Wednesday, July 27, 2016
TÔI MƠ ... MỘT GIẤC MƠ
Dự báo thời tiết nói bầu trời đêm nay sẽ có hiện tượng mưa sao băng. Mưa sao băng ? Tôi có nghe qua chớ chưa từng thấy, có thấy trên phim ảnh nhưng thật ra chỉ là cảnh giả. Nhất định đêm nay sẽ đón coi cho bằng được, lỡ dịp này phải chờ đến hằng trăm năm nữa.
Thỉnh thoảng tôi có thấy sao băng trên bầu trời, có lúc bay ngang rất nhanh tạo thành một đường sáng tỏ, sao xẹt, có lúc như đang rơi từ trên cao xuống, sao rơi. Nhiều người nói khi nhìn thấy một vì sao đang di chuyển, hãy nhắm mắt và thầm cầu khẩn điều ước muốn. Tôi nhiều lần cố thử, nhưng lúc ấy sao đi nhanh quá mà tôi thì bất ngờ quá không nói kịp điều mình cầu mong.
Cầu mong. Tôi có một cầu mong hết sức tha thiết là được sống ở Mỹ.
Đó là điều tôi mong ước, mong ước từ ngày giải phóng cho đến giờ vẫn còn mơ một giấc mơ. Hồi đó muốn được đi Mỹ hơi khó, phải có nhiều tiền, đi chui hoặc đi bán chính thức. Nhưng tôi biết cũng có nhiều người không có tiền mà vẫn sang được Mỹ. Thằng Cao ở xóm tôi, nhà nó nghèo lắm, cha chết sớm, mẹ nó tái giá giao nó cho Dì nó nuôi. Nó không được đi học phải theo Dượng nó làm phụ xế xe tải từ lúc nhỏ. Dượng nó có người em có ghe đánh cá trong Rạch Giá, sau giải phóng mấy năm thì anh em giòng họ mấy chục người dẫn nhau đi vượt biên. Tới chừng nghe tin nó ở Mỹ, tôi tự hỏi không biết nó hội nhập vô cái xứ đó như thế nào đây.
Nó cũng thường về Việt Nam, hồi nhỏ ốm nhách đen thui, giờ mập thù lù nhưng nước da thì vẫn còn đen. Người nó đeo đầy vòng vàng, chiếc lắc tay ít nhất cũng phải một lượng, sợi dây chuyền to bự chảng kiểu ở Việt Nam không thấy, đồng hồ vàng mấy ngàn đô, nhẫn hột xoàn lấp lánh. Tôi biết tại tánh nó thích đeo vàng chớ không phải là người khoe của. Nó ăn nói hệt hạt bình dân, có lần nó kể chuyện thi nhập tịch Mỹ, ông giám khảo bảo nó viết một câu tiếng Anh, nó nói xin lỗi, tôi không biết viết. Ông giám khảo nói mày về nhà bảo con mày dạy, đem tới đây tao cho mày nhập tịch.
Tôi có một thằng bạn rất thân, hồi nhỏ ở cùng xóm, học cùng lớp cùng trường. Hai đứa thường đi chơi chung cùng nhóm bạn đồng sở thích. Nhà nó cũng nghèo, nghèo có hạng trong xóm. Lúc khổ quá nó than có bữa chỉ ăn cháo. Rồi nó cũng đi Mỹ. Tôi không biết nó đi bằng cách nào. Lúc đất nước vừa mở cửa, nó là một trong số những Việt kiều về nước đầu tiên. Nhớ lần đầu nó về, con nít trong xóm bu quanh như tụi trẻ bây giờ ái mộ ca sĩ. Không biết nó làm gì bên Mỹ, năm nào cũng thấy về Việt Nam chơi. Lần nào về nó cũng có quà cho tôi, có khi cho tiền. Tôi nói tôi thiệt là có phước. Nó nhìn tôi, cười nửa miệng nói nhận không có phước. Cho mới là có phước. Khi nào ông cầm trong tay bạc triệu, đem tiền cho người này người nọ, khi đó ông sẽ cảm thấy ông là người có nhiều ơn phước. Tôi thường coi nhẹ trình độ của nó, nhưng hôm đó lời nó nói làm tôi đau đớn nhiều ngày tháng.
Nó thường kể tôi nghe, những năm tháng tuổi trẻ, từ một nơi ở cách xa San Francisco hai tiếng đồng hồ lái xe, tối thứ sáu thứ bảy là nó đến đó vui chơi thâu đêm suốt sáng. Tôi cũng thường mơ ước có ngày mình cũng sẽ đến thành phố nổi tiếng đó, được vui và được sống với con người thật của chính mình.
Tôi hỏi nó có phải bây giờ ở Mỹ cho phép người đồng tính lấy nhau một cách hợp pháp. Nó nhìn tôi mĩm cười, ông không cần phải đến Mỹ, tôi thấy ở Việt Nam bây giờ cũng có nhiều cặp đôi đồng tính làm đám cưới công khai.
Đành là vậy.
Rồi đến đầu thập niên 90, người ta lại kéo nhau ra đi theo diện con lai và diện H.O. Kế cạnh nhà tôi là nhà của gia đình anh Trường, anh là sĩ quan chế độ cũ phải đi học tập cải tạo. Ra tù anh làm đủ thứ việc kiếm sống, ai mướn gì làm đó, gia đình bữa đói bữa no. Tới chừng có chương trình H.O. anh không có tiền làm giấy tờ. Con cái đứa có hộ khẩu đứa không. Sau cùng chạy vạy mượn đầu nầy đầu kia để làm thủ tục nộp đơn. Gia đình anh ra đi trong những đợt cuối cùng của chương trình. Hai đứa con không hộ khẩu phải ở lại. Rồi lần lần anh cũng làm giấy tờ đưa tụi nó sang.
Ngày nay người ta sang Mỹ càng ngày càng đông, bằng đủ mọi con đường. Đường nào cũng đưa tới Mỹ. Có người đi đi về về, chân trong chân ngoài. Bây giờ sao thấy người ta đi Mỹ dễ quá, có nhiều người còn chê nói sống ở Mỹ cực lắm, buồn lắm. Có người sang Mỹ được mấy tháng rồi trở về Việt Nam ở luôn nói ở Mỹ buồn ở Việt Nam vui hơn. Riêng tôi, tôi nghĩ đến phận mình muốn quá sao không được. Tại mình dở hay tại số phận. Chắc là cả hai. Lúc trước có lần đi xem bói, lấy số tử vi để xem coi khi nào thì cuộc đời có sự thay đổi. Ông thầy bói nói số của cậu chỉ hợp với thời chinh chiến, còn cái túi của cậu là một cái túi lủng. Túi lủng thành ra lúc nào tôi cũng chẳng có tiền, thời chinh chiến đã qua, thời của tôi cũng đã hết.
Tôi ra trước nhà ngồi nhìn lên bầu trời cao mong được thấy mưa sao băng. Trời mùa hè trong xanh, hàng ngàn hàng triệu vì sao lấp lánh đẹp lạ lùng. Đêm ở cái thành phố nhỏ xíu buồn hiu này thật yên tĩnh. Con đường nhỏ phía trước nhà sắp được nới rộng. Phía sau nhà chánh quyền cũng sắp phóng một con đường lớn. Căn nhà tôi ở bỗng trở nên có giá. Nhiều người dòm ngó. Thằng cháu trai con ông anh đứng tên rục rịch muốn bán. Ngôi nhà này do cha mẹ tôi tạo dựng từ thời tổng thống Ngô Đình Diệm chấp chánh. Tôi ra đời một năm sau đó và sống ở cái ngôi nhà này từ đó cho đến nay.
Sau năm 75, cha mẹ tôi không còn được đi làm, gia đình đôi lúc gặp nhiều khó khăn phải đem căn nhà cầm cố thế chấp. Anh trai tôi bỏ tiền ra chuộc. Cha mẹ tôi nay đã qua đời, hai vợ chồng ông anh cũng đã qua đời. Thằng con trai muốn bán nhà lấy tiền làm vốn ra Phú Quốc hùn hạp bán quán cà phê. Nó nói sẽ cho chú ba trăm triệu để dành sống dưỡng già. Vợ chồng nó đối đãi với tôi cũng tốt.
Hồi nào tới giờ, tôi ở trong nhà, không ai nói điều chi. Không ai hỏi tại sao tôi không chịu đi kiếm công chuyện gì làm để có tiền mà sống. Thời cha mẹ tôi còn sống cũng vậy, ông bà không bao giờ bảo tôi đi kiếm việc làm. Chắc ông bà cũng biết tôi là một người thất tình thất chí thất bại. Tôi thì lúc nào cũng mong được sang Mỹ, cho nên sống tà tà chờ thời cơ. Mà chờ hoài sao chẳng thấy.
Tôi đã bỏ lỡ một cơ hội. Ngày ấy, một ngày đầu tháng năm 1975, một người bà con của tôi dẫn một thanh niên từ Sài Gòn xuống Rạch Giá tìm đường trốn. Chị ta có ghé qua nhà tôi rủ tôi đi cùng. Tôi không đi theo mà ngược đường trở lên Sài Gòn để nghe ngóng tình hình sau khi thành phố đổi chủ. Trong khi tôi lang thang trên phố Lê Lợi nhìn cảnh người ta giật sập tượng đài những người lính Thủy Quân Lục Chiến tại công trường Lam Sơn phía trước toà nhà Quốc Hội, thì anh chàng thanh niên kia từ Rạch Giá ra Phú Quốc, sau đó đi theo một ông cha xuống ghe đánh cá chạy sang Thái Lan. Sau này khi gặp lại, người chị họ cứ tiếc rẻ dùm cho tôi.
Tôi nhìn lên lên bầu trời xanh thẳm. Đã khuya lắm mà chẳng thấy mưa sao băng. Chắc phải cần kính thiên văn. Mắt thường không thấy. Tôi trở vô nhà giăng mùng ngủ. Đã mấy mươi năm nay tôi nằm ngủ trên bộ ván gõ này. Tôi định bụng khi nào dọn nhà tôi sẽ mang nó theo. Vật kỷ niệm của cha mẹ để lại. Thằng cháu trai không có ý kêu tôi đi theo nó, mà tôi cũng không muốn. Cuộc đời tới đây coi như đã hết. Sống qua trọn một vòng Lục Thập Hoa Giáp coi như đã đủ. Nhớ có lần đâu đó đọc trên internet về cái luật chân ướt chân ráo bên Mỹ. Người dân Cuba nào mà vượt biển đến Hoa Kỳ, hễ bước được lên đất liền, chân ráo, thì được cho vào Mỹ hưởng qui chế tỵ nạn. Còn nếu vẫn còn ngồi trên ghe thuyền, chân ướt, thì bị từ chối. Tôi có đem chuyện này hỏi anh Phong, khi anh tình cờ đi ngang nhà. Anh Phong là người lối xóm, gia đình anh sang Mỹ từ năm 75, anh em ai cũng học giỏi. Khi nghe tôi hỏi anh cười xoà, vậy à, có cái đạo luật như vậy à, tôi không biết, mà sao ở Việt Nam rành ba cái chuyện ở bên Mỹ dữ vậy. Tôi nói chắc năm nay đảng Cộng Hoà sẽ vào Nhà Trắng. Anh vừa bước đi vừa cười nói, hết Dân Chủ rồi đến Cộng Hoà, hết Cộng Hoà rồi đến Dân Chủ. Anh quay lại nhìn tôi, bĩu môi, mà Dân Chủ hay Cộng Hoà thì cũng vậy thôi. Cũng giống nhau thôi.
Tôi trằn trọc không ngủ được. Tự nghĩ cuộc đời mình lúc nào cũng dở dở ương ương, làm việc gì cũng không đến nơi đến chốn. Tôi trở ra phía trước nhà nhìn lên bầu trời mong nhìn thấy mưa sao băng. Bầu trời trong xanh đẹp vô cùng. Người ta đôi lúc có bàn chân ướt chân ráo. Riêng tôi suốt đời có đôi chân ướt, suốt đời lênh đênh giữa biển khơi cho đến ngày đầu bạc cũng chưa bước lên đất liền.
Tôi vẫn còn ngồi tại cái chỗ tôi vẫn thường ngồi, những buổi sáng sớm tay cầm ly cà phê nóng nhâm nhi nhìn dòng người qua lại phía bên ngoài hàng rào. Có những trưa hè nóng nực cũng tại chỗ này tay cầm quạt phe phẩy, tay cầm quyển Kỳ quan kim cổ. Cũng tại nơi hiên nhà này, có những buổi chiều tối tôi ngồi im lặng hằng giờ nhìn những ồn ào náo nhiệt phía ngoài, trong lòng thì nghĩ vẫn vơ đến những vui buồn những ngày đã qua.
Rồi tôi sẽ không còn ngồi ở chỗ này nữa. Căn nhà này sẽ có người chủ mới cũng như nhiều căn nhà khác trên khu phố này đã có chủ khác. Tôi không biết cuộc đời tôi rồi sẽ trôi nỗi ra sao. Nhưng nghĩ cho cùng, đến từng tuổi này thì mọi sự thay đổi cũng chẳng có ý nghĩa quan trọng nào đối với tôi nữa.
Nhưng tôi vẫn mong chờ, như tôi đã từng mong chờ từ nhiều năm trước, và tôi luôn hy vọng được nhìn thấy một vì sao đổi ngôi khi mình vẫn còn sống.
Nguyễn Thạch Giang
Hè 2016
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment