Wednesday, June 29, 2016
LÊN CAO HÔN TRỜI
NGUYỄN HƯNG QUỐC
Trong sinh hoạt thơ ca miền Nam giai đoạn 1954-1975, giữa lúc mọi người thích huyên náo thổi kèn và đánh trống, thi nhau tạo nên những tiếng động ồn ào và chói, thì có một người lặng lẽ bỏ đi xa, lên một ngọn đồi thật khuất và thật vắng, với một cây sáo nhỏ. Người ấy không thổi. Ông gắn cây sáo vào chiếc diều rồi thả lộng lên trời cao để cho gió thổi, trời đất thổi. Trong âm thanh dìu dặt của tiếng sáo, người ta nghe thấy tiếng thở của ông lẫn với tiếng thở của "Thiên địa du du" và của cả nhân loại "Mang mang vạn cổ sầu". Người ấy là Cung Trầm Tưởng.
Cung Trầm Tưởng làm thơ ít lắm. Hình như ông chỉ có một tác phẩm duy nhất in chung với Phạm Duy và Nguyễn Cao Nguyên năm 1959: TÌNH CA. Cung Trầm Tưởng lại không hay "phát ngôn" ồn ào gây sôi động dư luận. Ngay trước năm 1975, ở miền Nam, cơ hồ đã nhiều người quên Cung Trầm Tưởng. Quên tên, quên tuổi. Quên một tấm căn cước. Quên một chiếc ghế ngồi. Tuy nhiên có một nghịch lý : hình dáng người có thể bị quên lãng song những tiếng chân khua của con người ấy trên những vần lục bát xôn xao tâm sự kia thì cứ còn lại mãi, ngân vang mãi, hoà âm không nguôi với nhịp đập của mọi trái tim còn biết bâng khuâng.
Lục bát là thể thơ sở trường nhất của Cung Trầm Tưởng.
Mang máng nhớ, đâu đó, có người khen Cung Trầm Tưởng đã làm mới, thật mới thể thơ lục bát. Tôi không tin. Cái giọng điệu ngọt ngào trong lục bát Cung Trầm Tưởng đã có từ Nguyễn Du. Cái cách biểu hiện mang ít nhiều tính chất tượng trưng trong lục bát Cung Trầm Tưởng đã có từ Huy Cận. Cả cái cảm giác bơ vơ trước thời gian, không gian bàng bạc trong lục bát Cung Trầm Tưởng cũng đã có từ Thơ Mới, hoặc xa hơn, tư thơ Đường. Giọt nước mắt rưng rưng của Trần Tử Ngang ngày nào từng đọng lại trong Cung Oán Ngâm Khúc, từng tan ra trong Lửa Thiêng, đã biến thành một tràng giang điệp điệp sóng buồn trong thơ Cung Trầm Tưởng.
Giọng thơ Cung Trầm Tưởng không mới. Tầm vóc của Cung Trầm Tưởng được định hình, trước hết bằng những cái cũ : Cung Trầm Tưởng đã thừa tự trọn vẹn những nỗi buồn u uẩn của bao nhiêu kiếp người đi trước. Bên cạnh cái trẻ trung mơn mởn của những Quách Thoại, những Tô Thuỳ Yên, những Thanh Tâm Tuyền...Cung Trầm Tưởng là người khá già. Ông đã bỏ xa, xa lắm kiểu cắt tóc ngay ngắn, chải dầu brillantine trơn mướt của các nhà thơ thời tiền chiến, nhưng ông chỉ mới gần, rất gần,
chứ chưa bắt kịp cái kiểu tóc tai bù xù rối tung của các nhà thơ cùng thời. Thường được coi như cùng hàng ngũ với Sáng Tạo, với những người khai phá, song tôi có cảm tưởng, vị trí đích thực của Cung Trầm Tưởng là vị trí của một giao mùa, một chuyển tiếp, một gạch nối - gạch nối lớn và đẹp - của hai thế hệ thơ.
Trong tâm hồn, trong cảm xúc, trong phương thức biểu hiện của thơ Cung Trầm Tưởng, có cái gì rất mực Đường Thi. Coi kìa, cái dáng dấp của Cung Trầm Tưởng trong thơ : nó không là một cá thể giữa bao nhiêu cá thể khác làm nên một xã hội người ngổn ngang và phức tạp. Nó chỉ là một bản thể người. Nó là một bản thể vĩnh cửu đối diện với cái mênh mông rợn ngợp, không cùng không tận của trời đất. Không thể tìm ra trong thơ Cung Trầm Tưởng mảy may hồi quang lấp lánh hay mờ nhạt của xã hội, của lịch sử. Hoàn toàn thiếu vắng những chi tiết cụ thể để hình dung cuộc đời thực nhà thơ đang sống. Mọi mối quan hệ giữa con người với con người trong thơ Cung Trầm Tưởng đều biến thành mối quan hệ giữa con người với thời gian và không gian. Thử so sánh bài Khoác Kín của Cung Trầm Tưởng với bài Những bóng người trên sân ga của Nguyễn Bính hay bài Những ngày nghỉ học
của Tế Hanh thì rõ. Cả ba đều có một hình tượng : sân ga, đều tạc nên một nhân ảnh : lẻ loi, đều dựng nên một nỗi niềm : buồn tênh. Nhưng trong thơ Tế Hanh và Nguyễn Bính, người chỉ bơ vơ giữa người :
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa
(Tế Hanh)
Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này ?
(Nguyễn Bính )
Còn Cung Trầm Tưởng, ngược lại, ông không hề thấy những người đưa hay đón. Chỉ nổi lên, sừng sững một dáng người bất động trên cồn cao. Một mình. Bóng in lên nền trời mây âm u với một chút nắng rưng rưng sắp lụi. Một mình. Những bước chân chậm Chạp vì mang nặng tâm trạng hiu quạnh. Cũng một mình :
Mình tôi với phố non cao
Với cồn tuyết lạnh buốt vào xương da
Với mây xuyên nhợt ánh tà
Với đèn xóm hạ cũng là tịch liêu
Tôi về bước bước đăm chiêu
Tâm tư khoát kín sợ chiều lạnh thêm.
Trong quyển Thi ca Việt Nam hiện đại, tập 2, của Trần Tuấn Kiệt, in khoảng năm 1966, được Đại Nam tái bản ở hải ngoại, trang 885 có một bài thơ của Cung Trầm Tưởng nhan đề là Nghĩa Địa như sau :
Ngồi trông rũ tóc mưa rơi
Me thiêng một góc nói lời cổ sơ
Bãi hoang buồn cổ tiêu sơ
Gầy xương thổ mộ nằm trơ nỗi hàn.
Chiếu sương, màn lưới mưa đan
Rêu phong mả huyệt tro tàn bát hương
Vàng phai mả giữa tang thương
Trăm năm bia đá còn thương tủi người.
Ngồi trông vút bóng chim dơi
Mà ghê lạnh cả đất trời thâm sâu
Sương khăn sô tấm phủ đầu
Che hồn ẩm mốc nỗi sầu âm dương.
Cũng bài thơ ấy khi xuất hiện trong quyển Tuyển thơ Cung Trầm Tưởng của nhà xuất bản Con Đuông tại Sài Gòn (bản in ronéo khoảng sau năm 1970) , diện mạo của nó lại khác hẳn :
Ngồi trông lõng bõng mưa rơi
Cây me mục nát nói lời cổ sơ
Bãi nhăn nhầu vết lăn xưa
Một xe thổ mộ nằm trơ gỗ gầy
Ngồi trông úp xuống trần mây
Cỏ xanh bia mộ đã dầy ngút quên
Chiều nhoà về xứ không tên
Thời gian hoá đá chồng lên tuổi đời
Ngồi trông vút bóng chim dơi
Rồi ghê lạnh cả đất trời thâm sâu
Sương khăn sô lấy phủ đầu
Che hồn ẩm mốc nỗi sầu âm dương.
Tôi chắc là bản thứ hai được Cung Trầm Tưởng sửa chữa từ bản thứ nhất. Mà đúng. Bản thứ hai hay hơn nhiều. Ở bản thứ nhất, ngôn ngữ còn vụng và sáo. Ở bản thứ hai, ngôn ngữ đã vững chãi, thật vững chãi, đã tầm vóc, thật tầm vóc. Nhưng ở đây tôi không muốn so sánh về nghệ thuật. Hãy để ý đến khía cạnh tư tưởng : ở bản thứ nhất, nghĩa địa chỉ là nghĩa địa, rất cụ thể, ở đó, có người còn sống ngồi ngẩn ngơ thương nhớ người đã khuất. Ở bản thứ hai, cái nghĩa địa ấy dường như mở rộng ra, mênh mông thêm, thành ra cả cuộc đời : nắp quan tài là "trần mây", những tảng đá là "thời gian", con người dù sống hay chết cũng chỉ quẩn quanh trong vùng địa lý của một ngôi mộ ! Chưa nói thay đổi tứ thơ như thế, Cung Trầm Tưởng bi quan hay lạc quan hơn. Chỉ xin nhấn mạnh : khuynh hướng chính trong tư duy thơ của Cung Trầm Tưởng là muốn vươn lên những tầm khái quát rộng. Cung Trầm Tưởng là nhà thơ siêu hình. Ông ngại ngùng trước những gì cụ thể, một bát hương với tro tàn,
một cái mả với bia đá phôi pha, chẳng hạn. Ông thích trừu tượng hoá, khái quát hoá. Để qua từng người, từng người, ông tìm kiếm cái số phận của con người. Để qua từng khoảnh khắc, từng khoảnh khắc, ông "mơ tìm hình dạng bóng thiên thu", nói như Quách Thoại.
Có lẽ đó là lý do chính giải thích tại sao Cung Trầm Tưởng lại đặt thiên nhiên làm trọng tâm cho cảm hứng thơ ca của mình:
Đêm nằm nghĩ biển thèm khơi
Nghe mây hồn dạt nước trời mênh mông.
Cung Trầm Tưởng có tư thế làm thơ thật "cổ điển" và cũng thật đẹp :
Sớm nay giàu thịnh là tôi
Thiên nhiên riêng bãi cát ngồi làm thơ.
Sau năm 1945, hiếm có nhà thơ nào yêu say và gắn bó với thiên nhiên như Cung Trầm Tưởng. Nhưng lạ, thiên nhiên trong thơ Cung Trầm Tưởng thường chỉ là thứ thiên nhiên chung chung, mờ ảo, nhạt nhoà. Chiếm tỉ lệ nhiều nhất là những buổi chiều và những cơn mưa. Rõ ràng là Cung Trầm Tưởng có lỗ tai âm nhạc hơn là có mắt nhìn hội họa. Ông gần Huy Cận hơn gần Xuân Diệu. Thiên nhiên trong thơ Cung Trầm Tưởng phảng phất thiên nhiên trong Lửa Thiêng. Cũng những "lưng đèo", những "lũng chiều", những "non cao", những "quán không"... Nghĩa là một thứ thiên nhiên có tính ước lệ, đã hoá "văn chương". Nổi bật nhất trong thơ Cung Trầm Tưởng là những hình tượng âm thanh : người ta không thấy chiếc tàu mà chỉ nghe vang vang những tiếng rền trên nhịp sắt, người ta không thấy cây lá lao xao mà chỉ nghe thầm thì những tiếng gió lùa, người ta không thấy những lượn sóng dội lúc khẽ khàng lúc ào ạt vào bãi cát :
Ý vui lòng để then hờ
Nghe xa xa sóng vỡ bờ pha lê.
Lỗ tai tinh tế nắm bắt mọi tiếng động xôn xao trong trời đất làm cho tâm hồn Cung Trầm Tưởng, như chính ông nhìn nhận, trở thành một "cái đĩa âm thanh" :
Hồn tôi cái đĩa âm thanh
Tròn nguyên nét nhạc, trung thành ý ca
Đồ rê mi pha xon la
Ngẫm từng giai điệu, nghe ra chiều buồn.
Hay. Cách ví von hay. Nhạc điệu thơ hay. Câu thứ ba với sáu chữ, sau mỗi chữ là một chỗ dừng hơi, là câu lục có nhiều nhịp ngắt nhất trong lịch sử thơ lục bát Việt Nam. Tự nó , những "đồ/rê/mi/pha/xon/la" không là thơ. Nhờ câu tiếp theo mà những từ ngữ lạ lùng ấy hoá thành thơ. Và là thơ tuyệt vời thơ. Ngược lại, câu lục độc đáo đó đã làm cho câu bát phía dưới hay hơn hẳn : dư âm của câu lục tràn xuống, khiến người đọc không thể đọc câu bát với kiểu ngắt nhịp 4/4 quen thuộc, mà phải đọc chậm hơn, trầm hơn, cơ hồ sau mỗi chữ hay mỗi hai chữ là một ngắt hơi cho nỗi bâng khuâng có thời gian tỏa lan ra man mác : "ngẫm từng / giai điệu / nghe ra / chiều buồn". Hơn nữa, chính cái âm hưởng rời rạc, đứt quãng của câu lục lại trở thành một sự minh họa bằng nhạc điệu cho thái độ trầm ngâm "ngẫm từng giai điệu" và góp phần giải thích sự phát hiện "nghe ra chiều buồn" ở câu bát.
Là "cái đĩa âm thanh" của trời đất, Cung Trầm Tưởng không tự buồn hay tự vui. Cung Trầm Tưởng là con suối. Suối buồn chỉ vì núi rừng hiu quạnh. Suối vui chỉ vì rừng núi xôn xao chim hót và phơi phới hoa hương. Đừng ngạc nhiên tại sao cảm xúc thơ Cung Trầm Tưởng lại có những mâu thuẫn đến kỳ lạ. Trong nền văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975, buồn nhất là Cung Trầm Tưởng mà vui nhất cũng là Cung Trầm Tưởng. Có gì đâu. Hẳn Cung Trầm Tưởng sẽ đáp : chỉ tại đất trời !
Có lúc trời đất câm nín đến tàn khốc :
Ơ thờ lạnh thấu muôn nơi
Nằm nghiêng ván mỏng, ngóng trời, trời câm
Ngóng nghe đời cũng lặng thầm
Riêng thời gian vẫn còn thâm buốt hoài.
Nhưng cũng có lúc thiên nhiên như ca múa :
Núi rừng chào hỏi chim muông
Cây xanh lá mới phập phồng gió vui
Nụ hồng ngợp nắng lên môi
Tôi nghiêng tim rỏ ngọt bùi tiếng ru.
Bài Về Đây là một bài thơ đặc sắc. Vì hay. Vì vui. Và vì tình cảm đôn hậu rất hiếm thấy trong văn chương sau này :
Về đây tôi lại gặp tôi
Lang thang lối cũ trước đồi sau mương
Ngô đồng lả ngọn thuần lương
Trời cao không đỉnh mến thương không bờ
Cố tri khóm hạnh bây giờ
Vẫn bừng hoa nở đứng chờ lối xưa
Vẫn hanh vàng nắng tỏa vừa
Hiu hiu tùng rũ bóng chưa hao gầy
Về đây tôi lại về đây
Non lên thắm nhớ chiều đầy khoan dung
Chân vui lối rộn không cùng
Gần xa trời mở vòng cung thâu vào
Chân phương lòng thấy nao nao
Với muôn thương mến lên cao hôn trời.
Trong vô số những cái hôn trong văn chương, tôi nghĩ cái hôn của Cung Trầm Tưởng lên trời cao là cái hôn lạ lùng nhất và dễ thương nhất. Cái hôn của một tâm hồn mở ta bát ngát một nỗi yêu thương vô hạn đối với cuộc đời.
Một cái hôn khác trong thơ Cung Trầm Tưởng cũng rất mực lạ lùng và dễ thương : cái hôn của sóng biển lên bãi cát :
Sóng dâng còn ngấn môi kề
Đêm hôm bãi nhớ sớm về biển khơi
Sớm đi khơi rộng ý đời
Thêm mênh mông nước cho trời để chân.
Hình ảnh đẹp. Sau này hình ảnh ấy đã trở thành một tứ thơ hay trong một bài thơ hay hiếm hoi của Xuân Diệu sau năm 1945 : bài Biển.
Tưởng tượng biển mênh mông trải rộng dưới bình minh cho trời để chân đã đặc sắc. Đặc sắc hơn nữa là tưởng tượng cả cái chân trời bao la ấy như một cánh tay thân ái ôm ấp tâm hồn con người :
Trời hiền khép một vòng thân
Trông cao xa ấy mà gần tâm tư.
Thơ Cung Trầm Tưởng có nhiều bài buồn và chỉ có một ít bài vui. Nhưng tâm hồn Cung Trầm Tưởng là một tâm hồn khát khao niềm vui. Nhiều lúc Cung Trầm Tưởng rán sức chống chọi lại nỗi buồn :
Tôi về bước bước đăm chiêu
Tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh thêm.
Chống lại một buổi chiều. Còn đỡ. Có khi Cung Trầm Tưởng còn chống lại với cả một mùa Đông rét mướt, một thân phận lính tráng giữa tiền đồn heo hút và những nỗi buồn thiên cổ của loài người.
Hôm nay trời quá đìu hiu
Ngày đi sớm để tiêu điều quán không
Vang núi dội sông
Chiêng khua rừng rú
Vọng buồn lính thú
Trong hồn mênh mông
Hồn se như sóng đầu sông
Cuối heo may lạnh mùa đông xám về
Vội vàng thổi ấm đam mê
Đốt lên cho bớt não nề nghìn xưa.
(Nghìn xưa)
Đam mê mà Cung Trầm Tưởng nói đó là đam mê gì ? Chịu. Ông không nói. Nhưng dù là đam mê gì đi nữa cũng rất đổi họa hoằn trường hợp Cung Trầm Tưởng chiến thắng được những "não nề nghìn xưa ấy ". Có. Đã đành. Nhưng là họa hoằn. Đó là những khi Cung Trầm Tưởng nhìn lau lách, nơi từ lâu, như một quán tính hay một qui ước, người ta thường coi là kho tàng chất chứa những nỗi niềm quạnh quẽ và buồn tênh trong văn học, riêng Cung Trầm Tưởng lại thấy man mác một vẻ gì thơ mộng và nhẹ nhàng :
Chiều về cười lả lời lau
Hồn lâng lâng nhẹ ý phau bạt ngàn.
Đó là những khi Cung Trầm Tưởng bắt chước Lý Bạch trèo lên ngồi chót vót trên núi cao. Nhưng Cung Trầm Tưởng không thấy hiu hắt buồn. Lạ. Lại thấy ngây ngất say với những niềm vui dào dạt :
Chiều về ngồi đỉnh non cao
Lao xao từ lá rạt rào đến tim.
Tiếc, trường hợp chiến thắng nỗi buồn như vậy hiếm hoi quá. Nhiều hơn trong thơ Cung Trầm Tưởng là những âm hao não nuột, đoạn trường. Không phải không có bài hay. Nhưng tôi nghĩ ngay ở những bài hay nhất thuộc loại này cũng chưa khắc họa được chân dung thơ hoàn toàn độc đáo của Cung Trầm Tưởng. Ở nhiều bài, nếu bỏ đi một số từ ngữ mới, người ta dễ ngỡ là những nhánh cây đu đưa trên vòm cây Huy Cận. Một số câu lại gợi nhớ đến truyện Kiều. Chỉ có những tứ thơ chống chọi lại nỗi buồn hoặc reo lên say sưa hân hoan là mang nhiều nét riêng của Cung Trầm Tưởng nhất. Khó tìm ra trong thơ Việt Nam những tứ thơ tương tự. Tội nghiệp, thơ văn của chúng ta vốn nghèo niềm vui, đặc biệt những niềm vui thực sự trong lành.
Thơ Cung Trầm Tưởng không giàu niềm vui, song lại có thừa tính chất trong lành của một con suối đầu nguồn. Dù buồn hay vui, thơ Cung Trầm Tưởng cũng chỉ có một giọng, giọng thật hiền hoà. Dù có bài hay, có bài chưa hay, thơ Cung Trầm Tưởng bao giờ cũng là những tiếng chim hót dịu dàng nhắc nhở loài người, rằng, đang có đó, trên cao, một mảnh trời xanh rất thơm tho ánh nắng chờ đợi người "hôn".
Nguyễn Hưng Quốc
1988
---------------------------
Nguồn : VĂN, số 73, tháng 7-1988
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment