Friday, July 12, 2019

SANH NGHỀ



Tam Thanh


Vào giữa tháng sáu, sau mấy cơn mưa sa bão táp ở miền Bắc Texas, thời tiết thủ đô Austin còn bị ảnh hưởng dây dớt, mây xám nặng chình chịch đầy trời, khí hậu ẩm ướt, dính nhớp, như nồm ở Việt Nam. Cây cối đứng lặng dưới ánh sáng nhờ nhợ.
Cảnh vật hiện lên im lìm dưới mắt bác sĩ Nguyễn, qua khung cửa sổ có lưới sắt, ở lầu tư Khu Nội Thương Viện Tâm Trí Austin, những mái nhà bằng phẳng một tầng ẩn hiện giữa những lùm cây xanh rì, rậm rạp. Xa xa cột lớn bằng nhôm đã han rỉ, ở khu đốt rác, uể oải nhả vài sợi khói rách nát, một con bồ câu hoang lông xám bay từ cửa sổ lầu ba lên nóc nhà.
Nguyễn đứng im, tay cầm ly nước trà còn bốc khói mới đun ở microwave, trong văn phòng, sách vở báo chí y khoa bừa bộn trên bàn, trên ghế, dưới sàn. Dọn sạch gọn được ít bữa rồi đâu lại vào đó, vứt các tài liệu y khoa đi thì tiếc mà giữ lại thì không có thì giờ đọc! Nguyễn đã bị Tiểu ban an ninh phòng hỏa nhắc nhở rồi, nhưng chẳng khá hơn. Sau, Nguyễn kêu ban vệ sinh để trong phòng một thùng rác lớn, ai hỏi bảo đang dọn dẹp.
Từ khi nhận chức Trưởng khu y khoa này, gần sáu năm nay, Nguyễn có thói quen, Đông cũng như Hè, tới sớm hơn mười lăm phút trước tám giờ, uống ngụm trà trước khi làm việc. Khoảnh khắc đó là thời gian thơ thới, nhẹ nhàng, êm ả, trầm lặng, thoải mái nhất trong hoạt động hằng ngày, trước khi lao vào cả chuyên môn lẫn hành chánh phức tạp, rắc rối.  
Hôm nay, sáng thứ hai, lòng Nguyễn không bình thản, êm lặng, ngược lại thấy bứt rứt, khó chịu, bực bội. Thường thường Nguyễn ít bận tâm tới những chuyện thị phi, chuyện gì cũng bỏ qua, phá chấp, không lý tới những lời độc địa, rắn rít, thất đức, dựng đứng liên quan tới đời sống cá nhân của người này, người nọ... Nhưng kỳ này Nguyễn thấy buồn, chán nản vô tả cho thế thái nhân tình, cho vợ một người bạn ăn không ngồi rồi đi phao tin bẩn thỉu, đê tiện về gia đình ông. Nguyễn cố làm ngơ nhưng trí óc vẫn bị ám ảnh, tuy bề ngoài cố bình tĩnh khuyên vợ bỏ ngoài tai những chuyện dơ dáy của một tâm hồn quái đản điên khùng.

Dòng ưu tư suy nghĩ của Nguyễn bị cắt đoạn bởi tiếng chuông điện thoại reo.

- Bác sĩ Nguyễn đây.

- Martha, ông thầy.

- Có chuyện gì đó Martha?

- Ông thầy có bận gì không?

- Hiện bây giờ, không.

- Gặp thầy một lát về công việc ở trại bệnh được không?

- Sẵn sàng. Tôi đang ở văn phòng.

- Em lên ngay.

- Ô kê.
     
Dăm phút sau đã có tiếng gõ cửa. Martha, nữ y tá trưởng, tóc ngà, cao ráo dễ nhìn, trong bộ đồ trắng thẳng nếp bước vào tươi tắn, đưa ngay nhận xét:

- Phòng bác sĩ bừa bộn dữ!

- Có ai giúp tôi dọn đâu!

- Martha volunteer.

- Thế thì nhất rồi. Cám ơn. Ngồi đây đi Martha.

- Cám ơn.

- Chuyện gì ở trại vậy?

Martha báo cáo hoạt động ở hai trại bệnh nặng và kinh niên, về thái độ bất thường dẫm chân lên việc người khác của y tá phụ Charles, về bệnh nhân Lory ngồi trên xe lăn tay bị té...
Rồi Martha cười duyên, đập lên tay Nguyễn:

- Ông có biết không, nam bệnh nhân Tom đang ve vãn Lora ở trại khùng mới gởi qua vì nuốt đinh ốc...

- Vậy sao? Martha làm mối hả?

- Ông thầy rỡn hoài! Thân em còn chưa có ai đây kìa! Ở đó mà đi làm mối!

- Tom đó!

Martha nguýt Nguyễn một cái dài rồi ngoe nguẩy đứng lên như giận dỗi:
       
- Xí! Ai mà thèm!

Nguyễn lại gần vỗ vai xin lỗi người y tá về câu đùa lố của mình. Martha quay phắt lại cười giả lả, gục đầu vào vai Nguyễn:

- Hố rồi! Tưởng em giận thật hả?

Trong thoáng giây, Nguyễn muốn ôm thiếu phụ vào tay tỏ lòng thân thiện, nhưng ngưng kịp vì sợ Martha tưởng là hành động lợi dụng, rêu rao là quấy nhiễu sinh lý thì chỉ có mất việc, treo bằng, nhất là Nguyễn biết Martha ly dị chồng và đương cần đàn ông, như mấy người nữ y tá khác thường diễu. Hay cũng chỉ là một mặc cảm nơi Nguyễn hiểu lầm trước thái độ tự nhiên của người đàn bà Mỹ.
Như không thấy đáp ứng, Martha giãn ra, mặt thoáng bẽn lẽn hồng lên, mắt long lanh. Nguyễn ngượng nghịu nói một câu nhiều ý nghĩa.

- Xin lỗi nghe.

Martha bỏ đi, nét mặt như thoáng hờn dỗi, cặp mông cao, no chắc ngúng nguẩy lằn lên vành quần lót nhỏ lưng chừng, để lại sau một mùi nước hoa nồng ấm gợi tình và một tiếc nuối mơ màng...

Trước khi đi thăm bệnh cùng hai bác sĩ phụ tá, Nguyễn liếc qua sổ bệnh mới: hồi đêm có nhận bà Lisa M. 38 tuổi. Lisa gốc Việt, sanh ở Vĩnh Long, qua Mỹ trước hồi di tản mấy năm, theo chồng Hoa Kỳ và ly dị được năm năm, không con. Hiện đương sống với một thanh niên Việt Nam do vợ chồng trước kia bảo trợ. Ít bữa nay nói xàm, phá phách nên bị ông toà quận hạt ký giấy nhập viện cấp tốc.
Bước chân vào phòng 219, Nguyễn thấy ngay thiếu phụ Việt Nam, người nho  nhỏ, ngồi chồm hổm trên giường tóc rối bù, mắt trợn ngược nhìn ra phía cửa.

- Chào bà M.,  Tôi là bác sĩ Nguyễn.

- Anh làm gì ở đây?
 
- Tôi coi bệnh cho bà.

- Anh là thầy thuốc ma giáo, chứ chữa bệnh gì!. Tôi đã có Chúa chữa cho tôi rồi! Anh đừng mang thuốc độc tới đây. Hại tôi không được đâu!

Nguyễn tính bỏ đi, để bác sĩ  thần kinh tâm lý định bệnh và chữa trị người đàn bà rối loạn thần kinh ngang ngược này thì bị Lisa gọi giật lại:

- Anh nói anh chữa bệnh cho tôi, phải không?

- Phải.

- Vậy anh biết tôi là ai không mà anh chữa?

- Bà Lisa M.

- Tên con gái của tôi là gì?

- Tôi không biết.

- Đến tên con gái tôi mà anh không biết thì anh biết cái gì? Làm sao mà anh chữa bệnh được! Toàn ma quỷ cả! Ta là Chúa đây! Hãy quỳ lạy mau!

Bác sĩ Nguyễn lắc đầu bỏ ra ngoài, cũng vừa lúc đó có tiếng gọi trên loa phóng thanh. Nguyễn lại trạm y tá, bốc điện thoại, bấm số vừa nói trên loa:

- Bác sĩ Nguyễn.

- Chào bác sĩ. Tôi là Lara, chủ tịch hội đồng chăm sóc tắc trách và hành hạ bệnh nhân.
 
- Có gì đó Lara?

- Có đơn tố cáo bác sĩ thiếu chu đáo khi điều trị một bệnh nhân.

Nguyễn xám mặt lại, ngạc nhiên sững sốt:

- Tôi?

- Vâng, bác sĩ.

- Chuyện gì lạ vậy?

- Tôi yêu cầu bác sĩ làm một bản tường trình về trường hợp bệnh nhân Mannuel G. mà bác sĩ đã coi ở phòng ngoại chẩn ngày 9 tháng 5, năm nay. Tuần tới, ngày thứ sáu, hồi 11 giờ sáng, hội đồng nhóm họp ở Khu II Tâm trí nặng, mời bác sĩ tới.

- Được.

- Cám ơn bác sĩ.

Nguyễn đặt mạnh ống nói xuống, mặt mày buồn tức. Trước khi bỏ lên phòng, Nguyễn nói với Mary, thư ký trại:

- Bà nói với hai bác sĩ tiếp tục đi thăm bệnh, tôi kẹt có chuyện phải lo ngay.
   
Vào tới phòng, Nguyễn gieo mình nặng nề xuống ghế nệm, vừa bực bội, vừa lo lắng, không biết ai tố cáo mình, và vì sơ xuất gì? Chuyện xảy ra cả tháng rồi nên Nguyễn không nhớ rõ chi tiết.
Thói thường, Nguyễn rất kỹ càng trong việc chăm sóc bệnh nhân, một phần vì lương tâm chức nghiệp, một phần vì học hỏi, kinh nghiệm. Hơn nữa kiện tụng y sĩ về hành nghề tắc trách ở xứ Mỹ này rất phổ thông, nên đa số y sĩ lúc nào cũng nơm nớp sợ bị ra toà, vì hàng nghìn hàng trăm lý do sơ hở. Rắc rối với pháp luật về nghề nghiệp là cả một vấn đề trọng đại cho người y sĩ. Tâm thần lo âu, khắc khoải, phẩn uất, biếng ăn, mất ngủ, tâm trí não nề, thân xác mệt mỏi, ủ ê, sinh lực tiêu tán, mất nhiều thời gian thiết lập hồ sơ, hiện diện trước toà, bồi thẩm đoằn, tiền bạc tốn kém cho luật sư, công việc bê trễ... Rồi cái xẩy nẩy ra cái ung, bằng hành nghề bị treo hay bị cúp dễ như bỡn, đưa bản thân và gia đình tới chỗ phá sản, điêu tàn...
Nguyễn lấy lại bình tĩnh, kiểm soát cơn hốt hoảng lo âu lúc đầu. Lý trí tranh đấu phôi thai. Nguyễn lắc đầu: "lại hạn 53 tuổi đây! Năm hạn nào cũng gặp xui!"
Nguyễn tuy theo Tây học nhưng lại tin vào tử vi tướng số. Những hạn tuổi 37 rồi 49 Nguyễn đều lãnh cả, liên quan tới nghề nghiệp, chức tước.
Hồi 37 tuổi ta, đương giữ chức Đại đội trưởng Lựa thương ở Nha Trang, vì một hiểu lầm ngoài ý muốn với cá nhân Chỉ huy trưởng Kho Y dược mà báo cáo bung vỡ ra tới Cục Quân Y và Bộ Chỉ huy Tiếp Vận. Dựa trên những tin tức cố tình xuyên tạc, thổi phồng, không căn cứ. Nguyễn ngày đêm kiếm văn kiện chính xác chứng minh. Bộ Chỉ huy Tiếp Vận thông cảm và giúp đỡ tận tình, trong Chi cục Quân Y lên án đòi hoãn thăng chức và thuyên chuyển. Viên dược sĩ có vây cánh ở Cục huênh hoang ca khúc khải hoàn. Nhưng Nguyễn chưa chịu thua, vì không có cánh nên khua câu chuyện tới Tổng Cục Tiếp Vận, và cuối cùng, để giữ mặt cho cả Cục Quân Y và Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận, Nguyễn vẫn được lên lon, nhưng bị thuyên chuyển về Quân Y Viện với cấp bậc mới.
Năm 49 tuổi, Nguyễn bị sạt nghiệp sau khi ngưng hợp tác làm phòng mạch với một người bạn, và phải làm lại cuộc đời từ con số không.
Nguyễn nghĩ cây ngay không sợ chết đứng nên mọi chuyện rồi cũng đâu vào đó, sau một thời gian sôi nổi, lo sầu, hốc hác. Cái nghiệp của Nguyễn cũng thuộc vào loại nặng.
 
Nguyễn bắt tay ngay vào việc: kêu thư ký mượn hồ sơ bệnh lý của Manuel G. ở trại người già lên duyệt xét lại, mặt khác nhờ phụ tá hành chánh dò la, tìm hiểu căn nguyên của sự tố cáo...
Manh mối vụ bị tố cáo thiếu sót trong chữa trị chưa được phanh phui thì phòng ngoại chẩn đã gọi Nguyễn ra coi bệnh cho Ả Lìn, người Việt gốc Hoa trước đây ở Rạch Giá. Thiếu nữ này ngoài hai mươi tuổi, người tầm thước, mặt mũi dễ coi. Bị bệnh đãng trí sau ngày tết Mậu Thân, khi hỏa tiển pháo kích nổ ngay sau sân nhà, lúc tỉnh lúc lẫn, chạy thầy chữa thuốc, trị mẹo, mang bùa cũng chẳng khỏi. Rồi năm 75, khi mất nước, Ả Lìn được bố mẹ gởi theo gia đình người chị chạy qua Mỹ, hy vọng với nền y khoa tân tiến có thể giúp được phần nào trở lại bình thường, chớ còn bên nhà thì vô vọng.
Qua Hoa Kỳ, định cư ở El Paso, Texas, Ả Lìn là một gánh nặng cho người chị, nào đưa đi khám bác sĩ thần kinh tâm lý, nào lên cảnh sát lãnh về khi một mình đi lạc, khi thì phải dọn nhà dọn cửa vì bầy đồ đạc bừa bãi, quần áo vứt khắp nhà, khi thì đun bếp không tắt "ga" để khói mù suýt bị cháy nhà. Trong lúc khác lại phải canh chừng ông anh rể nhìn ngang, liếc dọc trên tấm thân ngồn ngộn trần truồng, nhiều lần ra khỏi buồng tắm không mặc đồ, hoặc nằm ngủ ngay giữa nhà hớ hênh hở ngực, lòi mông... Ả Lìn bỏ nhà đi lang thang, sau khi bị bà chị la chửi đánh đập lúc bị bắt gặp quả tang ăn nằm với người anh rể. Cuộc sống ngoài lộ với đám du thử du thực, chích choát ma tuý, làm tình bừa bãi trong những cơn truy hoan tập thể tưng bừng, từ Sì qua Mỹ trắng, Mỹ đen và cả vài thanh niên tị nạn nữa, đưa Ả Lìn lần về tới Austin. Nơi đây, một đêm say thuốc, Ả Lìn đi lạng quạng ở ngoài đường bị cảnh sát chận lại và đưa vào bệnh viện tâm trí.
Khi tỉnh, Ả Lìn được gởi lên bác sĩ Nguyễn coi, vừa bị chứng nhức đầu, vừa ngôn ngữ bất đồng nên bác sĩ thần kinh tâm lý Dunkel vừa nhờ chữa, vừa nhờ hỏi thêm chi tiết bệnh tâm thần và diễn tiến căn nguyên. Ả Lìn thường xin được gặp bác sĩ Nguyễn như để có người nói chuyện tiếng Việt và nghe những lời than vãn tâm sự. Lần thì đồ ăn nhà thương nuốt không vô, và yêu cầu nhà bếp cho cơm mỗi ngày thay vì bánh mì hay bột khoai tây nhào. Lần khác bọn bệnh đàn ông gạ gẫm đứa đòi hôn, đứa đòi sờ, khi bị dụ dỗ hút cần sa, khi bị những bệnh đàn bà khác bắt nạt, chèn ép và nhân viên chẳng những không hiểu câu chuyện còn bực mình nổi nóng mang giam nhốt.
Nguyễn để ý lần nào Ả Lìn cũng đề cập tới sinh lý và có lần còn đề nghị xin về nhà Nguyễn trong một lần đi phép. Nguyễn giữ khoảng cách nghề nghiệp và luôn luôn, dù nói chuyện hay khám bệnh, đều có nữ y tá đứng kèm bên. Ngoài những lời khuyên và giải tỏa các yêu cầu hợp lý, thắc mắc chính xác, Nguyễn giới hạn và tránh nếu có thể, những cởi mở tâm tình của bệnh nhân liên quan tới thân mật sinh lý, mặc dầu khi làm hồ sơ phải hỏi chi tiết đó. Nguyễn hiểu đó là một nhu cầu bình thường của cơ thể người đàn bà đã qua nhiều phút ái ân tập thể.

Có một chuyện ám ảnh Ả Lìn hoài mà không lần nào gặp bác sĩ Nguyễn lại không nhắc tới đến độ Nguyễn thuộc lòng.

- Bác sĩ biết không, sở dĩ em bị "police" bắt đưa vào bệnh viện này cũng vì cái ông Mỹ đen đó.  Ông ấy tử tế lắm! Gặp em đi ngoài đường, ông ấy ghé xe bảo đưa em về. Em leo lên xe xem sao. Rồi ông ấy cho em đi ăn. Ông ấy bảo muốn ăn gì, em nói "Chinese food" là ông đưa tới tiệm cơm Tàu. Rồi ông ấy bảo em ghé nhà ông chơi cho biết chỗ. Nhà ông ấy rộng và sang đẹp lắm. Ông ấy cho em uống rượu, cho em hút cần sa. Lúc em ngà ngà say vì uống hơi quá trớn, chứ thường ra em quen với rượu nhiều từ khi qua Mỹ nên dễ dầu gì say đâu, ông ấy bế em ngồi lên đùi rồi từ từ lột quần áo em ra và hôn em từ đầu tới chân, nhột thấy bà! Lúc ông ấy tụt quần ông ấy ra, úi cha mẹ, trời đất, quỉ thần ơi, "cái ấy" to bằng chai xá xị! Ông tính đặt vào, em sợ hết hồn, chạy trốn vào góc nhà. Ông ấy lại gần em, em sợ quá, nhưng ông ấy ra dấu bảo đừng lo rồi đặt tay em vào đó. Mà sao "nó" nóng thế hở bác sĩ? Ông ấy bảo em vuốt nó. Rồi ông ấy rên hư hử trước khi vồ lấy em, em vuột khỏi tay chạy tông ra đường rồi mới bị bắt là vậy đó, bác sĩ biết không?
 
Bác sĩ Nguyễn tới dăm phút trước giờ hẹn, và ngồi chờ ở ngoài phòng hội, mặt buồn hiu, trông mệt mỏi rõ ràng sau những lo âu, sầu muộn, bực bội và những đêm thao thức mất ngủ về vụ bị tố hành nghề tắc trách, sơ xuất. Khi y tá hay y công đi qua chào, Nguyễn cũng chỉ gật đầu sơ.
Nguyễn có mang câu chuyện kể lại với Vũ, người bạn thân quen từ Việt Nam và từng làm dự thẩm toà Sài Gòn. Vũ an ủi và xem dùm tờ trình để tránh những sơ hở và thiếu sót pháp lý.
John, người quản lý dưới quyền, đi lượm lặt tin tức và lời đồn, về nói lại với Nguyễn là chính Betty, nữ y tá bên trại lão là người tố cáo vì sẵn thù hiềm với Khu Nội, Ngoại Thương, sau khi bị thuyên chuyển khỏi nơi này do một vài lỗi lầm chuyên môn. Betty ghét Khu Nội Thương, chứ không có hiềm khích cá nhân gì với Nguyễn.
Cánh cửa phòng hội mở, Lara mời Nguyễn:

- Bác sĩ Nguyễn.

Nguyễn vào, được mời ngồi đối diện với bốn nhân viên của Hội Đồng, bác sĩ Thomason thần kinh tâm lý, tiến sĩ tâm lý Andrew, Adrian đại diện hành chánh và Lara, trưởng khối xã hội đồng thời là chủ tịch ủy ban.
Sau phần giới thiệu và chỉ dẫn phương cách làm việc của hội đồng như tập trung các văn kiện, tài liệu, những bản báo cáo của bên nguyên cũng như bên bị rồi thẩm vấn từng người, kết quả sẽ do bầu tay và trình lên Tổng Giám Đốc bệnh viện tối hậu phán quyết, Lara nhắc lại:

- Như bác sĩ biết, một khi có đơn khiếu nại, chúng tôi phải điều tra tới gốc vì người đứng tố cáo không có quyền bãi nại khi liên quan tới việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Ngoài ra tất cả những đối thoại trong buổi họp này đều được thu băng, và trước khi nói phải xưng danh cho dễ nhận... Bác sĩ có câu hỏi gì không?

- Không.

- Vậy chúng ta bắt đầu.
 
Lara nói tên, chức vụ, ngày giờ và mục đích của buổi hội rồi day qua Nguyễn:

- Bác sĩ Nguyễn, y tá Betty bên trại lão của bệnh viện Austin có đơn tố cáo với ủy ban, bác sĩ sơ xuất trong khi chăm sóc cho bệnh nhân Manuel G. Chúng tôi đã có bản tường trình của bác sĩ về sự việc, bác sĩ có muốn thêm hay bớt gì hay không? Hoặc tốt hơn, bác sĩ vắn tắt diễn tiến sự việc cho mọi người nghe.

- Được, tôi là bác sĩ Nguyễn, Trưởng khu Y Khoa. Ngày 9 tháng 5, năm 1989, hồi 11 giờ 30 sáng, trại bệnh lão có gởi ông Manuel G. lên phòng ngoại chẩn cho tôi coi về bệnh cao áp huyết. Bệnh nhân này ngoài 60 tuổi, khi tỉnh lúc lãng trí. Tôi đo áp huyết thấy bệnh nhân nhăn nhăn mặt như đau chỗ nào. Hỏi, ông kêu không đau bên phía đo máu. Tôi khám thấy nghi ngờ và cho đi chụp hình cùi chỏ và cánh tay trái. Đọc phim, tôi thấy bệnh nhân bị gẫy xương cánh tay trái, lúc nào không ai rõ, từ y sĩ, y tá trại tới y công đều không ai hay, và hồ sơ không nói tới. Tôi liền bó tay bệnh nhân lại cho khỏi động đậy và gọi ngay bác sĩ chuyên khoa về xương Niklaus  để nhờ trị. Ông đang bận mổ và hẹn sẽ coi bệnh nhân hồi 1 giờ trưa tại phòng mạch. Lúc đó 12 giờ 15 trưa, nhân viên ngoại chẩn gọi hẹn xe chuyên chở và thông báo với đơn vị. Vào giờ ăn, nên tôi gọi trả Manuel về trại để dùng bữa, rồi thẳng tới coi bác sĩ  Niklaus và tôi cũng có dặn y sĩ trực xuống coi dùm xem có biến đổi gì không trước khi bệnh rời trại. Bác sĩ Niklaus coi Manuel rồi gởi lại về trại, nói giữ nguyên băng bó tôi đã làm, không thay đổi gì trong phương cách chữa trị, và hẹn sẽ coi lại ba ngày sau khi thuận tiện hơn để đằng bột. Chuyện chỉ có vậy và tôi không nghĩ là đã sơ xuất gì khi chăm sóc Manuel...!

Bác sĩ Thomason hỏi:

- Theo như đơn tố cáo, Betty thắc mắc tại sao ông không cho Manuel G. nhập khu y khoa mà lại chuyển bệnh về đơn vị, nơi không đầy đủ phương tiện chăm sóc?

- Bệnh đã được chăm sóc tối đa, dù ở khu y khoa hay trại lão, cũng không đòi hỏi thêm điều trị gì đặc biệt cả. Hơn nữa bệnh không trở nặng, và cũng chỉ trong thời gian ngắn ngủi khoảng hơn nửa giờ chờ đợi thôi. Tôi đã cẩn thận nhờ y sĩ trực coi dùm trong thời gian đó rồi. Và tôi cũng không muốn để bệnh nhân nhịn đói.

Bác sĩ Andrew nhìn về phía Nguyễn:

- Ông có cho đó là một trường hợp khẩn cấp không?

- Có.

- Sao ông không cho bệnh vào trại ông như mọi trường hợp khẩn cấp khác, an toàn hơn là khu lão?

- Tôi đã trình bày rồi, dù ở trại tôi, ở phòng ngoại chẩn hay trại cơ hữu, bệnh nhân vẫn được trông chừng và cho tới giờ đi coi y sĩ chuyên môn. Tôi không thắc mắc gì về phương cách trị liệu cả, và sự thể sau này đã chứng mình việc đó. Trại tôi cũng như các trại khác, tỉ lệ y tá phục vụ bệnh nhân như nhau, không thể nói trại nào an toàn hơn trại nào.

Êm lặng theo câu trả lời của Nguyễn.
Lara hỏi:

- Còn ai muốn hỏi gì nữa không?

Mọi người lắc đầu. Lara quay qua Nguyễn:

- Bác sĩ Nguyễn có muốn nói thêm gì không?

- Có. Tôi muốn đề cập tới vấn đề trách nhiệm trong vụ này. Bệnh nhân bị gảy tay không ai biết. Ai là người tìm ra? Tôi. Ai là người chăm sóc cho bệnh nhân? Tôi. Ai là người gởi bệnh nhân cho bác sĩ chuyên khoa coi? Tôi. Vậy trách nhiệm của y sĩ, y tá trại ở đâu? Đã làm gì cho Manuel G.? Trong khi chờ có nửa giờ mà vẫn dưới sự giám sát của y sĩ trực, lại kêu là sơ xuất, thiếu sót? Xin quí vị nghĩ lại dùm và cho câu trả lời chính xác để xem lời tố cáo có căn bản gì hay không?

Nghe Nguyễn lên giọng, Lara ngăn lại:

- Bác sĩ! Bác sĩ! Chúng tôi sẽ họp kín và làm tờ trình sau. Vụ thẩm vấn tới đây chấm dứt. Cám ơn.

Bác sĩ Thomason đứng lên bắt tay Nguyễn và vỗ vai như an ủi:

- Mọi chuyện đâu còn đó. Ông cứ bình tĩnh.

- Cám ơn.

Nguyễn bỏ về, tuy tin là sẽ êm xuôi, nhưng trong mình còn dây dưa bực tức mặc dù suy tư nặng chĩu đã trút được ra trong buổi tường trình. Rõ ràng sự oan ức của Nguyễn được nhân viên hội đồng thông cảm. Chắc Tổng Giám Đốc Bệnh Viện sẽ có quyết định sáng suốt và lời quở trách nhân viên thuộc quyền tố cáo không chính xác một bác sĩ Trưởng Khu để uy tín và danh dự bị tổn thương phần nào.
Nguyễn lắc đầu: "cẩn thận bao nhiêu cũng không vừa ở cái xứ chỉ có tình chớ không có nghĩa này, việc gì cũng kiện được! Chồng đè vợ ra làm tình bị tố là hiếp dâm! Con phá phách, hỗn láo, hoang đàng bị bố mẹ đánh, đi tố bậc sinh thành là hành hạ trẻ con! Thật ngán nền văn minh tột bực này!...

Tiếng gõ cửa văn phòng cắt ngang lời than của Nguyễn:

- Vào đi.

Elamy, thiếu phụ da đen nhân viên phòng tiếp liệu y khoa, ló đầu vào, mắt chớp chớp dưới cặp kính cận to lớn chiếm nửa mặt, phần mặt còn lại là đôi môi dầy thoa son đỏ choét.
Nguyễn chỉ cái ghế bành, sau lời chào hỏi của Elamy:

- Mời ngồi.

- Cám ơn.

- Chuyện gì vậy, Elamy?

Thiếu phụ khoảng ngoài ba mươi, lâu lâu lại gặp bác sĩ Nguyễn để tâm sự đời tư và xin vài lời khuyên hoặc an ủi. Ám ảnh chính của Elamy là hình ảnh người cha ruột đã nhiều lần loạn luân với nàng, đeo đuổi tâm não nàng hoài khi tỉnh cũng như trong giấc mơ, cả khi Elamy có chồng và sau bốn lần sanh đẻ.
Elamy thở dài:

- Cũng lại chuyện bố em!

- Làm sao?

- Ông ấy buông tha em một thời gian lâu rồi, nhưng từ ngày mẹ em chết và em ly dị chồng ba năm trở lại đây, ông lảng vảng lại. Ông ấy như có ý đòi, nhưng em cố hết sức tránh. Ngại hơn cả là sợ người tình của em biết thì đổ bể hết vì tụi em tính tiến tới hôn nhân.

- Thế thì làm gấp đi còn đợi chờ gì nữa? Bồ bịch với nhau bao lâu rồi?

- Hơn một năm. Anh ấy cũng đề nghị rồi, lưỡng lự  là ở nơi em. Làm sao em dứt khoát được những ác mộng sinh lý với bố em?

- Lần chót nằm mơ là bao giờ?

- Mới hồi đêm.

- Lần trước nữa?

- Cũng khá lâu rồi, từ ngày bác sĩ khuyên em càng lánh gặp bố em bao nhiêu hay bấy nhiêu, và không bao giờ trực diện một mình cùng luôn luôn có sự hiện diện của người thứ ba.

- Thế trong lúc làm tình với người bồ, hình ảnh ông già còn lởn vởn trong óc như trước kia nữa không?

- Bác sĩ dặn em là tập trung vào tình yêu Joe, em cố gắng theo nên thoát được nhiều lần rồi.

- Ôi, thế thì không sao. Có tiến triển khả quan!

Elamy hít một hơi dài rồi đắn đo:

- Theo bác sĩ, em có nên nói chuyện này với Joe không?

- Với mục đích gì?

- Em không muốn dấu Joe chuyện gì cả trước khi chúng em làm đám cưới.

- Cái đó còn tuỳ. Joe có hay ghen không?

- Ghen dữ lắm, nên em cũng ngại, chỉ e Joe bỏ em khi biết chuyện, chẳng thà nói trước để Joe định đoạt. Mà mất Joe làm sao em sống?

- Mâu thuẩn... ông già của Elamy đâu có phải là tình địch của Joe đâu!

- Đã đành.

- Phải cân nhắc kỹ lưỡng. Bước lầm đưa tới đổ vỡ không cần thiết. Joe có hề nghi ngờ gì không?

- Chỉ có mẹ em đã chết, em, bố em và bác sĩ biết thôi.

- Tuỳ Elamy chọn lựa giữa một hạnh phúc lứa đôi không vẩn đục bởi một ám ảnh quá khứ hay một tan vỡ hoặc lục đục triền miên, oán hờn, hục hặc vì một sự việc mà đương sự không biết và không hỏi tới...

Ngay lúc đó tiếng gọi trên loa vang lên khẩn trương.

- Doctor Leo! Doctor Leo! Room 202.

Nguyễn quầy quả đi, nói với lại:

- Chuyện gì không biết nữa, tôi phải đi liền.

Elamy gật đầu:

- Em gặp bác sĩ sau.

Thang máy chậm rì nên Nguyễn phải chạy cầu thang. Tới phòng 202, người lố nhố từ bác sĩ  trại, y tá, y công, nhân viên phòng thử nghiệm, nhân viên quang tuyến...
Y tá Lara báo cáo:

- Paul ăn sandwich tham nuốt miếng lớn nên bị nghẹn, mặt xanh lè, ngộp thở, Marcie nhanh tay làm Heimlich. Paul ọc được ra một cục bự.

- Áp huyết, mạch và nhịp thở ra sao?

Bác sĩ Van Dussey đứng gần đó nói:

- Cho một ít dưỡng khí thấy tốt rồi!

- OK. Loan báo chấm dứt Doctor Leo. Cám ơn tất cả, nhất là Marcie. Lara lát nữa cho chụp hình phổi.

- Bác sĩ Dussey cho rồi. A, còn một vài chuyện cần ông giải quyết.

- Chuyện gì nữa?

- Y tá Rebecca đưa lộn thuốc kinh phong của Barbara cho Charlotte uống.

- Charlotte có sao không?

- Bình thường.

- Làm báo cáo lộn thuốc, ngoài ra quan sát Charlotte trong 24 tiếng. Nói với bác sĩ  Van Dussey coi bệnh rồi biên vào hồ sơ cho kỹ.

- Vụ này bỏ qua được không?

- Đâu có được! Rồi làm giấy khiển trách nhẹ thôi, khỏi đưa ra hội đồng thẩm xét nghề nghiệp.

- Còn chuyện rắc rối nữa, Bobby bị y công Lewis bắt gặp đang thủ dâm ở sau màn ngăn, dọa kiện vì đời tư bị xâm phạm. Ông có nói sao cho y bỏ qua được không?

- Được.

Loa phóng thanh lại vang lên:

- Bác sĩ Nguyễn.

- Bác sĩ chờ đầu giây, tôi chuyển điện thoại từ bên ngoài.

- Ô kê.

Tiếng vợ Nguyễn ở đầu giây:

- Bố hả?

- Bố đây.

- Thằng Tèo sốt, ói mửa tùm lum trường gọi đón về...

- Đi rước con ngay đi, bố thu xếp chuyện chút xíu rồi về liền.

Lại có người gọi Nguyễn nữa. Đó là anh Ngọc, chủ nhiệm và chủ bút tờ nguyệt san địa phương gọi Nguyễn giục đóng góp bài về y học. Nguyễn hứa sẽ gọi lại trong ngày vì bây giờ đang bận. Nhờ bác sĩ Van Dussey coi dùm trại và thông báo với thư ký là con đau phải về. Xong Nguyễn vội vả ra xe, chưa mở máy, Nguyễn chợt nhớ còn phải đi họp ban y khoa truyền nhiễm nên lại quay về trại nói thư ký xin miễn dùm.

Tam Thanh


-----------
Nguồn: VĂN, số 99, tháng 9/1990







 










No comments:

Post a Comment