Thursday, June 30, 2016

QUÊ HƯƠNG CỦA NHẬT LỆ





                                                                                    NGUYỄN KỲ PHONG




Patria cara, Carior libertas.
Quê hương thì thân yêu. Nhưng tự do còn thân yêu hơn.




Sau khoá học đầu tiên của ban cao học về Liên Hệ Đông Âu ở Johns Hopskins School of Advance International Studies tôi có dịp được đi học hè ở Prague, thủ đô Tiệp Khắc. Với một phí tổn là $400, sinh viên được bao ăn ở và theo học một tháng về văn chương hiện đại Tiệp Khắc do đại học Carolinum, một trong những đại học cổ nhất ở Âu châu tổ chức. Đúng ra, tôi chỉ muốn đi nghỉ hè ở Prague chứ không thích gì về văn chương Tiệp Khắc cho lắm. Tôi chỉ biết có ba văn sĩ nước đó. Milan Kundara, với một tác phẩm tôi rất thích, The Unbearable Lightness of Being. Frank Kafka, một tác giả về siêu hiện sinh, và Jaroslav Siefert, một nhà thơ già vừa được giải văn chương Nobel.
Khoảng giữa tháng bảy, tôi đặt chân xuống Prague. Tiệp khắc đẹp không thể tả.

Vài ngày sau khi đến Prague, tôi tình cờ quen một cô gái Việt Nam trên chuyến xe bus, khi chúng tôi ngồi cùng băng ghế, đi từ thư viện Lenin ở đường Hybernska mãi cho đến khu Hradcany, một trung tâm văn hoá - một đoạn đường khá xa để hai người ngồi cùng băng yên lặng. Người con gái có tên là Nhật Lệ. Lúc đầu nàng rất ít nói, nhưng khi biết được tôi từ Mỹ đến, nàng rất vồn vã với nhiều câu hỏi.

Người con gái có đôi mắt rất Việt Nam và một nụ cười thật tươi. Lúc nói chuyện, nàng có một thói quen rất khêu gợi: nhìn thẳng vào mắt người đối thoại, cúi mặt và mĩm cười. Và lúc nào nàng cũng theo thứ tự đó. Nhật Lệ nói cho tôi biết là nàng ở Prague được sáu năm. Đang theo học về ngành sư phạm ở đại học Kozlekedisi Foiskola. Sanh ra ở Quảng Bình, lớn lên ở Hà Nội từ lúc mười tuổi. Nhật Lệ nói tiếng Việt thật hay, thật quyến rũ. Tôi khó quên được lần gặp gỡ đầu tiên đó. Sau khi hẹn gặp lại nhau ở thư viện Lenin vào một chiều cuối tuần, nàng xuống xe, quên nói cho tôi biết là tôi đang ở đâu. Khi xe bus đến trạm, tôi phải bỏ ra gần một tiếng đồng hồ mới tìm được người biết tiếng Anh, để chỉ đường cho tôi trở lại cư xá của đại học Carolinum.

Hai người gặp lại nhau bốn ngày liên tiếp. Thích nghe chuyện của nhau. Tôi muốn nghe về Hà Nội, về Quảng Bình, quê hương của Nhật Lệ. Nàng muốn nghe tôi nói về đời sống ở Mỹ, về Sài Gòn, về những lý do tại sao tôi "đã hơn ba mươi tuổi rồi mà vẫn chưa vợ "... Có một điều làm tôi rất ngạc nhiên là Nhật Lệ luôn luôn hỏi tôi nghĩ thế nào về chuyện trở về Việt Nam để giúp đỡ quê hương. Tôi chỉ trả lời với nàng là tôi vẫn chưa nghĩ đến chuyện đó. Trong suốt bốn ngày, Lệ đưa tôi đi thăm những nơi thật đẹp như cầu Karluv Most, công trường Phố Cũ, lâu đài Prague và bảo tàng viện Bedrich Smetana trên bờ sông Vltava, một con sông thật thơ mộng.

Buổi chiều ở bảo tàng viện là một buổi chiều tôi hôn được  Nhật Lệ , khi tôi thủ thỉ vào tai nàng câu "If I can write the beauty of your eyes ". Để được một nụ hôn, tôi dịch ra tiếng Việt cho nàng nghe là " Ước gì tôi tả được đôi mắt nàng !" Một buổi chiều cuối tháng Bảy, chúng tôi đứng thật gần nhau để nhìn mặt trời đang xuống dần ở bên kia bờ sông Vltava. Bên kia bờ sông là Rạch Quỷ, với một rừng âm u của những màu lá vàng, đỏ, tím. Và không khí của tháng Tám ở Prague yên lặng như đôi mắt của Nhật Lệ.

Chiều hôm đó, khi chỉ còn hai tuần nữa là tôi phải trở lại Mỹ, tôi hỏi Lệ " Em đã bao giờ biết yêu ?". Nàng nhìn tôi, cúi mặt, mĩm cười. Nàng vẫn theo thứ tự đó. Với cái bản năng chiếm hữu của đàn ông, tôi muốn ở Lệ nhiều hơn là những nụ hôn. Nhưng nàng rất do dự. Tuần kế tiếp, tôi chờ Nhật Lệ ở thư viện Lenin ba hôm liên tiếp nhưng không gặp nàng. Không có điện thoại, không rành đường đến nhà nàng, tôi không biết làm gì hơn là chờ.

Sau cùng, Lệ đến thư viện để gặp tôi. Khi gặp nàng, tôi không biết ngượng khi tôi nói với nàng, "đi em, mình đi tìm một chỗ nào đó để hôn nhau". Tôi đưa nàng đến khu Phố Cũ (Stare Mesto), vào ngồi trong một quán café có tên là U Rudolfa, một quán nhỏ, rất tình. Khi phố lên đèn, chúng tôi đi ciné. Đêm đó, nàng không nói gì khi tôi đưa nàng về phòng tôi ở cư xá Carolinum. Qua đêm, tôi biết tất cả về Lệ. Sau cơn nhiệt tình, tôi nằm thừ người ra, thấy rất hối tiếc. Hối hận thì đúng hơn. Vì hối tiếc là khi mình có thể làm một cái gì đó để đền bù lại (như trong trường hợp tôi lấy Lệ). Hối hận là khi tôi không thể làm gì được. Không phải là trong lúc này. Không đầy một tuần nữa là tôi phải trở lại Mỹ...
Tôi bỏ ra khỏi phòng tìm mua cà phê khi Lệ khóc hoài không nín.

"Em sanh ra ở Quảng Bình, huyện Lệ Thuỷ, nơi có Luỹ Nhật Lệ, hay còn gọi là Luỹ Thầy, trên bờ sông Nhật Lệ. Anh biết không, ở ngoài Trung có rất nhiều địa danh rất đẹp như sông Thu Rơi, Thu Bồn, làng Duy Xuyên, Hiền Sĩ, Cổ Bi...Bố đặt tên em là Nhật Lệ vì bố mẹ đã gặp  nhau trên những chuyến đò đi qua sông đó. Ba em mang quân hàm Thượng Uý, phục vụ ở trung đoàn 32 khi ông hy sinh vì nghĩa vụ ở Dakto, ở chiến khu 5. Cậu em cũng tham dự trận đó, nên khi bố em chết, cậu em có đem về được quyển nhật ký của bố em. Sau trận đánh cậu em được giải ngũ vì bị tàn phế. Vì Đồng Hới và Quảng Bình thường bị dội bom nên cậu và mẹ em dọn về Hà Nội. Em học rất khá, là con tử sĩ nên được gởi đi Tiệp Khắc để học về ngành giáo dục. Vả lại khi còn sống, bố em quen biết rất thân với tướng Hoàng Minh Thảo từ lúc ông còn là trung đoàn trưởng  trung đoàn 66 ở trận Điện Biên, và bố em còn biết luôn cả bác Chu Huy Mẫn khi bác còn chỉ huy hai trung đoàn 32 và 33  ở mặt trận Tây Nguyên. Em qua đây, không mong gì hơn là học được thành tài  để trở về giúp đỡ quê hương.
Em thương nước Việt mình lắm. Đọc quyển nhật ký của bố em hoài  nên em quen từng địa danh của quê hương. Mỗi khi có ai gọi em là Nhật Lệ, em nhớ đến dòng sông. Sông đẹp, nhưng không nuôi được dân làng....Em sẽ về để phục vụ quê hương. Biết em rồi, anh có thương em không ? Anh có muốn về cùng em để phụng sự đất nước mình không ?".

Tôi run lên vì xúc động khi nghe câu chuyện của Nhật Lệ. Câu chuyện nghe như thật. Nhưng phải thật, vì có bao nhiêu người con gái biết được Dakto nằm ở chiến khu 5, hay là hai trung đoàn 32 và 33 là hai trung đoàn cơ bản  của mặt trận Tây Nguyên đâu. Tôi ngồi lên nhìn Lệ, không biết phải nói gì. Tôi càng hối hận hơn. Nói theo một cảm giác của Shakespeare là, " Dù có tất cả hương thơm của xứ Ả Rập cũng không rửa được bàn tay đẫm máu này". Trong cơn hối hận, tôi chỉ biết dỗ dành nàng bằng những nụ hôn. Nửa đêm, khi làm tình với Nhật Lệ, tôi để ý thấy nàng khóc...Chắc chắn không phải là những " giọt nước mắt của người con gái về nhà chồng ", tôi nghĩ.

Buổi sáng hôm đó, khi thức giấc, Lệ đã về. Nàng viết lại mấy dòng, nói nàng muốn gặp tôi chiều mai ở một công viên đối diện  với một nghĩa trang ở đường Kozi, " gần lâu đài Agnes Kloster, ở khu Phố Cũ, từ trường Carolinum ra đó rất gần, em mong gặp anh. Mình sẽ có nhiều chuyện để nói ", nàng viết. Tôi không nghĩ là lương tâm tôi có thể bình thản được khi tôi trở lại Mỹ. Tôi nằm thừ người ra, ước mình không làm những gì mình đã làm đêm qua. Ước gì đêm qua chỉ là một giấc mơ.

Khi gặp Lệ, với một vẻ cầu khẩn, nàng muốn tôi ở lại Tiệp Khắc sáu tháng nữa,  khi nàng học xong hai đứa cùng trở lại Việt Nam. "Em đã nói chuyện với một người rất thân ở toà đại sứ. Toà đại sứ sẽ lo vấn đề di trú của anh với chánh phủ Tiệp Khắc, anh không phải sợ gì cả. Em yêu anh. Khi đã trao thân cho anh rồi, em không thể thiếu anh. Mình sẽ cùng về Việt Nam, đem tài ra xây dựng lại tổ quốc mình. Đất nước đã được tự do dân chủ rồi, bây giờ chỉ cần tái thiết lại mà thôi. Gia đình, quê hương vẫn còn ở Việt Nam, anh ở đây làm gì ? Anh, nếu thương em, hãy nghe lời em".
Lệ nhìn tôi, cầu khẩn một câu trả lời. Trước khi gặp nàng tôi nghĩ tôi đoán được  một phần nào câu chuyện của Lệ muốn nói với tôi trong cuộc gặp gỡ hôm nay. Nhưng tôi đã nghĩ trật. Thay vì nàng muốn tôi đưa nàng về Mỹ, như tôi đã dự đoán, Lệ muốn thuyết phục tôi cùng nàng về Việt Nam ! Chuyện về Việt Nam là chuyện ngoài vấn đề  đối với tôi. Mặc dù chuyện lên toà đại sứ Việt Nam ở Tiệp Khắc xin hồi hương là chuyện có thể xảy ra được. "Anh nghĩ  gì vậy anh ? Anh phải trả lời em đi ". Nhật Lệ hỏi tôi khi thấy tôi ngồi lì trong yên lặng.


"Em, anh rất thất vọng về chuyện em làm. Lẽ ra em phải nói cho anh biết trước về chuyện em liên lạc với toà đại sứ. Tuy nhiên chuyện đó  chỉ là chuyện phụ. Chuyện quan trọng nhất  là chuyện anh ở lại đây với em, chờ em ra trường  để hai đứa cùng trở lại Việt Nam. Anh sống với em được, nhưng anh không thể trở về quê hương mình trong lúc này. Nước Việt Nam mình bây giờ không có được tự do, dân chủ như em vừa nói. Nước Việt mình bây giờ còn tệ hơn cái nước Việt Nam mà anh đã từng biết,
từng lớn lên. Em, ở xã hội chủ nghĩa không có tự do dân chủ, có chăng chỉ là  những cái bóng của những danh từ đó. Em hiểu lầm ý nghĩa của tự do. Tự do không phải là những quyền mà chính phủ của một nước  cho người dân. Vì như vậy, chính quyền có thể lấy sự tự do lại lúc nào cũng được. Tự do có nghĩa là cái quyền của người dân được nói cho chính quyền biết là họ đã vi phạm những gì mình nghĩ là tự do. Và như anh biết, ở Việt Nam bây giờ, không ai dám nói cho chính quyền biết  là họ đang đi ngược  lại những quyền  tự do căn bản nhất. Nước Việt Nam chưa có tự do em ạ. Làm sao anh có thể trở về được ?".

Trời lúc đó đã tối khi tôi nói cho Nhật Lệ nghe hết những gì tôi nghĩ về sự tự do và nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Nàng sụt sùi khóc. "Em phải về,  anh ạ. Em muốn anh đến nhà em vào chiều mai để mình tính lại. Những gì anh nói về nước mình, em không biết, và em cũng không cần biết. Em chỉ biết là ở quê hương còn mẹ, còn đàn em, và em phải trở về. Lý tưởng không có nghĩa gì nếu mình không có một quê hương để phụng sự. Em không thể quên anh được. Anh phải có trách nhiệm với em." Lệ nói với tôi khi nàng đưa tôi  địa chỉ nhà.

 Hai đứa cùng lên một chuyến xe bus - như lần đầu tiên  gặp nhau - để đi về. Tôi hôn nàng khi gần đến cư xá đại học. Khi xuống xe, tôi nhớ tôi đã chào giã từ nàng bằng một lối chào nhà binh. Trong bóng đêm, tôi không biết nàng có thấy tôi chào nàng không.
Tôi dậy thật sớm vào buổi sáng cuối cùng ở Prague. Thu dọn đồ vào valise, tôi đi lên phòng học vụ báo cho họ biết là tôi sẽ dùng phương tiện tự túc để ra phi trường. Lên xe bus, tôi đi một vòng Prague lần cuối. Tôi xuống ở khu Phố Cũ, vào quán café U Rudolfa ngồi để viết cho Nhật Lệ  một lá thư.

"Nhật Lệ, anh đã nghĩ rất nhiều về chuyện em nói, chuyện quê hương của mình...Anh vẫn còn mẹ và đám em ở quê nhà như trường hợp của em. Nhưng anh không thể trở lại quê hương mình được. Không phải là lúc này. Quê hương mình chưa có tự do. Em, Quê hương thì thân yêu, nhưng sự Tự Do còn thân yêu hơn. Giữa quê hương và tự do, anh chọn tự do. Anh về Mỹ nhưng vẫn nhớ đến em. Địa chỉ của anh ở Mỹ là...Liên lạc với anh để anh biết về đời sống của em ở bên này. Em ở lại bình yên."

Tháng  Tám, đường phố Prague có vẻ nghiêm ngặt. Cảnh sát bày những hàng rào kẽm gai ra đường phố dẫn vào các công trường để ngăn ngừa những đám biểu tình hằng năm, chống việc Nga chiếm Tiệp Khắc (Tiệp Khắc nổi loạn chống Nga vào tháng tư, nhưng lễ kỷ niệm tổ chức vào tháng tám, vì đó là lúc Nga hoàn tất việc chiếm đóng). Trời Prague hôm đó có nhiều mây. Thứ mây  mưa có một màu xám tro trông thật hung dữ. Prague ngày hôm đó không được đẹp như ngày tôi đến.

Tôi về Mỹ, một khoảng thời gian sau, nhiều người bạn nói với tôi là, có, ở ngoài Trung có một con sông tên  Nhật Lệ. Nhưng khi nghe về chuyện tôi đã quen một người con gái mang tên dòng sông đó, họ chỉ cười, có vẻ không tin.




Nguyễn Kỳ Phong
1990



-----------------------
Nguồn : VĂN, số 93, tháng 3-1990















No comments:

Post a Comment