Monday, December 24, 2018
BỐN MƯƠI NĂM TRƯỚC
Nguyễn Đình Hoà
Lời giới thiệu:
"Giáo sư Nguyễn Đình Hoà, một nhân vật tên tuổi của ngành giáo dục và một tiếng nói có thẩm quyền lớn về ngôn ngữ học, là một thân hữu của Văn từ mấy chục năm về trước ở quê nhà. Nhưng bản văn dưới đây là bài viết đầu tiên ông gửi cho tạp chí. Một đoạn hồi ký trích trong Hồi Ký Học Trò Của Người Đình Hoà Họ Nguyễn. Viết được hồi ký hay trước hết phải có một trí nhớ tốt. Điểm này trí nhớ Nguyễn Đình Hoà tuyệt hảo. Nhờ vậy mà hồi ký Nguyễn Đình Hoà đã làm sống lại, trên từng chi tiết, cả một thời điểm quá khứ. Và làm xúc động những người cùng một lứa tuổi, cùng sống với tác giả thời điểm ấy, trong số có người bạn thân của tác giả là tôi."
Mai Thảo
Một buổi sáng thượng tuần tháng giêng năm 1948. Giáo sư John.F.Embree, dáng người cao, đeo kính trắng áo sơ mi vàng, chiếc quần màu xám, đôi giày nâu kiểu bướm, từ trên gác đi xuống. Tôi chào ông và đưa ông coi bản báo cáo mà chiều hôm trước ông đã giao cho tôi đánh, bằng chiếc máy chữ hiệu Royal đặt trên chiếc bàn ăn to tướng trong phòng ăn.
Tiến sĩ Embree là một vị giáo sư nổi danh của Viện Đại học Yale của Mỹ, một nhà nhân loại học kiệt xuất đã có công trình khảo cứu về đời sống miền quê Nhật Bản, lúc đó được biệt phái sang Sài Gòn làm việc ở Phòng Thông Tin Hoa Kỳ (United States Information Service - USIS) với tư cách tuỳ viên văn hoá. Ông đã đáp máy bay ra Hà Nội để nghiên cứu xem có thể thiết lập một phòng thông tin của Mỹ ở đó hay không.
Ông tỏ vẻ hài lòng về tài liệu "đả tự" của tôi - thật ra đánh mổ cò bốn ngón. Sau khi hồi cư vào tháng 5 năm 1947, tôi có đi làm ít lâu cho một sở Pháp tên là Les Grands Travaux de Marseille, nhưng vì ông chủ Tây tính hách dịch và không có cảm tình với một thanh niên Việt Nam ít kinh nghiệm, nên tôi quyết định không đi làm cho Pháp, mà muốn tìm việc gì giúp tôi trau giồi Anh ngữ. Tôi bước thấp bước cao vào xin việc ở toà lãnh sự Mỹ, lúc bấy giờ đặt tạm tại toà nhà khá lớn của công ty Standard Vacuum Oil Company.
Nhờ sự giới thiệu của hai vị linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, là Cha Đạo (Leroy) và cha Marquis, cả hai là người Canada, tôi được một chân thư ký trong toà lãnh sự Mỹ, mà về sau dọn đến ngôi nhà ở số 19 đại lộ Rollandes. Công việc của tôi là thư ký thông dịch viên. Lúc đầu làm việc dưới quyền các ông James L. O'Sullivan, Edwin C. Rendall và Jack C. Feigal. Hai ông trên là nhân viên ngoại giao, cấp Phó Lãnh Sự, còn ông thứ ba thì thuộc ngạch tham sự ngoại giao. Hàng tháng, tôi còn phải làm cả việc kế toán, lo sổ lương cho cả nhân viên Mỹ lẫn nhân viên phù động địa phương (gồm có tôi, ông tuỳ phái tên là Kế, ông tài xế tên là Mỹ, và ông làm vườn mà tôi đã quên tên), cùng là gửi ngân phiếu sang trả tiền nhà cho công ty Rondon bên Hương Cảng.
Giáo sư Embree gọi tôi sang phòng khách lớn, là chỗ mà ông được sử dụng làm văn phòng làm việc tạm ít ngày theo kiểu TDY (temporary duty). Ông mời tôi ngồi và bắt đầu "phỏng vấn" tôi về gia thế, về bối cảnh giáo dục. Tôi kể lại là lúc trước tôi học trường Bưởi, tên Pháp của trường là Lycée du Protectorat (Trung học Bảo hộ), bảy năm liền từ 1937 đến 1944. Và sau khi đỗ bằng tú tài Triết học Văn chương, lên học đại học Luật khoa ở đường Bobillot. Năm học đó bị dở dang vì cuộc đảo chánh của Nhật hồi tháng ba năm 1945.
Sau đó, vì tự cho là mình có chút vốn tiếng Anh nên tôi liều dự kỳ thi tuyển giáo sư sinh ngữ của Nha Trung học vụ, lúc ấy do giáo sư Ngụy Như Kontum phụ trách. Trong hai năm học bậc tú tài (năm thứ hai và năm thứ nhất, nói theo kiểu Pháp) tôi được phần thưởng về Anh ngữ, nhưng thật sự chỉ biết dịch từ Anh sang Pháp và từ Pháp sang Anh. Cũng như thuộc lòng những mẹo luật về Anh ngữ đã được vị giáo sư khả kính của tôi là thầy Carjat dạy trong hai năm bậc "trung học đệ nhị cấp" mà thôi. Còn nghe và nói thì không được dịp thực hành, vả lại cũng chỉ quen có giọng của giáo sư Carjat người Pháp mà thôi. Lớp B của tôi vẫn cho rằng mình học đúng giọng Anh, chứ lớp A bên cạnh "nói giọng Mỹ" vì giáo sư của họ là một vị mục sư Tin Lành, hình như thuộc quốc tịch Anh hay Mỹ, tên là Gockler.
Tôi cũng cần vạch rõ là mùa thu năm ấy, lúc chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà mới được thành lập, thì những thanh niên cở tuổi tôi, ai nấy đều hăng hái muốn góp phần xây dựng một nước Việt Nam độc lập vừa thoát khỏi ách nô lệ do Pháp áp đặt từ bao năm. Kỳ thi tuyển giáo sư trung học dạy tiếng Pháp và tiếng Anh năm ấy do một mình giáo sư Phạm Duy Khiêm chấm, gồm cả bài thi viết (có dịch và luận) lẫn bài vấn đáp. Tôi may mắn đỗ đầu nên được bổ nhiệm vào dạy ở trường trung học Chu Văn An, mà tiền thân chính là ngôi trường thân yêu bên bờ Hồ Tây thơ mộng, nơi tôi mài đũng quần luôn bảy năm trời, chốn học đường đầy kỷ niệm tuyệt vời về thầy yêu và bạn quí.
Điểm đặc biệt là chữ của giáo sư Embree viết rất khó đọc, cho nên ông lấy làm lạ là sao tôi có thể đọc được chữ viết của ông để mà nhận ra câu nọ câu kia, rồi đánh máy trình bày sạch sẽ. Sau khi hỏi vài câu về gia cảnh của tôi - con thứ mười trong một gia đình công chức thanh bạch- ông hỏi:
"Anh có muốn sang Mỹ du học không".
Tôi giật nẩy người trả lời ngay: "Thưa giáo sư, có chứ ạ!"
Vài hôm sau khi ông trở vào Sài Gòn, giáo sư Embree gửi cho tôi, qua tín hàm ngoại giao, một xấp những mẫu đơn xin học bỗng, kèm theo một thư ngắn (vẫn bằng lối "chữ đốc tờ" thật khó đọc đối với người Việt Nam). Nói rằng "Bây giờ đã muộn rồi, song anh hãy cứ điền hết những mẫu đơn cần thiết, rồi gửi vào cho tôi để tôi chuyển về Mỹ cho Viện Giáo Dục Quốc Tế (Institute of International Education) ở New York ".
Bẵng đi một thời gian mấy tháng, tôi cũng chẳng nghĩ đến chuyện xin đi học bên nước Mỹ xa xôi, mà tôi mới được thấy trong phim ảnh thôi. Chuyện đi du học ngoại quốc, nói chung, đã là chuyện khá xa vời, mà nghe phong thanh thì chỉ thấy có nhiều sinh viên con nhà quyền thế được "quan Tây" cấp học bỗng sang Pháp du học mà thôi. Ngoài ra, cả đời (năm đó tôi mới hai mươi bốn tuổi đầu) tôi chưa bao giờ đi xa thành phố Hà Nội, nơi tôi sinh trưởng, trừ những dịp may được về "nhà quê", nghĩa là được về chơi ở làng mẹ tôi, làng bà vú nuôi tôi (u Hoà), hay làng bà thím tôi (thuộc tỉnh Hải Dương), hoặc lên tỉnh lỵ Phúc Yên ở chơi nhà một bà chị, hay lên Tuyên Quang dự việc chôn cất một ông chú. Rồi thì những tháng tản cư tránh bom Nhật, tránh bom Mỹ, tránh tàu bay Pháp bắn phá - trường hợp sau đúng là lang thang lánh nạn về mấy làng thuộc tỉnh Hà Đông mà thôi, chứ đâu có óc du lịch như cái ông trong sách Quốc văn Giáo khoa thư.
Tháng sáu năm 1948, tôi nhận được một bức điện tín của Viện Giáo Dục Quốc Tế gửi qua toà Lãnh Sự của Hoa Kỳ ở Hà Nội, vắn tắt có vài lời như sau:
"Union College awards Nguyen Dinh Hoa tuition scholarship. Delta Upsilon Fraternity provides room and board. Letter follows".
(Đại học Union cấp học phí cho Nguyễn Đình Hoà. Hữu xã Delta Upsilon đài thọ tiền ăn ở. Sẽ có thư sau).
Tôi mừng quá! Đạp xe đạp về nhà hôm đó trong niềm phấn khởi (mộng làm giáo sư tiếng Anh sắp thành sự thực rồi), báo tin cho các anh, các chị tôi. Riêng cha tôi thì phản ứng hơi khác, ông hạ mấy lời làm tôi hơi nản:
"Đi đâu? Tiền đâu mà đi! Mà sở Công an liên bang đời nào cho nó đi?"
Hoá ra ông công chức đầy kinh nghiệm đã nghĩ đúng, được học bỗng là một chuyện, còn phải xin phép Sở Mật thám Tây cho phép và cấp thông hành thì mới xuất ngoại được. Rồi thì đào đâu ra tiền lộ phí để mà di chuyển từ Hà Nội sang tận Hoa Kỳ ở mãi tận bên kia địa cầu.
Bức thư của Viện Giáo Dục Quốc Tế (tiếng Anh viết tắt là HE) đến sau đó đã giải thích thêm về chi tiết. Trường Union College ở thành phố Schenectady, thuộc tiểu bằng New York, là một trường đại học nhỏ, thành lập năm 1795, chuyên đào tạo kỹ sư về cơ khí và điện học cùng các ngành khác. (Trong thành phố đó có hai công ty lớn là hãng làm các máy điện General Electric và hãng làm đầu máy xe lửa là American Locomotive). Các bộ môn văn khoa cũng rất tốt, và nhà trường được xếp vào loại những trường đại học bốn năm gọi là Liberal Arts College có tiếng trong nước.
Đặc biệt là trường ấy là trường đầu tiên thành lập những nhà hội huynh đệ, gọi là hữu xã, đặt tên theo tiếng Hy Lạp. Hữu xã là một cơ chế đặc sắc của nền giáo dục cao đẳng tại Mỹ: vài chục sinh viên gia nhập một hội anh em như là vào hội kín, có mục đích giúp nhau học hành và tu dưỡng về ba phương diện trí dục, thể dục và đức dục. Sau một vài thử thách về tư cách con người, thì một sinh viên năm thứ nhất mới được tiếp nạp vào làm hội viên của hữu xã mình muốn gia nhập, tuy vẫn còn ở trong phòng trọ ký túc xá, chứ chưa dọn vào nhà hội.
Mỗi hữu xã có nội quy riêng: mọi người gọi nhau và coi nhau như anh em một gia đình. Thật vậy, tiêu ngữ của nhà trường là câu tiếng Pháp "Sous les Lois de Minerve, nous devenons tous frères" (Dưới luật lệ của thần Minerve, tất cả chúng ta trở nên anh em một nhà). Ăn ở chung với nhau trong một toà nhà rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, họ dìu dắt nhau trên con đường học vấn. Họ có đầu óc quốc tế. Chẳng hạn, theo phương án gọi là HELP (Higher Education for Lasting Peace), tạm dịch là "Giáo dục cao đẳng để tiến tới một nền hoà bình vĩnh cửu".
Mỗi nhà trong số mười hữu xã trong trường, bảo trợ một sinh viên từ nước ngoài đến học, bằng cách hàng tháng góp mỗi người vài ba đô la để bao cho anh sinh viên ngoại quốc ăn ở không mất tiền - trong khi nhà trường cấp học bỗng về học phí, nghĩa là cho miễn tiền học, năm ấy (1948-49), chỉ khoảng năm trăm đô la mỗi năm mà thôi.
Có người mách tôi làm đơn xin chính phủ Việt Nam tiền lộ phí. Quả nhiên, ông Thủ hiến Bắc phần Nghiêm Xuân Thiện đã chấp thuận lá đơn của tôi và cấp mười lăm nghìn bạc Đông dương, cho tôi có tiền mua vé máy bay của hãng Air France đi từ Hà Nội sang New York qua ngã Sài Gòn và Paris. Sở Liêm Phóng Liên Bằng của Pháp, lúc cấp giấy phép cho tôi xuất ngoại và thông hành "Liên hiệp Pháp" (Union Francaise), còn bắt đóng một số tiền ký quỹ để nếu "lơ tơ mơ" làm điều gì xằng bậy, thì họ dùng số tiền đó để giao trả mình về nguyên quán bằng tàu thủy.
Bắt đầu từ năm 1950, rồi về sau nữa, sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học bằng học bỗng của những trường tư (công giáo) hay của chính phủ Mỹ đều được tiền sách, tiền tiêu vặt. Chứ năm 1948, tôi không được ai cấp cho những khoản đó. May thay tôi được cả ông xếp tôi lả ông Edwin C. Rendall lẫn giáo sư John F. Embree giúp đỡ. Ngay khi chắc chắn là tôi nhận học bỗng để qua học ở Schenectady, thì ông Rendall cho phép tôi được lãnh một phần lương bằng tiền đô la, rồi mỗi kỳ lương (hai tuần phát một lần) gửi sang cho ông cụ thân sinh ra ông, để vào ngân hàng ở Morrison, Illinois cho tôi. Giáo sư Embree thì còn làm một việc cảm động hơn nữa. Khi đã trở lại dạy học ở New Heaven, tiểu bang Connecticut, ông viết thư cho tôi và ông xếp tôi, nói là đã liên lạc với một số kiều bào Việt Nam ở vùng Nữu Ước để yêu cầu họ giúp tôi. Đồng thời ông gởi cho tôi vay một món nợ danh dự: bốn tấm chi phiếu, mỗi tấm năm mươi mỹ kim (hai trăm đô la lúc ấy nhiều lắm), để phòng hờ, lúc tôi mới chân ướt chân ráo đến Mỹ lỡ cần đến chăng thì ông tạm giúp tôi "lúc xe hỏng".
Giấy má xong, kể cả chiếu khán sinh viên đầu tiên do Lãnh Sự Quán Mỹ cấp, tiền vé có rồi, đến chuyện quần áo mặc rét và va li nữa chứ! Tôi có mỗi một bộ hàng "tropical" màu kem, vài chiếc sơ mi và cà vạt, may ô quần đùi, một đôi giày da nâu. Chỉ cần mua một chiếc va li da giả là được rồi.
Hôm 28/8/1948 tôi rời Hà Nội. Tôi đội cái mũ dạ bo thật to, tưởng mình hợp thời trang lắm. Khi máy bay ghé Calcutta, Ấn Độ, mới thấy là không hợp thời tiết. Rồi khi đặt chân đến Mỹ thì ý thức ngay rằng, người sinh viên ở đại học không ăn mặc như tài tử xi nê.
Gia đình và năm sáu anh bạn thân đến hãng máy bay Air France ở phố Paul Bert để tiễn tôi, trước khi chiếc xe ca cũ kỹ của hãng chở hành khách sang phi trường Gia Lâm. Ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy! Lần đầu tiên tôi xa những người ruột thịt, xa bạn bè, và nhất là xa nơi chôn nhau cắt rốn, để đi sang một nơi xa lạ trong một cuộc "phiêu lưu mạo hiểm" với mục đích cầu học chốn tha phương.
Mừng mừng tủi tủi, tôi khóc chào cha tôi, cũng lần thứ nhất xa thằng con út. Ông dặn tôi:
"Con cần giữ gìn sức khỏe để học cho chăm, làm vẻ vang cho nòi giống mình. Hàng ngày buổi sáng đừng quên đi hết bài quyền Ngọc Trản nhé! Và nhớ viết thư đều cho ở nhà khỏi sốt ruột. Thôi, con đi đi cho may mắn! Nhớ giữ thanh danh của họ Nguyễn Đình nhà mình đấy!".
Tôi được ghé Sài Gòn vài hôm để thăm gia đình một bà chị theo chồng vào Nam từ 1940, và gia đình vợ chưa cưới của tôi. Đoạn đường từ Sài Gòn sang Paris cũng lý thú, phải ghé Calcutta, ngủ đêm Karachi, rồi ghé Athens, Iceland, trước khi tới Paris. Tại kinh đô nước Pháp, nhờ vài anh bạn nhà giàu (sang đó du lịch đã vài ba năm), hướng dẫn nên tôi cũng được tham quan mấy nơi thắng tích. Nhưng vẫn sốt ruột mong chóng qua bên Mỹ cho kịp ngày khai trường.
Chuyến bay từ quê tôi sang Nữu Ước mất tất cả năm mươi bảy giờ bay, thật là một kinh nghiệm khó quên. Những ai dùng máy bay phản lực ngày nay đi vèo vèo từ lục địa này sang lục địa kia, khó mà ý thức được cái cảm giác ngỡ ngàng, bàng hoàng, ngây ngất của anh sinh viên 24 tuổi ra đi cầu học, và bỗng nhiên chuyển sang một môi trường hoàn toàn xa lạ để hít thở không khí khác. Đụng chạm với người lạ, cố thích ứng với phong tục, tập quán không quen thuộc, ăn thức ăn lạ, nói ngôn ngữ lạ, hàng ngày chỉ mong chạy về cái bàn viết... để viết thư, viết nhật ký bằng tiếng mẹ đẻ, hết trang nọ đến trang kia.
Ôi! Sao mà những chữ cái trong vần quốc ngữ mà cụ đồ ở trường Trí Tri, phố Hàng Quạt, vỡ lòng cho tôi mấy chục năm trước, nó đẹp, nó tươi mát đến thế! Tôi nhớ lại lời căn dặn của cha tôi, của giáo sư Nguyễn Văn Tòng, tôi giở sách Légendes des Terres Sereines của Phạm Duy Khiêm ra đọc lại những cổ tích Việt Nam. Và lúc đó tôi tự nguyện là trong khi học hỏi về ngôn ngữ và văn hoá Anh-Mỹ, tôi sẽ gia công đọc, ghi và viết, ghi và viết mãi, để không bao giờ quên cội nguồn của chính mình.
Mùa thu năm nay, 1988, kỷ niệm bốn mươi năm từ khi tôi rời Hà Thành yêu quý, tôi xin được phép tưởng nhớ đến số nhà 65 phố Hàng Bạc, 13 ngõ Văn Tân, 40 phố Hàng Bè, 141 phố Đường Thành, 22 phố Tien Tsin, 35 phố Châu Long, ngần ấy địa chỉ biểu lộ quá trình "a.b.c không có nhà đi ở thuê" của gia đình chúng tôi.
Tôi cũng xin được phép nghĩ đến những mái trường Trí Tri, trường Hàng Vôi (lấy tên Đô đốc Courbet), trường Bờ Sông hay Trường Kế (lấy tên ông Đồ Phổ Nghĩa, tức Jean Dupuis), rồi trường Bưởi...
Nghĩ đến những vị ân sư của tôi: thầy Đào Huy Huân, thầy Đàm Trung Trước, thầy Phan Trọng Kiên, thầy Đào Văn Minh, rồi lên trung học thì thầy Phong, thầy Tường, thầy Chương, thầy Phú, thầy Hoán, thầy Quỳnh, thầy Khang, thầy Chính, thầy Phục, thầy Hàm, thầy Mạnh Tường, thầy Tố, thầy Hãn, thầy Nghị... đã ra đi gần hết.
Cũng như những bạn đồng song của tôi: Thanh "sứt", Giễm "toét", Lưu "điên", Bằng "nháy"... và bao nhiêu bạn khác tản mạn khắp bốn phương trời.
Tất cả đã dạy tôi rất nhiều điều về phong cách một anh học trò Việt Nam, cũng như cốt cách một con người Việt Nam... mà cha mẹ tôi qua bao năm trời đã dày công chăm lo giáo dưỡng trong tôi.
Nguyễn Đình Hoà
--------
Nguồn: VĂN, số 75, tháng 9/1988.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment