Friday, February 26, 2016

SƠ HỌC TIỂU HỌC




                                                                                 NGUYỄN  TẤN  HƯNG





Có ai hỏi tôi sinh năm nào, tôi thường trả lời tôi sinh ra vào năm cuối cùng của thế chiến thứ hai. Ai cũng hiểu năm này là năm gì. Tôi thấy vui vui mỗi lần nghĩ đến ngày sinh của mình. Sau này tôi mới biết tôi sinh ra nhằm ngày VE Day, Victory in Europe, ngày Hitler đầu hàng Đồng Minh.
Tôi sinh ra vào thời điểm miền Nam Việt Nam còn chia làm hai mươi mốt tỉnh đẹp như bài thơ :

Gia Châu Hà Rạch Trà
Sa Bến Long Tân Sóc
Thủ Tây Biên Mỹ Bà
Chợ Vĩnh Gò Cần Bạc, Cấp.

Gia (Định) - Châu (Đốc) - Hà (Tiên) - Rạch (Giá) - Trà (Vinh) -
Sa (Đéc) - Bến (Tre) - Long (Biên) -Tân (An) - Sóc (Trăng)
Thủ (Dầu Một) - Tây (Ninh) - Biên (Hoà) - Mỹ ( Tho ) - Bà (Rịa)
Chợ (Lớn) - Vĩnh (Long) - Gò (Công) - Cần (Thơ) - Bạc (Liêu) - và Cap Saint Jacques  tức Vũng Tàu.

Sau này thì nhiều tỉnh đổi thành quận, nhiều tỉnh bị đổi tên, xoá tên khỏi bản đồ và cũng có nhiều tỉnh mới mọc lên. Thoạt đầu nghe không hợp tai, Thủ Dầu Một ra Bình Dương, Bến Tre ra Kiến Hoà, Mỹ Tho ra Định Tường...nhưng nghe riết rồi cũng quen.
Tỉnh Mỹ Tho của tôi xưa nay vẫn là một tỉnh lớn và cũng là tỉnh duy nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có đường xe lửa đi Sài Gòn. Có cái hay ở chỗ đó mà rồi cũng bị gở đi.

Di tích cổ nhất, một công trình kiến trúc đẹp nhất có lẽ là chùa Vĩnh Tràng xây cất vào khoảng năm 1840, thời vua Minh Mạng. Chỉ có vậy thôi. Những khu vực khác như Vườn Lài, Chợ Cũ, Bến Tắm Ngựa, chùa Chà Dà, Cầu Quay, Bến đò Ty Công An, Chùa Phật Ấn, Nhà Thờ Lớn, Battambang, Đài Chiến Sĩ, Lò Heo, Cây Xăng, Cầu Bắc, Đất Thánh Tây, Bót Số Tám, Bến Xe Mới, Bến Xe Cũ, Vòng Nhỏ, Vòng Lớn...cũng không có gì đặc biệt.

Họa chăng là hai cái giếng nước. Đúng vậy, không có thành phố nào ở miền Nam mà có một giếng nước lớn như vậy. Giếng nước này chắc cũng được đào lâu đời rồi, dùng để chứa nước ngọt cho cả thành phố trong mùa gió Nam, nước biển chảy ngược dòng Cửu Long, vào tận đây.
Trường trung học Nguyễn Đình Chiểu có lẽ chỉ đứng sau trường Bưởi Hà Nội và trường Petrus Ký Sài Gòn về phương diện thâm niên.
Rồi sau này Cồn Phụng của ông Đạo Dừa cũng ...ghi lại nhiều kỷ niệm.

Tỉnh Mỹ Tho có năm quận : Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Bến Tranh và Chợ Gạo. Trong số năm quận, quận Chợ Gạo có lẽ là quận nhỏ nhứt, nghèo nhứt. Nhìn cái nhà lồng chợ thì đủ biết rồi, chỉ lớn bằng hai cái đình thôi. Tỉnh nằm dọc theo sông Tiền Giang, hình như càng xa ra biển dân cư càng nghèo. Con gái lấy chồng về miệt dưới thì bị chê, lấy chồng đi lên chứ ai lấy chồng đi xuống. Mình lỡ sinh ra trong vùng này thì cũng mắc tội lây.

Vác nghèo mà đổ lên non
Cong lưng mà chạy nghèo còn theo sau

Nhưng có lẽ nhờ cái nghèo mà học trò vùng này lại có tiếng học giỏi. Cho đến vùng giáp ranh với tỉnh Gò Công, vùng Chợ Dinh, Hoà Đồng mới thấy dân cư đông đúc, đời sống trù phú. Phần lớn bà con bên ngoại tôi ở vùng này.

Đố anh con rít mấy chân
Cầu Ô mấy nhịp chợ Dinh mấy người
Mấy người bán áo con trai
Chợ trong bán chỉ chợ ngoài bán kim

Cầu Ô  kêu là Cầu Sập, trên đường về phía Đông Sơn.

Quận Chợ Gạo được chia làm năm xã : Hoà Định, Bình Phan, Bình Phục Nhứt, Bình Phục Nhì, và An Thanh Thuỷ. Ngoại trừ An Thanh Thuỷ giáp ranh với tỉnh Bến Tre, còn bốn xã kia đều có dính phần vào con kinh Chợ Gạo nối liền sông Cửu Long và sông Lòng Tảo qua kênh Nước Mặn.
Nói đến kinh Chợ Gạo thì người ta nghĩ ngay đến phà Chợ Gạo, loại phà kéo tay, gây trở ngại lưu thông cả hai đường , đường thủy lẫn đường bộ.
Mỗi lần tàu tới, phải xả dây cáp chìm xuống cho tàu qua, tàu không thắng gấp được nên tàu có quyền ưu tiên. Tàu xúp lê báo động từ đàng xa khi tới khu vực này, và nhân công kéo phà phải nhắm chừng vận tốc của tàu mà làm việc.

Sau này có cầu Chợ Gạo, công binh Mỹ xây cất, cầu thật cao tàu ghe qua lại khỏi cần phải hạ cột buồm. Hai bên bến phà cho đến bây giờ vẫn còn hai cây cột dây thép và đồn binh của Tây để lại. Dọc hai bên bờ kinh Tây cũng làm lộ lớn lót bằng đá ong hoặc đá đỏ cho xe chạy. Đến thời chiến tranh thì lộ bị cắt, cầu bị sập, dần dần con đường lớn biến thành đường mòn, nhiều đoạn mất hút trong rừng cây.

Tôi sinh ra ở xã Bình Phục Nhứt. Muốn tới xã chỉ có hai đường. Đường thuỷ bằng kinh Chợ Gạo, đường bộ bằng con lộ đá đỏ xuất phát từ tỉnh lộ 35, Mỹ Tho - Gò Công. Còn con đường dọc theo bờ kinh thì mất an ninh .
Đi khoảng nửa đường lộ đá đỏ thì có hai toà nhà đồ sộ, nhà có hồ tắm trên sân thượng. Lầu Cô Tám Cô Chín. Cô Tám cô Chín có chồng Tây, đã về Tây mấy đời rồi nên nay lầu bỏ hoang, chỉ là chỗ nghỉ chân của mấy đứa chăn trâu. Mỗi lần bao xe ngựa về quê, thập niên 50, qua ngang đây tôi cũng thấy bùi ngùi.

Tôi không biết ba má tôi di chuyển về xã Bình Phan trong năm nào. Chỉ biết rằng ông nội tôi muốn ba tôi nối nghiệp ông làm nghề "trại cây" . Trại cây của ba tôi cất tại cầu Sắt, cách chợ quận khoảng một cây số. Phi thương bất phú. Lúc ba tôi về trại thì cô dượng tôi cũng dọn về chợ quận cất nhà mở tiệm trên miếng đất ba tôi vừa mới sang. Sau này không ngờ cửa tiệm của cô dượng tôi phát đạt nhanh chóng và trở thành cửa tiệm lớn nhất trong chợ quận. Lầu lên hai ba từng.
Ba tôi không giàu được vì ba tôi bán chịu nhiều quá. Bán chịu khắp cả làng khắp cả quận. Tối ngày đi bỏ công đi đòi nợ mà hết thì giờ. Rồi dần dần bị kẹt vốn không phát triển được. Nhiều trại cưa máy nổi lên, trại mình còn cưa tay thì làm sao mà cạnh tranh được. Tuy vậy chỗ làm ăn lâu cũng có cái tình, bà con trong xã cũng còn lui tới trại ba tôi nên chúng tôi mới được sống qua ngày.

Mỗi lần "kiến súc" từ Sài Gòn về bến cũng vui lắm. Chòm xóm đến phụ ba tôi rã bè cho cây chìm xuống sông đúng vị trí để khỏi bị trôi. Xong việc rồi nhậu nhẹt, tiệc tùng. Lúc kéo "súc" lên đà để rã "tào phó" cũng vậy. Người ta dùng dây xiềng bự cỡ, một đầu cột vào súc, một đầu cột vào bá lăng có hai lổ to để xỏ hai cây đòn, rồi quay lên vòng vòng theo kiểu dùng trâu đạp rạ.
Mỗi lần rã tào phò mà cây đặc thì ba tôi mừng lắm, thấy có lời, còn cây bọng thì may ra huề vốn. Làm nghề cây tài nghệ duy nhất là phải biết lựa cây, nhiều cây bên ngoài lổ hang mà bên trong đặc như sáp, trái lại nhiều cây bên ngoài trông lành lẽ mà bên trong dập nát không chừng. Cây có lổ có hang thì được mua với giá rẻ cũng dễ kiếm lời.
Ba tôi tính tiền bằng "bàn toán" lắc cắc thì lẹ lắm, lẹ hơn là làm trên giấy nhiều. Làm trên giấy ông phải đọc lại cửu chương chữ nho của ông, mỗi lần ông viết ra một con số. Tôi nghe riết rồi cũng thuộc chút ít, mà nó cũng có vần.

Cửu cửu bát nhất
Bát cửu thất nhì
Thất cửu lục tam
Lục cửu ngũ tứ
Đâu khác gì ...chín lần chín...tám mốt, chín lần tám...bảy hai.

Nghề cây của ba tôi ngày càng xuống dốc, bán chịu đòi chưa hết thì đến lúc ông bắt đầu mua chịu ở Sài Gòn. Mỗi lần họ xuống đòi nợ, cơm nước đãi đằng cũng mệt thở không ra hơi. Lẽ dĩ nhiên cũng phải quơ quào đâu đó chút đỉnh mà trả, cho họ vui lòng ra về chứ có khi nào trả hết một lần.

Đó là những năm tôi học sơ học. Trường học xéo xéo với nhà tôi bên kia sông, sông Tham Thu, một nhánh sông lớn chảy vào kinh Chợ Gạo. Thật ra đây là nhà của ông Hội Đồng Lượng, một trong nhiều nhà nghỉ mát của ông ta. Nhà nền đúc cất theo kiểu Tây cao ráo mát mẻ. Mỗi ngày ba tôi lấy xuồng đưa tôi sang sông và rước tôi về. Trong cái cặp bện bằng giấy dầu của tôi có lẽ chỉ có cuốn vần ABC. Qua năm sau ông Hội Đồng lấy lại nhà, và trường sơ học dời lên chợ quận, nhập chung với trường tiểu học. Dinh cũ của ông huyện lấy làm trường, quận gì mà nghèo quá. Tôi bắt đầu theo anh chị tôi chạy bộ đến trường mỗi ngày, một cây số đi một cây số về. Tôi phải chạy mới kịp người lớn đi bộ, và tôi cũng bắt đầu ôm cặp đệm có hai ngăn hẳn hòi như người lớn.

Mấy trường sơ học lần lần đóng cửa, tập trung về trường quận. Học sinh càng ngày càng đông. Giờ ra  chơi có cà rem cây, có kẹo kéo quay số, có nước đá bào xi rô...một cắc, hai cắc cũng đủ xài.
Khi lớn lên, mỗi lần trở về qua mái trường xưa cũ như còn thấy bóng dáng thầy Bảy già, thầy Tám Chương, Chín Chương, thầy Hoàng...và cả anh Tư Cà Rem. Nhớ mấy lần bị đòn, bị khẻ tay, nhớ lần chơi u đánh lộn, nhớ những đêm trăng thu rước cộ đèn, có phát bánh, có đấu xảo...

Trở lại vấn đề làm ăn của ba tôi, ngoài việc làm cây ba má tôi còn phải lo cày cấy năm mẫu ruộng của ông nội tôi ở dưới bờ lộ mé ông chủ Hoàng đi vô sân đá banh. Khỏi sân đá banh thì đến khu rừng cây điệp rồi mới đến ruộng. Vùng Cây Điệp này nỗi tiếng là linh thiêng. Nghe đồn dưới gốc cây điệp là hang cọp, ma hiện hồn thành cọp nhảy ra ăn thịt người, xương xóc đầy hang. Thật ra đây là một nghĩa địa của những người chết không chỗ chôn. Chỉ kẹt mỗi lần ra ruộng thì phải đi qua những đường mòn len lỏi trong khu rừng này, nhất là đi ban đêm, thêm trời mưa rỉ rả. Ngọn đèn lồng chưa đủ soi sáng lấy mình làm sao soi sáng cỏ cây. Tay bắt ấn mà lòng run lập cập. Đi đoạn giữa thì đỡ, sợ nhất là đi sau chót. Hình như đâu đâu cũng có oan hồn, chết oan chết uổng, chết bắn chết trận, chết tức tưởi...không giải thoát được, lẩn quẩn quấn quít với nấm mồ như đã lạng của mình trong dập vùi lãng quên.

Ba tôi dần dần thu gọn nghề cây không làm lớn nữa, trở về Bình Phục Nhứt xây nhà máy xay lúa. Ông mua lại nhà máy của một người bạn trên bến phà, gỡ ra, chở về, rồi ráp lại. Lúc đầu làm ăn được lắm, dân trong vùng không còn chở lúa qua nhà máy Quơn Long nữa. Nhưng ba tôi vẫn bận tâm về vấn đề...của một nơi người một ngã. Ông phải đi đi về về, giao việc cho người quản lý lâu lâu xuống thăm một lần. Hình như ông có linh tính việc xay lúa lấy tiền này cũng có ngày thất bại. Ông kể lại đêm đó, ông nằm chiêm bao thấy một con sâu rọm thật to không hiểu từ đâu xuất hiện trên mặt bàn, rồi bắt đầu bò đến chân bàn, bò lên bong bóng, bong bóng nổ tiêu tan. Sáng ngày có người đến báo tin bánh trớn nhà máy bể, phang vào cột nhà, sập một phía, nhiều người bị thương.
Đầu máy loại xưa có hai bánh trớn hai bên, bể một cái, không cân bằng, không chạy được. Hàn lại không được, nó sẽ bể nữa. Tiền mất tật mang. Mua cái mới, mô đen cũ không còn bán nữa. Đành bán sắt vụn. Quả thật rốt cuộc rồi ba tôi bán sắt vụn cái nhà máy đó.

Thất bại vụ nhà máy xay lúa, ba tôi đổi nghề lần nữa. Biến trại cây thành trại mộc và trại hòm. Ông không còn đi kiến súc, bè cây bằng đường thủy nữa mà mua cây và cưa tại chỗ rồi chở về bằng đường bộ. Trừ khi có người đặt nguyên một cái nhà hay ít ra, vài bộ cột, vài bộ đòn tay, thì ba tôi mới làm một chuyến kha khá. Còn phần lớn, cây mua về dùng để đóng giường, bàn tủ ghế, divan, sóng chén...
Năm mười ông thợ làm trong trại cũng vui đáo để. Nhiều người ở xa, ăn ngủ lại trại, năm ba ngày mới về thăm nhà một lần. Ban đêm họ uống nước trà trò chuyện, nói chuyện tiếu lâm :
Má ơi con muốn lấy anh thợ bào
Anh khom lưng anh đẩy cái nào cũng sâu.
Có người ngâm thơ, thơ Lục Vân Tiên, có người thổi kèn...kèn ...đám ma.

Không hiểu mấy ông thợ mộc này ếm đối ra sao, mà có lần ba tôi bị bác Chín Trâu cự nự một phát dữ tợn :
Anh nghĩ coi, nó ếm cái gì mà thằng nhỏ tui đêm nào ngủ cũng đái dầm. Giường tôi đặt anh là giường phòng mà, nó ếm vậy thì làm sao thằng nhỏ ăn ở với vợ con nó được.
Đây là lần đầu tiên có vụ đái dầm, nói riết rồi ba tôi cũng phải đổi cho ông cái giường khác.
Có người phân trần :
Cái giường mua của anh kỳ thiệt, ngủ sáng dậy không biết đường ra, ai ngờ cái cửa mùng bên này mà cứ vạch vạch phía bên kia.
Lại có người phân trần :
Từ ngày lấy cái giường của anh về, con vợ tui ngủ nó cứ quay mặt vào vách.

Đặc biệt có ông thợ chuyên môn làm nắp hòm. Nghề của ổng là đẻo cây, dạt cây, với cái rìu có cánh chuồn dài như cán rìu. Đẻo làm sao cho tròn, cho trơn tru, cho ăn khớp với khuôn hòm. Không phải chuyện dễ. Nắp hòm đàn ông thì mô hơn nắp hòm đàn bà, phải đẻo cho đúng kiểu, đúng cách. Tiền công của ổng cao gấp đôi mấy người thợ khác. Vậy mà ông cứ đòi đi, nhưng không tìm được ai thay thế.
Đêm nào ngoài trại hòm nghe tiếng cây vặn mình kẽo kẹt, là sáng hôm sau có người đến mua hòm. Có người qua đời.
Đêm nào ba tôi cũng đốt nhang ở " Bàn thờ Tiên Sư " . Không hiểu ông vái cái gì, ông có chịu vái...bán được...nhiều hòm hay không.

Cho đến lúc má tôi mở tiệm hàng xén thì trại mộc, trại hòm của ba tôi cũng sắp sửa dẹp.
Lúc đầu má tôi chỉ định bán nước mắm dầu lửa qua ngày. Nhưng cũng may tiệm hàng xén càng ngày càng phát. Công việc của ba tôi bây giờ chỉ là đứng ra lo việc bổ đồ, sổ sách phụ má tôi và việc cày cấy ruộng nương. Mùa bán tết năm đó cũng rầm rộ. Bánh, mứt, thèo lèo...chưng đầy kệ. Có hoa mai dưa hấu, có pháo, có lì xì...
Nhưng rồi...mấy tiệm lớn mở ra ngoài đầu cầu giựt mối. Tiệm của má tôi như thụt vào trong không thuận đường buôn bán. Tiệm càng ngày càng ế, kệ càng ngày càng trống. Ông làm không xong, đến phiên bà rồi cũng thất bại.

Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê.

Tiếc rẻ chiếc ghe lù mục lần trong ụ, ba tôi quyết định trở lại nghề cây. Nhất định lần này làm lớn chớ không làm nhỏ. Chiếc ghe lù, chiếc ghe trông như cái hộp dùng để bè cây, chiếc ghe chỉ cần trọng tải mà không cần gì hình dáng bề ngoài. Phải, phải xài nó trở lại. Và ba tôi đã "đợ" ruộng, giao ruộng cho người khác làm, để lấy vốn mở đầu một màn phiêu lưu mới.

Đó cũng là năm tôi bắt đầu xa nhà, lên tỉnh theo học ban trung học.



Nguyễn  Tấn  Hưng

------
Nguồn: VĂN
Số 60, tháng 6-1987



No comments:

Post a Comment