Sunday, June 16, 2019
NGÀY GIỖ CHA
Ý Ngôn
Cậu Tình mở cửa rào bước vào trong, con vàng chạy ra mừng, nó biết người nhà không sủa, cô Năm khen nó khôn. Cô từ nhà sau bước ra điệu bộ lăng xăng mừng thằng em:
"Cậu mợ nó mới về tới hả? Sao không điện cho chị biết, ủa có thằng Hai đi nữa nè! Chà bữa nay cao nhồng, nghe nói mầy sắp lấy vợ phải không?".
Thằng cháu cười hề hề vỗ vai cô nó:
"Dạ, ba má con tính tháng Chạp này, cô Tư cô Năm nhớ đi họ nghe! Cô diện cho đẹp đẹp có quay phim chụp hình nữa đó".
Cô Tư từ nhà sau chạy ra mừng vợ chồng thằng em và thằng cháu.
"Chị Tư đang làm gì ở dưới nhà bếp vậy?" Cậu em út hỏi bà chị thay lời chào.
"Nãy giờ chị với dì Năm nó lui cui sửa soạn lá chuối, đậu xanh để lát chiều gói bánh ít mai đám giỗ ba, chị hầm xương lấy nước ngọt mai nấu súp măng cua".
Cậu Tình nói với bà chị:
"Kỳ này làm cho xôm tụ nhe, chị đãi khách mấy bàn, em tính đặt thêm một con heo quay".
"Vậy đi đặt liền đi, chị mời bà con với lại lối xóm người lớn con nít cũng phải năm bàn, mà cậu với mợ nó ăn uống gì chưa".
"Ăn dọc đường rồi, để em đi một vòng lát về". Cậu em trả lời bà chị, rồi anh quay sang nói với vợ:
"Má nó xuống bếp coi có gì phụ mấy cô nó một tay, tui đi chút về"
Cô Tư nói với đứa em dâu:
"Thôi khỏi, mợ nó có mệt lên giường nằm nghỉ".
Cậu Tình là con trai út thầy ký Thiệt. Năm 1975 thầy Thiệt làm thơ ký trong toà hành chánh tỉnh, "giải phóng" về thầy đành chịu trận ở nhà nhìn xóm làng thay đổi từng ngày. Hai thằng con trai lớn của thầy đi lính địa phương quân ở Đồng Tháp giờ cũng về nhà nằm chèo queo. Hai đứa con gái của thầy là Cô Tư và cô Năm, là giáo viên trường tiểu học nên được "lưu dụng" cho đi dạy tiếp tục, nhờ vậy gia đình mới có gạo mà ăn trong thời buổi khó khăn. Cô Năm không có chồng, từ lâu sống với gia đình chị mình là cô Tư, trong căn nhà của cha mẹ để lại ở vùng ngoại ô xã Vĩnh Phước này. Hai chị em cô nay cũng đã nghỉ hưu.
Cậu Tình đến quán chuyên bán gà vịt quay của chú Ba Hỏn đặt quay một con heo sửa, xong cậu ghé qua thăm một người bạn học hồi nhỏ. Hai người dẫn nhau ra quán cà phê ngồi nhắc chuyện xưa, lúc về cậu không quên ghé mua một ít trái cây để lên bàn thờ cúng ông bà.
Về đến nhà thì gặp hai người anh của cậu từ nhà của họ ở gần đó ghé qua, mấy anh em kéo ghế bày tiệc nhậu trước sân nhà. Cô Năm từ nhà sau bước ra tay bưng dĩa thịt gà xé phai đặt xuống bàn, cô kéo ghế ngồi xuống tự động lấy ly rót bia cho mình không đợi mời, hôm nay cô vui quá muốn lai rai ba sợi với anh em nói chuyện đời. Cậu em nói với bà chị:
"Nghe chị Tư nói mấy chị tính sửa nhà, ngon nghe, lên lầu luôn đi. Em thấy xóm mình giờ toàn nhà lầu, mỗi lần về là mỗi lần thấy lạ"
"Chị Tư muốn sửa cái bếp cho rộng, chỉ giờ thích nấu nướng ngày tối ở dưới bếp, còn chị thì muốn sửa lại cái nhà tắm, giờ nhà nào cũng xây nhà tắm kiểu mới, bước vô thấy mê".
"Hồi nãy em đi ngang nhà bác Tám Trọng, thấy giờ là nhà lầu mới cất mà hình như người nào lạ ở chớ không phải chị em Ngọc Nga"
Ngọc và Nga là hai chị em con bác Trọng, nổi tiếng xinh đẹp nhất xóm vậy mà thời đó khổ quá đi theo người ta bán bia ôm.
"Sau khi chị Nga đi Mỹ thì chị Ngọc bán nhà theo mấy đứa con dọn về Sài Gòn ở lâu rồi"
"Chị Nga đi Mỹ?"
"Hồi xưa lúc chị Nga đi bán bia ôm có quen một ông khách Việt kiều, nhè đâu mang bầu đẻ được thằng con trai. Vậy mà ông đó nhìn con, lâu lâu gởi tiền cấp dưỡng, chừng nó được mười tuổi thì ổng về làm giấy tờ dẫn nó qua Mỹ. Vậy mà nó không quên mẹ, nó thương má nó lắm, giờ nó lớn làm giấy tờ lãnh má nó qua".
"Đúng là người ta có số"
"Hôm trước chị Nga có về chơi, đi mới có mấy năm vậy mà về thấy khác hẳn, ai cũng khen chỉ đẹp. Hỏi chị qua bển làm gì, chị nói buổi sáng thì rửa đít con nít buổi tối rửa đít ông già".
"Rửa đít ông già?"
Cô Năm cười xoà. "Đi săn sóc người già". "Chị Nga thì lúc nào cũng nói vui tếu tếu. Chị ở với vợ chồng thằng con trai, chị không dám lái xe nên ở nhà giữ trẻ. Buổi sáng chị giữ ba đứa con nít, coi chừng tụi nó cho tới chiều cha mẹ tụi nó tới đón về. Buổi tối chị làm thêm tới nhà một ông già, cho ông ăn rồi đi tắm cho ổng. Chị nói ông già này nhõng nhẻo lắm, ai ổng cũng không chịu, nhất định chờ chị tới tắm cho ổng. Chị nói hồi trẻ mình chuyên tắm cho trai, giờ lớn tuổi chuyên tắm ông già".
Thằng Hai con cậu Tình đi dạo xóm về tới, gặp hai bác nó xáp lại bàn ngồi nhậu.
"Sẵn dịp có hai bác ở đây con mời hai bác đi đám cưới của con, tháng Chạp này"
"Nhà bên vợ mày ở đâu? Nó có đi làm không?"
"Cha mẹ vợ con ở Thủ Đức, vợ con thì đi làm kế toán cho một công ty sản xuất bao bì thực phẩm"
Cậu Tình nói với hai anh:
"Đám cưới tụi nó lo hết, mình chỉ mặc đồ đẹp cho tụi nó quay phim chụp hình.
Mấy anh em thắp nhang đứng trước bàn thờ khấn vái. Cậu Tình nói nho nhỏ: "Hôm nay là ngày đám giỗ ba, mấy anh em con có làm mâm cơm, mời ba má về ăn với tụi con, con có mua thịt heo quay cho ba, nhớ hồi xưa ba thích ăn thịt heo quay lắm".
Cô Năm chợt ứa nước mắt khi nghe thằng em mình nói. Cô không ngờ nó cũng biết chuyện ba lúc còn sống thích ăn thịt heo quay. Lúc đó nó còn nhỏ xíu vậy mà cũng biết chuyện.
Mấy năm sau cuộc "đổi đời", ba cô vì lo buồn mà sanh bệnh đau bao tử. Thời đó đâu có thuốc men, uống ba cái thuốc Nam cầm chừng. Tối tối ba đau quá, ngủ không được ông cứ đi tới đi lui trước hàng ba sáng đêm. Cô Năm không bao giờ quên vẻ mặt của ba mình lúc đó, nhăn nhó đau đớn vì bịnh mà còn mang thêm một nỗi buồn vì thời cuộc. Nhưng ông cắn răng mà chịu, không khi nào than thở trước mặt con cái.
Cô Năm nhìn thằng em trai út, ngày lớn nó giống hệt ông già. Cô muốn nói "em cũng biết là ba mình hồi đó thèm một miếng thịt heo quay lắm mà nhà mình không có tiền mua", nhưng cô xúc động quá nói không được, nước mắt tuôn ào ào.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment