Thursday, July 2, 2020

Lê Trọng Nguyễn: Ánh Nắng Chiều Vụt Tắt 


Trường Kỳ

Lê Trọng Nguyễn: Ánh Nắng Chiều Vụt Tắt – Trường Kỳ
“Nắng Chiều” có thể được coi như một tác phẩm đặc biệt của tân nhạc Việt Nam. Đặc biệt ở chỗ nhạc phẩm này – viết từ trước năm 1950 và được hoàn tất vào năm 1953 – đã được chuyển sang lời Nhật vào cuối thập niên 50. Qua đến thập niên 70 còn được chuyển sang Hoa Ngữ.
“Nắng Chiều” lời Nhật đã do nữ danh ca Midori Satsuki trình bày lần đầu tiên tại Hội Chợ Thị Nghè, liên tiếp trong hai tuần lễ vào năm 1958. Chính nhạc sĩ Nguyễn Hiền là điều hợp viên chương trình văn nghệ của Hội Chợ Thị Nghè đã giới thiệu nhạc phẩm này với Midori Satsuki trong đoàn Ca Vũ Nhạc Nhật Bản Toho Geino do ông mời sang trình diễn, mặc dù lúc đó ông chưa quen biết với tác giả là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn.




Trong khi đó “Nắng Chiều” vào thập niên 70 còn được nữ ca sĩ nổi tiếng của Đài Loan là Kie Lou Ha trình bày bằng Hoa Ngữ với tựa đề “Tình Ca Việt Nam”. Nhạc phẩm này đã được dân chúng Đài Loan và Hồng Kông đón nhận nồng nhiệt, cùng một lúc được báo chí tại hai nơi này xưng tụng là một trong những bài tình ca hay nhất. Vào ngày 20 tháng 8 năm 2005 tới đây, “Nắng Chiều” sẽ lại được nữ ca sĩ trẻ Doanh Doanh trình bày bằng tiếng Trung Hoa trong chương trình video có thu hình của trung tâm Asia tại thành phố Houston.
Với những điểm đặc biệt đó, “Nắng Chiều” đã trở thành nổi tiếng hơn cả người khai sinh ra nó là nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 9 tháng 1 năm 2004. Chính hiền thê của nhạc sĩ họ Lê là chị Nguyễn Thị Nga cũng đã biết tới Nắng Chiều và Lá Rơi Bên thềm trước khi biết tác giả là người bạn đời hơn mình 20 tuổi sau đó…
Ngay trong thời gian đầu mới quen nhau, do bản tính khiêm nhường, Lê Trọng Nguyễn không bao giờ để lộ ra cho chị Nga biết ông là một người từng được nhạc sĩ Phạm Đình Chương, người bạn rất thân của ông, đánh giá không những là một nhạc sĩ có tài mà còn là một học gỉa âm nhạc mà ông thường bàn luận trong nhiều dịp sáng tác. 
Mãi cho đến khi được người bạn thân tên Mai Hương, con của người bạn Lê Trọng Nguyễn tiết lộ, chị mới biết đó là một nhạc sĩ tài ba mà khi mới gặp ông lần đầu tiên vào năm 1961, nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã nhận thấy ở nơi ông có nhiều nét rất đặc biệt về kiến thức tổng quát cũng như âm nhạc.
Thời kỳ thường gặp Lê Trọng Nguyễn, chị Lê Thị Nga là nhân viên Hàng Không Việt Nam, làm việc tại quầy bán vé và Lê Trọng Nguyễn làm việc cho công ty Hoa Kỳ Sealand ngoài Đà Nẵng. Ông thường hay đi đi, về về Sài Gòn nên đã trở thành người hành khách quen thuộc với nhân viên quầy vé Lê Thị Nga, một cựu nữ sinh Trưng Vương ra trường vào năm 1963.
Hai người quen nhau năm 1968 và chính thức thành hôn vào năm 1970, mặc dù trước đó chi Nga có vẻ hơi ngại khi biết Lê Trọng Nguyễn là một nhạc sĩ, vào thời đó thành phần này thường được coi như có cuộc sống phóng túng nếu không muốn nói là lăng nhăng…
Nhưng tính tình hiền hòa và dễ mến của nhạc sĩ họ Lê cùng với cung cách sống hoà nhã và nặng tinh thần trách nhiệm của ông đã khiến chị hết sức thương yêu người chồng cách biệt tuổi tác khá nhiều. Trước khi thành hôn, ông đã viết nhạc phẩm Tìm Nơi Em, sáng tác năm 69 là năm tình yêu đã nẩy nở sâu đậm giữa hai người sau khi quen năm 68. Hai người sống với nhau thật hạnh phúc và họ đã có với nhau 3 con gái: Lê Minh Đức, Lê Minh Ngọc và Lê Minh Thư và 1 con trai Lê Trọng Phúc.
Lê Trọng Nguyễn là tên thật của tác giả nhạc phẩm Nắng Chiều. Ông sinh ngày 1 tháng 5 năm 1926 tại Điện bàn, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình gia giáo. Thân phụ ông qua đời sớm, thân mẫu ông một tay quán xuyến gia đình nuôi hai con đi học cho đến tuổi trưởng thành. Em gái ông qua đời từ khi mới 23 tuổi sau khi lập gia đình và có được 3 con, được Lê Trọng Nguyễn nhận làm dưỡng tử.
Do lòng yêu âm nhạc và chịu nặng ảnh hưởng văn hoá Pháp, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã tự học nhạc và ghi danh theo học hàm thụ ở trường âm nhạc École Universelle tại Pháp và sau đó trở thành hội viên của tổ chức S.A.C.E.M. Năm 1957, một số tác phẩm của ông được phổ biến tại Pháp, được biết tới nhiều trong số đó là nhạc phẩm “Sóng Đà Giang”
Lê Trọng Nguyễn khởi sự viết nhạc vào năm 1946 với những tác phẩm đầu tiên là Đừng Quên Nhau, Trăng Lại Sáng, Thuyền Lãng Tử, Lời Việt Nữ, Ngày Mai Trời Lại Sáng, Nắng Chiều, vv…
Ngoài lãnh vực ca nhạc, ông từng giữ những vai trò quan trọng cho nhiều công ty thương mại lớn. Như năm 1965 ông làm giám đốc công ty Centra của Pháp. Từ năm 1968 ông là giám đốc điều hành của công ty Sealand của Mỹ tại Đà Nẵng. Sau khi lập gia đình, ông từ giã công ty Sealand ở Đà Nẵng để về sống với vợ ở Sài Gòn trong một cuộc sống đạm bạc. 
Sau khi lập gia đình, ông từng viết nhạc và làm giám đốc phim Đất Khổ do Hà Thúc Cần đạo diễn. Phim được quay nhiều ở Huế, một phần ở Quảng Trị và Đà Nẵng. Với các tài tử Vân Quỳnh, Lê Thương, Bích Hợp, Minh Trường Sơn, Kim Cương, vv…
Đến năm 1973, ông được đề cử giữ chức vụ giám đốc Nhà Máy Dầu Hoả Cửu Long, thuộc tổng công ty Mekong của ông Nguyễn Ngọc Linh. Cũng trong năm này, nhạc phẩm Nắng Chiều được đưa vào cuốn phim cùng tên do Quách Thoại Huấn sản xuất với tài tử là La Thoại Tân.
Khi biến cố tháng 4 năm 75 xẩy ra, ông không quan tâm mấy đến việc tìm đường ra đi vì khi đó ông còn giữ liên lạc với công ty Sealand của người Mỹ mà ông từng làm giám đốc nên ông tin họ có thể cho gia đình ông rời khỏi Việt Nam. Nhưng thật sự trong lòng ông cũng không nghĩ là qua hải ngoại có thể sống được. Hơn nữa, lúc đó 2 con ông còn nhỏ, nếu mang vợ và 2 con cùng một mẹ già theo thì trách nhiệnm sẽ rất nặng, ông sợ khó lòng kham nổi nên đã quyết định ở lại.
Sau 75, ông mở lớp dạy nhạc tại nhà trên đường Nguyễn Minh Chiếu, Phú Nhuận. Khoảng 5 năm sau, ông tự sản xuất đàn guitar và mandoline bán cho những bạn thân, mua với tính cách ủng hộ một người bạn nghệ sĩ dễ mến.
Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn cùng vợ và 2 người con đầu sang Mỹ năm 1983. Thời gian đầu tiên, sức khỏe của ông có phần giảm sút, tuy nhiên ông vẫn mở lớp nhạc dạy tại nhà trên đường số 8 ở thành phố Los Angeles. Một thời gian sau, vợ chồng ông tậu được một căn nhà ở thành phố Rosemead, vùng San Gabriel Valley cũng thuộc quận Los Angeles.
Thời gian này vợ ông kiên trì theo học đại học và ra trường năm 1990 nhưng đã đi làm trước đó 1 năm. Trước đó 2 người cùng học 2 năm đầu ở Junior College, chồng học về nhạc với mục đích nhận thấy được sự khác biệt giữa nhạc Mỹ và Pháp, còn vợ về ngành kế toán, nhắm đến một việc làm vững chắc sau này để phụ giúp gia đình. Tuy nhiên sau khi học xong, Lê Trọng Nguyễn được nhạc sĩ Phạm Đình Chương – cùng với Mai Thảo là hai ngươì bạn thân của ông – khuyên nên kiếm một nghề khác để mưu sinh thay vì nhạc vì tuổi ông lúc đó đã xấp xỉ 60, nhưng ông không làm gì khác hơn là dạy nhạc.
Chị Lê thị Nga cho biết, đến cuối năm 2002 vì có nhiều triệu chứng không tốt về sức khỏe, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn được đưa vào bệnh viện với kết quả không hay vào đầu năm 2003 là ông bị ung thư phổi. 
Sau khi được xác nhận là mang căn bệnh nan y trong người, Lê Trọng Nguyễn đồng ý để bệnh viện Garfield tiến hành giải phẫu với đôi chút hy vọng còn kéo dài được thời gian sống cạnh vợ con. Sau cuộc giải phẫu, tình trạng sức khoẻ của ông được ghi nhận là khả quan trong 2, 3 tháng đầu. Nhưng qua đến tháng thứ tư lại cho thấy có nhiều triệu chứng bất thường, để sau đó được biết trong lá gan của ông có một bướu nhỏ. Tuy nhiên nguyên nhân chính đưa đến cái chết của ông vẫn là căn bệnh ung thư phổi.
Trước tình trạng càng ngày thêm trầm trọng về sức khỏe, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn được chuyển vào trung tâm chuyên về ung thư City Of Hope ở Duarte, gần thành phố Los Angeles. Nhưng mọi cố gắng của trung tâm này đã không mang lại một tia hy vọng nào cho vợ con cùng gia đình ông…
Rồi việc gì phải đến đã đến vào hai ngày sau khi nắm tay người vợ thân yêu lần cuối. Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 4 giờ 15 sáng ngày 9 tháng 1 năm 2004 bao quanh bởi vợ, các con, các cháu cùng toàn thể gia đình. Đó cũng là lúc ánh nắng chiều vụt tắt nơi tâm hồn những người thân yêu của ông.
Trước khi qua đời, vào năm 2000, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn khởi sự viết quyển “Nghệ Thuật Viết Nhạc”. Vào dịp Tết đầu năm 2003, trong một buổi họp mặt cùng các con, ông ân cần mang quyển sách đó ra nói rằng ông viết để tặng cho vợ và các con. Nhưng trong thời gian thực hiện phần đánh máy cho tác phẩm của ông thì sức khỏe nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đang ở trong tình trạng sa sút rất nhiều.
Gần đây người vợ cách biệt tuổi tác nhưng rất gần gũi tình cảm và từng gắn bó với ông suốt 34 năm đã tổng hợp được một số nhạc phẩm của ông được thu thanh rải rác trên các CD của nhiều trung tâm nhạc để đưa vào CD “Lê Trọng Nguyễn Collection” mới được ra mắt ở nam California vào ngày 17 tháng 4 năm 2005 tại phòng sinh hoạt nhật báo Viễn Đông.
Không ai phủ nhận được giá trị nghệ thuật trong số ít sáng tác của Lê Trọng Nguyễn, trong số có nhạc phẩm Sao Đêm được ông rất ưng ý về mặt kỹ thuật cũng như nghệ thuật. Trong khi đó đối với quần chúng thì Nắng Chiều được coi như nhạc phẩm tiêu biểu của ông được phổ biến rất rộng rải tại Việt Nam từ những năm cuối thập niên 60.
Về phiên bản Nắng Chiều lời Trung Hoa, sau này qua Mỹ, một người con của ông đã tìm thấy khi tình cờ nghe được cassette phát bài này ở phố Tầu Los Angeles. Sau này còn tìm thêm được 1 CD của cùng công ty sản xuất có ca khúc này cũng do Ke Lo Ha trình bầy. Còn phiên bản tiếng Nhật do Midori Tatsuku diễn tả, một cặp vợ chồng người Việt Nam từng sống nhiều năm ở Nhật và hiện cư định cư tại Hoa Kỳ đang giúp vợ ông truy tìm. Đây là kỷ niệm do người chồng tặng người vợ trước khi họ thành hôn bên Nhật.
Một chương trình nhạc đặc biệt gồm những sáng tác của cố nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn cũng sẽ được thực hiện vào mùa hè năm nay do một số thân hữu của ông tổ chức tại thành phố Falls Church, tiểu bang Virginia. Đó cũng là dịp ra mắt CD “Lê Trọng Nguyễn Collection” và tập nhạc của ông do vợ và các con ông thực hiện, coi như những kỷ niệm quý giá nhất của người chồng và người cha thân yêu, đã qua đời như một ánh nắng chiều vụt tắt…

Trường Kỳ


(Nguồn: trích đăng lại từ tvvn.org)  

No comments:

Post a Comment