Làng Mụa, quê tôi miền Bắc – Nghe lại một bài hát của Tử Phác viết về các cô gái quay tơ thời toàn dân kháng chiến chống Pháp
Trần Mộng Lâm
Tôi họ Trần, sinh ở tỉnh Nam Định. Nam Định là nơi xuất phát của Nhà Trần, nhưng nếu có ai hỏi là tôi có phải là hậu duệ của các vì vua anh minh đó hay không, thì tôi phải trả lời là tôi không biết, không dám thấy sang bắt quàng làm họ. Cũng như hiện nay có bao nhiêu ông họ Lê, bao nhiêu ông họ Trịnh, họ Mạc. Lâu quá rồi, mấy ai còn giữ được gia phả, trừ mấy ông họ Tôn Thất. Có lẽ họ có máu quý tộc thực. Nguyên quán của tôi là Vũ Xuyên, Ý Yên, Nam Định.
Sở dĩ nhớ được là vì khi còn nhỏ, mấy cái chữ này trên giấy khai sinh đã nhập vào đầu tôi. Hồi đó người ta hay hỏi ngày sinh, nơi sinh. Thực ra cái làng mà ở đó tôi được sinh ra, và ở đó có mồ mả tổ tiên tôi có một cái tên rất xấu là “làng Mụa”. Đừng hỏi tôi tại sao có cái tên này. Tôi hoàn toàn không biết, vì trong tiếng Việt, chữ Mụa chẳng có nghĩa gì hết. Nói “lụa”, có lẽ dễ hiểu hơn, nhưng dân làng tôi chẳng ai biết tại sao làng mình có cái tên như vậy, thật khó hiểu. Làng của tôi cách thành phố Nam Định khoảng 16 Km mà thôi. Bây giờ, 16 Km người ta lái xe độ 15 phút, nhưng hồi đó, phải đi bộ, nên tôi có cảm tưởng “đường về quê sao quá xa xôi”. Thực ra, gia đình tôi sống ở Nam Định. Mẹ tôi buôn bán thóc gạo tại một con đường có tên là “Phố Thóc”. Bạn của tôi, cũng là một cựu CVA, anh Nguyễn Văn Đính cũng có gia đình sinh sống bằng nghề buôn thóc gạo trên cùng một con đường này. Có nghĩa là chúng tôi vừa là đồng hương, vừa là đối thủ về thương mại. Kỷ niệm xa nhất của tôi về Nam Định có lẽ vào khoảng 1945 hay 1946, khi đó tôi độ 3 hay 4 tuổi thôi. Lúc đó tôi còn nhớ người cậu, em út của mẹ tôi, và người chú, em út của bố tôi, hai thanh niên khoảng 17, 18 tuổi gì đó, hay tham gia vào việc chiến đấu chống thực dân Pháp. Hồi đó, tại Nam Định, nhiều nhà bị đục tường, để người ta có thể đi từ nhà này sang nhà nọ dễ dàng, để lẩn trốn khi bị người Pháp ruồng bắt. Việt Nam vừa qua khỏi một cơn đói khủng khiếp, lại bị cả người Nhật lẫn người Pháp cai trị. Việt Cộng lợi dụng tình trạng này để khích động lòng yêu nước của các thanh niên. Tôi còn nhớ có lần ông cậu tôi đưa về nhà một khẩu súng lục nhỏ, tôi rất bị kích thích về việc này nên nhớ kỹ lắm. Ban đêm, thỉnh thoảng người ta nghe tiếng đập vào các thùng sắt vang lên trong một khu phố, đây là một báo động người ta dùng để báo cho nhau khi có lính Pháp kéo xuống. Khi nghe những tiếng báo động này, bọn con nít chúng tôi sợ hãi, im bặt không dám nói to, khóc to.
Sở dĩ nhớ được là vì khi còn nhỏ, mấy cái chữ này trên giấy khai sinh đã nhập vào đầu tôi. Hồi đó người ta hay hỏi ngày sinh, nơi sinh. Thực ra cái làng mà ở đó tôi được sinh ra, và ở đó có mồ mả tổ tiên tôi có một cái tên rất xấu là “làng Mụa”. Đừng hỏi tôi tại sao có cái tên này. Tôi hoàn toàn không biết, vì trong tiếng Việt, chữ Mụa chẳng có nghĩa gì hết. Nói “lụa”, có lẽ dễ hiểu hơn, nhưng dân làng tôi chẳng ai biết tại sao làng mình có cái tên như vậy, thật khó hiểu. Làng của tôi cách thành phố Nam Định khoảng 16 Km mà thôi. Bây giờ, 16 Km người ta lái xe độ 15 phút, nhưng hồi đó, phải đi bộ, nên tôi có cảm tưởng “đường về quê sao quá xa xôi”. Thực ra, gia đình tôi sống ở Nam Định. Mẹ tôi buôn bán thóc gạo tại một con đường có tên là “Phố Thóc”. Bạn của tôi, cũng là một cựu CVA, anh Nguyễn Văn Đính cũng có gia đình sinh sống bằng nghề buôn thóc gạo trên cùng một con đường này. Có nghĩa là chúng tôi vừa là đồng hương, vừa là đối thủ về thương mại. Kỷ niệm xa nhất của tôi về Nam Định có lẽ vào khoảng 1945 hay 1946, khi đó tôi độ 3 hay 4 tuổi thôi. Lúc đó tôi còn nhớ người cậu, em út của mẹ tôi, và người chú, em út của bố tôi, hai thanh niên khoảng 17, 18 tuổi gì đó, hay tham gia vào việc chiến đấu chống thực dân Pháp. Hồi đó, tại Nam Định, nhiều nhà bị đục tường, để người ta có thể đi từ nhà này sang nhà nọ dễ dàng, để lẩn trốn khi bị người Pháp ruồng bắt. Việt Nam vừa qua khỏi một cơn đói khủng khiếp, lại bị cả người Nhật lẫn người Pháp cai trị. Việt Cộng lợi dụng tình trạng này để khích động lòng yêu nước của các thanh niên. Tôi còn nhớ có lần ông cậu tôi đưa về nhà một khẩu súng lục nhỏ, tôi rất bị kích thích về việc này nên nhớ kỹ lắm. Ban đêm, thỉnh thoảng người ta nghe tiếng đập vào các thùng sắt vang lên trong một khu phố, đây là một báo động người ta dùng để báo cho nhau khi có lính Pháp kéo xuống. Khi nghe những tiếng báo động này, bọn con nít chúng tôi sợ hãi, im bặt không dám nói to, khóc to.
Rồi chiến cuộc xẩy ra không biết thế nào, mà tự nhiên dân Nam Định đi tản cư hết. Ông Ngoại tôi có một căn nhà rất lớn ở ngay trên con đường thương mại to nhất Nam Định. Con đường này có tên Phố Khách, tương tự như Đồng Khánh của Sài Gòn hồi sau này. Ông Ngoại tôi thuộc vai ông họ của GS Nguyễn Văn Phú, cựu giáo sư Toán Học trường CVA, vừa tạ thế tại Montréal, bởi vậy cho nên các anh Nguyễn Văn Phú và các em của anh. . . đối với tôi đều là anh em họ. Quê ngoại tôi thuộc tỉnh Hà Đông, nhưng quê nội lại là làng Mụa như đã nói ở đoạn trên. Hồi tản cư, cả gia đình của tôi đều về quê nội. Gia đình GS Nguyễn Văn Phú cũng tản cư về vùng đó một thời gian.
Tại quê nội tôi, khi đó ông bà nội của tôi còn sống. Ông nội tôi là một ông quan Huyện về hưu. Trong cả một cái làng, chỉ có một vài căn nhà ngói, trong đó có nhà của ông nội tôi. Cha tôi cũng có một cái nhà ở đó. Gia sản của ông nội tôi có nhiều mẫu ruợng, vườn cậy ăn trái. Cha mẹ tôi cũng còn có một ít ruộng ở quê. Mỗi mùa xuân, ngày Tết, tôi theo cha mẹ, anh chị em lên chúc tết ông và nội tôi. Tôi đi qua một khu vuờn trồng toàn đào. Tết đến, hoa đào nở bung lên trong gió xuân, cảnh tượng quê tôi đẹp như một bức tranh tầu. Anh em chúng tôi xúng sính trong những bộ quần áo mới, kêu sột soạt, vui vẻ vô cùng vì sắp được tiền ông bà mừng tuổi
Mùa hè, ông nội tôi sai người tát ao để bắt cá. Những con cá trắm béo nục bắt được ông tôi sai làm gỏi cá sống. Gỏi cá sống ăn ngon là nhờ 9 loại rau và thính. Nghệ thuật làm gỏi cá truyền cho con gái họ trần, tiếc rằng sau này tại Sài Gòn, chị tôi và em gái tôi bù đầu về Anatomie, Chimie Organique, quên hết.
Tóm lại, chúng tôi thuộc gia đình địa chủ, nhưng cha tôi và các chú tôi đều đã bỏ làng ra Nam Định theo tây học từ lâu. Họ có việc làm tại thành phố Nam Định, nên cũng chẳng tha thiết gì lắm đến việc thu thóc của các tá điền mỗi vụ gặt. Không kiểm soát ngặt nghèo.
Nói cho đúng, nếu không có cuộc tản cư hồi đó, có lẽ tôi chẳng biết gì về quê mình.
Khi đó Việt Cộng chưa hiện nguyên hình là Cộng Sản khát máu, và dân chúng cũng chẳng hiểu Cộng Sản là gì, chỉ thấy chống thực dân Pháp là ủng hộ. Tôi còn nhớ lúc đó hay có các anh cán bộ đi công tác hay đi chiến đấu gì đó qua làng. Những lần như vậy, người ta hay đóng ở nhà ông nội tôi, vì nhà cửa sạch sẽ, rộng rãi. Những lần như vậy vui lắm. Đêm đến, các anh bộ đội hay đàn hát, văn nghệ, văn gừng, làm những đứa trẻ như tôi mê mẩn, vì đời sống ở thôn quê buồn chán lắm. Bản nhạc ru hồn tôi thuở thơ ngây đó, bài hát mà tôi còn nhớ đến ngày nay, không phải là những bài hát của Văn Cao hay Phạm Duy, mà là một bài hát của Tử Phác, bài Tiếng Hát Quay Tơ. Tử Phác viết về các cô thôn nữ vùng Nam Định quê tôi, quay tơ, kéo sợi, làm áo ấn để gửi ra chiến trường cho các ý chung nhân đang xả thân vì sơn hà, đất nước.
Chiều không hương, buông mây lắng xuống đồng quê.
Trời mênh mông, tím ngắt, thoi thóp pha hồng.
Hàng nước mắt, lá rơi bên thềm vun vút bóng câu.
Khắp trời bát ngát khói hương.
Thì thào lá biếc có thương lá vàng.
Tre ngà đưa võng heo mây hoa đàn. . .
Trời mênh mông, tím ngắt, thoi thóp pha hồng.
Hàng nước mắt, lá rơi bên thềm vun vút bóng câu.
Khắp trời bát ngát khói hương.
Thì thào lá biếc có thương lá vàng.
Tre ngà đưa võng heo mây hoa đàn. . .
Không hiểu các bạn có nhận thấy không, đây là một trong những bản nhạc kháng chiến đầu tiên, rất lãng mạn. Bài hát diễn tả cảnh của một thôn làng, yên bình. Trong cái làng đó, các người thiếu nữ ngồi quay tơ, dệt những tấm áo ấm cho các chàng trai hùng đang chiến đấu nơi phương xa.
Làng của tôi rất nhỏ, dân cư sống ở đây cũng rất nghèo. Nhớ về những người dân làng, người tôi nhớ nhất lại chính là một anh người làng tàn tật. Anh chàng vừa câm lại vừa điếc, nhưng anh có một điểm hơn người là anh ăn ớt thần sầu. Có những trái ớt rất cay, không ai dám cắn vào một miếng, mà anh ăn ngon lành, hết trái này đến trái khác. Tôi đồ chừng là khi còn nhỏ, cha mẹ anh cho anh ăn ớt vì thấy anh không nói được, kiểu như người ta cho con nhòng ăn ớt, lâu ngày thành quen. Việc nuôi tầm để dệt tơ, thì chị tôi và các bà chị họ làm thường xuyên. Khi dệt được các tấm vải tơ lụa, họ lại đem ra chợ bán. Bởi vậy bài tiềng hát quay tơ, có lẽ Tử Phác viết cho các cô gái của quê tôi khi nhìn thấy các cô đang làm việc. Hãy nghe tiếp những lời hát sau này :
Ngập ngừng xe quay, run run in bóng dáng người.
Người chiến sĩ ầm gió rít mưa bay.
Dấn mình trong khói súng, chiến trường áo mong manh, căm thù nuôi ấm thân.
Quyết gắng sức nâng cao sắc cờ.
Chàng ra đi, giữ miếng vườn này, giữ mái tranh này.
Em về xa vắng thầm lo cho cánh chim bay.
Chiều nghe vang lá siết em run ngỡ tiếng, ngỡ tiếng bước ai về.
Quay quay, thương nhớ quyến vào tơ.
Quay quay, se áo rét dâng chàng.
Mỗi một đường tơ, là mỗi giậy tình,.
Trong lòng em dâng người hiên ngang.
Người chiến sĩ ầm gió rít mưa bay.
Dấn mình trong khói súng, chiến trường áo mong manh, căm thù nuôi ấm thân.
Quyết gắng sức nâng cao sắc cờ.
Chàng ra đi, giữ miếng vườn này, giữ mái tranh này.
Em về xa vắng thầm lo cho cánh chim bay.
Chiều nghe vang lá siết em run ngỡ tiếng, ngỡ tiếng bước ai về.
Quay quay, thương nhớ quyến vào tơ.
Quay quay, se áo rét dâng chàng.
Mỗi một đường tơ, là mỗi giậy tình,.
Trong lòng em dâng người hiên ngang.
Nhịp xe quay vang trong tiếng gió đìu hiu.
Mảnh tơ em óng chót như nắng hanh vàng.
Mùa lá trút sắp qua nhớ chàng quay gấp bánh xe.
Tơ vàng chắn lối gió đông.
Cho người chiến sĩ đêm không lạnh lùng.
Ơn chàng trai cứu nước.
Gửi cùng áo ấm muôn vàn nhớ thương
Mảnh tơ em óng chót như nắng hanh vàng.
Mùa lá trút sắp qua nhớ chàng quay gấp bánh xe.
Tơ vàng chắn lối gió đông.
Cho người chiến sĩ đêm không lạnh lùng.
Ơn chàng trai cứu nước.
Gửi cùng áo ấm muôn vàn nhớ thương
Với lời thơ, với tiếng nhạc như vậy, chàng trai Việt Nam nào mà không thấy nức lòng, sẵn sàng hy sinh tính mạng cho cuộc chiến đấu chung của dân tộc,tìm độc lập và tự do cho đất nước mình. Bây giờ, vào Internet, nghe lại Mai Hương hát bản nhạc đó, tôi như sống lại thời thơ ấu của mình nơi quê nhà.
Các chú của tôi, và ngay cả cha tôi nữa, cũng đi theo kháng chiến. Cha tôi vì có học, hình như được tham dự vào các tòa án của Việt Minh thuở mới xuất hiện đó. Chỉ ít lâu sau, tình hình biến chuyển. Không phải chỉ có việc chống thực dân không mà thôi, bên cạnh, còn có nhiều điều phức tạp hơn. Trong làng tôi, có ông Lý Trưởng, cũng là bà con của tôi, mà tôi gọi là Ông Chánh Từ, vì tên ông ta là Từ. Một hôm, trong một đám giỗ, ông Chánh Từ bị đánh đập, bị các thanh niên khác kéo lê thân mình ông ta qua một bãi phân trâu. Ông bị các thanh niên trong làng, tuổi chỉ bằng con, cháu ông, gọi là thằng phản động. Rồi thì, lâu lâu, bên phía “Núi Gôi” (Tên một ngọn núi không xa tỉnh Nam Định), có tiếng súng nổ. Người ta đồn là có Việt gian bị giết. trong người còn có chiếc khăn ta mầu trắng, viền xanh, lại có hình bông hoa đỏ, mà xanh, trắng, đỏ là cờ Tam Tài của nước Pháp.
Một không khí hãi hùng bao phủ xuống ngôi làng Mụa của tôi. Ông Nội tôi mắc bạo bịnh và qua đời một cách đột ngột. Chỉ vài tháng sau, bà nội tôi cũng không hiểu vì sao lên một cơn đau bụng dữ dội. Cha tôi được nhắn để trở về lo cho bà. Ông về trong đêm tối, thấy mẹ bệnh nặng, lại vất vả đi ngay sang một làng khác cách mấy giờ đi bộ để tìm thầy thuốc cho mẹ, vì trong làng không có thầy thuốc nào. Tôi còn nhớ trong đêm đó, vì quá đau đớn, bà tôi gào thét trong đêm. Đến khi đem được thầy thuốc về, thì bà tôi kiệt sức, trút hơi thở. Trong một vài tháng, cả ông và bà nội tôi đều qua đời. Đây là một việc rủi, nhưng sau cùng nghĩ lại, lại là một việc may cho gia đình tôi, vì nếu các cụ không chết trong năm đó, thì chỉ ít lâu sau, làm sao tránh khỏi việc bị đấu tố, vì gia đình chúng tôi là gia đình địa chủ, không chối cãi vào đâu được.
Cha tôi là một trong rất ít những người có Tú Tài toàn phần Pháp thời đó. Ông đi theo Việt Minh, nhưng ông hiểu chủ trương, đường lối của họ. Ở lại lo xong đám tang cho mẹ, ông nói với mẹ tôi điều gì không biết, mà sau khi ông trở về với đơn vị của ông không lâu, mẹ tôi kín đáo thu dọn hành lý, rồi một buổi sáng mùa hè, mẹ tôi dắt 6 đứa con bỏ làng, bỏ xóm, bỏ ruộng vườn, đi về Nam Định. Ngày hôm đó, bà mẹ tôì, tuy rất yếu, cho 2 đứa em tôi, mỗi đứa vào một cái thúng, rồi bà gánh 2 đứa trẻ đó, 2 đứa em sát tôi, một trai một gái, trong đó có Trần Mộng Quỳ, sinh năm 1949, mỗi đứa ngồi trong một cái thúng, đi về Nam Định. Cả 2 đứa bé quê làng Mụa đó, sau này đều hành nghề Y Sĩ tại Colorado, U. S. A. Tôi, khi đó mới 8 tuổi, phải đi bộ lếch thếch với các anh chị tôi. Đoạn đường chỉ 16 cây số nhưng với đôi chân nhỏ bé của một đứa bé 8 tuổi, thật là vất vả. Lại còn phải tránh các người lính Việt Minh. Cha tôi không thể đi theo, vì đàn ông, thanh niên sẽ bị Việt Minh bắt lại. Đoàn người hồi cư, gồm toàn đàn bà và trẻ em, đi thành hàng dài, lếch thêch như một bọn ăn mày, lâu lâu bị cán bộ Việt Minh ngăn lại, hỏi giấy, nhưng sau cùng, thấy không có đàn ông, thanh niên, họ cho đi. Gần đến Nam Định, qua khỏi trạm gác chót, thấy tôi không còn đi được, mẹ tôi nhờ một người đi xe đạp, đèo tôi về Nam Định trước. Sau khi tôi đi rồi, bà mới sợ nhỡ người ta bắt con mình đi mất thì sao ? Cũng may, tôi gặp người tử tế, đưa tôi về nhà ông ngoại tôi an toàn.
Chỉ ít tháng sau khi chúng tôi về Nam Định.
Tin từ trong làng đưa tới cho biết ông Chánh Từ bị người ta cột đá vào cổ, đem ra giữa dòng sông, thẩy xuống cho chết chìm. 3 người con trai của ông trốn được về Nam Định. Sau này, vì thù cha bị CS giết, cả 3 người con trai đều gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hòa, ở các đơn vị tác chiến, không nương tay với cộng quân.
Cha tôi sau nhiều khó khăn, lần về được Nam Định, với các người chú, và ông cậu của tôi, những người đã hăm hở đi theo Việt Minh, làm tự vệ hồi 1945.
Tan giấc mộng làm Cách Mạng !!
Với một gia đình nheo nhóc, 7 đứa con, ông xin vào làm công chức ở bộ Xã Hội. Tài sản của ông, và gia tài ông bà nội để lại tại Làng Mụa, Vũ Xuyên, Ý Yên, Nam Định, tan thành mây khói.
Ông cậu tôi và ông chú cùng tuổi bị động viên, khóa một, Nam Định. Sau này, có thời ông lên đến chức Cục Phó Cục Quân Nhu, Quân Lực VNCH.
Gia đình chúng tôi chuyển lên Hà Nội. Từ 1952 đến 1954, chúng tôi ở trong một căn nhà có thể đi bộ đến Hồ Hoàn Kiếm. Căn nhà này có địa chỉ là số 6 Ngõ Hàng Hành. Gia đình giáo sư Nguyễn Văn Phú ở tại căn nhà số 15. Đại gia đình GS Phú ở tại đây. Khi đó, các bác tôi (Cha mẹ GS Phú) còn sống. Thân phụ GS Phú là một ông đốc học.
Tôi và Nguyễn Huy Xương, và một người anh họ khác, là con nhà văn Tam Lang, anh Vũ Kiện, nay đã mất sớm tại Montreal, thường tắm mưa với nhau. Đó là thời gian tương đối an lành cho tôi. Tôi đi học tại trường tiểu học Nguyễn Du. Mới đây, tôi có dịp gặp lại ở Montréal một người bạn học thuở ấy, cũng đã từng là học trò trường Nguyễn Du, hình như đó là anh Phạm Quang Huyến thì phải, nay đang ở đâu đó bên nước Úc xa xôi đến thăm Canada. Hai ông già nhắc lại chuyện ngày xưa, ngậm ngùi !!
Thời gian tương đối thanh bình này, tôi nhớ nhất những buổi ngày mùa hè, ra bờ hồ, nghe ve sầu kêu inh ỏi trong những buổi trưa, và khi chiều tối, ra bờ hồ ăn kem, uống nước chanh đường, thoải mái vô cùng. Cuối tuần, các anh tôi dắt tôi lên Nghi Tàm, Quảng Bá, Hồ Tây, để bơi lội, hay xuống Cổ Ngư ăn bánh tôm, bò khô.
Hồi đó, các rạp chiếu bóng của Hà Nội chiếu các cuộn phim nổi tiếng như Cuốn Theo Chiều Gió, Samson và Dalila hay vô cùng, phải sắp hàng mới có thể mua được vé. Bộ Phim Người Dơi ra cuốn đầu tiên chiếu ở rạp Olympic. Chúng tôi được ông ngoại của tôi dắt đi xem, mỗi lần mừng và thích như đi xem hội. Cái cảm giác này, tiếc thay, sau này tôi không bao giờ tìm lại được, vì tôi lớn dần với thời gian.
Trong kỳ thi tuyển vào trung học, tôi đậu vào trường Nguyễn Trãi. Trong suốt năm đệ thất, tôi đi bộ dọc theo bờ Hồ, đến trường. Trên đường về nhà sau nỗi buổi học, tôi lê la bên bờ hồ, lấy các búp đa, thổi chơi, hay bắt các con ve sầu, chẳng biết làm gì không biết, vì không thể dùng ve sầu để chọi như người ta chọi dế trong Miền Nam.
Những tưởng sẽ được ở lại Hà Nội nhiều năm nữa để học hành, nào ngờ Điện Biên Phủ và Hiệp Định Genève đã đưa cuộc đời tôi vào một đổi thay không ai có thể lường được. Dòng đời lôi kéo, và kiếp người thật bọt bèo, như cọng rác, như cành hoa, bị lịch sử cuốn đi đến những bờ, những bến vô định. Bởi thế cho nên một đứa trẻ làng Mụa ngày nào hôm nay lại ngồi tại một thành phố có tên là Montréal để ghi lại những kỷ niệm về đời mình, trong một buổi chiều tyết rơi đầy như hôm nay.
Tôi nhớ đến những người bạn đã cùng tôi qua đi một thời thơ ấu tuyệt vời.
Tôi nhớ đến cha mẹ tôi, đều đã qua đời, đến những hy sinh các người đã làm cho đám con, để chúng có thể thành nhân trong một giai đoạn rất khó khăn của đất nước. Anh em chúng tôi, ngày nay phân tán, mỗi đứa một phương trời
Tôi không bao giờ trở về Miền Bắc kể từ 1954. Tôi ghét Việt Cộng, coi bọn nó là bọn bán khai, bọn dã man. Tôi nghĩ mình sẽ không có dịp trở về Nam Định hay Hà Nội nữa. Tuy nhiên anh Nguyễn Ngọc Định, khi còn là Khoa Trưởng trường Đại Học Laval ở Québec, có dip đi công tác và trở về chốn xưa. Anh kể cho tôi nghe là anh có về thăm lại căn nhà số 15 Hàng Hành, nơi mà gia đình anh ở trước khi di cư vào Nam. Anh cho biết : Thấy căn nhà bé tý, hôi hám, chật chội, cũ kỹ mà có đến 5 gia đình chui rúc vào nhau mà ở, thật không tưởng tượng được. Thời điểm mà anh về là cách đây gần 20 năm. Nay mọi việc đổi thay rồi. Một cái nhà ở gần bờ Hồ Hoàn Kiếm như vậy, nay lên tới nhiều triệu (đô la chứ không phải tiền lèo đâu).
Vẫn biết đổi thay là lẽ thường, không có gì là bất biến, nhưng sao nghĩ về dĩ vãng, không thể không có chút bâng khuâng, chút ngậm ngùi. .
Giữa chúng tôi, và mảnh đất 40 năm xa lìa đó, chả biết có còn gì để lưu luyến hay không.
Trần Mộng Lâm
Nguồn: Sáng Tạo
Nguồn: Sáng Tạo
No comments:
Post a Comment