Tuesday, February 23, 2016

BỨC HOẠ THU SƠN



                                                              AKUTAGAWA RYÙNOSUKÉ
                   
                                                              Nguyễn văn Sâm     dịch


Akutagawa Ryùnosuké  (1892-1927) thiếu thời theo học ở Đại học Tokyo, năm 1915 khi truyện ngắn "Rashoma" của ông đăng trên một tạp chí sinh viên được sự chú ý của đông đảo những người có thế giá về văn chương thì ông quyết định theo đuổi việc viết lách. Hầu hết tác phẩm của ông viết lại những truyện xưa cấu trúc theo cái nhìn hài hước của sự mẫn tiệm mới, thế kỷ 20.
Bản chất khó phù hợp với cuộc sống, năm 1927 ông tự sát bởi vì cảm thấy có một sự "khó chịu mơ hồ, khó diễn tả", để lại độ 150 truyện ngắn.
Truyện " Bức họa Thu Sơn" dưới đây là một loại truyện ngụ ngôn nói về tính chất khó nắm bắt được chân xác cái Mỹ. Cái Mỹ tự nó đã huyền ảo lại còn thay đổi theo tâm trạng của người thưởng thức.
Ngụ ngôn, tỉ dụ, tượng trưng là loại truyện được dựng nên để diễn tả dễ dàng hơn về một vấn đề trừu tượng, vốn được sử dụng nhiều ở Á Đông.



Nhân nói đến họa sư Đại Trì, dám hỏi tôn ông đã từng xem qua bức họa "Thu Sơn" của ông ta chưa vậy ?
Một tối họa sĩ Uông Sử Khố, nhân lúc viếng bạn, Vân Nam Thiên tiên sinh đã hỏi như thế.
Chưa, kẻ hèn này chưa được hân hạnh đó, còn tôn ông ?
Trong khi Vân Nam Thiên đáp lời, hình ảnh hai bức tranh nổi tiếng của Đại Trì, bức "Vui Xuân" và "Bãi Cát"  hiện ra trước mắt ông.
Uống Sử Khố đáp:
Thưa...khó nói lắm, tại hạ cũng không biết mình đã có cái hân hạnh đó chưa. Thật ra...
Chủ nhân ngạc nhiên nhìn khách :
Tôn ông lại không biết mình đã từng xem chưa sao ? Tôn ông muốn nói đã từng xem một bản mô phỏng bức tranh đó ?
Không, không phải bản mô phỏng. Tại hạ đã xem bản chính đấy chứ. Không phải chỉ một mình tại hạ xem đâu thôi. Chính hai đại phê bình gia về hội họa là Diên Khánh và Liên Châu cũng đã từng bị lôi cuốn vào câu chuyện bức Thu Sơn này nữa.
Uống Sử Khố hớp một ngụm trà, mĩm cười nghĩ ngợi :
Không biết câu chuyện có làm bẩn tai tôn ông không ?
Vân Nam Thiên cúi đầu lễ phép đáp :
Trái lại, kẻ hèn này rất hân hạnh ! Đoạn khơi tim ngọn đèn Hoa Kỳ trước mặt.
Vào lúc đó (họa sĩ Uông Sử Khố bắt đầu) lão họa sư Diễn Tái-vẫn còn tại thế- Một tối, trong khi đàm luận hội họa với họa sư Diên Khách, Ngài hỏi ông này đã từng xem qua bức họa Thu Sơn của Đại Trì chưa. Tôn ông biết đó, họa sư Diên Khách hằng say mê nghiên cứu họa phẩm của Đại Trì, hầu như chẳng bức nào của Đại Trì lọt khỏi mắt ông, nhưng lại chưa từng thấy bức Thu Sơn, đã ngượng nghịu đáp :
Thưa, tiểu sinh chưa từng được hân hạnh và cũng chưa hề nghe nói về sự hiện hữu của bức họa này.
Lão họa sư Diễn Tái từ tốn :
Nếu vậy, các hạ chớ bỏ lỡ dịp đầu tiên nếu được xem. Về phương diện nghệ thuật nó còn tuyệt hơn cả bức "Núi Hè" hay bức "Bão tố Lang Thang" . Thật ra ta cũng không thể quả quyết đó có phải là tối đại tuyệt phẩm của ông ta không nữa.
Tuyệt đến thế sao ? Thế nào tại hạ cũng phải tìm xem mới được. Xin lão tôn sư cho biết ai hân hạnh được làm chủ nó vậy ?
Trương tiên sinh ở Nhuận Thành, nếu các hạ có dịp đến viếng đền Kim Sơn hãy xin phép Trương tiên sinh để xem mới được. Xin gởi các hạ một phong thư giới thiệu.

Nhận thư, Diên Khách lập tức chuẩn bị hành trang đi Nhuận Thành. Gia cư trân tàng danh họa vô giá như vậy chắc chắn sẽ còn rất nhiều họa phẩm quý giá khác thuộc những thời đại hội họa khác nhau. Nghĩ vậy, Diên Khách cảm thấy phấn khích khi sửa soạn đăng trình.

Đến Nhuận Thành, trái lại ông vô cùng ngạc nhiên. Ốc thự họ Trưong kiến trúc đồ sộ nhưng đã đổ nát, điêu tàn. Dây leo giăng đầy vách, cỏ dại mọc ngập vườn. Khách đến, gà vịt, gia cầm trố mắt ngó. Trong khoảnh khắc nỗi hoài nghi về lời dạy của vị lão họa sư Viễn Tái nẩy vào trí, ông tự hỏi sao bức tranh của Đại Trì lại có thể lọt vào một ngôi nhà như thế. Gia nhân ra chào, thư giới thiệu được trao với lời giải thích khách từ xa đến mong mỏi được chiêm ngưỡng bức họa Thu Sơn.
Bước vào đại sảnh, bên trong dầu bàn ghế, trường kỷ bằng danh mộc bạch đàn bày biện ngăn nắp, mùi ẩm mốc vẫn thấp thoáng mọi nơi, không khí hoang phế ngự trị cả trên mái ngói.
Chủ nhân xuất hiện, mãnh khảnh nhưng thanh nhã, bạch diện xanh xao, thủ túc thanh tú, tỏ ra thuộc dòng quý tộc trâm anh. Sau khi vắn tắt giới thiệu, khách đã vội vàng nói ý mình, hấp tấp như ngại để lâu bức họa sẽ khói sương tan biến.
Trương tiên sinh đồng ý tức thời không chút ngần ngại, ra lệnh treo tranh trên tường trống của đại sảnh.
Thưa, đây bức họa Thu Sơn tôn ông nói đến.

Với thoáng nhìn đầu, họa sư Diên Khách đã buộc miệng thán phục. Một màu xanh đậm ngự trị toàn thể bức tranh. Từ viền này đến viền kia, một dòng sông uốn khúc, nhiều nhịp cầu bắt ngang ở những thôn ở hai bên bờ. Một ngọn núi lớn sừng sững trong rặng núi dài, phía trước treo lơ lửng vài cụm mây thu. Núi đồi một màu xanh mát như mưa vừa mới tẩy đi lớp ô uế bợn nhơ, một nét đẹp thần bí tỏa ra trên những lá vàng từ mấy bụi rậm rải rác trên sườn đồi. Đây không là họa phẩm thông thường ta thường thấy mà là một bức họa về cả hai mặt bố cục và màu sắc đã đến tuyệt đỉnh hoàn hảo. Một tác phẩm của thiên tài nghệ thuật với cảm quan cổ điển về cái đẹp.
Trương tiên sinh nhìn khách mĩm cười :
Dám xin họa sư cho biết tôn ý.
Ồ ! Phẩm chất siêu phàm. Diên Khách ca tụng trong khi vẫn kính cẩn nhìn bức họa. Những lời ca tụng vô vàn của lão họa sư Viễn Tái vẫn chưa thấm vào đâu. So với bức họa này, tất cả những bức tại hạ từng xem qua đều trở thành cỏ rác hết.
Thật vậy sao ? Họa sư nghĩ nó tuyệt tác đến như vậy à ?
Diên Khách quay lại nhìn chủ nhân ngạc nhiên :
Ngài nghi ngờ giá trị nó sao ?
Thưa không, không. Tại hạ quyết không nghi ngờ gì cả. Chủ nhân đỏ mặt ngập ngừng bối rối như một thư sinh trẻ. Vẫn rụt rè nhìn bức họa, ông giải bày :
Chẳng là mỗi khi ngắm bức họa, tại hạ đều có cảm giác đang nằm mộng, mặc dầu mắt vẫn mở to. Từ lâu, vẫn nghĩ rằng chỉ mình cảm nhận vẻ đẹp này thôi, vẻ đẹp nhiều hấp lực hơn thế giới thực tại ngoài đời. Những điều họa sư vừa dạy khiến trở về những cảm thức lạ lùng đó.
Tuy nhiên họa sư Diên Khách không chú trọng gì đến những giải bày rõ ràng có tính chất biện hộ này. Ông đã bị bức họa thu hút, câu nói vừa rồi đối với ông chỉ như chủ nhân nhằm mục tiêu  che đậy khuyết điểm trong khi đàm luận.
Chập sau Diên Khách rời ngôi nhà hoang phế nọ.

Sau khi uống thêm tuần trà, họa sĩ Uông Sử Khố tiếp :
Mấy tuần trôi qua, hình ảnh sống động của bức họa vẫn in ràng ràng trong trí não ông. Bây giờ sau khi đã xem tuyệt phẩm của Đại Trì, ông thấy mình sẵn sàng đổi bất cứ những gì đang có để được nó. Là một sưu tập gia kỳ cựu, ông nhận chân rằng không một tuyệt phẩm nào đang treo ở nhà ông - kể cả bức Mãn Thiên Vũ Tuyết của Lý Anh Cửu ông từng trả năm trăm lượng bạc - có thể so sánh được với bức họa tuyệt thế "Thu Sơn".
Trong thời gian lưu ngụ Nhuận Thành, ông cho người thường xuyên đến ốc thự họ Trương điều đình mua bức họa. Bao nhiêu đề nghị đều bị khước từ. Người chủ nhân xanh xao nọ luôn lễ phép đáp rằng mặc dầu ông cảm kích sâu đậm việc họa sư thán phục bức họa, mặc dầu ông cũng muốn cho mượn, nhưng xin phép được giữ lại trong lúc này.
Lời từ chối càng tăng thêm lòng ước muốn dũng mãnh của họa sư Diên Khách. Ông nhủ thầm "bức tuyệt phẩm này một ngày nào đó sẽ được treo trong sảnh phòng ta thôi". Tin tưởng như vậy, ông quay về, lòng tạm quên bức họa.
Khoảng một năm sau, nhân dịp viếng Nhuận Thành khác, ông tìm đến ốc thự họ  Trương lần nữa. Cảnh vật vẫn như xưa. Dây leo vẫn bò giăng chằng chịt đầy vách, phủ giậu, vườn vẫn tràn cỏ dại lấp lối. Diên Khách gọi cửa, gia nhân cáo chủ vắng nhà, khẩn khoản xem lại bức tranh bị chối từ rằng không được phép. Van nài mãi gia nhân buộc lòng bế cửa tạ khách.
Buồn rười rượi, ông rời ngôi nhà. Tuyệt phẩm Thu Sơn vẫn nằm trong một gian phòng đổ nát nào đó.

Uông Sử Khố nghỉ một lúc rồi tiếp :
Tất cả những điều vừa trình bày đều do tại hạ nghe được từ chính miệng họa sư Diên Khách.
Vấn Nam Thiên gãi chùm râu trắng :
Nhưng xin thưa, họa sư Diên Khách có thật sự xem được bức họa Thu Sơn không ?
Chính họa sư cho biết là mình đã xem. Xem hay không tại hạ không dám quyết đoán. Xin được phép kể tiếp phần sau, nhiên hậu tôn ông tự mình phán đoán.
Uông Sử Khố tiếp tục câu chuyện với vẻ chăm chú hơn, giờ thì ông đã thôi nhấp nháp trà.


Khi họa sư Diên Khách kể cho tại hạ mọi điều nói trên, gần nửa thế kỷ đã trôi qua từ ngày ông viếng Nhuận Thành. Lão họa sư Diễn Tái khuất núi đã lâu. Ngôi nhà đồ sộ họ Trưong đã truyền sang đến người cháu nội. Không ai biết bức họa dạt trôi về phương trời nào. Không biết có phần quan trọng nào bị rửa mục với thời gian không. Trong khi nói chuyện họa sư Diên Khách mô tả bức tranh kỳ bí này quá sống động, đến nỗi tại hạ gần như bị thuyết phục nên như là thấy nó trước mắt. Không phải các chi tiết trong tranh đã gây cảm xúc nơi họa sư mà chính do cái đẹp mơ hồ huyền ảo của bức tranh như một toàn thể. Qua ngôn từ của ông, cái đẹp đó đã thấm vào tâm não tại hạ, cũng như tâm não của ông ta.

Khoảng một tháng sau ngày hội kiến đó, tại hạ có dịp xuôi Nam gần phía Nhuận Thành. Khi đến tiễn cáo với họa sư, được khuyên nên tìm cách dò la về sự hiện tồn của bức họa : " Nếu Thu Sơn về lại với ánh sáng nhân thế, quả thật vinh hạnh cho nghệ thuật".
Không nói tôn ông cũng biết tại hạ nức lòng muốn xem bức họa đến như thế nào. Nhưng thực tình công việc quá đa đoan nên không tìm được thì giờ ghé ốc thự họ Trương. Trong khi đó ngẫu nhiên phong thanh "Thu Sơn" đã thuộc về một nhà quý tộc nào đó họ Vương. Chẳng là họ Vương nghe chuyện về bức tranh nên đã gửi người đến chúc mừng người cháu đích tôn của Trương tiên sinh. Nghe nói người này đã gởi về cho họ Vương ngoài những thư từ giấy má xưa của gia đình còn có một cái đỉnh trầm dùng trong ngày đại lễ, vật gia bảo lâu đời và một bức họa phù hợp với mô tả về bức họa Thu Sơn của họa sư Đại Trì nữa.
Vui mừng vì được những món quà này, họ Vương đã thiết lập một bữa đại yến cho người cháu của Trương tiên sinh, vinh danh chủ tọa, với trân lương mỹ vị, nhã nhạc, mỹ nữ, thêm được biếu vàng ngàn lượng.
Khi được nghe chuyện này, tại hạ gần như nhảy cỡn lên vui mừng. Nửa thế kỷ trôi qua dường như bức "Thu Sơn" vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, lại còn sắp cho tại hạ dịp chiêm ngưỡng. Tức thì lên đường xem tranh, chỉ kịp lấy theo vài món thiết dụng.
Chuyện hôm đó không thể nào mờ phai trong trí. Buổi chiều đầu hạ, trời trong tĩnh mịch, hoa thược dược khoe sắc trong vườn họ Vương. Gặp chủ nhân, trước khi kịp chào hỏi, tại hạ đã vội cười vui.
Bức họa khiến bỉ nhân náo nức. Lão họa sư Diên Khách tổn phí bao nhiêu tâm huyết mong gặp lại, Bỉ nhân cơ may thỏa chí bình sinh lại chẳng tốn chút công.
Họ Vương ân cần :
Tiên sinh đến thật quả hợp lúc. Tình cờ hôm nay tiện nhân cũng đang mong chờ lão họa sư Diên Khách và phê bình gia danh tiếng Liên Châu. Xin mời vào. Tiên sinh tiên nhập, tiên sinh là người thưởng thức trước tiên.
Tranh được lệnh treo lên tường. Đập mạnh vào mắt tại hạ. Những ngôi làng nhỏ rải rác theo bờ sông, dăm cụm mây trắng lững lờ trên thung lũng, màu xanh nhạt của rặng núi vòi vọi kéo dài đến xa tắp như sự tiếp nối trong những bức tứ bình. Thật vậy, toàn thể cảnh tượng do Đại Trì sáng tạo diễm lệ vô   song, hơn hẳn cảnh tượng ngoài đời. Tim tại hạ đập nhanh hơn khi nhìn kỹ.
Mây đó, sương mù kia, đồi núi nọ, thung lũng này, không thể ngờ chẳng phải do Đại Trì sáng tác. Ai ngoài ông có thể đem nghệ thuật hội họa đến sự toàn mỹ mà mỗi nét cọ đều tạo nên một vật sống đầy sinh khí ? Ai ngoài ông có thể sản xuất được màu sắc có chiều sâu và phong phú đến thế trong khi vẫn che dấu được vết tích cơ giới của nét cọng vạch sơn ?
Nhưng...nhưng tức khắc tại hạ cảm thấy đây không phải là bức mà lão họa sư Diên Khách đã xem từ trước. Không, không, mặc dầu tuyệt hảo đấy nhưng nó không phải, chắc chắn không phải là bức mà lão họa sư Diên Khách đã mô tả với lòng tôn trọng, sùng bái.
Họ Vương và thân hữu bao quanh quan sát nên tại hạ vội vàng tỏ bày lòng thích thú. Dĩ nhiên không muốn chủ nhân nghi ngờ tính chất nguyên tác của vật sở hữu nhưng rõ ràng lời ca tụng đã không toại ý ông ta.
Ngay lúc đó gia nhân trình báo lão họa sư Diên Khách đến. Cách thế ông chào họ Vương, tại hạ cảm nhận nỗi khích động dâng tràn trong lòng ông nhưng liền đó mắt ông dừng lại trên cụm mây dường như đang phất phơ trước mặt hơn là chăm chú trên tranh.
Thưa lão họa sư, xin được lĩnh giáo tôn ý. Tiền nhân vừa được lĩnh ý của họa sư Uông...nhưng...Họ Vương nói, mắt không ngừng quan sát người đối diện. Diên Khách đáp lẹ :
Thưa ngài. Ngài quả thật diễm phúc để sở hữu bức họa này, sự hiện diện của nó sẽ tăng thêm phần lộng lẫy cho những thứ trân châu quý báu trong quý biệt thự.
Mỹ từ của lão họa sư Diên Khách dường như chỉ tạo thêm băn khoăn trong dạ họ Vương. Cũng như tại hạ, ông ta cảm nhận ẩn tàng trong đó vẻ gì đó nói để vừa lòng nhau.
Cả hai chúng tôi được nhẹ tâm phần nào khi phê bình gia danh tiếng Liên Châu  xuất hiện. Sau khi chào chúng tôi, ông ta quay về bức họa, đứng nhìn lặng thinh, nhóp nhép nhai mấy sợi râu dài.
Họ Vương giải thích :
Bức họa, có vẻ như là bức họa mà lão họa sư Diên Khách từng quan kiến năm mươi năm trước đây. Bây giờ tiện nhân mong được bái lĩnh tôn ý. Họ Vương nói thêm và cố gắng điểm nụ cười "những lời vô thiên kiến. Không màu mè ".
Nhà phê bình thở ra, vẫn ngắm nhìn bức tranh, hít vô một hơi thật dài, ông quay lưng sang họ Hoàng nói :
Thưa ngài, có thể nói được là một bức tuyệt phẩm của Đại Trì. Chỉ cần xem người nghệ sĩ đó tô những đám mây này cũng đủ biết. Nét cọ thần kỳ làm sao ! Hãy xem chỏm núi xa xa kia ! Chúng đã đem đến cho toàn thể tác phẩm nét sống thực, sinh động.
Trong khi giải thích, nhà phê bình trỏ vào những chỗ, những điểm trội của bức họa. Không cần nói, vẻ nguôi nguây rồi rạng rỡ, bừng sáng trên gương mặt họ Vương.
Trong lúc đó, tại hạ trao đổi kín đáo những cái nhìn với họa sư Diên Khách.
Thưa họa sư, tại hạ thì thầm, phải thật bức Thu Sơn ?
Lão họa sư lắc đầu nhẹ thật nhẹ, ánh mắt long lanh :
Như huyễn mộng, ông nói như thì thầm. Không hiểu cái lão họ Trương đó có phải là một thứ quỷ ma gì không ?

Đấy, tất cả câu chuyện về bức Thu Sơn như thế đấy. Họa sĩ Uông Sử Khố kết luận sau một lúc lặng thinh, trầm ngâm hớp một ngụm trà. Về sau họ Vương sau khi điều tra tường tận đã đến nhà họ Trương, được hỏi về bức họa, người trẻ tuổi này đã cho rằng mình không từng phong thanh bất cứ một thoại nào khác.
Không thể nói rằng bức Thu Sơn mà lão họa sư Diên Khách từng quan kiến đã được cất dấu một nơi nào đó. Cũng có thể là câu chuyện tạo nên chỉ vì trí nhớ sai lầm của một người tuổi hạc quá cao. Dường như câu chuyện ông ta đến ốc thự Trương tiên sinh để xem bức họa cũng không được căn cứ trên dữ kiện chắc chắn nữa.
Nhưng dù sao, hình ảnh bức họa lạ lùng đó chắc chắn đã khắc sâu trong tâm trí của cả lão họa sư Diên Khách và của tôn ông rồi.
Vâng, họa sĩ Uông Sử Khố đáp. Cho đến lúc này, tại hạ vẫn còn cảm nhận màu xanh đậm của núi đá như lời mô tả. Kể cả những chiếc lá vàng trong các bụi rậm nữa. Chúng như đang hiện ra trước mắt.
Vậy thì ngay cả bức Thu Sơn không có thật đi nữa, cũng đâu có gì đáng tiếc !
Đôi bạn cùng cười và cùng vỗ tay thích thú.




Nguyễn Văn Sâm       dịch



---------------------------------
Nguồn: Văn số 66, tháng 12-1987







No comments:

Post a Comment