Tuesday, January 8, 2019

TÂM NGỤC




Tam Thanh



Sáng thứ hai sau Thanksgiving, Nguyễn dậy trễ. Cũng do đã quá chén nơi mấy nhà bạn bè, nhân ngày lễ Tạ Ơn Hoa Kỳ. Và thức khuya nói chuyện đời xa gần. Nhất là phải chiêu chút rượu mạnh cho trôi mấy miếng gà tây, món mà Nguyễn, tuy một năm ăn có một lần, vẫn thấy chưa ưa. Ấy là Nguyễn chỉ xin chút đầu cánh gặm chơi, gọi là có ăn cho vừa lòng chủ nhà, chứ nhìn con gà tây tròn mập với nước da bỏ lò vàng tươi, trông thì đẹp mà Nguyễn chẳng thấy hấp dẫn chút nào. Nguyễn cũng dửng dưng trước đồ nhồi, sà lách...
Từ ngày qua tỵ nạn ở Hoa Kỳ, mười mấy năm nay, ngày thường cũng như cuối tuần, Nguyễn có thói quen thức giấc gần như một cái máy, không cần để chuông báo thức, vào khoảng sáu giờ rưởi sáng, đủ thời gian vệ sinh ban mai trước khi đi làm. Nguyễn không có cái thú ngủ nướng, nếu đêm trước thức khuya, trừ trường hợp uống một viên thuốc ngủ. Cũng uổng.
Vèo một cái qua luôn bốn ngày nghỉ, thứ năm ngày lễ bắt cầu thứ sáu qua cuối tuần. Nguyễn không được nghỉ một lèo bốn ngày liền vì thứ bảy phải đi trực tư ở ngoài, kiếm chác thêm chút đỉnh bù vào tiền lương công chức tiểu bang cho đủ chi phí gia đình một vợ ba con. Ngoài chỉ số hàng năm lạm phát, giá cả mỗi thứ hàng đều tăng giá, con lớn tốn kém thêm cũng như nhiều nhu cầu không tên linh tinh khác... Kể ra thì không bao nhiêu cho vừa. Tuy nhiên, thêm "chút cháo" cũng hơn. Cái nghiệp sẵn có, tiền vào nhà Nguyễn như gió vào nhà trống.
 
Thấy bị trễ, Nguyễn phóng xe ào ào trên xa lộ Mopac đưa tới nhà thương tiểu bang ở Austin. Nguyễn sốt ruột khi những xe ở phía trước như chạy tà tà. Nguyễn đổi đường lách qua lách lại.
Vừa lúc đó Nguyễn nghe tiếng còi xe cảnh sát rú. Nhìn kính chiếu hậu thấy đèn xanh đèn đỏ chớp. Tài thật, Nguyễn vừa nhìn trước nhìn sau không thấy xe police nào mà. Thôi rồi. Lãnh phạt chạy quá 55 dặm một giờ. Lại trễ buổi họp quan trọng sáng nay!
Nguyễn tạt xe vào lề đường, lòng bực bội, khó chịu, bồn chồn. Vừa mất thì giờ, vừa mất tiền. Người cảnh sát với tóc và râu màu hung đỏ râu ngô tiến lại chào Nguyễn rồi đòi coi bằng lái và giấy bảo hiểm xe.
- Ông có biết là ông phóng quá tốc độ không?
- Tôi có việc gấp nên không nhìn đồng hồ.
Theo kinh nghiệm bản thân cũng như của bạn bè truyền lại, gặp anh cảnh sát râu ngô thì coi như lúa đời, phạt đúng, phạt nặng, không bao giờ tha, năn nỉ vô ích. Thà lì cho tiện và nhanh việc.
Người cảnh sát nói tiếp:
- Đường cho chạy có 55 mà ông chạy 70.
- Tôi cần tới nhà thương lẹ.
- Ông có chuyện gì gấp vậy?
- Cần coi một người bệnh.
- Ông là bác sĩ?
- Phải.
- Cho coi giấy nhận diện.
Coi xong, người cảnh sát trao lại giấy tờ cho Nguyễn.
- Ông chạy nhanh rất nguy hiểm. Ông không muốn ông là một trường hợp cấp cứu chứ? Thôi ông đi đi. Lái cẩn thận nhé!
Bây giờ Nguyễn mới dịu nét mặt đăm đăm, cau có xuống, ngạc nhiên khi người cảnh sát thông cảm tha phạt.
- Xin cám ơn ông.
Nguyễn lẩm bẩm: đã tưởng ra ngõ gặp gái!
Rồi Nguyễn nghĩ tới tính tin dị đoan lẩm cẩm của mình. Cũng thần hồn nhát thần tính. Lời các cụ nói có mấy khi sai. Có kiêng có lành. Nguyễn liên tưởng tới hồi đi thi bằng hành nghề liên bang năm nào ở Indianapolis bên Indiana với mấy người bạn: một sáng, Nguyễn cùng nhóm bạn ở lầu khách sạn xuống thang đi thi thì gặp một người đàn bà mặc áo đen đi lên, Nguyễn tự động quay lộn lại, tránh cảnh sớm mai ra ngõ gặp gái sẽ xui. Mấy người bạn cười ầm lên khi vỡ lẽ dị đoan trên. Kỳ đó, trong cả nhóm bốn năm người, Nguyễn là người duy nhất thi đậu.

Bác sĩ Nguyễn là người chót vào phòng hội, suýt soát giờ định. Quanh chiếc bàn dài phủ khăn trắng lố nhố người ngồi. Nguyễn kéo ghế ngồi ở đầu bàn, đảo mắt nhìn mọi người.
- Xin tổng chào quý vị.
Thấy đầy đủ, Nguyễn tiếp:
- Hôm nay là buổi họp đầu tiên giữa gia đình bệnh nhân Đinh Mạnh Hùng và toán điều trị của nhà thương tâm trí tiểu bang ở Austin để đả thông một số vấn đề quan trọng. Bệnh nhân sẽ được mời dự vào lúc chót, sau khi đạt vài quyết định chung. Trước khi bàn thảo, tôi đề nghị theo lượt, mỗi người tự giới thiệu tên và liên hệ với bệnh nhân để dễ liên lạc và xưng hô, tuy một số chúng ta đã biết nhau từ trước. Tôi xin đề nghị bỏ tiếng bệnh nhân và gọi anh Hùng cho tiện và thân mật hơn. Tôi lưu ý quý vị phải giữ hoàn toàn bí mật những gì nói ra buổi hôm nay.
Khởi sự từ tôi trước, tôi là bác sĩ Nguyễn, trưởng khu y khoa.
Và theo thứ tự:
- Bác sĩ Van Dussey, y sĩ tổng quát điều trị trại.
- Bác sĩ George, thần kinh tâm lý.
- Jane, y tá trưởng.
- Bob, nhân viên phòng xã hội.
- Victor, y công.
- Đại Đức Pháp Trí.
- Tôi là Lâm, còn đây là nhà tôi và hai cháu Lan, Cường đều là em của Hùng.
- Tâm, bạn học của Hùng.
- Cháu là Ngọc, hôn thê của Hùng, từ Paris qua.

Nguyễn cất lời:

Phần giới thiệu xong. Trước khi đi vào cuộc thảo luận liên quan tới những đòi hỏi hay nguyện vọng của Hùng, tôi chân thành xin quý vị một phút tĩnh tâm và xử sự tự nhiên, thoải mái, dựa trên tình thương và lẽ phải cứu xét hoàn cảnh. Nếu ai có thắc mắc gì xin thẳng thắn nêu lên để mọi người cùng góp ý kiến đưa tới một lời giải ổn thỏa, trong không khí gia đình. Chắc sẽ có một vài động chạm tự ái nho nhỏ ngoài ý muốn, xin thông cảm và bỏ qua. Chúng ta họp nhau ở đây để tìm một giải pháp giúp đỡ đẹp đẻ chứ không phải để chỉ trích, chê trách, lên án; và tìm một đường hướng xây dựng, dung hoà. Biết rằng ai cũng có yếu điểm và chẳng người nào hoàn toàn cả, nên lấy ý kiến đa số làm quyết định chung cuối cùng.
 Tôi đề nghị bác sĩ George chia xẻ sự giám định thần kinh tâm lý trước, rồi tới Bob trình bày các khía cạnh xã hội của vấn đề, trước khi bàn luận.

Bác sĩ George giở tập hồ sơ ra, hắng giọng:

- Tôi tóm tắt sơ lược lý do nhập viện cũng như tình trạng tinh thần . Anh Đinh Mạnh Hùng, hai mươi tám tuổi, người Mỹ gốc Việt, bị cưỡng bách nhập viện ngày 31 tháng tám năm 89, do lệnh của chánh án quận Travis với chứng xáo trộn thần kinh và mưu toan tự vẫn.

Ông Lâm ngắt ngang:

- Khổ chưa! Cả họ tôi có ai bị điên bao giờ!

Bà Lâm níu lấy tay chồng, mắt long lanh lệ: Mình!

Nguyễn can thiệp:

- Xin ông bình tĩnh cho.

Bác sĩ George tiếp tục:

- Cùng ngày trên, cảnh sát và phân toán phụ trách sức khỏe thần kinh tâm lý tìm thấy anh Hùng ở Zilker Park, lúc chiều tối, khoảng 6 giờ, nằm thơ thẩn bên bụi rậm, mình mang có chiếc quần cụt, có chút máu dây ở đũng. Hùng như người mất hồn, nói chán đời và muốn tự vẫn để tránh mọi khó khăn rắc rối về đời sống cũng như tiền bạc.

Nghe tới đây ông Lâm lắc đầu, nét chán nản hiện rõ trên mặt. Bà Lâm lấy tay che miệng, cúi đầu như dồn nén một nghẹn ngào. Ngọc ngắm mảng trời xám mùa Thu qua cửa sổ, như xa vắng, thẩn thờ. Cường, từ lúc ông Lâm xuất lời than đau đớn, nhìn cha chầm chập như đang tìm hiểu hoặc phân tách một vấn đề quan trọng.

Giọng bác sĩ George đều đều:

- Khi được phỏng vấn, Hùng ở trạng thái tiều tụy, yếu đuối, mệt mỏi, tuy tinh thần còn minh mẫn và nói năng mạch lạc, thỉnh thoảng quên một vài chuyện quá khứ gần đây. Ngoài ra có anh Tâm, người bạn của Hùng, giúp thêm một số chi tiết cần thiết trong việc lập hồ sơ bệnh lý. Và sau cùng, ông bà Lâm liên lạc qua điện thoại, kể những nét chính cuộc đời của Hùng.
Gia đình ông bà Lâm, với Hùng là con trai cả và hai người em Loan và Cường qua Mỹ tị nạn năm 1981 ở Chicago, Illinois, do cơ quan International Rescue Committee bảo trợ. Lúc đó Hùng hai mươi tuổi. Hùng rất có khiếu về vĩ cầm, nên hơn một năm sau xa gia đình xuống Austin, Texas, vì được cấp học bỗng về nhạc ở đại học, ngoài ý muốn của thân phụ, ông Lâm, muốn con học kỹ sư theo nghề ông. Sự liên lạc giữa Hùng và cha đổ vỡ, vô phương hàn gắn, vả hai người hết nhìn nhau từ năm 1983. Hùng vừa đi học vừa kiếm việc đủ loại để làm, trong đó có dạy nhạc, rửa chén nhà hàng, làm ở chợ, tuỳ phái... để sống tự lập, tự do, không có sự giúp đỡ của gia đình.

Bà Lâm giơ tay xin nói, sau khi nhìn chồng đang bậm môi:

- Cho tôi nói lại cho đúng: nhà tôi giận cháu ngỗ nghịch không nghe lời nên cấm cả nhà không ai được đề cập tới Hùng trước mặt ông. Tôi có lén nhà tôi giúp cháu Hùng ít tài chánh vì học bỗng không đủ sống, nhưng cháu tự ái nhiều lần không nhận.

Ông Lâm trợn trừng nhìn vợ như muốn trách móc, giận hờn. Bà Lâm nói xong cúi mặt, tránh mắt chồng. Không khí phòng hội yên lặng, lâu lâu vẳng từ ngoài tiếng la hét, tru tréo của một bệnh nhân lên cơn điên. Loan lắng tai nghe, mặt có phần sợ hãi.
 
Bác sĩ George tiếp:

- Hùng, vốn là một thanh niên thông minh, có tài, lại rất xuất sắc về môn vĩ cầm, nên được nhiều phần thưởng cũng như giấy tưởng lục, và đậu bằng cử nhân về nhạc với lời khen danh dự của ban giám khảo. Và Hùng được ban giám đốc khuyến khích học tiếp bằng tiến sĩ, nếu qua một kỳ thi tuyển đặc biệt. Hùng tự ái không chịu thi, viện cớ với tài của anh, anh dư sức học được, gây mâu thuẩn với nhà trường. Từ đó tính tình Hùng thay đổi, biếng làm, nhác ăn, và như anh Tâm kể lại, mỗi lần tới thăm đều thấy Hùng nằm dài, hút thuốc lá nhìn lên trần. Bạn bè ai  mang lại cho gì thì ăn đó, chứ không tự nấu nướng hay ra ngoài ăn như khi trước. Tới khi Hùng bị kiệt sức, bạn bè tới mang đi coi bác sĩ, và qua các thử nghiệm mới hay Hùng bị tụ chứng giảm đề kháng (bệnh "ếch")...

Bà Lâm nhìn Ngọc xót xa.
Ngọc nhẹ nhàng đứng lên xin phép ra ngoài.
Bác sĩ Nguyễn gật đầu rồi yêu cầu bác sĩ George tiếp.

Lúc đầu Hùng khăn khăn từ chối, không chấp nhận và không tin vào thử nghiệm, tuy đã làm lại mấy lần. Hùng bắt đầu đọc các tài liệu y khoa về "ếch", rồi theo cách ăn uống đặc biệt do anh tìm kiếm ra, gồm đa số các loại rau và ngũ cốc. Sức khỏe cũng không khả quan hơn. Hùng qua Paris gặp Ngọc, cô bạn gái láng giềng quen từ Việt Nam và tỵ nạn ở Pháp gần thời gian Hùng cùng gia đình qua Mỹ. Cả thảy ba lần, mỗi lần mấy tháng kiếm phương cách điều trị với các thuốc lá, rễ cây, nhưng chẳng mang lại kết quả mong muốn.
Khi trở lại Austin, Hùng mới thực thụ nhận có đồng tính luyến ái, và gia tăng cường độ sinh lý ngoài sức tưởng tượng, nhất là lúc bất mãn với nhà trường, cùng dứt khoát liên lạc sinh lý với người bạn chỉ dẫn nhạc. Tuy vậy, Hùng cũng chưa chịu chữa, nại cớ còn một vài tháng, anh sẽ được hưởng an sinh xã hội, lúc đó dùng thuốc cũng chưa muộn. Hùng ở trong tình trạng sức khỏe cũng như tiền bạc bết bát, nợ đìa. Anh nói chỉ còn hai đường, một là quay về với gia đình, chuyện mà anh dứt khoát không muốn trong hoàn cảnh bệ rạc hiện tại, nhất là không muốn đối đầu với cha, tuy mẹ và các em khuyến khích, năn nỉ. Hai là chấm dứt cuộc sống, tránh cảnh nợ nần đói rách bệnh tật...

Ông Lâm thở hắt ra: "thà vậy!"

Loan bật khóc rồi bụm miệng lại ngay. Ông Lâm mắt long lên nhìn con gái, bờ vai đang rung động. Cường choàng tay qua ôm chị, mắt chiếu thẳng mắt bố, bà Lâm cầm tay con gái vỗ vỗ.

Nguyễn cất giọng ôn tồn:

Chúng tôi thông hiểu những cảm xúc riêng tư. Vấn đề rất tế nhị nên mới thỉnh quí vị lại để có quyết định hợp tình, hợp lý.

Bác sĩ George tiếp lời.

Tuy nhiên Hùng cũng chưa có ý rõ ràng nào về cách tự hủy diệt cả, còn đương do dự hoặc tự thiêu ở phòng trọ sau khi uống thuốc ngủ, hay dùng quá liều thuốc thần kinh, hoặc nhảy lầu hay trôi sông... còn trong tình trạng hoang mang đó thì Hùng được nhập viện. Từ ba tháng nay, cả thuốc thần kinh lẫn những buổi điều trị tâm lý giúp Hùng tỉnh trí lại, dứt khoát vấn đề mưu toan tự vẫn. Nhưng tình trạng sức khỏe tổng quát không khả quan là bao nhiêu. Bác sĩ Dussey có thẩm quyền hơn tôi về vấn đề này.

Bác sĩ Van Dussey gật đầu.
 
Đúng như lời bác sĩ George nói, Hùng không mạnh nhiều nhưng có phần khá hơn, so với ngày mới nhập viện chỉ còn đã bọc xương, hậu môn lở loét sau khi bị kẻ lạ mặt cưỡng bức ở vườn Zilker Park. Ngoài việc nuôi qua ống, lâu lâu Hùng ăn được đồ lỏng, nếu nhân viên điều dưỡng kiên nhẫn, dịu dàng và chịu khó năn nỉ. Hùng phải có người xốc nách mới đi được. Ngồi ghế phải cột, không thì té. Ngoài việc nằm nệm nước và chuyển thế luôn luôn, chúng tôi ép ngồi và đi để cho máu lưu thông, và tránh lở lói ở lưng và vùng dưới. Thuốc AZT đã được khởi sự, ngăn phần nào tiến triển của bệnh "ết".

Ông Lâm hất hàm hỏi:

- Theo kinh nghiệm và giám định, bác sĩ thấy Hùng còn sống được bao lâu?

- Thật khó trả lời câu hỏi của ông, còn tuỳ phản ứng cơ thể của Hùng với thuốc,  tuy tâm thần, lý trí quyết muốn sống và chống lại bệnh, với sự khuyến khích cùng trợ giúp tình cảm của gia đình cũng như nhân viên điều dưỡng. Tuy nhiên, ông đã hỏi, tôi cũng xin trả lời thành thật, với hiện trạng của Hùng so với tài liệu thống kê, với mọi dè đặt có trường hợp ngoại lệ, thời gian còn sống rộng ra khoảng sáu, bảy tháng, nếu không có thuốc mới hữu hiệu hơn từ đây tới đó... Xin ông và gia đình hiểu cho đó là một vỏ đoán mà thôi.

Mặt ông Lâm đanh lại, như khó chịu thấy cảm xúc của vợ con ủy mị, yếu hèn bộc lộ trước công chúng. Bà Lâm không buồn chùi để nước mắt chảy xuống lòng. Ngọc trở lại chỗ ngồi và nghe được câu chót của bác sĩ Van Dussey lại ôm mặt chạy ra ngoài.
Bác sĩ Nguyễn không muốn kéo dài buổi hội và tự thâm tâm, tuy ác cảm nhưng lại có ý nể phần nào sự cứng rắn, đôi khi tới nhẫn tâm của ông Lâm, người mà Nguyễn nghĩ sống với nguyên tắc nhất định và có khuynh hướng cương nghị, độc tài. Nguyễn thấy ông Lâm rõ ràng tự cô lập, một mình đối với cả phe vợ con, chẳng muốn nhìn lại người con đầu lòng không nghe lời ông mà đi lầm đường lạc hướng, và không tha thứ sự bất phục tòng. Nguyễn lắc đầu như muốn tỉnh lại, ngạc nhiên trước phản ứng cá nhân với ông Lâm thay vì phải giữ vô tư. Chẳng qua Nguyễn muốn đặt mình vào trường hợp ông Lâm, vớ những sự kiện đã biết, để xem phản ứng ra sao trước hoàn cảnh thương tâm khó khăn này. Chắc chẳng một người Việt tị nạn nào ở xứ Mỹ này muốn ở trường hợp ông Lâm. Nuôi con vất vả cực nhọc, dạy dỗ công phu kỹ lưỡng, rồi phiêu lưu nguy hiểm, liều lĩnh để đến bến bờ tự do, những mong con thành người nơi xứ lạ, ai ngờ con dại dột bỏ nhà ra sống riêng để được tự do, thoải mái sống theo bản tính, đưa tới hoàn cảnh bệ rạc nhớp nhơ, hiện tại gần kề cái chết... tan vỡ cả kỳ vọng bao lâu ấp ủ nơi người cha tin tưởng vào tương lai rực rỡ của người con đầu lòng vốn sẵn thông minh, học giỏi.

Vừa lúc đó có tiếng loa gọi bác sĩ Nguyễn. Y tá Jane đưa mắt bảo y công Victor ra trả lời dùm, Nguyễn dặn với:
- Nếu khẩn cấp để tôi trả lời, bằng không lấy số điện thoại, tôi sẽ gọi lại.
- Được.
Lát sau Victor trở lại đưa cho Nguyễn mẫu giấy nhỏ ghi tên người gọi và số điện thoại, đồng thời ghé tai nói:
- Bác sĩ, tôi thấy cô Ngọc thầm thì chuyện trò với Hùng.
Nguyễn gật đầu:
- Cám ơn Victor, Bob, tới lượt ông trình bày.

Vâng. Anh Hùng những lúc tỉnh táo, và có người chứng, đưa ra hai nguyện vọng, một là xin làm đám cưới với cô Ngọc...

Gia đình bên Hùng nhỏ to xầm xì. Bà Lâm ngơ ngác gần như hoảng hốt. Loan con mắt còn đỏ hoe ngẫng lên ngỡ ngàng. Cường nhíu mày. Miệng ông Lâm thoáng một nụ cười khó hiểu, mép xệ xuống, mắt nhắm nghiền trong giây lát.

Đại Đức Pháp Trí lên tiếng:

Cho tôi xin đỡ lời ông Bob. Bác sĩ Nguyễn có mời tôi tham khảo ý kiến vì anh Hùng là Phật tử, ở tuổi trưởng thành, theo pháp lý có quyền lấy vợ, nếu người hôn phối đồng ý. Tôi có hầu chuyện với anh Hùng và tiếp xúc qua điện thoại với cô Ngọc.

Nguyễn ghé tai Jane nhờ mời Ngọc trở lại phòng họp.
Khi Ngọc ngồi yên vị, Đại Đức Pháp Trí hướng về phía người con gái.

- Chúng tôi đang nói chuyện cô và anh Hùng ngõ ý muốn làm đám cưới theo phương thức Phật giáo trước và luật pháp sau.

- Bạch thầy vâng.

- Cô vẫn còn giữ ý định đó?

- Anh Hùng và con quyết thực hiện lời thề trước khi chúng con chia tay rời xứ đi tỵ nạn, dưới bất cứ hình thức nào, dù là ràng buộc tâm linh, thần giao, tình ái...

Ông Lâm lắc đầu ngán ngẫm trước quyết định phi nhân, phi lý của Ngọc và người con trai ông.

- Hết chỗ nói!

Ngọc nén cảm xúc, thở dồn dập.

- Trời, Phật... thương anh Hùng... để anh sống, thì chúng con đạt được ước mơ bấy lâu ấp ủ, nhưng... nếu chẳng may anh vắn số, chúng con cũng chẳng ân hận là đã không giữ lời thề sắt son.

Đại Đức Pháp Trí gật đầu.

- Bổn hạ có thỉnh ý bề trên và được chỉ thị làm phép cưới nếu anh Hùng còn minh mẫn và hiểu những diễn tiến linh thiêng của buổi lễ. Bằng ngược lại, nếu anh Hùng ở trạng thái hôn mê hoặc bối rối, không mạch lạc thì phải hoãn lễ cho tới khi khả quan hơn.

- Cám ơn bạch thầy.

Ông Lâm xua tay:

- Tôi không đồng ý nhẫn tâm để một người con gái trẻ đẹp, khỏe mạnh như cháu Ngọc đây làm lễ cưới với một người con trai bệnh tật đang hấp hối! Để làm gì? Muốn trở thành một goá phụ chỉ vì một lời thề non hẹn biển viễn vông.

Bob dẫn giải:

- Xin ông bình tĩnh. Luật xứ này cho phép, khi người đàn ông và người đàn bà ở tuổi trưởng thành thuận nhau, được lấy nhau. Không ai có quyền ngăn cấm, cản trở.

- Mặc dù biết là thằng Hùng bị bệnh?

- Nếu cô Ngọc biết rõ và chấp nhận.

- Tại sao con làm chuyện rồ dại vậy Ngọc? Tự do kỳ quặc. Khỏi phải hỏi tôi vô ích, tôi không đồng ý.

Ngọc lặng thinh cúi đầu. Ông Lâm ngữa mặt lên, hai tay dang ra bất lực. Bà Lâm cắn chặc môi dưới. Loan hai tay ôm má suy tư. Cường nhìn bố đăm chiêu.
Ông Lâm lắc đầu.

- Cái điên của tuổi trẻ phóng túng!

Y tá Mary vào nói nhỏ với bác sĩ Van Dussey có bệnh nặng. Bác sĩ đứng lên quày quả đi ngay, nói với lại:

- Bác sĩ Nguyễn, tôi trở lại liền.

- Vâng.

Bob trình bày tiếp:

- Và nguyện vọng thứ hai của Hùng là khi trở nặng, xin để tự nhiên đi, không muốn được cứu cấp, đặt máy thở hoặc dùng các phương tiện máy móc tối tân khác. Sau khi chết xin được hỏa thiêu và tro rắc xuống biển.

Bà Lâm lấy hai tay bịt tai, nước mắt trào ra dàn dụa.
Cả phòng im lặng. Có tiếng nấc hít mũi của Loan.
Y tá Jane nhìn bà Lâm như muốn chia xẻ nỗi thống khổ của người mẹ, đau đớn thầm lặng nghe người ta bàn cãi về cái chết dần mòn của người con mình. Mắt Jane long lanh ướt.
Ông Lâm nhìn mặt bàn, mắt không chớp, như bị thôi miên hay huyền hoặc bởi màu trắng của tấm vải phủ.
Bác sĩ Van Dussey trở lại chỗ ngồi.
Nguyễn lên tiếng, giọng trầm trầm:

- Kính thưa quý vị, vấn đề của Hùng đã được trình bày rõ ràng; Hùng xin được cưới cô Ngọc, và được chết bình thản. Chúng tôi xin được biết ý kiến của thân nhân, sau khi Hùng được mời vào phòng hội, trước mặt gia đình và ban điều dưỡng, để nói lên nguyện ước chân chính của mình.

Jane hất đầu và Victor đứng lên ra ngoài.
Mọi người, từ nhân viên điều dưỡng tới gia đình thân nhân của Hùng đều giữ im lặng, trong xao xuyến, lo âu, u buồn.
Victor đẩy xe lăn tay trên có Hùng, kèm theo cái cột treo lủng lẳng túi đồ ăn lỏng osmolite chảy qua ống thông mũi vào bao tử. Hùng dựa lưng vào ghế, mặt mày tuy gầy ốm nhưng sáng sủa, tươi tắn hẳn hơn mọi ngày, tóc chải gọn gàng. Người Hùng lép dưới bộ quần áo rộng, sau khuôn vải chặn trước ngực cho khỏi té.
Hùng nhìn mẹ trìu mến, tràn ngập yêu thương. Cường ra đẩy xe lăn tay của anh lại gần mẹ. Hùng giơ tay nắm lấy tay mẹ. Bà Lâm gục mặt vào tay con, hai vai rung lên nghẹn ngào. Loan đứng lên ôm đỡ mẹ, nước mắt chảy ròng ròng. Ngọc kéo  ghế ngồi sát Hùng.
Ông Lâm đứng gần cửa sổ lúc nào không ai hay, mắt nhìn khoảng trời xám đục, hai tay khoanh trước ngực.

Không khí căn phòng hội trở nên nặng nề, ngột ngạt như khó thở, căng thẳng trước lựa chọn giữa sống và chết, tình thương và giận thù, yêu đương và hy sinh, thông cảm và chống cản, tự ái và bất cần, bao bọc và lạnh lùng...
Hùng thoáng nhìn bố, mặt bỗng sa sầm, toan quay xe đi, nhưng ngưng kịp khi thấy mẹ và các em đang quây quần thân mật, yêu đương, ấm cúng.
Bác sĩ Nguyễn để phút hồi hộp mừng tủi ban đầu của Hùng và gia đình giảm dịu rồi mới nói:

- Anh Hùng, buổi họp mặt giữa gia đình anh và ban điều dưỡng được tổ chức như chúng tôi đã hứa với anh. Chúng tôi đã trao đổi tin tức cũng như quan điểm liên quan tới những nguyện ước của anh. Đây là dịp để anh bày tỏ những ý muốn của anh cho mọi người biết, hầu theo khả năng và thiện chí của mọi người cố gắng giúp đỡ anh trong tình thương, hiểu biết và thông cảm.

Giọng Hùng run run yếu ớt vừa xúc động vừa hồi hộp. Cường ngồi gần anh nhắc to lại cho mọi người nghe.

Tôi xin chân thành cám ơn Đại Đức Pháp Trí, quí vị bác sĩ và ban điều dưỡng đã giúp đỡ cho buổi gia đình hội ngộ quý báu này trong lúc tôi còn sống và minh mẫn. Ngoài cả sự mong muốn của tôi. Quí vị hãy nhận nơi đây lòng tri ân thiết tha về tình người cao đẹp vô vàn của quí vị...

Sau khi nói một hơi dài, Hùng nghỉ mệt đôi chút rồi hướng về gia đình.

Mẹ, con không biết nói gì hơn là cám ơn mẹ, lúc nào cũng lo lắng và chăm sóc cho con, dù con ở gần hay xa. Con chắc đã làm mẹ buồn khổ nhiều... Lòng mẹ bao la, con xin mẹ đã thương con thì thương cho trót, và chấp nhận những gì con đã làm như một cái nghiệp, chẳng lỗi tại ai. Kiếp này con không trả hiếu được, kiếp tới, nếu con còn phước được đầu thai làm người, con nguyện sẽ đền đáp công dưỡng dục quí báu của mẹ...

Bà Lâm rũ người thảm não:

Con ơi! Hùng ơi!
 
Trong lúc Hùng ngõ lời gần như trối trăn với mẹ, hai em và người yêu Ngọc, bác sĩ Nguyễn quan sát ông Lâm, đang đứng bên cửa sổ, quay lưng lại bàn hội, nhìn ra ngoài trời, lâu lâu hít không khí đầy ngực, như đang trong trạng thái rối rắm tinh thần và cố tự chủ. Nguyễn thấy ông cũng lắng nghe những lời Hùng nói qua Cường nhắc lại. Hai tay ông khoanh trước ngực, thỉnh thoảng lại nhón chân lên.
Hùng thấy ông, và theo như Nguyễn biết thì ông chưa muốn nhìn người con trai đầu lòng đã từng không theo ý ông học ngành khoa học mà lại đi học nhạc, một nghề mà ông coi là "xướng ca vô loại", như Nguyễn đã từng nghe ông nói hơn một lần qua tiếp xúc điện thoại, hoặc đúng hơn không phải một nghề kiếm sống, người con đã làm ông thất vọng cay đắng... Sự hiện diện của ông Lâm trong buổi hội ngày hôm nay là một bước tiến khá xa trong sự hàn gắn tình phụ tử với nhiều cố gắng thuyết phục và giải bày tâm tình, giữa sự đồng ý hoàn toàn của bà Lâm và bác sĩ Nguyễn. Nhưng công đầu chắc phải kể bà Lâm và hai người con. Ông Lâm đã nhượng bộ nhưng cũng còn cố gắng không nhìn mặt Hùng. Tình cha con chưa lấn át được sự căm giận người con, chẳng những đã không học nghề kỹ sư như ông định muốn và đòi hỏi, mà còn đi vào con đường đồng tính luyến ái đưa tới thảm trạng hiện tại.
Đối với ông, Hùng đã gây cho gia đình nhục nhã vậy chưa đủ, còn đòi cưới Ngọc trong tình trạng dở sống dở chết này, vì một lý do không tưởng nữa. Vì ông đã kỳ vọng rất nhiều ở Hùng, một người con vừa ngoan, thông minh, xuất sắc trong việc học hành, cho tới ngày ông và gia đình đặt chân lên nước Mỹ. Và chỉ thời gian ngắn ở phong thổ lạ này, với nền giáo dục tự do, dân chủ dựa trên quyền lợi cá nhân tối đa, Hùng đã giải phóng và vượt tầm kiểm soát của ông. Ông bất lực và căm phẫn. Hùng là giá quá mắc ông phải trả cho tự do. Rồi ông cũng lần ý thức được định nghĩa tối hậu của tự do, điều mà ông chưa nhập tâm được khi còn ở bên xứ, với hệ thống giáo dục thoát thân từ Khổng, Mạnh, trong một xã hội với những tiêu chuẩn luân lý gia đình ngàn năm không thay đổi, và gần đây mới chậm chạp chuyển mình theo đà văn minh vật chất.

Bà Lâm có nói với bác sĩ Nguyễn là cả chồng lẫn con trai cùng có tính lì lợm, đã làm việc gì là quyết tâm thực hiện bằng được. Sự xung khắc giữa hai cha con tiềm tàng từ lâu và bùng xuất phát ở môi trường thuận tiện nơi xứ Mỹ này. Ông Lâm trưởng thành ở một xã hội, gia đình có trật tự ổn định với thói quen dồn nén những đòi hỏi cá nhân bên lề; nhưng Hùng ở một thế hệ khác, cởi mở hơn, thành thật hơn với khuynh hướng phát triển nhu cầu tìm hiểu nội tại chân chính và thực hiện nảy nở những cần thiết tâm linh cũng như vật chất cá nhân. Cả cha lẫn con, người nào cũng có lý của người đó, nhưng chưa dung hoà, hội nhập được quan điểm, thế xử sự nên đi tới tan vỡ ý thức gia đình. Chấp thức cá nhân hiện tại là căn bản phát triển năng lực con người đối với Hùng, nhưng lại là một sa đọa tinh thần cũng như thực tế, dựa trên sự phá sản xã hội mà nền tảng là gia đình, và ích kỷ, tập trung mọi quyền lợi vào cá nhân, không lý gì tới gia đình với đời sống chung lành mạnh, xây dựng đối với ông Lâm.

Và ông Lâm quyết định không có người con, Hùng, trong đời sống nữa. Cả gia đình cùng đau khổ về thảm trạng nghiệt ngã này.

Tiếng Cường bỗng lên giọng, nhắc lại lời Hùng, kéo bác sĩ Nguyễn ra khỏi những suy tư và quan sát ông Lâm.

Thưa bố, con thành thật xin lỗi bố, lời chót của con trước khi lìa đời, vì con tự biết không còn sống được bao lâu. Con cám ơn bố về sự hiện diện ngày hôm nay cho con được thấy bố trước khi nhắm mắt vĩnh viễn, người mà con luôn kính trọng và thương yêu. Con xin lỗi bố không phải về những gì con đã làm không phù hợp với ý muốn của bố. Con là Hùng, đã trưởng thành và chịu trách nhiệm hoàn toàn cho đời con, nên hay không nên là vấn đề may rủi khác, vì con ý thức những hành vì và thái độ của con theo như ý con muốn. Ý nhạc và khuynh hướng đồng tính luyến ái là sở thích tiềm tàng nơi con và đáp ứng nhu cầu cá nhân của con, không liên quan tới ai ngoài con. Con mong bố hiểu con và nhận lời xin lỗi trang trọng của con, không phải vì chuyện con đã đích thân gây nên, mà vì con không thực hiện được, ngoài ý muốn, những ước vọng bố đặt nơi con.

Nói xong, Hùng cúi mặt xuống thở dốc, mệt mỏi khi tập trung can đảm, hy sinh, nhẫn nhục và lòng thương, phát biểu những khúc mắc tâm tình bao lâu mòn mỏi chia cách cha con.
Bà Lâm lại níu tay chồng thầm thì:

- Mình! Nghĩa tử là nghĩa tận.

Cả gia đình cũng như nhân viên nhà thương nhìn dồn về ông Lâm, chờ ông tỏ thái độ. Im lặng. Thời gian như dài kinh khủng.
Ông Lâm bỗng quay lại, mắt ngấn lệ, nhìn Hùng cúi đầu thiểu não. Bà Lâm kéo chồng lại gần xe lăn tay. Ông Lâm đặt tay lên vai Hùng, nghẹn ngào.

Hùng con!

Bác sĩ Nguyễn đưa mắt nhìn các đồng nghiệp cũng như nhân viên điều dưỡng âm thầm rút khỏi phòng hội, để cho gia đình ông Lâm hàn huyên đoàn tụ.
Y công Victor, trước khi rời phòng, bấm nút máy hát theo như lời yêu cầu từ trước của Hùng. Nhạc bản Biệt Ly vang lên với tiếng vĩ cầm rên rỉ, thiết tha, réo rắt, ray rứt, sầu thảm bao la, thu hút hồn người nghe, bài nhạc mà Hùng đã trút hồn dồn hết tâm tư và tài nghệ tuyệt hảo để tặng Ngọc, người yêu muôn đời.


Tam Thanh



----------
Nguồn: VĂN, số 93, tháng 3/1990
























No comments:

Post a Comment