Sunday, August 2, 2020

TRẬN  SUỐI ĐÁ 25-5-1974

Mũ Nâu Huỳnh Văn Của

Tiểu Đoàn 37 BĐQ rời căn cứ Chu Lai lúc xế trưa. Hai ngày khao quân và gắn huy sau chiến thắng Mộ Đức một tuần trước đó vẫn còn là đề tài trao đổi của Lính. Quân số mới bổ sung khá đầy đủ, gần 30 mạng cho mỗi Trung Đội, thêm một sĩ quan vừa trở lại Đại Đội sau hơn 6 tháng dưỡng thương. Thiếu úy Nguyễn Văn Hùng trở thành sĩ quan “ không quân “ , làm trừ bị cho ba chàng “ quai chảo “ chúng tôi. Lính mới, khí thế mới, cộng thêm câu chuyện đẩy lui cuộc tấn công vào Chi Khu Mộ Đức của đám chủ lực tỉnh K8 vẫn còn đủ hấp dẫn để khích lệ tinh thần của anh em binh sĩ trước khi vào vùng hành quân trong QuảngTín.
Đoàn xe vừa đến ngoại ô Tam Kỳ là rẽ trái vào tỉnh lộ 533, trực chỉ hướng Tiên Phước. Chạy khoảng 10 km, đến xã Đức Tân thì xe dừng. Đổ quân. Lính lập tức bung ra và biến vào những khu vườn của làng mạc hai bên đường. Không khí của chiến trận đang lãng vãng thật gần qua những tiếng pháo kích liên tục của địch và tiếng phản pháo của phe ta từ một vị trí pháo binh ở hướng xã Phước Lâm ngay phía trước mặt. Đức Tân vẫn bình thản trong sinh hoạt mặc dù xe cộ trên đường đa số là quân xa và lác đác vài chiếc xe thồ “ liều mạng “ phóng về hướng tây, có lẽ là để theo chân Lính đến gần Tiên Phước chút nào hay chút đó trong niềm hy vọng tìm đón thân nhân di tản khỏi vùng giao tranh.
 
– Tiểu Đoàn sẽ tiến quân theo thứ tự 4-1-3-2. Thằng 4 và thằng 1 đang chuẩn bị theo Tiểu Đoàn Phó vào Phước Lâm để sau đó vượt tuyến xuất phát ngay đêm nay. Còn mình thì tạm thời bọc hậu cho Đại Đội 2 và Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn. Họ đang nằm trước mặt chúng ta đây.
 
Đại úy Vương trải bản đồ, thông báo tình hình địch, bạn cho các Trung Đội Trưởng trước khi chỉ định vị trí trú phòng qua đêm. Lực lượng địch là những đơn vị cấp Trung Đoàn được sát nhập từ SĐ 711 sang Sư Đoàn 2 CSBV. Lữ Đoàn 52, Tiểu Đoàn 10 đặc công và Trung đoàn pháo 368 đều có mặt trong vùng. Tin sơ khởi cho biết hai Trung Đoàn của địch đang vây Tiên Phước bỗng quay đầu vượt sông Tiên tấn công rồi chiếm giữ những xã đồng bằng và vùng núi Bàn Quân. Bàn Quân là một trong 3 cao điểm trọng yếu vốn là những tiền đồn cận phòng ở hướng chính tây của thị xã Tam Kỳ. Hai cao điểm kia là Núi Ngọc và Đá Đen ở hướng bắc với cao độ gần 500 mét của cả hai nơi. Cùng với Bàn Quân, Núi Ngọc và Đá Đen hợp thành vòng đai an ninh và cũng là những cặp mắt thần canh giữ vùng đồng ruộng phì nhiêu nhứt của tỉnh Quảng Tín. 
 
Chiếm giữ Bàn Quân cũng có nghĩa là địch dồn nổ lực cô lập quận lỵ Tiên Phước, cùng lúc đó uy hiếp hai xã trù phú của vùng đồng bằng chạy dọc theo hai bờ sông Tiên là Đông Trung và Phước Tân. Địch cũng đồng thời pháo kích liên tục nhằm thực hiện mưu toan lấn xuống tỉnh lộ 533 tại Suối Đá và khu vực xã Phước Lâm. Nhìn trên bản đồ rồi đối chiếu với địa hình thực tế thì nơi này chẳng khác gì con truông ngoằn ngoèo giữa hai sườn đá dựng. Chỉ cần đặt vài chốt trên sườn núi là đủ để uy hiếp con đường độc đạo nối liền Tam Kỳ và Tiên Phước. Hai Tiểu Đoàn 21 và 39 BĐQ vào vùng trước chúng tôi mấy ngày và đang chận địch tại đây. Trách nhiệm phản công và giải tỏa áp lực địch tại Tiên Phước và vùng phụ cận đặt nặng trên vai của Liên Đoàn 12 BĐQ với sự giúp sức trực tiếp của một Liên Đội Địa Phương Quân rải dài từ cao điểm 120 ( đồi An Hóa ) đến làng Tân Đông trong nhiệm vụ “ chống lưng “ cho BĐQ, và góp phần bảo vệ một pháo đội 155 ly đóng ngay giữa Đức Tân và Phước Lâm. 
 
26-05-1974
Tin tức đầu ngày cho hay Đại Đội 4 vừa lên núi là đụng suốt đêm. Kết quả thật đáng khích lệ với hai tù binh cộng sản bị bắt sống. Theo cung từ thì hai tên này nằm trong toán tiền sát có nhiệm vụ cung cấp tọa độ cho sơn pháo của địch nhắm vào vị trí pháo binh và những nơi trú phòng của các đơn vị VNCH. Đại Đội 4 chỉ bị thiệt hại nhẹ nhưng Đại Đội Trưởng, Thiếu úy Nguyễn Văn Hóa bị thương phải đưa về Bệnh Viện Toàn Khoa trong thị xã Tam Kỳ. Đại Đội Phó, Thiếu úy Vũ Văn Giáp thay thế chỉ huy. Mục tiêu là cao độ 375, tức đỉnh Bàn Quân, nơi có một đồn Địa Phương Quân cần phải tái chiếm bằng mọi giá vì đây là chốt phòng vệ trọng yếu của Tiểu Khu ở hướng tây nam.
 
Dãy Bàn Quân, cùng với hai rặng Đáy Thám và Dương Huê tạo thành một thế liên hoàn chạy theo hướng Đông Nam- Tây Bắc về mặt địa hình. Cứ như chiếc lưng uốn khúc của một con rồng! Núi không cao nhưng hiểm trở với cây cối rậm rạp che khuất những vực sâu, dốc đứng, nên di chuyển rất khó khăn. Không có lối đi nào khác ngoại trừ phải dùng độc đạo quanh các sườn núi hay ngay trên các đỉnh dốc để đến cao độ 175 rồi từ đó mới bẻ góc qua hướng tây bắc để góp phần tái chiếm đỉnh 375.
 
Ai đánh đấm thì cứ việc băng mình vào lửa đạn. Những người chờ nhập trận thì từ tốn “ xáp lá cà “ quanh thau rượu để lãng quên đời, đồng thời cũng là cơ hội để tôi giới thiệu với “ Ti Vi “ Nguyễn Thanh Vân một lính mới gốc Mười Tám Thôn Vườn Trầu vừa được bổ sung về Trung Đội 1 mấy ngày trước đây. Đứa em tên Hoàng Thanh Tú, là một tay vọng cổ thứ thiệt với giọng ca thật mùi qua những bài cải lương nổi tiếng, nhứt là Tình Anh Bán Chiếu, hay Chiếc Xe Cút Kít của danh ca Út Trà Ôn. Anh bạn Trung Đội Trưởng gốc Long Xuyên khóai quá, đặt ngay biệt danh “ Thằng Vọi “ cho Tú kèm theo tiếng chắc lưỡi “ …Mẹ! Nó ca vọng cổ hay như vậy mà phải ra tới đây thì uổng quá! “
 
Tiếng súng xa xa vẫn nổ từng hồi. Tiếng đạn pháo kích và tiếng phản pháo kề bên nghe riết cũng quen. Cuộc nhậu đã tan từ lâu, nhưng từ hướng đóng quân của tiểu đội khinh binh vẫn còn văng vẳng tiếng ca cải lương của thằng em tuổi đời vừa qua hai mươi, mà đã mang trên người hai sắc áo lính khác nhau. Câu nói của Vân về Hoàng Thanh Tú làm tôi chạnh lòng nghĩ tới tay bi da Tâm “ sún “ vừa yểu mệnh trong Đức Lương, Mộ Đức, rồi lại lan man nghĩ tới những gương mặt trong nhóm văn nghệ của Tiểu Đoàn, đặc biệt là lao công đào binh Hồ Huy Đăng, một tay đàn hảo hạng, đủ khả năng chơi cho bất cứ phòng trà hay sân khấu ca nhạc nào của Sàigòn. Những tài năng và tâm hồn nghệ sĩ như vậy mà phải dấn thân ngoài mặt trận thì thật uổng phí gì đâu! 
 
Đêm dài thâm u. Đêm lạnh lùng chứng kiến cảnh phân tranh đang tạm lắng. Tiếng súng im bặt từ lúc nào không hay. Im lặng. Thứ im lặng rợn người của dã thú rình mồi trong bóng tối. Ngoài tiếng máy rè rè của chiếc PRC 25 thì thỉnh thoảng chỉ có tiếng quân xa rồi tiếng động cơ của xe gắn máy qua lại trên đường theo một nhịp điệu hối hả quen thuộc. Một ngày vừa qua. Một ngày khác sắp đến. Hôm nay sống còn, mai này sẽ ra sao? Cứ thế mà vẩn vơ quay cuồng trong tâm trí cho đến khi chìm vào giấc ngủ chập chờn.
 
27-05-1974- 11h00
Một ngày nắng đẹp! Nhưng Lính không có thì giờ hay nhã hứng để tận hưởng hạnh phúc được nhìn ngắm kỳ công của tạo hóa vì nắng vừa đủ ấm là súng đã nổ dòn từ phía trên núi. Cả vùng vang dội tiếng súng lớn, nhỏ của đôi bên. Địch công khai tấn công giữa ban ngày. Phước Lâm và khu vực quanh Suối Đá bị pháo kích liên tục. Một số đạn sơn pháo 122 và 130 ly rơi ngay vào tuyến của Pháo Đội 155 ly, nhưng mấy “ ông già đầu bạc “ không hề hấn gì nên vẫn cùng với pháo binh diện địa của Tiểu Khu Quảng Tín hiên ngang khạc lửa yểm trợ không ngừng cho các đơn vị tham chiến. Tất cả các cánh quân Mũ Nâu đều chạm địch. Kể cả hai Đại Đội tiên phong của Tiểu Đoàn 37 BĐQ vừa mới bắt tay nhau tại điểm hẹn: cao độ 175. Lại họp với ban chỉ huy Đại Đội 3/ 37 BĐQ. Không khí nặng nề và căng thẳng. Không cần nói ra nhưng ai cũng biết đây là một trận quyết chiến.
 
– Tụi nó dụ mình lên núi bằng cách thí mấy cái chốt tép riu mà thằng 4 mới bứng hôm qua, rồi lợi dụng lúc Đại Đội 1 và Đại Đội 4 vừa bắt tay nhau là tung lực lượng vây hãm ngay. Đại úy Phúc đang kẹt trên đó.
 
Đại úy Vương nhìn quanh một vòng, rồi nói tiếp: 
 
– Đại Đội mình thay vì qua mặt để lãnh phần tiên phong lên Bàn Quân thì sẽ làm nhiệm vụ giải vây cho hai thằng 1 và 4. Có thể sẽ chạm địch ngay khi vuợt tuyến xuất phát vì chắc chắn chúng nó sẽ tìm đủ mọi cách để ngăn chận tiếp viện. Thiếu úy Lợi sẽ đi với Trung Đội 1 và 3 để dẫn đầu. Tôi và Trung Đội súng nặng cùng với Trung Đội 2 sẽ theo sau. Qúy vị về cho anh em ăn cơm sớm để sẵn sàng di chuyển trong vòng một tiếng.
 
Trở về vị trí của mình chưa bao lâu, và vừa chuyển tin đến ông Phó cùng các tiểu đội trưởng xong, thì hiệu thính viên báo tin Đại Đội Trưởng cần gặp. Lần này Vương Vũ tiếp chúng tôi tại chiếc quán ngay bên tỉnh lộ. Cuộc nhậu nho nhỏ được nhanh chóng bày ra trên chiếc bàn con. Kẻ ngồi, người đứng khề khà nhấm nháp. Vài câu chuyện vui kèm theo những nụ cười bất sá mặc dù ánh mắt lo âu thỉnh thoảng vẫn hướng lên phía núi, nơi tiếng đạn bom đang vang nổ liên hồi, hoặc lướt theo đoàn dân chạy loạn từ hai xã ngoại vi của Tiên Phước là Đông Trung và Phước Tân đang hối hả về ngang. “ Bố Gìa “ Vưong Vũ rõ ràng là đang lo lắng cùng cực nên mới áp dụng kế sách “ dùng men rượu để thêm phần tỉnh táo “. Đây cũng là phương pháp đánh lừa cảm giác mà ông đã cho phép thuộc cấp áp dụng tại Sa Huỳnh hơn một năm trước đây.  
 
– Ai lại không sợ, Chuẩn úy!? Thượng Sĩ Lê Văn Trữ vừa thả khói thuốc vừa nói với tôi, người ngồi gần anh nhứt. …Mẹ! Cha nào nói không sợ chết là tay đó dóc tổ! Nhưng phải công nhận là chỉ cần vài chung cho đủ nóng mặt là tui “ tấp “ tới cùng! Không tin hỏi “ Bố già “ là biết ngay. 
 
Nhưng không cần ai phải hỏi, vì “ Bố “ đã cười khà: 
 
– Đúng thế! Rượu đánh giặc chứ không phải thằng Trữ! 
 
Những tiếng cười sảng khoái cùng vang lên một lúc. Chút hưng phấn tạm bợ cũng đủ làm cho Lính khỏi chồn chân khi bắt đầu vượt dốc ngay sau khi tan cuộc họp có chút đưa cay.
 
Nếu theo đường chim bay thì từ tuyến xuất phát đến mục tiêu chỉ chừng hơn một cây số. Nhưng vì dốc đứng, truông sâu, vì phải núp tránh đạn pháo của địch, đồng thời phải vòng theo các sườn núi mà đi nên con đường trở nên dài lê thê, nhứt là khi nắng gắt như bốc lửa và men rượu đã bắt đầu bừng bừng hai bên thái dương. Nếu không có sơn pháo hú họa đây đó, không có tiếng bom nổ rền từng chập, hay tiếng súng đạn vang dội khắp nơi thì con đường lên núi không khác gì …đường lên thiên thai vì cảnh vật của cây rừng, đá núi trông thật hùng vĩ làm sao! Nhưng Lính không còn hứng thú ngắm cảnh. Phía trước bạn đang chờ và địch cũng có thể đang giăng bẫy nên toán dẫn đầu thận trọng tiến quân. Có lúc thì theo đường độc đạo, khi thì lục soát những nơi khả nghi tại những điểm cao dọc theo trục tiến quân. Càng đến gần mục tiêu thì tiến súng đạn càng nghe rõ mồn một theo nhịp độ rất khẩn thiết. Sơn pháo vẫn rơi trên sườn đá hay cắm vào truông, dốc kề bên, chứng tỏ địch đoán biết hướng đi của ta và có thể đề lô của địch ở đâu đó đang phỏng đoán hướng tiến của BĐQ để điều chỉnh tác xạ từng hồi. Đang đi, toán tiền sát chợt dừng và dạt vào những lùm bụi ven lối mòn. Thủ hiệu được ban ra. Trong phút chốc, đoàn quân biến mất vào màu xanh trùng điệp của núi rừng.
 
– Có người đang tiến về đây. Trung sĩ Tỵ, Tiểu Đội Phó khinh binh lúp xúp chạy ngược về báo cáo ngắn gọn.
 
Tôi gật đầu ra hiệu cho Thanh “ máy “ gọi Vương Vũ, rồi theo Trung Sĩ Tỵ tiến lên phía trước. Vừa dặn dò đám em không được vọng động thì có hai bóng người hối hả theo đường dốc chạy ngay vào tuyến rải quân của Trung Đội. Tôi chưa kịp phản ứng thì Trung Sĩ nhứt Cho, Trung Đội Phó, đã khoác tay la lớn: 
 
– Đừng bắn! Lính mình đó!  
 
Tuy vậy, đám khinh binh cũng bật dậy băng ra giữa lối mòn, chong súng chận hai bộ áo hoa lem luốc đang còn hớt hãi và chưa kịp mừng rỡ khi gặp bạn. Họ không bị thương tích gì ngoại trừ một người mang vết máu đã khô trên cánh vai, đứa em còn lại thì áo quần te tua để lộ những vết xây xát trên tay chân do va chạm cây cành. Một trong hai người mất cả nón sắt, và vũ khí trên tay của cả hai chỉ còn lại hai trái “ măng cụt “ M67 và một khẩu M16 không còn viên đạn nào.
 
– Tụi em ở Trung Đội 1 của Đại Đội 4. Một trong hai người hào hễn nói. Cả Đại Đội bị tụi nó tấp từ sáng tới bây giờ. Trung Đội tụi em bể tuyến nên mạnh ai nấy vọt.
 
Tôi hỏi thăm người bạn khóa 5/72B về đơn vị cùng ngày với Hương Giang Lê Văn Hữu hồi mùng 4 Tết vừa qua thì cả hai lắc đầu:
 
– Em không dám nói quở. Một trong hai người nói. Nhưng chắc là Chuẩn úy Dũng chết rồi, vì khi tụi em tốc hố thì bom nổ ngay trong tuyến của Trung Đội. Hai đứa em phóng xuống thung lũng rồi tìm hướng mò lên tới đây mới gặp Chuẩn úy đó! 
 
Hỏi tới Thiếu úy vũ Văn Giáp, quyền Đại Đội Trưởng của Đại Đội 4, thì họ cũng lắc đầu:
 
– Dạ không rõ! Nhưng tụi nó đông lắm. Cứ xung phong lia lịa. Bắn hết đạn rồi tụi em mới bỏ chạy!
 
Thiếu úy Lợi cũng vừa lên tới nơi. Theo sát anh là Nguyễn Thanh Vân và Trung Đội 3 của anh bạn gốc Hòa Hảo. Anh Lợi cho lệnh dìu hai người của Đại Đội 4 về tuyến sau rồi kéo tôi qua một bên, nói như hét trong tiếng nổ rền trời của súng lớn, súng nhỏ: 
 
– Lệnh của Vương Vũ là giữ mấy đứa nó lại. Nhưng tao thấy tụi nó mất tinh thần rồi. Đánh đấm mẹ gì nữa. Mày cho Trung Đội bố trí tại đây. Để tao và thằng Vân lên thêm một đoạn nữa xem xét tình hình. ĐM! Tới đích rồi!
 
Người Đại Đội Phó vui tánh nói xong là dẫn Trung Đội của “ Ti Vi “ vọt qua mặt chúng tôi và chẳng bao lâu đã khuất dạng trên đầu dốc. Chỉ một thời gian ngắn là anh Lợi gọi máy kêu tôi đưa Trung Đội lên gặp. Vừa lên tới nơi là chúng tôi đã thấy Trung Đội của Vân bố trí sẵn hai bên lối mòn dẫn lên một trảng tranh khá rộng với bên trái là vách núi vòng theo hình chữ L ôm lấy vùng xanh của cỏ tranh voi cao quá bụng, bên phải là khóm rừng già thật rậm rạp chạy mút tầm mắt về hướng tây. Còn ngay phía trước mặt là một vùng lửa khói mịt mù với khoảng cách chỉ chừng 200 thước. Chiến trường đây rồi! Anh Lợi kéo Vân và tôi tới nơi cao nhứt của con dốc, cẩn thận vạch tranh để quan sát, rồi vừa chỉ trỏ vừa nói:
 
– Tao cần chú mày đột nhập vào bên trong khu rừng này. Xem coi có thể dựa vào cây cối mà ém quân để yểm trợ cho thằng Vân được không. Khi bố trí xong thì cho biết. Tao sẽ thảy Trung Đội 3 vượt trảng tranh liền. Phải hết sức cẩn thận. 
 
Tôi gật đầu nhận lệnh, trong lòng hồi hộp vì nhìn thoáng qua địa thế, tôi rùng mình thầm nghĩ nếu địch muốn chận tiếp viện thì khu rừng này là vị trí thích hợp nhứt để giăng bẫy phục kích. Nỗi lo lắng cứ thế đè nặng lên từng bước chân mò mẫm theo triền dốc mà bám đất, băng rừng. Tôi quyết định không theo rìa cỏ tranh mà nhắm hướng từ triền dốc thọc xuống thung lũng để sau đó xâm nhập vào khu vực ấn định rồi tiến dần lên phía trên, vừa đi tôi vừa hình dung lại những khúc phim nói về đệ nhị Thế Chiến có đoạn đu giây vượt núi để tấn công vào các pháo đài của Les Canons de Navaronnes hay Le Jour Le Plus Long. Đó là truyện và phim ảnh, bây giờ là thực tế ngoài đời: hồi hộp đến nghẹt thở! Thiếu úy Lợi sốt ruột hỏi thăm liên tục. Đại úy Vương thì từ tốn hơn : “ Thà tốn chút thời gian mà bảo toàn lực lượng! “ 
 
Khu rừng rậm rạp không có bóng địch quân- cũng không có dấu hiệu đã từng có người lai vãng- nằm trên một địa thế thoai thoải dốc, đủ rộng để cho cả một Đại Đội đóng quân. Tôi gởi một tiểu đội đi bọc theo bờ núi, lom khom ẩn mình sau lớp tranh voi để từng bước rải ngược về phía Trung Đội 3 của Vân. Thành phần còn lại dựa vào từng thân cây, chong súng về hướng Đại úy Phúc và hai Đại Đội 1 và 4 đang bị vây hãm. Trảng tranh bây giờ là một thảm lụa xanh mướt ẻo lả theo từng cơn gió chiều. Mặt trận là đây! Từ vị trí của chúng tôi, diễn tiến và khung cảnh của chiến trường trông chẳng khác gì một khúc phim xi nê! Bom đang nổ sát tuyến của vị Tiểu Đoàn Phó. Đạn chéo vào nhau riu ríu. Khói đen mù mịt đang cuồn cuộn tung trời. Nắng đang sậm màu. Bóng tối dần buông. Khu rừng già bỗng trở nên tịch mịch. Viện quân đã tới nơi nhưng không tài nào vượt qua được phần đất trống trải ngay trước mặt, đành bám vào cánh rừng làm điểm tựa để lập phòng tuyến và chờ lệnh thượng cấp. Trong khi đó, bạn còn đang vất vả chống cự và đẩy lui từng đợt biển người của địch. Đại úy Phúc đang gồng mình điều chỉnh pháo binh. Cuộc chiến về chiều vẫn chưa lơi nhịp khẩn thiết.
 
Nhưng thay vì tiến công để giải tỏa áp lực địch thì chúng tôi nhận lệnh khoanh lại tại chỗ để qua đêm. Và ngay sau đó là toàn bộ Đại Đội 3 ém quân sau triền dốc, lấy mép tranh làm tuyến phòng thủ chính dịên. Theo lời giải thích của Vương Vũ thì trời đã bắt đầu nhá nhem và vì tình hình trên tuyến của Đại úy Phúc đang rất sôi bỏng với những pha tấn công dồn dập của địch nên cách tốt nhứt là dùng phi pháo để yểm trợ và tiêu diệt địch tại các nơi tập trung quân, nhiều nhứt là phía tây bắc của cao điểm 175. 
 
Lại một đêm thao thức trong sự hồi hộp từng cơn tùy theo diễn tiến của trận chiến bây giờ chỉ cách xa chừng hơn 200 thước. Trảng tranh bây giờ đã là một màu tối thâm u. Lính đã có thể đứng thẳng người chong súng về hướng địch và bạn đang quần thảo nhau trong những màn cận chiến. Tiếp viện đã đến nơi nhưng chưa thể nhập cuộc, vì vậy Hỏa Long đã được điều động đến để rải từng loạt đạn xuống giúp cho bạn thêm tinh thần và tăng cường khả năng chống trả của hai Đại Đội đang nằm trong vòng vây của địch. Có lẽ đêm nay là đêm dài nhứt trong đời quân ngũ của Đại úy Hồ Văn Phúc, TIểu Đoàn Phó/ TĐ 37 BĐQ.
 
28-05-1974 07H00 
Nắng hừng đông vừa trải dài trên cây cỏ còn đẫm sương mai thì núi rừng lại rền vang tiếng đạn pháo kích của địch, phần lớn tập trung vào tuyến của Đại úy Phúc. Sau đó không bao lâu là tiếng súng cá nhân đồng loạt nổ dòn dã. Địch lại đang tung từng đợt biển người với quyết tâm tiêu diệt hai Đại Đội đang cương quyết giữ vững vị trí. Cùng lúc đó, Đại úy Vương cũng phân công theo kế hoạch đã bàn thảo từ đêm trước. Mọi lệnh lạc đều được thi hành trong thời gian nhanh nhứt. Do quân số vừa được bổ sung khá dồi dào nên cả ba Trung Đội lại giao cho Đại Đội một số khinh binh tình nguyện để thành lập một toán “ đặc nhiệm “. Toán này giao cho Thiếu úy Hùng chỉ huy coi như là Trung Đội thứ tư, là toán trừ bị của Đại Đội 3 chúng tôi.
 
Đại úy Vương giao cho Thiếu úy Lợi trách nhiệm điều động Trung Đội 1 và Trung Đội 2. Anh Lợi dùng Trung Đội 1 của chúng tôi làm nghi binh khi tiến quân trực diện. Trung Đội 2 của Hương Giang Lê Văn Hữu bên cánh trái và Trung Đội 3 bên cánh phải sẽ là nổ lực chính để đánh chéo vào vòng vây của địch. Nhưng chúng tôi vượt chừng nửa đoạn đường của “ chiếc lưng rồng xanh mướt cỏ tranh “ thì đã trở thành bia tập tác xạ cho các loại súng cộng đồng và hàng loạt súng cối đủ loại. Chúng tôi gồng mình vẹt tranh chạy lúp xúp về hướng có chốt địch. Chốt này nằm ngay trên triền dốc phía bắc của cao điểm 175 cũng có nghĩa là ở trên cao còn chúng tôi đang ở dưới thấp đánh lên, nói cách khác, chúng tôi đang ở trên lòng chảo, hay còn gọi là yên ngựa của đồi tranh. Một vị thế hoàn toàn bất lợi về mọi mặt! 
 
Tôi đang quát tháo nhắc nhở Trung Đội giữ khoảng cách và không được bắn bừa bãi thì một tiếng nổ điếc tai vang lên thật gần, hất tung một đống đất, đá, cỏ tranh và những thứ bầy nhầy khác. Mọi người thất thần nằm rạp xuống đất. Ngay sau đó là những tiếng rên của hai đứa em bị trọng thương. Tôi gọi hạ sĩ Bé. Người y tá của Trung Đội không chờ gọi đến tiếng thứ nhì đã băng mình qua hướng có tiếng rên la khẩn thiết. Tôi ra lệnh liên tục bằng tiếng hét để nhắc đám em út chỗi dậy ngay, và cũng để tự trấn áp nỗi lo sợ trong lòng mình. Nếu ai lắng nghe kỹ hơn thì sẽ biết tôi đang rung giọng. Nhưng tiếng nổ của đạn cối, của sơn pháo, và tiếng súng các loại của đôi bên đã phủ lấp tiếng nói gần như lạc thần của tôi. Trung Đội được lệnh tiếp tục tiến về phía mục tiêu. Thương vong để lại tại chỗ và sẽ do lao công đào binh và toán quân y của Tiểu Đoàn đảm trách băng bó và tải thương.
 
Chúng tôi bật dậy chạy về phía trước. Súng địch nổ dòn dã. Loạt đạn pháo binh bắn vào chốt địch hình như không mang lại hiệu quả khả quan. Khẩu RPD vẫn điên cuồng khạc đạn. Thượng liên phòng không từ trên triền tây bắc lại đều đặn khai hỏa. Đại bác không giựt 57 ly và 75 ly của địch cũng trực xạ không ngừng. Trung liên nồi từ cái chốt quái ác chễnh chệ ngay trước mặt vẫn tha hồ quạt liên hồi vào lớp tranh có chúng tôi đang vẹt đường lao tới trước. Đang khi vừa chạy vừa cố gắng quan sát hướng mục tiêu thì có tiếng đạn xé gió vụt ngang tai cùng lúc đó là những tiếng nổ chát chúa, âm thanh nghe khô khốc đến rợn người của miểng pháo và đạn phòng không ghim vào xương thịt hay xuyên qua nón sắt. Tôi nhoài người xuống đất theo phản xạ tự nhiên. Thanh “ máy “ cũng lao xuống bên cạnh. Một thoáng sau tôi mới định thần bật dậy khi nghe tiếng Vương Vũ trong máy gọi tôi báo cáo tình hình. Khoảng cách của chúng tôi và Đại Đội chỉ chừng hơn 100 mét nhưng ông không thể nhìn thấy chúng tôi vốn đang nằm bẹp dí và gồng mình chịu trận.  
 
Lần này thì tôi thật sự “ lạnh cẳng “ khi bò quanh vị trí và nhìn thấy Trung Sĩ Cao Kim Rắc, Tiểu Đội Trưởng khinh binh, đã bị thượng liên lấy mất nửa cái đầu, Trung Sĩ Tỵ toát vai đang tự cầm máu. Có lẽ biết được hoàn cảnh và theo lời yêu cầu của tôi, nên Vương Vũ cho cối cơ hữu dập tối đa vào chốt địch. Trên kia thì vòng vây của chúng đang siết lần thòng lọng vào tuyến của Đại úy Phúc. Chúng tôi ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan và khốn nạn nhứt là đang nằm ngay lòng chão của trảng tranh. Hụp người ngồi xuống thì không sao vì địch chỉ tác xạ phỏng chừng, nhô đầu lên khỏi đám tranh hay khom người chạy, là làm mồi cho hỏa lực của địch. Bắc quân rõ ràng là đã chọn chỗ trước để chào đón chúng tôi. Họ hoàn toàn chủ động và dọn sẵn “ sân chơi “. Bằng chứng là họ đã dành cái Cul de Sac này cho chúng tôi bước vào. Trảng tranh là sinh lộ duy nhứt để kẻ bị vây khổn tìm đường lui binh mà cũng là tử địa của viện quân. Không còn lối nào khác để chúng tôi phá vòng vây và bắt tay với một nửa Tiểu Đoàn đang cố thủ trên đồi 175. Nếu có, thì phải vòng xuống thung lũng rồi bám theo dốc đứng mà đánh thọc hông và cắt đường chuyển quân của đám lính bắc việt dọc theo sườn núi phía tây bắc, sau đó bọc hậu ngược trở lại để tiêu diệt cái chốt quái ác đang cùng với đám súng cối làm tình làm tội chúng tôi từ sáng tới giờ. Nhưng làm như vậy thì cần nhân lực và yếu tố bất ngờ và lấy gì bảo đảm là sẽ thành công khi sức lực đã dùng hết vào việc …leo núi?!
 
Một trăm thước còn lại để tới ngay chỗ đặt khẩu RPD là đoạn đường chiến binh dài thăm thẳm và đẫm máu của Trung Đội 1 chúng tôi, nếu không muốn nói là của cả Đại Đội vì Trung Đội 3 của “ Ti Vi “ Nguyễn Thanh Vân đã bị đánh bật và phải rút về nằm giữ hông phải của chúng tôi. Còn bên cánh trái thì Trung Đội 2 của “ Hương Giang “ Lê Văn Hữu vừa mất liên lạc ngay sau khi báo cáo xin tải thương cho Thiếu úy Lợi. Thế trận bây giờ quả thật là bất lợi cho chúng tôi, khi mà cả Đại Đội lần này dù được ưu tiên mọi thứ đã không tận dụng được khả năng, và phải nằm nguyên tại chỗ phơi lưng chờ…tới số! Địch dư thừa nhân lực và đạn dược nên tha hồ vừa tấn công ráo riết bằng chiến thuật biển người vào phòng tuyến của Đại Đội 1 và 4, vừa “ tận tình “ chiếu cố Đại Đội 3 chúng tôi bằng những màn mưa pháo và súng nặng. Thần Chết đang ở gần, gần lắm! Chưa gì mà Trung Đội đã thiệt mất 5 mạng: hai chết, ba bị thương. Không kể 6 tay súng tăng cường cho Đại Đội, thì chúng tôi chỉ còn đúng 16 người. Cứ thắp thỏm nhô lên thụp xuống giữa đồi tranh như vầy thì sớm hay muộn cũng sẽ lãnh đạn hay ăn miểng pháo. Vấn đề chỉ là thời gian mà thôi. Khi tôi khẩn thiết gọi máy cho Đại úy Vương để báo cáo vị trí và tình hình thương vong, thì “ Bố già “ chỉ đáp gọn:
 
– Cho đám em ở yên đó chờ tôi.
 
Chờ đó cũng có nghĩa là cả Trung Đội của tôi phơi lưng trên trảng tranh cho súng đạn của địch tha hồ tìm bắn. Địch ân cần “ săn sóc “ chúng tôi bằng tất cả những loại súng cộng đồng mà họ có được. Tiếng đề pa thật gần của súng cối, tiếng “ lanh lãnh “ của 12 ly 8, tiếng “ cắc, cụp “ của Trung liên nồi RPD nghe rõ mồn một. Âm thanh khô khốc đến rợn người mỗi lần có tiếng đạn xé gió xẹt qua lớp tranh rồi cắm phập đâu đó ở chung quanh, hay từng viên đạn cối chạm nổ, hất tung đám đất pha trộn cỏ tranh rồi rơi phủ lên đầy người. Chúng tôi hoàn toàn trông cậy vào Đại Đội để biết hướng của địch vì cả Trung Đội bây giờ chẳng khác nào một đám …bò sát.
 
– ĐM! Tôi lầm thầm chửi thề. Đạn ở đâu ra mà tụi nó bắn quá nhiều như vây?! Trong khi đó thì Đà Nẵng chỉ mới gởi lên hai phi xuất A-37 trong 4 giờ qua. Còn pháo binh thì hình như đang lơi dần nhịp độ. Hết đạn, hay tiết kiệm? Để trả lời cho câu hỏi của tôi là tiếng nói của hiệu thính viên. 
 
– Chuẩn úy! Vương Vũ gọi. 
 
Thanh “ máy “ nhoài người đưa tôi ống liên hợp. Đại úy Vương cho biết vắn tắt là sẽ gởi toán xung kích do Thiếu úy Hùng chỉ huy và Thượng Sĩ Trữ làm phó lên thay chúng tôi. Anh Hùng sẽ phối hợp với Trung Đội 3 của Vân để tiếp tục vượt phần còn lại của trảng tranh. Hỏi đến Hương Giang Lê Văn Hữu thì được biết anh bạn này và cả Trung Đội 2 coi như đã mất tích một cách đột ngột. Một Trung Đội của Đại Đội 2 đã được Trung úy Hiền tăng cường cho Vương Vũ để trám vào tuyến của Hữu. Coi như cả Tiểu Đoàn 37 BĐQ đã nhập trận. 
 
Trung Đội rút về tới tuyến sau thì bắt tay ngay vào công việc chuyển đạn và phụ tải thương vì nhóm lao công đào binh không lo xuể. Khoảng đất trống trước lều của Vương Vũ đã biến thành nơi tập trung thương binh và những “ đòn bánh tét “ còn rỉ máu. Nhìn poncho gói thây Hoàng Thanh Tú mà thấy buồn lòng. “ Thằng Vọi “ bây giờ chỉ là một mớ xương thịt gom góp vội vàng trên đầu tuyến. Tú lãnh ngay một viên đạn pháo nên thân xác tan tành. Còn Cao Kim Rắc thì để lại nửa cái đầu để bón phân cho đất núi. Trong ba lô của ngưới Trung Sĩ AET này, ngoài hai bộ quần áo, một sổ tay loại bỏ túi, thì còn lại toàn là…thuốc lá. Trong số các thương binh chờ đưa xuống núi, có Thiếu úy Lợi đang ngồi dựa một thân cây, mặt nhăn nhó vì vết thương trên cánh tay phải đang được băng bó tạm thời. Đại Đội Phó đang ở đây có nghĩa là trên kia Vương Vũ trực tiếp điều động với sự phụ lực của Thiếu úy Hùng. Còn tôi thì đang làm công việc của một Thường Vụ Đại Đội thay cho Thượng Sĩ Trữ: cắt đặt người khiêng cáng, thu gom súng đạn và vật dụng cá nhân của thương binh và tử sĩ.
 
Miệng khô, cổ đắng. Từ sáng sớm đến giờ không ăn uống gì vẫn không thấy đói mà chỉ thèm thuốc lá. Hút thuốc liên tục mỗi khi rảnh tay và cũng để cho đầu óc bớt căng thẳng. Lại thêm tử sĩ, thêm thương binh, trong số này có hai đứa em của Trung Đội1 tình nguyện qua toán xung kích bị thương khá nặng. Tình hình thêm tệ hại khi Thiếu úy Hùng được một người lính dìu về, theo sau anh là một quân nhân được hai đồng đội xốc nách và một người nữa khập khiễng vịn từng thân cây để tự mình tiến về chỗ lựa thương. Khi đi ngang qua tôi, anh Hùng không nói gì, chĩ khẻ lắc đầu một cách thểu não rồi đến bên Thiếu úy Lợi buông mình xuống đất, nhắm nghiền đôi mắt. Không thấy rõ vết thương trên người anh, nhưng có lẽ lá phổi vừa mới bình phục không chịu được khói lửa của bom đạn và cơn nóng hực lửa của mùa hè nên đã làm anh ngộp thở không chừng.
 
Đại úy Vương lại đưa chúng tôi ra tuyến cũ kèm theo lời dặn dò án binh bất động để theo dõi tình hình địch, bạn. Đề phòng địch tấn kích, đồng thời phải quan sát thật kỹ càng để tránh ngộ nhận vì đã có nhiều quân nhân của Đại Đội 1 và 4 thoát khỏi vòng vây đang lần lượt tìm đường về với Tiểu Đoàn. Đến lúc này thì việc gỡ chốt địch và giải vây cho hai Đại Đội bạn coi như đã thất bại. Đại Đội 3 của chúng tôi sau hơn nửa ngày cố gắng hết sức cũng không thâu ngắn thêm được 100 mét cuối cùng của trảng tranh. Không bắt tay được với Đại úy Phúc cũng có nghĩa là đồng đội ở tuyến trên tự lo lấy thân dù đã cạn dần quân số và đạn dược. Từ sáng tới giờ bạn giữ được vị trí hoàn toàn là nhờ sự quyết tâm chiến đấu tới cùng và với sự trợ giúp hữu hiệu của phi pháo. Nhưng liệu sẽ còn được bao lâu khi viện quân kẹt cứng trên yên ngựa tử thần và cũng chịu tổn thất khá nặng về mọi mặt?!
 
Đại Đội 3 chúng tôi có tin vui: Lê Văn Hữu vừa đưa Trung Đội 2 của hắn về lại tuyến cũ. Theo “ Hương Giang “ báo cáo ngắn gọn trên máy thì sau khi bị đánh dạt khỏi vị trí thì cả Trung Đội tản lạc. Số đông đã rút theo dốc núi rồi vọt luôn về tận tuyến phòng thủ của …Tiểu Đoàn. Hữu đã phải gom quân và chờ đón những đứa em thất lạc rồi mới dẫn Trung Đội trở lên gặp Đại úy Vương và nhận lại toán khinh binh tình nguyện gởi cho Đại Đội trước đó. “ Bố già “ lập tức đưa họ trở ra tuyến cũ thay thế cho một Trung Đội của Đại Đội 2 tăng cường nơi hướng tây. 
 
Lê Văn Hữu ổn định vị trí chưa bao lâu thì trên kia địch quân “ tấp “ cú chót vào phòng tuyến đã rất mong manh của Đại úy Phúc. Cứ như trong hồi kết cuộc của một màn bắn pháo bông: địch dập pháo liên tục vào khu đồi có ban chỉ huy của vị Tiểu Đoàn Phó. Cả một khoảng đồi núi ngập chìm vào màn khói lửa dày đặt, sau đó tiếng lựu đạn và tiếng súng nổ thật dồn dập và quyết liệt: địch đang dùng biển người để xung phong và phe ta tận tình chống trả! Một lúc sau, tiếng súng lơi dần nhịp độ rồi lắng xuống bất chợt tưởng chừng như muốn im lặng hoàn toàn. Nhưng ngay lập tức, có tiếng đề pa của pháo binh từ hướng Phước Lâm rồi những tiếng nổ ngay trên phòng tuyến của quân ta: ban chỉ huy của Đại úy Phúc đã rời bỏ vị trí nên ông gọi phi pháo dập thẳng vào nơi đang bị địch tràn ngập. Trong khi đó thì cái chốt khốn nạn của địch trên kia cũng lãnh những loạt cối của Tiểu Đoàn và Đại Đội để làm rào cản không cho địch truy sát. Lại một màn đất khói tung trời tạo thành một màu đen ngùn ngụt tỏa lên vòm trời xanh thẳm của một chiều nắng gắt. 
 
Chúng tôi được lệnh phải đề cao cảnh giác và không được vọng động vì có nhiều đồng đội đang tháo chạy trên trảng tranh. Trong số này có Đại úy Phúc và toàn ban chỉ huy của ông, kể cả người sĩ quan đề lô và người Trung Sĩ phụ tá cùng với hiệu thính viên của anh. Ban chỉ huy của vị Tiểu Đoàn Phó về đến tuyến của Đại Đội 3 một cách an lành đến không ngờ. Đại úy Phúc chỉ bị thương nhẹ và yếu sức sau hai ngày căng thẳng cực độ. Một số quân nhân cũng liều mạng vượt trảng tranh để về với chúng tôi, nhưng rất nhiều người đã chọn hướng thung lũng phía đông nam của đồi 175 để thoát thân, vì sau Đại úy Phúc thì chúng tôi chỉ lác đác đón được chừng hơn một chục đồng đội, đa số đều không còn một tất sắt trên tay
 
Chiến trường đã yên lắng từ lâu. Màn tối đang dần buông. Chúng tôi được lệnh rút về khu rừng để chỉnh đốn hàng ngũ và bố trí qua đêm. Trảng tranh lại đắm chìm vào đêm đen vĩnh tận. Trong gần 200 tay súng của hai Đại Đội tiên phong, chúng tôi chỉ đón được không tới 40 người trong hai ngày qua. Trong tổng số 10 sĩ quan của hai Đại Đội thì đã hy sinh tại chỗ hết 7 người: Trung úy Huệ, ĐĐT/ ĐĐ1, Thiếu úy Vũ Văn Giáp, ĐĐP /ĐĐ4 cùng với Thiếu úy Thông, Thiếu úy Quang, Chuẩn úy Dũng, Chuẩn úy Lễ, Chuẩn úy Thái. Đại Đội 1 và 4 coi như xóa sổ. Đại Đội 3 của chúng tôi cũng “ khập khiểng “ với 14 người bị thương, trong đó có Thiếu úy Lợi, ĐĐP/ ĐĐ3 và Thiếu úy Hùng, cùng với 8 quân nhân tử trận, trong đó hết 4 người là của Trung Đội 1 chúng tôi.
 
Lợi dụng màn tối, chúng tôi phân công cho anh em chia toán để vừa đào hố cá nhân, vừa phát quang xạ trường. Trong khi đó, địch công khai rọi đèn pin lục lạo vị trí vừa tràn ngập trước đó. Khoảng cách không xa, lại thêm có gió đưa xuôi chiều, nên tiếng ơi ới xen lẫn những tiếng chưởi thề khoái trá của địch bật lên từng hồi mỗi khi tìm thấy vật gì đó thật quí giá hay lạ mắt. Lương vừa mới lãnh trong Chu Lai nên ba lô của Lính chất đầy những thứ cần thiết cho nhu cầu cá nhân: đường, sữa, kẹo, bánh và nhứt là thuốc lá. Những tên kaki Nam Định khoái trá là phải. Nhưng vì sao không cho Hỏa Long rải đạn xuống đầu chúng như hôm qua hay gọi pháo binh dập thẳng thừng vào nơi quân địch đang tập trung lục soát!? Tiết kiệm đạn hay vì sợ gây thương vong cho những đồng đội còn ẩn núp đâu đó chăng? Câu trả lời của Vương Vũ: “ Cả hai! “

 
31-05-1974
Hai ngày trôi qua trong yên lắng bất thường. Địch có lẽ đã kiệt quệ sau khi trả một giá khá đắt để đổi lấy vị trí của Đại úy Phúc, còn chúng tôi thì cũng không còn dồi dào khả năng như lúc mới lâm trận. Trảng tranh nằm hiền hòa như không có chuyện gì xảy ra và vô hình chung trở thành một vùng “ phi quân sự bán chính thức “ với những màn pháo kích hú họa của địch nhằm ngăn chận chúng tôi theo cách cũ tiến dần lên đồi 175. Chúng tôi vẫn bị cầm chân tại chỗ. Không có cách nào hữu hiệu để trở lên tuyến bạn dù chỉ để nhặt xác đồng đội. Mọi xuất phát đều mang tính cách thăm dò kiểu trinh sát và chỉ thực hiện ở cấp Tiểu Đội. Việc phòng thủ được chú trọng tối đa mặc dù Đại úy Vương ra lệnh không gài lựu đạn và mìn Claymore mà chỉ dùng trái sáng để báo động.  
 
– Còn nhiều anh em tản lạc đâu đó không chừng. Gài mấy thứ đồ chơi đó lỡ như bạn mình vướng phải thì tội lắm! Vương Vũ giải thích như thế.
 
Hai ngày chưa đủ để bình tâm sau những mất mát và hy sinh của đồng đội và chiến hữu trong đơn vị, nhứt là của những bạn bè thân thiết như Cao Kim Rắc và Vũ Văn Giáp. Một người trẻ trung, sinh động và luôn tươi cười còn một người thì nghiêm nghị, ít nói nhưng đầy lòng nhân ái. Cứ nghĩ mãi về chuyện “ tới số “ của người Lính tác chiến. Cao Kim Rắc nhứt định không chịu để cho mẹ bỏ tiền “ chạy chọt “ về một đơn vị nào đó quanh Sàigòn mà chọn ngay Biệt Động Quân khi mãn khóa từ Đồng Đế. Vũ Văn Giáp vốn là quản gia, coi sóc biệt thự của một vị tướng vùng ngay cạnh Giáo Hoàng Học Viện trên Đà Lạt. Không thích bị gò bó trong công việc vốn nhàm chán nên người Thiếu úy gốc Lực Lượng Đăc Biệt xin trở ra tác chiến. Hai người bạn này đã chọn cho mình một “ cái số “ trong định mệnh nghiệt ngã đã sẵn dành cho người Lính. Chắc chắn Phêrô Cao Kim Rắc và Antôn Vũ Văn Giáp đều cầu nguyện để xin ơn che chở của Thiên Chúa như tôi đã làm. Nhưng vì sao tôi sống mà họ thì đã hy sinh? Đúng là chưa “ tới số “ nên dù phơi mình trên trảng tranh cả ngày mà tôi vẫn an lành, và tổn thất cá nhân chỉ là một tròng mắt kiếng bị nứt đôi. Lại một thoáng hạnh phúc trong ngậm ngùi tưởng tiếc!

 
02-06-1974 (9H00)
Vẫn án binh bất động cho cả đôi bên, và mặc dù đã không còn nghe động tịnh gì của địch nhưng Tiểu Đoàn vẫn chỉ thị cho chúng tôi nằm yên tại chỗ. Nếu không có một tràng đạn pháo binh bắn dập ngay trên tuyến của chúng tôi chiều hôm qua thì nơi này quả đã thành nơi cắm trại thật yên lành. Cuộc pháo kích bất chợt tuy không gây thiệt hại đáng kể cho Đại Đội nhưng cũng là một phen hú vía cho mọi người. Đạn rơi không có báo trước. Vương Vũ trong lúc hoảng hốt đã hét trong máy “ Tốp! Tốp! “ Ở phía bên kia, ai đó chắc lầm tưởng là tiếng khen “ Tốt! Tốt! “ nên phang thêm một phùa thứ nhì đủ để làm đứng tim cả Đại Đội. Chỉ có hai người bị thương nhẹ, một trong hai người là Hạ sĩ Qúy “ mát “ của Trung Đội 1 chúng tôi. Thằng em bị một miểng đạn hay mảnh đá nào đó văng trúng…mông đít. Cả hai đều không cần tản thương mặc dù chàng thiện xạ M79 của chúng tôi chỉ đứng hoặc nằm gần như suốt ngày.
 
Bữa ăn đầu tiên được Hồ Viết Sành nấu nướng đàng hoàng- sau một tuần nhồi nước để gặm dần bịt gạo xấy 500 gram- vừa xong, thì tin vui cũng chợt đến: đổi quân với Trung Đoàn 5/ SĐ2BB trong vòng một giờ. Lính hớn hở ra mặt. Đó đây là những nụ cười vốn rất hiếm hoi trong một tuần vừa qua.  
Tạm biệt Suối Đá! “ Theo ta xuống núi trưa nay …” là một man mác thật bùi ngùi. Tử sĩ của hai Đại Đội 1 và 4 còn nằm đâu đó chờ lao công đào binh và toán chung sự theo chân Trung Đoàn 5 lên tìm xác. Tôi lặng nhìn ngọn đồi 175 thêm một lần nữa. Quang cảnh bây giờ thật hiền hòa làm sao! Nắng hè lướt qua ngàn cây, hong trên đá, cỏ. Và mặc dù suốt tuần qua không có một giọt mưa nào rơi rớt, nhưng cỏ tranh vẫn một màu xanh óng ả, mượt mà. Màu xanh của mầm sống được chan tưới bằng máu xương của tử sĩ đôi bên! Phải chi hôm nào cũng nắng đẹp, trời trong, và yên lành như hôm nay thì hạnh phúc biết bao!
 
HUY VĂN (Huỳnh Văn Của) 
 
 
 
PHỤ CHÚ:
 
Niên Trưởng Lại Thế Thiết:
Bình thường thì anh không muốn nhớ lại chuyện hồi xưa. Nhưng Em hỏi chuyện này thì anh nhớ rõ lắm. Anh làm TDT TD 39 cho tới cuối tháng sáu 1974. Khi đánh TiênPhước, TĐ 39BĐQ giử một vài yếu điểm dọc theo tỉnh lộ giửa QL1 và Tiên Phước (anh không nhớ địa danh). VC lúc đó dự tính cắt đường giao thông dể cô lập Tiên Phước. Anh còn nhớ rỏ VC tấn công vào ban ngày một ĐĐ của anh đóng trên một ngọn đôi cạnh đường khoảng 1 km. Chính anh bắn súng 106 ly (gắn trên xe Jeep) chận đứng đợt xung phong đầu tiên của VC. Ngày hôm sau, VC tấn công một lần na nhưng ĐD2/TĐ39BĐQ (hoán đổi ĐĐ4 đêm hôm trước) chống trả mãnh liệt và làm địch thiệt hại nhiều (ĐĐT Hoàng bá Kiệt, bây giờ ỏ San Jose, bị thương). Mấy ngày sau, 3 TĐ cua LĐ12 BĐQ đi đêm, tiến sâu vào và phá hủy mật khu VC  phiá nam của tỉnh lộ (anh không nhớ địa danh), chận đứng âm mưu cô lập quận Tiên Phước của VC. Đó là cuộc hành quân cuối cùng của anh ở LĐ12BĐQ, sau đó anh lên Tr/tá, thuyên chuyển ra LD15.

 
Huynh Trưởng Hồ Văn Phúc:
“ Chúng nó thảy ít nhất là 4 Tiểu Đoàn để thay nhau tấn công vào vị trí của chúng tôi. Tổng cộng là 14 lần xung phong trong hai ngày bị vây hãm. Anh em chống trả hết mình. Lấy cả súng của địch để bắn lại chúng nó. Nhờ phi pháo trợ lực hữu hiệu nên anh em rất vững tinh thần. Tiếc là Đại Đội 3 của Đại úy Vương bị cầm chân, và cũng vì tổn thất nặng và hết đạn nên đành phải bỏ tuyến! Lúc đó là khoảng 4 giờ chiều …”

 
BácSĩ Nguyễn Trung Tín, Y sĩ Trưởng LĐ 12 BĐQ
“Tôi ở tuyến sau lo việc trị thương nên không rõ diễn tiến trận đánh, nhưng chắc chắn là cả ba Tiểu Đoàn của Liên Đoàn 12 BĐQ đều tham gia vào trận đánh này. “
 
Mũ Nâu Vũ Đình Trường:
“Nhắc đến pháo binh thì tôi nhớ ra là lúc đoàn xe GMC chở tụi tôi vô Tiên Phước có đi ngang chỗ mấy khẩu 155 ly này. Hình như nơi đó có địa danh là Kỳ Trà thì phải? Tôi theo đại đội nào thì cũng không nhớ rõ, nhưng biết chắc 100% là một trong những đại đội lên núi đầu tiên. Anh nhắc đến tên ông Huệ thì rất có thể ông này là ĐĐT của ĐĐ mà tôi theo thực tập. Tôi còn nhớ hình như phe ta bắt được vài tên tù binh VC, và tôi đi ngang chỗ ông Trung úy Huệ hay ai đó đang thẩm vấn tụi nó.
Ngày đầu không có chuyện gì lớn, nhưng mấy hôm sau thì mới te tua. Khi bị VC pháo thì trung đội mà tôi đi theo đang nằm khoảng lưng chừng đồi, lởm chởm đá. Cũng nhờ mấy tảng đá lớn này mà tôi thoát được miểng pháo. Đến khi tụi nó tràn lên thì mấy người lính cạnh tôi nhắm cầm cự không nổi quay lưng nhắm hướng khác chạy, có người nào đó nắm tay tôi kéo và la “chuẩn úy chạy lẹ lên!” Lúc đó tôi không còn thấy Th/úy Đức, Trung đội trưởng ở đâu nữa. Chuẩn úy sữa đi thực tập cũng giống như con mồ côi, cấp trên cho một cây M16 với môt dây đạn mà bắn hết trơn rồi, còn súng cũng như không cho nên tôi bèn chạy theo anh lính này một lúc rồi cũng mất dấu anh luôn vì không thấy anh chạy ngã nào. Khi xuống tới chân núi thì đụng ngay một bãi tản thương. Phe ta bị thương khá nhiều, chưa kể nhiều xác đã cột trong poncho, được gánh tòn ten từ trên núi xuống với đòn gánh làm bằng cây rừng. Những chi tiết thảm hại như thế cho nên tôi rất ngần ngại khi kể lại! Vì thấy mới ra trận đầu đã tan hàng rồi. “ 
__._,_.___
 

No comments:

Post a Comment