Monday, June 27, 2016
NÓI VỚI AI BÂY GIỜ
TRẦN LONG HỒ
Buổi chiều mùa Thu đúng nghĩa, với những đám mây xám ảm đạm trên nền trời trắng đục và bên đường trơ hàng cây khô run rẩy trong gió nhẹ. Tôi trở về từ bệnh xá Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ. Đứng trên bậc thềm cao nhìn ra hè phố rộng lộng gió. Chiều nay, tôi ngập ngừng không muốn bước xuống con đường quen thuộc như mọi khi. Như có gì níu kéo bước chân từ mấy ngày nay, như có gì xoá nhoà ngõ đi thân thiết mọi ngày. Tôi vẫn đứng yên trên bậc thềm cao ấy, muốn có một phút giây trong chuỗi ngày tháng bận rộn. Không phải để nhìn những chiếc lá bay chao đảo ngoài kia, hay những người kéo cao cổ áo che gió đi hấp tấp trên hè phố. Càng không phải mấy con chim bồ câu vừa đáp xuống hay vài mãnh giấy bay vướng víu bên lề đường. Chính tôi muốn nhìn rõ hơn điều nan giải đang xoay chuyển trong đầu.
Bước xuống một bước có nghĩa là, không phải đi một bước như thông thường mỗi buổi chiều về, không phải nhấc bàn chân như một hành động phản xạ, không như một bước chân nào khác, trước đó. Bước xuống một bước chính là quyết định một hướng đi cho chiều nay.
Tôi đứng yên lặng cảm thấy hơi lạnh thấm dần qua vai áo, thấy tóc mình bay loà xoà trước mắt. Hình như có hơi nước nồng nàn theo gió như những chiều xưa, bên cửa, lặng nhìn tà áo trắng ướt đẫm quấn quít trong mưa. Hình như có mặn môi, những ngày hai mươi năm trước.
Tại sao tôi phải đứng đây chiều nay. Ở đó, trong phòng mạch, có lẽ một số người bệnh đang chờ tôi. Đương nhiên trong số ấy không có người tôi mong đợi. Tại sao tôi phải gặp lại người đã ra đi từ hai mươi năm trước. Làm sao tưởng được một đường vòng quá lâu như vậy. Một sự gặp gở tình cờ, tôi muốn nghĩ như vậy, tôi không mong là định mệnh. Đừng nghĩ như thế, một thoáng nghĩ về số phận sẽ làm tôi chao về một hướng đi khác. Trên đường vòng đó không phải hai người đi ngược chiều. Chỉ có một người thôi. Chỉ có người ấy, Tuyết đi thôi. Tôi đã đứng yên từ điểm tôi bắt đầu. Tôi đã đứng yên với lòng đau đầy luyến tiếc. Trên đường vòng, người đi, tôi phó mặc. Những ngày mới lớn, chỉ có lòng hoang mang xao xuyến, chỉ có mắt nhìn ngẩn ngơ ngây dại, chỉ có môi run rẩy nghẹn lời. Thì đương nhiên, ngày ấy, vở tan là một chuyện phải đành. Nào ai biết sự yên lặng chứa đựng một lò lửa hừng hực nóng bỏng, nào ai biết ánh mắt tôi muốn nói vạn lời, nào ai biết lòng đau theo mắt liếc môi cười. Chỉ có một người biết được. Chính tôi thôi. Người đi, tôi đứng lại. Bao năm tự giết mình trong hối tiếc và một mưu đồ tự hủy. Đường vòng xa quá, chính tôi cũng lãng quên thì còn ai nhớ được.
Chiều hôm đó đường vòng đã nối lại sau hai mươi năm. Không ngờ quả đất tròn thật. Chiều đó vẫn như thường lệ từ bệnh xá Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ tôi trở về phòng mạch. Những người bệnh đã ngồi chờ tôi như mọi khi, không có gì lạ và không có gì thoát ra lệ thường lập đi lập lại mỗi ngày. Bận rộn như tự bao giờ.
Người thiếu phụ ngồi chờ trong phòng khám dáng nhỏ nhắn, gục đầu ho rũ rượi. Dáng dấp có vẻ thân quen như bao trường hợp khác tôi đã gặp đâu đó trong cuộc đời. Tôi xem chi tiết trong hồ sơ, lướt qua triệu chứng bệnh sử, dừng lại một thoáng ở cái tên, đi tiếp đến mạch, huyết áp, nhiệt độ...Quay lại, trở lại, có điều gì không ổn ở tên người bệnh.
Tôi đi ngay vào phòng khám, khép cửa lại. Người bệnh ngước lên nhìn.
Tôi đứng dựa vào vách yên lặng. Tôi quên mất hết những câu hỏi thường lệ dành cho bệnh nhân. Tôi xem lại cái tên trong hồ sơ, quay nhìn người đàn bà ấy. Vẫn khuôn mặt, dáng người quen thuộc của một thời xa xưa tưởng như mất hút trong dĩ vãng. Vẫn đôi mắt long lanh, mũi thon dài, môi cong ấy. Tôi cảm thấy mắt hơi nhoà và tim đập mạnh.
Quả nhiên Tuyết đang ngồi trước mặt tôi, nàng đã thay đổi rất nhiều với tóc rối buông ngang vai, vài nếp nhăn mờ nhạt ở đuôi mắt, mặt nhợt nhạt với đôi môi tím tái. Tôi nhìn nàng, thấy Tuyết của ngày nào trong chiều tan học. Dáng áo dài trắng mảnh mai trong nắng nhạt, tóc kẹp hai bên với cái nơ nhỏ màu vàng. Khuôn mặt trái xoan, chân mày nhỏ, mắt long lanh giả vờ không liếc, mũi dọc dừa thon nhỏ, môi cong chúm chím làm bộ không cười. Đôi vai gầy, tay ôm cặp, tay kéo vạt áo dài khép nép trong gió chiều.
Tôi nhìn nàng, thấy Tuyết của thời xưa đi ngang nghiêm trang yên lặng đi qua mắt liếc môi cười. Thấy Tuyết của ngày lộng gió cuốn quít nép vào hàng cây lồng đèn, cánh hoa đỏ cài qua mái tóc bên mãnh nơ vàng. Thấy Tuyết trong chiều mưa lướt thướt, dáng gầy lạnh run, đi co ro rũ rượi, đi trong lòng đau buồn muốn khóc. Tôi nhìn nàng, thấy Tuyết của trưa hè nhí nhảnh đi tung tăng chân chim, ngắt một cành dâm bụt cho bối rối tay run. Tôi thấy tôi, mặt mũi ngờ nghệch đang chạy xe đạp, mắt một đàng đi một nẻo đâm vào ông bán ve chai té lăn trên đường. Tôi nhìn nàng, thấy Tuyết một thời mím môi cười vỡ tim tôi, liếc mắt chao đảo tâm hồn, nghiêng vai đổ sầu chất ngất. Thấy em những ngày mắt thoáng môi cười, tay run chưa vẫy, rối vấp chân chim. Rồi thấy em ngày đi ngoảnh mặt, mắt lạ người dưng mím môi không nói. Thấy em ngày theo mây gió nuốt bóng trăng suông. Thấy tôi mắt dại ngỡ ngàng chân theo hấp tấp. Thấy em ngày đi mất dấu, lạnh buốt hồn tôi. Thấy em mưa theo ngày tháng. Thấy tôi ủ rủ thành sầu. Thấy em ngày về tay bế thấy tôi toan tính qua đời.
Tuyết ngẩng mặt nhìn tôi yên lặng, ánh mắt bối rối ngỡ ngàng. Nàng có nhận ra tôi không ? Chưa biết
Nàng làm sao nhớ được tên học trò Hồ Ngọc Cẩn, quần xanh áo trắng, đi chiếc solex gỡ máy. Nàng làm sao nghĩ được tên học trò vắt ra sửa ngày nào, nhút nhát nói không ra lời, bây giờ, đứng đây, im lặng làm bộ như nghiêm trang. Nàng khó lòng nghĩ được bây giờ là tên đàn ông, tóc muối tiêu với bộ ria mép, mặc áo trắng, giả vờ như lạnh lùng mà lòng lao đao rối loạn. Nàng làm sao tưởng được tên học trò ngày xưa thất thểu bên cuộc đời nàng, sống như đã chết, bây giờ đứng đây, hình như còn mạnh khỏe. Nàng lấy làm khó nghĩ đó lại là tên đàn ông đang đứng trước mặt nàng, làm bộ như vững chải, nhìn nàng bày đặt như ban ơn.
Tuyết cúi mặt xuống sàn, lại ngẩng lên, quên cả ho tự nảy giờ. Tôi thấy môi nàng mấp máy như muốn hỏi điều gì. Tôi nhìn mắt nàng, một thoáng vui trong vẻ u buồn ấy. Nàng muốn hỏi tôi một điều gì, có lẽ của ngày xưa, để xác nhận tên học trò ngờ nghệch đó với người đàn ông chẳng khá gì lắm ngày hôm nay, là một. Hay nàng sợ hỏi lầm người đâm ra câu hỏi thành lời tự thú.
Tôi hiểu, cám ơn em vẫn còn nhớ những ngày xưa xa xôi ấy. Thôi để tôi hỏi trước vậy, làm sao nhận lầm người được mà lo, nhưng vấn đề xưng hô ra sao đây. Em, dĩ nhiên sỗ sàng quá. Bà, có vẻ nặng nề khách sáo. Tuyết, nghĩ ra thân mật quá đáng. Thôi, đành gọi cô chứ còn tiếng nào khá hơn nữa. Tuyết vẫn yên lặng chờ đợi.
Tôi hỏi, cô sang đây được bao lâu rồi ? Dạ được ba tháng. Chắc cô sang đây chung cả gia đình. Dạ, chồng em vượt biên mất tích từ năm tám mươi, đứa con bị bệnh chết lúc nhỏ. Em sang đây chung với cha mẹ do người anh bảo lãnh. Cô vẫn còn ở xóm Long Vân Tự ? Tôi thoáng cảm thấy hồi hộp vì câu hỏi này. Tuyết yên lặng nhìn xuống thảm, hình như dĩ vãng chợt quay về vội vã. Nàng không nói nhưng chậm chạp gật đầu. Tôi đã xa khu xóm ấy từ năm bảy mươi, thỉnh thoảng có về một đôi lần, rồi ra đi năm tám mươi mốt, bây giờ chắc cảnh vật không còn như xưa. Tuyết đáp, nhiều thay đổi lắm, nhà cửa càng lúc thêm tiêu điều, con đường cũ ngày xưa càng lầy lội. Tôi nhìn nàng, không còn thấy dáng cô bé duyên dáng cài nơ vàng mặc áo trắng tha thướt trong nắng chiều. Chỉ thấy một thiếu phụ xanh xao gầy gò xắn quần lội trên quảng đường lầy lội. Tôi lắc đầu vội vã xua hình ảnh đó đi.
Tuyết nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên, nhưng chỉ thoáng qua, nàng hỏi, anh có còn nhớ cây cầu phía trước chùa không ? Tôi gật đầu nhớ chứ. Tuyết nói, cây cầu bị thu hẹp lại, lan can gẩy sụp, dưới sông nước đen ngòm ngập tràn rau muống. Tôi vẫn nhớ đã một thời ôm mộng qua cầu gió bay. Dáng Tuyết chiều về qua cầu tà áo bay bay, bên dưới dòng nước xanh trong vắt. Bây giờ, trời ơi, họa chăng chỉ còn một thiếu phụ tóc rối bời, mồ hôi nhể nhại tay khiêng tay xách. Bây giờ đâu còn Tuyết ngày xưa yêu kiều, duyên dáng, đâu còn những ngày trông dáng em tưởng chừng có thể đem đổi cả cuộc đời, tương lai sự nghiệp.
Tôi nhìn Tuyết, giờ đây, một bệnh nhân đang ngồi khép nép. Phải trở về vị thế của mình, hết rồi thời yêu dấu ngày xưa. Tôi hỏi diễn tiến bệnh, ghi vào hồ sơ, bảo nàng cởi áo để tôi khám bệnh. Tuyết ngoan ngoãn vâng lời. Phải chi ngày xưa nàng được một phần mười như vậy cũng đỡ lắm rồi. Phải chi tôi được một phần mười bây giờ cuộc đời chắc tẻ qua ngõ khác. Tôi đặt ống nghe lên làn da trắng đó, nghe tiếng phổi thở, tiếng tim run. Qua thân thể một thiếu phụ, tôi nhìn thấy lại dáng dấp một thiếu nữ nhỏ nhắn ngày xưa. Một dốc cổ thon, một bờ vai hẹp, và bộ ngực nhỏ trong dáng gầy guộc mảnh mai. Tôi nghe lại chính tiếng tim mình đau buốt, hơi thở mình uất nghẹn với thân xác mình rơi xuống gẩy gập. Tôi nhìn thấy thân mình ướt đẩm những chiều mưa, nóng rát những ngày nắng lửa. Những tối lang thang ngồi thiêu đốt đời mình qua hơi thuốc bên ly cà phê đắng nuôi dưỡng niềm đau, mưu toan tự hủy và giết hại một người.
Tuyết cài nút áo lại, bàn tay trắng đầy gân xanh run run lúng túng. Em vẫn còn run sợ như ngày xưa sao ? Hai mươi năm rồi còn gì. Em đâu có áy náy trong ngày ra đi, đâu có bối rối những ngày gặp mặt. Chưa phải hạnh ngộ thì sao bàn chuyện phân ly. Tôi cắn môi bật máu cho nụ cười em rạng rỡ, tôi muốn hủy mình cho đời em hạnh phúc. Em đã quá ngây thơ đến độ vô tình. Tôi đã quá chắt chiu đến nỗi cuồng điên.
Tôi đưa thuốc cho Tuyết, dặn nàng trở lại vào một ngày khác. Tôi không ghi toa, tôi muốn cho nàng một thứ gì đó của tôi, trong giới hạn của thầy thuốc và bệnh nhân. Nhưng khi tôi cho nàng một cái hẹn, tôi đã đi ra khỏi giới hạn rồi, tôi trộn lẫn lương y và tình cảm riêng tư. Tôi muốn nàng trở lại đúng hẹn của bệnh nhân nhưng mang lại cho tôi những yêu dấu của riêng nàng. Tôi nhìn nàng xuyên suốt một quãng đời, trở lại ngày mới lớn, rộn rã ngày yêu em.
Tuyết đã đi rồi. Bỗng dưng tôi như bị rơi vào một khoảng không lạnh buốt. Chung quanh đây vẫn vậy, mọi người vẫn như cũ, tôi vẫn là thầy thuốc, bệnh nhân vẫn chờ ở đây. Tôi làm việc cho quên đi những điều tôi đang nhớ. Có lý nào nỗi đau ngày xưa trở thành niềm thân thương hiện tại. Tôi lầm hay tôi bỗng dưng bắt được.
Tuyết trở lại đúng hẹn. Hôm nay nàng thật sự hết bệnh hay cố tình khỏi bệnh. Nàng trông trẻ lại quá nhiều so với lần tôi vừa gặp. Tôi còn đủ bình tĩnh để nghĩ rằng đã hai mươi năm hay mới chỉ vài năm. Nàng đi quá gần với Tuyết ngày xưa nhưng tôi đã quá cách biệt với tôi ngày trước.
Tôi cầm hồ sơ cùng nàng đi vào phòng khám. Tôi hỏi nàng về bệnh tình và thuốc uống. Tại sao nàng thuyên giảm bệnh nhanh đến như vậy. Tôi cứ nghĩ nàng còn bệnh cần uống thêm vài thứ thuốc và phải trở lại lần nữa. Nhưng không. Nàng thật sự khỏe mạnh rồi. Bây giờ, tôi tự hỏi, tôi là thầy thuốc hay là người bệnh. Nàng có phải là thầy thuốc đến trị căn bệnh kinh niên hai mươi năm của tôi không ? Chưa biết. Không khéo cả hai đều bệnh cả, còn lấy ai điều trị cho. Tuyết nói, thuốc anh đưa thật hay, chỉ uống hai ngày đã thấy hết ho và khỏe hẳn. Tôi tự nhủ, chẳng lẽ bảo Tuyết tôi muốn một tháng cô mới hết bệnh, không ngờ cô lại mau khỏi như vậy. Nhưng thôi, nghĩ lẫn thẫn mãi lỡ buột miệng nói toạc ra lại phiền. Nhưng nói gì bây giờ, tôi vẫn yên lặng, quả thật mình tưởng bở, hoá ra chẳng khá hơn hai mươi năm trước là bao. Tuyết nói, thật không ngờ gặp lại anh nơi đây. Trông Tuyết không khác ngày xưa mấy, tôi nói. Nàng cười, khác nhiều chứ ngày đó tôi chỉ là cô bé học trò Trưng Vương, bây giờ già rồi còn gì nữa mà trông mong. Tôi chỉ muốn trở lại những ngày xưa.
Nhưng trở lại để làm gì, ngày xưa anh có nói gì đâu làm sao người ta hiểu được. Tôi không nói nhưng cô hiểu được tôi muốn gì. Cô không thể chờ được hay sao ? Tuyết nghẹn lời, tôi biết lòng anh nhưng tôi không thể chờ được, chúng ta chỉ là hai đứa học trò, em không thể quyết định được đời mình.
Tôi nhìn ra hàng cây trơ lá ngoài cửa sổ, vài đám mây xanh lãng đãng ở chân trời. Những đám mây đi chuyển thật chậm giống như những đám mây tôi thấy trong những buổi chiều chờ Tuyết tan trường về. Chúng chở theo nỗi buồn man mác đi tận vào lòng tôi ngày ấy. Rồi những đám mây có khi to lên vần vũ làm cho tôi lo lắng nàng sẽ mắc mưa một lúc nào đó trên đường về. Có lúc mưa đổ như trút nước thình lình lúc nàng đi ngang qua trước nhà. Tôi cầm áo mưa chạy ra trước cổng. Để làm gì. Tôi định đưa áo mưa cho nàng. Nhưng tôi vẫn đứng im trước cổng lúc nàng đi đến. Cả hai đứa đều ướt đẫm nước mưa. Tuyết đứng lại nhìn tôi. Nước mưa ướt hết tóc nàng chạy tuôn xuống mặt mũi. Đôi mi dài cũng ướt quyện nước mưa. Cánh mũi nàng phập phòng, đôi môi tái nhợt mím lại như sợ nước thấm vào miệng. Tôi biết Tuyết bị lạnh, thân hình nàng run lên từng chập. Tôi cầm áo mưa trên tay đưa cho Tuyết nhưng không thể nói được lời nào. Nàng yên lặng nhìn tôi, bàn tay nàng như muốn đưa lên lại buông thõng xuống. Đôi mắt nàng đã nói với tôi ngàn lời cám ơn.
Tôi quay nhìn Tuyết, đôi mắt nàng ướt đẫm. Tôi hỏi, tại sao chiều đó cô không lấy áo mưa ? Tôi hỏi xong mới biết mình ngớ ngẩn. Tự dưng hỏi một câu không đầu không đuôi không có gì liên hệ hiện tại. Tuyết nói, em chỉ sợ người khác biết được, nhưng em hiểu lòng anh lắm. Thật là hai đứa trẻ ngây ngô không thể tha thứ được. Tôi muốn gào lên, em đã biết vậy sao bỏ tôi đi không nói một lời nào. Nhưng thôi chuyện đã lâu rồi. Bây giờ phải khác, chỉ việc mở tung áo mưa, giủ một cái thật mạnh, trùm lên người nàng là xong. Bất chấp nàng có ưng chịu hay không. Nhưng dù cho nàng không muốn, sức mấy mà dám chống đối.
Đột nhiên Tuyết ngẫng mặt nhìn tôi, tại sao ngày xưa anh cù lần quá vậy. Chết rồi không biết nàng đang suy nghĩ chuyện gì ? Hai mươi năm cũng lâu, nhưng tôi nhớ rõ không có làm chuyện gì bậy bạ với nàng. Nhưng chính vì vậy mà tiêu tan mọi sự. Biết đâu có làm chuyện bậy bạ một chút hoá ra hay hơn, lại không mang tiếng cù lần. Tôi nhìn nàng không biết trả lời ra sao. Tuyết nghiêng mặt nhìn tôi, vẫn với đôi mắt long lanh và đôi môi cong lại.
Một lát sau Tuyết dịu giọng, anh chỉ lo những bằng cấp của anh thôi. Tôi lại không thể nói được gì khác, chẳng lẽ tìm lời bào chữa, để làm gì, chẳng cần thiết phải làm như vậy. Tuyết lại nói, anh chỉ lo cái mộng bác sĩ của anh. Lần này thì nàng lầm to rồi, tôi đâu có muốn như vậy, quả tình tôi chỉ biết có em thôi. Tại ba má tôi muốn như vậy, nhưng nói ra chỉ thêm hổ thẹn lại bất kính với người trên. Tôi yên lặng không nói gì. Nàng lẩm bẩm, suốt đời anh chỉ biết im lặng, sao anh không lớn tiếng nói hết những gì anh muốn nói ngày xưa.
Tôi cúi xuống viết vào hồ sơ, bệnh nhân tiếp tục dùng thuốc thêm một tuần, tiến triển tốt, trở lại khi cần thiết. Tuyết nắm lấy bàn tay tôi, bàn tay nàng lạnh và run. Nàng hỏi, khi nào em trở lại. Cô hết bệnh rồi mà. Nhưng em muốn trở lại. Nàng nhét vào túi áo tôi một mãnh giấy nhỏ.
Bây giờ mãnh giấy ghi địa chỉ và ngày giờ hẹn vẫn nằm trong túi áo. Tôi đã báo trước cho y tá trong bệnh xá phải về sớm chiều nay. Nhưng tôi còn đứng đây, trên bậc thềm này. Ngoài kia cây gió xôn xao như lòng tôi chao đảo. Ngoài kia nắng đã tàn, chiều xuống hẳn đêm chưa về nhưng lòng tôi lạnh ngắt tự bao giờ. Chiều nay, ai biết, tôi có rất nhiều việc phải làm nhưng lại không biết nên đi đâu và phải làm gì. Chân tôi như bị đóng đinh, lòng xoay như chong chóng.
Có lẽ Thuý đang chờ tôi ở phòng mạch, chưa có ai đến giờ này đâu. Nàng đã làm xong một số hồ sơ, có thể đang bắt nước sôi pha cho tôi một tách cà phê. Nàng làm việc chăm chỉ, lo lắng cho tôi mọi việc. Nàng đang mong tôi trở về phòng mạch. Nàng hay lo sợ vẫn vơ có chuyện gì xảy ra trên đường đi. Hôm nay không có tuyết rơi nhưng có mưa lâm râm sợ đường trơn trợt. Hôm nay trời u ám anh phải đeo kiếng khi lái xe. Hôm nay không có cái hẹn nào sớm, anh cứ thong thả đừng gấp.
Bây giờ Tuyết đang chờ tôi, có lẽ nàng nôn nóng lắm. Bao năm rồi cách biệt, mọi sự đã chìm lắng tận sâu cùng trong ký ức trước bao khó khăn cơm áo của cuộc đời. Bao năm rồi tưởng như đã lãng quên hẳn trong trí nhớ khốn cùng. Bao năm rồi niềm đau đã lắng dịu, đã yên nghỉ trong một xó góc của tâm hồn. Bây giờ Tuyết trở lại, tình cờ, làm mọi sự sống dậy thúc dục ồn ào. Chuyện ngày xưa như một khủng long nằm yên ngủ dưới lớp băng dầy nước nghẹn vỡ bờ tuôn tràn như thác lũ. Chuyện ngày xưa đâm thẳng vào niềm đau, lôi nó dậy, lắc cho tỉnh táo. Chuyện ngày xưa tan nát trong tuổi thơ ngây dại, trong lòng cuồng si nhưng bất lực, trong tiếc nuối dằn vặc tháng ngày. Giờ đây tôi biết rõ mình muốn gì và nên làm gì và phải làm gì. Nhưng nên làm gì đã trở thành một điều nan giải.
Hai mươi năm cho một mối tình như mây trôi lãng đãng, như gió thoảng hiên ngoài, như lá chao qua cửa. Hai mươi năm cho một mối tình man mác qua hồn, lao chao trong trí vướng níu trong tim. Hai mươi năm cho một tiếc nuối triền miên, ngậm ngùi ray rức nhức nhối khôn nguôi. Hai mươi năm nuôi dưỡng bóng hình, ấp ủ niềm đau dày vò ảo vọng. Hai mươi năm gặp lại, giờ đây.
Mười lăm năm cho một mối tình nặng nghĩa phu thê. Mười lăm năm cho một mối tình như bồ câu quấn quít, như lược tóc đan nhau như keo sơn gắn bó. Mười lăm năm cho một mối tình ấm áp thân thương yêu đương nồng thắm. Mười lăm năm chia xẻ niềm đau ôm chung gian khổ. Mười lăm năm nước mắt chung môi tim hoà một nhịp. Mười lăm năm đủ cả đời nhau.
Làm sao có thể mang lên bàn cân so sánh được. Làm sao có thể làm chuyện cân đo gạo muối đường. Nhưng làm sao giữ được bây giờ. Làm sao hai cánh tay tôi có thể ôm được hai người. Làm sao tim tôi có thể nhốt được hai người. Làm sao tôi có thể cưu mang được hai người yêu dấu. Tôi không biết phải làm sao ?
Từ bậc thềm, tôi bước xuống, chưa phải là quyết định một đường đi, chẳng qua không thể đứng mãi được một chỗ. Thế thôi. Tôi đi về phía chỗ đậu xe, còn thì giờ mà, tội gì bắt mình quyết định gấp như vậy.
Chiếc xe quanh co qua mấy đường nhỏ, không phải do vô tình, không phải do hướng đi nên như vậy. Chiếc xe quanh co như hồn chủ nó sa mê hồn trận, như tham vọng của chủ nó muốn tìm một nơi không phải thiên đàng cũng không phải địa ngục. Tôi muốn đi đến một nơi thứ ba, không biết nơi đó ở đâu, chỉ biết đó là nơi người ta cho tôi giữ được hai người.
Chiếc xe đi vào xa lộ Ba Chín Năm. Buổi chiều xe thật đông, lại kẹt xe, càng tốt. Một chiếc xe bị hư làm kẹt đường, thật tuyệt diệu. Kèn inh ỏi, lại một ngón tay giữa chỉ lên trời. Té ra họ làm bộ văn minh vẫn lòi đuôi nguyên thủy.
Tôi đi vào ngã rẻ số tám, đi vào bên trong gần lề, không có gì gấp cả.
Vài cô bé bên kia trường học, đang đi thong thả ra phía lề đường. Các cô mặc áo trắng váy trắng đi nhởn nhơ thật vô tư. Tôi vẫn thích màu áo ấy. Cái áo trắng ngắn tay có nếp xếp vòng nơi vai, để lộ suốt cánh tay trắng nuột lơ thơ những sợi lông tơ. Những hạt nút vàng nhỏ như đầu ngón tay cài dọc phía trước ngực. Cái áo ấy giống như áo Tuyết mặc ngày xưa, nhưng khác ở chỗ áo nàng có thêm dấu hiệu trường Trưng Vương bên ngực trái. Như thế, cái áo nhỏ có hai vai phồng ra trông vừa đẹp lại vừa thơ ngây. Nhưng cô bé ấy không có hai cái nơ vàng cột hai bên bím tóc. Cô lại không có váy trắng có xếp nếp nhỏ cỡ bề ngang ngón tay, vải mềm mại lất phất theo gió chiều. Đôi chân cô lại to quá không thon nhỏ với hai đầu gối bé xíu như Tuyết ngày xưa. Cô cứ đi chầm chậm như thế. Được rồi, như Tuyết ngày xưa mỗi chiều tan học, cặp sách bên hông, đi nhởn nhơ không sợ đường xa
không sợ mỏi chân. Như tôi ngày đó mỗi chiều, tự động xì hơi bánh xe đạp, đành phải xin lỗi cái xe, tôi sẽ bơm lại sau, đương nhiên. Tôi cũng đi chầm chậm, xe hư mà làm sao đi nhanh cho được. Dáng Tuyết mảnh mai dịu dàng đi thong thả đi chầm chậm, đi như kéo dài hạnh phúc đời tôi trãi suốt buổi chiều. Có khi em dừng lại nhìn một cánh nhạn bay trên nền trời xanh lơ hay ngắm con chim sẻ đậu trên giây điện bên đường. Em nghiêng đầu tóc lệch sang bên, cánh mũi cao thẳng khuôn mặt trái xoan môi mím như cười. Em nghiêng đầu trong chốc lát nhưng đời tôi đã lắc lư hai mươi năm rồi còn gì. Em vẫn đi chậm nhởn nhơ một cách cố tình, cô bé mười lăm, mới mười lăm sao em biết "làm ác" như vậy. Còn tôi mười bảy, chỉ mười bảy đã cam thân chịu chết vui lòng.
Em vẫn đi và tôi vẫn theo. Em vẫn nhởn nhơ và xe đạp tôi vẫn hư. Ngày qua lại qua, em biết tôi đi phía sau, nhưng không hề gì em vui lòng về chuyện đó. Còn tôi, không hề mở miệng than phiền. Trên đường đi chúng tôi phải qua chiếc cầu gỗ nhỏ trước chùa Long Vân trên con sông mang tên Bà Láng. Tôi không hiểu tại sao con sông đó, phải nói là con rạch mới đúng, lại có tên Bà Láng. Tôi nghĩ đó là người đàn bà đẹp, đương nhiên, vì tôi nghĩ như vậy. Đâu có ai cãi lại điều đó đâu. Chiếc cầu đó là chứng nhân của lòng tôi ngày ấy. Tuyết hay đứng lại trên cầu, em thường vịn lan can nhìn xuống nước sông trong vắt trôi lặng lờ. Gió vẫn qua và tà áo vẫn bay, nhất là những chiều em mặc áo dài. Hai bím tóc em đong đưa theo gió, vạt áo dài phất phơ quần trắng ôm sát vào người. Thân thể em chưa phát triển toàn vẹn, đôi mông tròn nhỏ trên đôi chân dài mảnh mai in hằn chiếc quần sì líp rất nhỏ khi hồng khi vàng khi đen dưới làn vải trắng. Tôi yêu em từ mái tóc mắt mũi môi cười đến dáng người điệu bộ. Yêu cả những gì thấy được trên em và cả những gì chưa thấy được trong em. Tôi vui với môi em cười, rộn rã với dáng em vui tươi, lo lắng khi em giận dỗi, điêu đứng khi em làm thinh.
Tôi hớn hở trong bước em đi ngày nắng đẹp. Tôi buồn so chiều em lầm lủi trong mưa. Tôi đau khi em vui cười với kẻ khác, thì đương nhiên nỗi đau vượt khỏi bến bờ của nó khi em không còn là em nữa.
Sau đó xe tôi vẫn hư nhưng em không còn đi nhởn nhơ trong chiều tan học. Em không còn đi bộ để tôi theo. Em vui cười trên chiếc xe Vespa lộng gió. Xe đạp tôi quá cũ, sức tôi đã mòn mỏi làm sao theo được chiếc xe ấy. Nhưng theo để làm gì. Làm sao níu kéo được người đã quay lưng. Tên học trò nhỏ đứng đó, trên cầu, mỗi buổi chiều, nhìn xuống giòng sông lững lờ. Nước vẫn chảy trôi xuôi phải chịu. Người đã đi một thoáng qua đời. Tôi im như chân cầu khốn khổ, vướng víu bọt bèo phủ ám rong rêu. Người đã đi một lần nước chảy, một lần và mãi mãi trôi xuôi. Tôi soi bóng cho hồn điên đảo. Ai dật dờ dưới đó, như tôi. Chiều vẫn mưa như lần về muộn. Nước trên cành giọt xuống rưng rưng. Chim bên đường ôm sầu ủ rủ. Tôi gục đầu nước trút sau lưng. Người đã đi trời còn lộng gió. Áo nào ôm quấn quít theo đời. Dáng ai đâu cho lòng đau dẫy. Mưa trên trời mặn đắng trên môi.
Tôi vẫn đi một mình trong ngày nắng chiều mưa. Mộng qua cầu gió bay đã bay theo gió. Một buổi trưa nắng gắt tôi đi như đội lửa trên đầu. Theo con đường đất đỏ lởm chởm đá xanh, thỉnh thoảng bụi lại tung mù sau một cơn gió lốc. Tôi không ngờ gặp lại Tuyết. Nàng ngồi trên một chiếc xích lô đạp. Trong nắng trưa gió bụi nàng như một kỳ nữ trên kiệu ngày xưa. Nàng mặc chiếc áo hồng, kẹp nơ trắng, vẫn khuôn mặt trái xoan, mũi cao môi son nhỏ. Nàng ẳm trên tay một đứa bé chừng một tuổi. Tôi đứng sững giữa đường. Chiếc xe tiến đến chầm chậm, dừng lại. Bác phu xe bật cái thắng kêu lách cách. Nhưng bác lầm rồi, trời gầm sét đánh chưa chắc đã lay chuyển được tôi lúc đó. Tôi nhìn nàng trân trối. Đôi má Tuyết đã hồng càng ửng đỏ thêm, môi nàng mím lại. Đứa nhỏ đột nhiên khóc ré lên.
Tôi cảm thấy một luồng hơi lạnh từ sau gáy chạy dọc xuống lưng ra hai tay hai chân. Tôi không biết tôi đang làm gì, tôi chỉ cảm thấy đôi môi tôi run lên, tim đập nhanh, hai bàn tay giá lạnh. Tôi nhìn thấy đôi môi Tuyết tái lại, run lên và vài giọt nước mắt lăn xuống má nàng. Càng lúc tôi càng thấy tối xầm trước mắt, tôi lui dần dựa vào cột đèn bên đường. Chiếc xe chạy qua, tôi còn nghe tiếng nàng dỗ đứa con cho nín khóc. Tiếng nàng vẳng lại êm dịu ngọt ngào. Đứa nhỏ vẫn khóc. Tiếng nàng thân thương êm ái quá. Giá mà tôi khóc được chắc khóc thảm thương hơn đứa nhỏ kia nhiều.
Chiếc xe chui qua cầu, đi một đường vòng vào đường Năm Mươi. Hình ảnh Tuyết mặc áo hồng kiều diễm ngồi trong chiếc xích lô vẫn bám víu trong óc tôi không sao gỡ ra được. Lời ru của nàng vẫn còn văng vẳng bên tai. Gần hai mươi năm rồi sao còn đau như mới. Dáng dấp thân yêu ấy ai có ngờ đâu mất hút tay người. Ánh mắt long lanh quyến rũ đó có ngờ đâu tan nát cõi lòng. Bờ môi dịu ngọt đó có ngờ đâu tím tái cuộc đời. Em như công chúa trên kiệu vàng trở về quê cũ, tôi khác nào tên ăn mày một mối tình vô vọng, đứng bên đường uất ức không nguôi. Và em bây giờ đâu còn ngây thơ nữa. Sao ta mãi chắt chiu mật đắng đến điên cuồng.
Tôi theo dòng xe di chuyển trên đường. Tôi cầm ly trà chắt một ngụm cuối cùng còn sót lại. Vị thơm của trà Thiết Quan Âm thấm dần vào đầu lưỡi. Tôi bỗng dưng thèm hơi thuốc lá mặc dù đã bỏ thuốc nhiều năm rồi. Một điếu thuốc không phải có thể kiếm được bất cứ ở đâu. Nó phải là điếu thuốc của mười lăm năm trước. Điếu thuốc loại bảy mươi chín để hút ống vố được vấn trong giấy quyến ABC. Loại rất khó vấn vì cọng thuốc to cứng mà giấy lại mỏng mềm. Bởi vì chúng tôi hay chơi những trò lạ như hút thuốc kiểu ấy mới có chuyện xảy ra. Điếu thuốc của mười lăm năm trước đánh dấu một đoạn đời. Điếu thuốc của Thuý những ngày yêu kiều duyên dáng. Điếu thuốc từ bên kia bàn đưa đến đã đưa hơi thuốc xuyên suốt vào tim tôi. Thuý của những ngày bối rối mắt trông, làm ngơ giả bộ xao xuyến môi cười. Thuý của lòng chân thật yêu dấu trọn tình. Nàng đến với tôi rực rỡ như ánh bình minh trong đêm dài u ám. Nàng thức tỉnh tôi khỏi cơn mê Tuyết triền miên. Nàng đã cứu tôi khỏi cơn tự hủy. Tôi vẫn nhớ Thuý thân thương ngày nào ấp ủ sau lưng trên chiếc Honda qua những bóng mát Hồng Thập Tự Duy Tân Phan Đình Phùng. Quấn quít bên nhau trong những đêm cà phê lãng đãng, vu vơ trong những tình khúc Trịnh Công Sơn. Thuý trong những ngày tao loạn cùng nhau gian khổ,
không cửa không nhà lang thang thân du mục. Thuý của những ngày vượt sóng trùng dương hẹn nhau giờ chết. Thuý với những ngày lang thang qua mấy trại tỵ nạn. Còn nữa, Thuý trong những ngày chật vật nơi xứ lạ quê người, làm bà Tú Xương gian khổ theo chồng.
Chiếc xe vẫn theo dòng luân chuyển chầm chậm trên đường. Chiều nay trời u ám hơn mọi hôm anh nhớ đeo kiếng khi lái xe. Chiều nay dự báo có tuyết anh cứ chạy thong thả không phải gấp, em đã dời cái hẹn trễ sau bốn giờ rưỡi. Thức ăn đã để trên bàn, anh chỉ cần bỏ cơm vào thôi, khi ăn coi chừng mắc xương. Anh cứ lo làm việc, đâu còn biết ai bên cạnh, một ngày nào đó không còn em anh mới biết ra. Ngày xưa anh giống như chết, bây giờ anh giống như đang chiêm bao. Nè, hủ đường để phía góc tủ, còn chai tiêu muối xì dầu để trong hộc phía dưới. Để hộp cơm vào microwave một phút thôi, để lâu quá nó khô hết ăn không ngon. Đủ rồi, anh ăn mặn quá coi chừng bị cao máu. Để chiều nay em đi mua cá, ăn thịt nhiều quá sợ bị cao cholesterol. Mặc áo vào đi, trời lạnh anh để ngực trần bảo sao đừng ho. Bây giờ nằm xấp xuống để em đấm lưng cho. Anh có muốn đi đấm lưng không ? Gần đây người ta nói nhiều , em phải canh chừng kỹ, họ nói anh đẹp trai chỉ sợ có người dụ bắt mất.
Tôi giật nẩy người, chiếc xe bị đạp thắng đột ngột dừng lại thình lình trên đường. Cũng may không có xe phía sau. Tiếng Thuý ngưng bặt bên tai. Tôi cảm thấy hơi hồi hộp và lạnh trên trán. Mồ hôi đã rịn ra trong hai bàn tay. Gần đến chỗ rẽ vào nơi hẹn với Tuyết. Có lẽ chỗ đó là nhà của người nào. Chắc Tuyết ở tạm với người anh.
Chiếc xe không thể nào chạy chậm hơn được nữa. Bọn phía sau bóp còi, vượt qua mặt, có tên còn giơ ngón tay giữa lên trời. Mặc kệ chúng, có giơ của thật lên tôi cũng không ngán huống hồ là ngón tay. Thôi đành phải quẹo vào con đường nhỏ ấy, chạy chậm lại chút nữa, xem kỹ số nhà. Nhà ở bên tay phải. Thôi vòng qua ngõ khác đi ngược lại lấy lề bên kia. Dừng lại một chút xem sao ? Nhưng dừng để làm gì, vài phút có thay đổi vấn đề được đâu. Đã suy nghĩ mấy ngày nay cũng chưa biết mình phải làm gì. Thôi chạy tiếp vậy. Chẳng lẽ chạy vòng như thế này mãi sao ? Dừng thì dừng lại vậy.
Chiếc xe tấp vào một lề đường. Tôi nhìn lại số nhà, gần lắm rồi, chỉ còn một khoảng đường nữa thôi. Sao đến gặp Tuyết giống như Kinh Kha sang Tần không bằng. Em có hiểu được lòng tôi không ? Chắc em không hiểu được như ngày xưa em đã như vậy. Bây giờ em chờ tôi có giống như xưa tôi chờ em không ? Dĩ vãng xa quá rồi, em làm sao nhớ được.
Tôi đạp chân ga chiếc xe từ từ tiến tới. Tôi thấy dáng Tuyết đang đứng tựa cửa trước nhà. Nàng mặc chiếc áo ấm mỏng màu xanh, dáng co ro tội nghiệp. Tôi dừng xe lại ở một khoảng đủ nhìn thấy nàng. Tuyết vẫn đứng yên, gió thổi tóc rối loà xoà. Dáng nàng ốm yếu ẻo lả quá, chỉ sợ nàng bị té ngã thôi. Tôi vẫn cách nàng một khoảng không sao đến gần được. Ngày xưa tôi không thể làm gì được, tôi mất em. Ngày nay, tôi vẫn không làm hơn được gì. Tôi biết gặp em lần này có nghĩa là bước vào một ngõ rối, đi vào một lầm lỗi với người khác. Tôi biết gặp lại em, tôi làm điều không phải với Thuý. Tôi biết khi gặp em, lần này, tôi không thể ngăn được lòng tôi.
Em vẫn đứng đó hai tay ôm chặc lấy người. Tôi biết em cô đơn và yếu đuối lắm. Phải chi ngày xưa em đừng bỏ tôi đi. Phải chi ngày xưa tôi níu em lại được. Bây giờ em đứng đó, trước mắt tôi, chờ đợi. Tôi muốn tiến tới ôm em vào lòng như tôi đã từng mong muốn. Tôi muốn đan tay vào tóc, hôn lên mắt, lên môi em như tôi đã từng ao ước. Em biết ngày em đi tôi chỉ nghĩ rằng tôi sẽ chết, tôi không thể đo lường được lòng tôi lúc đó. Nhưng tôi không hề oán hận em, ngay cả khi tôi nhìn em trở về nhà cũ. Những giọt nước mắt lăn trên má em ngày ấy đã nói lên lòng em tất cả. Ôi những lời ru con ấy ngọt dịu mà đâm vào tim tôi đau tận đến bây giờ. Tôi vẫn yêu em như ngày đầu gặp gỡ.
Tôi ngồi yên trong xe, nhắm mắt, ngữa đầu vào ghế dựa. Chiều nay trời trở lạnh, dự báo thời tết nói có thể xuống đến không độ C, anh có mang theo áo ấm không ? Buổi trưa lúc em ra bưu điện có ghé tạt qua tiệm Đại Hàn mua mấy con cá rồi, họ đã đánh vẩy sẵn tiện lắm, chỉ việc ướp và nấu thôi. Tối nay lại có tuyết, họ nói đến sáu inches, mình sẽ đốt lò sưởi lên, anh vặn lại tình ca Vũ Thành An nghe, có còn thèm điếu thuốc vấn không ? Nhưng đừng nghe nhạc ông ấy nhiều, buồn lắm, em vẫn thích tình khúc Ngô Thuỵ Miên hơn. Hôm nay có thư anh Hồ Trường An từ bên Pháp qua, anh ấy nói cho biết ngày sinh của anh để bấm số tử vi, anh không tin, nhưng em tin, thử xem số anh mấy vợ, có bà nào muốn bắt anh không ?
Tôi giật mình mở mắt ra. Giọng Thuý đã ngưng bặt nhưng âm vẫn vang lên trong đầu. Làm sao em biết được anh muốn đến gặp Tuyết. Chẳng qua em lo sợ vẫn vơ thôi. Tôi nhắm mắt lại muốn yên ngủ và quên hết. Em nằm chiêm bao thấy mình đi dự tiệc của một người bạn. Rất đông người tham dự có cả người quen và người lạ. Sao em thấy có một cô rất đẹp đến nói chuyện với anh hoài. Trong lúc nói chuyện em thấy anh có vẻ thân mật, trìu mến với cô ấy còn hơn đối với em nữa. Em đến gần cố xen vào nhưng anh và cô ta nói chuyện không màng gì tới em cả. Em cố lôi anh về mà anh nhất định không đi. Em giận quá khóc lớn lên rồi tỉnh dậy. Tôi mở mắt ra, quả thật giấc mơ ấy Thuỷ kể cho tôi cách đây vài tháng. Nhưng lúc đó tôi không để ý đến, bây giờ nó thật sự ám ảnh tôi. Tuyết còn đứng yên đó. Tôi biết em rất buồn nhưng em có đau đớn như tôi ngày xưa không ? Em đã cho tôi biết quá sớm một điều rất quan trọng, không bao giờ mình đạt được hết những mong ước của lòng mình. Có khi điều mong ước không bao giờ đạt được trở thành niềm đau ray rức cả một đời cho đến khi nhắm mắt. Điều đó trở thành sống giữ chết mang theo.
Tôi đạp ga, chiếc xe rẽ về ngõ khác. Dáng Tuyết gầy gò đau khổ trong chiều xa dần đi. Tuyết ơi, tôi vẫn yêu em như ngày nào tôi gặp em lần đầu trong chiều tan học. Tôi vẫn nhớ em từng ánh mắt môi cười dáng đi điệu bộ. Tôi muốn mang em theo đời tôi dù đọa đày đau khổ như ngày xưa tôi nghĩ vậy. Nhưng tôi không thể mang em theo tôi chiều nay. Thôi hãy giữ những điều yêu dấu của ngày xưa trong lòng. Tôi mong em tìm được một người khác yêu em như tôi đã yêu em. Tôi mong em tìm được niềm vui và hạnh phúc. Tôi vẫn như ngày xưa, vui với môi em cười, rộn rã với lòng em hớn hở.
Chiếc xe trở về với tốc độ nhanh như tâm trạng chạy trốn của chủ nó. Tôi quay đi với lòng nặng trĩu, với nuối tiếc không nguôi. Tuyết ơi, tôi vẫn yêu em thật nhiều, thật như lòng anh ngày xưa ngây dại. Tôi yêu em mà phải đành bỏ em. Tôi yêu em mà phải đành xa em. Tôi yêu em không bao giờ phai được trong lòng. Trời ơi ! Tôi yêu em đành đoạn bỏ đi. Làm ơn cho tôi nói.
Nói với ai bây giờ ?
Trần Long Hồ
1990
-------------------------
Nguồn : Văn, số 99, tháng 9-1990
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment