Bé Khoai Mì
Nguyễn Thị Hữu Duyên
Căn nhà của cặp vợ chồng người Mỹ trắng đối diện nhà Hà vừa đăng bảng bán được ba tuần thì đã có người mua. Gia đình chủ mới dọn đến mấy hôm rồi, sự có mặt của họ làm xáo trộn đời sống đang an bình của Hà. Vẫn biết quả đất tròn nhưng chẳng lẽ nó nhỏ như vậy sao?
Hôm qua đi làm về Hà nghe Hợp bảo gia đình mới bên kia chỉ có ba người, một người đàn ông ngồi xe lăn chắc cũng trên sáu mươi tuổi, một phụ nữ còn trẻ, xinh đẹp khoảng ngoài ba mươi và một bé gái độ ba bốn tuổi.
Hà nhìn chồng nhíu mày: "Vậy họ là cha con ông cháu hay chồng già vợ trẻ, con mọn?"
"Làm sao biết được, hôm nào mình sang thăm rồi sẽ biết."
Hợp lắc đầu, vô tư. Đàn ông là thế nhưng đàn bà lại khác, với bản tính tò mò sẵn có của phụ nữ, Hà vừa nấu ăn vừa phóng mắt sang nhà hàng xóm. Qua màn cửa sổ nơi phòng khách Hà loáng thoáng thấy bóng người đàn ông trung niên đang ngồi trên xe lăn chơi đùa với bé gái kháu khỉnh. Cả người đàn ông và cháu bé đều trông rất quen nhưng Hà không thể nhớ nỗi là ai.
Sáng nay khi ra xe Hà thấy sân nhà bên ấy ướt nước có lẽ họ rửa sân và tưới cây cảnh vì đã mấy tháng nay ông bà già Mỹ ấy về ở với con nên nhà này không ai chăm sóc. Người phụ nữ duy nhất bên ấy trẻ trung cao ráo xinh đẹp đang dọn dẹp ngoài gara không thấy rõ mặt nhưng hình như rất quen, dáng dấp này Hà đã gặp đâu đó và bao giờ mà không thể nào nhớ nỗi. Ai nhỉ? Hà chịu thôi, không tài nào nhớ được, có lẽ người giống người.
Trong bửa ăn chiều, Hợp bảo ngày mai thứ bảy, là ngày nghĩ, em thu xếp sắm chút quà rồi hai vợ chồng qua chào láng giềng vì "nhứt cận lân nhì cận thân," anh sẽ đi mua một con búp bê làm quà cho bé gái, Hà đồng ý và phụ họa "Dạ, bà con xa chẳng qua láng giềng gần mà anh" Đồng hồ trên tường chỉ
11 giờ đêm vậy mà Hà cứ chong mắt hết nhìn lên trần nhà lại xoay qua khung cửa sổ suy nghĩ lung tung không thể nào ngủ được. Dáng dấp người đàn ông này gợi nhớ một người, có thể nào là anh ấy sao? Còn đứa bé thì trông giống…à, chị à khẽ trong cổ họng, cái não đã chịu mở ra rồi.
Hà ngồi phắt dậy, rón rén rời khỏi giường bước nhẹ bước ra bàn rót ly nước lọc uống cạn một hơi, tỉnh người, câu hỏi quay quắt trong đầu: giống bé Khoai Mì quá, chẳng lẽ đó là anh Phúc cha của bé Khoai Mì còn cháu gái là con của Khoai Mì? Chẳng lẽ người con gái mình nhìn chưa rõ mặt ngoài gara là bé Khoai Mì? Đúng rồi, cô ấy có vóc dáng giống hệt mẹ nên Hà nhìn thấy quen vì mẹ Khoai Mì gần gũi với Hà năm sáu tháng nên Hà nhớ rất rõ. Còn chồng Khoai Mì đâu sao không thấy? Trước giờ họ ở đâu?
Bao nhiêu câu hỏi xoay quanh nhà hàng xóm ấy nhảy múa trong trí Hà. Chị chép miệng đứng lên "Đợi ngày mai sẽ rõ," rồi êm êm trở lại giường, nhè nhẹ nằm xuống bên chồng.
Đã quyết định thế nhưng sao vẫn không khép mắt được, người mới cảnh xưa bỗng chốc hiện về như muốn chia sẻ cùng bóng đêm nỗi dậy sóng trong tâm hồn chị. Hà làm sao quên được hình ảnh người đàn ông của mối tình đầu đời, nếu thật sự là anh ấy thì sao nhỉ? Vui hay buồn? Đã không thành vợ thành chồng thì biết được tin tức nhau sống gần nhau chắc là sẽ vui.
Hà nhẩm tính, đã hơn ba mươi năm rồi còn có thể nhận ra nhau không? Lại nhớ đến bài thơ Tình già của Phan Khôi mà bây giờ thấy giống tâm trạng của mình, "Hai mươi bốn năm xưa (còn mình thì khoảng 34 năm rồi,) Một đêm vừa gió lại vừa mưa (Mình và anh Phúc chia tay nhau vào đêm hè) Bên ngọn đèn mờ trong gian nhà nhỏ. Đôi mái đầu xanh kề nhau than thở…"
Hà khẽ thở dài nhớ lại thời gian ấy.
*
Đó là năm 1976 Hà tốt nghiệp lớp 12 trong thời điểm đổi thay của đất nước, sau đó về nhà nấu cơm chờ đợi kiếm việc làm thích hợp để giúp gia đình vì ba đã đi cải tạo. Đầu năm 1977 Hà ghi danh học khoá sư phạm cấp tốc sáu tháng do Sở giáo dục đào tạo. Khi tốt nghiệp Hà và khoảng hai mươi anh chị, bạn, được "Đảng và nhà nước phân công" về công tác ở vùng kinh tế mới xã Lộc Ninh huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
Vùng đất này được chính quyền khai phá "cơ bản," có nghiã là những cây cổ thụ to thì được đội "cưa xẻ" của phòng Kiểm Lâm đốn hạ hết chở đi cưa xẻ, lấy gỗ bán lại cho công trường xây dựng hoặc các cơ quan có nhu cầu xây dựng. Dân từ thành phố lên vùng kinh tế mới sẽ được cấp đất và cho sáu tháng nhu yếu phẩm để sống khai phá tiếp phần đất được phân cho mình ít nhiều tuỳ theo số lượng nhân khẩu; rồi tiếp tục khai phá cho trở thành đất sản xuất. Những phần đất ấy đa số còn những cây con thì dân dùng búa, rìu, hoặc cưa tam giác tự hạ xuống làm củi để nấu nướng hoặc bán cho những chuyến xe đò chở về tỉnh, lấy tiền mua thêm gạo, nước tương, nước mắm, mì gói, khô mắm mà ăn. Đất thì dùng cuốc, xẻng để cày xới mà "tăng gia sản xuất, trồng trọt chăn nuôi" cho đúng đường lối và chính sách Đảng là "nhà nhà có đất, người người có đất," ai cũng tự làm chủ lấy đất của mình, thật lý tưởng (?)
Có gia đình thì sẽ có trẻ em, có trẻ em thì phải có trường học thế là từng "Đoàn giáo viên xung phong" được đào tạo cấp tốc, sáu tháng, ba tháng tuỳ theo từng địa phương. Đoàn giáo viên xung phong này sẽ phải đi khai phá đất, mở trường học và kiếm học sinh vô để cho có học sinh mà dạy, nếu không thì bị "mất dạy," mà khi bị mất dạy thì sẽ bị kiểm điểm, bị phê bình, bị ghi vô lý lịch "Không thực hiện tốt công tác được giao."
Đoàn của Hà có tám thầy, bảy cô; các Thầy "quan hệ kết nối" với bộ đội và uỷ ban xã để vận động xây cất trường và nhà tập thể cho giáo viên, kế hoạch sau ba tháng phải xong để khai giảng năm học mới vào đầu tháng chín.
Thế là đoàn giáo viên chia nhau mỗi người một việc, các cô đạp xe đi vòng vòng khắp nhà dân để lấy danh sách trẻ trong độ tuổi đi học mời gọi đến trường. Các thầy ráo riết cất trường, vách đất, lợp tranh, ghế học trò làm bằng những cây rừng có thân tròn nhẵn đường kính cở cổ tay em bé. Khoảng năm hay sáu cây ghép lại thành một băng cho ngồi vừa cái mông đóng lên cái giá gỗ có chân chôn xuống nền, mỗi băng bề ngang khoảng bốn tấc, bề dài khoảng hai mét ngồi được năm em (ngồi riết chai đít hết.) Bàn viết thì cũng làm theo cách ấy, nhưng trên mặt bàn có phủ tấm ván cho bằng phẳng dễ viết, những miếng ván này đưa thẳng từ xưởng cưa về nên còn sần sùi, sợ các em bị dằm sóc vào tay nên các cô phải dùng tiền túi mua giấy nhám về chà cho mòn những cái dằm lớn, dằm nhỏ để an toàn cho các em.
Nhà tập thể giáo viên cũng cất xong nhưng các cô giáo không dám ở vì thiếu thốn đủ thứ. Không giường mà chỉ ngủ võng, mỗi người được cấp cho cái võng nylon hai lớp, cột vào hai đầu cây cột nhà rồi chui vào giữa nằm, giản đơn tiện lợi khỏi giăng mùng. Muỗi chích nát lưng, khi trời nóng thì trùm một lúc mồ hôi đổ hầm hập, do đó chỉ có các thầy ở còn các cô giáo được gửi trọ nhà dân xung quanh trường.
Hà và hai chị bạn được giới thiệu ở trọ nhà bác Sáu bán nước giải khát cách trường khoảng năm trăm mét. Bên cạnh nhà bác Sáu là nhà vợ chồng anh chị Phúc dân ở Bùi Môn, gia đình anh có máy dệt vải. Anh cưới chị vào tháng 10 năm 1974, chị về làm vợ, làm dâu chưa được bao lâu thì đến ngày mất nước. Gia đình anh có tên trong danh sách "Tư sản mại bản" bị tịch thu hết máy móc và căn nhà ở Bùi Môn; còn căn nhà và mảnh vườn nhỏ ở Củ Chi gia đình dời về đó, vợ anh phải mua gánh bán bưng để lo cho gia đình. Mỗi sáng chị đón xe lam đi đến chợ Cầu muối ở Sàigòn mua mấy bao khoai lang về rửa từng củ khoai, nấu từng nồi khoai rồi chở từng thúng khoai trên baga xe đạp ra chợ chiều gần nhà bán kiếm từng đồng lời nuôi gia đình. Anh Phúc là sinh viên năm thứ hai trường kỹ thuật Phú Thọ nên biết chút đỉnh về máy móc. Anh che tấm bạt, treo lên hàng rào cái bảng "Bơm vá xe đạp."
Năm 1976, trong đợt đổi tiền lần thứ nhất "năm trăm chỉ đổi lấy có một đồng," ba anh đã uất ức đến đứng tim mà chết.
Mấy tháng sau mẹ anh vì quá buồn lo sầu khổ nên cơn đau bao tử bộc phát nặng phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Mỗi ngày được phát cho ba chục viên thuốc xuyên tâm liên uống làm ba lần, thời đó bệnh viện không có thuốc, bệnh gì cũng thấy bác sĩ cho uống cùng thứ thuốc ấy. Tim, gan, phèo phổi gì cũng dùng xuyên tâm liên để trị. Uống được mươi ngày, bệnh càng nặng cho đến một đêm bà lặng lẽ về với ông không một tiếng rên than, chỉ thấy bờ môi bà rướm máu có lẽ bà đã cắn chặt để nén cơn đau đớn. Bác sĩ ghi vào hồ sơ bệnh án "Bệnh nhân chết vì bị ung thư bao tử".
Anh Phúc cố nuốt nước mắt ngược vào lòng, bán phần đất bên cạnh nhà lo cho mẹ mồ yên, mả đẹp. Thời gian ấy chị vừa có thai hai tháng, vì hôi cơm tanh cá, không ăn uống được nên chị ốm yếu, xanh xao, gầy rọc hẳn, anh không cho chị bán buôn nữa vì sợ ảnh hưởng cái thai.
Số tiền bán đất còn lại mòn dần vì anh sửa xe cũng không đủ sống, anh quyết định bán luôn căn nhà "đăng ký" đi kinh tế mới lập nghiệp. Anh thầm tính, với số tiền ấy sẽ đủ nuôi vợ con khoảng ba năm, còn anh thì sẽ sống với số lương thực của nhà nước cấp và cố gắng lao động để trồng trọt chăn nuôi ba năm sau con lớn, vợ khoẻ và cùng anh nuôi gà vịt bán cũng có được cuộc sống ổn định. Thôi thì, phải biết theo thời thế mà sống vả lại anh cũng muốn giống như nhà thơ nào đó "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao."(*)
Thời thế này thì đành phải thế, anh chưa từng biết cái khổ cực của lao động tay chân như thế nào, chưa từng cày sâu cuốc bẩm ra sao nên anh tưởng mọi việc sẽ như mình tính. Rõ là "chưa thấy quan tài chưa đổ lệ," sau này anh tâm sự với Hà như vậy.
Đa số dân lên vùng Kinh tế mới đều được nhà nước khuyến khích trồng cây mì vì cây khoai mì không bỏ thứ gì, củ mì dùng để ăn, làm bột, xác mì nuôi heo, thân cây và vỏ củ mì cho bò ăn hoặc phơi khô làm củi, lá già cho bò ăn, đọt mì non luộc lên chấm muối dành cho người ăn cũng qua bữa. Anh Phúc làm đổi công với bác Sáu đã trồng được mấy công mì và vẫn còn đang tiếp tục khai phá đất để trồng thêm.
Một hôm chị bị thai hành mệt và khó thở anh vội vàng đưa chị đi trạm xá khám thai quên khoá cái tủ sắt duy nhất anh mang từ Sàigòn lên nên kẻ gian lẻn vào lấy hết số tiền và vàng của anh chị. Từ đó hai vợ chồng thường xuyên ăn cơm độn khoai mì như bao nhiêu người khác, chỉ thương cho chị đang mang thai gần ngày sinh nở.
Khi Hà và hai bạn đến ở nhà bác Sáu, bọn Hà và bác Sáu thường chia xẻ lon gạo, tô canh tép hay chén cá kho cho chị, để chị có thêm phần dinh dưỡng nuôi thai nhi trong bụng. Họ thân nhau như ruột thịt, mọi người giúp anh chị sắm quần áo, khăn tã cho bé, nôn nao mong sớm được thấy mặt bé ra đời.
Ngày 25 tháng 12 năm 1977, giai đoạn khổ nhất từ sau 30-4 -1975, chị chuyển bụng hạ sinh một bé gái đẹp như thiên thần. Vì ăn uống thiếu thốn nên chị kiệt sức nhiều trong hậu sản; hai tháng sau chị bị ngộ độc khoai mì và ra đi vĩnh viễn.
Chỉ có hai năm mà đội lên đầu ba vành tang trắng, tưởng chừng anh Phúc không còn nước mắt để khóc nữa. Nỗi đau như chai lì vô cảm, không ai thấy anh nhỏ một giọt lệ nào khi đưa tang vợ; anh chỉ rơi nước mắt khi ôm con thơ vào lòng âm thầm ngồi trước bàn thờ mỗi đêm.
Nhớ vợ, thương con anh cô đơn với thân gà trống nuôi con và gọi bé là: Khoai Mì, hỏi vì sao anh lại gọi bé tên ấy và anh có định làm khai sinh với tên khác cho bé không? Mắt anh ửng đỏ, giọng trầm buồn: "Tôi muốn qua cái tên đó nhắc nhớ cái chết của vợ tôi, và cũng để cho tôi đừng quên bổn phận mình với đất nước với đồng loại đang trong cảnh đói nghèo, bi đát tột cùng này."
Hà và hai người bạn trọ chung nhà bàn với bác Sáu mang bé về chăm sóc cho anh được rảnh tay lo kiếm tiền nuôi con. Anh Phúc lúc đầu còn ngần ngại chưa đồng ý, anh lắc đầu nguầy nguậy, bác Sáu kiên nhẫn giải thích: "Anh à, được các cô giáo thương cháu giúp như vậy là quý quá. Anh cần phải lo đi làm thêm kiếm tiền mua sữa cho cháu; sống nơi rừng thiêng nước độc này cháu còn bé dễ bệnh tật, anh phải có chút tiền mà đưa cháu đi bác sĩ hoặc lo thuốc thang khi cần. Vả lại anh là đàn ông đâu biết cách chăm sóc trẻ con như chúng tôi."
Nghe có lý và cũng nể bác Sáu nên anh thuận tình, vả lại hai nhà sát cạnh nhau chứ có xa xôi cách trở gì đâu. Từ đó bé Khoai Mì là con chung của mọi người, bé kêu ba cô giáo bằng mẹ khi bắt đầu bi bô tập nói.
Dường như biết thân phận mình bé Khoai Mì rất dễ: dễ ăn, dễ ngủ, dễ tắm, dễ nuôi, dễ mọi thứ và đặc biệt là rất khoẻ mạnh. Không đủ tiền mua sữa hộp nên bé phải bú "độn" với nước cơm pha đường thùng mà không bị đau bụng hay tiêu chảy. Thật ngán ngẩm cái giai đoạn lầm than ấy, "lao động là vinh quang" nên người lớn ăn cơm độn khoai, bé bú độn nước cơm thay sữa mà không ai dám hé môi than phiền lời nào. Cứ mỗi tối anh nhận Khoai Mì về ngủ với con.
Một năm qua mau, nhìn bé chập chững bước những bước đầu đời lòng anh cũng nguôi ngoai nỗi thương nhớ vợ hiền.
Tình cảm thật khó nói, nó đến bất ngờ chỉ với một chữ "yêu", nó trêu ghẹo, nó gây thờ thẩn, nó tạo nhớ nhung nhưng không thể định nghĩa được nó. Ai đó đã viết "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu, Có nghĩa gì đâu một buổi chiều. Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu" Cũng thể ấy, Hà thương con rồi yêu cha từ lúc nào không biết; anh Phúc cũng đã nhìn Hà bằng ánh mắt âu yếm tự bao giờ không hay.
Tình cảm giữa hai người nảy sinh qua cây cầu nối là bé Khoai Mì. Hè năm 1979, Phúc theo Hà về thăm gia đình cô và nhân dịp này anh ngỏ lời xin được tổ chức "Lễ tuyên bố" với Hà.
Nhưng Mẹ không tán thành mối tình này vì cho rằng Hà là con gái mới lớn lại đi lấy một người hơn đến bảy tuổi, đã có một đời vợ, có con riêng cộng thêm cái nghèo. Mẹ giọt vắn giọt dài tỉ tê:
"Gia đình mình đã quá khổ, mẹ mong con có tấm chồng kha khá cho đở cực tấm thân, lại giúp được cho các em phần nào."
Hà nao lòng trước những giọt nước mắt của mẹ, cô như đứng trước ngã ba đường, còn năm đứa em thơ dại và phải lo thăm nuôi ba trong trại cải tạo mỗi quý.
Tuy mối tình đầu đời có tạo cho Hà nhiều cung bật cảm xúc nhưng cô là người sống với lý trí nhiều hơn. Do đó suy tới nghĩ lui nhiều đêm trằn trọc cô quyết định nếu không thành vợ thành chồng với anh Phúc, Hà nguyện sống độc thân trọn đời để cùng mẹ lo cho gia đình.
Tình yêu mới nẩy mầm như cây non hé nụ, không thể phát triển thêm vì bị tình cảm và bổn phận đối với gia đình đè nặng như cây lớn đè cây bé. Hôm nói cho anh biết mẹ không chấp nhận việc hai người thành thân, Hà gục đầu vào vai anh nức nở: "Nếu không thành vợ anh thì em sẽ ở góa trọn đời. Em quyết định rồi, em ở vậy lo cho mẹ và các em, em hứa sẽ cùng anh lo cho bé Khoai Mì đến lớn nếu anh không bước thêm bước nữa."
Từ sau đêm ấy, Hà rũ rượi như con chim bị thương. Mỗi lần ôm Khoai Mì vào lòng, trái tim Hà thắt từng cơn, thầm nhủ "Chờ thời gian sẽ năn nỉ mẹ thêm." Anh Phúc cũng lảng tránh không dám gặp Hà thường, nỗi buồn và sự cơ cực khiến anh già trước tuổi.
Bé Khoai Mì càng lớn càng giống mẹ như đúc, gương mặt trắng hồng giữa nắng trưa hè đôi má như hai qủa lựu rám nắng, cặp mắt to, đen bóng tợ hai hạt nhản lúc nào cũng sáng rực lung linh như hai vì sao đang nhấp nháy. Mỗi khi nghe gọi đến tên, bé cười nhoẻn đôi môi đỏ mộng trên chiếc miệng nhỏ xíu trông xinh xắn vô cùng, Hà và mọi người vẫn thương yêu lo lắng cho bé.
Đầu xuân 1980, anh Phúc xin phép đưa bé về Sàigòn để thăm bà nội của anh. Đêm ấy, sau khi Khoai Mì ngủ, Hà phụ sắp soạn quần áo của bé để anh mang theo, Hà nhìn anh qua ánh đèn dầu leo lét:
"Anh định đi mấy ngày để em biết mà soạn đồ cho Khoai Mì?"
Anh kéo Hà ngồi xuống bên cạnh, nâng cằm người yêu lên nhìn sâu vào đáy mắt luôn u buồn của Hà, nén xúc động anh thì thầm vừa đủ Hà nghe:
"Hà nè, anh ra đi lần này không biết bao giờ trở lại. Bà nội gom góp được số vàng cho anh và chú Út đi vượt biên, mang cả bé Khoai Mì theo. Xin lỗi em, anh phải ra đi chưa biết thế nào, sống chết ra sao, anh xin tạ lỗi vì đã không thể mang em theo được cho đến tận cùng trời cuối đất như lòng hằng ao ước. Nếu anh còn sống, quả đất còn tròn và mình còn có cơ duyên gặp lại nhau mà em vẫn độc thân anh sẽ xin lấy em làm vợ." Anh nói một lèo như thể sợ bị ai ngăn lại, Hà chới với như vừa bị tung lên khoảng không.
Chóang váng, mụ mẫm, ánh mắt đã buồn càng thêm u uất nhìn chằm chằm anh khiến anh phải quay đi lãng tránh, ôi ánh mắt này có lẽ sẽ theo anh suốt đời.
Hà cắn chặt môi, cố nén nỗi đau vào lồng ngực. Giọng anh như gió thoảng bên tai, đứt quãng "Anh xin lỗi,.. cho anh xin lỗi em ngàn lần... Anh thề yêu em đến trọn kiếp này. Hãy quên anh đi em, rồi thời gian…" Anh định nói thời gian sẽ là liều thuốc mầu nhiệm giúp em quên anh, nhưng Hà đã vuột khỏi tay anh bỏ chạy về nhà.
Vậy đó, tình yêu của Hà và anh Phúc chấm dứt kể từ đêm chia tay ấy. Thế rồi, một tháng, hai tháng… một năm trôi qua không có tin tức gì cha con Khoai Mì. Để chạy trốn kỷ niệm Hà xin nghỉ dạy, chuyển qua công việc thuyết minh phim cho đội chiếu phim tỉnh đoàn và về ở với gia đình.
Vì nhớ bé Khoai Mì và vẫn không có ý định lập gia đình nên Hà đã quyết định mang về một bé gái bị bỏ rơi giữa chợ để nuôi làm con. Hà nghĩ rằng sẽ không bao giờ có người đàn ông nào khiến tim Hà rung động như anh Phúc. Ban đêm Hà đi thuyết minh phim, ban ngày mua bán những mặt hàng nhu yếu phẩm kiếm thêm thu nhập. Khi con gái nuôi được năm tuổi Hà gặp Hợp, rồi những buổi hẹn hò, những lần họp bạn bình thơ, những chuyến công tác thuỷ lợi chung làm sâu đậm thêm tình cảm giữa hai người.
Thấy Hợp có nhiều đức tính giống anh Phúc trái tim Hà lại rung động bởi sợi tơ tình được nối lại với nhịp yêu. Hà kết hôn với Hợp mang theo con gái nuôi về Sàigòn sống với gia đình chồng cho đến khi sinh được con trai mười tháng thì cả gia đình chồng đậu phỏng vấn đi Mỹ theo diện H.O. Hợp cũng có tên trong danh sách xin đi Mỹ trước khi gặp Hà bảy năm.
Ngày chia tay chồng, Hà quay vào phòng ngồi bó gối nhìn con, đắng lòng nhớ lại lần chia tay với anh Phúc, tuy có khác nhau nhiều nhưng vẫn là hai chữ "chia tay." Với Phúc là chia tay một mối tình vô vọng, không mong gì có dịp đoàn tụ với nhau. Với chồng là sự chia tay trong hy vọng đoàn tụ nơi một xứ sở mới tốt đẹp hơn; lần chia tay này Hà đã là gái một con trông mòn con mắt với nhiều cám dỗ cho cả hai.
Thời gian qua nhanh, rồi cũng đến ngày Hà được chồng bảo lãnh qua Mỹ với hai con. Gia đình hạnh phúc, con cái thành nhân, con gái đi dạy học, con trai đang học trường Y, vợ chồng Hà vẫn còn đi làm. Bây giờ không ngờ gặp lại anh Phúc và bé Khoai Mì nơi đây. Tại sao anh phải ngồi xe lăn? Anh bị tai biến chăng? Bao lâu rồi? Lâu nay anh vẫn sống độc thân?
Cố nhắm mắt nhưng cái đầu lì lợm vẫn mở, Hà nhìn lên đồng hồ, đã ba giờ sáng. Hà cố dỗ giấc ngủ với dự định ngày mai sẽ làm ổ bánh khoai mì nướng (món bánh anh Phúc thích nhất) mang sang tặng nhà "hàng xóm."
*
Tám giờ sáng, Hà ra sân tưới cây chị cố ý đưa mắt sang nhà đối diện vì Hà muốn biết chính xác có phải là cha con bé Khoai Mì không? Cửa vẫn đóng im ỉm, chắc họ còn ngủ nhưng không thấy xe đậu ngoài sân, có lẽ cô ấy đậu trong gara. Hà thất vọng vào nhà chuẩn bị cơm trưa và làm bánh như đã định.
Từ cửa sổ nhà bếp Hà nhìn qua nhà đối diện rất rõ, chị vừa nấu nướng vừa để ý chờ bên kia mở cửa. Khoảng chín giờ ba mươi, họ về đến, à, họ đi chợ sớm Hà hồi hộp bước ra sân vườn đứng bên cây ổi sum suê vờ tìm ổi nhưng thực ra ánh mắt lọt qua khe lá chăm chú quan sát những người từ xe xuống.
Kia rồi, người phụ nữ rời tay lái xuống mở cốp xe lấy chiếc xe lăn đẩy lại phía cửa bên kia, đỡ người đàn ông ngồi vào xe. Hà đưa tay chặn ngực, tim đập thình thịch. Đúng là anh Phúc và Khoai Mì rồi, cô ấy đẹp và giống mẹ quá, giống từ gương mặt đến vóc dáng, cả tướng đi cũng giống. Anh Phúc trông dày dạn hơn nhưng không thể nào Hà nhầm lẫn cái gương mặt chữ điền với hàm râu quai nón ấy. Hà ngồi bệt xuống khoảng đất có bụi hồng nhung um tùm mắt dõi theo cha con họ trong hồi hộp và xúc động. Hà quệt vội hai giọt lệ nóng vừa lăn dài. Khoai Mì tiếp tục đỡ con gái xuống xe, cháu khoảng ba, bốn tuổi giống y Khoai Mì lúc còn nhỏ. Bé chạy đến đòi đẩy xe cho ông, hạnh phúc hiện rõ trên gương mặt của cha con ông cháu họ.
Hà đứng lên môi hé một nét cười mãn nguyện chị lẩm bẩm: "Thật quả đất vẫn tròn," chị đi vội vào nhà để chuẩn bị nướng ổ bánh khoai mì. Vừa làm bếp chị vừa nghĩ đến thái độ anh Phúc không biết sẽ ra sao với cuộc hội ngộ bất ngờ này, cả chồng chị nữa? Biết tính chồng nhân hậu và rất cảm thông nên Hà mới dám dành cho anh sự ngạc nhiên này. Chị tủm tỉm một mình "Hợp ơi, anh luôn là người chồng tốt và là người yêu tuyệt vời của em, anh Phúc chỉ là người của dĩ vãng mà thôi, em biết anh hiểu lòng vợ anh mà."
Hà ngồi trước gương nhìn kỹ từng nét trên mặt, kẻ lợt lằn chì đen lên mi mắt trông có vẻ buồn hơn, Hà nhớ anh Phúc thường bảo "Đôi mắt em buồn thiu à"; dặm tí phấn hồng, phớt nhẹ lớp son chị săm soi từng nét thắc mắc "Không biết anh Phúc có nhận ra mình không?" Thảo nào Phan Khôi đã viết "…tình cờ đất khách gặp nhau, Đôi mái đầu đều bạc. Nếu không quen lung đố nhìn ra được, con mắt còn có đuôi." Chị cố che lấp mấy dấu chân chim nơi đuôi mắt bằng chút phấn hoá trang.
Mười một giờ trưa, đoán chừng gia đình hàng xóm chuẩn bị bữa ăn đã xong vợ chồng Hà sắp xếp qua thăm trước giờ ăn "Để kịp tặng ổ bánh cho họ ăn tráng miệng," Hà nói. Chị hồi hộp tay xách ổ bánh thơm lừng tay ôm con búp bê còn trong hộp, ông xã nhấn chuông. Thiếu phụ ra mở cửa vừa thấy vợ chồng Hà cô vui vẻ mời vô phòng khách, cô xin lỗi vì mới về chưa ổn định nên chưa qua chào gia đình Hà được. Lát sau cô đẩy xe lăn cho bố ra chào khách, anh Phúc vui vẻ bắt tay Hợp, hai người tự giới thiệu với nhau.
Nãy giờ Hà cố ý kéo dài thời gian mở quà cho cháu gái và quay lưng về phía anh Phúc để nén xúc động. Khi chị quay lại chào anh mặt đối mặt, anh sửng sốt ấp úng:
"Xin lỗi…là Hà phải không?"
"Dạ là em đây," giọng chị lạc đi "Thật không ngờ gặp lại bố con anh ở nơi này, em cứ ngỡ là mơ."
Niềm vui vỡ oà, sóng mũi cay cay hai hàng nước mắt ứa ra Hà quay sang chồng:
"Anh Đây là anh Phúc và con gái là Khoai Mì mà em đã thường kể cho anh nghe, anh nhớ không?"
Chồng Hà cũng bất ngờ như anh Phúc. Hai người đàn ông nhìn nhau thoáng một nốt lặng, mỗi người một suy nghĩ. Không biết họ nghĩ gì nhưng chắc chắn là họ tìm cách tránh sự khó xử cho cả hai, chắc chắn họ không muốn Hà buồn. Khoai Mì đặt vội khai nước lên bàn sà xuống cạnh Hà, ôm vai chị lắc lắc gìọng gấp rút, vui mừng, phá tan bầu không khí ngỡ ngàng của mọi người:
"Vậy cô là cô Hà mà khi con còn bé cô đã nuôi con thay mẹ đây sao? Ôi, không ngờ con được gặp cô ở đây, cô đẹp quá, ba con nhắc cô hoài và kể cho con nghe về thời khốn khổ đó. Ngoài cô còn hai cô và bà Sáu cùng nuôi con nữa đúng không cô?"
Vừa lau nuớc mắt vừa vuốt tóc Khoai Mì, Hà chỉ biết gật đầu chứ không thốt thành lời. Anh Phúc hít một hơi dài rồi thở ra nhè nhẹ, hết nhìn chồng Hà rồi đến hai người phụ nữ lắc đầu:
"Thôi, hai người đừng làm cho ông trời đổ mưa nghen. Đàn ông chúng tôi sợ nước mắt lắm đó, phải không anh?"
Anh Phúc khéo léo kéo chồng Hà vào cuộc, thế là câu chuyện tự nhiên hơn sau phút giây ngỡ ngàng của cuộc gặp gỡ bất ngờ này. Nhờ vậy, câu chuyện dần tự nhiên, thoải mái.
Một bữa cơm trưa thân mật được góp với món cá kho tiêu và canh mùng tơi nấu tôm tươi của Hà mang qua. Hai người đàn ông vừa trò chuyện vừa nhâm nhi vài chai bia, Hà và Khoai Mì cũng cụng ly rượu đỏ mừng ngày hội ngộ.
Anh Phúc cho biết lần đi vượt biên đó trời thương nên một tuần họ đến đảo, sáu tháng sau bác của anh Phúc ở Úc bảo lãnh ba người qua đoàn tụ. Tại Úc anh đã một thân nuôi Khoai Mì với đồng tiền trợ cấp của chính phủ. Đến khi cháu đủ tuổi đi học thì anh cũng đi làm và vẫn sống cảnh gà trống nuôi con; anh thường kể cho con nghe cuộc sống khốn khổ ở Việt nam và lý do mẹ mất.
Anh thường nhắc đến những ân nhân đã giúp anh nuôi cháu và mối tình không thành của anh với cô Hà. Anh làm phụ bếp cho nhà hàng ban ngày, buổi tối ở nhà với con để nhắc nhở và giúp con học hành, hai bố con anh là nguồn khích lệ lẫn nhau. Anh Phúc chọn tên Mỹ cho Khoai Mì là Kiera vì mái tóc đen nhánh giống mái tóc của mẹ. Nhưng ở nhà anh vẫn gọi là Khoai Mì. Khoai Mì là học sinh giỏi mỗi năm, cô tốt nghiệp ngành nha khoa theo mong ước của bố. Chồng cô là bác sĩ ở Mỹ qua Úc thực tập để bảo vệ luận án tiến sĩ, trong thời gian đó họ gặp nhau.
Theo chồng về Mỹ sống ở Ohio là một tiểu bang khá lạnh, khi con gái được hai tuổi thì chồng Hà vĩnh biệt vợ đẹp con thơ trong một tai nạn giao thông. Hôm ấy anh con rể chở cha vợ đi từ Michigan về Ohio, tuyết rơi dầy đặc hạt tuyết to như những mảng bông của trái gòn từ trên cây rơi xuống trắng cả bầu trời và ngập cả đường, Đến một cua quẹo gắt anh đã giảm tốc độ nhưng vì không nhìn thấy rõ lằn ranh anh không định vị được nên tay lái trượt qua len đường bên kia. Xe ngược chiều cũng không thắng kịp và tay lái bị trượt theo tuyết, tai nạn xảy ra cả hai tài xế đều tử vong. Anh Phúc bị chấn thương hai chân bất tỉnh, sau tai nạn hai chân anh liệt hẳn không còn cử động được nữa từ đó anh Phúc phải di chuyển trên xe lăn.
Anh lắc đầu hướng ánh mắt thương cảm về con và cháu: "Số phận nghiệt ngã cứ đuổi theo Khoai Mì, thật tội cho nó, mới chừng ấy tuổi đầu đã hai lần chịu tang; mới hai tháng đã mang tang mẹ, hơn nửa đời người lại đội tang chồng. Nếu không có nghị lực chắc cháu đã ngã qụy chứ không đứng nổi đến ngày nay để lo cho bố, cho con"
Hà cố nuốt nhưng cổ họng nghẹn lại không trôi được miếng cơm. Anh Phúc cho biết quyết định chuyển về Cali sống là theo ý của Khoai Mì, cô bảo Nam Cali thời tiết ôn hoà hai chân bố sẽ không đau nhức thường xuyên như ở xứ lạnh. Năm trước cô nộp đơn xin việc ở các trung tâm nha khoa đến năm nay mới có chỗ chấp nhận. Xin được việc làm ở quận Cam, Khoai Mì bèn tìm mua nhà và quyết định di chuyển ngay. Không ngờ thượng đế nhân từ còn cho anh và Khoai Mì có được niềm vui là tìm được căn nhà vừa ý mà lại được gặp Hà sau mấy mươi năm bặt vô âm tín.
Anh nhìn Hợp ánh mắt xa xăm giọng bức xúc: "Cũng may là đi được đến bến bờ tự do chứ nếu còn kẹt lại ở Việt Nam ngày nay không biết bố con tôi ra sao? Có thể cháu Khoai Mì đang mua gánh bán bưng hay bán vé số dạo hoặc đi làm mướn làm thuê..."
Hợp đồng tình:
"Anh nói đúng lắm, biết bao nhiêu đứa trẻ chứ không riêng gì cháu khi qua được đất nước tự do trở thành nhân tài. Nếu các cháu ở lại Việt nam chắc chắn không được đi học tới nơi tới chốn thì nói gì đến chuyện phát triển tài năng cho được."
Anh Phúc mời mọi người nâng ly chúc mừng cho buổi hội ngộ như huyền thoại này:
"Biết Hà có mái ấm gia đình, có người chồng tốt và con cái đều thành nhân lòng tôi vô cùng ấm áp và mừng vui. Từ nay tâm hồn tôi sẽ nhẹ nhàng và không còn tiếc nuối gì nữa. Ít nhiều gì Hà cũng là ân nhân của bố con tôi nên xin phép anh Hợp cho Khoai Mì được cơ hội đền ơn đáp nghiã mẹ nuôi của cháu."
Ông xã Hà mở lời:
"Từ nay sống cạnh nhau đây, anh cho phép chúng tôi xem gia đình anh như người nhà, anh lớn tuổi hơn nên làm anh của chúng tôi, còn cháu (anh quay sang Khoai Mì) hãy xem cô chú như ba mẹ cháu vậy, cháu cứ gọi cô Hà là mẹ nếu thích còn chú là ba, vì suýt chút nữa cô Hà cũng đã là mẹ cháu rồi, đúng không?"
Hợp cười giòn sau câu hỏi khiến mọi người bật cười theo. Khoai Mì nhìn bố dò ý, anh Phúc khoát tay với con:
"Còn không cám ơn ba mẹ đi, từ nay có thêm người thương yêu con lo cho cháu ngoại và con gái bố là bố mừng rồi đấy."
Hà mở vòng tay, Khoai Mì nhào vào hôn chị chùn chụt giọng nhẹ như gió thoảng: "Từ nay con có mẹ rồi. Mẹ ơi..."
Tiếng gọi thiêng liêng ấy khiến mọi người đều xúc động. Hà đi cắt ổ bánh khoai mì bưng đến bàn, anh Phúc chớp chớp mắt cảm động vì không ngờ Hà còn nhớ đến món bánh thuở cơ cực ấy, anh nhìn sang Khoai Mì, nhìn Hà rồi lại nhìn ổ bánh, cả ba như nhập nhoè trong mắt anh. Bưng điã bánh mời Hợp, Khoai Mì vòng tay như trẻ con:
"Dạ, con xin cám ơn ba Hợp cho con được làm con của ba mẹ. Xin mời ba dùng bánh." Cô cũng mời anh Phúc và Hà cùng thưởng thức món bánh nướng mang tên cô do tay mẹ Hà làm. Hà vuốt tóc Khoai Mì, lòng bồi hồi, lặng yên để lắng nghe con tim đang thổn thức với niềm hạnh phúc bất ngờ vừa đến, chị vấn lòng: "Tôi đang mơ hay tỉnh đây?"
Garden Grove, 3/ 25/2016
Ghi chú: (*) Trích trong bài thơ "Nhàn" của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nguồn: email