Giỡn mặt chính quyền
Cáp Kim (Ha Jin – 哈金) ra đời ở Liêu Ninh, Trung Quốc. Ông gia nhập Quân đội Giải phóng Nhân dân, vào năm 1969, trong thời Cách mạng Văn hóa. Năm 1981, ông tốt nghiệp Cử nhân ngành tiếng Anh, rồi ba năm sau lấy bằng Thạc sĩ về văn học Anh-Mỹ.
Cáp Kim được học bổng tại đại học Brandeis khi biến cố Thiên An Môn năm 1989 xảy ra. Ông được một số giải thưởng văn chương. Nhiều truyện ngắn của ông in trong các tuyển tập truyện ngắn hay nhất của Mỹ và những tạp chí văn chương đương đại.
Ông hiện đang dạy ở đại học Boston.
Cáp Kim
Sau cùng thì hai tay cà rỡn kể chuyện tiếu lâm bị tóm cổ. Họ chưa biết an ninh đang truy tìm mình nên mò vào thành phố mà không ngờ vực gì. Ngay khi vừa bước vào cửa hàng Kim khí Ðiện máy thì một nhóm công an lao tới, đè nghiến họ xuống nền xi-măng rồi còng tay ra sau lưng. Hai gương mặt lấm lem mạt cưa sững sờ, họ la hoảng, “Bắt nhầm người rồi, các đồng chí công an ơi! Bầy tui có chôm chỉa chi mô!”
“Câm mồm lại!”
“Hự…”
Công an nhét mấy miếng giẻ lau nhặt trong chậu vào miệng họ, rồi lôi xềnh xệch ra chiếc xe tải trắng đang chờ ngoài đường.
Ở đồn công an, cuộc thẩm vấn bắt đầu ngay lập tức. Tuy nhiên, nó diễn ra không được suôn sẻ vì hai anh nông dân cứ chối đây đẩy rằng họ không loan truyền câu chuyện phản động nào cả. Trưởng công an – một tên mặt rỗ chằng rỗ chịt, đeo kính cận — nhắc lại với họ câu chuyện tiếu lâm mà họ đã kể. Mọi người kinh ngạc, khi anh nông dân cao nhòng hỏi tay trưởng công an, “Ðặng Tiểu Bình là ai vậy? Tui chưa từng gặp ổng.” Rồi quay sang anh bạn, “Mày có gặp chả chưa?”
“Ờ, ờ, tao đoán ổng là một ông tướng hay một ông cán bộ cỡ bự.” Anh nông dân lùn đáp.
“Ðừng giả nai nữa!” Trưởng công an nạt, “Ðồng chí Ðặng Tiểu Bình là chủ tịch của đảng ta và đất nước ta.”
“Thật vậy sao?” Anh nông dân cao hỏi, “Ðồng chí nói rằng giờ ổng là số một lận à?”
“Ðúng vậy.”
“Còn Mao Chủ tịch thì sao? Bầy tui chỉ biết Mao Chủ tịch thôi à.”
“Ðồng chí ấy qua đời sáu năm rồi. Bọn mày không biết à?”
“Thật vậy sao?” Anh lùn khóc òa, “Tui đâu biết đồng chí ấy tiêu rồi. Ổng là Hoàng đế của bầy tui – à không, như là một ông cố nội thì đúng hơn. Hình của đồng chí ấy tui vẫn còn treo trên vách ở nhà.”
Bọn công an cố ghìm để khỏi bật cười. Sếp của chúng trầm ngâm suy nghĩ. Trước khi thẩm vấn, gã nghĩ rằng mình sẽ dễ dàng khuất phục hai thằng nhà quê này. Giờ thì rõ ràng chúng là những thằng rất láu cá, chúng đang giả ngu để tránh bị buộc tội. Gã nghĩ hôm nay nên tạm buông chúng ra — giờ cũng đã chiều rồi – rồi gã sẽ tìm ra cách buộc chúng thú tội. Gã ra lệnh cho lính mang nhốt hai thằng vào nhà giam đã.
BẢY TUẦN TRƯỚC, hai anh nông dân bước vào cửa hàng mậu dịch Dương Quang trên đường Hòa Bình. “Cho bầy tui ngó cái đôi dép nhựa kia cái đi?” Ðứng ở quầy hàng, anh cao gõ những ngón tay to bè lên mặt kính.
Ba cô bán hàng đang ngồi ở rìa cánh cửa sổ rộng, trông ra những ánh đèn giao thông trên con đường. Các cô dừng nói chuyện, rồi một cô đứng dậy bước tới. “Số mấy?” Cô hỏi.
“Bốn mươi hai.” Anh cao đáp.
Cô trao anh một đôi. Chỉ vào miếng giấy ghi giá, cô nói, “Năm – năm mươi.”
“Cái gì?” Anh lùn la lớn. “Tháng rồi nó chỉ có năm quan một đôi thôi. Sao giờ lại năm quan năm mươi? Lạm phát mười phần trăm trong một tháng lận à? Thiệt là điên không chứ!”
“Năm quan năm mươi.” Cô gái phát cáu. Cô nhăn mũi lại, cánh mũi có dạng của một múi tỏi to đùng.
“Quá đắt với lão gia rồi.” Anh cao nói, anh đâu chỉ chừng mới trên ba lăm. Anh dằn đôi dép xuống quầy cái thịch.
Khi hai người đi ra, anh cao đập tay xuống sàn nhà và nói lớn với bạn, “Mẹ kiếp, giá món gì cũng lên vùn vụt – mà chủ tịch của mình thì chẳng bao giờ chịu lớn.”
Anh lùn cười khì khì, đía vào, “Ðúng vậy, cái thằng còi ấy chẳng chịu thay đổi chút nào.”
Nghe họ nói, ba cô bán hàng cùng bật cười rúc rích. Hai anh nông dân quay lại, giở hai cái mũ xanh trên đầu ra vẫy và cười với các cô, nụ cười như dấu ngoặc to chảng trên hai gương mặt đen nhẻm.
Chỉ trong một giờ, câu chuyện tiếu lâm xoáy tung không khí cửa hàng: “Giá món gì cũng lên vùn vụt – chỉ chủ tịch Ðặng Tiểu Bình thì chẳng bao giờ chịu lớn.”
Chỉ trong một ngày, hàng ngàn người dân trong thành phố nghe câu chuyện tiếu lâm. Như trò ma quỷ, chẳng mấy chốc nó bắt đầu ám vào mọi văn phòng, cơ xưởng, nhà hàng, rạp hát, nhà tắm, ngách hẻm, làng xóm, nhà ga.
HAI ANH NÔNG DÂN ngủ khò khò trong nhà giam, sung sướng thưởng thức cháo mạch và bí ngô hầm miễn phí, nhưng họ vẫn chưa hình dung ra mình đã phạm trọng tội gì. 9 giờ sáng, ba cô nhân viên cửa hàng mậu dịch đến đồn công an. Một cô được lệnh kể lại mình đã nghe hai anh nông dân nói những gì. Cô chỉ vào gương mặt lẽm của anh cao và cung khai, “Ảnh nói, ‘Giá món gì cũng lên vùn vụt – chỉ chủ tịch Ðặng Tiểu Bình thì chẳng bao giờ chịu lớn.”
“Con mẹ nó!” Anh cao gào lên và vỗ vỗ đầu gối, đôi mắt xếch lóe lên. “Tui chưa từng nghe gì về ổng. Làm sao tui có thể xạo xự văng ra cái tên kỳ cục đó chứ?”
Anh lùn đía vào. “Bầy tui có nhắc nhở gì đồng chí ấy bao giờ đâu. Bầy tui nói là, ‘Chủ tịch của mình thì sẽ chẳng bao giờ thay đổi.’”
“Chính xác là chúng mày đã nói gì?” Tay công an hói đầu, sếp của cả nhóm trinh sát hỏi.
Anh nông dân cao đáp, “‘Giá món gì cũng lên vùn vụt, mà chủ tịch của mình thì chẳng bao giờ chịu lớn.’ Ý tui muốn nói là ông Lư Chủ tịch của bầy tui – ở cái xã của bầy tui.”
Anh nông dân lùn đía vào, “Lư Còi là thằng cha khó chịu thấy mẹ. Ai cũng ghét hắn như ghét cứt. Hắn không chịu trả cho bầy tui nhiều hơn một quan rưỡi cho một ngày công, bởi vì hắn muốn dùng tiền để xây cái hồ nuôi cá trê và cá chép đầu bự. Thứ tôm tép như bầy tui thì hưởng được đéo gì từ cái hồ cá đó chứ? Cứt cá cũng đéo có chứ nói gì cá. Ai cũng biết rốt cục thì cá mú gì cũng chui tuốt vào bụng mấy cha cán bộ. Nếu không tin thì ông đi kiểm tra xem có phải Lư Chủ tịch là một thằng quỷ còi cọc hay không thì biết.” Anh ngoác miệng cười hềnh hệch, chìa hàm răng sâu ra.
Vài người, đàn ông lẫn đàn bà, cười khúc khích, nhưng họ vội nín bặt khi thấy mấy bộ mặt hắc ám của bọn nhân viên điều tra.
Tay sếp an ninh buộc các cô mậu dịch nhớ lại chính xác những lời nguyên thủy trong câu chuyện. Gã hoang mang tột độ khi họ đều nhớ rằng anh nông dân cao đúng là đã nói “mà chủ tịch của mình thì chẳng bao giờ chịu lớn.” Ðúng vậy thiệt, khi họ kể lại các lời nói ấy với người khác thì họ cũng không nhắc nhở gì tới Ðặng Tiểu Bình. Một cách nào đó trong tiến trình phổ biến, thì câu chuyện tiếu lâm đã thay đổi thành cái hình trạng ghê gớm hiện nay của nó. Có thể nào mọi chuyện này đã hình thành từ một sự diễn dịch sai lạc? Có lẽ vậy, mà cũng có lẽ không như vậy.
Bọn điều tra viên lúng túng như gà mắc tóc. Làm sao chúng có thể xác quyết khi nào và ở đâu mà câu chuyện tiếu lâm đã đưa ra sự nhập nhằng nguyên thủy và mang cái ý nghĩa cuối cùng của nó chứ? Ðã chắc gì các vị lãnh đạo của chúng sẽ chấp nhận sự diễn dịch sai lạc là câu giải thích cho chuyện đã xảy ra. Trọng án là sự việc đã rồi. Và làm sao có thể có một trọng án mà không có thủ phạm cơ chứ? Ngay cả khi người ta chẳng bao giờ phát hiện ra sự diễn dịch sai lạc được tính toán rất kỹ này, thì vẫn phải có một kẻ nào đó chịu trách nhiệm cho cái văn bản cuối cùng của câu chuyện tiếu lâm. Thế thì, chúng nên tiến hành cuộc thẩm vấn như thế nào đây?
Tay sếp an ninh lại ra lệnh đưa hai anh nông dân về phòng giam. Rồi gã điều một chiếc xe jeep tới cái xã tìm Lư Chủ tịch mang về đây.
MỌI NGƯỜI ÐỀU CÓ ẤN TƯỢNG với vẻ đẹp trai của Lư Chủ tịch: vầng trán rộng, hàm răng vàng ngà, lông mày xoăn, đôi mắt to được che dưới hàng mi mảnh. Gã có gương mặt đẹp trai và thông minh quá cỡ! Nếu gã không cao chỉ 97 cen-ti-met thì người ta dễ dàng cho rằng gã là một tài tử điện ảnh. Thêm nữa, gã có những tác phong cao đạo, và một giọng nói thanh nhã cho tới nỗi ai cũng cho rằng gã là một kẻ có học. Chẳng lạ gì khi với một thể chất dị dạng như vậy mà gã vẫn cai quản được một cái xã lớn. Vào buổi trưa gã gặp tay sếp an ninh và nói, “Này, Ðồng chí Trưởng ban, ông phải trừng trị hai thằng du côn đó nhé, dạy cho chúng một bài học nhớ đời. Nếu không thì làm sao tôi có thể quản ba mươi mốt ngàn dân được chứ? Ở nông thôn không có vị lãnh đạo nào có thể cam tâm chịu làm trò cười cho chúng chế nhạo.”
“Tôi rất thông cảm với điều đó,” Tay sếp an ninh nói. “Thật ra, tuần rồi ông chủ tịch tỉnh đã gọi cho thành phố chúng tôi hỏi về vụ này. Hẳn Bắc kinh cũng biết chuyện này rồi.”
Vào 2:10 chiều cuộc thẩm vấn bắt đầu lại. Sau vài phút ngồi trong phòng, hai anh nông dân nằng nặc cho rằng họ bị oan và đáng được phóng thích. Họ trình bày rằng cả hai đều xuất thân trong gia đình bần cố nông và luôn yêu Ðảng và quê hương xã hội chủ nghĩa, mặc dù họ chưa nhiệt thành trong việc học tập chính trị và xao lãng những sự kiện hiện hành. Họ hứa với tay sếp rằng họ sẽ bỏ công sức để tự học tập và sẽ không bao giờ gây chuyện phiền nhiễu nữa. Họ hứa, việc đầu tiên mà họ sẽ làm ngay sau khi được thả là đi mua một cái ra-đi-ô hầu có thể theo dõi tin tức.
Tay sếp an ninh xua tay cắt lời họ. “Bọn mày vẫn không chịu nhận trách nhiệm về chuyện phỉ báng Ðặng Chủ tịch hả? Vậy thì làm sao tao có thể thả bọn mày được chứ? Thái độ của bọn mày không đúng chút nào.”
“Trời ơi!” Anh nông dân lùn rên rỉ. “Ðây là chuyện hiểu lầm. Ðồng chí Công an ơi, làm ơn làm phước…”
“Ðiều đó không thích đáng,” tên sếp nói. “Hãy xem xét sự việc như vầy nghen. Giả dụ rằng có một câu trong một cuốn sách có thể được đọc bằng nhiều cách khác nhau, và từ nó mà có kẻ chế nó thành tư tưởng phản động. Vậy thì, ai là người sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc đọc đó – người viết sách hay người đọc sách?”
“Ừmmmm… chắc là người viết sách quá,” Anh cao nói.
“Chính xác. Mọi chứng cứ đều chỉ ra rằng hai thằng mày đồng tác giả cái chuyện phỉ báng, vậy thì tụi mày phải chịu tội cho tất cả mọi hậu quả.”
“Vậy có nghĩa là ông không thả cho bầy tui về nhà hả?” Anh lùn hỏi.
“Ðúng vậy.”
“Ông bỏ tù bầy tui bao lâu chứ?”
“Chuyện này còn tùy – có thể một tháng, có thể suốt đời.”
“Cái gì?” Anh cao la lên. “Tui chưa lợp cái mái nhà cho mùa đông sắp tới mà. Mấy đứa con của tui sẽ chết cóng nếu ông bắt bỏ tù tui…”
“Chú mày vẫn không chịu hiểu gì ráo!” Lư Chủ tịch gầm lên và đập bàn tay nung núc thịt xuống mặt bàn. “Cả hai đứa tụi mày nên lấy làm may mắn là tụi mày vẫn còn sống. Có bao nhiêu đứa đã bị tử hình vì chúng loan truyền tin đồn phản cách mạng rồi? Hãy ngồi tù ở đây mà ăn năn hối cải để thành con người mới. Tao sẽ báo cho gia đình tụi mày biết chỗ nào để gởi áo quần lót, nếu tụi mày có cái nào.”
Mọi người kinh ngạc quay nhìn gã đàn ông bé choắt đang đứng trên cái ghế bọc da. Không giày, hai bàn chân to bè trong đôi vớ len màu tím.
Tay sếp an ninh ra lệnh cho lính gác, “Giải chúng tới trại giam thành phố và nhốt chung với bọn chính trị phạm.” Gã tháo kính xuống, nhếch mép cười rồi chùi tròng kính lên tay áo. Thật vậy, gã không thể thông qua một bản án dứt điểm cho hai gã cà rỡn khoái kể chuyện tiếu lâm này, bởi vì chiều dài của án tù còn tùy thuộc vào thời gian bao lâu chính quyền tỉnh còn quan tâm tới vụ này.
“Lư Chủ tịch ơi, làm ơn làm phước xin tha cho em út giùm đi,” Anh cao nài xin.
Lư Chủ tịch nói, “Ðáng đời mày. Ðể xem tụi mày còn dám chế bậy chế bạ nữa không cho biết.”
“Tao chế cho tổ tiên loắt choắt nhà mày, thằng quỷ Lư còi kia!” Anh nông dân lùn gào lên, giậm chân thình thịch xuống sàn nhà. Bốn tay công an bước tới, chụp tay hai phạm nhân rồi lôi họ đi.
CK
Thận Nhiên dịch từ nguyên tác “A bad joke” trong New Sudden Fiction của nxb W.W NORTON & COMPANY.
Nguồn: baotreonline.com
No comments:
Post a Comment