỵ " , Nguyễn Duy làm thơ như thế thì không sao, Tô Thuỳ Yên viết thế thì lại đi cải tạo.
Có cái gì đưa đẩy tới niềm kiêu hãnh mặc nhiên và lòng khinh thị đáng ghét đó? Tờ Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam vẫn còn in trang trọng hàng chữ đầu trang bìa khẩu hiệu: "Vì tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội". Bài vở trên Văn Nghệ chứng tỏ vế sau "vì chủ nghĩa xã hội" đã gượng gạo, bất đắc dĩ lắm rồi. Còn vế đầu "vì tổ quốc" thì vẫn dõng dạc như xưa!
Bất cứ người Việt Nam nào, dù khác nhau về quá khứ, chính kiến, giai tầng xã hội, dù hiện sống trên quê hương hay phải lưu lạc tha phương cầu thực, đều có chung một nỗi đau khi quê hương lầm than, đồng bào của mình bị đánh đập khinh bỉ nơi xứ người, đều vui mừng khi dân tộc được no ấm, hạnh phúc. Ai cũng thành thực vui buồn theo vận nước, "vì tổ quốc". Không ai được tự xem chỉ có mình mới độc quyền yêu nước, chỉ có mình (kể cả những lầm lẫn thất bại) mới "vì tổ quốc". Khi đã chấp nhận được điều đơn giản ấy, thì không còn những sự thực nửa vời, những giải ảo nửa vời, những báo bão nửa vời.
Và biết đâu được, số in mỗi tác phẩm văn chương chẳng những tăng gấp đôi, mà còn gấp mười, gấp trăm!
Nguyễn Mộng Giác
------------------------
Nguồn: Văn, Giai phẩm xuân Nhâm Thân
Số 114-115 tháng 12-1991 và tháng 1-1992
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment