Thursday, June 30, 2016
QUÊ HƯƠNG CỦA NHẬT LỆ
NGUYỄN KỲ PHONG
Patria cara, Carior libertas.
Quê hương thì thân yêu. Nhưng tự do còn thân yêu hơn.
Sau khoá học đầu tiên của ban cao học về Liên Hệ Đông Âu ở Johns Hopskins School of Advance International Studies tôi có dịp được đi học hè ở Prague, thủ đô Tiệp Khắc. Với một phí tổn là $400, sinh viên được bao ăn ở và theo học một tháng về văn chương hiện đại Tiệp Khắc do đại học Carolinum, một trong những đại học cổ nhất ở Âu châu tổ chức. Đúng ra, tôi chỉ muốn đi nghỉ hè ở Prague chứ không thích gì về văn chương Tiệp Khắc cho lắm. Tôi chỉ biết có ba văn sĩ nước đó. Milan Kundara, với một tác phẩm tôi rất thích, The Unbearable Lightness of Being. Frank Kafka, một tác giả về siêu hiện sinh, và Jaroslav Siefert, một nhà thơ già vừa được giải văn chương Nobel.
Khoảng giữa tháng bảy, tôi đặt chân xuống Prague. Tiệp khắc đẹp không thể tả.
Vài ngày sau khi đến Prague, tôi tình cờ quen một cô gái Việt Nam trên chuyến xe bus, khi chúng tôi ngồi cùng băng ghế, đi từ thư viện Lenin ở đường Hybernska mãi cho đến khu Hradcany, một trung tâm văn hoá - một đoạn đường khá xa để hai người ngồi cùng băng yên lặng. Người con gái có tên là Nhật Lệ. Lúc đầu nàng rất ít nói, nhưng khi biết được tôi từ Mỹ đến, nàng rất vồn vã với nhiều câu hỏi.
Người con gái có đôi mắt rất Việt Nam và một nụ cười thật tươi. Lúc nói chuyện, nàng có một thói quen rất khêu gợi: nhìn thẳng vào mắt người đối thoại, cúi mặt và mĩm cười. Và lúc nào nàng cũng theo thứ tự đó. Nhật Lệ nói cho tôi biết là nàng ở Prague được sáu năm. Đang theo học về ngành sư phạm ở đại học Kozlekedisi Foiskola. Sanh ra ở Quảng Bình, lớn lên ở Hà Nội từ lúc mười tuổi. Nhật Lệ nói tiếng Việt thật hay, thật quyến rũ. Tôi khó quên được lần gặp gỡ đầu tiên đó. Sau khi hẹn gặp lại nhau ở thư viện Lenin vào một chiều cuối tuần, nàng xuống xe, quên nói cho tôi biết là tôi đang ở đâu. Khi xe bus đến trạm, tôi phải bỏ ra gần một tiếng đồng hồ mới tìm được người biết tiếng Anh, để chỉ đường cho tôi trở lại cư xá của đại học Carolinum.
Hai người gặp lại nhau bốn ngày liên tiếp. Thích nghe chuyện của nhau. Tôi muốn nghe về Hà Nội, về Quảng Bình, quê hương của Nhật Lệ. Nàng muốn nghe tôi nói về đời sống ở Mỹ, về Sài Gòn, về những lý do tại sao tôi "đã hơn ba mươi tuổi rồi mà vẫn chưa vợ "... Có một điều làm tôi rất ngạc nhiên là Nhật Lệ luôn luôn hỏi tôi nghĩ thế nào về chuyện trở về Việt Nam để giúp đỡ quê hương. Tôi chỉ trả lời với nàng là tôi vẫn chưa nghĩ đến chuyện đó. Trong suốt bốn ngày, Lệ đưa tôi đi thăm những nơi thật đẹp như cầu Karluv Most, công trường Phố Cũ, lâu đài Prague và bảo tàng viện Bedrich Smetana trên bờ sông Vltava, một con sông thật thơ mộng.
Buổi chiều ở bảo tàng viện là một buổi chiều tôi hôn được Nhật Lệ , khi tôi thủ thỉ vào tai nàng câu "If I can write the beauty of your eyes ". Để được một nụ hôn, tôi dịch ra tiếng Việt cho nàng nghe là " Ước gì tôi tả được đôi mắt nàng !" Một buổi chiều cuối tháng Bảy, chúng tôi đứng thật gần nhau để nhìn mặt trời đang xuống dần ở bên kia bờ sông Vltava. Bên kia bờ sông là Rạch Quỷ, với một rừng âm u của những màu lá vàng, đỏ, tím. Và không khí của tháng Tám ở Prague yên lặng như đôi mắt của Nhật Lệ.
Chiều hôm đó, khi chỉ còn hai tuần nữa là tôi phải trở lại Mỹ, tôi hỏi Lệ " Em đã bao giờ biết yêu ?". Nàng nhìn tôi, cúi mặt, mĩm cười. Nàng vẫn theo thứ tự đó. Với cái bản năng chiếm hữu của đàn ông, tôi muốn ở Lệ nhiều hơn là những nụ hôn. Nhưng nàng rất do dự. Tuần kế tiếp, tôi chờ Nhật Lệ ở thư viện Lenin ba hôm liên tiếp nhưng không gặp nàng. Không có điện thoại, không rành đường đến nhà nàng, tôi không biết làm gì hơn là chờ.
Sau cùng, Lệ đến thư viện để gặp tôi. Khi gặp nàng, tôi không biết ngượng khi tôi nói với nàng, "đi em, mình đi tìm một chỗ nào đó để hôn nhau". Tôi đưa nàng đến khu Phố Cũ (Stare Mesto), vào ngồi trong một quán café có tên là U Rudolfa, một quán nhỏ, rất tình. Khi phố lên đèn, chúng tôi đi ciné. Đêm đó, nàng không nói gì khi tôi đưa nàng về phòng tôi ở cư xá Carolinum. Qua đêm, tôi biết tất cả về Lệ. Sau cơn nhiệt tình, tôi nằm thừ người ra, thấy rất hối tiếc. Hối hận thì đúng hơn. Vì hối tiếc là khi mình có thể làm một cái gì đó để đền bù lại (như trong trường hợp tôi lấy Lệ). Hối hận là khi tôi không thể làm gì được. Không phải là trong lúc này. Không đầy một tuần nữa là tôi phải trở lại Mỹ...
Tôi bỏ ra khỏi phòng tìm mua cà phê khi Lệ khóc hoài không nín.
"Em sanh ra ở Quảng Bình, huyện Lệ Thuỷ, nơi có Luỹ Nhật Lệ, hay còn gọi là Luỹ Thầy, trên bờ sông Nhật Lệ. Anh biết không, ở ngoài Trung có rất nhiều địa danh rất đẹp như sông Thu Rơi, Thu Bồn, làng Duy Xuyên, Hiền Sĩ, Cổ Bi...Bố đặt tên em là Nhật Lệ vì bố mẹ đã gặp nhau trên những chuyến đò đi qua sông đó. Ba em mang quân hàm Thượng Uý, phục vụ ở trung đoàn 32 khi ông hy sinh vì nghĩa vụ ở Dakto, ở chiến khu 5. Cậu em cũng tham dự trận đó, nên khi bố em chết, cậu em có đem về được quyển nhật ký của bố em. Sau trận đánh cậu em được giải ngũ vì bị tàn phế. Vì Đồng Hới và Quảng Bình thường bị dội bom nên cậu và mẹ em dọn về Hà Nội. Em học rất khá, là con tử sĩ nên được gởi đi Tiệp Khắc để học về ngành giáo dục. Vả lại khi còn sống, bố em quen biết rất thân với tướng Hoàng Minh Thảo từ lúc ông còn là trung đoàn trưởng trung đoàn 66 ở trận Điện Biên, và bố em còn biết luôn cả bác Chu Huy Mẫn khi bác còn chỉ huy hai trung đoàn 32 và 33 ở mặt trận Tây Nguyên. Em qua đây, không mong gì hơn là học được thành tài để trở về giúp đỡ quê hương.
Em thương nước Việt mình lắm. Đọc quyển nhật ký của bố em hoài nên em quen từng địa danh của quê hương. Mỗi khi có ai gọi em là Nhật Lệ, em nhớ đến dòng sông. Sông đẹp, nhưng không nuôi được dân làng....Em sẽ về để phục vụ quê hương. Biết em rồi, anh có thương em không ? Anh có muốn về cùng em để phụng sự đất nước mình không ?".
Tôi run lên vì xúc động khi nghe câu chuyện của Nhật Lệ. Câu chuyện nghe như thật. Nhưng phải thật, vì có bao nhiêu người con gái biết được Dakto nằm ở chiến khu 5, hay là hai trung đoàn 32 và 33 là hai trung đoàn cơ bản của mặt trận Tây Nguyên đâu. Tôi ngồi lên nhìn Lệ, không biết phải nói gì. Tôi càng hối hận hơn. Nói theo một cảm giác của Shakespeare là, " Dù có tất cả hương thơm của xứ Ả Rập cũng không rửa được bàn tay đẫm máu này". Trong cơn hối hận, tôi chỉ biết dỗ dành nàng bằng những nụ hôn. Nửa đêm, khi làm tình với Nhật Lệ, tôi để ý thấy nàng khóc...Chắc chắn không phải là những " giọt nước mắt của người con gái về nhà chồng ", tôi nghĩ.
Buổi sáng hôm đó, khi thức giấc, Lệ đã về. Nàng viết lại mấy dòng, nói nàng muốn gặp tôi chiều mai ở một công viên đối diện với một nghĩa trang ở đường Kozi, " gần lâu đài Agnes Kloster, ở khu Phố Cũ, từ trường Carolinum ra đó rất gần, em mong gặp anh. Mình sẽ có nhiều chuyện để nói ", nàng viết. Tôi không nghĩ là lương tâm tôi có thể bình thản được khi tôi trở lại Mỹ. Tôi nằm thừ người ra, ước mình không làm những gì mình đã làm đêm qua. Ước gì đêm qua chỉ là một giấc mơ.
Khi gặp Lệ, với một vẻ cầu khẩn, nàng muốn tôi ở lại Tiệp Khắc sáu tháng nữa, khi nàng học xong hai đứa cùng trở lại Việt Nam. "Em đã nói chuyện với một người rất thân ở toà đại sứ. Toà đại sứ sẽ lo vấn đề di trú của anh với chánh phủ Tiệp Khắc, anh không phải sợ gì cả. Em yêu anh. Khi đã trao thân cho anh rồi, em không thể thiếu anh. Mình sẽ cùng về Việt Nam, đem tài ra xây dựng lại tổ quốc mình. Đất nước đã được tự do dân chủ rồi, bây giờ chỉ cần tái thiết lại mà thôi. Gia đình, quê hương vẫn còn ở Việt Nam, anh ở đây làm gì ? Anh, nếu thương em, hãy nghe lời em".
Lệ nhìn tôi, cầu khẩn một câu trả lời. Trước khi gặp nàng tôi nghĩ tôi đoán được một phần nào câu chuyện của Lệ muốn nói với tôi trong cuộc gặp gỡ hôm nay. Nhưng tôi đã nghĩ trật. Thay vì nàng muốn tôi đưa nàng về Mỹ, như tôi đã dự đoán, Lệ muốn thuyết phục tôi cùng nàng về Việt Nam ! Chuyện về Việt Nam là chuyện ngoài vấn đề đối với tôi. Mặc dù chuyện lên toà đại sứ Việt Nam ở Tiệp Khắc xin hồi hương là chuyện có thể xảy ra được. "Anh nghĩ gì vậy anh ? Anh phải trả lời em đi ". Nhật Lệ hỏi tôi khi thấy tôi ngồi lì trong yên lặng.
"Em, anh rất thất vọng về chuyện em làm. Lẽ ra em phải nói cho anh biết trước về chuyện em liên lạc với toà đại sứ. Tuy nhiên chuyện đó chỉ là chuyện phụ. Chuyện quan trọng nhất là chuyện anh ở lại đây với em, chờ em ra trường để hai đứa cùng trở lại Việt Nam. Anh sống với em được, nhưng anh không thể trở về quê hương mình trong lúc này. Nước Việt Nam mình bây giờ không có được tự do, dân chủ như em vừa nói. Nước Việt mình bây giờ còn tệ hơn cái nước Việt Nam mà anh đã từng biết,
từng lớn lên. Em, ở xã hội chủ nghĩa không có tự do dân chủ, có chăng chỉ là những cái bóng của những danh từ đó. Em hiểu lầm ý nghĩa của tự do. Tự do không phải là những quyền mà chính phủ của một nước cho người dân. Vì như vậy, chính quyền có thể lấy sự tự do lại lúc nào cũng được. Tự do có nghĩa là cái quyền của người dân được nói cho chính quyền biết là họ đã vi phạm những gì mình nghĩ là tự do. Và như anh biết, ở Việt Nam bây giờ, không ai dám nói cho chính quyền biết là họ đang đi ngược lại những quyền tự do căn bản nhất. Nước Việt Nam chưa có tự do em ạ. Làm sao anh có thể trở về được ?".
Trời lúc đó đã tối khi tôi nói cho Nhật Lệ nghe hết những gì tôi nghĩ về sự tự do và nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Nàng sụt sùi khóc. "Em phải về, anh ạ. Em muốn anh đến nhà em vào chiều mai để mình tính lại. Những gì anh nói về nước mình, em không biết, và em cũng không cần biết. Em chỉ biết là ở quê hương còn mẹ, còn đàn em, và em phải trở về. Lý tưởng không có nghĩa gì nếu mình không có một quê hương để phụng sự. Em không thể quên anh được. Anh phải có trách nhiệm với em." Lệ nói với tôi khi nàng đưa tôi địa chỉ nhà.
Hai đứa cùng lên một chuyến xe bus - như lần đầu tiên gặp nhau - để đi về. Tôi hôn nàng khi gần đến cư xá đại học. Khi xuống xe, tôi nhớ tôi đã chào giã từ nàng bằng một lối chào nhà binh. Trong bóng đêm, tôi không biết nàng có thấy tôi chào nàng không.
Tôi dậy thật sớm vào buổi sáng cuối cùng ở Prague. Thu dọn đồ vào valise, tôi đi lên phòng học vụ báo cho họ biết là tôi sẽ dùng phương tiện tự túc để ra phi trường. Lên xe bus, tôi đi một vòng Prague lần cuối. Tôi xuống ở khu Phố Cũ, vào quán café U Rudolfa ngồi để viết cho Nhật Lệ một lá thư.
"Nhật Lệ, anh đã nghĩ rất nhiều về chuyện em nói, chuyện quê hương của mình...Anh vẫn còn mẹ và đám em ở quê nhà như trường hợp của em. Nhưng anh không thể trở lại quê hương mình được. Không phải là lúc này. Quê hương mình chưa có tự do. Em, Quê hương thì thân yêu, nhưng sự Tự Do còn thân yêu hơn. Giữa quê hương và tự do, anh chọn tự do. Anh về Mỹ nhưng vẫn nhớ đến em. Địa chỉ của anh ở Mỹ là...Liên lạc với anh để anh biết về đời sống của em ở bên này. Em ở lại bình yên."
Tháng Tám, đường phố Prague có vẻ nghiêm ngặt. Cảnh sát bày những hàng rào kẽm gai ra đường phố dẫn vào các công trường để ngăn ngừa những đám biểu tình hằng năm, chống việc Nga chiếm Tiệp Khắc (Tiệp Khắc nổi loạn chống Nga vào tháng tư, nhưng lễ kỷ niệm tổ chức vào tháng tám, vì đó là lúc Nga hoàn tất việc chiếm đóng). Trời Prague hôm đó có nhiều mây. Thứ mây mưa có một màu xám tro trông thật hung dữ. Prague ngày hôm đó không được đẹp như ngày tôi đến.
Tôi về Mỹ, một khoảng thời gian sau, nhiều người bạn nói với tôi là, có, ở ngoài Trung có một con sông tên Nhật Lệ. Nhưng khi nghe về chuyện tôi đã quen một người con gái mang tên dòng sông đó, họ chỉ cười, có vẻ không tin.
Nguyễn Kỳ Phong
1990
-----------------------
Nguồn : VĂN, số 93, tháng 3-1990
Wednesday, June 29, 2016
LÊN CAO HÔN TRỜI
NGUYỄN HƯNG QUỐC
Trong sinh hoạt thơ ca miền Nam giai đoạn 1954-1975, giữa lúc mọi người thích huyên náo thổi kèn và đánh trống, thi nhau tạo nên những tiếng động ồn ào và chói, thì có một người lặng lẽ bỏ đi xa, lên một ngọn đồi thật khuất và thật vắng, với một cây sáo nhỏ. Người ấy không thổi. Ông gắn cây sáo vào chiếc diều rồi thả lộng lên trời cao để cho gió thổi, trời đất thổi. Trong âm thanh dìu dặt của tiếng sáo, người ta nghe thấy tiếng thở của ông lẫn với tiếng thở của "Thiên địa du du" và của cả nhân loại "Mang mang vạn cổ sầu". Người ấy là Cung Trầm Tưởng.
Cung Trầm Tưởng làm thơ ít lắm. Hình như ông chỉ có một tác phẩm duy nhất in chung với Phạm Duy và Nguyễn Cao Nguyên năm 1959: TÌNH CA. Cung Trầm Tưởng lại không hay "phát ngôn" ồn ào gây sôi động dư luận. Ngay trước năm 1975, ở miền Nam, cơ hồ đã nhiều người quên Cung Trầm Tưởng. Quên tên, quên tuổi. Quên một tấm căn cước. Quên một chiếc ghế ngồi. Tuy nhiên có một nghịch lý : hình dáng người có thể bị quên lãng song những tiếng chân khua của con người ấy trên những vần lục bát xôn xao tâm sự kia thì cứ còn lại mãi, ngân vang mãi, hoà âm không nguôi với nhịp đập của mọi trái tim còn biết bâng khuâng.
Lục bát là thể thơ sở trường nhất của Cung Trầm Tưởng.
Mang máng nhớ, đâu đó, có người khen Cung Trầm Tưởng đã làm mới, thật mới thể thơ lục bát. Tôi không tin. Cái giọng điệu ngọt ngào trong lục bát Cung Trầm Tưởng đã có từ Nguyễn Du. Cái cách biểu hiện mang ít nhiều tính chất tượng trưng trong lục bát Cung Trầm Tưởng đã có từ Huy Cận. Cả cái cảm giác bơ vơ trước thời gian, không gian bàng bạc trong lục bát Cung Trầm Tưởng cũng đã có từ Thơ Mới, hoặc xa hơn, tư thơ Đường. Giọt nước mắt rưng rưng của Trần Tử Ngang ngày nào từng đọng lại trong Cung Oán Ngâm Khúc, từng tan ra trong Lửa Thiêng, đã biến thành một tràng giang điệp điệp sóng buồn trong thơ Cung Trầm Tưởng.
Giọng thơ Cung Trầm Tưởng không mới. Tầm vóc của Cung Trầm Tưởng được định hình, trước hết bằng những cái cũ : Cung Trầm Tưởng đã thừa tự trọn vẹn những nỗi buồn u uẩn của bao nhiêu kiếp người đi trước. Bên cạnh cái trẻ trung mơn mởn của những Quách Thoại, những Tô Thuỳ Yên, những Thanh Tâm Tuyền...Cung Trầm Tưởng là người khá già. Ông đã bỏ xa, xa lắm kiểu cắt tóc ngay ngắn, chải dầu brillantine trơn mướt của các nhà thơ thời tiền chiến, nhưng ông chỉ mới gần, rất gần,
chứ chưa bắt kịp cái kiểu tóc tai bù xù rối tung của các nhà thơ cùng thời. Thường được coi như cùng hàng ngũ với Sáng Tạo, với những người khai phá, song tôi có cảm tưởng, vị trí đích thực của Cung Trầm Tưởng là vị trí của một giao mùa, một chuyển tiếp, một gạch nối - gạch nối lớn và đẹp - của hai thế hệ thơ.
Trong tâm hồn, trong cảm xúc, trong phương thức biểu hiện của thơ Cung Trầm Tưởng, có cái gì rất mực Đường Thi. Coi kìa, cái dáng dấp của Cung Trầm Tưởng trong thơ : nó không là một cá thể giữa bao nhiêu cá thể khác làm nên một xã hội người ngổn ngang và phức tạp. Nó chỉ là một bản thể người. Nó là một bản thể vĩnh cửu đối diện với cái mênh mông rợn ngợp, không cùng không tận của trời đất. Không thể tìm ra trong thơ Cung Trầm Tưởng mảy may hồi quang lấp lánh hay mờ nhạt của xã hội, của lịch sử. Hoàn toàn thiếu vắng những chi tiết cụ thể để hình dung cuộc đời thực nhà thơ đang sống. Mọi mối quan hệ giữa con người với con người trong thơ Cung Trầm Tưởng đều biến thành mối quan hệ giữa con người với thời gian và không gian. Thử so sánh bài Khoác Kín của Cung Trầm Tưởng với bài Những bóng người trên sân ga của Nguyễn Bính hay bài Những ngày nghỉ học
của Tế Hanh thì rõ. Cả ba đều có một hình tượng : sân ga, đều tạc nên một nhân ảnh : lẻ loi, đều dựng nên một nỗi niềm : buồn tênh. Nhưng trong thơ Tế Hanh và Nguyễn Bính, người chỉ bơ vơ giữa người :
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa
(Tế Hanh)
Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này ?
(Nguyễn Bính )
Còn Cung Trầm Tưởng, ngược lại, ông không hề thấy những người đưa hay đón. Chỉ nổi lên, sừng sững một dáng người bất động trên cồn cao. Một mình. Bóng in lên nền trời mây âm u với một chút nắng rưng rưng sắp lụi. Một mình. Những bước chân chậm Chạp vì mang nặng tâm trạng hiu quạnh. Cũng một mình :
Mình tôi với phố non cao
Với cồn tuyết lạnh buốt vào xương da
Với mây xuyên nhợt ánh tà
Với đèn xóm hạ cũng là tịch liêu
Tôi về bước bước đăm chiêu
Tâm tư khoát kín sợ chiều lạnh thêm.
Trong quyển Thi ca Việt Nam hiện đại, tập 2, của Trần Tuấn Kiệt, in khoảng năm 1966, được Đại Nam tái bản ở hải ngoại, trang 885 có một bài thơ của Cung Trầm Tưởng nhan đề là Nghĩa Địa như sau :
Ngồi trông rũ tóc mưa rơi
Me thiêng một góc nói lời cổ sơ
Bãi hoang buồn cổ tiêu sơ
Gầy xương thổ mộ nằm trơ nỗi hàn.
Chiếu sương, màn lưới mưa đan
Rêu phong mả huyệt tro tàn bát hương
Vàng phai mả giữa tang thương
Trăm năm bia đá còn thương tủi người.
Ngồi trông vút bóng chim dơi
Mà ghê lạnh cả đất trời thâm sâu
Sương khăn sô tấm phủ đầu
Che hồn ẩm mốc nỗi sầu âm dương.
Cũng bài thơ ấy khi xuất hiện trong quyển Tuyển thơ Cung Trầm Tưởng của nhà xuất bản Con Đuông tại Sài Gòn (bản in ronéo khoảng sau năm 1970) , diện mạo của nó lại khác hẳn :
Ngồi trông lõng bõng mưa rơi
Cây me mục nát nói lời cổ sơ
Bãi nhăn nhầu vết lăn xưa
Một xe thổ mộ nằm trơ gỗ gầy
Ngồi trông úp xuống trần mây
Cỏ xanh bia mộ đã dầy ngút quên
Chiều nhoà về xứ không tên
Thời gian hoá đá chồng lên tuổi đời
Ngồi trông vút bóng chim dơi
Rồi ghê lạnh cả đất trời thâm sâu
Sương khăn sô lấy phủ đầu
Che hồn ẩm mốc nỗi sầu âm dương.
Tôi chắc là bản thứ hai được Cung Trầm Tưởng sửa chữa từ bản thứ nhất. Mà đúng. Bản thứ hai hay hơn nhiều. Ở bản thứ nhất, ngôn ngữ còn vụng và sáo. Ở bản thứ hai, ngôn ngữ đã vững chãi, thật vững chãi, đã tầm vóc, thật tầm vóc. Nhưng ở đây tôi không muốn so sánh về nghệ thuật. Hãy để ý đến khía cạnh tư tưởng : ở bản thứ nhất, nghĩa địa chỉ là nghĩa địa, rất cụ thể, ở đó, có người còn sống ngồi ngẩn ngơ thương nhớ người đã khuất. Ở bản thứ hai, cái nghĩa địa ấy dường như mở rộng ra, mênh mông thêm, thành ra cả cuộc đời : nắp quan tài là "trần mây", những tảng đá là "thời gian", con người dù sống hay chết cũng chỉ quẩn quanh trong vùng địa lý của một ngôi mộ ! Chưa nói thay đổi tứ thơ như thế, Cung Trầm Tưởng bi quan hay lạc quan hơn. Chỉ xin nhấn mạnh : khuynh hướng chính trong tư duy thơ của Cung Trầm Tưởng là muốn vươn lên những tầm khái quát rộng. Cung Trầm Tưởng là nhà thơ siêu hình. Ông ngại ngùng trước những gì cụ thể, một bát hương với tro tàn,
một cái mả với bia đá phôi pha, chẳng hạn. Ông thích trừu tượng hoá, khái quát hoá. Để qua từng người, từng người, ông tìm kiếm cái số phận của con người. Để qua từng khoảnh khắc, từng khoảnh khắc, ông "mơ tìm hình dạng bóng thiên thu", nói như Quách Thoại.
Có lẽ đó là lý do chính giải thích tại sao Cung Trầm Tưởng lại đặt thiên nhiên làm trọng tâm cho cảm hứng thơ ca của mình:
Đêm nằm nghĩ biển thèm khơi
Nghe mây hồn dạt nước trời mênh mông.
Cung Trầm Tưởng có tư thế làm thơ thật "cổ điển" và cũng thật đẹp :
Sớm nay giàu thịnh là tôi
Thiên nhiên riêng bãi cát ngồi làm thơ.
Sau năm 1945, hiếm có nhà thơ nào yêu say và gắn bó với thiên nhiên như Cung Trầm Tưởng. Nhưng lạ, thiên nhiên trong thơ Cung Trầm Tưởng thường chỉ là thứ thiên nhiên chung chung, mờ ảo, nhạt nhoà. Chiếm tỉ lệ nhiều nhất là những buổi chiều và những cơn mưa. Rõ ràng là Cung Trầm Tưởng có lỗ tai âm nhạc hơn là có mắt nhìn hội họa. Ông gần Huy Cận hơn gần Xuân Diệu. Thiên nhiên trong thơ Cung Trầm Tưởng phảng phất thiên nhiên trong Lửa Thiêng. Cũng những "lưng đèo", những "lũng chiều", những "non cao", những "quán không"... Nghĩa là một thứ thiên nhiên có tính ước lệ, đã hoá "văn chương". Nổi bật nhất trong thơ Cung Trầm Tưởng là những hình tượng âm thanh : người ta không thấy chiếc tàu mà chỉ nghe vang vang những tiếng rền trên nhịp sắt, người ta không thấy cây lá lao xao mà chỉ nghe thầm thì những tiếng gió lùa, người ta không thấy những lượn sóng dội lúc khẽ khàng lúc ào ạt vào bãi cát :
Ý vui lòng để then hờ
Nghe xa xa sóng vỡ bờ pha lê.
Lỗ tai tinh tế nắm bắt mọi tiếng động xôn xao trong trời đất làm cho tâm hồn Cung Trầm Tưởng, như chính ông nhìn nhận, trở thành một "cái đĩa âm thanh" :
Hồn tôi cái đĩa âm thanh
Tròn nguyên nét nhạc, trung thành ý ca
Đồ rê mi pha xon la
Ngẫm từng giai điệu, nghe ra chiều buồn.
Hay. Cách ví von hay. Nhạc điệu thơ hay. Câu thứ ba với sáu chữ, sau mỗi chữ là một chỗ dừng hơi, là câu lục có nhiều nhịp ngắt nhất trong lịch sử thơ lục bát Việt Nam. Tự nó , những "đồ/rê/mi/pha/xon/la" không là thơ. Nhờ câu tiếp theo mà những từ ngữ lạ lùng ấy hoá thành thơ. Và là thơ tuyệt vời thơ. Ngược lại, câu lục độc đáo đó đã làm cho câu bát phía dưới hay hơn hẳn : dư âm của câu lục tràn xuống, khiến người đọc không thể đọc câu bát với kiểu ngắt nhịp 4/4 quen thuộc, mà phải đọc chậm hơn, trầm hơn, cơ hồ sau mỗi chữ hay mỗi hai chữ là một ngắt hơi cho nỗi bâng khuâng có thời gian tỏa lan ra man mác : "ngẫm từng / giai điệu / nghe ra / chiều buồn". Hơn nữa, chính cái âm hưởng rời rạc, đứt quãng của câu lục lại trở thành một sự minh họa bằng nhạc điệu cho thái độ trầm ngâm "ngẫm từng giai điệu" và góp phần giải thích sự phát hiện "nghe ra chiều buồn" ở câu bát.
Là "cái đĩa âm thanh" của trời đất, Cung Trầm Tưởng không tự buồn hay tự vui. Cung Trầm Tưởng là con suối. Suối buồn chỉ vì núi rừng hiu quạnh. Suối vui chỉ vì rừng núi xôn xao chim hót và phơi phới hoa hương. Đừng ngạc nhiên tại sao cảm xúc thơ Cung Trầm Tưởng lại có những mâu thuẫn đến kỳ lạ. Trong nền văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975, buồn nhất là Cung Trầm Tưởng mà vui nhất cũng là Cung Trầm Tưởng. Có gì đâu. Hẳn Cung Trầm Tưởng sẽ đáp : chỉ tại đất trời !
Có lúc trời đất câm nín đến tàn khốc :
Ơ thờ lạnh thấu muôn nơi
Nằm nghiêng ván mỏng, ngóng trời, trời câm
Ngóng nghe đời cũng lặng thầm
Riêng thời gian vẫn còn thâm buốt hoài.
Nhưng cũng có lúc thiên nhiên như ca múa :
Núi rừng chào hỏi chim muông
Cây xanh lá mới phập phồng gió vui
Nụ hồng ngợp nắng lên môi
Tôi nghiêng tim rỏ ngọt bùi tiếng ru.
Bài Về Đây là một bài thơ đặc sắc. Vì hay. Vì vui. Và vì tình cảm đôn hậu rất hiếm thấy trong văn chương sau này :
Về đây tôi lại gặp tôi
Lang thang lối cũ trước đồi sau mương
Ngô đồng lả ngọn thuần lương
Trời cao không đỉnh mến thương không bờ
Cố tri khóm hạnh bây giờ
Vẫn bừng hoa nở đứng chờ lối xưa
Vẫn hanh vàng nắng tỏa vừa
Hiu hiu tùng rũ bóng chưa hao gầy
Về đây tôi lại về đây
Non lên thắm nhớ chiều đầy khoan dung
Chân vui lối rộn không cùng
Gần xa trời mở vòng cung thâu vào
Chân phương lòng thấy nao nao
Với muôn thương mến lên cao hôn trời.
Trong vô số những cái hôn trong văn chương, tôi nghĩ cái hôn của Cung Trầm Tưởng lên trời cao là cái hôn lạ lùng nhất và dễ thương nhất. Cái hôn của một tâm hồn mở ta bát ngát một nỗi yêu thương vô hạn đối với cuộc đời.
Một cái hôn khác trong thơ Cung Trầm Tưởng cũng rất mực lạ lùng và dễ thương : cái hôn của sóng biển lên bãi cát :
Sóng dâng còn ngấn môi kề
Đêm hôm bãi nhớ sớm về biển khơi
Sớm đi khơi rộng ý đời
Thêm mênh mông nước cho trời để chân.
Hình ảnh đẹp. Sau này hình ảnh ấy đã trở thành một tứ thơ hay trong một bài thơ hay hiếm hoi của Xuân Diệu sau năm 1945 : bài Biển.
Tưởng tượng biển mênh mông trải rộng dưới bình minh cho trời để chân đã đặc sắc. Đặc sắc hơn nữa là tưởng tượng cả cái chân trời bao la ấy như một cánh tay thân ái ôm ấp tâm hồn con người :
Trời hiền khép một vòng thân
Trông cao xa ấy mà gần tâm tư.
Thơ Cung Trầm Tưởng có nhiều bài buồn và chỉ có một ít bài vui. Nhưng tâm hồn Cung Trầm Tưởng là một tâm hồn khát khao niềm vui. Nhiều lúc Cung Trầm Tưởng rán sức chống chọi lại nỗi buồn :
Tôi về bước bước đăm chiêu
Tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh thêm.
Chống lại một buổi chiều. Còn đỡ. Có khi Cung Trầm Tưởng còn chống lại với cả một mùa Đông rét mướt, một thân phận lính tráng giữa tiền đồn heo hút và những nỗi buồn thiên cổ của loài người.
Hôm nay trời quá đìu hiu
Ngày đi sớm để tiêu điều quán không
Vang núi dội sông
Chiêng khua rừng rú
Vọng buồn lính thú
Trong hồn mênh mông
Hồn se như sóng đầu sông
Cuối heo may lạnh mùa đông xám về
Vội vàng thổi ấm đam mê
Đốt lên cho bớt não nề nghìn xưa.
(Nghìn xưa)
Đam mê mà Cung Trầm Tưởng nói đó là đam mê gì ? Chịu. Ông không nói. Nhưng dù là đam mê gì đi nữa cũng rất đổi họa hoằn trường hợp Cung Trầm Tưởng chiến thắng được những "não nề nghìn xưa ấy ". Có. Đã đành. Nhưng là họa hoằn. Đó là những khi Cung Trầm Tưởng nhìn lau lách, nơi từ lâu, như một quán tính hay một qui ước, người ta thường coi là kho tàng chất chứa những nỗi niềm quạnh quẽ và buồn tênh trong văn học, riêng Cung Trầm Tưởng lại thấy man mác một vẻ gì thơ mộng và nhẹ nhàng :
Chiều về cười lả lời lau
Hồn lâng lâng nhẹ ý phau bạt ngàn.
Đó là những khi Cung Trầm Tưởng bắt chước Lý Bạch trèo lên ngồi chót vót trên núi cao. Nhưng Cung Trầm Tưởng không thấy hiu hắt buồn. Lạ. Lại thấy ngây ngất say với những niềm vui dào dạt :
Chiều về ngồi đỉnh non cao
Lao xao từ lá rạt rào đến tim.
Tiếc, trường hợp chiến thắng nỗi buồn như vậy hiếm hoi quá. Nhiều hơn trong thơ Cung Trầm Tưởng là những âm hao não nuột, đoạn trường. Không phải không có bài hay. Nhưng tôi nghĩ ngay ở những bài hay nhất thuộc loại này cũng chưa khắc họa được chân dung thơ hoàn toàn độc đáo của Cung Trầm Tưởng. Ở nhiều bài, nếu bỏ đi một số từ ngữ mới, người ta dễ ngỡ là những nhánh cây đu đưa trên vòm cây Huy Cận. Một số câu lại gợi nhớ đến truyện Kiều. Chỉ có những tứ thơ chống chọi lại nỗi buồn hoặc reo lên say sưa hân hoan là mang nhiều nét riêng của Cung Trầm Tưởng nhất. Khó tìm ra trong thơ Việt Nam những tứ thơ tương tự. Tội nghiệp, thơ văn của chúng ta vốn nghèo niềm vui, đặc biệt những niềm vui thực sự trong lành.
Thơ Cung Trầm Tưởng không giàu niềm vui, song lại có thừa tính chất trong lành của một con suối đầu nguồn. Dù buồn hay vui, thơ Cung Trầm Tưởng cũng chỉ có một giọng, giọng thật hiền hoà. Dù có bài hay, có bài chưa hay, thơ Cung Trầm Tưởng bao giờ cũng là những tiếng chim hót dịu dàng nhắc nhở loài người, rằng, đang có đó, trên cao, một mảnh trời xanh rất thơm tho ánh nắng chờ đợi người "hôn".
Nguyễn Hưng Quốc
1988
---------------------------
Nguồn : VĂN, số 73, tháng 7-1988
Monday, June 27, 2016
NÓI VỚI AI BÂY GIỜ
TRẦN LONG HỒ
Buổi chiều mùa Thu đúng nghĩa, với những đám mây xám ảm đạm trên nền trời trắng đục và bên đường trơ hàng cây khô run rẩy trong gió nhẹ. Tôi trở về từ bệnh xá Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ. Đứng trên bậc thềm cao nhìn ra hè phố rộng lộng gió. Chiều nay, tôi ngập ngừng không muốn bước xuống con đường quen thuộc như mọi khi. Như có gì níu kéo bước chân từ mấy ngày nay, như có gì xoá nhoà ngõ đi thân thiết mọi ngày. Tôi vẫn đứng yên trên bậc thềm cao ấy, muốn có một phút giây trong chuỗi ngày tháng bận rộn. Không phải để nhìn những chiếc lá bay chao đảo ngoài kia, hay những người kéo cao cổ áo che gió đi hấp tấp trên hè phố. Càng không phải mấy con chim bồ câu vừa đáp xuống hay vài mãnh giấy bay vướng víu bên lề đường. Chính tôi muốn nhìn rõ hơn điều nan giải đang xoay chuyển trong đầu.
Bước xuống một bước có nghĩa là, không phải đi một bước như thông thường mỗi buổi chiều về, không phải nhấc bàn chân như một hành động phản xạ, không như một bước chân nào khác, trước đó. Bước xuống một bước chính là quyết định một hướng đi cho chiều nay.
Tôi đứng yên lặng cảm thấy hơi lạnh thấm dần qua vai áo, thấy tóc mình bay loà xoà trước mắt. Hình như có hơi nước nồng nàn theo gió như những chiều xưa, bên cửa, lặng nhìn tà áo trắng ướt đẫm quấn quít trong mưa. Hình như có mặn môi, những ngày hai mươi năm trước.
Tại sao tôi phải đứng đây chiều nay. Ở đó, trong phòng mạch, có lẽ một số người bệnh đang chờ tôi. Đương nhiên trong số ấy không có người tôi mong đợi. Tại sao tôi phải gặp lại người đã ra đi từ hai mươi năm trước. Làm sao tưởng được một đường vòng quá lâu như vậy. Một sự gặp gở tình cờ, tôi muốn nghĩ như vậy, tôi không mong là định mệnh. Đừng nghĩ như thế, một thoáng nghĩ về số phận sẽ làm tôi chao về một hướng đi khác. Trên đường vòng đó không phải hai người đi ngược chiều. Chỉ có một người thôi. Chỉ có người ấy, Tuyết đi thôi. Tôi đã đứng yên từ điểm tôi bắt đầu. Tôi đã đứng yên với lòng đau đầy luyến tiếc. Trên đường vòng, người đi, tôi phó mặc. Những ngày mới lớn, chỉ có lòng hoang mang xao xuyến, chỉ có mắt nhìn ngẩn ngơ ngây dại, chỉ có môi run rẩy nghẹn lời. Thì đương nhiên, ngày ấy, vở tan là một chuyện phải đành. Nào ai biết sự yên lặng chứa đựng một lò lửa hừng hực nóng bỏng, nào ai biết ánh mắt tôi muốn nói vạn lời, nào ai biết lòng đau theo mắt liếc môi cười. Chỉ có một người biết được. Chính tôi thôi. Người đi, tôi đứng lại. Bao năm tự giết mình trong hối tiếc và một mưu đồ tự hủy. Đường vòng xa quá, chính tôi cũng lãng quên thì còn ai nhớ được.
Chiều hôm đó đường vòng đã nối lại sau hai mươi năm. Không ngờ quả đất tròn thật. Chiều đó vẫn như thường lệ từ bệnh xá Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ tôi trở về phòng mạch. Những người bệnh đã ngồi chờ tôi như mọi khi, không có gì lạ và không có gì thoát ra lệ thường lập đi lập lại mỗi ngày. Bận rộn như tự bao giờ.
Người thiếu phụ ngồi chờ trong phòng khám dáng nhỏ nhắn, gục đầu ho rũ rượi. Dáng dấp có vẻ thân quen như bao trường hợp khác tôi đã gặp đâu đó trong cuộc đời. Tôi xem chi tiết trong hồ sơ, lướt qua triệu chứng bệnh sử, dừng lại một thoáng ở cái tên, đi tiếp đến mạch, huyết áp, nhiệt độ...Quay lại, trở lại, có điều gì không ổn ở tên người bệnh.
Tôi đi ngay vào phòng khám, khép cửa lại. Người bệnh ngước lên nhìn.
Tôi đứng dựa vào vách yên lặng. Tôi quên mất hết những câu hỏi thường lệ dành cho bệnh nhân. Tôi xem lại cái tên trong hồ sơ, quay nhìn người đàn bà ấy. Vẫn khuôn mặt, dáng người quen thuộc của một thời xa xưa tưởng như mất hút trong dĩ vãng. Vẫn đôi mắt long lanh, mũi thon dài, môi cong ấy. Tôi cảm thấy mắt hơi nhoà và tim đập mạnh.
Quả nhiên Tuyết đang ngồi trước mặt tôi, nàng đã thay đổi rất nhiều với tóc rối buông ngang vai, vài nếp nhăn mờ nhạt ở đuôi mắt, mặt nhợt nhạt với đôi môi tím tái. Tôi nhìn nàng, thấy Tuyết của ngày nào trong chiều tan học. Dáng áo dài trắng mảnh mai trong nắng nhạt, tóc kẹp hai bên với cái nơ nhỏ màu vàng. Khuôn mặt trái xoan, chân mày nhỏ, mắt long lanh giả vờ không liếc, mũi dọc dừa thon nhỏ, môi cong chúm chím làm bộ không cười. Đôi vai gầy, tay ôm cặp, tay kéo vạt áo dài khép nép trong gió chiều.
Tôi nhìn nàng, thấy Tuyết của thời xưa đi ngang nghiêm trang yên lặng đi qua mắt liếc môi cười. Thấy Tuyết của ngày lộng gió cuốn quít nép vào hàng cây lồng đèn, cánh hoa đỏ cài qua mái tóc bên mãnh nơ vàng. Thấy Tuyết trong chiều mưa lướt thướt, dáng gầy lạnh run, đi co ro rũ rượi, đi trong lòng đau buồn muốn khóc. Tôi nhìn nàng, thấy Tuyết của trưa hè nhí nhảnh đi tung tăng chân chim, ngắt một cành dâm bụt cho bối rối tay run. Tôi thấy tôi, mặt mũi ngờ nghệch đang chạy xe đạp, mắt một đàng đi một nẻo đâm vào ông bán ve chai té lăn trên đường. Tôi nhìn nàng, thấy Tuyết một thời mím môi cười vỡ tim tôi, liếc mắt chao đảo tâm hồn, nghiêng vai đổ sầu chất ngất. Thấy em những ngày mắt thoáng môi cười, tay run chưa vẫy, rối vấp chân chim. Rồi thấy em ngày đi ngoảnh mặt, mắt lạ người dưng mím môi không nói. Thấy em ngày theo mây gió nuốt bóng trăng suông. Thấy tôi mắt dại ngỡ ngàng chân theo hấp tấp. Thấy em ngày đi mất dấu, lạnh buốt hồn tôi. Thấy em mưa theo ngày tháng. Thấy tôi ủ rủ thành sầu. Thấy em ngày về tay bế thấy tôi toan tính qua đời.
Tuyết ngẩng mặt nhìn tôi yên lặng, ánh mắt bối rối ngỡ ngàng. Nàng có nhận ra tôi không ? Chưa biết
Nàng làm sao nhớ được tên học trò Hồ Ngọc Cẩn, quần xanh áo trắng, đi chiếc solex gỡ máy. Nàng làm sao nghĩ được tên học trò vắt ra sửa ngày nào, nhút nhát nói không ra lời, bây giờ, đứng đây, im lặng làm bộ như nghiêm trang. Nàng khó lòng nghĩ được bây giờ là tên đàn ông, tóc muối tiêu với bộ ria mép, mặc áo trắng, giả vờ như lạnh lùng mà lòng lao đao rối loạn. Nàng làm sao tưởng được tên học trò ngày xưa thất thểu bên cuộc đời nàng, sống như đã chết, bây giờ đứng đây, hình như còn mạnh khỏe. Nàng lấy làm khó nghĩ đó lại là tên đàn ông đang đứng trước mặt nàng, làm bộ như vững chải, nhìn nàng bày đặt như ban ơn.
Tuyết cúi mặt xuống sàn, lại ngẩng lên, quên cả ho tự nảy giờ. Tôi thấy môi nàng mấp máy như muốn hỏi điều gì. Tôi nhìn mắt nàng, một thoáng vui trong vẻ u buồn ấy. Nàng muốn hỏi tôi một điều gì, có lẽ của ngày xưa, để xác nhận tên học trò ngờ nghệch đó với người đàn ông chẳng khá gì lắm ngày hôm nay, là một. Hay nàng sợ hỏi lầm người đâm ra câu hỏi thành lời tự thú.
Tôi hiểu, cám ơn em vẫn còn nhớ những ngày xưa xa xôi ấy. Thôi để tôi hỏi trước vậy, làm sao nhận lầm người được mà lo, nhưng vấn đề xưng hô ra sao đây. Em, dĩ nhiên sỗ sàng quá. Bà, có vẻ nặng nề khách sáo. Tuyết, nghĩ ra thân mật quá đáng. Thôi, đành gọi cô chứ còn tiếng nào khá hơn nữa. Tuyết vẫn yên lặng chờ đợi.
Tôi hỏi, cô sang đây được bao lâu rồi ? Dạ được ba tháng. Chắc cô sang đây chung cả gia đình. Dạ, chồng em vượt biên mất tích từ năm tám mươi, đứa con bị bệnh chết lúc nhỏ. Em sang đây chung với cha mẹ do người anh bảo lãnh. Cô vẫn còn ở xóm Long Vân Tự ? Tôi thoáng cảm thấy hồi hộp vì câu hỏi này. Tuyết yên lặng nhìn xuống thảm, hình như dĩ vãng chợt quay về vội vã. Nàng không nói nhưng chậm chạp gật đầu. Tôi đã xa khu xóm ấy từ năm bảy mươi, thỉnh thoảng có về một đôi lần, rồi ra đi năm tám mươi mốt, bây giờ chắc cảnh vật không còn như xưa. Tuyết đáp, nhiều thay đổi lắm, nhà cửa càng lúc thêm tiêu điều, con đường cũ ngày xưa càng lầy lội. Tôi nhìn nàng, không còn thấy dáng cô bé duyên dáng cài nơ vàng mặc áo trắng tha thướt trong nắng chiều. Chỉ thấy một thiếu phụ xanh xao gầy gò xắn quần lội trên quảng đường lầy lội. Tôi lắc đầu vội vã xua hình ảnh đó đi.
Tuyết nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên, nhưng chỉ thoáng qua, nàng hỏi, anh có còn nhớ cây cầu phía trước chùa không ? Tôi gật đầu nhớ chứ. Tuyết nói, cây cầu bị thu hẹp lại, lan can gẩy sụp, dưới sông nước đen ngòm ngập tràn rau muống. Tôi vẫn nhớ đã một thời ôm mộng qua cầu gió bay. Dáng Tuyết chiều về qua cầu tà áo bay bay, bên dưới dòng nước xanh trong vắt. Bây giờ, trời ơi, họa chăng chỉ còn một thiếu phụ tóc rối bời, mồ hôi nhể nhại tay khiêng tay xách. Bây giờ đâu còn Tuyết ngày xưa yêu kiều, duyên dáng, đâu còn những ngày trông dáng em tưởng chừng có thể đem đổi cả cuộc đời, tương lai sự nghiệp.
Tôi nhìn Tuyết, giờ đây, một bệnh nhân đang ngồi khép nép. Phải trở về vị thế của mình, hết rồi thời yêu dấu ngày xưa. Tôi hỏi diễn tiến bệnh, ghi vào hồ sơ, bảo nàng cởi áo để tôi khám bệnh. Tuyết ngoan ngoãn vâng lời. Phải chi ngày xưa nàng được một phần mười như vậy cũng đỡ lắm rồi. Phải chi tôi được một phần mười bây giờ cuộc đời chắc tẻ qua ngõ khác. Tôi đặt ống nghe lên làn da trắng đó, nghe tiếng phổi thở, tiếng tim run. Qua thân thể một thiếu phụ, tôi nhìn thấy lại dáng dấp một thiếu nữ nhỏ nhắn ngày xưa. Một dốc cổ thon, một bờ vai hẹp, và bộ ngực nhỏ trong dáng gầy guộc mảnh mai. Tôi nghe lại chính tiếng tim mình đau buốt, hơi thở mình uất nghẹn với thân xác mình rơi xuống gẩy gập. Tôi nhìn thấy thân mình ướt đẩm những chiều mưa, nóng rát những ngày nắng lửa. Những tối lang thang ngồi thiêu đốt đời mình qua hơi thuốc bên ly cà phê đắng nuôi dưỡng niềm đau, mưu toan tự hủy và giết hại một người.
Tuyết cài nút áo lại, bàn tay trắng đầy gân xanh run run lúng túng. Em vẫn còn run sợ như ngày xưa sao ? Hai mươi năm rồi còn gì. Em đâu có áy náy trong ngày ra đi, đâu có bối rối những ngày gặp mặt. Chưa phải hạnh ngộ thì sao bàn chuyện phân ly. Tôi cắn môi bật máu cho nụ cười em rạng rỡ, tôi muốn hủy mình cho đời em hạnh phúc. Em đã quá ngây thơ đến độ vô tình. Tôi đã quá chắt chiu đến nỗi cuồng điên.
Tôi đưa thuốc cho Tuyết, dặn nàng trở lại vào một ngày khác. Tôi không ghi toa, tôi muốn cho nàng một thứ gì đó của tôi, trong giới hạn của thầy thuốc và bệnh nhân. Nhưng khi tôi cho nàng một cái hẹn, tôi đã đi ra khỏi giới hạn rồi, tôi trộn lẫn lương y và tình cảm riêng tư. Tôi muốn nàng trở lại đúng hẹn của bệnh nhân nhưng mang lại cho tôi những yêu dấu của riêng nàng. Tôi nhìn nàng xuyên suốt một quãng đời, trở lại ngày mới lớn, rộn rã ngày yêu em.
Tuyết đã đi rồi. Bỗng dưng tôi như bị rơi vào một khoảng không lạnh buốt. Chung quanh đây vẫn vậy, mọi người vẫn như cũ, tôi vẫn là thầy thuốc, bệnh nhân vẫn chờ ở đây. Tôi làm việc cho quên đi những điều tôi đang nhớ. Có lý nào nỗi đau ngày xưa trở thành niềm thân thương hiện tại. Tôi lầm hay tôi bỗng dưng bắt được.
Tuyết trở lại đúng hẹn. Hôm nay nàng thật sự hết bệnh hay cố tình khỏi bệnh. Nàng trông trẻ lại quá nhiều so với lần tôi vừa gặp. Tôi còn đủ bình tĩnh để nghĩ rằng đã hai mươi năm hay mới chỉ vài năm. Nàng đi quá gần với Tuyết ngày xưa nhưng tôi đã quá cách biệt với tôi ngày trước.
Tôi cầm hồ sơ cùng nàng đi vào phòng khám. Tôi hỏi nàng về bệnh tình và thuốc uống. Tại sao nàng thuyên giảm bệnh nhanh đến như vậy. Tôi cứ nghĩ nàng còn bệnh cần uống thêm vài thứ thuốc và phải trở lại lần nữa. Nhưng không. Nàng thật sự khỏe mạnh rồi. Bây giờ, tôi tự hỏi, tôi là thầy thuốc hay là người bệnh. Nàng có phải là thầy thuốc đến trị căn bệnh kinh niên hai mươi năm của tôi không ? Chưa biết. Không khéo cả hai đều bệnh cả, còn lấy ai điều trị cho. Tuyết nói, thuốc anh đưa thật hay, chỉ uống hai ngày đã thấy hết ho và khỏe hẳn. Tôi tự nhủ, chẳng lẽ bảo Tuyết tôi muốn một tháng cô mới hết bệnh, không ngờ cô lại mau khỏi như vậy. Nhưng thôi, nghĩ lẫn thẫn mãi lỡ buột miệng nói toạc ra lại phiền. Nhưng nói gì bây giờ, tôi vẫn yên lặng, quả thật mình tưởng bở, hoá ra chẳng khá hơn hai mươi năm trước là bao. Tuyết nói, thật không ngờ gặp lại anh nơi đây. Trông Tuyết không khác ngày xưa mấy, tôi nói. Nàng cười, khác nhiều chứ ngày đó tôi chỉ là cô bé học trò Trưng Vương, bây giờ già rồi còn gì nữa mà trông mong. Tôi chỉ muốn trở lại những ngày xưa.
Nhưng trở lại để làm gì, ngày xưa anh có nói gì đâu làm sao người ta hiểu được. Tôi không nói nhưng cô hiểu được tôi muốn gì. Cô không thể chờ được hay sao ? Tuyết nghẹn lời, tôi biết lòng anh nhưng tôi không thể chờ được, chúng ta chỉ là hai đứa học trò, em không thể quyết định được đời mình.
Tôi nhìn ra hàng cây trơ lá ngoài cửa sổ, vài đám mây xanh lãng đãng ở chân trời. Những đám mây đi chuyển thật chậm giống như những đám mây tôi thấy trong những buổi chiều chờ Tuyết tan trường về. Chúng chở theo nỗi buồn man mác đi tận vào lòng tôi ngày ấy. Rồi những đám mây có khi to lên vần vũ làm cho tôi lo lắng nàng sẽ mắc mưa một lúc nào đó trên đường về. Có lúc mưa đổ như trút nước thình lình lúc nàng đi ngang qua trước nhà. Tôi cầm áo mưa chạy ra trước cổng. Để làm gì. Tôi định đưa áo mưa cho nàng. Nhưng tôi vẫn đứng im trước cổng lúc nàng đi đến. Cả hai đứa đều ướt đẫm nước mưa. Tuyết đứng lại nhìn tôi. Nước mưa ướt hết tóc nàng chạy tuôn xuống mặt mũi. Đôi mi dài cũng ướt quyện nước mưa. Cánh mũi nàng phập phòng, đôi môi tái nhợt mím lại như sợ nước thấm vào miệng. Tôi biết Tuyết bị lạnh, thân hình nàng run lên từng chập. Tôi cầm áo mưa trên tay đưa cho Tuyết nhưng không thể nói được lời nào. Nàng yên lặng nhìn tôi, bàn tay nàng như muốn đưa lên lại buông thõng xuống. Đôi mắt nàng đã nói với tôi ngàn lời cám ơn.
Tôi quay nhìn Tuyết, đôi mắt nàng ướt đẫm. Tôi hỏi, tại sao chiều đó cô không lấy áo mưa ? Tôi hỏi xong mới biết mình ngớ ngẩn. Tự dưng hỏi một câu không đầu không đuôi không có gì liên hệ hiện tại. Tuyết nói, em chỉ sợ người khác biết được, nhưng em hiểu lòng anh lắm. Thật là hai đứa trẻ ngây ngô không thể tha thứ được. Tôi muốn gào lên, em đã biết vậy sao bỏ tôi đi không nói một lời nào. Nhưng thôi chuyện đã lâu rồi. Bây giờ phải khác, chỉ việc mở tung áo mưa, giủ một cái thật mạnh, trùm lên người nàng là xong. Bất chấp nàng có ưng chịu hay không. Nhưng dù cho nàng không muốn, sức mấy mà dám chống đối.
Đột nhiên Tuyết ngẫng mặt nhìn tôi, tại sao ngày xưa anh cù lần quá vậy. Chết rồi không biết nàng đang suy nghĩ chuyện gì ? Hai mươi năm cũng lâu, nhưng tôi nhớ rõ không có làm chuyện gì bậy bạ với nàng. Nhưng chính vì vậy mà tiêu tan mọi sự. Biết đâu có làm chuyện bậy bạ một chút hoá ra hay hơn, lại không mang tiếng cù lần. Tôi nhìn nàng không biết trả lời ra sao. Tuyết nghiêng mặt nhìn tôi, vẫn với đôi mắt long lanh và đôi môi cong lại.
Một lát sau Tuyết dịu giọng, anh chỉ lo những bằng cấp của anh thôi. Tôi lại không thể nói được gì khác, chẳng lẽ tìm lời bào chữa, để làm gì, chẳng cần thiết phải làm như vậy. Tuyết lại nói, anh chỉ lo cái mộng bác sĩ của anh. Lần này thì nàng lầm to rồi, tôi đâu có muốn như vậy, quả tình tôi chỉ biết có em thôi. Tại ba má tôi muốn như vậy, nhưng nói ra chỉ thêm hổ thẹn lại bất kính với người trên. Tôi yên lặng không nói gì. Nàng lẩm bẩm, suốt đời anh chỉ biết im lặng, sao anh không lớn tiếng nói hết những gì anh muốn nói ngày xưa.
Tôi cúi xuống viết vào hồ sơ, bệnh nhân tiếp tục dùng thuốc thêm một tuần, tiến triển tốt, trở lại khi cần thiết. Tuyết nắm lấy bàn tay tôi, bàn tay nàng lạnh và run. Nàng hỏi, khi nào em trở lại. Cô hết bệnh rồi mà. Nhưng em muốn trở lại. Nàng nhét vào túi áo tôi một mãnh giấy nhỏ.
Bây giờ mãnh giấy ghi địa chỉ và ngày giờ hẹn vẫn nằm trong túi áo. Tôi đã báo trước cho y tá trong bệnh xá phải về sớm chiều nay. Nhưng tôi còn đứng đây, trên bậc thềm này. Ngoài kia cây gió xôn xao như lòng tôi chao đảo. Ngoài kia nắng đã tàn, chiều xuống hẳn đêm chưa về nhưng lòng tôi lạnh ngắt tự bao giờ. Chiều nay, ai biết, tôi có rất nhiều việc phải làm nhưng lại không biết nên đi đâu và phải làm gì. Chân tôi như bị đóng đinh, lòng xoay như chong chóng.
Có lẽ Thuý đang chờ tôi ở phòng mạch, chưa có ai đến giờ này đâu. Nàng đã làm xong một số hồ sơ, có thể đang bắt nước sôi pha cho tôi một tách cà phê. Nàng làm việc chăm chỉ, lo lắng cho tôi mọi việc. Nàng đang mong tôi trở về phòng mạch. Nàng hay lo sợ vẫn vơ có chuyện gì xảy ra trên đường đi. Hôm nay không có tuyết rơi nhưng có mưa lâm râm sợ đường trơn trợt. Hôm nay trời u ám anh phải đeo kiếng khi lái xe. Hôm nay không có cái hẹn nào sớm, anh cứ thong thả đừng gấp.
Bây giờ Tuyết đang chờ tôi, có lẽ nàng nôn nóng lắm. Bao năm rồi cách biệt, mọi sự đã chìm lắng tận sâu cùng trong ký ức trước bao khó khăn cơm áo của cuộc đời. Bao năm rồi tưởng như đã lãng quên hẳn trong trí nhớ khốn cùng. Bao năm rồi niềm đau đã lắng dịu, đã yên nghỉ trong một xó góc của tâm hồn. Bây giờ Tuyết trở lại, tình cờ, làm mọi sự sống dậy thúc dục ồn ào. Chuyện ngày xưa như một khủng long nằm yên ngủ dưới lớp băng dầy nước nghẹn vỡ bờ tuôn tràn như thác lũ. Chuyện ngày xưa đâm thẳng vào niềm đau, lôi nó dậy, lắc cho tỉnh táo. Chuyện ngày xưa tan nát trong tuổi thơ ngây dại, trong lòng cuồng si nhưng bất lực, trong tiếc nuối dằn vặc tháng ngày. Giờ đây tôi biết rõ mình muốn gì và nên làm gì và phải làm gì. Nhưng nên làm gì đã trở thành một điều nan giải.
Hai mươi năm cho một mối tình như mây trôi lãng đãng, như gió thoảng hiên ngoài, như lá chao qua cửa. Hai mươi năm cho một mối tình man mác qua hồn, lao chao trong trí vướng níu trong tim. Hai mươi năm cho một tiếc nuối triền miên, ngậm ngùi ray rức nhức nhối khôn nguôi. Hai mươi năm nuôi dưỡng bóng hình, ấp ủ niềm đau dày vò ảo vọng. Hai mươi năm gặp lại, giờ đây.
Mười lăm năm cho một mối tình nặng nghĩa phu thê. Mười lăm năm cho một mối tình như bồ câu quấn quít, như lược tóc đan nhau như keo sơn gắn bó. Mười lăm năm cho một mối tình ấm áp thân thương yêu đương nồng thắm. Mười lăm năm chia xẻ niềm đau ôm chung gian khổ. Mười lăm năm nước mắt chung môi tim hoà một nhịp. Mười lăm năm đủ cả đời nhau.
Làm sao có thể mang lên bàn cân so sánh được. Làm sao có thể làm chuyện cân đo gạo muối đường. Nhưng làm sao giữ được bây giờ. Làm sao hai cánh tay tôi có thể ôm được hai người. Làm sao tim tôi có thể nhốt được hai người. Làm sao tôi có thể cưu mang được hai người yêu dấu. Tôi không biết phải làm sao ?
Từ bậc thềm, tôi bước xuống, chưa phải là quyết định một đường đi, chẳng qua không thể đứng mãi được một chỗ. Thế thôi. Tôi đi về phía chỗ đậu xe, còn thì giờ mà, tội gì bắt mình quyết định gấp như vậy.
Chiếc xe quanh co qua mấy đường nhỏ, không phải do vô tình, không phải do hướng đi nên như vậy. Chiếc xe quanh co như hồn chủ nó sa mê hồn trận, như tham vọng của chủ nó muốn tìm một nơi không phải thiên đàng cũng không phải địa ngục. Tôi muốn đi đến một nơi thứ ba, không biết nơi đó ở đâu, chỉ biết đó là nơi người ta cho tôi giữ được hai người.
Chiếc xe đi vào xa lộ Ba Chín Năm. Buổi chiều xe thật đông, lại kẹt xe, càng tốt. Một chiếc xe bị hư làm kẹt đường, thật tuyệt diệu. Kèn inh ỏi, lại một ngón tay giữa chỉ lên trời. Té ra họ làm bộ văn minh vẫn lòi đuôi nguyên thủy.
Tôi đi vào ngã rẻ số tám, đi vào bên trong gần lề, không có gì gấp cả.
Vài cô bé bên kia trường học, đang đi thong thả ra phía lề đường. Các cô mặc áo trắng váy trắng đi nhởn nhơ thật vô tư. Tôi vẫn thích màu áo ấy. Cái áo trắng ngắn tay có nếp xếp vòng nơi vai, để lộ suốt cánh tay trắng nuột lơ thơ những sợi lông tơ. Những hạt nút vàng nhỏ như đầu ngón tay cài dọc phía trước ngực. Cái áo ấy giống như áo Tuyết mặc ngày xưa, nhưng khác ở chỗ áo nàng có thêm dấu hiệu trường Trưng Vương bên ngực trái. Như thế, cái áo nhỏ có hai vai phồng ra trông vừa đẹp lại vừa thơ ngây. Nhưng cô bé ấy không có hai cái nơ vàng cột hai bên bím tóc. Cô lại không có váy trắng có xếp nếp nhỏ cỡ bề ngang ngón tay, vải mềm mại lất phất theo gió chiều. Đôi chân cô lại to quá không thon nhỏ với hai đầu gối bé xíu như Tuyết ngày xưa. Cô cứ đi chầm chậm như thế. Được rồi, như Tuyết ngày xưa mỗi chiều tan học, cặp sách bên hông, đi nhởn nhơ không sợ đường xa
không sợ mỏi chân. Như tôi ngày đó mỗi chiều, tự động xì hơi bánh xe đạp, đành phải xin lỗi cái xe, tôi sẽ bơm lại sau, đương nhiên. Tôi cũng đi chầm chậm, xe hư mà làm sao đi nhanh cho được. Dáng Tuyết mảnh mai dịu dàng đi thong thả đi chầm chậm, đi như kéo dài hạnh phúc đời tôi trãi suốt buổi chiều. Có khi em dừng lại nhìn một cánh nhạn bay trên nền trời xanh lơ hay ngắm con chim sẻ đậu trên giây điện bên đường. Em nghiêng đầu tóc lệch sang bên, cánh mũi cao thẳng khuôn mặt trái xoan môi mím như cười. Em nghiêng đầu trong chốc lát nhưng đời tôi đã lắc lư hai mươi năm rồi còn gì. Em vẫn đi chậm nhởn nhơ một cách cố tình, cô bé mười lăm, mới mười lăm sao em biết "làm ác" như vậy. Còn tôi mười bảy, chỉ mười bảy đã cam thân chịu chết vui lòng.
Em vẫn đi và tôi vẫn theo. Em vẫn nhởn nhơ và xe đạp tôi vẫn hư. Ngày qua lại qua, em biết tôi đi phía sau, nhưng không hề gì em vui lòng về chuyện đó. Còn tôi, không hề mở miệng than phiền. Trên đường đi chúng tôi phải qua chiếc cầu gỗ nhỏ trước chùa Long Vân trên con sông mang tên Bà Láng. Tôi không hiểu tại sao con sông đó, phải nói là con rạch mới đúng, lại có tên Bà Láng. Tôi nghĩ đó là người đàn bà đẹp, đương nhiên, vì tôi nghĩ như vậy. Đâu có ai cãi lại điều đó đâu. Chiếc cầu đó là chứng nhân của lòng tôi ngày ấy. Tuyết hay đứng lại trên cầu, em thường vịn lan can nhìn xuống nước sông trong vắt trôi lặng lờ. Gió vẫn qua và tà áo vẫn bay, nhất là những chiều em mặc áo dài. Hai bím tóc em đong đưa theo gió, vạt áo dài phất phơ quần trắng ôm sát vào người. Thân thể em chưa phát triển toàn vẹn, đôi mông tròn nhỏ trên đôi chân dài mảnh mai in hằn chiếc quần sì líp rất nhỏ khi hồng khi vàng khi đen dưới làn vải trắng. Tôi yêu em từ mái tóc mắt mũi môi cười đến dáng người điệu bộ. Yêu cả những gì thấy được trên em và cả những gì chưa thấy được trong em. Tôi vui với môi em cười, rộn rã với dáng em vui tươi, lo lắng khi em giận dỗi, điêu đứng khi em làm thinh.
Tôi hớn hở trong bước em đi ngày nắng đẹp. Tôi buồn so chiều em lầm lủi trong mưa. Tôi đau khi em vui cười với kẻ khác, thì đương nhiên nỗi đau vượt khỏi bến bờ của nó khi em không còn là em nữa.
Sau đó xe tôi vẫn hư nhưng em không còn đi nhởn nhơ trong chiều tan học. Em không còn đi bộ để tôi theo. Em vui cười trên chiếc xe Vespa lộng gió. Xe đạp tôi quá cũ, sức tôi đã mòn mỏi làm sao theo được chiếc xe ấy. Nhưng theo để làm gì. Làm sao níu kéo được người đã quay lưng. Tên học trò nhỏ đứng đó, trên cầu, mỗi buổi chiều, nhìn xuống giòng sông lững lờ. Nước vẫn chảy trôi xuôi phải chịu. Người đã đi một thoáng qua đời. Tôi im như chân cầu khốn khổ, vướng víu bọt bèo phủ ám rong rêu. Người đã đi một lần nước chảy, một lần và mãi mãi trôi xuôi. Tôi soi bóng cho hồn điên đảo. Ai dật dờ dưới đó, như tôi. Chiều vẫn mưa như lần về muộn. Nước trên cành giọt xuống rưng rưng. Chim bên đường ôm sầu ủ rủ. Tôi gục đầu nước trút sau lưng. Người đã đi trời còn lộng gió. Áo nào ôm quấn quít theo đời. Dáng ai đâu cho lòng đau dẫy. Mưa trên trời mặn đắng trên môi.
Tôi vẫn đi một mình trong ngày nắng chiều mưa. Mộng qua cầu gió bay đã bay theo gió. Một buổi trưa nắng gắt tôi đi như đội lửa trên đầu. Theo con đường đất đỏ lởm chởm đá xanh, thỉnh thoảng bụi lại tung mù sau một cơn gió lốc. Tôi không ngờ gặp lại Tuyết. Nàng ngồi trên một chiếc xích lô đạp. Trong nắng trưa gió bụi nàng như một kỳ nữ trên kiệu ngày xưa. Nàng mặc chiếc áo hồng, kẹp nơ trắng, vẫn khuôn mặt trái xoan, mũi cao môi son nhỏ. Nàng ẳm trên tay một đứa bé chừng một tuổi. Tôi đứng sững giữa đường. Chiếc xe tiến đến chầm chậm, dừng lại. Bác phu xe bật cái thắng kêu lách cách. Nhưng bác lầm rồi, trời gầm sét đánh chưa chắc đã lay chuyển được tôi lúc đó. Tôi nhìn nàng trân trối. Đôi má Tuyết đã hồng càng ửng đỏ thêm, môi nàng mím lại. Đứa nhỏ đột nhiên khóc ré lên.
Tôi cảm thấy một luồng hơi lạnh từ sau gáy chạy dọc xuống lưng ra hai tay hai chân. Tôi không biết tôi đang làm gì, tôi chỉ cảm thấy đôi môi tôi run lên, tim đập nhanh, hai bàn tay giá lạnh. Tôi nhìn thấy đôi môi Tuyết tái lại, run lên và vài giọt nước mắt lăn xuống má nàng. Càng lúc tôi càng thấy tối xầm trước mắt, tôi lui dần dựa vào cột đèn bên đường. Chiếc xe chạy qua, tôi còn nghe tiếng nàng dỗ đứa con cho nín khóc. Tiếng nàng vẳng lại êm dịu ngọt ngào. Đứa nhỏ vẫn khóc. Tiếng nàng thân thương êm ái quá. Giá mà tôi khóc được chắc khóc thảm thương hơn đứa nhỏ kia nhiều.
Chiếc xe chui qua cầu, đi một đường vòng vào đường Năm Mươi. Hình ảnh Tuyết mặc áo hồng kiều diễm ngồi trong chiếc xích lô vẫn bám víu trong óc tôi không sao gỡ ra được. Lời ru của nàng vẫn còn văng vẳng bên tai. Gần hai mươi năm rồi sao còn đau như mới. Dáng dấp thân yêu ấy ai có ngờ đâu mất hút tay người. Ánh mắt long lanh quyến rũ đó có ngờ đâu tan nát cõi lòng. Bờ môi dịu ngọt đó có ngờ đâu tím tái cuộc đời. Em như công chúa trên kiệu vàng trở về quê cũ, tôi khác nào tên ăn mày một mối tình vô vọng, đứng bên đường uất ức không nguôi. Và em bây giờ đâu còn ngây thơ nữa. Sao ta mãi chắt chiu mật đắng đến điên cuồng.
Tôi theo dòng xe di chuyển trên đường. Tôi cầm ly trà chắt một ngụm cuối cùng còn sót lại. Vị thơm của trà Thiết Quan Âm thấm dần vào đầu lưỡi. Tôi bỗng dưng thèm hơi thuốc lá mặc dù đã bỏ thuốc nhiều năm rồi. Một điếu thuốc không phải có thể kiếm được bất cứ ở đâu. Nó phải là điếu thuốc của mười lăm năm trước. Điếu thuốc loại bảy mươi chín để hút ống vố được vấn trong giấy quyến ABC. Loại rất khó vấn vì cọng thuốc to cứng mà giấy lại mỏng mềm. Bởi vì chúng tôi hay chơi những trò lạ như hút thuốc kiểu ấy mới có chuyện xảy ra. Điếu thuốc của mười lăm năm trước đánh dấu một đoạn đời. Điếu thuốc của Thuý những ngày yêu kiều duyên dáng. Điếu thuốc từ bên kia bàn đưa đến đã đưa hơi thuốc xuyên suốt vào tim tôi. Thuý của những ngày bối rối mắt trông, làm ngơ giả bộ xao xuyến môi cười. Thuý của lòng chân thật yêu dấu trọn tình. Nàng đến với tôi rực rỡ như ánh bình minh trong đêm dài u ám. Nàng thức tỉnh tôi khỏi cơn mê Tuyết triền miên. Nàng đã cứu tôi khỏi cơn tự hủy. Tôi vẫn nhớ Thuý thân thương ngày nào ấp ủ sau lưng trên chiếc Honda qua những bóng mát Hồng Thập Tự Duy Tân Phan Đình Phùng. Quấn quít bên nhau trong những đêm cà phê lãng đãng, vu vơ trong những tình khúc Trịnh Công Sơn. Thuý trong những ngày tao loạn cùng nhau gian khổ,
không cửa không nhà lang thang thân du mục. Thuý của những ngày vượt sóng trùng dương hẹn nhau giờ chết. Thuý với những ngày lang thang qua mấy trại tỵ nạn. Còn nữa, Thuý trong những ngày chật vật nơi xứ lạ quê người, làm bà Tú Xương gian khổ theo chồng.
Chiếc xe vẫn theo dòng luân chuyển chầm chậm trên đường. Chiều nay trời u ám hơn mọi hôm anh nhớ đeo kiếng khi lái xe. Chiều nay dự báo có tuyết anh cứ chạy thong thả không phải gấp, em đã dời cái hẹn trễ sau bốn giờ rưỡi. Thức ăn đã để trên bàn, anh chỉ cần bỏ cơm vào thôi, khi ăn coi chừng mắc xương. Anh cứ lo làm việc, đâu còn biết ai bên cạnh, một ngày nào đó không còn em anh mới biết ra. Ngày xưa anh giống như chết, bây giờ anh giống như đang chiêm bao. Nè, hủ đường để phía góc tủ, còn chai tiêu muối xì dầu để trong hộc phía dưới. Để hộp cơm vào microwave một phút thôi, để lâu quá nó khô hết ăn không ngon. Đủ rồi, anh ăn mặn quá coi chừng bị cao máu. Để chiều nay em đi mua cá, ăn thịt nhiều quá sợ bị cao cholesterol. Mặc áo vào đi, trời lạnh anh để ngực trần bảo sao đừng ho. Bây giờ nằm xấp xuống để em đấm lưng cho. Anh có muốn đi đấm lưng không ? Gần đây người ta nói nhiều , em phải canh chừng kỹ, họ nói anh đẹp trai chỉ sợ có người dụ bắt mất.
Tôi giật nẩy người, chiếc xe bị đạp thắng đột ngột dừng lại thình lình trên đường. Cũng may không có xe phía sau. Tiếng Thuý ngưng bặt bên tai. Tôi cảm thấy hơi hồi hộp và lạnh trên trán. Mồ hôi đã rịn ra trong hai bàn tay. Gần đến chỗ rẽ vào nơi hẹn với Tuyết. Có lẽ chỗ đó là nhà của người nào. Chắc Tuyết ở tạm với người anh.
Chiếc xe không thể nào chạy chậm hơn được nữa. Bọn phía sau bóp còi, vượt qua mặt, có tên còn giơ ngón tay giữa lên trời. Mặc kệ chúng, có giơ của thật lên tôi cũng không ngán huống hồ là ngón tay. Thôi đành phải quẹo vào con đường nhỏ ấy, chạy chậm lại chút nữa, xem kỹ số nhà. Nhà ở bên tay phải. Thôi vòng qua ngõ khác đi ngược lại lấy lề bên kia. Dừng lại một chút xem sao ? Nhưng dừng để làm gì, vài phút có thay đổi vấn đề được đâu. Đã suy nghĩ mấy ngày nay cũng chưa biết mình phải làm gì. Thôi chạy tiếp vậy. Chẳng lẽ chạy vòng như thế này mãi sao ? Dừng thì dừng lại vậy.
Chiếc xe tấp vào một lề đường. Tôi nhìn lại số nhà, gần lắm rồi, chỉ còn một khoảng đường nữa thôi. Sao đến gặp Tuyết giống như Kinh Kha sang Tần không bằng. Em có hiểu được lòng tôi không ? Chắc em không hiểu được như ngày xưa em đã như vậy. Bây giờ em chờ tôi có giống như xưa tôi chờ em không ? Dĩ vãng xa quá rồi, em làm sao nhớ được.
Tôi đạp chân ga chiếc xe từ từ tiến tới. Tôi thấy dáng Tuyết đang đứng tựa cửa trước nhà. Nàng mặc chiếc áo ấm mỏng màu xanh, dáng co ro tội nghiệp. Tôi dừng xe lại ở một khoảng đủ nhìn thấy nàng. Tuyết vẫn đứng yên, gió thổi tóc rối loà xoà. Dáng nàng ốm yếu ẻo lả quá, chỉ sợ nàng bị té ngã thôi. Tôi vẫn cách nàng một khoảng không sao đến gần được. Ngày xưa tôi không thể làm gì được, tôi mất em. Ngày nay, tôi vẫn không làm hơn được gì. Tôi biết gặp em lần này có nghĩa là bước vào một ngõ rối, đi vào một lầm lỗi với người khác. Tôi biết gặp lại em, tôi làm điều không phải với Thuý. Tôi biết khi gặp em, lần này, tôi không thể ngăn được lòng tôi.
Em vẫn đứng đó hai tay ôm chặc lấy người. Tôi biết em cô đơn và yếu đuối lắm. Phải chi ngày xưa em đừng bỏ tôi đi. Phải chi ngày xưa tôi níu em lại được. Bây giờ em đứng đó, trước mắt tôi, chờ đợi. Tôi muốn tiến tới ôm em vào lòng như tôi đã từng mong muốn. Tôi muốn đan tay vào tóc, hôn lên mắt, lên môi em như tôi đã từng ao ước. Em biết ngày em đi tôi chỉ nghĩ rằng tôi sẽ chết, tôi không thể đo lường được lòng tôi lúc đó. Nhưng tôi không hề oán hận em, ngay cả khi tôi nhìn em trở về nhà cũ. Những giọt nước mắt lăn trên má em ngày ấy đã nói lên lòng em tất cả. Ôi những lời ru con ấy ngọt dịu mà đâm vào tim tôi đau tận đến bây giờ. Tôi vẫn yêu em như ngày đầu gặp gỡ.
Tôi ngồi yên trong xe, nhắm mắt, ngữa đầu vào ghế dựa. Chiều nay trời trở lạnh, dự báo thời tết nói có thể xuống đến không độ C, anh có mang theo áo ấm không ? Buổi trưa lúc em ra bưu điện có ghé tạt qua tiệm Đại Hàn mua mấy con cá rồi, họ đã đánh vẩy sẵn tiện lắm, chỉ việc ướp và nấu thôi. Tối nay lại có tuyết, họ nói đến sáu inches, mình sẽ đốt lò sưởi lên, anh vặn lại tình ca Vũ Thành An nghe, có còn thèm điếu thuốc vấn không ? Nhưng đừng nghe nhạc ông ấy nhiều, buồn lắm, em vẫn thích tình khúc Ngô Thuỵ Miên hơn. Hôm nay có thư anh Hồ Trường An từ bên Pháp qua, anh ấy nói cho biết ngày sinh của anh để bấm số tử vi, anh không tin, nhưng em tin, thử xem số anh mấy vợ, có bà nào muốn bắt anh không ?
Tôi giật mình mở mắt ra. Giọng Thuý đã ngưng bặt nhưng âm vẫn vang lên trong đầu. Làm sao em biết được anh muốn đến gặp Tuyết. Chẳng qua em lo sợ vẫn vơ thôi. Tôi nhắm mắt lại muốn yên ngủ và quên hết. Em nằm chiêm bao thấy mình đi dự tiệc của một người bạn. Rất đông người tham dự có cả người quen và người lạ. Sao em thấy có một cô rất đẹp đến nói chuyện với anh hoài. Trong lúc nói chuyện em thấy anh có vẻ thân mật, trìu mến với cô ấy còn hơn đối với em nữa. Em đến gần cố xen vào nhưng anh và cô ta nói chuyện không màng gì tới em cả. Em cố lôi anh về mà anh nhất định không đi. Em giận quá khóc lớn lên rồi tỉnh dậy. Tôi mở mắt ra, quả thật giấc mơ ấy Thuỷ kể cho tôi cách đây vài tháng. Nhưng lúc đó tôi không để ý đến, bây giờ nó thật sự ám ảnh tôi. Tuyết còn đứng yên đó. Tôi biết em rất buồn nhưng em có đau đớn như tôi ngày xưa không ? Em đã cho tôi biết quá sớm một điều rất quan trọng, không bao giờ mình đạt được hết những mong ước của lòng mình. Có khi điều mong ước không bao giờ đạt được trở thành niềm đau ray rức cả một đời cho đến khi nhắm mắt. Điều đó trở thành sống giữ chết mang theo.
Tôi đạp ga, chiếc xe rẽ về ngõ khác. Dáng Tuyết gầy gò đau khổ trong chiều xa dần đi. Tuyết ơi, tôi vẫn yêu em như ngày nào tôi gặp em lần đầu trong chiều tan học. Tôi vẫn nhớ em từng ánh mắt môi cười dáng đi điệu bộ. Tôi muốn mang em theo đời tôi dù đọa đày đau khổ như ngày xưa tôi nghĩ vậy. Nhưng tôi không thể mang em theo tôi chiều nay. Thôi hãy giữ những điều yêu dấu của ngày xưa trong lòng. Tôi mong em tìm được một người khác yêu em như tôi đã yêu em. Tôi mong em tìm được niềm vui và hạnh phúc. Tôi vẫn như ngày xưa, vui với môi em cười, rộn rã với lòng em hớn hở.
Chiếc xe trở về với tốc độ nhanh như tâm trạng chạy trốn của chủ nó. Tôi quay đi với lòng nặng trĩu, với nuối tiếc không nguôi. Tuyết ơi, tôi vẫn yêu em thật nhiều, thật như lòng anh ngày xưa ngây dại. Tôi yêu em mà phải đành bỏ em. Tôi yêu em mà phải đành xa em. Tôi yêu em không bao giờ phai được trong lòng. Trời ơi ! Tôi yêu em đành đoạn bỏ đi. Làm ơn cho tôi nói.
Nói với ai bây giờ ?
Trần Long Hồ
1990
-------------------------
Nguồn : Văn, số 99, tháng 9-1990
Saturday, June 25, 2016
TRÊN MỘT KHOẢNG ĐƯỜNG
CAO BÌNH MINH
Buổi đầu, với cặp kính trắng hơi dày chàng đã gây cho tôi sự chú ý. Hôm đó chàng tới xin việc và đang ngồi chờ được test. Cặp kính ngó nhiều độ khiến tôi thấy nghi ngờ khả năng tinh nhạy của hai mắt chàng - cái khả năng cần thiết phải có để có thể đọc được trong một phút khoảng ba mươi con số zip code khác nhau trên những bìa thơ mà chọn bỏ đúng vào cái hộc - lại trúng vào ngày coi test của Mariana, con nhỏ Mễ có tiếng là gắt gao khó chịu, nên tôi chắc chắn chàng không thể nào qua nổi.
Vậy mà chàng đã pass được với con số 32 lá trong một phút và được nhận. Bây giờ đến lượt tôi phải hướng dẫn chàng cặn kẽ hơn trong cách thức làm việc. Tôi phát lúng túng một cách vô duyên, nói năng chỉ dẫn có phần lộn xộn báo hại chàng làm lộn xộn theo. Thành thử nguyên những tuần lễ đầu tôi cứ phải (?) quanh quẩn gần chàng để điều chỉnh mọi thứ lại cho đúng. Sau này khi đã thân thiết chàng mới tiết lộ là những ngày đó chàng vừa thấy bực mình vừa tội nghiệp cho tôi hết sức. Chàng nghĩ tôi đã quá sốt sắng với nhiệm vụ đến nỗi phải rình rập chàng giống như một mật thám.
Nhưng cũng nhờ quanh quẩn bên chàng tôi mới có cơ hội quan sát kỹ lưỡng. Mới thấy chàng có thân hình rất "thể thao" đặc biệt ở đôi vai rộng - giàu tưởng tượng một chút sẽ thấy giống như vai mấy ông chơi banh bầu dục trên tivi - Cách ăn mặc của chàng ngó giản dị, lúc nào cũng quần Jean và áo thun ngắn tay, có cổ. Tôi nghĩ có thể đang ở vào mùa hè hoặc có thể chàng muốn ngầm khoe nét khỏe mạnh ở tay và ngực. Tóc chàng cắt chải gọn gàng, hơi thưa. Về sau tôi hay đem sự thưa tóc của chàng ra chọc ghẹo. Tôi gọi chàng là Đại nguyên...sói. Tôi nói khoảng năm hay mười năm nữa nếu
ông bỗng thấy chán đời muốn lên sống trên chùa chắc không phải xuống tóc. Chàng bị quê nhưng
còn cố vớt vát - Càng khỏe, khỏi phải mất hàng giờ trong mục chải gỡ, uốn ép sấy nhuộm gội...giặt ủi...Tôi biết chàng muốn ám chỉ mái tóc rậm rì uốn thành nhiều lọn của mình nên cười - Bộ ông chẳng mất công hay sao...mỗi khi muốn rửa mặt phải đội nón để phân biệt ranh giới nếu không sẽ thành ra ...gội đầu. Chàng nín thinh. Về nhà nghĩ lại tôi giật mình thấy mình đã quá trớn.
Cuối tuần đó chàng bận việc gì không tới chơi như thói quen, tôi đâm run cho rằng chàng giận muốn đoạn tuyệt luôn - dù sao cũng chính tôi hay gây ra chuyện - nên vội vuốt giận chàng bằng một món quà nhỏ : một chai dầu dưỡng tóc. Chàng nhận món quà nhưng hỏi có phải tánh em lúc nào cũng thích chơi chua thiên hạ hết phải không ? Tôi phải thề sống thề chết rằng món quà hoàn toàn là do thiện ý.
Trở lại thời gian đầu, quan sát chàng trong giờ làm việc chưa chán, tôi lại theo dõi chàng trong mười phút nghỉ. Lúc nào chàng cũng đứng một mình - gần mấy chiếc xe để xếp các thùng thơ lên - với điếu thuốc và ly cà phê nhỏ - mua ở xe bán thức ăn - trên tay. Ngó chàng coi thật lạc lỏng, thật buồn giữa
những người làm chung đang cười nói ồn ào. Tôi thắc mắc rồi tự mình tưởng tượng ra đủ thứ nguyên nhân để giải thích tại sao chàng lại có vẻ cô đơn tách biệt như vậy. Chắc chàng đang thương nhớ gia đình - cha mẹ anh chị em chú bác cô dì...còn kẹt lại bên nhà...Hay là chàng đang...thương vợ nhớ con còn bên đó cũng có thể. Hoặc chàng đang bị cắn rứt vì nghĩ tới bạn bè chiến hữu đang bị đày đọa trong ngục tù. Biết đâu chàng chẳng là một quân nhân. Hay là ngay tại đây chàng đang gặp khó khăn trong đời sống, vợ yếu con đau...Và cũng có thể chàng đang bị - tôi mong sao điều này đúng nhất - tình phụ cũng nên...
Nhưng cho dù với bất cứ nguyên nhân nào cũng làm tôi thấy xúc động thấy thương cảm hết sức nên cứ muốn làm quen thân để gần gủi chia xẻ và giúp đỡ (?) chàng.
Gần hết mùa hè - thời gian hơi dài - tôi mới có dịp quen nhiều hơn với chàng. Cũng nhờ vào mấy trận bão đã kéo mưa liên miên về thành phố và một lần nhờ chiếc xe của tôi dở chứng hư. Những trận mưa liên miên khiến trong giờ nghỉ không ai có thể ra sân được - chàng cũng vậy - mà phải tụ tập lố nhố ở hàng hiên, nơi tôi đã đứng từ bao lâu nay để kín đáo quan sát và thắc mắc về chàng từng ngày. Tình cờ - hay cố ý - mà chàng lại đứng gần bên tôi và lại gợi chuyện trước. Khi đó - biết chàng đang
đứng cạnh - tôi làm bộ như đang ngắm mưa, ngó chăm chăm mấy chiếc xe nơi parking đang ướt dầm ướt dề. Chàng mở đầu bằng cái chép miệng và nói mưa nhiều quá...Tôi hơi giật mình không chắc chàng nói với tôi hay với ai khác nhưng cũng dạ và lập lại câu của chàng mưa nhiều quá. Chàng tiếp tục - Cô..à...cô Linh đi làm bằng ...? Chắc chắn là chàng nói với tôi rồi. Tôi chỉ cho chàng thấy chiếc xe màu sữa của mình. Chàng nói chứ gặp thời tiết này mà đi chuyển bằng bus thì rất cực...
Mấy ngày mưa kế đó - trong giờ nghỉ - chàng cũng đứng cạnh tôi và bây giờ thì gợi chuyện hỏi thăm về vấn đề lương bỗng, về những quyền lợi được hưởng trong hãng - làm như lúc mới tới xin việc, ông Clayton chẳng hề nói chi cho chàng biết - Dù vậy tôi cũng trả lời một cách sốt sắng, cặn kẽ từng điều một. Chàng nói Phụng Linh - hết kèm theo chữ cô - thật là thành thạo...Tôi không biết đó là lời khen thật tình hay chàng muốn chọc mình nhưng trong bụng vẫn thấy vui vẻ bồi hồi.
Câu chuyện giữa hai bên cứ lòng vòng trong thời tiết nắng mưa, trong công việc làm chứ chàng chưa hỏi về cá nhân tôi - dĩ nhiên - tôi cũng không đủ bạo để hỏi về chàng - về cái thắc mắc tại sao chàng có vẻ buồn buồn cứ hay đứng một mình - Cho tới một hôm, trời cũng mưa mờ mưa mịt từ sáng sớm. Chiếc xe bỗng nỗi cơn không chịu nổ máy mà thằng em lại đi học mất nên tôi phải đi làm bằng xe bus. Trạm xe chót cách hãng tôi hai bloc đường và tôi đang co ro đội mưa đi, trong bụng nguyền rủa chẳng ngớt chiếc xe lên cơn không chịu lựa dùm ngày, thì chàng trờ tới. Chàng nhận kèn cho tôi chú ý rồi hạ kiếng xe chồm ra mời tôi lên. Hoàn cảnh này tôi không còn làm bộ từ chối cho đúng phép được, chui vô xe liền. Thật cảm động, chàng ân cần đưa hộp Kleenex cho tôi lau khô tóc tai mặt mày và hỏi tại sao tôi phải đi bộ. Đang ấm ức nên tôi đem trút cạn...than phiền chiếc xe, than phiền thời tiết và than phiền luôn hãng bus không chịu đặt thêm trạm để tôi phải đội mưa băng qua tới hai bloc đường...Chàng mĩm cười. Khổ thật. Nhưng chương trình dự báo thời tiết loan báo mưa sẽ còn kéo dài
tới nửa đêm, vậy nếu Phụng Linh thấy không có gì bất tiện khi tan việc chịu khó chờ tôi sẽ đưa về
dùm...Chứ buổi tối, trời lại mưa mà đứng đợi bus thì đủ thứ bất tiện. Chúa ơi ! Tôi còn ráng làm bộ e
ngại - để chàng nói tới hai lần - mà trong bụng mừng quýnh, không ngớt...cám ơn trận mưa kéo dài, cám ơn chiếc xe nổi chứng bất tử và cám ơn luôn cả những cái bất tiện khi phải đón xe bus.
Lúc tan việc, mưa càng nặng hột hơn nữa. Chàng nói sẽ đi đường trong vì mưa lớn quá đi freeway sẽ rất nguy hiểm. Tôi nói tên con đường, khu vực của mình ở rồi ngồi nín thinh chờ chàng gợi chuyện. Lần này chàng mới chịu hỏi đủ thứ về tôi. Chàng khen tên tôi đẹp nhưng hai chữ Phụng Linh nghe có vẻ hơi...Ba Tàu.
Chạy lòng vòng rồi cũng tới nhà. Thời gian đủ cho chàng nắm được gần hết "thân thế sự nghiệp " của tôi qua lời cung khai tận tình. Tôi mời chàng lên nhà nhưng chàng hẹn lần khác vì đã tối. Khi tôi ra khỏi xe chàng chúc ngủ ngon. Tôi nói cám ơn và đứng tần ngần - dưới mưa - ngó theo chiếc Datsun màu vỏ trứng gà của chàng đang chớp đèn hiệu quẹo phải mà tưởng tượng chàng cũng đang ngó lại mình qua tấm kính chiếu hậu.
Cơm nước xong ngồi coi tivi chương trình Fall Guy có mấy màn phóng xe rượt bắt trên xa lộ, tôi thấy nhớ rồi bỗng nhận ra một điều freeway dẫn từ nhà tới hãng thật là dài, mỗi ngày lái xe tôi cứ muốn ngủ gục đi hoài như không muốn tới. Trái lại khoảng đường trong chàng đưa về sao mà thật ngắn, dù phải quanh co bao nhiêu là lối quẹo mặt quẹo trái, qua không biết bao nhiêu đèn đỏ đèn xanh.
Những ngày mưa gió rồi cũng hết, nhưng chàng vẫn tiếp tục đứng với tôi nơi hàng hiên - mỗi ngày vào giờ nghỉ - Câu chuyện đi xa hơn để tới những lãnh vực của đời sống, bạn bè, trường học...và nhất là những kỷ niệm của thời cũ bên quê nhà. Dù vậy chàng vẫn chưa tới nhà tôi như đã hứa mà tôi cũng không thể mở lời rủ rê - phải giữ thể một chút chứ - dù trong lòng rất muốn.
Tháng mười, tôi hơi ngượng khi đưa chàng cái thiệp mời sinh nhật. Chàng cầm cái thiệp mà mặt mày đỏ rần - không hiểu tại sao - nói ngại quá. Tôi tha thiết trấn an. Chỉ trong vòng thân hữu thôi...má, mấy thằng em họ và một vài đứa bạn học. Chàng vẫn nói ngại quá. Tôi dụ khịa. Có chi đâu mà ngại, mấy thằng khỉ em của Phụng vui tánh lắm...còn mấy nhỏ bạn nữa, đứa nào cũng dễ thương...tới đi rồi Phụng giới thiệu cho...
Sau bữa ăn, tụi bạn lục đục kéo nhau về nhưng chàng còn ngồi lại với tôi đến gần mười một giờ rưỡi. Lúc về chàng còn hẹn tuần sau sẽ tới ở chơi lâu hơn (?) Tôi mặc thử cái áo len màu rêu non - món quà của chàng - đứng ngắm nghía hoài trước kiếng thấy thật vừa khít khao và thật ấm. Tuần sau chàng giữ lời, tới rủ tôi đi ăn sáng. Từ đó, tôi và chàng càng thân thiết hơn trong những lần chàng tới nhà ở lại ăn cơm, những lần rủ tôi đi coi phim, đi ăn , đi mua sắm. Trong những lần đi chơi này chàng cởi mở hơn nói về mình nhiều hơn. Gom góp lại mới thấy những điều ngày trước tôi đã tự tưởng tượng về chàng không hẳn hoàn toàn là ...tưởng tượng. Vớt vát được vài phần là sự thật.
Quả thật cha mẹ chàng còn kẹt lại bên nhà, chàng sang đây với hai đứa em - trai và gái - chàng là một quân nhân. Tôi chọc "Giặc lái mà bị kẹt lại tới năm năm thì thật dở ..." Chàng cười buồn. Những ngày đó thành phố Nha Trang thật là hỗn loạn. Gia đình chỉ có tôi là con lớn thì làm sao dứt áo di tản cho đành...Tôi muốn hỏi sao bây giờ ông lại bỏ đi nhưng thôi. Ý chừng chàng cũng đoán được nên nói tiếp. Ba năm rưỡi hơn đi tù thả về sống cũng không yên thân. Tụi địa phương cứ theo làm khó dễ trăm điều...cùng lúc hai đứa nhỏ lớn lên cần có một tương lai sáng sủa hơn nên tôi phải thay ông bà già đưa chúng đi. Đúng ra bản thân mình cũng muốn tìm một không khí mới nhẹ nhàng hơn dễ thở hơn nhưng chỉ được một phần. Phụng Linh thấy không...từng tuổi này mà phải bắt đầu làm lại mọi thứ kể cả ngôn ngữ thì thật là mệt quá sức.
Còn những điều tôi bói sai là chàng chẳng hề bận tâm lo lắng hay thương nhớ vợ con - nơi đây hoặc quê nhà - chi hết bởi vì chàng còn độc thân. Chúa ơi ! Tôi phát mừng húm trong bụng khi chàng hơi đỏ mặt xác nhận đang còn là...người cô đơn. Nhưng tôi vẫn làm bộ :
- Are you single ?
- Thôi mà...
Chàng cười nói. Ôi nụ cười làm tôi muốn hôn chàng hết sức.
Chiều thứ bảy tôi ngỏ ý muốn ra biển chơi. Chàng ngạc nhiên đang mùa Đông đâu có gì mà ra đó...Lạnh quá làm sao Phụng Linh bơi nổi ? Tôi nhăn nhó, đâu phải em muốn bơi...em chỉ muốn được sống phần nào trong khung cảnh mô tả trong quyển "Moby Dick " vừa mới đọc ...Chàng cười, nhưng khung cảnh trong cuốn sách đó hình như được dựng ở một vùng biển nào thuộc Âu Châu, còn ở đây...Tôi làm bộ muốn giận, thì mấy cái quán bia...những chiếc tàu...đám hải âu và biển ...cộng thêm chút tưởng tượng là coi như giống rồi. Ông không muốn đi phải không. Dĩ nhiên là chàng phải chở tôi ra biển.
Cả hai ăn cua hấp và uống bia trong một quán nhà sàn vách ván có cửa sổ rộng lấp kiếng để nhìn ra biển. Chưa chiều hẳn mà sương đã lên lờ mờ, mấy chiếc tàu nhỏ đậu ngoài xa đã lên đèn và đám hải âu cũng thưa bay lượn, xếp cánh chen chúc nhau đậu trên các cọc gỗ và hàng lan can của bến. Tôi thích chí nói - Ông thấy không, chịu khó tưởng tượng nhiều một chút thì cũng giống như em và ông đang ngồi trên một bến cảng nhỏ nào thuộc đất Pháp hay Anh vào thế kỳ 19 chứ bộ ...Chàng cười đốt thuốc và nhả khói. Tôi hít mạnh mùi thơm nồng nồng của khói Marlboro trộn lẫn với mùi thơm (?) của hơi thở chàng thấy buổi chiều sao mà ngây ngất.
Khi đưa tôi trở về chàng như thoáng buồn khi cho biết khoảng thứ ba sẽ đi San Francisco thăm người bạn. Tôi muốn hỏi bạn trai hay gái nhưng im lặng.
Đi thăm bạn về chàng ngó bộ không vui. Món quà cho tôi - con ngựa lồng tạc bằng ngọc thạch giả mua tại khu phố Tàu trên đó - khi đưa chàng cũng không hỏi xem tôi có vừa bụng, có thích hay không nữa. Tôi hờn muốn liệng tại chỗ nhưng ngó mặt mày chàng coi thảm sầu - con ngựa lại tạc đẹp - nên thôi. Tôi sợ làm chàng buồn thêm và sợ con ngựa bể uổng. Thứ bảy chàng gọi rủ ra biển. Tôi ngạc nhiên lặp lại lời chàng hôm trước - Đang mùa Đông có gì đâu mà ra đó...lạnh quá làm sao ông bơi nổi. Chàng thở hắt một cái nói chuẩn bị đi chàng tới liền.
Chàng dắt tôi vào cái quán cũ và ngồi vào chỗ của lần trước. Hôm nay trời bỗng trở nên ấm nên không có sương. Mấy con hải âu còn dềnh dàng bay lượn và có mấy người Mỹ đang chơi trượt nước bằng ca nô. Chàng gọi cho tôi nửa con tôm hùm hấp còn chàng thì chỉ uống bia. Uống và hút thuốc liên miên. Tôi nói chuyện này chuyện kia nhưng chàng chỉ ậm ừ có vẻ không chú ý - Mắt ngó đâu đâu ra ngoài biển - khiến tôi cụt hứng đành cắm cúi thanh toán nửa con tôm bự kềnh. Hôm nay gặp con tôm thịt giòn và ngọt hết sức, tôi gở tỉ mỉ không sót một chút nào. Suốt thời gian đó chàng vẫn im lặng "nốc" bia và "phun" khói thuốc. Ăn xong món tôm tôi đâm ra thất nghiệp không biết phải làm gì - không lẽ đòi chàng kêu thêm hay lại ăn tiếp cái vỏ tôm ? - đành lấy cái nỉa xăm xăm múi chanh rồi chấm vô chén nước sốt còn thừa cho đỡ dư tay dư chân.
Không hiểu sao hôm nay chàng lại kỳ cục như vậy. Nhứt định đòi rủ tôi đi chơi rồi đem ra đây bỏ ngồi trơ ra một đống. Ngó mặt chàng thật ủ ê như người bị mất của, nhưng chàng đi San Francisco về chứ đâu phải đi Las Vegas. Hay...thôi rồi - tôi nghĩ - lên trên đó chàng ham vui theo bạn bè nhậu nhẹt say sưa la cà làm sao để bị lọt vô ổ phục kích của đám "con bà cô" - mấy chữ này tôi lượm của một nhà văn đang ái mộ - nên mới tả tơi như vậy. Mặt mày ngồi thộn ra một cách đau khổ chắc là đang nhớ lại ... cảm giác . Ý nghĩ làm tôi phì cười khiến chàng hơi giật mình, chớp chớp mắt - Ủa Phụng Linh ăn xong rồi à...có muốn ăn thêm gì nữa không ? Cám ơn ông à - tôi rủa thầm trong bụng - được ông ân cần như vậy chẳng thà đi một mình còn ít thấy tủi thân. Chàng ngó quanh quất muốn tìm người bồi bàn nhưng tôi chận lại lắc đầu đòi về. Chàng nói còn sớm mà. Tôi nhăn mặt tự nhiên em thấy hơi nhức đầu. Chàng đành đứng lên ra quầy trả tiền. Tôi ngồi ngó mấy người Mỹ đang trượt nước tự nhiên nhớ tới cuốn phim kinh dị về con cá mập chuyên môn tấn công người. Ờ phải chi chàng rủ đi coi phim cho tôi đỡ thắc mắc vì thái độ im lặng của chàng. Có thể cho rằng chàng bị lôi
cuốn bởi những tình tiết trên màn ảnh hoặc bị bắt buộc im lặng để giữ lịch sự nơi trình chiếu. Phần
tôi, ít ra cũng có việc làm khoảng hai giờ đồng hồ - trung bình của một cuốn phim - trong khi nửa con tôm hùm hấp dù bự dù ăn thật lâu thì cũng chỉ kéo dài mười lăm phút là cùng.
Ra xe chàng ngần ngừ một hồi rồi rủ tôi tới nhà chơi. Hai đứa tụi nó đi picnic chiều mai mới về. Câu nói cộng thêm gương mặt ướp bia đỏ gay của chàng tự nhiên làm tôi ớn ớn lẫn một chút hồi hộp - tim đập hơi mạnh - chàng năn nỉ - Từ trước tới giờ Phụng Linh chưa tới nhà mà...tới cho biết...cho vui. Tôi đang buồn cần có bạn để tâm sự. Xì - tôi muốn nổi cộc - chắc nguyên cả thời gian trong quán ăn chàng cũng đang cần có bạn để nói chuyện. Tôi muốn hỏi nhưng nghĩ sao lại thôi chỉ thở ra. Đi thì đi...
Khu chung cư chàng mướn có vẻ cũ kỹ và có nhiều người Việt Nam. Tôi đoán. Giàn bí giàn mướp leo um tùm cùng những buội xả buội ớt, những luống rau thơm trồng trong các bồn hoa. Chàng ở tầng trên, một phòng. Tôi chú ý mấy tấm tranh chì than vẽ John Lennon, Charlie Chaplin, và Charles Bronson lớn dán trên tường. Chàng mĩm cười hơi mắc cở nói lúc mới qua chưa có gì làm cả ngày nằm nhà vẽ cho vui. Tôi trách - ông vẽ đẹp như vậy mà dấu nghề...không vẽ tặng em một tấm...Chàng lắc đầu, mấy năm nay bỏ nghề giải nghệ nên bị cùn tay lụt bút rồi...không vẽ được nữa.
Rồi chàng đem túi nước ngọt - trên đường về ghé mua ở Seven Eleven - đi vô bếp mở tủ lạnh lục cục lấy đá pha nước. Tôi ngồi ngó loanh quanh bỗng chú ý tới cái khung ảnh để trên đầu tủ nhạc lồng hình hai đứa con gái ngồi đâu lưng với nhau cười thật tươi. Hậu cảnh của bức ảnh là một vườn hoa màu tím nhạt, thật dễ thương. Lúc đó chàng đem nước lên thấy tôi đang ngắm nghía tấm ảnh bỗng thở ra nói - hình tôi chụp cho Vân và Nga đó - Nga vừa lấy chồng.
Vân là tên con nhỏ em chàng hay nhắc với tôi, còn Nga ? Tôi chận đầu, hèn chi mà ông coi buồn dữ ! Nhưng cô nào là cô Nga ? Chàng ngồi xuống trước mặt tôi, giọng tang thương - Nga mặc cái áo len màu đỏ. Bạn của con Vân. Lúc xuống ghe vượt biên Nga còn nhỏ như một đứa con nít...
Bây giờ chàng mới chịu nói - có lớp lang thứ tự - về một năm hơn trong trại tị nạn ở Hong Kong và mấy năm ở đây, khoảng thời gian của mối tình giữa chàng và cô nhỏ mặc áo len ngắn tay màu đỏ có cặp mắt lớn thật buồn nhưng nụ cười thật đẹp thật tươi, trong khung ảnh tôi đang cầm trên tay. Lúc còn ở quán ăn - ngoài biển - chàng cứ im lặng khiến tôi thành như thừa thãi, giờ nơi đây -trong nhà- chàng lại nói nhiều quá khiến tôi đâm thừa. Cứ ngồi hết ngó gương mặt thê thảm còn nồng hơi bia của chàng - tới ngắm hai cái miệng cười hớn hở của hai con nhỏ trong hình.
Bây giờ mới thấy rõ là tôi có tài tưởng tượng. Khi chưa quen, đã có lần tôi tưởng tượng rằng chàng bị tình phụ thì giờ đúng ngay là chàng bị ...phụ tình. Cô nhỏ Nga đã lấy chồng tuần rồi. Nguyên do để chàng đi San Francisco và trở về mặt mày như mất của như ...thất tình. Nhưng sao bụt nhà lại không thiêng, những gì tôi tưởng tượng về chàng cho chàng đều đúng, đều thành sự thật, còn những tưởng tượng cho tôi thì lại sai be sai bét. Ôi ! Những giờ nghỉ đứng nơi hàng hiên, những lần mưa đưa về, những xuất phim, những bữa ăn, những khói thuốc, những nụ cười, những tâm sự...chỉ là những tưởng tượng sai. Tôi bỗng thấy cay mắt và nóng cả mặt mày vì mắc cỡ với chính mình. Và cả với chàng. Ly nước cam uống cho đỡ nghẹn vị bỗng thành ra đắng nghét. Có tấm kiếng soi ở đây chắc tôi sẽ thấy mặt mày mình thê thảm không thua gì mặt chàng. Và dường như chàng cũng đã nhận ra mặt tôi...kỳ cục nên hỏi :
- Phụng Linh có làm sao không ? Mặt em hình như hơi bị xanh.
- Em ...muốn đau.
- Đau như thế nào...à hình như lúc nãy ngoài biển Phụng có nói hơi đau đầu phải không ? Để tôi đi lấy thuốc.
- Thôi được rồi. Tôi chận chàng lại.
- Sao vậy...phải uống thuốc...nếu không...đau thì mệt lắm.
- Chỉ thấy khó chịu một chút thôi...vả lại bụng Phụng hơi trống uống thuốc vô sợ bị xót ruột.
Cái cớ tôi đưa ra thật là vô duyên nhưng chàng tưởng thật nên ân cần đề nghị đưa tôi đi ăn cháo. Tôi lắc đầu. Chàng hơi ngẩn ra rồi phát tay - À, được rồi, Phụng mệt không muốn ngồi xe nữa thì để tôi nấu mì. Nhà có sẵn mì gói. Ăn một chút rồi uống thuốc.
Chúa ơi nếu còn là ngày hôm qua chắc tôi lại cảm động, lại ngây ngất vì những tưởng tượng từ những lo lắng chăm sóc này của chàng. Nhưng sự thật đã không phải là sự thật. Tôi thấy mũi mình cay xé. Trong bếp chàng làm gì mà mở nước rào rào , dao thớt lụp cụp. Tôi lấy tay áo quệt mắt ngó khắp phòng . Cái bàn viết bề bộn sách vở, cái tivi cái ghế nệm, cái tủ nhạc nơi mặt kính có dán mấy chữ "Are we having fun yet ?" Mấy tấm tranh chì than : bộ mặt Charles Bronson lầm lầm lì lì. Cái
miệng đang hát há tròn vo - như cặp kính đeo trên mắt - của John Lennon. Vẻ rầu rỉ của Charlot...mắt tôi dừng lại ở nụ cười đẹp tươi roi rói của con nhỏ mặc áo len đỏ ngắn tay. Tấm hình chính tay chàng chụp.
Tôi đứng lên lấy cái xách tay đi ra khỏi phòng. Loáng thoáng hình như chàng có hỏi với lên câu gì đó nhưng tôi không quay lại cứ đi thẳng xuống lầu về phía trạm xe bus ở đầu đường.
Tôi đi thật chậm chờ nghe tiếng kêu và bước chân gấp gáp của chàng rượt theo phía sau. Chàng sẽ níu tôi lại hỏi lý do bỏ đi...Tôi sẽ khóc hu hu nói hết cho chàng biết những gì tôi nghĩ, tôi đã tưởng nhưng sai bét...và chàng sẽ...Nhưng tôi đi tới trạm xe ngó lại phía sau cũng không có ai hết. Trạm bus dán tấm poster lớn quảng cáo phim sắp chiếu tuần tới "A view to a kill ". Tôi nhớ lời chàng rủ đi coi phim nầy và tôi đã chê sao cứ lựa toàn phim có cảm giác mạnh. Chàng cười ít ra coi phim action cũng dễ hiểu hơn. Tôi đứng ngó sững tấm poster mà như còn nghe bên tai tiếng cười nhẹ nhàng của chàng. Ngọn điện trắng - lồng bên trong - chiếu sáng hình anh chàng điệp viên 007 và một cô gái đẹp dìu nhau đứng trên cái thành sắt khổng lồ của cây cầu vàng nổi tiếng của San Francisco . Lại San Francisco ...tôi giận dỗi...giờ tôi mới hiểu tại sao chàng cứ nói tới những sương mù, những con đường nhiều dốc, những chiếc xe điện, những công viên và những đàn bồ câu... Giờ tôi mới hiểu tại sao chàng cứ lặn lội lên đó hoài. Mai này nếu có nhiều tiền tôi sẽ thực hiện ước mơ của mình - đi du lịch khắp nơi - nhưng thành phố này tôi sẽ không thèm đặt chân tới. Tôi không muốn đi qua những dấu vết, những kỷ niệm của chàng...đau lòng lắm. Chiếc xe bus ì ạch tấp vào trạm mở rộng cửa. Tôi bước
lên tìm một chỗ ngồi ở phía cuối xe, gần cửa kiếng.
Xe từ từ chạy, tôi quay nhìn ra muốn thấy chàng đang hớt hãi phóng tới hai tay quơ quơ gọi tôi trở lại nhưng bên đường chỉ có người đàn ông da đen vừa đi vừa vặn người uốn éo với cái máy hát lớn vác trên vai. Trời ơi không lẽ chàng vẫn còn hì hục với mấy gói mì trong bếp mà không hay rằng tôi đã biến mất. Hay chẳng lẽ chàng lại nghĩ rằng tôi đi mua... thuốc lá - như chàng vẫn thường băng qua cái liquor đối diện nhà tôi để mua những khi đến chơi thình lình hết thuốc hút. Mà cũng có thể chàng đã biết tôi bỏ đi nhưng cứ mặc kệ...chỉ lo nghiền ngẫm nỗi buồn của chàng thôi. Mắt mũi tôi càng thấy cay quá sức cuối cùng tôi bật khóc tấm tức.
Cũng may chuyến xe bus đêm thưa người - chỉ có mấy già Mỹ ngồi phía trước, một cặp trai gái đang bận âu yếm nhau và hai ông đang xì xồ nói chuyện. Không ai chú ý để biết rằng tôi đang khóc. Nước mắt nước mũi tuôn ra tùm lum, tôi cứ lấy tay áo mà quệt. May mà buổi chiều lúc sửa soạn đi chơi sợ trời lạnh nên tôi mặc áo pull dài tay, giờ có thể dùng nó thay thế khăn mù xoa hay giấy Kleenex . Tôi vốn không có thói quen mang những thứ này trong sắc tay. Nghĩ tới những tờ khăn giấy tôi chợt nhớ tới lần mưa bão ngày mới quen. Chàng đã đón tôi lên xe, ân cần đưa nó cho tôi lau khô tóc tai mặt mũi. Nước mắt tuôn ra nhiều thêm vì nhớ và biết rằng từ đây sẽ không còn những ân cần đó, không còn những đưa đón. Xe có hư tôi phải đón bus mà đi cho dù mưa gió bão tố, cho dù ban đêm - với đủ thứ bất tiện - như đêm nay.
Tấm tức khóc thật lâu - đường về sao mà thăm thẳm - nước mắt rồi cũng cạn bớt chỉ còn những lần nấc nhè nhẹ. Tôi cố gắng định thần chú ý để xuống cho đúng trạm. Tình cờ mà có chuyến bus này chạy ngang cả hai nhà - tôi và chàng - nếu không lội bộ đến nửa đêm cũng chưa về tới. Tôi nấc lên nho nhỏ. Mà có khi về cũng không bao giờ tới bởi trăm thứ bất trắc du đãng cướp giật hãm hiếp. Tôi phát run không dám nghĩ tiếp. Mà cho dù những không may có xảy đến cho tôi chàng cũng sẽ không hề biết tới. Hoặc có biết cũng chỉ biểu lộ bằng cái nhíu mày thêm vài tiếng chắc lưỡi xót xa bàng quang. Lại nấc lên nữa.
Xuống trạm chót, trước khi quẹo vào nhà, tôi đứng quệt cho khô nước mắt. Đi chơi về mặt mày đầm đìa làm sao giải thích cho êm xuôi với má. Khi chiều xin má đi chơi biển nên đâu thể bắt chước nhân vật nữ trong "Chuyện phim buồn" ...dối má tối nay rằng đã trót lỡ xem phim buồn...được... Còn nói thật làm sao dám. Hai tay áo và gió lạnh một hồi cũng làm ráo mặt mũi, tôi lủi thủi mở cửa rào đi lên nhà. Vậy mà vẫn còn ráng liếc ra đầu đường mong thấy có chiếc Datsun màu vỏ trứng đang vùn vụt quẹo vô.
Má với tụi em bận theo dõi mối tình truân chuyên của Thần Điêu Đại Hiệp nên không ai chú ý đến điệu bộ thiểu não của tôi. Tôi nhẹ mình, vô phòng tắm mở đèn - không dám ngó mình trong kiếng như thói quen - mở nước rửa mặt rồi về phòng thay quần áo lên giường nằm trùm mền. Má gõ cửa hỏi sao không ra coi phim. Ăn cơm nữa không má có phần để cho mày. Tôi nói với má con còn no lắm...Mệt quá nên muốn ngủ sớm. Má chắc lưỡi đi cho dữ. Má tưởng có cậu Phát nên nấu thêm cơm. Tôi cố nuốt nghẹn ngào. ..dạ ổng đưa con tới nhà nhưng thấy đã khuya nên không lên sợ phiền. Má cười hừ tới chơi gần như trong nhà mà vẫn còn bày đặt khách sáo...thôi ngủ sớm đi cô nương.
Cậu má nói vô tình làm bụng tôi đau thắt. Chàng vẫn giữ kẻ, vẫn tiếp tục khách sáo bởi chàng không muốn xoá khoảng cách, không muốn tiến tới gần. Bởi có con nhỏ áo len đỏ chắn ngang chận bước. Thì thôi cũng đành chớ biết sao hơn. Tôi mệt mỏi tắt đèn cố nhắm mắt ráng ngủ để khỏi phải nghĩ tới nữa. Ngoài phòng khách cả nhà vẫn tiếp tục coi tivi - mở hơi lớn - đến đoạn Quách Phù chặt đứt cánh tay của Dương Quá và đang khóc lóc đặt chuyện để chạy án. Giọng ông bà Quách Tĩnh hùng hổ trách mắng con gái rồi xử mắt trả mắt tay trả tay. Nằm nghe mà phát ghét. Lúc còn trẻ vừa đút đầu vô võ lâm ông ta được Hoàng Dung mê chết mê sống, đeo sát chân - dù bộ vó cục mịch, đầu óc thật thà - thì làm sao hiểu được cái đau xót của thứ tình yêu...một chiều. Tôi thông cảm và thương cho cô con gái tuy cách trả hận có hơi tàn ác một chút. Tôi sẽ không giống cô ta - thử hỏi làm sao tôi nỡ chặt đứt cái cổ vạm vỡ hay cánh tay cứng cáp của chàng cho đành - nhưng cũng sẽ không như một ông thi sĩ cứ đứng bên này khoảng cách mà quơ mà ngoắc đến mòn tay để cuối cùng cũng chỉ có mình mình với đất trời lồng lộng với sông nước chập chùng còn người ta thì dửng dưng đi mất.
Tôi sẽ không mạnh bạo mà cũng không yếu đuối, tôi sẽ bắt đầu từ ngày mai với một "đời sống " hoàn toàn không có mặt chàng trong đó. Tôi sẽ làm đủ trăm cách để chấm dứt liên lạc và gặp gỡ với chàng. Nếu cần tôi sẽ dám xúi má dọn nhà, đổi số phone... Tôi cũng dám nghỉ việc bỏ sở luôn. Tôi sẽ rẻ ngang, sẽ quẹo mặt quẹo trái tìm cho mình một lối khác chứ không thèm lếch thếch theo sau lưng chàng đâu. Tội nghiệp cho cái trái tim thích tưởng tượng của tôi, từ trước đến giờ cứ tưởng rằng được bước song đôi cùng chàng ai ngờ sự thật mình chỉ là kẻ hì hục chạy theo sau. Mà chàng thì cứ mãi mê đuổi theo cái bóng áo đỏ chẳng buồn ngoái lui hay chờ tôi một bước nhỏ.
Và mai này không còn tìm thấy không gặp mặt tôi nữa, không hiểu chàng sẽ cảm thấy như thế nào. Tôi cố tưởng tượng ra chàng lúc đó nhưng không nổi nữa bởi mí mắt nặng cứng cơn buồn ngủ.
Còn đang ngủ mê mệt tôi bị thằng em xông vô phòng kêu dậy gấp. Mở mắt ra thấy nó đứng bên giường - mình trần trùng trục ướt mồ hôi tay cầm tạ - nói chàng đang đợi tôi ngoài phòng khách. "Ông nội đi đâu mà sớm dữ". Tôi chới với ngồi lên ngó cái đồng hồ nhỏ để trên bàn ngủ. Mới có sáu giờ ba mươi...
Cao Bình Minh
1986
-------------------------
Nguồn : Văn, số 53, tháng 11-1986
Wednesday, June 22, 2016
ĐỌC SÁCH MÙA HÈ
BERNARD MALAMUD
Nguyễn Văn Sâm Dịch
Lời giới thiệu : Cha mẹ gốc Do Thái Nga, Bernard Malamud là thế hệ di dân thứ nhì, sanh năm 1914 tại New York City và tốt nghiệp Đại học ở đây. Giữ và chịu ảnh hưởng văn hoá Do Thái, Bernard Malamud đóng góp thật quan trọng vào văn chương hiện đại của Hoa Kỳ, bằng nhiều tác phẩm phảng phất phong vị văn hoá tổ tiên.
Thằng George trong truyện sau đây khám phá rằng mình không thể sống thoải mái với sự dối trá, giả danh. Đọc sách là nó giải quyết những bực mình sanh ra vì bị kính trọng ngộ nhận.
Tác giả hiện diện trong truyện bằng giọng văn để mô tả tỉ mỉ về tính tình nhân vật chính. Truyện đơn giản nhưng gợi nhiều ý nghĩa, chỗ công viên thằng George thường tới lúc khuya cũng có thể tượng trưng cho một nơi bình yên tâm hồn mà con người không bằng lòng với hiện tại với môi trường chung quanh luôn luôn tìm kiếm. Đó cũng là đề tài được diễn tả nhiều trong cuốn The Fixer (1966) mà truyện này được rút ra.
George Stoyonovitch là một thằng nhóc trong vùng, hứng chí bỏ học lúc mới mười sáu tuổi, khi thấy mình mất hết kiên nhẫn cắp sách đến trường. Mặc dầu cảm thấy xấu hổ mỗi khi đi xin việc bị hỏi xong trung học chưa, phải nói chưa, nó vẫn không đi học lại. Mùa hè khó kiếm việc làm, nó không tìm được bất cứ công việc gì. Còn quá nhiều thì giờ rãnh, George nghĩ tới chuyện đi học hè, nhưng mà tụi nhóc trong trường lỏi tì quá. Nó cũng nghĩ tới chuyện ghi danh đi học một lớp tối nhưng lại ghét thầy cô bắt làm chuyện này chuyện nọ. Nó cho rằng họ không kính trọng nó, kết quả là nó không bén mảng ra ngoài đường mà chui rúc trong nhà suốt ngày. Nó đã gần hai mươi tuổi rồi, đã thấy cần con gái nhưng lại không có tiền tiêu vặt. Thỉnh thoảng nó được vài cent thôi, không thể có nhiều hơn được vì ba nó nghèo quá. Cô chị Sophia của nó, giống hệt nó, cũng cao nghệu, đen bóng, hai mươi ba tuổi, kiếm đâu nhiều nhỏi gì, phải giữ lại để xài riêng. Má của tụi nó chết rồi, Sophia còn phải lo chuyện nhà cửa nữa.
Ngay từ sáng sớm ba của George đã thức dậy ra làm ở chợ cá. Sophia thì rời nhà đâu khoảng tám giờ, đi xe điện ngầm thật xa tới làm ở một tiệm cafeteria trong vùng Bronx. George tự pha lấy cà phê uống rồi lẩn quẩn loanh quanh trong nhà. Lẩn quẩn trong nhà- một căn nhà trong khu cư xá xây cất theo kiểu xưa, năm phòng liên tiếp nhau giống như mấy toa xe lửa, tầng trên của một tiệm thịt- chán chê thì nó lau chùi quét dọn. Lau sàn nhà bằng nùi giẻ ướt và dọn dẹp đồ đạc. Nhưng phần nhiều nó
ngồi trong phòng riêng. Buổi chiều nghe tin tức dã cầu. Có khi nó đọc mấy cuốn World Almanac cũ mua từ mấy mươi đời vương. Nó rất thích đọc mấy cuốn này, với mấy thứ Sophia đem về do khách bỏ lại trên bàn ăn ở cafeteria chỗ nàng làm việc. Phần nhiều là mấy cuốn tạp chí bằng hình vẽ các tài tử điện ảnh và thể thao, mấy tờ News và Mirror.
Sophia thì đọc bất cứ thứ gì lọt vô mắt, năm khi mười họa cũng được vài cuốn có giá trị.
Có lần cô ta hỏi George làm cái gì mà ở trong phòng cả ngày thì nó nói là nó đọc tùm lum tà la sách này sách kia.
- Ngoài mấy cuốn tao đem về, mày có đọc cuốn nào ra hồn không ?
- Vài cuốn. George trả lời, mặc dầu nó đâu có đọc cuốn nào đâu ! Nhiều khi nó cố gắng nuốt vài cuốn nhưng mà không có bụng dạ nào. Bị hỏi tới hỏi lui nó bực mình vì phải đặt dóc trả lời. Phải có chuyện gì đó để làm ! Hồi nhỏ nó khéo tay làm đồ mộc, nhưng bây giờ đâu có chỗ để cưa bào đục đẽo...Ban ngày thỉnh thoảng nó có đi dạo, nhưng thường thường là đi sau lúc mặt trời lặn, đường phố đã mát mẻ.
Chiều tối, sau buổi cơm chiều, George rời nhà thơ thẩn trong xóm. Trong những ngày nóng nực, mấy cặp vợ chồng những người bán tiệm ngồi trên ghế, trên bờ lề đường cao, bể lở lói trước cửa tiệm, quạt xành xạch. George đi qua khỏi họ, qua khỏi luôn mấy đứa đứng xớ rớ chỗ tiệm bánh kẹo ở góc đường. Một vài đứa, nó biết từ hồi cha sanh mẹ đẻ tới giờ, nhưng không bên nào nhận ra bên nào. Nó không có chỗ đặc biệt để tới, nhưng thường tới lúc chót nó ra khỏi xóm đi qua ba bốn bloc đường tới một cái công viên nho nhỏ, hơi tối tối, ở đây có băng ghế trống, có cây cối, có một cái hàng rào sắt. Nó cảm thấy một chút gì đó ấm cúng riêng tư. Ngồi xuống một cái băng ghế, ngắm nghía cây đầy lá, tò mò quan sát mấy cái bông nở bên kia bờ rào, nó nghĩ đến một cuộc đời khá hơn hiện tại. Nó nhớ tới những công việc lạm xạm làm từ hồi bỏ học tới giờ ; giao hàng, kiểm hàng, chạy việc, rồi làm trong một cái xưởng. Không có việc nào đáng ưa hết. Nó cảm thấy là một ngày nào đó nó phải có một việc làm kha khá. Sống trong một căn nhà riêng có cửa lớn, ở trên một con đường rợp bóng cây.
Nó muốn có chút tiền rủng rỉnh trong túi để mua này mua nọ. Có một cô bạn gái dẫn đi chơi để
không mặc cảm cô đơn như bây giờ, nhất là tối thứ bảy. Nó muốn thiên hạ kính nể và yêu mến nó.
Nó nghĩ tới mấy chuyện này hoài, nhất là khi thui thủi đêm về.
Khoảng nửa khuya nó dậy đi lang thang trong cái xóm nóng nực và lạnh lùng của nó.
Một lần trong lúc đi George gặp ông Cattanzara đi làm về trễ. Không biết ông ta có say không nhưng rồi nó biết ngay là ông ta không có say xỉn gì hết. Ông Cattanzara, một người mập lùn đầu sói, làm ở chỗ trạm đổi chuyến của xe điện ngầm, ở kế xóm nó một bloc đường, nhà ở tầng trên một tiệm sửa giày. Ban đêm, những đêm trời nóng, ông ta ngồi trước mái hiên bận áo thun, đọc tờ báo New York Times dưới ánh sáng đèn phát ra từ cửa sổ của lão thợ sửa giày. Đọc từ trang đầu tới trang chót, xong ông ta mới đi ngủ.
Trong khi ông ta đọc báo, bà vợ ông ta, một người đàn bà mập, mặt trắng bệch dựa chồm ra giữa cửa sổ, ngó mong ra đường, cánh tay mập tròn trắng trẻo khoanh lại phía dưới cái ngực xệ, dựa lên trên thành cửa sổ.
Đôi khi ông Cattanzara trở về nhà say mèm, nhưng ông ta say đằm lắm, không làm ồn ào, chỉ đi ngay đơ, cứng còng, chậm chạp leo lên những bậc thang dẫn vô hành lang. Say hay không ông ta cũng vẫn như vậy, chỉ khác là dáng đi cứng ngắc, lặng lẽ và cặp mắt ướt ghèn. George thích ông ta, nó còn nhớ ông cho nó mấy cắc mua nước đá nhận khi nó còn là một thằng nhỏ. Ông ta khác xa mấy người khác trong xóm. Khi ông gặp anh, ông ta hỏi anh những câu hỏi không giống với mấy người khác. Hình như là ông ta biết nhiều chuyện in trên báo. Ông ta đọc báo trong khi bà vợ mập bệu dựa cửa sổ ngó mong ra ngoài.
Ông Cattanzara hỏi :
- Mùa hè này mày làm gì vậy George ? Tao thấy mày đi dạo tối hoài.
George bối rối :
- Tôi thích đi dạo.
- Ban ngày mày làm cái giống gì ?
- Bây giờ thì không làm công lên chuyện xuống gì...tôi đang tìm việc.
Xấu hổ khi phải khai là không có chuyện làm, George nói thêm "Tôi ở nhà nhưng mà tôi đọc sách nhiều lắm, để lấy chút đỉnh chữ nghĩa vậy mà."
Ông Cattanzara có vẻ chú ý tới câu nói đó. Ông ta lau khuôn mặt bóng đỏ của mình bằng cái khăn mù soa.
- Mày đọc sách gì vậy ?
Lưỡng lự một chút, George nói :
- Có lần tôi lấy một danh sách dài ở thư viện, tôi sẽ đọc hết trong mùa hè này.
Nó cảm thấy kỳ kỳ và không thoải mái khi nói như vậy, nhưng nó muốn ông Cattanzara kính trọng nó.
- Bao nhiêu cuốn vậy ?
- Tôi không đếm. Đâu độ cả trăm.
Ông Cattanzara huýt gió qua kẻ răng.
George nói thêm một cách trơn tru.
- Tôi nghĩ đọc như vậy sẽ giúp ích cho công việc học hành. Không phải là ba cái thứ lẩm cẩm dạy ở nhà trường đâu. Tôi muốn biết những thứ khác kia, chắc ông biết tôi muốn nói gì rồi.
Ông Cattanzara gật gật đầu :
- Nguyên cả chồng một trăm cuốn mà đọc trong mùa hè thì nhiều thiệt chớ đâu phải chơi.
- Có thể lâu hơn nữa chứ !
- Chừng nào mày đọc hết vài cuốn, hay là tao với mày thảo luận chơi.
George gật đầu :
- Ừ, chừng nào đọc xong đã.
Ông Cattanzara đi về nhà, thằng George tiếp tục đi dạo. Sau đó mặc dù nó tự thúc bách mình nhưng vẫn không làm được gì khác những chuyện bình thường. Đi dạo ban đêm. Tới chỗ cái công viên nhỏ. Nhưng có một đêm nọ lão thợ giày ở xóm kế nhà nó chận nó lại nói nó là một thằng nhỏ khá. George nghĩ ngay là cái ông Cattanzara nói với lão về ba cái chuyện mượn sách đọc. Từ lão thợ giày chuyện đó lan xuống tới cuối đường...nó thấy vài cặp vợ chồng mĩm cười thân thiện với nó dầu không ai nói chuyện thẳng với nó. Nó cảm thấy cái xóm này dễ chịu hơn và thích thích hơn mặc dù nó không muốn sống hoài ở đó. Nó không bao giờ cảm thấy rõ rệt là mình ghét người lối xóm, nhưng nó cũng không ưa họ cho lắm. Tại họ chớ bộ !
Bây giờ thì nó ngạc nhiên thấy ông già nó với lại cô chị Sophia cũng biết cái chuyện đọc sách của nó nữa. Ông già ngại ngùng khi phải nói về chuyện đó. Trong đời ông, ông chưa bao giờ nói gì nhiều. Nhưng mà Sophia thì trái lại nhỏ nhẹ với nó. Cô ta có cách để chứng tỏ cho nó thấy mình hãnh diện vì em.
Mùa hè càng qua, George càng cảm thấy dễ chịu về mọi điều. Nó lau nhà hằng ngày để đỡ đần tay chân cho Sophia. Nó thưởng thức chương trình dã cầu nhiều hơn. Sophia dúi cho nó mỗi tuần một đồng, dầu vậy cũng đâu đủ, cho nên nó phải xài nhín nhín. Đỡ hơn là chỉ có vài xu ten khi nước ròng nước lớn. Với tiền đó nó xài chuyện gì ? Thường thường là thuốc lá, thỉnh thoảng lắm thì la de hay giấy hát. Đời không đến nỗi tệ lậu lắm nếu bạn biết thưởng thức. Năm khi mười họa nó mua một cuốn truyện bìa mỏng ở chỗ bán báo nhưng đâu có thèm đọc tới, nó chỉ khoái chưng vài cuốn sách trong phòng mà thôi. Nó đọc ngấu nghiến mấy thứ Sophia mang về. Đêm tối là thời khoảng nó khoái nhất vì khi nó đi qua vợ chồng người bán tiệm, đang ngồi trước tiệm, nó có thể thấy ngay là họ ngó nó bằng cặp mắt nể trọng. Nó đi thẳng người, cứng đơ. Mặc dù không nói chuyện với họ nhiều, họ cũng vậy đâu có nói chuyện nhiều với nó, nó cũng cảm nhận được sự thiện cảm từ mọi người. Một vài đêm nó thấy khoái đến nỗi nó bỏ chuyến đi dạo đêm mà chỉ lang thang trong xóm, nơi thiên hạ biết nó từ khi còn là một thằng lõi chơi tập đánh banh bất cứ chỗ nào có trò chơi này. Nó lang thang
đã đời rồi đi về, thay quần áo, ngủ thoải mái.
Trong vòng mấy tuần, nó chỉ nói chuyện với ông Cattanzara có một lần mà thôi. Ông này không bao giờ hỏi thêm gì về chuyện sách vở nhưng sự im lặng của ông ta khiến nó khó chịu.
Có lúc George tránh không đi qua trước nhà ông ta nữa, cho đến một đêm, nó quên mất điều này, nó đi về phía đó, khác với phía hằng ngày nó thường đi. Lúc đó đâu đã hơn nửa đêm rồi, đường phố, trừ một vài người, vắng teo. George ngạc nhiên khi thấy ông Cattanzara vẫn còn đọc báo bằng ánh đèn đường rọi từ trên cao xuống. Nó tính ngừng lại ở thềm nhà nói ba điều bốn chuyện với ông ta. Không biết sẽ nói gì, nhưng nó biết nói rồi thì chuyện này sẽ dẫn tới chuyện kia. Càng nghĩ tới nó càng thấy sợ, cuối cùng nó quyết định thôi thà đừng nói chuyện gì với ông ta thì hơn. Nó cũng tính đi vòng tránh nhà ông ta, nhưng mà lúc đó thì đã tới quá gần ông ta rồi, chạy thì ông ta thấy liền, sẽ phật ý. Vậy cho nên nó bắt buộc phải băng qua lộ, làm bộ như đang ngó vô cửa kính mấy cái tiệm bên kia đường. Vậy mà nó không thấy thoải mái chút nào, chỉ sợ ông ta sẽ ngó lên, sẽ kêu nó là đồ trốn chui trốn nhủi. Nhưng ông ta vẫn ngồi đó, mồ hôi thấm ướt cái áo thun, cái đầu sói, bóng láng
chói dưới ánh đèn mờ mờ khi đọc báo Times, trên đầu là bà vợ xồ xề của ông ta vẫn dựa chồm ra cửa sổ, như cùng đọc báo với chồng, George nghĩ là bà ta theo dõi nó, sẽ kêu lên cho chồng bà ta
biết, nhưng bà ta vẫn không rời mắt khỏi ông chồng.
George quyết định để tránh chạm mặt ông Cattanzara cho tới khi nào nó đọc xong mấy cuốn tiểu thuyết bìa mỏng đã mua, nhưng khi nó bắt đầu đọc, phần nhiều là mấy cuốn truyện, nó mất hứng nên cũng không thèm đọc hết. Nó mất hứng luôn khi đọc mấy cuốn khác, tạp chí và báo Sophia đem về nó cũng không thèm để mắt tới luôn.
Chị nó thấy để chất chồng trên ghế trong phòng hỏi tại sao nó không đọc, nó trả lời mắc đọc mấy thứ khác. Chị nó nói cũng đoán như vậy. Gần như suốt ngày, George mở radio, nó đổi qua vặn nhạc mỗi khi chán nghe tiếng người. Nó giữ nhà thiệt sạch. Sophia không cằn nhằn gì hết nếu bữa nào nó để nhà cửa bê bối. Cô ta vẫn tử tế như thường, vẫn cho nó thêm đồng bạc mặc dầu mọi chuyện không còn thuận lợi như lúc ban đầu.
Nhưng mà cũng được. Cũng đi dạo ban đêm, thời tiết xấu tốt bất kể. Rồi một đêm kia George thấy ông Cattanzara đi về phía nó. Nó tính quay lưng chạy, nhưng nhận thấy điệu bộ đi đứng của ông ta nó biết là ổng đang say, chắc không thèm để ý tới nó. George tiếp tục đi thẳng cho tới lúc nó tới sát bên cạnh ông ta và mặc dầu tim nó đập như tiếng trống chầu thiếu điều nhảy ra khỏi lồng ngực, nó không ngạc nhiên khi ông Cattanzara đi qua khỏi nó không nói câu nào mà ông đi thiệt chậm, mặt mày điệu bộ cứng ca cứng còng. George thở ra nhẹ nhỏm khi nó gần thoát được ông ta. Nhưng...nó nghe kêu tên, rồi thì ông Cattanzara đứng kế bên nó, hơi thở hôi như hủ hèm. Cặp mắt ông buồn bã ngó nó. George cảm thấy bối rối, nó tính xô thằng cha say rượu qua một bên, tiếp tục đi. Nhưng nó không làm như vậy được với ông ta, vả lại, ông Cattanzara lấy trong túi quần ra đồng năm xu đưa cho nó.
- Đi mua nước đá nhận đi George.
- Cái thời đó qua rồi ông Cattanzara ơi! Tôi đâu còn là con nít nữa.
- Ừ ! Mày đâu còn con nít nữa. Ông Cattanzara nói. Chuyện đọc sách của mày tới đâu rồi ? Ông ta nói tiếp, mặc dầu cố gắng đứng thẳng, ông cũng lảo đảo ngã nghiêng.
- Tôi nghĩ là cũng được. George nói. Cảm thấy máu chảy rần rần lên mặt.
- Mày không chắc à ? Ông Cattanzara cười xẻng lẻn, một cái cười nó chưa từng thấy ở ông ta.
- Chắc mà. Tôi chắc. Được lắm.
Mặc dầu đầu ông lắc lư, nhưng mắt ông Cattanzara ngó thiệt thẳng. Cặp mắt xanh nhỏ của ông có thể làm bạn ngại ngùng nếu ngó thẳng vô đó lâu.
- George, ông nói, kể tao nghe tên một cuốn trong danh sách mày đọc mùa hè này. Tao sẽ uống mừng mày.
- Tôi không cần ai uống mừng hết.
- Vậy mày kể cho tao tên một cuốn để tao có thể hỏi mày về cuốn đó. Ai biết được mày. Nếu nó hay, tao có thể mượn về đọc lắm chớ. Biết chừng đâu mậy.
George cảm thấy bề ngoài thì mình bình thường đó, nhưng bên trong thì như bị tùng xẻo.
Không thể trả lời được, nó nhắm mắt lại, nhưng mà khi cả thế kỷ trôi qua, mở mắt ra nó thấy ông Cattanzara đã tội nghiệp nó, bỏ đi, bên tai nó vẫn còn nghe những lời ông ta nói trước khi cất bước. "George, đừng làm cái chuyện tao đã làm."
Đêm kế nó ngại phải ra khỏi phòng, mặc dầu Sophia cãi cọ với nó, nó vẫn ỳ ở trong không mở cửa.
Cô ta hỏi :
- Mày làm cái quỷ gì ở trỏng vậy ?
- Không làm gì hết !
- Không đọc sách sao ?
- Không
Cô ta lặng yên một lát rồi hỏi :
- Sách mày đọc mày để đâu hết. Sao tao không thấy cuốn nào trong phòng mày ngoại trừ mấy tờ lá cải ba xu đáng liệng vô thùng rác đó.
Nó không trả lời chị nó.
- Cái kiểu của mày không đáng một đồng xu ten tao cho mày nữa, mày biết tiền tao kiếm đổ mồ hôi xót con mắt mà. Tại sao tao phải cong lưng làm nuôi mày chứ. Đi đi ! Đi khuất mắt tao, đồ làm biếng như con heo, đi kiếm chuyện làm đi !
Nó nằm lì trong phòng gần cả tuần lễ, chỉ chui vô nhà bếp khi cả nhà đi vắng. Sophia chửi rủa nó, rồi năn nỉ nó, ba của nó khóc lóc, nhưng nó vẫn không chịu lết ra khỏi phòng, mặc dù trời nóng kinh khủng, căn phòng của nó bị ứ hơi ngột ngạt. Nó ngộp thở thiếu điều muốn chết luôn, mỗi hơi thở như là hít lửa vô phổi.
Một đêm kia không chịu nỗi cái nóng, nó lẻn ra đường vào khoảng một giờ sáng. Hy vọng chui vô công viên không gặp ai nhưng thiên hạ đầy trời, hom hem, lừ đừ, đương đợi chờ một chút gió mát. Nó vừa đi vừa ngó xuống đất, nhục nhã tránh xa họ. Nhưng chỉ một lúc sau thì nó khám phá ra rằng họ vẫn thân thiết với nó như trước kia. Nó biết là ông Cattanzara không nói gì về nó. Có thể là sáng hôm sau thức dậy, tỉnh rượu, ông ta quên hết chuyện gặp nó hồi hôm. Lần đầu niềm tự tin len lỏi vô người nó trở lại.
Chính đêm đó, một người khách lạ ở một góc đường đã hỏi nó có phải đã đọc thiệt nhiều sách không. Nó nói phải. Người kia nói tuổi nhỏ cỡ nó mà đọc nhiều như vậy tốt lắm.
"Vâng" George cảm thấy như trút được gánh nặng. Nó mong đừng ai nói tới ba cái chuyện sách vở với nó nữa. Và khi, vài ngày sau đó, tình cờ nó gặp ông Cattanzara, ông ta không hỏi gì hết mặc dầu George nghĩ rằng chính ông ta loan tin nó đã đọc thiệt nhiều sách.
Một đêm mùa Thu, George ra khỏi nhà tới đằng thư viện. Từ lâu rồi nó không héo lánh tới đây. Sách vở đầy dẫy, đâu đâu cũng có. Mặc dầu đang tự trấn tĩnh để khỏi run trong bụng, nó thoải mái đem cả trăm cuốn sách, ngồi xuống bàn, đọc.
Bernard Malamud
Nguyễn Văn Sâm Dịch
-----------------------------------------
Nguồn : VĂN
Số 75, tháng 9-1988
Subscribe to:
Posts (Atom)