Monday, July 4, 2016

HƠI THỞ




                                                                                      NHÃ CA




Ấm nước sôi đã hơi lâu. Mấy lần Dung định đưa tay nhấc cái ấm xuống, tắt lửa. Nhưng nàng không làm nổi việc đó. Tiếng nước reo sao đều đặn, buồn bã. Tâm hồn nàng chán nản kỳ lạ. Tình trạng hệt như khi mang thai đứa con đầu lòng. Đứa con. Vết thương êm ái làm nàng muốn ngất lịm. Nhưng rồi Dung cũng nhấc ấm xuống. Phải có một phích nước sôi. Một gói trà thứ tốt. Hiệp thích uống trà vào buổi tối, trước khi ngủ. Dung đứng lên đi tìm cái phích. Dung hơi bực bội. Cái phích để lâu ngày không dùng, bụi bám đầy, trông dơ dáy quá. Nàng không ngạc nhiên gì, chính nàng dù có chồng, vẫn chưa dứt hẳn cuộc sống độc thân. Hiệp đổi đi xa. Lính tráng ngày nay ấy mà. Còn Dung, đời sống công chức. Ngày hai buổi đi về, cơm hàng cháo chợ. Hiệp viết thư nói: Anh muốn em bỏ con mẹ nấu cơm tháng. Mỗi ngày nhai đi nhai lại mấy món thức ăn, lập y từng ngày trong tuần lễ. Hiệp không đề nghị nàng tự nấu nướng lấy. Nàng không hiểu sao cuộc sống lông bông của chàng chưa nghĩ tới một thứ tự trong gia đình. Dung cũng vậy, một căn phòng thuê trong building, đồ vật ngổn ngang, đồng loã với sự lười biếng. Những thì giờ rãnh, không đi đâu, Dung thường nằm như liệt giường. Đôi lúc, chẳng thiết tới ăn uống nữa.

Lấy nước. Tắt lửa. Dung đem phích nước để lại chỗ cũ. Có lẽ phải lau sạch bụi bặm trên bàn một tí. Nàng vụng về suýt làm đổ cái bình nước. Khi xê dịch bình nước đi chỗ khác, nàng lại đánh rơi một mẫu giấy nhỏ, Dung cúi xuống lượm lên. Điện tín của Hiệp đây thôi. Anh về ngày thứ sáu, 13. Đừng có sợ. Chắc chắn gặp nhau vào khoảng ba giờ tại P N L. Dung đọc lại và tức cười. Điện tín dài dòng đủ thứ, lại viết tắt ba chữ Phạm Ngũ Lão. Thứ sáu mười ba thì ăn nhằm gì. Dung chẳng tin. Chẳng tin một thứ dị đoan nào hết. Nếu có số mệnh, có duyên số, Dung đã không lấy Hiệp. Trước khi lấy Hiệp, Dung đã có người tình. Làm đủ cách, bói toán, ở đâu cũng cam kết hai người lấy nhau. Hai người sinh ra để lấy nhau. Vậy mà vuột. Hiệp ở đâu lò dò tới. Hiệp đã có một đời vợ. Cuộc tình của Hiệp sao buồn hiu. Toàn xa cách.

Dung nhìn đồng hồ. Còn sớm quá. Phải nằm nghỉ một chút. Lưng nàng mỏi đừ. Có lẽ vì sáng nay đánh máy hơi nhiều. Mấy thứ giấy tờ phải thanh toán cho xong trước khi xin phép ông Trưởng  phòng nghỉ một buổi - Cô Dung, cô nói thiệt đi, cô có chuyện gì ? Dung cố dấu vẻ khó chịu - Dạ việc riêng gia đình. - Há, việc riêng ? Tôi biết rồi nhé. Cô không nói thật tôi không cho nghỉ. Có phải anh ấy về không ? Tha hồ...May, lúc nào hắn cũng kịp gượng lại câu nói sau đuôi. Dung đã sửa soạn vẻ mặt nghiêm trang. Nàng đâu có quên được nụ cười quá khổ của gã trưởng phòng. Mắt ti hí, lẳng, lúc nào cũng sẵn sàng bắt bồ với ai muốn hợp tác. - Thế cô cần nghỉ vài hôm không, chắc cô cũng cần...Bao nhiêu lần hắn muốn nham nhở với Dung rồi nhỉ ? Dung cố trầm tĩnh: Thưa ông, một buổi đủ cho tôi thu xếp công chuyện. Trông Dung có vẻ nghiêm trọng quá, chắc hờn mát nhau chăng? Ai? Ai hờn mát. Dung ngạc nhiên, nhưng nàng mĩm cười quay đi. Đàn ông thì ra, ông trời cho chung một nết. Dung nghĩ tới Hiệp, nhớ lại những tưởng tượng của mình. Nàng cay đắng. Biết đâu đó. Đi xa như thế. Một lần, mới đây lúc về phép, một người bạn hỏi: Sao, này, đi xa, mày đã nên cơm cháo gì chưa? - A, chuyện nọ kia hả? Tao luôn luôn sẵn sàng theo luật người cày có ruộng. Lúc đó, chỉ có bọn đàn ông ở phòng ngoài. Dung đang ở trong toa-lét súc bình cà phê. Giả dụ có Dung thì Hiệp có nói như vậy không ? Và nghe như vậy, Dung có phản ứng gì? Làm sao Dung biết được.

Dung nằm duỗi thẳng tay chân. Nàng tự kiểm điểm coi lòng mình có chút nô nức nào không? Không thấy gì lạ hết. Tại sao ? Mà hình như trạng thái này có từ lâu rồi. Có lẽ tại Hiệp đi xa đều đều, và nhiều lần về phép, những mong đợi náo nức trong tâm hồn nàng đã bị diệt lần mòn hết rồi chăng ? Chẳng phải đâu. Chính chuyện đó...Dung rùng mình, nhớ lại lần Hiệp đưa nàng vào nhà hộ sinh. Xong xuôi, Dung khóc. Hiệp vỗ về: Chẳng sao đâu em. Với lại, mình còn nghèo, còn lông bông quá, anh chưa muốn bó buộc. Kể ra cũng buồn, nhưng cũng là cái hay. Mắt Dung ráo hoảnh khi nghe Hiệp nói xong câu đó, mặc dù lòng nàng như bị ai xé. Một núm ruột đã bị đứt lìa. Một phần thịt da, xương cốt của mình đã gởi trong lòng đất. Về sau, chỉ có Dung đi thăm mộ đứa nhỏ. Hiệp luôn luôn bực dọc: Em lúc nào cũng mơ mộng, lãng mạng. Thăm làm gì. Nó đã đi đầu thai. Dung sững sờ. Sao đi thăm mộ con lại là một chuyện mơ mộng lãng mạng. Hiệp làm Dung chết dần mòn tình cảm. Lỗi ở Hiệp.

Dung đặt một tay lên ngực mình. Ở đó, trái tim đập nhịp nhàng như thế này từ lúc mối tình đầu tan nát. Dung lạ lùng không hiểu mình có nhớ thương gì không. Có điều, khi lấy Hiệp rồi, Dung coi như mình chấm dứt hết. Dung có một con bạn gái lúc còn đi học, tới bây giờ hai đứa vẫn còn liên lạc. Con nhỏ tên Thuỳ Mỵ, nhưng nó lại rất loạn. Chưa có chồng. Nó thường tới nằm dài ra với Dung nói đủ thứ chuyện. Dung nhớ mới ngày hôm qua, buổi chiều đi làm về đã thấy nó đợi ở hành lang. Lúc nào nó cũng ồn ào :
- Trời ơi, mày đi xe gì về đây. Mày biết tao đợi mày cả tiếng đồng hồ rồi.
Dung cười :
- Tao biết. Vì cái tật đến sớm, xem đồng hồ nhầm mà kép cho mày rơi hoài.
- Con quỷ. Mày cười được hả. Cười nữa đi. Tao cá với mày, ông Hiệp của mày có một tá mèo.
- Cũng được. Miễn là không có mày trong số đó.

Nó đấm Dung tới lọi lưng luôn. Vô phòng, chưa kịp cho Dung thay áo dài, nó đã xô Dung nằm xuống giường. Thôi mày, thay làm gì. Nằm đây. Ơi, tao leo cầu thang nhà mày mỏi đừ giò. Tao chỉ có một cặp giò thôi...Ủa, sao mày buồn vậy Dung. Mày nhớ ông Hiệp rồi. Tao đã nói đừng có thèm nhớ. Mày nhớ ông lúc ông đi với mèo.
Dung mĩm cười. Trong lòng Dung lúc này nhen một mối nghi hoặc. Lần mới về, Hiệp không báo tin. Lúc Dung đi làm về thấy Hiệp đứng ở dưới đường đợi. - Anh về từ lúc nào. - Lúc ba giờ. Đáng lẽ Dung hỏi tiếp sao về lúc ba giờ mà không gọi điện thoại cho em,  hay sao lúc năm giờ không đón em, Dung chỉ hỏi : anh ăn cơm chưa ? Rồi, anh ăn tiệm. Dung cố không thốt ra câu anh ăn cơm tiệm với ai. Hỏi làm gì, chắc Hiệp đi với một người. Buổi tối Hiệp không rủ Dung đi ciné gì hết mà nói :
Chiều xem phim hay quá. Dung làm thinh. Đến phiên Hiệp thắc mắc, em không cần biết anh đi với ai à. Dung trả lời không. Hiệp cười : Anh gặp một cô bạn cũ. Em buồn không ? Dung bật cười. Thay vì nói buồn, Dung bật cười. Hiệp nói, em chì thiệt. Buổi sáng hôm Hiệp đi, Dung tình cờ đọc được một mẫu giấy nhỏ trong túi áo bẩn của chàng. Anh Hiệp, đợi anh ở quán Nhớ. Giờ như mọi lần. Cô gái ký tên tắt, một chữ H. Biết thêm làm gì. H là Hoa, là Hồng, là Huệ. Dung không cần. Chỉ cần biết là Hiệp đã phụ bạc.

- Mày có vẻ tin ở ông Hiệp quá Dung ?
Dung mím môi. Thuỳ Mỵ tiếp :
- Hồi còn đi học tao thấy mày hay đa nghi. Cái gì mày cũng đa nghi. Bây giờ mày đổi tính nết rồi. Mày hiền quá.
- Chuyện mày đến đâu ?
- Chuyện gì ? Chuyện nào ?
- Tao muốn biết mày với thằng kép mới.
Thuỳ Mỵ cười rú lên.
- Tao có tới ba thằng kép mới. Mày nói đứa nào mới được chứ. Mày đừng để ý chuyện tao làm gì. Tao đang lo cho mày. Dung, sao dạo này tao thấy mày sút quá. Ơ, coi cổ tay mày gầy nhom. Mắt mày sâu hóm. Hiệp có làm gì mày không ? Hay ở sở mày có chuyện gì...
- Đâu đến nỗi. Mày ăn cơm chưa ?
- Có lẽ nên đi ăn. Mày xuống mua bánh mì lên hai đứa đớp. Nhớ mua hai bịch nước ngọt. Cho nhiều đá vào. Nhớ...hì hì, răng tao sắp rơi hết mà tao vẫn khoái nước đá như thường.
Hiệp nói với Dung, cô bạn của em có ít nhất là năm cái răng giả. Dung tò mò ngó Thuỳ Mỵ. Con bé câng  cái mặt lên : mày ngó gì ? Mặt tao có lọ nồi không ? dơ không ? - Không, Dung lắc đầu, ngồi dậy. Nàng mở ví lấy tiền. Nhưng Thuỳ Mỵ cũng nhổm dậy theo - Tao đi với. Nằm một mình buồn chết.


Ăn bánh mì, nói chuyện gẫu tới đêm, lúc về Thuỳ Mỵ còn thắc mắc, hay mày với ông Hiệp làm sao rồi. Dung đưa bức điện tín ra. Coi có làm sao không ? Thuỳ Mỵ cười lớn lên, à há, khi người ta hạnh phúc quá, người ta cũng sững người, ngó như đồ ngu
Dung dụi đầu vào gối. Nàng không muốn nghĩ gì hết. Nhưng làm sao mà không nghĩ được. Có lẽ lần này, nàng phải nói với Hiệp. Nói về mãnh giấy. Nói về những hồ nghi trong lòng nàng. Hay không nói gì hết ? Tâm hồn nàng mệt mỏi, chán nản lạ lùng. Từ mấy hôm nay, Dung có ý nghĩ ly dị. Thật tức cười. Tại sao nàng  có ý nghĩ đó ? Dung hoàn toàn không hiểu. Nàng chỉ biết nàng rất chán, chán tới độ tránh nhìn cả bức hình của Hiệp, lúc nào cũng ngó nàng chằm chặp, cười riễu cợt.

 Rồi mình sẽ làm gì ? Tiếp tục cuộc đời độc thân. Thì bây giờ đâu có gì thay đổi. Vẫn đời độc thân, trừ những khi có Hiệp. Nhưng hình như Dung ao ước một điều gì chưa rõ rệt. Hình như Dung cũng chán cuộc đời độc thân trơ trọi này rồi. Nghĩ tới Hiệp, lúc này có lẽ đang từ giã cô gái tên H. nào đó. Dung hình dung ra Hiệp đang đóng bộ  mặt buồn bã - Anh chỉ về với vợ anh vài hôm. Anh sống bên em nhiều hơn. Dung lăn người  một vòng, rồi trườn đầu lên cao để đặt gối lại như cũ. Có lẽ mình không đi đón Hiệp ở nhà ga. Mình đợi Hiệp ở nhà. Có lẽ lần này mình phải nói hết...
Nghĩ như vậy nhưng Dung vùng ngồi dậy. Nàng ngó mặt mình trong gương. Tò mò nhìn thấy mấy dấu nhăn  ở mép môi, ở đuôi mắt. Nàng nhướng mắt lên, mĩm cười. Nàng thất vọng. Không nhìn thấy nét trẻ trung đâu nữa. Mình xuống dốc quá. Làm gì đến đổi thế này. Dung đưa tay xoa xoa mấy nếp nhăn. Nàng nghĩ tới một thứ mỹ phẩm quảng cáo trong báo. Có lẽ phải làm đẹp một tí. Dung bắt đầu trang điểm.
Lúc trang điểm xong, chuông đồng hồ mới điểm có hai giờ. Nhưng có lẽ nên ra ngoài thôi. Ngồi rán lại, chắc Dung sẽ không đi đâu nữa hết.

Lâu lắm Dung mới ghé quán nước này. Quán nước còn ghi một kỷ niệm buồn của nàng.  Nhưng không hiểu sao Dung đã  quả quyết bước vào đó. Ngồi một mình với ly cô ca lạnh ngắt, Dung tưởng mình sẽ chết vì kỷ niệm. Tưởng như vậy là lầm. Lâu nay, mỗi khi nhớ tới chỗ này, Dung nghĩ rằng, có lẽ mình sẽ khóc, sẽ tê lịm người khi kỷ niệm thôi thúc. Nhưng Dung cũng chẳng thấy gì hết.
Thình lình Dung bắt gặp một khuôn mặt quen. Một người đàn ông làm cùng sở. Hắn đi với một cô gái lạ không phải là vợ hắn. Dung biết mặt vợ hắn vì một lần hắn đã dẫn tới dự một đám cưới bạn bè. Hắn chưa nhìn thấy Dung. Rồi thình lình nữa, vợ hắn xuất hiện ở một cánh cửa ra vô. Hắn đứng bật dậy, như phóng ra một cửa khác, mở cửa một xe taxi rất nhanh và mất hút. Chỉ còn lại hai người đàn bà. Người đàn bà dợm  bước theo người đàn ông. Cô gái mở ví đặt vội tờ giấy năm trăm lên bàn rồi lật đật đi. Ra tới cửa người đàn bà trông thấy, lật đật đi theo, Dung nghe có một tiếng gọi khá hằn học ê  cô kia. Rồi họ khuất mất ở đâu, chuyện gì sau đó Dung không biết nữa.
Dung uống nốt ly cô ca. Câu chuyện xảy ra không đem cho Dung chút giải trí nào, như nhiều người khác ở trong quán. Chỉ có một câu duy nhất lập đi lập lại. Đàn ông, trời cho một nết giống nhau. Dung nghĩ tới Hiệp. Lúc này chắc chàng ở trên máy bay. Và trước đó, họ chia tay nhau. Hai người đã hôn nhau. Cầm tay bịn rịn. Rồi gì nữa. Hẹn hò, bi thảm. Nước mắt. Ôi, chỉ là kịch. Với Dung, đời sống vợ chồng giữa hai người cũng là kịch. Vở kịch chưa buông màn. Vở kịch nào không buông màn đúng lúc cũng tẻ nhạt, chẳng ra gì, lòng Dung nguội ngắt.

Ở quán nước ra, Dung leo lên một chuyến buýt. Con đường từ quán ra tới ga Phạm Ngũ Lão ngắn thôi. Nhưng khi thấy chuyến xe buýt ngừng, Dung leo lên, rồi lại hối hận. Xe buýt chật ních không còn một chỗ ngồi. Dung đứng, vịn tay vào ghế. Người đàn bà bụng bự, đưa cái lưng ép vào tay Dung. Trước mặt Dung, một bà bầu, bám chặt hai tay vào thanh sắt. Không ai nhường nhịn ai nữa. Ngay sát chỗ bà bầu đứng, hai thanh niên ngồi hút thuốc lá phì phèo. Xe dừng lại, Dung bước xuống. Nàng có thể đợi thêm một trạm nữa gần ga hơn. Dung đã không đợi. Nàng lội bộ. Suýt nữa Dung bị một chiếc xe xích lô đạp đâm vào người. Chưa hết, nàng tông một đứa nhỏ chạy băng ngang. Đứa nhỏ dừng lại định sừng sộ.  Rồi có vẻ nhìn thấy vẻ mặt ngơ ngác  của nàng, nó nhe răng, làm mặt khỉ rồi cười ré lên bỏ chạy.
Dung đâm ra cáu kỉnh. Có điềm xui gì đâu. Có thể hôm nay Hiệp sẽ không về. Phích nước sôi của nàng đun sẵn sẽ nguội ngắt, và như thế, để chờ tới lúc nàng nhận được một tờ điện tín khác, phích nước mới được thay. Nhớ lần vừa rồi, vì về bất chợt, Hiệp hấp tấp lấy bình trà rót một ly, đưa lên miệng uống. Dung ngăn cản không kịp. Hiệp phun ra giữa nhà, chưa hết, thiếu điều chàng muốn móc miệng cho nôn mửa. Bình trà đóng mốc xanh, mốc đen. Làm sao được, Dung.

- Dung, Dung. Ê.
Thuỳ Mỵ dừng xe vừa đưa tay vẫy rối rít. Cô hét lớn tướng :
- Ê, đi đâu vậy Dung.
Dung tới gần, cười :
- Đi đón ông Hiệp.
- Trời ơi, đi đón chồng mà mày đủng đỉnh như đi dạo phố. Lên đây tao đèo. Ê, Dung. Tao ngạc nhiên, trông mày giống con mụ thất tình quá.
Thuỳ Mỵ cười ngất. Vài người ngó hai đứa. Đúng là con điên. Dung nghĩ thầm. Nàng vẫn giữ nụ cười dịu dàng.
- Thôi, cám ơn mày. Nàng chỉ về phía ga. Tao đón anh Hiệp ở đàng kia. Cám ơn mày nghe.
- Dung...
- Hử ?
- Thôi. Nhưng sao tức cười quá. Khỉ. Thôi, tao đi không cười chết mất.
Thuỳ Mỵ chưa đi, còn nói với :
- Cho tao gởi lời thăm ông Hiệp nghe mày. Nói với ông...
Tự nhiên Thuỳ Mỵ cắt ngang. Nói với ông cái gì ? Nhưng Dung không hỏi lại gật đầu. Còn một khoảng quá ngắn thì tới ga. Lạ chưa, Dung càng thấy lòng trống rỗng tợn.

Vì Hiệp mà Dung mới tới chỗ này. Dung ghét nhà ga chi lạ. Vừa vô tới, Dung đã bị bao quanh bởi các người bán hàng. Mua ổi cô. Mận ngọt cô. Chục xoài có nghìn rưởi, cô. Vé số cô. Cô mua giúp em. Thật khó nhọc Dung mới thoát được đám người đó. Nàng đi vào bên trong, đứng ở một mái hiên. Hình như mới có một chuyến xe vừa về. Chiếc xe trống đang de tìm chỗ đậu. Một vài người đứng từ trước, ngó Dung. Một cô gái đứng cạnh Dung, cứ coi đồng hồ hoài. Dung chăm chú nhìn người đàn bà bán hàng đang bóc một quả bưởi bằng con dao nhỏ. Bà ta bóc rất khéo tay. Những múi bưởi, chẳng mấy chốc được tách ra, trắng nõn, mộng căng nước mà vẫn được bao bằng lớp màng mỏng dính. Thấy Dung ngó, bà cười xã giao : bưởi Biên Hoà cô. Dung lắc đầu - ngọt lắm cô - Dung lắc đầu. Có mấy đứa trẻ chờ lâu quá, bày đặt trò chơi trốn tìm. Chúng kéo cả vạt áo của Dung mà núp. Người đàn ông, chắc là ông bố, gọi con lại phàn nàn, rồi ngó Dung, ra điều thông cảm, cháu nó dại. Ông mua mấy múi bưởi. Lần này, tụi nhỏ đứng yên một góc, cắm cúi chấm chấm mút mút với một gói muối ớt. Dung trả lời nụ cười ngượng nghịu  của người đàn ông bằng nụ cười vu vơ.

Dung nghĩ tới Hiệp. Liệu chàng có vui mừng gì khi trông thấy mình tới tận đây đón chàng ? Chàng đi một mình hay với ai nữa ? Có thể chàng cùng về với cô nhân tình trẻ, mới mẻ. Họ sẽ đóng kịch trước mặt mình. Nàng lại mĩm cười chua xót. Rồi nàng giận cả lòng mình, cho rằng, mình đã trở thành một con người chối  bỏ hết ý nghĩa cuộc sống. Không ham thích, không thiết tha. Đúng không ? Vẫn có thể chắc được gì. Hình như nghĩ tới Hiệp, nàng chỉ thấy chán ngắt. Tại sao Dung cố bác bỏ ý nghĩ là mình ghen tuông. Ghen với một tên tắt ? Với một người không hề biết mặt ? Không, Dung không muốn nghĩ tiếp nữa.


Cô gái đứng bên Dung bắt chuyện :
- Bà đi đón người nhà ?
Dung gật đầu.
- Hôm nay chắc máy bay tới trễ. Bà đi đón chuyến nào ? Qui Nhơn hay Ban Mê Thuột ?
- Cô đón chuyến nào ?
- Em đón chuyến Qui Nhơn.
Và cô gái như không dừng lại được. Cô có nhu cầu phải nói, phải thổ lộ. Sự chờ đợi đã làm lòng cô tràn đầy.
- Em đi đón từ trưa. Nhà em nói sẽ tới lúc hai giờ. Em đi lúc một giờ. Lúc nào em cũng đi đón sớm. Anh ấy thích vậy. Tới mà chưa thấy em là mặt sụ một đống.  Nhà em còn con nít lắm chị ơi. Tụi em mới lấy nhau, nhà em bị đổi. Em xin theo mà má em không cho. Tại vì em con một đó chị. Nhà em về hoài, lần này là lần thứ ba trong một tháng. Buồn cười, hồi nãy có một chuyến, có ai giống nhà em quá trời, tí nữa em túm lấy rồi...nhà em...
Dung cắt :
- Mấy giờ rồi ?
Cô gái đưa đồng hồ lên :
- Ui da, ba giờ rưỡi rồi cô. Dễ chừng tới bốn giờ. Đồng hồ của em chạy ẩu một cây. Ít nhất cũng gần bốn giờ. Lạ quá, sao hôm nay tàu trễ vậy. Trời ơi, em lo là lo.
Bốn giờ. Vậy thì chuyến tàu từ Đà Nẵng vô cũng trễ sao. Cô gái hỏi lại :
- Chị đón chuyến nào ?
- Đà Nẵng.
- Ý, Đà Nẵng tới rồi. Đó, cái xe trống đang dỡ hàng xuống đó chị. Tới lúc ba giờ. Đông ơi là đông.
 Dung thở dài. Còn cách nào hơn là trở về. Hiệp đã có mặt ở Sài Gòn. Và chắc bây giờ cũng đang lang thang ở đâu đó. Có thể lát nữa chàng đón nàng ở sở. Cũng có thể chàng sẽ về nhà muộn. Dung quay lưng đi.
Ủa, chị không đợi...
- Không.
Dung trả lời. Bước nhanh. Ra khỏi ga, đụng phố phường trước mặt. Dung nghĩ về nhà lúc này cũng vô ích. Nằm, đầu óc sẽ mệt mỏi hơn. Vì vậy, nàng đi ra phố, và để giết thì giờ, nàng cứ chúi đầu dí mắt vào những cửa hàng ngắm đồ. Những thứ đồ dùng mà người nội trợ  nào cũng mơ ước. Chỉ với nàng, nàng thấy dửng dưng. Nàng tưởng tượng như mình còn thích đời sống độc thân lắm. Thực ra nàng đã chán ngấy. Chẳng qua, nàng đã quá lười biếng, lười biếng kinh niên, đã giết hết mọi sự thiết tha trong tâm hồn nàng.
Nàng đi lang thang mãi, trong thành phố nàng biết đang có Hiệp, cho tới lúc đèn đỏ.

Thật tình cờ, hai người ngược chiều nhau, đụng độ nhau trước building, nơi Dung cư ngụ. Hiệp tươi cười, trong khi Dung cố nhếch mép.
- Không đi đón anh há. Nhận được điện tín không ?
- Có. Nhưng em đi đón trễ giờ.
Rồi Dung hỏi khi hai người đứng trong thang máy.
- Anh có tới sở kiếm em không ?
- Không.
- Em nghỉ sở chiều nay.
Nàng tưởng chàng sẽ hỏi nàng đi đâu giờ này mới về. Nhưng chàng nói huyên  thiên chuyện này chuyện nọ. Mà chuyện nào  nàng cũng chán ngắt. Cuối cùng họ cũng lên tới phòng. Nàng tra chìa khoá  vào ổ xoay mạnh. Chàng đẩy lưng nàng vô trước.
- Có áo sạch không. Cho anh một cái. Mặc đồ lính, nặng như chì. Mệt.
Nàng đang bận ngó chiếc đồng hồ treo tường, nàng hỏi :
- Đồng  hồ anh mấy giờ ?
- Tám giờ.
Đúng lúc quả lắc đồng hồ  như rung mạnh rồi đổ bảy tiếng. Mèn ơi. Dung kêu. Tại cái đồng hồ chết tiệt. Cái đồng hồ này điên, muốn chạy ra sao thì chạy. Nàng chỉ biết trách mà không biết nghĩ cho nó.  Có tới hai năm, nàng không cho nó ăn một chút dầu mỡ, mà nó đã làm việc tận lực để đúng giờ cho nàng bao nhiêu ngày rồi.
- Lấy áo cho anh đi.
- Anh đã ăn gì chưa ?
Rồi. Anh gặp một cô bạn cũ. Còn em, em ăn chưa ?
Dung chưa có gì trong bụng, nhưng nàng đáp :
- Em cũng ăn rồi. Em gặp một anh bạn cũ.
- Thế à.
Chàng trả lời không chút ngạc nhiên. Nàng hơi sùng.
- Để em pha trà.
- Ấy, đừng, trong mồm anh còn mùi trà mốc. Lần này, chắc mùi còn đặc hơn nữa.

Chàng cười lớn. Tự nhiên Dung sững người lại. Nàng nhìn chàng đăm đăm. Lúc đó, nàng đứng ở phía sau lưng chàng, và Hiệp đang bỏ áo sơ mi ra. Rồi Hiệp quay phắt lại.
- Lại đây.
Dung đi tới. Hiệp mở rộng vòng tay. Nàng dúi mặt vào ngực chồng. Nàng vừa hít được một hơi thở thơm tho, hơi thở như chất hồi sinh, làm nàng tỉnh táo lại. Và nàng tiếp tục hít hơi hướm  trên vùng ngực  rộng mênh mông của Hiệp. Nàng vít cổ Hiệp xuống.
- Trả lời cho em biết H. là ai.
Hiệp ngẩn ra một lúc. Rồi chàng cười rộ.
- H. à ? H. là hoa, một hoa bên đường, lúc anh đi qua. Được chưa.
Nàng bỗng nghiêm nghị.
- Anh Hiệp.
- Cắm nước sôi đi. Anh phải uống trà nóng.
Dung lắc đầu. Nước mắt muốn ứa ra.
- Không, anh Hiệp. Chắc mình phải ly dị.
Hiệp nâng mặt Dung lên, nhưng nàng thấy định vùi mặt mình xuống.
- Đúng, phải ly dị, phải bỏ cái đời sống này đi. Em không thể ở một mình như gái độc thân thế này được. Cuộc sống này giết chết tâm hồn em.
Dung bỗng khóc thành tiếng. Nàng tiếc quay quắt. Nhưng nàng không hiểu tiếc cái gì. Tiếc không mất Hiệp ? Tiếc đời sống y như còn độc thân ? Hay là tiếc điều mình đã nghĩ, đã quyết định, đã bị hơi thở của chàng xoá sạch.

Chàng lại phà hơi vào mặt nàng. Và chàng đẩy nàng ra xa.
- Thôi, đủ rồi cô. Để cho người ta gội rửa  cái hơi hướm  của những bông hoa bên đường đi đã. Đừng có khóc. Em con nít quá.
 Nàng cứ khóc. Khóc như một nỗi oan khiên không có cách gì chứng minh được. Khóc tới chàng phải ngạc nhiên, không giởn được nữa.
- Em, em làm sao vậy.
- Em ghét anh. Em ghét anh.
Và nàng đánh thùm  thụp vào ngực chàng, vào tay chàng. Chàng giữ tay nàng lại, và ôm chặc lấy nàng.
- Em có điên không. Có thì nói đi.
- Em không nói được. Không nói được.
Nàng vùng vẫy, rồi nàng chợt như không còn chút sức lực nào khi bắt gặp hơi thở nồng mùi quen thuộc, mùi thuốc lá, mùi nhựa răng. Nàng khóc nữa.

Lúc chàng vào buồng tắm, nàng nhìn căn phòng, nhìn phích nước đã đun lúc trưa. Nàng nhìn tới chiếc cà-mèn dựng ở một góc. Rồi nàng thu chân trên giường. Bỗng dưng, nàng mĩm cười trong khi nước mắt vẫn còn thi nhau rơi.
Nàng lắng nghe tiếng nước dội ở trong phòng tắm. Chàng đang gội rửa mùi vị của những bông hoa bên đường.
Nàng ngạc nhiên quá vì nụ cười mới mẻ đó.






Nhã Ca







--------------------------
Nguồn :   VĂN, số 28 tháng 10-1984























No comments:

Post a Comment