Thursday, May 26, 2016
NẮNG CHIỀU
HUỲNH HỮU CỬU
Nắng chiều. Cái nắng có vẻ đẹp lạ lùng ở vào thời gian cũng lạ lùng. Đẹp một màu vàng rất dịu mắt tuy vẫn rực rỡ sắc sảo bên cạnh những chỗ có bóng tối hơi xam xám. Và cái đẹp ấy lung linh, chập chờn, mãnh mai như một cánh bướm. Nắng chiều ở vào thời gian rất đặc biệt và mang một sắc thái đặc biệt nên khi nhìn thấy ánh nắng ấy, người ta biết ngay là trời đã về chiều, mặt trời sắp lặn.
Có ai một buổi trưa nào đó nằm lim dim trên một bộ ván rồi mơ màng ngủ quên đi lúc nào không biết hay không ? Ngủ quên cho đến lúc bỗng giật mình thức dậy mở mắt ra không biết mình đang nằm tại đâu và thời gian lúc ấy là mấy giờ, buổi trưa, buổi chiều hay là buổi sáng ? Cái tình trạng lửng lơ mơ hồ ấy có thể làm cho vài người hoảng hốt lên một tí. Tôi cũng bị như vậy nhưng dần dần cho là rất thú vị, chỉ mong những phút như thế kéo dài mãi ra để hưởng cho thật lâu cái trạng thái "phi không gian phi thời gian" hiếm có ấy, tưởng tượng như là đang được xuất thần trong một cơn thiền định.
Nhưng cái cảm giác kỳ lạ hay hay ấy có được bao lâu đâu. Chỉ trong vài giây ngắn ngủi, ta liền bị kéo trở về thực tại. Mặc dầu không muốn suy nghĩ vội, cái trí óc hay biền biệt cố hữu đã vươn dậy bắt người ta phải quan sát, phân tách, nhận định. Nhìn lên vách thấy có mấy tấm hình của người thân, của vợ con và thấy có tấm lịch của mình treo lủng lẳng, người ta liền tự bảo :"Đúng rồi, đây là phòng khách nhà mình chứ đâu. Mình nằm chơi ở phòng khách rồi ngủ quên đi chứ gì ! Nhưng mà mấy giờ rồi nhỉ ? Nhìn lên phía cửa sổ bỗng thấy có một vạt nắng len vào ngời sáng ở góc vách, ánh nắng lóng lánh màu vàng ấm và hơi nhuộm đỏ. Người ta liền nghĩ ra :"À, chiều rồi ! Ánh nắng ấy là ánh nắng chiều, chắc cũng đã vào khoảng năm giờ hơn ! "
Cũng có ai đó sau một trận đau ốm nằm mê man nhiều ngày rồi một hôm bỗng từ từ mở được đôi mắt ra nhìn lên gian phòng. Người ta tự hỏi đây là đâu ? Mình đang làm gì ở đây ? Căn phòng lạ hoắc và thời gian lúc ấy cũng không biết là vào lúc nào. Sau một hồi định thần lại, người ta có thể sực nhớ ra là đã bị đau và người nhà đã đưa vào bệnh viện. Nhưng giờ khắc thì sao ? Không có đồng hồ, không có ai để hỏi, vậy làm sao biết được ? Xin thưa : có một chi tiết giúp ta nhận định ra ngay, đó chính là ánh nắng chiều. Nếu nhìn ra ngoài cửa sổ thấy có ánh nắng màu vàng ửng như lòng đỏ trứng gà hay như vỏ cam chín thì đó là vào buổi chiều, lúc mặt trời sắp chìm xuống mặt đất.
Đấy, nắng chiều đặc biệt như vậy đấy. Người đầu tiên chỉ cho tôi biết điều ấy là họa sĩ Vương Quốc Đạt, người họa sĩ có phong thái như một giáo sư đại học, ở trong một căn nhà nhỏ trên đường Tô Hiến Thành, Chí Hoà Saigon, mà tôi đã từng không ngại trời mưa ngập lụt, buổi tối lái chiếc Austin đến học vẽ.
Họa sĩ Vương Quốc Đạt nói ánh nắng buổi sáng màu vàng chanh còn ánh nắng buổi chiều màu vàng cam. Diễn tả buổi mai ánh nắng trong trẻo tươi mát thì dùng màu vàng chanh, tỉ dụ như Lemon Yellow, còn buổi chiều ánh nắng gay gắt nóng hơn phải pha thêm màu đỏ. Thường là như vậy, nhưng cũng có khi ánh nắng buổi chiều chỉ là một màu trắng nhợt nhạt. Một bức tranh vẽ cảnh lúc ấy thì làm sao diễn tả cho được là trời đã xế chiều, ngày sắp hết ?
Họa sĩ Nguyên Khai bảo rằng ánh nắng buổi mai sáng sủa, đầy sinh khí, còn buổi chiều thì tuy có ánh nắng đang le lói đấy và mặt trời đang ở cùng một độ cao trên chân trời như buổi mai đấy mà ánh sáng lại yếu ớt hơn, giống như ta đang có cái bóng điện 100 oát mà bây giờ bỗng có bàn tay phù thủy nào đổi ra chỉ còn có 50 oát thôi vậy. Nhưng mà tại sao nắng chiều lại yếu hẳn đi như thế nhỉ. Hay là tại vì Dương đã đến lúc suy tàn và Âm đến hồi hưng thịnh, ánh sáng bị hút dần đi đâu mất và bóng tối đã lởn vởn thẩm thấu dần trong không gian ?
Đọc sách của thiền giả Nghiêm Xuân Hồng thấy viết rằng cái nắng quái buổi xế chiều ấy "đã đượm một vẻ trầm tư như biết rằng sắp có một làn gió hư vô thổi đến." Có lẽ thế.
Khi nói về nắng chiều thì phải nói đến một vấn đề khác có lên hệ là "chiều lên" hay "chiều xuống". Một tác giả Tây Phương nào đã cắt nghĩa rõ là nắng chiều, bóng chiều hay bóng đêm chỉ có thể đi lên chứ không thể đi xuống được. Nghiệm ra cũng có lý. Buổi chiều khi mặt trời còn ở trên cao, ánh nắng có thể chiếu được xuống chỗ thấp, xuống tận mặt đất. Nhưng khi mặt trời xuống dần thì những tia nắng càng lúc càng chếch đi để rồi rơi khỏi mặt đất và bỏ cho mặt đất chìm dần trong bóng tối, trong lúc ấy thì chỉ còn những mái nhà, những ngọn cây hứng được ánh nắng. Rồi một lát sau nữa, tất cả các mái nhà, các lùm cây bị bóng tối nhô lên xâm chiếm, chỉ còn những đám mây trên cao hay những đỉnh núi đằng xa mới được chiếu sáng mà thôi. Nghĩa là ánh nắng chiều đã thật sự từ dưới đất đi dần lên, đuổi theo sau là bóng đêm, và buổi sáng thì cả một sự đảo ngược lại.
Vậy nói bóng chiều dâng lên , bóng đêm tràn lên đúng với thực tế hơn là nói bóng đêm "rơi xuống" , màn đêm "buông xuống" !
Nhưng mà phân tách chơi vậy thôi chứ các nhà văn nhà thơ có thể nhìn một cách khác, cảm một cách khác. Và khi họ muốn, thì như là với một cái phất của một chiếc đủa thần, nắng chiều, bóng chiều hay là bóng đêm vẫn có thể từ trên trời cao thả xuống, rũ xuống được như thường !
Và khi chiều về, khi ánh nắng chiều còn nhuộm vàng cả không gian, còn trải vàng lên mái nhà, lên luống đất, xin đừng thắc mắc làm chi, xin hãy ra sân nhìn ngắm và giơ tay hứng lấy, ôm lấy những tia nắng chót. Xin đừng ở mãi trong phòng, xin hoãn lại các việc pha trà, đọc báo hay xem tivi lại chốc nữa. Bởi vì bên ngoài nắng chiều đẹp lắm, và cũng vì nắng chiều sắp tắt rồi.
Nắng chiều đẹp lắm nhưng mong manh sắp tan vỡ như một cái bọt nước. Và đã vàng yếu như một người bệnh đang thoi thóp sắp qua thế giới bên kia.
Xin hãy bước ra ngoài để cùng sống với nắng chiều trong những giây phút chót, để nhỏ một giọt lệ tiễn đưa nắng chiều, và cũng để suy tư ít nhiều về thân phận...
Huỳnh Hữu Cửu
-----------------------------------
Nguồn : Văn, số 60, tháng 6-1987
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment