Wednesday, January 2, 2019
HẸN MÙA LÚA CHÍN
Huyền Châu
Tôi đọc xong tờ báo, lòng vui phơi phới kêu Sử:
-Sử ơi! Em có rảnh không? Làm ơn đưa chị vô Chợ Lớn được không?
Sử, cậu học sinh ăn cơm tháng nhà tôi từ một năm nay, đang đọc sách nghe tôi kêu, hỏi:
- Đi Chợ Lớn mua gì vậy chị Hai?
- Chị đâu có mua thứ gì đâu cưng, chị đi xin việc làm. Thấy họ đăng báo cần hai mươi cô tiếp rượu cho vũ trường "Đại Thế Giới", sẵn lúc này kẹt quá, hơn nữa làm về đêm rất tiện, chị định vô đó hỏi, nếu điều kiện dễ dàng chị xin làm kiếm tiền trả tiền nhà.
Chiếc xe đạp quá cũ lại bị dây sên lỏng, chạy một chút là tuột phải dừng lại sửa. Sài Gòn Chợ Lớn chỉ có sáu cây số, mà bị sợi dây sên ác ôn, mãi đến hơn hai tiếng đồng hồ mới đến.
Vừa tới bước vào căn phòng ngồi chờ ông cai đến. Căn phòng trang hoàng sang trọng, một bộ salon đắt tiền, một bàn bureau và một cái tủ lớn có nhiều ngăn, mấy cô lại đó để cái sắc tay, họ phục sức sang trọng, nụ cười trên môi tươi như hoa, đeo kim cương óng ánh, son phấn nước hoa phảng phất thơm ngào ngạt.
Ông cai vừa đến, người bồi nói cho tôi:
- Kìa "tài ban" đến kìa.
Tôi cũng chẳng biết hỏi sao thì ông hỏi tôi:
- Cô bao nhiêu tuổi?
- Thưa hai mươi ba.
- Cô biết nói được tiếng Anh, Pháp, Tàu không?
- Dạ thưa ba thứ tiếng đó tôi nói được chớ không hay lắm.
- Được, tốt lắm.
Ông nhìn tôi hồi lâu rồi bảo:
- Đêm mai thứ bảy cô mặc áo cho đẹp nhé, và trang điểm cho đậm, tóc chải giống như mấy cô kia nghe.
- Thưa ông lương mỗi tháng cho bao nhiêu?
Ông gấp đi nhưng cũng rán trả lời nhanh:
- Không có lương tháng, chỉ chia sáu tư thôi.
Tôi bước ra khỏi căn phòng, nhìn đám người bước vào cửa, mặt nào cũng vui cười, những chiếc xe hơi bóng loáng, họ đi từng cặp, khi bước xuống xe có người mở cửa. Rồi nhìn mình quá quê mùa với chiếc áo bà ba màu lam, quần đen bạc màu.
Sử đứng chờ tôi bên cạnh cây bông sứ gần đó, kêu tôi:
- Chị Hai lại đây em chờ chị ở đây, người ta có nhận cho chị làm không hở chị?
Tôi cười mừng vui:
- Họ nhận chị làm bắt đầu đêm mai. Nhưng họ không có trả lương tháng mà chia 6-4 là sao không biết nữa.
Sử mừng, lẹ làng giải thích:
- Vậy dễ hơn chớ chị. Chắc là tiền buộc boa nhiều, mình ráng bưng rượu chạy lẹ, khách vui lòng thì tiền chia nhiều, mình được sáu, còn chạy chậm thì lấy phần tư.
- Chị hơi thắc mắc, tiếp rượu chạy bàn sao ông cai kêu chị mặc áo dài, phấn son, chải tóc cho đẹp giống như các chị vũ nữ trong đó.
- Ừa! Thì có sao, nơi sang trọng phải diện cho đúng, các chị kia sao mình vậy.
- Chị đồng ý em điểm đó, ngặt chị có ba cái áo dài đã cũ, có cái lại phải màu, nếu họ bắt mặc thay đổi mỗi đêm lấy áo đâu mà mặc.
Sử làm tàng đề nghị rằng:
- Dễ mà chị, chị mặc hết ba cái áo đó, rồi hôm sau chị mua thuốc nhuộm, nhuộm hết ba cái ba màu, thành được nhiều áo, chừng lãnh tiền chia, có khá, chị mua hàng may thêm mấy cái nữa.
- Còn nỗi đi làm về khuya, xe đâu về? Đã có tiền đâu mà thuê xe xích lô tháng? Xa sáu cây số, mắc tiền lắm chớ ít sao em.
- Lo gì chị Hai! Chị Hai cho em tiền em mua sợi sên mới, em ráp vô chở chị chạy ngon lành, đưa vô rước về mỗi đêm, chờ có tiền tính sau.
Tôi cảm động lòng tốt chơn thành của Sử. Sử họ Nguyễn, tên Sử, người tỉnh Tân Hương, ở cùng người chị, lên ở nhà tôi ăn cơm tháng. Mấy tháng nay Sử đã xin được việc làm, hãng cao su trên đường Mạc Má Hồng. Ba của tôi thương Sử như con, vì tánh tình hiền, rất hiếu thảo.
Vũ trường Đại Thế Giới, từ đại lộ Đồng Khánh thẳng vào, chiếm một khoảng đất to mấy ngàn thước vuông, chung quanh xây tường, bên trong rộng lớn với ban nhạc Santos, "Phi Luật Tân". Mười người thường trực mặc áo đỏ quần đen. Khách sành điệu đủ các giới các hạng đến chơi rất thích ban nhạc này. Không có ban nhạc nào sánh kịp.
Lại thêm sàn nhảy rộng, như lò so, khi nhảy nhún lên nhún xuống nhẹ nhàng, ván được chùi bóng loáng. Phụ thêm bên mé ngoài có một sàn nhảy ngoài trời, chung quanh cây lá treo đủ đèn màu chớp tắt mờ ảo. Nhứt là những đêm có trăng gió mát, đèn chớp khi mờ khi tỏ, làm cho khách sành điệu họ cặp nhau lả lướt trên sàn nhảy bản sì lô mùi tận mạng.
Hàng ghế dài mé bên trong gần hai mươi ghế. Tài bán đưa tôi lại ngồi gần mấy chị. Nhìn mấy chị mặc áo sang trọng, mặt mày phấn son văn minh quá. Nhìn lại tôi quá quê mùa, ăn mặc nghèo nàn, quần trắng đã phai màu mặc cao lòi mắt cá, đôi giày cũ mèm đầu chải chẳng giống ai.
Khi các chị cặp nhau ra sàn nhảy biểu diễn lả lướt dịu dàng, tôi nhìn họ thấy mà mê. Rồi lần lượt tài bán đưa các chị lại ngồi bàn với khách.
Tôi bắt đầu hồi hộp, tim đập mạnh, nói một mình: "Chết mồ, cái điệu này là làm vũ nữ, chớ tiếp rượu gì đâu mà chẳng thấy kêu bưng rượu".
Một chập lâu tài bán đưa tôi lại bàn có bốn ông khách Việt, ba ông chừng lối trên ba mươi tuổi, một ông trẻ hơn. Tôi lại ngồi bên cạnh ông trẻ. Tôi ngồi xuống ghế miễn cưỡng lo sợ lung tung. Bồi hỏi:
- Cô uống gì?
Tôi lắc đầu, thấy trên bàn mấy chị mỗi người một chai. Tôi sợ uống rủi mắc quá tiền đâu trả.
Thanh niên trẻ kêu:
- Bồi, đem cho cô một chai nước ngọt.
Chiếc đèn tròn to đủ màu được treo trên cao, ngay sàn nhảy, quay đủ màu mờ ảo làm cho tôi không quen muốn chóng mặt.
Người thanh niên trẻ có gương mặt phúc hậu, vừng trán vuông cao và rộng, mặt trái soan, tướng người cao ráo, nói năng vui vẻ dịu dàng. Người gợi chuyện:
- Cô tên chi? Mới vô làm hôm nay?
- Dạ tôi tên Sương, mới bắt đầu bữa nay.
- Lúc trước cô có đi làm ở vũ trường nào không?
- Dạ từ trước tới giờ tôi chưa hề đi làm ở vũ trường nào hết.
Ông nhìn tôi cười:
- Như vậy chắc là cô chỉ đi nhảy chơi với bè bạn, chứ chưa từng làm vũ nữ chớ gì?
- Dạ đâu có đi chơi với bạn bè nào đâu, mà cũng đâu có biết nhảy nhót gì ráo.
Ông ngạc nhiên:
- Ủa, không biết nhảy sao cô lại xin vô đây làm vũ nữ? Khi nãy tôi nhìn thấy cô biết cô là đào mới. Tài bán cũng giới thiệu cô cho tôi. Ở đây họ lựa đào kỹ lắm, ở đây từ rượu uống cho đến tích kê cũng cao giá hơn mọi nơi. Vì vũ nữ ở đây phải đẹp, phải biết nhiều thứ tiếng, biết xã giao với khách hàng vui vẻ lễ độ, phải nhảy giỏi. Mà sao lúc tài bán nhận cô làm không nói cho cô biết?
Tôi nói tỉnh queo:
- Dạ tôi đâu có biết. Tôi đọc nhựt trình thấy ở đây cần hai mươi cô tiếp rượu, biết được ba thứ tiếng Anh, Pháp, Tàu. Tôi tưởng là vô đây chỉ bưng rượu cho khách hay làm bồi, nếu biết làm vũ nữ tôi đâu có dám vô. Khi vào xin việc, ông ta nhìn tôi, rồi kêu mai cô vô làm mặc đồ cho đẹp, chỉ có vậy thôi.
Ông khách sợ tôi thẹn, ông thân mật nói thêm:
- À có lẽ hồi đó cô chỉ đi nhảy với người nhà ở mấy cái hội hè sinh nhựt vậy thôi. Tôi nghĩ như vậy. Tôi nhìn cô, thấy cô văn minh tân thời lắm mà.
- Dạ thưa ông có, cách đây bốn năm, khi mười chín tuổi, tôi theo chồng tôi ra Hải Phòng mấy tháng, thỉnh thoảng ảnh có đưa tôi đi vũ trường dạy tôi nhảy đủ bản hết chớ, từ đó tới nay bỏ lâu quên ráo trọi.
- À! Vậy là cô cũng từng ra sàn nhảy rồi. Bỏ lâu bây giờ dượt lại mấy hồi. Lát nữa tôi đưa cô nhảy, nếu cô quên tôi sẽ chỉ thêm cho cô, cô hai mươi ba tuổi, còn trẻ mau hiểu lắm.
- Ủa sao ông biết tôi hai mươi ba tuổi?
- Thì cô nói năm mười chín tuổi cô biết nhảy, cách bốn năm cô bỏ lâu quên ráo, cộng chung là hai mươi ba tuổi.
- Ừa hén, ông để ý nhớ hay, còn ông bao nhiêu tuổi?
- Đâu cô nhắm đoán coi tôi bao nhiêu tuổi.
Nhìn ngắm ông ta hồi lâu:
- Tuổi ông chừng ba mươi.
- Tuổi tôi bằng tuổi cô đó, đừng xưng hô bằng ông nghe già lắm, kêu anh được rồi.
- Chèn ơi! Anh bằng tuổi tôi? Sao mà trông anh già khú hè, mà sao anh khôn quá vậy? Nghe lời lẽ anh nói, tôi biết anh thông minh, biết thương người nghèo lắm, lại thông cảm cho người quê mùa như tôi. Anh vui quá, nói chuyện có duyên quá chừng chừng.
Anh ta cười hắc hắc.
- Cô chất phác lắm, cô nói chuyện quá thật thà.
Nhạc bắt đầu bản sì lô sau khi dứt bản valse, đèn màu mờ mờ chiếu, trên sàn nhảy nhiều cặp ghì nhau đi chậm bước. Lần đầu tiên tôi ở trong vòng tay người đàn ông xa lạ, tim tôi không nhảy mạnh, tinh thần tôi bay tận đâu đâu. Ai đời bản mùi đi chậm mà tôi kéo anh ta chạy có cờ, chơn đụng lụp cụp. Anh ấy ghì tôi lại, anh cười gần muốn tắt thở luôn, tôi đứng lại.
- Cô chờ kép đưa, cô từ từ theo, cô là đào mà cô kéo kép chạy như bay, chạy theo cô hết thở, thân hình cô lại cong như mặt trăng lưỡi liềm...
Tôi thở hổn hển, mồ hôi tháo ra như tắm.
- Xin lỗi anh, mới lần đầu tôi quýnh quá! Anh lại ôm sát, tôi nhột quá, ngộp thở. Bây giờ tôi tỉnh rồi, bắt đầu nhảy lại, anh đừng giận tôi tội nghiệp.
Sau bản sì lô, tiếp theo các điệu khác trong chương trình theo tua, nhờ anh ta nhảy giỏi đưa hay, tôi rán theo được, anh ta khen:
- Hay lắm rồi, cô rán trong vòng hai tuần là cô nhảy giỏi, người cho nhẹ, cần điểm đó.
Tài bán lại khều tôi nói nhỏ:
- Có người khách Nhựt cần một cô biết tiếng Anh.
Anh ta kêu tài bán:
- Không sang bàn nào cả. Tôi bao tích kê cho cô ta trọn buổi này.
Tài bán dạ dạ rồi đi.
Tôi hỏi:
- Sao anh lại bao tích kê chi vậy.
- Cô chưa hiểu, nơi đây chúng tôi là khách đến chơi hằng đêm, biết cách xài đẹp. Theo đúng luật là phải để cho các cô sang bàn, mới có nhiều tích kê. Theo giá là mỗi giờ một tích kê, nhưng đâu có ai ngồi đúng một giờ. Các cô mánh lới lắm, ngồi nhảy chừng hai bận là nở nụ cười xã giao, "xin cho em sang bàn, một chút xíu em trở lại". Làm như vậy một đêm sang mấy bàn, tuỳ theo cô nào có quen khách nhiều, có khi gặp khách tử tế biết điệu, nhảy vài bản cũng trả hai ba ticket. Riêng cô mới đến làm còn chập chững, lại vui tánh, tôi muốn lưu cô lại ngồi lâu, tôi bao trả nhiều tỉch kê cho tài bán, hắn mừng lắm.
Khi mãn giờ trước khi ra về, tài bán đưa cho tôi sáu ticket, chưa biết tôi hỏi:
- Thưa ông bao nhiêu tiền đây?
- Thì họ bao bàn trả luôn sáu cái, là chín mươi bạc, cô sáu chủ bốn.
Trên đường về tôi khoe với em Sử:
- Em ơi! Hôm nay mới biết rõ là làm vũ nữ, cũng vui mà cũng buồn cười. May mà mấy năm trước khi đi theo anh Hai ra Hải Phòng mấy tháng, anh đưa chị đi vũ trường dạy chị mấy điệu, sau này bỏ lâu quên. Mà cũng may gặp ông khách tuy còn trẻ, ông ta ra đời sau, ông ta kinh nghiệm xã giao vui tính, đã chẳng chê lại còn dạy thêm và khuyến khích.
Sử tỏ vẻ vui mừng:
- May mắn cho chị nhờ ông tổ thương, đêm khai trương mà may mắn là vui quá cở, chị rán làm tạm một thời gian, khi anh Hai về lại, anh đâu có cho chị đi làm nữa đâu.
- Em nhớ đừng nói với ba má chị đi làm vũ nữ, nói chị làm bồi! Ông bà xưa còn phong kiến. Em chưa thấy các chị, chị nào chị nấy sửa soạn đẹp lắm. Tuổi từ ba mươi sấp lên, sang trọng, kim cương vòng vàng đeo chớp chớp sáng ngời, chị nhìn cũng phải mê nói chi khách đàn ông thường đêm đêm đến nghe nhạc. Họ nói rành các thứ tiếng, họ có học thức, có gia đình mà vẫn đi làm, đó là vì nghề nghiệp.
Một tháng nay tôi nhờ các chị lớn thương mình, dạy tôi lối xã giao nghề nghiệp, dạy tôi nhảy, dạy tôi cách trang sức, nhờ vậy mà tôi bớt quê. Đêm nào ông khách trẻ cũng đến chung với ba ông lớn tuổi, ông hỏi tôi "cô đi làm bằng xe gì". Tôi thật thà:
- Dạ mỗi bữa nhờ cậu em ở lối xóm đưa rước bằng xe đạp.
Ông khách cười hiền thân mật:
- Tôi đề nghị với cô nên mướn xe xích lô tháng, không mắc lắm đâu, họ đến rước, và lúc về họ đưa về, tiện hơn đi xe đạp, gặp lúc trời mưa gió thì làm sao? Tôi sẽ giới thiệu cho cô anh xe xích lô này quen, tử tế lắm, nếu cô đồng ý.
Đến tháng tôi hỏi chú xích lô bao nhiêu tiền mà từ ngày bắt đầu đi đến nay, tôi hỏi nhiều lần mà ông ta không nói. Chú cho tôi biết là bao nhiêu? Đã đúng tháng rồi.
Chú xích lô cười:
- Tiền cậu Hai trả từ lâu.
Tôi ngạc nhiên với cử chỉ im lặng của ông khách trẻ tôi quen từ hai tháng nay. Tôi hỏi:
- Chú ơi! Ông đó tử tế quá làm tôi ái ngại, ông ta quê ở đâu? làm việc gì? mà đêm nào cũng có mặt trong vũ trường.
Chú xích lô ngần ngại rồi nói nhỏ:
- Cậu Hai tên là P.V.C. quê tỉnh Vĩnh Long, đạo Hoà Hảo, có mẹ già và hai em trai. Làm việc gì tôi không biết, mà hiện nay bà cụ má của cậu nhà ở gần nhà thờ Chợ Quán, vợ tôi nấu bếp cho bà. Nghe nói cậu Hai đi làm luôn, ít khi có ở nhà, nghề gì không biết mà nghe nói khá lắm.
Một buổi trưa rằm ba má tôi đi chùa Bửu Đà trên Hoà Hưng. Tôi kể Sử nghe tâm sự giữa ông khách trẻ và tôi từ bốn tháng nay, luôn tiện Sử có ý kiến gì hay nói mình nghe thêm.
Sử ngẫm nghĩ.
- Em tuy nhỏ hơn chị một tuổi, em chưa được va chạm với tình cảm. Nhưng nếu em là ông đó đã yêu chị từ ngày đầu. Với cử chỉ mộc mạc của chị làm cho ông ta càng ngày càng mến sâu xa, chưa hề mở lời bộc lộ tình ông đã yêu chị, em phục ông ta quá! Nếu em là chị, dầu cho em có khó khăn dè dặt cách mấy, cũng sẽ có ngày... Nhưng vì hoàn cảnh ai muốn mà được đâu. Tiếc là ít ngày nữa em về Tân Hương chưa biết bao giờ lên, em sẽ chờ coi kết quả giữa chị với ông ta đi đến đâu.
Sáu tháng làm ở vũ trường, người thanh niên mà chú xích lô kêu là cậu Hai đã giúp cho tôi nhiều lắm. Từ sự nâng đỡ lo lắng chơn thành cho gia đình tôi, hằng đêm đưa tôi về, tình cảm đó đã gieo vào lòng tôi. Tôi đã phản bội với chồng tôi lúc xa nhà, tôi đã giao tình cảm trọn vẹn trong vòng tay anh ấy.
Một buổi chiều buồn khi sắp sửa đi làm thì người bị sốt, chóng mặt, linh tính báo cho tôi biết có điềm gì sẽ xảy ra. Tiếng gõ cửa nhẹ tưởng là anh ấy lại rước đi. Khi cửa vừa mở hé, tôi run người, mừng mừng tủi tủi không ngờ, đứng trước mặt tôi là anh L.B.L. chồng tôi mới về.
Chúng tôi mừng rỡ. Anh ôm tôi vào lòng anh, cười âu yếm bảo rằng:
- Thôi từ nay em không còn vất vả nữa. Anh về đã hai tuần nay, anh phải chờ làm giấy tờ xong và đòi lại nhà cửa. Có một căn phố lầu ba từng trên đường La Grandière Nhựt trả lại, anh dành cho em và ba má, mé dưới làm nhà hàng nấu cơm tháng, trên từng ba thì mình ở. Anh sẽ đưa hai đứa nhỏ ra ở với em, cho tụi nó đi học trường Tabert cho gần.
Tôi cúi xuống không dám nhìn chồng khi anh đã về quá đột ngột. Tôi rất thẹn, xấu hổ, nhưng hoàn cảnh đã xảy ra làm sao... Có tiếng chân người đứng ngoài cửa sổ nhìn vô trong lúc vợ chồng tôi vui mừng khi gặp lại.
Vừa dọn nhà về phố mới có ba hôm tôi ngã bịnh nặng. Cả nhà đem tôi vô bệnh viện Đồn Đất. Tôi mê man, khi tỉnh lại, mở mắt thấy chồng đang ngồi cạnh tôi. Anh hỏi:
- Em khỏe chưa?
- Em đã đỡ nhiều rồi. Bác sĩ nói em bị bệnh gì? Chừng nào em về nhà được?
Anh vuốt tóc tôi âu yếm, cười hiền:
- Ngày mai em về nhà được, bác sĩ nói bịnh em không quan trọng, em bị sảy thai.
Trời ơi! Người tôi run lên như phát rét, xấu hổ nhục nhã không dám ngước lên nhìn mặt chồng, chỉ biết ngồi hai tay ôm mặt khóc.
Anh hiểu ý tôi, an ủi:
- Em đừng khóc nữa, đừng thắc mắc gì, anh không buồn không trách em đâu, vì lỗi ở nơi anh. Anh không tròn bổn phận lo cho em, ra đi bỏ em lại một mình, hai tay trắng nuôi cha mẹ già trong lúc thời kỳ bom đạn... lại thêm gia đình vợ anh đối với em vô nhân đạo, phải để cho em vất vả đi làm... Thôi chuyện qua cứ để nó qua đi, anh hứa không bao giờ nhắc đến chuyện này.
Sáng nay Liên thức sớm, xách nước ra trước sân nhà tưới bông, cây bông giấy hôm nay bông héo lá vàng úa, cành khô. Liên vừa tỉa lá vàng, miệng lảm nhảm nói một mình:
- Chèn ơi! Cây bông giấy này trồng mấy năm nay bông đầy, lá xanh xum xuê, màu hoa tím hồng leo bò chằng chịt, rẽ ra có tán rộng như mái nhà, ai đi ngang qua đây đều khen, mới có tháng nay giải phóng vô, không biết sao nó héo khô như củi mục vậy hè...
Tôi ngồi trong xó cửa cách xa Liên chừng hai thước, đôi tay đang cầm hai cây que đan áo, nói đùa vừa cười:
- Người như mình đây còn tàn úa, sắp gục ngã, đừng nói chi là cây.
Tiếng máy xe Honda thắng ngừng lại trước đường cho một người đàn ông đứng tuổi bước xuống. Người khách lạ bước thẳng đến trước mặt Liên, đứng bên ngoài cửa ngỏ song sắt hỏi:
- Thưa bà cho tôi hỏi thăm ở dãy phố này có vợ chồng ông Cò Mi Linh còn ở đây không?
Liên ngẫm nghĩ trả lời:
- Thưa ông tôi ở đây lâu lắm, mà sao tên ông đó tôi chưa từng nghe nói tới.
Người khách lạ nói thêm giọng quả quyết:
- Ông Cò Mi đó có bà vợ còn trẻ, lúc thời kỳ Nhựt bà ta đi làm vũ nữ trong Đại Thế Giới, bà ta cùng quê với vợ tôi ở Vĩnh Long.
Liên ngạc nhiên nhướng đôi mày suy nghĩ:
- À vậy chắc là dãy phố đàng kia rồi, chứ không phải ở dãy phố này.
Người khách hơi thất vọng:
- Không tôi nhớ rõ lắm, dãy này đây vì gần ba mươi năm qua khi tôi ra đi thì dãy phố này cất vừa xong, còn dãy kia chỉ là xóm nhà lá lụp xụp với đám cây cối um tùm. Mỗi khi tôi đưa bà ta về, bà chỉ ngay vào căn phố bìa này nói là nhà của cô bạn đồng hương.
Liên quay vô trong cửa đưa mắt nhìn tôi. Tôi cúi xuống, Liên vui vẻ quay sang qua chuyện khác.
- Thưa ông là cán bộ đi tập kết mới về? Rất tiếc tôi không biết ở đâu để chỉ giùm ông.
Ông buồn buồn chào Liên quay lưng đi. Liên cũng xách thùng nước ra sau nhà. Hắn nhìn tôi cười cười. Tôi giựt mình quay đầu nhìn ra sau lưng ông khách, với tướng cao ráo dáng đi gầy gầy đúng là người... Vô tình ông ta quay lưng lại, bắt gặp lúc tôi đang nhìn lén ông.
Ông bước nhanh trở lại cửa ngõ, đưa tay vô song sắt ngoắt tôi:
- Bà ơi! Có lẽ bà biết chỉ giùm cho tôi, nhìn bà tôi thấy quen lắm.
Tôi hoảng hồn lắc đầu lia lịa, ông càng kêu to, Liên từ nhà sau chạy ra hỏi:
- Chuyện gì nữa đó ông?
Ông ta chỉ tôi nói với Liên ra vẻ mừng:
- Nè bà nói dùm với bà ngồi đan áo, tôi nhìn bà quen quen, sao hỏi bà lắc đầu lia lịa vậy.
Liên nhìn tôi hiểu ý.
- Ông ơi chị ấy nhức răng.
Người khách thật thà hỏi thêm:
- Nhức răng nặng lắm sao, đến nỗi mở miệng không được hả bà?
Liên nhận thấy sự yên lặng của tôi tự nãy giờ, nàng bịa thêm:
- Xin lỗi ông, chị ấy đang ngậm thuốc, bác sĩ kêu ngậm đừng có hả miệng.
Tôi muốn bật cười mà cố rán làm thinh, cúi đầu không nhìn lên.
Ông ta trước khi sắp quay lưng bảo rằng:
- Xin lỗi tôi đã làm rộn bà. Bà nói lại với bà đó dùm, miễn biết được bà ấy chỉ nhức răng thôi là tôi mừng. Hơn tháng nay về lại tôi đi tìm mãi, sợ bà ấy thời gian xa cách có mạng hệ nào... Nhưng hôm nay, tuy là tôi thất vọng mà vẫn vui, vì không hoài công đi tìm nữa.
Sáng hôm sau hai mẹ con tôi chào gia đình Liên để cảm ơn đặng dọn nhà ở nơi khác. Đã một tháng nay tôi ăn nhờ ở đậu, thân đau yếu. Liên rất tử tế với mẹ con tôi, ngoài tình đồng hương còn là bạn học chơi với nhau từ thuở bé. Tôi không quên dặn Liên kỹ lưỡng:
- Lúc nào em có thấy ông đó lại hỏi, em nói dùm chị đã đi ra nước ngoài rồi.
Liên thắc mắc và khuyên tôi:
- Trong lúc hoàn cảnh bị đát của chị, thêm đau yếu, sao chị không nhận để cho anh ấy giúp đỡ chị phần nào, dù sao cũng tình xưa nghĩa cũ, chị phủ nhận, giả vờ như kẻ xa lạ. Đã ba mươi năm, anh trở về còn sức khỏe vậy, chắc cũng có tên tuổi lắm, về là đi tìm chị liền.
- Liên ơi! Mình không thể giải thích vì sao cho bạn nghe, chuyện qua cứ xem như không có gì, chỉ là cơn gió thoảng, hai con đường hai lối đi.
Hai năm sau trong hãng máy bay Air France trên đường Tự Do tôi bước ra, một buổi chiều trời đẹp, lòng tôi vui như mở hội, nay được có chuyến bay, hai hôm nữa phải ra đi... Buồn nhớ quê hương nhưng mừng là sẽ không vất vả thiếu hụt mọi phương diện.
Có tiếng sau lưng kêu nhỏ:
- Bà ơi chờ tôi với!
Tôi quay lưng lại, đứng chờ. Người đàn ông kêu tôi bước tới trước mặt tôi cười hiền:
- Em lấy vé máy bay sang Pháp hay nước nào?
Tôi làm thinh, lắc đầu.
Ông ta níu tay tôi siết mạnh:
- Lại lắc đầu nữa. Hai năm qua nói nhức răng ngậm thuốc, không há miệng, bác sĩ dặn vậy. Rồi hôm nay giờ phút ngắn ngủi này lại cũng lắc đầu, trả lời đi em, nói vài lời thôi.
Tôi xúc động thương anh, anh đâu có lỗi gì với tôi đâu, tôi cười:
- Anh ơi! Gần ba mươi năm tụi mình không nghe nói, giờ này có gì đâu nữa mà nói, khi tôi đã ra đi.
Anh ấy càng siết mạnh tay tôi, buồn buồn hỏi:
- Ông xã em đâu?
- Ảnh qua đời rồi.
- Em đi nước ngoài với ai?
- Đi với em gái.
- Nếu "đứa bé" kia còn chắc em không đi.
- Đứa bé kia còn, bé ấy chắc du học nước ngoài từ lâu.
- Chừng nào em đi?
- Hai hôm nữa.
- Chắc anh không tiễn em ra phi trường được.
- Cám ơn anh. Tôi cũng mong như vậy.
- Em đi viết thơ về cho anh. Anh sẽ nhờ địa chỉ một người bạn.
- Đừng anh. Tôi sẽ nhớ anh mãi trong tâm tôi đủ rồi. Còn mang tên anh theo, chưa phải lúc này.
- Chừng nào mới gặp lại em?
- Chưa hẹn được, trái đất vẫn xoay tròn.
- Em năm nay bao nhiêu tuổi?
- Anh quên rồi sao? Anh thử đếm tuổi anh thì ra tuổi tôi.
- À quên, tụi mình cùng một tuổi. "Thật tôi không ngờ, thời gian đã dạy cho con người thay đổi quá nhiều, lúc xưa là một thiếu phụ trẻ đẹp, quê mùa dịu hiền chất phác, gặp một thằng con trai mới ra trường, trong vũ trường rồi biết yêu... Sau ba mươi năm gặp lại, trước mặt tôi là một quả phụ phong trần kiêu hãnh, hững hờ, đủ can đảm đối thoại với tôi những câu ngắn ngủi nhẹ nhàng mà chua xót sâu xa..." Em không sợ tôi sẽ làm trở ngại chuyến đi của em sao?
Tôi sực nhớ lại điều đó, cũng dám có thể lắm, nhưng bình tĩnh gượng cười:
- Làm gì có chuyện đó. Tôi tin rằng không bao giờ anh thèm giở trò trẻ con đối với tôi đâu, có ích lợi gì cho anh? Chỉ gây thêm ác cảm cho nhau thôi, tình của tụi mình dầu có ngăn cách, vẫn tốt đẹp trong tâm tư của tôi mãi mãi như ngày nào. Chúng ta có lỗi gì đâu, chỉ hoàn cảnh hai con đường hai lối đi, hai chí hướng, mong rằng vẫn sống mãi trong lòng anh, rồi biết đâu một ngày còn gặp lại...
Anh ấy cười gằn buồn:
- Em trả lời nhẹ nhàng êm ả mà ý nghĩa vô cùng mỉa mai. Thôi anh vĩnh biệt em từ đây, chúc em lên đường bình an.
- Sao anh lại chào buồn vậy? Nên nói là tạm biệt nghe anh. Riêng tôi mong rằng về tuổi đời tóc bạc răng long, còn sức khỏe, thì thời gian cũng sẽ đến có một ngày gặp lại nhau trên quê hương thân yêu. Không có gì tồn tại lâu dài, chỉ có tình người, tình quê cha đất tổ, nơi đã chào đời, dưới mái nhà xưa, những cánh đồng bát ngát xanh tươi, ruộng lúa phì nhiêu cò bay thẳng cánh, quê hương đó làm sao quên được. Tôi sẽ có dịp về thăm lại người thân. Lúc ấy tôi sẽ đi tìm anh, như anh đã về tìm tôi vậy...
Tôi băng qua đường quẹo về phía chợ, nhìn lại sau lưng anh vẫn còn đứng thẫn thờ.
Một chiều đầu hạ nắng ấm trên quê hương vẫn sống mãi những kỷ niệm trong lòng tôi.
Huyền Châu
------
Nguồn: VĂN, Số 75, tháng 9-1988
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment