Sunday, February 16, 2020

LÃNH TIỀN HƯU Ở MỸ


Nguyễn Tài Ngọc 


Lãnh Tiền Hưu ở Mỹ – Nguyễn Tài Ngọc
1. Social Security:
         Khi còn trẻ, chẳng ai nghĩ đến một ngày đẹp trời theo chu trình tạo hóa, nhan sắc mình sẽ tàn phai như chiếc lá nâu đen đổi từ mầu xanh nhạt khi rụng khỏi cành, sức khỏe suy giảm lên xuống cầu thang thở hồng hộc như vừa leo núi Hy Mã Lạp Sơn, chồng không còn lo sợ lời đe dọa của vợ: “Anh chưa đi tắm thì chưa động phòng” (còn sức anh Vọi đâu mà động đậy phòng?), và nhất là chẳng bao giờ nghĩ đến một ngày về hưu lãnh tiền Social Security (An Sinh Xã Hội). 
         Tôi không còn trẻ nữa, và cái ngày không làm ra tiền phải lãnh tiền hưu Social Security đã đến với tôi âm thầm như kẻ trộm trong đêm. Bẩy năm trước khi hãng sập tiệm, tôi chọn nghỉ luôn thay vì tìm việc làm khác. Bẩy năm sau, nếu không có Tổng Thống Franklin Roosevelt có sáng kiến tạo ra chương trình Social Security vào năm 1935 thì tôi không có rủng rỉnh xu hào trong túi.
         Muốn được lãnh tiền hưu, một người phải làm ít nhất là mười năm. Làm dưới mười năm thì xin lỗi gửi gió cho mây nghìn bay. Social Security tính cứ mỗi 3 tháng làm việc  là “1 credit” (tương tự với $1,490 dollars). Một năm 12 tháng là 4 credits. Phải hội đủ 40 credits, tức là mười năm (40 chia 4), thì mới được lãnh tiền hưu. 
          Người về hưu có thể chọn lãnh tiền trong ba đợt tuổi khác nhau (số tuổi tính từ ngày sinh nhật của mình):
         A. Lãnh đúng tuổi, 67 tuổi (những người sinh từ năm 1960 trở đi): lãnh trọn vẹn 100% tiền hưu Social Security. Những người sinh trước 1960 thì tuổi để lãnh trọn vẹn tiền hưu sớm hơn, 66 tuổi + vài tháng như liệt kê sau đây:   
         1955  –    66 tuổi + 2 tháng
         1956  –    66 tuổi + 4 tháng
         1957  –    66 tuổi + 6 tháng
         1958  –    66 tuổi + 8 tháng 
         1959  –    66 tuổi + 10 tháng
         1960 trở đi   –  67 tuổi 
         Tiền hưu Social Security trọn vẹn lãnh lúc 67 tuổi tối đa là $3,011 dollars/ 1 tháng (Người lãnh phải đóng thuế lợi tức, cho thí dụ trung bình là 12% thì số tiền lãnh về là $2649 dollars/ 1 tháng). 
         B. Lãnh sớm, 62 tuổi: Những ai không muốn đợi đến 67 tuổi thì có thể lãnh sớm, lúc 62 tuổi.  Thế nhưng số tiền lãnh ít tiền hơn, chỉ là 75% của số tiền trọn vẹn nếu lãnh lúc 67 tuổi.
         Tiền hưu Social Security lãnh sớm lúc 62 tuổi tối đa là $2,265 dollars/ 1 tháng. (Người lãnh phải đóng thuế lợi tức, cho thí dụ trung bình là 12% thì số tiền lãnh về là $1993 dollars/ 1 tháng). 
         C. Lãnh lúc 70 tuổi: Ai là giám đốc Tín Nghĩa Ngân Hàng hay chủ vài sạp chợ Cầu Ông Lãnh, quá ư giầu không cần tiền, chỉ muốn lấy tiền lúc mình 70 cái xuân xanh thì sẽ được hưởng thêm 25% hơn tiền lấy lúc 67 tuổi.
         Tiền hưu Social Security lãnh lúc 70 tuổi tối đa là $3,790 dollars /1 tháng (Người lãnh phải đóng thuế lợi tức, cho thí dụ trung bình là 12% thì số tiền lãnh về là $3,335 dollars/ 1 tháng).
         Tiền hưu mỗi tháng liệt kê bên trên là tối đa, không hơn. Người làm cả đời một triệu hay một tỷ dollars cũng chỉ được lãnh tối đa số tiền đó. 
         Năm 2019, tiền Social Security trung bình mỗi tháng chính phủ trả cho một người lãnh tiền hưu ở Mỹ là $1,461 dollars. Nếu trừ 12% thí dụ thuế thì số tiền lãnh về là $1285 dollars/1 tháng.
         (Xem phần 2 bên dưới về tiền trợ cấp SSI cho những người già nghèo không đi làm nhưng vẫn được lãnh tiền già).
         Những năm sau này vì chính mình cũng già, tôi biết nhiều người lãnh tiền hưu Social Security. Thế  nhưng tôi ngây thơ vô số tội như thiếu nữ lần đầu tiên có kinh nguyệt, chẳng biết đích xác bao nhiêu cái xuân già thì được lãnh hưu, và thể thức xin tiền như thế nào.
         Hơn một tháng trước đây tôi vào Internet  tìm “Social Security”, thì hiện ra ngay trang mạng của cơ quan Social Security: https://www.ssa.gov/
         Một người có thể điền đơn xin tiền hưu trên mạng, thế nhưng đằng nào cũng đến văn phòng nên tôi gọi điện thoại xin một buổi hẹn. Cô nhân viên hỏi số Social Security của tôi, ngày sinh tháng đẻ, và rồi cho tôi một buổi hẹn hai tuần sau, nhắc tôi mang theo bốn giấy tờ quan trọng:
         – Thẻ Social Security.
         – Sổ thông hành passport.
         – Chứng chỉ được tuyên thệ vào công dân Mỹ.
         (Tôi mang theo copy check ngân hàng của tôi để họ lấy số trương mục, deposit tiền hưu vào).          
         Hai tuần sau, tôi lái xe đến văn phòng Social Security ở thành phố Thousand Oaks. Thousand Oaks là thành phố nhỏ kế bên với dân số tương tự như Simi Valley, 129,000 người. Chương trình Social Security thuộc về  Liên Bang, không phải của thành phố nên căn building họ mướn ở đây nhìn từ bên ngoài trông có vẻ nghèo nàn.
         Giờ hẹn của tôi là 9 giờ sáng. Tôi đến lúc 9 giờ kém 10. Một bà  nhân viên nói tôi ra ghế ngồi đợi, đúng giờ sẽ có người gọi vì tôi đã có hẹn, không như những người khác đến không hẹn trước. 
         Ra ghế ngồi, tôi có dịp rảo mắt quan sát. Một anh lính ngồi gần ngay cửa ra vào. Khách đến đây toàn là mấy ông bà lão chân yếu tay già. Không ai đến đây để “đến hẹn lại lên” hay “anh khoét tường anh đến thăm em”, thì cần lính gác làm gì tốn tiền nhà nước?
         Diện tích cơ sở này rất chật hẹp. Hai cửa sổ tiếp tân đón khách cách anh lính ngồi độ bốn thước làm tôi liên tưởng đến khu “công an cửa khẩu” tiều tụy ở Moscow. Một khi khách được gọi thì vào quẹo trái, dọc theo hành lang rộng độ hai thước có chừng tám cửa sổ với nhân viên ngồi bên trong, khách ngồi đối diện bên ngoài. Một mảnh kính chắn giữa hai bên như đi thăm tù.
         9 giờ 5 phút, một bà ra gọi tôi vào ngồi ở cửa sổ số 5. Sau khi bà ta hỏi xác nhận tên và số Social Security của tôi, tôi đưa cho bà ta thẻ Social Security, sổ thông hành, và giấy chứng nhận công dân Mỹ. 
         Bà ta hỏi tôi có mang theo giấy khai sinh? Tôi trả lời không. Tôi giải thích là tôi sinh ở Sài Gòn, Việt Nam, nước Mỹ mang tôi sang đây tị nạn. Vào tháng 4 năm 1975 tôi chạy tóe khói vì đồng chí Nguyễn Bắc Kỳ ở nghìn năm văn vật đất Thăng Long vào Sài Gòn muốn xin tí huyết người trong Nam nên tuy rằng “tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”, tôi hối hả bắt kịp chuyến tầu nửa đêm về sáng trực chỉ Thái Bình Dương tìm tự do, không cần biết sống chết,  chỉ mang theo căn cước và thẻ học sinh trong mình, không mang giấy khai sinh nên bây giờ không có để trình cho bà ta xem.
         Bà ta nói thế thì không sao, bảo tôi hát cho gánh cải lương nào mà ca bài ca con cá nó sống vì nước quá hay. Vì đã có sẵn số Social Security của tôi, bà ta đã in ra sẵn vài trang giấy liệt kê tôi đã làm bao nhiêu năm ở nước Mỹ, tiền tôi đóng vào quỹ Social Security mỗi năm là bao nhiêu.
         Sau khi tiếp tục thêm với vài câu hỏi về sở làm cũ của tôi, về tên tuổi, ngày sinh của vợ tôi, về ngày hai chúng tôi lập gia đình, bà ta nói để trả lại thịnh tình chiến sĩ yêu nước của tôi đã đóng tiền vào quỹ Social Security, bây giờ thì chính phủ Mỹ sẽ deposit lại tiền vào trương mục ngân hàng của tôi mỗi tháng $2,150 dollars cho dến khi tôi ngủm củ tỏi. Tiền sẽ được deposit vào trương mục của tôi vào ngày thứ Tư của tuần thứ hai mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 2. Tôi không cần phải làm giấy tờ gì thêm hay trở lại văn phòng Social Security nữa.  
         Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tiếng, tôi đã lo xong việc xin tiền hưu. Thể thức giấy tờ quá nhanh và ngắn gọn. Tôi ra về mà lòng hết sức khâm phục sự làm việc chớp nhoáng, hiệu quả của văn phòng Social Security của Mỹ.
         Đến đây chưa hết chuyện vì chỉ với tiền hưu Social Security, một người không thể nào sống sót với một đời sống bình thường khi về già ở Hoa Kỳ.
         Cho là sẽ phải trả tiền thuế lợi tức 12%, tiền hưu của tôi sẽ bị bớt đi từ $2,150 chỉ còn là $1,892/ 1 tháng. 
         Tiền mướn một căn nhà một phòng ngủ mỗi tháng là $1,800 dollars, hai phòng ngủ là $2,200 dollars ở thành phố Simi Valley tôi cư ngụ. Có lẽ tại các thành phố khác ở miền Nam California tiền mướn nhà cũng tương tự như thế.
         Nếu tiền hưu từ Social Security chỉ là nguồn lợi tức duy nhất, tôi sẽ chết không kịp ngáp vì không đủ để mướn căn nhà một phòng ngủ. Ngay cả nếu tôi mua nhà đã trả dứt nợ thì vẫn còn bao thứ tiền phải trả: Tiền thuế bất động sản, tiền điện, gas, nước, xăng, bảo trì xe hay mua xe mới, TV, Internet, ăn uống, bảo hiểm y tế, … đủ thứ tiền phải trả cho đến chết.
         Vì thế, một người đi làm ở Mỹ thường có thêm hai thứ tiền khác nữa để dành dùng khi về hưu:
         a. 401K:  Tiền của mình bỏ vào quỹ tiết kiệm đầu tư sinh lời. Mỗi năm chính phủ cho người đi làm trích từ tiền lương bỏ một số tiền tối đa cố định – không đánh thuế- vào quỹ 401K. Số tiền tối đa bỏ vào quỹ 401K năm 2020 là $19,500 dollars. Tiền này không đụng đến thì tự nó sẽ sinh lời vì các cơ quan tài chính chuyên môn đầu tư lo cho mình.
         Chỉ khi nào đến năm 59 tuổi rưỡi, khi bắt đầu… già, thì số tiền này mới có thể lấy ra, và phải trả thuế lợi tức trên số tiền lấy (nếu bị thất nghiệp và quyết định về hưu luôn thì 55 tuổi được lấy ra, không bị phạt. Nếu vẫn còn đi làm mà lấy ra trước 59 tuổi rưỡi thì ngoài việc trả thuế, còn phải bị đóng phạt thêm 10%  nữa).
         Trung bình, một người Mỹ đi làm trích 8.8% tiền lương bỏ vào quỹ 401K một năm.
         Các chiến lược gia về kinh tế khuyến khích khi bắt đầu đi làm thì một người nên bỏ tiền tối đa vào quỹ 401K ngay. Nếu một người đi làm lúc 22 tuổi thì 38 năm sau, sau khi năm nào cũng bỏ tiền vào quỹ 401K, vào tuổi 60, số tiền đó sẽ sinh lợi đến một triệu dollars, sống đời thoải mái. 
         Nhưng sự thật thì  trong tam cá nguyệt thứ nhì của năm 2019, số tiền trung bình quỹ 401K của một người đi làm ở Mỹ chỉ là $106,000 dollars. 
         (Số tiền này không có nghĩa lý gì nếu bố mẹ phải trả tiền cho con học đại học 4 năm ở hệ thống UC ở California như UCLA, UCSD, UC Berkeley…. Với lệ phí học+ăn ở vào khoảng $32,000 dollars một năm nhân với 4, bố mẹ phải trả $128,000 dollars cho một đứa con học đại học bốn năm. Ấy là chưa kể sau đó nếu cô cậu muốn học bác sĩ, nha sĩ, luật sư… thì lệ phí học càng khủng khiếp. Tôi biết một cậu học thêm ba năm trường Luật mượn $240,000 dollars. Một cậu học trường Nha, mượn  $400,000 dollars).
         b. Quỹ về hưu riêng (Pension) do hãng mình thiết lập: Chỉ có những hãng xưởng to hay làm công chức cho nhà nước thì mới có quỹ hưu pension thiết lập cho nhân viên. Hãng của tôi nhỏ nên không có quỹ này.
2. SSI:
         Những người tàn tật, nghèo, không đi làm lúc còn trẻ thì khi về già cũng được lãnh tiền, nhưng qua một quỹ riêng gọi là SSI (viết tắt của chữ Supplemental Security Income). SSI nằm trong chương trình của Social Security nên nếu ai muốn nộp đơn xin tiền SSI thì đến văn phòng Social Security.
         Đây là điều kiện để được lãnh tiền SSI:
         – Công dân Mỹ, hay dân tị nạn chính phủ Mỹ cho phép vào Hoa Kỳ, hoặc một vài trường hợp đặc biệt vào Mỹ là thường trú nhân chính thức. 
         – Tàn tật, mù, hay già hơn 65 tuổi. 
         – Tài sản trị giá chỉ có $2,000 dollars. Nếu hai vợ chồng thì là $3,000 (nhà ở và một chiếc xe không kể trong phần tài sản).
         – Làm việc lương rất ít.
         – Không ra ngoài nước Mỹ quá 30 ngày.
         Không như đơn xin tiền hưu Social Security giải quyết nhanh chóng, đơn xin tiền SSI giải quyết rất chậm, từ 3 đến 6 tháng. Thành ra ai cần thì nộp đơn ngay, không nên chậm trễ.
         Chính phủ Liên Bang cung cấp tiền SSI (Federal Benefit Rate) bằng nhau cho mỗi người: $783 dollars/1 tháng. Hai vợ chồng thì được $1,175 dollars/1 tháng. 
         Tiểu bang cũng cung cấp thêm tiền phụ trội SSI gọi là SSP (State Supplemental Payment), nhưng tùy theo tiểu bang mà số tiền cho khác nhau. California cho thêm người độc thân là $160.72 dollars, và hai vợ chồng là $407.14 dollars.
         Như thế, nếu một người nghèo ở California không có lợi tức thì khi đến 65 tuổi,  mỗi tháng sẽ lãnh được số tiền SSI là:
         – Độc thân: $783 (tiền Liên Bang) + $160.72 (tiền Tiểu Bang) = $943.72 dollars/ một người.
         – Vợ chồng: $1,175 (tiền Liên Bang) + $407.14 (tiền Tiểu Bang) = $1,582.14 dollars/ hai vợ chồng. 
——————————————
         Tôi bắt đầu viết bài này vào ngày 24 tháng 1 năm 2020. Nó cũng là ngày trùng hợp vợ tôi xin nghỉ việc vĩnh viễn. Tôi bị nghỉ việc bất đắc dĩ nhưng vợ tôi thì trái lại, nghĩ rằng đi làm suốt đời đã quá đủ, bây giờ đã đến lúc ở nhà ngồi chơi xơi nước hay đi chu du bốn bể như Tề Thiên Đại Thánh trước khi không còn sức khỏe. Và cũng như tôi, nàng xin lãnh tiền hưu non sớm, không đợi đến 67 tuổi. 
         Tôi có hát bài “Tạ Ơn Em” cảm ơn vợ tôi đã gánh gánh nặng tài chính cho tôi ở tuổi xế chiều vài trăm lần cũng không đủ, vì nhờ nàng mà tôi vẫn có bảo hiểm y tế. 
         Lệ phí bảo hiểm y tế ở  Mỹ rất đắt. Tờ Los Angeles Times số ngày 27-Tháng 9-2019 tường trình là theo một thống kê với các hãng xưởng, tiền phí tổn y tế trung bình hãng phải đóng cho một nhân viên có gia đình (chồng+vợ+các con) là $20,000 dollars/một năm. Thường thì chủ trả 75%, nhân viên trả 25%, có nghĩa là chủ trả $15,000 dollars, nhân viên trả $5000 dollars. 
         Do đó mà hầu hết mọi người phải bắt buộc đi làm cho đến 65 tuổi để trả tiền bảo hiểm y tế ít hơn. (Lúc 65 tuổi thì chương trình Medicare, Medi-Cal của chính phủ lo bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người rẻ hơn nhiều).
         Tiền bảo hiểm y tế một năm cho hai vợ chồng ở hãng của vợ tôi là $13,000 dollars, nhưng hãng nàng trả số tiền này cho đến khi chúng tôi 67 tuổi. Vì thế mà nàng mới quyết định về hưu (Hay là nàng giấu không cho tôi biết hãng chỉ bảo kê nàng không có tôi, để đến khi tôi bị bệnh hiểm nghèo không có bảo hiểm không nhà thương nào chữa, tôi sẽ toi sớm?).
         Ngày xưa lấy vợ tôi nghĩ là sẽ lo cho vợ tôi suốt đời. Không ngờ khi về già thì ngược lại, tôi có “quới nhân” – vợ tôi – phò hộ. 
         Tôi phải trả ơn để cho nàng thấy sự cảm tạ sâu đậm của tôi.  Với tiền hưu Social security, mỗi tháng tôi sẽ bao nàng một tô phở và hai ly nước mía.
Nguyễn Tài Ngọc
Tài liệu tham khảo:

No comments:

Post a Comment