CHẮT CHIU…CHÚT KỶ NIỆM
Võ Văn Lượng
Tôi vừa xong lớp nhì tiểu học ở Pellerin, ba tôi muốn chuyển tôi qua Providence học lớp nhất. Năm đó Providence vừa mới mở thêm hai lớp nhất và nhì tiểu học chương trình Việt. Lúc đó, người ta quen gọi tên trường là Providence hơn là Thiên Hựu.
Tôi không ngại đường đi xa gần nhưng cũng biết buồn vì sẽ xa bạn bè cũ cùng lớp. Tôi buồn nhất vì ngày ngày không còn đi học chung đường chung trường với các người anh họ con các cậu của tôi. Với các người anh họ nầy tôi đã hưởng được bao ngày vui của thời tiểu học. Mùa nắng bắt ve ve, bẻ phượng, mùa mưa bì bõm lội nước, bắt cá dọc hai bên đường. Rồi, tôi sẽ mất tất cả những ngày vui đó.
Một mình qua Providence tôi cũng không mấy vui. Tôi tự mình đi xin nhập học. Hôm đó, tôi còn nhớ rõ, vừa vào hành lang văn phòng tôi gặp ngay cố Vị (cha Viry) đang đứng ở đó.Chúng tôi quen gọi các cha người Pháp là ‘’cố’’. Tôi nghe danh cha đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp. Cha thật cao người và gầy. Cúi thấp người xuống cha hỏi tôi muốn gì bằng tiếng Việt. Cha thật hiền theo nhận xét của tôi lúc đó. Sau này, đám bạn tiểu học vẫn kháo nhau: cố Vị là Quan sáu (Đại tá) trong quân đội Pháp. Tôi cũng tin vì thỉnh thoảng tôi thấy những người lính Pháp đứng nghiêm chào cha mỗi lần gặp. Giờ này tôi cũng không biết lúc đó cha là Đại tá hay không !
Đầu năm học, trường Providence có một biệt lệ cũng nên nhắc lại. Trường cho học sinh thuê sách học, thường là những sách Pháp văn rất khó tìm ở các nhà sách ngòai phố. Những năm sau, tùy lớp trường bán sách Pháp văn cho học sinh. Đó là những sách mới trường đã mua thẳng từ Pháp.Tôi còn giữ những sách đó cho đến tháng 4/75 mới bị mất.
Những năm trước học ở Pellerin chỉ một thầy giáo hay một sư huynh dạy cho chúng tôi tất cả các môn học. Bây giờ lớp nhất , tôi có đủ các thầy các cô giáo.Cô giáo chính của lớp là cô Nhung. Cô dạy Pháp văn, Sử ký, Địa lý và Khoa học thường thức. Cô còn trẻ nhưng nghiêm nên đám học trò nhỏ cũng sợ cô. Dạy môn Toán là bà Cổ. Bà lớn tuổi, người dong dỏng cao và gầy dáng khó khăn như môn Toán khó nuốt của bà. Bà hay rầy la và không mấy khi thấy bà cười. Chúng tôi sợ bà hơn tất cả những thầy cô dạy trong lớp. Bà đi dạy luôn có xe xich lô đưa đón. Thầy Lưu dạy Việt văn. Thầy có dáng phong thái, lái xe hơi đi dạy. Thầy luôn hút thuốc Cotab thơm. Lắm buổi trưa, ra khỏi lớp tôi thấy thầy đứng đạp bơm bánh xe. Chắc chắn có quỷ ma học trò đã xả xì bánh xe của thầy. Tôi có nhiều kỷ niệm với thầy. Giờ chính tả, bài tôi viết thường không có lỗi. Học trò trong lớp đổi bài nhau để chấm bài. Thầy không tin bài của tôi không có lỗi nên tôi phải đưa bài lên cho thầy chấm lại. Thầy hay trừ tôi 1 điểm vì viết không sạch sẽ. Hồi đó đi học phải xách theo bình mực, vừa viết vừa chấm mực nên lúc đậm lúc nhạt, lúc mực nhòe hay còn ướt phải có sẵn tờ ‘’giấy chậm’’ để kịp sang trang. Với lớp tuổi tiểu học, chúng tôi viết cho thật sạch cũng khó. Sau này thầy có vẻ để ý đến tôi, một đứa học trò khá của thầy. Thầy căn dặn tôi đủ điều trước lúc đi thi tiểu học.
Ngoài các thầy cô dạy môn chính, chúng tôi còn hai người thầy cho môn phụ :vẽ và Giáo lý. Cha Nguyễn Kim Bính dạy giáo lý. Cha có lúc làm Tuyên úy Hướng đạo Công giáo tại Huế. Cha dạy giáo lý nhưng không mấy khi nói về Chúa nhưng thường dạy về bổn phận người con đối với cha mẹ, ông bà, bạn bè…
Vị thầy sau cùng là cụ Tôn Thất Sa. Cụ dạy vẽ. Cụ đã già. Đi dạy cụ luôn mặc áo dài đen, tôi có cảm nghĩ cụ là một nhà nho cuối mùa. Ngày trước cụ cũng là họa sĩ cho Cung đình Huế. Cụ đã vẽ lại tất cả những hoa văn, những chạm trổ trong các cung điện.( Các bạn có thể tìm lại những hình vẽ đó trong L’Art à Hué của les Amis du Vieux Hué).Cụ quá dễ dãi và quá hiền lành nên đám học trò nhỏ tha hồ nghịch ngợm phá nhau trong giờ vẽ của cụ.
Ngoài đám học trò tuổi nhỏ phá phách nghịch ngợm cũng không thiếu những người học trò ngoan hiền lành chăm chỉ. Ngồi cạnh tôi suốt năm lớp nhất là trò Nguyễn hữu Giải, một người học trò thật hiền lành. Thân phụ của Giải là thầy Nhạc, người điều hành hành chánh và tài chánh của trường. Hàng tháng chúng tôi đến văn phòng gặp thầy để đóng học phí.
Những ngày đi học thật êm ả. Mỗi tuần 6 ngày học. Mỗi ngày học 3 giờ buổi sáng và 2 giờ buổi chiều.
Một buổi sáng đến trường, thay vì vào lớp học như thường lệ, chúng tôi sắp hàng ở cửa lớp và được các anh lớp lớn hướng dẫn chúng tôi đi…tham gia biểu tình bãi khóa để phản đối cha Viry đã đuổi anh Đào Xuân Viên, đang làm Giám thị cho trường, chắc vì anh đã có những hành động chống Pháp. Chúng tôi cũng chưa ý thức vấn đề chính trị nhiều nhưng không vào lớp để học, lại đi loanh quanh bên ngoài chúng tôi thấy vui lắm.
Vài ngày sau, ông Nguyễn Đôn Duyến, Đại Biểu Chính Phủ phải đến can thiệp để hòa giải. Anh Đào Xuân Viên không trở lại trường nhưng thời gian sau đó cha Viry phải giã từProvidence. Cha Simon Hòa Nguyễn văn Hiền lên thay nhưng chỉ khoảng 3 tháng thì ngài thụ phong Giám mục và chuyển về Saigon và sau đó cha Trần Hữu Tôn về thay.
Nếu đọc được những giòng này, anh Viên có biết có đám học trò tiểu học chúng tôi lúc đó cũng đã tham gia biểu tình để ủng hộ anh không !
Ngòai một chút ‘’xáo trộn nhẹ nhàng’’, một năm học quá bình lặng, buồn vui theo tiếng chuông ra vào lớp học ngày ngày. Cuối năm học, chúng tôi đi thi tiểu học. Lúc đó, thi tiểu học ngoài phần thi viết còn phải vào vấn đáp. Thi vấn đáp, học sinh chép 3 bài thuộc lòng hay 3 bài hát. Giám khảo sẽ chỉ định cho học sinh hát hay đọc một bài trong số đó. Thầy Lưu có nói với tôi nếu hát được thì nên hát. Tôi nắn nót chép 3 bài
-- Việt Nam minh châu trời Đông của nhạc sĩ Hùng Lân
-- Quyết tiến của Võ Đức Thu
-- Bóng cờ lau của Hoàng Quý
Tôi gặp một thầy giám khảo già lúc vào vấn đáp. Thầy bảo tôi hát bài Việt Nam minh châu trời Đông. Hát xong thầy khen tôi ‘’Giỏi’’ và bảo tôi hát lại. Tôi hát không sai lời nhưng chắc có sai cung bậc và chắc chắn tôi hát không hay. Không ai tập trước cho tôi bài nầy nhưng tôi thuộc vì các anh của tôi hát nghêu ngao cả ngày. Sau nầy nhớ lại những ngày đi thi tiểu học, tôi nghĩ giám khảo đã khen tôi giỏi vì ý nghĩa bài hát do tôi chọn nên thầy giám khảo mới muốn tôi hát lại lần thứ hai: «Việt Nam minh châu trời Đông, Việt Nam nước thiêng Tiên Rồng… »
Rồi, những năm tháng tiếp, tôi vẫn ở lại Thiên Hựu cho đến hết năm đệ nhị.
Các giáo sư vừa các cha Việt vừa các cha người Pháp vừa các giáo sư bên ngoài vào dạy khá nhiều tùy theo lớp theo niên học đổi thay. Tôi rất nhớ hai vị giáo sư dạy những môn phụ âm nhạc và vẽ của những năm Trung học đệ nhất cấp. Đó là nhạc sĩ Lê Quang Nhạc và họa sĩ Phi Hùng.
Nhạc sĩ Lê Quang Nhạc dạy chúng tôi nhạc lý, viết ký âm pháp và xướng âm. Thỉnh thỏang thầy đàn violon cho học sinh nghe. Thầy là tác giả bài hát « Xa quê », lời của Hồ Đình Phương Bài hát Xa quê của thầy được hát nhiều lần trên Đài Phát thanh Huế, tôi nghe gần như thuộc; «Chiều xa cố hương, lắng nghe niềm thương xao lòng vấn vương… ».Sau này tôi nghe thầy đã mất trong biến cố Tết Mậu thân ở Huế.
Họa sĩ Phi Hùng chắc rất quen thuộc với mọi giới lúc đó. Người ta biết thầy nhiều do những nhạc bản tiền chiến được thầy vẽ hình bìa và đã được nhà xuất bản Tinh hoa tại Huế phát hành. Tôi rất thich nét họa của thầy nên nhiều lúc tôi mua nhạc vì thích hình vẽ hơn là vì thích hát. Tôi mua khá nhiều nhạc bản nhưng đến tháng 4/75 tôi vẫn không giữ được dù cố thu giấu. Ngoài ra chính thầy đã vẽ cho tôi bằng viết chì trên giấy croquis nhiều bức vẽ thật đẹp nhưng rồi tôi cũng đành mất tất cả.
Tháng 3/75, Huế đã mất, Đà nẵng đang mất, tôi gặp lại thầy ở thành phố đang dầu sôi lửa bỏng này. Thầy chạy từ Huế vào, tôi từ Tam kỳ nơi làm việc chạy ra Đà nẵng. Tình cờ gặp lại thầy trong hoàn cảnh nghiệt ngã đó. Thầy đã già và tôi thật buồn lúc thầy không còn nhận ra tôi.
Những ngày đi học lặng lẽ trôi. Mỗi năm, lớp tôi thêm vài người bạn mới và cũng bớt đi vài người bạn cũ. Năm cuối đệ nhị, tôi gặp lại người bạn cũ lớp nhất tiểu học ngồi cạnh tôi ngày xưa: Trò Nguyễn Hữu Giải. Giờ là chú Giải của năm cuối Tiểu Chủng viện Huế. Giải đi tu! Vài năm sau đó, chú Giải đã được thụ phong linh mục và nay cha Giải là một trong nhiều người đang can đảm tranh đấu cho Dân quyền và Dân chủ ở Việt Nam.
Tôi cũng nhắc lại hai người bạn cùng lớp mà các bạn ở Cali rất quen thuộc vì đã được nhắc đến trước đó: Hòang Ngọc Hữu, tôi thấy tên anh trong nhóm thành lập hội Cựu học sinh Thiên Hựu những năm trước. Trịnh Quang Hà, một người âm thầm và không ồn ào trong lớp. Tôi đọc «Biến động Miền Trung» của ông Liên Thành, ông có nhắc đế anh. Hy vọng hai người bạn cùng lớp này còn nhớ đến tôi lúc tôi nhắc đến họ.
Có nhũng mùa hè, đi làm xa trở lại Huế, thỉnh thoảng tôi vẫn trở lại trường, thăm trường và thăm cha Tôn. Tôi đi loanh quanh qua những lớp học. Tôi đi trong sân trường vắng lặng, tôi đi trong dãy hành lang im lìm, tôi nghe chừng như những bước chân của mình, những bóng hình mình những ngày xa xôi đó. Tôi thấy hồn mình đang gắn chặt đâu đây trong những lớp học. Có lần tôi vào lại lớp học năm đầu tiên: lớp nhất tiểu học.Tôi đã gặp lại chiếc bàn tôi đã ngồi ngày trước. Tên tôi vẫn còn rõ nét với thời gian. Chính tôi đã khắc tên tôi hằn sâu xuống mặt bàn trong giờ học. Tôi nhớ lại năm học đầu tiên của tôi ở lớp này. Tôi đã ngồi đúng chổ này. Tôi mơ hồ nghe tiếng phấn trắng của thầy cô đang viết trên bảng đen.Tôi đang thấy các bạn tôi chung quanh và thầy cô đang đứng trên bục gỗ….Lòng tôi chùng xuống, ray rứt. Giờ này ai đang còn ai đã mất, ai đang ở góc trời cuối biển …
Cách đây vài năm, tôi có dịp trở về. Ngang qua trường cũ, tôi muốn vào thăm lại dù biết trường đã bị thoát xác đã bị thay tên đổi chủ. Tôi chỉ muốn nhìn lại dãy hành lang lớp học ngày ngày mình đã đi qua, nhìn lại chiếc chuông như người bạn đã chứng kiến bao thế hệ học sinh đến rồi đi khắp muôn hướng.
«Bạn đừng nên vào, không còn kỷ niệm gì của bạn nữa đâu!». Người bạn tôi nói. Tôi chợt tỉnh. Phải! Phải! Đừng nhìn lại nó hôm nay để còn giữ được mãi mãi trong hồn mình những ảnh hình cũ đẹp của ngày xưa. Cũng buồn! Buồn chi lạ!!!
Võ văn Lượng
No comments:
Post a Comment