Tuesday, June 25, 2019

ĐI CÀ PHÊ CHÉM GIÓ



N. Nguyễn


Tôi có thói quen ngồi quán cà phê từ thời còn trẻ, giờ lớn tuổi nghỉ hưu nhiều thì giờ rỗi rãnh, la cà ngoài quán còn nhiều hơn khi trước. Mỗi sáng tôi lội bộ ra quán cà phê, ở đó chừng vài tiếng rồi về, từ nhà ra quán vừa đi vừa về khoảng bốn mươi phút, coi như tập thể dục buổi sáng.
Quán cà phê này vốn là một căn nhà xưa, được cải tạo thành quán nên nó có một không gian thoáng mát. Mình có thể ngồi ngoài hàng hiên hút thuốc lá thoải mái, tha hồ "chém gió" mà không sợ làm phiền hàng xóm.

Ông chủ quán nghe đâu trước kia là một kỹ sư hãng Cisco danh giá, (sao giờ bỏ job với đồng lương ba con số, thức khuya dậy sớm bán cà phê lượm bạc cắc?). Hôm nào đến quán thấy màn hình tivi chiếu đài CNBC nhảy múa mấy con số xanh đỏ thì biết ông đang ngồi đó. Ông bán cà phê nhưng mê mua bán Stock, không biết cái nào nuôi ông. Bà vợ ông tuy không còn trẻ nhưng nhìn hãy còn hấp dẫn đám thanh niên. Bà ăn nói vui vẻ và đặc biệt mê ca sĩ. Chương trình văn nghệ lớn nhỏ gì cũng nghe bà mua vé đi coi. Hôm sau bà vô quán kể lại, hết lời khen ca sĩ này ca sĩ kia, hát sao mà hay, hay nức nở, hay lạnh lùng mưa rơi. Tôi chưa từng thấy ai mê ca sĩ như bà này. Khi nào tôi đứng nói chuyện "trong nhà ngoài ngõ" với bà, thì y như rằng mười lần như một, chồng bà ở đâu bận bịu cách mấy cũng nhào tới đứng kề bên. Lúc đầu tôi không để ý, sau thấy hình như cha này ghen. Vợ tui chú mày chỉ được nhìn không được tán.
         
Đến trưa thì hai vợ chồng chủ tiệm đi về, một ngày cày bao nhiêu đó đủ rồi, giao quán lại cho người làm. Bà chị phụ trách phần quản lý ca chiều này khoảng năm mươi ngoài, sắc đẹp trung bình nhưng thích mặc đẹp, chắc cũng tốn nhiều tiền sắm quần áo. Không biết chị có họ hàng gì với bà chủ không, nhưng giữ của cho chủ kỹ lắm, không sót một đồng. Lâu lâu có khách quên trả tiền, chị chạy ra tận xe người ta ngoài parking đòi cho được. Nếu không thì hôm nào anh chàng đó trở lại, chị nhắc. Không bao giờ bỏ qua. Có lần tôi nói với chị, lâu lâu chị cũng nên giả bộ quên cho người ta nhờ, chủ đâu có la đâu mà sợ. Chị cười, đâu có được.
Chị này có một cái tật, khi nào đứng nói chuyện với đàn ông hình như chị bị ngứa, ngứa ở cổ ở bờ vai  ở trong ngực. Đôi lần mình đứng nói chuyện với chị, thấy chị tự nhiên lấy tay gải, gải gải bờ vai xong thọc tay vô ngực mằn mò cái gì trong đó không biết. Mình làm ra vẻ lịch sự ngó chỗ khác, ngó chị gải một hồi mình bị ngứa con mắt.
Trong quán cũng có một anh thanh niên tuổi hơn ba mươi ngoài, anh chàng này có cái tật nói chuyện với gái thì hai bàn tay cứ thọc vào trong áo mằn mò cái bụng, lâu lâu vén cái áo thun lên khoe hàng, khoe gì không khoe khoe cái bụng phệ.
   
Không gian của quán cà phê này thích hợp cho mấy ông xồn xồn hoặc mấy ông già thích ra ngồi đây nói chuyện ngày xưa. Không vì thế mà mấy cô tiếp viên không ngần ngại mặc đồ hở trên hở dưới. Hình như đó là một qui luật bất thành văn ở đây, hễ đi làm quán cà phê là phải ăn mặc mát mẻ. Có một cô hãy còn trẻ và đẹp nhất quán, mặc dầu cái nhan sắc đó cũng đã tốn rất nhiều tiền. Cô thường mặc áo nếu không hở lưng thì cũng hở bụng. Chiếc quần short thật ngắn để lộ cái hình xăm phía sau mông. Khi nào cô đứng gần tôi hay nhìn cái hình xăm đó, tôi không biết đó là cái hình xăm gì vì nó để lộ có phân nửa, phân nửa kia thì bị cái quần che mất. Nhưng tôi thấy cái hình xăm đó không đẹp, và thường thắc mắc sao lại đi xăm ở chỗ đó. Có một ông khách hơi lớn tuổi có vẻ như thích cô ta, thỉnh thoảng thấy hai người nói chuyện rù rì hoặc cười giỡn một cách tương đắc.

Trong quán đôi lúc cũng thấy có khách Mỹ, không biết mấy ông Mỹ này thích cái gì trong quán cà phê Việt Nam này, bởi vì ông nào vô đây cũng thấy ngồi một mình không nói chuyện với ai. Có một ông khách Mỹ, ông hay đến quán lúc giờ ăn trưa, nhìn ông mà tôi không thể đoán tuổi, gương mặt thì trẻ mà bộ tướng hơi già. Ông thích một cô làm trong quán, khi nào đến cũng có quà, khi thì một cái bánh ngọt (đựng trong hộp đàng hoàng), khi thì một món quà nho nhỏ như cái khoen để xâu chìa khoá. Có lần tôi nói với cô gái, cháu thử hỏi ổng có vợ chưa. Cô nàng cười ngất, thôi chú ơi! hỏi vậy rồi ổng tưởng lầm mình có ý gì với ổng.
         
Khách đến quán cà phê thường là đàn ông, thỉnh thoảng cũng thấy có mấy cô gái trẻ đi chung với bạn trai. Nhưng trong quán tôi thấy có hai bà đến thường xuyên, một bà đến vừa uống cà phê vừa cạo số. Tờ giấy số hai chục đồng, bà cạo hết tờ này tới tờ khác. Nhìn bà hào hứng... cạo... thấy cũng mê. Có một bà khác cũng thỉnh thoảng đến quán cà phê cạo số giải buồn. Bà chị này ngon hơn một bực, mua số một lần mấy trăm đồng ngồi cạo chơi. Tôi tưởng bà qua đây đã lâu, sau mới biết là bà qua Mỹ mới có sáu tháng.  Lần nào đến quán, thấy tôi là chị đến ngồi gần bên tâm sự... người già.  Bà chị này mới qua mà xài tiền toàn giấy một trăm. Bắt ham.

Trong quán có ba bốn ông khách, chắc cũng đến tuổi nghỉ hưu, ngày nào cũng hẹn nhau ra quán, uống cà phê là chuyện phụ, bàn chuyện thời sự mới là chuyện chánh. Có một ông, khi nói một vấn đề gì, thường đưa mắt liếc người chung quanh, ông chia xẻ vấn đề với mấy người bạn ngồi chung bàn chưa đủ, ông muốn mọi người xung quanh tán thành lời ông nói. Và dĩ nhiên mấy ông này không tránh khỏi bàn chuyện tranh cử tổng thống Mỹ sắp đến. Bốn ông chia hai phe, hai ông thì chống Trump hai ông thì "cuồng Trump". Huề.
Phe chống Trump thì nói lần này Trump phải xuống, thăm dò mới nhất cho thấy cả ông Bernie Sanders và ông Joe Biden đều dẫn trước ông Trump rất xa. Nếu bầu cử diễn ra ngày hôm nay (tháng 6/2019) Trump sẽ thua.

(Tôi nghĩ bụng, ngày đó còn lâu. Trước đây giới truyền thông đều nói bà Hillary Clinton chắc chắn sẽ thắng cử. Vậy mà thua mới đau. Tôi cứ tiếc rẻ hoài cho bà Hillary, bởi vì bà đã không ghi được một kỳ tích cho lịch sử nước Hoa Kỳ, một ngàn năm nữa chưa chắc gì có. Chồng làm tổng thống, vợ làm tổng thống, người đàn bà đầu tiên làm tổng thống cường quốc hàng đầu thế giới).

Tôi nhìn lên màn hình trên tivi treo trên vách trong quán cà phê, ông Bernie Sanders đang hô hào vận động tranh cử. Tôi thấy dáng ông có vẻ hơi khòm (ông già cúp bình thiếc), vậy mà vẫn còn hăng say  giấc mộng bước vào nhà trắng. Ông Joe Biden cũng già không kém, đầu tóc bạc phơ. Cả ba ông Trump, Sanders và Biden đều trên bảy mươi, đúng là thời của mấy ông già chống gậy.
Tôi ở Mỹ đã lâu, trãi mấy đời tổng thống Mỹ, chưa thấy thời nào vui như thời ông Trump, ngày nào trên truyền thông cũng thấy hai phe đấu đá nhau loạn xị. Nội các của ông Trump cũng không ổn định, nay thấy đổi người này, mai thấy thay người kia. Tổng thống Trump thì lúc nào cũng bị người ta đòi bắt nhốt. Bà Nancy Pelosi còn nói cứng hơn: "tôi muốn nhìn thấy ông Trump đi tù khi ông còn đang tại chức".
Tổng thống Trump cũng không vừa, trước đây khi tranh cử ông thường nói bà Hillary Clinton đáng phải đi tù. Mặc dù sau đó khi thắng cử ông nói, tôi tha cho bà Hillary, tôi không bỏ tù bà đâu, tội nghiệp bà, bà chịu đau khổ đã nhiều. Nhưng đừng tin những gì mấy ông mấy bà làm chính trị nói, họ có thể đổi trắng thay đen một sớm một chiều. Giờ đây lâu lâu ông Trump lại dọa bỏ tù bà Hillary, chắc là ông thấy bà và phe bà còn rất mạnh.

Hết chuyện nước Mỹ mấy ông xoay qua chuyện Việt Nam, tin tức sốt dẻo nhất hiện thời là sức khỏe ông tổng Trọng. Thì cũng chỉ là những lời phỏng đoán đang tràn lan trên báo, ông nào cũng đoán là ngày giờ ông Trọng nhường ngôi đã điểm, và dĩ nhiên người kế vị phải là người Hà Nội.

Tôi nhớ có lần đọc trên blog của ông "5xu", ông nói vì tính cách phân bổ địa lý và dân cư của nước Việt Nam có phần đặc biệt, thể chế thích hợp và lý tưởng cho nước Việt Nam là nên theo chế độ liên bang. Ông vẽ bản đồ phân nước Việt Nam thành những vùng những bang khác nhau. Mới đọc qua tôi thấy tức cười, cái ý này chắc chỉ mình ông nghĩ như vậy. Nước Tàu to đùng, người dân nói năm bảy thổ ngữ khác nhau còn chưa tính đến chuyện phân bang.  Nhưng có lúc nghĩ lại, thấy lời ông nói không phải là không có lý. Lịch sử nước Việt Nam là lịch sử của nhiều lần phân tranh Nam Bắc. Nay Hà Nội thắng, thủ đô dời ra Hà Nội, mai kia phe miền Trung thắng, thủ đô dời xuống Đà Nẳng. Vài trăm năm nữa, có một ông Gia Long thứ hai, thủ đô về lại Sài Gòn.

Sao mấy ông Hà Nội không cho mấy anh em miền Trung miền Nam chút quyền riêng quyết định chuyện của địa phương mình. Sao mấy ông ở trung ương không cho người địa phương được tự do chọn người địa phương để lo ba cái việc nhỏ nhỏ của địa phương mình. Có đâu việc lớn việc nhỏ gì ở tuốt Cà Mau cũng phải hỏi ý kiến tận ngoài Hà Nội. Khi nào thủ đô bật đèn xanh thì mấy ông mới được làm.

Thôi tôi đi về, hôm nay nghe thiên hạ chém gió nhiêu đủ rồi, hẹn mai tiếp. Hồi tôi đi học, ông thầy dạy toán nói một câu ngoài đề, có một việc nên tránh là không nên tranh luận các vấn đề thuộc lãnh vực tôn giáo và chánh trị. Tôi thì không phải là người cuồng tín, cũng không phải là người theo đảng phái nào, đối với tôi "dân chủ" hay "cộng hoà" thì cũng vậy thôi, cũng giống nhau thôi.

Đầu óc tôi liên tưởng đến một ông thầy khác, ông thầy dạy Việt văn hồi tôi học trung học, bữa đó ông nói một câu không có trong sách giáo khoa, "ở đời, nhiều khi ở hiền nhưng không gặp hiền. Ở ác nhưng không gặp ác". Đã hơn năm mươi năm qua, lời hay ý đẹp khuôn vàng thước ngọc tôi không nhớ, lại nhớ một câu không có trong sách vở. Làm như đó là một sự thật không thể phủ nhận.


Sunday, June 16, 2019

NGÀY GIỖ CHA



Ý Ngôn


Cậu Tình mở cửa rào bước vào trong, con vàng chạy ra mừng, nó biết người nhà không sủa, cô Năm khen nó khôn. Cô từ nhà sau bước ra điệu bộ lăng xăng mừng thằng em:

"Cậu mợ nó mới về tới hả? Sao không điện cho chị biết, ủa có thằng Hai đi nữa nè! Chà bữa nay cao nhồng, nghe nói mầy sắp lấy vợ phải không?".

Thằng cháu cười hề hề vỗ vai cô nó:

"Dạ, ba má con tính tháng Chạp này, cô Tư cô Năm nhớ đi họ nghe! Cô diện cho đẹp đẹp có quay phim chụp hình nữa đó".

Cô Tư từ nhà sau chạy ra mừng vợ chồng thằng em và thằng cháu.

"Chị Tư đang làm gì ở dưới nhà bếp vậy?" Cậu em út hỏi bà chị thay lời chào.

"Nãy giờ chị với dì Năm nó lui cui sửa soạn lá chuối, đậu xanh để lát chiều gói bánh ít mai đám giỗ ba, chị hầm xương lấy nước ngọt mai nấu súp măng cua".

Cậu Tình nói với bà chị:

"Kỳ này làm cho xôm tụ nhe, chị đãi khách mấy bàn, em tính đặt thêm một con heo quay".

"Vậy đi đặt liền đi, chị mời bà con với lại lối xóm người lớn con nít cũng phải năm bàn,  mà cậu với mợ nó ăn uống gì chưa".

"Ăn dọc đường rồi, để em đi một vòng lát về". Cậu em trả lời bà chị, rồi anh quay sang nói với vợ:

"Má nó xuống bếp coi có gì phụ mấy cô nó một tay, tui đi chút về"

Cô Tư nói với đứa em dâu:

"Thôi khỏi, mợ nó có mệt lên giường nằm nghỉ".

Cậu Tình là con trai út thầy ký Thiệt. Năm 1975 thầy Thiệt làm thơ ký trong toà hành chánh tỉnh, "giải phóng" về thầy đành chịu trận ở nhà nhìn xóm làng thay đổi từng ngày. Hai thằng con trai lớn của thầy đi lính địa phương quân ở Đồng Tháp giờ cũng về nhà nằm chèo queo. Hai đứa con gái của thầy là Cô Tư và cô Năm, là giáo viên trường tiểu học nên được "lưu dụng" cho đi dạy tiếp tục, nhờ vậy gia đình mới có gạo mà ăn trong thời buổi khó khăn. Cô Năm không có chồng, từ lâu sống với gia đình chị mình là cô Tư, trong căn nhà của cha mẹ để lại ở vùng ngoại ô xã Vĩnh Phước này. Hai chị em cô nay cũng đã nghỉ hưu.
Cậu Tình đến quán chuyên bán gà vịt quay của chú Ba Hỏn đặt quay một con heo sửa, xong cậu ghé qua thăm một người bạn học hồi nhỏ. Hai người dẫn nhau ra quán cà phê ngồi nhắc chuyện xưa, lúc về cậu không quên ghé mua một ít trái cây để lên bàn thờ cúng ông bà.
Về đến nhà thì gặp hai người anh của cậu từ nhà của họ ở gần đó ghé qua, mấy anh em kéo ghế bày tiệc nhậu trước sân nhà. Cô Năm từ nhà sau bước ra tay bưng dĩa thịt gà xé phai đặt xuống bàn, cô kéo ghế ngồi xuống tự động lấy ly rót bia cho mình không đợi mời, hôm nay cô vui quá muốn lai rai ba sợi với anh em nói chuyện đời. Cậu em nói với bà chị:
   
"Nghe chị Tư nói mấy chị tính sửa nhà, ngon nghe, lên lầu luôn đi. Em thấy xóm mình giờ toàn nhà lầu, mỗi lần về là mỗi lần thấy lạ"

"Chị Tư muốn sửa cái bếp cho rộng, chỉ giờ thích nấu nướng ngày tối ở dưới bếp, còn chị thì muốn sửa lại cái nhà tắm, giờ nhà nào cũng xây nhà tắm kiểu mới, bước vô thấy mê".

"Hồi nãy em đi ngang nhà bác Tám Trọng, thấy giờ là nhà lầu mới cất mà hình như người nào lạ ở chớ không phải chị em Ngọc Nga"

Ngọc và Nga là hai chị em con bác Trọng, nổi tiếng xinh đẹp nhất xóm vậy mà thời đó khổ quá đi theo người ta bán bia ôm.

"Sau khi chị Nga đi Mỹ thì chị Ngọc bán nhà theo mấy đứa con dọn về Sài Gòn ở lâu rồi"

"Chị Nga đi Mỹ?"

"Hồi xưa lúc chị Nga đi bán bia ôm có quen một ông khách Việt kiều, nhè đâu mang bầu đẻ được thằng con trai. Vậy mà ông đó nhìn con, lâu lâu gởi tiền cấp dưỡng, chừng nó được mười tuổi thì ổng về làm giấy tờ dẫn nó qua Mỹ. Vậy mà nó không quên mẹ, nó thương má nó lắm, giờ nó lớn làm giấy tờ lãnh má nó qua".

"Đúng là người ta có số"

"Hôm trước chị Nga có về chơi, đi mới có mấy năm vậy mà về thấy khác hẳn, ai cũng khen chỉ đẹp. Hỏi chị qua bển làm gì, chị nói buổi sáng thì rửa đít con nít buổi tối rửa đít ông già".

"Rửa đít ông già?"

Cô Năm cười xoà.  "Đi săn sóc người già". "Chị Nga thì lúc nào cũng nói vui tếu tếu. Chị ở với vợ chồng thằng con trai, chị không dám lái xe nên ở nhà giữ trẻ. Buổi sáng chị giữ ba đứa con nít, coi chừng tụi nó cho tới chiều cha mẹ tụi nó tới đón về. Buổi tối chị làm thêm tới nhà một ông già, cho ông ăn rồi đi tắm cho ổng. Chị nói ông già này nhõng nhẻo lắm, ai ổng cũng không chịu, nhất định chờ chị tới tắm cho ổng. Chị nói hồi trẻ mình chuyên tắm cho trai, giờ lớn tuổi chuyên tắm ông già".

Thằng Hai con cậu Tình đi dạo xóm về tới, gặp hai bác nó xáp lại bàn  ngồi nhậu.

"Sẵn dịp có hai bác ở đây con mời hai bác đi đám cưới của con, tháng Chạp này"

"Nhà bên vợ mày ở đâu? Nó có đi làm không?"

"Cha mẹ vợ con ở Thủ Đức, vợ con thì đi làm kế toán cho một công ty sản xuất bao bì thực phẩm"

Cậu Tình nói với hai anh:

"Đám cưới tụi nó lo hết, mình chỉ mặc đồ đẹp cho tụi nó quay phim chụp hình.
 
Mấy anh em thắp nhang đứng trước bàn thờ khấn vái. Cậu Tình nói nho nhỏ: "Hôm nay là ngày đám giỗ ba, mấy anh em con có làm mâm cơm, mời ba má về ăn với tụi con, con có mua thịt heo quay cho ba, nhớ hồi xưa ba thích ăn thịt heo quay lắm".
Cô Năm chợt ứa nước mắt khi nghe thằng em mình nói. Cô không ngờ nó cũng biết chuyện ba lúc còn sống thích ăn thịt heo quay. Lúc đó nó còn nhỏ xíu vậy mà cũng biết chuyện.
Mấy năm sau cuộc "đổi đời", ba cô vì lo buồn mà sanh bệnh đau bao tử. Thời đó đâu có thuốc men, uống ba cái thuốc Nam cầm chừng. Tối tối ba đau quá, ngủ không được ông cứ đi tới đi lui trước hàng ba sáng đêm. Cô Năm không bao giờ quên vẻ mặt của ba mình lúc đó, nhăn nhó đau đớn vì bịnh mà còn mang thêm một nỗi buồn vì thời cuộc. Nhưng ông cắn răng mà chịu, không khi nào than thở trước mặt con cái.
Cô Năm nhìn thằng em trai út, ngày lớn nó giống hệt ông già. Cô muốn nói "em cũng biết là  ba mình hồi đó thèm một miếng thịt heo quay lắm mà nhà mình  không có tiền mua", nhưng cô xúc động quá nói không được, nước mắt tuôn ào ào.









Sunday, June 2, 2019

LỘNG GIẢ THÀNH CHƠN



Nguyễn Thạch Giang

Sau hơn ba mươi năm bôn ba nơi xứ người, tôi trở về quê thăm lại cái xóm cũ nơi mình đã một thời khôn lớn. Gặp lại người quen ai cũng hỏi sao tôi đi lâu quá không thấy về. Có người thì nói tôi bây giờ thấy lạ quá nhìn không ra, nhớ hồi xưa đẹp trai lắm mà... sao giờ già quá vậy. Có người thì nói tôi ở Mỹ lâu quá mà vẫn còn ốm nhách đen thui. Tôi cười trừ. Nghĩ trong bụng đã đành dân Mỹ có vấn nạn ngày một béo phì, nhưng đâu phải ai ở Mỹ lâu ngày rồi cũng mập. Đã đành người ở xứ nhiệt đới sang Mỹ lâu ngày thì da trắng ra, nhưng đâu phải ai cũng vậy, có nhiều người ở Mỹ hàng trăm năm mà da vẫn còn... đen thui.

Tôi đến thăm Nhung, người bạn gái thân mến của tôi ngày nào mà có lúc bạn bè đồn đoán là tôi sắp cưới nàng. Nhung nhỏ hơn tôi mấy tuổi, ngày ấy nàng là gái mới lớn xinh đẹp con nhà giàu. Ba nàng làm trưởng ty Tài chánh trong toà hành chánh tỉnh. Nhà có xe riêng và tài xế, mỗi khi chị em nàng đi ra đường ai nhìn cũng trầm trồ, con trai thì bảnh bao mà con gái thì xinh đẹp.
Đến thăm Nhung, nàng vui lộ ra mặt.

-Tưởng anh chê em nghèo không thèm đến.

Nhung vẫn vậy, vẫn như ngày nào ăn nói xởi lởi, miệng bằng tay tay bằng miệng. "Ông xã em chết hai năm rồi, đụng xe chết không kịp trối. Thằng con trai có vợ, đứa con gái thôi chồng, hiện tụi nó ở chung với em, chưa có tiền ra riêng. Cha con vợ chồng tối giăng mùng nằm sắp lớp dưới gạch. Ở chung chật chội nhưng tiết kiệm được tiền, em sẵn dịp coi chừng cháu ngoại cháu nội cũng tiện".

Nhìn căn nhà nhỏ tí đồ đạc chất lung tung thấy cũng tội cho cô nàng một thời con nhà giàu. Ngày trước má nàng có lần than với tôi. "Tiền bạc có bao nhiêu bác trai đều mua công khố phiếu, lúc lộn xộn chưa kịp lấy ra thì mấy ổng tới. Mất trắng. Vàng có bao nhiêu lo cho mấy đứa đi vượt biên, đi năm lần bảy lượt không đứa nào đi thoát, giờ trắng tay đành cam chịu chết".
Rất nhiều năm đã qua, tôi vẫn không quên được vẻ mặt buồn bả của bác gái mẹ Nhung lúc đó. "Thôi đành chịu chết!". Không còn lời than van nào thê thảm hơn.

- Nghe đồn anh vẫn chưa vợ?

Nhung vừa nói vừa cười hóm hỉnh. Không hiểu nụ cười của cô nàng có ngụ ý gì.

- Hồi trước ai cũng đồn anh với em. Nếu mà "giải phóng" chưa vô thì mình đã thành vợ chồng rồi phải không anh. Trong nhà em ai cũng mến anh. Lúc "đổi đời" anh thân sơ thất sở cù bơ cù bất nhưng ba má em đâu có chê, anh mà tới ngõ lời thì ba má em cũng chịu. Vậy mà anh không tới, rồi anh đi vượt biên qua tới Mỹ mấy năm trời không một lời hỏi thăm.

Lời cô nàng như có vẻ hờn trách. Tôi hỏi thăm tình cảnh mấy anh em của nàng.
 
- Lúc tài sản tiêu tan mà trong nhà không đứa nào đi được ba em buồn lắm, ổng sanh bịnh rồi qua đời. Má em bươn chải kiếm tiền nuôi gia đình, phần buồn phần cực khổ nên cũng chết sớm. Căn nhà ba má em để lại bán chia mỗi đứa một ít làm vốn. Anh Đông lên Sài Gòn sống lâu rồi, nhà ở miệt Quang Trung Gò Vấp, ở trên đó coi vậy cũng dễ sống, chớ còn ở đây không biết làm gì ăn. Con Thi ở bên chồng trong Rạch Giá, nhà có ghe đánh cá. Thằng Phú mở quán cơm bình dân bên phường hai sống đắp đỗi qua ngày.
 
Nghe nàng nói tôi cũng động lòng, muốn giúp đỡ nhưng tôi nghèo quá. Tôi là một người không nên thân.

- Anh về đây chơi rồi có định tìm vợ không?

Tôi bật cười. "Còn trẻ không lấy, tuổi này lấy vợ làm gì? Mà cũng ngộ, đi đâu ai cũng đòi làm mai, có người giới thiệu cho mấy cô trẻ măng chưa tới bốn chục".

- Anh chọn được cô nào chưa?

- Thôi! Ở vậy cho nó lành.

Mấy ngày sau Nhung gọi điện thoại cho tôi, nàng có một chuyện rất quan trọng muốn nói với tôi trước khi tôi về Mỹ. Nhung có đứa con gái thôi chồng có hai con, thằng con trai mười bốn, đứa con gái mười hai tuổi. Nhung nói thẳng không cần vòng vo. "Hay là anh cưới con gái em đi, nó nết na thuỳ mỵ, lanh lợi giỏi giang lo cho chồng cho con, nó cũng đẹp gái. Anh lấy nó để có người chăm sóc cho anh lúc tuổi già".
Tôi thật bất ngờ với lời đề nghị của Nhung. Tôi cũng hiểu không phải nàng lợi dụng. Tôi không nghĩ nàng mượn đường. Hôm trước nghe nàng kể làm tôi xúc động mấy ngày. "Lúc nghe hàng xóm nay người này đi mai người kia đi được, ba em nôn nóng lắm mà không biết làm sao. Má em tối nào cũng đọc kinh cầu nguyện hàng giờ, má cầu xin ơn trên cho có đứa nào đi được. Ngày qua ngày mình thì chẳng thấy một cơ hội nào, mà người ta thì đi rần rần... người này đi theo diện con lai, người kia đi diện H.O. Người nọ đi diện bảo lãnh. Người ta đi rần rần mà mình thì đành cam chịu chết ôm nỗi buồn xin nhận nơi này làm quê hương".

 Tôi thật bối rối không biết tính sao. Thôi thì, người ta thật lòng với mình thì mình cũng hãy thật lòng với người ta.

- Em à, nếu anh lấy vợ được anh đã lấy từ lâu rồi.

Tiếng Nhung cười khúc khích bên kia đầu giây. "Em nói cái này anh đừng giận nhe!".

Tôi thường "kỵ" mấy người ăn nói rào trước đón sau. Nếu sợ người ta giận thì đừng nói.

- Mấy đứa bạn tụi nó đồn anh pê đê.

- Trời đất! Biểu đừng nói mà cũng nói. Em biết anh như vậy mà cũng nói thương anh, muốn gã cho anh.

- Em thấy mấy "người gay" cũng lấy vợ đẻ con được vậy anh. Em thương anh thiệt tình chớ! Người anh toát ra một vẻ gì rất thu hút!

- Thiệt hả? Thu hút ở cái vẻ "dẹo dẹo" phải không?

Cô nàng cười ngất. "Em thích cái lối nói chuyện tưng tửng của anh. Nghe tin anh vẫn còn độc thân, em cứ ngày tưởng đêm mơ một ngày nào đó anh sẽ về đây..."

- Em ơi em! Em làm ơn cho anh xin hai chữ bình an.


***

Tôi có người bà con trong Rạch Giá, nghe tôi về nhắn tôi vô đó chơi sẵn dịp anh ta dẫn tôi đi Hà Tiên Phú Quốc. Tôi tình cờ gặp lại thằng Tứ hôm đi ăn "bún Kiên Giang" trong nhà lồng chợ Rạch Giá. Nó cũng ở San Jose, tôi quen nó hơn hai mươi năm về trước khi hai đứa đi làm trong hãng điện tử. Nó giống tôi ở chỗ ưa cờ bạc với lại cá độ football. Nó đi ăn với một người đàn bà trẻ, tôi hỏi nó "vợ mày hả". Nó kề tai tôi nói nhỏ "không phải, bồ". Thằng này vui, lấc xấc như con nít. "Mày không sợ vợ mày ghen à?". "Tui đâu có vợ đâu cha!".

Vậy mà tôi tưởng nó có vợ con đùm đề.

- Mày mấy tuổi?

- Tui sanh năm 68 Mậu Thân. Ông biết mà.

- Sao mày không lấy vợ? Đi chơi tòn teng như vầy hoài sao?

Nó bước tới kề tai tôi nói nhỏ. "Tui gặp gì đâu không! Người mình thích thì nó không chịu, người thích mình thì mình không muốn. Tui mới quen con nhỏ này, cặp bồ đi chơi thôi chớ không tính chuyện tiến tới. Nó cũng ham vui, không muốn ràng buộc".

Ngày hôm sau thằng Tứ điện thoại rủ tôi đi qua Campuchia chơi casino.

- Mày ở Mỹ chơi casino không đã sao về đây còn đi? Mà chơi ở Campuchia có an ninh không? Tao không dám đâu.

- Con nhỏ bồ của tui nó thích đi, tui dẫn nó đi chơi chừng vài ba tiếng rồi về.

- Mày đi qua đó bằng cách nào?

- Tui mướn xe lái đi.

- Mày dám lái xe?

- Lúc đầu không dám, sau lái đại, mà đường ở đây vắng vẻ dễ đi lắm.

- Từ đây qua đó đi bao lâu?

- Hơn hai tiếng, qua khỏi Hà Tiên đậu xe nơi biên giới có người dẫn mình qua.

- Thôi! Tao không dám đâu!
 
- Vậy ra quán cà phê ngồi chơi.

- Okay.

Tôi ra quán cà phê gặp thằng Tứ. Nó nói nhà ba má nó trước kia ở đây (Rạch Giá), căn nhà vẫn còn giờ để trống không ai ở. "Bà chị lớn tui còn ở đây, nhưng bả có nhà riêng, mỗi lần tui về đây chơi ở nhà của bả, chỗ đó khu thị tứ, gần chợ đi ăn uống gì cũng tiện".

- Mày về đây chơi thường lắm hả?

- Từ lúc má tui bịnh tui nghỉ làm ở nhà săn sóc bả. Má tui chết hai năm rồi, lúc gần chết bả chỉ chỗ bả dấu tiền cho tui biết. Má tui để dành tiền hay lắm, trong nhà đâu ai biết bả có mấy chục ngàn tiền mặt. Mấy bửa đám ma lu bu không ai để ý, tui nín luôn. Mà tui nghĩ tiền đó má tui cho tui, mà anh chị tui người nào cũng khá đâu ai cần.

- Rồi mày lấy tiền đó về đây chơi cho đã.

- Ừa, chừng nào hết về bển đi cày tiếp. Thầy bói nói số tui tuy  không giàu nhưng có tiền xài hoài, hết này có khác.

- Thầy bói nào ở đâu mày chỉ tao tới đó xin một quẻ.

- Căn nhà của ba má tui để lại giao chị tui đứng tên, má tui trăn trối phải chia phần cho tui. Má tui thương tui nhứt nhà, bả nói tui khờ sợ tui khổ. Chị tui chồng tiền cho tui 500 triệu, dứt khoát tui không được tranh chấp về căn nhà đó nữa.

- Bởi vậy mày đâu cần đi làm.

- Căn nhà ông anh tui đang ở, má tui có phần hùn "tiền down", bả nói với anh tui khi nào bả chết tiền đó cho tui. Anh tui dứt khoát đưa tui 30 ngàn, tui không có quyền gì trong căn nhà đó nữa. Nhưng ổng nói tui hơi khờ lại mê cờ bạc, mày về Việt Nam gái nó dụ ăn hết. Ổng giao bà chị bên Việt Nam cất dùm, bỏ nhà băng một tỷ, tui chỉ được lấy tiền lời không được lấy tiền vốn.

- Công nhận số mày sướng, cả nhà xúm lại lo cho mầy.

Bỗng tôi chợt có ý nghĩ... chắc là  do trời xui đất khiến, tôi nói với nó:

- Người bạn gái hồi xưa của tao có đứa con gái chừng 36 tuổi, thôi chồng có hai đứa con. Về sắc đẹp thì khỏi nói, trên trung bình xa một khúc, tánh tình hiền hậu một lòng lo cho chồng cho con. Nấu ăn ngon hơn đầu bếp nhà hàng. Tao thấy chỗ này cũng được, bữa nào mày ra nhà tao chơi, tao dẫn mày tới coi mắt, nếu thấy được tiến tới luôn.

Thằng này bỗng chu chu cái mỏ thấy ghét.

- Ba mươi sáu có hai con! Biểu con nhỏ đó kiếm người già cở như ông thì họa may. Ở đây người ta giới thiệu cho tui thiếu gì, gái hai mươi còn nguyên xi chưa bóc tem.

- Mày 50 bộ còn trẻ hả? Lấy gái hai mươi cho nó bỏ mày cho lẹ, nếu không thì cũng đi ra ngoài ăn vụng. Cưới vợ thì người ta kiếm chỗ đàng hoàng tính chuyện ăn đời ở kiếp.

- Mà con nhỏ đó làm gì? Có tài sản tiền bạc gì không? Tui không thích lấy vợ nghèo, tui đã dở kiếm tiền, lấy con vợ nghèo về nhà hai đứa cạp đất ăn.

Thằng này về Việt Nam chơi hoài hèn gì nó cũng biết câu nói để đời của nữ hoàng đồ lót.

- Mày đâu có nghèo mà kiếm vợ giàu, gặp mặt người ta rồi tính sau. Okay?

 Tôi cắt ngắn buổi đi chơi Phú Quốc, lẹ lẹ về thu xếp cho một cuộc hôn nhân mà trước đây mình chưa bao giờ nghĩ tới. Thằng Tứ đúng hẹn thuê xe ra nhà tôi chơi sẵn dịp coi mắt vợ. Tôi dẫn mọi ngựời ra nhà hàng ăn cho tiện. Về nhà tôi hỏi nó:

- Mày thấy sao? Ngày xưa người ta là con nhà quan đó nhe.

- Thấy cũng được, ăn nói vui vẻ, tướng ngon.

Khi nào tôi nhìn đàn bà, tôi chú ý gương mặt trước nhất. Mà cái sóng mũi hàng đầu, đàn bà mà có cái mũi xẹp, nhan sắc giảm một nửa. Thứ nhì hàm răng, không hiểu sao tôi có cảm tình với đứa con gái có hàm răng trắng đều như hạt bắp. Còn cái thằng này nhìn gái, "tướng ngon".

- Nhưng tui chưa tính lấy vợ, đi chơi cho đã khi nào hết đường rồi mới tính. Có mấy mối biểu tui làm giấy tờ họ trả tui 50 ngàn mà tui chưa chịu, có thể tui sẽ làm khi nào tui hết tiền.

Vậy mà anh chị nó nói nó khờ! Được rồi, được rồi, mày khôn thì tao cũng có cách.
Tôi suy nghĩ mấy hôm liền. Mình thuộc loại nhà nghèo ở Mỹ. Tiền để dành dưỡng già trong 401k có chút xíu, giờ lấy ra chung cho nó 50 ngàn, mai mốt về già mình có nước cạp đất ăn. Nhưng quan trọng hơn hết, tôi không dám làm giả, làm cái gì gian dối tôi hơi bị run. Tôi gọi điện thoại cho thằng Tứ, uốn lưỡi năm bảy lần, dùng đủ mọi cách dụ dỗ nó cho nó chịu cưới con nhỏ đó. Nhưng chắc tại tôi không có tài "làm thuyết khách", nó vẫn khăng khăng nhất quyết 50 ngàn. Vậy mà anh chị nó nói nó khờ. "Người ta đi có một mình, đằng này con nhỏ đó đi với hai đứa con. Lời thấy mẹ. Tui hy sinh đời trai có 50 ngàn đâu có nhiều". Thằng này mê tiền hơn mê gái. Nghe nó nói hy sinh đời trai... nghe mắc ói.

Mấy ngày sau tôi gọi điện thoại cho nó "mặc cả" cho cuộc hôn nhân...  theo hợp đồng này. Tôi nói thiếu điều gảy lưỡi nó mới chịu điều khoản lấy trước hai chục ngàn, ba chục ngàn khi nào mọi việc xong xuôi trả góp. Điều thứ nhì, rất quan trọng, cái  hợp đồng này chỉ có tôi và nó biết. Tuyệt đối không nói cho ai nghe chuyện tiền bạc. Nó đồng ý nói okay vậy đi.
Tôi lật đật đến nhà Nhung báo tin mừng, người ta đồng ý...  cưới. Nhung không có nhà chỉ có Ngọc, là người sắp sửa làm cô dâu.

- Chào cậu Ba, cậu Ba Phải có khỏe không?

Tôi tên Phải thứ ba. Suốt mấy năm đi học tôi chưa từng  thấy đứa bạn nào tên Phải, còn người tên Phải thứ ba, chắc chỉ mình tôi. Cậu Ba Phải.

- Má con không có nhà hả? Thôi cậu nói chuyện với con cũng được.

Đây là một cuộc hôn nhân theo hợp đồng, nhưng ác một chỗ là cô dâu và nhà gái không biết. Mai mốt chàng rễ mà có lòng nào thì đừng buồn. Tôi lựa lời nói vòng vo.

- Lúc con thôi chồng con có buồn không?

- Dạ không, hai đứa con chia tay trong êm đẹp, giờ coi như bạn, ảnh thỉnh thoảng đến thăm mấy đứa nhỏ, tháng nào cũng phụ tiền cho con nuôi tụi nó.

- Cậu thấy anh Tứ này cũng được, tuy ham vui nhưng cũng là người đàng hoàng, nhưng cuộc đời mình đâu biết trước, có nhiều điều không ngờ được. Cậu hỏi vậy để sau này mà rủi có ly dị thì con đừng bị sốc.

- Ảnh bỏ con? Ông này tự tin dữ! Không chừng con là người bỏ ảnh trước.

Con nhỏ này ngon, có chí khí! Đâu phải nghèo rồi mình không có quyền ăn nói sang chảnh.

***

Mọi việc diễn tiến thuận lợi êm xui hơn tôi tưởng. Đám cưới chừng một năm thì cô dâu có hẹn phỏng vấn. Thằng Tứ bay về Việt Nam sẵn dịp đi chơi, vợ đậu phỏng vấn thì dẫn vợ con qua Mỹ luôn một lượt.
Tới ngày hẹn tôi hồi hộp còn hơn người được đi phỏng vấn. Vái trời cho đừng có gì trục trặc. Chờ lâu quá không thấy tụi nó gọi phone, tôi nghĩ chắc không xong. Sáng sớm còn nằm trên giường có tiếng điện thoại reo vang "Con báo tin cậu mừng, đậu phỏng vấn rồi cậu ơi!".
Tin vui khiến tôi mất ngủ, hết ngủ luôn! Không cách gì ngủ lại cho được. Rồi đây tôi sẽ còn mất ngủ dài dài, biết bao nhiêu chuyện phải lo.  Nhung nhắn gởi, nó như con anh, mọi sự mong anh giúp đỡ buổi đầu cháu bơ vơ nơi quê người.
Thiệt đúng y chang, thằng Tứ vịn cớ bận đi làm, mọi việc giấy tờ nhờ cậu Ba Phải giúp. Bởi vì tôi đã nghỉ hưu có nhiều thì giờ rỗi rãnh.
Tôi vẽ cho tụi nó đến nhà ông Ngọc mướn phòng, ông có xây thêm hai phòng phía sau nhà có lối đi riêng rất tiện. Chồng ở một phòng, vợ và hai con thì ở phòng kế bên. Hơi bị lạ nhưng không ai thắc mắc chuyện người ta. Chỉ có tôi và thằng chồng biết.

Một hôm giữa khuya có tiếng điện thoại reo vang, Nhung bên Việt Nam gọi. (Mấy người này vô tư không biết giờ này ... khuya).

- Có gì không em mà sao gọi giờ này?

- Vậy hả? Xin lỗi, em tưởng ở bển sáng rồi. Con Ngọc có bầu, nó hỏi em tính sao?

Trời đất! Thật là rắc rối cái sự đời, vợ chồng trên giấy tờ, vợ chồng ngủ riêng phòng ai nấy ngủ, nay vợ mang bầu. Thiệt là tình! Con nhỏ này là con tôi chắc tôi tức chết được. Sao mày không đợi ly dị rồi hãy có bầu. Trên danh nghĩa thằng  Tứ là chồng, đẻ con người ta bắt nó cấp dưỡng nó đâu có chịu.
Tôi tức mình ngủ không được, thức luôn tới sáng chờ con Ngọc thức dậy chửi nó một trận.

Tôi gọi phone lúc con Ngọc đang sửa soạn đi làm. Nó lật đật vừa lái xe vừa nói chuyện hối tôi nói ngắn gọn. Tôi vô đề thẳng (giọng giả bộ có hơi giận)

- Con có bầu.

- Vậy mà cậu làm như chuyện gì quan trọng lắm. Con có bầu chồng con chưa biết cậu biết.

- Hai đứa ngủ riêng sao có bầu? Con thằng Tứ hay con ai?

- Cậu ơi là cậu!  cậu có câu hỏi nào lịch sự hơn chút xíu được không.

Tôi có hơi nóng, nói chuyện có hơi không được bình tĩnh, tật lâu đời khó chữa.

- Má con nửa khuya gọi điện thoại cho cậu, nói con có bầu giờ tính sao, giữ hay bỏ, nghe vậy cậu tưởng con có bầu với người nào khác.

- Bà già thiệt là mau mồm mau miệng, mới đó gọi cho cậu biết. Bởi vì anh Tứ nói với con cậu với ảnh dàn xếp cho cuộc hôn nhân này, giả chớ không phải thiệt, ảnh đâu có tính ăn đời ở kiếp với con, con đâu phải là vợ ảnh, giờ lỡ mang bầu con chưa cho ảnh biết, định hỏi má con cho ý kiến.

- Thằng mắc dịch, nó hứa với cậu là giữ kín chuyện này vậy mà cũng đi nói cho con biết.

- Để con nói hết cho cậu nghe. Anh Tứ có cái tật, tối nào có chút bia rượu là ảnh mò vô phòng con bốc hốt. Mấy đứa nhỏ còn thức nó dòm. Con đi qua phòng ảnh cho ảnh trả bài, mà cậu ơi! Cái ông này 50 tuổi chớ trai 20 sợ còn thua ổng.

- Được được rồi con, cậu hiểu, không cần phải nói chi tiết.

- Ảnh đòi hoài con không cho, ảnh khai thiệt, nói cậu còn thiếu 30 ngàn, nếu không cho ảnh... vậy phải trả tiền cho ảnh. Con bật ngữa. Thì ra là vậy. Nếu ảnh lấy tiền của cậu, con phải tìm cách lấy lại, với lại cũng là để giảm bớt cái tần suất "bốc hốt" của ảnh, con nói mỗi lần em qua phòng anh tính năm trăm. Ảnh nói đi chơi gái trên San Fran, gái Tàu, gái Phi, gái Đại Hàn đẹp không có chỗ chê, mỗi lần tốn có hai trăm. Em gái hai con đòi năm trăm. Kỳ kèo bớt một thêm hai, cuối cùng con chốt giá ba trăm, mỗi lần qua phòng ảnh cho ảnh làm phận sự một người chồng, ba trăm.

Tôi tính nhẩm, thiếu nó ba chục ngàn, mỗi lần trừ ba trăm. Trả xong món nợ chắc con nhỏ này đẻ được ba đứa.

- Con ơi! Như vậy là ý trời. Con cho chồng con biết, nhứt định là phải giữ nhe không. Cậu có lời chúc phúc cho con đó.

Tháng sau thằng Tứ gọi phone cho tôi, mời cậu đi ăn buffet với tụi con, mừng con vừa được lên chức.  Chà thằng này bữa nay gọi tôi bằng cậu. Tưởng nó lên chức "làm cha" nhè đâu nó được lên chức làm leader trong hãng.

- Trong hãng mày làm khâu nào, mày làm xếp được mấy người.

- Tui làm khâu shipping, gói hàng đóng gói gởi đi cho khách hàng. Vừa mới đổi qua ca chiều, làm từ hai giờ chiều tới mười giờ rưởi đêm. Bận rộn buổi trưa làm cho kịp hàng đi gởi, từ sáu giờ chiều thì khỏe, xếp lớn xếp nhỏ đi về, mình làm tà tà.

- Mày làm xếp mấy người, lên chức có lên lương không?

- Chỗ tui có ba người, tui với hai bà già người Phi. Khi nào hãng có đợt review mới lên lương, giờ chưa.

- Tao tưởng mày hôm nay ăn mừng sắp lên chức "làm cha", thôi ráng đi ông con, mai mốt cho mày xếp quần xếp áo mệt nghỉ.

Cái mặt thằng này  bữa nay kênh kênh thấy ghét, tôi khều nó lại hỏi nhỏ.

- Mày làm hợp đồng với tao, vợ chồng giả, sao bây giờ mang bầu.

- Thì... lộng giả thành chơn.

Nó cười hê hê bỏ đi lấy đồ ăn. Bữa nay bày đặt xổ nhỏ. Vậy mà anh chị nó nói nó khờ.